Monday, June 6, 2016

Vụ chìm tàu ở Đà Nẵng: Lộ ra nhiều “lỗ hổng” quản lý

PV-21:53 06/06/2016
Cái giá phải trả của Đà Nẵng sau vụ chìm tàu trên sông Hàn là hình ảnh “Thành phố đáng sống” phần nào cũng phai nhạt.

Vụ chìm tàu ở Đà Nẵng: Lộ ra nhiều “lỗ hổng” quản lý
Ảnh minh họa.
Sáng 6/6, chính quyền TP.Đà Nẵng đã tổ chức họp xử lý trách nhiệm đối với một số trường hợp buông lỏng quản lý, gây hậu quả nghiêm trọng trong vụ chìm tàu du lịch trên sông Hàn.
Tại cuộc họp, Chủ tịch UBND thành phố đã đình chỉ chức vụ đối với ông Lê Sáu - Giám đốc Cảng vụ đường thủy nội địa - Sở GTVT thành phố; ông Nguyễn Công Hiệu - Đội trưởng Đội quản lý bến TP.Đà Nẵng.
Chủ tịch UBND TP cũng kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm đối với một số cá nhân liên quan.
Người đứng đầu chính quyền thành phố cũng đã chỉ đạo các cơ quan chức năng nhanh chóng vào cuộc điều tra, khởi tố vụ án, khởi tố bị can.
Tuy nhiên, điều khiến dư luận bất bình là vì sao một con tàu to như vậy lưu hành bất hợp pháp trên sông Hàn mà không ai phát hiện? Và những cảnh báo trước đó của chính những người có trách nhiệm lại bị phớt lờ.
Ông Nguyễn Hữu Huân, ngư dân tham gia tìm kiếm các nạn nhân mất tích trong vụ chìm tàu cho biết, khi lặn xuống nước tiếp cận với con tàu bị chìm, ông không khỏi giật mình: Thân tàu mong manh, bên trong ngổn ngang ghế nhựa, ghế đẩu.
Tàu thiết kế không cân xứng, khoảng cách giữa 2 tầng quá cao nên khó giữ được thăng bằng.
Bên cạnh trạm Kiểm soát biên phòng là Trạm Cảnh sát giao thông đường thủy...
Kinh nghiệm bao nhiêu năm làm nghề biển, ông Huân cho rằng, con tàu này khả năng “độ” lại tàu cá của ngư dân, chủ tàu “ thiết kế” thêm một tầng nữa để chở được nhiều khách.
“Chiếc tàu du lịch ni rất không đảm bảo. Lườn thì rất thấp, dàn để cho khách du lịch lên rất cao, tàu không được vững, chạy qua chạy lại là dồn qua một bên là tự ngả….”, ông Huân nói.
Bà Đặng Thị Hường, khách đi trên chuyến tàu du lịch bị chìm tối 4/6 cho biết, buổi sáng hôm đó, gia đình, người thân của bà đi chơi ở đảo Cù Lao Chàm, TP.Hội An, tỉnh Quảng Nam.
Vừa bước chân xuống tàu, những người phục vụ trên tàu ra đảo Cù Lao Chàm buộc mọi người mặc áo phao, thắt đai an toàn rồi mới cho xuất bến. Sau đó, hướng dẫn viên còn nhắc nhở những người có con nhỏ phải ôm con vào lòng.
Trong khi, tàu du lịch Thảo Vân 2 thì mặc sức ai muốn làm gì tùy thích. Theo bà Hoa, vì nhìn thấy cái cầu bên kia cứ tưởng là đi chậm chậm để ngắm cầu, ngắm thành phố. Chỉ có 4,5 cái áo phao như vậy mà người ta cũng chẳng nói gì.
Về mặt quản lý, các tàu du lịch rất khó "qua mặt" 2 Trạm kiểm soát này.
Theo quy trình, một chiếc du thuyền muốn xuất bến tại cảng sông Hàn thì tài công phải trình đủ bằng lái, giấy phép hoạt động, danh sách hành khách.
Khi tàu bán đủ vé xuất bến, cảng vụ viên kiểm tra tàu, đếm người theo danh sách, kiểm tra phao cứu sinh, các phương tiện kỹ thuật rồi cấp lệnh cho xuất bến.
Tiếp đó, tài công phải trình lệnh xuất bến này cho trạm kiểm soát biên phòng.
Nếu phát hiện không đủ các điều kiện, số người trên tàu vượt quá quy định thì trạm kiểm soát biên phòng không cho xuất bến.
Quy trình chặt chẽ là vậy nhưng chiếc tàu Thảo Vân 2 với 56 người trên tàu vẫn qua mặt được các cơ quan chức năng đưa khách đi trên sông rồi gây ra tai nạn đau lòng.
Điều đáng nói là, tàu Thảo Vân 02 hoạt động chui từ lâu, đã từng gây ra tai nạn, Cảng vụ Đường thủy nội địa Đà Nẵng đã nhiều lần có văn bản đề nghị cưỡng chế đình chỉ hoạt động đối với phương tiện này.
Thế nhưng, các lực lượng liên quan không cưỡng chế, không xử phạt, con tàu vẫn ngang nhiên hoạt động, còn cảng vụ thì không có chức năng xử phạt. Câu hỏi đặt ra là liệu có sự bảo kê dung túng cho tàu Thảo Vân 2 hoạt động hay không?
Muốn đưa khách ra sông tàu du lịch phải qua chốt kiểm soát Biên phòng này 
Ông Lê Sáu - Giám đốc Cảng vụ Đường thủy nội địa Sở GTVT TP.Đà Nẵng cho biết, đây là chiếc đò ngang cải hoán thành tàu chở khách du lịch chứ không phải tàu cá cải hoán.
Phương tiện này được đăng kiểm để tham gia giao thông nhưng không được cấp phép kinh doanh chở khách.
Được biết, Cảng vụ Đường thủy nội địa, thuộc sở GTVT TP.Đà Nẵng thành lập từ tháng 10/2015, có nhiệm vụ quản lý, cấp phép cho các tàu du lịch trên sông Hàn.
Tuy nhiên, đến nay, đơn vị này chưa có phòng Thanh tra, Pháp chế, chưa có cano để kiểm tra, kiểm soát trên sông.
Ông Lê Sáu nhận trách nhiệm trong vụ tai nạn làm 3 người chết. Ông Lê Sáu băn khoăn, đơn vị có 8 người, quản lý 27 con tàu, quản lý trung bình mỗi đêm từ 800 đến 1.500 lượt khách. 3 người đứng một đêm (làm 3 ca) đếm người thôi cũng không xuể nên không thể kiểm soát được các phương tiện chạy chui. Lại không có phương tiện, không vi đuổi, không phạt được ai hết, đâu có chức năng nhiệm vụ được phạt.
Chuyện mất an toàn đối với hoạt động kinh doanh vận tải du lịch đường thủy trên sông Hàn, TP.Đà Nẵng từng được Đài TNVN cảnh báo từ nhiều năm trước.
Tại Kỳ HĐND TP.Đà Nẵng tháng 7/2015, Đại biểu Nguyễn Quốc Bình phản ứng khá gay gắt về những bất cập trong quản lý khai thác đối với phương tiện hoạt động kinh doanh vận tải du lịch trên Sông Hàn.
Ông Nguyễn Quốc Bình cho rằng, du lịch Đà Nẵng như cái lờ thả cá, cứ hứng được càng nhiều càng tốt.
Ý ông Bình muốn nói là ngành du lịch thành phố chỉ biết thu tiền du khách chứ chưa thật sự chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch. Bây giờ nghe lại lời cảnh báo của ông Bình mới thấy chua xót.
Rất nhiều đơn vị quản lý nhưng tàu Thảo Vân 2 vẫn hoạt động chui.
"Hiện nay có 25 chiếc tàu gọi là tàu du lịch nhưng thực sự là tàu cá cải hoán mà trong khi đó được cấp giấy phép kinh doanh. Sở GTVT không dám cấp giấy phép hoạt động vì không có bến, không có bãi, không có tour, tuyến, vì vậy 25 chiếc đều không có phép. Tôi thử hỏi Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao Du lịch, nếu tàu chìm xuống thì ai chịu trách nhiệm? Mà nó chìm xuống thì ai nổi lên? Trách nhiệm thuộc về ai vì khi đó không có phép? Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao Du lịch biết chứ lị?”, ông Bình lo ngại.
Qua vụ việc này, có thể một số cán bộ sẽ bị thôi việc, hoặc giáng chức hay luân chuyển, thậm chỉ có thể bị xử lý trách nhiệm hình sự. Cái giá phải trả cho việc buông lỏng quản lý còn đắt hơn nhiều: Đó là nỗi mất mát đau thương của gia đình các nạn nhân, và hình ảnh “ Thành phố đáng sống” phần nào cũng phai nhạt.
Theo VOV

‘22 tỷ USD vốn ODA mới chỉ là vốn cam kết’: Hồng phúc muộn màng của dân tộc!

Ngày 2/6/2016 trong phiên họp báo của Chính phủ Việt Nam, một quan chức là Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đã đề cập đến con số 22 tỷ USD vốn ODA “còn lại chưa giải ngân”, và còn nói thêm có 2,15 tỷ USD sẽ phải giải ngân trước năm 2016, còn lại là những dự án đã có kế hoạch giải ngân theo lộ trình đến năm 2020 và nhiều dự án sau năm 2020.

Quan chức Mai Tiến Dũng - Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ (đứng) tại cuộc họp báo. Hình Internet
Nhưng chỉ một ngày sau, lãnh đạo Bộ Tài chính lại lên tiếng đính chính rằng con số 22 tỷ USD vốn ODA trên chỉ là vốn cam kết và chưa ký chính thức với các nhà tài trợ. 
Cơ chế bất nhất ý kiến đã xảy ra ngay trong nội bộ chính phủ. Thêm một lần nữa trong nhiều lần trước đây, giới quan chức chính quyền “đá” nhau không chỉ về độ chênh biệt lớn về số liệu kinh tế mà cả về bản chất của từng số liệu. 
Trước đây, sai số ghê gớm đã từng xảy ra khi tính GDP bình quân. Trong khi hầu hết các tỉnh thành đều báo cáo về trung ương là GDP địa phương đạt từ 10-15%, thì GDP bình quân quốc gia lại chỉ hơn 5%. Như vậy con số 5-10% còn lại “chạy” đi đâu? Chính ông Vương Đình Huệ, khi đó là Trưởng ban kinh tế trung ương, đã phải giễu cợt rằng “GDP có chân!”. 
Còn mới đây, động thái của Bộ Tài chính và chính phủ khi mang con số 22 tỷ USD vốn ODA “chưa giải ngân” công bố trước công luận đã khiến dư luận cho rằng những cơ quan này muốn “khoe” thành tích huy động vốn ODA và cũng muốn trấn an chế độ về triển vọng “vẫn còn rất nhiều tiền”. 
Ngày 30/5/2016, SBTN đã có bài “22 tỷ USD vốn ODA chưa giải ngân: Tham nhũng vẫn còn cơ hội thăng hoa!”. Bài viết lo ngại rằng trong tình trạng ngân sách rỗng ruột, con số 22 tỷ USD vốn ODA quả là quá hấp dẫn. Nếu toàn bộ số vốn này được giải ngân, có thể tưởng tượng gương mặt giới quan chức ăn xổi sẽ sáng bừng đến thế nào, bởi món quà từ trên trời rơi xuống này không giúp những cầm hơi chế độ mà còn tạo “công ăn việc làm” cho các nhóm lợi ích quen đục khoét vốn ODA.  
Dường như bài phân tích của SBTN đã nhận được sự đồng cảm của một số tờ báo nhà nước ở Việt Nam, thể hiện trong những câu hỏi phỏng vấn Bộ trưởng Mai Tiến Dũng về “dư luận về yếu kém trong quản lý và sử dụng vốn ODA và nỗi lo tham nhũng”. 
Từ nhiều năm qua, ODA đã trở thành một trong những quốc nạn về tham nhũng. Tỷ lệ thất thoát bình quân tại nhiều dự án ODA được đồn đoán khoảng 20 - 25%. Nhưng đó chỉ là mức “hợp pháp”. Thậm chí tỷ lệ “lại quả” ODA còn vọt đến 40% - được chứng thực bởi một dự án xây dựng trường tiểu học ở Hà Tĩnh và giai đoạn 2009 - 2010. 
Hẳn đó là nguồn cơn vì sao ngay cả những quốc gia được coi là “thiện cảm” với Việt Nam như Đan Mạch, Thụy Điển, Úc… đã phải thẳng tay cắt giảm viện trợ ODA đối với chính thể “ăn của dân không chừa thứ gì.” 
Với thông tin đính chính mới nhất từ Bộ Tài chính về việc 22 tỷ USD vốn ODA mới chỉ là “cam kết” mà chưa ký chính thức, có thể cho rằng đây là một hồng phúc muộn màng của dân tộc: giới quan chức sẽ không còn quá nhiều cơ hội để ăn đậm ODA như trước đây, còn người dân sẽ bớt được một chút gánh nặng nợ vay cho mỗi đầu con cháu của các thế hệ “tương lai đất nước”. 
06/06/2016 - 19:14
Lê Dung / SBTN

Những nét mới của các cuộc biểu tình vì môi trường ngày Chủ Nhật 5/6

Trong ngày Chủ Nhật vừa qua, các cuộc biểu tình với qui mô lớn đã không thể diễn ra ở Sài Gòn, Hà Nội, do bị công an kiểm soát gắt gao, ngăn chận từ khi bắt đầu. Chỉ có tại Nghệ An cuộc biểu tình của giáo dân Công Giáo là có số đông trên ngàn người, và được các cha tổ chức hết sức kỷ luật.
Cũng từ tình hình bị đàn áp này, mà các bạn trẻ, các nhà đấu tranh tại Sài Gòn đã nghĩ ra một số hình thức biểu tình phân tán, nhưng cũng có thể truyền thông điệp biểu tình đến với người dân Sài Gòn.
Trên trang web Dân Luận đã cho xem đoạn ghi hình các bạn trẻ biểu tình bằng xe gắn máy, với biểu ngữ cầm trên tay trên khắp đường phố Sài Gòn. Các bạn còn dừng lại ở một số địa điểm đông người để đưa biểu ngữ và hô khẩu hiệu “Đả Đảo Formosa”,  “Stop Violence- Say The Truth”… Những cuộc biểu tình di động kiểu này rất hiệu quả, khó bị công an ngăn chận hơn, mà vẫn được nhiều người dân chú ý.
Nhà hoạt động Đinh Quang Tuyến lại chọn cách lên xe bus để biểu tình. Xe bus cũng là một nơi “công cộng, đông người”. Anh đã đứng trên xe bus, tố cáo chính quyền CSVN đã dùng phương tiện vận chuyển công cộng này để bắt đi những người biểu tình trong những đợt biểu tình đầu tháng 5 vừa qua. Mỗi chuyến xe bus đều trở thành một nơi để một nhóm nhỏ các nhà hoạt động biểu tình trong tương lai.
Nhóm Du Ca Sài Gòn đã xuất hiện trên các trang mạng xã hội, với hình ảnh các thành viên trẻ cùng nhau đứng vòng tròn tại công viên Lê Thị Riêng, hát vang trong tiếng đàn thùng ca khúc Việt Nam-Việt Nam của Phạm Duy, theo đúng phong cách của phong trào du ca trước 1975. Những ca khúc của phong trào du ca mang tính yêu nước, kêu gọi sự quan tâm của người dân trước vận mệnh dân tộc. Chỉ cần có nhiều nhóm nhỏ, đứng hát và tập cho mọi người cùng hát tại nhiều công viên khác nhau tại Sài Gòn, Hà Nội,… thì sự thu hút đối với người dân cũng sẽ rất đáng kể.
Hy vọng trong tương lai, sự đàn áp của chính quyền trước các cuộc biểu tình ôn hòa sẽ giúp người dân có thêm những sáng kiến mới để  bày tỏ chính kiến của mình.
06/06/2016 - 09:49
Đoàn Hưng / SBTN

Công an bắt cóc người dân vào Trung Tâm Xã Hội để hành hạ

Tối ngày 06.06.2016 một nhóm các nhà hoạt động và tu sĩ đã biểu tình trước Trung Tâm Hỗ Trợ Xã Hội Bình Lợi để yêu cầu nhà cầm quyền thả tự do cho những người bị công an bắt cóc.

Nhiều người đến Trung Tâm Hỗ Trợ Xã Hội Bình Lợi để phản đối công an bắt người. (Hình: FB Paul Loc)
Ngày 05.06.2016 lực lượng an ninh đã bắt giữ ít nhất 4 người đang ngồi uống café tại trung tâm quận 1 và chuyển vào giam giữ trái pháp luật tại trung tâm này. Hiện tại nơi đây còn giam giữ 4 nhà hoạt động là Facebooker Thu Nguyệt, Vịnh Lưu, Khanh Le Hoang, Huy Truong Le quá 24 giờ.
Linh mục Phaolô Lê Văn Lộc - tu sĩ Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam tại Sài Gòn, người tới đòi người tại đây nhận định Trung Tâm Hỗ Trợ Xã Hội Bình Lợi "là một trại giam trá hình vì đã giam giữ, tra tấn người trái pháp luật."
Anh Cao Trần Quân sau khi gặp mẹ mình là bà Thu Nguyệt chia sẻ: "Những người đàn ông trong trung tâm này đã xúc phạm nhân phẩm danh dự, làm nhục mẹ tôi bằng cách lột quần áo của mẹ tôi ra trước mặt nhiều người khác."
Bây giờ bà Thu Nguyệt đang tuyệt thực để phản đối hành động phi pháp và vô nhân tính này.
Khi được các nhà hoạt động yêu cầu thả người và xin gặp người có trách nhiệm để giải quyết, thì bảo vệ trung tâm nói hết giờ làm việc và hẹn mọi người vào 8 giờ sáng ngày 07.06.2016 để làm việc.
Đây không phải là lần đầu tiên trung tâm này biến thành trại giam, Ngày 15/5/2016, Trung tâm này đã cấu kết với an ninh để nhốt giữ hàng chục người đi biểu tình vì môi trường. Nhiều người đã bị nhục mạ và đánh đập rất dã man. Có người bị nhốt tới hơn 3 ngày mới thả ra mà không có bất cứ giấy tờ, văn bản nào.
Được biết thân nhân các nạn nhân đang tiến hành các thủ tục pháp lý để kiện Trung Tâm Bảo Trợ Xã Hội Bình Lợi và cả Sở Lao Động Thương Binh Xã Hội Tp HCM vì đã vi phạm nhân quyền trầm trọng.
06/06/2016 - 10:28
Quốc Hiếu / SBTN

Xin hỏi bà Ninh Tôn Nữ: Động cơ nào…

— 06/06/2016 - 03:40 



Ảnh: youtube.com
Ông Obama đến Việt Nam mang theo hai món quà, thứ nhất là bỏ cấm vận vũ khí sát thương, thứ hai là Đại học Fulbright Việt Nam.
Món thứ nhất cần phải mua, còn món thứ hai hoàn toàn biếu không từ ngân sách của Quốc hội Mỹ và các nguồn tài trợ do vận động gây quỹ của các tổ chức hay tư nhân tại Mỹ. Trường được vận hành phi lợi nhuận, không có cổ đông và vì vậy không có việc chia lãi cho người góp vốn xây dựng ngôi trường này. Trường được huy động vốn hoạt động qua một quỹ tín thác và Chủ tịch Hội đồng Quản trị Fulbright Việt Nam được giao cho ông Bob Kerrey.
Trên danh nghĩa ông Bob Kerrey là người trực tiếp vận động để quỹ này có tiền và có lẽ danh tiếng của ông mới là yếu tố quan trọng nhất để được chọn làm công việc khá nhiêu khê nhưng không lương này.
Nhìn tổng quát thì trường Đại học Fulbright Việt Nam là mô hình đáng ghi nhận thiện chí của người Mỹ và chính phủ Mỹ. Từ nhiều năm qua, chính phủ Mỹ đã đào tạo cho Việt Nam rất nhiều TS để trở về làm việc tại Việt Nam. Chữ Fulbright trên văn bằng của họ là niềm kiêu hãnh không cần che dấu. Những đóng góp của các chương trình Fulbright rất thiết thực cho hoàn cảnh kinh tế Việt Nam trong giai đoạn hòa nhập vừa qua và không ai có thể nghi ngờ kết quả mà Fulbright mang lại cho Việt Nam.
Đó là những học bổng đơn lẻ và con số sinh viên Việt Nam được học bổng có thể nói đếm trên đầu ngón tay hằng năm. Trường Đại học Fulbright mở ra tại Việt Nam sẽ thu hút số sinh viên đáng kể và nó chính là làn sóng giáo dục mới thúc đẩy ước mơ cho giới trẻ Việt Nam và ngôi trường này sẽ nhanh chóng làm đối trọng cho những ngôi trường khác, công hay tư, phải xem xét lại chính mình.
Tuy nhiên sau một lúc phấn khởi, một vài nhân vật trí thức Việt Nam lại bày tỏ sự không hài lòng khi biết được rằng ông Bob Kerrey, người được đề cử làm Chủ tịch Hội đồng Quản trị Fulbright Việt Nam lại có tì vết trong cuộc chiến Việt Nam. Cụ thể ông đã chỉ huy một toán biệt kích hải quân tập kích vào Thạnh Phong, một ấp nhỏ thuộc tỉnh Bến Tre và giết chết 24 người trong đó có 14 phụ nữ, trẻ em và một người già.
Ông Kerrey xác nhận mình là người chỉ huy mặc dù ông không giết người nào trong số này. Thế nhưng trong bao năm qua ông đã nỗ lực làm mọi việc để giúp Việt Nam và hơn hết là giúp cho chính ông thoát được ám ảnh về cuộc hành quân đó.
Trong các trí thức chống lại ông, nổi cộm lên là phát biểu gay gắt hơn ai hết của bà Tôn Nữ Thị Ninh. Tuy cố chứng minh là bà quen biết khá nhiều người Mỹ và không hề thành kiến nhưng bà đặt câu hỏi về lòng hối hận của ông Kerrey và yêu cầu ông nên rút lui khỏi Fulbright.
Trả lời báo chí bà nói: “Việc ông hối hận về vai trò trong vụ thảm sát Thạnh Phong tôi không thể biết và chỉ có mình ông Kerrey biết. Không thể coi việc giữ vị trí lãnh đạo của đại học nhiều tham vọng như ĐH Fulbright là cách sửa sai cho những hành động trong quá khứ”.
Hãy nhìn lại cách mà bà Ninh phán xét. Thứ nhất bà cho rằng không ai chứng nhận được sự hối hận vì nó nằm trong lòng của ông Kerrey. Như vậy là bà cực đoan và nguy hiểm. Cực đoan, vì là một trí thức, lại là “trí thức lớn”, trước khi phán xét bà phải biết thế nào là research, tham khảo mọi nguồn từ con người cho tới tài liệu xem người mà bà nghi ngờ có được chứng minh ngược lại hay không. Nguy hiểm, vì sự nghi ngờ xem ra có cơ sở ấy lại là mảnh đất màu mỡ cho lòng tị hiềm có cơ hội trồi lên trước khi niềm hy vọng về một nền giáo dục đầy tiềm năng đơm hoa kết trái.
Bà Ninh từng vận động thành lập ngôi trường mang tên Đại học Trí Việt nhưng sau nhiều năm xin hết đầu này tới đuôi nọ, nguồn tài chánh từ nước ngoài vẫn là giấc mơ, cùng lúc hồ sơ thành lập trường vẫn nằm trong ngăn kéo của các cơ quan trách nhiệm. Bà đã quá rõ vai trò của người vận động cho số tiền lớn và liên tục mỗi năm không phải là việc dễ dàng. Trong lập luận chống đối ông Bob Kerrey bà không ngại dùng hạ sách: “hôn nhân dị chủng”.  
Bà nói: “Nếu phía Mỹ khăng khăng giữ quyết định của mình, thì đối với tôi, không còn có thể coi đây là một dự án chung như nhóm sáng lập vẫn khẳng định. Vì rằng như trong một cuộc hôn nhân, hai bên cần phải lắng nghe, tôn trọng cảm xúc và suy nghĩ của nhau”
Cuộc hôn nhân đã thành hình, đã ký giấy hôn thú, đã nhận của hồi môn từ Mỹ, đã tiệc tùng liên tục tại Hà Nội lẫn Sài Gòn vậy mà bà Tôn Nữ Thị Ninh lại cho rằng không thể coi đó là dự án chung, và bà thất vọng.
Bà có quyền thất vọng, và có lẽ đó là cái quyền “hợp lý” nhất dành cho bà. Bởi lẽ khi bà nghi ngờ một con người ở phía bên kia cuộc chiến có thật tâm hối hận việc họ tàn sát người dân Việt Nam hay không, thì người Việt cũng có quyền đặt câu hỏi về sự hối hận của những người bà gọi là đồng chí, họ có hối hận về các vụ thảm sát người dân Việt trong cuộc chiến hay không.
Bà là người Huế, là danh gia vọng tộc, lại là một cán bộ ngoại giao, văn hóa cao cấp sao lại không biết vụ thảm sát Mậu thân với bao nhiêu cái chết oan khuất mà đến nay chưa một ai lên tiếng nhận trách nhiệm về mình như ông Bob Kerrey nhận tại Thạnh Phong?
Bà có biết trong trận chiến cuối cùng của chiến dịch Hồ Chí Minh vào sáng ngày 21-4-1975, tại ấp Phú Mỹ, xã Tân Lập, huyện Xuân Lộc (nay là ấp Phú Mỹ, xã Xuân Lập, thị xã Long Khánh), một cuộc tàn sát tập thể do các “anh lính cụ Hồ” gây ra làm hơn hai trăm thường dân thiệt mạng oan khốc. Cựu chiến binh Trần Đức Thạch, cựu phân đội trưởng trinh sát Tiểu đoàn 8, Trung đoàn 266, Sư đoàn 341 QĐNDVN đã là chứng nhân cho cuộc thảm sát này và quan trọng nhất: anh ta vẫn còn sống.
Giữa những cuộc thảm sát có mục đích ấy, theo bà ai cần sám hối hơn ai? Người chỉ huy trận đánh Xuân Lộc hay ông sĩ quan Bob Kerrey?
Chỉ cần hai câu chuyện này thôi bà nên nghiên cứu lại để lần sau có phát ngôn thì nên kiệm lời.
Nước Việt luôn có những bài học tươi rói hàng ngày, bởi khi bà vừa phát biểu xong thì VTV lại có chương trình “động cơ nào….” Để nói về vụ cá chết.
Giống như “chị” Tạ Bích Loan, tôi muốn hỏi nhỏ bà: Động cơ nào khiến bà gay gắt một cách khó hiểu đối với ông Bob Kerrey như vậy? Và động cơ nào khiến một người ham nói như bà lại im lặng trước hàng ngàn cái chết từ từ ngay tại quê hương Huế của bà sau khi vụ Vũng Áng xảy ra làm người dân lo tái mặt?

Con cá, chủ nghĩa dân tộc với những lằn roi

Tuankhanh06/06/2016 - 18:49 

Trong phút chốc, con cá ở Việt Nam trở thành một hình tượng mang tính cấm kỵ. Từ cuối tháng 4, khi khu công nghiệp luyện thép Formosa, Hà Tĩnh, đầu độc biển Việt Nam và quan chức các cấp của chính phủ bày tỏ một thái độ che đậy đến kỳ cùng, con cá bỗng nhiên trở nên là một thứ dễ khích động cảm giác của người dân. Vì vậy, trong danh sách của muôn vàn thứ khác bị điểm danh, con cá bị chụp ảnh, lăn tay và đánh số như một tội phạm mới mẻ.
Trong tạp chí Đẹp số tháng 6/2016, diễn viên Hứa Vĩ Văn được mời chụp ảnh với chiếc áo có hình con cá. Thế nhưng sự tinh ý trước thời cuộc của những người kiểm duyệt, họ đã biến con cá thành con ốc. Dĩ nhiên, lý do ngụy trá ấy là “cho đỡ phần nhạy cảm”.
Sự kiện này làm tôi nhớ lại xiết bao, hơn 10 năm làm báo của mình trong hệ thống truyền thông nhà nước, mà cách kiểm duyệt – hay nói đúng hơn là sự sợ hãi dẫn đến điểm trung thành hèn hạ của rất nhiều người có chức vụ, khiến đời sống luôn trở thành những diễn tiến thô bỉ qua lưỡi hái kiểm duyệt.
Nhà thơ lừng danh người Nga Yevgeny Yevtushenko, từng cay đắng nói rằng “Khi sự thật bị thay bằng im lặng, sự im lặng đó chính là lừa dối” (When truth is replaced by silence, the silence is a lie). Dù là một tài năng vượt bậc của nước Nga thời Cộng sản, nhưng kể từ khi có ý kiến minh bạch về cuộc đời, về bạn bè mình, ông bị trục xuất khỏi Viện văn học Liên bang Xô Viết vì tư tưởng “chủ nghĩa cá nhân” vào năm 1956. Trong khoảng thời gian từ 1963 đến 1965, Yevtushenko bị cấm xuất cảnh vì dám mở lời khen ngợi Boris Pasternak, cũng như vì quan điểm chính trị của ông. Tên ông cũng bị đục khỏi báo chí Nga Sô, kiểm duyệt không khác gì những con cá vô danh của Việt Nam.
Quả thật, khi người ta im lặng, hay sự im lặng được diễn đạt bằng cách nói vòng vo, hăm dọa… đó cũng chính là dấu hiệu của sự lừa dối.
Cũng như những lời cấm kỵ về nhiều thứ mà trước nay không hề có văn bản chính thức nào, con cá Việt Nam trở thành tội phạm. Mọi ngày trong thành phố, những ai mặc những chiếc áo có hình cá, vẽ lên mặt một con cá hoặc diễn đạt một hình thức nào đó, có khái niệm cá, đều bị các thành phần an ninh chìm, lực lượng áo xanh, áo cứt ngựa nhìn ngó như kẻ thù. Không ít những người trong đó bị bắt giữ, đánh đập, ép nhận tội nào đó vu vơ cho thích hợp hoàn cảnh.
Năm 2014, trong tình hình giàn khoan HD981 của Trung Quốc kéo đặt gần đảo Tri Tôn thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, bà Thế Thanh, cựu giám đốc Sở Văn hóa Thông tin Sài Gòn, cho in một loạt áo thun có in chữ Hoàng Sa-Trường Sa-Việt Nam để kêu gọi sự quan tâm của mọi người. Công an văn hóa đã đến gặp và yêu cầu bà nếu đã lỡ in rồi, thì không được phát tán rộng rãi nữa. Hôm sau, Anh H., một người làm việc trong báo Sài Gòn Tiếp Thị, vui mừng mặc chiếc áo đó đi làm. Vừa đi được một đoạn, anh bị 2 thanh niên to khỏe, ép xe chặn lại giữa đường và buộc phải cởi chiếc áo đó ra. Giằng co được một lúc, anh H. sợ trễ giờ làm nên phải quay về thay chiếc áo khác.
Một chương trình ca nhạc được dự định tổ chức để gom quỹ cho các gia đình các liệt sĩ Gạc Ma, với các bài hát đã cố làm làm nhạt nhẽo, bởi chỉ hát loanh quanh về biển, cũng bị người phụ trách kiểm duyệt ở Sở Văn hóa Thông tin Sài Gòn là Võ Trọng Nam từ chối, với lý do “nhạy cảm lắm”. Trong suốt 74 ngày giàn khoan HD981 ngạo nghễ trụ trên biển, những người tức giận với cách ngang ngược của Trung Quốc đã xuống đường phản đối. Kết quả là họ bị bắt, bị đánh, bị công an đến nhà sách nhiễu, triệu tập… với mục đích để làm giảm sự nhạy cảm – mà cần hiểu ở đây là nhạy cảm phiền lòng cho Bắc Kinh.
Trớ trêu thay, lòng yêu nước, chủ nghĩa dân tộc lại phải nhận những lằn roi. Trong lịch sử Việt Nam, đi qua mọi thời kỳ, việc vẫn tồn tại được quốc gia hình chữ S bên bờ Thái Bình Dương suốt hàng ngàn năm dù vô vàn lần bị xâm lược từ nhiều phía, cũng chỉ bởi người Việt có được một tài sản trân quý vô giá, đó là chủ nghĩa dân tộc. Thật đau lòng khi hôm nay, mỗi ngày lại nhìn thấy lòng yêu nước, con người với chủ nghĩa dân tộc sôi sục từ ngàn năm trước truyền lại, vẫn không từ nan để dấn thân, mỗi ngày lại nhận những lằn roi càng nặng nề thú tính hơn.
Chủ nghĩa dân tộc là hành trang không ai bị bắt phải mang vác. Nhưng nếu là người của một quốc gia, nếu không có chủ nghĩa dân tộc chảy trong dòng máu,  ắt phận người chỉ là kẻ ăn bám, trục lợi, vong bản hoặc lưu cư cho một âm mưu. Đâu ai buộc Hoàng Hoa Thám, Phan Đình Phùng. Nguyễn Thái Học… phải chọn hy sinh thân mình vì những người không quen biết, vì những bờ cõi của tổ quốc mà họ chưa hề đặt chân đến. Thậm chí, Trương Công Định còn quyết liệt tuyên bố vào năm 1862, về một chế độ đã chấp nhận đầu hàng và thuận làm kẻ dưới của ngoại bang, rằng “Triều đình không nhìn nhận chúng ta, nhưng chúng ta cứ bảo vệ Tổ quốc chúng ta”.
Chủ nghĩa dân tộc cuộn trào trong dòng máu, khiến mỗi con người chỉ cần biết yêu cuộc sống và đất nước này thôi, cũng đã lẫm liệt, vượt lên mọi thứ quan lại với bổng lộc và những lời xảo trá.
Tháng 4/2016, tôi có nhận lời thiết kế giúp cho một chiếc áo thun, giúp cho một phong trào kêu gọi ý thức tiết kiệm nước ở nông thôn miền Tây. Áo sẽ phát cho nhiều sinh viên tham gia mặc trong ngày vận động về bảo vệ nguồn nước trong tình trạng hạn, mặn. Bản logo thiết kế in áo, tôi viết khẩu hiệu “Giữ nước như người miền Tây”, sau khi đưa đi cho ban giám đốc một trường đại học duyệt, đã bị đổi lại vô cùng đơn điệu là “Hãy tiết kiệm nước”. Khi dò hỏi, tôi ngẩn người khi biết được một vị trí thức, có chức có quyền, nói rằng “nghe giữ nước có vẻ nhạy cảm quá”.
Từ Hoàng sa, Trường sa rồi đến con cá, đến nguồn nước… những gì của quê hương này cứ như đang tuột dần ra khỏi bàn tay nắm tuyệt vọng của ý thức dân tộc. Hôm nay, đến “giữ nước” mà đã là nỗi sợ hãi của người có học thuộc chính quyền, thì mai sau, dân tộc này sẽ về đâu?
Tháng 5/2016, tôi nhìn thấy trên mạng xã hội, những thanh niên khỏe mạnh được chính quyền nuôi dạy, bịt mặt, giấu mình trong đám đông và xông vào đánh đập dã man những người biểu tình, chỉ vì họ đòi minh bạch một môi trường sống của những người cách xa họ cả ngàn cây số. Những người bịt mặt đó, nghiến răng, hét vào bộ đàm “ĐM, đập chết mẹ tụi nó”.
“ĐM, đập chết mẹ tụi nó”. Mẹ của ai? Mẹ của những người yêu nước? Mẹ của những người đã thề không phản bội quê hương này cần phải bị đập chết?
Trong các lý luận về sự hình thành các nhà nước. Chủ nghĩa dân tộc là đối trọng gay gắt với chủ nghĩa cộng sản mà Karl Marx đề ra. Bản chất của thuyết Karl Marx là dựng một nhà nước từ sự phân hóa giai cấp và cai trị, không cần phân biệt gì khác. Còn Chủ nghĩa dân tộc dựa trên tinh thần quốc gia và giống nòi để hình thành nhà nước phục vụ. Hôm nay, những lằn roi đang giáng xuống ở Việt Nam, có phải là chỉ dấu của sự xung đột đến hồi khốc liệt giữa Chủ nghĩa cộng sản và Chủ nghĩa dân tộc?
Có thể những thanh niên yêu nước xuống đường hôm qua và hôm nay rồi cũng sẽ chết một ngày nào đó trong cuộc sống rất đỗi phù du này. Nhưng trước họ, những người mẹ miền Trung cũng mòn mỏi chết với bờ biển đầy chất độc ngoại bang. Cá giẫy chết. Người thoi thóp. Những lằn roi hận thù tự dàn dựng vào cá-vào đảo-vào biên giới-vào ý thức-vào người cứ quất vào lịch sử đất nước này, có phải là những cú tát như cơ hội để người người cùng sực tỉnh, rằng, nếu không có ý thức về đất nước, tổ tiên, dân tộc, như những con cá vô danh vô định, mai này rồi chúng ta sẽ trôi dạt về đâu?

Chiến dịch « lấp liếm » sự thật về Biển Đông của Trung Quốc

Trọng Nghĩa
Theo RFI-06-06-2016 
Chiến dịch « lấp liếm » sự thật về Biển Đông của Trung Quốc Hình chụp vệ tinh phi đạo trên đảo Subi của trung tâm CSIS. REUTERS/CSIS T
Càng gần đến ngày Tòa Án Trọng Tài Thường Trực của Liên Hiệp Quốc tại La Haye (Hà Lan) ra phán quyết về Biển Đông – dự kiến là trong tháng Sáu 2016 - Trung Quốc càng tăng cường nỗ lực lợi dụng các diễn đàn quốc tế để bác bỏ tính chính đáng của phán quyết này. Guồng máy tuyên truyền của Bắc Kinh như đang vận hành hết công suất để biện minh cho việc Trung Quốc phủ nhận thẩm quyền của định chế quốc tế tại La Haye, và tố cáo Philippines, quốc gia khởi kiện là đã hành động phi pháp khi đưa Bắc Kinh ra trước cơ quan trọng tài quốc tế.
Trung Quốc đã phô trương sự kiện là quan điểm của họ về Biển Đông đã được hơn 40 quốc gia trên thế giới ủng hộ, và xu hướng hậu thuẫn cho Bắc Kinh đang càng lúc càng lớn mạnh.
Thực hư của lời khoe này ra sao cho đến nay chưa được rõ, nhưng điều chắc chắn duy nhất là trong vài tháng gần đây, không chỉ có hệ thống truyền thông đối ngoại Trung Quốc, mà hầu hết các nhà ngoại giao Trung Quốc ở các nước đều đã tung bài viết bênh vực cho lập trường Biển Đông của Bắc Kinh lên trang ý kiến của báo chi khắp nơi, không chỉ tại các nước lớn như Mỹ, Anh, Pháp…, mà cả tại các nước nhỏ, không liên quan gì đến Biển Đông như Jamaica chẳng hạn.
Cả một cuộc chiến tranh thông tin để đánh phủ đầu !
Các đại sứ quán Trung Quốc còn thuê nhiều trang quảng cáo trên các tờ báo lớn để tuyên truyền về « chính nghĩa » của Bắc Kinh ở Biển Đông. Một ví dụ cụ thể là hôm 27/05/2016, nhật báo Pháp Le Figaro đã phát hành nguyên một phụ trang với nội dung do tờ báo Trung Quốc China Daily chịu trách nhiệm, mà bài viết ở trang đầu mang tên « Biển Đông, vấn đề nguyên tắc của Bắc Kinh ».
Bài quảng cáo này dĩ nhiên nêu bật – bằng tiếng Pháp – quan điểm chính thống của Trung Quốc về Biển Đông, kết tội Philippines là đã có hành động vi phạm Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển Quốc năm 1982, và thỏa thuận song phương với Bắc Kinh khi kiện Trung Quốc trước tòa án trọng tài quốc tế. Bài viết cũng không quên khoe rằng Bắc Kinh đã nhận được « sự ủng hộ quan trọng » của « cộng đồng quốc tế » gồm 40 nước, đồng thời tự nhận mình là nạn nhân bị Manila « bắt bí »…
Nội dung trên đây chẳng khác gì loạt bài được tờ China Daily công bố trong liên tiếp 4 ngày trước đó, với những nội dung như : « Mưu toan của Manila để bôi nhọ (Bắc Kinh) không thể thay đổi thực tế lịch sử » (26/05) ; « Thủ tục trọng tài do Philippines khởi xướng được xây dựng trên lý do sai trái » (25/05) ; « Trò chia cắt (Biển Đông) của Philippines là một sự khiêu khích dưới vỏ bọc pháp lý » (24/05) ; « Manila giả mù trước thực tế lịch sử » (23/05).
Chiến dịch tuyên truyền của Bắc Kinh dĩ nhiên đã không đánh lừa được giới quan sát. Trong một bài phân tích đăng trên báo mạng Asia Times tại Hồng Kông ngày 31/05 vừa qua, Bill Gertz, một nhà báo kỳ cựu, đã nhận xét rằng sau khi đã gần như hoàn tất việc khống chế Biển Đông, Bắc Kinh hiện đang đẩy mạnh cuộc chiến tranh thông tin để chống lại một phán quyết dự báo là bất lợi đến từ một tòa án quốc tế.
Giáo sư Ngô Vĩnh Long : Trung Quốc “lật lọng” và dối trá
Còn đối với giáo sư Ngô Vĩnh Long, chuyên gia về Biển Đông và Trung Quốc tại Đại Học Maine (Hoa Kỳ), chiến dịch mà Bắc Kinh đang tung ra chỉ nhằm « lấp liếm » sự thật về những hành vi bành trướng của Trung Quốc trên Biển Đông, và tìm cớ biện hộ cho việc chống lại một phán quyết quốc tế.
Trả lời phỏng vấn của Ban Việt Ngữ RFI, giáo sư Long đã nêu bật ý đồ của Trung Quốc khi tiến hành một chiến dịch tuyên truyền, vừa « rầm rộ », vừa « thô thiển », cố tình « lấp liếm sự thật » và « sắp xếp lại sự kiện » để chứng minh rằng Bắc Kinh hoàn toàn có lý khi không chấp nhận sự can thiệp của Tòa án Trọng tài Thường trực La Haye vào vấn đề Biển Đông, bị Philippines khuấy động một cách phi pháp khi nộp đơn kiện Trung Quốc.
RFI : Nội dung lập trường được Trung Quốc rầm rộ quảng bá là gì ?
Ngô Vĩnh Long : Nội dung lập trường được Trung Quốc rầm rộ quảng bá là trước đây khu vực Biển Đông rất yên tĩnh và Trung Quốc đã giúp bảo vệ an ninh trong khu vực cho đến khi Mỹ, một nước ngoài khu vực, cố tình khuấy động để viện cớ xoay trục lại Á Châu và bao vây Trung Quốc.
Những bài báo của các học giả Trung Quốc, các đại sứ Trung Quốc ở một số nước, và những trang quảng cáo trên các báo lớn, cố tình lấp liếm sự thật và sắp xếp lại sự kiện để chứng minh điều này cũng như để tố cáo Mỹ là nước đã xúi giục các nước trong khu vực như Philippines, Malaysia và Việt Nam đứng lên gây rối.
Đặc biệt là Trung Quốc trực tiếp đánh Philippines về vụ kiện trước Tòa Án Trọng Tài Thường Trực hầu mong ảnh hưởng dư luận trước khi Tòa Án này đưa ra phán quyết để lấy cớ không chịu thi hành phán quyết.
RFI : Thoạt nhìn thì thấy có lý, nhưng thực chất thì như thế nào ?
Ngô Vĩnh Long : Thoạt nhìn thấy có lý chỉ đối với những ai không biết gì quá trình đã xảy ra tại khu vực Biển Đông trong 10 năm qua, hay lịch sử của sự bành trướng của Trung Quốc trước đó.
Những ai có chút hiểu biết thì thấy ngay thực chất tuyên truyền của Trung Quốc là quá thô thiển vì những bài báo, những tuyên bố phần lớn lật lọng và nguỵ tạo, để tự cho phía mình bao giờ cũng theo lẽ phải, cũng đúng, còn mọi nước khác, trong đó có Philippines, đều sai và có ý không tốt với Trung Quốc.
RFI : Xin giáo sư cho biết một ví dụ cụ thể về sự « lật lọng » của Trung Quốc ?
Ngô Vĩnh Long : Ví dụ như Trung Quốc nói Philippines là đem Trung Quốc ra kiện mà không có lý do gì hết. Nhưng mà thật ra thì Philippines đã rất nhẫn nại với Trung Quốc, đã nói chuyện song phương với Trung Quốc trong 20 năm, nhưng vô hiệu.
Cuối cùng Philippines mới nói là bí quá, không nói chuyện với Trung Quốc được, cho nên phải đưa Trung Quốc ra tòa án quốc tế để cho tòa án có thể phân giải.
RFI : Chiến dịch vận động ngoại giao của Trung Quốc thành công hay thất bại ?
Ngô Vĩnh Long : Theo tuyên bố của Trung Quốc thì họ đã được gần 40 nước trên thế giới ủng hộ lập trường. Những nước này phần lớn là những nước ngoài khu vực, như nước nhỏ nhất ở Phi Châu là Gambia. Trung Quốc cũng cho biết Brunei, Lào và Campuchia đã ủng hộ lập trường thương lượng song phương của Trung Quốc về tranh chấp Biển Đông. Nhưng Campuchia và Lào đã lập tức phủ nhận tuyên bố của Trung Quốc mặc dầu hai nước này đã bị Trung Quốc làm áp lực bằng nhiều cách.
Áp lực của Trung Quốc rất thô thiển và trịch thượng, kể cả việc đòi các nước G-7 họp ở Nhật tháng Năm vừa qua, là không được đem chuyện Biển Đông và Biển Hoa Đông ra bàn. Nhưng ngày 26/05, các nước G-7 đã ra một thông cáo chung nói lên quan ngại đối với an ninh ở Biển Đông và Biển Hoa Đông, mặc dầu không nêu thẳng tên Trung Quốc.
G-7 cũng kêu gọi việc tuân thủ luật pháp quốc tế chứ không nên đơn phương dùng vũ lực để áp đảo các nước khác. Trung Quốc đã phản đối một cách rất phẫn nộ và nói rằng thông cáo của G-7 là vô trách nhiệm.
RFI : Giáo sư giải thích sao về việc Philippines và Việt Nam như đã để Trung Quốc múa gậy vườn hoang ?
Ngô Vĩnh Long : Trước hết, như tôi vừa nói, cái tuyên truyền của Trung Quốc quá thô thiển, cho nên không cần trả lời, vì thì các nước khác trên thế giới như Anh, Mỹ, Pháp… và các nước trong khu vực đều thấy tính chất giả dối và lật lọng của Trung Quốc là như thế nào.
Về phía Philippines thì tôi nghĩ họ đang chờ phán quyết của Tòa Án Trọng Tài Thường Trực và không muốn cho Trung Quốc có cơ hội viện cớ để xây cất trên bãi cạn Scarborough hay thiết lập một vùng nhận dạng phòng không ở Trường Sa như Trung Quốc đã đe doạ.
Thêm vào đó thì ông Duterte, người vừa được bầu làm tổng thống mới của Philippines, chưa có kinh nghiệm đối ngoại và tưởng là có thể đàm phán tay đôi với Trung Quốc.
Nhưng mà đằng khác thì cũng có thể là Philippines cậy vào việc là đồng minh với Mỹ và gần đây đã cho Mỹ sử dụng căn cứ quân sự trên lãnh thổ của mình nên tự tin là có sự bảo vệ của Mỹ nếu Trung Quốc leo thang. Tháng 3 vừa rồi Philippines và Mỹ đã bắt đầu tiến hành tuần tra chung trên Biển Đông.
Phía Việt Nam thì có quá nhiều khó khăn, trong đó có vụ Vũng Áng, cũng như áp lực của Trung Quốc từ nhiều phai, cho nên cũng có thể là Việt Nam đang mua thời gian để giải quyết các vấn đề cấp bách trong nước, nhất là khi Việt Nam vừa có giàn lãnh đạo mới.
Mặt khác thì tôi nghĩ Việt Nam cũng chờ đợi phán quyết của Tòa Án Trọng Tài Thường Trực. Ngày 02/06/2016, người phát ngôn bộ Ngoại Giao Việt Nam Lê Hải Bình đã trả lời như sau khi được một phóng viên hỏi về trường hợp nếu Trung Quốc không tuân theo phán quyết, thì phía Việt Nam sẽ làm gì :
« Là quốc gia trực tiếp liên quan đến tranh chấp ở Biển Đông, lập trường nhất quán của Việt Nam là ủng hộ việc giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông bằng các biện pháp hoà bình, phù hợp luật pháp quốc tế, trong đó có Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển »
Như vậy, có thể là Việt Nam đang chờ xem phán quyết của tòa án như thế nào và không muốn cho Trung Quốc có cơ hội để leo thang.

Thêm một Chuẩn Tướng gốc Việt trong quân đội Hoa Kỳ

Linh Nguyễn/Người Việt
BEDFORD, Virginia (NV) Đại Tá Lapthe C. Flora (tên Việt là Châu Lập Thể) được vinh thăng Chuẩn Tướng lúc 9 giờ 30 sáng Thứ Hai, 6 Tháng Sáu, tại Đài Tưởng Niệm D-Day Quốc Gia ở Bedford, tiểu bang Virginia.
Tân Chuẩn Tướng Lapthe Flora tại Đài Tưởng Niệm D-Day Quốc Gia, tại Medford, Virginia. (Hình: Cotton Puryear, Virginia National Guard Public Affairs)

"Thật là một kinh nghiệm khiêm tốn và tôi rất đỗi tri ân những người đã lót đường, giúp tôi có sự thành công hôm nay," Chuẩn Tướng Flora nói với nhật báo Người Việt sau buổi lễ.

Trước đó, bà Thúy, vợ ông và Christine, cô con gái, gắn lon một sao lên hai cầu vai vị tân chuẩn tướng, trước khi Thiếu Tướng Timothy P. William, chủ tọa, đọc lời tuyên thệ nhậm chức.

Chuẩn Tướng Flora, tay trái đặt trên bìa cuốn Kinh Thánh do con gái cầm, tay phải giơ tay thề trung thành với Tổ Quốc Hoa Kỳ và giữ sự trung tín trong chức vụ mới, trước sự chứng kiến của vợ con ông trên khán đài.
"Tôi thấu hiểu tính cách lịch sử của buổi lễ ngày hôm nay và tri ân sâu xa niềm vinh dự dành cho tôi, nhưng buổi lễ hôm nay nên được dùng để kiên định niềm tin vào Giấc Mơ Mỹ," chuẩn tướng nói.

"Cơ hội tại quốc gia vĩ đại này không có giới hạn; Giấc Mơ Mỹ là có thật, nếu quý vị dám theo đuổi giấc mơ ấy với sự chú tâm, siêng năng làm việc và sự kiên trì," ông khẳng định.

Ông cám ơn các chiến hữu và bạn bè từ khắp nơi trong nước về tham dự. Có cả những người từ rất xa cũng đến, như vợ chồng Chuẩn Tướng Mikko Heiskanen, bay từ Helsinki, Phần Lan, về tham dự.

Ông cũng ngậm ngùi nhắc đến song thân, và chị em ông, phải chi họ cũng có mặt để tham dự buổi lễ.
Ông đặc biệt nhắc đến người cha nuôi của ông, cố Thiếu Tá Lewis Flora, Jr., thuộc Trung Đoàn Bộ Binh 116, Sư Đoàn 29 Bộ Binh, người đã đổ bộ bãi biển Omaha Beach, Normandy, Pháp quốc, ngày này 72 năm trước.
"Tôi biết giờ này, Cha Mẹ nuôi của tôi vui mừng trên Thiên Đàng, vì hãnh diện nhìn đứa con nuôi của ông bà, 'một cậu bé thuyền nhân' nay trở thành một vị tướng Hoa Kỳ," ông nói.
Thiếu Tướng Timothy P. William (trái) trong lễ tuyên thệ cho tân Chuẩn Tướng Lapthe Flora. (Hình: Cotton Puryear, Virginia National Guard Public Affairs)

Sau đó, ông nói bằng tiếng Việt: "Tôi chân thành cảm kích và lấy làm vinh hạnh được sự hiện diện của quý đồng hương trong buổi lễ hôm nay. Đặc biệt đối với những cựu quân nhân QLVNCH, tôi xin thành thật có vài lời để tri ân họ, qua sự hy sinh cao cả và chiến đấu dũng cảm, bất khuất và kiên cường để bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, cũng như duy trì an ninh cho toàn dân trong suốt hơn 20 năm."

"Đồng thời tôi xin nêu lên niềm cảm phục của tôi qua sự kiên trì, chịu đựng trong bao năm lưu đày khổ sai, khốn khổ và ly tán của các cựu chiến sĩ cũng như gia đình họ sau cuộc chiến tranh," chuẩn tướng nói.

Một số đồng hương và thành viên Hội Quân Nhân Mỹ Gốc Việt cho biết khi nghe phần diễn văn bằng tiếng Việt, ai cũng đều cảm thấy vô cùng xúc động và hãnh diện.

"Tôi thấy hãnh diện, vì cùng là gốc thuyền nhân như ông. Chuẩn tướng tỏ ra rất khiêm nhường nhưng từ đáy lòng của ông qua bài diễn văn bằng tiếng Việt," cựu Hải Quân Trung Tá hồi hưu Nguyễn Anh Tuấn, chia sẻ.
Cùng đi với ông còn có cựu Trung Tá Lục Quân Ross Nguyễn hồi hưu, Hải Quân Trung Tá Mimi Phan và một số thành viên khác.

* Theo ông Cotton Puryear, ban giao tế Virginia National Guard, Chuẩn Tướng Flora là vị tướng gốc Việt thứ hai và là thuyền nhân Việt Nam đầu tiên được thăng cấp tướng trong quân đội Mỹ. Gần đây nhất ông từng là chỉ huy trưởng Bộ Tư Lệnh Troop 91 Vệ Binh Quốc Gia, bản doanh đặt tại Bowling Green, Virginia. Với cấp bậc mới, ông sẽ đảm nhiệm các dự án chiến lược.
Hội Quân Nhân Mỹ Gốc Việt và đồng hương vui mừng chụp hình lưu niệm. (Hình: Hội Quân Nhân Mỹ Gốc Việt cung cấp)
Sau khi Sài Gòn bị rơi vào tay cộng sản năm 1975, ông cùng các anh em trốn khỏi thành phố để tránh bị bắt lính cho quân đội Bắc Việt. Ông trốn chạy ba năm trong rừng, sau đó vượt biên bằng thuyền tới Indonesia, và trải qua một năm tại ba trại tị nạn riêng biệt.

Đến Hoa Kỳ, ông nhanh chóng học tiếng Anh và chỉ trong ba năm, ông hoàn tất bậc trung học. Sau đó ông theo học Học Viện Quân Sự Virginia ở Lexington nơi ông tốt nghiệp bằng cử nhân và biệt phái phục vụ lực lượng trừ bị quân đội Mỹ vào năm 1987. Sau đó, ông được thuyên chuyển về Vệ Binh Quốc Gia Virginia, nơi ông phục vụ qua hầu hết các công việc trong Tiểu Đoàn 1, Trung Đoàn Bộ Binh 116, Lữ Đoàn Bộ Binh Toán Chiến Đấu 116 (IBCT), bao gồm cả chức vụ tiểu đoàn trưởng.

Ngoài ra, Chuẩn Tướng Flora từng giữ chức vụ sĩ quan điều hành toán IBCT, giám đốc hành quân Sư Đoàn 29 Bộ Binh và là giám đốc kế hoạch chiến lược và chính sách của Bộ Chỉ Huy Liên Hợp Virginia. Ông từng tham chiến tại Bosnia, Kosovo và Afghanistan.

Thân phụ nuôi của ông là một sĩ quan trong Trung Đoàn Bộ Binh 116, Sư Đoàn 29 Bộ Binh, người đã đổ bộ lên bờ biển Normandy 72 năm trước đây, và cũng là một phần của lý do mà ông chọn lễ thăng chức của ông ở Bedford, để vinh danh nghĩa vụ quân sự của thân phụ ông.

Trước khi gia nhập quân đội, ông từng là kỹ sư về kỹ thuật Thị Giác Trong Đêm Tối của công ty Harris ở Roanoke, và có sáu bằng sáng chế liên quan đến hai loại kính nhìn trong đêm AN / PVS-14 và AN / AVS-9.


Đài Tưởng Niệm Quốc Gia D-Day đặt tại Bedford, Virginia - nơi cộng đồng có tỷ lệ cư dân hy sinh cao nhất trên toàn quốc tham dự trận Normandy. Đài tưởng niệm vinh danh các Lực Lượng Đồng Minh tham gia đổ bộ Normandy vào ngày 6, Tháng Sáu, năm 1944 trong Thế Chiến II.

06-06-2016 4:32:02 PM