Saturday, November 4, 2023

TPHCM: Hơn 14 ngàn người mất việc trong tháng 10

 RFA-2023.11.04

TPHCM: Hơn 14 ngàn người mất việc trong tháng 10Công nhân nhà máy Tỷ Hùng ở TPHCM rời nhà máy vào ngày 30/11/2022 (minh họa)-AFP

Có hơn 14.200 người mất việc trong tháng 10, tăng 17% so với tháng trước. Tính từ đầu năm 2023 đến nay số lao động thất nghiệp ở TP HCM tăng 11% so với cùng kỳ.

Bà Nguyễn Văn Hạnh Thục, Giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm TP HCM, cho truyền thông hay tin trên trong ngày 4/11.

Cụ thể, theo bà Thục, riêng trong tháng 10, đã có hơn 14.200 người mất việc nộp hồ sơ nhận trợ cấp, tăng 17% so với tháng trước. Tính cả 10 tháng đầu năm đến nay, có trên 142.700 lao động thất nghiệp ở TP HCM muốn nhận trợ cấp, tăng 11% so với cùng kỳ, tương đương hơn 14.000 người.

Số người thất nghiệp tăng, theo bà Thục, là do một số doanh nghiệp trên địa bàn thành phố cắt giảm nhân sự vì gặp khó khăn đơn hàng, thu hẹp sản xuất hoặc người lao động nghỉ để chuyển đổi công việc khác.

Còn theo số liệu của Sở Lao động Thương binh Xã hội TPHCM, tính từ đầu năm tới nay, có 46 doanh nghiệp thông báo cho người lao động thôi việc với số lao động mất việc là 4.022 người; tăng 27 doanh nghiệp so với cùng kỳ năm 2022, số lao động mất việc tăng 3.847 người.

Sở cũng lưu ý con số trên chưa bao gồm số lượng người lao động bị mất việc theo hình thức thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động, như trường hợp ở Công ty TNHH PouYuen giảm hơn 9.000 lao động.

Trong cùng ngày, theo báo cáo của Cục Thống kê TP HCM, chỉ số lao động làm việc tại các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong tháng 10 tăng 0,5% so với tháng trước nhưng giảm 3,2% so cùng kỳ. Đây cũng là ngành có số lượng lao động mất việc cao với gần 49.700 người, chiếm 35,33% trong tổng số người nhận trợ cấp.

Tính chung 10 tháng, chỉ số lao động giảm 2,5% so cùng kỳ. Trong đó, tập trung ở các ngành sản xuất da và các sản phẩm liên quan với tỷ lệ giảm 17%; sản xuất sản phẩm từ khoáng kim loại khác giảm 12%; thoát nước và xử lý nước thải giảm 10%.


Một số ngụy biện bao che


 Nguyễn Đình Cống-4-11-2023

Đó là những ngụy biện nhằm bao che cho những người chịu trách nhiệm chính trong việc làm suy thoái nền giáo dục (GD). Các ngụy biện này được dùng trong bài của GS Lê văn Canh, đăng trên báo VietNamNet ngày 1-11-2023 dưới nhan đề “Những nghịch lý giáo dục trong nền kinh tế thị trường”. Ngụy biện theo kiểu “Lập lờ đánh lẫn”.

GS Canh có lẽ muốn xuất phát từ ý nghĩ tốt là tìm cách giải thích và xoa dịu nghịch lý trong GD, nhằm chấn hưng nó, nhưng chắc vì sợ đụng chạm quyền lực mà né tránh điều lo sợ. Làm như vậy thì lợi bất cập hại, liệu có ai nghe theo hay không, hay lại tự làm tổn thất thanh danh.

Thứ nhất là đánh tráo khái niệm. Kinh tế thị trường (KTTT) và KTTT định hướng XHCN là hai khái niệm không thể lẫn lộn. Lãnh đạo Việt Nam vận động nhiều quốc gia công nhận mình là nước có nền KTTT, nhưng chưa thấy nước nào công nhận vì họ không thấy nền KTTT đúng nghĩa ở Việt Nam mà chỉ thấy một quái thai có đuôi định hướng XHCN.

Trong một nền KTTT đúng nghĩa không hề có “nghich lý giáo dục” nào hết. Điều này không cần chứng minh bằng lý luận dài dòng mà hãy nhìn vào những nước có nền KTTT mà các gia đình Việt Nam đua nhau đổ tiền vào cho con cái họ đến đó du học để “tị nạn giáo dục”. Những đại gia cho con đi du học là chuyện thường, những gia đình chỉ tạm đủ ăn mà cố để cho con đi học ở nước ngoài thì đó hẳn là tị nạn giáo dục.

Ở Việt Nam hiện nay có nghịch lý về GD rất nhiều, rất lớn, làm cho GD đi chệch hướng, xa rời bản chất của một nền GD tiến bộ. Đó là tính nhân bản và khai phóng. Nghịch lý GD do nguyên nhân khác gây ra chứ không phải do KTTT.

Từ đánh tráo khái niệm chuyển thành lập lờ đánh lẫn nguyên nhân và trách nhiệm trong việc làm suy thoái GD. Trong bài viết trên, GS Canh đưa ra quan hệ giữa hai bên A-B để xem xét. Bên A là ngành giáo dục, tuy có một số yếu kém, nhưng đã có đóng góp cho sự phát triển của đất nước với những cố gắng của đội ngũ giáo viên và đóng góp của những cựu học snh. Bên B là dư luận của xã hội mà đại diện là những người phản biện, thường chỉ vạch ra những mặt yếu kém của GD.

Thế rồi GS đưa ra mệnh đề đặt ở đầu bài: “Nếu dư luận xã hội chỉ tập trung vào những yếu kém mà không thấy những cố gắng của ngành giáo dục thì nhà trường, gia đình và xã hội ngày càng xa nhau, tạo ra hiệu ứng tâm lý thiếu tin cậy lẫn nhau”.

Mệnh đề trên ẩn chứa một số ngụy biện. Thứ nhất là, có một số giáo viên tận tâm với giáo dục và có một số học sinh trở thành các chuyên gia xuất sắc, có đóng góp cho xã hội, nhưng họ không phải là sản phẩm chính của nền giáo dục công lập của Việt Nam hiện nay; mà phẩm chất, tài năng của họ đã được hình thành từ những hạt giống tinh thần của “tiên thiên”, là những thứ đã hình thành từ trong bào thai trước khi sinh.

Thứ hai là lập lờ, chỉ mới thấy thầy và trò trong GD mà chưa thấy vai trò của lãnh đạo. Những yếu kém trong GD chủ yếu do lãnh đạo tạo ra mà cả thầy và trò là nạn nhân.

Thứ ba là bỏ sót, nghịch lý trong GD cũng không phải chỉ do lãnh đạo của ngành chịu trách nhiệm vì GD của Việt Nam phải phục vụ chính trị, phải đặt dưới sự khống chế của Tuyên giáo đảng.

Ngụy biện còn thể hiện rải rác trong bài. Chẳn hạn như, GS cho rằng “Trong cuộc cạnh tranh các trường công lập đang rơi vào thế yếu” vì lương thấp. Đúng là thế yếu nhưng do lãnh đạo tạo ra chứ không phải do “Trời sinh ra thế”. Đây là ngụy biên kiểu “đổ vấy”. Cái thế yếu nhất của các trường công lập là bị khống chế, mất tự do trên nhiều mặt.

Gs Canh viết tiếp: “Những vấn đề của giáo dục là hệ quả của sự tương tác giữa nhiều yếu tố, trong đó các yếu tố kinh tế và văn hoá – xã hội có ảnh hưởng lớn và không thể giải quyết chỉ bằng sự nỗ lực của ngành giáo dục mặc dù ngành giáo dục giữ vai trò chủ đạo. Giáo dục Việt Nam hiện nay giống như cách miêu tả của nhà thơ Tản Đà: “Đường xa gánh nặng xế chiều, Cơn dông biển lớn mái chèo thuyền nan”.

GD chịu ảnh hưởng lớn của kinh tế, văn hóa, xã hội là đúng, nhưng đó mới chỉ là một phần sự thật. Còn phần quan trọng nhất đã bị bỏ qua, không phải vì không thấy, mà né tránh. GS né tránh trong lúc một người có hiểu biết bình thường thấy rõ, đó là sự lãnh đạo của đảng, GS không dám chạm vào. Phải chăng vì sợ.

GS đưa ra hình ảnh “Đường xa, gánh nặng…” một ví von không sát chút nào. Đúng là gánh nặng nhưng không phải do “lịch sử giao phó” chuyên chở thứ quý giá, mà do vô minh, chất vào gánh những thứ đất đá rác rưởi. Không có cơn dông nào cả, mà chỉ có sự vô minh. GS còn khuyên: “Hướng mắt lên các vì sao trên đôi chân bám chặt vào đất”. Lời khuyên nghe hay, nhưng bám thế nào được khi đất dưới, chân đang hóa bùn.

Muốn chấn hưng giáo dục, khắc phục nghịch lý thì trước hết phải tìm được nguyên nhân cơ bản và chỉ ra người chịu trách nhiệm chính, theo phương châm do Tổng Bí thư đảng nêu ra là không có vùng cấm, không hạn chế phạm vi. Thế thì có gì mà phải sợ.

Sao không lột truồng đứa mua dâm?

 Chu Mộng Long-02-11-2023

Tôi thường phẫn nộ các vụ mua bán dâm, trong khi kẻ mua dâm bị giấu kín thì người bán dâm bị bắt hoặc bị phơi mặt ra trước công luận. Điều này không chỉ trái với đạo đức mà còn trái với quy luật cung – cầu. Cầu quyết định cung, nhưng cầu thì thường vô can!

Vụ Đông Đô là điển hình khi người bán bằng bị truy tố mà hàng trăm quan chức mua bằng thì vô can!

Mua bán bằng cấp, bài báo khoa học trong giáo dục cũng tương tự như hoạt động mua bán dâm. Giáo dục còn nguy hại hơn mua bán dâm khi quan chức mua bằng cấp để thăng tiến và ăn tàn phá hoại đất nước, từ đồng lương cao đến tham nhũng lớn. Mua bán bài báo khoa học hiện nay còn để xếp hạng trường đại học, để phong giáo sư tiến sĩ và ôm lấy các dự án nhà nước để tiêu tiền… như nước.

Gái bán dâm chỉ làm hỏng thân xác của mình, nhiều lắm là lây giang mai, SIDA cho những kẻ đáng bị giang mai, SIDA. Còn giáo dục làm hỏng cả một thế hệ và tàn phá đất nước, tài sản nhân dân.

Vụ PGS. Đinh Công Hướng (nguyên giảng viên Trường Đại học Quy Nhơn) bán hơn chục bài báo quốc tế cho các trường khác, chứng tỏ anh ta có năng lực và vốn tự có. Riêng điều này đáng tự hào chứ không phải xấu hổ. Xấu hổ là anh ta chưa thấy các trường như Trường đại học Tôn Đức Thắng, Thủ Dầu Một nhờ bài báo của anh mà được thăng hạng ảo, lừa dối cả ngành giáo dục và lừa dối nhân dân. Lẽ ra báo chí phải lột truồng các đối tượng mua dâm bài báo và quản lý ngành giáo dục phải “rút phép thông công” các trường này chứ không phải công kích cá nhân người bán bài báo là anh Đinh Công Hướng.

Ảnh chụp màn hình bài đăng trên báo Tuổi Trẻ

Ban đầu tôi nghi Đinh Công Hướng không chỉ bán danh cho cơ sở đào tạo mà còn bán cho các cá nhân để được cấp bằng tiến sĩ, phong phó giáo sư, giáo sư. Đó mới là vấn đề nghiêm trọng mà đến lúc cần phải lột truồng hết hàng vạn tiến sĩ, giáo sư không có năng lực gì ngoài đi mua bài báo để đối phó trong hồ sơ thăng học hàm, học vị.

Tôi kiểm tra thì trong số hơn chục bài báo ấy vẫn đứng tên Đinh Công Hướng. Chỉ ghi danh cơ sở đào tạo mà Đinh Công Hướng không phải là giảng viên cơ hữu. Có lẽ số tiền thu được cũng không nhỏ, bởi nhiều trường thưởng cho một bài báo đến vài ba trăm triệu đồng.

Trường hợp bán cho cá nhân, tôi tin số tiền phải nửa tỉ một bài, vì cá nhân đi mua dâm bài báo có được nhiều thứ: Tiền thưởng, học hàm, học vị. Đến lúc báo chí và dư luận nên moi hết trong số cả vạn giáo sư, tiến sĩ dỏm chuyên mua dâm ấy thì may chăng giáo dục mới lành mạnh!

Làm gì có “văn hóa”

“Văn hóa giao thông” của Việt Nam, đặc biệt miền Nam Việt Nam sau năm 1975, cũng như mọi thứ “văn hóa” khác, tất cả đều ảnh hưởng sâu đậm cái gọi là “văn hóa xã hội chủ nghĩa”. Cái khó là, bây giờ, nếu có ai (cắc cớ) biểu định nghĩa thế nào là “văn hóa xã hội chủ nghĩa”? Tui chịu thua. Bó tay thôi. Bởi vì “văn hóa XHCN” ở Việt Nam, trên thực tế mỗi nơi mỗi khác. Còn về “tiêu chí” hay “nội hàm” của văn hóa thì mỗi lúc, mỗi thời kỳ người ta diễn giải “văn hóa” một cách khác nhau, đôi khi đối nghịch với nhau.

Trong thành phố nhan nhản những “khu phố văn hóa”. Các khu phố này giống nhau cái gì và khác nhau cái gì (về văn hóa)? Đi vào trong xem thử “bản chất văn hóa” của từng khu phố, ta thấy gì? Phố nào cũng giống nhau ở chỗ nhếch nhác, rác rưới, bẩn thỉu, ồn ào, rách rưới… Ngoại lệ những lá cờ, những tấm biểu ngữ đỏ tươi phất phới ở trên là “vui vẻ”.

Văn hóa là lá cờ, là tấm biểu ngữ hay là thực trạng khốn cùng của người dân, những người sinh sống trong các hẻm nhỏ?

Về “nội hàm” văn hóa. Lâu lâu ta đọc báo thấy lời kêu gọi (hay thúc giục) các phong trào “xây dựng nền văn hóa mới, con người mới trong thời kỳ x, y, z…”. Xây dựng con người mới, xây dựng nền văn hóa mới xã hội chủ nghĩa. Xây dựng con người mới, xây dựng nền văn hóa mới trong thời kỳ hội nhập, trong thời kỳ đổi mới, trong thời kỳ kinh tế thị trường định hướng XHCN…

Văn hóa Việt Nam dưới ánh sáng XHCN rõ ràng là thứ đổi màu, giống con kỳ nhông. Lúc trước “thời kỳ quá độ lên XHCN” tiêu chuẩn văn hóa phải là “đỏ”, càng đỏ càng “giác ngộ”. Thời kỳ “đổi mới”, văn hóa lúc đỏ lúc xanh, kiểu cá lia thia thua trận đổi màu “sọc dưa”. Thời kỳ bây giờ, văn hóa là gì, đố ai biết.

Văn hóa là “sản phẩm” phát sinh từ những con người cùng hấp thụ những “giá trị nền tảng” bất biến, trong một nền văn minh, trong một xã hội. Các giá trị nền tảng có thể là các tín điều tôn giáo, chính trị, kinh tế hay xã hội (từ bi, hỉ xả, yêu thương đồng loại, tình liên đới, tình bạn, tình cha con, chồng vợ, tôn thờ công lý, yêu chuộng tự do, tinh thần trọng luật, tinh thần đề cao cái đẹp “chân, thiện mỹ”, đề cao quyền con người v.v…). Văn hóa, vì vậy có tính “khai phóng”, trên căn bản những tín điều “bất biến”.

Các “giá trị nền tảng” xây dựng lên một cộng đồng xã hội, một quốc gia lúc đen, lúc trắng, kiểu Việt Nam bây giờ, thì làm gì có “văn hóa”?

Văn hóa giao thông của Việt Nam, nói ra bà con đừng buồn, theo tôi 90% người Việt Nam không có văn hóa giao thông. 90% người Việt Nam không biết lái xe!

Thật vậy, biết lái xe trước hết là phải biết “luật về giao thông”. Anh lái hay cách mấy, nhưng anh bất chấp luật lệ, hiển nhiên anh không biết lái xe. “Luồn lách” có thể là một cách sống nhưng không thể là văn hóa giao thông. Đâu phải thấy có chỗ trống là anh đút xe vào được đâu? Ai cũng tranh đi trước, tranh tiện lợi, muốn “tay trên”… thì đường xá ùn tắc thôi.

Tôi dám khẳng định là tài xế Việt Nam, nếu qua một xứ bất kỳ, kiểu Thái Lan hay Mã Lai (nói chi các quốc gia Âu, Mỹ), nếu họ lái theo “kiểu Việt Nam” của họ, chỉ 30 phút là họ bị cảnh sát tước bằng lái.

Bằng lái Việt Nam là “bằng quốc tế”.

Các bạn phải hình dung rằng chiếc xe của bạn đang lái, nếu lái đúng luật, thì nó là một phương tiện giao thông. Nhưng khi bạn phạm luật, thì chiếc xe của bạn có thể trở thành “phương tiện giúp cho bạn giết người”.

Trên đường cao tốc (trên hai làn xe), luật buộc mọi phương tiện giao thông, nhứt là xe tải, xe khách (không chạy quá 80 km giờ) phải đi bên làn phải.

Luật cấm, không cho phép bạn vượt (qua mặt) xe khác từ bên làn phải. Luật qui định bạn chỉ được phép qua mặt bên làn trái.

Trong thành phố, khi đèn đỏ, mọi phương tiện giao thông phải ngừng ở vạch trắng đúng qui định. Người bộ hành qua đường có “quyền tuyệt đối” trong thời gian đèn xanh dành họ qua đường, trên lề vạch trắng dành riêng cho họ. Mọi phương tiện xe cộ nào “chồm chồm” rú ga nhít lên, như muốn đe dọa người bộ hành, người tài xế này có thể bị truy tố về tội “sử dụng phương tiện giao thông đe dọa tính mạng người khác”. Nói chi những bạn chạy xe gắn máy trên lề dành riêng cho bộ hành.

Đâu phải anh có xe đẹp thì anh có quyền rú ga, lấn đường, gây nguy hiểm cho người khác?

Chuyện có thật bên Mỹ. Một người phụ nữ Việt Nam ở trong nhà, đang cầm dao băm thịt (hay để làm chuyện chi đó) trong bếp. Tình cờ vì một lý do nào đó cảnh sát khám nhà. Người phụ nữ kia nói chuyện với cảnh sát với tư thế cầm dao “giá giá” nhân viên công lực. Viên cảnh sát rút súng và bắn chết tại chỗ người phụ nữ kia. Bởi vì người cảnh sát này cho rằng cái cách cầm dao của người phụ nữ kia là hành vi đe dọa tính mạng của anh ta. Quyền tự vệ chính đáng.

Vì vậy, tôi thành thật khuyên quí vị hay có thói quen đến đèn đỏ mà không chịu ngừng hẳn ở vạch trắng, hành vi nhấn ga, cho xe chồm chồm nhích lên, nhích xuống, có thể xem là hành vi đe dọa bộ hành. Trường hợp này khá giống vụ người phụ nữ bị cảnh sát bắn chết. Chiếc xe không còn là phương tiện giao thông mà nó trở thành vũ khí đe dọa, hay chuẩn bị giết người. Người phạm tội này có thể bị tịch thu phương tiện giao thông, bị tước bằng lái và còn có thể bị truy tố hình sự, gỡ nhiều cuốn lịch.

Theo tôi, văn hóa giao thông của Việt Nam (hay của Nga, các xứ Đông Âu…) có ảnh hưởng từ lối sống “luồn lách” của con người dưới các chế độ độc tài. Các xứ Đông Âu, gần đèn thì sáng, vấn đề giao thông không còn là chuyện nhức đầu.

Giao thông Việt Nam, khi mà văn hóa luồn lách còn tồn tại, khi mà cảnh sát giao thông hoặc còn “a ma tơ”, không biết luật giao thông, hoặc không lo làm cảnh sát bảo vệ trật tự mà chỉ muốn trấn lột kiếm tiền, thì tình trạng giao thông của Việt Nam cũng mịt mờ như văn hóa XHCN.

Tiếng bấc tiếng chì

 

Câu chuyện hãng xe vận tải Thành Bưởi từ lúc có những tin tức “tố cáo” của báo chí cho đến lúc phải ngừng hoạt động, phải nói là như một vụ đánh thần tốc. Mọi diễn biến tựa như được tính toán để “chung sức” cùng đưa lên trên mặt trận truyền thông, khiến bộ mặt của một hãng xe trở nên đen đúa dần, tệ hại dần, và cuối cùng bị gọi tên như tội phạm, cùng tiếng bấc tiếng chì, dù chưa có phiên toà nào kết luận. 

Hoạt động truyền thông của Việt Nam, từ vụ Ngọc Trinh qua đến Thành Bưởi, có thể nói đây là một cột mốc quan trọng đánh dấu ngày báo chí Việt Nam đã bước vào giai đoạn các nơi phối hợp nghiêm, “đánh đẹp” trong sự nhất quán quan điểm, tuần tự và trật tự trên không gian mạng. Gần như không tìm thấy bất cứ một góc nhìn cân đo nào khác, đối với “người có tội” theo chủ trương.

Sự kiện hàng đầu của hãng xe Thành Bưởi, được Sở GTVT TPHCM chỉ ra là vụ nhà xe này gây tai nạn khiến năm người chết và nhiều người bị thương ở Đồng Nai ngày 30-9-2023. Rồi sau đó, đẩy dần lên là chuyện trốn thuế, tài xế chạy nhanh nhiều lần bị phạt, giao xe cho tài xế có sai phạm về hợp đồng và giấy phép, dần đến cách mô tả là coi thường pháp luật, không coi ai ra gì…

Quả thật, gây tai nạn là chuyện phải làm nghiêm. Trốn thuế phải phạt, sai phạm về người và giấy phép lái xe phải bị xử lý. Nhưng theo mô tả của nhiều tờ báo, truyền hình, trong cơn say tố cáo, có những điều mà người ta tưởng chừng như, cả nước đang vào cuộc lật mặt một tổ chức xã hội đen rất ghê rợn đang lũng đoạn đất nước. 

Gây tai nạn trong công việc vận tải, thiết nghĩ không chỉ có Thành Bưởi. Nhiều hãng xe hoạt động trên các tuyến đường miền Nam, miền Trung mòn mỏi lâu nay không được nâng cấp, đã làm đủ mọi cách để làm được công việc của mình. Và khi tai nạn xảy ra, luôn đủ tên nhiều hãng xe lớn, kể cả đối thủ của Thành Bưởi.

Ví dụ tai nạn “nghiêm trọng” như báo chí mô tả về Thành Bưởi, hãng xe Phương Trang cũng nhiều lần lật xe (*), làm bị thương nhiều hành khách. Mà chuyện lật xe của Phương Trang cũng thường xảy ra từ cả chục năm nay (*). Kể cả chết người, hãng xe Phương Trang cũng có (*). Chuyện mới nhất còn gần hơn cả Thành Bưởi, xảy ra vào đầu tháng Mười (*) này.

Duy nhất trên báo Tri Thức & Cuộc Sống, một dòng ngắn nằm chen lẫn giữa các lời “tố cáo”, như đánh thức mơ hồ về mặt khác của “trận đánh đẹp” phối hợp, đang tập trung vào Thành Bưởi. “Thực tế, thời gian qua, không chỉ có nhà xe Thành Bưởi có dấu hiệu vi phạm mà nhiều nhà xe khác cũng có nhiều tai tiếng, nhưng chưa được xử lý triệt để, toàn diện”, trích bài viết.

Để nhấn mạnh vào tính “xã hội đen” của hãng xe Thành Bưởi, các tờ báo thay phiên nhau đặt những tựa rất kêu như “sự lộng hành của Thành Bưởi”, “Nhà xe công khai thách thức pháp luật”, thậm chí có báo còn đặt câu hỏi đầy trong sáng và đạo đức “ai chống lưng cho Thành Bưởi?”. Liệu đây là một câu hỏi tu từ hay là một khát vọng đi tới sự thật của báo chí Việt Nam? Và nếu có một hay nhiều quan chức nào đó chống lưng, tờ báo nào sẽ là nơi đầu tiên cho điều tra riêng để công khai tên nhân vật đó?

Thậm chí, câu chuyện tai nạn do xe Thành Bưởi gây ra, được giật tít là nguyên cớ của sự lên án tập thể, cũng không có một tờ báo nào quan tâm đến nạn nhân, để phỏng vấn chi tiết công ty này về cách thức giải quyết hậu sự cho người bị nạn, và chuyện này sẽ là tiền đề cho việc các tai nạn xe trong tương lai thế nào, chẳng hạn?

Trên trang Facebook của nhà báo Huy Đức có một nhận định đáng suy nghĩ về “trận đánh đẹp”, rầm rập thẳng hàng của truyền thông nhà nước: “Nên cá thể hóa các sai phạm [của các cá nhân trong Thành Bưởi] để xử lý theo đúng pháp luật, thay vì nhắm vào doanh nghiệp”.

Quả vậy, trong sự phát triển của Việt Nam, đời sống kinh tế có muôn điều cần giải quyết. May thay, Việt Nam là một quốc gia có công bố luật pháp của mình. Ai làm nấy chịu, và cần thì phạt nặng. Trịnh Văn Quyết đang ngồi chờ ra tòa, bị truy tố, nhưng hãng hàng không Bamboo vẫn hoạt động, không thể đóng cửa vì lỡ gắn với tên ông ta. Ông Trần Bắc Hà bị tuyên án, nhưng không có nghĩa hệ thống ngân hàng BIDV bị giải thể vì ông ta là người đứng đầu.

Việc xử lý vi phạm của công ty Thành Bưởi là chuyện phải làm, theo luật pháp Việt Nam. Nhưng những “trận đánh đẹp” của báo chí Việt Nam lúc này, là một ví dụ buồn chán về sự ăn theo thông tin, hừng hực tố giác trong khung được cho phép, thậm chí làm hỗn loạn cả các tin tức và thái độ của người dân.

Những trận đánh đẹp rồi có thể được in thành sách, một ngày nào đó, trong cơn hăng say tuyên vận, nhưng nhiều năm nữa, khi đọc lại, có thể là điều vô cùng bẽ bàng về sự thô lậu của nghề làm báo. Thậm chí, có thể là nỗi nhục âm thầm của những người làm báo chân chính vì không đủ sức để cưỡng lại được dòng chảy một chiều ghê sợ lúc này.

Tuấn Khanh

Nguồn: https://www.facebook.com/khanhtuanng/posts/pfbid02CxBguhzQbS97xzT6uqmYxLAj1C89cgipHh9M8oc3f

Tham khảo:

(*) Lật xe: https://baoyenbai.com.vn/228/297109/Va-cham-giua-xe-khach-va-xe-tai-tai-xe-bi-trong-thuong-mac-ket-tr111ng-cabin.asp

(*) Từ cả chục năm nay: https://nld.com.vn/dia-phuong/lat-xe-giuong-nam-phuong-trang-13-nguoi-nhap-vien-2014040809400471.htm

(*) Chết người: https://vtc.vn/khoi-to-tai-xe-xe-khach-phuong-trang-gay-tai-nan-khien-16-nguoi-thuong-vong-ar744477.html

(*) Tháng Mười này: https://vnexpress.net/xe-cho-30-khach-bi-lat-tren-quoc-lo-1-4659492.html

Việt Nam cần thể chế chính trị mới ?

 Nguyễn Nam-03-11-2023

"Để phục hồi và phát triển kinh tế thì tiền là quan trọng nhưng điều quan trọng hơn tiền là thể chế".

theche0

Một phiên họp Quốc hội Pháp tại Paris - Ảnh minh họa

Quốc hội Việt Nam tiếp tục thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội năm 2023, kế hoạch năm 2024 cùng với việc đánh giá việc thực hiện kế hoạch kinh tế - xã hội giữa nhiệm kỳ, tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025.

Đại biểu Vũ Tiến Lộc (đoàn thành phố Hà Nội) dẫn số liệu do Tổng cục Thống kê công bố cho thấy nền kinh tế vẫn đang khó khăn. "Để phục hồi và phát triển kinh tế thì tiền là quan trọng nhưng điều quan trọng hơn tiền là thể chế", ông Lộc nói.

Thể chế tốt thì khai thông nguồn lực và giúp tiền đẻ ra tiền, còn "thể chế tồi thì có tiền chúng ta cũng không tiêu được". Theo đại biểu Vũ Tiến Lộc – người từng có thời gian dài là Chủ tịch Liên đoàn Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI), vấn đề quan trọng nhất vẫn là phải tiếp tục đẩy mạnh cải cách thể chế, đơn giản hóa các thủ tục hành chính - điều mà theo phản ánh của người dân và doanh nghiệp đang trở nên nặng nề hơn trong mấy năm qua.

"Phải khắc phục cho được những quy định pháp lý chồng chéo, bất cập và nhất là thiếu minh bạch đang gây rủi ro cho người thực hiện. Đồng thời, phải gỡ bỏ được tâm lý sợ oan, sai, e ngại thanh tra, kiểm tra của các cán bộ, công chức và doanh nghiệp", ông Vũ Tiến Lộc nhấn rõ.

Đại biểu Lê Thanh Vân (đoàn tỉnh Cà Mau) hình tượng : "Việc các ngành, địa phương xin cơ chế đặc thù cho thấy chiếc áo cơ chế của chúng ta đã quá chật hẹp. Cho nên, cần rà soát đồng bộ để may chiếc áo mới thay vì vá víu, thay từng cúc áo một".

Từ cách diễn giải từ hai vị đại biểu trên cho thấy "thể chế" cần thay đổi ở đây đó là "thể chế chính trị".

Thể chế là thuật ngữ thường được sử dụng trong chính trị. Thể chế chính trị có thể được hiểu là hình thức chế độ, tư tưởng chính trị mà quốc gia đó đã lựa chọn thực hiện. Thể chế chính trị biểu hiện ở hệ thống pháp luật, bộ máy quản lý hành chính nhà nước, cách thức tổ chức, thực hiện các chính sách pháp luật, đường lối đối nội đối ngoại của mỗi quốc gia.

Mỗi quốc gia có quyền lựa chọn cho mình thể chế chính trị riêng biệt, phù hợp với khả năng, năng lực của mình. Tại Việt Nam, thể chế Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa là thể chế đang được áp dụng thực hiện.

Các tổ chức cấu tạo nên bộ máy chính trị hiện nay ở Việt Nam theo Hiến pháp 2013 bao gồm : Đảng cộng sản Việt Nam ; Nhà nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ; Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ; Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam ; Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh ; Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam ; Hội Nông dân Việt Nam ; Hội Cựu chiến binh Việt Nam.

Phía Tuyên giáo Đảng lâu nay vẫn đưa ra lập luận sau đây cho cách hiểu "thể chế" : Đường lối, chủ trương của Đảng được coi là định hướng chính trị cho hoạt động của toàn bộ máy Nhà nước. Trong đó, việc áp dụng những nội dung này như thế nào và hiện thực hóa nó ra sao được gọi là "thể chế".

Thuật ngữ "thể chế hóa" được sử dụng lần đầu trong Văn kiện Đại hội V của Đảng.

Báo cáo Chính trị tại Đại hội đã khẳng định : Cơ chế "Đảng lãnh đạo, nhân dân làm chủ, Nhà nước quản lý đã được thể chế hóa trong Hiến pháp…". Đến Đại hội VI, thuật ngữ "thể chế hóa" được sử dụng khái quát hơn, thể hiện quan điểm mới của Đảng về pháp luật thời kỳ đổi mới : "Pháp luật là thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng, thể hiện ý chí của nhân dân phải được thực hiện thống nhất trong cả nước. Tuân theo pháp luật là chấp hành đường lối, chủ trương của Đảng".

Quan điểm mới của Đảng về pháp luật tiếp tục được khẳng định qua các Đại hội Đảng.

Như vậy từ tóm lược nêu trên cho thấy yêu cầu "áo mới" cho thể chế, có lẽ phải chờ đợi nhiệm kỳ mới của Đảng, khi ấy tùy thuộc vào tân Tổng bí thư mà "áo mới" này sẽ được may với chất liệu, phụ kiện ra sao để có độ bền mà không phải cứ mãi "vá víu, thay từng cúc áo một" như các nhiệm kỳ gần đây của Đảng.

Nguyễn Nam

Nguồn : VNTB, 03/11/2023

Khoảng trống lớn trong chính sách giáo dục của Đảng cộng sản Việt Nam

 Mai Lan-03-11-2023

Giấc mơ về bộ sách giáo khoa chữ nổi

Các học sinh khiếm thị vẫn phải thi tuyển vào lớp 10 y hệt như với các em không bị khuyết tật. Thi đậu, các em khiếm thị sẽ học chung với học sinh sáng mắt với sách giáo khoa mà học sinh sáng mắt đang học. Giấc mơ về bộ sách giáo khoa chữ nổi Braille tiếng Việt, đến nay vẫn chưa rõ bao giờ sẽ thành hiện thực.

khoangtrong1

Đến nay vẫn chưa có đơn vị cung cấp sách giáo khoa chữ nổi cho học sinh khiếm thị.

Hơn chục năm nay, vào ngày cuối tuần, giáo viên trường phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu (quận 10, Sài Gòn) tập trung để tự làm sách giáo khoa chữ nổi cho học sinh khiếm thị của trường. "Do chương trình giáo dục mới nên các em chưa có nhiều tài liệu, thầy cô phải chuyển đổi sách giáo khoa thông thường sang dạng chữ nổi cho các em học sinh theo kịp", hiệu trưởng Nguyễn Thị Thanh Huệ cho biết.

Thầy giáo Nguyễn Văn Thống chuyển từng trang bản mềm sách giáo khoa từ chữ sáng (word) sang chữ nổi (braille) trước khi đem đi in bằng máy chuyên dụng. "Nhờ có phần mềm chuyển đổi nên công việc nhanh hơn. Tuy nhiên mọi người phải đọc lại kỹ để chỉnh lỗi. Thường gặp nhất là sai chính tả, công thức toán, lý, hoá", thầy Thống nói.

Là giáo viên dạy, làm chữ nổi tại trường phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu từ năm 2012, thầy Thống thường là người truyền đạt lại kinh nghiệm cho giáo viên khác.

Với những trang sách có hình thì công việc phức tạp hơn. Giáo viên sẽ chọn hình có thể chuyển sang tài liệu chữ nổi, thiết kế qua máy tính rồi cắt và dán thành trang có ảnh kèm chữ nổi để tạo phôi, sau đó mang đi ép đóng thành cuốn sách hoàn chỉnh. Hình nổi thường xuyên phải đối chiếu để xem có chuẩn về hình dạng, vị trí với hình gốc. Chất liệu làm hình nổi thường là giấy, gỗ mỏng, tăm, chỉ... để tạo độ nhám khác nhau và chịu được nhiệt khi đem đi ép thành sách.

Một cuốn sách in thường chuyển sang in chữ nổi sẽ thành 6 - 8 tập ; giấy in chữ nổi và in nhiệt đều có kinh phí cao - khoảng hơn 14 triệu đồng cho 1 bộ sách giáo khoa chữ nổi cho học sinh khiếm thị lớp 1... Và đến nay vẫn chưa có đơn vị cung cấp sách giáo khoa chữ nổi cho học sinh khiếm thị.

Công nghệ đã có, chỉ chờ… áp dụng

Đề tài nghiên cứu khoa học "Xây dựng quy trình thực hiện và hệ thống chế bản in sách giáo khoa hình và chữ nổi Braille cho học sinh khiếm thị" đã được trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) thực hiện và thạc sĩ Phan Nguyễn Ái Nhi làm chủ nhiệm.

Báo cáo trước hội đồng tư vấn nghiệm thu, thạc sĩ Phan Nguyễn Ái Nhi cho biết, hai lý do chính dẫn đến tình trạng khan hiếm sách chữ nổi là do thiếu nguồn nhân lực có kỹ thuật tốt và chi phí nguyên vật liệu, trang thiết bị máy móc chuyên dụng quá cao (5.500 - 7.500 đồng/tờ giấy ép nhiệt và khoảng 700 triệu đồng cho máy ép nhiệt và máy in chữ Braille).

"Hiện tại cả nước chỉ có trường phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu Thành phố Hồ Chí Minh, trường phổ thông cơ sở Nguyễn Đình Chiểu Thành phố Hà Nội và và Mái ấm Nhật Hồng (Thành phố Hồ Chí Minh) là có đủ máy móc, trang thiết bị để in sách giáo khoa cho học sinh khiếm thị của đơn vị mình và hỗ trợ vài nơi trong khả năng có thể", đại diện nhóm triển khai nhiệm vụ khoa học - công nghệ phân tích.

"Tuy nhiên, hệ thống sách giáo khoa được sản xuất vẫn tập trung chủ yếu vào sự mô tả bằng ngôn ngữ hơn là minh họa hình nổi. Điều này gây rất nhiều khó khăn trong việc tiếp cận tri thức của học sinh khiếm thị, đặc biệt là ở các môn toán, vốn dĩ luôn đòi hỏi phải có hình ảnh minh họa cho khái niệm, tính chất, nguyên lý và các bài tập ứng dụng".

Về cơ bản, có thể hiểu chế bản in sách giáo khoa hình và chữ nổi Braille cho học sinh khiếm thị là hệ thống các phôi, khuôn hay mẫu in gồm nhiều hình ảnh và chữ nổi được chuyển đổi trực tiếp từ sách giáo khoa, làm cơ sở tạo thành những cuốn sách giáo khoa hình và chữ nổi Braille hỗ trợ việc học cho học sinh khiếm thị qua các quá trình đúc, thổi, in, ép… bằng nhiều kỹ thuật khác nhau.

Trong khuôn khổ của nội dung nhiệm vụ khoa học - công nghệ vừa được nghiệm thu, những cuốn sách giáo khoa hình và chữ nổi Braille này sẽ được tạo thành theo công năng của máy ép nhiệt Thermoform (loại máy đặc thù được dùng để sản xuất sách cho học sinh khiếm thị với loại giấy Brailon chuyên dụng) bằng kỹ thuật tạo hình chân không.

Do đó, các nguyên vật liệu được dùng để làm chế bản chủ yếu là giấy carton, bìa cứng và một số loại nguyên vật liệu không nóng chảy khác để đảm bảo độ bền và độ phân lớp rõ nét của hình ảnh trên chế bản.

…Với những tóm lược như trên cho thấy rất rõ một điều là thay vì Quốc hội bàn luận cho đề xuất "Bộ Giáo dục và Đào tạo biên soạn một bộ sách giáo khoa : Nên hay không ?", thì "đảng cộng sản Việt Nam nên tập trung chỉ đạo biên soạn sách giáo khoa cho trẻ khiếm thị, khiếm thính, sách giáo khoa cho trẻ em dân tộc thiểu số, việc này cấp thiết hơn".

Mai Lan

Nguồn : VNTB, 03/11/2023

Mặt trận tổ quốc Việt Nam đã lợi dụng hoạt động cứu trợ để vụ lợi ?

130 tỷ đồng hỗ trợ nạn nhân vụ cháy chung cư mini 56 người tử vong vẫn chưa được giải ngân

mttq1

Nếu như thực hiện đúng theo quy định của pháp luật thì chậm nhất số tiền, hàng cứu trợ phải đến tay từng gia đình nạn nhân trong tuần lễ đầu tiên của tháng 11/2023

Ngày 31/10, bên hành lang Quốc hội, bà Trương Thị Ngọc Ánh, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam, đã trao đổi với báo chí về việc hơn 130 tỷ đồng ủng hộ các nạn nhân vụ cháy chung cư mini làm 56 người tử vong, 37 người bị thương ở quận Thanh Xuân (Hà Nội) chưa được giải ngân.

Lãnh đạo Ủy ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam cho rằng hỗ trợ từ Mặt trận tổ quốc thành phố Hà Nội là hỗ trợ lớn, căn bản, lâu dài, giúp những người bị ảnh hưởng bởi vụ cháy sớm ổn định cuộc sống và với hỗ trợ lâu dài, cần có thời gian, phương án phù hợp. "Theo tôi thấy cũng không phải là lâu đâu. Sự cố xảy ra từ tháng 9, bây giờ cuối tháng 10, cần rà soát kỹ danh sách những người bị ảnh hưởng, phân loại các nhóm để bảo đảm mức hỗ trợ nên với thời gian hơn một tháng không phải là lâu" - Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam nói.

Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội dự kiến sẽ công bố phương án hỗ trợ nạn nhân vụ cháy chung cư mini ở quận Thanh Xuân trước ngày 6/11/2023.

Cách nhìn nhận vấn đề của lãnh đạo Ủy ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam như phát ngôn ở trên, cho thấy bà không hành xử chức trách theo quy định của pháp luật chuyên ngành, mà vẫn là cảm tính cá nhân trong giới hạn rất đáng ngại của một người được Đảng tín nhiệm giao phó trọng trách "Phó Chủ tịch".

Nghị định 64/2008/NĐ-CP do Thủ tướng Chính phủ ký ban hành ngày 14/5/2008, quy định rõ thời gian chậm nhất của phân phối tiền, hàng cứu trợ là 20 ngày kể từ ngày kết thúc thời gian vận động :

"Điều 7. Thời gian vận động đóng góp, tiếp nhận và phân phối tiền, hàng cứu trợ

1. Thời gian phát động cuộc vận động chậm nhất sau 3 ngày, kể từ ngày thiên tai, hoả hoạn, sự cố nghiêm trọng xảy ra.

2. Thời gian vận động đóng góp :

a) Thời gian vận động, tiếp nhận tiền, hàng cứu trợ ở cấp trung ương, cấp tỉnh kéo dài không quá 60 ngày, kể từ ngày bắt đầu phát động cuộc vận động đóng góp ;

b) Thời gian vận động, tiếp nhận tiền, hàng cứu trợ ở cấp huyện và các tổ chức, đơn vị khác được cơ quan có thẩm quyền cho phép, kéo dài không quá 30 ngày, kể từ ngày bắt đầu cuộc vận động đóng góp.

3. Thời gian phân phối tiền, hàng cứu trợ được thực hiện ngay trong quá trình vận động đóng góp và kết thúc chậm nhất không quá 20 ngày, kể từ ngày kết thúc thời gian vận động đóng góp được quy định tại khoản 2 Điều này.

Riêng cứu trợ phục hồi và tái thiết được hỗ trợ từ nguồn vận động đóng góp của Hội Chữ thập đỏ thì thời gian thực hiện có thể kéo dài đến một năm".

Ở đây, theo tin tức thì Ủy ban Mặt trận tổ quốc thành phố Hà Nội là đơn vị "Tổ chức kêu gọi, vận động đóng góp tiền, hàng cứu trợ" được quy định tại điều 4 của Nghị định 64/2008/NĐ-CP.

Bà Nguyễn Lan Hương, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội, cho biết chính thức dừng tiếp nhận hỗ trợ vào ngày 16/10/2023. Tổng số tiền tiếp nhận ủng hộ đến thời điểm này là hơn 130 tỷ đồng.

Như vậy nếu như thực hiện đúng theo quy định của pháp luật thì chậm nhất số tiền, hàng cứu trợ phải đến tay từng gia đình nạn nhân trong tuần lễ đầu tiên của tháng 11/2023 chứ không phải là những "dự kiến phương án hỗ trợ sẽ được công bố" – bởi khi ấy với "sẽ công bố", có nghĩa lại tiếp tục của "độ trễ chính sách" về vấn đề nhân đạo này.

Trường Sơn

Nguồn : VNTB, 02/11/2023