Thursday, February 7, 2019

Một loạt ‘nhà báo lớn’ sắp ‘vào lò’ theo Vũ ‘nhôm’?

Khánh An – VOA

Một nguồn tin am tường trong nước cho VOA biết một loạt “nhà báo lớn”, trong đó có thể có một cựu Tổng biên tập của báo Đại Đoàn Kết, sắp bị cơ quan chức năng bắt giữ vì liên quan đến những phi vụ thâu tóm đất đai trong vụ án Vũ “nhôm”.

Theo nguồn tin này, “cấp trên” đã có chỉ thị bắt giam, nhưng việc thi hành và công bố sẽ chỉ được phép đưa ra sau dịp Tết Nguyên Đán.

Vụ án Vũ “nhôm” được xem là một đại án về tình trạng lũng đoạn của bộ máy nhà nước, liên quan đến rất nhiều người, trong đó có cả sự tiếp tay của Tổng cục Tình báo, thuộc Bộ Công an, cho đến các quan chức lãnh đạo ở địa phương và báo chí.

Vũ “nhôm”, tên thật là Phan Văn Anh Vũ, 44 tuổi, là một ông trùm khét tiếng thao túng thị trường địa ốc ở Đà Nẵng và cả TPHCM. Trong tay Vũ là hàng loạt dự án ở các khu “đất vàng”. Đại gia này còn được biết đến về khả năng chi phối cả các lãnh đạo cấp cao nhất của Đà Nẵng nhờ mác thượng tá tình báo.

Theo Cáo trạng từ các phiên tòa xử Vũ “nhôm” và hai tướng công an, cựu Thứ trưởng công an Bùi Văn Thành và Trần Việt Tân vào tháng trước, Vũ “nhôm” đã được tuyển vào làm nhân viên tình báo thuộc Tổng cục 5 Bộ Công an từ năm 2009, sau đó leo lên chức thượng tá, Phó phòng Biệt phái, Tổng cục 5, Bộ Công an, trong một thời gian ngắn dù không có thông tin cho thấy ông này có bằng cấp hay được đào tạo chuyên môn.

Báo chí trong nước dẫn thông tin từ các phiên tòa xử Vũ “nhôm” cho biết đại gia Đà Nẵng này đã thành lập 2 công ty bình phong là Công ty xây dựng Bắc Nam 79 và công ty Nova Bắc Nam 79 để thâu tóm 7 khu “đất vàng” công sản ở các vị trí đắc địa của Đà Nẵng và TPHCM, gây thiệt hại cho nhà nước hơn 1.159 tỷ đồng. Để làm được điều này, Vũ “nhôm” đã được các lãnh đạo của Cục Tình báo là Thứ trưởng Bùi Văn Thành và Thứ trưởng Trần Việt Tân, và một số quan chức khác ký các văn bản, giấy tờ bảo kê cho hoạt động lũng đoạn đất đai của mình, trong đó có cả tài sản của Bộ Công an là khu đất 129 Pasteur, phường 6, quận 3, TPHCM.

Công an khám xét nhà riêng của Vũ “nhôm”, trước đây là nơi tọa lạc của Văn phòng miền Trung của báo Đại Đoàn Kết, vào ngày 21/12/2017.

Ngoài khả năng chi phối các lãnh đạo cấp cao, Vũ “nhôm” còn “nắm” luôn cả giới báo chí trong thời gian tung hoành với công việc kinh doanh mà đại gia này khai trước tòa rằng “được giao làm phát triển kinh tế”.

Hồi tháng 9/2017, một nhà báo tại miền Trung, bà Dương Thị Hằng Nga – Trưởng phòng đại diện khu vực miền Trung và Tây Nguyên của Tạp chí Giao Thông Vận Tải, đã bị cấm xuất cảnh theo chỉ thị của Công an Đà Nẵng chỉ vì viết bài “đụng” đến các dự án đất đai của Vũ “nhôm”.

Vì vậy, gần như không một nhà báo “chính thống” nào dám “đụng” đến Vũ “nhôm”, dù biết rõ những sai phạm về đất đai của ông này. Lý do, theo một số nguồn tin trong giới báo chí, có thể là vì họ bị đe dọa, hoặc đã được Vũ “nhôm” chi tiền dưới các hình thức hoạt động xã hội hay tổ chức sự kiện, thậm chí là bằng việc sang nhượng đất đai.

Một trong những cơ quan báo chí được cho là có liên quan đến những “lùm xùm” về đất đai với Vũ “nhôm” là báo Đại Đoàn Kết, sau khi báo này chuyển nhượng Văn phòng đại diện ở miền Trung, mà tờ báo xin mua theo diện công sản nhà nước và năm 2004, cho Công ty Xây dựng 79 của Vũ “nhôm” vào năm 2011 để Vũ biến nơi đây thành nhà riêng của mình, khiến cho nhiều người, trong đó có một vài nhà báo của Đại Đoàn Kết, bức xúc vì “đất công” đã bị biến thành “đất tư” dưới bàn tay điều khiển của Vũ “nhôm”.

Vào tháng 8/2014, báo Đại Đoàn Kết đã ra thông báo tuyển Tổng biên tập mới để thay cho Tổng biên tập tờ báo vào thời gian này là ông Đinh Đức Lập bị điều chuyển “do có nhiều sai phạm trong công tác điều hành tờ báo”, theo tường thuật của báo Tuổi Trẻ.

Sau phiên xử ngày 30/1 vừa qua, tòa án tại Hà Nội đã tuyên Vũ “nhôm” 8 năm tù về tội “Cố ý làm lộ bí mật nhà nước” và 17 năm tù về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” trong vụ án ngân hàng Đông Á.

Trong một diễn biến khác, nhà báo-blogger Trương Duy Nhất gần đây được tin là mất tích ở Thái Lan, sau khi ông đến Bangkok xin tị nạn chính trị vào đầu tháng 1.

Trong lúc các tổ chức nhân quyền kêu gọi nhà chức trách Thái Lan điều tra về sự mất tích của ông Nhất, nguồn tin trong nước cho VOA biết ông Trương Duy Nhất đã bị chính quyền Việt Nam bắt giữ.

Ông Trương Duy Nhất trước đây từng làm việc cho báo Công an tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng và sau đó là báo Đại Đoàn Kết.


Do Việt Nam đang trong thời gian nghỉ Tết Nguyên Đán, VOA chưa thể liên lạc được với các cơ quan chức năng liên quan để xác minh các thông tin trên.

Ý dân

Thảo Vy – VNTB |
Trong những ngày xuân Kỷ Hợi, khách hành hương viếng Đền Trần (Nam Định) sẽ thấy ngay tại cổng Ngũ Môn ghi khắc câu đối: “Dân vi bang bán thiên niên sách, Công tại nhân tâm vạn cổ trường” (Lấy dân làm gốc, đó là sách lược ngàn năm; Công lao ở lòng người sẽ ghi tạc muôn thuở).
Tự tin hay đang tự huyễn hoặc?
Sáng 1-2, tại Phủ Chủ tịch, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng chúc Tết các vị lão thành cách mạng, các vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, cán bộ lãnh đạo của các cơ quan Trung ương và Hà Nội. toàn văn bài phát biểu của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tại buổi chúc Tết được báo Nhân Dân đăng tải toàn văn (http://bit.ly/2WGcteX)
So với bài viết: “Đảng vững mạnh, đất nước phát triển, dân tộc trường tồn” mà các báo đăng tải hôm trước đó 30-1 cũng của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, thì mức độ tự tin về chuyện “Đảng vững mạnh” của ông Nguyễn Phú Trọng kém hẳn (http://bit.ly/2UyEpiW).
Câu hỏi đặt ra, để có câu trả lời thuyết phục cho nhận định phải thật là “Đảng vững mạnh”, ông Nguyễn Phú Trọng có thể ‘nhờ’ Quốc hội cho tổ chức cuộc trưng cầu ý dân theo Luật Trưng cầu ý dân, đã có hiệu lực từ 1-7-2016.Nếu như ở bài viết hôm 30-1, ông Nguyễn Phú Trọng khẳng định rằng “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay”, thì trong bài phát biểu hôm sáng 1-2, khẩu khí đã chùng hẳn xuống khi ông Nguyễn Phú Trọng kêu gọi, “Chúng ta cần quyết tâm, tiếp tục tạo sự chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, gắn với thực hiện có chiều sâu việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tự diễn biến, tự chuyển hoá”.
Trưng cầu ý dân là việc không mới. Rất nhiều quốc gia trên thế giới đã thực hiện việc này từ lâu. Cách đây hơn 7 thế kỷ, đã có một cuộc trưng cầu ý dân mà bất cứ người Việt nào cũng biết: Năm 1285, Thái tử nhà Nguyên là Thoát Hoan được phong làm Trấn Nam Vương, dẫn một đội quân 50 vạn người xâm lược Việt Nam lần thứ 2.
Vua Trần Nhân Tông đã cho mời bô lão của các làng xã trên cả nước về điện Diên Hồng. Nhà vua nêu câu hỏi: Tổ quốc lâm nguy. Thế giặc rất mạnh. Xin các cụ cho ý kiến, ta nên hòa (tức đầu hàng) hay nên đánh? Hàng ngàn phụ lão đã nhất tề hô: Xin bệ hạ cho đánh. Ý chí đó đã củng cố thêm quyết tâm của nhà vua và triều đình. Trước mặt các bô lão, nhà vua hạ chiếu: Đánh.
Kết quả là đạo quân 50 vạn người của giặc đã bị đánh cho không còn mảnh giáp, đến nỗi chủ tướng phải chui vào ống đồng cho quân khiêng chạy mới thoát chết. Hội nghị Diên Hồng sống mãi trong lòng dân tộc, vì nó đã nói lên một chân lý bất biến, rằng “ý dân là ý trời”.
Thuận ý dân
Trở lại với câu chuyện hôm nay. Trong sáng 30 Tết, nhằm ngày 4-2, ông Lê Văn Vĩnh, chủ tịch hội đồng quản trị Công ty TNHH BOT Xây dựng Đồng Tháp, đơn vị thu phí cầu sông Cái Nhỏ và cầu Tân Nghĩa, cho biết báo chí biết rằng công ty đã ngừng thu phí 2 cầu từ chiều 3-2. Công đoạn tháo dỡ trạm thu phí tiến hành gấp rút tạo điều kiện thông thoáng để người dân đi lại trong dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019.
Trước đó, việc thu phí cầu sông Cái Nhỏ kéo dài đã vấp phải sự phản ứng của người dân. Đỉnh điểm vào cuối tháng 9-2018, hàng trăm người dân đã tập trung phản đối. Tương tự ở cầu Tân Nghĩa cũng bị người dân phản ánh nhiều lần về thời gian thu phí.
Trước phản ứng có cả tình và lý của người dân, ông Nguyễn Văn Dương, chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp đã quyết định dùng ngân sách tỉnh để mua lại trạm BOT này với giá hợp lý nhất.
Theo thẩm định, nếu không mua lại thì cầu sông Cái Nhỏ dự kiến sẽ kết thúc thu phí vào tháng 8-2024, tức thời gian thu phí là 12,8 năm. Tương tự, cầu Tân Nghĩa thời gian thu phí cũng là 12,8 năm tức chấm dứt vào tháng 10-2020. Ông Vĩnh cho biết sẽ nhận khoản tiền vốn mua lại 2 dự án này của chính quyền tỉnh là 14,8 tỉ đồng.
Tương tự, trạm thu phí BOT đường bộ Tân Đệ ở tỉnh Thái Bình bị người dân phản ứng vì đặt nhầm chỗ tương tự như BOT Cai Lậy, Tiền Giang cũng đã được chính quyền tỉnh Thái Bình yêu cầu phải phá dỡ ngay trước Tết nguyên đán 1 tuần lễ, và nhà đầu tư phải đặt trạm thu phí đúng với nơi đã mà dự án đã đầu tư.
Có thật là người dân đang phấn khởi tin tưởng đảng cộng sản?
Nhìn rộng hơn, quan sát trên mạng xã hội và các trang báo điện tử, có thể thấy rằng người dân Việt Nam đang ủng hộ việc xóa sổ nền chính trị độc tài ở Venezuela. Thể chế xã hội chủ nghĩa ở quốc gia này đang đứng trước bờ vực sụp đổ, và người dân Việt Nam lại hồ hỡi trước những thông tin về khủng hoảng chính trị ấy.
Câu hỏi đặt ra, liệu người dân Việt Nam có phải thực sự mang tâm thế như lời của ông Nguyễn Phú Trọng: “Không phải ngẫu nhiên mà một không khí phấn khởi, tin tưởng ngày càng lan toả sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân, tác động tích cực mạnh mẽ trên khắp cả nước và được nhiều bạn bè quốc tế ghi nhận”? (http://bit.ly/2WGcteX)
Ghi nhận thực tế là không hề có “một không khí phấn khởi” như nhận định đầy chủ quan của ông Nguyễn Phú Trọng. Đơn cử, thưởng Tết Kỷ Hợi trong ngành bất động sản ở Sài Gòn, theo đánh giá sơ bộ là ở mức thấp nhất kể từ năm 2014. Nhiều công ty kinh doanh địa ốc nói rằng năm 2018 vừa qua họ có doanh số rất thấp, nên thưởng Tết chỉ mang tính tượng trưng.
Giám đốc bộ phận kinh doanh ở một doanh nghiệp bất động sản khá có tiếng tại Sài Gòn, ngậm ngùi kể trong bữa tiệc tất niên đạm bạc với báo chí: “Trong năm vừa qua công ty chỉ có đúng một dự án với hơn 400 căn nhà để bán ra thị trường, mà nhân viên môi giới cũng đã lên gần 2.000 người nên áp lực lương bỗng khá căng. Một số nhân viên kỳ cựu cũng phải bỏ công ty mà ra đi, như tôi đây vẫn bám trụ được là mừng chứ không mong gì nhận lương thưởng”.
Ông cho rằng ở Việt Nam hiện nay vẫn chưa vượt qua thời kỳ khủng hoảng kinh tế, và niềm tin vào những nhà quản trị quốc gia cũng vì thế mà ngày càng tuột giảm, chứ không hề đúng như tự tin về “đất nước phát triển” như lời tựa của bài báo ký tên Nguyễn Phú Trọng hôm 30-1-2019.
Trưng cầu dân ý là một quyền dân sự được hiến định. Nếu quả tình ông Nguyễn Phú Trọng tự tin “Đảng vững mạnh, đất nước phát triển, dân tộc trường tồn”, và ông cũng tự tin là đảng cộng sản Việt Nam không hề theo đuổi nền chính trị độc tài như Venezuela, thì ông hãy thử một lần dùng quyền là Chủ tịch nước để yêu cầu Quốc hội thực hiện một cuộc trưng cầu ý dân, về mức độ tín nhiệm sự lãnh đạo của đảng cộng sản Việt Nam trong vai trò quản trị quốc gia.
Vàng thiệt không sợ lửa. Ông bà mình nói như vậy./.

Điềm

Nguyễn Tấn Dũng và phu nhân thăm Ấn Độ.
Nguyễn Tấn Dũng

ầu năm 2019 đánh dấu XHCN Venezuela đi đến những ngày cuối cùng của nó. Nhân dân đang dõi theo tình hình bên tận nửa vòng trái đất để tận mắt nhìn thấy cơn hấp hối của một mô hình chính trị gần giống với Việt Nam. Từ cái chết của XHCN nước này, người dân cũng hiểu rằng thế nào cái thể chế được gọi bằng cái tên dài ngoằn CHXHCNVN cũng sẽ đi đến thời điểm như vậy.
Nhìn cơn hấp hối của XHCN Venezuela, CSVN cũng sợ cho cái kết của mình. ĐCSVN thừa biết, CHXHCNVN của họ cũng đang mang cùng một loại virus của kẻ sắp chết – XHCN Venezuela nên họ phát hoảng. Trên hàng loạt trang báo, Ban Tuyên Giáo cho đăng bài “Cảnh giác lợi dụng bất ổn ở Venezuela để xuyên tạc tình hình Việt Nam”, điều đó cho thấy CSVN họ sợ điềm báo cho chế độ.
Người CS ngày nay họ không không phải vô thần như cha ông họ, mà đã tin hơn tâm linh. Họ có lòng tham vô độ nhưng họ cũng muốn chính họ không phải gánh sự trừng phạt của trời đất. Chính vì thế, họ hay tìm đến đền chùa linh thiêng cầu khấn. Trước thềm Đại Hội 12, Nguyễn Tấn Dũng và Trần Bắc Hà sang tận Ấn Độ cầu phật. 6 tháng trước khi chết, Trần Đại Quang cũng đến chính ngôi chùa đó gục đầu vào bức tường cầu khấn. Và cuối cùng Trần Bắc Hà và Trần Đại Quang không thoát được quả báo, còn Nguyễn Tấn Dũng thì đang như ngồi trên đống lửa khi lò Nguyễn Phú Trọng dí sát vào mặt.
-
Pháp Quyền XHCN của CSVN là thứ luật mà ai có tiền cũng đều có thể hối lộ để CS bẻ cong luật. Nhưng luật trời không thế, ai đã gieo nhân nào thì kẻ ấy phải nhận ngay cái quả từ nhân mà chính họ đã gieo. Tưởng luật trời giống luật CS nên họ hối lộ, cầu khẩn, và kết quả là đã thất bại.
Ông Nguyễn Phú Trọng là người cuồng chủ thuyết CS và trung thành tuyệt đối với chủ thuyết ấy, nhưng ông ta không phải vô thần mà cũng tin vào tâm linh. Đã 75 tuổi, ông ta thừa trí tuệ và thừa kinh nghiệm để chiêm nghiệm lại quy luật của trời. Trước khi đi đến một biến cố lớn, trời thường có mang đến những dấu hiệu báo trước hoặc qua lời một con người nào đó tiên đoán đúng thời điểm xảy ra biến cố. Ở trời Tây người ta gọi đó là “tiên tri”, trời Đông người ta gọi đó là ” điềm”. Nếu tin ở tâm linh ắt hẳn ông Trọng cũng tin vào điềm.
Không biết cơn hấp hối của XHCN Venezuela có phải là điềm cho Việt Nam hay không, nhưng sao thấy cách hành động của Ban Tuyên Giáo dường như CSVN đang rất sợ những điềm báo cho họ.
Nguyễn Phú Trọng đọc lời chúc tết Kỷ Hợi 2019

Giờ phút giao thừa, Nguyễn Phú Trọng đọc lời chúc tết với thần thái nhìn rất vô hồn. Không biết đó có phải là điềm cho một cuộc sóng gió ĐCS không? Nếu đúng thì nhân dân vui sướng lắm./.

Đừng xạo và lú nữa, Trọng ơi!


QATAR VÔ ĐỊCH ASIAN CUP 2019:
SUY NGẪM VỀ CƠ ĐỒ ĐẤT NƯỚC DƯỚI THỜI TỔNG TRỌNG
Tác giả: Quê Hương
Kỷ niệm 89 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930 – 3/2/2019), Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng vừa có bài viết nêu bật những thành tựu của đất nước năm 2018. Đáng kinh ngạc là việc Trọng khẳng định chắc nịch rằng: “Đất nước chưa bao giờ có được cơ đồ như ngày nay”.
Năm 2018, Việt Nam tiếp tục gặp khó khăn trên mọi lĩnh vực. Nhân quyền Việt Nam bị Tổ chức Theo dõi Nhân quyền và các tổ chức quốc tế lên án vì hồ sơ quá tồi tệ. Hiệp định thương mại Việt Nam – EU bị đình hoãn vô thời hạn. Trên lĩnh vực ngoại giao, Việt Nam bị châu Âu mà cụ thể nhất là Đức và Slovakia tẩy chay sau vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh. Về nợ công, Việt Nam vẫn là chúa chổm khi mà mỗi người dân kể cả trẻ em vừa sinh ra và người sắp xuống lỗ cũng bị gánh khoảng 40 triệu tiền nợ. Kinh tế dù được thêu dệt bằng những con số Mỹ miều nhưng Việt Nam vẫn là nước thuộc hàng nghèo trên thế giới, trong khi thuế phí và mức chi tiêu ngày càng tăng. Công lý thì lệch lạc mà thể hiện rõ nhất qua vụ bác sĩ Hoàng Công Lương trong thời gian qua. Công cuộc đốt lò diễn ra có vẻ quyết tâm lắm, nhưng hoàn toàn mất tác dụng sau vụ vợ bộ trưởng Trần Tuấn Anh được xe biển xanh đón ở chân cầu thang máy bay vẫn chềnh ềnh ra đấy mà chưa có giải đáp thỏa đáng, trơ tráo hơn là ông Trần Tuấn Anh sau vụ này vẫn lên báo rao giảng về chuyện xử lý cán bộ làm sai quy định. Giáo dục ngày càng tồi tệ khi ông bộ trưởng ngọng Phùng Quang Nhạ ký hẳn quyết định cho phép nữ sinh sư phạm bị bắt bán dâm tới tận 3 lần mới bị đuổi học… vân vân và vân vân…Ông Trọng vốn hay được gọi là Trọng Lú là bởi ông thường xuyên đưa ra những phát biểu hoàn toàn rời xa thực tế, mây mây gió gió kiểu như “Dân chủ đến thế là cùng”, “Đất nước đã bao giờ được như thế này chưa” hay “Bệnh khô đoàn, nhạt đảng, xa rời chính trị”. Quả thực, những phát biểu ấy chẳng khác cú khạc, nhổ thẳng vào mặt nhân dân.
Nói chung là Việt Nam trải qua năm 2018 với nhiều điều tồi tệ hơn người ta nghĩ rất nhiều và có chỉ một điểm sáng duy nhất, đố chính là việc đội tuyển bóng đá thi đấu nổi bật với chức Á quân giải bóng đá châu Á, Vô địch AFF Cup và vào tứ kết của giải Asian Cup. Có lẽ do quá say sưa với bóng đá mà ông Trọng quên khuấy mất công việc của ông – người đứng đầu quốc gia đó là chăm lo cho quốc gia đại sự, đảm bảo cho nhân dân một cuộc sống hạnh phúc, mọi người có việc làm ổn định thu nhập đủ và thừa sức trang trải cho cuộc sống, thuế má giảm để thư sức dân, bệnh nhân vào bệnh viện được đối xử tử tế, các cháu bé không phải mạo hiểm đu dây qua sông để đến trường, người dân đến cơ quan công quyền không phải khúm núm phong bì phong bao,… vân vân…
Nếu ông Trọng do quá mê bóng đá mà bị lú thì xin nhắc ông, ở Asian Cup vừa qua – giải đấu mà đội bóng của đất nước ông chỉ vào nổi đến tứ kết, đội đoạt chức vô địch là Qatar. Đây là đất nước có thu nhập bình quân đầu người cao nhất thế giới (129 ngàn đô la/năm). Người dân Qatar cũng nhàn hạ nhất thế giới bởi mọi chi phí, từ học tập, điện nước, xăng dầu, khám chữa bệnh,… đều được miễn phí. Qatar cũng là quốc gia an toàn nhất thế giới bởi đất nước này không có bão lụt, động đất, sóng thần, khủng bố. Hãng hàng không Qatar Airways 4 năm gần đây (2011, 2012, 2015 và 2017) được tổ chức Skytrax bầu chọn là hãng máy bay dân dụng có dịch vụ hàng không tốt nhất thế giới… vân vân…
Một đất nước Qatar như vậy, mà vẫn chưa thấy nhà lãnh đạo nào của họ dám vỗ ngực “Đất nước chưa bao giờ có được cơ đồ như ngày nay”. Thế mà Tổng Trọng lại dám thốt ra những lời trơ tráo như vậy.
Trông người mà nghĩ đến ta. Đừng xạo và lú nữa, Trọng ơi!

Những lời Thánh Ca tự do


Luân Lê
Khi hàng triệu người như một dòng thác cùng đổ xuống đường, khi những tiếng hát đồng thanh vang lên, khi những cánh tay cùng nhau nắm chặt và giương cao vì tự do và dân chủ, khi tất cả trái tim và tâm trí cùng hướng về tương lai, đất nước ấy đang có mùa xuân, mặc dù sẽ có vài bông hoa bị đốn ngã hay gục xuống, nhưng mùa xuân của một dân tộc và của nhiều thế kỷ sẽ không có trên một tờ bản đồ hay các ngôn từ được bày vẽ trên giấy của những kẻ độc tài.
Khi nghe những tiếng hát như những tiếng chim hót một lần để chết cho ngày mai tươi sáng, tiếng hát của hàng triệu người trở nên rất thanh khiết và đẹp đẽ, hùng tráng. Mùa xuân trong những bàn tay, mùa xuân ngự trị trong tâm hồn họ và mùa xuân trên những nẻo đường, con phố. Mùa xuân trong những nòng súng không còn chống lại nhân dân.
Đất nước Venezuela tuyệt vời, khi họ biết nắm lấy thời cơ và vận mệnh của chính mình. Và khi trong tâm tưởng của họ hiện diện mãnh liệt những giá trị của tự do, họ đã hành động để quyết định cho tất cả những gì quan trọng và cao cả nhất thuộc về mình.
Những cuộc cách mạng trong hoà bình, được thắp lên bằng những khát vọng về quyền được sống, quyền có tự do và quyền được tự xác quyết đến sự tồn vong hay thịnh vượng của quốc gia, dân tộc. Không ai khác, ngoài họ, đang đứng giữa mùa xuân mà những bông hoa đang rực nở do chính họ gieo trồng mà nên.

Tâm sự đầu năm

Ls Lê Công Định
Ngày 6/2 hôm nay là tròn 6 năm kể từ ngày tôi bước ra khỏi nhà tù cộng sản. Quãng thời gian gần 4 năm tù đày thật sự là giai đoạn khắc nghiệt song quý giá để đào luyện bản thân, đặc biệt khi tôi đã dám bỏ lại sau lưng tất cả sự nghiệp, tiền tài và danh vọng mà không nuối tiếc. Vì vậy, bất kể ai đàm tiếu gì, tôi thấy mình đã DÁM.
Sau khi ra tù hầu như tôi quay trở lại nghề luật sư ngay lập tức, tuy không còn ở trong cộng đồng luật sư nữa, bởi nhiều khách hàng cũ và mới vẫn tin tưởng kinh nghiệm nghề nghiệp của tôi. Tuy nhiên trong 3 năm đầu tiên, tôi chỉ làm việc một mình ở nhà, tự khảo cứu, tự soạn thảo, mà không có đồng nghiệp trẻ nào hỗ trợ.
Từ năm 2016, kết thúc giai đoạn quản chế 3 năm, tôi tham gia văn phòng luật chuyên nghiệp của luật sư Trần Vũ Hải. Thật ra tôi có nhiều bạn bè thân hơn anh Hải trong giới luật sư, nhưng người duy nhất chìa bàn tay tương trợ về nghề nghiệp cho tôi vào lúc khó khăn chỉ có luật sư Trần Vũ Hải. Thật là ơn tri ngộ mà tôi luôn trân trọng và mong có dịp đáp đền anh và gia đình anh mai này.
Gần 3 năm qua tôi đã dốc sức giúp anh Hải xây dựng chi nhánh Sài Gòn của VPLS Trần Vũ Hải với tên gọi EZLAW, tên do con trai anh Hải là luật sư trẻ Trần Đức Hoàng đặt. Ban đầu chỉ có tôi và luật sư Hoàng làm việc với nhau.
Bất kể trở ngại bị cấm xuất cảnh đi nước ngoài, một công việc khác của tôi là gặp gỡ giới học giả và luật sư quốc tế để thuyết trình và trao đổi quan điểm về hiến pháp và luật pháp Việt Nam, trong góc nhìn đối chiếu với hiến pháp và luật pháp ngoại quốc.Sau gần 3 năm, công việc phát triển nhanh chóng, chúng tôi đã có một đội ngũ 10 luật sư trẻ tại Sài Gòn, cùng với khoảng 20 luật sư ở Hà Nội. Sở trường của tôi vẫn là tư vấn luật lệ kinh doanh cho giới đầu tư và thương mại trong nước và quốc tế.
Khác với giới học giả và luật sư Việt Nam hiện tại, giá trị từ những bài thuyết trình mà tôi mang đến cho đồng nghiệp quốc tế là ở chỗ tôi không tự kiểm duyệt mình và luôn đưa ra các nhận định đúng bản chất vấn đề, dựa trên kiến thức và kinh nghiệm tích lũy lâu năm.
Đối với tôi, học thuật là tự do và không có vùng cấm dẫu ý thức hệ khác biệt. Hơn nữa tôi không phục vụ hoặc nhận lợi ích từ bất cứ đảng phái chính trị nào. So với thời gian trước lúc bị bắt giam, mối quan hệ quốc tế của tôi lại rộng mở và phát triển hơn nhiều, dù tôi vẫn chỉ ngồi tại Sài Gòn. Tất cả đều nhờ vào vụ án chính trị lớn mà nhà cầm quyền hiện nay đã tạo ra cho tôi 10 năm trước.
Tuy bị tước mất giấy phép hành nghề luật sư, chưa ngày nào tôi không hành nghề luật kể từ lúc rời khỏi nhà tù đến nay. Và tương lai vẫn vậy, tôi sẽ tiếp tục là một luật sư đúng với danh vị và niềm tự hào của nghề nghiệp cao quý này.

Đầu năm nhìn lại ‘cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín’


Trân Văn – VOA

Trước thềm năm mới âm lịch, ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Đảng CSVN, khẳng định: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay” (1).
Những ngày đầu của một năm âm lịch đã qua, thử nhìn lại vài chuyện mà ai cũng đã biết để nhận diện “cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín” của Việt Nam ngày nay.
***
“Cơ đồ” mà ông Trọng đề cập chắc chắn bao gồm hệ thống ngân hàng trải khắp Việt Nam, trong đó không thiếu những ngân hàng được cấp vốn để thực thi chính sách trợ giúp người nghèo nhưng chẳng có người thực sự nghèo nào vay được tiền từ ngân hàng, thành ra “tín dụng đen” mọc lên như nấm sau mưa, hoành hành suốt từ Nam chí Bắc, gieo vạ cho không biết bao nhiêu gia đình. Câu chuyện “anh cướp” chỉ là một ví dụ minh họa cho thực trạng từng xuất hiện ở Việt Nam trước ngày đảng của ông Trọng trở thành tổ chức chính trị duy nhất lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối tại Việt Nam, mà Nam Cao từng mượn miệng Chí Phèo tố cáo: Tao muốn làm người lương thiện nhưng ai cho tao lương thiện.“Cơ đồ” mà ông Trọng đề cập chắc chắn không phải của “anh cướp” – người đàn ông không thể tìm được nguồn trợ giúp nào khác khi vợ sanh, đành phải vay “tín dụng đen”, lãi suất ở mức cắt cổ. Cách duy nhất mà người đàn ông này cho là có thể giúp anh ta thoát ra khỏi sự bủa vây của “tín dụng đen” là đi cướp. Vụ cướp dẫu thành công nhưng lương tâm lại cắn rứt vì số tiền cướp được quá to (107 triệu), họa mà nạn nhân phải gánh quá lớn, nên kẻ cướp chỉ dám mượn đỡ bảy triệu, 100 triệu còn lại đem vứt vào trụ sở phường An Phú, thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương, kèm lá thư xin lỗi, đề nghị công an tìm giúp nạn nhân để trả lại (2).
“Cơ đồ” mà ông Trọng đề cập chắc chắn cũng không phải của người phụ nữ mang thai bảy tháng, ngụ ở Tây Ninh, lên Sài Gòn khám bệnh ngày 29 tháng Chạp âm lịch nhưng thiếu tiền phải quay về nhà. Giữa đường, đau bụng, quay lại bệnh viện bị băng huyết trên xe buýt… Những người tạo lập, quản trị “cơ đồ” như ông Trọng có thể thiết lập hệ thống riêng nhằm chăm sóc sức khỏe cho cán bộ từ trung ương đến địa phương, có thể đặt định những qui định, cán bộ cấp nào thì được xài công xa trị giá bao nhiêu, như ông thì được đãi ngộ bằng công xa cho đến hết đời, song… chưa bận tâm đến những người “thất cơ, lỡ vận” như người phụ nữ ấy. Trong “cơ đồ” đó, những cá nhân đáng thương, gặp nghịch cảnh chỉ có thể dựa vào ông tài xế xe buýt, bà tiếp viên và những hành khách tử tế khác (3) …
Tương tự, “tiềm lực, vị thế, uy tín” mà ông Trọng đề cập chẳng liên quan chút nào đến nhiều triệu người càng ngày càng vất vả trong cuộc mưu sinh mà cơm vẫn không đủ no, áo vẫn chẳng đủ ấm, thành ra hết chục ngàn người này đến chục ngàn người khác thế chấp nhà đất, ruộng vườn, kể cả vay nóng để “được” đi làm thuê ở ngoại quốc, thậm chí để “được” trở thành nạn nhân của những tổ chức chuyên buôn người, sống chui nhủi, gánh chịu đủ loại cực nhục trên đất khách, chỉ nhằm cho cha mẹ, vợ con đang vất vưởng nơi “thiên đường” đỡ đói, đỡ rách. “Tiềm lực, vị thế, uy tín” mà ông Trọng khẳng định “chưa bao giờ có được như ngày nay”, tạo ra một thực trạng cũng “chưa bao giờ có”: Sau nhiều năm “xôi kinh, nấu sử”, thanh niên, thiếu nữ tốt nghiệp đại học ở Việt Nam lũ lượt sang Campuchia, Lào tìm việc làm (4). “Tiềm lực, vị thế, uy tín” mà ông Trọng xiển dương không tạo cho họ bất kỳ cơ hội nào trên quê hương của chính họ.
***
“Cơ đồ” như thế, “tiềm lực” như thế và chỉ cần nhìn ở góc độ việc làm, cơm áo cho đám đông đã đủ để hình dung “vị thế”, “uy tín” của Việt Nam, song ông Trọng bảo đó là… “kỳ tích”. Thôi thì đó là quyền của ông! Chuyện ông nói, ông có thêm “nhiều bài học kinh nghiệm quý” cũng là quyền của ông. Còn người Việt có “bài học kinh nghiệm” nào sau khi đã vắt kiệt mồ hôi, nước mắt, đáng xem là quý không?
Chú thích

Trung với Đảng nào?

Trung với Đảng nào?

0

Người ta đang bắt đảng viên trung với đảng, quân đội, công an trung với đảng, và tuy không nói thẳng ra, nhưng cũng bắt quốc hội, tòa án, các đoàn thể quần chúng trung với đảng, rồi hoang tưởng bắt cả toàn dân trung với đảng!!!

Nhưng tại sao trung với đảng, khi đảng ấy luôn diễn biến, luôn thay đổi, luôn cơ hội chạy theo thời cuộc?
Đảng của thời Hồ Chí Minh khi chưa cướp và mới cướp được chính quyền phải năn nỉ dân theo, phải hô hào đa đảng để lôi kéo, lừa mị, lợi dụng nhiều thành phần, nhiều tổ chức yêu nước, rất khác với đảng của thời Trường Chinh, sau khi đã giành được chính quyền phát động đấu tranh giai cấp tiêu diệt hết tinh hoa của dân tộc thời bấy giờ là tầng lớp phú nông, địa chủ, tiểu tư sản thành thị và trí thức.
Tùy vào cá nhân nắm quyền, tùy vào thời thế mà đảng thay đổi xoành xoạch, nay đúng mai sai, nay chôn xuống mai đào lên, lại bám cứng vào cái phao chủ nghĩa lỗi thời đã bị nhân loại vứt vào sọt rác làm bung xung mà bắt mọi người phải trung với đảng thì trung như thế nào?Đảng của thời Lê Duẩn chống Mỹ đế quốc tư bản bằng mọi giá, tiến lên chủ nghĩa xã hội bằng mọi giá, làm kinh tế chỉ huy, tiêu diệt hết tinh hoa của đất nước là giai cấp tư sản công thương miền Nam, rồi chống Tàu cộng bằng mọi giá, đuổi ra biển gần hết người Việt gốc Hoa sống bao đời ở VN, hiền lành và tài năng… rất khác với đảng thời xét lại của Trường Chinh và Nguyễn Văn Linh, trở lại với kinh tế thị trường, mon men làm thân với tư bản, càng khác với đảng thời Nguyễn Văn Linh về sau và tiếp theo của thời bần cố nông ngu muội Đỗ Mười, Lê Khả Phiêu, Nông Đức Mạnh, Nguyễn Phú Trọng, cam tâm thờ Tàu cộng bằng mọi giá, rước bọn tư bản đỏ Tàu cộng vào giày xéo quê hương, dung túng giai cấp tư bản đỏ nội địa mới, bóc lột sức dân, tài nguyên, khoáng sản, môi trường, đất đai để làm giàu bằng mọi giá.
Chưa nói đảng của các ông ngu muội nói trên lại càng khác xa với đảng của một lực lượng đảng viên trí thức và tiến bộ khác. Đó là đảng của các ông Hoàng Minh Chính, Vũ Thư Hiên, Bùi Tín, Trần Xuân Bách, Trần Độ, Nguyễn Hộ, Nguyên Ngọc, Tương lai, Chu hảo, Nguyễn Trọng Vĩnh, Nguyễn Trung, Nguyễn Cơ Thạch, Võ Văn Kiệt… là những đảng viên kỳ cựu, có trí tuệ, có tư duy tiến bộ, chấp nhận đa đảng, chấp nhận tam quyền phân lập để đất nước nhanh chóng thoát ra khỏi lạc hậu tối tăm.
Rồi đảng của hàng triệu người đã hy sinh, đảng của bà Cát Hạnh Long, của vô số tư sản, địa chủ yêu nước khác, của Trần Đức Thảo, của Nguyễn Mạnh Tường, của Nguyễn Hữu Đang, của Phan Khôi, của Phùng Quán, Trần Dần… của bao trí thức thành thị miền Nam, của Lê Hiếu Đằng, của Hạ Đình Nguyên, của Huỳnh Tấn Mẫm… vì nghĩ rằng lý tưởng của đàng là lý tưởng của họ là mang độc lập, tự do, hạnh phúc, dân chủ, quyền bầu cử, quyền lên tiếng nói, quyền làm người đến cho toàn dân. Chắc chắn đảng của những người đó nghĩ sẽ trở thành không bao giờ giống như đảng ngày nay của Nguyễn Phú Trọng đang cầm đầu.
Vậy đảng viên, quân đội, công an… phải trung thành mù quáng vào đảng nào?

Hãy thiết thực hơn với đồng bào mình

Image may contain: 7 people, people smiling
Luân Lê|
Người cộng sản luôn theo tư tưởng triết thuyết thống trị rằng vật chất quyết định ý thức, nhưng không hiểu sao họ thường tặng tranh, ảnh lãnh tụ cách mạng quá cố cho những người dân nghèo hoặc đồng bào dân tộc thiểu số.
Họ muốn người nghèo khó sống bằng tinh thần thuần tuý với động lực được đem lại từ những tấm hình trên các khuông ảnh lúc nhìn vào sau khi lao động mệt nhọc từ đồng áng, nương rẫy, ngư điền trở về.
Hãy làm điều gì đó thiết thực hơn là những ngôn từ tuyên truyền về cơm no áo ấm nhưng lại dành tặng cho họ phần lớn chỉ là những món đồ mà không giúp ích gì được trong cuộc sống thực tế mà họ phải đối mặt, ngoài việc ngắm nhìn và chiêm ngưỡng.
Người ta cần cơm ăn, áo mặc, nhà ở và đất đai canh tác, học hành và sự an ninh, sau đó mới là những thứ tinh thần khác để làm cho cuộc sống phong phú và thanh tịnh hơn. Cũng giống như một nhà hát giao hưởng, nếu chỉ có nghèo khó và khổ nhọc, rõ ràng những tiếng hát cất vang lên sẽ không thể đem tới niềm vui thú cho những người hưởng thụ.Các giá trị tinh thần là quan trọng và nó đòi hỏi mỗi con người phải có đủ điều kiện về mặt đời sống (hoặc ít nhất là có một trí tuệ về ý niệm vượt trội) mới có thể phát huy hay cảm thụ được các giá trị cao đẹp của nó, ngược lại, nếu khi chưa thể sinh tồn theo đúng nghĩa, nó sẽ trở nên khó khăn cho việc nhận thức và không có tác dụng cải thiện cuộc sống của chính mình. Nhìn lãnh tụ, họ lại thấy buồn tủi vì trở thành gánh nặng và kém cỏi hơn thay vì là tìm thấy động lực nào đó để vươn lên.
Những người cộng sản mác xít cũng luôn nói rằng hình thức phải phù hợp với nội dung, hiện tượng bên ngoài phản ánh bản chất bên trong, họ cũng nói các hành động phải xem xét dựa trên các hoàn cảnh phù hợp của nó – tất cả những sự tương thích đó đều được những người mác xít thuyết giảng như một lẽ sống cốt yếu – nhưng không mấy khi ta tìm thấy các hành động phù hợp của nó khi đối chiếu vào những hoàn cảnh cụ thể.
Ví dụ như: họ vẫn tổ chức đêm nhạc hội lớn khi miền Trung lũ lụt chết hàng chục người với hàng chục ngàn người rơi vào cảnh tan nát nhà cửa; che ô cho riêng ông Thủ tướng dưới mưa trong khi bỏ qua các bà mẹ Việt Nam anh hùng mặc áo giấy co ro chịu lạnh; vẫn hào hứng tổ chức kỷ niệm sự hợp tác vào đúng ngày mà nhân dân đã đổ máu chống lại sự bành trướng xâm lược của đất nước đó cách đây chưa lâu; kêu gọi hoà giải hoà hợp dân tộc nhưng vẫn kỷ niệm ngày giải phóng miền Nam hằng năm và hát những bài ca khiến triệu người buồn đau, rỉ máu…rất nhiều những sự kiện cụ thể để minh chứng rõ ràng cho điều nghịch lý này.
Tặng ảnh lãnh tụ cho người nghèo khổ và nhọc nhằn với đời sống mưu sinh cũng giống như ta đưa chiếc cuốc cho những nhà quý tộc sống trong lâu đài lộng lẫy vậy. Trong khi, những hộ nghèo ở một tỉnh nào đó chỉ được tặng 15.000 đồng trong một dịp gần đây mà chúng ta đã thấy. Đó là còn chưa kể nhiều kẻ ăn cả những đồng tiền hỗ trợ của người tàn tật, người có công với cách mạng, với trẻ em, với những người đang chịu thiên tai.
Nhìn các cụ già với vẻ mặt trầm lắng và ánh mắt lạ lẫm, nháo nhác, thấy một nỗi suy tư chạy ngang cắt rời các hoạt cảnh hỗn độn có thể mường tượng ra sau đó./.

Sáu ngày Tết, 112 người chết, 150 bị thương vì tai nạn giao thông

Một tai nạn giao thông trong ngày Mùng Ba Tết Kỷ Hợi làm 16 người chết, 40 người bị thương. (Hình: Người Lao Động)
HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Chỉ mới có 6 ngày đầu của kỳ nghỉ Tết Kỷ Hợi 2019, Việt Nam đã xảy ra 177 vụ tai nạn giao thông làm chết 112 người, bị thương 150 người.
Theo phúc trình của Văn phòng Bộ Công An, riêng ngày 7 Tháng Hai, 2019 (Mùng Ba Tết) ở Việt Nam xảy ra 32 vụ tai nạn giao thông đường bộ, làm chết 15 người, bị thương 40 người và một vụ tai nạn giao thông đường sắt, làm chết 1 người.
Báo Người Lao Động dẫn lời ông Nguyễn Trọng Thái, chánh Văn Phòng Uỷ Ban An Toàn Giao Thông Quốc Gia, cho hay sau 6 ngày đầu tiên của kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019, cả nước đã xảy ra 177 vụ tai nạn giao thông, làm chết 112 người, bị thương 150 người.
Ngoài ra, lực lượng cảnh sát giao thông các tỉnh, thành đã phát hiện, kiểm tra, lập biên bản 2,034 trường hợp vi phạm, ra quyết định xử phạt với số tiền gần 1 tỷ đồng, tạm giữ 424 xe các loại và 85 giấy phép lái xe.
Trước đó, trưa Mùng Hai Tết (ngày 6 Tháng Hai), một gia đình gồm 4 người (gồm: bố, mẹ, con trai và con gái) đi xe hơi đã dừng xe ở làn dừng khẩn cấp trên đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai rồi thản nhiên trải thảm bày đồ ăn, mở tiệc trước đầu xe hơi và livestream cảnh ăn nhậu của gia đình mình, bất chấp xe cộ qua lại chạy với tốc độ cao, có thể gây ra tai nạn giao thông nghiêm trọng. Hành động này đã gây tức giận trong dư luận 2 ngày qua.
Hình ảnh cả gia đình thản nhiên dừng xe, bày tiệc trên cao tốc gây tức giận cộng đồng mạng. (Hình: Lao Động)
Ngay khi đoạn video clip được người có tên H.N chia sẻ trên mạng xã hội Facebook đã thu hút hàng ngàn lượt chia sẽ và bình luận của người dân. Một số người bày tỏ: “Đến thua, không còn chỗ nào để nghỉ hay sao mà ngồi ngay bên đường cao tốc?”.
Theo báo Lao Động, về việc này, trước áp lực của dư luận vào tối cùng ngày, ông H.N, chủ nhân của trang Facebook H.N (người trực tiếp thực hiện livestream) đã chính thức lên tiếng xin lỗi. Ông này nêu lý do vì “đãng trí và lú lẫn chứ không cố tình làm vậy” và “rất mong mọi người hiểu, thông cảm và bỏ qua.”
Trong khi đó, đại diện đội Cảnh Sát Giao Thông Số 1 (Cục Cảnh Sát Giao Thông, Bộ Công An) cho biết đang xác minh địa điểm xảy ra sự việc cũng như truy tìm danh tính của người đàn ông livestream cảnh ăn nhậu của gia đình trên cao tốc để xử phạt.
Nhiều người cho rằng, gia đình này còn đăng được hình ảnh là điều may mắn vì hành động của họ quá “ngu xuẩn và nguy hiểm” coi thường tính mạng của bản thân, cũng như tính mạng của những người đang lái xe trên cao tốc này. (Tr.N)

Mạng xã hội đàm tiếu ‘robot biết tụng kinh’ của Phật Giáo ‘quốc doanh’

Robot “chú tiểu Giác Ngộ 4.0”. (Hình: VietnamPlus.vn)
SÀI GÒN, Việt Nam (NV) – Mạng xã hội hôm 7 Tháng Hai có những đàm tiếu về robot “chú tiểu Giác Ngộ 4.0” mà một loạt báo nhà nước Việt Nam đăng bài giới thiệu khá trang trọng.
Báo điện tử VietnamPlus.vn của Thông Tấn Xã Việt Nam mô tả: “Chú tiểu Giác Ngộ 4.0 là robot đầu tiên và đến nay là duy nhất trên thế giới có thể giao tiếp, tụng khoảng 100 bài kinh và trả lời 3,000 câu hỏi về Phật pháp, theo phiên bản thuyết giảng Phật pháp của Thượng Tọa Thích Nhật Từ, ủy viên Hội Đồng Trị Sự Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam, viện phó Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam, viện phó Học Viện Phật Giáo Việt Nam tại thành phố ở Sài Gòn.”
“Theo Thượng Tọa Thích Nhật Từ, việc áp dụng công nghệ robot vào hoạt động giải đáp Phật pháp là một hoạt động nghiên cứu khoa học mang tính nhân văn cao cả, một giải pháp trợ giúp phần nào cho hoạt động thuyết pháp, giảng dạy Phật pháp của các giảng sư Phật học vốn còn chịu nhiều ảnh hưởng do giới hạn về sức khỏe, tuổi tác và thời gian,” tờ báo cho biết thêm.
Trên trang cá nhân, ông Nhật Từ cho hay, robot này là sản phẩm của Kỹ Sư Nguyễn Bá Hải, trưởng nhóm nghiên cứu về robot sinh học và “được thiết kế theo nhu cầu tìm hiểu Phật pháp của quần chúng Phật tử”.
Tuy vậy, trên mạng xã hội, một số blogger là Phật tử tỏ ý không đồng tình với “phát minh” này. Theo họ, đó chỉ là “robot giả cầy” được khoác cho chiếc áo “cách mạng công nghệ 4.0” như một cách nịnh nọt Thủ Tướng CSVN Nguyễn Xuân Phúc rằng nền Phật giáo ‘quốc doanh’ nay tuân theo mọi chỉ thị và định hướng của ông ta.
Hơn nữa, Phật pháp và tín ngưỡng là một quá trình tu tập, khai sáng và giác ngộ của con người chứ không phải phương tiện, trò chơi công nghệ “cập nhật xu hướng thời đại”.
Ngoài chuyện tu hành, ông Thích Nhật Từ được ghi nhận còn đảm nhiệm công tác ngoại giao cho Giáo Hội Phật giáo Việt Nam, in một loạt sách về Phật học… Truyền thông Việt Nam ghi nhận ông “có “bằng tiến sĩ danh dự về triết học” của trường Đại Học Mahachulalongkorn, Thái Lan và “bằng tiến sĩ danh dự về nhân văn” của trường Đại Học Apollos, Mỹ.
Trong lúc các thượng tọa Phật giáo ‘quốc doanh’ như ông Thích Nhật Từ được sủng ái và quảng bá các hoạt động trên mặt báo nhà nước, nhà cầm quyền CSVN quyết không dung thứ với Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất. Nguyên do chính là vì tổ chức tôn giáo độc lập này không được công nhận chính danh vì “đòi hỏi nhân quyền, tự do dân chủ cho 90 triệu người dân Việt Nam và không chấp nhận chế độ độc tài toàn trị của Cộng Sản.”
Thời gian qua, một loạt ngôi chùa lâu năm thuộc Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất như chùa Liên Trì ở Sài Gòn, chùa An Cư ở Đà Nẵng… lần lượt bị chế độ cưỡng chế giải tỏa.
Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất cáo buộc rằng các buổi hành lễ của Giáo Hội thường xuyên bị chính quyền cho người ngăn cản, thậm chí hành hung người tham dự. (T.K.)

Cháy nhà kho ở Đài Loan, nhiều lao động Việt Nam gặp nạn

Lực lượng cứu hỏa tại hiện trường vụ cháy. (Hình: Focus Taiwan)
ĐÀO VIÊN, Đài Loan (NV) –Ít nhất đã có một người Việt Nam thiệt mạng và một người bị thương và nhà chức trách nghi ngờ còn vài người “mất tích” trong vụ cháy xảy ra ở thành phố Đào Viên.
Theo hãng tin CAN, vụ cháy xảy ra vào sáng sáng 6 Tháng Hai, 2019 tại kho hàng của Công Ty Kerry TJ Logistics, nằm ở tầng 2 của tòa nhà 5 tầng tại quận Quan Âm, thành phố Đào Viên, Đài Loan.
Nhà chức trách đã điều động 39 xe cứu hỏa, cứu thương cùng hơn 100 lính cứu hỏa đến hiện trường vào 10 giờ 19 phút (giờ địa phương).
Trả lời báo Thanh Niên sáng 7 Tháng Hai, ông Nguyễn Anh Dũng, chủ nhiệm Văn Phòng Kinh Tế Văn Hóa Việt Nam tại Đài Bắc cho hay, có hai lao động người Việt đã kịp thoát thân trước khi lực lượng cứu hỏa đến nơi. Lực lượng cứu hỏa sau đó đưa thêm hai người Việt khác ra ngoài nhưng một người chết tại bệnh viện và một người bị thương nặng đang tiếp tục được điều trị.
Theo một số nguồn tin ở Đài Loan cho biết, vẫn còn hai người Việt chưa được tìm thấy sau vụ cháy, nhưng ông Dũng cho rằng “đang phối hợp với nhà chức trách địa phương để làm rõ thông tin này.”
Tờ Taiwan News cho biết, đã xảy ra vụ nổ trên tầng 2 của tòa nhà trước khi hỏa hoạn bùng phát và bên trong kho hàng được cho là “có trữ một số lượng rượu có thể gây cháy.” Toàn bộ những người lao động bị thương và mất tích đều làm việc cho công ty phụ trách hệ thống làm lạnh tại kho hàng.
Nhà chức trách Đài Loan chưa bình luận về những thông tin này. Nguyên nhân vụ cháy đang tiếp tục được điều tra làm rõ. (Tr.N)

Cầu Thủ Thiêm ‘chậm tiến độ, không biết khi nào mới xong’

Bản vẽ cầu Thủ Thiêm 2 mà báo Việt Nam gọi là “biểu tượng mới của Sài Gòn”. (Hình: VnExpress)
SÀI GÒN, Việt Nam (NV) – Báo VnExpress hôm 7 Tháng Hai cho hay: “Cầu Thủ Thiêm 2 nối quận 1 và 2, cũng là cổng chào từ trung tâm thành phố Sài Gòn qua Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Cây cầu được kỳ vọng là điểm nhấn kiến trúc nổi bật trên sông Sài Gòn cả ngày và đêm. Công trình có tổng vốn đầu tư 4,260 tỉ đồng ($183 triệu), động thổ từ Tháng Hai, 2015 nhưng vì vướng mặt bằng nên đến Tháng Tư, 2017 công trình mới bắt đầu thi công. Diện tích đất bị ảnh hưởng khoảng 13,000 m2; trong đó có sáu hộ dân, bốn tổ chức và doanh nghiệp (Tập Đoàn Bitexco, Công Ty Dịch Vụ Công Ích Quận 1, Tổng Công Ty Ba Son và Bộ Tư Lệnh Hải Quân).”
“Hiện cầu Thủ Thiêm 2 chỉ đạt 16% khối lượng toàn dự án. Chủ đầu tư cam kết nếu mặt bằng được bàn giao sớm sẽ hoàn thành công trình trước ngày 30 Tháng Tư, 2020,” tờ báo viết.
Với người Sài Gòn, cầu Thủ Thiêm 2 gây tranh cãi ngay từ khi dự án xây cầu được loan báo. Hồi Tháng Tư, 2018, cộng đồng mạng dấy lên cáo buộc mục đích chính của cầu Thủ Thiêm 2 là “nối các dự án của Công Ty Đại Quang Minh ở quận 2 với quận 1”. Mặt khác, nhiều người dân cho rằng nhà cầm quyền ở Sài Gòn hồi năm 2016 ra lệnh chặt bỏ gần 300 cây cổ thụ trên đường Tôn Đức Thắng vì chúng “không phù hợp với thiết kế hiện đại của cây cầu Thủ Thiêm 2”.
Tuy báo Việt Nam diễn giải cầu Thủ Thiêm 2 “chậm tiến độ vì vướng mặt bằng” nhưng giới hoạt động xã hội dân sự suy đoán nguyên nhân sâu xa là vì tình hình Khu đô thị mới Thủ Thiêm chưa ngã ngũ, nhất là trong bối cảnh tội trạng của giới chức cựu bí thư, cựu chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân thành phố ở Sài Gòn… chưa được công bố.
Cầu Thủ Thiêm 2 được hiểu là công trình mà giới chức lãnh đạo thành phố ở Sài Gòn “ưu ái” giao cho Công Ty Đại Quang Minh thực hiện theo hình thức BT, đổi một cây cầu tưởng tượng nhằm hợp thức hóa việc cấp cho doanh nghiệp này 13.5 héc ta đất ở Thủ Thiêm.
Thời điểm Tháng Năm, 2018, khi vụ sai phạm giới chức ở Khu đô thị mới Thủ Thiêm đang ồn ào trên mặt báo, ông Trần Bá Dương, Chủ Tịch Công Ty Đại Quang Minh gây xôn xao khi mở trang Facebook cá nhân “để công bố các thông tin liên quan đến dự án Sala-Đại Quang Minh Thủ Thiêm”. Trang này lập tức có hơn 4,000 lượt người theo dõi người nhưng rồi bị đánh sập trong vòng 90 phút và sau đó có một loạt Facebook mạo danh ông này được lập nên.
Dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm được chính quyền ở Sài Gòn phê duyệt vào cuối năm 2005 nhằm xây xựng một trung tâm thương mại, tài chính “tiên tiến, hiện đại”. Tuy nhiên, mục tiêu này chưa đạt được thì đã hình thành một lớp dân oan Thủ Thiêm đi khiếu kiện đất đai suốt 20 năm chưa đạt kết quả. Việc xử lý sai phạm của các cựu quan chức liên quan thế nào vẫn là một ẩn số.
Gần đây nhất, cuối Tháng Giêng, 2019, ông Nguyễn Minh Long, 43 tuổi, phó phòng Quản Lý Quy Hoạch-kiến Trúc của Ban Quản Lý Khu Đô Thị Mới Thủ Thiêm, được phát hiện “rơi từ tầng 9 xuống đất tử vong”. (T.K.)

Đoạn đường chỉ 1 cây số, xe cộ phải mất nhiều giờ mới đi thoát

Xe cộ ùn tắc nhiều cây số chờ qua cầu Rạch Miễu. (Hình: Thanh Niên)
BẾN TRE, Việt Nam (NV) – Do lượng xe cộ đổ về Bến Tre để về các tỉnh Trà Vinh, Sóc Trăng tăng cao trong khi cầu Rạch Miễu quá nhỏ đã khiến giao thông tê liệt, xe cộ kẹt cứng, ùn tắc hai đầu cầu nhiều cây số trong nhiều giờ.
Bắt đầu từ sáng 6 Tháng Hai, 2019 (Mùng 2 Tết), lượng xe hơi và xe đò đi trên Quốc lộ 60 qua thành phố Mỹ Tho (tỉnh Tiền Giang) để qua cầu Rạch Miễu về các tỉnh Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng tăng đột biến phải xếp hàng dài gần cả chục cây số để chờ qua cầu.
Báo Thanh Niên cho biết, do cây cầu chỉ có hai làn đường qua lại, xe cộ nối đuôi nhau nhiều cây số ở hai đầu cầu Rạch Miễu, nhất là phía bờ Tiền Giang để chờ qua cầu, trong khi lực lượng cảnh sát giao thông hai tỉnh Tiền Giang, Bến Tre bất lực trong việc điều tiết xe cộ dưới cái nắng gay gắt giữa trưa.
Bị người dân phản ứng, khoảng 11 giờ cùng ngày, trạm thu phí BOT cầu Rạch Miễu buộc phải xả trạm gần một giờ để giải tỏa bớt xe cộ. Đến hơn 12 giờ, giao thông phía Bến Tre đã thông thoáng hơn, riêng phía Tiền Giang thì xe hơi vẫn còn nối đuôi nhau gần 3 cây số, nhích từng chút chờ qua cầu Rạch Miễu. Nhiều xe hơi lấn vào làn xe gắn máy gây ra tình trạng hỗn loạn, nhiều xe gắn máy phải chạy lên cả hai bên thành cầu rất nguy hiểm.
Anh Bùi Văn Toàn (ở Sài Gòn) lái xe hơi 7 chỗ chở gia đình về thăm quê, than thở năm nào lễ Tết về quê ở Bến Tre cũng khổ sở vì cầu Rạch Miễu quá hẹp, anh phải mất cả tiếng đồng hồ cho đoạn đường khoảng 1 cây số để qua cầu về nhà.
Mất hơn cả tiếng đồng hồ xe gắn máy mới chen qua được đoạn đường 1 cây số .(Hình: Thanh Niên)
Một cán bộ thuộc Phòng Cảnh Sát Giao Thông Công An tỉnh Tiền Giang cho biết có nhiều lúc cảnh sát giao thông tỉnh Tiền Giang và Bến Tre phải phối hợp chặn xe chiều Bến Tre sang Tiền Giang cho xe lưu thông qua cầu một chiều để giải tỏa xe cộ ùn tắc kéo dài phía Tiền Giang.
Đến 1 giờ trưa cùng ngày, xe hơi vẫn còn nối đuôi nhau dài hơn 2 cây số chờ qua cầu Rạch Miễu phía bờ Tiền Giang.
Nói với báo Tuổi Trẻ, nhiều người dân cho biết, đến tận 5 giờ chiều cùng ngày, xe cộ đi từ Bến Tre về Sài Gòn cũng còn kẹt cứng dưới chân cầu, đi 500 mét mất 1 tiếng đồng hồ.
Trong khi đó, theo quy định nếu kẹt xe quá lâu trạm BOT buộc phải xả trạm để giải tỏa ùn tắc, thế nhưng không biết bằng cách nào mà dưới sự điều tiết của cảnh sát giao thông hai tỉnh ở hai bên đầu cầu khiến xe cộ kẹt “tùm lum”, nhưng chỗ trạm BOT không kẹt xe nên vẫn “thu đậm, thu đủ” và người dân thì vẫn bị kẹt xe dài dài. (Tr.N)