Tuesday, October 31, 2023

Về chuyện "lưỡng" và "chôm"

 TUẤN KHANH


Trong ngôn ngữ bình dân của miền Nam, hay còn gọi là tiếng lóng của nhiều thập niên trước – lưỡng và chôm – thường được biết đến với cách định nghĩa khác nhau.

“Chôm” là một hành động trộm cắp, một cách qua mặt và lấy đi trong một bối cảnh nào đó có tính thủ thuật. Còn “lưỡng”, được mô tả như một hành động gian trá trộm cắp, nhưng có tính toán và thủ đoạn. Và thậm chí là có vẻ “điếm đàng” trong đó.

Câu chuyện bộ phim Đất Rừng Phương Nam gây nhiều tranh cãi ở Việt Nam về nội dung là một chuyện. Nhưng bên cạnh đó, một nội dung khác cần phải được nhắc tới đó là chuyện giới trí thức lãnh đạo học đường nhiều nơi, lại tìm cách “lưỡng” tiền của phụ huynh, bằng chuyện ra công văn tổ chức cho học sinh phải đi coi bộ phim này, mà theo ngôn từ của các công văn thông báo là chuyện học tập quan trọng.

Có nơi thì gọi việc bán vé cho học sinh đi coi phim như là một tiết học mở rộng nâng cấp tri thức “tích hợp liên môn”, có nơi thì gọi là để “khơi gợi tình yêu nước”, tìm hiểu về “truyền thống”. Nói chung là trường nào cũng giỏi diễn đạt để “lưỡng”. Và ngôn ngữ của việc “lưỡng” tiền phụ huynh nghe rất kêu, âm vang như trống trận của lòng yêu nước thời bình.

Đáng ngạc nhiên rằng trước khi phim ra mắt, tức là đa số giới lãnh đạo của các trường trung học và đại học cũng chưa biết gì về bộ phim, và nhiều người cũng chẳng được coi trước qua bộ phim đó như thế nào ngoài tấm ảnh poster, nhưng các công văn lại nói như đinh đóng cột về một giá trị cần phải được nhận thức, phải học thuộc từ bộ phim sắp chiếu.

Rõ là có một đường dây marketing rất công phu và chi tiết đến mức khiến những ngón tay có học thức của các vị lãnh đạo giáo dục phải gõ ra những điều “tha thiết”, hối thúc học sinh phải “yêu nước qua phim”, và việc coi phim được kẹp vào ruột giáo dục nhà trường. Chính họ cũng không lường được phản ứng xã hội với bộ phim này như thế nào lúc này. Thậm chí sau đó, cũng không có trường nào có tổ chức kiến giải nội dung phim bị tranh cãi, nhằm gỡ rối cho những học sinh, sinh viên của mình đã bị thúc hối đến rạp.

Nhiều lời tố cáo của phụ huynh, khi so sánh với thực tế, cho thấy tiền bán vé cho học sinh, sinh viên không nhằm vào giá trị tri thức của lớp trẻ, mà dường như là cho một mục đích nào đó, cụ thể và tồi tệ hơn. Một phụ huynh trên Facebook đưa ra dẫn chứng về việc các nhà trường buộc học sinh mua vé từ 80.000 đồng cho đến 95.000 đồng, cao hơn hẳn giá vé gốc tại rạp là từ 45.000 đồng đến 65.000 đồng. Hơn nữa, giới phụ huynh còn nói chuyện ai cũng biết, vé mua với số lượng lớn đều có phần trăm giảm giá, và còn phần giảm giá khác, vẫn đặc biệt dành cho sinh viên học sinh. Không ai giải thích số tiền lớn thừa ra từ bán vé, rồi sẽ dùng vào việc gì, và tại sao những người lãnh đạo giáo dục lại nâng giá như bọn buôn bán chợ đen?

Đó là những bài toán bí mật, mà lời giải của chúng, có thể đoán là đều nằm trong việc thực hiện marketing cho bộ phim, thỏa thuận với những người có quyền sinh sát ở các cơ sở giáo dục quốc gia. Những thỏa thuận đó không tiết lộ trên các công văn thúc hối đầy tính cấp bách của tri thức. Nhưng từ góc tối của sự hăng hái từ các công văn đồng loạt hô to “yểm trợ và học tập từ phim”, người ta có thể suy đoán được bằng một chữ đơn giản, là “lưỡng”.

Nhắc lại, “lưỡng” của miền Nam là một cách ăn cắp, có pha trộn sự tính toán điếm đàng, điệu nghệ hơn “chôm” một bậc. Lưỡng có tính toán, tạo vỏ bọc tri thức trơn láng trong chuyện tổ chức đi coi phim. Và lưỡng điếm đàng là nâng giá một cách tự nhiên, coi phụ huynh là đám đông dễ dàng bị moi túi, không khác gì những con bò bị vắt sữa đến giọt cuối mà chỉ dám kêu đau khe khẽ.

Sau làn sóng dư luận bàn luận trên các trang mạng, nhiều trường cảm thấy “thốn” như bị lộ, nên vội vã rút lại lời kêu gọi xem phim, hoặc ra công văn bao biện cho chuyện đã làm. Đây không phải là lý do để ngành công an mở cuộc điều tra sao, về việc đột nhiên có một loạt các trí thức lãnh đạo giáo dục đột nhiên có cùng tư tưởng yêu nước, cùng một thời điểm, cùng sự mơ hồ về nội dung sản phẩm, nhưng cùng dứt khoát ra lệnh cho học sinh phải ra sức học tập từ phim? Sự lạm dụng tiền bạc trên đầu hàng ngàn phụ huynh, và cả sinh viên học sinh như vậy, được gọi tên bằng gì?

Đừng thở dài, và cũng đừng nản chí. Hãy một lần nữa nhìn thẳng vào nền giáo dục Việt Nam qua sự kiện “giải cứu tri thức từ phim” bị thất bại này, để biết và tinh tường chuyện con em Việt Nam hôm nay đang và sẽ trưởng thành qua những điều kỳ lạ như thế nào.

tuankhanh's blog

Có bao nhiêu hệ thống luật pháp tại Việt Nam?

 10/31/2023 - 03:22 — nguyenhuuvinh


Kỹ thuật viện dẫn văn bản quy phạm pháp luật

(Ảnh minh họa - Nguồn: Hocluat.vn)

Tại Việt Nam, luật pháp được định nghĩa là hệ thống quy định có nội dung thể hiện ý chí, bản chất của giai cấp thống trị. Giai cấp thống trị ở đây, là Đảng Cộng sản Việt Nam, một tổ chức tự nhận vai trò “lãnh đạo tuyệt đối” đối với đất nước, dân tộc từ việc “Cướp chính quyền” năm 1945. Thế rồi, một nhà nước độc tài đã ra đời và một hệ thống luật pháp chỉ nhằm phục vụ chế độ đó được hình thành với mệnh danh là “Pháp quyền Xã hội Chủ nghĩa’.

Hình như, cụm từ “Xã hội chủ nghĩa” – đã trở thành một cụm từ dùng để chỉ một khái niệm trừu tượng nhất, quái gở nhất mà người ta không thể giải thích rành rẽ được như chính cái khái niệm Xã hội Chủ nghĩa mà cả nước đã được hò hét “Tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc” từ cả gần thế kỷ trước, để rồi đến hôm nay ngay cả các Tổng Bí thư vẫn còn cứ ú ớ Việt gian rằng: “Dần dần sẽ sáng tỏ” hoặc “đến cuối thế kỷ vẫn chưa chắc đã nhìn thấy Chủ nghĩa xã hội”.

Điều đó cũng có nghĩa là cả nước đã được cái gọi là trí tuệ, sáng suốt, tài tình của đảng dẫn dắt đi qua gần một thế kỷ mà chẳng biết rồi sẽ đi đến đâu. Và đến bây giờ, mới tá hỏa tam tinh rằng chưa rõ cái mặt ngang mũi dọc của nó là cái gì.

Và cũng quái gở như cái mục tiêu mà nó hướng đến, những lĩnh vực nó liên quan, cũng đầy rẫy những trái khoáy và ngược ngạo. Trong đó, hệ thống luật pháp, tư pháp như một trò đùa mang tên “Nhà nước Pháp quyền Xã hội Chủ nghĩa”.

Một bộ luật, nhiều cách sử dụng

Có thể thấy một điều: Trong hệ thống tư pháp Việt Nam, cùng một hành vi, nhưng sẽ được xem xét, xử lý hoàn toàn khác nhau, không vì tính chất hay hậu quả vụ việc mà là căn cứ vào nhiều yếu tố khác nhau, trong đó, yếu tố chính trị, nghĩa là sự trung thành với chế độ, chủ nghĩa Lý lịch, ý chí cá nhân hoặc một yếu tố nào đó từ sự lãnh đạo của đảng mà sự việc được xem xét hoàn toàn khác nhau, nhiều khi là hoàn toàn ngược nhau trong cách hành xử.

Người ta có thể thấy điều này hết sức rõ ràng trong những vụ án đối với những người đấu tranh cho quyền con người, cho quyền lợi của người dân Việt, cho lãnh thổ của Tổ Quốc đang dưới sự hăm he và xâm chiếm của bạn vàng của đảng, cho những người cùng đinh, bần hàn trong xã hội đang bị chà đạp, cướp bóc bởi hệ thống chính trị hiện tại. Những vụ án đó, thường là những vụ án bỏ túi, chóng vánh và vi phạm luật pháp, vi phạm quy trình tố tụng một cách nghiêm trọng. Đặc biệt, những hành vi tra tấn tàn bạo, rồi mớm cung, ép cung… bằng mọi cách để đạt được những gì nhà cầm quyền muốn với họ, cứ nhìn những người dân Đồng Tâm trước Tòa án thì sẽ rõ những điều này.

Rất nhiều vụ án, thời gian xét xử chỉ vài tiếng đồng hồ cho mọt bản án cả chục năm tù đối với những người yêu nước, hợp lòng dân nhưng trái ý đảng.

Không chỉ với những người được liệt kê vào “thế lực thù địch”, mà ngay cả với những đảng viên cộng sản, thậm chí thuộc “thế lực thân địch” hẳn hoi, cũng không tránh khỏi sự tùy tiện của hệ thống luật pháp và tư pháp hiện nay. Đơn cử vài vụ án làm nổi sóng dư luận, chúng ta sẽ thấy điều gì đằng sau.

Vụ án Cô giáo Lê Thị Dung, là đảng viên, bí thư chi bộ hẳn hoi, hoàn toàn không phải là “thế lực thù địch”, nhưng sự hành xử của hệ thống luật pháp đã làm dậy sóng dư luận xã hội.

Đó là việc TAND huyện Hưng Nguyên (tỉnh Nghệ An) đã tuyên án 5 năm tù cho bà Lê Thị Dung (cựu giám đốc Trung tâm Giáo dục thường xuyên của huyện) về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Bà Dung bị quy kết gây thiệt hại cho Nhà nước số tiền 45 triệu đồng trong 6 năm. Đây là những khoản tiền thanh toán dạy thêm và các chi tiêu khác từ ngân sách nhà nước cấp.

Viện kiểm sát cho rằng do bà Dung thanh toán nhiều lần trong nhiều năm nên rơi vào trường hợp "phạm tội nhiều lần" và bị truy tố ở khung hình phạt 5 - 10 năm tù. Sau đó bà Dung bị TAND huyện Hưng Nguyên xét xử sơ thẩm và tuyên phạt 5 năm tù về tội danh trên.

Dư luận phản ứng dữ dội, vì sự khắc nghiệt của bản án có “mùi” không bình thường.

Thế rồi, trước dư luận xã hội phản ứng, ngày 13/6/2023, hội đồng xét xử TAND tỉnh Nghệ An đã tuyên bị cáo Lê Thị Dung 15 tháng tù về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ với cáo buộc chiếm đoạt gần 45 triệu đồng. Mức án này đã giảm 45 tháng tù so với bản án của phiên tòa cấp sơ thẩm TAND huyện Hưng Nguyên tuyên ngày 24/4.

Như vậy, có nghĩa là việc xử án này không căn cứ vào Luật quy định, mà căn cứ vào văn bản của Tỉnh ủy Nghệ An rằng phải xử lại để trấn an dư luận nhân dân. Điều đó cũng có nghĩa là luật pháp chẳng có ý nghĩa gì với việc xét xử, tất cả phụ thuộc vào Tỉnh ủy.

Người ta đặt câu hỏi: Tại sao rõ ràng cô giáo Lê Thị Dung có sai phạm, trong hành động về tiền bạc, về chứng từ, về sử dụng tiền nhà nước với chứng cứ cụ thể hẳn hoi, mà khi Tòa tuyên án mức án nghiêm khắc, lại tạo nên dư luận xã hội không đồng tình, dù xã hội đã quá chán ngán với nạn tham nhũng của quan chức cộng sản?

Xin thưa, đơn giản là vì ở đó, người ta thấy sự hài hước của luật pháp, người ta thấy rằng luật pháp được sử dụng tùy tiện như một phương tiện để trả thù cá nhân. Và người ta so sánh với những vụ án tày trời khác, quan chức được xử cứ như chuyện đùa.

Người ta chưa quên rằng: Vài năm trước, vụ án Đô đốc hải quân Nguyễn Văn Hiến, cựu thứ trưởng Bộ Quốc phòng, đã bị tòa tuyên phạt 3 năm 6 tháng tù vì tội dẫn đến việc mất quyền quản lý 3 lô đất ở đường Tôn Đức Thắng, gây thất thoát cho nhà nước hơn 939 tỉ đồng.

Vâng, gần 1.000 tỷ đồng của nhà nước, là tiền dân chỉ có hình phạt 3 năm rưỡi tù giam, trong khi đó nhiều sự hài hước đã diễn ra tại những phiên tòa này, đó là phạm nhân đã trưng ra nào là giấy của Phường, của xóm để giảm tội, hoặc là công lao của gia đình để xóa tội…

Hài hước hơn nữa, đó là chính nạn nhân bị hại là quân chủng Hải Quân, lại đề nghị tha tội cho thủ phạm là Đô Đốc Nguyễn Văn Hiến. Chỉ đơn giản vì đó là của dân chứ quân chủng Hải Quân chẳng là của riêng ai.

Không chỉ một vụ án đó, người ta còn thấy nhiều điều trắng trợn trong các vụ án tương tự.

Chẳng có một lý do nào, để Tòa quyết định bỏ qua tội nhận hối lộ của Trung tướng Công an Phan Văn Vĩnh, khi mà trước tòa, Phan Sào Nam đã khai rõ ràng hàng tháng phải cống nộp cho Vĩnh hàng trăm ngàn đôla, chưa kể các loại vật dụng đắt tiền như đồng hồ tiền tỷ…

Cũng như mới đây, tòa bỏ qua tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” của Thiếu tướng Công an Nguyễn Anh Tuấn, là Phó Giám đốc Công an Hà Nội khi nhận 2,85 triệu đola để chạy án trong vụ “Chuyến bay Giải cứu”, nhưng chỉ bỏ ra mấy trăm ngàn, còn lại thì đút túi cho đến khi xộ khám mới đưa nộp tiếp.

Có thể kể rất nhiều trường hợp tương tự trong hệ thống các vụ án tại Việt Nam.

Đến việc đối xử sau kết án

Ngày 13/3/2023, Viện kiểm sát nhân dân tối cao vừa có lệnh khởi tố, bắt tạm giam đối với Nguyễn Đình Cương - giám định viên, giám đốc Trung tâm Pháp y tỉnh Quảng Trị. Ông Cương bị khởi tố về hành vi "giả mạo công tác" liên quan đến việc làm sai lệch kết quả giám định pháp y, dẫn đến việc bỏ lọt tội phạm.

Điều lạ là dù đã bị bắt giam, nhưng 8 tháng sau, ông ta vẫn là Giám đốc Trung tâm Pháp y và vẫn hưởng lương, phụ cấp như thường. Lý giải điều này, cán bộ có trách nhiệm nói rằng: “Căn cứ nghị định 112/2020 của Chính phủ quy định về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức thì cơ quan có thẩm quyền chưa có quyết định tạm đình chỉ chức vụ đối với ông Nguyễn Đình Cương do chưa có kết luận của cơ quan điều tra”.

Và như vậy, thì vẫn có nghĩa là ông ta đang là Giám đốc và đương nhiên được hưởng mọi quyền lợi mà không ai thay thế được.

Điều người ta băn khoăn tự hỏi: Liệu có đất nước nào, có thể chế nào nhân đạo hơn thể chế Việt Nam hay không?

Và ở trong tù gần một năm qua, ông ta có sinh hoạt đảng, vẫn là bí thư chi bộ điều hành hoạt động của chi bộ bình thường, để lại ra các kết quả giám định tương tự hay không?

Và một điều nữa, là so sánh với các vụ án vi phạm luật tố tụng hình sự như bắt người rất lâu mới thông báo cho gia đình, và thậm chí là tính thời gian lùi lại rất lâu so với ngày bắt giữ đối với những người hoạt động nhân quyền, thì chính quyền giải thích ra sao?

Không chỉ một trường hợp vừa nêu, lấy lý do là mới chỉ khởi tố chưa thành án, chưa có tội. Mới đây, dư luận ngỡ ngàng khi biết được rằng Trần Văn Tân, nguyên Phó Chủ tịch UBND Tỉnh Quảng Nam, ủy viên HĐND Tỉnh Quảng Nam đã bị tuyên án ngày 27/7 với mức án 6 năm tù vì tội nhận hối lộ 5 tỷ đồng. Trước tòa, Trần Văn Tân còn lẩy Kiều: “Trót đà gây việc chông gai”.

Thế nhưng, đến tận 3 tháng sau thì Trần Văn Tân vẫn nguyên chức vụ là Phó Chủ tịch Tỉnh và là Ủy viên HĐND Tỉnh. Nguyên nhân, chỉ vì theo lý luận của các quan chức tỉnh này, thì Trần Văn Tân đang kháng án, nghĩa là chưa có tội. Và phải chờ sau phiên phúc thẩm mới có thể kết luận có tước chức vụ hay không?

Điều người ta thấy lạ, là với cái sự bình đẳng trước pháp luật, tại sao có hiện tượng kỳ lạ này?

Vậy thì sau phiên phúc thẩm, nếu Trần Văn Tân cũng tiếp tục gửi đơn kháng cáo lên Giám đốc thẩm, thì chờ đến khi nào thôi trả lương và phụ cấp cho tội phạm này?

Và nếu như, tất cả tù nhân đều kháng cáo, thì có khi nào bị các hình thức cách chức, kỷ luật, thi hành án khi chưa có bản án Giám đốc thẩm hay không?

Câu hỏi không khó trả lời.

Cái khó trả lời nhất, là ở chỗ: Đối tượng đó là ai, và nói theo ngôn ngữ dân gian ngày nay thì: “Mày biết bố mày là ai không”?

Bởi dù có một hệ thống luật pháp, nhưng có muôn vàn cách hành xử với hệ thống đó.

Và đó là cái gọi là “Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật” trong chế độ Cộng sản.

30.10.2023

J.B Nguyễn Hữu Vinh

Bóng ma chuyên chính

 10/30/2023 - 18:15 — nguyenanhtuan


Vụ bắt giữ bà Nguyễn Phương Hằng và người mẫu Ngọc Trinh, sau đó là việc điều tra nhà xe Thành Bưởi báo hiệu một bóng ma đang quay trở lại đời sống xã hội Việt Nam. 

Những vụ án kỳ lạ

Bản án 3 năm tù giam đã khép lại vụ việc bà Nguyễn Phương Hằng song vẫn chưa khiến dư luận lẫn những người trong cuộc hết băn khoăn về nguyên nhân thực sự của việc bắt giữ bà. 

Chẳng ai được thuyết phục rằng chỉ vì những chuyện bóc phốt ồn ào mà bà Phương Hằng bị bắt, bởi lẽ giới showbiz bất kỳ quốc gia nào cũng đầy bê bối bị phanh phui và Việt Nam đâu phải là ngoại lệ.

Có người lại cho rằng bà Phương Hằng đụng phải những nghệ sĩ quyền lực, nhưng ở Việt Nam những nghệ sĩ này có thể quyền lực trong giới của họ mà thôi, đâu đủ sức chi phối các cơ quan tố tụng. Đó là chưa kể có những người đấu khẩu với bà Phương Hằng như nhà báo Hàn Ni cũng bị bắt sau đó. Nếu các nghệ sĩ đứng sau vụ tất cả chuyện này thì chẳng lý do gì họ muốn bắt cả Hàn Ni.

Trong khi một dấu hỏi lớn vẫn nằm im trong vụ Phương Hằng thì lại xuất hiện một vụ án kỳ quặc khác. Người mẫu Ngọc Trinh bị bắt vì tội gây rối trật tự công cộng sau khi đăng tải các video clips quay cảnh biểu diễn chạy xe phân khối lớn trên đường. Trước đó thì cô đã bị xử phạt hành chính vì các lỗi liên quan tới việc lái xe này. 

Người ta một lần nữa lại bàn tán xôn xao về lý do bắt giữ Ngọc Trinh nhưng có vẻ cũng chưa ai đưa ra được một nguyên cớ thuyết phục. Người theo thuyết âm mưu thì cho rằng Ngọc Trinh chỉ là đầu mối để dẫn tới những vụ án lớn hơn, song cũng không hề có bằng chứng gì. 

Ngay cả các luật sư thân chính quyền thường lên báo minh họa cho mọi quyết định bắt giữ của công an thì lần này cũng tỏ vẻ băn khoăn là hình như công an hơi mạnh tay khi bắt giam Ngọc Trinh. 

Dư luận chưa kịp lắng xuống vụ Ngọc Trinh thì lại bị thu hút bởi việc điều tra bất ngờ của cơ quan công an đối với nhà xe Thành Bưởi - một nhà xe có tiếng lâu năm ở miền Nam. Những lý do mà công an đưa ra, dù được phụ họa bởi báo chí quốc doanh, vẫn không đủ sức thuyết phục dư luận lẫn chính nhà xe Thành Bưởi đến nỗi nhà xe này, bỏ qua cả những thận trọng chính trị thông thường của dân làm ăn ở Việt Nam, đã ngay lập tức ra một thông cáo báo chí tỏ ý nghi ngờ việc điều tra có “uẩn khúc”.

Những vụ án như thế này đang xuất hiện thường xuyên hơn những năm gần đây không khỏi khiến cho dư luận thắc mắc điều gì đang xảy ra với cơ quan thực thi pháp luật vậy?

Pháp trị hay chuyên chính vô sản?

Mấy chục năm Đổi Mới với việc thử nghiệm kinh tế thị trường trong lòng chế độ cộng sản đã khiến cung cách quản trị xã hội ở Việt Nam thay đổi ít nhiều. 

Từ chỗ là một thứ thừa thãi của một xã hội xô-viết vận hành bằng chỉ thị và nghị quyết, pháp luật bỗng dưng được quan tâm. “Sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật” trở thành khẩu hiệu giăng mắc nhan nhản từ thành thị đến nông thôn. Cũng dễ hiểu, kinh tế thị trường, dù ở mức chưa hoàn thiện đi chăng nữa, cũng chỉ có thể vận hành được trong một khuôn khổ pháp luật. Tương tự vậy, tiền đầu tư ngoại quốc cũng sẽ chỉ vào một quốc gia vận hành theo pháp luật chứ không phải là chỉ thị và nghị quyết của đảng cầm quyền. 

Bởi lẽ, đặc trưng của một xã hội vận hành bằng pháp luật - tức một nền pháp trị - là minh bạch và dễ đoán định vốn là những điều kiện cần thiết cho tự do kinh doanh và giao kết hợp đồng của một nền kinh tế thị trường. Trái lại, một nền chuyên chính vô sản, tức là lề lối quản trị xã hội bằng chỉ thị và nghị quyết của một đảng kiểu leninist thì kém minh bạch và không thể đoán định, vốn là những điểm thù nghịch với kinh tế thị trường vì sẽ bóp chết mọi ý định kinh doanh và gây rủi ro cho mọi giao kết hợp đồng. 

Quen với một xã hội vận hành [tương đối] bằng pháp luật, nhiều người nhìn những vụ án kỳ quặc kể trên qua lăng kính pháp trị không thấy gì khác ngoài sự băn khoăn của mình. Chính ở đây, một lăng kính khác có thể giúp họ bớt băn khoăn: Chuyên chính vô sản.

Án của Đảng

Ngay sau khi bà Phương Hằng bị bắt giữ, các ngành nội chính Việt Nam bao gồm Ban Nội chính Trung ương, Bộ Công an, Tòa án Nhân dân Tối cao và Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao đã có phiên họp dưới sự chủ trì của ngôi sao chính trị đang lên là Võ Văn Thưởng khi đó là Thường trực Ban Bí thư. 

Tại đây ông Thưởng đã cho biết bà Phương Hằng, cùng với nhóm Báo Sạch bị bắt vì “thách thức đường lối, chủ trương của đảng” - một lý do không thể mơ hồ hơn. Ông Thưởng cũng đã tiết lộ “những vụ án, vụ việc có liên quan đến chính trị, đối ngoại, dư luận xã hội đặc biệt quan tâm thì xử lý theo đúng Chỉ thị số 26-CT/TW của Bộ Chính trị và Hướng dẫn 04-HD/TW của Ban Bí thư.”

Vậy là đã rõ, đối với vụ việc dư luận quan tâm, đường hướng xử lý sẽ tuân theo các chỉ thị của Bộ Chính trị và hướng dẫn của Ban Bí thư, chứ không phải dựa trên các cân nhắc pháp lý. Nghĩa là, một người có thể bị bắt vì các cơ quan nội chính xét thấy cần phải làm như vậy nhằm đạt được những mục tiêu chính trị nhất định do Bộ Chính trị, Ban Bí thư đề ra, chứ không phải vì đã vi phạm hình sự tới mức phải bị khởi tố và bắt giữ, như trong một nền pháp trị. Lẽ dĩ nhiên là sau khi các cơ quan nội chính đã chốt, công an sẽ làm phần việc còn lại bằng cách diễn giải pháp luật, đôi khi một cách rất khiên cưỡng, để hợp thức hóa việc bắt giữ. 

Trớ trêu thay, cả Chỉ thị 26 của Bộ Chính trị và Hướng dẫn 04 của Ban Bí thư đều là những văn bản nội bộ của đảng, đều không công khai và người dân không thể tiếp cận. 

Vậy làm sao biết khi nào một ai đó bị bắt và nếu bị bắt thì lý do thực sự là gì? Khi bạn nhận ra rằng có những vụ án của đảng trong đó người ta bị bắt đôi khi chỉ vì đảng muốn như vậy, bạn sẽ thấy sự trở lại của một bóng ma sẽ phủ bóng lên đời sống xã hội Việt Nam nhiều năm tới đây.

Bóng ma chuyên chính vô sản. 

Lấy phiếu tín nhiệm: đừng thấy đỏ mà tưởng là chín

10/30/2023 - 17:29 — Gió Bấc


“"Gameshow"” Quốc Hội lấy phiếu tín nhiệm đã diễn ra đến lần bốn, kết quả vẫn không có gì mới. Ghế ai nấy vẫn còn nguyên. Mặc dù việc lấy phiếu tín nhiệm được tuyên truyền ầm ỉ là lần này đã được trung ương rút kinh nghiệm sâu sắc, thực hiện theo Quy định 96 Bộ Chính Trị, định khung xử lý như: “trên 50% nhưng dưới 2/3 số phiếu tín nhiệm thấp thì cấp có thẩm quyền quản lý cán bộ đưa ra khỏi quy hoạch các chức vụ cao hơn; xem xét cho thôi giữ chức vụ đang đảm nhiệm, bố trí công tác khác hoặc cho từ chức hoặc tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm theo quy định”.

Mạnh hơn nữa còn có khung “Những trường hợp có từ 2/3 số phiếu tín nhiệm thấp trở lên thì cấp có thẩm quyền quản lý cán bộ thực hiện miễn nhiệm chức vụ đang đảm nhiệm và bố trí công tác khác (thấp hơn) mà không chờ đến hết nhiệm kỳ, hết thời hạn bổ nhiệm” (1)

Đúng là chuyện khó như thế chỉ có Bộ Chính Trị mới nghĩ ra được! Đầu óc bình thường người ta chỉ nghĩ ra được chuyện lấy tín nhiệm hoặc bất tín nhiệm. Nghĩ ra được ba mức cao, vừa, thấp quả là thông minh tuyệt vời, có chỉ số IQ tuyệt đối. Nhưng nghĩ thêm được khung “trên 50% nhưng dưới 2/3 số phiếu tín nhiệm thấp” còn cho thấy thể chế của đảng còn nhân từ, bao dung, khuyến khích quan chức tha hồ bỏ phiếu để bảo vệ nhau.

Thật ra chuyện này không lạ, xét theo góc độ sự lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối của đảng trong hệ thống chính trị. Sự lãnh đạo đó thể hiện rõ nhất thông qua con người và tổ chức. Ngay Quốc hội và các đại biểu cũng do đảng chọn ra để diễn vai bổ nhiệm, miễn nhiệm, luật hóa các ý muộn của đảng. Tại phiên họp Uỷ ban Thường vụ Quốc hội khóa trước thảo luận về dự thảo Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc, nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân từng thật thà yêu cầu “Bộ Chính trị đã kết luận rồi, dự thảo luật không trái Hiến pháp, phải bàn để ra luật chứ không không thể không ra luật”. (2)

Chuyện nhân sự xưa nay là độc quyền của đảng, chưa bao giờ đảng muốn nhả ra cho bất kỳ ai, kể cả Quốc hội. Khi đảng muốn, Quốc Hội phải cong đít kéo nhau họp online, offline bất thường để truất phế, miễn nhiệm, bãi nhiệm anh Bảy, anh Ba theo các nghị quyết của đảng trước đó. Gần đây nhất là các phiên họp bất thường bãi nhiệm Chu Ngọc Anh, Nguyễn Thanh Long, Phạm Bình Minh, Vũ Đức Đam, Nguyễn Xuân Phúc.

Chưa có trường hợp ngược lại trung ương đảng phải truất phế đồng chí A, đồng chí B theo yêu cầu Quốc Hội. Chính vì vậy, cho dù có thêm 100 lần lấy phiếu tín nhiệm, sẽ chẳng có ai bị suy suyển sợi lông chân nếu chưa bị đảng đưa tên vào sổ phong thần.

Vì sao người đặt luật chơi cho "Gameshow" này lại tạo ra không khí nhợt nhạt đến mức người dân thờ ơ chẳng mấy ai quan tâm. Phải chăng người đốt lò vĩ đại đã thật sự lú lẫn, mỏi mệt sau ba nhiệm kỳ lãnh tụ tối cao? E rằng thấy vậy mà không phải vậy! Đừng thấy đỏ mà tưởng là chín!

Tôi hoàn toàn đồng cảm với tác giả Vũ Hải Lê qua bài viết trên Blog RFA “Lấy phiếu tín nhiệm ở Quốc hội: “Hư chiêu” này phục vụ “thực chiêu” nào?” Tác giả đã cho rằng ““thực chiêu” của việc lấy phiếu tín nhiệm chỉ là đòn tung hỏa mù để cho các phe phái so kè ảnh hưởng.” (3)

Chính trường nhà sản luôn đoàn kết chặt chẽ đến nỗi nhiều đồng chí đang trên đỉnh cao quyền lực ôm tình đoàn kết ra đi bất ngờ bí ẩn từ Trần Đại Quang, Nguyễn Bá Thanh, Lê Văn Thành, mới nhất là Nguyễn Chí Vịnh. Nhà sản không chấp nhận đa nguyên chính trị, không chia sẻ quyền trị dân, có sức ảnh hưởng tới dân ngay cả với nhà sư, ca sĩ và bóp chết mọi mầm mống ấy từ trong trứng nước. Nhưng bản thân nhà sản luôn là cuộc tranh giành đấu đá triệt tiêu nhau giữa các phe nhóm lợi ích trong thế lực cầm quyền. Các nhóm tranh nhau đủ thứ từ lợi ích sân sau, lãnh đia cai trị mà quan trọng nhất là ngôi vương quyền lực, ghế Tổng Bí Thư.

Nhóm Lê Duẩn, Lê Đức Thọ tung độc chiêu vụ án xét lại, chống đảng giam giữ, thanh trừng hàng trăm đối thủ là tướng tá, bộ trưởng, ủy viên trung ương duy trì quyền lực suốt hai thập niên 1960-1970. Thế lực Đỗ Mười, Lê Đức Anh với công cụ siêu quyền lực Tổng Cục 2 khi về hưu vẫn khống chế trung ương qua vai trò Cố Vấn. Tổng Trọng nhà ta cũng mấy phen nghẹn ngào rơi lệ mới quật ngã đồng chí X và lao tâm, khổ trí giữ ghế đến nhiệm kỳ 3.

Vậy phải chăng cuộc lấy phiếu tín nhiệm ở Quốc hội không phải để củng cố bộ máy nhà nước mà là hư chiêu trong trận đồ bát quái chính trường nhà sản, ai đó bày ra nhằm hướng đến thực quyền là chiếc ghế quyền lực tối cao?

Vấn đề là hiện nay nhà sản có mấy phe? Nếu nhìn vào số ghế ở nhà đỏ thì có hai trung tâm quyền lực đáng gờm là Nghệ An, Hà Tĩnh đều có trên 10 ủy viên trung ương.

Nếu nhìn theo xu thế quyền bính, Vương Đình Huệ đứng đầu nhóm Nghệ An, nắm Quốc hội, có Tổng Trọng bảo kê được nhiều người đồn đoán sẽ kế vị ngôi vương. Phạm Minh Chính đang nắm thực quyền cai trị, có thế lực Thanh Hóa, Quảng Ninh cũng không kém cạnh. Lão tướng Tô Lâm, cánh tay mặt chuyên đốn củi cho lò cụ Tổng, công lao hạng mã so ra hơn Vương Đình Huệ nhiều lần. Thế lực nổi chìm của Tô Lâm đang bao trùm nhiều lĩnh vực. Cuộc đua tam mã đến đích đỉnh cao quyền lực ngày càng lộ rõ. Vương Đình Huệ lép vế trên mặt trận ngoại giao, chỉ được đi du hí các nước lon con nhưng thảnh thơi dùng vai trò quyền lực, giám sát của Quốc hội ngáng chân Thủ Tướng Phạm Minh Chính. Tô Lâm không ngừng khai thác tội phạm vắng mặt Nguyễn Thị Thanh Nhàn và các góc khuất ở Quảng Ninh.   

Nếu tính về vai vế, không xét thực quyền thì chàng trai trẻ ngoan ngoãn, từng thừa lệnh Tổng Trọng ký những văn bản gây thù chuốc oán với nhiều thế lực khác là Võ Văn Thưởng cũng là ứng viên tiềm năng thừa kế ngai vàng.

Theo nguyên tắc bất di bất dịch của cộng sản, đại hội đảng và bầu bán trong đại hội cũng chỉ là màn trình diễn. Ban Chấp Hành và cả chức Tổng Bí Thư đều được định đoạt trong các màn đấu đá, dàn xếp thỏa hiệp ở các kỳ họp trung ương trước đó. Vai trò quan trọng nhất là Bộ Chính Trị hay chính xác hơn là Tiểu ban nhân sự của khóa trước sẽ quyết định nhân sự cho khóa mới.

Với vai trò Trưởng Tiểu Ban Nhân sự đại hội khóa 14, việc chọn lựa của Tổng Trọng trước các ứng viên tiềm năng này thật khó khăn. Mỗi ứng viên đều có tiềm lực, thế lực, thực lực để đảm đương vai trò. Ngược lại, mỗi ứng viên đều có gót chân Asin để các đồng chí đối thủ cạnh tranh tận dụng khai thác.

Thực tế cho thấy Nguyễn Phú Trọng luôn tích cực đương đầu với các đối thủ ngang tầm như Nguyễn Tấn Dũng, Trần Đại Quang và ưu ái với lớp trẻ tìm người kế vị rất sớm ngay từ đầu, giữa nhiệm kỳ. Tuy không công bố chính thức, công khai nhưng qua cách phân công, bổ nhiệm và ưu ái quyền lực, người ta thấy nhiều ứng cử viên từng đặt một chân lên ngôi hoàng đế: Tô Huy Rứa, Phạm Quang Nghị, Đinh Thế Huynh, Trần Quốc Vượng,… Nhưng rất tiếc, do lý do khách quan, các ứng viên chưa đủ uy tín, chưa đủ tầm hoặc bộc lộ điểm yếu, sai sót nên bị rớt đài. Ông Trọng buộc lòng phải thành trường hợp đặc biệt quá tuổi, bị đảng tín nhiệm phải ngồi lại ghế Tổng Bí Thư thêm hai nhiệm kỳ liên tiếp.

Báo Tuổi trẻ có thống kê thú vị “Kết quả 4 đợt lấy phiếu tín nhiệm tại Quốc hội” vào các năm 2023, 2018, 2014 và 2013 với từng chức danh. (4)

Ấn tượng mạnh nhất là số phiếu tín nhiệm thấp của tất cả các chức danh trong lần này giảm thấp hơn nhiều lần so với năm 2013. Năm 2013 có 8 chức danh trên 100 phiếu tín nhiệm thấp, tất cả đều trong phe chính phủ. Năm 2023 này, chức danh tín nhiệm thấp nhiều nhất chỉ có 72 phiếu. Rất nhiều chức danh tín nhiệm thấp chỉ có 1 con số. Phải chăng chính phủ khóa này làm việc tốt hơn hay Quốc hội khóa này tín nhiệm Chính phủ cao hơn?

Một ấn tượng khác là trong cả bốn cuộc lấy phiếu, tỷ lệ tín nhiệm cao của các chức danh thuộc về Quốc hội đều cao chót vót trên 90%.

Điều này cho thấy "Gameshow" kết quả lấy phiếu tín nhiệm có luật, có tác động ngầm ngoài luật chơi nhà cái.

Trong lần này, khoảng cách số phiếu tín nhiệm cao giữa bộ ba ứng cử viên kế vị có khoảng cách khá xa. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ với 437 phiếu (gần 91%) và Thủ tướng Phạm Minh Chính với 373 phiếu (khoảng 77%). Bộ trưởng Công an Tô Lâm 329 phiếu đạt mức 68%. Con số này không ảnh hưởng đến chức vụ từng người nhưng khi đem ra so sánh để lựa chọn thì khoảng cách ấy có ý nghĩa nhất định. Khoảng cách ấy càng kích thích sự nổ lực cạnh tranh để cân bằng và gia tăng khoảng cách.

Thời gian từ nay đến đại hội 14 còn xa, cuộc đua tam mã sẽ càng gay gắt, 30 chưa phải là tết, đâu ai biết việc gì sẽ xảy ra.

Theo kinh nghiệm lịch sử từ đảng đàn anh, Mao Trạch Đông phải làm Chủ tịch tới hơi thở cuối cùng vì đám đàn em kế cận cứ trong thế quần ngư tranh thực!

Biết đâu rằng dù hết sức công tâm lựa chọn, bồi dưỡng nhưng do khách quan, bác Cả nhà ta lại tiếp tục phải hy sinh cống hiến cho đảng thêm một nhiệm kỳ?

1-https://tulieuvankien.dangcongsan.vn/he-thong-van-ban/van-ban-cua-dang/q...

2-https://vneconomy.vn/chu-tich-quoc-hoi-phai-ban-de-ra-duoc-luat-dac-khu.htm

3-https://www.rfa.org/vietnamese/news/comment/blog/national-assembly-votes...

4-https://tuoitre.vn/ket-qua-4-dot-lay-phieu-tin-nhiem-tai-quoc-hoi-202310...

 

 

Khi ông bộ trưởng ‘đau lòng’ và người dân không muốn thoát nghèo…

  Lê Thiệt-30 tháng 10, 2023


Một số người nghèo muốn thoát nghèo nhưng không có vốn làm ăn, nhiều gia đình lại cứ muốn ở lại để hưởng trợ cấp xã hội – Minh họa: Lao Động

Chiều ngày 30 Tháng Mười, khi giải trình về kết quả thực hiện Nghị quyết Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, ông Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNN) nói ông rất “đau lòng” khi biết nhiều phụ huynh vùng cao bắt con em bỏ học lúc xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Điều này mới nghe thì có vẻ mâu thuẫn, xã đạt chuẩn nông thôn mới, có nghĩa là đời sống người dân trong xã đã được chính quyền cải thiện, mức sống người dân được nâng lên thêm một bậc, dân không vui hơn thì thôi, chứ sao lại bắt con em họ nghỉ học?

Người dân vùng cao, không được ăn học đến nơi đến chốn, làm nương làm rẫy vất vả, đầu tắt mặt tối. Khi xã đạt chuẩn nông thôn mới, đời sống của họ không khá hơn mà còn tệ hơn vì nhiều chính sách xã hội về giáo dục, y tế, an sinh xã hội bị cắt giảm do không còn là đối tượng được hưởng chính sách. Điều quan trọng hơn đối với con em họ, là chúng không còn được miễn giảm học phí và hỗ trợ ăn trưa nữa.

“Thế thì tiền đâu chúng tôi cho con chúng tôi đi học?” Một người dân cay đắng thốt lên như thế.

Không ai trả lời hay đưa ra một lối thoát cho họ ngoài cái danh nghĩa ảo mà cả xã nhận được. Ngay cả ông bộ trưởng cũng chỉ biết “đau lòng” thôi chứ chẳng giải quyết được gì.

Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan – Ảnh: Lao Động

Với các quy định hiện hành, ông Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết xã sau khi hoàn thành để lên nông thôn mới, tất cả nguồn lực đều không còn nên dẫn đến thực trạng nhiều nơi “không muốn đạt chuẩn nông thôn mới”. Ông nói:

“Một bên là mong muốn tất cả xã lên nông thôn mới để hoàn thành chỉ tiêu của đại hội địa phương, nhưng một bên, nhiều xã lại không mong muốn lên nông thôn mới vì họ bị giới hạn nguồn lực và hỗ trợ, nên có tư duy giống như không thoát nghèo và ở lại diện nghèo”.
Hóa ra, chỉ để “hoàn thành chỉ tiêu, chính quyền các cấp đã đẩy những gia đình nghèo đến “bước đường cùng”. Trách nhiệm này thuộc về người lãnh đạo Bộ NNPTNT hiện nay là ông Hoan, và cả những ông bộ trưởng tiền nhiệm.

Dù sao, ông Hoan cũng hơn các ông bộ trưởng cũ biết đặt câu hỏi về một chính sách bất cập, để “đau lòng”, chứ không “ngậm miệng ăn tiền” như các ông Nguyễn Xuân Cường, hay Cao Đức Phát.

Ông Hoan tự thừa nhận chính sách trong vấn đề này chưa ổn và “nhận trách nhiệm về phần mình”, ông cũng thừa nhận rất khó giải quyết vấn đề cho từng địa bàn, vì đặc thù mỗi vùng miền mỗi khác.


Đại biểu Đỗ Chí Nghĩa cho rằng ý chí vươn lên, tự lực cánh sinh của người dân chưa cao nên chương trình xóa đói giảm nghèo khó thành công – Ảnh: Lao Động

Nhìn vào khía cạnh khác của chương trình “xóa đói giảm nghèo”, người ta còn thấy thêm một thực tế đau lòng. Đó là ý chí vươn lên, tự lực cánh sinh của người dân chưa cao. Đại biểu Đỗ Chí Nghĩa phát biểu như thế tại Quốc hội. Qua khảo sát, ông Nghĩa cho biết có những gia đình nghèo sống rất thong thả, ung dung, cứ chờ đến cuối tháng nhận tiền hỗ trợ chứ không chịu làm gì cả.

Ngoài ra, nhiều chính quyền xã xem “tiêu chuẩn hộ nghèo” là một “phần thưởng” mà họ muốn “ban ơn” cho gia đình nào thì gia đình đó được. Điều này dẫn đến việc có sinh viên năm ngoái về quê xin xác nhận hộ nghèo để được giảm học phí thì được, năm nay không được xác nhận vì tiêu chuẩn đó đã dành cho gia đình khác, theo kiểu xã “phân chia cho mỗi nhà hưởng một ít, năm ngoái mình có rồi, năm nay nhường cho người khác”.

Xem ra Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 với tổng vốn tối thiểu là 75,000 tỷ đồng cũng sẽ phá sản, vì rất nhiều người không chịu thoát nghèo.

Hãng xe Thành Bưởi trong "trận đánh đẹp" truyền thông

  10/30/2023 - 13:52 — tuankhanh

Công an TP.HCM kiểm tra trụ sở Công ty Thành Bưởi vào chiều 26/10. (Ảnh: Hoàng Thọ)
Công an TP.HCM kiểm tra trụ sở Công ty Thành Bưởi vào chiều 26/10. (Ảnh: Hoàng Thọ)

Câu chuyện hãng xe vận tải Thành Bưởi từ lúc có những tin tức “tố cáo” của báo chí cho đến lúc phải ngừng hoạt động, phải nói là một vụ đánh thần tốc. Mọi diễn biến được tính toán đưa lên trên mặt trận truyền thông khiến bộ mặt của một hãng xe trở nên đen đúa dần, tệ hại dần, và cuối cùng bị gọi tên như tội phạm, dù chưa có toà án nào kết luận.

Nếu nói về hoạt động truyền thông của Việt Nam, từ vụ Ngọc Trinh qua đến Thành Bưởi, có thể nói đây là một cột mốc quan trọng đánh dấu ngày báo chí Việt Nam đã bước vào giai đoạn phối hợp nghiêm, “đánh đẹp” trong sự nhất quán quan điểm, tuần tự và trật tự trên không gian mạng. Gần như không tìm thấy bất cứ một góc nhìn cân đo nào khác, đối với ‘người có tội” theo chủ trương.

Sự kiện hàng đầu của hãng xe Thành Bưởi, được Sở GTVT TPHCM chỉ ra là vụ nhà xe này gây tai nạn khiến năm người chết và nhiều người bị thương ở Đồng Nai ngày 30 Tháng Chín 2023. Rồi sau đó, đẩy dần lên là chuyện trốn thuế, tài xế chạy nhanh nhiều lần bị phạt, giao xe cho tài xế có sai phạm về hợp đồng và giấy phép…

Quả thật, gây tai nạn là chuyện phải làm nghiêm. Trốn thuế phải phạt, sai phạm về người và giấy phép lái xe phải bị xử lý. Nhưng theo mô tả của của nhiều tờ báo, truyền hình trong cơn say đấu tố có những điều mà người ta tưởng chừng như, cả nước đang vào cuộc lật mặt một tổ chức xã hội đen đang lũng đoạn đất nước.

Gây tai nạn trong công việc vận tải, thiết nghĩ không chỉ có Thành Bưởi. Nhiều hãng xe hoạt động trên các tuyến đường miền Nam mòn mỏi lâu nay không được nâng cấp, đã làm đủ mọi cách để làm được công việc của mình. Và khi tai nạn xảy ra, có tên nhiều hãng xe lớn, kể cả đối thủ của Thành Bưởi. Ví dụ tai nạn “nghiêm trọng” như báo chí mô tả về Thành Bưởi, hãng xe Phương Trang cũng nhiều lần lật xe, làm bị thương nhiều hành khách. Mà chuyện lật xe của Phương Trang cũng thường xảy ra từ cả chục năm nay. Kể cả chết người, hãng xe Phương Trang cũng có. Chuyện mới nhất còn gần hơn cả Thành Bưởi, xảy ra vào đầu Tháng Mười này.

Duy nhất trên báo Tri Thức & Cuộc Sống, một dòng ngắn nằm chen lẫn giữa các lời “tố cáo”, như đánh thức mơ hồ về mặt khác của “trận đánh đẹp” phối hợp, đang tập trung vào Thành Bưởi. “Thực tế, thời gian qua, không chỉ có nhà xe Thành Bưởi có dấu hiệu vi phạm mà nhiều nhà xe khác cũng có nhiều tai tiếng, nhưng chưa được xử lý triệt để, toàn diện”, trích bài viết.

Để nhấn mạnh vào tính “xã hội đen” của hãng xe Thành Bưởi, các tờ báo thay phiên nhau đặt những tựa rất kêu như “sự lộng hành của Thành Bưởi”, “Nhà xe công khai thách thức pháp luật”, thậm chí có báo còn đặt câu hỏi đầy trong sáng và đạo đức “ai chống lưng cho Thành Bưởi?”. Liệu đây là một câu hỏi tu từ hay là một khát vọng đi tới sự thật của báo chí Việt Nam? Và nếu có một quan chức nào đó chống lưng, tờ báo nào sẽ là nơi đầu tiên công khai tên nhân vật đó?

Thậm chí, câu chuyện tai nạn do xe Thành Bưởi gây ra, được giật tít là nguyên cớ của sự lên án tập thể, không có một tờ báo nào quan tâm đến nạn nhân, để phỏng vấn chi tiết công ty này về cách thức giải quyết hậu sự cho người bị nạn, và chuyện này sẽ là tiền đề cho việc các tai nạn xe trong tương lai thế nào, chẳng hạn?  

Trên trang Facebook của nhà báo Huy Đức có một nhận định đáng suy nghĩ về “trận đánh đẹp”, rầm rập thẳng hàng của truyền thông nhà nước: “Nên cá thể hóa các sai phạm [của các cá nhân trong Thành Bưởi] để xử lý theo đúng pháp luật thay vì nhắm vào doanh nghiệp”

Quả vậy, trong sự phát triển của Việt Nam, đời sống kinh tế có muôn điều cần giải quyết. May thay, Việt Nam là một quốc gia có công bố luật pháp của mình. Ai làm nấy chịu, và cần thì phạt nặng. Trịnh Văn Quyết đang ngồi chờ ra tòa, bị truy tố, nhưng hãng hàng không Bamboo vẫn hoạt động, không thể đóng cửa vì gắn với tên ông ta. Ông Trần Bắc Hà khi bị giam giữ, nhưng không có nghĩa hệ thống ngân hàng BIDV bị giải thể vì ông ta là người đứng đầu.

Việc xử lý vi phạm của công ty Thành Bưởi là chuyện phải làm, theo luật pháp Việt Nam. Nhưng những “trận đánh đẹp” của báo chí Việt Nam lúc này, là một ví dụ buồn chán về sự ăn theo thông tin, hừng hực tố giác trong khung được phép, thậm chí làm hỗn loạn cả các tin tức và thái độ của người dân. 

Những trận đánh đẹp rồi có thể được in thành sách, một ngày nào đó, trong cơn hăng say tuyên vận, nhưng nhiều năm nữa, khi đọc lại, có thể là điều vô cùng bẽ bàng về sự thô lậu của nghề làm báo. Thậm chí, có thể là nỗi nhục âm thầm của những người làm báo chân chính vì không đủ sức để cưỡng lại được dòng chảy một chiều ghê sợ lúc này.

 

Ưu việt đến thế là cùng

 
Hàng ngày, cứ mở trang báo Việt Nam, thì một sự bắt buộc, đó là chình ình trên mặt báo, trước hết là hình Hồ Chí Minh, không là học tập tư tưởng đạo đức, thì là một bài báo, hoặc một cái gì đó liên quan, mà hệ thống phóng viên, báo chí Việt Nam gọi là “Bài viết Cúng cụ”, để cho nó yên, để cho nó an toàn, để hệ thống kiểm duyệt của đảng biết rằng: À, thì ra cái tờ báo này vẫn trung thành dưới sự lãnh đạo của Đảng và đang Học tập Hồ Chí Minh.

Học tập gì thì không rõ, chỉ có điều, ở đó nhan nhản những tin cướp, giết, hiếp và thủ đoạn bán dâm ra sao, con giết cha thế nào, cháu giết bà bằng cách gì, người yêu giết nhau rồi phân xác, phi tang ra sao, cướp ngân hàng được bao nhiêu tỷ, đánh bạc qua mạng được điều hành bởi ai… đủ cả mọi cái để học tập.

Thời gian gần đây, khi Nguyễn Phú Trong quyết ngồi trụ lại để xây dựng đảng, để bảo vệ chế độ, để chống tham nhũng, để loại khỏi trung ương những người tham quyền, cố vị… thì báo chí lại thêm một bài viết hoặc một hành động, lời nói nào đó của Nguyễn Phú Trọng, được ghim trên trang nhất dù sự việc đã lâu, tin tức đã “thối” vì đã có những tin tức, tình hình đã ngược lại…

Những bài viết, tin tức đó, cứ như sự trêu ngươi người đọc, nó tạo cảm giác ngán ngẩm đến mức độ buồn nôn, lợm giọng.

Tuy nhiên, với phương pháp tuyên truyền cộng sản, thì cứ nhồi, cứ nhét, mãi cũng thành quen, cũng có tác dụng.

Nhưng, nhiều khi thực tế chưa hẳn như ý định của đám tuyên giáo mong muốn.

Trong cuộc “tiếp xúc cử tri” trước khi họp Quốc Hội, Tổng bí thư ĐCSVN Nguyễn Phú Trọng nói với các “cử tri cò mồi” mà dân gian nên đặt tên là các “Đại cử tri” như Phùng Huy Đan rằng: “Cơ chế của chúng ta là Quốc hội dưới sự lãnh đạo của Đảng. "Đảng ta là đảng cầm quyền, nhưng Đảng không làm thay Quốc hội. Đảng lãnh đạo toàn bộ hệ thống chính trị, nhưng như thế không phải độc đoán chuyên quyền mà theo luật pháp cho phép. Thế gọi là Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ", Tổng Bí thư nói, và gọi đây là "3 chân kiềng" rất chặt chẽ, kiểm soát quyền lực lẫn nhau.”

"Nhiều người không nắm hết chỗ này đâu. Cứ cậy mình là cán bộ cấp trên đi xuống hoạnh họe với dân là không được. Nhưng dân nói tôi là chủ mà, tôi chẳng nghe đâu cũng lại không được. Phải có luật pháp. Nhà nước phải có kỷ cương. Nhưng mà cái cuối cùng quyết định lại là Đảng lãnh đạo".

Và: “Theo Tổng Bí thư, đây là cơ chế của Việt Nam. "Theo tôi nghiên cứu và hiểu được thì đây là cơ chế tôi cho là ưu việt nhất trong thời đại bây giờ", Tổng Bí thư nhấn mạnh, và khẳng định đây là mối quan hệ biện chứng, không phải tự nhiên mà có, phải tổng kết bao nhiêu thời đại, bao nhiêu lịch sử mới ra được”. (Báo Thanh Niên 14/10/2023).

Những lời đó, được báo chí đưa lên, gây bão mạng và dư luận xã hội.

Tuy nhiên, hầu hết những ý kiến về vấn đề Nguyễn Phú Trọng nói ra, chỉ là sự mai mỉa, hài hước như những lời ngáo đá hoặc của kẻ thiểu năng trí tuệ, chẳng mấy ai tranh cãi chuyện đúng, sai ở đây.

Bởi đúng hay sai, thì mọi chuyện đã rõ mười mươi cái bản chất mà Nguyễn Phú Trọng vẫn cứ leo lẻo rằng: "Theo tôi nghiên cứu và hiểu được thì đây là cơ chế tôi cho là ưu việt nhất trong thời đại bây giờ".

Vâng nó ưu việt, nó tối ưu đến đâu thì chẳng cần lý tuyết hoặc biện chứng, biện giải gì cho phức tạp, cứ nhìn thực tế thì biết, cứ nhìn ra thế giới và xung quanh mới thấy cái nhà mình đầy những thứ xú uế và bẩn thỉu, rác rưởi mà không biết rằng thiên hạ đã vượt qua trạng thái đó cả thế kỷ trước đây.

Từ những việc cụ thể:

Hôm nay, báo chí cho biết về một vụ việc không lớn và cách hành động của hệ thống chính trị của cái cơ chế của Việt Nam” mà Nguyễn Phú Trọng đang gắn nhãn.

Vụ cháy trong khu dân cư chen chúc ở cái gọi là “Chung cư mini” tại Thanh Xuân, Hà Nội vào đêm 12/9/2023 với 56 người tử vong và 37 người bị thương gây choáng váng cho xã hội về mức độ an ninh của người dân Việt. Đến nay đã hơn một tháng rưỡi, các quan chức Mặt Trận Tổ Quốc từ phường đến Quận và Thành phố công bố số tiền mà cộng đồng quyên góp qua MTTQ cho những nạn nhân ở đây là 130 tỷ dồng, và số tiền đó vẫn nằm trong kho mà chưa phân phát đến nạn nhân, vì cần phải bàn bạc, phải xin ý kiến mọi cấp, mọi ngành, phải điều tra, phải theo quy trình và tổng kết lại là dân cứ kêu gào, cứ đau đớn, cứ chịu đựng mặc cho thời gian trôi, mặc cho đau khổ ngày càng lớn. Cán bộ của đảng - những đầy tớ của dân, vẫn miệt mài theo cơ chế, theo quy trình mà hành động và dân cứ vậy nằm mà chờ, mặc tính mạng bị đe dọa, mặc cho đói khổ, rách rưới và đau đớn vì thảm họa.

Mà số tiền này, được hình thành từ tấm lòng của cộng đồng, của người dân, những người lao động cùng đinh và biết cảm thông với những nạn nhân vụ cháy chứ không phải từ những đầy tớ nhân dân, hoặc từ “Cơ chế Việt Nam mà ra”.

Chúng ta thấy được cái cơ chế Việt Nam đã vận hành như thế nào trong vụ này?

Còn nhớ, sáng 12/09/2023, ngay sau khi người dân chết cháy, đang kêu gào cấp cứu, cả xã hội đang sững sờ và hốt hoảng tìm mọi cách cứu nạn nhân, thì các Bộ trưởng, Thứ trưởng các Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch, Trưởng Ban tuyên Giáo và hàng loạt quan chức cao cấp cộng sản tưng bừng nhảy múa, cờ hoa bên cạnh những xác chết, những người bị thương đang quằn quại ở Bệnh viện Việt Đức ngay gần đó để trao giải thưởng “Báo chí vì sự nghiệp văn hóa”. Hài hước hơn nữa, là hành động này diễn ra ngay sau khi Bộ Văn Hóa vừa đề xuất dự án xin cấp 350.000 tỷ đồng để “Chấn hưng Văn Hóa”.

Thế rồi, trước thái độ nhà nước như vậy, thì cộng đồng xã hội đã chung tay để cứu giúp các nạn nhân này. Và khi đó, thì cái gọi là Mặt Trận Tổ Quốc (MTTQ) lại đứng ra nhận tiền cứu trợ.

Rồi người dân cứ dài cổ chờ đợi, rồi báo chí đưa tin con số tiền được quyên góp qua lời của quan chức các cấp, con số đó, đến ngày 16/10 khi đóng sổ nhận quyên góp là 110 tỷ.

Thế rồi, sáng 27/10, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội Nguyễn Lan Hương cho biết mấy nội dung sau: Tổng số tiền cứu trợ đã nhận đến ngày 16/10/2023 hơn 130 tỷ đồng. Thế nhưng, hiện vẫn chưa đến tay của các nạn nhân vụ cháy mà cộng đồng gửi đến vẫn nằm trong két của cơ quan nhà nước.

Còn nguyên nhân của vụ cháy sau khi điều tra thì là do… lửa.

Ở đó, chẳng có ai phải chịu trách nhiệm khi tòa nhà được cấp phép từ 6 tầng đã xây thành 10 tầng. Đặc biệt là không một quan chức nào nhận hối lộ hay tiêu cực khi nhà cứ mọc cao lên, sai phép và đã bị lập biên bản…

Và người dân thấy rằng, cái đau, sự sống, chết và tính mạng của người dân được quan tấm đến đâu. Và người dân cũng biết rằng, dân như thế nào không quan trọng. Quan trọng là hệ thống chính trị vẫn giữ vững, quan chức vẫn không ai bị sa sẩy, bị dính líu, phải chịu trách nhiệm…

Tóm lại, chẳng có ai chịu trách nhiệm về tình hình xã hội, về đời sống, tính mạng của người dân ngoài chính bản thân họ.

Người ta đặt câu hỏi: Vì sao cả hệ thống ưu việt như vậy, mà chỉ mỗi việc cỏn con là đưa mấy đồng tiền cộng đồng xã hội quyên góp cho mấy nạn nhân mà vẫn không làm được? lại lê thê đến thế cho tận bây giờ.

Câu trả lời là cha ông đã nói: “Lắm thầy, thối ma. Lắm cha, con khó lấy chồng” là vậy. Cả hệ thống trùng điệp các ban ngành, cán bộ, hội hè… đều là của đảng, nó cũng trì trệ như chính cái đảng này vậy.

Cơ chế hay thể chế ưu việt để làm gì?

Cách đây 7 năm, trên báo chí nhà nước Việt Nam, tờ VietnamNet đăng bài trả lời phỏng vấn của chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan. Bà nói: “Bộ máy nhà nước của chúng ta hiện nay có khoảng 2,8 triệu cán bộ, công chức, viên chức. Nếu cộng cả đối tượng nghỉ hưu, các đối tượng khác hưởng lương, trợ cấp từ ngân sách nhà nước, con số này lên tới 7,5 triệu người, chiếm 8,3% dân số cả nước.

Còn nếu cộng toàn bộ số người hưởng lương và mang tính chất lương thì con số này lên tới 11 triệu người. Không ngân sách nào nuôi nổi bộ máy ăn lương lớn như vậy.

Nước Mỹ có diện tích lớn xấp xỉ 30 lần nước ta, dân số gần gấp 4 lần, nhưng đội ngũ công chức của họ chỉ có 2,1 triệu. Nhìn sang Trung Quốc thì chúng ta thấy đội ngũ công chức của họ cũng chỉ chiếm 2,8% dân số.

Như vậy, chúng ta thấy 160 người dân Mỹ chỉ nuôi một công chức, trong khi đó 40 người dân Việt Nam phải nuôi một công chức. Đó là chưa kể người dân chúng ta phải gánh chịu tình trạng quan liêu, sách nhiễu, vòi vĩnh, tham nhũng của một bộ phận không nhỏ trong số 2,8 triệu công chức này”.

Hệ thống ấy hoạt động ra sao? Bà nói tiếp: “Khi còn ở cương vị Phó thủ tướng ông Nguyễn Xuân Phúc nói: “Đội ngũ công chức của chúng ta hiện nay chỉ có khoảng 30% là đáp ứng được nhu cầu công việc”. Tôi bổ sung thêm là 30% nữa là “sáng cắp ô đi, tối cắp ô về”. Khi còn là Bộ trưởng TT&TT ông Lê Doãn Hợp còn thêm: “30% còn lại không chỉ không làm được việc mà còn vòi vĩnh, nhũng nhiễu, đòi hối lộ”.

Và bà ta cho biết: “Tôi hỏi nhiều người là liệu có thể giảm biên chế được không, họ đều nói là không thể giảm được”.

Như vậy, chẳng cần nói nhiều hơn, người ta đã hiểu không chỉ rõ, mà là rất rõ bản chất của cái “Cơ chế Việt Nam” của Nguyễn Phú Trọng nó ưu việt nhất là gì? Với cái cơ chế đó, tạo nên hệ thống chính trị độc tài hiện nay, là một hệ thống chính trị chỉ nhằm phục vụ cho sự cai trị của đảng CSVN trên đầu, trên cổ người dân cách vững chắc nhất là mục đích. Vì thế, hệ thống chính trị “Tứ trùng” được thiết lập, được nuôi bằng tiền dân bất chấp sự trì trệ, lạc hậu và phản động của cả hệ thống đó.

Và những cuộc bỏ phiếu bằng chân

Chẳng cần lý luận cao xa, cứ nhìn dòng người ngày ngày đổ xô nhau chạy khỏi “Thiên đường Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam” để đến các quốc gia “tư bản giãy chết” bằng mọi cách, bằng mọi giá. Từ con đường container lạnh chui vào Anh quốc mà cái chết của 39 người Việt Nam là ví dụ, cho đến những dòng người cuồn cuộn trong đó không ít người Việt Nam chạy vòng quanh nhiều quốc gia trên thế giới để mong đến được biên giới Mexico và trèo rào vào Hoa Kỳ với số tiền khổng lồ vay mượn, cầm cố ở quê. Họ bất chấp hiểm nguy chỉ mong đổi đời, đổi lại cuộc sống không bấp bênh về kinh tế, không bị o ép về chính trị, không bị quá ô nhiễm về mọi mặt của môi trường sống…

Nghĩa là họ bằng mọi cách thực hiện cuộc “Bỏ phiếu bằng chân” đối với đảng Cộng sản cầm quyền và cái bánh vẽ “Chủ nghĩa cộng sản” mà họ đã thưởng thức no nê gần thế kỷ qua bằng nghèo hèn, bằng đói rách, bằng sự mê muội cho đến lúc tỉnh ngộ nhìn thấy bản chất của cái “cơ chế của Việt Nam" mà Nguyễn Phú Trọng đã tuyên bố là sau khi: “nghiên cứu và hiểu được thì đây là cơ chế tôi cho là ưu việt nhất trong thời đại bây giờ".  

Mặc cho Tổng bí thư – là đầy của mọi đầy tớ nhân dân - luôn mồm kêu gào rằng: “Chưa bao giờ đất nước ta được như ngày hôm nay”, thì các con dân, các ông chủ của đất nước vẫn bỏ mặc đám đầy tớ ấy mà chạy tuột quần ra khỏi cái thiên đường ấy, bỏ mặc Tổng bí thư cứ ngồi đó mà “thủ dâm chính trị” mà nói theo ngôn ngữ dân gian là đang cơn “tự sướng”. Mặc cho Chủ tịch nước rằng: “Cột điện ở Mỹ có chân thì chạy về Việt Nam, là điểm đến an toàn nhất”… dòng người cứ túa ra bốn phía khỏi mảnh đất hình chữ S, ít nhất thì cũng nườm nượp kéo nhau sang Lào, sang Thái Lan, sang Campuchia hoặc Malaysia bất chấp cuộc sống chui nhủi, bất hợp pháp may ra kiếm chút “bơ thừa, sữa cặn” để còn gửi về nuôi đảng.

Chỉ cần nhìn một cách tổng thế qua tấm bản đồ di chuyển của dòng người dân Việt hôm nay, đủ để thấy câu trả lời ra sao ở cái đất nước được ca ngợi là “Rừng vàng, biển bạc, đất phì nhiêu” với non sông gấm vóc đang dưới bàn tay người Cộng sản bằng “cơ chế ưu việt nhất trong thời đại bây giờ".

Và đó chính là cái cơ chế mà Nguyễn Phú Trọng đã “nghiên cứu và hiểu được” để kiêu hãnh nhận nhãn hiệu: “là cơ chế Việt Nam".

Và người ta thấy thảm thương thay cho cái sự “nghiên cứu” và sự “hiểu được” của một Tổng Bí thư đảng cầm quyền.

27.10.2023

J.B Nguyễn Hữu Vinh

https://www.rfavietnam.com/node/7811

Chuyện lên phố lên phường

 Viết từ Sài Gòn

Thời gian sau dịch, mặc dù kinh tế người dân vẫn đang teo tóp, khó khăn chồng khó khăn, thế nhưng chính quyền một số nơi vẫn tổ chức "xã lên phường", "thôn lên khu phố"... rình rang. Liền với việc tổ chức này là các lễ hội ăn chơi nhảy múa, thỏa sức vui mừng. Vui mừng xong thì lại lèo nhèo với đời sống "vũ như cẩn", lại ruộng đồng, lại công nhân, làm thuê tứ xứ... Nhưng gánh nặng thì có phần nặng hơn. Thế mới tức cười !

dothi1

Hiện nay trên địa bàn thành phố Hà Nội còn nhiều khu chung cư, tập thể cũ, xuống cấp nghiêm trọng, gây ảnh hưởng đến cuộc sống cuả người dân - Ảnh minh họa

Tức cười nhất là anh em trong nhà, chung một mái ấm, sớm tối có nhau, cùng thuở cởi truồng tắm mưa, cùng lăn lộn trong đời sống kiếm chén cơm manh áo, cùng trưởng thành rồi cùng ấm lạnh với đời... Trong ngôi nhà ấy, từng có tiếng cười, tiếng thở dài, tiếng khóc trăn trở nhân sinh... Thế rồi, đùng cái lên phố, anh em quay ra giành giật, tranh chấp nhau từng tấc đất.

Tức cười lắm chứ, khu vườn xưa đầy tiếng chim, những trưa hè râm rang tiếng ve và bước chân trẻ nít đạp lá khô lạo xạo, cũng có những ngày lăn lộn với rơm khô, với lúa mùa trong khoảng sân nhỏ, cũng có mùa đông đạp phân trâu thành lớp và gieo cải ngồng đón Tết, có, có nhiều lắm... Thế nhưng đùng cái, lên phố, khoảng sân thành tâm điểm, mặt tiền trong cuộc phân chia, giành giật.

Lên phố, lên phường, từ chỗ những cánh đồng hàng trăm năm nay là vựa lúa, kế sinh nhai của nhiều gia đình, bỗng dưng nhà đầu tư mời dân tụm năm tụm bảy, chen chúc các hội trường để họp, mà chính xác là nghe nhà đầu tư phán về chính sách thu hồi, đền bù và giải tỏa ruộng. Nghĩa là từ nay, nông dân không cần phải ra ruộng nữa, có tiền đền bù rồi, buôn thúng bán mẹt hay đi làm thuê, làm công nhân gì đó đi, đổi đời rồi.

Lên phố, tiền đền bù nhận được ban đầu thấy cũng nhiều, cũng ngon lắm chứ, nhưng được nửa năm thì mọi thứ bắt đầu cạn, vật giá thì liên tục leo thang, thói quen ăn uống cũng bắt đầu thay đổi cho ra dáng phố, chẳng mấy chốc tiền cạn túi, lại loay hoay đi làm thuê, cuốc mướn, mà đâu phải ai cũng có đất đâu để mà mướn về cuốc, đời sống chưa thấy phố đã thấy lam lũ, lầm than, an ninh lương thực của gia đình cũng không còn, bởi đám ruộng chính là cái kho của an ninh lương thực nhà nông.

Lên phố, nhà nào cũng nghĩ tới buôn bán, trờ ra mặt tiền mà buôn bán, tình hàng xóm láng giềng trước nay sớm tối qua lại, có miếng mít, cái bánh chưng cũng mang sang biếu nhau, tặng nhau thì bây giờ, cái vỉa hè để buôn bán trở thành rào cản, mắt lườm mắt nguýt, đời sống trở nên xa lạ.

Lên phố, việc làm thì không có nhưng tiền thuế đất nặng nề, mệt mỏi, cũng cái chỗ ở, cái chốn đi về hàng chục, hàng trăm năm nay của biết bao thế hệ sống tự nhiên như cỏ cây, bỗng dưng người ta đánh số và bắt đầu thời kỳ mới, đóng thuế chỗ ở, cứ theo mét vuông mà nhân ra để đóng thuế.

Lên phố, các khoản chi phí cho con cái học tập, chi phí y tế, dịch vụ điện nước, mọi thứ đều tăng giá, người già cũng phải lăn xả vào đời sống để tồn tại với phố.

Lên phố, chỉ có giá cả là lên, nhà giàu là lên, là có thêm nhiều tiện nghi của phố, nhưng tỉ lệ nhà giàu thì chỉ một nhóm nhỏ, cán bộ cũng lên hương, vì lương cán bộ phố phải cao hơn cán bộ thôn quê, tiêu chuẩn cán bộ phố cũng cao hơn cán bộ quê, chỗ làm việc, ghế ngồi cán bộ phố cũng cao hơn cán bộ quê, miếng hời kiếm được cũng cao hơn.

Lên phố, sáp nhập vào thành phố hay tách ra thành phố riêng, người dân chưa kịp mừng, mà cũng không thấy gì để mừng đã thấy mệt vì loay hoay làm lại giấy tờ, từ thẻ căn cước cho đến mọi thứ liên quan thủ tục hành chính, đều có những điều chỉnh và phải đi điều chỉnh nếu không muốn bị phạt hoặc bị thiệt thòi.

Lên phố, nông dân loay hoay với mấy cái nghe ra rất là phố nhưng kì thực chẳng có lợi gì cho họ, tiền đền bù đất đai dùng cũng chẳng được bao lâu thì ngồi nhớ mảnh vườn, nhớ những ngày xưa thân ái, nhớ những tháng năm yên bình, êm đềm, nhớ vườn hoa cải ngồng trước sân tháng chạp, nhớ mùi vạn thọ, mùi cúc, mùi ngò cải tháng giêng... Nhớ mông lung những thứ mà mới đó, dưới lớp bê tông phố là cả một trời kỉ niệm.

Nhìn chung, lên phố chẳng có gì hay ho với nhà nông, với dân quê. Thế sao người ta lại thích lên phố đến vậy ? Và tại sao người ta nghe lên phố thì bắt đầu đổ xô chuẩn bị làm du lịch, chuẩn bị làm dịch vụ ?

Do tuyên truyền cả thôi ! Những đám đông tụm ba tụm bảy, những đám chật hội trường nghe nhà đầu tư thuyết trình về tương lai, mở ra một chân trời mới, thực ra là họ đang tuyên truyền về cái gọi là tương lai phố, tương lai xã hội chủ nghĩa, tương lai thiên đường... Mà trước đó, những tin hành lang có được cũng là một loại tuyên truyền nốt, toàn những tin tốt đẹp, mới nghe qua đã thấy háo hức.. được tung ra từ ban dân vận địa phương.

Và người dân cứ như vậy mà cắn câu, càng cắn thì ngạnh càng ăn sâu, đến khi nhận được tiền đền bù thì mừng đến run tay run chân, đâu biết rằng sau những đồng tiền đền bù ấy là cái bẫy tài chính đang chực chờ, từ lô đề, dịch vụ ăn chơi, quán nhậu, hớt tóc thanh nữ. Dường như nơi nào có đền bù đất thì nơi ấy, mọi thứ dịch vụ ăn chơi đổ xô về.

Với tâm lý quê mùa, xưa giờ chỉ biết làm ăn, tiền ba đồng ba cọc, đâu có dám ăn ngon hay hưởng thụ gì, giờ thấy một cọc tiền dày cộm, lại thèm ăn món này món khác cho bõ thèm, lại thử vào quán bia, coi thử mấy em tiếp thị nó trắng trẻo, mướt mắt ra sao... Chẳng mấy chốc, tiền lưng túi, lại nghĩ đến những giấc chiêm bao, lại luận đề đóm, lại đánh, ban đầu cũng có thắng chút đỉnh để đi chơi, dần dà, tiền bay sạch, lại vay mượn mà đánh, ma đề nhập tâm lúc nào không hay.

Biết rằng các dịch vụ ăn chơi, dịch vụ đen có thể gây khủng hoảng kinh tế địa phương, thế sao cán bộ, chính quyền địa phương vẫn để nó tồn tại ?

Vì mới lên phố mà, phải ra dáng phố chút chứ. Hơn nữa, các dịch vụ này tồn tại thì cán bộ mới có tiền bảo hộ, công an mới có tiền bảo kê, rồi cán bộ, công an mới được chơi miễn phí, được nông dân mời mọc, đãi đằng. Vừa có tiền lại vừa được chơi miễn phí, dại gì không để nó tồn tại !

Lên phố thì cơ quan nhà nước mới sáng sủa, ngân sách mới có cơ hội đầy đặn thêm, tiền thuế chỗ ở, thuế dịch vụ tăng cao, ngân sách thêm dày, dại gì không lên.

Chỉ cần chạy cho được tiêu chuẩn, lên phố một cái thì một mặt được trung ương rót kinh phí về, tỉnh rót kinh phí về, mặt khác rút được tiền trong dân, giá đất tăng, mọi thứ tranh chấp hình thành, cán bộ có cơ hội "giúp dân" giải quyết tranh chấp, lại có khoản biếu xén, hoa hồng, đủ các thứ để hưởng lợi.

Nói cho cùng, khi lên phố, người dân chỉ có còng lưng ra mà chi trả các khoản và đời sống đảo lộn, cơ chế tự nhiên bị chặn đứng, khoảng không thiên nhiên bị lấy mất, một đời sống ngột ngạt kéo đến, sự tranh chấp, vô cảm cũng lên ngôi trong từng gia đình, chỉ có chính quyền là được lợi.

Bởi việc lên phố chỉ cần thoắt một cái trên giấy tờ, thoắt một cái có các khoản để chấm mút, thoắt một cái điện đường trường trại trở nên hiện đại, tiện nghi... Và chính quyền được lợi từ nhỏ tới lớn. Còn nhân dân hả ? Đất tăng giá vùn vụt rồi còn đòi gì nữa ! Bán đất mà ăn, hết đất thì vào chung cư mà thuê, mà ở, hết tiền thuê chung cư hả, thì tự lo lấy thân, hỏi ai bây giờ !

Viết từ Sài Gòn

Nguồn : RFA, 29/10/2023