Wednesday, March 2, 2016

Đập tan mưu đồ “Đảng hóa Quốc hội”!!!

Xã luận bán nguyệt san Tự do Ngôn luận - Ngày 4-1-2016, TBT Nguyễn Phú Trọng đã ban hành Chỉ thị số 51 về việc lèo lái cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021. Để thể hiện câu nói đầy đắc chí khi đại hội đảng kết thúc: “Dân chủ đến thế là cùng”, Trọng Lú đã chỉ thị như sau: “2. Lãnh đạo tốt công tác nhân sự, bảo đảm phát huy dân chủ và sự lãnh đạo tập trung, thống nhất của Đảng trong công tác cán bộ; gắn kết quả nhân sự của đại hội đảng các cấp và quy hoạch cán bộ với công tác chuẩn bị nhân sự để giới thiệu những người tiêu biểu, có quan điểm, lập trường chính trị vững vàng, đủ tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật, có năng lực, điều kiện thực hiện nhiệm vụ đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân…. 4. Việc lựa chọn, giới thiệu người ứng cử và việc tự ứng cử đại biểu QH, đại biểu HĐND phải bảo đảm theo đúng quy trình pháp luật quy định và hướng dẫn của các cơ quan Trung ương có thẩm quyền. Lãnh đạo tốt việc tổ chức hiệp thương giới thiệu người ra ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp…”.

Chỉ riêng qua hai khoản ngắn ấy thôi, chúng ta đã thấy thế nào là “dân chủ”, “phát huy dân chủ” và “bầu cử dân chủ” của Việt cộng (VC). Chỉ thị của Nguyễn Phú Trọng chỉ bộc lộ mưu đồ xưa nay của Ba Đình là “Đảng hóa Quốc hội” và xác nhận lần nữa một thực tế lịch sử là kể từ khi dùng vũ lực cướp chính quyền từ tay chính phủ hợp pháp và hợp hiến của Thủ tướng Trần Trọng Kim rồi của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu, VC đã tước đoạt quyền làm chủ đất nước của nhân dân để tự đặt mình làm chính đảng lãnh đạo duy nhất, lực lượng cai trị độc quyền trên toàn lãnh thổ.

Tuy nhiên, để cho quốc dân ăn bánh vẽ và quốc tế ăn cháo lú, VC đã đặt ra tam quyền: lập pháp, tư pháp, hành pháp như ai, nhưng cả 3 không phân lập mà lại ở dưới sự phân công, điều khiển của đảng. Riêng Quốc hội là định chế lập pháp số một, cơ quan quyền lực cao nhất theo nguyên tắc (như VC thường lu loa với nhân dân và thế giới), thì thực tế đã bị đảng biến thành cơ quan gia nô, định chế bù nhìn. Bằng cách nào? Bằng cách tổ chức những cuộc bầu cử Quốc hội với nhiều thủ đoạn gian manh và bạo lực. Trước hết là dùng “hiệp thương” (một mánh lới vi hiến và phi pháp) của Mặt trận Tổ quốc là cơ quan ngoại vi của đảng để chọn lựa những ứng cử viên là thành viên hay cảm tình viên của đảng và để loại trừ những ai muốn sử dụng quyền công dân của mình mà ứng cử cách độc lập. Tiếp đến là hăm dọa, cưỡng bức toàn dân đi bầu (ai tẩy chay sẽ bị trả thù bằng nhiều biện pháp hành chánh sau đó) và phải bầu những người mà đảng đã cử (phiếu bất hợp lệ vì có gạch bỏ hết mọi ứng cử viên hay vì có viết thêm câu phản đối sẽ bị điều tra cho tới cùng). Hậu quả là Quốc hội trở thành đảng hội và dân biểu trở thành đảng biểu.

Trong những kỳ bầu cử Quốc hội trước đây, có rất ít ứng cử viên độc lập tham dự và càng ít người trúng cử. Kết quả ba cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội gần nhất đã cho ra những con số quá thấp về họ. Quốc hội khóa XI cả nước có 67 người tự ứng cử, kết quả chỉ có 2 trúng cử. Quốc hội khóa XII cả nước có 238 người tự ứng cử, chỉ duy nhất 1 người trúng cử. Còn đến khóa XIII, dù không khí phản biện đã dâng cao trong dân chúng, công tác vận động của đảng vẫn “thành công” đến mức số người tự ứng cử chỉ còn có 15, trúng cử chỉ 4. Với rất nhiều mánh lới, trong đó có việc tận dụng các tiểu xảo về thủ tục ứng cử, nhất là trò “đấu tố” bẩn thỉu tại vòng “hiệp thương”, cơ quan tổ chức bầu cử đã loại bỏ các ứng cử viên độc lập ngay từ giai đoạn đầu. Thậm chí một trong họ như Cù Huy Hà Vũ, Lê Quốc Quân, Lê Thăng Long, Lê Công Định… sau khi tự ứng cử đã tiến thẳng vào nhà tù. Còn những người tự ứng cử mà trúng cử thì sau đó như chìm đi trong đám gia nô lúc nhúc tại Đảng hội, í quên, Quốc hội. Lý do chủ quan hay khách quan?

Tuy nhiên, với cuộc bầu cử Quốc hội khóa XVI sắp tới thì bầu khí đã đổi khác. Tác nhân của sự thay đổi tình hình này, trước hết phải kể đến sự ra đời của Tuyên ngôn Tự do Dân chủ cho Việt Nam ngày 08-04-2006 (nay sắp đến kỷ niệm 10 năm). Tuyên ngôn đó có khẳng định “Quyền tự do hội họp, lập hội, lập đảng, bầu cử và ứng cử theo Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị, điều 21: “Mọi Công dân… đều có quyền và cơ hội để (a) tham gia vào việc điều hành các công việc xã hội một cách trực tiếp hoặc thông qua những đại diện được họ tự do lựa chọn”; (b) bầu cử và ứng cử trong các cuộc bầu cử định kỳ chân thực, bằng phổ thông đầu phiếu, bình đẳng và bỏ phiếu kín nhằm đảm bảo cho cử tri tự do bày tỏ ý nguyện của mình”Nghĩa là các đảng phái thuộc mọi khuynh hướng cùng nhau cạnh tranh lành mạnh trong một nền dân chủ đa nguyên, đa đảng chân chính”… Từ đó, Dân tộc sẽ tìm được những con người tốt nhất, những lực lượng chính trị giỏi nhất sau mỗi kỳ bầu cử để lãnh đạo Đất nước. Nguyên tắc “lẽ phải toàn thắng” sẽ được thiết lập và cuộc sống cá nhân sẽ trở nên tốt hơn, xã hội sẽ trở nên nhân bản hơn và Đồng bào sẽ sống với nhau thân thiện hơn”. Thứ đến là sự lớn mạnh của phong trào đòi nhân quyền và dân chủ vốn đã được thúc đẩy bởi tinh thần của Tuyên ngôn đó. Phong trào này được cụ thể hóa trong giới công nhân vốn ngày càng ý thức về quyền lợi của mình (cuộc biểu tình của 20 ngàn công nhân thuộc công ty Pouchen ở Biên Hòa Đồng Nai thời gian gần đây là một ví dụ); trong giới nông dân vốn ngày càng đòi quyền sở hữu đất đai phải thuộc về mỗi người (cuộc xuống đường rộng rãi của họ hôm 27-02 nhân Ngày Quốc tế Đồng hành cùng Dân oan VN là bằng chứng mới nhất); trong giới tín đồ vốn ngày càng yêu cầu tôn giáo phải được độc lập trong tổ chức, được tự do trong sinh hoạt, được lên tiếng trước các vấn đề xã hội (bao cuộc tập trung cầu nguyện cho công lý tại nhiều nơi thờ phượng của các Giáo hội là những sự kiện điển hình); nhất là trong việc hình thành các tổ chức xã hội dân sự độc lập mà ngày càng liên kết với nhau, liên kết với quốc tế (khối ASEAN chẳng hạn), ngày càng cùng chung tiếng nói và hành động để không những đấu tranh cho quyền con người, mà cả quyền công dân và quyền đất nước.

Quả là nay dân trí đã lên cao và dân khí đã bừng dậy. Thành thử hơn hẳn trước đây, nhân cuộc bầu cử Quốc hội khóa XIV sắp tới, để vạch trần thủ đoạn “đảng cử dân bầu”, để đập tan âm mưu “đảng hóa Quốc hội”, để thách thức quyền lực “đảng trị độc tài”, để thức tỉnh người dân về quyền bầu cử và ứng cử, để tập dượt cho những cuộc bầu cử tự do, đa đảng trong tương lai, để khẳng định quyền tối thượng của nhân dân trên đất nước và trên các định chế nhà nước, phong trào ứng cử tự do và độc lập đã xuất hiện. Một trận đấu pháp lý và một cuộc chiến chính trị giữa dân với đảng đã khởi đầu. Nhiều nhân vật đối kháng dân chủ hay hoạt động nhân quyền từ lâu dân chúng biết tiếng đã nộp đơn ứng cử với nhà cầm quyền và tuyên bố lập trường tranh cử trước nhân dân. Họ đã lập ra trang Facebook Vận động Ứng cử Đại biểu QH 2016. Không có lý do gì để nghi ngờ thiện chí hay đầu óc của họ, mà cho rằng “Người nào tự ứng cử là “dân chủ cuội”“Tay nào nhào vô thì tay đó một là không có đầu óc, hai là quyết tâm nhập bọn với bọn chó đẻ Việt cộng để tàn hại nhân dân chứ không có chống lại chúng gì hết”, tự ứng cử “để được làm quan lớn”, để “ấm thế, phì gia”, “công nhận tính chính danh của VC”, “xác nhận hệ thống đó có tính hợp pháp”, “giúp VC báo cáo với Hoa Kỳ khi vào TPP để tránh bị phản đối bởi dân Hoa Kỳ, chỉ có ngu mới đâm vào” v.v…” (trích Tạ Phong Tần, Nhận xét về phong trào tự ứng cử). Trái lại hãy nghe nhà hoạt động dân chủ Nguyễn Tường Thụy trần tình: “Tôi không ứng cử để chơi mà là một việc nghiêm túc, với mong muốn có thêm cơ hội để cống hiến cho Đất nước, cho Dân tộc. Nếu không trúng thì cũng không thể gọi là thất bại. Nó có tác dụng đánh thức người dân vốn xưa nay bàng quan với chính trị biết được quyền và nghĩa vụ công dân, biết được thực trạng dân chủ ở VN hiện nay… Việc ứng cử vào QH không có nghĩa là tôi chấp nhận sự lãnh đạo của đảng CS…” Hay luật sư nhân quyền Võ An Đôn: “Tôi tự ứng cử đại biểu QH lần trước và lần này không phải để được hưởng nhiều bổng lộc, mà tôi muốn thực hiện quyền ứng cử của một công dân theo hiến định và muốn mọi người dân nhận thức được rằng bầu cử QH [từ xưa tới nay] chỉ là trò diễn kịch vụng về, lộ liễu, lâu năm đã lỗi thời”.

Trước mắt, nhiều ứng viên này đã gặp khó khăn cản trở ngay từ bước xác nhận lý lịch, đệ nạp hồ sơ. Rồi đây, với bước “lấy phiếu tín nhiệm tại nơi cư trú và làm việc” rồi bước “hiệp thương tại Mặt trận Tổ quốc tỉnh”, chắc chắn sẽ có nhiều màn “đấu tố”, đe dọa hòng gạt bỏ những ứng cử viên không được đảng chọn, như nhiều lần trước đây trong quá khứ. Bằng chứng là báo Quân đội Nhân dân số ra ngày 22-02 có bài viết: “Cần tỉnh táo trước những thủ đoạn phá hoại cuộc bầu cử Quốc hội khóa XIV” tập trung lên án các cá nhân tự ứng cử vào quốc hội khóa này.

Tuy nhiên, chúng ta không vì thế mà không nhiệt liệt hoan nghênh việc tự ứng cử đầy thiện chí và can đảm của họ nhân cuộc bầu cử tháng 5 tới, nhằm khẳng định quyền làm chủ QH, quyền tự do ứng cử và quyền xây dựng đất nước của nhân dân. Trong chế độ toàn trị độc tài cộng sản này, dĩ nhiên họ sẽ gặp nhiều khó khăn và ít hy vọng thắng cử, nếu có cơ may thắng cử thì cũng gặp rủi ro bị lấn át đè bẹp. Nhưng không lên đường thì chẳng biết lúc nào tới đích. Thành thử cùng với họ và với toàn dân, chúng ta –đặc biệt các tổ chức xhds- hãy lên án những trò gian manh, những màn đấu tố chực nhắm các ứng cử viên độc lập, hãy đòi xóa bỏ việc “hiệp thương” vi hiến vô luật và cả sự tồn tại của cái gọi là “Mặt trận Tổ quốc”. Toàn thể Đồng bào VN nhất là trong nước, hãy thức tỉnh, vượt qua dửng dưng và sợ hãi, cùng nhau đứng lên đập tan mưu đồ “đảng hóa QH” từ xưa đến rày của đcs, bằng một trong những cách thức như sau: a- Bất hợp tác, nghĩa là tẩy chay không tham gia cuộc “đảng cử dân phải bầu”; b- Bất hợp lệ hóa: gạch bỏ hết tên những người ứng cử hay ghi thêm tên người danh sách hoặc ghi thêm nội dung khác; c- Bất tuân ý đảng: bầu cho những ứng cử viên độc lập, ứng cử viên ngoài đảng hay ứng cử viên thuộc đảng song có tên chỉ bị gạch. 

Cần quyết liệt đòi hỏi cuộc bầu cử và cuộc kiểm phiếu phải được sự giám sát của quốc tế và của nhân dân, cụ thể là của các tổ chức chính trị và xhds độc lập.Cuộc bầu cử QH tới đây là cơ hội ngàn năm một thuở cho chúng ta thực hiện quyền dân và giành lại dân quyền. Nếu chúng ta không tận dụng thời cơ này thì đời con cháu chúng ta cũng sẽ mãi lầm than dưới chế độ độc tài đảng trị. “Chúng ta không thể bỏ mặc thế giới này cho những kẻ mà chúng ta khinh bỉ.” (Ayn Rand).

Xã luận bán nguyệt san Tự do Ngôn luận số 238 (01-03-2016)

Ban biên tập

No comments:

Post a Comment