Wednesday, February 10, 2016

Người dân Sài Gòn và Hà Nội trông đợi gì ở những bí thư mới?

Việt Hà, phóng viên RFA 2016-02-10  
000_Hkg4858040-622.jpg
Bí thư Hà Nội mới, cựu Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, là người gốc Trung Quốc, ảnh minh họa chụp trước đây tại Hà Nội. AFP
Vào ngày 4 tháng 2 vừa qua, chỉ vài ngày trước Tết nguyên đán, Tổng Bí thư đảng cộng sản Việt Nam Nguyễn PHú Trọng đã ký quyết định bổ nhiệm hai tân bí thư cho hai thành phố lớn nhất cả nước là Sài Gòn và Hà Nội. Hai vị tân bí thư đều là những người đã từng có thời gian dài phục vụ trong chính phủ và giờ đây nhận lãnh trách nhiệm về đảng ở 2 thành phố hai đầu đất nước. Người dân ở hai thành phố này kỳ vọng gì ở hai vị bí thư thành ủy mới?

Người Sài Gòn bất ngờ

Vào những ngày cuối năm, người dân Sài Gòn hơi bất ngờ khi nhận được tin Bộ chính trị đảng cộng sản Việt Nam đã bổ nhiệm ông Đinh La Thăng, nguyên Bộ trưởng bộ Giao thông vận tải về làm Bí thư thành ủy. Một sự ngạc nhiên có nguyên nhân sâu sa từ lịch sử của thành phố này từ lâu chỉ có người gốc Sài Gòn làm Bí thư thành ủy.
Tác giả Nguyễn Văn Bình trong một bài viết đăng trên trang Ba Sàm hôm 6 tháng 2 viết rằng ‘quá bất ngờ khi thấy Đinh La Thăng bỗng dưng được bổ nhiệm làm bí thư thành phố Hồ Chí Minh. Sài Gòn là đầu tàu kinh tế của cả nước, lại mang đậm sắc thái văn hóa mở và hào phóng của người miền Nam, nên đối với tôi việc bổ nhiệm một người gốc bắc lạ hoắc với dân Sài Gòn như Đinh La Thăng làm bí thư thành phố Hồ Chí Minh là một sai lầm chiến lược nghiêm trọng của Đảng cộng sản Việt Nam, vào thời buổi kinh tế và xã hội ngày càng mở và càng liên kết như hiện nay’.
Trường hợp đưa ông Thăng về làm Bí thư ở Sài Gòn là một phương án mới tinh và làm cho nhiều người ngạc nhiên. Người ta không ngạc nhiên về khả năng của ông Đinh La Thăng vì khả năng của ông đã được chứng minh ở Bộ giao thông vận tải.
-Phạm Chí Dũng
Theo nhà báo Phạm Chí Dũng thuộc hội nhà báo độc lập, một cư dân Sài Gòn, mặc dù việc ông Đinh La Thăng được bổ nhiệm làm bí thư thành ủy gây ngạc nhiên cho nhiều người nhưng lại được đánh giá cao.
“Trường hợp đưa ông Thăng về làm Bí thư ở Sài Gòn là một phương án mới tinh và làm cho nhiều người ngạc nhiên. Người ta không ngạc nhiên về khả năng của ông Đinh La Thăng vì khả năng của ông đã được chứng minh ở Bộ giao thông vận tải. Trong giàn bộ trưởng của ông Nguyễn Tấn Dũng thì ông Đinh La Thăng là một trong số hiếm hoi bộ trưởng có việc làm hiệu quả và cũng là một trong những người làm được công tác tổ chức ngay trong bộ mình còn đa số các bộ trưởng khác là đều không dám cách chức ai cả. Cho nên việc ông Đinh La Thăng vào Sài Gòn thì có thể là một tay kiếm để có thể trảm một số tiêu cực trong công tác tổ chức điều hành các sở ban ngành ở Sài Gòn.”
Ông Đinh La Thăng đã từng giữ chức Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải từ đầu năm 2011 đến đầu tháng 2 năm nay, ngay trước khi ông được bổ nhiệm chức vụ mới. Khi còn là Bộ trưởng, ông Thăng đã gây sự chú ý của báo chí và người dân với những tuyên bố được cho là mạnh mẽ ví dụ như ‘ Bộ trưởng là tư lệnh lĩnh vực ngành phải cho tôi toàn quyền. Tư lệnh ra chiến trường phải được toàn quyền quyết định chiến đấu, tiến hay lùi, nếu chờ xin phép thủ trưởng ở nhà thì sẽ lỡ cơ hội’. Để chứng minh cho lời nói của mình, ông đã gây bão trên báo chí ngay thời gian đầu nhậm chức Bộ trưởng khi quyết định thay ngay tổng chỉ huy công trình nhà ga hành khách sân bay quốc tế Đà Nẵng vào tháng 10 năm 2011 do chậm tiến độ. Tân ủy viên Bộ chính trị Đinh La Thăng hồi đầu tháng này, trước khi nhậm chức Bí thư Sài Gòn cũng ra quyết định cách chức Tổng giám đốc công ty cổ phần vận tải đường sắt Hà Nội vì mua toa xe đã qua sử dụng của Trung Quốc.
000_Hkg5486545-400.jpg
Bí thư thành ủy TPHCM, ông Đinh La Thăng, nguyên Bộ trưởng bộ Giao thông vận tải, ảnh minh họa chụp trước đây tại Hà Nội. AFP PHOTO.
Nhà báo PHạm Chí Dũng đánh giá việc đưa ông Đinh La Thăng vào Sài Gòn là một thâm ý từ Hà Nội muốn giảm tình trạng cát cứ địa phương ở Sài Gòn, nơi đã có một Bí Thư thành ủy là người Sài Gòn suốt 15 năm qua là ông Lê Thanh Hải, người đã tạo được nhiều dấu ấn phát triển cho Sài Gòn trong suốt hơn 10 năm qua. Theo ông đây cũng là một thách thức lớn nhất mà ông Đinh La Thăng phải đối mặt:
“Vấn đề địa phương chủ nghĩa tồn tại khắp Việt Nam nhưng mà ở Sài Gòn thì nó đã tồn tại suốt triều đại của ông Lê Thanh Hải kéo dài đến 15 năm. Đi tới đâu người ta bảo cũng thấy bong dáng của ông Lê Thanh hải, hay bong dáng của tập đoàn ông Lê Thanh hải. Đó là một thách thức lớn nhất của ông Đinh La Thăng, vì một người vừa làm chủ tịch vừa làm bí thư ở Sài Gòn suốt 15 năm thì đương nhiên đội ngũ nhân sự của người đó dải khắp các sở ngành, ban và tất nhiên là trong các thành ủy viên. Nên việc ông Thăng bước đầu vào đây có một mình mà nếu ông không biết trở thành một nhà làm chính trị, làm tổ chức trước khi làm kỹ trị thì có lẽ là ông ấy sẽ thất bại."

Bí thư Hà Nội muốn được lòng dân?

Khác với vị Bí thư mới Sài Gòn gây được chú ý trong dư luận với nhiều nhận định trái ngược nhau, Bí thư Hà Nội mới, cựu Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, người được bổ nhiệm cùng ngày với ông Đinh La Thăng, dường như không nhận được những bình luận tích cực cho lắm. Điều này xuất phát từ những bài viết trên các trang mạng lề trái từ lâu nay cho rằng ông Hoàng Trung Hải là người gốc Trung Quốc, nước láng giềng đang có tranh chấp về lãnh hải gay gắt với Việt Nam ở biển Đông.
Blogger Nguyễn Lân Thắng, một người Hà Nội, nhận định về vị tân Bí thư Hà Nội như sau:
Nếu có kỳ vọng gì về ông ấy thì tôi e là không vì ông Hoàng Trung Hải có làm gì thì ông vẫn là đảng viên cộng sản và chịu sự chi phối từ trung ương… Tất cả những việc ông làm cho Hà Nội thì tôi không kỳ vọng gì nhiều.
-Blogger Nguyễn Lân Thắng
“Sự kiện một ông bí thư mới của Hà Nội là ông Hoàng Trung Hải là người có những dấu ấn nhất định trên truyền thông trước đây và các tỳ vết về nguồn gốc của ông ấy. Có nhiều bài viết về quá trình làm việc của ông ấy cho nên thực sự là nếu có kỳ vọng gì về ông ấy thì tôi e là không vì ông Hoàng Trung Hải có làm gì thì ông vẫn là đảng viên cộng sản và chịu sự chi phối từ trung ương… Tất cả những việc ông làm cho Hà Nội thì tôi không kỳ vọng gì nhiều.”
Ông Hoàng Trung Hải, nguyên Phó Thủ tướng chính phủ phụ trách kinh tế bị các trang báo mạng lề trái lên án đã phá hoại ngành khai khoáng Việt Nam khi cho phép người Trung Quốc vào khai thác tài nguyên ồ ạt. Ông bị tố cáo có bố là người Trung Quốc. Trong khi đó làn sóng bài Trung Quốc tại Việt Nam đã lên rất cao trong những năm gần đây do những tranh chấp giữa hai nước ngoài biển Đông, điển hình là những vụ biểu tình rầm rộ tại Sài Gòn và Hà Nội của người dân phản đối Trung Quốc trong các năm qua. Đặc biệt nhất là vụ biểu tình phản đối Trung Quốc của khoảng 20 ngàn công nhân ở các khu công nghiệp ở miền Nam và miền Trung vào hè năm 2014 sau khi Trung Quốc đặt giàn khoan tại vùng biển tranh chấp giữa hai nước.
Những thông tin cáo buộc ông Hoàng Trung Hải chưa bao giờ được báo chí chính thống hay bản thân vị cựu Phó Thủ tướng đính chính.
Theo blogger Nguyễn Lân Thắng, ngoài ra vị tân Bí thư Hà Nội cũng sẽ phải đối mặt với một loạt các thách thức của Hà Nội như nạn ô nhiễm môi trường, tình trạng người dân khiếu kiện đất đai tập trung về Hà Nội ngày một nhiều tại các cơ quan trung ương đóng tại Hà Nội.
Ngay bản thân ông Hải trong bài phát biểu vào hôm 5 tháng 2 cũng thừa nhận rằng Hà Nội là vị trí trung tâm chính trị quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế, là động lực phát triển của đồng bằng sông Hồng và của cả nước nên ông ý thức được những đòi hỏi và nhiệm vụ hết sức nặng nề đặt ra cho cá nhân ông. Nhưng ông cũng hứa sẽ quyết tâm thực hiện công nghiệp hóa hiện đại hóa thủ đô.
Và như để cho dân chúng Hà Nội thấy quyết tâm của mình, vào ngày 30 tết vào lúc giao thông Hà Nội thường hay bị nghẽn do người sắm tết cuối năm, ông Hoàng Trung Hải đã xuống đường để giúp cảnh sát giao thông phân luồng giao thông. Theo blogger Nguyễn Lân Thắng thì việc làm này chỉ mang tính khuếch trương hình ảnh của vị tân bí thư chứ không thực chất, tụy vậy điều này cho thấy vị tân Bí Thư cũng muốn được lòng dân chúng thủ đô.

No comments:

Post a Comment