Wednesday, July 17, 2019

Bãi Tư Chính: Chính thể Việt Nam đã ‘hèn với giặc’ mấy lần?


Thường Sơn (VNTB) |Thường Sơn (VNTB) | Vụ Trung Quốc điều tàu HD-8, được hộ tống bởi hai tàu hải cảnh, bất thần xâm nhập khu vực bãi Tư Chính ở vùng biển đông nam Việt Nam vào tháng 7 năm 2019 để ‘thăm dò dầu khí’ đã chỉ được báo nước ngoài đưa tin, trong lúc giới tuyên giáo và báo chí nhà nước Việt Nam  vẫn duy trì thói câm nín như đã từng câm lặng trong rất nhiều lần xảy ra khiêu khích từ Bắc Kinh trên Biển Đông.

Từ năm 2014 Trung Quốc đã sử dụng chiến thuật cho giàn khoan và tàu ‘thăm dò dầu khí’ vào biển Đông để khủng bố tâm lý rệu rã của chính thể bị cộng đồng lên án là ‘hèn với giặc, ác với dân’.
Tháng 5 năm 2014, giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc đã lần đầu tiên tấn công vào Biển Đông, chen lấn vào vùng hải phận của Việt Nam và như một cú tát tai nổ đom đóm vào mặt Bộ Chính trị ở Hà Nội, nhất là với những quan chức Việt vẫn còn mộng mị ngủ ngày mà đã biến thành cơn mê sảng bi kịch trong thói đu dây quốc tế giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ. Vào thời điểm đó, đã xuất hiện những kế hoạch khai thác dầu khí ở giữa Tập đoàn Dầu khí Việt Nam với những đối tác nước ngoài là Repsol tại mỏ Cá Rồng Đỏ ở vùng biển Đông Nam, với Tập đoàn dầu khí Rosneft của Nga tại mỏ Lan Đỏ, cũng như bắt đầu có kế hoạch thăm dò khai thác với tập đoàn dầu khí khổng lồ ExxonMobil của Mỹ tại mỏ Cá Voi Xanh ở vùng biển Quảng Nam, Quảng Ngãi.
Biến cố Hải Dương 981 đã kéo dài suốt vài tháng và gây ra một cơn chấn động lớn trong nội bộ đảng CSVN. Nhưng trong lúc toàn bộ đảng này không hề dám có một phản ứng ra mặt nào mà chỉ im thin thít, còn quốc hội cũng không phát ra nổi một nghị quyết về Biển Đông mà chỉ nói như vẹt về từ ngữ ‘tàu lạ’, hàng chục ngàn người dân Việt Nam đã rùng rùng phẫn nộ xuống đường biểu tình để phản kháng cú khiêu khích của Trung Quốc thông qua Hải Dương 981. Khi đó, một lần nữa châm ngôn ‘hèn với giặc, ác với dân’ đã ứng nghiệm: làn sóng biểu tình này đã bị chính quyền và công an Việt Nam đàn áp thô bạo và dã man.
Vào cuối tháng 7/2017, đã xảy thêm một vụ “nhục quốc thể” nữa, khi chính quyền Việt Nam phải “giương cờ trắng” và yêu cầu ngừng hoạt động thăm dò khí đốt của Repsol ngay tại Bãi Tư Chính mà luôn được Bộ Ngoại giao Việt Nam chiến đấu võ miệng “thuộc vùng chủ quyền không tranh cãi của Việt Nam”. Dù chưa bao giờ giới tuyên giáo hay Bộ Ngoại giao Việt Nam dám nói toạc về cái nguồn cơn sâu xa của vụ “nhục quốc thể” ấy, nhưng vụ “giương cờ trắng” này lại trùng hợp với tin tức quốc tế cho biết sau khi Bắc Kinh đe dọa sẽ tấn công một số căn cứ quân sự của Việt Nam ở quần đảo Trường Sa nếu Việt Nam cho phép Repsol tiếp tục khoan thăm dò dầu khí.
Vào thời gian trên, cho dù có muốn loan tải những thông tin trên kèm theo thái độ phẫn nộ, một số tờ báo nhà nước cũng bị Ban Tuyên giáo trung ương – cơ quan nổi tiếng với biệt danh “vòng kim cô” – cấm cản. Chính thể độc đảng ở Việt Nam đã giấu biệt thông tin được coi là quá sức nhạy cảm này và như co rúm trong nỗi sợ hãi của lịch sử “ngàn năm Bắc thuộc” lẫn và hiện tại “mười sáu chữ vàng”.
Sau vụ “giương cờ trắng” lần đầu ở Bãi Tư Chính vào tháng Bảy năm 2017, trong cơn quẫn bách mất ngủ lẫn mất ăn, Hà Nội đã một lần nữa phải “cầu viện” Hoa Kỳ, mà cụ thể là kêu gọi một sự hỗ trợ từ hải quân Hoa Kỳ. Tướng Ngô Xuân Lịch – Bộ trưởng quốc phòng Việt Nam – được giao nhiệm vụ sang Washington để thuyết phục Bộ trưởng quốc phòng Mỹ James Mattis hỗ trợ hải quân.
Thế nhưng những gì mà hải quân Mỹ đã tiếp cận Biển Đông vẫn không khiến cho giới chóp bu Việt Nam hết run sợ trước Trung Nam Hải. Giờ đây, kịch bản thất bại đến mất ngủ ở Bãi Tư Chính đang lặp lại, khiến giới chóp bu Việt Nam mất ăn dầu khí ngay trên vùng lãnh hải của mình và càng bế tắc trong cơn ác mộng những khoản nợ nước ngoài đang ập đến như sóng thần Biển Đông.
Trong khi đó, những thước phim lịch sử “ngư dân bám biển, hải quân bám bờ” vẫn được nhăn nhở chiếu lại. Từ nhiều năm qua, đã không có bất cứ trường hợp ngư dân Việt nào bị tàu Trung Quốc bắn giết được Bộ Quốc phòng Việt Nam công bố kết quả điều tra, bất chấp cơ quan bộ này hàng năm chi xài đến 5 tỷ USD tiền do dân phải è cổ đóng thuế./.

Bộ Trưởng Nguyễn Mạnh Hùng lại bị chửi ‘ăn nói ba lăng nhăng’

Bộ Trưởng Thông Tin Truyền Thông CSVN Nguyễn Mạnh Hùng “nổ bậy” nên bị dư luận chê là “thiếu hiểu biết.” (Hình: ThuongGiaOnline.vn)
HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Hôm 17 Tháng Bảy, một ngày sau khi lên giọng “đòi làm mạng xã hội, công cụ tìm kiếm thay thế Facebook, Google,” Bộ Trưởng Thông Tin Truyền Thông CSVN Nguyễn Mạnh Hùng tiếp tục hứng chịu nhiều chỉ trích của công luận.
“Đã đến lúc chúng ta phải viết một mạng xã hội mới, công cụ tìm kiếm mới, nhân văn hơn, coi trọng khách hàng hơn và đưa người dùng làm chủ thể. Triết lý của Facebook giờ không còn phù hợp với thế giới nữa. Đã đến lúc cần một mạng xã hội mà giá trị do cộng đồng tạo ra được chia sẻ chứ không đổ về cho một người…,” phát ngôn của ông Hùng được VnExpress và các báo nhà nước khác đồng loạt dẫn lại.
Đây không phải lần đầu Bộ Trưởng Hùng bày tỏ tham vọng có mạng xã hội, công cụ tìm kiếm “made in Vietnam” và “đúng định hướng.”
Tuy vận, số lần ăn nói kiểu này của ông Hùng càng lúc càng nhiều cho thấy ông ta thiếu hiểu biết cũng như tầm nhìn về năng lực thực tế của ngành công nghệ Việt Nam.
Nhiều blogger đưa thuyết âm mưu rằng đằng sau “tham vọng” của ông Hùng là kế hoạch dọn đường sớm đưa mạng xã hội Sina Weibo và công cụ tìm kiếm Baidu.com của Trung Cộng vào Việt Nam nhằm dễ bề kiểm soát, trấn áp tiếng nói đối lập trên không gian mạng.
Nhà báo Nguyễn Thông từng công tác tại báo Thanh Niên, bình luận trên trang cá nhân: “Tôi thành thật khuyên Bộ Trưởng Hùng nên bớt lời khi còn làm thượng thư. Ai đời quan trên trông xuống người ta trông vào mà ông ăn nói ba lăng nhăng quá, càng ngày càng ba lăng nhăng. Đành rằng ai cũng có ao ước, có khao khát về điều này điều nọ, càng làm quan to càng khát, nhưng ông cứ lâu lâu xì ra một câu trái tai, nào là siết Internet, nào sẽ làm mạng xã hội riêng ở xứ này thay hẳn Google, Facebook, nào phải làm sao mỗi người ở Sài Gòn có một smartphone… thì tôi chán ông quá. Nên nhớ ông đang ngồi ở ghế bộ trưởng chứ không phải là sếp một doanh nghiệp. Lâu nay không ít dân chúng nghĩ ông là nhà kỹ trị, một người tân tiến, cải cách, nhưng thực ra ông chỉ là một quan chức của bộ máy cùn mòn bế tắc, không đáng để đặt vào đó tí hy vọng nào. Hay là lại xin quay về Viettel làm đầu gà thì đỡ hơn, ông ạ.”
Cùng thời điểm, ông Nguyễn Tấn Thành, CEO Công Ty Robota, bình luận trên trang cá nhân: “Cớ gì mà ông Hùng lại đòi Việt làm mạng xã hội hơn cả Facebook? Đó là vì bệnh ảo tưởng người Việt là giỏi lắm mà không biết người Việt chưa đóng góp được gì cho nhân loại. Hoặc cũng có thể là bệnh ‘nổ’ kinh niên kiểu Cộng Sản, qua một đêm là tính đứng đầu thế giới. Hoặc bệnh lừa đảo chính trị, nói những chuyện cao siêu nhằm được cơ cấu vào chức vụ cao hơn. Hoặc bệnh ‘vẽ voi’ lấy tiền, lập các dự án ma với nổ trên trời để lấy tiền thuế nhân dân làm. Nhiệm kỳ sau lên thì lại lập dự án với nội dung đó tiếp…”
Hồi tháng trước, các báo nhà nước nói mạng xã hội mới ra đời của Việt Nam–VCNET, là sản phẩm do Ban Tuyên Giáo và Tập Đoàn Viettel hợp tác nhưng không tiết lộ mức ngân sách được cấp cho dự án này. Dân mạng lập tức chế giễu “VCNET” là “Việt Cộng NET” và bình luận rằng mạng này “nhái hệt Facebook.” Đến nay, không thấy truyền thông nhà nước đưa tin về sự tiến triển của mạng này.
Trước đó, công cụ tìm kiếm Cốc Cốc ra đời ở Việt Nam từ năm 2013 và… tồn tại “lây lất” từ thời điểm đó đến nay dù ban đầu cũng đặt tham vọng “thay thế Google.”
Điều kỳ lạ là khi dùng Cốc Cốc tìm kiếm các từ khóa “nhạy cảm” về chính trị như “Việt Tân,” trang này lập tức… chuyển hướng sang trang kết quả của Google. (T.K.)

Xây 34 trạm thu phí xe hơi vào Sài Gòn để tận thu là ‘xem thường dân’

Sài Gòn thường xuyên xảy ra kẹt xe. (Hình: VNExpress)
SÀI GÒN, Việt Nam (NV) – Hôm 17 Tháng Bảy, Sở Giao Thông Vận Tải ở Sài Gòn đề nghị Ủy Ban Nhân Dân thành phố chi 250 tỷ đồng ($10.7 triệu) từ ngân sách để xây 34 trạm thu phí xe hơi vào khu vực trung tâm với danh nghĩa “để hạn chế kẹt xe.”
Báo VNExpress cho hay, các trạm thu phí sẽ được xây bao quanh khu vực quận 1, 3 và giáp ranh quận 5, 10, vành đai thu phí gồm các tuyến đường: Hoàng Sa (dọc kênh Nhiêu Lộc-Thị Nghè), Nguyễn Phúc Nguyên, Cách Mạng Tháng Tám, Ba Tháng Hai…
“Cách này sẽ tạo thành vành đai khép kín khu vực trung tâm thành phố. Dự kiến, việc thu phí chỉ áp dụng đối với xe hơi đi vào trung tâm, không thu chiều ra, không thu phí xe gắn máy. Dự án do Trung Tâm Quản Lý Đường Hầm Sông Sài Gòn làm chủ đầu tư, thực hiện từ nay đến năm 2021, gồm các cổng thu phí được thiết kế đa làn, không dừng, và một trung tâm điều hành kết nối các cổng, xử lý thông tin và điều hành việc thu phí,” báo này tường thuật.
Đáng nói là VNExpress cho biết vụ xây trạm thu phí xe hơi vào khu trung tâm “được vận dụng phù hợp kinh nghiệm quốc tế đã triển khai ở một số nước như Singapore, Thụy Điển, Anh.”
Đây không phải lần đầu chính quyền thành phố tính chuyện tận thu “phí vào khu trung tâm.” Hồi năm 2010, Ủy Ban Nhân Dân Thành Phố từng chấp thuận đề xuất xây 36 trạm thu phí xe hơi vào khu trung tâm nhưng sau đó phải ngưng “vì gặp nhiều ý kiến phản đối của chuyên gia và dư luận.”
Vành đai thu phí xe vào trung tâm Sài Gòn. (Hình: Zing)
Hồi năm 2017, các báo nhà nước đã viết về việc nối lại việc thu phí xe hơi vào khu trung tâm Sài Gòn với lý do mới: “Thúc đẩy người dân dùng phương tiện công cộng.” Tuy vậy, đề xuất đó mau chóng bị công luận phản đối kịch liệt.
Nay, đột nhiên ý định thu khoản phí này được phục hồi, với lượng trạm ít hơn hai cái so với chín năm trước.
Điều khiến người dân bực tức là để xe hơi được lưu thông trên đường thì chủ xe đã phải đóng phí bảo dưỡng bảo trì đường bộ, và mỗi khi họ đi qua các trạm trên quốc lộ cũng phải đóng phí BOT. Nay chính quyền ở Sài Gòn thay vì đầu tư nâng cấp xe buýt hay đẩy nhanh tiến độ xây dựng các tuyến đường sắt đô thị… thì lại làm chuyện dễ nhất là thu phí xe hơi vào khu trung tâm Sài Gòn.
Việc chính quyền nhất quyết “tận thu” dù dư luận phản đối kịch liệt cũng cho thấy họ coi thường ý kiến của người dân, trong bối cảnh phải tăng thu ngân sách bằng mọi giá.
Nhà báo tự do Cát Linh bình luận trên trang cá nhân: “Đây là một trong những ý tưởng thể hiện ý chí ‘tận thu’ của lãnh đạo. Lẽ ra, muốn giảm lượng xe vào thành phố, (chính quyền) cần phải nâng cấp hệ thống giao thông công cộng, cấm những xe trọng tải lớn theo khung giờ… Không ai muốn vác xe cá nhân vào mạng nhện giao thông nếu xe buýt êm ả, sạch sẽ, thoáng mát cả… Còn việc đặt trạm thu phí nó chỉ kéo theo lạm phát chứ không thể giảm phương tiện đâu mấy ông ạ… Thế thì dân ở ngoại thành phải trả tiền khi muốn vào thành phố của họ? (Ở các nước khác) người ta tính cách để giảm chi phí, nâng cao chất lượng. Còn các vị thì chỉ tính cách thu được nhiều tiền của dân.” (T.K.)

Phát hiện nhiều doanh nghiệp Việt Nam nhập hàng Tàu dán nhãn Việt

Phát hiện thương hiệu ổ khóa khá nổi tiếng ở Việt Nam nhập cảng nguyên cái từ Trung Quốc nhưng ghi “Sản xuất tại Việt Nam.” (Hình: Tuổi Trẻ)
HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Có doanh nghiệp còn dùng “Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trong” hồ sơ giả mạo để chứng minh nguyên liệu được sản xuất ở Việt Nam nhằm qua mặt giới hữu trách.
Theo tờ Tuổi Trẻ ngày 16 Tháng Bảy, 2019, tại “Hội nghị triển khai nhiệm vụ sáu tháng cuối năm của ngành hải quan” diễn ra chiều 15 Tháng Bảy, tại Hà Nội, ông Nguyễn Phi Hùng, cục trưởng Cục Điều Tra Chống Buôn Lậu, Tổng Cục Hải Quan, đã nêu đích danh nhiều công ty ở Việt Nam gian lận xuất xứ hàng hóa.
Cụ thể, công ty Hiếu Nghĩa (tỉnh Lạng Sơn) nhập hàng ngàn sản phẩm từ Trung Quốc nhưng ghi rõ “Sản xuất ở Việt Nam.”
Tương tự, một công ty nhập cảng Khóa Việt-Tiệp, nhãn hiệu chuyên sản xuất ổ khóa nổi tiếng của Việt Nam, nhưng lại nhập cảng nguyên vẹn chiếc khóa từ Trung Quốc và ghi luôn là “Made in Việt Nam.”
Chưa hết, ngay cả tem bảo hộ của Bảo Minh đối với sản phẩm phòng chống cháy nổ cũng được sản xuất và nhập cảng từ Trung Quốc, nhưng cũng ghi “Sản xuất tại Việt Nam.”
Ngoài ra, Cục Điều Tra Chống Buôn Lậu cũng phát hiện công ty Nhật Vượng (ở Sài Gòn) nhập cảng hàng tỷ đồng mặt hàng loa và amply mang một nhãn hiệu đã được ghi danh bảo hộ bản quyền tại Việt Nam, nhưng nhãn hàng nhập cảng ghi “Sản xuất tại Trung Quốc.”
Cũng theo ông Hùng, cơ quan hải quan đã khoanh vùng sáu doanh nghiệp lớn có kim ngạch nhập cảng hàng từ Trung Quốc “tăng đột biến.”
“Qua điều tra, chúng tôi xác định sai phạm của các doanh nghiệp này gồm sử dụng hợp đồng mua bán nguyên liệu ‘ma,’ giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trong hồ sơ giả mạo để chứng minh nguyên liệu được sản xuất ở Việt Nam, nhằm hưởng ưu đãi thuế xuất cảng hay lãi tức bán hàng phi pháp…,” ông Hùng nói.
Tin cho biết, sắp tới Tổng Cục Hải Quan “sẽ điều tra thêm hành vi của sáu công ty này để làm rõ, xử lý các hành vi vi phạm về gian lận xuất xứ hàng hóa. Ngoài việc xuất hàng hóa đi ngoại quốc lợi dụng giấy chứng nhận xuất xứ Việt Nam (C/O) để hưởng ưu đãi thuế, các doanh nghiệp vi phạm còn gian lận để hoàn thuế giá trị gia tăng với số lượng rất lớn. Có doanh nghiệp đã được hoàn thuế 34 tỷ đồng ($1.46 triệu).”
Qua các vụ việc nêu trên, ông Hùng thừa nhận với báo chí “công tác quản lý của các bộ, ngành liên quan đến việc cấp C/O còn nhiều bất cập và sơ hở.”
Ông Nguyễn Văn Cẩn, tổng cục trưởng Tổng Cục Hải Quan, cho biết “Sáu tháng cuối năm 2019, Việt Nam phải tiếp tục tạo thuận lợi thương mại cho doanh nghiệp nhưng không đánh đồng các doanh nghiệp có vốn đầu tư cả tỷ đô la chưa có gian lận với doanh nghiệp ‘nay ẩn mai hiện.’ Đồng thời, ngành hải quan sẽ giám sát quản lý chặt hoạt động xuất nhập cảng đối với mặt hàng sắt thép, nông thủy sản.
Ông Cẩn cũng cho biết thêm, hiện ở Việt Nam đang nổi lên tình hình “buôn lậu gian lận thương mại hàng cấm qua hàng quá cảnh, tạm nhập tái xuất, chuyển khẩu quá cảnh.” Thời gian qua, Hải Quan Việt Nam đã phát hiện nhiều vụ buôn lậu khi siết chặt khu vực cảng biển, nhiều lô hàng nhập cảng vào Cambodia, Lào rồi xé lẻ để nhập lậu về Việt Nam. (Tr.N)

Cả trăm đại biểu Quốc Hội CSVN thường trốn họp, ‘có đoàn vắng 50%’

Ba ông “đại biểu nhân dân” ngủ say sưa trong phiên họp Quốc Hội. (Hình: Lao Động)
HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – “Chưa có kỳ họp nào đại biểu Quốc Hội vắng mặt nhiều như kỳ họp này. Mỗi ngày vắng không dưới 30 người, có ngày vắng trên dưới 100 người, có đoàn vắng 50%.”
Đó là lời than vãn của bà Nguyễn Thị Kim Ngân, chủ tịch Quốc Hội CSVN, trong cuộc họp của Ủy Ban Thường Vụ Quốc Hội ngày 16 Tháng Bảy, 2019, để “tiến hành tổng kết kỳ họp Quốc Hội thứ 7, Quốc Hội khóa XIV (Tháng Năm, 2019) và cho ý kiến bước đầu về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 8 (Tháng Mười, 2019).”
Lời kêu ca của bà Ngân chẳng có gì lạ. Nó phản ảnh đúng thực trạng đã trở thành kinh niên bao nhiêu năm qua trong cách tổ chức hệ thống chính trị độc đảng, độc tài tại Việt Nam.
“Mỗi ngày vắng không dưới 30 người, có ngày trên dưới 100 người, có đoàn vắng 50%. Đây là thực tế và kỳ họp thứ 7 có số đại biểu Quốc Hội vắng mặt nhiều nhất trong tất cả các kỳ họp. Nước ngoài không họp như Việt Nam nhưng khi biểu quyết thì đại biểu đều tìm cách có mặt. Họ rất nghiêm túc vì đó là quyền biểu quyết. Còn ta vắng cả khi biểu quyết, cần phải rút kinh nghiệm,” lời bà Ngân được dẫn lại trên tờ Người Lao Động.
Trước lời kêu ca của bà Ngân, báo Người Lao Động thuật lời ông Nguyễn Văn Giàu, chủ nhiệm Ủy Ban Đối Ngoại, cho rằng cử tri quan tâm là số đại biểu Quốc Hội vắng mặt quá nhiều. “Cần rà soát lại xem ai vắng có lý do chính đáng, rõ ràng chứ không phải lấy quyền đại biểu Quốc Hội rồi quên đi nghĩa vụ. Đáng nói, có vấn đề rất lớn nhưng khi lấy ý kiến thì phiếu thu về quá ít. Gần 500 đại biểu Quốc Hội mà thu về có hơn 300 là thế nào? Việc này rất không ổn, vì ý kiến tham khảo rất quan trọng, có tác động điều chỉnh,” báo này trích lời ông Giàu.
Lời phát biểu của ông Giàu ám chỉ số “đại biểu Quốc Hội” vắng mặt cả khi có các cuộc biểu quyết các dự luật còn nhiều hơn những gì bà Ngân than vãn.
Các ông “đại biểu nhân dân” ngủ gật. (Hình chụp màn hình VTV)
Đại biểu Quốc Hội CSVN là các đảng viên cấp cao từ trung ương tới địa phương, vừa nắm giữ các chức vụ trong đảng, vừa nắm giữ các chức vụ trong chính quyền, lại còn được đảng cài cắm làm đại biểu Quốc Hội theo thủ tục “đảng cử dân bầu.” Tất cả những người dân thường nào muốn ứng cử đều bị gạt ra ngoài. Nhiều người tham gia đấu tranh dân chủ, nhân quyền tại Việt Nam đã can đảm ra ứng cử, không những bị gạt ra mà còn bị đấu tố, vu khống, làm nhục.
Quốc Hội CSVN được báo chí quốc tế gọi là “rubber stamp” (con dấu cao su). “Đại biểu” chỉ giơ tay biểu quyết theo lệnh đảng, nếu có bàn qua bàn lại một dự luật gì cũng chỉ cho có.
Trong khóa họp cuối năm 2011, ông Nguyễn Sinh Hùng khi còn là chủ tịch Quốc Hội cũng đã từng kêu rên là “đại biểu” bỏ họp quá nhiều. Bỏ họp nhiều nhất phải kể tới các ông tổng bí thư đảng, chủ tịch nước, thủ tướng.
Vì được đảng cài cắm ôm luôn cái ghế “đại biểu Quốc Hội,” các ông bà đại biểu thường chỉ ngồi đó cho có mặt, không biết làm gì ngoài chuyện ngủ gật.
Trước đó, theo tường thuật của báo Pháp Luật TP.HCM, khi bà Nguyễn Thị Kim Ngân cùng một đoàn đại biểu Quốc Hội tiếp xúc với cử tri thuộc quận Ninh Kiều, Cần Thơ, “cử tri Trương Công Bình đề nghị chủ tịch Quốc Hội nhắc các đại biểu đừng nói chuyện riêng và đừng ngủ gật tại kỳ họp.” (TN)

Bị áp lực công luận, tác giả ‘lu chống ngập’ xin nghỉ phép dài hạn

Bà Phan Thị Hồng Xuân tỏ thái độ mạnh mẽ khi yêu cầu đưa người nhập cư về lại nơi cư trú. (Hình: SGGP)
SÀI GÒN, Việt Nam (NV) – Chịu không nổi áp lực công luận sau khi đòi kiện và “trục xuất” dân tỉnh ra khỏi Sài Gòn, bà Phan Thị Hồng Xuân, người đưa ra “sáng kiến” dùng lu chống ngập đã xin nghỉ phép dài hạn.
Phó giáo sư, tiến sĩ, đại biểu Hội Đồng Nhân Dân ở Sài Gòn, trưởng Khoa Đô Thị Học trường Đại Học Khoa Học Xã Hội và Nhân Văn Sài Gòn, bà Phan Thị Hồng Xuân, xác nhận với báo Giáo Dục Việt Nam hôm 16 Tháng Bảy, 2019.
Bà cho biết đã xin nghỉ phép dài ngày và có phúc trình với hiệu trưởng trường Đại Học Khoa Học Xã Hội và Nhân Văn về những phát biểu trước Hội Đồng Nhân Dân thành phố và “có nói rõ những ý tứ mà dư luận chưa hiểu và phân tích những tích cực” vừa qua.
“Rất cần nghỉ ngơi sau biến cố quá lớn đối với bản thân,” bà Xuân nói.
Trước đó, ngày 12 Tháng Bảy, tại kỳ họp Hội Đồng Nhân Dân Thành Phố lần thứ 15, bà Hồng Xuân đã “đề nghị trang bị lu nước để chống ngập.” Ngay sau đó, đề nghị này đã vấp phải nhiều ý kiến trái chiều trên mạng xã hội và cơ quan truyền thông.
Bên cạnh vụ phát ngôn “cái lu,” bà Xuân còn khiến công luận giật mình với ý kiến: “Thành phố đang là nơi ‘đất lành chim đậu,’ thu hút rất nhiều luồng dân cư từ nơi khác đến học tập, sinh sống và làm việc. Việc thu hút người nhập cư đến Sài Gòn góp phần nâng cao tốc độ tăng trưởng kinh tế nhưng đồng thời cũng gây rất nhiều áp lực về hạ tầng kỹ thuật và xã hội, tội phạm từ các tỉnh ẩn náu và thực hiện hành vi phạm tội…”
“Như chương trình vận động toàn dân không xả rác. Cần khảo sát xem đối tượng, khu vực nào xả rác nhiều nhất. Đã đến lúc nghĩ đến việc ăn cây nào phải rào cây nấy. Thực tế, có một bộ phận người nhập cư không tuân thủ các quy định của thành phố. Có biện pháp nào mạnh mẽ hơn không? Thành phố có thể yêu cầu họ trở về nơi cư trú cũ vì ‘Anh ơi đô thành ở đây em sống không quen,’” báo Tiền Phong trích lời bà Xuân.
Phát ngôn này cho thấy bà Xuân không có hiểu biết về một điều khoản trong Hiến Pháp CSVN vốn bảo vệ quyền tự do đi lại và cư trú của người dân. Điều nguy hiểm là bà Xuân đang ngồi ở ghế đại biểu Hội Đồng Nhân Dân, tổ chức làm luật ở địa phương, nhưng lại có phát ngôn không hiểu luật.
Nói với báo Pháp Luật Việt Nam, Luật Sư Trần Thu Nam, trưởng Văn Phòng Luật Sư Tín Việt, Đoàn Luật Sư Hà Nội, cho rằng đây là “Một đề xuất vi hiến và ngớ ngẩn.”
Ông Nam nhấn mạnh quyền tự do đi lại, tự do cư trú là một trong những quyền cơ bản của con người đã được hiến định, không thể tước bỏ tùy tiện: “Quyền Con Người, Quyền và Nghĩa Vụ Cơ Bản Của Công Dân, đã được ghi đầy đủ trong Hiến Pháp. Điều 16, Một: Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật; Hai: Không ai bị phân biệt đối xử trong đời sống chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội.”
“Trong các vụ việc gần đây như Thủ Thiêm và các quy hoạch đô thị chúng ta thấy rõ đại biểu Quốc Hội nói chung và đại biểu Hội Đồng Nhân Dân nói riêng chưa thể hiện được vai trò của mình, để xảy ra nhiều sai phạm,” ông Nam bày tỏ về phẩm chất yếu kém chưa đáp ứng được nguyện vọng của người dân về nhiều đại biểu Hội Đồng Nhân Dân CSVN. (Tr.N)