Monday, January 21, 2019

Nhà cầm quyền TP.HCM muốn chứng minh " Luật là tao, Tao là luật "?


Nguyễn Hoàng Hải(VNTB) - Gần ba tuần đã trôi qua kể từ ngày 4/1/2019, là một ngày mà nhà cầm quyền TP.HCM đã thành công trong công việc đánh úp cư dân đang cư ngụ tại vườn rau Lộc Hưng ra khỏi nơi cư ngụ của mình một cách thật sự quá dễ dàng bởi quyền lực vô hạn đã có sẵn trong tay.


Thông báo thời gian 90 ngày để người dân tự di dời tháo dỡ, có hay không thông báo bằng miệng hay dán trên tường vài ngày trước đó chỉ là một màn kịch che đậy kế sách đánh úp bất ngờ người dân vườn rau Lộc Hưng?. 

Đuổi, bắt, trục xuất người dân vườn rau Lộc Hưng ra khỏi nơi cư ngụ, đập phá, hủy hoại tài sản, chôn vùi sự sống của người dân, chôn vùi tính pháp lý sở hữu đất đai xuyên suốt từ năm 1955 mà cư dân vườn rau Lộc Hưng đã tồn tại, đó mới là thông báo chính thức của nhà cầm quyền vào ngày 4/1/2019 chứ không phải là thông báo 90 ngày như người dân đã tưởng trong một giấc mơ ân huệ nào đó.

Hành động tàn bạo, nhẫn tâm, vô liêm sỉ, là những từ mà người dân trên cộng đồng hiện tại đang dành cho nhà cầm quyền F6 QTB phải chăng đã cạn kiệt vốn từ để diễn tả. Đằng sau sự cạn kiệt vốn từ của người dân sẽ là gì? Vẫn là nước mắt chảy dài trước cường hào ác bá, hay là sự quật khởi để giành lại sự sống trong tương lai?.

Thật khó để giải mã tường tận sẽ là gì, nhưng có thể hình dung sự giận dữ của cộng đồng dân chúng hiện tại, sự quan ngại của cộng đồng quốc tế qua cách nhìn không thiện cảm với nhà cầm quyền, sự thận trọng dồng lòng của những luật sư hiện tại đang chung sức cùng người dân làm cho ra lẽ sự sai trái mà nhà cầm quyền đã gây ra cho người dân, thì mới hy vọng và thấy được sự hồi sinh trong tương lai.

Phải chăng, đây là cách nghĩ lạc quan trong một xã hội mà pháp luật lâu nay được ví như nhành liễu đong đưa trước gió, lương tri từ nhà cầm quyền đã đội nón ra đi .... Không, không hẳn là vậy, bởi đã là con người cũng có lúc phải biết giựt mình hoảng sợ, nếu một khi đã đánh mất sạch sẽ lương tri mà con người cần phải có thì khác nào đã trở thành loài thú sống trong hoang dã.

Sự việc xảy ra khi ngày Tết đã cận kề, sự uất nghẹn cứ tăng dần và lan tỏa trên cộng đồng. Tết trong lịch sử, đã có lần nhuốm máu của đồng bào qua cuộc tổng tấn công năm 1968 ( Mậu Thân ) dù đã có thỏa thuận đình chiến để người dân sum vầy đón Tết, nhưng đã trở thành thảm cảnh tan thương cho hàng triệu người ngày đó. Hơn 50 năm đã qua, vết thương cũ dường như vẫn chưa nguôi ngoai thì giờ đây lại đến hàng trăm hộ người dân vườn rau Lộc Hưng cũng rơi vào cảnh tương tự.

Tuy bối cảnh, hoàn cảnh, thiệt hại tan thương là khác nhau. Nhưng, giống nhau từ một lời hứa bị hủy bỏ một cách trắng trợn, giống nhau từ một chiến thuật đánh úp bất ngờ, giống nhau đến kinh ngạc qua hai chữ vì dân mà nhà cầm quyền dù nhỏ hay lớn cũng sẵn sàng đẩy đuổi người dân đến tận cùng sự thống khổ thì thử hỏi có một chính quyền nào vì dân mà lại tàn bạo như thế hay không?

Làm ơn cụ Tổng nói một lời ‘công đạo’

Minh Châu (VNTB) Tôi thấy đa số dân bị cưỡng chế ở khu vườn rau Lộc Hưng chủ trương đòi hỏi ‘công lý’. Ý nguyện này không có gì khó khăn. Nếu thực hiện thì chỉ khẳng định những quyết tâm của cụ Tổng mà thôi… Làm ơn cụ Tổng nói một lời công đạo”.

Vụ đập phá nhà dân ở khu vườn rau Lộc Hưng, phường 6, quận Tân Bình, Sài Gòn vẫn tiếp tục nóng đối với tất cả nhà dân nằm trên con đường Chấn Hưng, Hưng Hóa, khi suốt tuyến đường này vẫn rải đầy lực lượng công an, dân phòng, an ninh thường phục. Tất cả những ai đi qua đây mà dừng xe lại rồi đưa điện thoại lên để quay phim, chụp hình là lập tức bị lực lượng sắc phục lẫn thường phục ập tới cản ngăn. Nếu người dân phản ứng, họ sẽ bị thu luôn điện thoại.

Xin ghi nhận một số ý kiến từ cư dân Lộc Hưng, và khu xóm lân cận đó cũng trên địa bàn phường 6, quận Tân Bình.

* Ông Quang, người trồng rau: Sáng chủ nhật rồi, nhân viên chính quyền gặp tôi nói là lên phường để nhận tiền hỗ trợ 18 triệu đồng cho việc miếng đất trồng rau, chuồng gà của tôi nơi đây đã bị họ đập phá tan hoang. Quá vô lý, họ cướp công khai tài sản, gia cầm, hoa màu tôi trồng để bán mùa Tết thì sao gọi là tiền hỗ trợ? Nếu từ đầu họ thương lượng với giá cả hợp lý, tôi nghĩ sẽ không ai phản ứng khi nơi đây sẽ có một dự án trường học tử tế.

Dĩ nhiên đó phải là xây dựng trường học, chứ không phải là cái cớ để sau đó chuyển đổi sang mục đích kinh doanh chung cư, căn hộ mà chính quyền đã từng toan tính nhiều lần ở khu đất vườn rau Lộc Hưng.

* Ông Nguyễn Minh Hùng, giáo viên môn tiếng Anh: Tôi từng thuê một căn nhà ở kề khu vườn rau Lộc Hưng để mở lớp dạy thêm, và tham gia lớp tình thương cho trẻ em nghèo khu vườn rau.

Tôi không am tường về luật đất đai, nhưng về chuyện xây dựng trường lớp nơi đây thì tôi thấy là trên cương vị Bí thư Thành ủy, đồng thời cũng từng là phó chủ tịch TP.HCM, rồi giữ chức Bộ trưởng Bộ Giáo dục, tin chắc ông Nguyễn Thiện Nhân biết rõ ràng là làm gì có chuyện chỉ với vật chất của một ngôi trường được xây dựng là có thể đạt chuẩn quốc gia, như tên của dự án trên tấm bảng đang cắm ở đất của bà con khu vườn rau Lộc Hưng, là “cụm trường học đạt chuẩn Quốc gia”.

Tôi nghe nói ông Nguyễn Thiện Nhân cũng từng đứng lớp. Tôi muốn nói chi tiết hơn với thầy giáo Nguyễn Thiện Nhân rằng cụm từ “trường chuẩn quốc gia” đã trở thành nỗi ám ảnh không chỉ với ban giám hiệu các trường, mà với tất cả giáo viên như chúng tôi. Khi trường học nào đó được khoác trên mình danh hiệu “trường chuẩn quốc gia mức độ 1, 2 hoặc 3” như một điều hiển nhiên phải nổi trội hơn các trường khác, dù thực chất không có được điều đó.

Thế là mọi hoạt động ở trường phải chạy đua, phải gồng mình lên để theo kịp những cái danh vừa đạt được. Cứ như việc trường lên hạng, mọi thứ bỗng chốc buộc phải lên hạng theo. Như tỉ lệ học sinh khá, giỏi phải luôn đạt mức cao, thấp nhất cũng từ 75% trở lên; học sinh lên lớp thẳng khoảng 99%…

Chẳng thế mà có trường mới chỉ năm ngoái thôi khi chưa được công nhận là “trường chuẩn quốc gia” thì học sinh yếu còn được phép lưu ban để học lại cho chắc. Nhưng năm nay các em không được phép ở lại, dù học sinh ấy có học yếu cỡ nào…
Nói dông dài như vậy để xin khẳng định một điều, là chắc chắn trong tất cả các văn bản pháp lý liên quan đến vấn đề giáo dục, không hề có ý niệm về xây cất một, hoặc cụm trường học đạt chuẩn Quốc gia như tấm bảng đang cắm trên đất của bà con vườn rau Lộc Hưng.

* Bà Nguyễn Thu Dung, giáo viên môn địa lý: Tôi có đứa em đang dạy mầm non ở khu dân cư 50 héc ta tại Cát Lái, quận 2. Xin mời thầy Nguyễn Thiện Nhân đến đây tham quan để biết thế nào là chuẩn quốc gia đối với trường học.

Trường mầm non Cát Lái nằm trong cụm các trường từ mầm mon, tiểu học đến trung học cơ sở, xây dựng rất bề thế ở phía sau trụ sở của Tòa cấp cao tại TP.HCM. Trường mầm non này được thành lập 2001, với cảnh quan thoáng mát, môi trường học tập xanh – sạch – đẹp – an toàn. Tất cả phòng học, phòng chức năng đều đầy đủ trang thiết bị, phục vụ tốt việc chăm sóc, giáo dục cho hơn 336 trẻ đang theo học tại trường.

Đến tháng 11/2017, trường mầm non Cát Lái được công nhận đạt chuẩn Quốc gia và Kiểm định chất lượng giáo dục. Còn 2 trường nằm liền kề trong cụm thì chưa đạt chuẩn Quốc gia, mặc dù cơ sở rất rộng rãi, lớn hơn nhiều so vị trí tính xây dựng ở khu vườn rau Lộc Hưng.

Thầy Nguyễn Thiện Nhân ơi, họ phải mất tới 16 năm, trường mầm non Cát Lái mới có thể đạt chuẩn Quốc gia. Và thầy Nhân cũng lưu ý luôn là chuyện “chuẩn Quốc gia” này được tính theo niên hạn mỗi 5 năm, chứ không phải đạt một lần là… mãi mãi như tấm bảng cắm ở đất bà con vườn rau Lộc Hưng đâu.

* Bà Chinh, cựu Hội thẩm nhân dân: Khu đường Chấn Hưng và Hưng Hóa có chiều ngang hẹp. Trông nó giống con hẻm nhiều hơn. Thử tưởng tượng cảnh phụ huynh đón con mỗi khi tan trường đồng loạt ở 3 cấp từ mầm non đến trung học cơ sở, sẽ hình dung ra ngay chuyện kẹt xe, tắc đường khi họ phải len lõi chạy ra con đường chính Cách Mạng Tháng Tám nằm bên ngoài.

Mà thôi, đó là chuyện tương lai. Biết đâu giờ chót chính quyền đổi ý để xây dựng cái khác thì sao?. Ngay lúc này, tôi thấy đa số dân bị cưỡng chế ở khu vườn rau Lộc Hưng chủ trương đòi hỏi ‘công lý’. Ý nguyện đó không có gì khó khăn. Nếu thực hiện thì chỉ khẳng định những quyết tâm của cụ Tổng mà thôi…

Làm ơn cụ Tổng nói một lời công đạo, xin đừng để tiếng oán than dậy trời khi ngày Tết đang đến gần. Thất nhân tâm lắm rồi.

Hoàng Sa và xóm nghèo Lộc Hưng, hai phép thử dưới một góc nhìn

Tran Hung|

Sau khi tỉnh tâm nghiền ngẫm, bất chợt trong đầu lóe lên những suy đoán lạ lùng về hành vi lạ thường của cộng sản về hai sự kiến cướp phá xóm nghèo Lộc Hưng khi Tết đã cận kề và báo chí làm hăng về Trung cộng cướp Hoàng Sa. Sau đây xin sơ lược để mọi người cùng suy nghĩ và phán đoán tiếp theo.
I- Về vụ cướp phá xóm nghèo Lộc Hưng trong những ngày cận Tết:
Cá nhân nghĩ rằng nếu đơn thuần chỉ vì nôn nóng để cướp cho được khu đất ở xóm nghèo Lộc Hưng mà tà quyền cộng sản xua quân cướp phá, san phẳng nơi đây trong những ngày cận Tết là không hẳn. Bởi vì cộng sản cầm quyền cai trị thì chúng muốn cướp lúc nào chằng được việc gì phải chờ gần Tết mới cướp.
Vậy tại sao chúng xua quân cướp phá Lộc Hưng trong lúc này ? Có thể chúng muốn kiểm tra sức phản kháng của công dân chế độ cũ về mặt pháp lý lẫn tự vệ bản năng. Về mặt pháp lý là xem nạn dân ở Lộc Hưng có kéo đến các cơ quan công quyền lăn lộn, kêu gào hay không.
Về mặt “tự vệ bản năng” là xem dân Lộc Hưng có dám đứng ra “quyết tử giữ làng” như anh hùng Núp cùng dân làng Kông Hoa tác phẩm “Đất nước đứng lên” tác giả Nguyên Hồng (chính là ông Nguyên Ngọc vừa ra khỏi đảng) hay không ?
Nếu cả hai điều trên đều không xảy ra tại xóm nghèo Lộc Hưng thì xem như đất nước này không còn dám “đứng lên” nữa rồi. Coi như “Dân trí và Dân khí” đã bị chết thì dù Trung cộng có sụp đổ thì Việt cộng vẫn “tau có chi mô”. Một phép thử quá thâm sâu của con khỉ già bạc đầu mang tên Nguyễn Phú Trọng.
II- Cho báo chí “lên gân” vụ 45 năm Trung cộng cướp đoạt Hoàng Sa:
Giàn khoan của Repsol đang khoan ngon ơ trong thềm lục địa vậy mà tên tướng già Phạm Trường Long sang to tiếng “Biển Đông là của Trung cộng thời cổ đại” bị Trần Đại Quang cự tuyệt nó xô ghế ra về thì vài ngày sau cả Trần Đại Quang và Đinh Thế Huynh phải chở sang Nhật cấp cứu, Repsol phải rút quân đi thì nay báo chí lại cứng giọng quả là bất ngờ.
Vào ngày 27/6/2018, cha của Trọng lú là Tập Cận Bình khi tiếp Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis tại Bắc Kinh, khi đề cập vấn đề Biển Đông, Tập đã tuyên bố “Trung cộng sẽ không chịu mất một tấc lãnh thổ do cái gọi là tổ tiên để lại”. Nay đám cháu chắc của Tập là bọn Tuyên giáo dám cho báo chí nói Trung cộng cướp Hoàng Sa, mưu đồ độc chiếm Biển Đông thì khác gì dám chửi ông cố nội nó “mày là thằng ăn cướp”. Không bao giờ dám ngoại trừ có chỉ đạo từ Thiên triều.
Khi Vương Nghị sang trao lịnh “phải hợp tác khai thác Biển Đông” thì Phạm Bình Minh lại tiếp ở Sài gòn và sau khi nhận lĩnh của Vương Nghị thì mấy ngày sau Trần Đại Quang lăn đùng ra chết. Lập tức Trọng lú ôm luôn ghế chủ tịch nước và tức tốc ban hành nghị quyết “phát triển kinh tế biển”. Vậy thì bây giờ báo chí lại dám chỉ mặt Trung cộng là “cướp Hoàng Sa, mưu đồ độc chiếm Biển Đông” thì thật là quá hiếm tựa hồ “chạch đẻ ngọn đa”.
Vậy mục đích thực sự của việc cho phép báo chí đăng bài chỉ mặt Trung cộng là “tên cướp Hoàng Sa, mưu đồ độc chiếm Biển Đông” của Trọng lú là gì ngoài:
  1. Thăm dò tình hình “dân trí và dân khí Việt” về vấn đề Biển Đông mà cụ thể ở đây là Hoàng Sa:
Theo bằng chứng lịch sử thì ngày 19/01/2019 này là ngày tròn 45 năm Trung cộng cướp Hoàng Sa của Việt Nam nhưng theo Trung cộng thì vào ngày 08/12/2016 là ngày chúng đã tổ chức kỷ niệm “70 năm thu hồi Hoàng Sa, Trường Sa”.
Theo bọn Trung cộng như trên thì vào ngày 08/12/2019 tới đây sẽ đúng 73 năm chúng đã thu hồi Hoàng Sa, Trường Sa”. Nhưng nếu so với ngày quốc khánh thì tới đây vào ngày 01/10/2019 Trung cộng chỉ tròn 70 tuổi (quốc khánh đầu tiên là ngày 01/10/1949).
Vậy tại sao Trung cộng mới có 70 tuổi đời nhưng lại nói đã thu hồi Hoàng Sa, Trường Sa được 73 năm ? Tại vì chúng lấy mốc thời gian của hội nghị Potsdam ngày 26/7/1945 mà quyết định của Tam cường là Hoa Kỳ, Anh, Trung Hoa Dân Quốc (Tưởng Giới Thạch) là chia Đông Dương làm hai khu vực để tiện cho việc giải giới quân đội Nhật Bản đóng tại đây.
Theo tuyên ngôn Potsdam thì quân Tưởng Giới Thạch chỉ được phép giải giới quân đội Nhật Bản ở quần đảo Hoàng Sa, sau khi giải giáp quân đội Nhật và ổn định tình hình thì phải trao trả Hoàng Sa cho quốc gia có chủ quyền là Việt Nam. Thực thi tuyên ngôn Potsdam, tháng 11/1946 Tưởng Giới Thạch đổ quân ra đảo Phú Lâm – Hoàng Sa để giải giới quân Nhật và nằm luôn ở đây. Nhưng do sức ép của Pháp và trong nước đang bị Mao Trạch Đông đánh rát nên Tưởng Giới Thạch đã phải rút khỏi đảo Phú Lâm – Hoàng Sa. Đến ngày 14/10/1950, Chính phủ Pháp chính thức trao lại cho chính phủ Bảo Đại việc quản lý và bảo vệ Hoàng Sa. Vì vậy Trung cộng lấy cớ vin vào việc Tưởng Giới Thạch đổ quân lên đảo Phú Lâm để giải giời quân Nhật theo tuyên ngôn Potsdam, tức lấy ngày 08/12/1946 để làm mốc “thu hồi Hoàng Sa – Trường Sa” nhằm kéo dài thời gian chiếm đóng để chày cối nhằm chiếm hữu về mặt thời gian mà theo luật ngầm một thực thể bị chiếm giữ quá 50 năm sẽ khó đòi lại “quyền chủ quyền” từ tay người đang chiếm giữ, quá 100 năm thì khó đòi lại “chủ quyền”.
Giờ đây khi Đài Loan quyết không chấp nhận một nhà nước Trung hoa, tức sẽ tách khỏi Đại lục thành một nhà nước độc lập thì đồng nghĩa khái niệm “thu hồi Hoàng Sa – Trường Sa” vốn dĩ đã phi lý lại càng thêm phi lý vì Trung cộng không thể vin vào việc đổ bộ lên đảo Phú Lâm trong sứ mạng giải giáp quân Nhật bởi Trung cộng tách biệt với Trung Hoa dân quốc.
Do đó Trung cộng và Việt cộng mới vội vã tổ chức cuộc đàm phán cấp chính phủ về biên giới lãnh thổ Việt Nam – Trung cộng tại tỉnh Lào Cai vào ngày 14/01/2019 và sau đó một ngày thì phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung cộng đã nói rằng Bắc Kinh và Hà Nội đã đạt đồng thuận về việc “1,450 km đường biên giới trên bộ giữa hai bên trở thành cầu nối hợp tác và hữu nghị”. Có nghĩa giữa Việt Nam và Trung cộng sẽ không còn “đường biên giới ngăn cách” mà trở thành “không biên giới cách ngăn” hay nói trắng ra Việt Nam trở thành một phần lãnh thổ không tách rời khỏi Trung cộng vì không còn đường biên giới trên bộ nữa.
Về Hoàng Sa, sau khi tung báo chí tung tin như mấy ngày qua chỉ mặt Trung cộng cướp Hoàng Sa tròn 45 năm nhưng nếu 90 triệu dân Việt vẫn ngậm tăm thì xem như Biển Đông đã mất. Bởi vì Việt cộng chỉ vào đó nói rằng “dân Việt nam chấp nhận để Trung cộng cai quản Biển Đông” cũng như tên tổng thống Phillipines là Duterte đã tuyên bố bên lề Hội nghị Cấp cao Đông Á lần thứ 33 ở Singapore vào cuối năm 2018 rằng “Trung cộng đã nắm được Biển Đông – Biển Đông giờ đã nằm trong tay họ. Vậy tại sao lại phải tạo ra xích mích hay hành động quân sự cứng rắn dẫn tới biện pháp đáp trả của Trung cộng”.
Tóm lại, trước sức ép của Mỹ, Trung cộng đang đối diện với thực tế suy tàn. Chẳng những chúng khó nuốt Đài Loan mà khả năng để Đài Loan độc lập là rất cao. Thua me chúng gỡ bài cào, chúng sẽ chuyển hướng sang tăng cường sáp nhập bán đảo Đông Dương vào chúng mà động thái cho tàu chiến đồn trú ở Cambodia, cho Việt cộng thả thính thông qua vụ cướp xóm nghèo Lộc Hưng và báo chí cứng rắn về Hoàng Sa. Nếu dân Việt vẫn lặng im thì chúng nói với Trump rằng “dân Việt nam thích sống dưới sự bảo bọc của Trung cộng”, họ không hề phản kháng như dân Đài Loan. Vậy nên tránh xa Biển Đông đi để bọn tao hợp tác, phát triển kinh tế.
Sau màn thả thính trên, chắc chắn Việt nam sẽ chính thức bước vào vòng nô lệ vì hào khí Hai Bà Trưng mà Trump khích lệ đã không còn lấy gì mà giúp, họ không chịu tự đứng dậy thì làm sao mà cứu ? Chỉ còn cầu mong Trump nói và giữ lời đã nói trước Đại hội đồng LHQ là “sẽ xóa sổ cnxh” thì may ra dân tộc Việt nam mới thoát họa diệt vong./.

Phe cánh Nguyễn Phú Trọng củng cố vị thế, nắm chặt quyền lực đảng trị

Trong khi phe cánh Nguyễn Phú Trọng tìm cách giữ chặt quyền lực thì người nghèo vẫn khó khăn kiếm sống trên đường phố Hà Nội. (Hình: JEWEL SAMAD/AFP/Getty Images)
HÀ NỘI 21-1 (NV) .- Phe cánh Nguyễn Phú Trọng “đã quy hoạch” xong đám cán bộ cấp cao và chuẩn bị “xây dựng quy hoạch Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các chức danh lãnh đạo chủ chốt” cho nhiệm kỳ 2021-2026.
Bản tin Vietnamnet của Bộ Thông Tin và Truyền Thông CSVN loan báo liên tiếp hai ngày qua về những gì phe đảng của ông tổng bí thư kiêm chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã làm và sắp sửa làm để nắm chặt quyền lực độc tài đảng trị.
Ông Nguyễn Phú Trọng từ khi lên làm tổng bí thư đảng CSVN nhiệm kỳ thứ hai đã chen vào ngồi “chỉ đạo” cả trong đảng bộ công an, chen vào ngồi họp “chỉ đạo” phiên họp của chính phủ. Ông ta vốn đã là “chủ tịch quân ủy trung ương” tức người trên cùng của hệ thống chỉ huy quân sự, coi như gom hết mọi quyền hành vào một tay.
Theo Vietnamnet tường thuật, tại “hội nghị toàn quốc Tổng kết công tác tổ chức xây dựng Đảng năm 2018, triển khai nhiệm vụ năm 2019”, ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Ban Tổ chức trung ương của đảng CSVN báo cáo “Tham mưu tổng kết công tác xây dựng Đảng nhiệm kỳ Đại hội 12, sửa đổi, bổ sung Điều lệ Đảng; thực hiện tốt nhiệm vụ của tiểu ban nhân sự và tiểu ban Điều lệ Đảng.”
Trong đó “Thẩm định và trình phê duyệt quy hoạch Ban Chấp Hành Trung Ương nhiệm kỳ 2021-2026. Tham mưu xây dựng quy hoạch Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các chức danh lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước nhiệm kỳ 2021-2026.”
Cứ 5 năm một lần đảng CSVN lại xóc bài làm lại, những kẻ có nhiều quyền hành và ảnh hưởng cấu kết với nhau. Cuộc đấu đá tuy sau bức màn sắt nhưng chính những kẻ trong cuộc lại tìm cách tung tin theo kiểu ném đá giấu tay để hại phe địch. Nhờ vậy, thiên hạ mới được đọc các tài liệu vạch lưng thâm cung bí sử đế chế độc tài đỏ.
Nguyễn Phú Trọng, Nguyễn Xuân Phúc, Nguyễn Tấn Dũng, Phùng Quang Thanh và một loạt những nhân vật chung quanh họ, gồm cả vợ con họ, chẳng có gì đẹp đẽ, tham nhũng, xa hoa, trụy lạc, qua những gì người ta đọc thấy trên những mạng như “Quan Làm Báo”, “Chân dung quyền lực” v.v…
Ngày 18/1/2019, Vietnamnet đưa tin “Ban Tổ chức Trung Ương đã hoàn thiện quy hoạch trên 1,300 cán bộ diện trung ương quản lý; kiện toàn hàng chục ngàn cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp.”
Phe cánh giắt díu nhau, mua chuộc để lên chức là bài bản quen thuộc trong hệ thống đảng CSVN từng được đề cập rất nhiều trong những năm qua trên mặt hệ thống báo chí chính thống của chế độ.
Với quyền hành thu gom về một mối, Việt Nam trong tay ông Nguyễn Phú Trọng ngày càng ngột ngạt hơn về chính trị nhất là với Luật An Ninh Mạng siết chặt quyền tự do thông tin của người dân có hiệu lực từ đầu năm.(TN)

Hoãn xử phúc thẩm nhóm ‘Liên Minh Dân Tộc Việt Nam’

Nhóm thành viên tổ chức “Liên Minh Dân Tộc Việt Nam” bị vu cho tội “âm mưu lật đổ...” (Hình: TTXVN-RFA edit)
SÀI GÒN 21-1 (NV) .- Phiên tòa phúc thẩm nhóm thành viên “Liên Minh Dân Tộc Việt Nam” bị vu cho tội “âm mưu lật đổ” dự trù diễn ra ngày 21/1/2019 tại Sài Gòn nhưng bị dời lại vào một ngày khác chưa biết.
Theo luật sư Nguyễn Văn Miếng thông báo, phiên tòa bị dời lại vì luật sư “do tòa chỉ định” của ông Phan Trung, một trong 5 thành viên của nhóm “Liên Minh Dân Tộc Việt Nam” bận việc không thể đến tham gia bào chữa.
Các ông Lưu Văn Vịnh, Nguyễn Văn Đức Độ, Phan Trung, Nguyễn Quốc Hoàn và Từ Công Nghĩa bị cáo buộc “hoạt động lật đổ chính quyền” và đã phải chịu những mức án oan nghiệt tại phiên sơ thẩm, tổng cộng 57 năm tù cho 5 người.
Tại phiên xử sơ thẩm ở Sài Gòn ngày 5/10/2018, ông Lưu Văn Vịnh bị áp đặt 15 năm tù, ông Nguyễn Quốc Hoàn 13 năm tù, ông Nguyễn Văn Đức Độ 11 năm tù, ông Từ Công Nghĩa 10 năm tù, và ông Phan Trung (sư thầy Thích Nhật Huệ) 8 năm tù. Tất cả còn bị quản chế 3 năm tại địa phương cư trú sau khi ra tù.
Theo bà Lê Thị Thập, vợ ông Lưu Văn Vịnh có trang facebook “Cô Mười họ Lê” thì “phiên tòa bị hoãn đột xuất này cũng không có gì là lạ khi mà Tòa Án luôn là người chủ động còn luật sư với người nhà luôn là người bị động, một phiên tòa được bên công an, an ninh nói là tầm cỡ nguy hiểm quốc gia, mà tòa án báo với luật sư trước có 12 ngày”.
Bà Thập viết rằng “Tôi thay mặt chồng tôi xin gửi lời cảm ơn chân thành đến các báo đài truyền thông quốc tế, Luật sư, quí Cha, quí Thầy cùng các anh chị em trong nước và hải ngoại cùng hướng về phiên tòa hôm nay nhưng bị hoãn, tôi mong được mọi người vẫn dành sự quan tâm cho ngày xử gần đây giống như ngày hôm nay ạ. Một lần nữa xin trân trọng cảm ơn mọi người.!”
Sau khi họ bị kết án tù, Chính phủ Mỹ qua tòa đại sứ Hà Nội bầy tỏ “quan ngại sau sắc” về bản án thật nặng mà chế độ Hà Nội áp đặt lên nhóm thành viên của tổ chức “Liên Minh Dân Tộc Việt Nam”.
“Chúng tôi quan ngại sâu sắc trước việc Việt Nam kết án năm nhà hoạt động Việt Nam, trong đó có ông Lưu Văn Vịnh và ông Nguyễn Văn Đức Độ, với án tù từ 8 đến 15 năm với cáo buộc mơ hồ ‘hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân.’ Bản tuyên bố phổ biến trên trang mạng của Tòa đại sứ Hoa Kỳ tại Hà Nội viết hôm Thứ Ba 9/10/2018.
Bản tuyên bố lên án chế độ Hà Nội gia tăng bắt giữ và kết án tù rất nặng những người đấu tranh đòi hỏi tự do dân chủ và công bằng xã hội tại Việt Nam: “Xu hướng gia tăng các vụ bắt giữ và những bản án nặng nề đối với các nhà hoạt động ôn hòa từ đầu năm 2016 đến nay hết sức đáng lo ngại. “
Bản tuyên bố nêu ra cho thấy chỉ riêng từ đầu năm 2018 đến Tháng Mười, nhà cầm quyền CSVN “đã kết án hơn 30 nhà hoạt động ôn hòa, tăng đáng kể so với năm ngoái.” Các tổ chức bảo vệ nhân quyền quốc tế cho hay chế độ Hà Nội hiện đang cầm tù ít nhất 230 người tù nhân lương tâm tại các nhà tù trên cả nước.
“Hoa Kỳ kêu gọi Việt Nam thả tất cả tù nhân lương tâm, và cho phép tất cả các cá nhân ở Việt Nam tự do bày tỏ quan điểm mà không lo sợ bị trừng phạt. Chúng tôi cũng hối thúc chính phủ Việt Nam đảm bảo hành động và luật pháp của mình, trong đó có Luật Hình sự, nhất quán với những điều khoản trong Hiến pháp Việt Nam cũng như những nghĩa vụ và cam kết quốc tế của Việt Nam”, bản tuyên bố viết. “
Tờ Công an Nhân dân (báo tuyên truyền của Bộ Công An Hà Nội) tường thuật phiên tòa mô tả “Lưu Văn Vịnh thường xuyên vào các trang mạng xã hội đọc các thông tin tiêu cực, sau đó kết nối với các thành phần chống đối chính trị, nhận định phiến diện cho rằng chế độ chính trị hiện nay đã lỗi thời nên sẽ bị đào thải…. Vịnh được xác định là kẻ chủ mưu, cầm đầu.”
Tòa án dựa vào lời khai cung của ông Nguyễn Quốc Hoàn để quy chụp cả 5 người tội “âm mưu lật đổ chính quyền”. Cáo trạng nói ông Hoàn khai đã “giúp ông Vịnh soạn cương lĩnh, điều lệ, giấy mời họp, lời hiệu triệu.” Tuy nhiên, trong phiên xử, ông Hoàn đã phủ nhận hoàn toàn. Ông nói ông đã bị ép cung. Điều tra viên đã viết sẵn một bản khai cung và ép ông ký vào đó.
Luật sư Đặng Đình Mạnh, người trực tiếp tham gia bào chữa cho các bị cáo, nói sau phiên tòa rằng: “Đây là một phiên tòa với bản án bất công. Tôi cho rằng họ không có tội. Các chứng cứ được tòa đưa ra rất yếu ớt. Thiếu các yếu tố có thể làm nên một vụ án hình sự. Dù các luật sư đã chỉ ra ngay những điều này nhưng tòa không xem xét và vẫn cho tuyên án.”(TN)

Xe container ở Việt Nam và ‘những cái chết được báo trước’

Văn Lang/Người Việt
Vụ tai nạn kinh hoàng tại Bến Lức, Long An. (Hình: Báo Giao Thông)
SÀI GÒN, Việt Nam (NV) – Những ngày đầu năm dương lịch, vụ xe container (Việt Nam gọi là xe đầu kéo) đi từ miền Tây về Sài Gòn đến ngã tư Bình Nhựt (huyện Bến Lức, tỉnh Long An) đã tông thẳng vào đoàn xe gắn máy đang đậu trước đèn đỏ. Chạy với tốc độ 45-55 km/h, chiếc xe container “tử thần” lướt đi tới gần 200 mét mới dừng lại được, vì đã cuốn nhiều xe gắn máy vô gầm xe.
Vụ tai nạn thảm khốc và đẫm máu, làm bốn người chết tại chỗ, hơn 20 người bị thương nặng. Tại hiện trường, người nằm rên la, cũng như các mảnh vỡ của xe gắn máy nằm la liệt.
Tài xế xe container gây tai nạn, bỏ trốn khỏi hiện trường. Tới hơn 7 tiếng đồng hồ sau mới ra trình diện. Nhưng khi đem tài xế vô bệnh viện để “test,” thì tài xế vẫn “dương tính” với ma túy và có nồng độ cồn (rượu) rất cao…
Đây không phải là lần đầu, và chắc chắn càng không phải là lần cuối, những người dân đàng hoàng, tuân thủ luật giao thông dừng xe trước đèn đỏ bị những chiếc xe tải, xe container mang tên “tử thần” cướp đi mạng sống một cách bất ngờ và đau đớn.
Một clip trên mạng Internet, cho thấy một vụ tương tự xảy ra tại Phú Mỹ Hưng, quận 7, Sài Gòn. Cũng tại một ngã tư đèn đỏ, giao giữa đại lộ Nguyễn Văn Linh và đường Nguyễn Lương Bằng. Trong khi rất nhiều xe gắn máy đang chờ đèn đỏ bên phía Nguyễn Văn Linh, thì từ phía Nguyễn Lương Bằng một chiếc xe container bỗng phóng về phía dòng xe với tốc độ “như tên bắn.” May là con đường khá rộng nên có người kịp quăng xe bỏ chạy, nhưng xe container cũng kịp tông nhiều xe gắn máy làm vài người bị thương và chỉ dừng lại được khi tông hư hỏng nặng một chiếc xe hơi 7 chỗ.
Tài xế xe hơi 7 chỗ là người hiểu chuyện, đã kịp kéo tài xế xe container vô xe mình và khóa chặt cửa lại. Nếu không, trước cơn thịnh nộ của bao nhiêu người đi đường, chắc chắn tài xế xe container đã bị đánh bầm dập.
Sau khi che chở cho tài xế container trước sự giận dữ của đám đông. Tài xế xe 7 chỗ, gọi điện thoại cho cảnh sát xuống lập biên bản. Trong biên bản, tài xế xe 7 chỗ đề nghị phải ghi là “nghi ngờ tài xế container có sử dụng ma túy, đề nghị đưa đi kiểm tra.” Nhưng đề nghị của tài xế xe 7 chỗ bị phớt lờ. Cho đến khi các bên liên quan làm việc với các giới chức để bàn việc bồi thường cho các nạn nhân, tài xế xe 7 chỗ nêu lại vấn đề nghi sử dụng ma túy của tài xế container. Nhưng một lần nữa vụ việc bị… ngó lơ, là vì các chủ xe container đều đã chung chi tiền bảo kê, nên vụ việc thường được dàn xếp theo lối… chìm xuồng.
Việc các tài xế xe container (cũng như xe tải đường dài) sử dụng ma túy, từ lâu đã không còn là vấn đề nghi vấn nữa. Mà trên thực tế, trong một đợt tổng kiểm tra sức khỏe tài xế xe container, thì hầu hết đều dính ma túy.
Xe container dày đặc trên đại lộ Nguyễn Văn Linh, Sài Gòn. (Hình: Văn Lang/Người Việt)
Hãy tưởng tượng, một chiếc xe container dài thậm thượt, có tải trọng lẫn hàng hóa lên tới 40 tấn phóng như tên trên những con đường Sài Gòn đông người hậu quả sẽ ra sao? Như vụ xe container tông chết hàng loạt người chờ đèn đỏ tại ngã tư Bình Nhựt, theo cơ quan chức năng, xe này khi lướt qua đèn đỏ với tốc độ 45-55 km/giờ, mà hoàn toàn không… đạp thắng.
Rõ ràng tài xế vừa phê ma túy, vừa phê rượu thì họ nghĩ họ là “thiên bồng nguyên soái” đang “cưỡi mây” đi tìm Hằng Nga (nàng tiên nâu) chứ đâu còn quan tâm gì đến cõi phàm trần này nữa.
Vì đâu nên nỗi?
Chuyện đường xá Việt Nam quá đông, xe chở quá trọng tải thì ai cũng biết rồi. Nhưng ác một cái là các xe container, cũng như xe tải đường dài phải giao hàng đúng hạn. Nếu không đúng hạn sẽ phải “ôm hàng” hoặc chịu bồi thường rất lớn. Mà xe từ trong Nam ra tới cửa khẩu Tân Thanh, Lạng Sơn giáp với Trung Quốc, trên ngàn cây số, chủ hàng quy định chỉ đúng 2 ngày xe phải ra tới nơi.
Đường xá Việt Nam quá đông, xe ra hai ngày đã là một nhiệm vụ bất khả. Chưa kể, quy định hạn chế tốc độ, khi xe qua các khu vực nội ô, huyện thị kể cả tuyến quốc lộ cũng bị hạn chế tốc độ. Trong khi loại đường cao tốc Bắc-Nam thì chưa có, hoặc chỉ có được “vài đoạn.”
Thế cùng, tài xế container phải lấy đêm làm ngày. Ban đêm họ đạp “lút ga” cho xe lướt đi như một bóng ma của tử thần. Vì chỉ có vậy, họ mới lấy lại thời gian đã mất lúc ban ngày. Và vì phải chạy tốc độ cao ban đêm, đa số tài xế để giữ cho mình được tỉnh táo, họ đành phải “bắn vài bi.”
Đó là giải thích của giới tài xế đường dài, xe container cho chuyện hầu hết người trong giới này đều sử dụng ma túy. Bên cạnh đó phải kể tới áp lực của công việc, nhiều nguy hiểm, buồn chán và cám dỗ của tuyến đường dài Nam-Bắc.
Đa số xe container sử dụng ở Việt Nam là xe cũ nhập cảng từ ngoại quốc. (Hình: Văn Lang/Người Việt)
Như một tài xế chúng tôi có dịp trò chuyện tâm sự. Đời tài xế đường trường, cũng chẳng khác nào kiếp sống giang hồ. Ban ngày giao vô-lăng cho tài nhì, tụi tui ngủ. Ban đêm căng mắt ra cầm lái, nhiều cung đường đèo cheo leo hiểm hóc vẫn không dám giảm tốc độ vì sợ bị cướp. Trên xe tụi tui bao giờ cũng có một lượng tiền lớn, là tiền hàng, tiền chung chi cho các trạm CSGT cố định, lưu động… Ra tới nơi giao hàng, mừng vì sống sót, mừng vì an toàn, mừng vì có lời, thế là phải đi xả “súp-bắp.” Dính những tệ nạn cũng từ đó mà ra. Bởi vì căng thẳng thần kinh lắm. Bước chân lên xe là xác định đã đặt một chân vào “cửa tử,” vì chạy kiểu này không có ngày tông chết người ta, thì cũng bị người ta tông chết.
Luật giao thông đường bộ tại Việt Nam ra quy định (từ năm 2008) cấm tài xế đường dài chạy xe quá 10 tiếng/ngày và cấm tài xế chạy xe liên tục quá 4 tiếng. Do vậy, hầu hết xe đường dài phải thuê cùng lúc 2 tài xế, để thay phiên nhau chạy. Nhưng vì lợi nhuận, các chủ xe bắt các xe quay đầu nhanh, cũng như kịp thời gian giao hàng, nên cả hai tài xế cũng đều… phờ râu. Nên hầu như cũng chẳng giảm tai nạn là mấy. Vì luật ra là để giúp những kẻ “làm luật” thêm nặng “hầu bao,” còn giới chủ thì phải chung chi đủ thứ nên chỉ còn cách “siết” tài xế, để đầu xe mau mau đẻ tiền. Cho nên luật giao thông đường bộ Việt Nam bị đồng tiền che khuất, hầu như không còn tác dụng.
Thêm nữa, xe container ở Việt Nam đều là những xe cũ nhập từ ngoại quốc, mà kiểm định kỹ thuật ở Việt Nam, chẳng qua là “kiểm định… phong bì.”
Theo giới chuyên môn, để giảm thiểu tai nạn của container. Biện pháp bắt buộc là phải phân luồng xe, tức làn xe chạy riêng. Nhưng với ngân sách Việt Nam hiện nay, tách làn xe riêng là không thể. Coi như cái khó bó cái khôn.
Chính vì thế mà người dân cũng như giới tài xế ai cũng có nguy cơ trở thành “thương phế binh,” “tử sĩ” trên đường phố. Hiểm họa từ những chuyến xe điên đã được báo trước. Nhưng mà “Sống chết mặc bay, tiền thầy bỏ túi!” (Văn Lang)

Phường 6, Tân Bình đã có 6 trường học, vẫn cướp đất Lộc Hưng

Tấm pano được chính quyền dựng lên sau khi đã cưỡng chế Vườn rau Lộc Hưng hôm 8 Tháng Giêng. (Hình: Facebook Tin Mừng Cho Người Nghèo)
SÀI GÒN, Việt Nam (NV) – Trong lúc căng thẳng tại vườn rau Lộc Hưng vẫn đang có chiều hướng tiếp diễn, mạng xã hội dấy lên bàn tán vụ phường 6, quận Tân Bình có vẻ như được đang nhà nước CSVN ưu ái “xây nhiều trường học nhất Việt Nam.”
Sau khi đã cưỡng chế hoàn toàn 112 căn nhà “xây dựng trái phép” tại vườn rau Lộc Hưng hôm 8 Tháng Giêng, chính quyền vội vã dựng lên một tấm pano ghi rằng nơi này dùng để “xây mới cụm trường học đạt chuẩn quốc gia.”
Tuy vậy, cư dân mạng tỏ ý hoài nghi về “ý tốt” của chính quyền vì phường 6 hiện tại đã có sáu trường gồm mầm non, tiểu học và trung học.
Cụ thể, trên đường Đất Thánh có trường Đống Đa và trường Nguyễn Gia Thiều. Tại đường Nghĩa Phát, hẻm Khai Trí có trường Chi Lăng. Đường Nghĩa Hòa có trường Trần Văn Đang. Đoạn ra đường Cách Mạng Tháng Tám trường Bạch Đằng. Đường Bành Văn Trân thì có cái trường cùng tên.
Diện tích của phường 6 được ghi nhận chỉ 0.57 km vuông mà đã có sáu trường học nên việc xây tiếp một trường học ở khu vực này khiến công luận thắc mắc.
Ngoài ra, cũng có ý kiến cho rằng việc chính quyền loan báo “xây trường học đạt chuẩn quốc gia” tại Vườn rau Lộc Hưng là một sự khiên cưỡng, vì cụm từ “trường chuẩn quốc gia” lâu nay đã trở thành nỗi ám ảnh với tất cả giáo viên vì họ phải gồng mình đạt tỷ lệ học sinh giỏi luôn đạt mức tối thiểu cũng từ 75% trở lên, tỷ lệ học sinh lên lớp khoảng 99%…
Theo thông lệ ở Việt Nam, một trường học để được công nhận “đạt chuẩn quốc gia” thì ban giám hiệu của trường đó thường phải mất hơn chục năm để cải thiện thành tích dạy và học của cả thầy lẫn trò.
Chuyện “chuẩn quốc gia” cũng được tính theo niên hạn mỗi 5 năm, chứ không phải mới xây là đạt “chuẩn quốc gia” như tấm bảng cắm ở đất của dân oan vườn rau Lộc Hưng.
Luật Sư Phạm Công Út ở Sài Gòn bình luận trên trang cá nhân: “Ủy Ban Nhân Dân quận Tân Bình cho rằng họ không thu hồi đất của người dân Vườn rau Lộc Hưng mà chỉ tháo dỡ 112 căn nhà xây dựng trái phép nhưng không bằng biên bản vi phạm hành chính, không có quyết định cưỡng chế tháo dỡ vì không có đối tượng cụ thể mà chỉ phát loa thông báo. Thế là dự án cụm trường học “đạt chuẩn quốc gia” trên 50,000 mét vuông đất của bà con Vườn rau Lộc Hưng không lẽ chỉ là một dự án ma? Nếu sắp tới những vụ khởi kiện của hàng trăm hộ dân nổ ra thì có thể sẽ có không ít vị phải vào lò.”
Trong lúc người dân Lộc Hưng vẫn đang nhờ các luật sư giúp khởi kiện chính quyền, báo Pháp Luật TP.HCM hôm 20 Tháng Giêng cho biết đã có tám hộ dân ở vườn rau Lộc Hưng nhận 50% tiền “trợ giúp,” với tổng số tiền là hơn 8 tỷ đồng ($343,944) do bị mất 2,300 mét vuông đất.
“Ngoài ra, các hộ này cũng được nhận thêm 5 triệu đồng ($214) tiền thưởng do nhận tiền trước Tết Nguyên Đán. Cùng với đó, 124 hộ trồng rau tại đây đều được nhận quà tết trị giá 6 triệu đồng ($257). Các hộ chưa đồng ý với mức giá trợ giúp thì cán bộ phường sẽ tiếp tục tiếp xúc, vận động để đạt sự đồng thuận,” tờ báo dẫn lời một vị giới chức ẩn danh của Ủy Ban Nhân Dân phường 6. (T.K.)

‘Tổ Chức Bảo Vệ Nhân Quyền Việt Nam’ tố giác nhiều vụ bắt bớ đàn áp của CSVN

Người dân đến khu vực tượng đài Lý Thái Tổ, thắp nhang, dâng hoa tưởng niệm các anh hùng tử sĩ Hoàng Sa. (Hình: Facebook Nguyễn Thuý Hạnh.)
HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Phúc trình của Tổ Chức Bảo Vệ Nhân Quyền Việt Nam (VNHR) tố giác nhiều vụ bắt bớ đàn áp của CSVN từ tuần lễ 14 đến 20 Tháng Giêng, 2019.
Thông tin được đăng tải trên trang nhà của VNHR cho biết hai nhà hoạt động dân sự là ông Trương Văn Dũng, ở Hà Nội và bà Dương Thị Tân, ở Sài Gòn bị lực lượng an ninh tấn công vào ngày 19 Tháng Giêng, 2019, khi họ tham gia buổi lễ tưởng niệm các chiến sĩ Việt Nam Cộng hoà đã tử trận trong cuộc hải chiến với Trung Quốc để bảo vệ Hoàng Sa năm 1974.
Theo đó, ông Trương Văn Dũng không bị thương nặng nhưng bà Dương Thị Tân ở Sài Gòn bị bất tỉnh và những kẻ tấn công đã đưa bà đến bệnh viện để điều trị trong tình trạng nguy cấp. Sau khi tiến hành kiểm tra, bệnh viện cho hay bà bị chấn thương cột sống nghiêm trọng.
Tại Hà Nội, 13 người chia làm hai nhóm đã tới tượng đài vua Lý Thái Tổ ở trung tâm thành phố để thắp hương tưởng niệm 74 chiến sĩ đã ngã xuống.
Trong khi đó, ở Sài Gòn, chỉ có 4 người thuộc Câu Lạc Bộ Lê Hiếu Đằng đến được tượng Trần Hưng Đạo để thắp hương tưởng niệm.
Nhiều nhà hoạt động khác ở Hà Nội, Sài Gòn và các địa phương khác cho hay họ bị lực lượng an ninh canh giữ chặt chẽ trong ngày 19 Tháng Giêng, nhằm ngăn chặn mọi người đến buổi kỷ niệm sự kiện những người lính VNCH đã tử vong trong cuộc hải chiến với quân đội Trung Quốc để bảo vệ Hoàng Sa năm 1974.
Mặc dù nhiều tờ báo lớn trong nước hôm 19 Tháng Giêng đã “được quyền” chỉ đích danh Trung Quốc cưỡng chiếm Hoàng Sa của Việt Nam, nhưng cuối cùng, việc ngăn chặn, tấn công những người tổ chức tưởng niệm các chiến sĩ VNCH đã ngã xuống vì bảo vệ biển đảo vẫn diễn ra như những năm trước.
Cũng trong bản phúc trình, Tổ Chức Bảo Vệ Nhân Quyền Việt Nam nhắc đến phiên toà phúc thẩm giáo viên Đào Quang Thục diễn ra tại Toà Án Nhân Dân cấp cao Hà Nội vào ngày 17 Tháng Giêng. Ông Đào Quang Thục bị kết án 14 năm tù và 5 năm quản chế với cáo buộc lật đổ chính quyền.
Bên cạnh đó, hai phiên toà phúc thẩm các nhà bất đồng chính kiến cũng được đề cập đến. Đó là phiên xử phúc thẩm 5 thành viên tổ chức Liên minh dân tộc Việt Nam tự quyết gồm các ông Lưu Văn Vịnh, Nguyễn Văn Hoàn, Nguyễn Văn Đức Độ, Phan Trung (tức sư thầy Nhật Huệ) và Từ Công Nghĩa với cáo buộc “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân.” Toà án nhân dân tối cao tại Sài Gòn là nơi sẽ diễn ra phiên xử vào ngày 21 Tháng Giêng, 2019.
Phiên phúc thẩm thứ hai diễn ra tại Tòa Án Nhân Dân cấp cao tại Hà Nội ngày 23 Tháng Giêng, 2019 đối với nhà báo độc lập Đỗ Công Đương. Ông Đỗ Công Đương đã đệ đơn kháng cáo trong bản án thứ 2 với cáo buộc “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích hợp pháp của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.”
Vào ngày 12 Tháng Mười, 2018, ông Đương bị tòa án tỉnh Bắc Ninh xử sơ thẩm tuyên phạt 5 năm tù giam. (K.L.)

Thuế vụ CSVN được quyền xâm nhập tài khoản ngân hàng của người dân?

Cơ quan thuế ở Việt Nam đang nhăm nhe những người có tài khoản YouTube có nhiều lượt subscribe và giới làm game. (Hình: Tuổi Trẻ)
SÀI GÒN, Việt Nam (NV) – Một bài báo đăng trên tờ Tuổi Trẻ hôm 19 Tháng Giêng dẫn lời bà Nguyễn Thị Cúc, chủ tịch Hội Tư Vấn Thuế nói là “Phải có biện pháp kiểm soát được những người kinh doanh trên mạng và doanh thu của họ.”
Bà Cúc nói “Một giải pháp rất quan trọng là phải cho cơ quan thuế được kết nối dữ liệu với các ngân hàng để nắm được luồng tiền. Khi thấy có dấu hiệu trốn thuế của ai đó, cơ quan thuế được phép truy cập vào các tài khoản của họ. Đây là mấu chốt quan trọng, là cơ sở kiểm soát được doanh thu, thu nhập và từ đó nắm được họ có trốn thuế hay chấp hành tốt.”
Tờ báo còn trích lời ông Lưu Đức Huy, vụ trưởng Vụ Chính Sách, Tổng Cục Thuế rằng cơ quan thuế nắm được doanh thu cũng như quản lý thuế chặt chẽ hơn đối với những người có thu nhập từ YouTube cũng giới làm game nhờ Điều 26 của Luật An Minh mạng buộc Google, Facebook và những trang web có doanh thu ở Việt Nam “phải lưu trữ dữ liệu tại Việt Nam và phải thành lập văn phòng đại diện tại Việt Nam.”
Trong chiều hướng siết chặt thuế với những người kiếm tiền từ các website và mạng xã hội của nước ngoài, thời gian qua, các báo nhà nước đồng loạt tuyên truyền về một số trường hợp “bị truy thu thuế hàng tỷ đồng.”
Gần đây nhất, báo Tuổi Trẻ cho hay một thanh niên có tên viết tắt là T.Đ.P., 20 tuổi, ở Sài Gòn bị Cục Thuế cưỡng chế truy thu 4.1 tỷ đồng ($176,271) do anh này được cho là kiếm được số tiền gấp mười lần từ Google. Tờ báo còn mô tả đây là “vụ thanh tra thương mại điển hình.”
“Hồi Tháng Tám, 2018, Cục Thuế đã gửi giấy mời người này lên làm việc và đã lập biên bản xác nhận thu nhập hơn 41.4 tỷ đồng ($1.78 triệu) do cung cấp dịch vụ quảng cáo cho Google trên phần mềm ứng dụng trò chơi nhưng chưa kê khai nộp thuế,” tờ báo cho biết thêm chi tiết.
Hồi Tháng Chín, 2018, theo báo Thanh Niên, một dự thảo luật quản lý thuế đề xuất việc các ngân hàng thương mại phải định kỳ cung cấp thông tin tài khoản ngân hàng của người nộp thuế cho cơ quan quản lý thuế.
“Ngân hàng thương mại có trách nhiệm cung cấp nội dung giao dịch qua tài khoản, số dư tài khoản của người nộp thuế trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được yêu cầu cung cấp thông tin của cơ quan quản lý thuế. Đồng thời khấu trừ, nộp thay nghĩa vụ thuế phải nộp theo quy định pháp luật về thuế của tổ chức, cá nhân ở nước ngoài có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử có phát sinh thu nhập từ Việt Nam theo hướng dẫn của Bộ Tài Chính và Ngân Hàng Nhà Nước CSVN,” báo Thanh Niên viết.
Trên mạng xã hội có suy đoán là “vỏ quýt dày có móng tay nhọn,” để đối phó với việc cơ quan thuế ở Việt Nam ráo riết truy thu, những người kiếm tiền nhờ Google, YouTube… sẽ tìm cách tách doanh thu thành nhiều tài khoản khác nhau, nằm tại nhiều ngân hàng khác nhau. Khi đó cơ quan thuế dù có đi rà soát tài khoản cũng sẽ rất khó để phát hiện ra doanh thu để yêu cầu nộp thuế. (T.K.)

Công an trắng trợn dối trá: ‘Năm 2018 Sài Gòn không kẹt xe’

Kẹt xe ở Sài Gòn đã trở thành “chuyện như cơm bữa” với người dân. Trong hình là cảnh kẹt xe tại khu vực cửa ngõ Tây Bắc, đoạn mũi tàu Cộng Hòa đến ngã ba Âu Cơ-Trường Chinh, quận Tân Bình. (Hình: Người Lao Động)
SÀI GÒN, Việt Nam (NV) – Hôm 18 Tháng Giêng, chỉ vài giờ sau khi đăng tải, báo Lao Động đã phải gỡ link bài “Cảnh sát giao thông thành phố ở Sài Gòn: Năm 2018 toàn thành phố không có ùn tắc giao thông.”
Tuy vậy, báo Đất Việt cùng ngày đã kịp trích dẫn bài báo đó và viết thêm: “Theo Công An thành phố ở Sài Gòn, năm 2018, trên địa bàn thành phố không xảy ra vụ ùn tắc giao thông nào, chỉ có ùn ứ giao thông vào những giờ cao điểm, nhất là sáng và chiều. Tại các vòng xoay, các tuyến đường xung quanh khu vực cảng, đường dẫn vào khu vực sân bay thường xảy ra ùn ứ vào một số thời gian trong ngày.”
Bài báo còn dẫn giải một cách khôi hài về mức độ của các khái niệm mới về nạn kẹt xe: “Theo giải thích của Sở Giao Thông Vận Tải ở Sài Gòn vào năm 2015, ùn tắc giao thông trên 30 phút được tính dựa trên tiêu chí là xe không di chuyển trong thời gian đó. Do đó, có thể hiểu rằng các vụ việc kẹt xe kéo dài thời gian qua (dưới 30 phút mỗi lần) chỉ là ùn ứ giao thông, vì xe cộ vẫn có thể di chuyển, nhúc nhích được.”
Đồng thời, nguyên do gây kẹt xe được lý giải là “do lượng người dân nhập cư và phương tiện đăng ký mới trên địa bàn thành phố ngày một tăng, do xuất hiện các đợt mưa lớn, triều cường gây ngập trên diện rộng khiến các phương tiện không thể lưu thông.” Với cách lý giải này, ngành công an và Sở Giao Thông xem như “vô can.”
Xe cứu thương tuyệt vọng hú còi giữa hàng ngàn xe cộ. (Hình: Người Lao Động)
Bài báo bị cư dân mạng đánh giá là thêm một sự dối trá trắng trợn mà ngành công an muốn tận dụng báo chí nhà nước để tuyên truyền. Đáng nói là bài báo nêu trên được đăng tải chỉ vài ngày sau khi các báo nhà nước đồng loạt đăng tin rằng trong năm 2018, có 378 lượt công an giao thông ở Sài Gòn “không nhận hối lộ” và tổng số tiền mà người dân vi phạm luật giao thông đưa nhưng họ không nhận là “gần 100 triệu đồng (hơn $4,313).”
Theo trang web Diễn Đàn Doanh Nghiệp, cả Sài Gòn hiện có 37 điểm kẹt xe nghiêm trọng thường xuyên. “Năm 2018, mỗi ngày Sài Gòn phải phấn đấu thu ngân sách 1,200 tỷ đồng (hơn $51.7 triệu), trong khi đó, trung bình mỗi giờ kẹt xe thành phố phải chịu thiệt hại tới khoảng 2.4 tỷ đồng (hơn $103,522),” trang web này viết.
Năm nào người dân Sài Gòn cũng được nghe Sở Giao Thông Vận Tải, Công An loan báo về giải pháp chống kẹt xe như thay đổi cách phân luồng giao thông trên các tuyến đường, xây thêm cầu vượt, cấm xe hơi vào nội đô, cấm xe máy… Các giải pháp này được ghi nhận luôn đi kèm kinh phí thực hiện hàng ngàn tỷ đồng.
Tuy vậy, đến nay tình trạng kẹt xe không những chẳng được cải thiện mà còn ngày càng tệ thêm. Nhiều người dân Sài Gòn nói nửa đùa nửa thật rằng thành phố này bây giờ thật sự chỉ có ba ngày không xảy ra kẹt xe mỗi năm là ba ngày Tết Nguyên Đán vì dân chúng đổ về quê ăn Tết. (T.K.)