Friday, September 7, 2018

Cả trăm học viên cai nghiện ở Đồng Tháp nổi loạn, nhiều người bỏ trốn

Số học viên quậy phá, bỏ trốn đã được đưa trở lại trung tâm. (Hình: Người Lao Động)
ÐỒNG THÁP, Việt Nam (NV) – Hàng trăm học viên tại trung tâm cai nghiện ở Đồng Tháp gây rối, đập phá và hàng chục học viên đã bỏ trốn.
Ngày 6 Tháng Chín, 2018, Công An tỉnh Đồng Tháp vẫn đang tiếp tục truy tìm nhiều học viên tại Trung Tâm Cai Nghiện đóng tại xã Mỹ Long (huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp) đã bỏ trốn.
Theo báo Người Lao Động, khoảng 5 giờ chiều 5 Tháng Chín, cả trăm học viên đang cai nghiện ma túy tại trung tâm cai nghiện này bất ngờ “gây rối trật tự, đập phá cửa phòng, chống đối cán bộ của trung tâm, tràn ra khu vực sân gây náo loạn.” Sau đó, hàng chục người đã bỏ trốn ra ngoài.
Công An tỉnh Đồng Tháp đã huy động lực lượng đến hiện trường giữ trật tự, truy bắt và vận động những học viên bỏ trốn quay lại trung tâm.
Đến trưa cùng ngày, có 22 trong số 38 người bỏ trốn đã bị bắt hoặc vận động, đưa quay trở lại trung tâm. Hiện công an đang truy bắt những người còn lại ở bên ngoài, nhằm “ổn định tình hình và làm rõ nguyên nhân.”
Trước đó, cũng theo báo Người Lao Động, trưa 11 Tháng Tám, hơn 100 người thuộc Công An tỉnh Tiền Giang và Công An huyện Châu Thành phải “phong tỏa tạm thời quốc lộ 1 qua địa bàn huyện này, nổ súng khống chế bắt hàng chục học viên trốn trại tại Trung Tâm Cai Nghiện Ma Túy bắt buộc.”
Nhóm học viên cai nghiện quậy phá, gây náo loạn, trở lại trung tâm. (Hình: Zing)
Trung tâm này nằm ở xã Tam Hiệp, huyện Châu Thành, thuộc Sở Lao Động, Thương Binh và Xã Hội tỉnh Tiền Giang.
“Sáng sớm cùng ngày, do cán bộ của trung tâm cai nghiện phát cơm sớm hơn 10 phút cho học viên thì xảy ra mâu thuẫn giữa cán bộ trung tâm và một vài học viên. Sau đó, hàng chục học viên khác manh động đánh luôn cán bộ. Dù được giải thích rõ ràng nhưng số học viên quá khích ngày càng nhiều dẫn đến tình trạng hơn 100 học viên trốn trại,” báo Người Lao Động dẫn nguyên nhân vụ trốn trại.
Việc hàng trăm người nghiện ma túy bỏ trốn khỏi các trại đã có tiền lệ tại các địa phương ở Việt Nam và xảy ra đều đặn mỗi năm. Nguyên do được cho là các trại này hoạt động không khác trại tù dù người nghiện “không có án,” thêm vào đó là nạn quản giáo “làm tiền,” bạo hành, cưỡng bức lao động diễn ra tại hầu hết các trại.
Chẳng hạn như Trung Tâm Cai Nghiện Đồng Nai, có sức chứa chỉ 800 người, nhưng phải chứa hơn 1,400 học viên, trong đó trên 30% là những người có tiền án, tiền sự. Việc quá sức chứa cùng với cơ sở vật chất thiếu thốn, xuống cấp là nguyên nhân chính khiến học viên đập phá, đòi trở về.
Hồi Tháng Bảy, báo Hà Nội Mới cho biết: “Thực tế chứng minh, bản thân người nghiện ma túy và gia đình họ tự nguyện đi cai nghiện thường đạt hiệu quả tích cực hơn so với hình thức cai nghiện bắt buộc. Vì vậy, trong những năm gần đây, các mô hình cai nghiện tự nguyện được Hà Nội khuyến khích phát triển, nhân rộng.”
Ở Việt Nam hiện có khoảng 130 trung tâm cai nghiện ma túy. Tuy nhiên, truyền thông trong nước cho biết tỷ lệ tái nghiện được ghi nhận đến 90%. (Tr.N)

Tỉnh nghèo Thanh Hóa chi $72,868 cho quan chức đi Mỹ ‘là tiết kiệm’

Bà Lê Thị Thìn, phó chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Thanh Hóa. (Hình: Lao Động)
THANH HÓA, Việt Nam (NV) – Hằng năm, Thanh Hóa là một trong các tỉnh phải xin trợ giúp ngân sách từ trung ương và xin gạo “cứu đói” cho dân nghèo, nhưng mới đây, tỉnh này chi hơn $72,868 cho quan chức đi Mỹ.
Theo báo Lao Động, sáng 6 Tháng Chín, 2018, bà Lê Thị Thìn, phó chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Thanh Hóa, cho biết chuyến công tác Mỹ của ba quan chức tỉnh này dự trù tiêu tốn ngân sách 1.7 tỷ đồng (hơn $72,868) là “chuyến công tác do Bộ Ngoại Giao tổ chức. Thanh Hóa chỉ là một trong năm tỉnh được đi trong đợt này. Tôi được biết các tỉnh khác còn đi tới tám người nhưng Thanh Hóa thực hiện tiết kiệm nên chỉ đi ba người.”
Chuyến di dự trù diễn ra từ ngày 8 đến 19 Tháng Chín tại Los Angeles và Hawaii.
Trong bảng dự toán kinh phí được báo Lao Động đăng tải, ba vị quan chức tốn hàng trăm triệu đồng cho mỗi khoản thuê xe, cũng như “các buổi làm việc,” thuê phiên dịch tiếng Anh… Chỉ riêng khoản chi cho in ấn tài liệu và tặng phẩm đã là 200 triệu đồng (hơn $8,571).
Báo Lao Động cho hay, đoàn công tác của tỉnh Thanh Hóa gồm ba người là bà Lê Thị Thìn, ông Nguyễn Văn Biện – giám đốc Sở Ngoại Vụ, và bà Trần Thị Thu Hằng – giám đốc Trung Tâm Xúc Tiến Đầu Tư Thương Mại và Du Lịch.
Đáng lưu ý, chuyến đi Mỹ của ba quan chức diễn ra trong bối cảnh hồi đầu tháng này, các báo đăng tin nước sông Mã, sông Bưởi dâng cao khiến nhà dân ở các huyện miền núi Thanh Hóa bị ngập đến nóc nhà, ba người mất tích do sạt lở đất và lũ cuốn trôi.
Trước đó, công luận cũng bất bình chuyện giới chức tỉnh này dự trù chi hơn 104 tỷ đồng (hơn $4.4 triệu) để làm lễ kỷ niệm 990 năm “nhận danh xưng Thanh Hóa.”
Trước Thanh Hóa, Thường Trực Tỉnh Ủy Bình Thuận hồi Tháng Bảy, 2018, đã phải thông báo dừng chuyến đi Đức của quan chức tỉnh này với danh nghĩa “tiếp cận công nghệ 4.0 về xây dựng hạ tầng biển” sau khi thông tin doanh nghiệp “tài trợ cho cán bộ đi chơi” bị rò rỉ. (T.K.)

Gần 10 năm mới truy tố được cựu giám đốc sở ở Bình Dương bán rừng

Vườn cao su của gia đình ông Cao Minh Huệ. (Hình: Thanh Niên)
BÌNH DƯƠNG, Việt Nam (NV) – Sau gần 10 năm, Cơ Quan Cảnh Sát Điều Tra Bộ Công An CSVN mới hoàn tất điều tra vụ án tham nhũng đất đai tại tỉnh Bình Dương, có liên quan đến ông Cao Minh Huệ, cựu giám đốc Sở Địa Chính tỉnh (nay là Sở Tài Nguyên-Môi Trường).
Theo báo Thanh Niên, Cơ Quan Cảnh Sát Điều Tra Bộ Công An CSVN vừa hoàn tất điều tra vụ án lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ xảy ra tại tỉnh Bình Dương, chuyển hồ sơ đến Viện Kiểm Sát Nhân Dân Tối Cao đề nghị truy tố ba bị can trong vụ án này.
Đây được coi là “kỳ án” khi đã từng hai lần tạm đình chỉ điều tra vụ án, điều tra bị can, sau đó lại phục hồi điều tra.
Ngày 5 Tháng Chín, 2018, Viện Kiểm Sát Nhân Dân Tối Cao ban hành cáo trạng truy tố các bị can gồm các ông Cao Minh Huệ, cựu giám đốc Sở Địa Chính tỉnh (nay là Sở Tài Nguyên-Môi Trường); Đỗ Văn Sâm, cựu cán bộ Phòng Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn huyện Bến Cát; và Phan Văn Trung, cựu trưởng phòng Phòng Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn huyện Bến Cát, với cáo buộc “Lợi dụng chức vụ quyền hạn khi thi hành công vụ.”
Theo cáo trạng, Công Ty Chế Biến Cây Công Nông Nghiệp Xuất Khẩu (Sobexco) là doanh nghiệp nhà nước, có trụ sở tại huyện Bến Cát (tỉnh Bình Dương), do ông Nguyễn Thanh Hải làm giám đốc.
Sobexco được tỉnh Bình Dương giao quản lý 706 hécta đất vườn điều tại xã An Tây, huyện Bến Cát. Năm 1997, Sobexco thanh lý 650 hécta vườn điều vay vốn để trồng cây cao su nhưng không hiệu quả dẫn đến nợ kéo dài.
Diện tích cao su gia đình ông Cao Minh Huệ mua liên quan đến vụ án. (Hình: Thanh Niên)
Do đó, được sự đồng ý của Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Bình Dương, Sobexco đã bán 658 hécta cao su trong số 706 hécta đất được giao và những người mua vườn cao su được ủy ban huyện Bến Cát cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) không đúng quy định pháp luật, khiến nhà nước thất thu tiền thuê đất.
Khi nhà nước tiến hành giải tỏa mặt bằng khu công nghiệp An Tây vào năm 2007, những người đã mua đất lại được tiền bồi thường về đất, gây thiệt hại rất lớn cho nhà nước. Tổng cộng, trong vụ án này cơ quan điều tra xác định nhà nước thiệt hại hơn 131 tỷ đồng (hơn $5.6 triệu).
Theo báo Lao Động, cáo trạng xác định, xảy ra vụ việc nêu trên “có sự tiếp tay các bị can, nguyên là cán bộ của cơ quan chức năng huyện Bến Cát cũng như tỉnh Bình Dương.” Cụ thể, ông Cao Minh Huệ biết rõ “công ty Sobexco bán rừng cây cao su không tính vào giá trị đất, biết rõ những người mua vườn cao su không có người làm nông nghiệp thường trú tại địa phương thì phải thuê đất, nhưng vẫn ký các tờ trình đề nghị ủy ban tỉnh Bình Dương cấp ‘sổ đỏ’ cho người mua vườn cao su.”
Ông Huệ cũng đã làm tờ trình đề nghị ủy ban tỉnh Bình Dương nâng hạn mức giao đất từ 10 hécta lên 30 hécta/gia đình trái với quy định pháp luật.
Theo báo Thanh Niên, “Lúc đó, vợ và hai con của ông Huệ làm thủ tục nhận lại diện tích vườn cây đã nhờ năm người khác đứng tên…”
“Trong lần thanh lý vườn cây cao su đợt 2, ông Huệ lập hồ sơ chuyển nhượng và cấp ‘sổ đỏ’ cho tám người trong gia đình gồm vợ, con, em vợ, em rể, em bà con… với tổng diện tích trên 75 hécta,” báo Thanh Niên dẫn chứng.
Những hành vi của bị can này đã khiến nhà nước bị thiệt hại 131.4 tỷ đồng.
Đáng chú ý, trong việc mua bán này, gia đình ông Huệ được cấp “sổ đỏ” với diện tích 78.46 hécta. Dù chưa nhận tiền bồi thường về đất (do nhà nước tạm dừng) nhưng gia đình ông Huệ đã được hưởng lợi giá trị quyền sử dụng đất hơn 1.3 tỷ đồng (hơn $55,762). (Tr.N)

Chính quyền cho thuê sông, dân Bến Tre khốn khổ với ô nhiễm

Những bè cá nằm sát mép bờ, nơi người dân đặt miệng ống dẫn nước vào nhà sử dụng. (Hình: Thanh Niên)
BẾN TRE, Việt Nam (NV) – Hơn bảy năm qua, khoảng 60 nhà dân ở cồn Cái Gà, xã Long Thới, huyện Chợ Lách, phải sử dụng nguồn nước ô nhiễm và chịu đựng mùi tanh hôi từ các bè cá trên sông Hàm Luông.
Kể với báo Thanh Niên, ông Trần Anh Duy, sống ở cồn Cái Gà, xã Long Thới, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre, cho biết trước đây gia đình ông cùng hàng trăm người dân sống bình lặng với cây lành trái ngọt ở cồn Cái Gà. Nhưng hơn bảy năm nay, các bè cá quanh cồn đã gây nhiễm môi trường nước, khiến tất cả người dân trên cồn phải hứng chịu.
“Các chủ bè cá vớt những con cá chết trong bè cùng hàng trăm ký cá chết từ nơi khác chở đến để xay nhuyễn ra trộn với thức ăn rồi rải xuống cho cá ăn. Cá ăn không hết, thức ăn thừa trôi dạt vào bờ khiến nước sông ở đây luôn nổi màng, mùi tanh bốc lên suốt ngày đêm…,” ông Duy bất bình nói.
Người dân đã nhiều lần gửi đơn kiến nghị đến xã, huyện vì phải dùng nguồn nước này vào việc ăn uống, sinh hoạt trong gia đình mà chưa được chính quyền địa phương giải quyết.
Nói về nguyên nhân, bà Nguyễn Thị Hoài Nguyên, cán bộ nông nghiệp và môi trường xã Long Thới, cho biết diện tích của cồn Cái Gà khoảng 90 hécta. Trong đó, Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Bến Tre đã cho công ty Hùng Vương Miền Tây và công ty Vạn Đức thuê nuôi cá tổng cộng 30.5 hécta, phần còn lại người dân sinh sống. Bên cạnh đó, Sở Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thông tỉnh Bến Tre cũng cấp giấy phép nuôi cá lồng bè cho bốn nhà với 21 lồng bè, mỗi lồng có diện tích từ 144 đến 288 mét vuông, thả dọc ngay mặt tiền cồn.
Theo bà Nguyên, ủy ban xã đã nhận được thông tin phản ảnh của người dân, có đến kiểm tra và phát hiện nhiều lồng có xay xác cá chết và lập biên bản “nhắc nhở,” buộc các nhà lồng cam kết không tái phạm.
“Mùi hôi thối là có thật. Nhưng việc xác định nguồn nước có ô nhiễm hay không và do đâu thì phải do các cơ quan chức năng chuyên môn thực hiện…,” bà Nguyên nói thêm.
Thế nhưng, hôm 4 Tháng Chín, 2018, nói với báo Thanh Niên, ông Huỳnh Văn Cung, chi cục trưởng Chi Cục Thủy Sản tỉnh Bến Tre, khẳng định ông chưa từng nghe thông tin nào về việc người dân địa phương phản ảnh tình trạng như trên. “Tôi sẽ cử đoàn công tác xuống địa phương kiểm tra ngay,” ông Cung nói.
Trong lúc chờ đợi, người dân nơi đây lại phải tiếp tục chịu đựng không biết cho đến khi nào mới thoát khỏi cảnh chịu đựng mùi tanh hôi từ các bè cá và dòng nước sông luôn nặng mùi. (Tr.N)