Monday, May 6, 2019

Ai vui nhất khi Tổng Trọng không thể đến đám tang Lê Đức Anh

Tác giả: Quê Hương
Trong đám tang ông Lê Đức Anh diễn ra vào ngày 3 tháng 5 tại Hà Nội, bức ảnh cựu thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đứng song song với đương kim thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong đoàn đại biểu của văn phòng chính phủ đã khiến dư luận hết sức quan tâm.
Trong bối cảnh, dư luận trong nước và quốc tế đang chú ý tới việc liệu TBT, CTN Nguyễn Phú Trọng có đến dự đám tang ông Lê Đức Anh với tư cách là trưởng ban tang lễ hay không thì ông Dũng với phong thái hết sức tự tin, ngẩng cao đầu và mỉm cười cho thấy ông ta có vẻ đã biết chính xác điều gì đang xảy ra và có thể đã làm chủ được tình hình.
Nhìn phong thái của ông Dũng nhiều người đoán rằng có thể âm mưu hạ gục đối thủ tại xào huyệt Kiên Giang là có thật. Và ngày mà tổng Trọng vĩnh viễn ra đi hoặc vì lý do sức khỏe mà phải chuyển giao quyền lực sẽ sớm xảy ra.
Nên nhớ Lê Đức Anh chính là người đã không ủng hộ việc bộ chính trị biểu quyết đưa ông Trọng lên ứng cử lại chức TBT năm 2016, thay vào đó, ông chỉ ủng hộ việc Trung ương Đảng với 180 ủy viên trung ương biểu quyết cho ông Trọng. Do bộ chính trị là nơi Trọng dễ thao túng nhưng Trung ương lại là nơi mà Ba Dũng khiến Trọng rơi nước mắt vào tháng 10/2012 nên Trọng gặp nhiều khó khăn hơn.
Với tình hình như vậy, việc ra đi của ông Lê Đức Anh phải khiến cho Nguyễn Tấn Dũng buồn như mất đi người thân mới phải. Đằng này, ông ta lại mỉm cười, ngẩng cao đầu và có phần hơi lấn át đương kim thủ tướng Phúc nghẹo trong bức hình. Điều này chứng tỏ ông ta đã làm được điều gì đó hết sức to lớn và khiến cho nỗi đau mất đi vị tiền bối chỉ còn nhỏ bằng con kiến.
Suy cho cùng thì chuyện đấu đá chính trị chỉ là vấn đề cá nhân giữa ông Trọng và ông Dũng thôi, chứ thủ tướng Phúc nghẹo cũng chính là do ông Dũng một tay đưa từ Quảng Nam ra Hà Nội, rồi ngồi vào chức Bộ trưởng Chủ nhiệm văn phòng chính phủ, rồi Phó thủ tướng thường trực. Do vậy, dù sao đi chăng nữa so với Dũng thì Phúc cũng chỉ là đàn em.
Giả dụ Trọng ra đi sớm thì dù có chức cao đến đâu đi chăng nữa, Phúc vẫn chịu sự chi phối to lớn từ Dũng. Và với việc, Dũng knock-out Trọng theo kiểu cao tay như thế thì Phúc không còn cách nào khác là phải bái phục. Quyền lực tối thượng rồi lại trở về với đồng chí X mà thôi.
Nguyễn Tấn Dũng quả là cao tay thật!

Một loạt cựu quan chức cao cấp và tướng lãnh CSVN bị kỷ luật

Cựu Phó Thủ Tướng Vũ Văn Ninh và cựu Thứ Trưởng Quốc Phòng Nguyễn Văn Hiến bị kỷ luật. (Hình: Báo Bình Phước)
HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Một loạt các cựu quan chức cao cấp (phó thủ tướng, thứ trưởng) và tướng lãnh vừa bị “Ủy Ban Kiểm Tra Trung Ương” của đảng CSVN “đề nghị xem xét kỷ luật” với những ám chỉ liên quan tham nhũng.
Hôm Chủ Nhật, 5 Tháng Năm, 2019, trang mạng “chinhphu.vn” đăng tải lại bản thông cáo báo chí của Ủy Ban Kiểm Tra Trung Ương đảng sau kỳ họp thứ 35 của cơ quan này.
Trong đó, những người bị đề nghị kỷ luật là ông cựu Phó Thủ Tướng Vũ Văn Ninh; cựu Thứ Trưởng Quốc Phòng, Đô Đốc Nguyễn Văn Hiến; 4 ông thứ trưởng Bộ Giao Thông Vận Tải gồm: Nguyễn Hồng Trường, Nguyễn Văn Công, Nguyễn Ngọc Đông và Nguyễn Nhật.
Ngoài ông Đô Đốc Nguyễn Văn Hiến bị cáo buộc khi còn là tư lệnh Hải Quân, ông Phó Đô Đốc Nguyễn Văn Tình, ông Chuẩn Đô Đốc Lê Văn Đạo, tất cả nay đã nghĩ hưu bị cáo buộc “Vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ và quy chế làm việc” trong “công tác quản lý, sử dụng đất quốc phòng, để một số cán bộ, đảng viên trong quân chủng bị xử lý hình sự.”
Ông Vũ Văn Ninh bị cáo buộc “Vi phạm, khuyết điểm trong việc quyết định chủ trương thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại một số doanh nghiệp thuộc Bộ Giao Thông Vận Tải (GTVT).” Báo chí trong nước đề cập đến chữ ký của ông khi bán lại “giá bèo” cảng Quy Nhơn cho bố con ông tài phiệt đỏ Trần Bắc Hà.
Cùng nằm trên “bảng phong thần” của Ủy Ban Kiểm Tra Trung Ương đảng lần này, người ta còn thấy có những ông khác như ông Phạm Viết Muôn, nguyên phó chủ nhiệm Văn Phòng Chính Phủ (chức vụ tương đương thứ trưởng) “có vi phạm, khuyết điểm trong việc tham mưu cho lãnh đạo chính phủ về chủ trương thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại một số doanh nghiệp thuộc Bộ GTVT.”
Nguyễn Bá Cảnh, thành ủy viên, phó trưởng ban thường trực Ban Dân Vận Thành Ủy Đà Nẵng bị cáo buộc “Vi phạm về phẩm chất đạo đức, lối sống; vi phạm quy định của Ban Chấp Hành Trung Ương về những điều đảng viên không được làm và các quy định của đảng về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên.”
Ông Cảnh là con trai cố Bí Thư Thành Ủy Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh. Ông Thanh sau về trung ương làm trưởng Ban Nội Chính Trung Ương đảng kèm theo cái chức phó trưởng ban chỉ đạo trung ương chống tham nhũng rồi chết khi còn tại chức vì ung thư năm 2015.
Hồi giữa Tháng Tư, ông Cảnh đã bị Thành Ủy Đà Nẵng “bỏ phiếu kín thống nhất cách các chức vụ trong Đảng của ông Nguyễn Bá Cảnh – thành ủy viên, phó trưởng ban thường trực Ban Dân Vận Thành Ủy, vì vi phạm Điều 5 Luật Hôn Nhân và Gia Đình” cũng như “vi phạm quy định 47 về những điều đảng viên không được làm; quy định 101 về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt.” Mạng xã hội cho hay, ông Cảnh bị kỷ luật vì có vợ bé.
Một số báo tại Việt Nam tách riêng các trường hợp bị kỷ luật đối với các ông Vũ Văn Ninh, Nguyễn Văn Hiến, Nguyễn Bá Cảnh khai thác riêng vì những chức vụ cấp cao họ từng nắm giữ hoặc gia thế “hạt giống đỏ.”
Việc các tin tức của Ủy Ban Kiểm Tra Trung Ương đảng “đề nghị xem xét kỷ luật” với một loạt cựu quan chức hoặc đương chức cấp cao vào lúc ông “chủ lò” chống tham nhũng Nguyễn Phú Trọng đang “nằm liệt giường” mà các tin tức “ngoài luồng” nói ông bị tai biến mạch máu não, nhằm chứng tỏ guồng máy đảng và nhà nước vẫn vận hành bình thường.
Không thấy bản thông cáo báo chí của Ủy Ban Kiểm Tra Trung Ương đề nghị gì nặng hơn, như chuyển hồ sơ, tài liệu cho công an tiến hành điều tra hình sự. Người ta không rõ trong những ngày sắp tới, các ông trong “bảng phong thần” nói trên chỉ bị “khiển trách,” “cách hết chức vụ trong đảng và chính quyền” nay không còn nắm giữ, hay bị lột thẻ đảng. (TN)

Ông Trọng ‘gửi thư chúc mừng’ trong lúc đang ‘tập đi, tập nói’?

Ai sẽ thay Nguyễn Phú Trọng, vẫn là câu hỏi lớn trong chính trị Ba Đình. (Hình: Getty Images)
HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Truyền thông nhà nước đưa các bản tin về ông Nguyễn Phú Trọng, tổng bí thư, chủ tịch nước CSVN gửi thư “chúc mừng” đến lãnh tụ các nước khác trong hai ngày qua, một hình thức cho thấy ông Nguyễn Phú Trọng vẫn làm việc bình thường.
Tuy nhiên, tin tức trên mạng xã hội nói rằng, ông Nguyễn Phú Trọng bị tai biến mạch máu não, tuy không chết nhưng liệt nửa người, đang phải tập đi đứng rất khó khăn, tập nói và lại còn bị méo mồm.
Trong hai ngày Chủ Nhật và Thứ Hai, 5 và 6 Tháng Năm, 2019, nhiều báo tại Việt Nam, trong đó các tờ như Thanh Niên, Đất Việt, đưa tin ông Nguyễn Phú Trọng “đã gửi thư chúc mừng ông Maha Vajiralongkorn Bodindradebayavarangkun chính thức đăng quang” quốc vương Thái Lan, theo một thông cáo báo chí của Bộ Ngoại Giao CSVN.
Trong thư, theo các báo trên thuật lại, ông Trọng “bày tỏ tin tưởng, dưới sự trị vì của quốc vương, nhân dân Thái Lan sẽ tiếp tục giành được nhiều thành tựu to lớn hơn nữa trong công cuộc xây dựng vương quốc Thái Lan thịnh vượng và phồn vinh.”
Cũng theo tin từ Bộ Ngoại Giao được các tờ báo trên loan tải giống hệt nhau: “Tổng Bí Thư-Chủ Tịch Nước Nguyễn Phú Trọng, Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc đã gửi mừng Estonia thành lập chính phủ mới; chúc mừng Quốc Khánh Ba Lan; chúc mừng tổng thống Ukraine vừa đắc cử; chúc mừng tân thủ tướng quần đảo Solomon Island.”
Hôm 6 Tháng Năm, các báo còn loan tin: “Tổng Bí Thư-Chủ Tịch Nước Nguyễn Phú Trọng đã gửi điện thăm hỏi đến Tổng Thống Nga Vladimir Putin sau thảm kịch cháy máy bay ở Moscow.”
Trước đó, hôm Thứ Bảy, 4 Tháng Năm, ông Nguyễn Phú Trọng dự trù có mặt trong buổi “tiếp xúc cử tri” đã được sắp xếp sẵn tại đơn vị ông là “đại biểu Quốc Hội” của thành phố Hà Nội, nhưng ông không xuất hiện. Người ta chỉ thấy một ông cử tri “cò mồi” tên Trần Viết Hoàn, xuất hiện phát biểu suốt nhiều năm qua mỗi khi ông Trọng đi “tiếp xúc” cử tri: “Dân mong lắm đồng chí mau bình phục tốt để tiếp tục trọng trách ‘hai tay gìn giữ một sơn hà.’”
Hôm đám tang ông cựu Chủ Tịch Nước Lê Đức Anh, ngày 3 Tháng Năm, ông Nguyễn Phú Trọng được loan báo là “trưởng ban tang lễ” nhưng ông không xuất hiện mà chỉ gửi vòng hoa đến chia buồn.
Điều này càng làm cho những lời đồn trên mạng được người ta tin là thật trong khi các tin tức thông báo về các hoạt động của ông Trọng, do guồng máy tuyên truyền của chế độ đưa ra mỗi ngày, lại bị coi là giả, là bịp.
Trang facebook Lê Nguyễn Hương Trà hôm 6 Tháng Năm cập nhật: “[Ông Trọng] vẫn [đang ở bệnh viện] 108. Đã nói tàm tạm, đi chưa được nhiều. Bên cạnh có bác sĩ Đông y Trung Quốc bấm huyệt, điều trị!”
Trước đó, hôm 3 Tháng Năm, facebooker này cho hay: “Việc tập đi [của ông Trọng] vẫn còn khó khăn, lưỡi cứng chưa nói được!”
Báo chí quốc tế cũng theo dõi tin tức về tình trạng vắng mặt bất thường của ông Nguyễn Phú Trọng tại những dịp mà ông Trọng phải hiện diện hoặc phải tiếp xúc.
Bản tin của Stratfor (một tổ chức nghiên cứu và tham vấn về các vấn đề chính trị quốc tế) hôm 3 Tháng Năm cho rằng vấn đề sức khỏe không bình thường của ông Nguyễn Phú Trọng có nguy cơ dẫn đến bất ổn định trong hệ thống chính trị của CSVN, dựa trên cái vị thế mạnh bất thường của ông Trọng (đang nắm cả hai chức tổng bí thư đảng CSVN và chủ tịch nước).
“Nếu ông Trọng không còn khả năng đảm nhiệm hoặc chết sẽ tạo ra màn đấu đá chính trị mới, làm cho việc chuyển quyền cai trị dự trù vào năm 2021 (qua đại hội đảng) nhiều rối ren hơn nữa,” Stratfor viết.
Tổ chức Stratfor cũng theo dõi những thông tin về sức khỏe của ông Trọng và cả những tin tức “ngoài luồng” như ông Trọng đã được bí mật đưa qua Nhật chữa chạy.
Hơn 10 ngày sau khi ông Trọng đột ngột “không khỏe” tại Rạch Giá đúng vào ngày sinh nhật thứ 75, hãng tin Reuters ngày 25 Tháng Tư viết rằng, theo 4 nguồn tin khác nhau, ông Nguyễn Phú Trọng đã được đưa vào bệnh viện Quân Y Trung Ương 108 tại Hà Nội.
Còn bà Lê Thị Thu Hằng, phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao CSVN trả lời báo chí nói sức khỏe ông Trọng bị ảnh hưởng bởi “cường độ làm việc cao” và “sẽ sớm trở lại làm việc bình thường.”
Hiện bây giờ hoàn toàn không ai có nguồn tin chính thức về ông Nguyễn Phú Trọng.
Từ khi tin ông Trọng “không khỏe” đến nay, dư luận chỉ thấy có các bản tin ông gửi thư chúc mừng hay chia buồn với lãnh tụ các nước, như trường hợp hồi năm ngoái của ông Trần Đại Quang. (TN)

GS Trần Ngọc Thêm: ‘Giáo dục Việt Nam là 1 trong 10 nền giáo dục tệ nhất thế giới’

Giáo Sư Trần Ngọc Thêm: “Nói Việt Nam là một trong 10 nền giáo dục hàng đầu thế giới thì thật khó hiểu.” (Hình: Tuổi Trẻ)
Thông tin “Việt Nam là một trong mười nền giáo dục tiên tiến nhất thế giới” đã gây nhiều tranh cãi trong buổi tọa đàm về “Giáo dục trong bối cảnh công nghệ số” giữa các giới chức giáo dục “chóp bu” ở Việt Nam.
Phát biểu tại tọa đàm“Giáo dục trong bối cảnh công nghệ số”, diễn ra tại Trường ĐH Sài Gòn hôm 2 Tháng Năm, 2019, với sự tham dự của lãnh đạo nhiều trường đại học  và phổ thông ở thành phố Sài Gòn, ông Phan Thanh Bình, chủ nhiệm Ủy Ban Văn Hóa, Giáo Dục, Thanh Niên, Thiếu Niên và Nhi Đồng của Quốc Hội, khoe rằng “Báo cáo kinh tế xã hội của chính phủ trình Quốc Hội có nội dung Việt Nam là một trong mười nền giáo dục tiên tiến nhất thế giới nằm ở khu vực Đông Á – Thái Bình Dương.”
Theo báo Thanh Niên, trước thông tin này, hàng loạt giới chức có mặt trong tọa đàm nói ngay: “Giáo dục Việt Nam đang kém nhất thế giới chứ không phải hàng đầu thế giới.”
“Thực trạng giáo dục nước ta hiện nay đang kém nhất thế giới, nếu chúng ta không kịp thay đổi trong năm năm nữa thì mình tiếp tục thua kém thế giới cả mười lần,” một vị hiệu trưởng trường đại học nhấn mạnh.
Còn Giáo Sư Tiến Sĩ Khoa Học Trần Ngọc Thêm, chuyên gia Văn Hóa Học Và Ngôn Ngữ Học, nêu quan điểm: “Nếu nói giáo dục Việt Nam là một trong mười nền giáo dục tệ nhất thế giới thì còn có thể hiểu được, còn là một trong mười nền giáo dục hàng đầu thế giới thì thật khó hiểu.”
Giáo Sư Thêm cho rằng, giáo dục Việt Nam đang theo kiểu đối phó: “Trường học đối phó, nhờ đối phó mà chúng ta có kết quả PISA (Programme for International Student Assessment) rất cao. Hiện chúng ta kiểm định chất lượng, dù biết kết quả ra sao nhưng tất cả đều qua hết. Có những trường, người học gần như bị lừa vì khi vào học thấy rất tệ,” ông Thêm phân tích.
Cũng theo ông Thêm, nhiều trường đang phải loay hoay trong xây dựng chương trình, thay vì sắp xếp những môn học chung ở năm đầu tiên nhưng điều này sẽ khiến sinh viên bỏ học hàng loạt vì chán nản. Cuối cùng, có trường đối phó bằng cách sắp xếp những môn học chung vào học kỳ cuối cùng, đẩy những môn học hấp dẫn cho năm đầu tiên.
“Kể cả bài báo quốc tế cũng đối phó nốt, mà điều này chúng ta ngồi đây đều biết hết,” ông Thêm mỉa mai.
Ông Thêm cho rằng, vấn đề cần bắt đầu ở đây là từ con người, trong đó cần xem lại hệ giá trị hướng đến cái gì. “Giáo dục phải hướng đến chất lượng thực sự chứ không phải hướng đến tiền, thành tích, không phải đối phó,” ông Thêm nói.
Tại toạ đàm, ngoài các vấn đề ứng dụng công nghệ, môi trường giáo dục, sách giáo khoa, chương trình…, một trong những nội dung được nhiều đại biểu đưa ra là chính sách đối với giáo viên “Giáo viên không dở, chỉ có chính sách tệ.”
Theo ông Nguyễn Văn Hiếu, phó giám đốc Sở Giáo Dục và Đào Tạo ở Sài Gòn, thầy cô giáo không dở nhưng quy chế dành cho giáo viên rất thấp, chỉ bằng 10% so với mức thuê một giáo viên ngoại quốc. Điều này khiến nhiều giáo viên giỏi bỏ trường ra ngoài dạy. Sài Gòn đã nhiều lần lần đề nghị thay đổi chính sách chế độ đối với giáo viên, để giữ chân giáo viên giỏi.
Về chương trình dạy, Phó Giáo Sư Tiến Sĩ Nguyễn Kim Hồng, cựu hiệu trưởng trường Đại Học Sư Phạm Sài Gòn gợi ý: “Ở Úc chỉ có chương trình, các trường tự soạn tài liệu dạy, khi đi thi bình đẳng. Trường nào làm tốt nhà nước tăng tiền đầu tư.”
Cùng quan điểm này, Tiến Sĩ Phạm Thế Bảo, giảng viên Khoa Công Nghệ Thông Tin trường Đại Học Sài Gòn, cho biết đến nay, môn tin học phổ thông ở Việt Nam vẫn dạy Pascal, trong khi trên thế giới không đâu dạy như vậy. Giáo viên không dám đổi vì đó là “qui định bắt buộc của chương trình.” Điều này làm cho học sinh sợ tin học, trong khi tin học và ngoại ngữ là hai “chìa khoá” để mở cánh cửa công nghệ số./.

Ngài phó thủ tướng thích đùa

Trúc Giang (VNTB)-Tầm phó thủ tướng mà không biết hệ quả của giá điện tăng như thế nào mà phải ‘yêu cầu đánh giá tác động của giá điện tăng’. Theo tôi, cả đám chính phủ phụ trách kinh tế công nghệ, bắt đầu từ Nguyễn Xuân Phúc, phải đi xuống, trả ghế thủ tướng lại cho người khác”. Ông Ngô Quốc Dũng, một học giả người Việt sống tại Marseille – Pháp, nhận xét.
“Phó Thủ tướng yêu cầu đánh giá tác động của giá điện tăng” là tựa của một bài viết đăng trên báo điện tử Vietnamnet hôm 01-05-2019 [http://bit.ly/2vy570K]. Theo tường thuật của bài báo, thì phó thủ tướng Vương Đình Huệ trên cương vị Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá, đã yêu cầu: “Đối với mặt hàng điện, Bộ Công thương phối hợp với Tổng cục Thống kê theo dõi, đánh giá tác động gián tiếp của việc điều chỉnh giá điện; tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, công khai, minh bạch chi phí đầu vào, thanh tra, kiểm tra và công khai kết quả sản xuất kinh doanh điện theo quy định”.
Trên báo điện tử VnExpress cũng có bài tường thuật tương tự [http://bit.ly/2J8Mxuy].
“Tác động của giá điện tăng là gì? Là chuyện mà lãnh đạo phải nhìn thấy trước. Tầm thủ tướng thì phải biết trước từ một tới ba năm. Tầm chính sách quốc gia thì phải biết trước từ 20 năm”. Ông Ngô Quốc Dũng, người tốt nghiệp đại học chuyên ngành toán – lý tại Pháp, nhận xét.
Ở đây xem ra nhiều khả năng có nguyên nhân khó nói nào đó, chứ không hẳn là ông Vương Đình Huệ dốt tính toán, vì bản thân ông Huệ cũng là dân khoa toán như ông Dũng. Ông Huệ còn là giảng viên khoa Kế toán của trường Đại học Tài chính – Kế toán Hà Nội, và từng là Tổng Kiểm toán Nhà nước. Ông Huệ hiểu rất rõ về “Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả”, vốn đã có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2011.
Như vậy thì vì sao ông Huệ lại có thể ngờ nghệch đưa ra yêu cầu “đánh giá tác động của giá điện tăng” ở vào giai đoạn mà chính phủ đã quyết định đồng ý tăng giá điện? Nghĩa là đặt trong sự đã rồi.
Với yêu cầu “đánh giá tác động của giá điện tăng”, cho thấy ông Vương Đình Huệ rất có thể thấu hiểu cặn kẽ nội tình của các phe nhóm trong bộ máy chính phủ và cả bên Đảng. Bởi khi Bộ Công thương muốn tiêu thụ các loại “điện mặt trời – photovoltaique” như hổm rày, thì họ ‘lốp – by’, tung tiền nhét vào miệng các ‘chuyên gia’ để họ ‘dẫn dắt dư luận’ [bài “Giảm vài triệu đồng tiền điện mỗi tháng nhờ lắp điện mặt trời” trên tờ VnExpress là đơn cử – http://bit.ly/2URK3wf]. Điện gió thời Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng vậy…
Người viết nghĩ rằng nguyên do chính ở đây là sự độc quyền chính trị dễ dẫn tới sự cám dỗ ‘ma đưa lối, quỷ đưa đường’ của độc đoán, lũng đoạn mang tính phe nhóm.
Đơn cử, Bộ trưởng Bộ Công thương thời nào cũng vậy, đều là Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng. Chuyện quy hoạch phát triển điện với các lợi ích nhóm như nhiệt điện than do Trung Quốc đầu tư vào Việt Nam theo phương thức BOT, nếu không được sự đồng tình của Bộ Chính trị, chắc chắn sẽ khó thể triển khai.
Tuy nhiên trong quá trình thực thi các quyết sách đó, mặc dù ‘ăn đồng chia đủ’, song nếu bộc lộ những yếu kém do hạn hẹp tầm nhìn, thì việc quy lỗi cho tới nay gần như không thấy bóng dáng của vị đứng đầu Bộ Chính trị. Đây chính là điều mà dẫu ông Vương Đình Huệ có tài năng đến đâu trong ngành kiểm toán, ông cũng không thể giải nỗi ẩn số mang tên nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa mà Bộ Chính trị đã hoạch định nhưng không hề rõ hình hài.
Lẽ ấy, nên xem ra ông Vương Đình Huệ đành chọn nước cờ “Phó Thủ tướng yêu cầu đánh giá tác động của giá điện tăng”, qua đó mở ra những cơ hội cho báo chí cũng như phe nhóm ‘đối nghịch’ nào đó (nếu có!), có thể đường hoàng lập những kênh điều tra độc lập quanh chuyện giá điện tăng có thực sự chỉ nhỉnh hơn 8% như tuyên bố của EVN.
Hoặc cũng rất có thể “yêu cầu đánh giá tác động của giá điện tăng” chỉ là một trò vui của ngài phó thủ tướng thích đùa. Bởi ở Việt Nam trong mọi trường hợp, người dân đều nghe quen câu cửa miệng “đã có Đảng và Nhà nước lo” (!?).

Hết thuốc chữa



Đỗ Văn Ngà|

Có lần một bác sỹ đi tắm hơi trong một khu giải trí sang trọng, may mắn anh ta gặp ngài Bộ Trưởng Phùng Xuân Nhạ. Vị bác sỹ ấy giật mình vì thấy Nhạ trên TV, trên báo với veston bảnh bao chứ đâu phải toàn thân nổi ghẻ khó coi như vậy? Thế là vị bác sỹ ấy hỏi:
– Bác tên Nhạ làm bộ trưởng phải không ạ?
– Vâng! Tôi “nà” Nhạ đây. Chính xác “nà” tôi “nàm” Bộ trưởng Bộ Giáo Giục.
Nghe đến đây vị bác sỹ nghĩ thầm “chính xác là Nhạ Ngọng rồi, tiếng nói là âm ngọng không lẫn được. Không phải người giống người mà chính xác là ổng”. Anh bác sỹ hỏi tiếp.
– Em là bác sỹ da liễu, nhìn bác giống người nhiễm bệnh giang mai;
– Tôi không nhiễm bệnh gì hết, tôi hoàn toàn khỏe mạnh.
– Không! Bác nên đi khám, nếu không là không là không tốt cho sức khỏe.
– Không! Tôi không thể nhiễm bệnh giang mai được. Ông đừng nói nữa, thực ra tôi chẳng có bệnh gì hết, những vết ghẻ lở này hả? Là chuyện nhỏ, tôi chỉ cần vận bộ veston vào nà che hết mọi triệu chứng, bác sỹ đừng khuyên tôi nữa. Hiểu chửa?
Bộ Trưởng Nhạ nói đến đây thì vị bác sỹ kia câm họng, không biết khuyên ngài bộ trưởng kia thế nào nữa. Kẻ biết chữa bệnh cũng đành bó tay trước một bệnh nhân cố chấp như thế.”
Vâng! Đấy là một mẫu chuyện tôi bịa ra, không phải tôi bôi bác ông Nhạ mà là tôi dựng chuyện ngụ ngôn trên với nhân vật chính là kẻ lèo lái con tàu Bộ Giáo dục Việt Nam. Tôi muốn mượn ngay hình ảnh thân thể ông Nhạ để nói lên một thân thể khác, nói lên thân thể của Bộ Giáo Dục – Bộ mà ông Nhạ là người lèo lái nó.
Cơ thể Bộ Giáo dục Việt Nam đang lở loét khắp nơi. Mạng xã hội là vị bác sỹ khui ra những căn bệnh trầm kha đó. Và cũng chính mạng xã hội đề xuất cách giải quyết triệt để căn bệnh đó. Bộ Giáo Dục Việt Nam như một cơ thể bị bệnh giang mai đầy ghẻ lở cũng bởi vì nó quan hệ với con bệnh Đảng Cộng Sản. Vì thế nên nó không cách nào hết bệnh, mà ngược lại bệnh càng ngày càng nặng.
Phùng Xuân Nhạ
Hiện nay ông Phùng Xuân Nhạ cho ban hành Thông tư 06/2019 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về Quy tắc ứng xử trong cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục thường xuyên sẽ có hiệu lực từ ngày 28.5. Điều đáng nói của thông tư này quy định “Giáo viên, học sinh, cán bộ quản lý giáo dục không sử dụng mạng xã hội để phát tán, tuyên truyền, bình luận những thông tin hoặc hình ảnh trái thuần phong mỹ tục, trái đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước hoặc làm ảnh hưởng xấu đến môi trường giáo dục.“ (hết trích).
Nói thẳng ra là họ cấm giáo viên, học sinh và cán bộ quản lý không được chỉ trích cái thối tha của giáo dục, không chỉ trích đường lối phản giáo dục mà Đảng đã triển khai trong ngành giáo dục Việt Nam. Vậy đây có khác nào cấm bác sỹ đoán đúng bệnh của mình? Và cái Thông Tư này có khác nào cái bộ veston che lấp vết lở loét của cơ thể ông Nhạ trong chuyện ví von kia?
Cho nên, đối với ngành giáo dục Cộng Sản thì tất cả đều phải chào thua. Không một chuyên gia giỏi nào, không một nhà giáo dục tài năng nào có thể chữa trị được căn bênh của ngành này cả. Cách xử lý như vậy của ông Phùng Xuân Nhạ đã làm toàn xã hội bất lực nhìn giáo dục nát hơn nữa, và đạo đức xã hội tiếp tục lao dốc. Phải nói là hết thuốc chữa rồi./.

Việt Nam Quốc tang: Ông Trọng ‘‘biến mất’’, ‘‘tranh đoạt quyền lực’’ bắt đầu ?



Điều gây chú ý nhất trong lễ Quốc tang tướng Lê Đức Anh, nguyên chủ tịch nước Việt Nam, hôm 03/05/2019, là sự vắng mặt của lãnh đạo Việt NamNguyễn Phú Trọng. Sự vắng mặt này có ý nghĩa như thế nào đối với chính trường Việt Nam ? Nhà báo Phạm Chí Dũng từ Sài Gòn phân tích.
Những điều gì đáng chú ý trong lễ tang ông Lê Đức Anh ?
Điểm đáng chú ý nhất trong lễ tang này, đó là không phải sự quan tâm đối với người đã chết, mà là sự hiện diện hay không của người còn sống – ông kiêm hai chức, tổng bí thư và chủ tịch Nước Nguyễn Phú Trọng. Điều đặc biệt nhất trong lần này ông Nguyễn Phú Trọng đã không xuất hiện, mặc dù trước đó khoảng một tuần, bộ Ngoại Giao đã chính thức thông báo là ông Nguyễn Phú Trọng sẽ làm trưởng ban Tang lễ. Và sau đó, chủ tịch Quốc Hội là Nguyễn Thị Kim Ngân cũng thông báo là sức khỏe của đồng chí tổng bí thư, chủ tịch Nước đang hồi phục nhanh chóng. Và người ta trông chờ sự xuất hiện của ông Nguyễn Phú Trọng với một sự quan tâm chưa từng có.
Tôi nhớ rằng, đã lâu lắm rồi, mà có thể là chưa từng có một lễ tang nào mà người dân – khối cán bộ, công chức lại quan tâm đến mức như thế.
Và điểm thứ hai là khi ông Nguyễn Phú Trọng không xuất hiện, thì trưởng ban Lễ tang lại rơi vào một người khác. Đó là quan chức, phó thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình, cũng là một ủy viên Bộ Chính Trị. Tuy nhiên, sự xuất hiện của ông Trương Hòa Bình, với tư cách trưởng ban Tang lễ tướng Lê Đức Anh dường như có một sự mâu thuẫn rất lớn với một nghị định của chính phủ số 105, quy định phải là tổng bí thư hoặc chủ tịch Nước làm trưởng ban Lễ tang (1).
Từ việc ông Nguyễn Phú Trọng không có mặt trong lễ tang có thể suy ra những gì đang hoặc sắp diễn ra trong chính trường Việt Nam ?
Trước mắt là vấn đề cá nhân, vấn đề sức khỏe của ông Nguyễn Phú Trọng. Và sau đó vấn đề thứ hai là những người có thể kế nhiệm Nguyễn Phú Trọng, và những thay đổi có thể dẫn đến đảo lộn trong chính trường Việt Nam trong thời gian tới, có lẽ là không bao lâu nữa.
Về sức khỏe của ông Nguyễn Phú Trọng, mặc dù có những thông tin tích cực về việc điều trị của ông ta. Có những thông tin trước đó một tuần là ông ấy đang phục hồi, rồi tập xe lăn, cũng như tập nói, tập phát âm. Nhưng mà cho tới nay, đã hơn nửa tháng, từ khi ông Trọng bị một biến cố về sức khỏe ở Kiên Giang, nơi được gọi là « căn cứ địa cách mạng » của gia tộc Nguyễn Tấn Dũng, đã không có bất kỳ hình ảnh nào của ông Trọng. Mặc dù, báo chí, báo Đảng, hệ thống tuyên giáo vẫn ra rả đưa tin về chuyện ông Trọng, hôm nay gửi thư, điện chúc mừng giới lãnh đạo Bắc Triều Tiên, ngày mai gửi thư điện mừng đến một số quốc gia khác. Thậm chí là kể cả hình ảnh ông Trọng ngồi trên giường bệnh cũng không có nổi. Điều đó cho thấy là vấn đề sức khỏe của ông Trọng không thể là vấn đề nhỏ, mà là vấn đề rất lớn.
Trong khi đó, chúng ta thấy chính trường Việt Nam đã bắt đầu có những xáo trộn ngầm. Dường như mọi chuyện đang ngưng trệ về nhiều mặt, khi ông Nguyễn Phú Trọng phải điều trị.
Đang điều trị hay là biến mất khỏi chính trường ?
Nếu nói là « biến mất » khỏi chính trường, thì người ta lại cho rằng tôi nói theo « thuyết âm mưu ». Nhưng thực sự là, trong nhiều trường hợp, thuyết âm mưu ở Việt Nam (hay cũng có thể gọi là các suy đoán, hay « tin đồn ») lại khá là gần với thực tế. Nếu kể đến trường hợp của trưởng ban Nội Chính Nguyễn Bá Thanh cuối 2014, đầu 2015, của bộ trưởng Quốc Phòng Phùng Quang Thanh giữa năm 2015, hay Trần Đại Quang, chủ tịch Nước vào năm 2017, 2018, thì có khá nhiều thuyết âm mưu, các thông tin đồn đoán bên ngoài, liên quan đến thuyết âm mưu đó lại được xác thực sau đó.
Cũng cần phải nhắc lại một hoàn cảnh của ông Trần Đại Quang. Trước khi chết chỉ có một, hai ngày ông Trần Đại Quang còn gửi thư, điện đến một số nước, và còn tiếp đoàn Trung Quốc. Sau đó thì ông ta lăn ra chết.
Nói như vậy, để cho thấy rằng, ở góc độ nào đó, khách quan mà nói, thuyết âm mưu (hay tin đồn) nó sẽ có tính xác thực, nếu như được thực tế chứng minh là đúng. Trong trường hợp ông Nguyễn Phú Trọng, có thể nói rằng, dùng từ ông ta « mất tích » hay « biến mất » khỏi chính trường Việt Nam, trong trường hợp này, vẫn có thể được. Chúng ta có thể so sánh, khi ông Trọng còn bình thường, chưa gặp vấn đề về sức khỏe, ít nhất trên mặt công luận, báo chí, thì tần suất xuất hiện là từ 2 đến 4 ngày, chậm lắm là 5 ngày. Có những giai đoạn, hàng ngày xuất hiện đều đặn. Nhưng từ 14/04/2019, khi xảy ra sự biến Kiến Giang, thì đã hơn nửa tháng rồi. Mà không xuất hiện, thì có thể dùng từ biến mất, hoặc mất tích
Xin giải thích rõ hơn về cái gọi là « thuyết âm mưu » ?
Với Nguyễn Phú Trọng, hiện nay có hai thuyết âm mưu, hay cũng có thể gọi là « suy đoán ». Một là ông Trọng cố ý, để né tránh việc đi « chầu Thiên tử ở phương Bắc », liên quan đến hội nghị BRI – thượng đỉnh Sáng kiến Một vành đai, Một con đường, do Trung Quốc tổ chức lần thứ hai. Thay vào đó là thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Đó là thuyết âm mưu thứ nhất. Và thuyết âm mưu nữa là ông Nguyễn Phú Trọng có thể là rơi vào tình trạng bệnh tật chủ ý như vậy, là một thủ đoạn chính trị, mang tên là « giả chết bắt quạ », thường được các triều đại Trung Quốc trong lịch sử sử dụng.
Hai suy đoán này có cơ sở không ?
Về thuyết âm mưu thứ nhất, để tránh đi hội nghị BRI ở Trung Quốc, có một cơ sở trước đó. Nguyễn Phú Trọng đã có một số động tác giãn Trung, và song song với giãn Trung là ngả về Mỹ. Biểu hiện chứng minh rõ ràng nhất, cho việc ngả về Mỹ, là cuộc gặp tổng thống Mỹ Donald Trump ở Washington sắp tới, nếu ông ta kịp phục hồi sức khỏe. Và trong cuộc gặp đó hai bên sẽ bàn về vấn đề tăng cường và làm sâu sắc thêm quan hệ hợp tác quốc phòng, và đặc biệt là vấn đề Biển Đông. Và kể cả sự hiện diện của một tàu sân bay thứ hai của Mỹ tại Biển Đông, có thể ngay tại cảng Cam Ranh. Và có thể bàn tiếp vấn đề hợp tác cấp chiến lược Việt – Mỹ.
Đó là cơ sở cho thuyết âm mưu về việc Nguyễn Phú Trọng tránh đi Trung Quốc. Tuy nhiên, để thuyết âm mưu này đúng, thì nó phải diễn ra một việc khác : Nếu Nguyễn Phú Trọng chủ động tạo ra tình trạng bệnh tật của mình đủ nặng, để khỏi phải đi Trung Quốc, thì ông ta đã phải tìm cách thông tin, bắn tin cho Trung Quốc, đặc biệt cho các cơ quan tình báo Trung Quốc nắm được việc này, tình trạng bệnh tật của ông ta như thế nào. Nếu như vậy, thì ông ta phải thông qua một cái kênh rất ưa thích : báo Đảng. Vấn đề là, làm sao để lý giải được : Vì sao từ ngày 14/04 ở Kiên Giang đến nay, đã không có bất cứ một dòng một chữ nào từ báo Đảng, về tình trạng bệnh tật thực chất của Nguyễn Phú Trọng, mà chỉ nói theo Tuyên giáo, có vấn đề gì đó. Còn dư luận viên thì nói là ông ta chỉ bị choáng nhẹ. Thế thì việc Nguyễn Phú Trọng không sử dụng kênh báo Đảng, cho thấy, cũng giống như các trường hợp đã xảy ra của Nguyễn Bá Thanh, Phùng Quang Thanh, Trần Đại Quang : Đảng giấu thông tin, bưng bít thông tin, ém nhẹm thông tin, chủ ý là không thông tin ra ngoài. Mà không thông tin ra ngoài, thì làm sao Trung Quốc có thể nắm được ? Mà nếu Trung Quốc không nắm được, thì làm sao có cơ sở để tin là bệnh thật.
Chuyện thứ hai là, nếu Nguyễn Phú Trọng chủ ý tạo ra bệnh của mình để « giả chết, bắt quạ », để thanh trừng trong nội bộ Đảng, thì ta lại vướng ngay phải điều mà dân gian gọi là « gậy ông, đập lưng ông ». Cái bẫy mà ông ta giăng ra với các đối thủ chính trị (bị sử dụng ngược lại). Quy định đưa ra năm 2018 : ủy viên Bộ Chính Trị, các ứng cử viên tổng bí thư phải bảo đảm được sức khỏe, có nghĩa là phải được sự xác nhận của ban Bảo vệ và Chăm sóc Sức khỏe Trung ương, hàng tuần, hàng tháng, và thậm chí hàng ngày…. Nếu như người ta nghĩ là ông ta bị bệnh (thật), thì sẽ có những phản ứng thậm chí mạnh mẽ.
Vì thế, cả hai thuyết âm mưu đều không đủ cơ sở thuyết phục. Mà giả thuyết thực tế nhất, gần gũi nhất, dễ cảm nhận được nhất, là ông ta ở cái tuổi này, đã bị một căn bệnh hành hạ. Nếu không cẩn thận, thì ông ta sẽ đi theo Trần Đại Quang và tướng Lê Đức Anh.
Một số dấu hiệu khác trong lễ tang có thể cho phép nhận định về những gì diễn ra trong chính trường Việt Nam ?
Tôi không nghĩ rằng có những dấu hiệu, dù là đặc biệt chăng nữa, trong lễ tang ông Lê Đức Anh lại đủ lớn, đủ sâu, để có thể cho thấy xu hướng, hoặc sự thay đổi lớn trong chính trường Việt Nam, ngoài yếu tố duy nhất như tôi đã nêu. Và nhiều người khác cũng đã biết. Đó là Nguyễn Phú Trọng không thể xuất hiện, và ông ta đang nằm nguyên trong tình trạng khó khăn về sức khỏe.
Khi Nguyễn Phú Trọng rơi vào tình trạng sinh, lão, bệnh, tử, như một quy luật không thể bác bỏ, thì ông ta buộc phải để lại một khoảng trống quyền lực rất lớn. Bây giờ có đến hai ghế (bị khuyết), chứ không phải một, là tổng bí thư và chủ tịch Nước. Khoảng trống quyền lực càng lớn thì chỗ trũng càng sâu, và nước chảy càng mạnh.
Có nghĩa là sẽ dâng lên một làn sóng, các quan chức cấp dưới của Nguyễn Phú Trọng, nổi lên để tranh đoạt quyền lực với nhau. Đang diễn ra một làn sóng ngầm, phân chia lại quyền lực. Giữa ba khối, khối Đảng, khối hành pháp và khối lập pháp.
Trước đây, khối Đảng chỉ huy tất cả, theo nguyên tắc là Đảng lãnh đạo toàn diện. Và gần đây nhất, từ năm 2017 đến nay, xuất hiện một quan điểm rất phổ biến trong nội bộ trong Đảng, là Đảng không làm thay, mà Đảng làm luôn.
Vào lúc cơ chế độc tôn, tập trung quyền lực vào tay Nguyễn Phú Trọng suy giảm, thì sẽ kéo theo việc cơ chế tập trung quyền lực về cấp trung ương cũng suy giảm theo. Tôi nghĩ rằng sẽ dẫn đến một hệ quả tất yếu là : Khối hành pháp và khối lập pháp sẽ dần dần tách ra khỏi khối Đảng, tăng cường tiếng nói của mình. Một cách độc lập tương đối, hơn là phụ thuộc gần như tuyệt đối vào khối Đảng trước đây. Không biết có phải là ngẫu nhiên hay không, mà trong thời gian ông Trọng bị bệnh, bị « mất tích », thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có một đề nghị đáng chú ý với Quốc Hội, là tăng quyền cho thủ tướng, một số quyền không quá quan trọng, nhưng có một động thái như vậy.
Tôi cho rằng mọi chuyện bắt đầu, và sắp tới sẽ diễn ra hai khuynh hướng. Khuynh hướng phân chia lại quyền lực giữa ba khối, và khuynh hướng ly tâm giữa khối địa phương với cấp trung ương. Và song song là xu hướng hình thành gần như chắc chắn một số « sứ quân » quyền lực hành chính và một số sứ quân lợi ích riêng, mà chúng ta thường gọi là « nhóm lợi ích ».
Nhiều người ghi nhận ông Trần Quốc Vượng, thường trực Ban Bí Thư, tức nhân vật số hai của Đảng, trong một số bức ảnh cho thấy đi một mình đến viếng, trong khi hai phái đoàn, của chính phủ và của Đảng, lại đều do thủ tướng đứng đầu. Phải chăng sự phân hóa, như nhà báo Phạm Chí Dũng nhận định, đã bắt đầu trong chính lễ tang này ?
Đúng là ông Trần Quốc Vượng lẻ loi, cô độc. Ông ta không nằm trong một đoàn nào cả, một đám đông nào cả. Tôi đặt câu hỏi là : Phải chăng đã có một sự sắp xếp cố ý ? Tôi cho đó đã là một thủ thuật chính trị, để chơi xấu lẫn nhau. Nếu đúng như vậy, thì đó quả là một sự phân hóa không nhỏ đâu.
Sau đám tang Lê Đức Anh, sắp tới vào giữa tháng Năm này sẽ diễn ra hội nghị trung ương 10. Nếu không có Nguyễn Phú Trọng, hoặc có Nguyễn Phú Trọng mà không có những nội dung đặc sắc theo ý của Nguyễn Phú Trọng, thì tôi nghĩ là ngay trong hội nghị đó sẽ diễn ra những phân hóa còn lớn hơn nữa, giữa khối Đảng, hành pháp và lập pháp. Và lúc đó, người ta sẽ chứng kiến vai trò của ông Trần Quốc Vượng, nếu không cẩn thận sẽ trở nên mờ nhạt đáng kể, không kém thua hình ảnh mờ nhạt của ông ta tại lễ tang của tướng Lê Đức Anh.
***
  1. Nhà báo Phạm Chí Dũng đã ghi nhận chính xác về việc có một mâu thuẫn « rất lớn » giữa vai trò « trưởng ban Lễ tang » trong Nghị định 105 về « Tổ chức lễ tang với cán bộ, công chức, viên chức » với diễn biến của buổi lễ ngày hôm qua. Trên thực tế, phụ trách Quốc tang có hai chức « trưởng ban ». Trưởng ban Lễ tang Nhà nước phải là nguyên thủ, hoặc tổng bí thư, và trưởng ban Tổ chức Lễ tang là một phó thủ tướng. Có trách nhiệm đọc điếu văn là trưởng ban Lễ tang Nhà nước. Như vậy, người làm thay vai trò của ông Nguyễn Phú Trọng không phải là phó thủ tướng Trương Hòa Bình, mà là thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, người đọc điếu văn hôm 03/05.

Cái giá phải trả nếu chấp nhận độc tài tòan trị


Quan nhất thời, dân vạn đại” nghĩa là quan chức nắm quyền chỉ là nhất thời, nhân dân với mãi mãi. Hay nói rộng hơn, triều đại nào rồi cũng kết thúc, chỉ có quốc gia là tồn tại mãi. Ngày xưa, mỗi triều đại phong kiến tồn tại đến hàng trăm năm, nó cột chặt vận mệnh đất nước với số phận triều đại đó. Triều đình thịnh, đất nước hùng mạnh; triều đình suy đất nước cũng suy theo. Vậy rõ ràng, với sự cột chặt số phận vào một triều đại thì phong kiến như vậy nó cứ đưa đất nước thịnh phút chốc rồi kéo đất nước suy yếu triền miên. Điều này nó làm cho mọi quốc gia thời xưa cứ tiến bao nhiêu rồi cuối cùng cũng lùi bấy nhiêu. Kết quả hàng ngàn năm các triều đại phong kiến nối tiếp nhau cai trị, xã hội loài người vẫn không hề phát triển.
Trong thời kỳ hiện đại, một triều đại có thể được tạm hiểu là chu kỳ nắm quyền của đảng cầm quyền. Ở tại những quốc gia đa nguyên đa đảng, thì đảng cầm quyền có chu kỳ nắm quyền tầm 5 năm (Hoa Kỳ chỉ có 4 năm) một khoản thời gian đủ để nhân dân kiểm chứng năng lực của đảng đó như thế nào? Nếu có năng lực tốt, tức kéo được sự phát triển đất nước đi lên thì dân sẽ bỏ phiếu để chọn đảng này tiếp tục cống hiến cho đất nước. Đến khi đảng này suy, lá phiếu người dân sẽ truất phế vai trò lãnh đạo của đảng này và thay bằng đảng khác để xứng đáng hơn.
Sự luân phiên lãnh đạo đất nước trong một nền chính trị đa đảng, về bản chất nó đã cắt đi sự gắn chặt số phận đất nước vào một đảng phái. Nó tận dụng những cái ưu của đảng phái trong một giai đoạn ngắn mà đất nước cần, cho nên những quốc gia dân chủ họ luôn tiến và bỏ ngày một xa những quốc gia độc tài. Đa đảng trong một môi trường dân chủ là vậy, là lấy cái tinh túy của đảng phái để đất nước phát triển. Con số tăng trưởng kinh tế không nói lên nhiều, mà chất lượng một nền chính trị mới quyết định sự thịnh suy của một quốc gia. Lợi dụng sự kém hiểu biết của người dân Việt Nam, ĐCSVN đã dùng những chỉ số tăng trưởng kinh tế để khỏa lấp một nền chính trị mang tính phá hoại của ĐCS.
Như đã nói, một triều đại phong kiến nó cột chặt số phận đất nước với nó đã làm cho hàng chục thế hệ sống như con vật, từ khi sinh ra đời đến khi về với đất đều sống trong bể khổ, bất an, mất tự do, thiếu thốn, và sợ hãi thường trực. Cuộc sống của nhân dân một nước vào lúc triều đại suy, thực chất nó như con vật nuôi nhốt chờ giết thịt chứ không bằng con vật hoang dã. Triều đình Hậu Lê (1428-1789) kéo dài đến 361 năm, nhưng thời kỳ thực sự thịnh thì bao lâu? Đất nước bắt đầu hồi phục sau chiến tranh dưới thời vua khai quốc Lê Thái Tổ, sau đó cực thịnh vào đời vua Lê Thánh Tông (1442-1497), và thành quả của Lê Thánh Tông để lại thì triều Hậu Lê này còn thịnh đến 30 năm sau khi vua lê Thánh Tông qua đời. Như vậy dưới triều đại Lê Sơ (tức Hậu Lê), Việt Nam có tổng cộng tầm 100 năm phát triển và thịnh vượng, còn sau đó là 260 năm là đất nước lầm than, chiến tranh loạn lạc. Lấy triều Hậu Lê để làm ví dụ, vì Hậu Lê là triều đại trị vì lâu nhất Việt Nam. Còn với những những triều đại khác, thời kỳ thịnh vượng không lâu đến như vậy.
Vậy qua đây chúng ta thấy nổi lên điều gì? Hầu hết mọi triều đại phong kiến, dù cho thịnh nhất thì thời gian đất nước hưng thịnh chỉ chiếm chừng từ 1/3 đến 1/4 tuổi thọ của triều đại đó mà thôi. Đấy là cái điểm yếu chết người của một triều đại phong kiến chuyên chế. Bản chất của phong kiến nó là độc tài toàn trị, nó gắn chặt số phận đất nước với một triều đại, và chính như vậy, Champa đã bị xóa xổ và các tộc người Chăm cũng đã gần như diệt vong. Triều đại suy, nếu cột chặt số phận quốc gia vào triều đại đó, rất có thể đất nước đó cũng mất theo. Và đất nước Việt Nam trong đó có 100 triệu dân hiện nay đang bị cột chặt số phận mình vào tảng đá khổng lồ mang tên ĐCS. Không ai không thấy ĐCSVN hiện nay đang chìm và kéo theo số phận Việt Nam.
Chỉ có con đường dân chủ hóa đất nước thì mới đảm bảo cho đất nước phát triển bền vững. Cái ưu việt của một thể chế dân chủ là luân phiên lãnh đạo. Sự trả giá nếu có của một đất nước chỉ gói gọn trong một nhiệm kỳ cầm quyền của đảng đó mà thôi, không thể có chuyện đất nước lâm vào cảnh lầm than đến gần 3 thế kỷ như thời Hậu Lê được. ĐCS đã cầm quyền đã 74 năm mà chưa một lần làm cho đất nước hưng thịnh như những triều đại phong kiến trong quá khứ, thì nó đã đi đến hồi thối nát rồi. Điều này cũng có nghĩa là, dưới triều đại CS, VN không có lấy một năm nào gọi là thịnh vượng cả. Sẽ không có sự bứt phá nào của đất nước trong triều đại CS này, đất nước sẽ từ từ lún xuống đáy của thế giới để rồi phải trả bằng một cái giá rất đắc – mất nước. Vì với CS, đất nước là thứ hoàn toàn có thể đem bán./.

Bà con nỡ lòng nào



Mấy ngày nay dân chúng trong cả nước đang rất bất bình về việc GIÁ ĐIỆN VÀ GIÁ XĂNG DẦU ĐỒNG LOẠT TĂNG MỨC ĐỘ PHI MÃ. Cũng phải thôi, đây là hai mặt hàng ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của người dân, và tác động rất lớn đến sản xuất kinh doanh. Khi giá điện, giá xăng tăng nó sẽ cấu thành già thành sản phẩm cao, do vậy sẽ làm giảm chỉ số tiêu dùng, và giảm sức cạnh tranh đối với những mặt hàng xuất khẩu.
Cái đám dân chúng hay suy nghĩ thiển cận, chỉ nghĩ đến quyền lợi của mình, động chạm đến quyền lợi kinh tế là nhảy sếch lên mà không lo cho đất nước đang nợ nần chồng chất. Đảng và chính phủ đang lo sốt vó lên về khoản nợ công vượt trần GDP, tới mức trên 230 tỷ đô la. Mỗi ngày phải mở hầu bao trả tiền lãi 50 triệu đô là. Nếu không lo trả nợ được thì Đảng và Chính phủ nguy to. Phải nhớ lời dặn của TBT Nguyễn Phú Trọng: “còn Đảng còn mình”. Cho nên hãy vén cạp quần lên một chút để chung tay cùng Đảng và Chính phủ gánh vác nhiệm vụ trọng đại tháo gỡ núi nợ vượt tầm mắt.
Để bà con suốt từ Bắc vô Nam thông cảm cho Đảng và Chính phủ, xin tiết lộ thông tin nội bộ chút đỉnh: Trong các cuộc họp của UB Thường vụ QH, đã rất lấn cấn khi bàn về ngân sách, về nợ nần. Chủ nhiệm UB Kinh tế của Quốc hôi Nguyễn Đức Kiên báo cáo: “không còn đất để bán ngân sách sẽ âm nguồn thu”. Còn phó vụ trưởng vụ chính sách thuế Bộ Tài chính Nguyễn Văn Phụng thì nói: “không tăng thuế thì hán hẳn biển đông cho Trung quốc”.
Đấy, tình hình gay cấn lắm rồi. Nỡ nào bà con lại để Đảng và Chính phủ bán biển Đông cho TQ theo gợi ý của bộ Tài chính? Thôi thì cứ gồng mình lên mà nộp đủ thuế để cứu lây biển Đông, cứu lấy Đảng./.

Điện! diễn kiểu nào cũng dở!



Hơn tuần lễ nay dư luận dậy sóng vì câu chuyện điện.
Có rất nhiều giả định được nêu trong dân chúng:
1. Các nguồn khác cạn kiệt rồi, anh BOT đang bị dồn đến chân tường, kiểu gì rồi cũng phải điều chỉnh, nó không béo ngậy thơm, lừng hoài được. Phải nhờ anh điện gánh vác đỡ.
Khoáng sản đào lên bán sạch, càng bán càng lỗ. Nay bằng mọi cách phải tạo “Nguồn” để nuôi cái cần nuôi.
2. Dân Việt tiếng thế nhưng rất hiền. Tăng vậy chứ tăng nữa thì họ “Ồn ào nhưng vẫn lặng im” như vần thơ của Nguyễn Long mà thôi.
3. Nó là cái thiết yếu, ai kêu thì cứ kêu nhưng cắt điện cho 5 giờ là cong hết lên. Bằng chứng là món BOT đặt trạm ở Bình thuận thu phí cho Đồng Nai, Đặt ở Hà Nội thu cho chặng tận Vĩnh Yên vẫn phải chịu!
4. Dân mạng nói gì thì nói mà nghe với nhau cho …buồn, khi báo chí chính thống không dám dấn thẳng vào vấn đề cốt lõi, chưa sợ.3. Nó là cái thiết yếu, ai kêu thì cứ kêu nhưng cắt điện cho 5 giờ là cong hết lên. Bằng chứng là món BOT đặt trạm ở Bình thuận thu phí cho Đồng Nai, Đặt ở Hà Nội thu cho chặng tận Vĩnh Yên vẫn phải chịu!
Tạm nêu từng ấy cách, có thể trúng cái này hay cái khác, hoặc trúng tất, nhưng trúng cái nào cũng dở.
Đó là vấn đề sâu sắc, cốt lõi.
Giờ đến chuyện “Diễn”
Hôm, nay xem báo Tuổi trẻ, thấy có bài báo “Thủ tướng yêu cầu báo cáo việc tăng giá điện”.
Hay thật.
Nội dung, tính chất cái tin này giống như kiểu “Thủ tướng yêu cầu báo cáo về dịch cúm gà” hoặc “Thủ tướng yêu cầu báo cáo về vụ sập cầu N” chẳng hạn.
Có nghĩa là, đây là một vấn đề thời sự, một cú nảy sinh, một vụ việc bất thường như hai cái ô tô chở gạch húc vào nhau văng tứ tung ra, gây ảnh hưởng đến vài cái xe khác.
Có hai giả định được nêu:
Một là Thủ tướng không biết thật, giờ mới biết, thật đáng trách!.
Hai là Thủ tướng biết (Sao không biết được một chuyện hệ trọng như thế này), phương án nâng giá điện khủng khiếp, phải là chuyện hệ trọng, làm sao ngành điện “qua mặt” thủ tướng được.
Nếu biết mà bây giờ phải làm như xem xét lại rồi triết giảm một tí chút, như là để trấn an dư luận thì càng phiền.
Hình như (cứ cho là hình như thôi, cho nó lành) ông Thủ tướng bận kinh bang tế thế, không có thời gian quan sát vụ này nên chỉ thấy “Làm như vậy nhân dân “Tâm tư” lắm thôi.
Cho nên Ngài hướng đến giải quyết lại, là để giải quyết cái “Tâm tư” thôi, chứ về cốt lõi, từ tàn tàn rồi mọi việc sẽ đâu vào đó!.
Rất có thể sau động thái này, ngành điện sẽ “Chấp hành chỉ thị của TTg” giảm một chút giá điện.
Ví như giá điện đang là 100 đồng, vừa rồi tăng lên tới 170 đồng, nay thấy ồn ào quá, sẽ giảm xuống khoảng…10 đồng, còn 160 đồng, là xong!.
Lầm!.
Khi anh “vặt lông” giới xe cộ qua BOT, thực chất ảnh hưởng đến khoảng 20% dân số “dính” trực tiếp đến xe.
Nhưng khi đánh vào giá điện là ông đánh đánh vào nồi cơm từng nhà !.
Không ổn đâu!.
Làm ơn nhanh tay lên, dội một gáo nước lạnh vào chính cái đầu của mình cho tỉnh ta!.
Thật đấy các bề trên ạ!.
NHC

Nghề ăn trộm giờ hợp pháp rồi nhé!


Hoàng Hải Vân|

4 kẻ trộm được miễn tố, người bị trộm do phải tự vệ để bảo vệ tài sản của mình thì bị truy tố và yêu cầu bồi thường vì hành vi tự vệ đã gây thương tích cho kẻ trộm. Tóm tắt vụ án là như rứa. Nếu thành án lệ thì từ nay sẽ như thế này :
1- Ăn trộm trở thành một nghề hợp pháp (không bị truy tố). Bà con không được gọi là thằng ăn trộm nữa mà phải lễ phép gọi là anh ăn trộm hoặc ông ăn trộm.
2- Nếu các anh ăn trộm đến nhà, bà con phải mời uống nước, các anh ấy muốn uống bia hay cà phê thì lập tức cung phụng, tuyệt đối không được làm các anh ấy giận. Phải lễ phép hỏi các anh ấy cần cái gì thì đưa ngay cái đó, thứ nào nặng các anh ấy không tự mang đi được thì phải thuê xe chở tới nhà các anh ấy. Nếu để các anh ấy vác nặng té xuống gây thương tích thì bà con đi tù mọt gông đó.
3- Tất cả các hàng rào phải dở bỏ hết, để các anh ấy leo rào vào nhà lỡ ngã gây thương tích thì đồng bào ắt sẽ vào nhà đá gỡ lịch. Khóa cửa cũng tháo bỏ luôn, nếu để các anh ấy cạy khóa trầy tay nhiễm trùng thì bà con cũng sẽ đi tù.
4- Toàn dân phải thu gom tất cả dao rựa gậy gộc trong nhà mang đi nộp cho chính quyền để chính quyền cấp cho ăn trộm, còn bà con tuyệt đối không được sử dụng. Để các thứ đó trong nhà, lỡ các anh ấy tự té vào thì bà con cũng sẽ bị truy tố. Toàn dân sẽ trở về thời kỳ hái lượm, mọi thứ đều phải làm bằng tay.3- Tất cả các hàng rào phải dở bỏ hết, để các anh ấy leo rào vào nhà lỡ ngã gây thương tích thì đồng bào ắt sẽ vào nhà đá gỡ lịch. Khóa cửa cũng tháo bỏ luôn, nếu để các anh ấy cạy khóa trầy tay nhiễm trùng thì bà con cũng sẽ đi tù.
5- Sắp tới sẽ có trường đào tạo ăn trộm, các trường đại học sẽ có khoa ăn trộm, sẽ có bằng thạc sĩ, tiến sĩ ăn trộm. Việt Nam ta sẽ là nước đầu tiên có tỷ phú đô la ăn trộm. Các sách hướng dẫn khởi nghiệp ăn trộm sẽ bán chạy như tôm tươi.
Rứa hỉ! Nếu lãnh đạo công an và các cơ quan tư pháp thấy ngứa mắt khi đọc 5 thực tế có thể diễn ra như trên thì lập tức xử lý vụ án này cho đúng lẽ phải đi !