(Theo Hà Linh/ Nhịp Cầu Thế Giới)-06-07- 2015
“Mỗi khi các bà mẹ Việt Nam lên tiếng “Chị/tớ/em giờ chỉ tập trung lo cho con cái thôi, sức đâu mà lo chuyện ngoài xã hội!”, là mình lại vô cùng bối rối, vì mình không thể nào giải thích được thế nào mới là “lo cho con cái” theo định nghĩa của họ”.
Bạn muốn tương lai như thế nào cho trẻ em ở Việt Nam? Ảnh minh họa
Mỗi khi than thở về những vấn đề như môi trường, tham nhũng, bầu cử, biểu tình, bất công…, mình luôn bị các bà mẹ (và cả các ông bố) phủ đầu, với lý lẽ là vì mình còn một mình, còn rảnh rỗi, thừa hơi nên mới lo chuyện linh tinh.
Lời khuyên luôn là khi mình có gia đình, con cái như các bạn/anh/chị ấy, mình sẽ thấy lo cho gia đình mình là quan trọng nhất. Đặc biệt như các chị, giờ chỉ mong yên ổn để tập trung kiếm tiền nuôi con, để lo cho tương lai của con cái là mệt lắm rồi, lấy đâu ra hơi sức để mà lo chuyện bao đồng nữa.
Nhưng mình lại thấy tất cả các vấn đề trên thực ra ảnh hưởng trực tiếp đến tương lai con cái chúng ta.
Hãy nhìn bản thân, nhìn xung quanh xem, có phải bạn đang chọn trồng cây rái, rau xanh tại nhà để tránh ăn bẩn. Chọn làm bình lọc trong nhà để không bị uống nước bẩn. Chọn bịt mặt bịt mũi ra đường để chống bụi. Chọn cho con học trường đắt tiền để con có tuổi thơ. Chọn đút lót cô giáo để con cái không bị trù dập.
Chọn đút tiền bác sĩ để họ làm đúng chức trách. Chọn chạy việc cho con. Chọn nai lưng ra đi làm thêm làm nếm để bù đắp lại tiền lương thiếu hợp lý. Chọn mua thêm bảo hiểm bên ngoài dù đã bị bắt buộc mua bảo hiểm của nhà nước. Chọn dạy con phải “khôn ngoan” khi ra đời, vì “xã hội đầy phức tạp”.
Thật ra, tại sao bạn không nghĩ tới việc tất cả cùng trồng cây sạch để công chức không phải đi làm cái việc của nông dân (điều này đồng nghĩa với việc yêu cầu nhà chức trách phải thực hiện đúng trách nhiệm của mình, vì bảo đảm nguồn thực phẩm an toàn cho người dân là việc mà chúng ta đã phải trả thuế cho Cục Vệ sinh và An toàn Thực phẩm).
Tại sao không nghĩ tới việc phải đấu tranh để có được nguồn nước sử dụng trong sạch (và đây chính là chuyện môi trường, vấn đề mà đáng lẽ Bộ Môi trường phải có trách nhiệm). Sao không nghĩ đến việc yêu cầu các cơ quan chuyên trách phải đảm bảo việc quy hoạch phù hợp, bảo vệ môi trường để đi ra ngoài đường nếu ta bịt mặt là vì sợ đen chứ không phải sợ bụi.
Sao không nghĩ đến việc đấu tranh để người làm công ăn lương có đồng lương xứng đáng, phù hợp hơn, để mỗi người có thể yên tâm lo cho cuộc sống với công việc chân chính của mình (nếu ai thích giàu có thì xin mời, cứ đi làm thêm, nhưng phải đi làm thêm để đủ mức sống tối thiểu là không phù hợp với định nghĩa của chữ tiền lương).
Có như vậy họa chăng mới hết hiện tượng giáo viên, bác sĩ, công chức nhũng nhiễu, vì nếu họ sống vui vẻ với đồng lương, bên cạnh cơ chế nghiêm minh, những hành vi nhũng nhiễu sẽ dẫn tới khả năng bị sa thải, cân nhắc thiệt hại sẽ khiến họ chọn làm tốt công việc của mình để giữ được chỗ.
Tựu trung, câu hỏi đặt ra là tại sao chúng ta không nghĩ tới việc đấu tranh để có một xã hội minh bạch, nơi ở đó pháp luật được coi trọng, và “xã hội phức tạp” được thay thế bằng việc “tôi không làm gì sai với luật pháp, tôi không sợ”?
Rõ ràng, những vấn đề tưởng đao to búa lớn ấy thực ra là các vấn đề thiết thân, ảnh hưởng trực tiếp và thường xuyên lên cuộc sống của từng người hàng ngày.
Quay lại chuyện tương lai con cái. Bạn muốn con mình trở thành người thế nào? Tử tế, có cuộc sống hạnh phúc?
Bạn thực sự nghĩ rằng bạn có thể dạy con thành người tử tế, khi chính bản thân các bạn đang bị cuốn theo cái xã hội đầy xấu xa, và các bạn không thèm làm gì khác ngoài nương theo cái xấu xa ấy để sống? Bạn dạy con thật thà bằng việc đút tiền cho thầy cô, bác sĩ, cảnh sát giao thông và bao nhiêu dịch vụ công khác nữa?
Bạn dạy con chính trực với việc đi mua việc cho con? Bạn dạy con sáng tạo với việc răm rắp nghe theo những bất công, những điều vô lý đầy rẫy quanh bạn? Các bạn đang sống đầy khốn khổ, và các bạn lại chọn không làm gì, vậy dựa vào đâu mà các bạn hy vọng con cái mình sẽ được sống một cuộc sống hạnh phúc?
Mình cực kỳ hoang mang khi cân nhắc tới việc sinh con. Nhưng mình còn hoang mang hơn nữa khi nhìn thấy phản ứng của tầng lớp có học trong xã hội Việt Nam trước những bất công của xã hội.
Có con là mong ước chính đáng của mỗi người, và mình thực sự khâm phục sự dũng cảm của phụ nữ Việt Nam khi họ dám sinh con trong xã hội này, như thể họ chẳng thấy nó có vấn đề gì cả.
Chưa cần nói tới chuyện mong muốn con cái khi trưởng thành trở thành người “khiêm tốn – thật thà – dũng cảm”, mình sợ với môi trường độc hại ở Việt Nam – nơi mình đang bị đầu độc, và con mình sẽ bị đầu độc từ trong bụng đến khi ra đời – không biết mình có sống để nuôi được nó tới lúc trưởng thành hay không?
Hoặc giả, con mình có thể sống đến lúc trưởng thành để bắt đầu hành trình “tự diễn biến” sao cho “phù hợp” cái cái xã hội này không nữa? Mình không nhìn thấy bất cứ một tương lai tốt đẹp nào cho con cái mình, nếu mình cứ “kệ” như cách các bạn chọn.
Đấy, vì mình nghĩ thế, nên mỗi khi các bà mẹ Việt Nam lên tiếng “Chị/tớ/em giờ chỉ tập trung lo cho con cái thôi, sức đâu mà lo chuyện ngoài xã hội!”, là mình lại vô cùng bối rối, vì mình không thể nào giải thích được thế nào mới là “lo cho con cái” theo định nghĩa của họ.
No comments:
Post a Comment