Monday, March 18, 2019

Năm thành viên Liên Minh Dân Tộc Tự Quyết bị y án hô to ‘đả đảo phiên tòa bất công

5 nhà hoạt động của Liên minh dân tộc Việt Nam tự quyết
Năm thành viên Liên minh Dân tộc Việt Nam Tự quyết bị tuyên y án, trong ngày 18 tháng 3 lên tiếng phản đối bản án với lời hô “đả đảo phiên tòa bất công, đả đảo đảng Cộng sản” sau khi tòa bác bỏ kháng cáo của họ.
Theo kế hoạch phiên xử phúc thẩm 5 thành viên Liên Minh Dân Tộc Tự Quyết gồm các ông Lưu Văn Vịnh, Nguyễn Quốc Hoàn, Nguyễn Văn Đức Độ, Từ Công Nghĩa và Phan Trung (tức sư thầy Nhật Huệ) diễn ra tại Tòa án nhân dân cấp cao tại TPHCM vào ngày 18 tháng 3. Phiên xử kết thúc vào trưa cùng ngày và tòa giữ nguyên các bản án sơ thẩm.
Trước đó, vào hôm 5/10 năm ngoái, bản án sơ thẩm được tuyên với cáo buộc “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” đối với 5 người lần lượt là: Ông Lưu Văn Vịnh 15 năm tù giam, Nguyễn Quốc Hoàn 13 năm tù, Nguyễn Văn Đức Độ 11 năm tù, Từ Công Nghĩa 10 năm tù và Phan Trung (tức sư thầy Nhật Huệ) 8 năm tù về cùng tội danh.
-
Ngoài ra, những người này còn bị quản chế 3 năm tại địa phương sau khi chấp hành xong bản án.
Bà Lê Thị Thập, vợ ông Lưu Văn Vịnh là người duy nhất được vào phòng xét xử để xem tòa án xét xử chồng mình sau các cuộc tranh luận “nảy lửa” với tòa án và nhân viên an ninh.
Những thân nhân của các bị cáo còn lại phải vào một phòng khác và xem qua màn hình.
Bà Thập kể lại với chúng tôi như sau:
Thực sự phiên xử thứ hai này là phiên tòa đầu tiên tôi được chứng kiến. Thì cũng như phiên tòa trước, họ cũng chỉ có đọc và tuyên thôi.
Thẩm phán thì cũng nhảy vào miệng các bị cáo chốt và nói, chứ các bị cáo cũng không được nói hẳn đầu đuôi.
Cũng như phiên tòa trước, họ cũng bác bỏ hầu hết các lời biện hộ của luật sư.”
Luật sư Đặng Đình Mạnh, người bào chữa cho 4/5 bị cáo nói với Đài Á Châu Tự Do vào trưa ngày 18/3 cho rằng đây là bản án bất công.
Tôi tin bản án này xét xử cho họ là hết sức bất công, tôi đánh giá cho rằng đây là những công dân có tinh thần tự giác rất cao, họ muốn có sự đóng góp, cống hiến cho đất nước bằng những suy nghĩ của họ. Và họ chỉ mới trao đổi với nhau về những suy nghĩ như vậy thôi thì họ đã bị bắt rồi.
Thậm chí là ghép họ vào tội rất tày trời, hình phạt rất nặng từ 12 năm trở đi đến 20 năm, chung thân và tử hình.
Tôi rất là tiếc vì chính quyền có thái độ rất nghiêm khắc trong vấn đề này, nghiêm khắc đến mức hà khắc.”
Theo vị luật sư thường xuyên tham gia bào chữa cho những người bất đồng chính kiến với chính quyền thì việc kết án những người này, vô tình làm mất đi những công dân có ý thức dân tộc cao, có những tư tưởng phóng khoáng để đóng góp cho đất nước.
Đề cập đến thái độ của những người hoạt động khi bị xét xử vào sáng nay, luật sư Đặng Đình Mạnh cho rằng ông rất cảm phục những người này.
Luật sư Đặng Đình Mạnh cho hay, bài bào chữa của ông nêu ra 5 ý kiến để tranh luận với Viện kiểm sát nhân dân TPHCM, tuy nhiên phía chính quyền tỏ ra hời hợt trong tranh luận mặc dù để cho luật sư có không gian để bào chữa.
Theo vị luật sư thuộc đoàn luật sư TPHCM này, ông cho rằng những bị cáo không có ý thức chủ quan lật đổ chính quyền, họ chỉ bàn nhau sẽ đứng ra đảm đương nhiệm vụ lãnh đạo đất nước khi chính quyền của đảng Cộng sản sụp đổ, và vì thế không có khách thể bị xâm phạm, tội phạm không thể hoàn thành.
Như hiện nay Hiến pháp quy định tên nước là nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam, thì chính quyền là chính quyền của nước CHXHCN Việt Nam chứ không có chính quyền nhân dân,” luật sư Mạnh đặt vấn đề với Viện kiểm sát.
Một vấn đề quan trọng khác theo luật sư Mạnh là cơ quan An ninh điều tra đã vi phạm điều 76 của Bộ luật tố tụng hình sự khi từ chối chấp nhận ông và luật sư Nguyễn Văn Miếng tham gia bào chữa cho các bị cáo từ giai đoạn điều tra đối với tội danh có khung hình phạt lên đến tử hình.
Tuy nhiên những luận điểm của luật sư Mạnh ở phiên tòa đều đáp lại bằng cách tranh luận hời hợp, không đi vào trọng tâm của vấn đề theo nhận xét của ông này./.

Làm đường cao tốc bắc nam, chớ đưa chủ quyền quốc gia vào thòng lọng của Trung quốc!

Hoàng Hải Vân|

Là người viết nhiều bài phản đối quyết liệt việc giao cho nhà thầu Trung Quốc làm sân vận động quốc gia Mỹ Đình đăng trên báo Thanh Niên từ gần 20 năm trước, nói thật là đến bây giờ tôi vẫn còn cay cú. Chính phủ (thời ông Nông Đức Mạnh làm Tổng Bí thư và ông Phan Văn Khải làm Thủ tướng) đã quyết định chọn nhà thầu Trung Quốc trong khi phương án thiết kế của nhà thầu này được đánh giá là kém nhất. Trong số các công ty tham gia dự thầu, qua các vòng thẩm định, các hội đồng chuyên môn đều chọn nhà thầu Philipp Holzmann của Đức, nhưng cuối cùng thì Thủ tướng lại quyết định chọn nhà thầu HISG của Trung Quốc với lý do nhà thầu này bỏ thầu rẻ hơn chút xíu so với nhà thầu Đức, bằng một thủ thuật sử dụng vật liệu giá rẻ ai cũng thấy, để khi thi công thì đội giá lên.
Mặc dù ông Phan Văn Khải là vị Thủ tướng có công lao đáng ngưỡng mộ trong thúc đẩy nhanh tiến trình đổi mới đất nước, nhưng quyết định này là một dấu trừ dành cho ông. Có lẽ ông đã bị sức ép khó cưỡng. Trong chuyện này ông chỉ có một cái được là đã không bịt miệng báo chí phản đối mình.Tôi còn nhớ, báo Thanh Niên đã phản ứng gay gắt đến mức giật 1 cái tít ở trang 1 “Chính phủ lập hội đồng thẩm định để làm bù nhìn !”, ông vẫn làm ngơ không phản ứng gì.
Tôi dẫn câu chuyện này để cảnh báo rằng, việc Tập đoàn Thái Bình Dương của Trung Quốc đã làm việc với Bộ Giao thông đề nghị được làm đường cao tốc Bắc Nam, mặc dù Bộ này tuyên bố dự án này sẽ được đấu thầu quốc tế, nhưng với “tiền sự” nói trên thì khả năng giao cho Trung Quốc là rất có thể.
 -
Nhưng Mỹ Đình là chuyện nhỏ. Một loạt các dự án sau đó,lớn hơn nhiều, ngứa mắt nhất là dự án đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông, chỉ 13 km, vốn ban đầu hơn 500 triệu đô la nay đội lên gần 1 tỷ đô la sau 9 năm vẫn chưa làm xong.
Vay ODA của Trung Quốc để làm những dự án như thế, bị áp đặt nhà thầu tư vấn Trung Quốc, nhà thầu thi công Trung Quốc, tàu phải mua của Trung Quốc, các thiết bị chủ yếu phải mua của Trung Quốc. Nói là vay ưu đãi nhưng chỉ tính riêng vốn đội lên từ việc chỉ định thầu và áp đặt mua thiết bị đã vượt xa nhiều lần so với vay thương mại. Chấp nhận sự áp đặt như vậy chẳng khác gì chấp nhận vay nặng lãi, đối với cá nhân thì đưa cái thòng lọng cho xã hội đen siết cổ, còn đối với quốc gia thì đưa một phần chủ quyền vào cái thòng lọng của nước cho vay. Mà đâu phải chỉ mỗi một dự án Cát Linh – Hà Đông. Đẩy gánh nặng vay nặng lãi lên đầu con cháu, đưa chủ quyền quốc gia vào thòng lọng của Trung Quốc, ai là tội đồ đây ? Nói vay ưu đãi chỉ là lừa đảo, là bên cho vay và bên vay hùa nhau lừa đảo dân ta.
Không riêng gì ODA từ Trung Quốc, ODA từ Nhật Bản, Hàn Quốc hay bất kỳ nước nào mà áp đặt chỉ định thầu và áp đặt mua sắm thiết bị, đều là vay ưu đãi lừa đảo, mất chủ quyền, nhưng Trung Quốc là nặng nhất.
Đường cao tốc Bắc Nam sẽ là tuyến đường huyết mạch quan trọng nhất của đất nước, không chỉ về kinh tế mà còn về quốc phòng. Nếu đại công trình này giao cho Trung Quốc, đất nước sẽ rơi vào đại họa. Đây không chỉ là cái bẫy nợ nần hàng chục tỷ đô la đè nặng nhiều thế hệ, đây còn là cái thòng lọng thít chặt chủ quyền đất nước không thể thoát ra được trong khi chủ quyền biển đảo đang bị Trung Quốc đe dọa hàng ngày.
Ai là những người đi đêm với Trung Quốc xúi bẩy các nhà lãnh đạo biến nhân dân thành con tin của đám xã hội đen cho vay nặng lãi ? Ai ở Bộ Giao thông, ai ở Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ai ở Bộ Tài chính làm nội gián ? Ai ở bên cạnh các nhà lãnh đạo làm thầy dùi ? Nhà lãnh đạo nào phải chịu trách nhiệm ? Đó là chuyện đã qua, nhưng nhân dân vẫn đang là con tin cho các khoản nợ, cho những công trình thua lỗ, cho những thiết bị hư hỏng, cho những nhà máy đang nằm đắp chiếu.
Tôi dẫn câu chuyện sân vận động Mỹ Đình để thấy rằng ngay cả một công trình không phải là vốn vay của Trung Quốc nhưng Trung Quốc vẫn dễ dàng gây sức ép để giành lấy, huống hồ là một dự án Trung Quốc sẵn sàng bỏ tiền ra cho nợ như cao tốc Bắc Nam.
Và còn điều này nữa. Chúng ta ký Hiệp định Thương mại Việt- Mỹ từ đã hơn hai chục năm, gia nhập WTO hơn chục năm nay, nhưng nhất định không tham gia Hiệp định mua sắm chính phủ của WTO, vì cớ gì ? Không tham gia Hiệp định mua sắm chính phủ, có nghĩa là vẫn giữ sự tùy tiện chỉ định thầu vô tội vạ, vẫn không chịu khép lại cái kênh tham nhũng khổng lồ thông qua chị định thầu. Mãi đến khi tham gia Hiệp định CPTPP mới buộc phải chấp nhận quy định mua sắm chính phủ của Hiệp định này trong phạm vi hẹp. Ai đã chỉ đạo trì hoãn việc đó?

Mất trắng hay lại quả ?

Lại quả nghĩa là trao lại, hầu hết mọi người dân ai cũng hiểu như thế. Từ này có nguồn gốc từ phong tục cưới hỏi của Việt Nam. Nhà trai mang mâm quả đến nhà gái xin hỏi vợ cho con trai. Nhà gái nhận lễ vật, đặt mâm quả trên bàn thờ gia tiên, xong xuôi nhà gái lấy một ít từ mâm quả ấy trao lại cho nhà trai như là sự chia sẻ lễ vật, chính xác nghĩa đen nó là như vậy. Ngày nay không biết phong tục này của người Việt theo đúng nghĩa đen có còn hay không, nhưng về nghĩa bóng nó đã ăn sâu vào văn hóa của người Việt rồi, mà đặc biệt và với những quan chức.
Nếu ai làm trong công tác chi tiêu ngân sách đầu tư dự án nhà nước đều biết. Quan chức có quyền ra quyết định đầu tư và ban quản lý dự án sẽ là mang tiền nhà nước đi đầu tư, họ sẽ làm cho vòng đời của đồng tiền nhà nước đi theo đúng quỹ đạo của mâm quả nhà trai vậy. Mục đích là để họ nhận tiền lại quả. Ví dụ, giá trị thật của dự án là 1 đồng, thì nhóm đại diện nhà nước yêu cầu nhà thầu phải bỏ thầu giá 2 đồng. 1 đồng dư ra ấy nhà thầu bị buộc phải trao lại cho phía đại diện nhà nước chia nhau. Vậy rõ ràng, đường đi của đồng tiền tham nhũng nó y hệt như cái mâm quả trong cưới hỏi. Kết quả cuối cùng, tiền từ nhà nước đi vòng qua tay nhà thầu rồi dội ngược lại túi bọn quan tham.
Tỷ lệ cho phần lại quả của nghĩa đen không nhiều, thông thường chừng 20% và chắc chắn không đến 50% phần trao đi. Thế nhưng tỷ lệ lại quả của tiền ngân sách nhà nước là vô chừng, ít nhất phải là 25%. Nếu có cơ hội cao hơn họ sẵn sàng lại quả đến 80%, thậm chí 90%.
Ví dụ thứ nhất, theo hạch toán của phía nhà nước được phép đưa lên báo chí chính thống, thì suất đầu tư cho mỗi km đường ở Việt Nam đắt gấp từ 3 đến 4 lần cho đường cùng loại ở Châu Âu và Mỹ. Với giá đắt gấp 3 lần thì phần trăm lại quả là 66,7%. Còn nếu đắt gấp 4 lần thì tiền lại quả là 75%. Thấy đáng sợ chưa? Một miếng bánh ngân sách đổ ra cho ngành xây dựng cơ bản tham nhũng xén từ 2/3 đến 3/4 miếng bánh đó bỏ túi riêng. Quy luật này đã ăn vào máu những quan chức cộng sản.
Quay lại trường hợp mới khởi tố PVN, Nguyễn Tấn Dũng ký quyết định đầu tư vào Venezuela gói thầu mà phí Việt Nam phải góp là 1,82 tỷ đô trong tổng giá trị. Bản chất của gói thầu này cụ thể như sau: PVN và Công ty Dầu khí quốc gia Venezuela liên doanh với tổng giá trị là 12,4 tỷ đô. Trong đó vốn vay là 7,44 tỷ đô tương đương 60%. Còn lại 40% là số tiền tương đương 4,96 tỷ đô là do 2 bên phải xuất tiền túi góp vào. Riêng phía Việt Nam góp 10% trên tổng 12,4 tỷ tương đương 1,24 tỷ đô. Đó là số vốn thật mà phía Việt Nam phải bỏ ra được ghi vào hợp đồng, nhưng trong báo cáo mà chính phủ trình Bộ Chính Trị thì phần góp của phía việt Nam là 1,82 tỷ đô. Số tiền dư ra 580 triệu đô được phía PVN và chính phủ Nguyễn Tấn Dũng lý giải rằng, đó là “phí tham gia hợp đồng”. Như vậy rõ ràng là số tiền 580 triệu kia không phải là phần góp vốn để liên doanh hoạt động mà nói thẳng ra, nó là một thứ phí tạm gọi là “phí bôi trơn”. Không thể thu hồi vì nó không nằm trong hợp đồng liên doanh. 580 triệu so với 1 tỷ 820 triệu chiếm 32%.Ví dụ thứ 2, là tháng 05/2016 tổng thống Mỹ Barack Obama dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí sát thương cho Việt Nam, những tưởng chính quyền Việt Nam sẽ hiện đại hóa quân đội nhằm thay thế thứ vũ khí lạc hậu của Nga-Tàu. Nhưng không, phía chính quyền CS họ chỉ nhìn thấy cơ hội kiếm chác. Ngày 25/07/2017 trang shephardmedia.com của Anh Quốc chuyên viết về quân sự , họ đã cho biết. Phía Việt Nam đặt vấn đề với phía Mỹ rằng, phía Mỹ phải lại quả cho họ 25% giá trị hợp đồng. Nghĩa là nếu giá trị thật của gói thầu là 750 triệu đô, thì phía Mỹ phải ghi vào hợp đồng là 1 tỷ đô rồi sau thối lại cho quan chức Việt Nam 250 triệu đô để bỏ túi. Phía Mỹ không chấp nhận cách làm ăn này nên thương thảo bị đổ vỡ.
Chắc chắn 32% là số tiền lại quả chứ chẳng phải thứ “phí bôi trơn” nào cả. Số tiền này liên doanh sẽ kí nhận và thối lại cho PVN và Nguyễn Tấn Dũng bỏ túi. Như vậy ở đây ta thấy gì? Khi dự án chưa được góp đồng nào để hoạt động thì bọn này đã ngắt trước 32% bỏ túi. Xui cho bọn họ là vừa ngắt xong thì tình hình chính trị Venezuela rối loạn, dự án bị đứng yên không thể góp đủ con số 1,82 tỷ đô. Nếu Chính trị Venezuela ổn định, thì đám này mang tiền ngân sách góp thêm 1,24 tỷ đô nữa và số tiền lại quả này bị lấp mất mà chẳng ai hay biết về nó. Nói ra để chúng ta thấy sự khốn nạn đến tột cùng của cái gọi là “doanh nghiệp nhà nước”. Thế đấy! Cộng Sản là vậy, sao đất nước không nghèo?
Tham khảo:
– https://news.zing.vn/duong-cao-toc-viet-nam-dat-gap-2-4-lan-the-gioi-post755100.html
– https://www.voatiengviet.com/a/quan-chuc-viet-nam-doi-my-lai-qua-tu-cac-hop-dong-mua-vu-khi/3961735.html
– https://www.shephardmedia.com/news/defence-notes/can-us-get-foot-vietnams-door/

Cao tốc, uổng tử và không có gì quý!


Dải bê tông gây chết người. (Hình: Trích xuất từ trang web vietnamnet.vn)

Trân Văn – VOA

hân nhân Lý Vũ Hảo, 26 tuổi, dân Cà Mau chỉ có thể thở dài, ngậm ngùi vì anh vắn số. Sẽ không có ai chịu trách nhiệm về chuyện đặt một khối bê tông giữa làn đường dẫn vào cao tốc Long Thành – Dầu Giây, dành cho xe hai bánh gắn máy.
Sở Giao thông – Vận tải (GTVT) TP.HCM bảo rằng, việc Hảo uổng tử khi đâm vào khối bê tông là… đáng tiếc! Khối bê tông ấy nằm giữa đường không phải do bất cẩn. Giới hữu trách xác nhận, họ chủ động đặt nó ở đó để chặn xe hơi đi vào làn đường vốn chỉ dành riêng cho xe hai bánh gắn máy và hai năm nay, ý tưởng đó rõ ràng là hữu dụng, chưa làm ai chết hay bị thương. Giờ, sau khi Hảo uổng tử, họ sẽ nghiên cứu tìm một giải pháp khác, chẳng hạn thay vật liệu làm chướng ngại vật bằng… cao su (1).
Chắc chắn Sở GTVT TP.HCM không nói ngoa về chuyện xe hơi xông vào làn đường dành cho xe hai bánh gắn máy từng khiến giao thông trên đường dẫn vào cao tốc Long Thành – Dầu Giây trở nên hỗn loạn, tắc nghẽn. Vấn đề nằm ở chỗ, dẫu có nhiều giải pháp để ngăn chặn, xóa bỏ hiện tượng này nhưng Sở GTVT TP.HCM, Khu Quản lý giao thông đô thị số 2, UBND quận 2 nhất trí chọn giải pháp đơn giản nhất và cũng là giải pháp nguy hiểm nhất cho người tham gia giao thông – dựng chướng ngại vật giữa đường.
***Các cơ quan, viên chức hữu trách có biết đem chướng ngại vật kiên cố dựng giữa đường nguy hiểm ra sao không? Họ không chỉ biết mà còn biết rất rõ! Phân biện sau khi Lý Vũ Hảo uổng tử, Sở GTVT TP.HCM nhấn mạnh, họ đã gắn nhiều biển cảnh báo (có chướng ngại vật phía trước, giảm tốc độ), ngoài ra còn tạo năm gờ giảm tốc. Thế thì tại sao các cơ quan, viên chức hữu trách lại chọn giải pháp này? Chỉ có một câu trả lời: Vì giải pháp đó đơn giản, dễ thực hiện và để rũ bỏ trách nhiệm, họ sử dụng các biển báo, gờ giảm tốc chuyển nghĩa vụ gánh vác ẩn họa sang phía tham gia giao thông.
Từ khi Việt Nam có cao tốc, quản lý – điều hành hoạt động giao thông trên cao tốc phát sinh đủ thứ chuyện để bàn: Chạy ngược chiều (2), lùi xe (3), trải bạt ăn uống trên làn dành cho trường hợp khẩn cấp (4), dàn hàng ngang để chụp ảnh (5),… Chẳng cần chờ giới hữu trách lên tiếng, công chúng vẫn nhận ra, lên án lối hành xử thiếu ý thức, vô trách nhiệm cả với tính mạng của những cá nhân có liên quan đến scandal lẫn người khác trên cao tốc. Thậm chí việc truy cứu trách nhiệm, xử phạt những kiểu hành xử như đã kể trên cao tốc luôn luôn đi sau cả dư luận lẫn công luận.
Vì sao một số không nhỏ cá nhân tham gia giao thông xem – sử dụng cao tốc như… đường làng? Xét cho kỹ, lối hành xử thiếu ý thức, vô trách nhiệm cả với tính mạng của mình lẫn người khác trên cao tốc phát xuất từ cách quản lý – điều hành cao tốc của hệ thống công quyền cũng chắc khác gì quản lý – điều hành… đường làng. Đặt chướng ngại vật kiên cố giữa làn đường dẫn vào cao tốc Long Thành – Dầu Giây chính là một ví dụ minh họa cho kiểu quản lý – điều hành đó. Không chỉ có vậy!
Quản lý – điều hành cao tốc như… đường làng nên Bộ GTVT cho phép xe bồn chở nước nhẩn nha tưới cây trên dải phân cách cao tốc TP.HCM – Trung Lương, khiến xe đò đâm vào đuôi xe bồn làm năm người mất mạng (6). Quản lý – điều hành cao tốc như… đường làng nên việc vệ sinh, bảo dưỡng, xử lý các vấn đề phát sinh trên cao tốc (tai nạn, thu nhặt chướng ngại vật,…) ở Việt Nam khác hẳn thiên hạ. Thiên hạ buộc phải rải cọc phân luồng (7), đặt đèn, dựng các loại biển báo hiệu cách điểm cần vệ sinh, bảo dưỡng, tai nạn, thu nhặt chướng ngại vật hàng cây số, điều động cảnh sát giữ an toàn cho cả công nhân, nhân viên cứu nạn, lẫn tài xế (8) nhưng Việt Nam không bận tâm. Dù công nhân làm việc trên cao tốc uổng tử vì thiếu các biện pháp bảo vệ nghiêm ngặt (9) nhưng không ai màng. Thậm chí, vào dịp kỷ niệm ngày truyền thống của ngành GTVT, Bộ GTVT còn điều động sinh viên Đại học GTVT và nhân viên ra cao tốc nhặt, quét rác (10).
Cũng với lối quản lý – điều hành cao tốc như… đường làng nên Bộ Công an vẫn để cảnh sát giao thông (CSGT) tới lui, chặn đầu các phương tiện đang lưu thông trên cao tốc. Năm 2017, một sĩ quan CSGT chết, một sĩ quan khác trọng thương khi chặn đầu một xe hai bánh gắn máy lưu thông trên cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên (11), một sĩ quan CSGT khác chết trên cao tốc TP.HCM – Trung Lương (12). Tuy nhiên việc lập chốt giữa cao tốc, chặn đầu các phương tiện đang lưu thông với tốc độ cao vẫn tiếp diễn. Năm ngoái, vì bị chặn đầu, buộc phải dừng xe trên cao tốc vì CSGT muốn… kiểm tra, một người dân uổng mạng, một CSGT trọng thương (13), công chúng phẫn nộ đòi khởi tố nhóm CSGT lập chốt kiểm tra trên cao tốc nhưng vô hiệu vì không có qui phạm pháp luật nào cấm (14). Xem cao tốc như… đường làng nên hệ thống tư pháp thản nhiên khởi tố, tống giam, phạt tù tài xế tông vào chiếc xe đang di chuyển trên cao tốc đột nhiên chạy giật lùi!
***
Khi cao tốc – đặc trưng của hệ thống giao thông hiện đại – được quản lý, điều hành theo kiểu… đường làng, rõ ràng còn lâu, việc sử dụng cao tốc mới văn minh. So với cách nay ba thập niên, dù hệ thống giao thông tốt hơn nhưng trật tự, an toàn giao thông tồi tệ hơn, bởi quản lý – điều hành giao thông vẫn giống như đang nằm trong tay các… trưởng thôn, trưởng bản. Cũng vì vậy mới có những chuyện như dựng chướng ngại vật giữa đường để ngăn không cho xe hơi đi vào làn dành riêng cho xe hai bánh! Tư duy quản lý – điều hành giao thông chỉ ở tầm thôn, bản nên mới có chuyện tổ chức nhặt, quét rác trên cao tốc để kỷ niệm… ngày truyền thống của ngành GTVT, hay lập chốt chặn đầu các phương tiện đang lưu thông trên cao tốc để… kiểm tra, hoặc buộc người mất giấy phép lái xe phải thi lại để chống tình trạng một số tài xế từng vi phạm luật giao thông lạm dụng việc cấp lại giấy phép lái xe, vô hiệu hóa các hình thức chế tài.
Tại Việt Nam, số người uổng mạng vì tai nạn giao thông (TNGT) hàng năm vẫn ở mức chục ngàn. Trong vài năm gần đây, hệ thống công quyền loan báo, thiệt hại nhân mạng do TNGT đang giảm. Đầu năm nay, Bộ Công an cho biết, số người uổng mạng vì TNGT tiếp tục giảm, trong cả năm 2018 chỉ có… 8.248 người uổng mạng do TNGT, thấp hơn năm 2017. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) không đồng ý cả về nhận định lẫn số liệu. WHO cho biết, sau khi ứng dụng mô hình xử lý tất cả các yếu tố đầu vào có ảnh hưởng đến TNGT (mức độ an toàn của phương tiện giao thông, mức độ an toàn của hạ tầng, thực trạng thực thi pháp luật), máy móc xác định, số người uổng mạng vì TNGT trong năm 2018 ở Việt Nam là 22.409 người. Chẳng riêng WHO, dựa trên dữ liệu tử vong mà hệ thống y tế ghi nhận, Bô Y tế cho rằng, số người uổng mạng vì TNGT trong năm 2018 là 15.856 – gần gấp đôi con số do Bộ Công an công bố (15).
Có nhiều bằng chứng cho thấy hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam không quý uy tín, chẳng thèm bận tâm đến niềm tin của công chúng nơi mình. Không thiếu những bằng chứng khác cho thấy, ngay cả nhân mạng – vốn vẫn được thiên hạ xem như vô giá – hệ thống chính trị, hệ thống công quyền cũng không màng. Chẳng riêng mạng công dân, mạng công nhân, sinh viên, nhân viên ngành GTVT, ngay cả mạng công an cũng không có gì đáng để quý. Cứ quan sát lề lối quản lý – điều hành cao tốc sẽ nhận ra ngay điều đó. Nếu lui lại một chút để nhìn sang các lĩnh vực khác ắt sẽ thấy y hệt như vậy: Không có gì quý. Do vậy, loạn là tất nhiên. Ổn định mới lạ!
Chú thích

Còn cộng sản thì tư nhân chỉ có chết

Nền kinh tế của Việt Nam đang rất mong manh bởi sự yếu kém của khối doanh nghiệp tư nhân, phụ thuộc vào doanh nghiệp nước ngoài và sự bết bát của các công ty nhà nước. Khối doanh nghiệp tư nhân chỉ đóng góp khoảng 10% GDP (không tính hộ cá thể), đây là một con số đáng buồn. Trong khi đó khối doanh nghiệp ngoại FDI chiếm đến hơn 20% GDP và hơn 70% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cũng như họ là người đem lại thành tích xuất siêu cho Việt Nam. Còn khối doanh nghiệp nhà nước thì khỏi nói rồi, nát như tương và là cái ổ tham nhũng, đốt ngân sách.
Bên anh Phúc hiện nay đang thúc đẩy khối doanh nghiệp tư nhân để vo tròn lại nền kinh tế nhưng câu hỏi là liệu có làm được không? Môi trường đầu tư, cạnh tranh có bình đẳng không? Khối doanh nghiệp nhà nước được ưu tiên rất nhiều từ vốn, tài nguyên, cơ chế pháp lý, xin cho tùm lum. Sau đó đến FDI cũng được ưu đãi hết mức. Vậy thì lấy đâu đất sống và phát triển cho khối tư nhân? Ở góc độ cải cách thể chế, TS. Trần Du Lịch, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng cho rằng: “Chúng ta phải tạo môi trường cho tư nhân phát triển để người làm ăn lành mạnh có thể phát triển được, còn những doanh nghiệp dựa vào cơ chế, dựa vào quen biết, luồn lách không có đất phát triển. Bởi những ai làm ăn kiểu gian dối với những ai làm ăn chân chính cùng tồn tại thì chắc chắn những doanh nghiệp làm ăn chân chính không có đất mà sống”.
Chúng ta có thể thấy nếu ở đất nước tư bản thì tư nhân còn có cửa mà phát triển và là nguồn lực chủ đạo của nền kinh tế quốc gia. Bởi vì cơ chế của họ khác hoàn toàn bên Việt Nam. Nếu Việt Nam áp dụng cái cơ chế ấy thì nhà nước, cơ quan công quyền và lãnh đạo bị thất thu rất nhiều. Đảng cộng sản có dám hất đổ bát cơm của mình đi vì lợi ích quốc gia hay không? Khả năng là không. Bởi vì họ thả cái này lại tìm cách thu từ cái khác. Quan chức, lãnh đạo, chế độ này sống bằng những nguồn tiền bẩn thỉu nó quen rồi và không có nó thì họ cũng đói dài hết cả mồm.
-
Chúng ta cứ nhìn cái ô tô là ra vấn đề. Thuế nhập khẩu giảm đi thì bắt đầu nhà nước tăng thuế tiêu thụ đặc biệt và nhiều loại thuế trên chiếc ô tô để bù vào thuế nhập khẩu. Kể cả từ xăng dầu cho đến cầu đường, thủ tục… Chúng ta đừng hi vọng gì vào một chính phủ như vậy. Nếu tư nhân phát triển mạnh thì miếng bánh của nhà nước sẽ bị thu nhỏ lại, các doanh nghiệp sân sau, độc quyền cũng bị mất thị phần…Đó là nỗi sợ hãi của những người cộng sản. Cái cơ chế của Việt Nam là cơ chế làm tiền người dân và doanh nghiệp chứ đừng bao giờ mơ họ đưa ra cơ chế bất lợi cho họ. Có chăng chỉ là thay hình đổi dạng như cái “kinh tế thị trường có đuôi XHCN” mà thôi./.

Nói không với đường sắt Hà Khẩu – Lào Cai – Hải Phòng

1-Trong các lĩnh vực GTVT của Việt Nam, đường sắt là lĩnh vực tồi tệ nhất, chậm thay đổi nhất so với hàng không và đường bộ. Sau 44 năm kể từ khi thống nhất, đã không làm được điều gì mới đáng nói, lại còn phá mất tuyến đường sắt độc đáo Phan Rang – Đà Lạt, mà nếu làm lại thì tốn không biết bao nhiêu công sức tiền của.
2-Miền Tây Nam Bộ là vùng đất trù phú bậc nhất của quốc gia, có tiềm năng to lớn về con người và thiên nhiên, có diện tích 40 548 km2 và dân số 18,5 triệu người.Tăng trưởng GDP của Miền Tây Nam Bộ cao hơn bình quân cả nước. Vậy mà hiện nay Miền Tây Nam Bộ không có tuyến đường sắt nào. 74 năm cầm quyền rồi mà người Việt Nam cũng không chịu làm thêm 1mét đường sắt ở Miền Tây Nam Bộ.
3-Trong khi đó, Miền Tây Bắc và Đông Bắc đã có tuyến đường sắt Lao Cai – Hà Nội, Thái Nguyên – Hà Nội, Hải Phòng – Hà Nội, Lạng Sơn – Hà Nội và đang xây dựng tuyến Quảng Ninh – Hà Nội.
- Quảng Cáo -
4-Về đường bộ cao tốc, đã có tuyến Lao Cai – Hà Nội, Thái Nguyên – Hà Nội. Quảng Ninh – Hải Phòng – Hà Nội, Bắc Giang – Hà Nội, và đang xây dựng tuyến Lạng Sơn – Bắc Giang.
Như vậy, nhìn tổng quát GTVT Miền Tây Bắc và Đông Bắc vẫn cần tiếp tục đầu tư, nhưng chưa phải cấp thiết bậc nhất.
5- Cấp thiết bậc nhất là tuyến HCM – Hà Nội và Miền Tây Nam Bộ. Cho nên, không phải ưu tiên cho Tây Bắc, Đông Bắc mà phải khẩn cấp đầu tư phát triển giao thông vận tải cho Miền Tây Nam Bộ, cả đường sắt lẫn đường bộ cao tốc.
6- Trong khi Miền Tây Nam Bộ chưa có tuyến đường sắt nào, thì Bộ GTVT lại khởi động dự án đầu tư mới tuyến đường sắt Lao Cai – Hải Phòng khổ 1.435mm, mặc dù đã có sẵn tuyến đường sắt khổ 1.000mm. Tư vấn Trung Quốc đề xuất làm tuyến mới khổ 1.435mm, chứ không phải cải tạo mở rộng tuyến đường sắt cũ 1.000mm.
Theo ông Vũ Quang Khôi – Cục trưởng Đường sắt Việt Nam cho biết thì đơn vị ông đang phối hợp với tư vấn Trung Quốc nghiên cứu quy hoạch tuyến đường sắt Hà Khẩu – Lao Cai, và 392 km tuyến Lào Cai – Hải Phòng. Trung Quốc cho vay 10 triệu nhân dân tệ để nghiên cứu tuyến đường này.
Còn tại cuộc họp đầu tháng 3 với tư vấn Trung Quốc, thì Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông đã yêu cầu tư vấn Trung Quốc làm rõ quy mô, tổng mức đầu tư, lộ trình xây dựng tuyến đường, phạm vi khu vực đầu tuyến kết nối với Trung Quốc…
7-Rõ ràng Trung Quốc trực tiếp thúc ép đầu tư tuyến đường sắt mới Hà Khẩu – Lao Cai – Hải Phòng.
Trung Quốc đã và đang hà hơi phép màu kinh phí. Trung Quốc đang đưa con mồi kinh phí làm ảo thuật. Tài trợ cho nghiên cứu khả thi và tư vấn. Tiếp đến là cho vay ưu đãi và ân hạn để xây dựng đường sắt, mua tàu và các phương tiện kỹ thuật với “giá ưu đãi”.
Chỉ có điều, vài % ưu đãi và mấy năm ân hạn không tài nào gánh nổi “giá ưu đãi” đã thổi lên gấp 2,3 lần. Cây chưa trồng mà đã nhận quả đắng.
8- Chúng ta hãy nói “KHÔNG” với Trung Quốc về tuyến đường sắt Hà Khẩu – Lao Cai – Hải Phòng.
Trong khi kinh phí không đủ, phải đi vay tứ tung, thì hãy tập trung nguồn lực làm đường sắt khổ 1.435mm cho tuyến HCM – Hà Nội và tuyến Cần Thơ – HCM, chứ dứt khoát chưa thể là Hà Khẩu – Lao Cai – Hải Phòng.
Chúng ta không thể vay tiền của Trung Quốc, chịu gánh nợ cả gốc lẫn lãi, rồi để làm đường sắt cho Trung Quốc trên lãnh thổ nước ta.
Đất Nước đang gánh chịu những đòn tàn phá nặng nề. Những Formosa Kỳ Anh, Những gang thép Thái Nguyên, những đường sắt Hà Đông – Cát Linh … hàng ngàn mũi dao đang xẻ đâm Đất Nước. Đất Nước chưa cần đường sắt Hà Khẩu – Lao Cai – Hải Phòng. Đất Nước không cần đánh đổi sự tăng trưởng GDP bằng tai họa. Cháu con không cần cha anh phải đi vay mượn. “Đời cua cua máy, đời cáy cáy đào”.
Đừng nhân danh phát triển khinh tế, đừng nhân danh hợp tác quốc tế, đừng nhân danh vì tương lai con cháu mà chuốc lấy tai họa.
Để lại gánh nợ tai họa cho đời sau thì đến thần linh cũng khó ân xá./.

Lạc đà có thể chui qua lỗ kim là thật

Bản tin NLD Online cho biết: “Theo tài liệu điều tra, khoảng 11 giờ 30 ngày 24 Tháng Hai, Nguyễn Trọng Trình đang trên đường trở về nhà sau khi bán thịt lợn tại chợ, khi đi đến khu vực nghĩa trang liệt sĩ xã Hợp Đồng (huyện Chương Mỹ), thì nhìn thấy cháu V.N.Q (9 tuổi, trú tại xã Hợp Đồng) đang đi học về và nảy sinh ý định tà dâm đối với cháu Q. Sau khi đi qua cháu Q. một đoạn, Trình quay xe lại và dụ dỗ cháu Q. lên xe, rồi chở cháu Q. tới một vườn chuối trên địa bàn xã Lam Điền (huyện Chương Mỹ), cách đó khoảng 5 km. Tại đây, Trình đã thực hiện hành vi dâm ô đối với cháu Q., khiến nạn nhân bị xây xước, chảy nhiều máu từ vùng kín; rạn xương tay phải; gãy răng hàm dưới.”
Cháu bé V.N.Q. chín tuổi bị rạn xương tay phải vì bị Nguyễn Trọng Trình cưỡng dâm. (Hình: nnews.space)
Sau hơn 10 giờ điều tra, công an huyện Chương Mỹ đã xác định và triệu tập nghi phạm Nguyễn Trọng Trình tới làm việc và nghi can đã thừa nhận toàn bộ hành vi gây án của mình và đã bị tạm giam. Tuy nhiên tám ngày sau nghi can Nguyễn Trọng Trình lại được cơ quan điều tra cho tại ngoại. Tống Quang Hiếu, đội trưởng cảnh sát hình sự, công an huyện Chương Mỹ, Hà Nội, cho biết lý do là “phạm tội ít nghiêm trọng và cho nghi phạm tại ngoại, chỉ áp dùng biện pháp ngăn chặn cấm khỏi nơi cư trú.”
Hành vi gây án này đặc biệt nghiêm trọng vì đã hiếp dâm trẻ dưới 10 tuổi, bất cứ cơ quan điều tra nào khi hoàn thành lời khai của bị can sẽ nhanh chóng thành lập chứng cứ và gửi cho VKS để thụ lý vụ án hình sự, tại sao trong trường hợp Nguyễn Trọng Trình đã thừa nhận hành vi gây án lại được tại ngoại một cách khó hiểu như vậy?
Nếu tội danh được thành lập thì theo Bộ Luật Hình Sự 2015 của Quốc Hội, bổ sung năm 2017 có hiệu lực kể từ ngày 1 Tháng Giêng, năm 2018. Điều 142, Khoản 3.54. về tội hiếp dâm người dưới 10 tuổi sẽ bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.
Xét về nội dung vụ án, rõ ràng không thể có kết luận nào khác khi chính nghi can khai rõ hành vi của y từ khi dụ dỗ bé gái cho tới khi xâm phạm tình dục với em một cách thô bạo. “Phạm tội ít nghiêm trọng” là lý do mà công an Chương Mỹ đưa ra có đúng với điều mà Bộ Luật Tố Tụng Hình Sự đã quy định hay không? Rõ ràng là không vì cháu Q. đã được xác minh là “bị xây xước, chảy nhiều máu từ vùng kín; rạn xương tay phải; gãy răng hàm dưới.” Những vết tích này chứng minh việc cháu bị cưỡng bức, bạo hành và đánh đập trước và trong khi bị nghi phạm giao cấu đã đủ yếu tố cấu thành tội phạm mà hơn nữa là một tội đại hình, khó thể được tại ngoại. Tiền án của nghi phạm cũng minh chứng cho hành vi phạm tội của y là thói quen khó bỏ của một thành phần bất chấp luật pháp.
Theo công an huyện Chương Mỹ, Nguyễn TrọngTrình đã có tiền án về tội cướp giật tài sản ở thị xã Dĩ An (Bình Dương) vào năm 2007. Đến Tháng Tư, 2013, Trình được ra tù và trở về huyện Chương Mỹ sinh sống.
Theo Điều 92 Bộ Luật TTHS 2003 Cơ Quan Điều Tra, Viện Kiểm Sát Nhân Dân, Tòa Án Nhân Dân có thể cho phép nghi phạm đặt tiền hoặc tài sản có giá trị để tại ngoại để thay thế biện pháp tạm giam tuy nhiên phải căn cứ vào tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, nhân thân và tình trạng tài sản của bị can, bị cáo, cơ quan thẩm quyền nói trên có thể quyết định cho họ đặt tiền hoặc tài sản có giá trị để bảo đảm sự có mặt của họ theo giấy triệu tập.
Người theo dõi câu chuyện cho rằng công an Huyện Chương Mỹ đã được chạy án và đã lạm dụng quyền lực để cho nghi can tại ngoại và biết đâu sau này khi ra tòa, Nguyễn Trọng Trình sẽ có một bản khai khác hoàn toàn với lời khai mà đương sự đã khai trong những ngày tạm giam đầu tiên sau khi gây án.
Trong vụ án này công an Chương Mỹ đã không nhận ra hành vi nghiêm trọng của vụ án có thể do nghiệp vụ kém nhưng cũng có thể do “nén bạc đâm toạc tờ giấy.” Một kẻ có tiền án như Nguyễn Trọng Trình cùng với bằng chứng các vết thương trên người cháu Q., đặc biệt là vùng kín bị chảy máu, công an Chương Mỹ phải ngay lập tức lấy mẫu tinh dịch trong người cháu Q. và xác định các vết thương trên người của cháu qua nghiệp vụ pháp y. Cho dù các vết thương không nặng và nguy hiểm đến tính mạnh nhưng chúng góp phần chứng minh hành vi phạm tội của Nguyễn Trọng Trình là hiếp dâm trẻ dưới 10 tuổi. Vì vậy công an Chương Mỹ không thể cân đo các vết thương là bao nhiêu phần trăm để khởi tố vụ án hay không.
Nếu chậm trễ trong việc trích xuất tinh dịch từ cơ thể của cháu Q. thì không lấy đâu ra bằng chứng về tội hiếp dâm trẻ em của nghi phạm. Đây có thể là một sai sót nhưng cũng có thể là sai sót có ý thức.
Quyết định cho tại ngoại đối với một kẻ như Trình đang làm cho cả xã hội bức xúc. Lỗ hổng trong Bộ Luật Tố Tụng Hình Sự đang bị lợi dụng triệt để và qua đó kẻ gây án lẫn người chấp nhận tội phạm đang ăn mòn tư pháp Việt Nam.

Chống dịch tả cũng giống chống tham nhũng

Dịch tả heo châu Phi lan ra 13 tỉnh sau 5 tuần phát hiện bệnh.
Dịch tả heo châu Phi lan ra 13 tỉnh sau 5 tuần phát hiện bệnh.
Nói hai thứ chống này giống nhau vì lẽ, nó đòi hỏi tâm huyết, trí tuệ và đặc biệt là sự hi sinh. Nếu chỉ thiếu một trong ba yếu tố này thì việc chống chỉ mang tính hình thức hoặc mượn việc chống để mưu sự cá nhân. Sở dĩ phải nói như vậy vì hai lý do: Lò ông Trọng rực lửa nhưng vẫn chưa đủ cháy và; cho đến thời điểm hiện nay, những cán bộ kiểm dịch Việt Nam hiện rõ gương mặt của kẻ ăn không ngồi rồi, ăn hại chứ không làm gì cho ra trò trống.
Ở vấn đề thứ nhất, chống tham nhũng, lò ông Trọng rực lửa nhưng chưa đủ cháy, vì sao? Vì ông đã đốt khá nhiều thanh củi tham nhũng cộm cán, điều đó cho thấy ngọn lửa chống tham nhũng trong lò không nhỏ. Nhưng bên cạnh đó, hàng trăm gương mặt tham nhũng, có liên quan đến BOT, liên quan đến đường sắt Cát Linh – Hà Đông và nhiều biệt phủ lấn chiếm rừng phòng hộ… Những kẻ chủ mưu vẫn ung dung, lớn tiếng. Và sự lớn tiếng này phải chăng đã có sự bảo bọc, che chở từ một cấp cao nào đó? Cái cấp cao nào đó có liên quan gì đến việc miễn cháy trong lò ông Trọng?
Và đến đây, người ta buộc lòng phải hỏi liệu cuộc đốt lò của ông có thực sự tiêu diệt những kẻ tham nhũng bằng ngọn lửa công lý, công bằng xã hội và làm sạch bộ máy công quyền? Hay đây chỉ là động thái đánh vào đối phương? Nó chỉ cho thấy ngay trong nội bộ đảng Cộng sản cũng đã chia ra làm nhiều bè phái và kẻ mạnh thì được mượn danh công lý để tiêu diệt công lý, kẻ yếu thì chết một cách tức tưởi hoặc nhục nhã?
Đương nhiên, cái chết tức tưởi hay nhục nhã đều xứng đáng với những kẻ mang tâm hồn đen tối, sâu mọt trước nỗi thống khổ của nhân dân, trước hàng triệu con người vẫn còn lây lất kiếm từng bữa cơm và trong mỗi hạt gạo họ nấu cơm đều gánh tiền thuế. Nhưng nếu tiêu diệt một nửa sâu mọt thì nửa còn lại vẫn cứ là sâu mọt, chúng không thể biến thành chim chóc để ca hát. Tiêu diệt đối phương để hệ thống mình mạnh lên và thả sức hoành hành vì không có đối trọng là một lựa chọn hoàn toàn không dựa trên lương tri công chính.
Nói như vậy để thấy rằng trong ba yêu cầu diệt tham nhũng gồm tâm huyết, trí tuệ và sự hi sinh, công cuộc chống tham nhũng vẫn thiếu một thứ gì đó rất quan trọng để làm sạch hệ thống công quyền. Và lý lẽ nếu diệt hết tham nhũng thì lấy ai phục vụ đất nước là một thứ lý luận cùn. Bởi trí thức Việt Nam không thiếu, người tâm huyết với đất nước không ít và hơn nữa nếu như chấp nhận chỉ để đủ người trong hệ thống mà bỏ qua các tội lỗi cộm cán như tham nhũng, cửa quyền là một lựa chọn không lành mạnh, thậm chí không có tương lai.
Trong khi đó, lực lượng cán bộ kiểm dịch, cán bộ y tế Việt Nam có con số khổng lồ, và khi cần huy động, họ sẽ có những cơ quan liên ngành hỗ trợ nhằm chống dịch và trấn an nhân dân. Thay vì đợi dịch đến mới cho thiêu hủy tài sản của nhân dân thì ngay từ lúc mới xuất hiện dịch, cục phòng chống dịch và cục thú y phải đứng ra thanh lọc tất cả các nguồn heo, gà từ nước ngoài nhập vào Việt Nam. Điều này hoàn toàn không khó, chỉ cần kiểm định, kiểm dịch ngay tại đầu vào ở các cửa khẩu thì mọi việc trở nên dễ dàng hơn. Thử hỏi, trong lúc dịch xảy ra, các cục, chi cục thú ý và kiểm dịch đang ở đâu? Có bao nhiêu cán bộ, chuyên viên của các cục này có mặt tại các cửa khẩu?Điều đó cũng giống như chống dịch trong một quốc gia theo cả nghĩa bóng và nghĩa đen. Nếu như chống dịch mà chỉ ngồi chơi xơi nước và đợi kết quả rồi phán xàm thì chắc chắn dịch sẽ hoành hành. Rõ nét nhất là đại dịch tả châu Phi ở heo và đại dịch A/H5N6 hoành hành ở gia cầm. Mặc dù cả nước nhốn nháo, nhiều trường hợp bị nhiễm dịch gồm trẻ em và người lớn nhưng thử đến các khu chợ từ miền Bắc vào miền Trung đều có chung một không khí: người mua hoang mang, người bán than thở.
Vấn đề thứ hai, để tránh tình trạng tổn thất kinh tế và tránh hoang mang trong nhân dân thì cục kiểm dịch và các chi cục phải vào cuộc để tránh tình trạng heo không bị dịch cũng chịu chung số phận với heo bị dịch và nhà buôn đi từ thua lỗ đến phá sản. Thử nghĩ, suốt nhiều năm, nhiều tháng ngồi chơi xơi nước theo cung cách cán bộ nhà nước xã hội chủ nghĩa, khi có sự cố thì chịu khó huy động nhau và kêu gọi liên ngành cùng ra tay bảo vệ người tiêu dùng, bảo vệ nhà buôn. Việc có gì khó đâu! Chỉ cần mỗi sáng, cắt hai cán bộ kiểm dịch, trang bị đầy đủ dụng cụ kiểm dịch, sau đó kêu gọi bảo vệ chợ và công an cấp tương đương cùng hỗ trợ. Tất cả thịt heo hay gà muốn vào chợ thì phải có con dấu kiểm dịch, phải qua kiểm dịch tại chỗ. Như vậy thì người mua không bị hoang mang mà người bán cũng không đến nỗi ế ẩm, than trời kêu đất như hiện tại.
Thử nghĩ, tại cửa khẩu có kiểm dịch, tại các đường vào tỉnh, huyện có kiểm dịch, nguồn thịt vào chợ được kiểm dịch chặt chẽ thì dịch nào lọt vào được? Đương nhiên không thể nói rằng làm như vậy là ngăn chặn được dịch một cách tuyệt đối, nhưng chí ít nó cũng giải quyết được ba vấn đề: Giúp cho việc mua, bán trong các chợ được xác tín; Tránh được tình trạng hoang mang và khủng hoảng kinh tế xâu chuỗi; Và quan trọng nhất là giải quyết được bệnh mòn đũng quần vì ngồi lên la hết quán cà phê tới quán nhậu rồi lại ghế văn phòng của cán bộ nhà nước, tạo được thiện cảm của nhân dân và tự tạo tinh thần trách nhiệm của một người ăn ương từ thuế của dân.
Nhưng không, không hề có động thái nào cho thấy các ban, ngành nhà nước thể hiện quyết tâm hay trách nhiệm với nhân dân. Bài cũ giở đi giở lại đến nhàm chán vẫn không thôi, đó là đợi tỉnh nào có người bị mắc dịch thì công bố dịch ở tỉnh đó, gia súc, gia cầm nơi có dịch vẫn chuyển đi như chốn không người, khi có dịch thì thả sức đốt, phá tài sản của nhân dân. Ví dụ ở xã A có một chuồng lợn bị dịch thì lợn cả xã đó bỉ bị thiêu hủy không cần xét nghiệm hay kiểm dịch gì. Chủ nuôi lợn khóc lên khóc xuống vẫn không thoát. Muốn thoát thì phải hối lộ cho cán bộ thú ý và kiểm dịch.
Thử hỏi, với một bộ máy cán bộ và cơ chế hoạt động kiểu như vậy thì không gọi là ăn hại thì gọi bằng gì? Và cái thói quen chây lười, nhũng nhiễu, ham ăn của giới cán bộ không chừng đã lấp mất tư duy cũng như kĩ năng nghề nghiệp của họ. Không chừng bây giờ, có lệnh tổng thanh tra, kiểm dịch, cho họ đi chốt chặn để kiểm dịch, họ không biết kiểm cái gì và kiểm làm sao. Họ lại kêu cứu cấp trên đào tạo, tập huấn và cho hưởng chi phí đào tạo, tập huấn (mức tiền ngoài lương cơ bản). Khi đào tạo, tập huấn cho họ xong, mất một núi tiền ngân sách, họ có thể làm tàm tạm thì dịch đã hoành hoành khắp nơi hoặc dịch đã tạm lắng xuống, đã hết mùa dịch…!
Chuyện cán bộ vô trách nhiệm, mất phẩm chất, tham lam, hống hách ở Việt Nam cứ như chuyện bước ra đường mà không gặp rác, không gặp phân là ngày quá lạ, quá đặc biệt vậy! Và chuyện chống tham nhũng, chống dịch, xin đừng lên đồng như một kiểu câu view thời loạn mà hãy làm thật, làm mạnh và dứt khoát.

Đầu tư dầu khí hay mang đô-la đổ xuống biển?


Lô Junin 2 nằm cách thủ đô Caracas của Venezuela hơn 800 km. Ảnh: soha.vn
Phạm Nhật Bình – Web Việt Tân

Nói đến Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) dư luận lại nhớ đến những vụ án kinh doanh thất thoát hàng ngàn tỷ đồng đã biến Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh và một số lãnh đạo ngành dầu khí khác thành củi trong chiến dịch đốt lò của ông Trọng trong năm 2018. Nhưng PVN vẫn chưa qua cơn bão mà có vẻ ông Trọng lại sắp ra tay nhắm vào Tập đoàn quốc doanh đầy tai tiếng này, căn cứ vào những bước đi chuẩn bị của báo chí nằm trong sự chỉ đạo của Ban Tuyên giáo Trung ương.
Bộ công an đang điều tra PVN trong một dự án đầu tư dầu khí tại Venezuela. Thực hiện dự án đầu tư này là Tổng công ty thăm dò, khai thác Dầu khí (PVEP) một công ty con của PVN.
Vốn là một quốc gia mà trữ lượng dầu khí đứng hàng thứ nhì thế giới chỉ sau Ả Rập Saudi, Venezuela trong thời gian trước đây là nước tiếp nhận nguồn đầu tư quan trọng của thế giới. Chính vì lạc quan trước con số lợi nhuận thu về chỉ tính toán trên bàn giấy, PVN được phép của chính phủ, giao cho PVEP thành lập một liên doanh giữa hai nước để khai thác dầu nặng lô Junin 2.
- Quảng Cáo -
Đây là thời điểm của năm 2010 lúc Nguyễn Tấn Dũng đang giữ chức thủ tướng đầy quyền uy nên dự án được chấp thuận không mấy khó dù gặp phải không ít phản biện chung quanh việc thực hiện. Đây cũng là thời đang lên như diều gặp gió của các đại công ty “quốc doanh là chủ đạo” thực hiện giấc mơ tiến lên nền kinh tế công nghiệp hoá, hiện đại hoá vào năm 2020. Tiếc thay giấc mơ ấy được chính các lãnh đạo Việt Nam hiện nay thừa nhận nó đã lụi tàn và không còn ai muốn nhắc tới.
Với tổng số vốn đầu tư là 12,4 tỷ USD, lô Junin 2 của Venezuela trở thành một mỏ vàng đối với các viên chức dầu khí Việt Nam. Với công suất khai thác được tính toán 1.400 tỷ thùng, Junin 2 có thể mang về cho PVN mỗi năm 4 triệu tấn dầu. Đây là một con số lý tưởng, chiếm tới 70% dầu khai thác hàng năm của liên doanh Việt-Nga (Vietsovpetro). Điều này cắt nghĩa tại sao PVN cứ lao vào đầu tư không một chút đắn đo ở một xứ sở mà tình hình chính trị đang trở nên bấp bênh, bất định.
Được biết phần vốn đóng góp của Việt Nam trong hợp đồng là 1,241 tỷ USD tương đương với tỷ lệ 40% theo thoả thuận trong hợp đồng. Ngoài ra PVEP còn phải đóng trước trong một thời gian ngắn số tiền khá lớn 584 triệu USD, gọi là “phí tham gia hợp đồng”.
Bỏ qua những khuyến cáo rủi ro của Bộ Kế hoạch-Đầu tư, PVEP vẫn thản nhiên chấp nhận “phí tham gia hợp đồng” cho dù được đánh giá là vô lý. Trong khi liên doanh chưa hoàn thành thủ tục ghi tên với chính phủ Venezuela, PVEP lần lượt chuyển 2 đợt tiền 300 triệu và 142 triệu USD cho phía liên doanh Venezuela.
Thế nhưng kết quả của việc khoan thăm dò và khai thác cho thấy khó đạt được sản lượng dầu như mong ước lúc đầu. Cuối năm 2013, lãnh đạo PVEP đành đơn phương từ chối đóng 142 triệu USD đợt 3 khi giật mình thấy mình không thể tiếp tục phiêu lưu khi chưa thấy thùng dầu nào xuất hiện. Nhưng như thế có nghĩa là theo điều kiện ấn định trong hợp đồng, PVEP chấp nhận mất 442 triệu USD phí tham gia đã đóng, cùng với 90 triệu USD góp vốn và vô số chi phí khác, tổng cộng khoảng 11.000 tỷ VND.
Câu chuyện đầu tư ra nước ngoài bị mất trắng trên nửa tỷ đô-la rơi vào sự im lặng đáng sợ trong suốt gần 10 năm qua đã nói lên điều gì?
Thứ nhất, đây là loại kế hoạch đầu tư không tưởng, được hoạch định bởi những cán bộ tay mơ xuất thân từ trường Đại học Dầu-Hoá Baku (Azerbaijan) thời Liên Xô và thực hiện bởi công ty con PVEP được mô tả là ngọn cờ đầu của PVN. Tuy vậy cũng như hầu hết các công ty con mang chữ P… đứng đầu, lãnh đạo của PVEP mang tiền đến Venezuela với hào quang một nước xã hội chủ nghĩa giàu có hàng đầu Nam Mỹ, lại là quốc gia có trữ lượng dầu nhất nhì thế giới. Đây là thời kỳ PVN nằm dưới quyền lãnh đạo của những cán bộ như Phùng Đình Thực và Đỗ Văn Hậu. Thực đã lãnh án tù trong những vụ án Nhiệt điện Thái Bình 2 còn Hậu may mắn chỉ bị cách chức.
Thứ hai, với lòng tham không đáy và sự vô trách nhiệm họ còn cố tình bỏ qua tình hình của chế độ Maduro đang sa lầy trong chính những mỏ dầu của mình. PVEP đã nhắm mắt đổ tiền vào Venezuela để cuối cùng bị anh bạn xã hội chủ nghĩa sắp hết thời lừa gạt bằng chiêu “phí tham gia hợp đồng” hay còn gọi là “bonus”. Trong khi dầu của Venezuela còn nằm trong lòng đất thì với cách tính toán sơ đẳng, các lãnh đạo dầu khí bất tài của Việt Nam đã vội vàng nhìn thấy ngay từ mỏ Junin 2 “200.000 thùng/ngày” tương đương “10 triệu tấn/năm”. Vì thế họ đã sẵn sàng vung tiền qua cửa sổ mà không hề nghĩ tới nửa tỷ đô la ấy là kết quả của biết bao mồ hôi nước mắt của dân nghèo đóng góp vào ngân sách quốc gia.
Cung cách tiêu tiền hoang phí của PVN không chỉ được nhìn thấy qua vụ đầu tư tồi tệ này. Nó hiện diện trong suốt thời kỳ kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, với các nhóm lợi ích hoành hành ảnh hưởng tới chính sách nhà nước để thủ lợi. Có thể đếm được tới 12 dự án nghìn tỷ của Bộ Công thương được mô tả là thua lỗ kéo dài mà mãi đến nay chưa có biện pháp giải quyết hay chỉ giải quyết một cách khập khễnh.
Điển hình cho sự thua lỗ “bền vững” này là Nhà máy đạm Ninh Bình của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) với vốn ban đầu 100 triệu USD, vay thêm của Trung Quốc 250 triệu. Đạm Ninh Bình sử dụng máy móc, thiết bị Trung Quốc hoạt động từ năm 2012 nhưng liên tục báo lỗ, máy móc luôn trong tình trạng hư hỏng. Tính ra trong vòng 4 năm sản xuất, Đạm Ninh Bình đã lỗ hơn 2.700 tỷ VND.
Bỏ vốn đầu tư ra nước ngoài để mang lợi nhuận về cho đất nước là một chủ trương đúng đắn mà quốc gia nào cũng thực hiện. Tương tự Tập đoàn Dầu khí Quốc gia PVN, Vinachem cũng đã bỏ ra 522 triệu USD đầu tư khai thác muối kali ở Lào. Căn cứ trên giá bán ra năm 2015 là 365 USD/tấn, Vinachem sẽ bỏ túi 140 triệu ngon lành. Nhưng cuối năm 2016 muối Kali rớt giá thê thảm, Vinachem phải bỏ chạy khỏi Lào chịu mất 522 triệu, vì càng đầu tư thêm càng lỗ.
Khôi hài hơn hết trong 12 dự án thua lỗ, Nhà máy bột giấy Long An với vốn đầu tư ban đầu gần 1.500 tỷ VND được nâng lên 3.400 tỷ VND, cũng sử dụng công nghệ Trung Quốc. Năm 2012 sau nhiều lần chạy thử mà không ra nổi bột giấy như yêu cầu. Cho dù được sửa đi sửa lại cũng không xong, nhà máy đành đắp chiếu suốt 17 năm qua. Hoá ra nhà thầu Trung Quốc lấy đô-la thật, bán máy móc lạc hậu từ những nhà máy phế thải bên nước họ. Đặc biệt hơn nữa Bột giấy Long An được tổ chức bán đấu giá 3 lần nhưng vẫn không ai mua!
Trở lại dự án đầu tư Junin 2 ở Venezuela, ngày 13/3/2019 được biết ông Nguyễn Vũ Trường Sơn Tổng giám đốc Tập đoàn PVN từ tháng 3/2016 đã “xin thôi chức”. Thời gian 3 năm đứng đầu một tập đoàn quốc doanh lớn cũng là thời gian mà ông Sơn chứng kiến biết bao ngôi sao của ngành dầu khí rơi rụng thê thảm như Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh rồi Phùng Đình Thực, Nguyễn Xuân Sơn…
Junin 2 chỉ là một trong 13 dự án mà PVN đầu tư ra nước ngoài bị thất bại phải ngừng lại hay chuyển nhượng cho nhà đầu tư khác. Tổng giám đốc Nguyễn Vũ Trường Sơn tuy từ chức nhưng không thể không có trách nhiệm về sự thất thoát lớn lao trong dự án Junin 2 do PVEP thực hiện. Nhất là với số nợ dài hạn phải trả, nay đã tăng lên đến gần 350 ngàn tỷ VND thì người cầm đầu một tập đoàn quốc doanh độc quyền buôn bán dầu đào từ lòng đất lên sẽ giải thích ra sao?
Càng nực cười hơn, khi tham dự hội nghị tổng kết công tác của Tập đoàn dầu khí hôm đầu tháng 1/2019 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tuyên bố “PVN phải tiếp tục là tập đoàn dầu khí, tập đoàn kinh tế hàng đầu của đất nước, sánh vai với các đối tác trong khu vực và trên thế giới.”

Có lẽ thủ tướng nói lộn, vì PVN cũng như hầu hết các tập đoàn quốc doanh khác đang tiếp tục là những “quả đấm thép” làm nghèo đất nước./.

Trải lòng cùng Vũ Đức Đam



Nguyễn Việt Nam|

hội báo toàn quốc vừa rồi thấy anh Đam phó Thủ tướng Chính phủ cũng trăn trở nhiều về văn hóa ứng xử của người Việt Nam. Thực sự là người Việt Nam chúng ta rất kém văn minh, đây là điều ai cũng hiểu và hình ảnh của người Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế cũng không có gì là đẹp đẽ. Ở cương vị một lãnh đạo cao cấp như anh Đam thì tôi cũng hiểu anh trăn trở thế nào. Nhưng anh cũng phải hiểu là do đâu mà ra cái cơ sự ngày hôm nay.
Tôi đã nói rất nhiều lần rằng chính do cái cơ chế mà đảng cộng sản và cái chế độ chính trị của các anh đã tạo ra cái xã hội ngày hôm nay. Anh còn nhớ sự tiếc nuối một Hà Nội thanh lịch đã mất chứ? Và anh cũng biết Hà Nội ngày nay sau khi cộng sản các anh “hiện đại hóa” đất nước nó như thế nào phải không? Anh so sánh tại sao người Nhật Bản họ vẫn xếp hàng khi trải qua sóng thần nhưng người Việt Nam cứ nhoi lên tranh cướp ở lễ hội. Nó do hai chế độ chính trị khác nhau và cách giáo dục con người khác nhau. Tranh cướp ở lễ hội có từ ngày xưa. Nhưng nếu các anh là những lãnh đạo giỏi, có tâm thì không thiếu gì cách giữ gìn và phát triển lễ hội theo hướng văn minh hơn mà vẫn giữ được các giá trị tốt đẹp của nó.
Không chỉ ở ngoài xã hội mà còn trong chính cái đảng của các anh, trong bộ máy của các anh cũng vậy thôi. Tranh cướp, chém giết, gianh giật, thanh trừng, bon chen đủ kiểu. Từ các phi vụ, miếng bánh làm ăn cho đến chức quyền. Gương ở đâu xa, chính anh Trọng kia chứ ai nữa. Có khi chính anh Trọng cũng chẳng có ý bày ra cái trò chống tham nhũng, nhất thể hóa đâu. Nhưng do bên Trung Quốc họ bắt anh Trọng phải làm vậy để thâu tóm quyền lực như bên họ. Việc thanh trừng phe cánh đối lập, giết anh Quang chủ tịch để thống nhất hai ghế làm một cũng vậy thôi. Là con cờ cả mà thôi. Anh cũng thừa biết là anh Quang biết mình sắp chết nên chơi những vố cuối cùng với sự ân hận, lòng xám hối về tội lỗi của mình đúng không anh Đam. Anh Quang có nói với cử tri thành Hồ về việc đưa luật biểu tình ra bàn thảo ở quốc hội và Báo Tuổi Trẻ online có đăng nhưng đều bị anh Trọng dập đi. Ngày 23/9/2018 anh Quang dự định đi Mỹ để làm việc về các vấn đề ở Biển Đông và anh ấy muốn Mỹ và các đồng minh hiện diện hơn nữa ở đó. Nhưng anh Quang đã bị Trung Quốc thủ tiêu ngay sau khi gặp phái đoàn Trung Quốc hôm 19/8. Vụ này không biết anh Trọng dính líu thế nào nữa.
Các anh đã tạo ra cái xã hội này nó vậy rồi. Bon chen, kèn cựa, tranh cướp, lưu manh, luồn lách, gian xảo nó là thâm căn cố đế, là văn hóa ăn sâu vào cái xã hội này rồi anh Đam à. Muốn thay đổi được thì phải đập bỏ cái chế độ này đi thôi vì chế độ này không thể sửa đổi được. Sửa đi thì còn gì là cộng sản nữa. Cũng như tôi từng nói là bãi phân có xịt nước hoa vào thì cũng chỉ là bãi phân mà thôi. Đừng than ngắn thở dài nữa anh Đam à. Giả dối lắm, tởm lợm lắm./.Ngay cả chính bản thân anh cũng vậy thôi. Anh, Trương Hòa Bình, Trịnh Đình Dũng, Vương Đình Huệ, Phạm Bình Minh và một số thành phần khác cũng nhăm nhe cái ghế Thủ tướng Chính phủ đó còn gì. Thằng nào cơ cấu mạnh, tiền nhiều thì lên thôi. Cơ cấu ở đây cũng đều do anh Trọng và bên Trung Quốc sắp xếp cả chứ không hề đơn giản. Bon chen lắm chứ.
Nếu anh nói anh không như vậy thì nên từ chức, về vườn mà ở ẩn. Tiền anh cũng có thiếu gì đâu, bon chen trong chính trường anh cũng đâu có lạ cái gì mà còn giam thân trong nhơ nhớp ấy. Tôi biết anh ngồi đó làm việc không phải lý do vì dân, vì nước đâu. Nên anh cũng chẳng có tư cách gì mà kêu gọi mọi người ứng xử có văn hóa cả anh Đam à.