Tuesday, June 14, 2016

Công an cơ sở, anh ở đâu?: Người trong cuộc nói gì?

Theo NLĐO-14/06/2016 21:44

Công an cơ sở một số địa phương thừa nhận vì nhiều lý do khiến họ đến nơi trình báo chậm, làm người dân hiểu sai về trách nhiệm đối với người thi hành nhiệm vụ

Sau khi Báo Người Lao Động phản ánh về sự chậm trễ của một số công an cơ sở khi tiếp nhận thông tin từ người dân trình báo, những nơi này đã đưa ra nhiều lý do khác nhau.
Có đến nhưng hơi trễ
Công an phường 5, quận Gò Vấp cho biết do nhiều việc nên đêm 6-6, khi tiếp nhận thông tin từ người dân phản ánh tình trạng gái bán dâm ngang nhiên mời chào trên đường Phan Văn Trị, đơn vị này không kịp xuống xử lý. “Anh em có đến nhưng hơi trễ vì hôm đó bận bắt cướp, xử lý mâu thuẫn từ các hộ dân…” - một cán bộ Công an phường 5 nói.
Trong khi đó, theo đại diện Công an quận Tân Bình, song song với số điện thoại đường dây nóng của các phường, đơn vị này cũng công khai số điện thoại cá nhân của cán bộ, chiến sĩ để người dân tiện liên lạc khi có thông tin cần trình báo. Đối với trường hợp ở phường 13, quận Tân Bình mà Báo Người Lao Động phản ánh về tình trạng đường dây nóng nguội lạnh, phường sẽ kiểm tra và có hướng chấn chỉnh.
Người dân rất cần lực lượng công an quyết liệt với tội phạm. Trong ảnh: Công an quận 1, TP HCM bắt một đối tượng buôn bán ma túy Ảnh: PHẠM DŨNG
Người dân rất cần lực lượng công an quyết liệt với tội phạm. Trong ảnh: Công an quận 1, TP HCM bắt một đối tượng buôn bán ma túy Ảnh: PHẠM DŨNG
Một cán bộ Công an xã Bà Điểm, huyện Hóc Môn cho biết tại các buổi họp thường kỳ ở xã, người dân cũng phản ánh về tình trạng lực lượng công an khi tiếp nhận thông tin thường đến chậm hoặc không đến nhưng khi lãnh đạo xác minh thì không có chuyện đó. “Nhiều khi người dân báo tin nhưng công an xã xuống xác minh thì không có. Còn thông tin người dân trình báo về một số đối tượng nghi vấn mua bán ma túy ở Trường Tiểu học Tây Bắc Lân, công an xã đều xuống xác minh, bắt giữ một số đối tượng. Trách nhiệm của chúng tôi là khi tiếp nhận thông tin thì phải có mặt để xử lý” - vị này khẳng định.
Theo bà Nguyễn Thị Thùy Linh, Chủ tịch UBND xã Bà Điểm, hằng tuần, địa phương đều họp giao ban để lắng nghe ý kiến phản ánh của người dân về tình hình an ninh trật tự trên địa bàn. Từ đó, xã đã chỉ đạo công an thường xuyên tổ chức tuần tra, nếu cần thiết sẽ kiến nghị hỗ trợ lực lượng từ Công an huyện Hóc Môn. “Hiện tại, xã đã lắp đặt 47 camera an ninh quanh khu vực Bến xe An Sương và những điểm xuất hiện nhiều đối tượng nghiện ngập, sống lang thang nên kéo giảm tội phạm đáng kể” - bà Linh thông tin.
Nhận tin báo, phải có mặt ngay
Theo chuyên gia tội phạm học Phạm Hữu Hùng (từng giảng dạy tại Trường ĐH Luật TP HCM, hiện công tác ở Singapore), ông có thời gian sinh sống tại thủ đô Bangkok - Thái Lan và khá bất ngờ khi thấy các cửa hàng, tạp hóa, quán ăn không có bảo vệ, người giữ xe máy. Ngoài nạn kẹt xe, người dân ở Bangkok ít lo lắng chuyện trộm cướp. “Tôi có thời gian tìm hiểu về cách quản lý an ninh trật tự ở một số nước trong khu vực Đông Nam Á. Thủ đô Bangkok của Thái Lan và Singapore thực hiện vấn đề này rất tốt. Tội phạm ít xảy ra, mọi diễn biến của các đối tượng có tiền án, tiền sự đều được quản lý chặt” - ông Hùng nói.
Ông Hùng cho rằng công tác quản lý hành chính là vấn đề mấu chốt để giảm bớt tội phạm. Trong đó, vai trò của công an cơ sở là quan trọng nhất. “Đây là lực lượng gần gũi, có mối quan hệ sát với người dân và địa bàn nhất. Mỗi khi có đối tượng lạ, đối tượng nghi vấn về sinh sống thì người biết đầu tiên chắc chắn là công an cơ sở. Nếu lực lượng này làm tốt công tác dân vận, tiếp xúc nhiều sẽ nắm bắt được mọi hoạt động của tội phạm. Vì vậy, tôi nghĩ không cần tổ chức các chuyên đề trấn áp tội phạm, truy quét tội phạm mà chỉ cần thực hiện tốt công tác quản lý địa bàn là được” - ông Hùng nhận định.
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, đại tá Nguyễn Sỹ Quang - Trưởng Phòng Tham mưu Công an TP HCM - cho biết trách nhiệm của lực lượng công an phường, công an khu vực là khi tiếp nhận thông tin trình báo thì phải cử lực lượng xuống hiện trường để xác minh, giải quyết vụ việc. “Thông thường, khi nhận được tin báo, lực lượng công an phải có mặt ngay để giải quyết chứ không có chuyện đến chậm hoặc không đến được. Chúng tôi đã nắm được những thông tin phản ánh từ Báo Người Lao Động và đang tiến hành xác minh” - ông Quang nói.
Theo Trung tướng Lê Đông Phong, Giám đốc Công an TP HCM, công an cơ sở là lực lượng gần dân, nắm bắt nhiều thông tin. Vì vậy, khi dân phản ánh thì công an phải có mặt ngay lập tức để ghi nhận. “Công an TP HCM đã triển khai kế hoạch chấn chỉnh hoạt động của lực lượng công an cơ sở” - ông Phong cho biết.
Chấn chỉnh cách làm việc
Ngày 14-6, UBND TP HCM đã có công văn khẩn gửi UBND các quận, huyện liên quan đến loạt bài “Công an cơ sở, anh ở đâu?” đăng trên Báo Người Lao Động.
Từ phản ánh của Báo Người Lao Động, UBND TP giao UBND 24 quận - huyện chỉ đạo công an quận - huyện, phường - xã chấn chỉnh lại tinh thần trách nhiệm, thái độ làm việc; xử lý triệt để thông tin do nhân dân cung cấp đến nơi đến chốn, nhất là những tin báo về tội phạm và tệ nạn xã hội.
Riêng UBND các quận Tân Bình, Gò Vấp và huyện Hóc Môn, UBND TP yêu cầu khẩn trương làm rõ nội dung phản ánh mà Báo Người Lao Động nêu; báo cáo kết quả xử lý.
P.Anh
SỸ HƯNG - LÊ PHONG

Tác động của vụ kiện Biển Đông đối với Việt Nam

Thanh Phương 
Theo RFI-13-06-2016 
Tác động của vụ kiện Biển Đông đối với Việt Nam  Các thuyền đánh cá của ngư dân Philippines đang hoạt động tại Scarborough. REUTERS/Erik De Castro   
Trong tháng 6 này, Tòa án Trọng tài Thường trực sẽ ra phán quyết về vụ Philippines kiện Trung Quốc về bản đồ đường “lưỡi bò”. Theo dự đoán của nhiều chuyên gia về luật pháp quốc tế, đây sẽ là một phán quyết có lợi cho Manila. Mặc dù Bắc Kinh đã nhiều lần nói là họ không thi hành phán quyết của tòa án mà họ không công nhận thẩm quyền xét xử, nhưng kết quả vụ kiện này chắn chắn sẽ có ảnh hưởng đến tranh chấp chủ quyền Biển Đông nói chung và đến việc đấu tranh giành chủ quyền của Việt Nam nói riêng.
Philipines đã chính thức nộp đơn kiện Trung Quốc từ tháng Giêng năm 2013 chiếu theo một điều khoản của Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển ( UNCLOS). Mặc dù Bắc Kinh phản đối đơn kiện, Tòa án Trọng Tài Thường trực vẫn thụ lý hồ sơ, vì UNCLOS cho phép hồ sơ kiện được tiến hành dù phía bị đơn tư chối và không tham gia vụ kiện.
Sau đó, đến tháng 12/2014, Trung Quốc ra một văn bản phủ nhận thẩm quyền xét xử của Tòa án Trọng tài. Nhưng trong hai phiên xử tháng 10/2015 và tháng 11/2015, Tòa án Trọng tài ra phán quyết là tòa có thẩm quyền xét xử 15 luận điềm của phía Philippines.
Nói một cách khái quát thì các luận điểm của Philippines chủ yếu nhằm chứng minh rằng yêu sách của quyền của Đường 9 Đoạn của Trung Quốc vi phạm UNCLOS và vì vậy không có giá trị pháp lý. Mặt khác, theo Philippines, một số thực thể mà Trung Quốc đang chiếm đóng không phải là “đảo” theo định nghĩa của UNCLOS mà chỉ là “đá” hoặc là “đất nổi” khi thủy triều xuống. Do đó, không có thực thể nào được hưởng quy chế vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý và thềm lục địa. Đá chỉ hưởng quy chế lãnh hải 12 hải lý. Còn đất nổi khi thủy triều xuống không có quy chế nào cũng như không có bất cứ quốc gia nào có thể đặt ra yêu sách chủ quyền đối với chúng.
Như vậy, phán quyết của Tòa án Trọng tài Thường trực về những luận điểm của Philippines sẽ có ảnh hưởng như thế nào đối với Việt Nam, quốc gia có lãnh thổ bị bản đồ đường “lưỡi bò” của Trung Quốc xâm lấn nhiều nhất? Sau đây mời quý vị nghe ý kiến của giáo sư Tạ Văn Tài, cựu giáo sư Đại học Luật ở Havard, trả lời phỏng vấn RFI từ Boston:

Giáo sư Tạ Văn Tài, Boston11/06/2016
http://vi.rfi.fr/viet-nam/20160613-tac-dong-cua-vu-kien-bien-dong-doi-voi-viet-nam#

Biển Đông : Trung Quốc đưa « sát thủ diệt ngầm » đến trấn Hoàng Sa

Trọng Nghĩa 
Theo RFI-14-06-2016 17:22 
media
 Hộ tống hạm 056 (NATO gọi là Giang Đảo - Jiangdao) của hải quân Trung Quốc @wikipedia 
Theo tiết lộ trên báo Nhật Bản The Diplomat, Hải Quân Trung Quốc hôm 08/06/2016, đã chính thức đưa một tàu hộ tống thế hệ mới loại 056A – thuộc lớp Giang Đảo (Jiangdao) - đến căn cứ Ngọc Lâm ở thành phố Tam Á trên đảo Hải Nam. Theo nhiều nguồn tin quân sự Trung Quốc, chiếc tàu này sẽ chủ yếu hoạt động trong vùng biển Hoàng Sa. Điều đáng nói là hộ tống hạm mới được trang bị hệ thống chống tàu ngầm.
Trích trang mạng quân sự Trung Quốc China Military Online, báo The Diplomat cho biết là loại chiến hạm mới này mang tên Khúc Tĩnh (Qujing), số hiệu 508, thuộc biên chế của Hạm Đội Nam Hải, và hoàn toàn do Trung Quốc chế tạo, có năng lực « tàng hình » tốt và có thể tấn công mọi phương tiện trên không, trên biển, và dưới mặt nước.
Chuyên san quốc phòng Anh Jane’s Defense Weekly còn cho biết thêm là có khả năng chiến hạm mới này sẽ thuộc quyền điều động của hải đội khinh hạm số 26, mà địa bàn hoạt động nằm ở ngoài khơi căn cứ Hoàng Phố (Yangpu) gần Vịnh Bắc Bộ. Hải đội này đã có hai tàu hộ tống loại 056, cũng thuộc lớp Giang Đảo, nhưng kiểu 056A tối tân hơn vì có thêm khả năng chống tàu ngầm. Báo chí Trung Quốc đã mệnh danh loại tàu này là « sát thủ chống ngầm ».
Việc tăng cường chiến hạm chống tàu ngầm đến vùng biển Hoàng Sa được quyết định ít lâu sau khi Trung Quốc bị bất ngờ trước việc Hải Quân Mỹ cho khu trục hạm tiến vào tuần tra bên trong vùng 12 hải lý của đảo Tri Tôn thuộc quần đảo Hoàng Sa. Sự hiện diện của loại tàu chống ngầm Trung Quốc ở trong khu vực được cho là sẽ có một sức răn đe nhất định.
Cũng theo Jane’s Defense Weekly, chiếc Khúc Tĩnh là tàu hộ tống chống ngầm thứ 26 của Trung Quốc hiện đang hoạt động, trong đó có 10 chiếc thuộc biên chế của Hạm Đội Nam Hải, chịu trách nhiệm khu vực Biển Đông. Trong năm nay, Hải Quân Trung Quốc dự kiến sẽ bổ sung thêm cho Hạm Đội Nam Hải của họ năm hộ tống hạm trang bị tên lửa, chủ yếu là loại 056.

Dân tộc và dấu hiệu một cơn bão tố

Nguyễn Quang Dy 

Theo BBC-14 tháng 6 2016 

Image copyrightFB TRINH MINH HIEN
Image captionNhiều đợt biểu tình về việc cá chết hàng loạt tại miền Trung đã nổ ra tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và một số tỉnh thành khác trên cả nước hồi tháng 5/2016
“Cuộc sống bắt đầu khi nỗi sợ kết thúc - Life begins where fear ends” (Osho).
Gần đây, ngày càng có nhiều dấu hiệu bất thường về tâm trạng của cộng đồng dân tộc. Nó giống như những dấu hiệu của một cơn bão tố hay sóng thần.
Nếu đúng vậy, thì đây là một vấn đề lớn chứ không nhỏ. Phủ nhận hay bưng bít thông tin về một cơn bão tố hay sóng thần là dại dột như tự sát tập thể. Không phải chỉ các chính khách hay thương gia mà cả các nhà tâm lý xã hội học cũng cần quan tâm, vì hệ quả khôn lường của nó.
Người ta có thể tháo ngòi một quả bom nổ chậm chứ không thể tháo ngòi một cơn bão tố hay sóng thần. Đài Khí tượng Thủy văn (như Ban Tuyên giáo) chỉ có thể dự báo hay cảnh báo, chứ không thể ngăn chặn hay đối phó được với thảm họa môi trường hay khủng hoảng xã hội.
Hãy thử điểm lại vài dấu hiệu điển hình gần đây.

Từ đám cháy Bình Dương và Vũng Áng

Chắc nhiều người chưa quên việc Trung Quốc đem giàn khoan khổng lồ HD981 vào hải phận Việt Nam tại Biển Đông (5/2014) đã tạo ra phản ứng dây chuyền, làm toàn dân phẫn nộ.
Sự kiện đó không chỉ là bước ngoặt mới trong quan hệ Việt-Trung mà còn thúc đẩy xu hướng “thoát Trung” trong tâm thức người Việt.
Tuy kinh nghiệm lịch sử đã chứng minh, thân Tàu quá hay chống Tàu quá đều nguy hiểm, nhưng xu hướng cực đoan khó tránh khỏi. Chỉ cần một số kẻ xấu giấu mặt xúi dục là có thể biến cả khu công nghiệp Bình Dương hay Vũng Áng thành biển lửa chống Tàu (và Đài Loan).
Image copyrightAFP
Image captionNhiều nhà máy, cơ sở sản xuất của các công ty Đài Loan, Trung Quốc tại Bình Dương đã bị đốt phá trong đợt bạo loạn hồi 5/2014
Tại sao lại như vậy?
Có nhiều nguyên nhân, nhưng nói một cách dễ hiểu, tâm trạng dân chúng như đám cỏ khô.
Đối với hàng vạn công nhân làm việc trong các doanh nghiệp nước ngoài thì chống Tàu đồng nghĩa với chống giới chủ, vì họ bị bóc lột và đối xử bất công nhưng không được bênh vực.
Tâm trạng đó của dân chúng không phải chỉ có ở Việt Nam mà có ở khắp nơi. Nhưng đám cỏ khô ở Việt Nam dễ cháy hơn vì vai trò công đoàn mờ nhạt. Vì vậy, khi tham gia TPP chính phủ Việt Nam phải chấp nhận vai trò công đoàn độc lập như một cơ chế mới.

Đến biểu tình “cá cần biển sạch, dân cần minh bạch”

Có thể nói sự kiện lớn thứ hai sau vụ dàn khoan HD981 là sự kiện cá chết hàng loạt tại bờ biển mấy tỉnh miền Trung, không chỉ đánh dấu một thảm họa môi trường mà còn là một bước ngoặt mới về tâm thức chống Tàu (hay Formosa) và bất bình với cách ứng xử loanh quanh khó hiểu của chính quyền.
Tuy phản ứng lần này của dân chúng ôn hòa hơn nhưng lại bị đàn áp bạo lực hơn. Đây là một chuyển biến đáng lưu ý trong diễn biến chính trị tại Việt Nam, cần được nghiên cứu và lý giải nghiêm túc.
Thái độ phản ứng của dân chúng đối với thảm họa môi trường làm cá chết gắn liền với thái độ độc đoán của chính quyền đối với quyền ứng cử và bầu cử của người dân. Hai vấn đề tưởng khác nhau, nhưng có cùng một mẫu số chung.
Image copyrightTIN MUNG CHO NGUOI NGHEO
Thực ra, thái độ phản ứng của dân chúng hiện nay là muốn tham gia (xây dựng) chứ không muốn chống đối (phá hoại).
Họ bất bình chẳng qua vì cuộc sống và môi trường sống bị đe dọa, trong khi chính quyền đáp ứng quá chậm và quá ít (too little too late), thậm chí bị nghi ngờ là bao che cho nghi phạm (Formosa).
Tuy xu hướng giảm cực đoan trong phản ứng của dân chúng là một dấu hiệu đáng mừng (như đang trưởng thành), nhưng xu hướng gia tăng bạo lực đàn áp của chính quyền là một dấu hiệu đáng lo (như đổ thêm dầu vào lửa).
Hành động bưng bít thông tin, trì hoãn kết luận, tăng cường đàn áp bằng bạo lực, từ chối quốc tế (Mỹ) giúp đỡ, làm cho chính quyền ngày càng bị cô lập và mất lòng dân. Nếu không kịp thời tháo gỡ tình trạng bế tắc đó (như “standoff”) thì một cơn bão tố hay sóng thần có thể ập tới.

Hiện tượng Tạ Bích Loan và Tôn Nữ Thị Ninh

Tại sao MC Tạ Bích Loan lại bị “ném đá”?
Đây không chỉ đơn giản là “tại nạn nghề nghiệp” vì người làm chương trình chủ quan không chuẩn bị kỹ hay kinh nghiệm truyền thông còn non kém, mà chủ yếu là do thái độ (vô ý hay chủ ý) như châm lửa vào một đám cỏ khô chứa chất tâm trạng bức xúc như bột lưu huỳnh.
Format chương trình “60 phút mở” không tồi (bắt chước “60 Minutes” của CBS News), nhưng thái độ của MC Tạ Bích Loan và người phụ họa đã biến nó thành một chương trình “60 phút đóng” (như “đấu tố” MC Phan Anh) làm công chúng bất bình. Với tâm trạng bức xúc, công chúng sẵn sàng “ném đá” bất cứ ai hoặc cái gì làm cho họ cảm thấy bị coi thường hay xúc phạm, như một dám cỏ khô dễ cháy.
Tiếp theo Tạ Bích Loan là Tôn Nữ Thị Ninh.
Cả hai đều là “người của công chúng” (celebrity) nên khi làm công chúng thất vọng, họ càng dễ bị “ném đá”.
Có lẽ vấn đề của hai vị này không phải là trình độ mà là thái độ: Không nên coi thường công chúng!
Image copyrightOTHER
Image captionChương trình '60 phút mở: Động cơ đằng sau mỗi chia sẻ trên mạng xã hội là gì?” của VTV và MC Tạ Bích Loan đã gây phản ứng dữ dội trên mạng xã hội
Cần lưu ý dư luận phản ứng hai bài của bà Ninh không phải là công chúng bình dân, mà hầu hết là trí thức (cả hai phía). Thái độ phản ứng của họ khác với phản ứng của dân chúng đã từng đốt các doanh nghiệp Trung Quốc (hay Đài Loan) tại Bình Dương và Vũng Áng trước đây. Với tâm trạng đầy bức xúc, người ta có thể biến “Tôn Nữ” thành “Thị Ninh” (như một “coup de grace”)…

Và những chuyện lạ khác…

Không biết do bức xúc hay vì lý do gì khác mà nhân “ngày báo chí cách mạng Việt Nam”, tổng biên tập báo Petro Times đã đăng một bài với cái tít gây sốc, “ Nghề phóng viên là phải như con chó ấy” (Nguyễn Như Phong, Petro Times, 10/6/2016).
Ông Phong kết luận, “chó muốn giỏi thì cũng phải nuôi dạy và phóng viên muốn giỏi thì ngoài năng khiếu trời cho, cũng phải được dạy dỗ, rèn luyện tử tế. Và chó khôn nhờ chủ, muốn có phóng viên giỏi cũng phải nhờ chủ”.
Không biết đọc xong bài này có bao nhiêu phóng viên muốn trả thẻ nhà báo?
Trong chương trình truyền hình trực tiếp của VTV2 (tối 11/6/2016) về lễ trao giải cuộc thi “những tấm gương bình dị mà cao quý” của báo Quân đội Nhân dân, người ta thấy xuất hiện trên nền phông sân khấu bức tranh cổ động “học tập trước tác Mao Trạch Đông”. Tuy chưa biết sự cố này là do vô ý hay cố ý, nhưng nó lập tức lan truyền trên mạng và gây phản ứng mạnh, do tâm trạng bức xúc của công chúng, như đám cỏ khô dễ bắt lửa.
Cùng ngày 11/6/2016, báo chí “lề phải” và “lề trái” đồng loạt đưa tin “TBT Nguyễn Phú Trọng đã giao Ủy ban Kiểm tra TƯ chủ trì, phối hợp với Ban Nội chính TƯ, Ban Tổ chức TƯ, Bộ Công an, Ban Cán sự Đảng bộ Công thương, bộ Tài chính, Kiểm toán Nhà nước, Ban Thi đua Khen thưởng TƯ, tỉnh ủy Hậu Giang và Tập đoàn Dầu khí VN khẩn trương kiểm tra, xem xét, kết luận những nội dung mà báo chí đã nêu đối với ông Trịnh Xuân Thanh, Phó chủ tịch Hậu Giang”…
Những nội dung TBT yêu cầu kiểm tra không chỉ là việc ông Thanh đi xe Lexus cá nhân biển trắng đổi thành biển xanh mà còn là quá trình bổ nhiệm ông Thanh. Sau Đại hội Đảng, phải chăng đây là phát súng khởi đầu cho chiến dịch “đả hổ diệt ruồi” kiểu Việt Nam, mà điểm dừng hay hệ quả của nó chưa biết trước sẽ ra sao?

Hệ quả không định trước

Một điều nữa cần lưu ý là các cuộc biểu tình tại Hà Nội và Sài Gòn gần đây cho thấy tầng lớp trung lưu và trí thức (gồm cả quan chức) không còn ngồi yên hay đứng ngoài cuộc mà đã bắt đầu tham gia và xuống đường.
Có lẽ vấn đề bảo vệ môi trường và quyền bầu cử - ứng cử của công dân đã dẫn đến phân hóa xã hội sâu sắc, bao gồm cả các tầng lớp trên. Không thể dễ dàng chụp mũ nói rằng họ bị thế lực thù địch nào đó xúi dục. Đàn áp bằng bạo lực là một sai lầm lớn, có thể dẫn đến một bước ngoặt mới (game changer).
Công chúng nghèo (công nhân và nông dân) có thể không biết hoặc ít sự lựa chọn, nên dễ chấp nhận và cam chịu số phận.
Nhưng tầng lớp trung lưu và trí thức thì khác. Nếu quá bất bình và bất an, họ có thể bỏ ra nước ngoài, đem theo tài sản. Con cái họ du học có thể không về nước.
Image copyrightGETTY
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan có lần thốt lên, “lấy ai xây dựng đất nước đây?” Nhưng chính con cháu hầu hết các quan chức lãnh đạo các cấp đều ở nước ngoài (nhưng không phải Trung Quốc). Mặc dù họ có thể thân Tàu hay “chống Mỹ”, nhưng chẳng quan chức nào cho gia đình sang Trung Quốc cư trú, mà chỉ đi Mỹ, Canada, Australia hoặc Tây Âu…
Thực tế phong trào di cư như “bỏ phiếu bằng chân” (và bằng tiền) đã và đang âm thầm diễn ra.
Theo thống kê, dòng người và dòng tiền từ Việt Nam (cũng như Trung Quốc) đang ra đi ồ ạt.
64% người giàu Trung Quốc (có trên 1,6 triệu USD) đã hoặc định di cư ra nước ngoài. Trong 10 năm qua, 14.000 tỷ USD đã chạy khỏi Trung Quốc (riêng năm 2015 là 1.000 tỷ USD).
Còn Việt Nam thì sao?
Năm 2015, riêng loại visa EB-5 (dành cho các doanh nhân muốn đầu tư và định cư ở Mỹ) đã tăng vọt lên 17.662 suất (so với 6.418 suất năm 2014). Người ta nói đồng tiền không những “biết nói” (money talks) mà còn “biết đi” (it walks). Theo tiến sỹ Vũ Quang Việt, trong 6 năm (2008-2013) 33 tỷ USD đã chạy khỏi Việt Nam bất hợp pháp.
Hai năm qua xu hướng này càng tăng nhanh, như một nghịch lý đầy bi kịch của đất nước này.
Trong bối cảnh ngân sách quốc gia đang bị thâm hụt và khủng hoảng thiếu do bội chi ngân sách và nợ công quá nhiều, trong khi nguồn vay ODA cạn kiệt, thì xu hướng này có thể là một thảm họa.
Nhưng không ai ngăn cản được người dân ra đi khi thực thẩm và nước uống không an toàn, khi không khí bị ô nhiễm, khi các dòng sông và nước biển bị nhiễm độc làm tôm cá chết, và các quyền cơ bản của người dân trong hiến pháp bị tước đoạt.

'Đổi mới thể chế hay là chết'

Image copyrightGETTY
Bối cảnh trong nước và quốc tế đang thay đổi, với tam giác Mỹ-Trung-Việt đang chuyển động, từ khi Việt Nam quyết định gia nhập TPP sau Đại hội Đảng XII, nhất là sau chuyến thăm Mỹ của TBT Nguyễn Phú Trọng (7/2015) và chuyến thăm Việt Nam của TT Barack Obama (5/2016) với triển vọng đối tác chiến lược Việt-Mỹ.
Vấn đề đặt ra hiện nay là muốn hay không Việt Nam buộc phải đổi mới thể chế và tăng cường hợp tác với Mỹ, vì sự sống còn của nền kinh tế (nguy cơ vỡ nợ) cũng như an ninh quốc gia (nguy cơ mất hết chủ quyền biển đảo).
Trong khi đó kinh tế Trung Quốc đang khủng hoảng và suy tàn, có thể suy sụp nhanh hơn dự kiến.
Một dấu hiệu mới là tỷ phú George Soros đang “tái xuất giang hồ” sau khi dự đoán Trung Quốc sẽ “hạ cánh cứng” (hard landing).
Thực ra Mỹ không sợ Trung Quốc quá mạnh, mà lại sợ Trung Quốc khủng hoảng và sụp đổ, vì họ được lợi lộc nhiều hơn là thiệt hại khi kinh tế Trung Quốc phát triển. Trung Quốc khủng hoảng sẽ đe dọa kinh tế Mỹ cũng như kinh tế toàn cầu, với “cái bẫy phụ thuộc lẫn nhau” (economic co-dependency trap).
Trong bối cảnh đó, Việt Nam làm gì và đi về đâu, hay cứ đứng ngẩn ngơ tại ngã ba đường?
Bài viết phản ánh văn phong và quan điểm của tác giả, nhà ngoại giao, nhà nghiên cứu, hiện sống ở Hà Nội. Bài viết được tác giả cho phép đăng trên trang BBC Tiếng Việt.

Con đường ắt phải đi, mục tiêu ắt phải đến

Cá chết hàng triệu con trải dài 200 km ngậm miệng. Con người có trách nhiệm ngậm tăm. Cá câm, người cũng câm. Lạ thế!
Đây là tình hình kỳ quặc, quái dị hiện nay.
Hai tháng trời trôi qua, đảng CS và chính phủ mới vẫn ngậm tăm, mặc cho lòng dân cháy bỏng muốn tìm ra nguyên nhân sớm nhất.
Cho đến nay vẫn chỉ là lời hứa suông, rằng sẽ cho điều tra thêm, sẽ huy động các chuyên viên trí thức ngành bảo vệ môi trường vào cuộc, mời chuyên gia quốc tế giúp sức, công khai kết quả và từ đó sẽ truy ra tội phạm và sẽ áp dụng luật pháp truy cứu trách nhiệm bất cứ ai phạm pháp trong vụ án lớn tác động đến cuộc sống hàng ngày của hàng chục triệu dân cư.
Thế rồi các báo lề phải báo tin: 'đã tìm ra đích danh thủ phạm'. ‘Khả năng tai họa do con người tạo ra, chứ không phải do thiên tai,không phải do tự nhiên của thủy triều đỏ..’ Rồi có báo hé ra rằng: 'trách nhiệm chính đã rõ là từ Công ty Formosa, đã tự thiết kế đường ống chưa hề được thông qua trong dự án, đã nhập số độc tố rất lớn tùy ý dùng, không được duyệt trước, rồi tự ý xử dụng theo lượng rất cao hàng trăm, ngàn tấn mà phía VN không hề biết gì, nghĩa là họ không coi chủ quyền VN ra gì cả’’, ‘’Công ty tuy mang danh hiệu của Đài Loan nhưng đằng sau đó là người của Bắc Kinh, cán bộ kỹ thuật Bắc Kinh, công nhân kỹ thuật và công nhân phổ thông đều người của Bắc Kinh đông nhất’’, và: ‘’ Đi cùng với ống xả chất độc rất nặng xuống đáy biển Kỳ Anh, nhiều tàu đánh cá biển TQ đã bị thấy đổ tháo xuống biển Đông rất nhiều lần đồ phế thải, trong đó có thể có nhiểu chất có độc tố cao, làm cho cá và các rặng san hô dưới đáy biển bị chết trắng hàng loạt’’.
Rồi còn những nhân chứng sống. Các thợ lặn ở Hà Tĩnh và Nghệ An chết sau khi lặn xuống đáy biển lên,có người bị ốm nặng kéo dài và tả lại sự nhiễm độc ra sao, các gia đình bị nhiễm độc vì ăn cá nục và tôm tép biển trong vùng, lên đến vài ngàn người...
Tất cả đều hoàn toàn đầy đủ cấu thành thành một vụ án cực lớn; 'Cố tình hủy hoại môi trường biển trên quy mô rộng lớn, gây hậu quả nặng nề và lâu dài cho hàng chục triệu ngư dân ven biển miền Trung'. Cơ quan điều tra của Bộ Công An, Viện Kiểm Sát Nhân dân Tối cao, Thanh tra chính phủ lẽ ra đã phải vào cuộc sớm, cùng với các phái viên các Bộ Nông nghiệp, Tài nguyên Môi trường, Kế hoạch đầu tư đã có mặt từ hai tháng nay rồi. Thế nhưng các cơ quan chấp pháp ấy vẫn bất động một cách bí hiểm. Họ bận chống các chiến sỹ Dân chủ. Khôn nhà dại chợ, hèn với giặc, ác với dân là thế.
Đồng thời phải truy tố các quan chức VN vì tham lam thông đồng với tư bản Tàu làm hại cho đất nước ta về mọi mặt.
Một điều bí hiểm không kém là một số bài báo trên Pháp Luật và Tuổi trẻ khi ẩn khi hiện như ma trơi, úp úp mở mở, lúc công khai khi bí mật , một kiểu không dám che dấu, im bặt thông tin như cũ, mà dở trò ẩm ương, vừa nể công luận vừa sợ chính quyền toàn trị, cho lên, rút xuống như trò đùa.
Thế nhưng thử hỏi họ chơi trò ú tim như thế được bao lâu nữa? Rồi Chính phủ phải họp thường kỳ đầu tháng sáu này, Quốc hội mới phải ra mắt và họp phiên đầu có diễn văn Khai mạc và Chương trình công việc trước mắt, lại còn Chính phủ mới được bàu lại và sẽ ra mắt quốc dân, tất cả với các cuộc họp báo đã thành nếp. Họ phải mở mồm. Trốn và tránh mãi sao được.
Trong tình hình một nước đàng hoàng có đầy đủ chủ quyền, gặp trường hợp trên đây, họ sẽ giải quyết ra sao? Các Công ty Formosa sẽ bị truy rố ra tòa, các Dự án hóa chất, sắt thép, cầu cảng trong vùng sẽ bị chấm dứt, các cán bộ và công nhân TQ sẽ bị yêu cầu rời VN về nước, các tổn thất mọi mặt phía TQ phải đền bù cho Nhà nước và nhân dân VN.
Rồi sao nữa. Nhân dân qua vụ án lớn này sẽ yêu cầu đảng CS và Nhà nước xem xét kỹ lại mọi dự án do phía TQ nhận thầu , và yêu cầu chấm dứt các dự án làm hại Môi trường như Bô xít, Thủy điện, Hóa chất, Gang thép, Cầu đường..., vì tất cả các dự án đó đều bị áp đặt, với những thiệt thòi nặng nề cho phía VN, như kéo dài thi công, thiết bị quá cũ, giá thành quá đắt, năng xuất quá thấp, lại không an toàn cho cư dân địa phương, hại nhiều hơn lợi.
Theo hướng đó lực lượng Công an có nhiều việc phải làm mới mẻ cần thiết, thật sự vì nước vì dân. Hãy đến các hộ người Tàu, kiểm tra giấy tờ của họ xem có hợp pháp hay không, họ có buôn gian bán lậu, nhập hàng giả hàng xấu độc không, trốn thuế , thông đồng với quan chức cướp đất của nông dân không ? có những ổ cờ bạc bịp, xì ke ma túy không.Công an hãy chuyển hẳn các lực lượng chuyên rình mò các anh chị em Dân chủ, bao vây, canh gác, bám sát họ sang lực lượng làm các việc trên đây, vừa có ý nghĩa chính trị, chính nghĩa, có lợi cho dân cho nước.
Làm gì mà phải dùng đến 70 nhân viên Công an để bám chị Cấn Thị Thêu từ Hà Nội lên Hòa Bình. Vừa hèn vừa vô ích. Mà không dám đụng đến bọn Tàu phạm pháp.
Đó là khởi đầu của quá trình Thoát Trung tất yếu vì kết bạn tốt với ai là quyền của nhân dân ta, quan hệ kinh tế chặt chẽ với ai là quyền của dân ta, huống chi tất cả trục trặc, trở ngại, xấu xa xảy ra đều do phía TQ cậy thế nước lớn gây nên.
Cứ như ông trời có mắt thương dân ta nên đã làm cho TQ lộ rõ bộ mằt tàn bạo thâm hiểm ở Hà Tĩnh, để rồi dun dủi cho ông Obama sang tận VN chìa bàn tay thân thiện ấm cúng đúng vào dịp này. Dân mê tơi là phải lắm. Ông trùm Công an, trùm trại giam lớn là Chủ tịch nước mặt đưa tang khi tiếp khách miễn cưỡng những ngày qua là phải đạo lắm. Ông Tổng Trọng như thất thần mất sổ gạo hồi nào. Tư thế lãnh đạo của đảng CS lung lay tận gốc.
Đường lối thoát Trung ắt phải là con đường tất yếu để thoát hiểm, và mục tiêu ắt phải đến là kết thân toàn diện, mặn mà không lưỡng lự với Hoa Kỳ và thế giới Dân chủ Nhân quyền càng sớm, càng chặt càng tốt cho nhân dân VN ta.
* Blog của nhà báo Bùi Tín là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.

Quan chức cho con đi du học: dấu hiệu của tham nhũng

Tuankhanh06/14/2016 - 23:32 

"Tiền tham nhũng có thể dùng để trả học phí cho các trường nước ngoài"
Một bài viết trên tờ Times of London (Anh) vừa lên tiếng trong ngày 11/06/2016, cho biết nhiều trường đại học và tư thục đang bị cáo buộc là nhận các học sinh du học đến Anh, nhưng làm ngơ hoặc im lặng về nguồn gốc của các lượng tiền lên đến hàng triệu bảng Anh, nhiều khả năng là tiền tham nhũng, tiền bẩn từ các nước khác.
Ngành giáo dục Anh chỉ hợp tác và đưa ra ánh sáng được 9 trường hợp trong số 382.000 báo cáo cho chính quyền, qua các đợt điều tra về rửa tiền đến từ nước ngoài, trong niên khóa 2014-2015. Các nhà hoạt động chống tham nhũng nói rằng đã có một lỗ hổng để các luồng tiền tham nhũng được "rửa" thông qua các trường trung học và cao đẳng, đại học, mà những nơi này giờ cầb có nghĩa vụ báo cáo những nghi vấn cho Cơ quan tội phạm quốc gia để ngăn chặn và giám sát chặt chẽ loại tiền này.
Các nhà hoạt động nhằm vận động minh bạch các nguồn tiền này nói rằng hệ thống giáo dục của những quốc gia phát triển đang là điểm đến cho cá nhân tham nhũng ở nhiều nước. Việc đưa con cái đi du học đang thịnh hành, nhằm để tạo danh thơm cũng như chuyển hợp pháp tiền bạc tham nhũng, tiền bẩn qua ngã đóng học phí cho trường học và các trường cao đẳng, hiến tặng tiền cho các khoa trường đại học, hỗ trợ cho các dự án nghiên cứu.
Đừng ngạc nhiên khi các quốc gia nghèo khó ở Châu phi hay các nước luôn lên giọng thù ghét phương Tây hoặc chế độ tư bản như Trung Quốc, Iran, Việt Nam... thậm chí là Bắc Triều Tiên, con cái các quan chức, lãnh đạo... vẫn được âm thầm đưa đi du học ở Mỹ, Úc, Canada, Anh, Thụy Sĩ... với những chi phí lớn đi kèm như xe, nhà riêng... lên đến hàng triệu Mỹ kim. 
Câu hỏi đơn giản, là với mức lương tuyên bố rất cần kiệm của nhiều quan chức - cụ thể như ở Việt Nam - làm sao họ có thể cho con cái lần lượt đi du học, sắm sửa mọi tiện nghi mà chính người bản xứ lao động cật lực cũng phải ngạc nhiên. Không khó để điều tra, cái khó là làm sao luôn tỉnh táo trước những chương trình chống tham nhũng ở các quốc gia đó luôn kêu vang, mà thực chất là để trình diễn trước đám đông. 
Ngay ở Trung Quốc, từ các hồ sơ báo cáo về các quan chức tham nhũng đã chuyển một lượng tiền lớn ra nước ngoài, người ta thấy rằng việc muốn minh bạch không khó. Tân Hoa Xã cho hay hiện đã có hơn 4.000 quan chức tham nhũng mang theo 5 tỉ nhân dân tệ đang cùng gia đình sống ung dung ở nước ngoài như Mỹ, Canada, Úc, New Zealand... là một trong những vấn đề nhức nhối cảnh báo. Nhưng đó chỉ là phần nổi của tảng băng chìm trong thế giới tham nhũng và đào thoát của quan chức chế độ độc tài.
Bản tin nhận định rằng, thông lệ và dễ nhận ra, các quan chức đó "thông qua tuyến du học của con cái đưa vợ con đi trước, bản thân vẫn ở trong nước tiếp tục vơ vét rồi lặng lẽ đi sau, vào thời điểm nào đó".
Chỉ riêng tại Anh, học phí du học đã đóng góp 7 tỷ bảng cho nền kinh tế Anh mỗi năm, trong đó 2,3 tỷ bảng là học phí và sinh hoạt cá nhân của giới du học sinh tại London. Các nhóm chống tham nhũng ở Anh con sinh hoạt phí số đó cũng lý giải phần nào chuyện giàu có bất thường của các bộ phận tuyển chọn sinh viên.
Hiện tại ở Anh, học sinh nước ngoài đến từ các quốc gia có vấn đề tham nhũng như Nga và Trung Quốc, đang chiếm hơn một phần ba học sinh tại các trường nội trú.
Những báo cáo về nạn rửa tiền tham nhũng qua du học, đang dấy lên nhiều mối quan tâm tầm quốc tế. Thậm chí, việc các trường đại học nhận các khoản đóng góp từ các nhân vật gây nhiều tranh cãi, cũng là lý do để mọi người xét lại giá trị của đồng tiền đó. Chẳng hạn như đại học Cambridge từng nhận tiền tài trợ cho chương trình nghiên cứu Ukraine từ Dmitry Firtash, người sau đó bị buộc tội hối lộ ở Mỹ. Robert Barrington, giám đốc của Cơ quan Minh bạch Quốc tế Vương quốc Anh (Transparency International UK) nói rằng ngành giáo dục hôm nay cần phải đóng một vai trò lớn hơn nữa trong việc minh bạch tài chính.
Cơ quan cho thuê nhà trong London, nằm trong vùng Kensington và Westminster nói rằng sinh viên giàu có ở nước ngoài có "nhiều tiền mua nhà hơn cả những người của công ty chúng tôi, kể cả những người đang làm trong ngành ngân hàng".
Nhiều năm nay, các khu người Việt giàu có, với các chủ nhân trẻ và bí ẩn đến từ Việt Nam, cũng là đề tài bàn tán ở Mỹ hay ở Úc. Thậm chí những người Việt định cư lâu năm, thành đạt kể từ khi vượt biển năm 1975 cũng phải ngạc nhiên về mức độ mua sắm, tiêu xài của những "người mới đến" này.

Phenol và giải pháp im lặng vẫn còn đó

Mặc Lâm, biên tập viên RFA 2016-06-14 
ca-phenol-622.jpg
 Cá đông lạnh nhiễm độc trong kho của Vựa cá Dũng Thuộc tại thị trấn Cửa Tùng, huyện Vĩnh Linh, Quảng Trị hôm 13/6/2016. Courtesy photo
30 tấn cá nhiễm độc phenol tại Quảng Trị đang là vấn đề lớn của chính phủ. Thế nhưng thái độ im lặng của cơ quan chức năng cộng với biện luận của chuyên gia liên quan đến an toàn thực phẩm càng làm cho dư luận trở nên mất phương hướng và vì vậy việc giải quyết càng mù mờ và khó khăn hơn.

Nhiễm độc nhưng có thể ăn?

Ngày 7 tháng 6 vừa qua, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Quảng Trị tiến hành kiểm tra số hải sản tại vựa cá Dũng Thuộc tại thị trấn Cửa Tùng, huyện Vĩnh Linh phát hiện 30 tấn cá nục có hàm lượng phenol là chất cấm dùng trong thực phẩm. Việc phát hiện này làm bùng lên sự lo ngại trong người dân và giải pháp cho phép người dân được mua bán cá nếu chúng được đánh bắt xa bờ của Bộ trưởng Cao Đức Phát phải phá sản.
Phát hiện này gây thiệt hại lớn và trước nhất là cho chính người chủ vựa cá là bà Lê Thị Thuộc, vì với trên 100 tấn cá trong kho của bà chắc chắn sẽ không bán được cho ai vì chất độc phenol, mặc dù không phải tất cả số cá đều nhiễm độc nhưng với người tiêu dùng họ không thể liều lĩnh đem mạng sống của cả gia đình ra làm vật thí nghiệm cho một bữa ăn được nấu bằng những con cá chết vì chất độc.
Tôi chắc chắn với anh là khi cá bị chết một cách tự nhiên như thế mà chưa xác định được nguyên nhân chứ đừng nói là đã xác định được nguyên nhân thì đều không được sử dụng.
-Nguyễn Thị Kê
Số cá này ban đầu người dân tưởng là do ham lợi nên chủ thu mua từ các ghe thuyền địa phương nhưng khi báo chí tìm hiểu mới biết là số cá này bà Thuộc đã mua từ tàu đánh bắt xa bờ và bà có giấy chứng nhận an toàn do địa phương cấp. Nói với phóng viên báo VNExpress bà Lê Thị Thuộc bày giải:
“Cá đó chỉ lấy ở Quảng Trị, Quảng Bình, tàu đánh bắt xa bờ vào từ 30 hải lý trở ra, số lượng 1 cân là 25 ngàn là giá tiền còn khô thì 65 ngàn. Vì nhà nước nói biển khơi là an toàn nên dân mua trong giai đoạn đi biển về mà cá làm ra không ai ăn, mình là vựa cá thì mình phải mua cho tàu cất vào kho cái đã để giải quyết cho tàu bè cái đã vì khi cập vào thì nhà nước nói là cá an toàn ở biền khơi thì mình mua vào.”
Lệnh của Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát trước đó vài ngày đưa ra cho người dân Thừa Thiên – Huế rằng nếu cá được đánh bắt xa bờ từ 20 hải lý trở lên thì hoàn toàn có thể tiêu thụ được.
Theo thông tin từ các nguồn độc chất và thực phẩm cho biết phenol là chất có tính độc. Nó làm co giật, ngất, trụy tim, hư thận, gan và gây bỏng nặng nếu tiếp xúc trực tiếp vào da.
Phát xít Đức từng dùng phenol để chế tạo hơi ngạt giết người hàng loạt do tính năng tấn công hệ hô hấp và thần kinh của con người của nó. Nó không giết người ta ngay nhưng nó mang lại cái chết êm ái vì nó thơm như mùi xăng thơm.
nguyen-duy-thinh-400.jpg
PGS-TS Nguyễn Duy Thịnh chuyên gia Viện Công nghệ Sinh học và thực phẩm của trường Đại học Bách Khoa Hà Nội. Photo courtesy of vnn
Mặc dù phenol được biết tới là một độc chất nhưng một chuyên gia giảng dạy tại Đại học Bách Khoa Hà Nội là PGS-TS Nguyễn Duy Thịnh chuyên gia Viện Công nghệ Sinh học và thực phẩm của trường cho rằng cá nục nhiễm phenol không đáng ngại nếu rã đông tốt thì có thể ăn được.
Theo PGS Thịnh, phenol là chất độc nhưng mức độ ảnh hưởng đến cơ thể thế nào còn phụ thuộc vào nồng độ hấp thụ, chưa kể phenol khi vào cơ thể sẽ được bài tiết một phần qua da, nước tiểu.
PGS Thịnh khẳng định: “Với hàm lượng 0,037mg/kg, nếu một gia đình 4 người ăn 1kg thì nồng độ chỉ còn 0,009mg/ngày. Lượng ăn này không nhiều, khi vào cơ thể không đủ tác động ngay, lại bị đào thải một phần nên không đáng ngại”
Từ nhận định trên ông Thịnh cho rằng không nhất thiết phải tiêu huỷ vì 30 tấn cá rất nhiều tiền, có khi cả cơ nghiệp của người dân. Hợp chất phenol rất dễ hoà tan trong nước, nên có thể xử lý bằng cách rã đông cá tự nhiên và sau đó người dân có thể dùng được.
Nhận xét này của ông Thịnh nhanh chóng lan ra khắp nơi và số người phản biện ngày càng nhiều. Giáo sư Nguyễn Thị Kê nguyên giám đốc Viện Vệ sinh y tế công cộng thuộc Bộ Y tế cho biết:
“Tôi chắc chắn với anh là khi cá bị chết một cách tự nhiên như thế mà chưa xác định được nguyên nhân chứ đừng nói là đã xác định được nguyên nhân thì đều không được sử dụng hết. Xử lý không phải là đổ xuống hồ, xuống sông đâu mà người ta chôn hay cho hóa chất vào để mà tiêu hủy. Vừa rồi tại các tỉnh miền Trung người ta đều có chỉ đạo làm như vậy hết.”
Bác sĩ Đinh Đức Long cho biết nguyên tắc căn bản của chất độc khi vào cơ thể con người khác xa với các loại sinh vật khác vì chất độc không thể tiêu diệt bằng cách đun nóng:
“Tôi không phải chuyên gia sâu về nhiễm độc học nhưng chất đấy theo tôi biết không được sử dụng trong thực phẩm, như vậy nó là chất cấm. Nếu đã là chất không bình thường rồi thì anh có nấu chín chăng nữa thì nó vẫn nằm trong thức ăn thôi trừ phi nó là sinh vật thì anh nấu chín nó sẽ chết, tất nhiên ở một nhiệt độ cao nhất định còn bình thường khi là chất hóa học thì anh có nấu gì thì nó vẫn còn trong thức ăn và nếu sử dụng thì chúng ta sẽ gặp hậu quả.”

Dễ làm người dân hiểu lầm

Chúng tôi đã ba lần gửi công văn lên chính phủ đề nghị nhanh chóng tâp trung tìm ra nguyên nhân, bởi vì không có nguyên nhân thì không nói được gì cả.
-Ông Nguyễn Tử Cương
Căn cứ trên những nhận xét từ một chuyên gia về công nghệ sinh học như PGS TS Nguyễn Duy Thịnh rất dễ làm người dân tin vào văn bằng và học vị của ông, tuy nhiên ông không chứng minh được một lượng nhỏ Phenol trong cơ thể không nguy hại ngay nhưng sau nhiều lần nghe theo lời khuyên của ông mà người dân tiêu thụ số cá có lượng phenol ngày càng chồng chất trong cơ thể họ thì sự nguy hại có bằng 30 tấn cá hiện nay hay không?
Trong khi cá chết làm cho người tiêu dùng lo sợ thì chính bản thân người sống về nghề cá mới chịu thiệt hại nặng nề hơn ai hết. Hàng triệu người dọc duyên hải miền Trung phải phơi thuyền chờ chính sách của nhà nước đối với nghề nghiệp của họ.
Từ việc im lặng cho tới kéo dài thời gian công bố nguyên nhân cá chết đã khiến người làm cá ngày thêm điêu đứng hơn. Ông Nguyễn Tử Cương, Ủy viên Hiệp hội nghề cá Việt Nam cho biết:
“Chúng tôi đã ba lần gửi công văn lên chính phủ đề nghị nhanh chóng tâp trung tìm ra nguyên nhân, bởi vì không có nguyên nhân thì không nói được gì cả. Phải tìm ra nó là chất độc gì, có phải là chất độc không, nó tồn dư bao nhiêu lâu và nếu có những câu trả lời đó thì mới thông mọi lời giải.”
Ông Nguyễn Tử Cương cũng cho biết những hỗ trợ tạm thời của nhà nước:
“Hội thì không có gì cả vì hội là tổ chức xã hội nghề nghiệp nhưng hội đã kiến nghị chính phủ hỗ trợ cho dân. Cứ mỗi một gia đình có nghề đánh bắt cá hay nuôi trên biển hay ven biển mà bây giờ không thể làm nghề được thì mỗi hộ, mỗi người trong hộ bị thiệt hại sẽ được hỗ trợ 15 kg gạo một tháng. Nếu họ đã vay nợ thì khoan yêu cầu trả nợ, tức là cho giãn nợ lại. Nều mai mốt có hướng cụ thể rõ ràng rồi, khi họ quay lại sản xuất thì nợ cũ phải cho lui và cho vay nợ tiếp, vay tiếp ngân hàng để mà phát triển sản xuất.”
Câu hỏi lớn nhất người dân vẫn thường hỏi nhau: khi nào thì việc ăn cá mới an toàn để cho ngư dân tiếp tục ra khơi?
Câu hỏi này ngày nào nhà nước chưa công khai trả lời cho dân chúng thì ngày ấy thông tin lệch lạc về cá chết vẫn còn làm cho xã hội nghi hoặc. Với hàng trăm câu chuyện có liên quan đến Formosa và số tiền mà tập đoàn này bị nghi là hối lộ để bịt miệng quan chức chính phủ sẽ phủ lên bờ biển Việt Nam nhiều tang thương hơn thế.

Little Saigon khánh thành và an vị tượng Ðức Thánh Trần

Lâm Hoài Thạch/Người Việt
WESTMINSTER, California (NV) - Vào lúc 12 giờ trưa Chủ Nhật, 12 Tháng Sáu, đông đảo đồng hương đến tham dự Lễ Khánh Thành và An Vị Tượng Ðức Thánh Trần, do Hội Ðồng Ðiều Hành Trần Hưng Ðạo Foundation tổ chức rất trang trọng trong khu Hà Nội Plaza, Westminster.




Nghi thức khánh thành tượng Ðức Thánh Trần. (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)


Trước giờ khai mạc, ban tổ chức giới thiệu thành phần quan khách đến tham dự, đặc biệt có sự hiện diện của cựu Ðề Ðốc Trần Văn Chơn, Thượng Nghị Sĩ Janet Nguyễn, Thị Trưởng Westminster Tạ Ðức Trí, điêu khắc gia Phạm Thông, và rất nhiều đại diện của hội đoàn, đoàn thể khác.

Kế tiếp, ông Nguyễn Hữu Công, tổng giám đốc Little Saigon Radio, cho mọi người biết, tượng Ðức Thánh Trần được xây dựng trên phố Bolsa vào ngày 13 Tháng Chín, 2014. Từ ngày xây dựng tượng đài được rất nhiều đồng hương từ khắp thế giới đến chiêm bái, vì nằm ngay trên phố Bolsa, ngay trái tim của Little Saigon, mà bất cứ ai ghé đến miền Nam California đều đến cả. Theo ông Công, “thánh tượng này có yếu tố địa lợi.”

“Có nhiều người ra ý kiến là kích thước của thánh tượng không xứng với uy danh của Ðức Trần Hưng Ðạo. Ðó là lý do mà Ủy Ban Trùng Tu được thành lập vào cuối năm 2015. Ủy ban liên lạc điêu khắc gia Phạm Thông, là người đã tạc tượng Ðức Thánh Trần tại bến Bạch Ðằng, Sài Gòn. Ông Phạm Thông xin chi phí là $100.000,” ông Công nói.

Ông cho biết thêm, Little Saigon Radio và Hồn Việt TV được lãnh vai trò vận động gây quỹ. Và chỉ trong có ba tuần, đồng hương khắp thế giới đóng góp đủ. Theo ông, “đây là yếu tố nhân hòa.”

“Mọi người cần một vị anh hùng đã từng ba lần đánh bại quân Nguyên. Chúng ta dựng tượng vào thời điểm đó, cùng với lòng ái quốc của tất cả mọi người, thì đó là yếu tố thiên thời. Có ba yếu tố: địa lợi, nhân hòa và thiên thời, thì chắc chắn chúng ta phải thành công,” ông Công nói thêm.


Tượng Ðức Thánh Trần đứng uy nghi trên đại lộ Bolsa, ngay trung tâm Little Saigon. (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)

Lễ Khánh Thành được bắt đầu. Các thành viên Hội Ðồng Quản Trị Trần Hưng Ðạo Foundation gồm các ông Phan Kỳ Nhơn, Phan Tấn Ngưu, Trần Vệ, Lê Quang Dật, Trần Quang An, Hứa Trung Lập và Du Miên cùng đến trước bàn thờ thánh tượng.

Ban tổ chức mời cựu Ðề Ðốc Trần Văn Chơn, Thị Trưởng Tạ Ðức Trí và ông Phan Kỳ Nhơn tháo tấm vải phủ tượng. Chiêng trống vang dội cùng những tràng pháo tay thật dài của đồng hương đến tham dự khi mọi người được thấy tượng Ðức Thánh Trần rất uy nghiêm và hùng dũng.

Cô Ngọc Ân, phóng viên của Hồn Việt TV và là MC của buổi lễ, cho biết tượng Ðức Thánh Trần cao 10 feet được đặt trên bệ cao 7 feet, và nặng 1,350 pound.

Tiếp theo là một số nghi thức, và Cộng Ðồng Việt Nam Bắc California dâng vòng hoa, và lãnh đạo tinh thần các tôn giáo cùng dâng hương lễ. Rồi sau đó là phần đốt pháo, và đoàn trống Thiên Ân biểu diễn màn đánh trống rất ngoạn mục.

Kế tiếp, ông Phan Kỳ Nhơn ngỏ lời chào mừng quan khách và đọc diễn văn khai mạc. Ông trân trọng cám ơn ân nhân giúp cho ban tổ chức thực hiện công trình xây dựng tượng thành công tốt đẹp.

Trong bài diễn văn, ông Nhơn nói, “Ðây là điều hãnh diện chung của người Việt ở hải ngoại lẫn trong nước. Chúng ta đưa hình ảnh của người anh hùng dân tộc Việt Nam đứng hàng thứ mười trên thế giới vào đất nước Mỹ để không riêng vì chúng ta, mà dân địa phương ngày ngày cũng nhìn thấy hình ảnh của ngài.”


Nghi thức khai mạc. (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)

Cuối cùng, ông nói Tôn Tượng Ðức Thánh Trần cũng đánh động được những con người có thái độ buông thả, không có tinh thần đấu tranh, xin hãy thức tỉnh để làm thế nào lật đổ chế độ Cộng Sản Việt Nam trong tương lai.
Nhân dịp này, Thị Trưởng Tạ Ðức Trí phát biểu, “Ðức Thánh Trần là niềm hãnh diện của dân tộc Việt Nam. Tập thể người Việt tị nạn tại hải ngoại vô cùng hãnh diện với hình ảnh của ngài hiện diện rất uy nghi, thân mặc chiến bào trên đường phố Bolsa. Ngài cũng là một trong mười vị tướng lãnh nổi tiếng trên thế giới với tài thao lược quân sự. Ðiều này cho thấy, dân tộc Việt Nam, tập thể những người Việt tị nạn tại hải ngoại có quyền hãnh diện về nguồn gốc và cội nguồn của mình.”

Tiếp theo, ông Trần Văn Chơn cho biết cách đây khoảng hơn 50 năm về trước, ông đã đứng trước Tôn Tượng Ðức Thánh Trần tại bến Bạch Ðằng chân thành nghinh bái an vị và vinh danh ngài.

“Tôi tin tưởng rằng, ngài đang về với chúng ta phảng phất đâu đây trên thượng từng không khí để chứng kiến hoạt động của chúng ta hôm nay,” ông nói.

Ông cũng đề cập đến điêu khắc gia Phạm Thông, và nói đến những chiến công oanh liệt của Ðức Trần Hưng Ðạo ngày xưa, cũng như mọi người nên noi theo gương của ngài để cùng nhau hiệp lực chống giặc ngoại xâm.


Quang cảnh Lễ Khánh Thành và An Vị Tượng Ðức Thánh Trần. (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)

Thượng Nghị Sĩ Janet Nguyễn phát biểu, “Hình ảnh Ðức Thánh Trần, người anh hùng của dân tộc, và sự có mặt đông đảo của quý đồng hương, nói lên tinh thần dân tộc và đoàn kết... Hôm nay, chúng ta vinh danh Ðức Thánh Trần và xin ngài phù hộ cho cộng đồng chúng ta đoàn kết vững mạnh để tiếp tục tranh đấu cho tự do, dân chủ và dân quyền tại Việt Nam.”

Kế tiếp là phần phát biểu của Nghị Viên Garden Grove Phát Bùi, chủ tịch Cộng Ðồng Người Việt Quốc Gia Nam California, và nhiều người khác.

Ban tổ chức trao quà tri ân cho ông Phan Kỳ Nhơn và một số mạnh thường quân đã đóng góp cho việc thành lập tượng Ðức Thánh Trần, và cám ơn tất cả mọi người đến tham dự.

Luật Sư Nguyễn Hoàng Dũng, một MC của buổi lễ và cũng là đại diện cho công ty Images Luxury Nail Lounge, công ty đã đóng góp $10,000 vào việc thành lập tượng.

Ông Dũng cho biết, “Ðây là một hệ thống làm móng tay đặc biệt. Tuy rằng mới, trẻ, trong cộng đồng, nhưng có nhiều sáng kiến rất đặc biệt về khai phá, và chuyên chú tâm vào những thị trường làm móng tay sang trọng và quý phái, không những có thể dùng để đi dự tiệc mà còn cho mọi người thấy ngành nghề làm móng tay của chúng ta được cao cấp hơn, và có những đột phá, kể cả những người ở Hollywood cũng sử dụng được.”


Lễ Khánh Thành có phụ diễn phần văn nghệ do CLB Tình Nghệ Sĩ và Ban Tù Ca Xuân Ðiềm trình diễn, và phần biểu diễn võ thuật do võ đường Vovinam, Trung Tâm Nguyễn Bá Học và Thiếu Lâm Thất Sơn Võ Ðạo Cổ Truyền thực hiện.

13-06-2016 7:35:14 PM