Theo BBC-4 giờ trước
'Chắc chắn' là Việt Nam nên học hỏi, tham khảo bài học kinh nghiệm 'dân chủ' từ Myanmar qua cuộc bầu cử tự do 2015 vừa diễn ra, cũng như qua quá trình cải tổ chính trị, thể chế và xã hội của quốc gia này, theo ý kiến khách mời của Bàn tròn Thứ Năm của BBC.
Trao đổi tại cuộc Tọa đàm của BBC Việt ngữ hôm 12/11/2015, nhân sự kiện Myanmar vừa tiến hành xong cuộc bầu cử dân chủ, tự do với thắng lợi được cho là ‘áp đảo’ thuộc về Đảng NLD – Liên minh Quốc gia vì Dân chủ do bà Aung Sang Suu Kyu lãnh đạo, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách, Pháp luật và Phát triểnHoàng Ngọc Giao, nói:
"Chắc chắn là chúng ta nên học hỏi bài học về dân chủ ở Myanmar," ông PGS. TS Giao nêu quan điểm.
"Tôi cũng chia sẻ ý kiến của Giáo sư Ngô Vĩnh Long rằng là... trong bối cảnh của Việt Nam hiện nay, sự thay đổi của Việt Nam không nhất thiết là phải chờ đợi đến suy sụp về kinh tế thì mới có chuyện thay đổi.
"Mà theo tôi cái đó có thể là một điểm nó tiềm ẩn một nguy hiểm ở chỗ là gì? Phương Bắc, Trung Quốc, trong bối cảnh cần cứu vãn thể chế chính trị này, với một tiềm lực kinh tế như vậy, họ có thể bỏ tiền ra mua chuộc, cũng như chống đỡ cho chế độ này.
"Cũng như thực hiện những mưu đồ về chủ quyền biên giới hải đảo của chúng ta, cho nên vấn đề đó chúng ta phải thận trọng," nguyên Phó Vụ trưởng Ban Biên giới Chính phủ Việt Nam nói.
Sẵn sàng đổi mới?
Trước câu hỏi liệu Việt Nam, kể cả chính quyền, người dân và xã hội, cộng đồng, đã sẵn sàng cho đổi mới, cải tổ đất nước hay chưa, Phó Giáo sư Hoàng Ngọc Giao nói:
"Còn nói tới tình trạng hiện nay là đất nước ta (Việt Nam) đã sẵn sàng cho một sự thay đổi hay chưa, thì tôi nghĩ rằng đất nước ta, ở thời điểm này, đã sẵn sàng cho việc đó.
"Chúng ta thấy những người công nhân đang bị đối xử tệ và đời sống rất khó khăn, những người nông dân đang bị mất đất, công lý của chúng ta về tư pháp cũng đang bị xâm hại vô cùng.
"Và như vậy, lòng dân rất là không yên và nhân dân thực sự muốn thay đổi. Còn về phía nhà nước thì sao? Về phía nhà nước, theo tôi, nếu nhà nước mà lựa chọn một cái gọi là 'thông thái' đấy, thì phải nhìn thấy sự chuyển đổi nhẹ nhàng, êm ái ở Đông Âu, được gọi là Cách mạng Nhung.
"Phải nhìn thấy cái bước đi từ chế độ quân phiệt ở Myanmar trong 5 năm vừa qua đã cải cách dần dần và đến bây giờ đã trao quyền bầu cử tự do cho... (Myanmar), và trong buối cảnh như vậy, tôi nghĩ rằng Việt Nam cần phải có bước đi ngay theo hướng dân chủ.
"Thứ nhất là thực sự xây dựng luật biểu tình cho tốt, trao quyền biểu tình và phát biểu chính kiến của người dân; thực sự trao cho báo chí của chúng ta (Việt Nam) có quyền tự do ngôn luận; và cũng như thực sự trao cho người dân quyền bầu cử tự do theo hướng là gì?
"Nếu như không được, thì ít nhất cũng phải để cho 30% ứng cử viên tự do là những người ngoài đảng và để cho họ đi họ có thể có cơ hội tiếp cận với cử tri, chứ không phải như cách bầu hiện nay là 'đảng cử, dân bầu'.
Nếu không cải tổ?
"Có nghĩa là gì? Kể cả một ứng viên, nếu đứng ngoài đảng, thì khi đi vận động sẽ không có cơ hội vận động ở tổ dân phố mà ở nơi đó những người dự là những người đã được chỉ đạo là 'nên ủng hộ' hay 'không ủng hộ'
"Và vì thế cho nên hệ thống bầu cử của chúng ta có thể nói là hoàn toàn không có tự do chút nào...
"Và nếu muốn chuyển tiếp mà vẫn lo sợ về cái chuyện..., mà vẫn mong muốn giữ quyền lãnh đạo của Đảng, thì n
ên chăng đặt ra một tiêu chí là 70% là đảng viên và 30% là những người ngoài đảng nhưng được công khai các kế hoạch vận động bầu cử của mình.
"Theo tôi, ngay những năm tới, ngay lập tức phải tiến hành những biện pháp như vậy, thì có thể mới chuyển tiếp một cách hòa bình.
"Còn không, tôi cũng đồng ý với một ý kiến là nếu không, thì cùng với thời gian, cách mạng sẽ là từ bên dưới đi lên, và lúc đó sẽ có bạo loạn, không ai mong muốn cả," PGS. TS. Hoàng Ngọc Giao nêu quan điểm.
'Cách mạng từ dưới'
Chia sẻ với Tọa đàm từ Đại học Maine Hoa Kỳ, Giáo sư Ngô Vĩnh Long, sử gia và nhà phân tích bang giao quốc tế, nói:
"Trước hết, tôi xin chúc mừng nhân dân Myanmar, họ đã làm được một việc rất tốt, việc này không phải chỉ là nhân dân Myanmar, mà kể cả giới quân phiệt ở Myanmar hiểu rằng là phải có dân chủ và họ bắt đầu dân chủ hóa từ từ.
"Tôi cũng xin nói rằng chế độ quân phiệt nó có thể thay đổi nhanh hơn một chế độ quan liêu, rất là nặng nề, như là Trung Quốc, hay như là Việt Nam.
"Việt Nam đã có một chế độ quan liêu mấy nghìn năm, rồi lại thêm vào đó có chế độ quan liêu của Pháp, rồi chế độ quan liêu của Liên Xô, rồi bây giờ lại vì có nhiều quyền sau chiến thắng, lại càng quan liêu hơn nữa.
"Và ngoài chuyện quan liêu, nó lại quân phiệt hóa và công an hóa. Cho nên vấn đề ở Việt Nam là giai cấp lãnh đạo phải hiểu rằng dùng sức mạnh sẽ tan rã...
"Cho nên họ phải làm sao mà họ kết nối với dân chúng và có một sự dân chủ hóa từ từ. Chứ nếu không thì sẽ có cuộc cách mạng từ dưới lên, chứ không phải từ trên xuống như Myanmar ngay bây giờ," Giáo sư Ngô Vĩnh Long nói.
Về việc liệu Việt Nam đã sẵn sàng chưa và nếu có thì như thế nào cho 'cải tổ, đổi mới' chính trị, thể chế, nhà phân tích từ Hoa Kỳ nêu quan điểm:
"Tất cả bao giờ cũng có cần có sự dân chủ hóa, nhưng vấn đề là phải có liên kết giữa các tầng lớp. Thì tôi nghĩ tầng lớp lãnh đạo Việt Nam, nếu mà học được bài học gì từ Myanmar là bây giờ chúng ta có rất nhiều quyền.
"Nhưng mà quyền đó có thể mất đi lúc nào không biết, tức nước thì vỡ bờ, cho nên phải từ từ chọn lựa để có thể nâng cao dân trí và có thể đưa đất nước đến một sự dân chủ hóa," Giáo sư Long nói với bàn tròn của BBC.
Khách mời
Bàn tròn Thứ Năm tuần này trao đổi về sự kiện lịch sử này cũng như về bài học khả dĩ nào mà Việt Nam có thể tham khảo, học hỏi từ cuộc bầu cử nói riêng và quá trình dân chủ hóa, cải tổ thể chế, chính trị tại Myanmar nói chung.
Xin mời các quý vị theo dõi cuộc tọa đàm với các vị khách mời như sau.
1) Bà Tin Htar Swe, Trưởng Ban Myanmar, Thế giới vụ đài BBC.
2) GS. Ngô Vĩnh Long, nhà nghiên cứu lịch sử và bang giao quốc tế, Đại học Maine, Hoa Kỳ.
3) PGS. TS. Hoàng Ngọc Giao, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách, Pháp luật và Phát triển.
4) TS. Hà Hoàng Hợp, nhà nghiên cứu cao cấp Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS), Singapore.
5) Nhà báo tự do Trần Tiến Đức, nhà quan sát, nguyên Vụ Trưởng Ủy ban Dân số Việt Nam (NCPFP); và
6) TS. Phạm Chí Dũng, nhà quan sát, Chủ tịch Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam.
No comments:
Post a Comment