Wednesday, August 7, 2019

Dân Việt Nam vẫn bị bưng bít tin về những diễn biến đang xảy ra tại bãi Tư Chính

Giàn khoan Hakyryu-5 hoạt động tại lô 6-1, bãi Tư Chính. (Hình: JDC)
HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Những gì hiện đang xảy ra tại khu vực bãi Tư Chính và các bãi phụ cận trong phạm vi 200 hải lý đặc quyền kinh tế của Việt Nam, dân chúng không được cho biết.
Hệ thống thông tin tuyên truyền chính thống của nhà cầm quyền CSVN sau ít ngày rầm rộ như một dàn loa đồng thanh hồi Tháng Bảy đả kích Trung Quốc xâm phạm vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam theo Công Ước Quốc Tế về Luật Biển (UNCLOS), sau đó người ta chỉ thấy lác đác ít lời phỏng vấn hoặc các chuyên viên ngoại quốc, hoặc các chức sắc đảng viên CSVN đã nghỉ hưu.
Tuần trước, báo đài tại Việt Nam đồng loạt đưa tin Ngoại Trưởng Phạm Bình Minh cáo buộc Trung Quốc đưa tàu khảo sát địa chất Haiyang Dizhi 8 hoạt động “trái phép” ở khu vực Tư Chính tại hội nghị cấp ngoại trưởng ASEAN và một số hội nghị liên quan ở Bangkok, Thái Lan.
Cuối Tháng Bảy, phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao CSVN loan báo giàn khoan Hakuryu-5 của một công ty Nhật được công ty của Nga Rosneft thuê dò tìm tại lô 6-1 thuộc bãi Tư Chính được triển hạn đến giữa Tháng Chín. Người ta không được biết hợp đồng được triển hạn vì hoạt động của họ bị các tàu Trung Quốc quấy rối cản trở nên cần thêm thời gian hoàn tất công việc; hoặc Hà Nội muốn “đấu lỳ” với Bắc Kinh?
Nhà cầm quyền CSVN qua hệ thống báo đài độc diễn không hề cho dân chúng biết gì về các vụ đối đầu giữa các tàu cảnh sát biển và kiểm ngư của Việt Nam từ giữa Tháng Sáu đến nay ở khu vực nói trên. Những ai trong nước có thể theo dõi báo đài nước ngoài mới biết được phần nào sự thật.
Trong khi phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao CSVN chỉ mơ hồ tố cáo các tàu Trung Quốc xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam rồi báo đài nhà nước vội vã chỉ trích Bắc Kinh mà chẳng có bao nhiêu chi tiết.
Giữa Tháng Bảy, báo đài nước ngoài thuật một bản tường trình của tổ chức “Sáng Kiến Minh Bạch Hàng Hải Á Châu” (Asia Maritime Transparency Initiative – AMTI) thuộc Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến Lược Quốc Tế (CSIS) ở Washington kể chi tiết về các hoạt động “quấy rối” của nhóm tàu Trung Quốc đối với hoạt động của công ty Rosneft (được Việt Nam cấp thỏa thuận cho dò tìm và khai thác dầu khí tại lô 6-1).
Theo AMTI, tàu hải cảnh Trung Quốc Haijing 35111 từ ngày 16 Tháng Sáu, đã đi lòng vòng ở khu vực cách bờ biển Đông Nam Việt Nam 190 hải lý xoay quanh lô 06-01, ở phía Tây Bắc bãi Tư Chính (tên quốc tế là Vanguard Bank).
Lô dầu khí 06-01 thuộc dự án đường ống khí đốt Nam Côn Sơn, là dự án thành lập lần đầu năm 2000 giữa Tổng Công Ty Dầu Khí Việt Nam (nay là Tập Đoàn Dầu Khí Việt Nam), Tập Đoàn BP và Tập Đoàn Statoil. Năm 2012, TNK thay thế BP trở thành đối tác chiếm phần vốn lớn thứ 2 của hợp doanh. Năm 2013, Rosneft của Nga thay thế TNK.
Hiện nay, dự án là hợp doanh giữa Tổng Công Ty Khí Việt Nam (PV GAS), Rosneft Pipelines Vietnam và Perenco Pipelines Vietnam. Tại lô 06-01, hiện có giàn khoan Hakuryu-5 thuộc Công Ty Khoan Nhật Bản (JDC) điều hành đang tiến hành công tác khoan.
Rosneft giao cho giàn khoan Hakuryu-5 đào một mỏ khác trong lô 06-01, bắt đầu làm từ ngày 18 Tháng Năm. Tàu Sea Meadow 29 và tàu Crest Argus 5 – là loại tàu AHTS chuyên dụng, cung cấp dịch vụ thăm dò, khai thác dầu khí – đã đi lại giữa Vũng Tàu và lô 06-01 từ Tháng Năm để phục vụ giàn khoan Hakuryu-5.
Theo AMTI, tàu Haijing 35111 đã có hành vi “đe dọa gần các tàu này nhằm ra oai với họ.” AMTI kể là ngày 2 Tháng Bảy, trong khi hai tàu kéo rời khỏi giàn khoan Hakuryu-5, tàu hải cảnh Haijing 35111 “đi vào giữa hai tàu với tốc độ cao, cách mỗi tàu khoảng 100 mét và chỉ cách giàn khoan chưa đầy nửa hải lý.” Dù vậy giàn khoan Hakuryu-5 vẫn tiếp tục hoạt động.
Đến ngày 4 Tháng Tám, người ta thấy ông Carl Thayer, một chuyên viên người Úc về các vấn đề Việt Nam, viết trên trang tham vấn của ông về vụ bãi Tư Chính là Trung Quốc đã điều động, tùy thời điểm, từ 35 đến 80 tàu các loại từ hải cảnh đến tàu cá mà thực chất là các tàu “dân quân biển” để áp lực phía Việt Nam ngừng hoạt động dầu khí.
Phía nhà cầm quyền CSVN không hề có những thông tin như thế cho dân biết. Khi xảy ra đối đầu giữa lực lượng cảnh sát biển của Việt Nam với các tàu hải cảnh, hải giám Trung Quốc hồi giữa năm 2014 tại phía Nam quần đảo Hoàng Sa, báo chí trong ngoài nước đã được cho đi theo để cung cấp tin tức, hình ảnh, video clip diễn tiến kéo dài suốt hai tháng rưỡi. Nay không hề thấy có tin tức, hình ảnh gì về vụ Tư Chính.
Ngày 25 Tháng Bảy, người ta thấy tạp chí Tuần Việt Nam (một bộ phận của báo VietNamNet) có bài viết với tựa đề “Nhịn để được yên ổn làm giảm sức mạnh của Việt Nam.” Sau đó, tựa đề này bị đổi lại nhẹ nhàng hơn “Huy động toàn dân bảo vệ chủ quyền và phẩm giá dân tộc” và nội dung bài viết dựa trên phỏng vấn cựu thống đốc tiểu bang Massachusetts Mỹ Dukarkis cũng bị bỏ bớt những đoạn “xúi” Việt Nam phản ứng mạnh hơn với Bắc Kinh.
Trên báo Đất Việt ngày Thứ Tư, 7 Tháng Tám, người ta thấy báo này phỏng vấn ông Lê Việt Trường, cựu phó chủ nhiệm Ủy Ban Quốc Phòng An Ninh của Quốc Hội CSVN, kêu gọi “Việt Nam chuẩn bị đầy đủ các điều kiện để có thể sẵn sàng kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế, cơ quan phán xử những xung đột trong quá trình thực hiện UNCLOS.”
Lời kêu gọi của ông Trường lập lại lời kêu gọi của một ông cựu đại sứ vài ngày trước đó, và lời khuyến cáo của một chuyên viên Mỹ, như một cách bắn tiếng nhẹ nhàng cho Bắc Kinh biết để đừng dồn ép quá đáng.
Trước đó một ngày, khoảng 10 người ở Hà Nội đã biểu tình chống Bắc Kinh bá quyền bành trướng phía trước tòa đại sứ Trung Quốc đã bị công an giải tán nhanh chóng. (TN)

Cưỡng chế đất, 10 cán bộ huyện ở Cà Mau bị dân tạt xăng đốt phỏng nặng

Đoàn cán bộ huyện cưỡng chế đất của gia đình bà Lê Thị Hiến. (Hình: Tiền Phong)
CÀ MAU, Việt Nam (NV) – Trong lúc đang đọc quyết định cưỡng chế đất của người dân ở xã Thạnh Phú, đoàn cán bộ huyện Cái Nước bị gia đình chủ đất cầm dao tấn công, tạt xăng đốt gây phỏng nặng.
Chiều 7 Tháng Tám, 2019, xác nhận với báo Người Lao Động, ông Phạm Phúc Giang, chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân huyện Cái Nước (tỉnh Cà Mau), cho biết nhiều cán bộ thuộc đoàn cưỡng chế đất ở xã Thạnh Phú (huyện Cái Nước) trong lúc làm nhiệm vụ đã bị phỏng do người dân dùng xăng chống đối.
Báo Tiền Phong dẫn tin từ Khoa Cấp Cứu Bệnh Viện Đa Khoa Cà Mau cho biết, đã tiếp nhận 10 bệnh nhân bị phỏng là cán bộ xã Thạnh Phú, Chi Cục Thi Hành Án và Công An huyện Cái Nước. Trong số các bệnh nhân có người bị phỏng nặng vùng mặt, có thể phải chuyển lên bệnh viện Sài Gòn để chữa trị.
Tin cho biết, khoảng 9 giờ sáng cùng ngày, chính quyền huyện Cái Nước thành lập đoàn gồm nhiều lực lượng tổ chức cưỡng chế phần đất của ông Lê Vũ Khi (ở xã Thạnh Phú, huyện Cái Nước). Trên mảnh đất này, gia đình bà Lê Thị Hiến (52 tuổi, chị ruột ông Khi) đang sinh sống hợp pháp.
Vài tháng trước, Tòa Án Nhân Dân huyện Cái Nước tuyên án, buộc gia đình bà Hiến phải di dời nhà cửa, trả lại đất cho chủ mới mua sau khi người này khởi kiện ra tòa đòi đất. Tuy nhiên, gia đình bà Hiến phản ứng dữ dội cho rằng sự vụ không liên quan.
Xe cứu thương được huy động chở chở cán bộ đi cấp cứu. (Hình: Tiền Phong)
Nói với báo Tiền Phong, bà Lê Thị Điệp (75 tuổi, chị ruột bà Hiến) giải thích rằng cha mẹ của bà để lại phần đất hơn 4,600 mét vuông cho ông Lê Vũ Khi (em ruột của bà Điệp và bà Hiến) đứng tên. Trong đó, cha mẹ của bà cho bà Lê Thị Hiến hơn 3,000 mét vuông “có giấy tờ, có anh em trong gia đình ký tên đồng thuận và xã Thạnh Phú đo đạc nhưng chưa kịp tách thửa làm ‘sổ đỏ’ chỉ có giấy tay.” Tuy nhiên ông Khi đã cầm cố rồi bán cho người khác toàn bộ phần đất trên, bao gồm phần đất cha mẹ để lại cho bà Hiến.
Không cần phân biệt đúng sai, đoàn cán bộ vẫn “tiến hành cưỡng chế theo kế hoạch.” Uất ức, anh Phạm Văn Nguyên (con trai bà Hiến) cùng người em rể cầm dao, hất xăng vào đoàn cán bộ bật lửa đốt rồi bỏ chạy.
Hậu quả làm hàng loạt cán bộ trong đoàn cưỡng chế bị phỏng, trong đó có chín người được đưa lên Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Cà Mau cấp cứu và một người được chuyển lên bệnh viện ở Sài Gòn để điều trị.
Sau khi xảy ra vụ này, lực lượng Công An huyện Cái Nước đã đưa vợ chồng bà Lê Thị Hiến, ông Phạm Hoàng Kiếm và ông Lê Văn Lập (anh bà Hiến) về trụ sở để “làm việc.” Riêng anh Phạm Văn Nguyên và người em rể đã bỏ trốn. (Tr.N)

Dân Hà Nội biểu tình chống Trung Quốc, bị công an giải tán

Clip biểu tình ở Hà Nội trước tòa đại sứ Trung Quốc ngày 6 Tháng Tám, 2019. (Hình: Người Việt clip)
HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Khoảng một chục người dân biểu tình trước sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội hôm Thứ Ba, 6 Tháng Tám, 2019, phản đối hành động của Bắc Kinh cản trở hoạt động dầu khí của Việt Nam tại khu vực bãi Tư Chính.
Trên mạng xã hội Facebook, người ta thấy bà Thảo Teresa phổ biến trực tuyến cuộc biểu tình vừa kể. Khi tới trước Tòa Đại Sứ Trung Quốc, họ cởi áo ngoài và chỉ mặc áo thun có in hình cái “Lưỡi Bò” trên Biển Đông bị gạch chéo. Một người cầm loa còn những người khác cầm những tấm bảng viết những lời phản đối hành động ngang ngược của Trung Quốc trên Biển Đông.
Trong những khẩu hiệu họ hô to, người ta nghe thấy “Đả đảo Trung Quốc xâm lược bãi Tư Chính của Việt Nam,” “Trường Sa! Việt Nam,” “Hoàng Sa! Việt Nam.”
Có 526 lượt chia sẻ và hơn 26,000 lượt người xem video clip biểu tình của bà Facebooker Thảo Teresa. Trong số những lời bình luận khi xem clip biểu tình. Người ta thấy Facebooker Nguyễn Thị Hồng Sanh viết “Hoan nghinh tinh thần yêu nước của các em.” Facebooker Nguyễn Hùng viết “Không thể để thế giới chửi người Việt hèn.” Facebooker Nga Nguyen viết “Rất biết ơn các bạn. Các bạn thật dũng cảm.”
Trong một tấm hình trên trang Facebơok của Facebooker Nguyễn Thúy Hạnh, người ta thấy bà giơ cao tấm biểu ngữ “China get out of Vietnam’s Vanguard Bank” (Trung Quốc cút khỏi bãi Tư Chính của Việt Nam).
Bà Nguyễn Thúy Hạnh biểu tình chống Trung Quốc ngày 6 Tháng Tám, 2019. (Hình: Facebook Nguyễn Thúy Hạnh)
Theo hãng thông tấn Reuters, cuộc biểu tình đã bị công an giải tán nhanh chóng chỉ sau ít phút nhưng không thấy có tin nào nói ai bị đánh hay bị bắt.
“Chúng tôi biểu tình trước Tòa Đại Sứ Trung Quốc cho thế giới thấy sự tức giận của chúng tôi,” một người biểu tình tên Lê Hoàng nói với Reuters.
Nhà cầm quyền CSVN chỉ thị báo chí đả kích một đợt hồi Tháng Bảy, cáo buộc Trung Quốc ngang nhiên đưa tàu khảo sát địa chất Haiyang Dazhi 8 tới hoạt động ở khu vực bãi Tư Chính và các bãi phụ cận trong phạm vi đặc quyền kinh tế 200 hải lý theo công ước quốc tế (UNCLOS) mà cả Việt Nam và Trung Quốc đều ký tên tham gia công nhận.
Người ta biết rõ hơn sự nghiêm trọng của vấn đề khi đọc các tin tức trên báo chí và các đài ở nước ngoài. Trung Quốc tùy thời điểm, đã đưa từ 35 tới 80 chiếc tàu đủ loại từ hải cảnh đến “dân quân biển” quấy rối, ngăn cản hoạt động khoan tìm dầu khí của Việt Nam tại lô 6-1 trong bãi Tư Chính, suốt từ giữa Tháng Sáu.
Sau cái đợt báo chí của nhà nước đồng loạt lên án Trung Quốc hồi tháng trước vài ngày, tất cả lại im tiếng cho đến nay ngoài một vài bài phân tích về chủ quyền lãnh thổ, về công ước UNCLOS, một hai bài báo thuật lời giới chuyên gia nước ngoài thúc giục Việt Nam nên kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế vì “chắc chắn thắng.”
Cuộc biểu tình hôm 6 Tháng Tám tại Hà Nội ít được tham gia đông đảo. Một phần, có thể, một số người từng tham dự những cuộc biểu tình trước đây, viết trên mạng xã hội, cho rằng nhà cầm quyền CSVN, không những không cảm ơn, không cổ võ lòng yêu nước của người dân mà còn cho công an bắt giữ, đánh đập, thậm chí bỏ tù họ. (TN)

Bị bỏ quên trên xe, học sinh trường quốc tế ở Hà Nội chết thảm

Trường Tiểu Học Quốc Tế GateWay trên đường Khúc Thừa Dụ, quận Cầu Giấy, Hà Nội. (Hình: Việt Nam Finance)
HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Một bé trai 6 tuổi, học lớp 1 trường quốc tế ở Cầu Giấy, đã chết thảm do bị nhà trường bỏ quên cả ngày trên xe đưa rước học sinh.
Tối 6 Tháng Tám, 2019, thi thể cháu Lê Hoàng L. (6 tuổi, trú Hà Nội), học sinh lớp 1, trường Tiểu Học Quốc Tế GateWay ở đường Khúc Thừa Dụ (quận Cầu Giấy, Hà Nội), được đưa vào Bệnh Viện E để giới hữu trách điều tra nguyên nhân tử vong. Đại diện các bên liên quan cũng có mặt tại Bệnh Viện E.
Báo Người Lao Động cho hay, có mặt ở Bệnh Viện E cùng với gia đình nạn nhân, bà Trần Thị Hồng Hạnh, chủ tịch Hội Đồng Quản Trị trường Tiểu Học Quốc Tế Gateway, đã xin lỗi vợ chồng anh Lê Văn Sơn, cha cháu bé, và khẳng định “nhà trường sẽ chịu hoàn toàn trách nhiệm.”
Bà Hạnh cho biết, ban đầu giáo viên kiểm soát báo con anh Sơn không đến lớp, nhưng do “lỗi kỹ thuật và giáo viên phụ trách liên lạc với phụ huynh hôm nay nghỉ phép nên xảy ra bất cẩn.” Nhà trường đang cho kiểm tra lại camera an ninh, yêu cầu giáo viên liên quan tường trình toàn bộ sự việc.
Theo báo Zing, tại cuộc làm việc giữa gia đình và nhà trường, do nghi ngờ cái chết bất thường của con trai, anh Sơn yêu cầu triệu tập tất cả những người liên quan gồm thầy cô giáo, lái xe và người phụ trách đưa đón để cùng ký vào biên bản sự việc.
“Khi con tôi mất, nhà trường cố tình chuyển bé vào viện và báo con bị ngất là sai, không đúng. Tại sao gia đình tôi rất nhiều người có mặt ở đây mà những người liên quan phía nhà trường không có mặt?,” anh Sơn nghi ngờ nói.
Nhiều câu hỏi từ phía gia đình đặt ra cho nhà trường về việc khu vực để xe đưa đón có camera không, hiện chiếc xe đang ở đâu…?
Bà Hạnh cho biết bản thân chưa nắm được tường trình của tài xế chiếc xe nơi phát hiện cháu L. “Tôi đang rất rối bời do ở bệnh viện từ chiều nay,” bà Hạnh nói xong và bỏ đi.
Một đại diện nhà trường cho biết xe của nhà trường có ký hợp đồng thuê một đơn vị cung cấp đầu xe và lái xe, sau khi trả học sinh ở trường thì xe di chuyển đi chỗ khác. Nghĩa là chỉ ký hợp đồng đến đón và trả học sinh tại trường.
Thi thể cháu bé được bệnh viện đưa về với gia đình. (Hình: Pháp Luật Việt Nam)
Vợ chồng anh Sơn đề nghị đại diện nhà trường viết ra đầy đủ quy trình đưa đón cháu L., từ lúc bỏ quên cháu trên xe, rồi khi cháu không lên lớp. Xe chở cháu nhưng không thấy xuống thì sau đó xe này đi đâu, đỗ ở đâu, có phải khi phát hiện cháu mất mới chở đến trường…
Theo đại diện nhà trường, khi phát hiện cháu Lê Hoàng L. trên xe, y tá của trường “tiến hành hô hấp, ép lồng ngực, nắn tay chân và thấy mạch của cháu bé còn đập, chân tay mềm.”
Nhưng thực tế, qua kiểm tra camera của trường GateWay thì thời điểm khoảng 4 giờ 15 phút chiều, khi học sinh tan học, nhiều em lên xe để ra về thì phát hiện cháu L. bất tỉnh trên xe, nhiều em hoảng loạn chạy xuống. Sau đó, một người đàn ông đã bế cháu L. (trong trạng thái cơ thể đã cứng) vào trong phòng y tế.
Cháu Lê Hoàng L. là con trai duy nhất của vợ chồng anh Lê Văn Sơn vốn đang khỏe mạnh, không có bệnh tật gì. Hôm nay là buổi đi học thứ hai của em ở trường Gateway. Do chưa xác định được nguyên nhân và thời gian tử vong của con, gia đình đồng ý để cơ quan hữu trách giảo nghiệm tử thi.
Trước đó, sáng 6 Tháng Tám, xe của trường này đến đón cháu Lê Hoàng L. đi học, tuy nhiên đến cuối buổi chiều thì nhà trường thông báo với gia đình sự việc đau lòng.
“Tới trường, chúng tôi nhận được những câu trả lời quanh co của giáo viên. Sau khi vợ chồng tôi chia nhau đi tìm con thì nhà trường báo là con ngủ quên trên xe hơi và đang cấp cứu tại Bệnh Viện E. Chúng tôi vào đến nơi thì con tôi đã chết,” anh Sơn vừa khóc, vừa kể.
Anh Sơn cho biết thêm, bác sĩ thông báo con trai anh đã mất từ trước khi tới bệnh viện, “không còn chút hơi ấm nào.”
Tin cho biết, lúc 10 giờ 20 tối cùng ngày, Công An quận Cầu Giấy và đại diện Viện Kiểm Sát Nhân Dân cùng cấp làm việc với hai bên gia đình nạn nhân và nhà trường. Khu vực làm việc ngay tại Nhà Tang Lễ Bệnh Viện E. Người thân cháu L., tụ tập trước sân nhà tang lễ, gào khóc. Công an đã phong tỏa nơi đây, chỉ cho người nhà chứng kiến cuộc làm việc. (Tr.N)

Bắt giam 3 cán bộ tiếp tay ‘đại gia điếu cày’ Lê Thanh Thản lừa đảo khách mua nhà

Liên quan trực tiếp tới việc "đại gia điếu cày" Lê Thanh Thản bị khởi tố "lừa dối khách hàng" chính là công trình Bemes (CT6), phường Kiến Hưng, quận Hà Đông. (Hình: Tiền Phong)
HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Một chủ tịch phường cùng hai cán bộ Thanh Tra Xây Dựng ở quận Hà Đông đã bị Công An Hà Nội khởi tố, bắt tạm giam do đã tiếp tay cho ông Lê Thanh Thản, chủ tịch Tập Đoàn Mường Thanh, lừa đảo người dân.
Ngày 6 Tháng Tám, 2019, tờ Tiền Phong cho biết, mở rộng điều tra vụ án liên quan đến đại gia Lê Thanh Thản, chủ tịch Tập Đoàn Mường Thanh, Cơ Quan Cảnh Sát Điều Tra Công An Hà Nội đã khởi tố, bắt tạm giam ông Nguyễn Duy Uyên (55 tuổi), chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân phường Kiến Hưng (quận Hà Đông, Hà Nội), cùng hai ông Vương Đăng Quân, cựu phó chánh Thanh Tra Xây Dựng quận Hà Đông, và ông Mai Quang Bài, cán bộ Đội Quản Lý Trật Tự Xây Dựng quận Hà Đông, về tội “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.”
Cơ quan điều tra xác định ba bị can trên “có liên quan đến những sai phạm tại dự án đầu tư xây dựng Tổ Hợp Chúng Cư Bemes (phường Kiến Hưng, quận Hà Đông), do Tập Đoàn Mường Thanh làm chủ đầu tư.”
Theo báo Tuổi Trẻ, trước đó Cơ Quan Điều Tra Công An Hà Nội đã khởi tố ông Lê Thanh Thản (hay còn gọi “đại gia điếu cày”) để điều tra về tội “lừa dối khách hàng.”
Dấu hiệu “lừa dối khách hàng” mà ông Lê Thanh Thản bị điều tra có liên quan đến Tổ Hợp Chúng Cư Thương Mại CT6 do Công Ty Cổ Phần Sản Xuất-Xuất Nhập Khẩu Bemes làm chủ đầu tư tại phường Kiến Hưng (quận Hà Đông, Hà Nội).
Liên quan đến dự án Chúng Cư CT6 mà Công An Hà Nội đang điều tra, trước đó những người dân mua nhà tại đây đã có đơn yêu cầu gửi các sở, ngành của Hà Nội đề nghị được cấp Giấy Chứng Nhận Quyền Sở Hữu Nhà ở (sổ đỏ).
Theo phản ảnh, rất nhiều người dân mua nhà tại dự án CT6 Kiến Hưng “dở khóc dở cười” khi chuyển về đây ở từ vài năm nay nhưng vẫn không được cấp “sổ đỏ.”
Nguyên nhân theo quy hoạch thiết kế được duyệt, dự án có hai tòa chúng cư gồm CT6A và CT6B với tổng số căn hộ được duyệt là 936 căn hộ chúng cư cao tầng và 34 nhà thấp tầng, biệt thự liền kề.
Thế nhưng qua kiểm tra thực tế, cơ quan hữu trách phát hiện chủ đầu tư đã xây thêm tòa CT6C, nâng tổng số căn chung cư không phép là 654 và bốn căn biệt thự liền kề, nhà thấp tầng. Tất cả số căn chúng cư không phép này đã được bán cho khách hàng.
Trong các đơn tố cáo, nhiều người cho biết khi ký hợp đồng mua nhà họ hoàn toàn không biết tòa TC6C không có trong thiết kế quy hoạch. Đến khi làm thủ tục xin cấp “sổ đỏ” mới biết tòa nhà này xây không phép đến 32 tầng.
Ngoài ra, giới hữu trách còn xác định nhiều dự án xây dựng của Tập Đoàn Mường Thanh vướng vào hai sai phạm lớn là “xây dựng vượt tầng, phá vỡ quy hoạch được duyệt và có các sai phạm trong quá trình chuyển nhượng, thâu tóm dự án.”
Trươc đó, Ủy Ban Kiểm Tra Thành Ủy Hà Nội đã kiểm tra “dấu hiệu vi phạm” của tất cả cán bộ cấp phường, cấp quận, huyện của hai quận Hoàng Mai và huyện Thanh Trì. Kết quả đã “xử lý trên 20 cán bộ có liên quan” những sai phạm của Tập Đoàn Mường Thanh. (Tr.N)