Tuesday, April 23, 2019

Thu phí người nuôi bệnh là sự tàn nhẫn không tình người

Người nhà nuôi bệnh tại Bệnh viện Nhi Đồng 1, Sài Gòn. Ảnh: Một Thế Giới
Quỳnh Hương – Web Việt Tân

Mới đây, trên báo Pháp Luật ra hôm Thứ Năm ngày 11 tháng 4 có một bài viết: “Bộ Y Tế: Thu phí người nuôi bệnh là hợp lý”, trong khi đó trên báo điện tử của VOV thì có một bài viết ký tên Vũ Hanh, cho rằng việc thu phí người nuôi bệnh đã nói lên tình trạng quản lý yếu kém của bệnh viện. Lý do mà các bệnh viện đưa ra khi thu khoản phí này là do có quá nhiều người vào bệnh viện, sử dụng điện nước… nên phải thu tiền để cân đối.
Đa số dư luận đều cho rằng chủ trương thu phí người nuôi bệnh của Bộ Y Tế là tùy tiện, bất kể nơi đâu, lúc nào của nhà nước đã thực sự gây mối bất an trong người dân, khi ai cũng sẽ là người phải nuôi bệnh ở một lúc nào đó trong suốt cuộc đời mình. Đặc biệt hơn là vấn nạn ung thư đang trở thành một đe dọa rất lớn cho tình hình sức khỏe của người Việt hiện nay.
Vấn đề không phải ở vài chục ngàn trả cho bệnh viện (các bệnh viện ở TP.HCM thu 30.000 đồng/người), mà nằm ở chỗ cách thức nhà nước đối xử với người dân của mình.
Ở Việt Nam ngày nay, vào bệnh viện đã là một sự khốn khổ. Đồng tiền phải đi trước, dù cấp cứu gần chết thì phải đóng tiền mới có người hỏi tới, không thì nằm đó chờ. Một người bệnh ít nhất phải có một người đi theo nuôi bệnh bởi lực lượng y tá, điều dưỡng không thể chăm sóc người bệnh. Con nuôi cha mẹ, vợ nuôi chồng, chồng theo nuôi vợ, con cháu nuôi ông bà… Không thể không có mặt được.Bệnh nhân nằm tại các bệnh viện công đại đa số là người lao động nghèo tại thành phố hoặc ngoại tỉnh kéo về. Không ai trong số họ mong muốn “được” nằm lăn lóc dọc lối đi hay chen nhau chui xuống gầm giường để nghỉ mệt trong thoáng chốc. Vệ sinh cơ thể chắc chắn là thiếu thốn vì không được tắm rửa hay giặt giũ, chỉ vài lít nước phông tênh giải quyết cái khát hay dùng để nấu mì gói qua ngày không thể gọi là tiện ích công cộng được.
Không chỉ để rót miếng nước, đút miếng cháo, đưa viên thuốc mà còn phải có mặt thường trực để khi bác sĩ, y tá cần thì đáp ứng ngay. Tại các bệnh viện công đa số bệnh nhân đều là người nghèo đến từ các tỉnh, có người không đủ tiền mua thuốc, và người đi nuôi bệnh thường là sống nhờ cơm từ thiện. Chồng vừa nuôi vợ bệnh vừa chạy xe ôm là chuyện thường tình. Họ nghèo lắm, nghèo đến xác xơ. Nhà có người bệnh, nhất là những bệnh nan y kéo dài ngày chữa trị thì từ gia đình kha khá biến thành hộ nghèo và người nghèo trở thành tàn mạt điêu đứng cũng là… chuyện thường tình! Bán trâu, bán ruộng, bán vườn rồi bán nhà khăn gói lên thành phố chữa bệnh cho người thân, trắng tay cũng là… chuyện thường tình!
Còn cán bộ lãnh đạo các cấp khi bệnh là có phòng riêng, có bác sĩ riêng, có y tá, điều dưỡng riêng, có chế độ chăm sóc cũng riêng. Không chỉ bản thân cán bộ mà cả gia đình của họ cũng được những ưu đãi khi đưa đến bệnh viện. Một số cán bộ giàu có khác, không chữa trị ở trong nước mà tìm cách vận động để được đưa sang chữa trị ở nước ngoài như Singapore, Nhật Bản, Hoa Kỳ v.v… với những cặp đô la, hột soàn mang theo để chi tiêu, chưa kể đến ngân sách nhà nước dành cho họ.
Lãnh đạo các cấp đâu thấm cảnh chạy vay từng đồng để mua thuốc, mua nước biển. Người thân của họ đâu phải nằm ở hành lang, ở sân bệnh viện để nuôi bệnh, họ đâu phải xếp hàng để kiếm miếng cơm từ thiện qua ngày. Cho nên họ mạnh miệng cho rằng thu phí người nuôi bệnh là hợp lý. Tuyên bố như thế là chưa thấm được nỗi đau của dân, chưa đồng cảm với nỗi khổ của dân.
Tất cả các bệnh viện ở Việt Nam đều quá tải, khiến bệnh nhân phải nằm ghép từ 2, đến 3-4 người/giường. Nhưng điều đáng nói là khi thanh toán thì bệnh nhân vẫn phải chịu đầy đủ theo công thức 1 người/giường/ngày nhân đơn giá thu phí. Vì thế mà dân đã nghèo tận đáy khi trở thành người bệnh mà còn bị tận thu như thế là một việc làm tàn nhẫn, huống chi bây giờ lại thu thêm tiền của người nuôi bệnh.
Hầu hết các quốc gia trên thế giới và cả chế độ Miền Nam cũ, các bệnh viện công còn gọi là nhà thương thí, ở đó bệnh nhân được chữa trị không mất tiền, còn được nuôi ăn. Người nuôi bệnh có chỗ còn được cung cấp các bữa ăn do các tổ chức xã hội phân phát. Họ không hô hào vì dân nhưng họ đồng cảm với hoàn cảnh với người bệnh. Đó là cách đối xử nhân văn, nhân đạo giữa con người với nhau. Còn bây giờ nhà cầm quyền CSVN luôn tuyên truyền, hô hào là một chế độ vì dân, do dân và lo cho dân mà hành xử với nhau như thế nào? Người ta cứ nghĩ việc tận thu, càng nhiều càng tốt, sống chết mặc bay với những lý lẽ nghe qua tưởng chừng rất hợp lý.
Qua chính sách thu phí đối với người nuôi bệnh của Bộ Y Tế, càng cho thấy là sau hơn 40 năm cầm quyền, đảng CSVN tìm mọi cách để tận thu và bóc lột từ người dân hơn là khắc phục những yếu kém để phục vụ người dân. Rốt cuộc chủ trương “dân giàu nước mạnh” của chế độ CSVN chỉ là khẩu hiệu để chăm chăm móc túi của dân.

Quỳnh Hương

Phát hiện hơn 300 xác thai nhi tại nhà máy rác ở Cà Mau

Nhà Máy Xử Lý Rác Thải thành phố Cà Mau phát hiện nhiều xác thai nhi trong khuôn viên. (Hình: Thanh Niên)
CÀ MAU, Việt Nam (NV) – Liên tục phát hiện nhiều thai nhi trong khuôn viên Nhà Máy Xử Lý Rác Thải thành phố Cà Mau, chủ đầu tư cầu cứu Ủy Ban Nhân Dân tỉnh can thiệp.
Ngày 23 Tháng Tư, 2019, ông Nguyễn Đức Thánh, chánh Văn Phòng Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Cà Mau, đã có văn bản gửi Ủy Ban Nhân Dân thành phố Cà Mau yêu cầu cơ quan này chủ trì, phối hợp với các cơ quan hữu trách “kiểm tra, xác minh về tình trạng thai nhi bị bỏ theo lượng rác thải tập kết về Nhà Máy Xử Lý Rác Thải thành phố Cà Mau.”
Theo báo Thanh Niên, trước đó, ông Tô Hoài Dân, tổng giám đốc Công Ty Trách Nhiệm Hữu Hạn Xây Dựng Thương Mại Du Lịch Công Lý, chủ đầu tư Nhà Máy Xử Lý Rác Thải thành phố Cà Mau, có tờ trình nhờ chính quyền “hỗ trợ xứ lý tình trạng trên.”
Tờ trình của công ty nêu “hiện vấn đề nhức nhối mà đơn vị gặp phải là tình trạng thai nhi bị bỏ theo lượng rác thải hằng ngày chuyển về nhà máy. Tính từ khi đi vào hoạt động (năm 2012) đến nay đã phát hiện hơn 300 thai nhi. Và nhà máy đã phải thực hiện chôn cất các thai nhi trên trong khuôn viên nhà máy, đến nay quỹ đất đầy, không còn chỗ chôn cất mà hỏa thiêu thì đơn vị không có kinh phí.”
Công ty Công Lý đề nghị ủy ban tỉnh Cà Mau “xem xét hỗ trợ chi phí chôn cất cho thai nhi, đồng thời kiểm tra, kiểm soát rác từ đầu nguồn để giảm thiểu việc thai nhi theo xe rác vào nhà máy.” (Tr.N)

‘Công trình trọng điểm quốc gia’ sống nhờ… quân cướp cát

Xáng cạp khai thác cát trên sông Tiền Giang đoạn giữa hai tỉnh Đồng Tháp và An Giang. (Hình: Tuổi Trẻ)
SÀI GÒN, Việt Nam (NV) – Tướng công an ở Sài Gòn nhìn nhận sự thật phũ phàng rằng, nếu quyết liệt dẹp “sa tặc” (quân cướp cát) thì cả “công trình trọng điểm quốc gia” cũng kẹt.
“Thiếu Tướng Phan Anh Minh, phó giám đốc Công An ở Sài Gòn, cho rằng hầu hết các công trình, kể cả công trình trọng điểm quốc gia đều sử dụng cát khai thác trái phép. Nếu các cơ quan chức năng làm căng thì sẽ không đủ cát thi công, công trình đình trệ,” báo Dân Trí hôm Thứ Ba, 23 Tháng Tư, 2019, đưa tin.
Tướng Phan Anh Minh được thuật lời “chia sẻ thẳng thắn” về việc “sử dụng cát tại thành phố” vào dịp chính quyền địa phương tổ chức “hội nghị bàn về phòng chống khai thác cát trái phép trên vùng biển Cần Giờ (giáp ranh các tỉnh và thành phố Sài Gòn) diễn ra ngày 23 Tháng Tư.
Thực tế như ông Minh nhìn nhận, thiên hạ đã biết lâu nay, đây là lần đầu tiên người ta được một ông tướng có trách nhiệm về an ninh trật tự và luật pháp thú thật. Điều ông nói ra, cũng gián tiếp xác nhận, dù có lệnh từ chính quyền trung ương buộc các địa phương tăng cường các hoạt động trên sông rạch để trị “giặc cát” thì “giặc cát” vẫn hoành hành.
Trong cuộc họp kể trên Tướng Phan Anh Minh kêu rằng “hầu hết những phương tiện tải trọng trên 1,000 tấn bị bắt về hành vi khai thác cát trái phép đều từ ngoài Bắc vào.” Việc xử phạt thì “chỉ xử phạt cá nhân điều khiển phương tiện chứ chưa xử lý được chủ phương tiện,” trong khi “lực lượng chức năng” thì “ngại đi xác minh đầy đủ về nơi tiêu thụ, chủ phương tiện.”
Một trong những lý do không truy cứu trách nhiệm hình sự của chủ tàu vì “Họ lách luật bằng cách ký hợp đồng, cho thuê phương tiện để khi xảy ra chuyện thì đổ trách nhiệm cho cá nhân.”
Đã nhiều lần, báo chí trong nước phanh phui những vụ “sa tặc” hoành hành có sự bảo kê của các cấp từ chính quyền địa phương tới công an cấu kết với nhau. Nhiều vụ dân chúng tự động đi bắt quân cướp cát dẫn đến các vụ xô xát đổ máu trên sông. Vì cát bị hút số lượng quá lớn, nhà cửa ven nhiều con sông đổ sập xuống nước, thiệt hại có khi cả người.
Quân cướp cát hoành hành khiến các huyện Định Quán, Vĩnh Cửu, và Tân Uyên của Bình Dương sạt lở tan hoang, kéo dài hàng trăm mét, người dân phải chịu bỏ của chạy lấy người. (Hình: Người Lao Động)
Một tuần lễ trước cuộc họp ở Sài Gòn kể trên, tờ Tuổi Trẻ đưa tin: “Sáng 15 Tháng Tư, người dân tại khu vực sông Đồng Nai (địa phận phường Long Phước, quận 9, Sài Gòn) cấp báo: tình trạng nhiều tàu thuyền đang tổ chức bơm hút cát trái phép làm tăng nguy cơ sạt lở, nguy hiểm cho dân sinh sống ở đây. Nhận được tin báo, lực lượng cảnh sát giao thông thuộc Trạm Cảnh Sát Đường Thủy Cát Lái đã có mặt tại hiện trường, theo dõi và bắt giữ hai tàu ‘sa tặc.’”
Ngày 4 Tháng Tư, báo Tuổi Trẻ đưa tin: “Sáng 3 Tháng Tư, chủ trì họp về tình hình vi phạm trong khai thác cát sỏi, Phó Thủ Tướng Thường Trực Trương Hòa Bình nhấn mạnh không để người dân đơn độc chống lại ‘sa tặc’ và yêu cầu Bộ Công An chỉ đạo mở đợt cao điểm trấn áp.”
Trong cuộc họp này, Thứ Trưởng Bộ Công An Nguyễn Văn Sơn cho biết: “Tình hình khai thác trái phép cát sỏi trên các tuyến sông và cửa biển hoạt động trở lại phức tạp với thủ đoạn tinh vi, có nơi công khai, có tính chất lộng hành như tại Hà Nội, Bình Thuận, Lâm Đồng, Khánh Hòa, Bến Tre, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu.”
Theo ông Sơn, quân cướp cát “lợi dụng sự buông lỏng quản lý của các cơ quan chức năng, việc mua bán hóa đơn để đưa một số lượng lớn khoáng sản cát được khai thác trái phép để tiêu thụ tại các dự án có nhu cầu san lấp lớn diễn ra ở nhiều địa phương, gây thất thu thuế cho nhà nước, trong khi ‘xử lý còn có những bất cập, xử lý hành chính chưa có tính răn đe, xử lý hình sự còn hạn chế.’”
Mới ngày 16 Tháng Tư, báo chí trong nước cho hay bốn căn nhà thuộc thành phố Cần Thơ bị kéo sập xuống sông ngay giữa trưa. (TN)

Cán bộ ở Nghệ An ‘làm luật,’ bị bắt, chết bất thường sau 4 tháng tạm giam

Người nhà ông Nguyễn Văn Quang tiếp tục đề nghị làm rõ cái chết bất thường của người thân. (Hình: Người Lao Động)
NGHỆ AN, Việt Nam (NV) – Sau bốn tháng bị tạm giam tại Trại Tạm Giam Nghi Kim của Công An tỉnh Nghệ An, ông đội phó Đội Quản Lý Thị Trường Số 8 đã tử vong. Giảo nghiệm tử thi cho thấy ông này bị gãy xương sườn số 5, gan, lá lách bị phù, trên não có dịch nhầy.
Trưa 23 Tháng Tư, 2019, người thân ông Nguyễn Văn Quang (50 tuổi, đội phó Đội Quản Lý Thị Trường Số 8, Cục Quản Lý Thị Trường tỉnh Nghệ An) chết trong thời gian bị tạm giam đã tập trung tại nhà xác Bệnh Viện Hữu Nghị Đa Khoa tỉnh Nghệ An, đòi lãnh đạo Trại Tạm Giam Công An tỉnh Nghệ An giải thích nguyên nhân.
Báo Tuổi Trẻ cho hay, Viện Pháp Y Quốc Gia (Bộ Y Tế) cùng cơ quan hữu trách đã hoàn tất giảo nghiệm tử thi ông Quang và lấy đi nhiều mẫu phẩm để xét nghiệm, hẹn trong một ngày nữa sẽ có kết quả nguyên nhân cụ thể.
Bà Nguyễn Thị Huệ, chị gái ông Quang, chứng kiến quá trình giảo nghiệm thi thể ông Quang cho biết “có nhiều dấu hiệu bất thường, xương sườn số 5 bên trái bị gãy.”
“Gia đình muốn sao lưu lại bệnh án nhưng phía công an không cho. Vùng da bên ngoài phía xương sườn bị gãy có vết thâm, phía pháp y giải thích là ‘do quá trình cấp cứu’ và nạn nhân đã tử vong. Chúng tôi nghi ngờ con em mình chết bất thường khi bị tạm giam,” bà Huệ nói.
Ba cán bộ Quản Lý Thị Trường Số 8 vào “làm luật” với thầy lang trên địa bàn huyện Thanh Chương, Nghệ An, vào Tháng Mười Hai, 2018, bị camera của gia đình ghi lại, sau đó bị tạm giam với cáo buộc lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản. (Hình: Tiền Phong)
Nói với báo Người Lao Động, ông Đinh Trọng Dung, trung tá, giám thị Trại Tạm Giam Nghi Kim, cho biết “Cơ Quan Điều Tra Công An tỉnh Nghệ An trưng cầu và mời Viện Pháp Y Quốc Gia để làm cho khách quan, bởi gia đình có đơn yêu cầu.”
Liên quan đến thông tin việc giảo nghiệm phát hiện tử thi bị gãy xương sườn, ông Dung cho rằng “cần chờ kết luận giám định cụ thể từ Viện Pháp Y Quốc Gia.”
“Việc ngoại lực tác động ra sao, như thế nào dẫn đến gãy xương sẽ được Viện Pháp Y thông báo rõ. Nhưng qua trao đổi với cán bộ pháp y, chúng tôi nắm được là do cấp cứu dẫn đến việc đó,” ông Dung nói.
Trong khi đó, bà Hồ Thị Phương Thảo, vợ ông Quang, kể lại ngày 10 Tháng Tư, khi bà vào thăm thì thấy tinh thần, sức khỏe của chồng rất tốt. Ông Quang còn dặn vợ “cứ yên tâm, ở đây vẫn bình thường.”
Bà Hoàng Thị Minh Châu, mẹ ông Quang, cũng khẳng định trước khi bị bắt, con trai bà khỏe mạnh, tiền sử không có bệnh gì. Từ ngày bị bắt, người thân trong gia đình, bạn bè vào thăm nuôi và thấy sức khỏe ông Quang vẫn tốt.
Tuy nhiên, khoảng 2 giờ 30 khuya 22 Tháng Tư, người thân ông Quang nhận được điện thoại từ trại tạm giam, thông báo sức khỏe ông Quang “chuyển biến xấu, đang được cấp cứu tại Bệnh Viện Hữu Nghị Đa Khoa tỉnh Nghệ An.”
Khi người thân đến bệnh viện và hỏi bác sĩ trực cấp cứu thì được biết ông Quang được chuyển đến bệnh viện trong tình trạng “tim đã ngừng đập, không qua khỏi.”
Đến khoảng 8 giờ 15 phút sáng cùng ngày, các bác sĩ thông báo ông Quang đã tử vong. Trước cái chết bất ngờ của ông Quang, người thân đã yêu cầu các cơ quan chức năng làm rõ nguyên nhân sự việc.
Bà Hoàng Thị Minh Châu đau buồn trước sự ra của con trai. (Hình: Tiền Phong)
Trước đó, ngày 27 Tháng Giêng, ông Quang bị Công An huyện Thanh Chương bắt tạm giam bốn tháng để điều tra về tội “lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản công dân” do liên quan đến vụ nhận tiền “làm luật” lấy 6 triệu đồng ($258) của ông Vi Văn Hùng, hành nghề chữa bệnh bằng thuốc nam.
Theo báo Tiền Phong, ngày 4 Tháng Mười Hai, 2018, ông Nguyễn Văn Quang cùng với hai kiểm soát viên thị trường là Trương Văn Cường (35 tuổi), Võ Thành Vinh (33 tuổi) cùng công tác tại Đội Quản Lý Thị Trường Số 8 – Cục Quản Lý Thị Trường tỉnh Nghệ An, đến nhà ông Vi Văn Hùng (trú tại xã Ngọc Lâm, huyện Thanh Chương) để kiểm tra việc kinh doanh hành nghề y dược.
Tại đây, cả ba người vào nhà gặp ông Hùng và yêu cầu kiểm tra các hồ sơ thủ tục cơ sở bốc thuốc nam của ông Hùng. Do không xuất trình được bất kỳ giấy tờ nào nên ông Hùng đưa cho ba người này 6 triệu đồng để không bị xử lý. Sau đó, ông Hùng gửi đơn trình báo đến Công An huyện Thanh Chương phản ánh sự việc.
Qua điều tra, công an đã có quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam bốn tháng những người này. Ngày 20 Tháng Tư, ông Quang được chuyển đến trại tạm giam Công An tỉnh Nghệ An (tại xã Nghi Kim, thành phố Vinh). (Tr.N)

Bắt 5 cán bộ thanh tra tỉnh Thanh Hóa nhận hối lộ

Trụ sở Thanh Tra tỉnh Thanh Hóa. (Hình: Zing)
THANH HÓA, Việt Nam (NV) – Công an Thanh Hóa tạm giữ hình sự năm cán bộ thanh tra tỉnh Thanh Hóa để điều tra về hành vi nhận tiền của người bị thanh tra.
Trưa 23 Tháng Tư, 2019, ông Nguyễn Hữu Mạnh, phó Phòng Tham Mưu kiêm phát ngôn viên Công An Tỉnh Thanh Hóa, cho biết Cơ Quan An Ninh Điều Tra đã bắt tạm giam năm cán bộ Thanh Tra tỉnh Thanh Hóa do “lợi dụng chức vụ quyền hạn khi thi hành công vụ, nhận tiền của người bị thanh tra.”
Theo báo Thanh Niên, năm thành viên Đoàn Thanh Tra tỉnh Thanh Hóa bị bắt gồm ông Lê Mạnh Hà (57 tuổi), trưởng đoàn; bà Nguyễn Thị Cúc (55 tuổi), phó đoàn; và ba người là thành viên của đoàn gồm ông Nguyễn Hưng (43 tuổi), ông Dương Văn Bằng (57 tuổi) và ông Nguyễn Quý Diễn (50 tuổi).
Trước đó, ngày 5 Tháng Ba, chánh Thanh Tra tỉnh Thanh Hóa ký quyết định “thành lập đoàn thanh tra việc quản lý, thu, chi ngân sách và đầu tư xây dựng các công trình xây dựng cơ bản tại huyện Thiệu Hóa.” Kế hoạch thanh tra là 45 ngày, bắt đầu từ ngày 7 Tháng Ba. Đoàn thanh tra gồm có năm người nêu trên và phụ trách giám sát là ông Vũ Đình Quế, phó chánh Thanh Tra tỉnh Thanh Hóa.
Khoảng 3 giờ chiều 18 Tháng Tư, từ nguồn tin tố giác tội phạm, Cơ Quan An Ninh Điều Tra Công An tỉnh Thanh Hóa đã bắt quả tang bà Nguyễn Thị Cúc đang nhận một khoản tiền hối lộ lớn của người bị thanh tra tại thị trấn Vạn Hà, huyện Thiệu Hóa.
Tại hiện trường, cơ quan điều tra còn thu được nhiều tài liệu và một tờ giấy ghi chi tiết số tiền và tên các đơn vị đã đến nộp tiền “chung chi” cho đoàn thanh tra.
Công An tỉnh Thanh Hóa rời đi sau khi thu thập tài liệu tại phòng làm việc của những người liên quan đến vụ án. (Hình: Thanh Niên)
Đến chiều 19 Tháng Tư, Công An tỉnh Thanh Hóa tiếp tục khám xét nhà riêng và phòng làm việc của các thành viên đoàn thanh tra trên tại trụ sở ở phường Điện Biên (thành phố Thanh Hóa), thu giữ nhiều phong bì chứa tiền được cho là có liên quan đến công tác thanh tra lần này tại huyện Thiệu Hóa.
Sau khoảng 1 giờ đồng vào trụ sở Thanh Tra tỉnh Thanh Hóa tại số 5A, đường Hạc Thành, phường Điện Biên (thành phố Thanh Hóa), để thu thập tài liệu tại nơi làm việc của những người có liên quan, công an đã đưa nhiều thùng tài liệu lên xe hơi và rời đi.
Nói với báo Zing, ông Vũ Đình Quế, phó chánh Thanh Tra tỉnh Thanh Hóa, xác nhận cơ quan này có cử đoàn thanh tra do ông Lê Mạnh Hà, trưởng Phòng Giải Quyết Khiếu Nại Tố Cáo 3, làm trưởng đoàn lên huyện Thiệu Hóa công tác từ đầu Tháng Ba.
Đến nay, chi tiết vụ việc và số tiền mà đoàn thanh tra này nhận ở thời điểm bắt quả tang vẫn chưa được cơ quan điều tra tiết lộ. (Tr.N)

Tướng Lê Đức Anh, cựu chủ tịch nước CSVN, qua đời


Ông Lê Đức Anh, ngồi trên xe lăn, đến dự đám tang cố Thủ tướng CSVN Võ Văn Kiệt hôm 15 Tháng Sáu 2008 tại Sài Gòn. (Hình: Hoang Dinh Nam/Getty Images)
HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Tướng Lê Đức Anh, cựu chủ tịch nước CSVN qua đời lúc 8 giờ 10 phút tối 22 Tháng Tư 2019 tại Hà Nội, thọ 99 tuổi, nhiều cơ quan truyền thông tại Việt Nam loan tin.
Trước đó ít giờ mạng xã hội xôn xao với một post trên Facebook của ông Lê Mạnh Hà, cựu phó chủ nhiệm Văn Phòng Chính Phủ CSVN và là con trai cựu Chủ Tịch Nước CSVN Lê Đức Anh, viết có đoạn “… Ông sẽ là người cuối cùng trong bộ chỉ huy chiến dịch năm ấy ra đi mãi mãi.”
Tuy vậy, sau đó, người ta thấy ông Hà cập nhật post: “Ông [Lê Đức Anh] đang được các bác sỹ bệnh viện 108 chăm sóc tận tình”.
Ông Lê Đức Anh là chủ tịch nước thứ tư của CSVN, nhiệm kỳ 1992 đến 1997. Ông cũng từng là Đại tướng, Bộ trưởng Quốc Phòng CSVN từ 1987 đến 1991.
Tuy post của ông Hà không giải thích chi tiết “ra đi mãi mãi” có phải là cách ông ý nhị báo tin cha ông vừa qua đời hay không, nhưng hàng trăm comment phía dưới của cộng đồng mạng là “chia buồn cùng gia quyến”, bên cạnh những comment nguyền rủa ông về vụ Trung Quốc thảm sát lính của quân đội CSVN tại Gạc Ma, Trường Sa, chỉ hiển thị trong chốc lát trước khi bị ông Hà xóa đi.
Ông Lê Đức Anh tròn 98 tuổi hôm 1 Tháng Mười Hai, 2018.

Bức ảnh chụp vào ngày 5 Tháng Chín 1995, ông Lê Đức Anh (giữa), khi đó là đương kim Chủ tịch nước, đón tiếp cựu Tổng thống Mỹ George H.W. Bush và cựu Đệ Nhất Phu Nhân Barbara tại Hà Nội. (Hình: HOANG DINH NAM / AFP / Getty Images)

Các báo nhà nước ở Việt Nam hiếm khi đăng tin về ông Anh trong lúc mạng xã hội từng vài lần rộ lên tin đồn ông qua đời.
Hồi trung tuần Tháng Chín, 2018, thời điểm đương kim Chủ Tịch Nước Trần Đại Quang qua đời, mạng xã hội xôn xao chuyện “quốc tang nối tiếp quốc tang” với tin đồn hai cựu lãnh đạo chóp bu của đảng CSVN là ông Đỗ Mười và ông Lê Đức Anh cũng qua đời.
Ông Đỗ Mười sau đó qua đời hôm 1 tháng 10, 2018 còn ông Anh được cho là vẫn “lây lất, thở máy” đến nay.
Lúc các tin đồn đó đang lan truyền, trang Facebook Truong Huy San của nhà báo Huy Đức, người đầu tiên loan tin ông Trần Đại Quang qua đời, viết: “Tôi muốn nói với các bạn rằng, cụ Đỗ Mười sinh năm 1917, cụ Lê Đức Anh sinh năm 1920, đau yếu đã lâu. Với tôi, Trần Đại Quang chết mới là tin, hai cụ có đi gặp Karl Marx, Lenin [ý nói qua đời] thì cũng là lẽ thường, không phải ‘tin.’”
Theo thông lệ, khi một người thuộc hàng “tứ trụ” qua đời, gia đình không được phép loan tin báo tử ngay, mà phải đợi thông báo từ Bộ Chính Trị về việc sắp đặt người trong ban tang lễ, do liên quan đến việc tổ chức quốc tang.
Ông Lê Đức Anh qua đời trong bối cảnh diễn biến bệnh tình của Tổng Bí Thư, Chủ Tịch Nước CSVN Nguyễn Phú Trọng thế nào vẫn chưa được công khai, ngoài những tin gửi điện mừng, điện chia buồn đến lãnh đạo các nước.
Trước post gần nhất của ông Lê Mạnh Hà, mạng xã hội từng xôn xao nhiều lần về tin ông Lê Đức Anh qua đời các năm trước.
Đáng lưu ý, những năm gần đây, ông Lê Đức Anh được ghi nhận sống ở bệnh viện nhiều hơn ở nhà và các tin tức về ông chỉ được hé lộ trên mạng xã hội.
Hôm 17 Tháng Tư, Facebook Đinh Bá Truyền cho hay: “Ngày 16 Tháng Tư, ông Nguyễn Phú Trọng được cáng lên chuyến bay của hãng Vietnam Airlines tại Sài Gòn, khởi hành đi Hà Nội. Chiều hôm ấy, xe cứu thương chở ông vào Bệnh Viện Trung Ương Quân Đội 108. Hiện ông đang nằm tại tầng 2, mé bên phải, Khoa A11. Cũng ở tầng này, Đại Tướng Lê Đức Anh đang được điều trị tích cực ở căn phòng mé bên trái.”
Quân Y Viện 108 là nơi các lãnh đạo chóp bu của đảng CSVN thường được đưa vào chữa trị hay dưỡng bệnh.
Ông Lê Đức Anh là nhân vật gây tranh cãi và bị nhiều người cáo buộc là nhân vật đã ra lệnh cho binh lính Việt Nam “không nổ súng” trong cuộc hải chiến Gạc Ma, quần đảo Trường Sa, hồi năm 1988, khiến 64 thủy binh Việt Nam thiệt mạng dưới tay quân Trung Quốc.
Tuy vậy, ông vẫn nhận được một số lời tán dương.
Hồi Tháng Giêng, 2019, nhà báo Hoàng Hải Vân, cựu tổng thư ký tòa soạn báo Thanh niên viết trên trang cá nhân: “Ông Lê Đức Anh từng làm bộ trưởng Quốc Phòng [CSVN], rồi làm chủ tịch nước, cuối cùng là làm cố vấn Ban Chấp Hành Trung Ương Đảng. Nhiều người đề cập đến uy quyền của tướng Lê Đức Anh, một uy quyền còn kéo dài mãi cho đến sau khi ông rời khỏi mọi chức vụ. Người ta đồn rằng, chính ông đã đề cử và hậu thuẫn cho tướng Lê Khả Phiêu lên làm tổng bí thư và cũng chính ông chặn con đường tái cử của ông Phiêu, cùng nhiều chuyện khác nữa. Những chuyện đại loại như vậy tôi không đủ thông tin cũng như tư cách để bàn luận. Tôi chỉ biết chắc một điều: Tướng Lê Đức Anh không phải là người tham quyền cố vị.” (T.K.)

Nguyễn Xuân Phúc thay Nguyễn Phú Trọng sang Trung Quốc dự ‘Vành Đai – Con Đường’

Nguyễn Xuân Phúc, Nguyễn Phú Trọng, Trần Đại Quang trong ngày đại hội đảng CSVN lần thứ 12, 28 Tháng Giêng 2016. Ông Quang đã qua đời hồi Tháng 9 năm ngoái. (Hình: Getty Images)
HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Truyền thông tại Việt Nam đồng loạt loan tin ông Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ sang Bắc Kinh, Trung Quốc dự “Hội nghị thượng đỉnh Vành đai và Con đường lần 2 từ ngày 25 đến 27 Tháng 4.”
Thông báo của Bộ Ngoại Giao CSVN gián tiếp xác nhận tin đồn ông Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đang có vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe sau chuyến thăm thăm Kiên Giang hôm 14 Tháng Tư.
Những tin tức trước đó nói, ông Trọng sẽ đi thăm Trung Quốc, sau đó sẽ sang thăm Hoa Kỳ theo lời mời của Tổng thống Donald Trump.
Đây là lần thứ hai Trung Quốc tổ chức hội nghị “Vành đai và Con đường,” thành phần tham dự là các nguyên thủ quốc gia như Tổng thống, Chủ tịch nước. Lần trước là vào Tháng Năm 2017, trong lần đó, đoàn Việt Nam do ông Trần Đại Quang, Chủ tịch nước dẫn đầu.
Trong chính sách đối ngoại “đu dây” giữa hai cường quốc kinh tế quân sự nhất thế giới ở hai bên bờ Thái Bình Dương, các lãnh tụ của chế độ Hà Nội thường tế nhị “chạy qua chạy lại” giữa Bắc Kinh và Washington DC, để không làm bên nào (đặc biệt là Bắc Kinh) khó chịu.
Ông Nguyễn Xuân Phúc hồi Tháng 11 năm ngoái cũng đã đến Bắc Kinh gặp chủ tịch Tập Cận Bình kêu gọi ông láng giềng khổng lồ phương Bắc giúp cải thiện phần nào thâm thủng mậu dịch quá thiệt thòi cho Việt Nam, đến nay vẫn không thấy gì tiến triển.
Ba ngày nữa, Phúc lại tới Bắc Kinh “theo lời mời của chủ tịch Tập Cận Bình” để dự thượng đỉnh “Vành đai – Con đường” mà Trung Quốc đưa ra nhằm lôi kéo các nước khác đối phó lại các kế hoạch chống sự lũng đoạn kinh tế thế giới của Trung Quốc mà Mỹ cũng như các nước khác đưa ra từ mấy năm qua. Hiệp định Xuyên Thái Bình Dương (TPP) dưới thời Tổng thống Barack Obama là một thí dụ điển hình.
Việc ông Nguyễn Xuân Phúc đi Bắc Kinh thay ông Nguyễn Phú Trọng đã không thể đi như đã dự trù, càng khẳng định các tin tức trên mạng xã hội lan truyền về đề sức khỏe của ông Nguyễn Phú Trọng là khả tín.
Hôm Thứ Hai, nhà báo Anh Quốc David Hutt thuật lại thông tin mà giáo sư Carlyle Thayer (chuyên viên về các vấn đề Việt Nam tại Học viện Quốc phòng Hoàng Gia Úc) viết trên trang “Thayer’s Brief” là “Các nguồn tin riêng rẽ cho hay ông Trọng đã ‘hồi phục phần nào’ nhiều phần là từ tai biến mạch máu, bị liệt một cánh tay”.
Bản tin của ông Hutt còn thuật nhận xét của ông Thayer là “sự nghiêm trọng về tình trạng sức khỏe của ông Trọng có thể được diễn giải liệu ông sẽ tham dự Hội nghị Trung Ương Đảng dự trù diễn ra vào Tháng Năm hay không”.
Tới lúc đó, người ta sẽ xem ông Trọng có đến chủ tọa không. Thêm vào đó, chuyến đi Mỹ dự trù vào mùa hè này của ông Trọng cũng sẽ không có, nếu như ông ta nằm liệt giường.
Một số nguồn tin khả tín ở Hà Nội cũng xác nhận ông Nguyễn Phú Trọng đang ở trong Bệnh viện 108 của quân đội CSVN “vẫn tỉnh táo, nhưng bị liệt nửa người trái.”
Một số nhà phân tích thời sự cho rằng, dù ông Trọng không chết nhưng không còn khả năng đảm nhận cả hai vai trò Tổng bí thư đảng và Chủ tịch nước như ông đang ôm, sẽ là sự bối rối lớn cho những người còn lại trong Bộ Chính Trị vì không ai có vẻ nổi bật như người nổi bật sẽ thay thế. Nói khác, sẽ có chuyện đấu đá, kéo bè kết cánh theo kiểu “lợi ích nhóm” để tranh hai chức do ông Trọng để lại.
Ông Nguyễn Xuân Phúc có leo lên ghế Tổng bí thư được không khi ông là dân Quảng Nam trong khi suốt nhiều năm qua, ngồi trên ghế này đều là dân miền Bắc. (TN)

Việt Nam đang là trạm trung chuyển buôn lậu ma túy quốc tế

Số ma túy ngụy trang trong bao trà, ém đầy loa thùng bị Công an Sài Gòn khám phá ngày 12.4.2019 (Hình: Tuổi Trẻ)
SÀI GÒN, Việt Nam (NV) – Các vụ bắt giữ với số lượng lớn ma túy ít ngày gần đây cho thấy Việt Nam đang thay Thái Lan trở thành trạm trung chuyển của các đường dây buôn lậu ma túy quốc tế.
Theo tin các báo tại Việt Nam, từ đầu Tháng Tư đến nay, đã có một số vụ bắt giữ ma túy tại Sài Gòn và Nghệ An với số lượng “khủng” trên 2 tấn. Các vụ bắt giữ này có một số điểm tương tự nhau như đều là ma túy tổng hợp, tại Việt Nam gọi là “ma túy đá” dưới dạng viên hay bột, đựng trong các bao nylon rồi nhét bên trong các “loa thùng” màu đen.
Cầm đầu các vụ vận chuyển đó là một số người Đài Loan, các người Việt Nam chỉ là tay chân phụ thuộc. Hiện một số người đã bị bắt, còn 3 người Đài Loan liên quan đến vụ bắt giữ ma túy tại Nghệ An đã kịp thời lên máy bay tẩu thoát.
Ngày 21/4/2019, Công an tỉnh Nghệ An đã khởi tố vụ án “Vận chuyển trái phép chất ma túy; Không tố giác tội phạm và Cưỡng đoạt tài sản”. Họ đã bắt các nghi can Nguyễn Văn Phú (SN 1990, trú tại huyện Nam Đàn, Nghệ An); Nguyễn Bảo Trung (SN 1996, trú tại xã Hưng Đông, TP Vinh) và Võ Sỹ Mạnh (SN 1983, trú tại xã Nghi Kim, TP Vinh).
Hai người khác có liên quan gồm: Nguyễn Đức Bút (SN 1991, cư dân xã Nghi Kim, TP Vinh) và Nguyễn Thị Tâm (SN 1977, dân xã Quỳnh Hồng, huyện Quỳnh Lưu) cũng đã bị công an “triệu tập làm việc”. Đồng thời, ba người Đài Loan gồm Lin Sheng Hsiun (SN 1976), Lin Kun Jund (SN 1978) và Ho Yu-Hsiang (SN 1998) đã trốn ra nước ngoài, hiện đang bị truy nã quốc tế.
Tất cả những người nói trên liên quan đến vụ vận chuyển 600kg ma túy đá giấu trong các loa thùng bị bắt tại thành phố Vinh ngày 15 Tháng Tư  và 700kg ma túy đá vất bên đường tại một khu vực của huyện Quỳnh Lưu ngày 17 Tháng Tư.
Ngày 12 Tháng Tư công an Sài Gòn đã bắt giữ một nhóm người trên hai chiếc xe tải và tìm thấy khoảng 1,100kg ma túy đá được ngụy trang trong các loa thùng. Hai người mang quốc tịch Đài Loan là Yeh Ching Wei (SN 1986) và Chiang Wei Chih (SN 1988) đã bị bắt giữ.
Sau các vụ vừa kể, Công an Sài Gòn “đề nghị người dân, nhất là người có kho bãi, nhà xưởng cho thuê, các doanh nghiệp kinh doanh vận tải, xuất nhập khẩu… cảnh giác trước các thủ đoạn vận chuyển ma túy”, theo tờ Thanh Niên hôm Chủ Nhật.
Tờ Người Lao Động hôm Chủ Nhật thuật lời Phó giám đốc Công an Nghệ An cho hay “phương thức, thủ đoạn giống nhau, tuy nhiên vẫn chưa có cơ sở khẳng định đây là cùng một đường dây. “Vụ việc đang được chúng tôi tiếp tục điều tra mở rộng, khi nào bắt được đối tượng cầm đầu người Đài Loan thì mới khẳng định được có hay không sự liên quan của 3 đường dây ma túy trên”.
Ông Trần Lưu Quang, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Sài Gòn nói trong một cuộc họp ở địa phương ngày Thứ Bảy 20 Tháng Tư 2019, nhìn nhận “các đối tượng buôn bán ma túy chọn Sài Gòn làm nơi trung chuyển ma túy thay cho Thái Lan như trước”, tờ Pháp Luật thành phố tường thuật.
Nguyên nhân theo ông Quang, “Chính phủ Thái Lan đã đầu tư hàng tỉ đô la cho hệ thống soi chiếu hiện đại nhất thế giới, phát hiện gần như tất cả các trường hợp vận chuyển, nên các thế lực chọn Việt Nam làm địa bàn trung chuyển thay thế. Sau khi Việt Nam đánh mạnh vào Sơn La thì có xu hướng chuyển vào phía Nam”.
Song song là “hệ lụy của cải cách hành chính” mà ông Quang cho hay “khi xuất khẩu hàng qua cửa khẩu Tân Sơn Nhất và cảng Cát Lái thì có khái niệm ‘luồng xanh’, các doanh nghiệp không có vi phạm gì trước đây thì qua luồng này không có kiểm soát. Hiện nay có rất nhiều lượng ma túy đi qua con đường này”.
Theo một bản phúc trình của cơ quan Ma Túy và Tội Phạm (UNODC) của Liên Hiệp Quốc (LHQ) ngày 11 Tháng Ba 2019, số lượng ma túy tổng hợp bị bắt giữ ở các nước phía đông Á châu và Đông Nam Á trong năm 2018 lên ít nhất đến 116 tấn, gia tăng gấp 3 lần so với năm 2013 và nhiều hơn số lượng 82 tấn bị bắt giữ vào năm 2017.
Mười ba quốc gia nêu tên trong phúc trình của LHQ gồm các nước ASEAN và cả Trung Quốc, Nhật Bản. Chỉ riêng năm ngoái, Thái Lan đã bắt giữ tới 517 triệu viên ma túy đá (methamphetamine) gấp 17 lần so với một thập niên trước.
Bản phúc trình của LHQ về tình hình ma túy không coi Việt Nam là điểm trung chuyển của các đường dây buôn lậu ma túy quốc tế, nay với những gì đang diễn ra, tình hình diễn tiến khác hẳn.
Phần lớn những người chơi ma túy dạo sau này đã lựa chọn methamphetamine và các dạng ma túy tổng hợp khác, đa số phát xuất từ “Tam Giác Vàng” (nằm giữa 3 nước Thái Lan, Miến Điện và Lào) xưa nay vốn được coi là cái nôi của mọi loại sản xuất và buôn lậu ma túy, trước kia là thuốc phiện, rồi đến heroin và nay là các loại ma túy tổng hợp.
Những người “chơi” ma túy, thuốc lắc tập thể thấy bị bắt giữ rất nhiều trong các quán Karaokê hay vũ trường tại nhiều thành phố tại Việt Nam. Các bản báo cáo của các cơ quan nhà nước thì nhìn nhận con nghiện tại Việt Nam “ngày càng trẻ hóa”. (TN)