Friday, September 4, 2020

‘CSVN nếu xử vụ Đồng Tâm theo án bỏ túi là tội ác khủng khiếp’

 HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Bốn ngày trước phiên tòa dự trù xử vụ Đồng Tâm, hôm 3 Tháng Chín, giới xã hội dân sự lên tiếng cảnh báo nhà cầm quyền “sẽ phạm tội ác” nếu nhất quyết tuyên phạt 29 bị cáo trong vụ này dựa theo “án bỏ túi.”

Phiên tòa dự trù sẽ kéo dài 10 ngày, bắt đầu từ Thứ Hai, 7 Tháng Chín, đang là tâm điểm của giới quan sát, trí thức và xã hội dân sự.

Thôn Hoành, xã Đồng Tâm. (Hình: Tiền Phong)

Càng gần đến ngày diễn ra phiên tòa, hệ thống truyền thông nhà nước liên tục đăng bài nhằm “tuyên truyền” theo chỉ đạo của Bộ Công An CSVN rằng kế hoạch giết người được người dân Đồng Tâm “chuẩn bị kỹ càng, bài bản, có chủ đích.”

Bài đăng trên báo VTC News hôm 3 Tháng Chín tiếp tục đưa cáo buộc “những kẻ ở Đồng Tâm dùng dao phóng lợn tấn công khiến ba chiến sĩ ngã xuống hố sâu, sau đó chúng nhẫn tâm đổ xăng xuống và châm lửa đốt…”

Bài báo cũng dẫn lời Luật Sư Đặng Văn Cường: “Một số đối tượng [người dân Đồng Tâm] quá manh động sử dụng cả lựu đạn, bom xăng, dao phóng… để chống lại lực lượng chức năng. Bởi vậy, cần phải xử lý nghiêm minh, triệt để trước pháp luật các đối tượng đã có hành vi vi phạm pháp luật hình sự.”

Việc báo đảng được Ban Tuyên Giáo cho đồng loạt đăng bài cáo buộc một chiều nhắm vào dân Đồng Tâm là chỉ dấu cho thấy các bị cáo trong phiên tòa tới đây nhiều khả năng sẽ bị “lên án” và “nhận lãnh các mức hình phạt thích đáng.”

Theo báo VNExpress, 25 người bị truy tố với cáo buộc “Giết người” phải đối mặt với mức 12 đến 20 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình. Bốn người còn lại bị cáo buộc “Chống người thi hành công vụ,” đối mặt với mức án 2-7 năm tù.

Đáng lưu ý, các bài trên báo nhà nước không hề hỏi bình luận của nhóm luật sư nhận bào chữa cho các bị can trong vụ này.

Trong khi đó, văn bản do Câu Lạc Bộ Lê Hiếu Đằng phát đi trên mạng xã hội cùng ngày ghi nhận theo chiều hướng ngược lại với báo đảng: “…Công an là lực lượng tấn công, giết ông Kình và bắt đi 29 người, rồi chính công an lại điều tra, sao tin được tính khách quan? Không thực nghiệm hiện trường xem nghi phạm đã đổ xăng thiêu ba công an dưới hố cháy thành tro thế nào, sao đã kết luận 25 người tội ‘Giết người?’ Không những thế, chính quyền còn cản trở các luật sư không được gặp, làm việc với các thân chủ và bị hạn chế tiếp cận hồ sơ vụ án…”

Tòa Án Nhân Dân thành phố Hà Nội là nơi diễn ra phiên xử vụ Đồng Tâm. (Hình: Trang web Tòa Án Nhân Dân thành phố Hà Nội)

“Nếu tòa án xử theo kịch bản đã định trước, tức ‘án bỏ túi’ quy tội ‘Giết người’ cho các nạn nhân với những hình phạt nặng nề, thì đây là tội ác khủng khiếp,” văn bản đưa nhận định.

Tổ chức quy tụ những trí thức, nhân sĩ bị nhà cầm quyền CSVN coi là giới bất đồng chính kiến, cũng viết thêm: “…Nay nếu các nhà lãnh đạo cũng dũng cảm nhìn thẳng vào bản chất của vụ án Đồng Tâm để ứng xử thì cứu vãn được phần nào lòng tin của dân để cùng đoàn kết vì những mục tiêu lớn lao, cấp bách của đất nước. Còn nếu như đảng cứ tiếp tục dùng cường quyền để ‘thắng’ dân bằng mọi giá thì sẽ gây thêm tội ác, càng thêm nỗi đau đớn, hận thù trong lòng dân với đảng mà thôi.” (N.H.K) [qd]

Hà Nội bắt hơn 10 tấn nguyên liệu trà sữa ‘toàn chữ Tàu’

 HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Khoảng 10 tấn nguyên liệu pha chế trà sữa, siro, mứt hoa quả… có nhãn hiệu “ghi toàn chữ Tàu” nhưng không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc đã bị giới hữu trách Hà Nội thu giữ.

Xác nhận với báo VNExpress, ông Nguyễn Ngọc Hà, đội trưởng Đội Quản Lý Thị Trường số 17 thuộc Cục Quản Lý Thị Trường Hà Nội, cho biết ngày 3 Tháng Chín, đội đã phối hợp cùng Cảnh Sát Môi Trường Công An Hà Nội kiểm tra kho hàng tại Yên Bài, xã Tự Lập, huyện Mê Linh, do ông Lỗ Văn Nam (31 tuổi) làm chủ.

Giới hữu trách kiểm tra kho hàng chứa hàng ngàn sản phẩm không rõ nguồn gốc. (Hình: Tổ Quốc)

Theo báo Tổ Quốc, tại thời điểm kiểm tra tổ công tác thấy khoảng 5,000 sản phẩm đóng gói gồm nguyên liệu pha chế đồ uống như trà, mứt hoa quả, siro, và nguyên liệu làm trà sữa, bột trà sữa… với trọng lượng ước tính gần 10 tấn có nguồn gốc xuất xứ từ ngoại quốc ghi toàn “chữ Tàu,” không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc.

Tuy nhiên, chủ hàng đã không xuất trình được hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ, không rõ phẩm chất sản phẩm. Toàn bộ lô hàng hiện được quản lý thị trường thu giữ. Nếu chủ kho hàng không xuất trình được giấy tờ hợp pháp và “Giấy Chứng Nhận An Toàn Thực Phẩm” của số hàng trên thì sẽ bị tiêu hủy.

Theo báo VietNamNet, trà sữa là đồ uống được bán phổ biến ở nhiều tỉnh, thành phố, được giới trẻ ở Việt Nam ưa chuộng. Thế nhưng gần đây nhiều vụ buôn lậu nguyên liệu trà sữa không rõ nguồn gốc, xuất xứ nghi là của Trung Quốc, với số lượng lớn liên tục đã bị các cơ quan hữu trách ở Việt Nam phát hiện.

Chẳng hạn hôm 20 Tháng Năm, giới hữu trách ở Hà Nội đã bất ngờ kiểm tra kho hàng nằm ở đường Xuân Phương, quận Nam Từ Liêm, thấy số lượng lớn nguyên liệu dùng để làm trà sữa, bao gồm các loại khác nhau như siro, nước hoa quả, bột trà xanh, trà sữa…

Trong số các mặt hàng bị bắt giữ, có nhiều loại được sản xuất tại ngoại quốc nhưng chủ kho lại không xuất trình được hóa đơn chứng từ hay giấy tờ kiểm định phẩm chất. Nơi lưu trữ nguyên liệu luôn ẩm thấp, nhiều sản phẩm được đặt dưới nền đất. Thậm chí, nhà vệ sinh cũng được chủ của kho trưng dụng để hàng “không bảo đảm được các điều kiện” lưu trữ.

Báo Người Lao Động cho hay vụ gần nhất mới đây hôm 26 Tháng Tám, Cục Quản Lý Thị Trường Hà Nội cũng chặn đứng vụ vận chuyển số lượng lớn nguyên liệu làm trà sữa từ Trung Quốc nhập lậu vào tỉnh Lào Cai đưa về Hà Nội để tiêu thụ. Số lượng hàng hóa bị thu giữ lên tới hàng chục tấn.

Nguyên liệu pha chế trà sữa “toàn chữ Tàu” bị thu giữ hôm 3 Tháng Chín. (Hình: Quyên Lưu/VNExpress)

Hiện ở Việt Nam bán nhiều nguyên liệu làm trà sữa không nhãn mác, giá rất rẻ, được giới thiệu nhập từ Thái Lan có giá chỉ từ 25,000 đến 30,000 đồng ($1.08-$1.29) nhưng có thể pha được đến 5-6 lít trà sữa.

Tuy nhiên theo các chuyên gia, trong các “nguyên liệu trà sữa” giá rẻ này không hề có trà cũng chẳng có sữa, thành phần có thể chứa nhiều phụ gia cấm mà người tiêu thụ không thể biết mức độ độc hại. (Tr.N) [qd]

Trụ trì chùa Kỳ Quang 2 ở Sài Gòn thừa nhận ‘vất tro cốt người đã khuất’

 SÀI GÒN, Việt Nam (NV) – Hôm 3 Tháng Chín, công luận rúng động trước vụ tố cáo chùa Kỳ Quang 2 gỡ di ảnh, chất tro cốt của người đã khuất vào góc khuất của ngôi chùa.

Chùa Kỳ Quang 2 tọa lạc ở địa chỉ 154/4A Lê Hoàng Phái, phường 17, quận Gò Vấp, được biết đến là nơi nuôi dưỡng hàng trăm trẻ em khuyết tật, mồ côi, bị bỏ rơi… nên là nơi tiếp nhận thường xuyên hiện kim từ các mạnh thường quân trong và ngoài nước.

Nhiều hũ tro cốt của người đã khuất được chất đống trong góc khuất tại chùa Kỳ Quang 2. (Hình: Facebook My Tiên Huynh)

Trước đó, hôm 2 Tháng Chín (rằm Tháng Bảy Âm Lịch), Facebook My Tiên Huynh đăng tải một loạt ảnh cho thấy nhiều hũ tro cốt, di ảnh của người đã khuất được để bừa bộn giữa nền nhà, chất đống trong góc tại chùa Kỳ Quang 2.

Facebooker này kể: “Nhân ngày Vu Lan, ba mẹ em đi chùa thắp nhang hài cốt cho ông bà, cậu và chị, những người đã mất được gởi cốt vào ngôi chùa danh tiếng này. Thì hỡi ơi những hũ cốt ấy thì bị họ di dời phải dùng từ là họ quăng vô một cái xó xỉnh, hình một nơi, hũ cốt một ngã. Mọi người đi cúng ai cũng bất bình. Nếu chùa không còn nhận để cốt thì cũng phải thông báo cho gia đình người nhà biết để người ta đem qua để ở chùa khác còn nếu không có thân nhân thì gom lại tụng kinh rải về sông về đất…”

Trưa 3 Tháng Chín, nhật báo Người Việt gọi điện thoại cho Hòa Thượng Thích Thiện Chiếu, trụ trì chùa Kỳ Quang 2. Ông cúp máy ngay sau khi nghe câu hỏi đầu tiên: “Thưa thầy, nhà chùa có phản hồi gì về tin trên mạng xã hội về tình trạng gửi tro cốt ở chùa?”

Theo báo VTC News cùng ngày, khoảng hơn 100 người dân tập trung tại chùa Kỳ Quang 2 để ký vào đơn khiếu kiện trụ trì về hành vi “Xâm phạm mồ mả, thi thể, hài cốt.”

Công An phường 17, quận Gò Vấp, được ghi nhận hiện diện từ rất sớm để bảo đảm an ninh trật tự tại sân chùa. Vị trí hầm chứa tro cốt và di ảnh của người đã khuất được chất đống, vứt bừa bộn đã được nhà chùa dựng rào chắn.

“Những năm gần đây, để được gửi tro cốt vào chùa, phải bỏ ra ít nhất 6 triệu đồng ($257.7) tiền phí. Những người đã gửi từ lâu có giá cao hơn, đỉnh điểm có người phải bỏ hơn hơn 6 cây vàng để có một ‘dằm’ tại chùa cho người thân đã khuất. Bà Minh Thanh, ngụ ở quận 1, Sài Gòn, cho biết, năm 1999, để có hai ‘dằm’ tại chùa Kỳ Quang 2, gia đình bà phải trả 13 cây vàng,” báo này tường thuật.

Tờ Pháp Luật TP.HCM hôm 3 Tháng Chín tường thuật: “Trụ trì chùa Kỳ Quang 2 đã nhận trách nhiệm và hứa sẽ phối hợp với nhà chức trách để xác định DNA từng hài cốt của các thân nhân. Đồng thời, trụ trì chùa cũng cho biết đầu Tháng Tám Âm Lịch, chùa sẽ có thông báo về việc xác định DNA hài cốt.”

Tờ báo cho biết thêm rằng Hòa Thượng Thích Thiện Chiếu giải thích rằng di ảnh trên các hũ tro cốt của người mất bị rơi, rớt “là do trong quá trình thờ cúng phải thay đổi di chuyển đi nơi khác nên bị rơi ra.” Sư trụ trì cũng gọi sự việc “là ngoài mong muốn của thầy.”

Nơi chứa tro cốt và di ảnh đã được nhà chùa dựng rào chắn từ sáng 3 Tháng Chín. (Hình: VTC News)

Nhà văn Nguyễn Đình Bổn bình luận trên trang cá nhân: “…Trong vụ việc này, cũng là do mê muội của con người mà thôi. Không biết dựa vào đâu, nhiều người cho rằng gửi tro cốt tại chùa sẽ giúp người thân của mình được siêu thoát? Đây là một loại mê tín, đi ngược lại với chánh pháp. Việc gửi tro cốt vô chùa là vô ích. Nếu chúng ta muốn tưởng niệm người đã khuất, nhớ đến ông bà cha mẹ mình vì một lẽ nào đó, khi thiêu xong, hũ tro cốt đó nên để một vị trí trang trọng trong nhà thì tốt hơn… Bỏ ra một số tiền lớn để gửi tro cốt vô chùa chỉ là việc góp phần vỗ béo bọn sư quốc doanh chớ không có ‘công đức’ chi cả!”

Trong một diễn biến khác, theo báo Pháp Luật TP.HCM hồi năm 2010, Hòa Thượng Thích Thiện Chiếu “được trao tặng ‘Huân Chương Lao Động’ hạng ba vì có nhiều thành tích trong công tác từ thiện.” (N.H.K) [kn]