Sunday, October 29, 2023

ASEAN – Trung Quốc đàm phán bản đọc dự thảo COC thứ ba

 BẮC KINH, Trung Quốc (NV) – ASEAN và Trung Quốc thỏa thuận bắt đầu đàm phán dự thảo bản đọc lần thứ ba cho bộ Quy Tắc Ứng Xử tại Biển Đông (COC) vốn trì hoãn từ lâu.

Báo South China Morning Post ở Hongkong ngày 27 Tháng Mười dẫn lời bà Mao Ninh, phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Trung Quốc, cho hay Bắc Kinh và khối ASEAN “tăng tốc đàm phán để sớm đạt được một Bộ Quy Tắc Ứng xử hiệu quả và thực chất.”

Dân Hà Nội biểu tình chống Trung Quốc cướp biển đảo của Việt Nam. (Hình: Hoàng Đình Nam/AFP/Getty Images)

Lời phát biểu của bà Mao Ninh được dẫn lại như trên chỉ một ngày sau khi đại diện cấp chuyên viên của Trung Quốc và ASEAN ngồi vào bàn hội nghị tại Bắc Kinh. Hai bên trao đổi quan điểm chuyên sâu (in-depth exchange of views) về tình hình tại Biển Đông và đồng ý gia tăng hợp tác về các lãnh vực như khảo cứu khoa học hải dương, bảo vệ môi trường cũng như thực thi luật lệ trên biển.

“Quan điểm của các bên là duy trì ổn định và hòa bình tại Biển Đông là quan trọng cốt yếu nên kêu gọi cần phải kiềm chế, gia tăng trao đổi quan điểm, giải quyết các bất đồng một cách hợp lý để duy trì ổn định trên biển.” Lời bà Mao Ninh thuật lại cuộc họp khi những căng thẳng đang diễn ra giữa Trung Quốc và Philippines tại bãi Cỏ Mây, tên quốc tế là Second Thomas Shoal.

Ngày 22 Tháng Mười, tàu vận tải nhỏ của Philippines, tiếp tế cho nhóm Thủy Quân Lục Chiến đồn trú trên chiếc tàu phế thải được ủi bãi để bảo vệ chủ quyền tại bãi Cỏ Mây, bị tàu Hải Cảnh của Trung Quốc to lớn hơn va đập khi cản trở nó làm nhiệm vụ. Hình ảnh, video vụ việc được chính phủ Philippines công bố và lên án hành động của Bắc Kinh ngược với các cam kết quốc tế về hàng hải.

Đồng thời, chính Tổng Thống Joe Biden khi gặp Ngoại Trưởng Trung Quốc Vương Nghị ở Tòa Bạch Ốc ngày 27 Tháng Mười cũng cảnh cáo rằng Hoa Kỳ sẽ bảo vệ Philippines nếu bị tấn công.

Hoa Kỳ và Philippines có hiệp định an ninh hỗ tương ký từ năm 1951. Bắc Kinh qua lời bình luận của bà Mao Ninh kêu rằng nước Mỹ không có quyền chen vào tranh chấp lãnh thổ giữa Bắc Kinh và Manila.

Lời kêu gọi tăng tốc các cuộc đàm phán để sớm đạt được một Bộ Quy Tắc Ứng Xử (Code of Conducts) đã được lập đi lập lại nhiều lần trong những năm qua, nhưng các cuộc đàm phán vẫn rất chậm chạp, nhiều khi dậm chân tại chỗ. Khi người ta hiểu rõ thâm ý của Bắc Kinh cố tình trì hoãn để lấn chiếm theo kiểu tằm ăn dâu thì đã quá trễ.

Hồi Tháng Bảy vừa qua, Indonesia, nước đương kim chủ tịch luân phiên ASEAN, loan báo đã hoàn tất bản đọc thứ hai cho cái khung đàm phán COC. Bản đọc thứ nhất thì đã thỏa hiệp được từ năm 2019. Tuy nhiên, cho đến nay, quần chúng không hề được cho biết nội dung của mấy cái bản đọc dự thảo đàm phán đó là cái gì.

Một số nhà phân tích cho rằng những cái gọi là “thỏa thuận” đó chỉ là một vài đoạn hay câu chữ mà hai bên cò kè trong khi những nét chính yếu cản trở sự thỏa thuận vẫn còn nguyên, gồm cả điều khoản phải thủ theo Công Ước Quốc Tế Về Luật Biển (UNCLOS).

Một trong những cái trở ngại chính khác là cái chủ quyền ngang ngược mà Bắc Kinh tuyên bố theo các vạch nối lại theo hình “lưỡi bò” chiếm đến 90% Biển Đông, ăn sâu vào các vùng biển đặc quyền kinh tế của các nước khác. Bắc Kinh lập lại nhiều lần là sẽ không tuân thủ phán quyết của Tòa Án Quốc Tế năm 2016 khi bị Philippines kiện.

Dân Philippines biểu tình ở Manila chống Trung Quốc xâm phạm biển đảo nước này. (Hình: Ted Aljibe/AFP/Getty Images)

Hồi đầu năm 2023, Bắc Kinh hứa hẹn sẽ cùng với ASEAN kết thúc đàm phán COC trong 3 năm nhưng không mấy ai tin những lời tuyên truyền có chủ đích đó. Những gì diễn ra trên biển trái ngược với những lời tuyên truyền bên lề hội nghị.

Tàu Hải Cảnh và các tàu dân quân biển của Trung Quốc vẫn canh chừng chặt chẽ các hoạt động dầu khí của Việt Nam trong phạm vi “lưỡi bò” dù trong vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Trung Quốc từng đe dọa đánh chiếm các vị trí của Việt Nam tại Trường Sa nếu Việt Nam gia tăng dò tìm mỏ mới. (TN) [kn]

Phan Văn Giang thăm Bắc Kinh, hứa ‘kiên định’ với Trung Quốc

 BẮC KINH, Trung Quốc (NV) – Ông Phan Văn Giang, bộ trưởng Quốc Phòng CSVN, hiện đang thăm Trung Quốc và dự Diễn Đàn Hương Sơn Bắc Kinh.

Theo báo Người Lao Động hôm 29 Tháng Mười, trong cuộc họp với ông Hà Vệ Đông, phó chủ tịch Quân Ủy Trung Ương Trung Quốc, ông Giang nhấn mạnh rằng Việt Nam “luôn kiên định quan điểm xuyên suốt là coi trọng xây dựng mối quan hệ đoàn kết, hữu nghị, ổn định lâu dài, tin cậy vững chắc, hợp tác toàn diện với Trung Quốc.”

Ông Phan Văn Giang (thứ ba từ trái) trong một cuộc gặp tại Trung Quốc. (Hình: Tiền Phong)

Bên cạnh đó, ông Giang cũng trấn an các giới chức Trung Quốc về chuyện Hà Nội kiên định về chính sách quốc phòng “bốn không” (không tham gia liên minh quân sự, không liên kết với nước này để chống nước kia, không cho ngoại quốc đặt căn cứ quân sự, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế).

Hai bên cũng nhất trí nối lại sự kiện “Giao lưu hữu nghị quốc phòng biên giới” mà sự kiện gần nhất hồi đầu Tháng Chín bị hủy bỏ do ông Lý Thượng Phúc, bộ trưởng Quốc Phòng Trung Quốc “có vấn đề về sức khỏe” mà sự thật là bị cách chức.

Bốn ngày trước, ông Lý Thượng Phúc chính thức bị bãi nhiệm không rõ lý do và hiện chưa rõ ai là người thay thế.

Đáng nói, không thấy ông Giang đề cập chuyện ngư dân tỉnh Quảng Ngãi tố cáo rằng họ bị tàu Trung Quốc rượt đuổi, tấn công ở vùng biển Hoàng Sa hồi cuối Tháng Tám.

Chuyến thăm Trung Quốc của ông Phan Văn Giang diễn ra chỉ vài ngày sau khi ông này được ghi nhận dẫn đầu về “tín nhiệm cao” trong cuộc bỏ phiếu tại Quốc Hội Việt Nam.

Ông Giang cũng là giới chức thứ tư của Việt Nam thăm Trung Quốc trong vòng hơn một tháng, sau Bộ Trưởng Công An Tô Lâm, Thủ Tướng Phạm Minh Chính và Chủ Tịch Nước Võ Văn Thưởng.

Theo giới quan sát, cả bốn chuyến thăm nêu trên mang tính “dọn đường” cho chuyến thăm Việt Nam của Chủ Tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Ông Phan Văn Giang (thứ ba từ trái) trong một cuộc gặp tại Trung Quốc. (Hình: Tiền Phong)

Một bản tin của hãng Reuters gần đây cho hay, chuyến đi của ông Tập Cận Bình dự trù vào đầu Tháng Mười Một nhiều phần đã bị hoãn lại đến Tháng Mười Hai.

Nguyên do được hiểu là các cuộc đàm phán về nội dung cụ thể được công bố trong chuyến thăm của ông Tập hiện “chưa tiến triển đầy đủ.” (N.H.K) [kn]

Công an Nghệ An ngăn cản tặng xe đạp cho học sinh nghèo

Trần Quyết Thắng-30-102023
Việc tặng xe đạp cho trẻ em nghèo được công luận ủng hộ
 Lần này phía công an Nghệ An đã can thiệp trắng trợn, họ làm việc với những người tiếp nhận, người tổ chức tặng xe, và với các phụ huynh học sinh.

Xuất phát từ ý tưởng tái chế, phục chế xe đạp cũ để tặng cho những học sinh nghèo có phương tiện đi học, và đồng thời bảo vệ môi trường cũng như lan tỏa các giá trị nhân văn trong cộng đồng, từ nhiều năm nay, chúng tôi đã dồn tâm huyết vào công việc này và đưa đến tay hàng nghìn học sinh trên khắp mọi miền đất nước những món quà xe đạp nhiều tâm huyết ấy.

Nhưng, điều lạ lùng là, cũng suốt từng ấy năm, chúng tôi vẫn thường xuyên gặp khó khăn, cái khó khăn không phải chỉ bởi công việc vất vả gian nan, mà oái oăm thay: Do bị ngăn trở từ phía chính quyền, lúc nhiều lúc ít. Riêng lần này, theo thông tin phản hồi từ phía các công tác viên và nơi tiếp nhận, tại Nghệ An, cách hành xử rất thô bạo.

Sau khi tất cả mọi công đoạn đã hoàn tất, từ phục chế xe, nhận danh sách tiếp nhận từ các nhà trường, thì đến sát ngày giao xe, bên phía nhà trường lại thông báo là không nhận xe nữa, vì theo lời họ, công an Nghệ An đến “làm việc”! Một tình nguyện viên ở Vinh còn bị mời lên đồn.

Nhiều lần trước đây, tặng xe xong thì thường có một số người bên chính quyền tới “làm việc”, họ yêu cầu là không được có gì ngoài xe đạp, không phát biểu, không tuyên truyền… Tất nhiên là không rồi, vì chúng tôi chỉ phục chế xe đạp để tặng cho học sinh, đó là tất cả công việc. Chúng tôi đâu có thời gian rảnh để mà đi làm những việc vô ích ấy!

Nhưng nếu đúng như những phản hồi mà chúng tôi nhận được, thì lần này phía công an Nghệ An đã can thiệp trắng trợn, họ làm việc với những người tiếp nhận, người tổ chức tặng xe, và với các phụ huynh học sinh. Họ gọi lên đồn điều tra, đe dọa giáo viên, gọi điện cho người thân từ ông bà, bố mẹ, chồng con và cả đồng nghiệp, có trường hợp còn gọi về hàng xóm, láng giềng ở quê những người tiếp nhận và có liên quan. Thậm chí tại một điểm tiếp nhận xe đạp, cô hiệu phó một trường miền núi Nghệ An, sau khi gửi thông tin để tiếp nhận xe tặng cho học sinh trường, thì đã bị đe doạ không sót thành viên nào trong nhà để cấm cô nhận xe về, phụ huynh học sinh cũng bị gửi thông báo cấm nhận xe.

Cũng xin nói thêm, trong đợt này, ngoài Nghệ An, chúng tôi còn tặng xe cho học sinh Quảng Bình. Tại Quảng Bình thì mọi việc diễn ra tốt đẹp, nhưng Nghệ An thì ngăn cản. Phải chăng đây là những hành động mang tính cá nhân hoặc thiên kiến địa phương xuất phát từ một động cơ thiếu lành mạnh nào đó?

Những điều này gây ra những sự mệt mỏi, hoang mang. Mục đích của họ là gì? Phải chăng là để khiến những người hỗ trợ tôi phải nản chí và từ bỏ ý định giúp những đứa trẻ có xe đi học?

Tôi còn nghe nói đến một cái công văn nào đó đã về đến các địa phương ‘cấm nhận xe đạp tái chế khi chưa được phép’ – lời thuật lại từ một thầy hiệu trưởng nói qua điện thoại cho một người hỗ trợ xin xe cho chương trình tái chế xe đạp.

Không ít lần tôi đã liên hệ với những người/ cơ quan có liên quan để công việc tái chế xe không bị cản trở nữa thì họ nói “việc chú chú cứ làm, đừng làm gì vi phạm pháp luật là được”. Vậy thì tôi đã làm gì sai về việc tái chế và tặng xe này để phía chính quyền không làm việc trực tiếp với mình, mà lén lút dọa nạt những người tiếp nhận xe?

Tôi đang không biết phải làm việc với ai, làm việc như thế nào để tình trạng này phải được chấm dứt.

Tôi cũng chỉ là một cá nhân đứng ra triển khai sáng kiến xin gom xe cũ tái chế, tặng lại người cần. Bao lâu nay tôi đã gặp rất nhiều trở ngại nhưng chưa lần nào tôi có mảy may suy nghĩ là nên dừng công việc này lại.

Nếu các cơ quan chính quyền thấy đây là một việc sai trái thì hãy cho tôi lý do, và ra quyết định đình chỉ hoạt động của chúng tôi, tôi sẽ ngừng lại ngay lập tức.

Còn nếu không, những sự ngăn trở này chỉ chứng tỏ động cơ hẹp hòi và lối hành xử coi thường pháp luật; đồng thời lấy đi cơ hội của những học sinh nghèo khó, phá hủy những nỗ lực nhân ái vốn đang rất cần trong xã hội.

Tuy nhiên, tôi nghĩ, không một chính quyền nào lại làm những việc vô lý và bất nhẫn đến như vậy, và tôi hy vọng đây chỉ là hành xử của những cá nhân, hay chính quyền sở tại với động cơ riêng khó hiểu của họ.

Chúng tôi đang chờ một câu trả lời từ phía chính quyền và công an Nghệ An.


Trần Quyết Thắng

Tiền quyên góp cho nạn nhân vụ cháy rồi sẽ về nơi đâu?

Vô Viễn-29-10-2023

Trần Sỹ Thanh đến thăm người bị thương trong vụ cháy chung cư nhưng lờ vụ trao tiền quyên góp

Ý kiến nói vụ ngâm tiền quyên góp cho nạn nhân vụ cháy chung cư mini ở quận Thanh Xuân, Hà Nội, một lần nữa đã cho ta thấy năng lực đu đưa, ngâm tiền của Mặt Trận Tổ Quốc, cái nơi mà luôn kêu gọi dân ủng hộ tiền trong mọi vấn đề.

Tiền các nhà hảo tâm giúp đỡ cho các nạn nhân trong vụ cháy chung cư mini tại Hà Nội đã hơn 100 tỉ đồng, nhưng có một cục lớn lắm. Đó là đến giờ vẫn vòng vèo chưa chi trả cho những nạn nhân của vụ cháy.

Xin làm rõ, số tiền hơn 100 tỉ đồng này là của người dân, chứ không phải là của chính quyền Hà Nội.

Vụ này một lần nữa đã cho ta thấy năng lực đu đưa, ngâm tiền của Mặt Trận Tổ Quốc, cái nơi mà luôn kêu gọi dân ủng hộ tiền trong mọi vấn đề.

Hơn 100 tỉ đồng mà gửi ngân hàng mỗi tháng thì tiền lãi sẽ là bao nhiêu, tiền đang ở đâu, nếu đem gửi ngân hàng thì có đem tiền lãi gộp vào tiền đó hay không.

Chẳng thà cho Thủy Tiên làm thì còn “tiền tươi thóc thật”. Còn đưa cho bên này thì ngày giỗ đầu cũng chưa dám hy vọng.

Dân cứ nhắc đến cái sai là chính quyền đổ thừa cơ chế, vậy thì cơ chế là do đâu sinh ra. Dẹp ngay cái nơi sinh ra cơ chế tệ hại đó là sẽ sinh ra cơ chế tốt hơn liền, hay là cứ để cái thứ đó để có cái đổ thừa.

Thử xem, tiền này có nhanh hay chậm hơn tiền của Hoài Linh hay không, hay chơi chiêu ầu ơ đưa đẩy như Trấn Thành.

À nhắc mới nhớ, sau khi Hoài Linh nhớ lại tiền đó, và đem đưa 14 tỉ đồng cho Mặt Trận Tổ Quốc, thì cơ quan đã làm gì với nó khi cơn bão đã đi quá xa, có sao kê không?

Trò hề ‘phiếu tín nhiệm’ bao giờ mới kết thúc?

 Nguyễn Thông-29-10-2023


Nguyễn Kim Sơn đội sổ "tín nhiệm thấp" trong lúc Phan Văn Giang đứng đầu "tín nhiệm cao"

Trong đội ngũ cai trị hiện hành có những kẻ hư hỏng, không được tín nhiệm nữa, cần bị loại bỏ, thì phải bất tín nhiệm, chứ chúng còn được tín nhiệm đâu mà bày biện “tín nhiệm cao, tín nhiệm, tín nhiệm thấp”.

Cứ tưởng trò bỏ phiếu tín nhiệm nảy nòi từ năm 2012 bị dẹp, bị vứt vào sọt rác rồi, ai dè sau hơn chục năm nó được dựng lại, có phần hoành tráng hơn.

Cái gì liên quan đến “phiếu” ở xứ này đều đáng sợ, kể cả tem phiếu thời bao cấp lẫn phiếu bầu bán này nọ. Giờ đào xới từ ký ức, nhớ lại mấy ô phiếu-tem, cái thì quy định được mua 25 gam thịt (to bằng cái lưỡi mèo), cái thì 20cm vải (bằng chiếc khẩu trang), cái thì 100 gam lương thực (gạo) vẫn rùng mình. Rồi mỗi kỳ bầu cử “sáng suốt lựa chọn những người xứng đáng bầu vào quốc hội và hội đồng nhân dân các cấp” (lần nào cũng câu này), tivi hát “cầm lá phiếu trên tay chúng ta đi bầu” nhưng ai cũng hiểu họ chả cần mình bầu, phiếu mới chả phiếc, bởi chưa bầu đã biết ai trúng, nhất là tứ trụ, thậm chí biết trước cả tháng. Tin đồn, thông tấn xã vỉa hè luôn trúng phóc. Kể từ khi cộng sản cầm quyền luôn diễn ra như vậy. Họ có đủ cả, chỉ thiếu mỗi quyền dân chủ thực sự.

Người ta vẫn kể cho nhau nghe chuyện tay trùm Stalin chỉ đạo đàn em tổ chức bỏ phiếu. Khi bọn kia thật thà muôn tâu thánh thượng, nếu bỏ phiếu thì chúng ta thua mất, y liền cười, bay làm cách mạng nhưng đé.o biết gì, ăn nhau ở khâu kiểm phiếu chứ không phải bỏ phiếu. Cả bọn được giác ngộ lý luận cách mạng vô sản cười như nghé. Chuyện Liên Xô nghe như chuyện nhà. Ông Xít ta ở nước Nga/mà em lại thấy rất là Việt Nam, cụ thần đồng Trần Đăng Khoa nhể.

Trong một bộ máy cai trị, không phải người nào cũng tài giỏi đạo đức, được cả hồng lẫn chuyên. Không ít đứa leo lên từ kênh đoàn hội, hoặc ngạch “hồng phúc của dân tộc”, và nhất là chọn nhầm, theo kiểu đảng cử – dân bầu. Tuy nhiên, thực chất của cán bộ chỉ cần thời gian ngắn là lộ ra. Vì vậy, cũng nên có sự sàng lọc, mà bỏ phiếu tín nhiệm là một cách. Cách tốt nhất, đúng nhất là trưng cầu dân ý, lấy ý kiến nhân dân, để dân bỏ phiếu tín nhiệm. Còn kiểu nội bộ, loanh quanh với nhau, nói thật, chỉ diễn, biện pháp cải lương, dân túy, cốt làm cho có, chỉ là biện pháp cải tạo nửa vời đối với một bộ máy đang rệu rã, ốc vít hỏng hóc, rỉ sét, cùn mòn. Cứ kiểu bệnh hình thức này, dù mỗi năm, thậm chí mỗi tháng lấy phiếu tín nhiệm một lần cũng chẳng thay đổi được gì.

Lạ ở chỗ, những ai tâm huyết với đất nước và nhân dân lên tiếng về cách “làm ăn” nhố nhăng đều bị họ coi là thế lực thù địch, phản động, quan điểm sai trái. Chỉ những anh luôn tự cho mình đúng thì mới vu cho người khác sai trái. Mặt trời còn có lỗ đen, huống hồ con người và thể chế do con người tạo ra. Nếu các vị đúng trăm phần trăm (họa là thánh), sạch hơn nước cất, thì hãy quy cho người khác sai trái. Đừng cái thói cứ thấy ai khác ý mình, không đi chung với mình thì kết án người ta sai trái. Chỉ ra một điều sai trái còn giá trị hơn tỉ lần thói a dua, nịnh hót. Trung ngôn nghịch nhĩ. Ngồi ghế cửu trùng cần phải biết điều đó, chứ tự lừa mình và lừa người khác thì còn nói làm gì.

Bỏ phiếu, lấy phiếu tín nhiệm ư? Cũng được, nhưng phải làm thực chất, đừng biến nó thành trò cười. Nếu các vị thực sự muốn sửa chữa, thay đổi, tìm kiếm kết quả chính xác của lá phiếu tín nhiệm, chỉ cần bỏ phiếu với hai mức: Tín nhiệm, bất tín nhiệm. Không lôi thôi. Trong đội ngũ cai trị hiện hành có những kẻ hư hỏng, không được tín nhiệm nữa, cần bị loại bỏ, thì phải bất tín nhiệm, chứ chúng còn được tín nhiệm đâu mà bày biện “tín nhiệm cao, tín nhiệm, tín nhiệm thấp”. Làm chính trị mà cứ như đang diễn hài.

Vở hài cười ra nước mắt này chẳng biết khi nào mới kết thúc. Đời không thiếu gì người tài đức để thay thế đám hư hỏng kia, nhưng chúng nó vẫn nhơn nhơn tồn tại bởi chúng không bị bất tín nhiệm, chúng vẫn còn được đồng chí (chứ không phải dân) tín nhiệm, dù là tín nhiệm thấp.




Vụ người dân phản đối cảng Long Sơn: Công an khám xét nhà một người dân, triệu tập một số người

 Vụ người dân phản đối cảng Long Sơn: Công an khám xét nhà một người dân, triệu tập một số người

Bờ biển khu vực Dự án cảng container Long Sơn
Facebook Mai Dung

Công an thị xã Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hoá vừa khám xét nhà bà Cao Thị Lĩnh, 32 tuổi, người tham gia phản đối việc xây dựng cảng container Long Sơn ở địa phương.

Truyền thông Nhà nước hôm 28/10 dẫn nguồn tin từ Công an tỉnh Thanh Hoá cho biết việc khám xét đã thu giữ được một số tài liệu liên quan đến việc tổ chức, kích động đông người chống đối xây dựng cảng container Long Sơn.

Công an đồng thời cũng triệu tập bà Lĩnh và một số người khác lên trụ sở công an làm việc để phục vụ điều tra vụ án "gây rối trật tự công cộng”.

Vào sáng ngày 23/10, khoảng 300 người dân đã tập trung tại nơi chuẩn bị thi công cảng Long Sơn để phản đối việc xây dựng cảng này.

Vào chiều cùng ngày, Công an thị xã Nghi Sơn khởi tố vụ án hình sự "gây rối trật tự công cộng" xảy ra tại xã Hải Hà.

Một số người dân phản đối cảng Long Sơn cho RFA biết họ không đồng tình với dự án vì cho rằng cảng mới sẽ cản trở việc đánh bắt cá là nguồn mưu sinh bao đời nay của họ.

Xã Hải Hà có gần 3.000 hộ dân với gần 11.000 nhân khẩu mà phần đông là những người làm nghề đi biển.

Những người dân ở đây cho RFA biết, tại xã hiện có bốn dự án công nghiệp bao xung quanh là Nhà máy xi măng và Cảng than ở phía bắc, phía tây là nhà máy nhiệt điện, phía nam là nhà máy gang thép, và phía đông là Dự án Cảng container Long Sơn. Họ cho biết các dự án công nghiệp đã khiến người dân trong xã phải gánh chịu ô nhiễm môi trường trầm trọng.

Dự án Cảng container Long Sơn, nằm ở phần ven biển của xã Hải Hà, do Công ty TNHH Long Sơn đầu tư, dự kiến đầu tư bến cảng trị giá hơn 750 tỷ đồng, trên diện tích mặt nước khoảng 15 ha, chiều dài bến cảng 250 m, dự kiến khai thác vào năm 2025.

Kiểm soát lực lượng an ninh cơ sở có khả thi?

 RFA

Kiểm soát lực lượng an ninh cơ sở có khả thi?Ảnh minh họa. Cảnh sát 113 và dân phòng bao vây những người biểu tình chống Trung Quốc tại Sài Gòn, ngày 18/05/2014.

Tại Kỳ họp Quốc hội thứ 6 hôm 27/10/2023, khi thảo luận về dự thảo Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở... Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Hoàng Anh Công thuộc đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên cho rằng, cần có những kiểm soát đối với lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự cơ sở khi thực hiện nhiệm vụ, vì luật này liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của người dân.

Theo ông Công, giao nhiệm vụ thì phải có sự kiểm soát thực hiện để bảo đảm không lạm quyền, nhũng nhiễu người dân...

Cũng tại buổi thảo luận, ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga từ tỉnh Hải Dương thì cho rằng, dự thảo Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở khi được thực thi sẽ góp phần đảm bảo an ninh trật tự ở địa phương, đảm bảo cho người dân sống trong môi trường an toàn...

Có thể thấy rất nhiều video clip trên mạng khi họ đi tịch thu rau củ quả, hàng hóa của người dân mà không cần một quyết định hay biên bản gì, cả lời ăn tiếng nói cũng không chuẩn mực.
-Cựu Trung tá Vũ Minh Trí

Liệu nếu không kiểm soát tốt thì lực lượng tham gia bảo vệ an ninh cơ sở có thật sự đem lại sự an toàn cho dân? Cựu Trung tá Vũ Minh Trí từ Hà Nội hôm 27/10/2023 nhận định với RFA:

“Các lực lượng muốn kiểm soát tốt thì đều phải được chính quy hóa, nhưng lực lượng an ninh cơ sở hiện nay rất nhộn nhạo. Ví dụ như ở phường xã là dân phòng, dân quân chẳng hạn... thì hầu hết không được huấn luyện về chuyên môn nghiệp vụ và pháp luật. Vì vậy chỉ dùng vào những việc như đuổi chợ dẹp vỉa hè mới được, còn để phòng chống tội phạm thì tôi nghĩ lực lượng đó hoàn toàn không đủ sức. Vì họ không có kiến thức pháp luật, không có trình độ văn hóa đầy đủ... cho nên sự lạm quyền rất phổ biến. Ta có thể thấy rất nhiều video clip trên mạng khi họ đi tịch thu rau củ quả, hàng hóa của người dân mà không cần một quyết định hay biên bản gì, cả lời ăn tiếng nói cũng không chuẩn mực.”

Vì thế cho nên theo Cựu Trung tá Vũ Minh Trí, sự giám sát đấy nếu vẫn duy trì lực lượng ở mức bán chuyên trách, thiếu chuyên nghiệp như vậy... thì sẽ khó có chuyện kiểm soát được.

Bà A., một người dân sinh sống ở thành phố Hồ Chí Minh khi trả lời RFA cho biết thực tế tại địa phương bà:

“Nhiều dân phòng hay làm ra vẻ và có thái độ còn hung hăng hơn cả công an. Như những thanh niên dân phòng nơi xóm tôi, là những thành phần bỏ học giữa chừng làm dân phòng, lối xưng hô của những dân phòng này rất xấc xược. Không chỉ có vấn đề về thái độ, cách ứng xử, mà ngay cả công việc của dân phòng hiện nay cũng không rõ ràng, vượt quyền hạn, nhiệm vụ.”

eb162dd7-85db-4646-a0f4-2055f0b28708.jpeg
Ảnh minh họa bảo vệ khu phố và dân phòng ở Hà Nội. AFP.

Cũng trong ngày 27/10/2023, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, nguồn ngân sách chi cho các lực lượng bảo vệ an ninh cơ sở dự kiến là 3.570 tỷ đồng/năm.

ĐBQH Phạm Văn Hòa thuộc tỉnh Đồng Tháp tại phiên họp về ‘Dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở’ hôm 28/8/2023 từng nhận xét kinh phí cho lực lượng bảo vệ an ninh trật tự cơ sở là ‘rất cao’.

Liên quan vấn đề ngân sách cho lực lượng an ninh cơ sở, Cựu Trung tá Vũ Minh Trí nhận định thêm:

“Tôi nhớ cách đây bảy tám năm, chỉ một đợt mà Hà Nội đã có 6.000 cán bộ công an nhận quyết định thăng quân hàm và nâng lương. Nếu cứ chiếu theo quy định ví dụ cấp tá bốn năm thăng hàm một lần... thì có lẽ lực lượng công an của Hà Nội chắc bây giờ cỡ hai đến ba vạn. Nếu nhân với tỷ lệ cả nước, thì tôi nghĩ lực lượng công an phải vài chục vạn, thêm lực lượng an ninh cơ sở đông như vậy thì tôi thấy rõ ràng ngân sách, thuế của người dân phải bỏ tiền ra nuôi một lực lượng an ninh và cảnh sát rất cồng kềnh. Tôi thì tôi thấy ta cần một bộ máy phải tinh... ‘quý hồ tinh bất quý hồ đa’... cần phải tinh chứ không cần lực lượng đông đảo.”

Theo Cựu Trung tá Vũ Minh Trí, lực lượng an ninh cơ sở đông như vậy vừa khó kiểm soát, vừa dung nạp cả những thành phần không được đào tạo đầy đủ chuyên môn nghiệp vụ để thực hiện công tác này... sẽ dẫn tới tình trạng lạm quyền ở rất nhiều nơi.

Lực lượng cơ sở này rất đông lên đến 300 ngàn người và dự tính tăng thêm là 400 ngàn người... thì lực lượng chính quy không đủ khả năng để kiểm soát.
-Luật sư nhân quyền Nguyễn Văn Đài

Đồng quan điểm, Luật sư nhân quyền Nguyễn Văn Đài từ Đức quốc hôm 27/10, khi trả lời RFA cho rằng, trước hết phải xem lực lượng bảo vệ an ninh cơ sở là ai:

“Có rất nhiều thành phần khác nhau trong lực lượng an ninh cơ sở, một số là bộ đội phục viên, thứ hai họ là những người đi tù, xã hội đen trở về, muốn đưa vào diện quản lý thì chính quyền địa phương cho làm bảo vệ trật tự. Cả hai thành phần này học vấn rất thấp, không biết về pháp luật cũng như quyền con người. Khi sử dụng lực lượng này sẽ gây nguy hiểm cho người dân, bởi vì không hiểu pháp luật thì họ sẽ xâm phạm quyền của người dân như quyền tự do đi lại, quyền tự do thân thể... Câu hỏi đặt ra là làm sao để quản lý được lực lượng này? Bộ công an cũng đã đưa lực lượng công an chính quy về để giám sát lực lượng này, nhưng ở mỗi một xã chỉ có vài công an chính quy. Trong khi đó lực lượng cơ sở này rất đông lên đến 300 ngàn người và dự tính tăng thêm là 400 ngàn người... thì lực lượng chính quy không đủ khả năng để kiểm soát.”

Theo Luật sư Nguyễn Văn Đài, lực lượng bảo vệ an ninh cơ sở là mối hiểm họa đối với người dân. Ông Đài nói tiếp:

“Trong rất nhiều năm vừa qua, những người dân khi vào phường công an còn khỏe mạnh, thì sau vài giờ đồng hồ họ đã bị thiệt mạng hoặc trọng thương, bởi vì lực lượng an ninh cơ sở này thôi. Cho nên đối với chế độ cộng sản thì không có cách gì quản lý được lực lượng này.”

Trung tướng Nguyễn Ngọc Anh khi giới thiệu Dự thảo luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự cơ sở ở Hà Nội vào năm 2022 cho rằng, lực lượng được kiện toàn theo dự thảo Luật này sẽ là cánh tay nối dài cho công an chính quy cấp xã, qua đó an ninh trật tự ở cơ sở chắc chắn sẽ được đảm bảo.

Tuy nhiên theo cựu trung tá Vũ Minh Trí, sẽ lãng phí nếu chi quá nhiều tiền thuế của dân cho lực lượng công an cơ sở.

Giám đốc Trung Tâm Pháp Y Tỉnh Quảng Trị vào tù vẫn được nhận lương

 QUẢNG TRỊ, Việt Nam (NV) – Một chuyện khó tin nhưng có thật vừa xảy ra ở tỉnh Quảng Trị đó là ông Nguyễn Đình Cương, giám đốc Trung Tâm Pháp Y của tỉnh, đã bị bắt đưa vào tù từ tám tháng qua nhưng vẫn được cơ quan trả lương đều đều mỗi tháng.

Tờ Tuổi Trẻ hôm 29 Tháng Mười dẫn lời một giới chức Sở Y Tế Tỉnh Quảng Trị giải thích dù ông Cương, 47 tuổi, đã bị khởi tố, bắt tạm giam với cáo buộc “giả mạo trong công tác” nhưng ông này chưa ra tòa.

Ông Nguyễn Đình Cương, giám đốc Trung Tâm Pháp Y tỉnh Quảng Trị, bị bắt hồi Tháng Ba. (Hình: Dân Việt)

“Về nguyên tắc là [ông Nguyễn Đình Cương] chưa có tội nên rất cần thận trọng. Hơn nữa, Sở Y Tế cũng không nhận được văn bản đề nghị đình chỉ chức vụ của cơ quan điều tra. Tạm đình chỉ [ông Cương] mà sau này không có tội thì phân công công tác trở lại rất khó cho cả ngành y tế và nội vụ,” giới chức nêu trên nói.

Hiện tại, trong lúc đang ngồi tù, ông Cương vẫn nhận một nửa mức lương và phụ cấp đến hết Tháng Mười.

Hồi giữa Tháng Ba, thời điểm ông Cương bị bắt, tờ Người Lao Động dẫn điều tra ban đầu cho biết ông này đã lập sai nội dung một “Bản kết luận giám định thương tích lại.”

Theo đó, tại vụ án “cố ý gây thương tích” trong bản giám định ban hành hồi Tháng Tám, 2021, của ông NMD, 35 tuổi, ở xã Tân Long, huyện Hướng Hóa, người tham gia sự việc được kết luận gãy sáu xương sườn, tỷ lệ thương tích 15%.

Cụ thể, ông D. bị “gãy cung xương sườn số 7, 8, 9, 10, 11, 12 bên trái, không di lệch; tràn khí màng phổi trái lượng nhiều; khoang liên sườn 6, 7 đường nách giữa bên trái có vết sẹo (dẫn lưu) kích thước 1.5 x 0.8 cm.”

Hai tháng sau, một bản giám định khác do ông Cương ký đã xác định thương tích giảm còn 9% với nhận định “gãy cung sau bốn xương sườn (số 7, 8, 9, 10), bên trái đã can xương; sẹo dẫn lưu tràn khí màng phổi khoang liên sườn 6, 7 bên trái.”

Trụ sở Trung Tâm Pháp Y tỉnh Quảng Trị. (Hình: Tuổi Trẻ)

Bản giám định thứ nhì được cung cấp cho Công An Huyện Hướng Hóa để xác định việc xét xử tội “cố ý gây thương tích” nói trên. Và từ đây dẫn đến việc bỏ lọt tội phạm, do “chưa đủ căn cứ xử lý hình sự người gây ra sự việc.”

Trước đó, đoàn thanh tra của Sở Y Tế Tỉnh Quảng Trị đã thanh tra quy trình giám định thương tích này, và chỉ ra một loạt sai sót, chưa thực hiện đúng các quy định pháp luật về công tác giám định pháp y. (N.H.K) [kn]

Nguyễn Công Thắng, giới chức Tỉnh Ủy Bắc Ninh, xài bằng thạc sĩ giả

 BẮC NINH, Việt Nam (NV) – Ông Nguyễn Công Thắng, 40 tuổi, chủ nhiệm Ủy Ban Kiểm Tra Tỉnh Ủy Bắc Ninh, vừa bị đề nghị kỷ luật do xài bằng thạc sĩ giả để làm luận án tiến sĩ.

Điều oái oăm là Ủy Ban Kiểm Tra Tỉnh Ủy được biết đến là cơ quan kiểm tra, giám sát cán bộ về các dấu hiệu vi phạm tiêu chuẩn đảng viên.

Ông Nguyễn Công Thắng (trái), chủ nhiệm Ủy Ban Kiểm Tra Tỉnh Ủy Bắc Ninh. (Hình: Công Nghệ và Đời Sống)

Theo bản lý lịch của ông Nguyễn Công Thắng được báo Bắc Ninh đăng tải, ông Thắng có hai bằng thạc sĩ kinh tế, luật và một bằng tiến sĩ kinh tế.

Trong khi đó, báo Dân Việt hôm 28 Tháng Mười cho hay việc ông Thắng xài bằng thạc sĩ giả chỉ được phát giác khi ông này “bảo vệ luận án và nhận bằng tiến sĩ.”

Bản tin cho hay ông Thắng sử dụng giấy “công nhận văn bằng trình độ thạc sĩ” không do Bộ Giáo Dục và Đào Tạo cấp.

Hành vi xài bằng giả của ông Thắng bị cho là “vi phạm các quy định của đảng, pháp luật của nhà nước, vi phạm những điều đảng viên không được làm và trách nhiệm nêu gương, ảnh hưởng đến uy tín của tổ chức đảng và cá nhân.”

Báo Dân Việt cho biết thêm từ hồi Tháng Tư, 2013 đến nay, ông Nguyễn Công Thắng được bổ nhiệm, giữ nhiều chức vụ quan trọng ở các địa phương và Tỉnh Ủy Bắc Ninh.

Hiện chưa rõ ông Nguyễn Công Thắng có mất ghế hay chỉ bị khiển trách vì tội xài bằng giả.

Việc một quan chức bị phát giác xài bằng giả để được thăng quan tiến chức không còn là chuyện lạ ở Việt Nam. Theo giới quan sát, vấn đề là ai “bị lộ” việc xài bằng giả và ai “thoát” tiếp tục “được tín nhiệm” để leo lên những chiếc ghế cao hơn.

Theo báo Tuổi Trẻ hồi năm 2020, trong vụ bê bối trường Đại Học Đông Đô cấp bằng giả, có rất nhiều người mua bằng của trường này là cán bộ, công chức tại các địa phương.

Hồ sơ lý lịch của ông Nguyễn Công Thắng. (Hình: Bắc Ninh)

Thời điểm đó, ông Nguyễn Như Phong, cựu tổng biên tập báo PetroTimes, đăng lên trang cá nhân thư ngỏ đề gửi “55 quan chức mua bằng giả của Đại Học Đông Đô,” yêu cầu những người này từ chức, nếu không muốn bị ông công khai danh tính.

Tuy vậy, trong vụ này, công luận không thấy ai từ chức vì xài bằng giả và ông Nguyễn Như Phong cũng không giữ lời. (N.H.K) [qd]