Friday, February 3, 2017

Thẩm phán yêu cầu Tòa Bạch Ốc trao danh sách cấm nhập cảnh Mỹ

Các tình nguyện viên hỗ trợ tư pháp đã đến để giúp đỡ những người bị kẹt lại sân bay sau lệnh cấm visa của ông Trump.
Các tình nguyện viên hỗ trợ tư pháp đã đến để giúp đỡ những người bị kẹt lại sân bay sau lệnh cấm visa của ông Trump.
Theo VOA- 04-02-2017
Một thẩm phán liên bang ở Virgina ra lệnh cho Tòa Bạch Ốc cung cấp danh sách tất cả những người bị ngăn chặn không được vào Mỹ do sắc lệnh cấm du hành Tổng thống Donald Trump ban hành tuần trước đối với công dân từ 7 nước có đa số dân theo Hồi giáo.
Phán quyết đưa ra trong cùng ngày mà luật sư từ 4 tiểu bang ra tòa kiện sắc lệnh của Tổng thống. Chính quyền Trump nói sắc lệnh vừa ban dựa trên cơ sở an ninh quốc gia, nhưng những người chống đối tố cáo đây là hành động vi hiến.
Bộ Ngoại giao ngày 3/2 cho biết có dưới 60 ngàn visa cấp cho công dân các nước Iran, Iraq, Libya, Somalia, Sudan, Syria, và Yemen đã bị hủy sau sắc lệnh của Tổng thống.
Thẩm phán Leonie Brinkema ở Virgina yêu cầu chính phủ liên bang Hoa Kỳ hạn chót là thứ năm tuần tới phải cung cấp danh sách tất cả những ai bị khước từ nhập cảnh hoặc bị trục suất ra khỏi Mỹ.
Sắc lệnh hôm 27/1 của ông Trump đã khơi mào tình trạng lộn xộn tại các phi trường Mỹ cuối tuần qua. Lệnh cũng tạm thời ngưng không cho người tị nạn vào nước Mỹ cũng như dừng vô thời hạn việc tái định cư cho người tị nạn Syria.

UNHCR bó tay trong vụ tị nạn Việt không được đến Mỹ

Hoàng Long
Theo VOA-03.02.2017 
Một quan chức đại diện Cao ủy Người Tị nạn Liên Hiệp Quốc (UNHCR) ở Thái Lan thừa nhận họ không biết liệu Mỹ có tiếp tục cho phép người tị nạn nhập cảnh hay không sau lệnh cấm 120 ngày trong sắc lệnh hành pháp mà Tổng thống Donald Trump ký ban hành hôm 27 tháng 1, và rằng không có cách nào khác ngoài việc chờ đợi.
Quan chức này nói với thông tín viên Ron Corben của VOA Tiếng Anh như vậy sau khi VOA Tiếng Việt mới đây đưa tin về trường hợp của một người đàn ông Việt Nam cùng vợ và hai con bị đình chỉ chuyến đi đến Mỹ định cư vào ngày 8 tháng 2 theo diện người tị nạn.
Jennifer Bose, viên chức báo cáo cho văn phòng UNHCR tại Bangkok, nói rằng Liên Hiệp Quốc sẽ cung cấp hỗ trợ cho những gia đình bị ảnh hưởng như một vấn đề thuộc về chính sách của cơ quan này.
UNHCR không bình luận với giới truyền thông về những trường hợp đơn lẻ.
Bà Bose cho biết có “vài trăm” người chuẩn bị rời đi trong vòng vài tuần tới theo chương trình tái định cư nhưng giờ đã bị tạm ngưng.
“Điều mà chúng tôi đang làm bây giờ là chờ xem chuyện gì xảy ra sau 120 ngày, bởi vì chúng tôi cũng không biết nhiều hơn các bạn. Chúng tôi vẫn đang liên lạc với giới hữu trách và Đại sứ quán Mỹ để cố gắng hiểu được tình hình. Nhưng chúng tôi phải chờ xem chuyện gì sẽ xảy ra bởi vì ngay bây giờ chúng tôi không biết,” bà Bose nói.
Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng, người giúp chuẩn bị hồ sơ xin định cư của gia đình nói trên và là chủ tịch của Ủy ban Cứu Người Vượt Biển (BPSOS), cho biết họ không phải là gia đình người Việt duy nhất bị ảnh hưởng vì lệnh cấm của Mỹ.
“Còn nhiều gia đình khác mà chúng tôi can thiệp trong thời gian qua đã thành công sau rất nhiều năm – ba năm, năm năm, bảy năm,” ông nói. “Bây giờ cuối cùng họ có cơ hội đến một quốc gia tự do là Hoa Kỳ thì bị đình hoãn hết tất cả và không biết là sẽ phải chờ đợi bao lâu mới được cứu xét trở lại để mà đi định cư tại Hoa Kỳ.”
Tiến sĩ Thắng nêu lo ngại rằng việc người tị nạn không được đi định cư cứ lần lữa ở lại trên đất Thái Lan có thể gây nên áp lực buộc nước này tìm cách hồi hương thay vì công nhận họ là người tị nạn.
“Lệnh vừa rồi của Tổng thống Donald Trump có lẽ không cố tình nhưng mà vô hình trung đã tạo nên một sự rối loạn ở trong chương trình tị nạn, không riêng của Hoa Kỳ mà có thể lan ra khắp thế giới,” ông nói thêm.
Tổng thống Trump trong một thông cáo Chủ nhật tuần trước nói rằng “[nước Mỹ] sẽ tiếp tục thể hiện lòng trắc ẩn đối với những người chạy lánh sự áp bức, nhưng chúng ta sẽ làm như vậy trong khi bảo vệ người dân và biên giới của chính chúng ta.”
Chính quyền Trump hôm thứ Ba cho hay 872 người tị nạn sẽ vẫn được cho phép nhập cảnh Mỹ bất chấp lệnh cấm người tị nạn của Tổng thống. Kevin McAleenan, Quyền Cục trưởng Cục Hải quan và Bảo vệ Biên giới Hoa Kỳ, giải thích lý do là những người tị nạn này đã lên đường sang Mỹ và việc ngăn cản họ sẽ gây nên “khó khăn quá mức.”
Ngoài việc tạm ngưng chương trình người tị nạn của Mỹ trong 120 ngày, sắc lệnh hành pháp của Tổng thống Trump còn đình chỉ vô thời hạn việc tiếp nhận người tị nạn đến từ Syria và ngăn cản công dân đến từ bảy nước có đa số dân là người Hồi giáo nhập cảnh Mỹ trong vòng 90 ngày.

Tôi phản đối sắc lệnh về tị nạn và di dân

Người biểu tình phản đối chính sách tị nạn và di dân bên ngoài Tòa Bạch Ốc, ngày 29/1/2017.
Người biểu tình phản đối chính sách tị nạn và di dân bên ngoài Tòa Bạch Ốc, ngày 29/1/2017.
Bùi Văn Phú
Theo VOA-02.02.2017 
Một tuần sau khi nhậm chức, hôm 27/1/2017 Tổng thống Donald Trump đã ký một sắc lệnh về chính sách tị nạn và di dân của Hoa Kỳ với những hạn chế mới.
Tôi phản đối sắc lệnh này vì nó có thể vi phạm pháp luật hiện tại và Hiến pháp Hoa Kỳ.
Theo sắc lệnh này, việc nhận người tị nạn từ khắp nơi trên thế giới vào Hoa Kỳ sẽ tạm đình chỉ 4 tháng.
Đối với bảy quốc gia gồm Sudan, Iran, Iraq, Yemen, Syria, Libya và Somalia thì các chương trình tị nạn, di dân sẽ bị đình hoãn cho tới khi Bộ Ngoại giao xem xét lại thủ tục thanh lọc những người muốn vào Mỹ, sau đó sẽ tham khảo với giới chức an ninh và quốc phòng để bảo đảm những người được cho vào Mỹ sẽ không đe dọa an ninh Hoa Kỳ.
Bảy quốc gia có tên trong sắc lệnh là những nước với đa số dân theo Hồi giáo. Riêng người dân từ Syria sẽ không được vào Mỹ với tư cách tị nạn cho đến khi có lệnh mới.
Chiều ngày 28/1/2017 hơn một trăm người có nguồn gốc từ 7 quốc gia vừa kể và là thường trú nhân hợp pháp của Hoa Kỳ đã bị nhân viên di trú tra vấn khi qua các phi cảng New York, Philidelphia, Los Angeles và San Francisco.
Hàng nghìn người đã kéo đến phi trường biểu tình phản đối chính sách mới của chính quyền Trump. Nhiều nhà hoạt động dân quyền và luật sư di trú đã có mặt tại chỗ để tìm cách giúp những hành khách bị ảnh hưởng.
Tôi cho rằng việc hành khách từ 7 quốc gia đó bị tra vấn thêm là điều vi phạm luật lệ hiện hành vì mang tính phân biệt đối xử.
Nhiều người Việt có thẻ xanh, đi Việt Nam rồi trở lại Mỹ không có ai bị tra hỏi thêm hay làm khó dễ liên quan đến di trú, nếu đã không có hành vi phạm pháp. Những người từ các quốc gia khác cũng thế, nếu là thường trú nhân Hoa Kỳ cũng không gặp khó khăn khi trở lại Mỹ.
Thế thì tại sao người dân từ bảy quốc gia bị ảnh hưởng bởi sắc lệnh mới, cũng có thẻ xanh, nhưng chỉ vì họ đến từ những quốc gia đạo Hồi thì lại bị đối xử khác biệt?
Tổng thống Trump cho rằng sắc lệnh đó nhằm mục đích bảo đảm an ninh cho nước Mỹ.
Nhiều người phản đối lập luận vừa nêu và cho rằng điều đó sẽ không giúp cho an ninh của Mỹ mà còn có ảnh hưởng xấu tới Hoa Kỳ trên thế giới.
Hầu hết các nhân vật dân cử thuộc Đảng Dân chủ và cũng có một số vị dân cử thuộc Đảng Cộng hòa như các Thượng Nghị sĩ John McCain và Lindsey Graham phản đối sắc luật này.
Các nhà ngoại giao là những người trực tiếp thi hành chính sách tị nạn và di dân của chính phủ Mỹ. Sắc luật mới đã khiến cả nghìn giới chức ngoại giao làm việc tại nhiều nơi trên thế giới bày tỏ ý kiến không đồng tình với chính sách mới của Tổng thống Trump.
Các tổ chức bảo vệ dân quyền mạnh mẽ phản đối và ngay lập tức Liên đoàn Dân quyền Mỹ (American Civil Liberties Union, A.C.L.U) đã đứng đơn kiện hành pháp. Một thẩm phán ở New York ngay sau đó đã ra án lệnh tạm thời không cho giới chức di trú giam giữ những người bị ảnh hưởng bởi sắc lệnh.
Có những ý kiến cho rằng nếu để những người có gốc Hồi giáo nhập cư là sẽ gây nguy hiểm cho Hoa Kỳ bị tấn công khủng bố.
Chính quyền Trump đưa ra lý do an ninh, vì sợ khủng bố xâm nhập vào Mỹ. Nhưng 19 tên khủng bố tấn công vào nước Mỹ ngày 11/9/2001 không phải là người từ 7 quốc gia được nêu tên trong sắc lệnh của Tổng thống Trump. Trong 19 tên khủng bố đó, 15 tên đến từ Saudi Arabia, còn lại từ Ai Cập, Lebanon và United Arab Emirates.
Đồng ý rằng vụ khủng bố tấn công vào nước Mỹ năm 2001 khiến 3.000 người thiệt mạng là một biến cố kinh hoàng. Từ đó các chính sách và biện pháp an ninh của nước Mỹ đã hoàn toàn thay đổi để bảo đảm những vụ tấn công như thế sẽ không xảy ra nữa.
Tại Hoa Kỳ từ đó đến nay đã có thêm một vài vụ tấn công khác mang tính cách khủng bố, như ở Florida và California mà kẻ chủ mưu có nguồn gốc từ quốc gia theo đạo Hồi.
Nhưng trong nội địa nước Mỹ cũng đã có nhiều vụ tấn công giết người hàng loạt không do người Hồi giáo chủ mưu.
Vụ đánh bom vào tòa nhà liên bang ở Oklahoma City năm 1995 làm 168 người chết, mấy trăm người bị thương. Giáng Sinh năm 2012 có nổ súng ở trường tiểu học Sandy Hook gây tử vong cho 21 học sinh.
Năm 2007 một sinh viên gốc Nam Triều Tiên dùng súng tấn công vào trường Virginia Tech University cũng gây tử vong cho 32 người.
Năm 1991 ở Sacramento, California, có ba anh em gốc Việt đem súng vào một tiệm bán đồ điện tử bắt giữ người làm con tin và gây tử thương cho 6 người.
Nhưng chính sách di trú của Hoa Kỳ đã không có những thay đổi nhắm vào người tị nạn hay di dân từ Nam Triều Tiên hay Việt Nam.
Thuyền nhân vượt biển trong trại tị nạn ở Galang, Indonesia 1986. (Ảnh: Bùi Văn Phú)
Thuyền nhân vượt biển trong trại tị nạn ở Galang, Indonesia 1986. (Ảnh: Bùi Văn Phú)
Hơn 40 năm đã trôi qua từ khi xảy đợt di tản của người Việt tị nạn cộng sản năm 1975. Tưởng cũng nên nhắc lại rằng nhiều vị dân cử Mỹ thời đó đã không đồng ý với chính sách của Tổng thống Gerald Ford cho nhận người Việt vào Mỹ định cư. Phản đối mạnh mẽ nhất là các nhân vật dân cử thuộc Đảng Dân chủ như Thượng Nghị sĩ Joe Biden (sau này là phó tổng thống), Thượng Nghị sĩ George McGovern, và Thống đốc California thời đó là Jerry Brown.
Khi có làn sóng vượt biển thì Tổng thống Jimmy Carter đã giang tay đón nhận thuyền nhân và sau nhiều chương trình cho người Việt vào Mỹ định cư như H.O., con lai, ROVR, đến nay vẫn còn chương trình đoàn tụ gia đình đã cho hàng trăm nghìn người Việt có cơ hội định cư tại Mỹ.
Thế thì tại sao chính sách mới của Tổng thống Trump lại ngăn cản những người đến từ một vùng đất khác hay có tôn giáo khác vào Mỹ? Đó là lý do tôi phản đối sắc luật này vì có tính phân biệt đối xử căn cứ vào chủng tộc, tôn giáo.
Người Mỹ gốc Việt cũng đều là người tị nạn chạy trốn áp bức hay di dân vào Mỹ để tìm cơ hội thăng tiến đời sống. Những người đến Mỹ từ những quốc gia khác cũng chỉ có mơ ước như chúng ta.
Hoa Kỳ là một quốc gia hình thành và phát triển bởi những di dân đến từ khắp nơi trên thế giới. Trước khi có biến cố 11/9 đã có nhiều công dân Mỹ với nguồn gốc từ những quốc gia đạo Hồi và, cũng như mọi di dân khác chọn Hoa Kỳ làm quê hương, họ đã đóng góp cho sự phát triển của đất nước này.
Steve Jobs sáng lập ra công ty Apple là người gốc Syria.
Các bài viết được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.

Xúi dân phá bỏ lúa, đưa người Trung Quốc đến làm việc

TTO - Người dân xã Tân Hội Trung (huyện Cao Lãnh, Đồng Tháp) phản ảnh tại địa phương có một doanh nghiệp đang triển khai dự án trồng sen nhưng có nhiều biểu hiện rất bất thường...
Xúi dân phá bỏ lúa, đưa người Trung Quốc đến làm việc
Lúa sắp thu hoạch nhưng người dân phá bỏ để cho doanh nghiệp thuê đất - Ảnh: THÀNH NHƠN
Người dân cho biết đại diện doanh nghiệp này “xúi” người dân phá bỏ lúa dù gần đến ngày thu hoạch, đưa người Trung Quốc đến làm việc, đặc biệt là đưa sinh vật ngoại lai, nguy hại vào nuôi trồng.
Đòi dân phá bỏ lúa sắp thu hoạch để thuê đất
Xúi dân phá bỏ lúa, đưa người Trung Quốc đến làm việc
Giám đốc Trần Văn Hòa - Ảnh: N.TÀI
Chuyện bắt đầu lùm xùm nhiều tháng qua, khi xã Tân Hội Trung bỗng xôn xao có một doanh nghiệp từ phía Bắc đến hỏi thuê đất trồng sen.
Lúc đó là tháng 4-2016, những cánh đồng lúa đang sắp vào ngày thu hoạch thì một số gia đình đột nhiên phá bỏ ruộng lúa. Hỏi ra mới biết doanh nghiệp thuê đất muốn lập tức phá bỏ lúa, chấp nhận thuê đất giá cao và bồi thường thiệt hại cho việc phá lúa.
“Doanh nghiệp chịu bồi thường 10 tấn/ha, với giá bán thị trường thời điểm này là 6.000 đồng/kg. Doanh nghiệp nói cần gấp để lấy đất trồng sen” - một người dân giải thích.
Một người dân khác cũng nói: “Họ thuê lại đất của nông dân trong thời hạn 3 năm, giá khoảng 3,5 triệu đồng/công/năm”.
Theo ông Võ Trung Kiên - phó Phòng NN&PTNT huyện Cao Lãnh, có một doanh nghiệp Hà Nội đến huyện khảo sát tìm quỹ đất rộng khoảng 20ha để trồng sen lấy ngó xuất khẩu. Bước đầu doanh nghiệp cần 2ha để ươm giống, sau sẽ mở rộng lên 20ha để trồng đại trà.
“Bên phòng có trao đổi với doanh nghiệp, đề nghị chờ thu hoạch lúa rồi hãy thuê đất. Doanh nghiệp nói cần đất sớm, nếu không có đất thì họ đi địa phương khác. Chúng tôi đang khuyến khích chuyển đổi cơ cấu cây trồng nên để họ tự thỏa thuận với nông dân” - ông Kiên nói.
Khi được hỏi về danh tính doanh nghiệp thuê đất, ông Kiên chỉ trả lời: “Đó là một công ty ở Hà Nội”. Qua tìm hiểu được biết doanh nghiệp đứng ra thuê đất ở xã Tân Hội Trung là Công ty sen Hoàng Giang, do ông Trần Văn Hòa làm giám đốc.
Thả sinh vật lạ
Ngoài chuyện yêu cầu nông dân phá lúa để thuê đất, điều đáng nói nhất là tháng 11-2016, người dân phát hiện trong ruộng của doanh nghiệp nói trên có thả một số sinh vật lạ.
Ông Nguyễn Văn Hồng - một người dân ở ấp 6 - cho biết ông là người đầu tiên phát hiện sinh vật lạ.
“Lần đó tui đi khai nước vào buổi tối, tui thấy nó bò trên bờ ranh. Tui hoảng hồn vì chưa từng thấy con nào như vậy” - ông Hồng kể.
Theo miêu tả của người dân, sinh vật này hình dáng giống tôm lai với cua, nhìn thoáng qua có phần giống con bò cạp, có màu đỏ, lớp vỏ bên ngoài rất cứng và khá hung dữ.
Mới đầu người dân bắt được một hai con, thấy lạ nên giữ lại để nuôi thử, rồi phát tán ra môi trường ngày càng nhiều.
Ông Trần Văn Hòa - giám đốc Công ty sen Hoàng Giang - thừa nhận sinh vật lạ mà người dân phản ảnh là tôm do ông thả nuôi.
“Tôi không biết con tôm này không được phép nuôi. Có người bạn ở ngoài Bắc họ cho tôi 4kg nói là nuôi ở miền Nam sẽ mập và ăn ngon hơn, nên tôi đem về nuôi thử” - ông Hòa nói.
Khi đặt vấn đề con tôm ăn gì thì ông Hòa lại trả lời là không biết chúng ăn gì. Còn việc tôm của ông Hòa phát tán ra môi trường xung quanh thì ông đổ cho người dân vào bắt trộm.
Nguy hại hơn cả ốc bươu vàng
Ông Phạm Minh Chí - phó phòng thanh tra Chi cục Thủy sản tỉnh Đồng Tháp - cho biết chi cục xác định sinh vật lạ do ông Hòa nuôi là tôm hùm đỏ (hay tôm hùm đất), tên khoa học là Procambarus clarkii, một loại giáp xác nước ngọt, nguồn gốc ở nam Hoa Kỳ, có nhiều khả năng còn nguy hại hơn cả ốc bươu vàng.
Xúi dân phá bỏ lúa, đưa người Trung Quốc đến làm việc
Nhà xưởng của Công ty sen Hoàng Giang tại xã Tân Hội Trung (Cao Lãnh, Đồng Tháp) - Ảnh: N.TÀI
“Theo các tài liệu nghiên cứu, tôm hùm đỏ lớn rất nhanh ngay cả trong điều kiện ít nước. Mùa khô chúng có thể chịu đựng khô hạn đến 4 tháng và vòng đời có thể kéo dài đến 6 năm.
Tác hại của tôm hùm đỏ rất lớn, chúng đào hang rất giỏi nên sẽ phá hại hệ thống kênh mương, có thể làm tan hoang các hệ sinh thái bản địa do ăn tạp. Đặc biệt, chúng mang theo nhiều virút gây bệnh trên tôm, kể cả loài giun ký sinh trên động vật có vú và người” - ông Chí giải thích.
Sau khi xác định được chủng loài, Chi cục Thủy sản Đồng Tháp làm việc với ông Hòa, yêu cầu ông tổ chức tiêu hủy dưới sự giám sát của các cơ quan chức năng.
Đợt tiêu hủy tôm hùm đỏ đầu tiên là vào ngày 6-12-2016, bắt được 33 con tôm sống và 55 con tôm chết. Cùng với việc tiêu hủy tôm, đoàn giám sát còn yêu cầu ông Hòa phun hóa chất để tiêu diệt những con còn sót lại cũng như tôm con nếu có sinh sản.
Đợt tiêu hủy thứ hai là vào ngày 10-12-2016, tổng cộng có 14 con sống và 5 con chết, trong đó có 7 con bắt được bên ngoài ao nuôi của doanh nghiệp.
“Do tôm phát tán ra môi trường nên chi cục kiến nghị địa phương thực hiện nhiều biện pháp ngăn chặn không cho tôm ra ngoài môi trường” - ông Chí cho biết thêm.
Ông Nguyễn Văn Hùm - phó chủ tịch UBND xã Tân Hội Trung - cho biết ngoài nuôi giống tôm hùm đỏ, giống sen do doanh nghiệp của ông Hòa trồng tại địa phương cũng không rõ nguồn gốc, không giống với sen bản địa.
UBND xã đã kiến nghị các ngành liên quan tìm hiểu nguồn gốc chủng loại sen này. “Cái khó là sen của ông Hòa trồng đều... chết hết. Họ đầu tư thuê đất và xây nhà xưởng với số tiền khoảng 10 tỉ đồng nhưng sau một năm vẫn chưa thu được đồng nào từ việc trồng sen” - ông Hùm nói.
Thuê lao động Trung Quốc
Theo ông Nguyễn Thanh Hải - trưởng Công an huyện Cao Lãnh, trước đó có một số lao động Trung Quốc làm việc tại cơ sở của ông Hòa nhưng sử dụng visa du lịch.
Hiện số lao động này đã thực hiện đầy đủ thủ tục theo quy định nên được cấp tạm trú tại địa phương.
“Sau bổ sung các loại giấy tờ và hoàn thành thủ tục cần thiết, đến thời điểm này số lao động Trung Quốc này vẫn làm việc, chưa thấy có gì bất thường” - ông Hải cho biết thêm.
04/02/2017 09:37 
NGỌC TÀI - THÀNH NHƠN  

Hãy tìm cách loại bỏ chế độ độc tài CSVN

"Tất cả điều mà tôi khẳng định là: mọi thử nghiệm của tôi đều làm đậm nét niềm tin của tôi vào bất bạo động như là lực mạnh nhất có sẵn cho nhân loại" - M.K. Gandhi

Mai Thanh Truyết (Danlambao) - Đảng CSVN đã thất bại trong việc điều hành đất nước về mọi mặt và còn đang tiếp tay cho Tàu Cộng thôn tính quê hương Việt Nam. Đây không phải là một sự kết tội mà là một thực tế đã được mọi người Việt yêu tự do minh chứng từ bao năm nay qua nhiều tác phẩm, bài viết và chứng cớ. Sự cầm quyền của ĐCSVN kéo dài một ngày là thêm một ngày đẩy đất nước gần hơn tới chỗ diệt vong.

Vì thế, vấn đề giải quyết chế độ CSVN cần phải được đưa ra bàn thảo sâu rộng để đi tới một tiến trình hành động cụ thể và rốt ráo.

1- ĐCSVN chủ trương bạo lực

ĐCSVN đi theo chủ trương bạo lực của Lenin và đã dùng bạo lực để cướp chính quyền năm 1945 cũng như xâm chiếm miền Nam Việt Nam năm 1975. Đối với CSVN, bạo lực là phương cách giải quyết mọi vấn đề trong việc cai trị dân chúng.

Phương pháp cai trị bằng bạo lực đã được hai thể chế chính trị trên thế giới áp dụng rất rành rẽ là độc tài cộng sản và độc tài phát xít. Độc tài CSVN ngày nay đã biến thể không còn là loại độc tài của giai cấp công nhân mà đã vô hình chung giống hệt độc tài phát xít, tức là mọi quyền lợi quốc gia đều thu tóm về tay đảng cai trị và giới tư bản quy thuộc. Dưới kiểu độc tài phát xít này, giới được ưu đãi và hưởng mọi quyền lợi quốc gia là thành phần đảng viên, giới thân cận đảng, tư bản đỏ và doanh thương nhà nước.

Qua hơn 30 năm mở cửa đưa nền kinh tế theo nguyên tắc thị trường tự do dưới “định hướng xã hội chủ nghĩa”, ĐCSVN mất dần hậu thuẫn của giới nông dân và công nhân vì quyền lợi của đảng không còn gắn liền với đại đa số đại chúng. Những thành quả do sự phát triển kinh tế mang lại không chia đều cho khối đại đa số dân chúng mà vào túi thành phần đảng viên và những phe nhóm thân cận mà họ đặt tên là “nhóm lợi ích”.

“Đi theo đảng thì có quyền và tiền” trở thành nguyên tắc hấp dẫn của đảng. Sự kiện này không phải là diễn biến thay đổi bất ngờ đối với ĐCS mà là con đường do họ cố ý chọn vì lý thuyết cộng sản đã lộ mặt một lý thuyết hoang tưởng. Khi chọn đi theo cách thức của đảng phát xít là họ biết rõ đã mất chính nghĩa và không còn nguyên tắc hướng dẫn nào khác.

Vì mất chính nghĩa và độc tài nên họ luôn luôn lo sợ bị lật đổ!

Nỗi ám ảnh bị lật đổ đưa tới nhu cầu cần phải thiết lập một hệ thống cai trị chặt chẽ, để kiểm soát mọi sinh hoạt của xã hội và người dân. ĐCS cài đặt đảng viên ở mọi cơ phận hành chính tới tận làng xã và ngay cả các công ty thương mại. Không kể đến quân đội hay truyền thông mà mọi sinh hoạt của dân chúng cũng không tránh khỏi con mắt xoi mói của đảng. Điển hình như tổ chức Mặt Trận Tổ Quốc được dựng nên để thâu tóm và kiểm soát mọi sinh hoạt dân sự của quần chúng như tôn giáo, nghiệp đoàn, hội học sinh, giới chức, khoa học... Con mắt của đảng không những coi chừng những cá nhân có tư tưởng bất đồng mà còn đề phòng, bóp chết mọi hành vi đối nghịch có cơ hội nảy mầm.

2- Phải có hành động

Một mặt kiểm soát chặt chẽ mọi sinh hoạt của dân chúng và mặt khác thu tóm hầu hết tài sản quốc gia và độc quyền lãnh đạo, thế lực của ĐCS mang vẻ một sức mạnh vô địch. Như thế thì làm sao lật đổ được ĐCSVN? Tuy mang vẻ kiên cố nhưng thực tế cho thấy rằng mọi chế độ độc tài đều ‘vô địch’ cho tới khi họ đổ như sung rụng một cách không ai ngờ, giống như trường hợp của Đông Âu và khối Liên Sô ở những năm 1989,1990, 1991…

ĐCSVN chắc chắn cũng sẽ có cùng số phận và sẽ có ngày sụp đổ.

Chắc chắn là thế.

Nhưng việc gì xảy ra cũng phải có nguyên do hay nói cách khác, muốn một điều gì thay đổi thì phải có tác động. Trên quan điểm của những nhà đấu tranh hay nói rộng ra là quan điểm tích cực thì không thể ngồi chờ để “Trời” làm mà chính bản thân những người bị áp bức hay cảm thấy bất mãn trước bất công phải bắt tay chủ động sự thay đổi.

Sự tìm hiểu về khả năng phòng thủ vững chãi của chế độ độc tài là để nhìn thẳng vào thực tế rằng công việc lật đổ một nhà cầm quyền độc tài không phải dễ dàng hay giản dị. Công việc này đòi hỏi phải có những hoạch định chiến lược, chiến thuật quy mô tương tự như chiến tranh quân sự mới có thể đưa tới thành công. Sự nghiên cứu phải sâu rộng từ tổng quát đến chi tiết theo tiến trình làm cho đối phương suy yếu dần đến chỗ mất hết sức mạnh và đầu hàng.

Đây một cuộc đấu tranh gian khổ và trường kỳ.

Về phía dân chủ, các lực lượng đấu tranh cũng phải đi từ nhỏ tới lớn và lớn lên theo ảnh hưởng lan rộng dần. Hình ảnh thành bại của cuộc đấu tranh có thể hình dung qua sự so sánh tương quan lực lượng, phía dân chủ phải lớn dần đồng thời với sự suy yếu dần của nhà cầm quyền, tới khi họ mất hết kiểm soát và sụp đổ. Không có cuộc cách mạng nào xảy ra một cách bỗng dưng hay mau chóng mà tất cả phải do sự hy sinh và công sức của rất nhiều người với thời gian dài.

3- Đấu tranh bất bạo động

Có hai phương cách đấu tranh là bạo động và bất bạo động. Một định nghĩa ngắn gọn: bạo động là sử dụng vũ khí và bất bạo động là không sử dụng vũ khí. Nếu áp dụng đấu tranh bạo động thì phải tạo lập lực lượng kháng chiến vũ trang. Với tình hình thế giới chống khủng bố ngày nay, khó có nước nào sẵn sàng đứng ra cung cấp vũ khí cho bất kỳ cuộc tranh đấu bạo động nào. Vì thế chỉ còn lại một phương cách duy nhất là đấu tranh bất bạo động.

Đấu tranh bất bạo động không có nghĩa là thụ động như chủ thuyết ‘hòa bình’ hay lý thuyết ‘đưa má kia cho tát’ của tôn giáo mà là một lực chủ động dùng các phương tiện ôn hòa để chống lại bạo động. Lý thuyết dùng tĩnh chế động, dùng nhu thắng cương không mới mẻ gì trong võ thuật hay học thuyết Đông phương, nhưng khi dùng nguyên tắc này để chống chỏi lại một chế độ độc tài có đầy đủ mọi phương tiện đàn áp và kiểm soát quần chúng chặt chẽ thì hơi khó hiểu. Tuy vậy các cuộc cách mạng thành công sử dụng phương pháp bất bạo động để lật đổ chế độ độc tài vững mạnh trên thế giới như cộng sản Liên Xô, khối Đông Âu…, đã chứng tỏ phương pháp bất bạo động là một hướng đi khả thi.

Lý thuyết về đấu tranh bất bạo động đã được Gandhi hệ thống hóa thành một phương pháp đấu tranh hiệu quả và ông đã áp dụng để giải thoát dân tộc Ấn Độ khỏi ách đô hộ của người Anh năm 1947. Sau đó phương pháp này được nhiều nhà hoạt động học hỏi và áp dụng như Martin Luther King (Hoa Kỳ), Nelson Mandela (Nam Phi), Lech Walesa (Ba Lan) và thủ lãnh các phong trào dân chủ lật đổ chế độ cộng sản Liên Xô, Đông Âu hay Tunisia và Ai cập mới đây. Hiện nay ở Hoa Kỳ, ông Gene Sharp (sinh năm 1928) là một nhà nghiên cứu tích cực về lý thuyết bất bạo động để đem phương pháp đấu tranh này lên hàng kinh điển như chiến tranh quân sự.

4- 198 Phương pháp đấu tranh bất bạo động của Gene Sharp

Từ năm 1993, TS Sharp đã cho ấn hành quyển “Từ Độc tài đến Dân chủ” (From Dictatorship to Democracy). Và vào năm 2005, Ông đã xuất bàn tiếp cuốn sách“Tiến hành Tranh đấu Bất bạo động: Thực hành trong thế kỷ 20 và Tiềm năng trong Thế kỷ 21 (Waging Nonviolent Struggle: 20th Century Practice and 21st Century Potential).

Chủ đề chính của Sharp là quyền lực không phải là nguyên khối (monolithic); nghĩa là, nó không bắt nguồn từ một số phẩm chất nội tại (intrinsic quality) của những người đang cầm quyền. Đối với Sharp, quyền lực chính trị, quyền lực của bất cứ nhà nước nào đều bắt nguồn từ các đối tượng của nhà nước, chính là người dân. Đối với ông, niềm tin căn bản là bất kỳ cơ cấu quyền lực nào đều dựa vào sự tuân phục của người dân, nếu không, mọi sự sẽ diễn biến ngược lại. Ông đề ra 198 phướng cách đấu tranh bất bạo động. Điển hình vài phương pháp áp dụng thông thường như:

- Phương pháp bất bạo động căn bản: nói chuyện trước công chúng, thành lập các tổ chức đối lập, làm tờ rơi, sách động trên radio, tv v.v...

- Thành lập các nhóm đại diện khắp nơi;

- Bất hợp tác kinh tế, chính trị;

- Phủ nhận hiến pháp;

- Tuyệt thực v.v...

Và, điều cần phải được hiểu rõ ràng là hiệu quả cuốc đấu tranh bất bạo động chỉ có thể đạt tối đa khi các phương pháp đã được lựa chọn để thực hiện các chiến lược trên nằm trong điều kiện hiện có của xã hội chúng ta đang tranh đấu.

5- Cần phải khởi sự nghiên cứu và hành động đấu tranh bất bạo động cho Việt Nam ngay từ bây giờ...

Cách tiến hành đấu tranh bất bạo động ở mỗi quốc gia mỗi khác nhau vì vũ khí của loại đấu tranh này dựa vào các đặc điểm mang tính xã hội, tâm lý của quốc gia đó. Vì thế, phương cách tiến hành đấu tranh cho Việt Nam cần phải được nghiên cứu đầy đủ để tạo dựng căn bản lý thuyết cho các tổ chức đối kháng hoạt động. Bắt tay vào công cuộc bàn thảo hay nghiên cứu về đấu tranh bất bạo động là bắt đầu cất bước trên con đường xóa bỏ chế độ CS cho quê hương Việt Nam.

Tất cả đều sẽ giống như sự khẳng quyết của Gandhi, một khi cuộc đấu tranh bất bạo động bắt đầu lăn bánh, không trở lực nào có thể cản nổi.

Đó là một chân lý bất di bất dịch, một niềm tin vững chắc của tất cả những người con Việt ở trong và ngoài nước.

Xin mượn lời của Đức Lê Minh, một đảng viên của ĐCSVN để kết thúc bài viết hôm nay: 

“Ta tuyệt đối không nhắc lại chuyện đó. Ta tuyệt đối tìm cách quên rằng thằng đàn anh TC đã giết đồng bào ta còn tệ hơn giết chó, máu chảy thành sông ở biên giới phía Bắc. Và ta vẫn tiếp tục thờ lạy nó.

Ta là ai?

Ta là đảng cộng sản Việt Nam. Ta là thứ cặn bã của dân tộc này. Ta là thứ mọi rợ đạo đức giả. Ta là loài khỉ đột đã xua đuổi được mọi nền văn minh để tiếp tục tự sướng với nhau trong bóng tối của thời trung cổ.

Và còn nữa?

Hãy chờ xem ta sẽ nghiến nát kẻ thù (nhân dân) như đàn anh TC của chúng ta dùng xe tăng xay thịt nhân dân chúng nó thành thức ăn cho súc vật trên quảng trường Thiên An Môn.

Ta là quái thai thời đại.

Ta không xứng đáng đứng ngang hàng với loài người văn minh trên trái đất này.

Thảm họa diệt chủng đã hiện ra trước mắt, không ai có thể cứu được dân tộc Việt Nam khỏi thảm họa này, ngoài 90 triệu người Việt.

Mỗi người cần nhìn thấy cái chết đang đến với chính mình và con cháu mình, hãy chuyển tải thông tin này tới tất cả mọi người, tới mọi tờ báo, mọi phương tiện thông tin để mọi người cùng biết, cùng nhau đứng lên chống thảm họa diệt chủng đã đến trước mắt, để cả thế giới cùng biết và lên tiếng bảo vệ chúng ta”.

04.02.2017

Đập dập, đập dập nữa, đập dập mãi

Trần Quốc Việt (Danlambao) - Khẩu hiệu "Độc lập-Tự do-Hạnh phúc" là giải băng tang rủ xuống Việt Nam từ hậu bán thế kỷ hai mươi đến nay.

Dưới chiêu bài độc lập, Hồ Chí Minh và đảng của ông đã lợi dụng lòng yêu nước mê muội dâng trào của rất nhiều người để cướp quyền lực. Rồi từ đấy độc lập trở thành đập dập. Đảng cộng sản đập dập liên tục trên cả nước từ thủ tiêu các thành phần tinh hoa quốc gia không cộng sản, đến cải cách ruộng đất đưa miền Bắc vào thời đồ đá về luân thường đạo lý và vùi sâu lương tâm con người dưới nỗi sợ hãi truyền kiếp, đến đập dập sinh mạng của hàng triệu người cho cuộc chiến tranh phục vụ ngoại bang nhằm đập dập nốt nền độc lập non yếu của miền Nam. Cả nước sau 1975 bị đập dập tan tác và tang thương dưới khẩu hiện chính xác phải là"Đập dập Tự do Hạnh phúc".

Không có gì quý hơn đập dập tự do nên xưa kẻ liều chết vượt biển người vùi thây trong tù. Không có gì quý hơn đập dập hạnh phúc nên nay người mất đất kẻ không nhà. Không có gì quý hơn đập dập độc lập nên ở Thành Đô đảng CSVN hạ bút ký, biển đảo mất dần, người người bỏ nước ra đi hay ở lại thì ngoảnh mặt làm ngơ trước số phận nô lệ và bị đồng hóa của con cháu và dân tộc.

Những thế hệ trước sôi sục nhiệt huyết theo đảng CS chống Pháp dưới những khẩu hiệu - "Độc lập hay chết", "Nước Việt Nam của người Việt Nam", hay "Thà chết hơn nô lệ". Họ đã vô tình hay hữu ý thêm móng vuốt cho đảng để đảng tiến hành quá trình đập dập độc lập liên tục mà chiến tích đập dập mới đây nhất của đảng là ký chưa ráo mực vào những hiệp ước trói buộc Việt Nam càng sâu chặt hơn vào Trung Cộng.

Những thế hệ hôm nay bị đảng CSVN đập dập làm cho vô cảm, mê muội, chỉ chăm chút cho mái nhà mình mà không thấy mái nhà Việt Nam chung mà bao thế hệ cha ông đã hy sinh và vun đắp đang sắp sụp đổ. Họ đang vô tình hay hữu ý truyền máu thêm cho đảng để đảng giáng xuống Việt Nam những cú đập dập cuối cùng nhằm xóa Việt Nam trên bản đồ thế giới.

Hôm nay mừng sinh nhật đảng chúng ta hãy tiếp tục thực hiện khẩu hiệu chúng ta đã thực hành chăm chỉ suốt bao nhiêu năm qua là "Thà vô cảm hơn vô tù" hay "Thà nô lệ hơn hy sinh". Rồi mai đây khi khẩu hiệu "Nước Việt Nam của người Trung Quốc" thành hiện thực chúng ta hãy đem bàn thờ tổ tiên để ra ngoài đường để chúng ta khỏi phải đối mặt với linh hồn Mẹ Việt Nam biết đâu lại đêm đêm hiện về đứng khóc bên giường.

04.02.2017

Sinh nhật “đảng ta” chỉ duy nhất Lào và Campuchia chúc mừng!?

Đông Đô Phạm (Danlambao) - 50 ngàn con em phía Nam phơi thây tại Campuchia, 50 ngàn con em phía Bắc phơi thây tại Lào để ngày hôm nay 3/2/2017 sinh nhật lần thứ 87 “đảng CSVN” cả thế giới 193 quốc gia với mấy ngàn đảng phái nhưng chỉ duy nhất 2 quốc gia Lào và Campuchia gửi điện “chúc mừng”. Mà công điện của 2 quốc gia này lại nhân danh là đảng của Nhân Dân chứ không lấy danh nghĩa là đảng cộng sản. Thật là vinh dự vĩ đại cho “đảng ta”? Không biết “bạn bè quốc tế” của đảng CSVN chạy đâu mất hết rồi?

“Nhân dịp kỷ niệm 87 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930 - 3/2/2017), Ban Chấp hành Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào và Ban Chấp hành Trung ương Đảng Nhân dân Campuchia đã gửi Điện mừng tới Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam”. (VOV Oline)

Nhìn hai nữ phát thanh viên xinh đẹp như hoa hậu ngồi phát ngôn tin tức này trên màn ảnh VTV tối ngày 3/2 thấy mà tội nghiệp, bởi kiến thức và sĩ diện của một con người có học ở thời đại này (nếu không vì cơm áo) chắc không ai đủ can đảm để hãnh diện ngợi ca một sự kiện đáng buồn và xấu hổ của đất nước như vậy.

Một cái chủ nghĩa cộng sản mà đại bộ phận cư dân thế giới đang phỉ nhổ tránh xa, vài cái đảng của thế giới CS còn lại đang thoi thóp bên lề đường văn minh dân chủ không ai đoái hoài nhắc đến, nhưng tại Việt Nam thì 90 triệu người cứ phải im lặng kéo cái cày CS lầm lũi theo đảng để lên thiên đàng XHCN.

Ôi dân tộc tôi, biết đến bao giờ mới thoát được cảnh khổ nhục trầm luân này?

04.02.2017

Cam kết ‘đổi mới chính trị’ nhưng Việt Nam vẫn không có tự do

An ninh Việt Nam phổ biến rộng rãi hình ảnh bắt giữ bà Trần Thị Nga tại tỉnh Hà Nam với cáo buộc “Tuyên truyền chống nhà nước,” như một cách để răn đe. (Hình: Báo Công An Nhân Dân)
Kết quả cuộc khảo sát về “Tự do trên thế giới 2017” do Freedom House thực hiện tại 195 quốc gia, Việt Nam nằm trong nhóm quốc gia “không có tự do.”
“Tự do trên thế giới 2017” chia 195 quốc gia thành ba nhóm: Nhóm quốc gia tự do (87 quốc gia), nhóm quốc gia có sự hạn chế về tự do (59 quốc gia), và nhóm không có tự do (49 quốc gia).
Freedom House phân nhóm dựa vào thang 100 điểm. Theo thang điểm đó, Việt Nam chỉ được 20/100.
Đối với hai tiêu chí: Tôn trọng các quyền tự do chính trị và tôn trọng các quyền tự do dân sự, Việt Nam cùng ở mức 7/7 – mức thấp nhất.
Tuy nhà cầm quyền Việt Nam liên tục cam kết “đổi mới về chính trị,” tôn trọng và nỗ lực thăng tiến nhân quyền nhưng theo Freedom House, tự do ở Việt Nam không hề có bất kỳ chuyển biến tích cực nào. Nghĩa là tại Việt Nam vẫn không có tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do thông tin và tự do trên mạng Internet.
Chẳng riêng Freedom House, các tổ chức quốc tế khác được thành lập và hoạt động vì nhân quyền cũng liên tục cảnh báo về tình trạng tồi tệ của nhân quyền tại Việt Nam. Thậm chí Liên Hiệp Quốc cũng đã lên tiếng vài lần nhưng chính quyền Việt Nam vẫn trơ ra cùng tuế nguyệt.
Cuối năm ngoái, Cao Ủy Nhân Quyền của Liên Hiệp Quốc khuyến cáo chính quyền Việt Nam loại bỏ hàng loạt tội trong nhóm tội “xâm phạm an ninh quốc gia” khỏi Luật Hình Sự của Việt Nam.
Theo đó, các Điều 79 (hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân), Điều 87 (phá hoại chính sách đoàn kết), Điều 88 (tuyên truyền chống nhà nước), Điều 245 (gây rối trật tự công cộng), Điều 258 (lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước) trong Luật Hình Sự hiện hành của Việt Nam vi phạm các tiêu chuẩn về nhân quyền của cộng đồng quốc tế.
Cao Ủy Nhân Quyền của Liên Hiệp Quốc đã dẫn một số trường hợp rất cụ thể như cô Nguyễn Ngọc Như Quỳnh (blogger Mẹ Nấm), ông Nguyễn Văn Đài và cộng sự là cô Lê Thu Hà, ông Nguyễn Hữu Vinh (blogger Ba Sàm) và cộng sự là cô Nguyễn Thị Minh Thúy, hai anh em Nguyễn Hữu Quốc Duy và Nguyễn Hữu Thiên An,… nhằm chứng minh, bất kỳ công dân nào của Việt Nam cũng bị biến thành tội phạm hình sự khi họ dùng các quyền tự do căn bản để bày tỏ ý kiến hay chất vấn chính phủ. Sự mơ hồ của các điều vừa kể trong luật hình sự giúp chính quyền Việt Nam dễ dàng dập tắt những ý kiến chỉ trích bằng cách tống giam và phạt tù.
Cao Ủy Nhân quyền của Liên Hiệp Quốc yêu cầu chính quyền Việt Nam phóng thích ngay lập tức những cá nhân đang bị giam giữ vì bị kết án dựa theo các điều vừa kể song chẳng có ai được trả tự do. Sát Tết âm lịch năm nay, nhà cầm quyền Việt Nam còn tống giam thêm một số người nữa như bà Trần Thị Nga, ông Nguyễn Văn Hóa,… (G.Đ)