Wednesday, December 6, 2023

Trò chơi ném dép

 Chu Mộng Long-6-12-2023


Báo Tuổi Trẻ tường thuật có đầu có đuôi vụ cô giáo và học sinh chơi “trò chơi ném dép” ở Tuyên Quang. Đầu đuôi là cô giáo có “khúc mắc” với học sinh, học sinh “phản ứng” và sau đó diễn ra “trò chơi ném dép”.

Tuy nhiên, báo không cho biết rõ là “khúc mắc” như thế nào. Chỉ nói cô giáo “nhắc nhở” một số học sinh ở ngoài chưa vào lớp và “không đồng ý” khi học sinh xin ra ngoài. Chỉ có thế mà kết quả là xung đột diễn ra. Khi cô giáo đã sang dạy lớp khác mà học sinh vẫn kéo nhau sang tấn công cô giáo: Nhốt cô giáo lại, chửi bới, ném rác, ném dép vào đầu cô giáo.

Nếu viết một vở kịch dựa trên tường thuật của báo như vậy thì ắt bạn đọc sẽ bảo: Đó là kịch phi lý hoặc là hư cấu một cách khiên cưỡng. Bởi vì nếu cô giáo chỉ nhắc nhở, không cho học sinh ra vào tùy tiện trong giờ học mà dẫn đến học sinh tấn công cô giáo là chuyện không thể xảy ra. Nếu chỉ vì thế mà bị tấn công thì nhà giáo nào chẳng một lần bị ăn đòn?

Nhiều nhà báo, nhà văn, nhà giáo tay nhanh hơn não, chửi học sinh “mất dạy”! Ừ thì xem clip, thấy rõ đám học sinh này mất dạy thật. Nhưng chửi như vậy thì các loại nhà có động não khi truy ngược, rằng ai dạy nó? Chúng ta có trách nhiệm dạy trẻ em và chửi trẻ em “mất dạy” chẳng phải là tự chửi mình sao?

Nhiều người chửi cha mẹ những em bé ấy không biết dạy con. Có một bạn viết rất hay rằng, nếu cha mẹ những đứa trẻ này là quan chức thì chửi cũng thỏa đáng. Nhưng đa phần cha mẹ những đứa trẻ này là con dân đen. Tôi tin điều đó là đúng. Nhìn chiếc dép tổ ong của chúng đủ biết chúng thuộc thành phần nào. Dân đen thì gánh trên vai miếng cơm manh áo, gánh học phí và các loại phí như con nợ, gánh giá sách giáo khoa, các loại học liệu và đóng các loại quỹ đến oằn lưng, đầu tắt mặt tối, thời gian đâu mà dạy con?

Vậy thì sự “mất dạy” của chúng phải là do thầy cô giáo, do cán bộ Đoàn, Đội, do các quan phụ mẫu chứ không lẽ trời sinh ra thế? Tấm gương các thầy cô, các cán bộ Đoàn, Đội, các quan phụ mẫu thế nào mà trẻ em hư hỏng gần như đồng loạt vậy?

Tấm gương thế nào thì trẻ em thời đại Internet biết cả. Thầy cô, đứng đầu là giáo sư, tiến sĩ đại học cho đến thầy cô giáo phổ thông thì như đứa buôn gian bán lận, từ buôn sách, viết thuê bài báo đến luận án, buôn bán bằng cấp và ăn phong bì, quà cáp. Cán bộ Đoàn, Đội thì tổ chức những hoạt động cổ vũ ăn chơi bừa bãi, phản văn hóa. Quan phụ mẫu thì nhận cả vali tiền, ăn không chừa thứ gì. Chưa nói nhà chùa thì nổi lên hoạt động đồng bóng, không thờ Phật mà chỉ biết cúng vong. Cả một hệ thống ma quỷ, cô hồn như vậy bủa vây trẻ em, chúng soi vào đâu để làm người?

Đây không phải là một vài học sinh cá biệt mà loạn cả lớp học. Câu “Thượng bất chính, hạ tắc loạn” của cụ Khổng, hay câu “Phần nhiều do giáo dục mà nên” của cụ Hồ, chẳng lẽ sai?

20.11 vừa rồi, các bản văn từ trên xuống dưới đều ngợi ca truyền thống “Tôn sư trọng đạo” kia mà? Trong trường hợp này sao không nói câu cửa miệng rằng “Mình phải như thế nào mới được đối xử như vậy chứ?”

Tôi gạt nước mắt để tỉnh táo xem cả ba phần của clip, gồm ba scene. Scene 1: Cô giáo dọn giáo cụ, học sinh bỏ giấy đỏ giấy vàng như đồ hàng mã vào cặp cô giáo. Cô giáo vứt bỏ ra ngoài và đi ra khỏi lớp, rồi một học sinh ngã lăn quay. Học sinh đóng cửa không cho cô ra ngoài và khiêu khích, mạ lỵ cô, hô hoán lên cô giáo đánh học sinh. Cô giáo im lặng, chịu đựng và lấy điện thoại quay lại cảnh học sinh mạ lỵ mình.

Scene 2: Tiếp tục màn học sinh khiêu khích, mạ lỵ cô giáo và một học sinh ném dép vào đầu cô giáo. Cô giáo hỏi đứa nào ném dép vào đầu cô. Thế là đấu khẩu diễn ra. Cô nói một, học sinh nói mười, vì học sinh rất đông.

Scene 3: Học sinh ném dép vào cô, và cô chạy quanh phòng ném dép lại học sinh. Và cô cũng ngã lăn quay như học trò!

Trên bề mặt hình ảnh ba scene của clip độc nhất vô nhị này, chỉ có thể bào chữa cho trơn mép. Rằng đó không phải cái chợ cá mà là cô và trò đang hoạt động trải nghiệm bằng trò chơi ném dép. Trong trò chơi này, cô và trò đóng vai bình đẳng: Trò ném dép thì cô cũng ném dép, cô quay clip thì trò cũng quay clip, trò lăn quay thì cô cũng lăn quay. Rất vui vẻ để thực hành khẩu hiệu: “Trường học thân thiện”, “Học sinh tích cực”.

Trong 5 phẩm chất, 10 năng lực “cốt lõi” mà ông Thuyết và cộng sự chủ trương không có phẩm chất nào “kính thầy, yêu bạn”. Bắt trẻ em phải đạt những phẩm chất và năng lực như ông thánh, khi chúng không thể thành thánh thì ắt chúng thành ma quỷ. Coi như chơi trò ma quỷ nhân hội Halloween để doạ nhau, hay coi như đó là một tiết học trải nghiệm chơi trò đánh giặc giả để thể hiện phẩm chất yêu nước cũng được. Giáo dục như vậy là thành công rực rõ, chưa bao giờ được như bây giờ!

No comments:

Post a Comment