Wednesday, May 8, 2024

Thế giới đại loạn, Olympic cũng loạn

 


Nếu tôi không nhầm thì thế vận hội Olympic mùa hè đã được tổ chức 28 lần, trong đó kể từ khi tôi theo dõi được, đã có 4 thế vận bị một số nước tẩy chay, mà thường là hai bên Đông(cộng sản) hoặc Tây(Không cộng sản) khơi mào tẩy chay.

Nhẹ nhàng nhất là cuộc tẩy chay thế vận hội Montréal 1976. Nhiều nước Châu Phi tẩy chay để phản đối sự tham gia vào thế vận này của đội New Zealan(Một nước bé tý vài triệu dân gần Châu Úc). New Zealand trước đó có quan hệ với Nam Phi, cho đội bóng bầu dục (rugby) sang thi đấu tại Nam Phi, trong khi mà Nam phi đang bị cấm vận, bị phản đối vì chính sách phân biệt chủng tộc- Apartheid. Các nước tẩy chay gồm có: Tanzanie, Tchad, Zambie, Ouganda, Nigeria.

Vụ khổng lồ nhất là tẩy chay thế vận olympic MAT XCƠ VA 1980 vì Liên Xô(đứng đầu là Nga) xâm lược Afghanistan năm 1979. Khi Nga xâm lược Ukraina(2022), đám não ngắn bò đỏ và đám DLV trẻ trâu ngu lâu, luôn mồm la ó là Nga không bao giờ đi xâm lược nước khác. Đúng là chuyện tiếu lâm. Nga xâm lược Afghanistan là chuyện quá hiển nhiên, đã gây một làn sóng phẫn nộ trên toàn thế giới. Do vậy, toàn bộ các nước phương tây và rất nhiều nước khác, không thân phương tây đã tẩy chay thế vận hội Matxcova, kể cả Trung Quốc. Danh sách các nước tẩy chay quá dài nên tôi không mất công cho vào đây(44 nước).
Ăn miếng trả miếng, ngay sau khi bị tẩy chay năm 1980 thì Liên Xô trả đũa bằng cách lôi kéo các nước XHCN tẩy chay thế vận hội LOS ANGELES 1984. Việc tẩy chay cũng là kết quả của quan hệ Nga-Mỹ căng thẳng vì nhiều lý do trong giai đoạn này. Nhưng vụ trả đũa này lại làm cho Liên Xô một vố đau vì chỉ lôi kéo được 15 nước, đa số là XHCN (Afghanistan, Angola, Bulgarie, Cuba, Tiệp Khắc, Đông Đức, Éthiopie, Hungarie, Lào, Mông Cổ, Bắc Hàn, Ba Lan, Nam Yemen, Viêt Nam). Ba nước XHCN, bất chấp Liên Xô, vẫn cứ chơi là Trung Quốc, Roumanie và Nam Tư. Nghịch lý thay, thế vận Los Angeles lại lập kỷ lục về số các nước và số vận động viên tham gia(140 nước với 7.800 vận động viên).

Cái dớp tẩy tay vẫn tiếp tục đến Thế vận hội SEOUL 1988(Nam Hàn). Nguyên nhân chính là gia đình nhà Ủn (Bắc Hàn) cay cú việc Nam Hàn được chọn làm nước chủ nhà. Bắc Hàn cũng đòi được chia phần, cùng tổ chức thế vận. Không ai dở hơi chấp nhận cùng tổ chức thế vận với mấy thằng cùn nên đòi hỏi của Bắc Hàn không được chấp nhận. Không xin được thì Bắc Hàn quay ra phá bằng cách kêu gọi tẩy chay. Tuy nhiên, lúc đó Bắc Hàn tuổi gì mà kêu gọi tẩy chay. Chỉ có mấy ông cũng gàn gàn dở dở tương tự mới hưởng ứng, cụ thể là: Cuba, Albanie, Ethiopie, Madagascar, Nicaragua, Seychelles(Toàn nước lớn). Cũng nghịch lý như vụ tẩy chay trước, Thế vận Seoul lại lập kỷ lục về số nước tham dự(159). Việc Nam Hàn được tổ chức Thế Vận cũng thể hiện tính hợp pháp chính đáng của nhà nước Nam Hàn, được quốc tế công nhận. Bắc hàn vì thế rất cay.

Sau khi Liên Xô sụp đổ, chiến tranh lạnh kết thúc, thế giới trở nên hòa bình hơn, Thế vận hội càng vui hơn, rực rỡ hơn. Nó thực sự là một ngày hội của toàn thế giới. Người ta đến đây để đua tài, để làm một ngày hội cực lớn cho toàn thể nhân loại cùng hưởng ứng.
Nước Pháp đã từng tổ chức thế vận hội mùa hè 2 lần(1900 và 1924). Sau 100 năm, Paris mới lại được tổ chức Thế vận lần này từ 26/07 đến 11/08/2024.(Nói tắt là Paris 24)
Không như thời chiến tranh lạnh, đương nhiên lần này không có chuyện bên này hay bên kia tẩy chay thế vận. Tuy nhiên, cuộc vui sẽ không thể trọn vẹn vì Nga đã xâm lược Ukraina. Cái dở với Nga kỳ này là Nga không thể nào tẩy chay Paris 24 vì Nga làm gì còn đồng minh như thời Liên Xô, ngược lại Nga với cuộc xâm lược Ukraina đã tự tạo cho mình một hình ảnh vô cùng xấu xí nên cũng chẳng có uy tín và tư cách gì để kêu gọi tẩy chay. Ngược lại, Hai nước Nga và Bạch Nga bị cấm cửa các môn thể thao đồng đội. Đối với các môn thể thao cá nhân, họ có thể tham gia với tư cách cá nhân, không cờ quạt. Tất cả các cá nhân tham gia Paris 24 lần này bị soi rất kỹ. Nếu đã từng tuyên bố ủng hộ chiến tranh của Nga, có quan hệ mật thiết với chính quyền, có liên quan đến quân đội… sẽ bị loại ngay từ vòng « gửi xe ».

Có rất nhiều người kêu ca phàn nàn là không được « dính » thể thao vào chính trị. Đây là 1 câu chuyện vô cùng rắc rối. Người ta không thể dính chính trị vào thể thao đối với những chuyện chính trị đơn giản. Việc Nga xâm lược Ukraina gây ra biết bao nhiêu tội ác tầy trời, làm cho hơn nửa triệu người đã chết ở cả hai phía còn là vấn đề nhân phẩm, lương tâm (Chết bên nào cũng là thảm thương). Ngay sau khi Nga xâm lược Ukraina, hàng loạt các sự kiện thể thao trên thế giới đã bị hủy bỏ hoặc chuyển sang nơi khác (không làm ở Nga)…

Nếu cứ để cho Nga tham gia thế vận, sẽ có rất nhiều vận động viên, thậm chí nhiều nước sẽ không tham gia thế vận, không phải vì tẩy chay thế vận mà để phản đối Nga. Vậy, vấn đề không chỉ còn là chính trị. Cấm đội Nga và Bạch Nga có lợi chung cho tất cả. Nga và Bạch Nga cũng không được tham gia diễu hành trong buổi khai mạc đại hội. Theo Ủy ban quốc tế Olympic (CIO) hiện tại mới chỉ có 12 cá nhân của 2 nước này được chấp thuận. Tối đa, Nga chỉ có 58 chỗ và Bạch Nga 28.

Việc các cá nhân Nga đi tham dự Paris 24 đang là một vấn đề lớn chia rẽ nước Nga.
Phái ủng hộ Paris 24 cho rằng Olympic là rất quan trọng cho đời người chơi thể thao. Nữ vận động viên bơi lội Ioulia Efimova, người đã từng giữ kỷ lục thế giới môn bơi sải 50 m, nằm trong phái ủng hộ. Cùng với cô, có chủ tịch liên đoàn bộ môn vật, người đã từng tuyên bố « Chúng ta cần phải tham gia, ngay cả khi không có quốc kỳ và quốc ca ». Chủ tịch liên đoàn xe đạp Viatcheslav Ekimov cũng tuyên bố rằng từ chối không tham dự Paris 24 là cũng đánh cược luôn cả các cơ hội tham gia các thế vân 2028 và 2032. Các vận động viên cần phải tham gia kỳ này trong các điều kiện khó khăn, ngay cả khi bị coi thường. Họ cần có sự ủng hộ của chúng ta.

Phái chống đối thì phản đối dữ dội hơn nhiều, không ngần ngại dùng những từ ngữ ghê gớm nhất. Cụ thể là bà chủ tịch liên đoàn thể dục nhịp điệu, Irina Viner đã tuyên bố: «Những kẻ tham gia Paris 24 là một đội quân ăn mày vô gia cư, chúng hoàn toàn mất nhân tính và nhân dân sẽ không tha thứ cho chúng ».

Nói thêm để các bạn biết là bà này là một nhân vật thân chính quyền Nga và đặc biệt là đã bị Liên đoàn thể dục nhịp điệu quốc tế treo giò 2 năm vì « tội » phản đối dữ dội ban trọng tài ở thế vận Tokyo. Chủ tịch liên đoàn trượt tuyết, Elena Valbe còn nói kinh dị hơn nhiều: «những kẻ phản bội, không nên giúp đỡ chúng bất cứ cái gì». Bà Lidia Ivanova, cựu vận động viên Liên Xô còn nói: «Một bọn thể thao đi bằng cách bò ». Còn chủ tịch liên đoàn bộ môn đấu kiếm thì nói:  “Nếu chúng mày yêu mình hơn tổ quốc thì đi mà tham gia ». Chủ tịch ủy ban Olympic quốc gia Nga, Stanislav Pozdniakov thì kết tội các cầu thủ quần vợt nổi tiếng của Nga là đội « nhân viên nước ngoài », từ ngữ mà chính quyền Nga dành cho kẻ thù của nước Nga.(Chắc ở đây ông ta nói đến Daniil Medvedev sống ở Pháp và Andrey Rublev. Hai ông này phản đối chiến tranh Nga).

Mâu thuẫn không chỉ trong giới thể thao mà có thể ngay cả trong 1 gia đình. Hai ông bà chuyên gia nổi tiếng về trượt băng nghệ thuật Liên Xô cũng mỗi người một ý. Cụ ông 93 tuổi, Anatoli Tchaikovski nói: «Thế giới sẽ biết đến các nhà thể thao của chúng ta. Không nên phán xét họ». Cụ bà Elena 84 tuổi lại nói: «Không vì bất cứ cái gì mà để người ta chà đạp chúng ta ». Các nhà lãnh đạo Nga đương nhiên không nói thẳng ra là cấm các vận động viên. Tuy nhiên, chắc các bạn cũng hiểu thế nào là cộng sản. Nga bây giờ không phải là cộng sản, nhưng thực chất vẫn là bóng ma cộng sản. Một số vận động viên đã được CIO duyệt, nhưng họ đã tự từ chối không đi Paris 24, như trường hợp của vận động viên bơi lội Ivan Girev. Nhiều vận động viên khác đã buộc phải bỏ qua Paris 24.

Bộ trưởng thể thao nga Oleg Matytsine nhấn mạnh rằng Olympic không quan trọng đối với Nga.

Nga hiện nay đang bận tổ chức đại hội thể thao thay thế, đại hội BRICS(Brasil, Nga, Ấn độ, Trung Quốc, Nam Phi) và đại hội thể thao Hữu Nghị ở Matxcova Iekaterinbourg…Và anh Pu văn Tin cũng đã lường trước rồi, anh ấy đã quyết « Giải thưởng ngang hàng với các giải thưởng của Paris 24 ».

Đối với Bạch Nga, có 2 chuyện đáng chú ý.

1. Nữ cầu thủ quần vợt Sabalenka gần đây đã cố gắng không muốn dính dáng đến tổng thống Lukachenko bằng tuyên bố «tôi không ủng hộ Lukachenko ». Nhưng tuyên bố này có vẻ muôn màng và không có tác dụng bởi vì ai cũng biết cô ta đã có quan hệ rất mật thiết với gia đình Lukachenko.

2. Bác chủ tịch Lukachenko vừa mới tuyên bố một câu xanh rờn hôm 30/04(chắc nhân ngày « giải phóng Miền Nam »): « Nếu như cháu đã quyết định đi sang đó với quy chế không mầu cờ, hãy đấm vỡ mồm các đối thủ. Hãy chứng tỏ cho chúng nó biết cháu là một người Bạch Nga thực sự ». Đây là một lời khuyến khích động viên của Bác Luka, thực sự đúng với tinh thần và giá trị Olympic?

Ngay cả trong thời kỳ chiến tranh lạnh, nước Nga chưa bao giờ lại bị ở trong một tình thế thảm hại như ngày hôm nay.

Nước Nga rộng lớn bao la, tài nguyên thiên nhiên vô biên, con người cần cù, thông minh đã tạo nên 1 cường quốc hùng mạnh. Nhưng rất tiếc cho nước Nga đã bị tàn phá bởi một học thuyết không phải của họ, Chủ Nghĩa Cộng Sản. Hiện tại trên giấy tờ, Nga không còn là 1 nước cộng sản, nhưng CNCS vẫn tiếp tục tàn phá nước Nga bởi vì sau hàng trăm năm, những tàn dư, lối sống, tư duy, cách điều hành xã hội không thể biết mất một cách nhanh chóng. Nước Nga vẫn còn là bóng ma của CNCS. Nước Nga cũng là 1 bài học lớn cho các nước khác. Từ một chế độ độc tài tập thể trở thành 1 chế độ độc tài cá nhân. To lớn, vĩ đại, hùng cường như thế, mà bây giờ thảm hại. Thử hỏi một nước yếu đuối bé nhỏ như ta nếu cũng bị vào vòng xoáy như vậy thì chúng ta sẽ trở thành cái gì?

Từ độc tài tập thể đến độc tài cá nhân là con đường gần như có tính quy luật và độc tài cá nhân dẫn dắt cả tập thể xuống hố cũng là quy luật. Những lộn xộn gần đây ở nước ta có vẻ như đang làm lộ diện một Putin Việt Nam.

Liệu có thể có một ngày nào đó không xa, đồng chí Tía Văn Tin hạ lệnh tiến quân từ Đông Lào qua Lào? Ai mà biết được. Sự điên khùng không có giới hạn.

Hoàng Quốc Dũng (từ Paris)

Tập đoàn Phúc Sơn đang kéo nhau sập

 Hùng – Sơn

VNTB – Tập đoàn Phúc Sơn đang kéo nhau sập

(VNTB) – Các dự án dang dở mà tập đoàn Phúc Sơn trúng thầu và đang thi công ở tỉnh Khánh Hòa đang lâm tình cảnh dừng chưa biết khi nào hoạt động lại.

Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Khánh Hòa, đại diện nhà đầu tư cho biết hiện nay các lãnh đạo Công ty cổ phần tập đoàn Phúc Sơn đã bị khởi tố bị can, bắt tạm giam, các thành viên còn lại của công ty không đủ thẩm quyền để quyết định việc tiếp tục triển khai thực hiện các dự án đó.

Sai phạm của tập đoàn Phúc Sơn lẽ ra đã dừng từ cuối tháng 6-2021 khi Thanh tra Chính phủ công khai kết luận thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật liên quan đến các dự án BT sử dụng quỹ đất thanh toán tại Khu vực sân bay Nha Trang của tập đoàn Phúc Sơn. Đây là thời điểm những tháng đầu tiên trong nhiệm kỳ Thủ tướng Phạm Minh Chính.

Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, Phúc Sơn được UBND tỉnh Khánh Hòa lựa chọn làm nhà đầu tư của 3 dự án (DA) BT (xây dựng chuyển giao) gồm: DA Nút giao thông Ngọc Hội, DA đường vành đai kết nối nút giao thông Ngọc Hội và DA các tuyến đường, các nút giao thông kết nối khu sân bay Nha Trang. Các DA trên có tổng mức đầu tư hơn 3.280 tỷ đồng.

DA nút giao thông Ngọc Hội với tổng mức đầu tư dự kiến 1.378,9 tỷ đồng; DA đường vành đai kết nối nút giao thông Ngọc Hội với tổng mức dự kiến 1.180,1 tỷ đồng; DA các tuyến đường, các nút giao thông kết nối khu sân bay Nha Trang với tổng mức đầu tư dự kiến 725,3 tỷ đồng.

Cả 3 DA trên đều được hoàn vốn bằng sử dụng quỹ đất thanh toán với tổng diện tích 19,12ha tại DA Khu Trung tâm đô thị Thương mại – Dịch vụ – Du lịch Nha Trang (sân bay cũ Nha Trang).

Trước đó, trên cơ sở đề nghị của UBND tỉnh Khánh Hòa tại Tờ trình số 4148/TTr-UBND ngày 14-06-2016; Bộ Kế hoạch và Đầu tư có Văn bản số 4848/BKHĐT-QLĐT ngày 23-6-2016; Thủ tướng Chính phủ có Văn bản số 1175/TTg-KTN ngày 07-7-2016 đồng ý về nguyên tắc cho phép áp dụng hình thức lựa chọn nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt theo Điều 26 Luật Đấu thầu năm 2013, theo phương thức đàm phán trực tiếp với nhà đầu tư.

Đến ngày, 7-11-2017 và 09-11-2017 các đơn vị được UBND tỉnh Khánh Hòa ủy quyền đã ký kết hợp đồng BT 3 DA trên với Phúc Sơn.

Qua quá trình thanh tra 3 DA trên, Thanh tra Chính phủ đã nêu ra những vi phạm, trong đó UBND tỉnh Khánh Hòa đã không thực hiện đầy đủ các cam kết theo nội dung Tờ trình số 4148/TTr-UBND ngày 14-6-2016 của UBND tỉnh để được Thủ tướng Chính phủ đồng ý về nguyên tắc cho phép áp dụng hình thức lựa chọn nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt quy định tại Điều 26 Luật Đấu thầu năm 2013 (Văn bản số 1175/TTg-KTN ngày 06-7-2016). Cụ thể, không hoàn thành đưa vào khai thác, sử dụng vào khoảng cuối năm 2017. Mặc dù đã gia hạn đến tháng 6-2021 nhưng thực tế đến thời điểm thanh tra mới thi công đạt khoảng 27% khối lượng xây lắp.

Không thực hiện đúng tiêu chí công trình cấp bách để được áp dụng hình thức lựa chọn nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt quy định tại Điều 26 Luật Đấu thầu năm 2013. Việc phê duyệt đề xuất DA, báo cáo nghiên cứu khả thi, tổng mức đầu tư, ký hợp đồng BT không phù hợp với tờ trình báo cáo Thủ tướng Chính phủ, làm tăng tổng mức đầu tư DA lên 484 tỷ đồng, kéo dài thời gian thực hiện DA lên thêm 30 tháng, tách 1 DA nhóm A thành 2 DA nhóm B…

Hiện tại 3 DA “đổi đất” sân bay Nha Trang đều ngừng thi công. Theo báo cáo của nhà đầu tư đến nay ước tính giá trị đầu tư DA BT nút giao thông Ngọc Hội, thi công chỉ đạt hơn 73%. DA đường vành đai chỉ mới hoàn thành nhánh phía nam (dài 5,8km), còn nhánh phía bắc (dài 4,04km) chưa triển khai. DA các nút giao thông kết nối khu sân bay Nha Trang (giá trị hợp đồng 976,14 tỷ đồng) chỉ mới thực hiện đầu tư khoảng 40 tỷ đồng, ước đạt khoảng 11% giá trị hợp đồng.

Đề nghị kỷ luật Lê Hoàng Quân, Lê Thanh Hải, Nguyễn Thành Phong

 Trường Sơn

VNTB – Đề nghị kỷ luật Lê Hoàng Quân, Lê Thanh Hải, Nguyễn Thành Phong

(VNTB) – Ủy ban Kiểm tra Trung đề nghị kỷ luật các cựu quan chức lãnh đạo của TP.HCM vì liên quan đến vụ án Vạn Thịnh Phát và Công ty cổ phần Tiến bộ Quốc tế (AIC).

Toàn văn Thông cáo báo chí Kỳ họp thứ 41 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương phát hành vào cuối giờ chiều ngày 8-5-2024, như sau:

Trong các ngày 06 và 07/5/2024, tại Hà Nội, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã họp Kỳ thứ 41. Đồng chí Trần Cẩm Tú, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương chủ trì Kỳ họp. Tại Kỳ họp này, Ủy ban Kiểm tra (UBKT) Trung ương đã xem xét, kết luận một số nội dung sau:

I- Thực hiện chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, sau khi xem xét kết quả kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm và kết quả kiểm điểm, đề nghị thi hành kỷ luật đối với Ban cán sự đảng Ủy ban nhân dân (UBND) Thành phố Hồ Chí Minh, UBKT Trung ương nhận thấy:

Ban cán sự đảng UBND Thành phố Hồ Chí Minh đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc; thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo để UBND Thành phố và nhiều tổ chức, cá nhân vi phạm nghiêm trọng các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong quản lý, sử dụng đất, tài chính, tài sản, đầu tư, quy hoạch, xây dựng ở các dự án do Công ty cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và ở các gói thầu, dự án do Công ty cổ phần Tiến bộ Quốc tế (AIC) thực hiện; nhiều tổ chức đảng, đảng viên bị xử lý kỷ luật, nhiều cán bộ, đảng viên bị xử lý hình sự.

Những vi phạm nêu trên đã gây hậu quả rất nghiêm trọng, nguy cơ thất thoát, lãng phí rất lớn tiền, tài sản của Nhà nước và nguồn lực xã hội, gây dư luận xấu, ảnh hưởng đến uy tín của tổ chức đảng và chính quyền Thành phố, đến mức phải xem xét, xử lý kỷ luật.

Trách nhiệm chính đối với những vi phạm, khuyết điểm nêu trên thuộc về Ban Thường vụ Thành uỷ nhiệm kỳ 2010-2015; Ban cán sự đảng UBND Thành phố các nhiệm kỳ 2011-2016, 2016-2021 và các đồng chí: Lê Thanh Hải, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, nguyên Bí thư Ban cán sự đảng, Chủ tịch UBND Thành phố; các đồng chí Lê Hoàng Quân, Nguyễn Thành Phong, nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Bí thư Ban cán sự đảng, Chủ tịch UBND Thành phố và một số tổ chức đảng, đảng viên khác.

Xét nội dung, tính chất, mức độ, hậu quả, nguyên nhân vi phạm; căn cứ quy định của Đảng,

1- UBKT Trung ương quyết định thi hành kỷ luật:

– Cảnh cáo: Ban cán sự đảng UBND Thành phố Hồ Chí Minh các nhiệm kỳ 2011-2016, 2016-2021; Đảng ủy các Sở: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư nhiệm kỳ 2015-2020; Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường nhiệm kỳ 2010-2015.

– Khiển trách: Đảng ủy các Sở: Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường nhiệm kỳ 2015-2020 và đồng chí Nguyễn Toàn Thắng, Thành ủy viên, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường.

2- UBKT Trung ương đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét, thi hành kỷ luật Ban Thường vụ Thành uỷ Thành phố Hồ Chí Minh nhiệm kỳ 2010-2015 và các đồng chí: Lê Thanh Hải, Lê Hoàng Quân, Nguyễn Thành Phong.

3- UBKT Trung ương yêu cầu Ban Thường vụ Thành ủy, Ban cán sự đảng UBND Thành phố Hồ Chí Minh lãnh đạo, chỉ đạo khắc phục kịp thời các vi phạm, khuyết điểm được chỉ ra; xem xét, xử lý trách nhiệm các tổ chức, cá nhân có vi phạm theo thẩm quyền.

II- Xem xét Báo cáo đề nghị thi hành kỷ luật một số đảng viên vi phạm tại các Đảng bộ: Bắc Giang, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Gia Lai, Văn phòng Chính phủ, Cơ quan Văn phòng Quốc hội, UBKT Trung ương nhận thấy:

Các đồng chí: Mai Tiến Dũng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ; Dương Văn Thái, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang; Phạm Thái Hà, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Cơ quan, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Trợ lý Chủ tịch Quốc hội; Hồ Văn Điềm, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Gia Lai; Lê Tuấn Hồng, nguyên Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh và các đồng chí: Nguyễn Văn Khước, Tỉnh ủy viên, Ủy viên Ban cán sự đảng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Chu Quốc Hải, nguyên Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, Hoàng Văn Nhiệm, Phó Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Vĩnh Phúc đã suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; vi phạm nghiêm trọng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; vi phạm quy định những điều đảng viên không được làm và trách nhiệm nêu gương; gây hậu quả rất nghiêm trọng, dư luận bức xúc, ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị công tác, đến mức phải xem xét, xử lý kỷ luật.

Căn cứ quy định của Đảng:

1- UBKT Trung ương quyết định thi hành kỷ luật Khai trừ ra khỏi Đảng đối với các đồng chí: Chu Quốc Hải, Hoàng Văn Nhiệm.

2- UBKT Trung ương đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét, thi hành kỷ luật các đồng chí Mai Tiến Dũng, Dương Văn Thái, Phạm Thái Hà, Hồ Văn Điềm, Lê Tuấn Hồng, Nguyễn Văn Khước.

III- Xem xét kết quả giám sát Ban Thường vụ Đảng ủy Quân khu 3, UBKT Trung ương yêu cầu Ban Thường vụ Đảng ủy Quân khu 3 tiếp tục phát huy ưu điểm; nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm, khắc phục kịp thời các khuyết điểm, hạn chế trong lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng và tổ chức thực hiện Quy chế làm việc; công tác cán bộ; trong quản lý, sử dụng đất, tài chính, tài sản, đầu tư; việc thực hiện nhiệm vụ cấp trên giao và việc kê khai tài sản, thu nhập.

IV- Cũng tại kỳ họp này, UBKT Trung ương đã giải quyết khiếu nại kỷ luật đảng 01 trường hợp và xem xét, kết luận một số nội dung quan trọng khác”.

Nhà nước bất lực với thẩm mỹ chui

 Minh Triều  

VNTB – Nhà nước bất lực với thẩm mỹ chui

(VNTB) – Công an và các cơ quan chức năng địa phương biết thừa chỗ nào có viện thẩm mỹ chui, trái phép

Tình trạng “loạn” dịch vụ làm đẹp đang gây mất an toàn cho người sử dụng dịch vụ, thậm chí đã có nhiều ca tử vong.   

Một bệnh nhân (BN) là Việt kiều Mỹ đã tử vong sau khi phẫu thuật thẩm mỹ (PTTM) tại Bệnh viện (BV) Tân Hưng (Q.7, TP.HCM). Theo đó, ngày 27/3 nữ Việt kiều Mỹ tên V. (64 tuổi, ngụ Q.10) đến BV Tân Hưng để PTTM hút mỡ bụng toàn phần, hút mỡ eo, đùi và cánh tay; tái tạo thành bụng phức tạp; cấy mỡ vùng mông; cắt da thừa mí mắt; thay túi độn ngực hai bên. Đến trưa 29.3, bệnh nhân đột ngột than chóng mặt, tay chân đổ mồ hôi, khó thở. Dù được hồi sức tích cực nhưng BN rơi vào hôn mê, thở máy…  

Ngày 30.3, BN được chuyển đến BV Quân y 175 với chẩn đoán suy đa cơ quan nghi do phản vệ độ 3, nhồi máu cơ tim, thuyên tắc phổi do huyết khối. Tuy nhiên ngày 3/5, sau 34 ngày nhập viện, bệnh nhân đã tử vong. Trước đó, ngày 13.3, nữ BN N.T.T.L (70 tuổi) đến BV thẩm mỹ JK Nhật Hàn (Q.1, TP.HCM) để PTTM căng da mặt cổ, phẫu thuật thừa da mi dưới. Cùng ngày, BN rơi vào lơ mơ, kích thích, tim rời rạc nghi ngộ độc thuốc tê, sốc phản vệ và được hồi sức tích cực. Do quá khả năng điều trị, BV này đã chuyển BN đến BV Quân y 175. Nhưng BN đã tử vong do tình trạng nặng.(1)  

Các nạn nhân hầu hết do tâm lý ham giá rẻ, tin vào những lời chèo kéo “ngọt ngào” trên mạng để rồi “tiền mất tật mang”. Bên cạnh đó, một phần trách nhiệm cũng do việc quản lý chồng chéo, khi tai biến nặng gây chết người xảy ra thì cơ quan quản lý mới biết. Ngoài ra, một lỗ hổng nguy hiểm gây ra hậu quả nặng nề là các trang web, facebook, fanpage quảng cáo các dịch vụ làm đẹp tràn lan trên mạng, quảng cáo quá sự thật, đưa hình ảnh hấp dẫn nhằm câu khách khiến nhiều chị em thấy rẻ, đẹp và tin dùng. Việc này đã góp phần cho các cơ sở thẩm mỹ hoạt động sai phép.  

Nhà cầm quyền Việt Nam dường như vẫn lơ là trước vấn đề thẩm mỹ viện chui hay không đủ tiêu chuẩn. Các thẩm mỹ viện chui phát triển một cách nhanh chóng và không kiểm soát. Mặc khác, công tác quản lý, thanh tra, hậu kiểm lại được phân cấp theo đơn vị cấp phép. Vì vậy, đơn phương ngành y tế không thể kiểm tra, kiểm soát mà cần phối hợp liên ngành chức năng. Tuy nhiên, với lực lượng mỏng thì việc kiểm tra cũng khó có thể “chạy” theo được sự nở rộ của các loại hình này. Trên thực tế, Thanh tra Y tế có thể xử phạt với các cơ sở này về vi phạm “hành nghề trái phép”, tuy nhiên thường là khi đã xảy ra vụ việc đáng tiếc.

Dù đã có rất nhiều vụ biến chứng từ các cơ sở thẩm mỹ không phép, nhưng chúng vẫn hoạt động công khai. Qua đó có thể thấy, Nhà nước vẫn chưa có các biện pháp mạnh mẽ và hiệu quả nào để ngăn chặn sự lởm chởm này từ ngành giải phẫu thẩm mỹ. Bởi vậy, tính mạng của người dân bây giờ chỉ phụ thuộc vào sự hên xui may rủi…

Mà thật ra, công an và các cấp lãnh đạo địa phương thừa biết chỗ nào có thẩm mỹ chui, trái phép, nhưng họ không dẹp mà ngấm ngầm mắt nhắm mắt mở để có co hội kiếm chác. Khi nào có người thiệt mạng vì sự tắc trách, yếu kém của những cơ sở thẩm mỹ chui, thì nhà chức trách mới đứng ra dàn xếp. Rồi mọi chuyện lại đâu vô đó khi chỉ xử lý phần ngọn, còn phần gốc cứ để cho phát triển tự nhiên.

_____________

Tham khảo:

(1)https://thanhnien.vn/hai-phu-nu-tu-vong-sau-phau-thuat-tham-my-185240506235620638.htm

Ai là người đề xuất cấm mua bán vàng bằng tiền mặt?

 Ngọc Linh Lan

VNTB – Ai là người đề xuất cấm mua bán vàng bằng tiền mặt?

(VNTB) – Cần công khai danh tính quan chức nào trong Tổng cục Thuế đã đưa ra ý kiến bắt buộc mua, bán vàng bằng chuyển khoản.

Tính đến hiện tại thì truyền thông chỉ đưa tin chung chung là để nhằm minh bạch hoạt động kinh doanh vàng, Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) đã kiến nghị Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu trình cấp thẩm quyền quy định bắt buộc thanh toán không dùng tiền mặt đối với các giao dịch mua bán vàng.

Cá nhân người viết bài này cho rằng cần rõ hơn về cụ thể quan chức nào ở ngành thuế đã ký văn bản kiến nghị như trên, vì người ta được quyền ngờ vực tầm nhìn quản trị chuyên ngành của quan chức này. Rất đơn giản, với kiến nghị trên cho thấy trong mắt quan chức đó, nói thuần chuyên môn chút, thì đó là thị trường vàng chỉ dành cho ‘mua bán vàng đầu tư’, không phải là của đại chúng xem vàng là tài sản dành dụm phòng khi hữu sự, mà chuyện mua sắm vàng là theo từng đơn vị phân vàng, cho đến cao lắm là chỉ vàng với người lao động bình dân.

Trước đó, hồi tháng 3 năm nay, cũng liên quan đề xuất mua, bán vàng qua tài khoản, phía Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước TP.HCM đưa ra kiến nghị Ngân hàng Nhà nước là cần có chính sách hạn chế thanh toán, mua bán vàng miếng bằng tiền mặt; đồng thời cần sửa đổi Nghị định 24/2012/NĐ-CP theo hướng tăng nguồn cung và bỏ độc quyền thương hiệu vàng miếng SJC; cho phép nhập khẩu vàng nguyên liệu, nhất là cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh nữ trang vàng trong nước khỏi thu gom hàng trôi nổi.

Như vậy điểm khác biệt ở đây rất rõ là yếu tố đầu tư vàng miếng, so với mua, bán vàng chung chung như quan điểm của Tổng cục Thuế.

Ghi nhận ý kiến từ ông Nguyễn Thế Hùng – phó chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng, cho rằng dù giao dịch mua, bán vàng miếng qua tài khoản thì cũng cần phải bỏ được độc quyền vàng miếng. Chính việc duy trì việc độc quyền sẽ vẫn dẫn đến sự chênh lệch rất lớn về giá vàng trong nước với thế giới.

Vị chuyên gia cũng cho rằng nếu giống các nước trên thế giới, coi vàng là một loại hàng hóa thì Ngân hàng Nhà nước không quản lý trực tiếp thị trường vàng nữa. Gốc vấn đề ở đây vẫn là hướng tới một thị trường mà người dân không còn muốn tích trữ vàng miếng.

Người viết cho rằng sự vận động của thị trường không lệ thuộc vào ý chí chủ quan nào cả. Tuy nhiên ý chỉ chủ quan ở đây trước khi đưa ra bằng văn bản phát hành với dấu mộc đỏ và chữ ký quan chức trách nhiệm, cần thiết được cân đo, phản biện đa chiều ở chính cơ quan chuyên trách đó; tránh việc đưa đến nhận xét là chính sách thiếu tầm nhìn tổng thể.

Lý thuyết cho biết tầm nhìn theo nghĩa đen là khả năng nhìn, sức nhìn (thị lực), cái nhìn, sự nhìn, hướng nhìn, là khoảng cách mà con người có thể nhìn thấy. Theo nghĩa bóng, đó là cái nhìn về tương lai, là sự hình dung của một người hay một tổ chức về mục tiêu cần đạt được, về điểm cần đến trong một khoảng thời gian nào đó.

Tầm nhìn thường được hình tượng hóa bằng một hình ảnh của tương lai, mang tính lựa chọn (một tiêu chuẩn hoàn hảo, một điều lý tưởng có định hướng) và ám chỉ đến khát vọng tạo ra một điều gì đó đặc biệt. Nếu cái tương lai quá xa, không thể hình dung ra nó thì tầm nhìn như thế là viển vông, không thiết thực. Vì thế, khi xác định chủ trương, mục tiêu, không được thiển cận, tầm nhìn quá ngắn mà cần có tầm nhìn xa nhưng tránh ảo tưởng. Muốn vậy, tầm nhìn phải có khả năng hiện thực hóa và không được quá trừu tượng hay mơ hồ.

Nếu nói theo ngôn ngữ chính trị tuyên giáo, thì ý kiến cấm mua, bán vàng bằng tiền mặt của Tổng cục Thuế là không tuân thủ Nghị quyết 26-NQ/TW của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng ký ban hành ngày 19-5-2018, “về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ”.

Suy diễn, khi chống chỉ thị của Tổng bí thư có thể xem là yếu tố chống Đảng, cần phải xem xét đến nơi, đến chốn để trị tận gốc rễ, tránh chế độ bị đe dọa lung lay (!?).

Thuốc lá điện tử: trống đánh xuôi, kèn thổi ngược

 Đông Đô

VNTB – Thuốc lá điện tử: trống đánh xuôi, kèn thổi ngược
(VNTB) – Bộ Công Thương đề nghị thí điểm quản lý thuốc lá điện tử, Bộ Y tế cho rằng cần cấm nhập khẩu, mua bán mặt hàng này. 

Lợi ích nhóm?

“Lý do gì, căn cứ đâu Bộ Công Thương đề xuất thí điểm này? Bộ đã nghiên cứu kỹ tác động đề xuất này mang lại chưa? Nhà nước và người dân được hưởng lợi gì từ đề xuất này?”, đại biểu nêu hàng loạt câu hỏi tại phiên giải trình trách nhiệm quản lý nhà nước về phòng, chống tác hại của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Đặng Thuần Phong bày tỏ băn khoăn khi hành lang pháp lý về thuốc lá điện tử chưa có nhưng tác động rất lớn đến xã hội. “Việc buông bỏ quản lý này trách nhiệm thuộc về ai, giải pháp quản lý thế nào? Bộ Y tế muốn cấm, Bộ Công Thương muốn hợp pháp hóa cho kinh doanh thuốc lá điện tử như thuốc lá truyền thống?”, đại biểu Đặng Thuần Phong đặt vấn đề.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn (điều hành Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội), cho rằng thuốc lá điện tử đang xâm nhập và được sử dụng ngày càng nhiều và gia tăng ở Việt Nam, nhất là trong thanh niên, thiếu niên, lứa tuổi học sinh. Thậm chí, có những lo ngại đối với thanh niên, thiếu niên khi thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng có xu hướng đang dần thay thế cho thuốc lá truyền thống.

Bên cạnh đó, tình hình nhập lậu thuốc lá, buôn bán, vận chuyển, quảng cáo thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng trên thị trường, qua không gian mạng ngày càng tăng về quy mô và mức độ nghiêm trọng, đặc biệt là tình trạng mua bán, sử dụng thuốc lá điện tử, pha trộn ma túy (cần sa, ma tuý tổng hợp) đang diễn biến phức tạp và gia tăng rất nhanh. Ông Mẫn đề nghị cần nhận diện đúng về thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, đánh giá tác hại, và có thông điệp rõ ràng, cụ thể đến người dân.

 

Bộ Y tế đã cảnh báo từ ghi nhận thực tế

Từ cuối năm ngoái, phía Bộ Y tế đã lên tiếng cảnh báo tác hại về mặt sức khỏe của thuốc lá điện tử. Theo bác sĩ làm chuyên môn, hàng ngày trực tiếp điều trị cho các bệnh nhân bị ngộ độc do thuốc lá điện tử, TS. BS. Nguyễn Trung Nguyên – Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, cho biết ngày nào Trung tâm Chống độc cũng có bệnh nhân ngộ độc thuốc lá điện tử được điều trị tại đơn vị, trong đó rất nhiều trường hợp là học sinh, thanh thiếu niên phải cấp cứu do ngộ độc chất ma túy trộn thuốc lá điện tử. Các ca ngộ độc thuốc lá điện tử đều vào viện với biểu hiện co giật, kích thích, vật vã, ảo giác, loạn thần, hôn mê, tổn thương não và nhiều cơ quan khác, để lại di chứng nặng nề với sức khỏe.

Theo BS Nguyên, phần lớn người dân quan niệm thuốc lá điện tử rất đơn giản, không có nicotine gây nghiện. Điều này hoàn toàn sai lầm. Thuốc lá điện tử thực chất là các thiết bị điện để nung nóng các hỗn hợp nguyên liệu chứa nhiều hóa chất nhân tạo bên trong, bốc hơi lên để người dùng giải trí. Trong thuốc lá điện tử có 3 nhóm nguy cơ gây hại cho sức khỏe là nicotine, hương liệu nhân tạo và ma túy.

Trong thuốc lá điện tử có hàng ngàn hương liệu, cho tới nay có ít nhất khoảng 20 ngàn hóa chất hương liệu, rồi các chất phụ gia khác, đây là các chất nguyên bản, đồng thời khi được nung nóng ở các nhiệt độ khác nhau mỗi chất sẽ tạo ra các sản phẩm cháy là các hóa chất khác nhau mà ngành y không thể biết trước được. Rất nhiều hóa chất trong hơi thuốc lá điện tử được chứng minh gây hại cho sức khỏe, gây ra các bệnh ung thư, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, ho, hen, nhồi máu cơ tim, tổn thương mạch máu, giảm miễn dịch, gây tổn thương ADN là các phân tử di truyền, tăng nguy cơ đái đường, bệnh tim mạch… Các hóa chất này gây nên các bệnh còn phức tạp hơn nhiều so với thuốc lá thông thường và hầu hết là các căn bệnh mới.

Ngoài ra hiện nay thuốc lá điện tử là môi trường thuận lợi để ma túy, cần sa thế hệ mới trà trộn vào. Đến nay, đã có 32 quốc gia cấm thuốc lá điện tử, 79 quốc gia quy định quản lý thuốc lá điện tử rất chặt chẽ, và 16 quốc gia cấm thuốc lá nung nóng. Các nước xung quanh Việt Nam đã cấm lưu hành thuốc lá điện tử là Trung Quốc (cấm tất cả các loại thuốc lá điện tử có hương thơm), các nước cấm hoàn toàn là Lào, Thái Lan, Campuchia, Singapore.

 

Vì sao “loại giết người mà thí điểm”?

Cựu Viện trưởng của Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương (2003-2017) Nguyễn Anh Trí đăng đàn tư cách đại biểu Quốc hội tự ứng cử và trúng cử hai khóa XIV và XV, đặt vấn đề gay gắt của lợi ích nhóm ở đây: “Tôi thấy kỳ lạ, tại sao lại thí điểm với chất gây nghiện, loại giết người mà thí điểm. Không thí điểm gì cả! Bởi thuốc lá điện tử tràn lan trên thế giới và ở Việt Nam, rất có hại, hại toàn diện và rõ ràng… Với tư cách người thầy thuốc, tôi đố ai tìm ra một chút ưu điểm về loại thuốc lá điện tử này!”.

Theo kết quả điều tra của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Bộ Y tế với học sinh tại 11 tỉnh, thành phố, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử trong học sinh 13-17 tuổi tăng từ 2,6% năm 2019 lên 8,1% năm 2023. Nhóm 13-15 tuổi tăng hơn gấp đôi từ 3,5% năm 2022, lên 8% năm 2023. Ở nữ giới tuổi 11-18, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử là 4.3%.

Theo WHO và CDC Hoa Kỳ, sản phẩm thuốc lá mới gây nghiện do có chứa nicotine; các bệnh ung thư, bệnh tim mạch, bệnh hô hấp, và ảnh hưởng sức khỏe tâm thần. Thuốc lá điện tử còn có nguy cơ gây ra nhiều ảnh hưởng cấp tính như tổn thương phổi cấp (EVALI), ngộ độc, thương tích do nổ pin, tăng nguy cơ sử dụng thuốc lá điếu thông thường, tăng nguy cơ sử dụng ma túy và các chất gây nghiện khác.

Cảnh phất cờ trên nóc hầm Tướng de Castries ở Điện Biên Phủ là cảnh giả

 Hiếu Bá Linh

VNTB – Cảnh phất cờ trên nóc hầm Tướng de Castries ở Điện Biên Phủ là cảnh giả
(VNTB) – Thiếu tướng Lê Mã Lương xác định rằng không có cảnh cắm cờ trên nóc hầm Đờ Cát. Đó chỉ là cảnh dựng lên để quay phim. 

Cách đây 15 năm (2009), Thiếu tướng Lê Mã Lương – lúc đó là Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam – đã khẳng định rằng trong chiến thắng Điện Biên Phủ, chỉ có lá cờ trên đồi Him Lam là lá cờ duy nhất được cắm, ngoài ra không còn lá cờ nào khác.

Sau khi xác minh bằng các phương pháp tiếp cận với nhân chứng, với tài liệu, bằng phương pháp khoa học và thái độ khách quan, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam đã yêu cầu “trả lại cho lịch sử những điều vốn có của nó”.

Thiếu tướng Lê Mã Lương xác định rằng không có cảnh cắm cờ trên nóc hầm Đờ Cát. Đó chỉ là cảnh dựng lên để quay phim. “Từ đó, trong tâm tưởng của mọi người đều nghĩ rằng có lá cờ cắm trên nóc hầm của tướng Đờ Cát”.

Thiếu tướng Lê Mã Lương – Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam – quả quyết: “Sau khi Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam ghi nhận chính xác điều đó, chúng tôi đã cất lá cờ tung bay trên nóc hầm Đờ Cát trước đây có trưng bày ở Bảo tàng. Đó chỉ là một biểu tượng của chiến thắng. Phải tôn trọng sự thật. Ngay cả khi làm tư vấn lịch sử cho một dự án ở di tích Điện Biên Phủ, tôi cũng góp ý rằng, không nên có hình ảnh chiến sĩ ta cắm cờ trên nóc hầm Đờ Cát, vì lịch sử không có chuyện đó”.

https://thvl.vn/trang-van-nghe/ky-niem-55-nam-ngay-chien-thang-dien-bien-phu-1/

(Ảnh 1: Đài THVL)

Trước đó 8 năm, tạp chí “Lịch sử quân đội” số 5-2001 trang 19 có đăng một bài báo của Đại tá Trần Quang Vĩ, trong đó khẳng định “không có chuyện cắm cờ trên nóc hầm Đờ Cát như trong phim ảnh”.

Ông Hoàng Đăng Vinh – một trong 5 chiến sĩ đầu tiên xông vào hầm bắt Tướng Đờ Cát đầu hàng – cho biết chưa bao giờ, khi kể chuyện bắt sống Tướng Đờ Cát, lại nói đến việc đã cắm cờ trên nóc hầm chỉ huy. Ông cũng đã báo cáo với Tổng cục Chính trị hồi tháng 5 nâm 1984, nói với cán bộ Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam khi về làm việc năm 1983 và trước Hội nghị các nhà báo họp tại Điện Biên tháng 3.1994 về vấn đề này. Ông nói: “Sự việc diễn ra vào lúc 5 giờ chiều, ở miền núi đã hết bóng nắng nên cũng không ai cắm cờ để chụp ảnh. Việc chụp ảnh và quay phim là do nhà điện ảnh Karmen (Liên Xô) phối hợp với điện ảnh ta quay phim. Khi quay, kịch bản có cảnh cắm cờ để làm rõ chủ đề chiến thắng. Ba chiến sĩ được chọn ra để phất cờ và vác súng trên nóc hầm Đờ Cát như lâu nay ta thường thấy trong ảnh không phải là nhóm chiến sĩ của đồng chí Luật (Luật, Vinh, Nhỏ, Lam, Hiếu) mà là các chiến sĩ của Đại đoàn 316 dựng lại giờ phút vinh quang của chiến thắng”.

Tờ Lao Động ngày 24-4-2004 trang 6 cũng có đăng một bài báo, trong đó tác giả cho biết đã tìm gặp ông Hoàng Đặng Vinh và được ông Vinh kể lại toàn bộ diễn biến trận đánh và khẳng định:

“Không có chuyện cắm cờ trên nóc hầm Đờ Cát vì thứ nhất tiểu đội chúng tôi không mang theo cờ, đại đội của tôi cũng không mang theo cờ, thứ hai là lúc đó đã chiều rồi, cả khu trung tâm đó không có một nhà nào, toàn giao thông hào, tù binh đã được áp giải ra hết và đơn vị chúng tôi cũng rút ra theo”.

Như vậy, giờ phút cuối cùng của cuộc chiến này, bộ đội ta chỉ xông vào hầm sở chỉ huy của địch bắt sống Đờ Cát và toàn bộ đội ngũ sĩ quan của ông ra rồi áp giải đi, không có chuyện các chiến sĩ xông lên phất cờ trên nắp hầm Đờ Cát, mà đó là cảnh nhà quay phim Karmen dựng thêm khi quay phim.

Bài đăng về cờ chiến thắng trên báo Lao Động.

 

Đoạn phim sau đây là phim câm (không có tiếng) dài 1 phút 24 giây là từ kho lưu trữ của Viện INA (Viện nghe nhìn quốc gia Pháp).

Viện INA nói rằng, đoạn phim này là một trong các cuộn phim được Jérôme Kanapa mua lại cho ECPA (hiện nay là ECPAD) hồi năm 1986. ECPAD là một công ty của Bộ Quốc phòng Pháp.

Viện INA cho biết đây là một trích đoạn trong phim Việt Nam sản xuất hồi năm 1964 để kỷ niệm 10 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (phim Chiến thắng Điện Biên Phủ).

Viện INA nhấn mạnh, đoạn phim này không phải là phim tài liệu quay cảnh chiến trường thật mà là chiến trường dàn dựng và phong cách quay phim là theo trường phái của đạo diễn người Nga Roman Karmen.

https://fresques.ina.fr/independances/fiche-media/Indepe01057/la-victoire-de-dien-bien-phu-muet.html?fbclid=IwAR03hAFY3KVVUEzd75uTwTIwyRk8D0hgdi623arHj9EVYZmhUXbZOHucEhM

(Clip video)

Được biết, Đạo diễn Roman Karmen sang Việt Nam để quay phim về Điện Biên Phủ. Ông và đoàn làm phim đặt chân đến Việt Nam ngày 24-5-1954 sau khi Điện Biên Phủ đã thất thủ hơn nửa tháng (ngày 7-5-1954).

Berlin, ngày 7.5.2024

Hãy trả lại quyền tự do báo chí cho người dân

 Phú Nhuận

VNTB – Hãy trả lại quyền tự do báo chí cho người dân

(VNTB) – Tham nhũng và sự dốt nát luôn coi báo chí như kẻ thù

Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng phải tăng cường kiểm tra, giám sát ngay từ lúc bắt đầu triển khai công việc, ngay từ sớm, từ xa, từ cơ sở, không để vi phạm nhỏ tích tụ lại thành sai phạm lớn.

Thế nhưng, “giám sát” như thế nào khi mà quyền tự do báo chí ở Việt Nam không những vẫn chưa có, mà còn bị siết chặt bằng những “rào cản kỹ thuật”, như buộc phải tuân thủ “tôn chỉ, mục đích” được ghi trong giấy phép về hoạt động đưa tin, bài.

Khi “báo chí của Đảng” buộc phải tự suy yếu

“Quy hoạch báo chí” được soạn thảo từ thời Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng để rồi do người kế nhiệm là Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phê duyệt ban hành  là một dẫn chứng cho ‘bóp chết’ quyền tự do báo chí còn sót lại sau những mệnh lệnh hành chính về “tôn chỉ – mục đích”, về “chủ quản”.

“Quy hoạch báo chí” được Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng chủ trương và Nguyễn Bắc Son được coi là tác giả. Trưởng Ban Tuyên giáo lúc ấy là Đinh Thế Huynh. Cho dù trong “chế độ ta”, báo chí chưa bao giờ là “quyền lực thứ tư”, song chưa có thời nào, chưa có chính sách nào làm suy yếu “báo chí của Đảng” như “Quy hoạch báo chí” này.

Một nhà báo tên tuổi và có sức ảnh hưởng đã nhận xét rằng, “tham nhũng và sự dốt nát luôn coi báo chí như kẻ thù. Những kẻ dốt nát và tham nhũng vừa sợ hãi, lại vừa muốn cầm nắm báo chí để tự ru ngủ hoặc tự tô vẽ mình. Không phải tự nhiên mà mấy đời Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông gần đây, đều trở nên lố bịch ngay khi chưa bị hạ bệ. Thay vì cảnh tỉnh, các nhà báo cấp dưới, phần nhiều lọc lõi hơn, cứ tạo điều kiện cho anh “nổ”, cứ “khen cho anh chết”…”.

Hôm 03-05-2024, nhân Ngày tự do báo chí thế giới, tổ chức Phóng Viên Không Biên Giới (RSF) của Pháp đã công bố bảng xếp hạng năm 2024 về điều kiện hành nghề của giới phóng viên ở các nước. Chỉ số tự do báo chí của Việt Nam tăng 4 hạng so với năm ngoái, nhưng Việt Nam vẫn nằm trong nhóm 10 quốc gia cuối bảng.

Trong năm tiêu chí đánh giá của RSF, Việt Nam có ba tiêu chí đi xuống so với năm trước. Chỉ số chính trị giảm từ 23,75 xuống 13,22, chỉ số xã hội giảm từ 32,95 xuống 23,51, và chỉ số an ninh giảm từ 30,66 xuống 25,86. Trong khi đó, Việt Nam có hai tiêu chí tăng là chỉ số kinh tế (từ 17,16 lên 20,57) và chỉ số lập pháp (18,40 lên 28,37).

Tổng biên tập giờ không còn dũng khí nữa

Ở Việt Nam, mỗi tổng biên tập là một kiểm duyệt viên trung thành, luôn răm rắp tuân thủ chủ kiến của Đảng.

Xa lắm rồi như câu chuyện quá vãng hay được cánh nhà báo lâu năm ở Sài Gòn kể như một giai thoại, là có một thời khi Phó trưởng ban Tuyên giáo Hồng Vinh vào Nam lớn tiếng với các tổng biên tập, nhà báo Võ Như Lanh (1948 – 2014) đã đứng lên nói thẳng, “Anh đừng vào đây mà dạy dân Sài Gòn làm báo”.

Ông Trần Minh Ðức (Ba Lãng), một trụ cột của báo Tuổi Trẻ, kể câu chuyện làm ngạc nhiên những người đi sau: “Tháng 7-1977, tôi về Tuổi Trẻ theo đề nghị của anh Lanh với tâm trạng ít nhiều trống rỗng, yếu đuối cả thể xác lẫn tinh thần, cứ để mình bị trì kéo bởi những hình ảnh, kỷ niệm cũ. Tôi là một anh phóng viên suốt hơn năm trời chỉ viết được ba, bốn bài, không có máu mê làm báo. Tôi xoay sang nhận nhiệm vụ xây dựng Tuổi Trẻ thành cơ quan hoàn chỉnh. Tôi theo sau anh Võ Như Lanh, góp nhặt các chất liệu, tư tưởng để nhào nắn lại thành nguyên tắc, phương châm, cơ sở để xây dựng đội ngũ”.

Theo ông Ba Lãng. Khi làm tổng biên tập, ông Võ Như Lanh luôn bức bối và yêu cầu tất cả những người xung quanh cũng phải cùng bức bối. Ông không bao giờ tỏ ra hài lòng với số báo hôm qua, kế hoạch, đề tài số báo sắp tới. Vừa dẫn dắt, gợi mở, vừa thúc đẩy, phản biện, ông Võ Như Lanh đã cùng đội ngũ xác lập nên những giá trị cốt lõi của báo Tuổi Trẻ một thời, như làm báo phải đáp ứng nhu cầu được biết của mọi tầng lớp nhân dân; Thông tin một cách nghiêm cẩn, nhanh chóng, đầy đủ, khách quan tình hình mọi mặt đời sống, chính trị, xã hội, kinh tế trong nước và quốc tế đến người đọc; Một tờ báo vì người đọc phải sống được bằng người đọc; Làm báo vì một nước Việt Nam giàu mạnh, văn minh, dân chủ, người dân sống tự do, hạnh phúc, chứ không phải là “tiếng nói định hướng của tuyên giáo Đảng”.

Hãy trả lại quyền tự do báo chí cho người dân

Trở lại với yêu cầu nêu ở đầu bài viết này của Thủ tướng Phạm Minh Chính là “tăng cường kiểm tra, giám sát ngay từ lúc bắt đầu triển khai công việc, ngay từ sớm, từ xa, từ cơ sở, không để vi phạm nhỏ tích tụ lại thành sai phạm lớn” mà ông nhấn mạnh tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4 hôm 4-5-2024, cho thấy cần thiết trả lại cho người dân quyền tự do báo chí, bãi bỏ chính sách ‘bóp nghẹt’ báo chí nhà nước bằng “Quy hoạch báo chí”, bằng ràng buộc tin tức chỉ được phép ‘gói’ trong tờ giấy phép “tôn chỉ – mục đích”…

Nhiều tờ báo đã vận hành như các doanh nghiệp tư (VNExpress, Kinh Tế Việt Nam, Dân Trí…) cần phải cất được gánh nặng của tìm kiếm chủ quản nhà nước thích hợp; bởi hơn ai hết, họ hiểu về sự cẩn trọng chính trị do làm báo bằng chính cơm gạo áo tiền của riêng mình…