BBC-6 giờ trước
Những lần giảm giá xăng nhỏ giọt không tạo nên tác động đủ lớn đối với vật giá tại Việt Nam, theo giới chuyên gia
Chính phủ Việt Nam chưa biết cách phát huy mặt tích cực và hạn chế tác động tiêu cực của tình trạng giảm giá dầu, theo ý kiến một chuyên gia trong nước.
Nhận định trên đuợc kinh tế gia Phạm Chi Lan, cựu thành viên trong ban cố vấn chính phủ, đưa ra trong cuộc phỏng vấn với BBC ngày 27/1.
Trước đó, hôm 22/1, Bộ trưởng Kế hoạch Đầu tư Bùi Quang Vinh được báo điện tử VnExpress dẫn lời cho biết tăng trưởng kinh tế năm 2015 sẽ trượt xa so với chỉ tiêu nếu giá dầu tiếp tục giảm.
"Khi giá dầu về mức 40 đôla mỗi thùng ... thì GDP có thể giảm 1%, nghĩa là nếu dự kiến 2015 GDP tăng 6,2% thì chỉ còn 5,2% mà thôi”, ông nói.
Trước đó, một số ý kiến trong giới quan sát cho rằng việc giá dầu giảm xuống 40 đôla/thùng là hoàn toàn có thể xảy ra.
"Không có dấu hiệu nào cho thấy Opec sẽ ngưng sản xuất quá mức, vì vậy, nhiều khả năng chúng ta sẽ thấy giá dầu giảm xuống mức 40 đôla trong những tuần tới," phân tích gia Michael Hewson từ CMC Markets nói với BBC trong cuộc phỏng vấn gần đây.
Trong tin ngày 27/1, báo tài chính Bloomberg dẫn số liệu riêng cho biết thâm hụt ngân sách của Việt Nam sẽ đạt 5,3% GDP trong năm nay, cao hơn mức chỉ tiêu 5%.
Hiện dự toán thu ngân sách từ dầu thô cho năm 2015 là 93 nghìn tỷ đồng, theo số liệu từ Bộ Kế hoạch Đầu tư.
Khoản thu ngân sách trên dựa trên mức giá dự toán dầu thô là 100 đôla/thùng.
Điều này đồng nghĩa với việc Việt Nam có thể hụt thu ngân sách khoảng 60.000 tỷ đồng trong năm nay nếu giá dầu rơi xuống mức giá 40 đôla/thùng, tương đương 3 tỷ đôla.
'Không phát huy được lợi thế'
"Tôi nghĩ là chính phủ đang cố gắng nhưng thực sự để bù với hụt thu ngân sách thì không dễ dàng", bà Phạm Chi Lan nói với BBC qua điện thoại".
"Ngay cả giá dầu giảm có giúp cho giá đầu vào của các sản phẩm khác giảm thì cũng cần có thời gian và trông đợi vào nỗ lực thực tế của các ngành cũng như sự phục hồi của các doanh nghiệp".
Bà Lan cho rằng vấn đề ngân sách cần được xem xét dù có xảy ra tình trạng giảm giá dầu hay không.
"Tôi cho rằng đây cũng là một dịp để xem lại vấn đề ngân sách theo hướng khác, nghĩa là thực hiện theo tinh thần tái cơ cấu như đã đề ra với đầu tư công. Làm sao để không chỉ đầu tư công mà chi tiêu công cũng hiệu quả hơn", bà nói.
"Như mấy năm vừa rồi chi thường xuyên tăng rất cao và vì vậy làm ảnh hưởng đến phần đầu tư của nhà nước."
"Dù giá dầu có không giảm hay không thì cũng cần tái cơ cấu về chi tiêu công. Gánh nặng trả nợ đang ngày càng lớn, chiếm phần lớn hơn so với GDP."
Trong nỗ lực nhằm phát huy lợi thế của tình trạng giảm giá dầu, chính phủ Việt Nam đã chỉ đạo cho các doanh nghiệp bán lẻ giảm giá xăng ít nhất 20 lần từ giữa năm 2014.
Tuy nhiên theo bà Lan, nỗ lực này không tạo những tác động đáng kể.
"Những cố gắng giảm giá xăng dầu trước hết để đáng hoan nghênh", bà nói.
"Nhưng những lần giảm, nhất là trong thời gian đầu, quá nhỏ giọt, không tạo thay đổi tích cực lên vật giá".
"Ngành liên quan nhất là vận tải, có giá đầu vào xăng dầu chiếm rất lớn trong chi phí, thì giá cước vận tải chưa giảm được bao nhiêu."
"Ở đây có một số người lấy lý do là trong thời gian vừa qua thì thời gian vừa qua xăng tăng quá nhiều, người ta không kịp tăng theo, tới khi giá giảm ít một thì người ta cho là chưa đủ để giảm giá vận tải."
"Đến nay mức giảm giá đã khá lớn thì cũng đã đến lúc các doanh nghiệp vận tải phải giảm giá xuống mới hợp lý, nhưng họ không làm."
"Vì vậy nên giá đầu vào cho các doanh nghiệp trong những lĩnh vực khác cũng không được bao nhiêu."
"Tôi nghĩ đây là cái không thể chờ được nữa mà cần có sức ép mạnh hơn", bà nhận định.
No comments:
Post a Comment