Monday, September 10, 2018

Khi chống tham nhũng chỉ là … trò khỉ

Theo VOA-Trân Văn/10/09/2018
Hình ảnh "biệt phủ" của Phạm Sỹ Quý, một quan chức Yên Bái.
 Hình ảnh "biệt phủ" của Phạm Sỹ Quý, một quan chức Yên Bái.
Ủy ban Thường vụ của Quốc hội Việt Nam lại đem Dự luật sửa Luật Phòng – Chống tham nhũng hiện hành ra thảo luận.
Suốt từ 2015 đến nay, dự luật này đã được nâng lên đặt xuống nhiều lần nhưng vẫn không xong vì không dung hòa được những ý kiến khác biệt về ba điểm mấu chốt: (1) Kê khai tài sản. (2) Kiểm soát tài sản. (3) Xử lý tài sản có dấu hiệu thủ đắc bất minh.
Lần này, khi đem Dự luật sửa Luật Phòng – Chống tham nhũng hiện hành ra bàn với các đại biểu chuyên trách (những cá nhân là đại biểu thuần túy, không đảm nhiệm thêm bất kỳ cương vị nào trong hệ thống chính trị, hệ thống công quyền), Ủy ban Thường vụ của Quốc hội Việt Nam giới thiệu ba điểm mới so với lần trước: (1) Buộc sĩ quan của lực lượng vũ trang (công an, quân đội) kê khai tài sản. (2) Chia các viên chức thành nhiều nhóm để áp dụng cách thức kê khai, xác minh tài sản cho phù hợp. (3) Giao việc giám sát – kiểm tra kê khai và biến động về tài sản của viên chức cho hệ thống Thanh tra từ trung ương đến địa phương (1).
Chưa biết tại kỳ họp thứ sáu sẽ diễn ra vào tháng tới, các đại biểu Quốc hội khóa 14 sẽ góp thêm những gì cho Dự luật sửa Luật Phòng – Chống tham nhũng hiện hành nhưng nhìn một cách tổng quát thì tất cả những gì liên quan tới dự luật này giống như một… trò khỉ mà ngay cả… khỉ cũng chào thua.
***
Tuy xác định tham nhũng là quốc nạn, hết lãnh đạo hệ thống chính trị tới hệ thống công quyền thề dốc toàn lực chống tham nhũng nhưng trước kỳ họp thứ 5 của Quốc hội khóa 14 (diễn ra từ hạ tuần tháng 5 đến trung tuần tháng 6), Ủy ban Thường vụ của Quốc hội Việt Nam đã nhất trí gạt các giải pháp xử lý tài sản của những viên chức bị xác định là kê khai gian dối ra khỏi Dự luật sửa Luật Phòng – Chống tham nhũng hiện hành.
Nói cách khác, ý tưởng định giá phần tài sản mà viên chức nào đó không thể giải trình hợp lý về nguồn gốc, rồi buộc nộp thuế theo một tỉ lệ nhất định tính trên tổng giá trị, hoặc tịch thu sung công, thậm chí hình sự hóa hành vi làm giàu bất chính (truy cứu trách nhiệm hình sự những viên chức có tài sản lớn khác thường so với thu nhập hợp pháp và viên chức ấy không thể giải thích hợp lý về nguồn gốc tài sản) đã bị bóp chết ngay từ trong trứng (2).
Bàn bạc về đối tượng phải kê khai tài sản, cách thức kiểm soát tài sản làm gì khi chỉ có các cơ quan hữu trách mới được quyền biết tài sản của mỗi viên chức là bao nhiêu và chẳng bao giờ các cơ quan này thắc mắc – đối chiếu - điều tra xem vì sao thu nhập chính thức của các viên chức luôn luôn khiêm tốn, song giá trị thực của khối tài sản mà họ sở hữu và tự nguyện kê khai lại luôn luôn lớn bất thường?
Cách nay hai tháng, ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch thành phố Đà Nẵng, từng dõng dạc khuyến cáo những cử tri dám thắc mắc, tại sao tập thể Ban Thường vụ của Thành ủy Đà Nẵng bị kỷ luật mà ai cũng bình yên (?) rằng, phải có sự đánh giá công bằng với những “cán bộ tốt” trong Ban Thường vụ Thành ủy và UBND thành phố Đà Nẵng bởi họ kiên định, mạnh dạn đấu tranh với những sai phạm liên quan đến Vũ ‘Nhôm’ (3)…
Cần nhắc lại rằng, năm ngoái, dư luận từng dậy lên thành bão khi biết ông Thơ là chủ một biệt thự 300 mét vuông, bốn thửa đất có diện tích từ 150 mét vuông đến 1.021 mét vuông ở khu vực trung tâm thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam, chưa kể ông Thơ còn sở hữu một trại nuôi tôm diện tích 1,5 héc ta, đồng sở hữu một cánh rừng, bốn cơ sở sản xuất kinh doanh và sở hữu một khối lượng lớn cổ phiếu của Công ty Dana – Ý.
Ông Thơ không thèm giải thích vì sao ông có khối gia sản kếch xù như vậy mà chỉ khăng khăng khẳng định ông bị “kẻ xấu” hãm hại - tung Bản Kê khai tài sản mà ông thực hiện hồi năm 2014 để thượng cấp xem xét, quyết định bổ nhiệm ông làm Chủ tịch thành phố Đà Nẵng ra cho thiên hạ dè bỉu.
Ban Thường vụ Thành ủy và UBND thành phố Đà Nẵng – nơi tập trung những “cán bộ tốt” như ông Thơ - cũng có cùng mối quan tâm như ông Thơ, họ không bận tâm tại sao ông Thơ giàu có bất thường mà chỉ yêu cầu điều tra vì sao Bản Kê khai tài sản của ông Thơ “bị lọt ra ngoài” (4). Đâu chỉ có Ban Thường vụ Thành ủy và UBND thành phố Đà Nẵng tư duy – hành xử theo kiểu như vậy, Bộ Chính trị, Ban Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng CSVN cũng tư duy – hành xử hệt như thế, thành ra ông Thơ vẫn yên vị.
Nếu đã như thế thì chi tiền, bỏ công, dành thời gian cho Dự luật sửa Luật Phòng – Chống tham nhũng hiện hành làm chi? Buộc sĩ quan của lực lượng vũ trang kê khai tài sản và xem đó là “nỗ lực mới” cho phù hợp với các “diễn biến thời sự” sau những scandal Vũ “Nhôm”, “Út Trọc”, Phan Văn Vĩnh, Nguyễn Thanh Hóa,… thì tổ chức cho các viên chức kê khai tài sản sẽ tạo ra hiệu quả tích cực nào, nếu chỉ gom các Bản Kê khai tài sản lại rồi giữ theo kiểu bảo vệ bí mật quốc gia, tiết lộ chúng là vi phạm pháp luật, vi phạm kỷ luật Đảng?
Chuyện đơn giản nhất: Chỉ công bố Bản Kê khai tài sản mà các viên chức đã nộp – để dân biết, dân bàn, dân tham gia phòng - chống tham nhũng mà ông Nguyễn Phú Trọng, người dẫn đầu “công cuộc phòng chống tham nhũng” ở Việt Nam - cũng cho là “nhạy cảm”, “rất khó” (5) thì gọi những tuyên bố kiểu như phòng – chống tham nhũng “không có vùng cấm, không có đặc quyền, không có ngoại lệ” là bịp bợm, có thái quá không?
“Nỗ lực mới”: Giao việc giám sát – kiểm tra tài sản viên chức cho hệ thống Thanh tra từ trung ương đến địa phương liệu có khác gì trước nay, hệ thống Thanh tra từ trung ương đến địa phương vẫn giữ vai trò chủ đạo trong công cuộc phòng – chống tham nhũng. Lực lượng chủ đạo phòng – chống tham nhũng này sẽ góp thêm bao nhiêu Tổng Thanh tra như Trần Văn Truyền (6), Huỳnh Phong Tranh (7), Phó Tổng Thanh tra như Ngô Văn Khánh (Nhân vật mà năm 2011, lúc đang là Vụ trưởng Vụ II của Thanh tra Chính phủ, tự khai đang sở hữu hai biệt thự tại Hà Nội, 1.800 mét vuông đất ở dự án Mê Linh (thời điểm 2014, giá trị mỗi mét vuông từ mười đến 15 triệu đồng), ngoài ra còn sở hữu 104.000 cổ phần của Ngân hàng Quân đội, 27.900 cổ phần của Ngân hàng Nam Á, 18.500 cổ phần của Ngân hàng Đông Á, 200.000 cổ phần của Ngân hàng Liên Việt, 100.000 cổ phần của Xi măng Công Thanh, 50.000 cổ phần của Công ty Thiết bị Bưu điện, chưa kể sở hữu lượng trái phiếu trị giá 425 triệu đồng và là chủ một tài khoản có 7,18 tỉ đồng tại VIB – nhưng chẳng ai bận tâm tại sao ông Khánh giàu nứt khố, đổ vách như vậy, sau khi hoàn tất thủ tục kê khai tài sản, ông Khánh được bổ nhiệm làm Phó Tổng Thanh tra) (8)?
***
Từ trường hợp của những Huỳnh Đức Thơ, Ngô Văn Khánh,… rõ ràng, công bố tài sản của các viên chức thuộc diện phải kê khai “rất khó”, bởi sau đó sẽ còn bao nhiêu viên chức đủ uy tín để tiếp tục dạy dỗ “toàn Đảng, toàn quân, toàn dân” về “đạo đức cách mạng”, đủ tự tin để chỉ đạo công cuộc phòng – chống tham nhũng, dẫn dắt Việt Nam đi tới đích trên con đường xây dựng kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Từ trường hợp của những Huỳnh Đức Thơ, Ngô Văn Khánh,… rõ ràng, công bố tài sản của các viên chức thuộc diện phải kê khai “rất nhạy cảm”, bởi cứ nhìn vào cảm xúc – phản ứng của “toàn Đảng, toàn quân, toàn dân” khi Bản Kê khai tài sản của hai ông này bị “lộ” sẽ có thể mường tượng cảm xúc – phản ứng của đám đông thế nào khi có đủ bằng chứng, chứng minh, viên chức nào cũng là đại phú.
Dẫu chỉ là “đày tớ” nhưng ông Thơ, ông Khánh,… giàu có tới mức làm thiên hạ sửng sốt. Với giới lãnh đạo hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam thì đó là điều tất nhiên, có bao nhiêu cá nhân trong giới lãnh đạo hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam không giàu như thế? Sự đồng cảm, đồng điệu vì đồng cảnh đó đã giữ ông Thơ tại vị, tạo điều kiện cho ông Khánh “phục vụ” thêm bốn năm nữa cho đến khi nghỉ hưu (tháng 3 năm 2018). Khẳng định ông Thơ, ông Khánh,… giàu có như thế là… bình thường, không cần phải làm gì vì cả hai đã… “kê khai trung thực” thì có trung thực với “toàn Đảng, toàn quân, toàn dân” về phòng – chống tham nhũng không?
Đã bất chấp các cam kết quốc tế (đặt định các hình thức chế tài nghiêm khắc với những viên chức không thể giải trình hợp lý về nguồn gốc tài sản, truy cứu trách nhiệm hình sự nếu có dấu hiệu làm giàu bất chính), từ chối thực thi những hành động vốn có tính phổ quát trên toàn cầu (công bố rộng rãi tờ khai tài sản, tình trạng tài chính của các viên chức cao cấp để ai cũng có thể kiểm tra, giám sát) thì sửa Luật Phòng – Chống tham nhũng hiện hành có khác gì “quyết liệt” làm khỉ!
Chú thích
(6) https://vi.wikipedia.org/wiki/Trần_Văn_Truyền
(7) https://vi.wikipedia.org/wiki/Huỳnh_Phong_Tranh

‘Thuê’ Việt kiều mang lậu xe hơi về Sài Gòn, hai cựu công an lãnh án tù

Các bị cáo tại phiên tòa hôm 10 Tháng Chín. (Hình: VnExpress)
SÀI GÒN, Việt Nam (NV) – Thuê các Việt kiều “hồi hương” mang 54 chiếc xe loại mắc tiền như Rolls Royce, Bentley, Lexus, Porsche… về Sài Gòn bán rồi thu lợi hàng chục tỷ đồng, 2 viên công an và 3 người khác vừa bị tuyên án tù.
VNExpress tường thuật cho hay, hôm 10 Tháng Chín, tòa án thành phố Sài Gòn “tuyên án Nguyễn Giang Lam (43 tuổi, nguyên cán bộ Phòng Quản Lý Xuất Nhập Cảnh Công An Sài Gòn), Nguyễn Quang Vinh (36 tuổi) 14 năm tù về tội buôn lậu, Trần Phước Thạnh (51 tuổi) nhận 12 năm tù, Trần Thái Nguyên (36 tuổi) lãnh 8 năm tù về cùng tội danh.”
Vẫn theo VNExpress, liên quan vụ án này, một viên công an khác là Bùi Khắc Hà (43 tuổi, nguyên cán bộ Cục Quản Lý Xuất Nhập Cảnh, Bộ Công An CSVN) lãnh 5 năm tù về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ.”
Theo cáo trạng được VNExpress trích dẫn, “Hành vi của Nguyễn Quang Vinh và đồng phạm là đặc biệt nghiêm trọng, gây thiệt hại lớn cho nhà nước. Tuy nhiên, các bị cáo thành khẩn khai báo và nộp lại toàn bộ số tiền thu lợi bất chính nên được xem xét giảm nhẹ.” Đồng thời, “Toà tiếp tục kiến nghị VKS mở rộng điều tra, làm rõ những Việt kiều và chủ salon ôtô có hay không là đồng phạm giúp sức các bị cáo.”
Bản cáo trạng cho hay, lợi dụng việc nhà cầm quyền Việt Nam cho phép Việt kiều khi “hồi hương” được nhập cảng một chiếc xe đang sử dụng mà không phải đóng thuế, Vinh và hai đồng phạm thỏa thuận với Lam thuê Việt kiều đứng tên nhập cảng xe hơi mắc tiền về Sài Gòn. Tiếp đó, nhóm Vinh nhờ Hà đóng dấu khống.
Tin cho biết, “Từ Tháng Giêng 2011 đến cuối năm 2012, đường dây của Vinh đã thuê 64 Việt kiều hồi hương làm thủ tục nhập 54 chiếc xe loại mắc tiền như Rolls Royce, Land Rover, Bentley, Lexus, Audi, BMW, Porsche… và 12 môtô phân khối lớn.”
Tổng giá trị các xe là hơn 350 tỷ đồng, lẽ ra phải chịu thuế hơn 200 tỷ nhưng Vinh và đồng phạm chỉ phải đóng hơn 64 tỷ.
Lam bị cáo buộc đã lợi dụng chức vụ được giao, trực tiếp ký xác nhận tình trạng của “Việt kiều hồi hương” để họ được nhập hộ khẩu, nơi cư trú. Ông ta được xác định là thu lợi $360,000 thông qua việc giới thiệu cho Vinh thuê 36 Việt kiều. Vinh và Thạnh thu lợi 556 triệu đồng, còn Nguyên được hưởng 478 triệu.
Hồi cuối năm 2015, Quang và Lam bị tòa án thành phố Sài Gòn tuyên phạt 16 năm tù; Nguyên và Thạnh lần lượt lãnh 9 và 12 năm. Đến Tháng Mười, năm 2016, cấp phúc thẩm hủy toàn bộ bản án để làm rõ kẻ chủ mưu. Vinh và Nguyên được cho tại ngoại, còn Lam và Thạnh tiếp tục bị tạm giam.
Quá trình điều tra lại, Bùi Khắc Hà bị bắt giam vì cáo buộc đóng dấu kiểm chứng xuất nhập cảng khống vào hộ chiếu của 16 Việt kiều.
Tại cơ quan điều tra, Vinh, Thạnh, Nguyên thừa nhận hành vi phạm tội. Riêng Lam cho rằng bản thân không vi phạm pháp luật, còn Hà khai chỉ làm giúp Lam chứ không nhằm mục đích buôn lậu. (KN)

Cán bộ thuế ‘đi đêm’, ‘cưa đôi’ tiền trốn thuế với doanh nghiệp vẫn phổ biến

Hình minh họa từ Internet cảnh dân kinh doanh đi khai thuế. (Hình: Internet)
SÀI GÒN (NV) – “Hiện tượng tiêu cực “đi đêm” và “luật cưa đôi” rất phổ biến nhiều năm nay không khắc phục được.” Lời một người trong Hiện hội Doanh Nghiệp Sài Gòn nói về thu thuế tại Việt Nam.
Tờ Thanh Niên hôm Thứ Hai thuật lại cuộc hội thảo “góp ý dự thảo sửa đổi, bổ sung luật Quản lý thuế” do đoàn đại biểu Quốc Hội thành phố Sài Gòn tổ chức sáng Thứ Hai, 10 Tháng Chín, 2018, trong đó ông Nguyễn Đình Tuệ thuộc Hiệp Hội Doanh Nghiệp thành phố Sài Gòn phát biểu như trên.
Ông Tuệ kêu ca về “bộ máy cơ quan thuế hiện khá cồng kềnh, kém hiệu quả” vốn dĩ “do lịch sử để lại” suốt bao nhiêu năm qua ai cũng biết vì đâu, tại sao và không thể “khắc phục.” Quan chức thuế vụ, quan thuế nổi tiếng ăn hối lộ để giúp người ta trốn thuế, gây thất thu cho ngân sách.
Một năm vài lần, người ta thấy báo chí trong nước loan tin bắt quả tang, cán bộ sở thuế tỉnh này, ông cán bộ hải quan ở tỉnh kia nhận tiền hối lộ và bị đưa ra tòa, trong khi, như ông Nguyễn Đình Tuệ nói tình trạng cán bộ sở thuế của chế độ “đi đêm” và “cưa đôi” tiền trốn thuế rất phổ biến. Nói cách khác, nó xảy ra hàng ngày.
Ngày 21 Tháng Năm, 2018, báo điện tử của Bộ Tài Chính CSVN đưa tin ông Tổng Cục Trưởng Tổng Cục Thuế Bùi Văn Nam “ký văn bản 1744/TCT-TCCB gửi tới Cục Thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương” thúc hối thuộc cấp “triển khai và thực hiện nghiêm túc các quy định, hướng dẫn, chỉ đạo của nhà nước, của Bộ Tài Chính, của Tổng Cục Thuế trong công tác quản lý cán bộ.”
Chỉ thị của ông Nam cho rằng “công tác cán bộ tại nhiều đơn vị cấp cơ sở chưa triển khai thực hiện nghiêm túc, đặc biệt là khâu bố trí sử dụng công chức; việc bổ nhiệm lãnh đạo có dấu hiệu ưu ái người nhà; việc thực hiện luân chuyển, luân phiên, chuyển đổi vị trí công tác trong thực tế còn có dấu hiệu cả nể, né tránh, ngại va chạm hoặc cục bộ nên không thực sự đảm bảo mục đích, hiệu quả, còn gây ra tâm lý bức xúc, dẫn dến đơn thư khiếu nại, tố cáo kéo dài,…”
Dư luận từng nhiều hơn một lần đề cập chuyện “chạy” vào sở thuế hay quan thuế của chế độ Hà Nội tốn bạc tỉ chứ không ít.
Mới đây, ngày 28 Tháng Tám, 2018, báo của Bộ Tài Chính khoe thành tích chỉ trong 7 tháng đầu năm nay, “toàn ngành thuế đã thực hiện 44,044 cuộc thanh tra, kiểm tra, đạt 49.37% kế hoạch năm 2018, bằng 89.73% so với cùng kỳ năm 2017.”
Mỗi một lần quan chức sở thuế tới “thanh tra, kiểm tra” là cơ hội để các ông bà “làm luật.” Ngày 4 Tháng Tám, 2018, báo điện tử Kinh Tế và Đô Thị ở Hà Nội nhìn nhận một thực tế “thanh tra, kiểm tra nhiều đang gây phiền hà cho doanh nghiệp bởi công tác này gây mất thời gian, thậm chí đâu đó vẫn có hiện tượng doanh nghiệp phải mất phí ‘bôi trơn’ để được êm xuôi.”
Ngày 17 Tháng Năm, 2017, ông Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ký Chỉ Thị 20/CT-TTg “yêu cầu chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp.” Trong đó ông ta đòi “tập trung chỉ đạo khi xây dựng, phê duyệt kế hoạch thanh tra hàng năm không để xảy ra tình trạng thanh tra, kiểm tra quá 1 lần/năm đối với doanh nghiệp.”
Lệnh ra là vậy, nhưng ông Nguyễn Đình Huệ vẫn thấy bộ máy thu thuế của chế độ vẫn “đi đêm” và “cưa đôi” rất phổ biến. (TN)

CSVN ‘cấm cửa’ đại diện Ân Xá Quốc Tế đến dự Diễn Đàn Kinh Tế Thế Giới

Ông Minar Pimple, giám đốc cấp cao về hoạt động toàn cầu của tổ chức Ân Xá Quốc Tế (Amnesty International) trụ sở tại London, Anh Quốc. (Hình: Amnesty International)
HÀ NỘI (NV) – Thêm một nhân vật tranh đấu cho nhân quyền trên thế giới bị nhà cầm quyền CSVN “cấm cửa” dù được ban tổ chức Diễn Đàn Kinh Tế Thế Giới mời đến tham dự hội nghị tại Hà Nội.
Ông Minar Pimple, giám đốc cấp cao của tổ chức Ân Xá Quốc Tế (AI) bị nhà cầm quyền Hà Nội không cho nhập cảnh để tham dự hội nghị Diễn Đàn Kinh Tế Thế Giới (WEF) diễn ra tại Hà Nội năm nay dự trù vào các ngày 11 đến 13 Tháng Chín, 2018. Hội nghị được coi như một trong những biến cố quốc tế chính yếu được tổ chức tại Việt Nam trong năm nay.
Ông là người thứ hai thuộc các tổ chức bảo vệ nhân quyền quốc tế bị cấm nhập cảnh. Hôm Chủ Nhật, bà Debbie Stothard, tổng thư ký của Liên Đoàn Quốc Tế về Nhân Quyền đã bị chận lại tại phi trường Nội Bài, chờ bị trục xuất sáng ngày hôm sau bất chấp sự can thiệp của ban tổ chức.
Tổ chức AI lên án việc ngăn cấm ông Minar Pimple nhập cảnh và cho rằng hành động của Hà Nội diễn ra trong lúc quyền tự do phát biểu của người dân Việt Nam bị đe dọa.
“Hành động của nhà cầm quyền CSVN làm suy yếu một biến cố dựa trên các quan điểm đa chiều, cho nên họ đang biến cái tên ASEAN thành cái tên xấu.” Ông Kumi Naidoo, tổng thư ký AI viết trên trang mạng của tổ chức. “Chúng tôi lên án quyết định kiềm chế tranh luận của một người đóng góp thường xuyên cho tổ chức WEF, vốn từng lên tiếng ở tầm cao nhất về nhân quyền trên thế giới.”
Cũng như trường hợp bà Debbie Stothard, ban tổ chức hội nghị VEF đã can thiệp với nhà cầm quyền CSVN về việc không cho ông Pimple nhập cảnh.
Mặc dù chấp nhận đổi mới kinh tế, chế độ Hà Nội từ giữa thập niên 80 đến nay vẫn là một nước Cộng Sản độc tài đảng trị, không dung thứ cho những ý kiến trái chiều, kêu gọi nhân quyền, đa nguyên đa đảng. Cả hai tổ chức Ân Xá Quốc Tế và Liên Đoàn Quốc Tế về Nhân Quyền thường xuyên đả kích chế độ Hà Nội làm ngược lại các cam kết quốc tế khi khủng bố và bỏ tù người dân dù người ta chỉ bày tỏ chính kiến một cách ôn hòa.
Cho đến đầu Tháng Chín, 2018, ít nhất đã có 28 người dùng các mạng xã hội để viết bài chỉ trích chế độ Hà Nội hoặc chuyển các thông tin thời sự bị CSVN kết án tù rất nặng, vu cho họ từ “Tuyên truyền chống nhà nước…” đến “Âm mưu lật đổ chính quyền.” (TN)

CSVN bắt giữ, trục xuất tổng thư ký tổ chức nhân quyền quốc tế

Bà Debbie Stothard, tổng thư ký FIDH bị chế độ Hà Nội trục xuất khi đến Việt Nam dự hội nghị Diễn Đàn Kinh Tế Thế Giới. (Hình: FIDH)
HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Bà Debbie Stothard, tổng thư ký của tổ chức Liên Đoàn Quốc Tế về Nhân Quyền đến Hà Nội dự hội nghị Diễn Đàn Kinh Tế Thế giới nhưng bị giữ lại ở phi trường chờ trục xuất.
Liên Đoàn Quốc Tế về Nhân Quyền FIDH (International Federation for Human Rights nhưng được biết với tên tắt bằng tiếng Pháp Fédération internationale des ligues des droits de l’homme; FIDH) hôm Chủ Nhật cho hay tổng thư ký của tổ chức là bà Debbie Stothard đã bị an ninh CSVN tại phi trường Nội Bài chận giữ chiều Chủ Nhật, 9 Tháng Chín, 2018 và làm thủ tục để trục xuất bà về lại Mã Lai sáng hôm sau.
Bà Stothard, 54 tuổi, gốc người Malaysia, đến Hà Nội dự hội nghị Diễn Đàn Kinh Tế Thế Giới theo lời mời của ban tổ chức. Bà dự trù sẽ phát biểu với đề tài “Thay đổi trong lo lắng.” Cá nhân bà Stothard và tổ chức FIDH cũng từng lên tiếng chỉ trích chế độ Hà Nội đàn áp nhân quyền, bỏ tù những người vận động dân chủ hóa đất nước.
Biên bản của an ninh phi trường Nội Bài ghi bà Stothard bị cấm nhập cảnh vì “Thuộc diện chưa cho nhập cảnh Việt Nam” theo “điều 21” của luật lệ xuất nhập cảnh CSVN, hiệu lực đầu năm 2015 quy định một người bị cấm nhập cảnh Việt Nam vì lý do “quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội.”
Ngay khi được thông báo, ban tổ chức hội nghị Diễn Đàn Kinh Tế Thế giới (WEF) cho biết họ đã yêu cầu chế độ Hà Nội tôn trọng lời mời của WEF, tạo điều kiện cho bà Debbie Stothard được tham dự cuộc họp.
“Chiều nay, chúng tôi hay tin bà Debbie Stothard đã không thể vào Việt Nam để dự hội nghị Diễn Đàn Kinh Tế Thế Giới về khu vực ASEAN. Chúng tôi xác nhận mời bà tham dự hội nghị nên yêu cầu nhà cầm quyền tôn trọng và tạo điều kiện cho bà tham dự.” Ban tổ chức WEF viết trên trang Twitter.
Bà Stothard cho hay trên trang facebook cá nhân rằng tên bà bị chế độ Hà Nội cho vào “danh sách đen” tức những người bị coi là “kẻ thù.”
Hội nghị Diễn Đàn Kinh Tế Thế Giới về ASEAN 2018 năm nay với chủ đề ASEAN 4.0: Tinh thần doanh nghiệp trong Cách mạng công nghiệp lần thứ tư sẽ được Việt Nam tổ chức tại Trung Tâm Hội Nghị Quốc Gia – Hà Nội từ ngày 11-13 Tháng Chín, 2018. Đây là một trong những dịp để CSVN hy vọng tạo thêm uy tín trên mặt ngoại giao quốc tế.
Tuy nhiên, việc cấm bà Stothard nhập cảnh để phát biểu tại hội nghị cho mọi người thấy họ đang làm ngược lại điều họ mong đạt được.
“Nhà cầm quyền CSVN đang sợ cái gì? Đứng ra tổ chức các biến cố thế giới đi kèm theo trách nhiệm. Tuy nhiên điều này chỉ ra cho thấy hành đông của nhà cầm quyền làm chú ý nhiều hơn đối với hoạn nạn của những người đang bị tù đày chỉ vì người ta bảo vệ nhân quyền tại Việt Nam.” Một người tên Nicolas Agostini viết bình luận trên trang Twitter của bà Stothard.
Bà Debbie Stothard, nổi tiếng những năm trước đây khi thành lập tổ chức giúp đỡ các người dân Miến Điện bị ngược đãi. Bà từng tham dự rất nhiều hội nghị trên thế giới cũng như đi diễn thuyết về nhân quyền khắp nơi. Bà được bầu làm Tổng Thư ký Liên đoàn Quốc tế về Nhân quyền FIDH từ Tháng Mười Một, 2010. (TN)

Gia đình báo động khẩn về tính mạng Trần Huỳnh Duy Thức

Thư khẩn cấp của ông Trần Văn Huỳnh, bố của ông Trần Huỳnh Duy Thức, gửi đi các nơi kêu gọi cứu mạng ông Thức. (Hình: FB)
SÀI GÒN, Việt Nam (NV) – Trần Huỳnh Duy Thức đã tuyệt thực đến 27 ngày, bố của ông gửi thư khẩn đi khắp nơi kêu gọi tất cả “cùng lên tiếng giữ lại tính mạng” cho ông Thức hiện đang rất nguy kịch.
“Gia đình chúng tôi khẩn thiết gửi thư này để lên tiếng kêu gọi trước tình hình cực kỳ căng thẳng, liên quan tính mạng con trai tôi là Trần Huỳnh Duy Thức hiện đang giam tại trại giam số 6, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An. Con trai tôi đã tuyệt thực từ ngày 14 Tháng Tám, 2018 đến ngày 9 Tháng Chín, 2018 đã tròn 27 ngày. Điều này là quá sức chịu đựng của một cơ thể thông thường. Và như vậy, tính mạng con trai tôi có thể bị cướp đi bất cứ lúc nào.”
Ông Trần Văn Huỳnh, bố của ông Trần Huỳnh Duy Thức từ Sài Gòn thay mặt gia đình viết trong bức thư khẩn gửi khắp nơi, từ nhà cầm quyền CSVN, các tòa đại sứ và các cơ quan ngoại giao quốc tế, các tổ chức xã hội dân sự và toàn thể nhân dân Việt Nam, cho hay như vậy.
Ông Huỳnh kêu gọi “Ngay lập tức, trại giam cho gia đình chúng tôi biết thông tin về tình trạng của Trần Huỳnh Duy Thức đang tuyệt thực và cho Thức gọi điện thoại về cho gia đình để thông báo về tình trạng sức khỏe. Yêu cầu các cơ quan chấp pháp của Việt Nam xem xét ngay các yêu cầu của Trần Huỳnh Duy Thức và có trả lời ngay, dựa trên các quy định của pháp luật.”
Ông Huỳnh viết rằng “Chúng tôi kêu gọi các tổ chức quốc tế, các đại sư quán, cơ quan ngoại giao quốc tế, các tổ chức xã hội dân sự, cùng toàn thể nhân dân Việt Nam hãy tìm hiểu về vụ án Trần Huỳnh Duy Thức, về khát vọng vì một nước Việt Nam dân chủ và thịnh vượng của Trần Huỳnh Duy Thức, để cùng lên tiếng giữ lại tính mạng của con trai tôi là Trần Huỳnh Duy Thức, trước đe dọa đã tính từng ngày.”
Ông Trần Huỳnh Duy Thức, năm nay 52 tuổi, bị chế độ Hà Nội vu cho tội “Âm lưu lật đổ chính quyền” và kết án 16 năm tù hồi năm 2010 cùng một vụ với luật sư Lê Công Định, Nguyễn Tiến Trung, và Lê Thăng Long. Luật Sư Định và thạc sĩ tin học Nguyễn Tiến Trang, doanh nhân Lê Thăng Long bị các bản án nhẹ hơn và còn được thả ra trước hạn tù. Riêng ông Thức vẫn còn bị giam giữ cho đến giờ và buộc ông phải “nhận tội” để được cứu xét “đặc xá” theo khoản 3 của điều 109 Bộ Luật Hình Sự năm 2015.
Phản đối sự đòi hỏi đó, ông tuyên bố tuyệt thực cho đến khi nào sự thúc ép ông “nhận tội” bị rút lại. Đây là lần thứ hai ông Trần Huỳnh Duy Thức tuyệt thực trong nhà tù CSVN để phản đối chế độ tù đày làm mất phẩm giá con người của chế độ Hà Nội.
Gia đình ông Trần Huỳnh Duy Thức tuyệt thực theo ông hồi năm 2016. (Hình: FB)
Nhiều người khắp nơi đã tuyên bố tuyệt thực, đồng hành cùng với ông Trần Huỳnh Duy Thức.
Cuối Tháng Sáu vừa qua, một phái đoàn gồm Liên Hiệp Âu Châu và sứ quán Đức đã đến thăm ông tại nhà tù số 6 ở Nghệ An. Dịp này ông từ chối lời đề nghị ra nước ngoài kiểu “tự nguyện lưu vong” như nhiều người tù nhân lương tâm khác. Tháng Bảy năm ngoái, ông cũng đã từ chối lời đề nghị sang Mỹ.
Trước khi bị bỏ tù ông Trần Huỳnh Duy Thức là một doanh nhân thành đạt, sáng lập công ty Dịch Vụ Điện Thoại Internet One Connection thành lập ở Singapore khoảng năm 2002, nắm giữ giao thức gọi điện thoại qua Internet với mức phí rất rẻ được xem là tiền thân của các ứng dụng sau này như Viber, Skype, Facebook.
Vì những bài viết xuất hiện từ cuối năm 2008 trên hai Blog “Change We Need” và “Trần Đông Chấn” do ông lập ra với nội dung phê phán chính sách và lãnh đạo CSVN, khoảng gần 50 bài viết, gây rất nhiều tiếng vang. Ít tháng sau, năm 2009, ông bị bắt với cáo buộc lúc đầu là “trộm cước viễn thông,” sau bị đổi tội danh thành “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân.”
Những tháng gần đây, luật Sư Ngô Ngọc Trai cùng gia đình ông Thức đã nhiều lần gửi đơn đến chủ tịch nước CSVN Trần Đại Quang “đề nghị xem xét lại” trường hợp ông Thức theo Bộ Luật Hình Sự mới có hiệu lực từ năm 2018. Luật sư Trai cho rằng, hành vi của ông Thức nếu có sai phạm thì chỉ là hành vi “Chuẩn bị phạm tội” trong việc lập ra “Nhóm Nghiên Cứu Chấn” để tiến tới thành lập một tổ chức chính trị trong tương lai.”
“Căn cứ theo quy định mới của luật về hành vi ‘Chuẩn bị phạm tội’ thì hình phạt của ông Thức nhẹ hơn rất nhiều. Nay ông đã thụ án hơn 9 năm tù trong khi theo luật mới hành vi chuẩn bị chỉ chịu mức án 5 năm,” ông Trai viết trong đơn gửi ông Quang.
Người ta không thấy có phản hồi nào từ ông Trần Đại Quang ngoài mấy cái thư của cơ quan tư pháp xác nhận có nhận được đơn thư của luật sư Trai trong khi nhà tù thì ép ông Trần Huỳnh Duy Thức nhận tội để được cứu xét “đặc xá.” (TN)

Tài khoản ngân hàng của người dân bắt đầu bị cơ quan thuế dòm ngó để truy thu

Tài khoản ngân hàng của người dân nay nằm trong tầm ngắm của cơ quan thuế. (Hình: Tạp Chí Tài Chính)
SÀI GÒN, Việt Nam (NV) – Dường như cơ quan thuế vụ tại Việt Nam đang phải chịu áp lực tăng “doanh thu” bằng mọi giá nên họ bắt đầu đặt tài khoản ngân hàng của người dân trong tầm ngắm.
Theo báo Zing hôm 9 Tháng Chín, một quy định trong dự thảo Luật Quản Lý Thuế (sửa đổi) buộc các ngân hàng thương mại “có trách nhiệm cung cấp thông tin tài khoản của khách hàng là người nộp thuế cho cơ quan quản lý thuế” (bao gồm thông tin về mở tài khoản; số tài khoản; nội dung giao dịch qua tài khoản, số dư tài khoản; mã số thuế của người nộp thuế…).
Lâu nay, Luật Các Tổ Chức Tín Dụng (về hoạt động của ngân hàng) quy định chỉ có viện kiểm sát, tòa án, cơ quan công an đang điều tra vụ án mới có quyền yêu cầu ngân hàng cung cấp thông tin khách hàng.
Báo Zing viết: “Cơ quan thuế chỉ yêu cầu cung cấp tên chủ tài khoản với mục đích quản lý thông tin người nộp thuế gắn với mã số thuế. Trong trường hợp phát hiện người nộp thuế có dấu hiệu trốn thuế, kê khai thuế không đúng…, cơ quan thuế mới yêu cầu ngân hàng cung cấp thông tin giao dịch của người đó trong khoảng thời gian nghi vấn.”
“Nhiều ngân hàng thương mại cho rằng quy định này sẽ gây khó cho ngân hàng bởi phạm vi cung cấp thông tin không rõ ràng sẽ phát sinh thêm nhiều thủ tục, có thể vi phạm quy định về bảo mật thông tin của ngân hàng với khách hàng. Theo các ngân hàng, cần quy định rõ việc cơ quan thuế được yêu cầu ngân hàng thương mại cung cấp ở mức độ nào, nếu không sẽ dẫn đến sự lạm quyền,” tờ báo viết.
Trên thực tế, hành động “soi” cả tài khoản ngân hàng của người dân của cơ quan thuế đã diễn ra dù không được thừa nhận chính thức. Đơn cử là trường hợp của một thanh niên ở tỉnh Quảng Nam mà các báo “lề phải” mới đây ghi nhận “được Google trả gần 17 tỷ đồng ($726,291).”
Báo Lao Động tường thuật, Cục Thuế ở Sài Gòn rà soát và phát hiện một người tạm trú tại Sài Gòn, có hộ khẩu tại huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam được Google “chi trả gần 17 tỷ đồng vào tài khoản trong khoảng thời gian từ năm 2014 đến 2017 nhưng không nộp thuế theo quy định.” Sau đó, cơ quan thuế ở Sài Gòn và Quảng Nam “nhiều lần gửi giấy mời đến làm việc.”
Dưới áp lực của cơ quan thuế, kể cả đe dọa phạt tù, người không được nêu danh tính này đã phải “nộp” khoảng 1.4 đến 1.5 tỷ đồng ($59,812 đến $64,084).
Thông tin về việc cơ quan thuế nhăm nhe truy thu từ tài khoản ngân hàng của người dân làm dấy lên sự lo ngại trên mạng xã hội. Nhiều blogger cho rằng hành động này cho thấy ngành thuế đang nhân danh quản lý nhà nước để quản lý quyền riêng tư của dân. Việc này có thể đã được làm lén lút trong thời gian qua và nay sắp sửa được công khai.
Tuy vậy, cũng giống như nhiều dự luật vấp phải sự phản đối quyết liệt của người dân, dự thảo Luật Quản Lý Thuế (sửa đổi) nhiều phần cũng sẽ được các “đại biểu Quốc Hội” bấm nút thông qua. (T.K.)

Xô chết một bà ở Tây Ninh, công an nói ‘do vấp ngã’

Đống củ mì mà bà Nguyễn Thị Bích vừa thu gom từ những người dân nghèo trong vùng đi mót về. (Hình: Pháp Luật TP.HCM)
TÂY NINH, Việt Nam (NV) – Gần một tháng bà Nguyễn Thị Bích, thu mua củ mì ở Tây Ninh, chết sau khi “đoàn liên ngành” tới làm việc, đến nay công an nói “do vấp ngã.”
Hôm 15 Tháng Tám, 2018, “đoàn liên ngành” của xã Tân Hội, huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh, đến kiểm tra giấy phép kinh doanh điểm thu mua củ mì của bà Nguyễn Thị Bích. Bất ngờ một người trong “đoàn liên ngành” xô chủ điểm thu mua mì ngã xuống đất, khiến bà này chết tại chỗ.
Báo Người Lao Động thời điểm đó cho biết, bà Bích bị một người “mặc áo công an, đi trong đoàn liên ngành” xô ngã.
Tuy nhiên, hôm 7 Tháng Chín, trả lời báo Pháp Luật TP.HCM, Đại Tá Nguyễn Tri Phương, giám đốc Công An tỉnh Tây Ninh, cho biết: “Tôi nghe cấp dưới báo cáo là gia đình bà Bích cản trở đoàn kiểm tra, sau đó bà vấp ngã. Công an và chính quyền địa phương đến nói chuyện với gia đình. Gia đình cũng đồng thuận là không có việc một thành viên trong đoàn kiểm tra xô bà Bích ngã.”
Tờ báo cũng dẫn lời gia đình bà Bích là chính quyền xã “chưa hề đến thăm hỏi, trợ giúp gia đình trong việc tang ma hay giải tỏa các nghi ngờ của gia đình liên quan đến cái chết của bà.”
Điều ly kỳ trong vụ này là bà Nguyễn Thị Phụng (30 tuổi), hàng xóm của bà Bích, bị công an “mời làm việc” vào ngày 9 Tháng Chín, do bà này “là người không thuộc gia đình bà Bích tự làm văn bản cung cấp thông tin về vụ việc cho cơ quan chức năng.”
Bà Phụng được cho là người làm đơn tường trình, xác nhận bà nhìn thấy “vụ xô xát rồi ba người đàn ông trong đoàn liên ngành bỏ chạy.”
Trong khi đó, chồng và con của bà Bích, hai người chứng kiến sự việc, cho biết họ bất bình vì chưa được mời làm việc.
Cái chết của bà Bích là một trong những trường hợp tử vong dưới tay công an trong thời gian qua. Để thông tin về các vụ việc không lan truyền trên mạng xã hội, công an thường tuyên bố đây là những “vụ tự sát” và đám tang của nạn nhân thường bị canh gác cẩn mật.
Một phúc trình của Human Rights Watch (Tổ Chức Theo Dõi Nhân Quyền) chỉ trích tình trạng bạo lực dưới tay công an “có tính hệ thống ở Việt Nam.” Việt Nam xác nhận có 226 nghi can và tù nhân chết tại đồn công an hoặc trong khi bị giam giữ trên khắp nước trong thời gian từ Tháng Mười, 2010, tới Tháng Chín, 2014. (T.K.)