Thursday, October 11, 2018

Bộ Công an soạn dự thảo Nghị định Luật An ninh mạng, dân lo bị ‘xâm hại’

Khánh An-VOA/12/10/2018 
Luật An ninh mạng bị chỉ trích và phản đối sau khi được Quốc hội Việt Nam thông qua vào tháng 6/2018. Photo Cyber.co
Luật An ninh mạng bị chỉ trích và phản đối sau khi được Quốc hội Việt Nam thông qua vào tháng 6/2018. Photo Cyber.co
Bản dự thảo Nghị định quy định chi tiết về Luật An ninh mạng được cho là do Bộ Công an soạn thảo đang gây bất an cho người dân.
Trong khi giới chuyên gia, công chức, doanh nghiệp lo ngại về những tác động xấu mà luật này có thể gây ra cho nền kinh tế đang tăng trưởng của Việt Nam, giới hoạt động xã hội và nhiều người dân nói luật này là công cụ mà chính quyền sẽ sử dụng để ‘xâm hại thô bạo’ quyền riêng tư của người dân.
Truyền thông nhà nước cho biết Bộ Công an vừa có cuộc họp vào ngày 9/10 và cơ bản đã hoàn thành 3 văn bản hướng dẫn thi hành Luật An ninh mạng. Trong buổi họp, Bộ trưởng Tô Lâm-trưởng ban soạn thảo-nhấn mạnh đến tính “quan trọng và phức tạp” của các văn bản này vì có liên quan trực tiếp đến an ninh quốc gia, bảo vệ chủ quyền đất nước, dính dáng đến nhiều bộ ngành và “được sự quan tâm rất lớn từ cơ quan, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước”, theo báo Công An Nhân Dân.
Tin cho hay tướng Tô Lâm đã yêu cầu Thường trực Ban Soạn thảo tiếp thu các ý kiến tham gia góp ý, chỉnh lý và hoàn thiện dự thảo các văn bản trước khi ban hành. Tuy nhiên, việc tiếp cận các văn bản dự thảo lại hoàn toàn “không dễ”, theo lời của Luật sư Trần Vũ Hải.
Phát biểu trên trang Facebook cá nhân, vị luật sư được biết tiếng ở Hà Nội cho rằng “rất nhiều quy định bóp nghẹt cư dân mạng và doanh nghiệp từ các dự thảo này”.
Trong khi đó, Luật sư Trần Đức Hoàng, qua Facebok cá nhân, nêu thắc mắc “không hiểu vì lý do đặc biệt gì” mà dự thảo nghị định An ninh mạng được thông qua với thủ tục rút gọn trong 20 ngày và không lấy ý kiến rộng rãi? Ông cảnh báo “nếu không được xem xét và lấy ý kiến kỹ càng từ các chuyên gia, doanh nghiệp và nhân dân, thì chúng có khả năng ‘phá hoại’ thay vì ‘xây dựng’”, và có thể biến Cục An ninh mạng trở thành một “siêu cục” với quyền lực vô cùng hùng mạnh, có thể quyết định việc kinh doanh trên internet của doanh nghiệp.
Theo văn bản được cho là dự thảo Nghị định An ninh mạng đang được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội, thì các quy định trong dự thảo này càng thắt chặt hơn những đòi hỏi vốn đã gây ra nhiều tranh cãi và quan ngại của Luật An ninh mạng khi nó được thông qua hồi tháng 6.
Theo nghị định này, các công ty cung cấp dịch vụ viễn thông, mạng xã hội, email, video, tin nhắn, trò chơi, ngân hàng, dịch vụ tài chính, thương mại điện tử… tại Việt Nam phải đặt văn phòng và lưu trữ dữ liệu bên trong lãnh thổ Việt Nam.
Các công ty cũng được yêu cầu phải lưu trữ các thông tin cá nhân người sử dụng dịch vụ như họ tên, ngày tháng năm sinh, nghề nghiệp, chức danh, địa chỉ, số điện thoại, số thẻ tín dụng, hồ sơ tài chính, sức khỏe, quan điểm chính trị, mối quan hệ xã hội, sinh trắc học… và phải cung cấp cho giới hữu trách khi có yêu cầu.
Sau khi văn bản dự thảo Nghị định An ninh mạng được “tuồn” lên mạng xã hội, nhiều người dân bày tỏ lo ngại rằng những thông tin “rất cá nhân, rất riêng tư” của họ sẽ bị phơi bày, tệ hơn nữa, là bị các đại công ty như Google, Facebook “bỏ rơi” một khi họ không thể tuân thủ toàn bộ các yêu cầu của Luật vào ngày 1/1/2020.
Hiện số lượng người sử dụng Facebook tại Việt Nam là khoảng 64 triệu người, chiếm hơn 70% dân số.
TS. Lê Đăng Doanh, một trong những chuyên gia kinh tế hàng đầu Việt Nam, cho rằng một số yêu cầu của Luật “vượt quá khuôn khổ về an ninh mạng”, khiến các công ty nước ngoài “khó mà tuân thủ”.
Ông nói: “Nếu các công ty cung cấp dịch vụ nước ngoài không đồng ý, điều đó có thể bất lợi cho việc thu hút đầu tư nước ngoài, cũng như cho cộng đồng sử dụng mạng tại Việt Nam”.
Văn phòng Nhân quyền LHQ chuyên trách về Đông Nam Á ra tuyên bố về Luật An ninh mạng của Việt Nam vào ngày 14/6/2018.
Văn phòng Nhân quyền LHQ chuyên trách về Đông Nam Á ra tuyên bố về Luật An ninh mạng của Việt Nam vào ngày 14/6/2018.
Cựu thành viên Ban Nghiên cứu của Thủ tướng cũng bày tỏ lo ngại Luật An ninh mạng có thể “gây cản trở lớn” cho việc thông qua Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam-EU (EVFTA), hiện đang được vận động mạnh mẽ để được phê chuẩn tại châu Âu.
“EU hiện là thị trường chiếm 19-20% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Kinh tế của Liên minh châu Âu và kinh tế Việt Nam bổ sung cho nhau nên hai nền kinh tế đều được hưởng lợi nếu hiệp định thương mại tự do đó được thông qua và thực hiện”, TS. Lê Đăng Doanh cho biết thêm.
Theo ông, nếu đông đảo dân biểu ở châu Âu phản đối Luật An ninh mạng, điều này sẽ gây bất lợi lớn cho việc thông qua hiệp định mà Việt Nam đã mất nhiều năm đàm phán.
Ông Phil Robertson, Phó giám đốc khu vực châu Á của tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) nói với VOA rằng Luật An ninh mạng là một công cụ mới của chính quyền để kiểm duyệt người dân.
“Nếu tôi là EU, tôi sẽ nói rằng chúng tôi không thể ký hiệp định với các ông được vì luật an ninh mạng của các ông quá khái quát, mơ hồ, hạn chế quyền tự do ngôn luận trên mạng, và nhắm vào những người chỉ đơn giản bày tỏ ý kiến phê bình chính quyền”, ông Robertson nói.
Tổ chức HRW hồi tháng 6 kêu gọi Việt Nam phủ quyết Luật An ninh mạng “đầy vấn đề” này.
Kể từ khi được thông qua vào tháng 6, ngoài những phản đối, kiến nghị của người dân trong nước, nhiều tổ chức, dân biểu, cơ quan nghiên cứu quốc tế cũng đã nêu quan ngại về Luật An ninh mạng, cho rằng các quy định của luật này “xâm hại thô bạo” quyền riêng tư của người sử dụng, thay vì tập trung vào vấn đề cốt lõi là bảo vệ an ninh mạng.
Nhiều chuyên gia quốc tế đặc biệt chỉ trích quy định của Luật buộc các công ty cung cấp dịch vụ nước ngoài phải “địa phương hóa” cơ sở dữ liệu vì cho đây là một “bước lùi lớn” gây cản trở cho việc hội nhập của Việt Nam trong các cam kết quốc tế. Thậm chí theo họ, quy định này còn đặt Việt Nam vào nguy cơ vi phạm các cam kết đã ký trong tư cách là thành viên của các tổ chức quốc tế, chẳng hạn như tổ chức Thương mại Quốc tế (WTO), vốn luôn cổ xúy cho thương mại tự do và tối thiểu hóa các hàng rào kỹ thuật trong thương mại.

Giảm lưu thông tiền mặt có phải để đổi tiền?

Diễm Thi, RFA-2018-10-11  
Một nhân viên ngân hàng đang đếm tiền.
 Một nhân viên ngân hàng đang đếm tiền.AFP
Đề án không dùng tiền mặt
Ngày 30/12/2016, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2016 - 2020 với mục tiêu đến cuối năm 2020, tỷ trọng tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán ở mức thấp hơn 10%.
Nhà báo độc lập Phạm Chí Dũng, người có học vị Tiến sĩ kinh tế cho rằng đưa ra một tiêu chuẩn giảm chỉ còn 10% như vậy thì đó là một điều gần như không tưởng và có thể còn một ẩn ý trong đó là hợp thức hóa cho việc đổi tiền. Ông nói:
Xét về lượng tiền mặt lưu thông ngoài thị trường và xã hội thì trong 10 năm qua VN in tiền quá nhiều. Bằng chứng là vào năm 2008 thì tổng dư nợ tín dụng cho vay chỉ có 2,3 triệu tỷ đồng, nhưng đến năm 2017 đã lên tới 7 triệu tỷ đồng, tức là gấp khoảng 2,5 lần. Và với mức độ tăng trưởng tín dụng như vậy thì có nghĩa là một năm Ngân hàng Nhà nước và Nhà máy in tiền Quốc gia của Ngân hàng Nhà nước đã phải in từ 400 ngàn đến 500 ngàn tỷ đồng.
Bây giờ muốn thu hút tiền mặt trở lại là điều vô cùng khó khăn trừ phi là đổi tiền, và trừ phi cái đề án vừa rồi (đề án mà phóng viên RFA đề cập) còn có một ẩn ý không nói ra là dùng đề án này coi như một tiền đề hoặc cơ sở hợp thức hóa cho việc đổi tiền, và nó phù hợp với những thông tin đồn đãi vài ba năm gần đây về chuyện Nhà nước có khả năng sẽ đổi tiền. - TS. Phạm Chí Dũng
Bây giờ muốn thu hút tiền mặt trở lại là điều vô cùng khó khăn trừ phi là đổi tiền, và trừ phi cái đề án vừa rồi (đề án mà phóng viên RFA đề cập) còn có một ẩn ý không nói ra là dùng đề án này coi như một tiền đề hoặc cơ sở hợp thức hóa cho việc đổi tiền, và nó phù hợp với những thông tin đồn đãi vài ba năm gần đây về chuyện Nhà nước có khả năng sẽ đổi tiền.
Ông nói thêm rằng với tình hình hiện nay thì Ngân hàng Nhà nước không những không thể thu tiền về mà càng phải bung tiền ra, thậm chí phải in thêm tiền để bù đắp cho bội chi ngân sách, bù đắp cho rất nhiều khoản chi không nằm trong kế hoạch. Ông nhấn mạnh rằng mặc dù với lượng tiền mặt lưu thông nhiều khủng khiếp như hiện nay nhưng tình hình bội chi ngân sách nếu không phải ở trung ương thì ở các địa phương vẫn còn liên tục tiếp diễn và dường như ngày càng tăng cao.
Thời Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trước đây vào năm 2013, 2014 là đỉnh điểm của bội chi ngân sách trung ương, lúc đó bội chi tới 9% so với kế hoạch đề ra, bây giờ ngân sách của một số địa phương đã bội chi rất cao, có thể lên tới gần 20%.
Tiến sĩ kinh tế Nguyễn Huy Vũ, hiện ở Na Uy thì cho rằng mục tiêu của đề án trên rất khó được thực hiện. Ông nói:
Chúng ta muốn đạt mục tiêu thì chúng ta thử xem các nước phát triển có tỷ lệ không dùng tiền mặt như thế nào. Chúng ta thấy có ba nước trên thế giới hiện nay được xếp hạng về người dân không dùng tiền mặt nhiều nhất đó là Canada, Anh và Thụy Điển. Tổng số giao dịch mà không dùng tiền mặt chỉ gần 60% và chỉ 40% dùng tiền mặt. Việt Nam đặt mục tiêu 10% dùng tiền mặt còn phần còn lại dùng cách thanh toán khác thì đó là một mục tiêu có thể nói là rất khó đạt được trong ngắn hạn.
Dân vẫn xài tiền mặt
Theo tổng kết của Hội Thẻ ngân hàng Việt Nam (VBCA) năm 2017 thì thẻ nội địa vẫn được sử dụng chủ yếu để rút tiền mặt với tỉ trọng ở mức 94% trong những năm gần đây.
Một công nhân đang rút tiền mặt tại ATM.
Một công nhân đang rút tiền mặt tại ATM. AFP
Điều này cho thấy tỷ lệ người dân sử dụng tiền mặt vẫn rất cao từ nông thôn cho đến thành thị vì nhiều lý do. Thứ nhất là do thói quen của người dân Việt Nam từ bao đời nay vẫn dùng tiền mặt, thứ hai là muốn sử dụng thẻ thay tiền mặt thì phải đồng bộ giữa bên mua và bên bán, chứ bên mua muốn trả thẻ mà bên bán không chấp nhận hay ngược lại thì giao dịch cũng không thành.
Tiến sĩ Nguyễn Huy Vũ nói thêm về yếu tố mà người làm chính sách phải tính đến khi muốn thúc đẩy người dân trong việc ít thanh toán bằng tiền mặt:
Phải có động lực để những cửa hàng chấp nhận thanh toán không thông qua tiền mặt. các hiện hàng hiện nay thích thanh toán tiền mặt hơn bởi thanh toán tiền mặt thì họ có thể lách thuế, họ lại có tiền ngay lập tức. Nếu thanh toán qua mạng hay thẻ thì họ phải đợi một vài ngày tiền mới vô tài khoản.và lượng tiền đó lại bị theo dõi, bị kiểm soát bởi chính phủ hoặc các cơ quan của chính phủ khi báo cáo thuế chẳng hạn.
Ở nơi em sống là nông thôn miền Bắc thì việc dùng thẻ thì hiện tại chỉ thấy để thanh toán lương cho công nhân thôi, rồi người công nhân muốn chi tiêu sinh hoạt hàng ngày thì đến 90% phải dùng tiền mặt. -Trịnh Bá Tư
Anh Trịnh Bá Tư hiện sống ở tỉnh miền núi Hòa Bình cho chúng tôi biết:
 nơi em sống là nông thôn miền Bắc thì việc dùng thẻ thì hiện tại chỉ thấy để thanh toán lương cho công nhân thôi, rồi người công nhân muốn chi tiêu sinh hoạt hàng ngày thì đến 90% phải dùng tiền mặt.
Còn ở những thành phố lớn thì tình hình có khác hơn một chút vì có những siêu thị lớn, những trung tâm thương mại khang trang chấp nhận các giao dịch bằng thẻ, nhưng để người dân có thể chi tiêu tại những trung tâm thương mại này thì mức sống người dân phải cao, chứ với mức lương công nhân hiện nay thì làm sao họ có thể mua sắm tại những nơi như thế. Và chuyện công nhân nhận lương qua tài khoản ngân hàng nhưng phải rút tiền mặt để xài là một nỗi khổ khác. Chị Phương hiện sống ở Sài Gòn cho biết thêm:
Mới trong khoảng 7 năm nay là chuyển thẻ hết. Ngân hàng yêu cầu chuyển lương cho công nhân qua thẻ. Công ty cho mỗi người 50 ngàn để mở thẻ rồi chuyển trực tiếp vô đó. Tội công nhân lắm vì tới tháng lãnh lương phải xếp hàng dài, đông khủng khiếp mấy chục người một lần mà mấy cây rút tiền không đủ tiền để rút.
Nhà báo độc lập Phạm Chí Dũng nhận định rằng việc thanh toán bằng thẻ sẽ không thể thực hiện được vì Việt Nam hiện đang ngổn ngang giữa một xã hội của người giàu, người trung bình thấp và nghèo. Tỷ lệ người giàu và trung lưu ở Việt Nam chỉ chiếm khoảng 20% trong khi tỷ lệ người thu nhập tương đối thấp và nghèo thì còn rất cao. Áp dụng phương tiện thanh toán bằng thẻ thì chỉ có thể áp dụng trong những siêu thị hoặc những trung tâm thương mại cao cấp, chứ làm sao có thể áp dụng ở những khu vực chợ bán lẻ, kể cả chợ bán buôn.
Anh Trịnh Bá Tư nói rằng các cơ quan chức năng đưa ra rất nhiều chính sách nhưng thực tế đều phải bỏ đi vì không thể thực hiện được. Anh chia sẻ:
Với hiểu biết của bản thân em thì đề xuất đó tính khả thi rất thấp vì thực tế thì ở nơi em sống và những người em biết thì chỉ có công ty trả tiền cho công nhân qua thẻ, còn sinh hoạt đời thường của người dân từ buôn bán, chợ búa đều dùng tiền mặt. Nếu chuyển sang dùng thẻ thì yêu cầu về công nghệ và nhiều thay đổi khác nên em nghĩ trước mắt chưa thể thực thi được.
Ngoài việc người dân có thói quen xài tiền mặt thì các vụ mất tiền trong tài khoản ATM thời gian qua mà truyền thông trong nước đưa tin cũng là một trong những lý do khiến người dân không muốn để tiền trong ngân hàng, và chuyện xài tiền mặt không thể giảm được trong tương lai gần.

Môi trường sống của người dân Vĩnh Tân tiếp tục bị đe dọa bởi hàng triệu tấn tro xỉ than tồn đọng

RFA-2018-10-11  
Bãi xỉ than của Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân. (ảnh minh họa chụp trước đây)

Bãi xỉ than của Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân. (ảnh minh họa chụp trước đây)-RFA

Không có “đầu ra”

Sau hơn 3 năm đi vào hoạt động chính thức, hiện bãi xỉ than của nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân đã cao khoảng 20 m, có khoảng 4 triệu tấn tro xỉ than chưa có “đầu ra”, khiến môi trường sống của người dân khu vực này tiếp tục bị đe dọa.
Trung Tâm nhiệt điện Vĩnh Tân, do Trung Quốc đầu tư 95% gồm có 4 nhà máy nhiệt điện, chạy bằng than đá, với tổng công suất lên đến 5.600MW và 1 cảng biển. Toàn bộ dự án được xây dựng tại xã Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận.
Hiện nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 4 và Vĩnh Tân 1 đã hoạt động thương mại, đồng thời dự án Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 4 mở rộng cũng đã hoàn thành xong trên 70%. Tuy nhiên, vẫn chưa có nhà máy nào hoàn thành đề án tiêu thụ tro xỉ than.
Kể cả không có gió bấc về thì bụi bặm trong nhà lúc nào cũng đầy dẫy, tro nó bay trên bầu trời đấy.
-Người dân Vĩnh Tân
Được biết bãi xỉ than của nhiệt điện Vĩnh Tân 2 và Vĩnh Tân 1 nằm sát nhau và chỉ cách đường quốc lộ 1 khoảng 1 km, cách tuyến đường sắt bắc - nam khoảng 300 m, và rất gần khu dân cư.
Với khối lượng xỉ than tồn đọng ngày lớn, người dân sống trong khu vực này cho biết, dù nắng hay mưa cũng đều lo lắng, nắng thì sợ bãi xỉ phát tán khói bụi vào khu dân cư. Mưa thì lo bãi xỉ có thể vỡ bờ bao.
Chúng tôi liên lạc với cơ quan chức năng địa phương để tìm hiểu thực tế thì được ông Võ Trần Duy Thạch, Phó chủ tịch Hội đồng Nhân dân xã Vĩnh Tân cho biết:
“Hiện giờ việc lu đèn bãi xỉ ở Vĩnh Tân 2 là tương đối đảm bảo, xe chuyên dụng chở tro ra bãi xỉ, đổ xuống rồi cho phun nước lên, và xe lu đầm lên cho nó nằm yên đó rồi lớp keo lên giữ lại, không cho phát tán bụi. Nên hiện giờ phán tán bụi đã giảm, cũng đỡ nhiều. Nhưng đầu ra cho xỉ than thì hơi khó, hiện chỉ xử lý thủ công, chứ đầu ra xử lý xỉ thì chưa có. Công ty đủ năng lực xử lý triệt để thì chưa có. Chính quyền cũng có thành lập ban chỉ đạo để chống việc sạt lở bờ bao, có hệ thống chống lũ nên nó cũng đảm bảo. Nhưng nếu mưa to kéo dài một tuần lễ cũng có nguy cơ có xảy ra vỡ bờ bao, hiện giờ thì chưa vô mùa mưa lớn.”
Trao đổi với Đài Á Châu Tự Do, Anh Hải ở thôn Vĩnh Phúc, xã Vĩnh Tân lo lắng:
“Sợ là sợ đến mùa bấc, từ tháng 9 đến tháng 3 âm lịch năm sau. Mùa bấc là gió từ hướng đó thổi về nhà dân đang ở. Cái bãi xỉ nằm ở phía bắc xã Vĩnh Tân, và nhà dân thì ở hướng tây nam, nếu mà gió thổi về hướng tây nam thì dân người ta chịu hết.”
Ảnh minh họa: Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 2.
Ảnh minh họa: Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 2. Photo: RFA
Tuy nhiên, một người dân không muốn nêu tên ở Vĩnh Tân thì cho rằng, dù không phải mùa gió bấc thì tro bụi vẫn phát tán ra môi trường:
“Kể cả không có gió bấc về thì bụi bặm trong nhà lúc nào cũng đầy dẫy, tro nó bay trên bầu trời đấy. Cứ mỗi một cái lò thì mỗi ngày thải ra khoảng 3.000 tấn tro, mà hiện nay nhà máy 1, 2, 4 đang chạy tổng cộng 6 lò, như vậy theo lý thuyết mỗi ngày thải ra khoảng 18 ngàn tấn tro. Mà đặc thù của tro than đá là rất nhẹ, chỉ một ngọn gió là nó bay.”
Khói bụi và xỉ than từ các nhà máy nhiện điện Vĩnh Tân từng được nhiều chuyên gia khoa học tại Việt Nam cảnh báo sẽ gây tác hại lâu dài đến môi trường. Không chỉ ô nhiễm không khí, mà những người làm nghề nuôi trồng thủy sản ở Vĩnh Tân cũng gặp không ít khó khăn do tôm, cá nuôi lồng bè bị chết nhiều. Vào cuối tháng 6 năm 2018, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Thuận cho biết  xuất hiện hiện tượng cá chết hàng loạt tại khu vực nuôi cá lồng bè gần nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân.

Dân “sợ” chính quyền không dám nói

Trước đó vào tháng 4 năm 2015, cư dân xã Vĩnh Tân huyện Tuy Phong bức xúc vì đã phải hít thở bầu không khí ngập ngụa khói bụi xỉ than được xả thải từ Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 2, nên đã cùng nhau biểu tình chặn Quốc lộ 1A trong 30 giờ. Trong quá trình chặn quốc lộ 1A, nhiều người được cho là quá khích khi dùng đá, bom xăng tấn công lực lượng chức năng khiến nhiều người bị thương. Sau đó hàng chục người đã bị nhà cầm quyền truy tố vì quá khích gây rối.
Người dân không muốn nêu tên ở Vĩnh Tân cho biết thêm:
“Dân ở đây họ khờ khạo quá, họ ngây thơ quá. Nước tưới xỉ than nó thẩm thấu ra xung quanh khu người ta trồng cây trôm thì nó chết thôi. Còn cách đây khoảng hai tháng cá người ta nuôi lồng bè chết rất nhiều, mỗi hộ thiệt hại hàng trăm triệu, có hộ cả tỷ. Nói chung là nguy hiểm lắm nhưng không hiểu sao chính quyền họ làm ngơ. Bà con mình thì trình độ dân trí thấp, sau vụ biểu tình hồi năm 2015 chính quyền truy tố mấy chục người, rồi bây giờ họ sợ họ đâu dám rục rịch nữa. Ai mở miệng ra họ cũng sợ, thậm chí họ chấp nhận hít tro bụi chứ không dám nói.”
Theo Anh Phan Trúc, Trưởng thôn Vĩnh Phúc, xã Vĩnh Tân, đất xung quanh bãi xỉ đã nhiễm mặn hết, nên không thể nuôi trồng gì được, Anh nói tiếp:
“Nhiễm mặn từ cái bãi than nên hiện nay khu vực đó không trồng trọt cái cây gì được hết, trồng cây gì cũng chết, nước giếng cũng không sử dụng được, không có chăn nuôi được, vì nó nhiễm mặn rồi lấy đâu mà chăn nuôi.”
Sau vụ biểu tình hồi năm 2015 chính quyền truy tố mấy chục người, rồi bây giờ họ sợ họ đâu dám rục rịch nữa. Ai mở miệng ra họ cũng sợ, thậm chí họ chấp nhận hít tro bụi chứ không dám nói.
-Người dân Vĩnh Tân
Người dân thôn Vĩnh Phúc kể lại, cách đây không lâu, khi trời mưa, nước trong bãi xỉ tràn ra, không chỉ làm cây cối chết, mà còn làm ngập đường, nên nhà máy Vĩnh Tân làm một con kênh để thoát nước. Tuy nhiên, Anh Hải ở thôn Vĩnh Phúc, xã Vĩnh Tân lại tỏ ra lo lắng về giải pháp này:
“Bây giờ nó làm một cái mương thoát nước lớn lắm. Nó làm từ trong bãi xỉ về thẳng cầu Vĩnh Hảo, nếu có nước thì nước từ trong bãi xỉ chảy thẳng về cầu Vĩnh Hảo, rồi chắc chảy ra biển chứ chảy đâu nữa. Nước chảy về cầu, cầu chảy ra biển. Cái đó là nó ô nhiễm đến môi trường biển nữa.”
Chúng tôi nêu vấn đề tồn đọng xỉ than ở Vĩnh Tân với Giáo sư Phạm Ngọc Đăng, giám đốc Trung tâm Kinh tế Môi trường Đầu tư và Khu công nghiệp thuộc Đại học Xây dựng, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Xây dựng, thì được ông cho biết như sau:
“Theo tôi vấn đề này thì các nhà máy nhiệt điện ở phía bắc đều đã giải quyết được rồi, tức là cái bụi bay của xỉ than thì người ta làm phụ gia cho xi măng, vật liệu xây dựng, độn đường, gạch không nung… Vĩnh Tân thì mới quá, ở trong miền trung thì từ cơ quan địa phương, cơ quan chuyên môn cũng chưa biết cách giải quyết.”
Tuy nhiên, Ông Phạm Khánh Toàn, Viện trưởng Viện Năng lượng và Môi trường thuộc Tập Đoàn Điện Lực Việt Nam EVN thì cho rằng cái khó là vấn đề tìm đầu ra cho giải pháp:
“Tóm lại cái giải pháp cho việc tồn đọng xỉ than có thể đưa ra, nhưng nói thật là đầu ra cho giải pháp đó lại không có. Thí dụ người ta phải sử lý cái xỉ than đó để làm vật liệu xây dựng. Nhưng vật liệu xây dựng từ xỉ than lại không có đầu ra cho nó.”
Theo Giáo sư Đặng Hùng Võ, nguyên thứ trưởng Bộ Tài Nguyên - Môi trường, giải pháp để ngăn nước thẩm thấu thì ta phải làm trước khi có bãi thải, từ khi hiết kế nhà máy. Theo ông, đây cũng là kinh nghiệm rất lớn để thấy rằng các giải pháp môi trường phải được tư duy từ sớm, từ khi mà xây dựng nhà máy, chứ không phải để xảy ra sự cố mới kêu gọi các giải pháp.

Khó thu hồi tài sản tham nhũng trong các vụ án lớn

 RFA-2018-10-11   
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa-File photo
Nhiều ngàn tỉ trong các vụ đại án đang gặp nhiều khó khăn để thu hồi.
Thông tin vừa nói được truyền thông trong nước hôm 11 tháng 10, trích dẫn từ báo cáo bổ sung, giải trình một số nội dung trong cuộc họp Ủy ban Tư pháp của Quốc hội vào tháng 9 năm 2018.
Theo báo cáo, có hơn 6.500 tỉ đồng trong vụ Phạm Công Danh, hơn 13.700 tỉ đồng trong vụ Huỳnh Thị Huyền Như và hơn 2.500 tỉ đồng trong vụ Phạm Thị Bích Lương liên quan Ngân hàng Agribank… đều rất khó để thu hồi.
Theo Bộ Tư pháp, có 3 nguyên nhân khó thu hồi tài sản tham nhũng.
Một là, số tiền phải thu hồi rất lớn nhưng người phải thi hành án không có tài sản hoặc tài sản bảo đảm giá trị thấp. Ví dụ, vụ Dương Chí Dũng và đồng phạm phải bồi thường cho Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam hơn 358 tỷ đồng, nhưng mới thu được hơn 41 tỷ đồng và gần như không còn khả năng thu hồi thêm.
Thứ hai là tài sản đã bị tẩu tán, che giấu… hoặc tình trạng pháp lý của tài sản chưa rõ ràng. Như vụ Huỳnh Thị Huyền Như, tài sản mua của dự án nhưng chưa thanh toán đủ tiền, tài sản là dự án chưa thực hiện xong.
Nguyên nhân thứ ba theo Bộ Tư pháp là vướng mắc về cơ chế, thể chế trong việc xử lý tài sản nằm ở nhiều địa phương khác nhau, nên ảnh hưởng đến quá trình thi hành án. Ví dụ vụ Phạm Công Danh, liên quan Cục Thi hành án dân sự thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và tỉnh Quảng Ngãi.

Quốc Tang và sự ra đi của con muỗi

Nguyệt Quỳnh (Danlambao) - Lễ Quốc Tang của Chủ tịch nước Trần Đại Quang dù được tổ chức trọng thể tại cả ba nơi Sài Gòn, Hà Nội, Ninh Bình; và mặc dù nghĩa trang của ông rất lớn, nó chiếm một diện tích lên đến gần 30,000 m2, chúng ta vẫn thấy sự ra đi của ông rất mờ nhạt. Cái chết của một chủ tịch nước đương nhiệm mà lại không hề có chút gì ảnh hưởng đến 90 triệu dân của ông, sự ra đi đó không lay động chút gì trong lòng họ khiến tôi chạnh nhớ đến câu chuyện ngụ ngôn vẫn kể cho con trai nghe ngày cháu còn bé. Chuyện “Con muỗi và con bò mộng”.

Câu chuyện như sau xin kể hầu bạn đọc: 

Một con muỗi vẫn thường bay vo ve trên cánh đồng cỏ rồi đậu lại nghỉ ngơi trên đỉnh sừng một con bò mộng. Một ngày, muỗi quyết định dời đi nơi khác. Nó gọi bò mộng và chia sẻ về quyết định này. Chẳng ngờ, bò mộng thản nhiên trả lời “Ồ! Chẳng sao cả. Tôi thậm chí còn không biết rằng anh đã ở đó". 

Sự ra đi của ông Trần Đại Quang có cái gì giông giống như thế, chẳng ai buồn tiếc nuối! 

Học sinh chui túi nylon vượt sông đi học ở Điện Biên. (Hình: VOV) 

Giá trước khi mất, thay vì cúng chùa Vĩnh Nghiêm cặp đèn trị giá 19 tỷ, ông dùng số tiền ấy xây cầu cho các em học sinh ở Mường Chà đi học, có lẽ còn có người tiếc nhớ đến ông. 

Người VN bản tính vốn bao dung, xem “nghĩa tử là nghĩa tận”. Thế mà ngày nay người ta lại hỉ hả vui mừng trước cái chết của các lãnh đạo cộng sản, từ vụ thanh toán lẫn nhau của ba cán bộ lãnh đạo Yên Bái cho đến cái chết đột ngột của ông Trần Đại Quang! Có nghe những chia sẻ bức xúc của một số bạn trẻ mới hiểu vì sao lại có câu vè truyền miệng về Quốc tang của ông. Người ta bảo “hùm chết để da, người ta chết để tiếng”; cái chết của lãnh đạo CS đã tặng thêm một câu vè cho kho tàng dân gian Việt Nam: 

Dân ta bản tính ngang tàng 
Không mừng quốc khánh lại mừng quốc tang. 

Với cái đà gia tăng trấn áp các nhà hoạt động, bỏ tù vô lối nhiều năm những người dân hiền lương. Giới lãnh đạo CS nếu không ý thức được sự căm ghét đến tận cùng của dân chúng đối với họ thì sự sụp đổ tất yếu của chế độ này có thể sẽ không diễn ra yên thắm như khối CS ở Đông Âu. Biết đâu nó lại rơi vào trường hợp đáng tiếc của Romania, nơi mà lãnh tụ Ceausescu cuối cùng bị lật đổ và giết chết. 

Nhưng hãy trở lại với sự hiện hữu của con muỗi. Nếu đem sức vóc con muỗi mà so với con bò mộng thì con muỗi chẳng là gì cả. Nếu so tiềm lực về quân sự giữa Việt Nam với Trung Quốc, Việt Nam với Hoa Kỳ thì chúng ta đúng là một con muỗi. Nhưng nếu đem lịch sử dựng nước của dân tộc ta so với các dân tộc khác trên thế giới thì hình vóc chúng ta khác hẳn. Ta từng đánh bại đội quân hùng mạnh của Hốt Tất Liệt (không phải một mà đến ba lần) kẻ đã chiếm lĩnhTrung Quốc và từng làm cỏ một nửa thế giới. 

Nhà sử học người Pháp Alain Rusco, chuyên gia nghiên cứu về lịch sử Đông Dương cũng viết rằng chiến thắng 30/4-1975 của quân đội Bắc Việt đã “gây tiếng vang lớn trên trường quốc tế về một dân tộc không chịu khuất phục trước quân thù” (sic); và rằng đây là một cuộc kháng chiến vệ quốc vĩ đại của người dân VN. 

Thế nhưng, không quá lâu sau cái ngày gọi là “vinh quang” ấy, dân tộc VN tuột dốc một cách thảm hại. Nay trước mắt thế giới, chúng ta chỉ còn lại một gương mặt nhem nhuốc, yếu kém một cách lạ lùng! 

Thế thì đi đâu mất rồi tinh thần và những con người ái quốc? 

Tôi tin là không hiếm những đảng viên CS đã hối tiếc, đớn đau vì đã dự phần vào chiến thắng dẫn đến sự tàn lụi và thảm họa cho cả hàng bao nhiêu thế hệ sau này. Nhưng họ ở đâu? Họ đã không còn có mặt cho đất nước hay cho chính những giá trị mà họ tin vào. Sự hiện hữu của mỗi con người chỉ đáng kể khi chúng ta có mặt ít nhất là cho phẩm giá của chính mình. Nếu không, sự tồn tại ấy không có ý nghĩa và nó có nguy cơ bị bóp chết dưới chế độ độc tài. 

Như trường hợp của TNLT Trần Thị Thúy, một phụ nữ bị cướp đất, trở thành dân oan rồi trở thành nhà hoạt động dân quyền. Như bao nhiêu dân oan khác, chị Thúy có đủ các yếu tố để dễ dàng bị hủy diệt bởi bạo lực. Chị nghèo, cô thế, thiếu kiến thức về luật pháp, … chị chỉ có một niềm tin duy nhất: làm điều đúng và đấu tranh chống lại những kẻ đã cướp đất. Dù bị cán bộ trại giam đánh đập tàn nhẫn; ngược đãi; bỏ đói; … Sống với niềm tin đó chị cương quyết không nhận tội. 

Để bóp chết ý chí sắt đá của chị, Phó công an tỉnh Bến Tre, ông Nguyễn Thành Long đã đe dọa rằng sẽ cho y tá chích thuốc cho chết nếu chị tiếp tục phản kháng. Bị tù suốt 8 năm, thì hết 7 năm dài người phụ nữ này đã không hề được gặp mặt gia đình. Sống mỗi ngày với nỗi ám ảnh của cái chết chị vẫn không khuất phục. Nghe giọng nói miền Nam chơn chất của chị “tui thà chết ‘dzinh’ hơn sống nhục”mà phải thầm cảm phục sự bất khuất của người phụ nữ này. Chị mộc mạc đơn sơ nhưng vững chắc như cây Mắm, cây Bần giữ đất ven bờ phù sa quê hương của chị. 

Năm 2017 tổ chức Ân Xá Quốc Tế đã báo động về tình trạng ngược đãi tù nhân xuyên qua trường hợp TNLT Trần Thị Thúy. Sự kiên cường của người phụ nữ này đã khiến từ một dân oan vô danh, chị đã có thể cảnh báo thế giới về tình trạng nhân quyền tồi tệ mà đồng bào chị đang gánh chịu. 

Tôi luôn tin tưởng vào sức mạnh của từng cá nhân và sự lan tỏa của nó. Khi chúng ta có một Ls Phạm Công Út tự nhận mình là “hiệp sĩ”, giới luật sư sẽ có thêm nhiều hiệp sĩ khác. Khi chúng ta có 15 Đại biểu Quốc Hội không tán thành bấm nút thông qua Luật Đặc Khu, tương lai con số 15 này sẽ nở lớn. Tôi còn nhớ cái không khí tưng bừng của một biển người cùng xuống đường ăn mừng U23 bóng đá VN chiến thắng U23 Qatar. Nếu cái đám đông hỗ trợ U23 đó, một hôm bỗng bá vai nhau hô lớn “chúng ta phải làm sạch môi trường” thì tự khắc sáng hôm sau đường phố sẽ sạch rác và khi cầm miếng ăn lên chúng ta sẽ không còn lo ngại bị nhiễm độc. 

Nhân nhắc đến chị Trần Thị Thúy tôi lại nhớ đến hàng bần ven bờ con sông Bến Tre; chẳng biết vì sao sông nước miền Nam lại nhiều bần như vậy. Người ta còn kể lại rằng đêm 5/7 năm Đinh Mão 1867, khi cụ Phan Thanh Giản tuẫn tiết theo thành, những hàng bần ở vùng ngã ba sông Vàm Cỏ và sông Tra đã đồng loạt quỳ xuống chịu tang người trung liệt. Từ đó, dân gian ở đây gọi ngã ba này là Ngã ba Bần Quỳ. 

Thiết nghĩ những cây bần ven sông kia còn có thể gợi niềm rung cảm về sự trung hiếu của con người, thì không có gì là không thể đóng góp được cho quê hương và tha nhân về sự có mặt của chúng ta trên cuộc đời này. 

11.10.2018

Nhất thể hay tam thể cũng là mèo

Phạm Trần (Danlambao) - Nếu triết lý “Mèo trắng hay mèo đen không quan trọng, miễn là nó bắt được chuột” của nhà lãnh đạo “cải cách mở cửa” Đặng Tiểu Bình, đã đưa Tàu Cộng từ một quốc gia chậm tiến lên hàng cường quốc kinh tế thứ hai thế giới, sau Hoa Kỳ, thì chuyện “nhất thể” hay “tam thể” cầm quyền ở Việt Nam cũng chẳng khác gì cho đất nước nếu thứ mèo này tiếp tục ăn hại, cam phận cúi đầu trước Bắc Kinh và cứ mãi bám lấy chủ nghĩa Cộng sản hại dân.

Đó là hậu quả không cần tranh cãi như đang hồ hởi và phấn khởi diễn ra ở Việt Nam, sau khi Tổng Bí thư đảng Nguyễn Phú Trọng, theo báo đài nhà nước, được Hội nghị Trung ương 8/XII “thống nhất rất cao giới thiệu để Quốc hội bầu giữ chức vụ Chủ tịch nước tại kỳ họp thứ sáu Quốc hội khóa XIV”, diễn ra từ ngày 22/10/2018. 

Một số đảng viên Đại biểu Quốc hội tỏ vẻ vui mừng, coi việc ông Trọng ôm trọn, tập trung quyền lãnh tụ đảng và chủ tịch nước “là một chủ trương, quyết sách đúng đắn và cấp bách” (báo Người Lao Động, 4/10/2018). 

Nhưng cũng có vô số báo và “nhà bình luận” loạn cào cào đã lạm dụng “nhân dân” để trơ trẽn nịnh chủ như trường hợp ông Vũ Mão, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội. 

Ông nói: “Tôi rất mừng nếu Tổng Bí thư được bầu làm Chủ tịch nước bởi đây là phương án hợp lòng dân.” (báo Giáo dục Việt Nam, ngày 03/10/2018).

Ông Nguyễn Ngọc Bảo (Đại biểu Quốc hội khóa 13) cũng nói: "Tổng Bí thư đồng thời là Chủ tịch nước là việc hợp ý Đảng, lòng dân" (báo GDVN 7-10-018).

Thậm chí, cử tri Lê Đức Hạnh (phường Kim Mã, Hà Nội) cũng cuồng nhiệt nói với ông Nguyễn Phú Trọng: “Dân tuyệt đối tin tưởng, đồng tình ủng hộ và mong Tổng Bí thư tiếp nhận trọng trách cao cả này để phụng sự Tổ quốc, phục vụ Đảng, nhân dân được lâu hơn, nhiều hơn...” (theo Đài Tiếng nói Việt Nam,VOV, Voice of Vietnam), 08/10/2018). 

Ông Nguyễn Duy Quang - Tổ trưởng Tổ dân phố 38, phường Trung Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội cũng nói: “Tôi hoàn toàn nhất trí với chủ trương của Trung ương và tin tưởng đồng chí Tổng Bí thư giữ chức vụ Chủ tịch nước sẽ lãnh đạo đất nước đi tới nhiều thắng lợi vẻ vang” (VOV, ngày 04/10/2018).

Toàn là những cổ động viên “ bẻo mép hớt lẻo”. Chả biết họ đã lấy tư cách gì mà cứ mở miệng là lôi nhân dân ra đứng đầu lưỡi để phô trương cho bản thân.

Một hay hai là một? 

Nhưng chả nhẽ họ chẳng biết, dù khi chưa ôm chức danh Chủ tịch nước, chức vụ Tổng Bí thư đảng đã dành cho ông Trọng mọi quyền lực vì Điều 4 Hiến pháp đã quy định: “Đảng Cộng sản Việt Nam - Đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của Nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, Nhân dân lao động và của cả dân tộc, lấy chủ nghĩa Mác-Lê nin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội.” 

Và mặc dù Tổng Bí thư chỉ là một cá nhân của tập thể lãnh đạo theo nguyên tắc gọi là “tập trung dân chủ”, hay “tập thể lãnh đao, cá nhân phụ trách”, nhưng ông là người đứng đầu đảng, đứng đầu Bộ Chính trị, cơ chế quyết định mọi việc của đất nước nên ông nắm quyền sinh sát quan trọng nhất của Ban Chấp hành Trung ương đảng, khóa XII gồm 178 Ủy viên chính thức và 20 Ủy viên dự khuyết.

Hơn nữa, các chức danh Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ cũng chỉ là các Ủy viên của Bộ Chính trị, nhưng không thể ngang hàng với chức Tổng Bí thư. Vì vậy, kể từ sau ngày Hồ Chí Minh qua đời ngày 02/09/1969, chức danh Chủ tịch nước từ Tôn Đức Thắng đến đời Trần Đại Quang không có quyền bằng Hồ Chí Minh vì không phải là Chủ tịch đảng. Tất nhiên cũng không ngang bằng Tổng Bí thư đảng, nếu không muốn nói chỉ là hình thức để làm cảnh trong nghi lễ mà thôi.

Có lẽ vì vậy mà Nguyễn Phú Trọng không muốn người ta coi ông ta là người “kiêm nhiệm 2 chức vụ” mà là “một người làm hai việc”. Ông cũng không thích cụm từ “nhất thể hóa”, vì không phù hợp với Hiến pháp khi chưa sửa đổi nhập 2 chức danh vào làm một.

Hơn nữa Điều lệ đảng cũng viết y chang như Hiến pháp: “Đảng Cộng sản Việt Nam là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam; đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, của nhân dân lao động và của dân tộc...

“Đảng lấy chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động...

- “Đảng Cộng sản Việt Nam là đảng cầm quyền, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân; dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng… Đảng lãnh đạo hệ thống chính trị, đồng thời là một bộ phận của hệ thống ấy. Đảng lãnh đạo, tôn trọng và phát huy vai trò của Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội.” 

Qua Cương lĩnh đảng, đảng cũng cuỗm luôn quyền cai trị như Hiến pháp: “Đảng Cộng sản Việt Nam là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam; đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của dân tộc. Đảng lấy chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động…Tư tưởng Hồ Chí Minh là một hệ thống quan điểm toàn diện và sâu sắc về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam, kết quả của sự vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin vào điều kiện cụ thể của nước ta...

Đảng Cộng sản Việt Nam là Đảng cầm quyền, lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Đảng lãnh đạo bằng cương lĩnh, chiến lược, các định hướng về chính sách và chủ trương lớn... Đảng lãnh đạo hệ thống chính trị, đồng thời là bộ phận của hệ thống ấy...” 

Vì vậy mà trong cuộc tiếp xúc với cử tri Hà Nội ngày 8/10/2018, ông Trọng quanh co rằng: “Việt Nam đã có giai đoạn lịch sử Bác Hồ làm Chủ tịch nước và Chủ tịch Đảng", sau đó rồi tách”

“Đến bây giờ thì không phải vì nhất thể hoá, đây là tình huống. Vừa rồi không may Chủ tịch nước Trần Đại Quang mất đi, rất đột ngột, mặc dù bệnh hiểm nghèo đã được chữa trị cả năm nay. Khuyết chức danh Chủ tịch nước, phải có người làm thay; Bộ Chính trị, Trung ương chuẩn bị nhiều phương án, thảo luận rất dân chủ, trách nhiệm và nhất trí cao giới thiệu Tổng bí thư ứng cử Chủ tịch nước. Đây là ý kiến của Trung ương còn ra Quốc hội sẽ bầu”. 

Ông cũng nhấn mạnh, “không nên nói là Tổng bí thư kiêm Chủ tịch nước, nói tắt thì được nhưng không đúng tiêu chí. Đây là hai cơ chế khác nhau, hai cơ quan khác nhau, không thiên vai nào chính vai nào phụ; đồng thời cũng không nói nhất thể hoá, nôm na thì đây là bầu cho một người để làm hai công việc này”. (theo bản tin của VOV, ngày 08/10/2018). 

Dù ông Trọng có, hay không muốn giải bày ông không phải là người vẽ ra kế hoạch cho ông có thêm chức, thêm quyền hay giẫm lên Hiến pháp mà ngồi vào ghế mới, nhưng rõ ràng ông đã công khai ôm đồm một lúc 2 Ủy ban quan trọng để chuẩn bị Đại hội đảng XIII, tổ chức vào tháng 01/2021. 

Theo tin chính thức thì: “Trung ương quyết định thành lập 5 tiểu ban chuẩn bị Đại hội XIII của Đảng, gồm: Tiểu ban Văn kiện do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng làm Trưởng tiểu ban; Tiểu ban Kinh tế - Xã hội do Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc làm Trưởng tiểu ban; Tiểu ban Điều lệ Đảng do Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính làm Trưởng tiểu ban; Tiểu ban Nhân sự do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng làm Trưởng tiểu ban; Tiểu ban Tổ chức phục vụ Đại hội do Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng làm Trưởng tiểu ban.”

Do đó, dù “nhất thể” hay “tam thể” gồm: Đảng-Nhà nước, Quốc hội (lập pháp) và Thủ tướng (hành pháp) thì ông Trọng vẫn ăn trùm như khi chức danh Chủ tịch nước còn sống riêng biệt. 

Nếu Cương lĩnh đảng, Điều lệ đảng và Hiến pháp đã viết giống nhau thì mọi chuyện rồi vẫn Mèo thế thôi, dù là “nhất thể” hay “tam thể”. 

11.10.2018

Nguyễn Xuân Phúc ký dự thảo Nghị định về An ninh Mạng, bắt đầu làm cuộc "kắt mạng internet" vào đầu năm 2019

CTV Danlambao - Nguyễn Xuân Phúc vừa gửi ra Dự thảo ngày 03/10/2018 cho Luật An Ninh Mạng. Luật này sẽ có hiệu lực vào ngày 01/01/2019. Kể từ sau ngày đó, mọi hoạt động, dữ kiện, thông tin trên mạng internet sẽ nằm gọn trong tay an ninh. Đó là ý nghĩa thật sự của cái gọi là "an ninh mạng". Bản dự thảo 43 trang có những điểm cần lưu ý như sau:

Dữ liệu phải lưu trữ ở VN: 

Dữ liệu thông tin cá nhân gồm có: 

- Ký hiệu, chữ viết, hình ảnh, âm thanh... để xác định chính xác danh tính một cá nhân. 

- Mọi thông tin khi người dùng khởi tạo một tài khoản. 

- Họ tên, ngày tháng năm sinh, nơi sinh, quốc tịch, nghề nghiệp, địa chỉ ở, địa chỉ email, số điện thoại, số chứng minh nhân dân, số căn cước, số hộ chiếu, số thẻ bảo hiểm, số thẻ tín dụng, hồ sơ tài chính / sức khoẻ, sở thích, quan điểm chính trị... 

- Dữ liệu do cá nhân tạo ra. 

- Dữ liệu về quan hệ cá nhân gồm bạn bè, trang/tài khoản/từ khoá/nhóm mà cá nhân liên hệ. 

- "Nhật ký" về hoạt động của người dùng, thông tin thanh toán các dịch vụ, địa chỉ IP truy cập dịch vụ, thói quen tìm kiếm, log chat, thời gian giao dịch... 

Tất cả những dữ kiện trên không chỉ áp dụng cho các hoạt động truy cập, viết bài, liên lạc trên internet mà cho mọi dịch vụ khác như điện thoại, tài chính, ngân hàng. 

Từ cái gọi là "thông tin cá nhân" này đối tượng nằm trong vòng kiểm soát không chỉ giới hạn trong thành phần quần chúng mà còn đối với tất cả các thành phần khác trong xã hội: doanh nghiệp, quân đội, đảng viên, cán bộ và thành phần lãnh đạo trong guồng máy cai trị. 

Kiểm soát người truy cập: 

- Không một tài khoản truy cập nào được tạo ra khi chưa được "cấp có thẩm quyền" phê duyệt. 

- Mỗi tài khoản truy cập phải được gán cho một người sử dụng duy nhất. 

- Có quyền thu hồi quyền truy cập của người dùng. 

Với những quy định về thông tin, kiểm soát như trên... mọi dữ kiện về tài khoản như userid, password của người dùng sẽ nằm trong tay Cục An ninh mạng và Bộ Tư lệnh Tác chiến không gian mạng. 

Dữ liệu nằm trong tay ai?

Hai bộ phận chính sẽ có thẩm quyền là Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Tư lệnh Tác chiến không gian mạng thuộc Bộ Quốc phòng. 

Bất cứ lúc nào, Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao có quyền yêu cầu các công ty cung cấp dữ liệu về mọi thông tin như đã nêu ở trên của người dùng. Các công ty phải cung cấp tài liệu, thông tin của người dùng chưa được mã hoá hoặc đã được giải mã. 

Tuy nhiên lại có thêm điều khoản "Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao có trách nhiệm bảo vệ dữ liệu thông tin cá nhân, mối quan hệ của người sử dụng dịch vụ, dữ liệu do người sử dụng dịch vụ tại Việt Nam tạo ra..." "Bảo vệ" có nghĩa là mọi dữ kiện phải nằm trong tay an ninh. 

Luật An Ninh Mạng, thực chất là đặt Mạng vào tay An Ninh. Toàn bộ sinh hoạt, dữ kiện riêng tư, quan hệ của người dùng đều thuộc vào quyền sở hữu của những kẻ cai trị độc tài. 


Bạn đọc có thêm xem qua bản dự thảo nghị định này tại đây:


10.10.2018

Thông báo bên lề của Cục An ninh mạng về Luật An ninh mạng

Cục Animan (Danlambao) - Luật An Ninh mạng sẽ có hiệu lực vào ngày 01.01.2019. Mục tiêu của luật là để tiêu diệt những thành phần phản động dùng mạng xã hội để tuyên truyền chống đối đảng ta. Đối với những thành phần cán bộ, lãnh đạo, doanh nhân, quần chúng Việt Nam và Việt kiều nước ngoài sẽ không bị ảnh hưởng như các thế lực thù địch xuyên tạc. 

Đối với Việt Kiều nước ngoài: 

- Khi về nước du lịch, mọi dữ liệu khi giao dịch ngân hàng, đổi tiền, đi bệnh viện, rút tiền từ máy ATM, dùng thẻ tín dụng, mua vé máy bay, đi tour... Nói chung là "nhật ký" tiêu xài của Việt Kiều sẽ được Cục An ninh mạng bảo vệ rất an toàn cho đồng bào. 

- Bên cạnh đó là dữ liệu truy cập vào mạng như userid, password, truy cập vào tài khoản ngân hàng cá nhân được mở tại nước định cư, email gia đình, bạn bè, người yêu, truy cập FB cá nhân,... Mọi dữ kiện đều được Cục An ninh mạng lưu trữ cẩn thận với mục tiêu duy nhất là chỉ để bảo vệ đồng bào không bị kẻ xấu dòm ngó thông tin cá nhân, dữ kiện riêng tư. 

Đối với quần chúng trong nước: 

- Sẽ tương tự như đồng hương nước ngoài về thăm quê hương. Mọi dữ kiện số luân lưu và lưu trữ qua hệ thống internet như tài sản, chi tiêu, tài khoản ngân hàng, sức khỏe, giao dịch, du lịch, quan hệ riêng tư... đều được Cục An ninh mạng gìn giữ và bảo vệ không thua gì như bảo vệ tài nguyên, bảo vệ môi trường trong nhiều năm qua. 

Đối với cán bộ, lãnh đạo: 

- Những dữ liệu trong giao dịch với các doanh nghiệp, các bàn tính thực hiện đề án rút ruột công trình, giải phóng mặt bằng, đấu thầu đất đai, công trình, trao đổi giữa các cán bộ cho những sắp xếp về chức vụ, lợi nhuận, phân chia hoa hồng, cũng như mọi thư từ email, cuộc gọi với những quan hệ trong đảng lẫn ngoài đảng, cùng phái hay khác phái... đều được Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao bảo vệ, để không lọt vào tay các thế lực thù địch. Một bản dữ liệu sẽ được canh gát cẩn mật tại một địa điểm bí mật của Bộ Công An và một bản copy sẽ được lưu trữ an toàn trong văn phòng Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch Nước. 

- Những dữ liệu khác về tài khoản ngân hàng, chuyển ngân từ Việt Nam sang ngoại quốc hay ngược lại, trao đổi với các cơ sở thương mại của mình đang hoạt động ở nước ngoài, con cái đi học ở đâu, quan hệ với ai, nhận được từ gia đình bao nhiêu triệu đô... sẽ được xem là bí mật quốc gia, được bảo vệ nghiêm ngặt bởi Cục An ninh mạng. 

- Những dữ liệu về tài sản trong và ngoài nước, dinh thự chính thức cho vợ con, biệt thự riêng cho vợ bé, chồng bé và tình nhân của các lãnh đạo, cán bộ sẽ được lưu trữ đặc biệt, canh gát cẩn mật bởi một tiểu ban trực thuộc văn phòng Chủ tịch nước và Tổng bí thư. 

*

Trong tương lai, những dữ liệu của đồng bào trong và ngoài nước, của các đảng viên, cán bộ, lãnh đạo còn có thể góp phần vào việc gia tăng lợi nhuận cho đảng và nhà nước, đặc biệt là Bộ Công an. Những dữ kiện riêng tư, quý báu của 90 triệu nhân dân sẽ được Bộ Công an nước bạn hợp tác vừa trả tiền cho đảng và nhà nước ta, vừa giúp bảo vệ dữ kiện theo tinh thần và nội dung của Bản Ghi Nhớ đã ký giữa 2 bộ. 

Kể từ ngày 01.01.2019 là ngày Luật An ninh mạng được chính thức thi hành, mọi dữ kiện của nhân dân và cán bộ sẽ nằm trong "good hand". Cục An ninh hân hoan ghi nhận và chia sẻ niềm vui của toàn thể nhân dân trong và ngoài nước về nỗ lực và thành quả này của Bộ Công An ta. 

11.10.2018