Monday, March 4, 2019

Ai bảo kê cho các nhóm lợi ích hút máu nhân dân ?



Ngô Trường An|

Cứ cho là có tổ chức Việt Tân xúi giục người dân đếm xe ở BOT Ninh Lộc như báo nêu. Thì điều này, có nghĩa, tổ chức này đã đứng về phía nhân dân chống lại bọn quan lại ăn cướp.
Thiết nghĩ, tổ chức Việt cộng nên thoái vị để nhường quyền lãnh đạo cho tổ chức Việt Tân. Vì từ lâu nay, báo chí toàn nói đến tổ chức này xúi giục người dân biểu tình chống Formosa, biểu tình chống luật đặc khu, chống luật ANM… Chứng tỏ, tổ chức Việt Tân đã đứng bên cạnh nhân dân và cùng nhân dân bảo vệ Tổ Quốc, bảo vệ môi trường, bảo vệ quyền tự do ngôn luận… Và hôm nay, tổ chức này lại giúp nhân dân bảo vệ nồi cơm của mình trước các nhóm lợi ích chuyên ăn cướp.
Còn tổ chức Việt cộng đã làm được gì cho nhân dân? Liệt kê sơ sơ thử xem: Ai tham nhũng cạn kiệt ngân sách để rồi bắt dân đóng thuế liên tục để bù vào. Việt Tân hay Việt cộng? Ai chủ trương nhượng địa cho giặc thông qua luật các đặc khu. Việt Tân hay Việt cộng? Ai cướp đất Thủ Thiêm, Đồng Nai, Vụ Bản, Dương Nội….. Việt Tân hay Việt cộng? Ai bảo kê cho các nhóm lợi ích hút máu nhân dân. Việt Tân hay Việt cộng????
Tôi chẳng biết tổ chức VT nó nằm ở đâu, ai là người lãnh đạo và kinh phí từ đâu để họ hoạt động? Nhưng, theo báo chí nhà nước mô phỏng thì tổ chức này quá giỏi, chỗ nào cũng có mặt họ và điều quan trọng hơn hết là, họ hô hào, kêu gọi được nhân dân hành động, đấu tranh vì chính Nghĩa, chống giặc tàu, chống bọn quan lại lưu manh hút máu dân lành.. …
Tại sao?Nếu tổ chức Việt cộng luôn vì dân, vì nước sao không hành động như tổ chức Việt Tân mà lại đả kích tổ chức này?

Thủ tướng và sự chỉ đạo từ ông Tổng


An Viên – VNTB| 

hủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm việc với 27 chuyên gia kinh tế hàng đầu nhằm tổng hợp hóa góp ý vào chiến lược phát triển kinh tế xã hội 10 năm tới và định hướng phát triển xa hơn.
Trong buổi làm việc, ông Nguyễn Xuân Phúc đã ‘đề nghị các chuyên gia kinh tế có các ý kiến thẳng thắn, tâm huyết, nêu cả những khiếm khuyết, tồn tại phải tháo gỡ và tầm nhìn phát triển kinh tế xã hội thời gian tới’.
Trí thức ở Việt Nam có rất là nhiều, và chuyên gia nhiều như lá mùa đông… Và cái Việt Nam đang thiếu, không phải là ‘chuyên gia, trí thức’, hay là sự góp ý thẳng thắn và tâm huyết, mà chính là sự lắng nghe và ghi nhận của tầng lớp lãnh đạo cao cấp Hà Nội.

Và khi ông Nguyễn Xuân Phúc thao thao bất tuyệt về cuộc cách mạng 4.0, hay những cải cách thể chế, hóa rồng hay cô gái đẹp bừng tỉnh sau giấc mộng dài,… thì hiện thực là không gì cả, khi ve áo ông vẫn còn chiếc huy hiệu Đảng, và đằng sau ông là sự chỉ đạo toàn diện – tuyệt đối của cụ Nguyễn Phú Trọng – Tổng Bí thư, Chủ tịch nước CHXHCNVN.

Những người Cộng sản, với sự kiêu ngạo và tự tôn về gây dựng chính quyền, gìn giữ chinh quyền bằng nòng súng chưa bao giờ coi trí thức (hay chuyên gia) thực sự tâm huyết là một nguồn tin để lắng nghe và học hỏi. Họ coi đó là một đối tượng cứng đầu, phản động khi góp ý đụng chạm đến quyền lực của chính đảng, nơi mà giới lãnh đạo cao cấp luôn mang trên ve áo một huy hiệu cờ đỏ búa liềm.
Góp ý Hiến pháp 2013 cho đến những sự kiện gần đây của giới trí thức đòi quyền con người, góp ý thẳng thắn về các vấn đề tư hữu ruộng đất, phi chính trị hóa quân đội, ra luật về đảng đều bị vị Tổng bí thư (nay kiêm thêm chức danh Chủ tịch nước) điểm mặt chỉ tên: thành phần bất hảo. Và kể từ khi người đứng dầu một đảng độc tôn quyền lực tại Việt Nam dán nhãn như thế, thì mọi góp ý dù là hữu hảo nhất cũng đều là những góp ý ác ý từ phía chính quyền.
Khi góp ý không được thẳng thắn, không được chạm vào các ngõ ngách, thì góp ý đó trở thành một thứ văn vẻ, hoa lá tô điểm cho cái gọi là ‘sự lắng nghe của chính quyền trước tâm tư, nguyện vọng của giới trí thức’. Một tưởng chừng rất dân chủ nhưng đầy tính huyễn hoặc của dân chủ.
Nguyễn Trung, một nhà ngoại giao, cựu Đại sứ Việt Nam ở một số nước, cộng tác viên Ban nghiên cứu của Thủ tướng cũng phải thừa nhận trong một lá thư ngày 9.8.2015 rằng: lập trường kiên định “độc lập dân tộc gắn với chủ nghĩa xã hội”, “xây dựng Hiến pháp 2013 phải thể hiện Cương lĩnh của Đảng”, “quân đội và công an phải trung thành với Đảng”, xếp tất cả những ý kiến trái chiều trong nhân dân vào “các thế lực thù địch” để trấn áp.
Và thực tế, hiện nay, khi Luật an ninh mạng 2018 đã tiếp tục khẳng định tính chất ‘trấn áp’ đó dưới thời quyền lực của ông Tổng Bí thư – Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng.
Hãy xem lá thư ngày 9.8.1995 của ông Sáu Dân (cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt), một người có tư tưởng cấp tiến và đổi mới, một người chịu khó lắng nghe giới trí thức và có tầm nhìn về hòa giải dân tộc viết gì.
‘Trên chặng đường mới này của đất nước, hơn bao giờ hết là đảng cầm quyền, Đảng ta cần giương cao ngọn cờ dân tộc và dân chủ…’.
Thế nhưng, thay vì giương cao ngọn cờ dân tộc và dân tộc, dưới thời đại của ông Nguyễn Phú Trọng, Đảng cầm quyền đã giương cao lá cờ Đảng, và xếp tất cả mọi yếu tố ‘dân chủ’ thành một thể loại cần phải loại bỏ.
Trong một tư duy đơn giản, nếu coi Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt là một người có tư duy đổi mới, thì những người chống lại quan điểm của ông phải là ‘thủ cựu, giáo điều’. Và ông Nguyễn Phú Trọng xứng đáng được xếp vào danh sách dài đó…
Nhưng gì ông Nguyễn Phú Trọng phủ bóng, bằng quyền lực chuyên chính của mình đã khiến cho các nỗ lực cải cách trong Bộ máy Nhà nước bị kìm hãm,… Giá trị của sự ‘lắng nghe trí thức’ từ phía nội các Chính phủ bị mờ nhạt. Tái lặp lại câu chuyện ‘nói rất nhiều, nhưng làm không được bao nhiều’, vì bởi lẽ Đảng đang lãnh đạo toàn diện.
Khi mà sự ‘lắng nghe trí thức’ chỉ dừng mức hình thức, thì khi đó, các ý kiến ‘tâm huyết, thẳng thắn’ hoặc chỉ dừng ở mức khép nép, hoặc chỉ dừng ở trong cuộc họp đó. Sự cải cách dựa trên thuộc tính khép nép của góp ý nếu có chỉ chắp vá một bộ quần áo rác rưới của chế độ. Nhưng chừng đó cũng đủ đánh lừa không ít vị… nhân sĩ trí thức.
Củng cố xây dựng Đảng với sự tập trung quyền lực của hai chức vụ có thể hoàn tất trong vòng 1 nhiệm kỳ, nhưng nắm bắt vận hội cho cả một dân tộc có thể đánh mất trong một thời gian ngắn hơn thế, có thể là 1 ngày, 1 tháng, 1 năm… Hoặc đơn thuần là bằng một luật định, một chỉ đạo ‘hà khắc, định kiến’ đối với nhu cầu mở rộng tự do, dân chủ trong dân chúng.
Do vậy, khi nhìn thấy các tin tức về nội các Nguyễn Xuân Phúc, thể hiện sự tâm huyết, người viết luôn nghi ngờ giá trị thực đằng sau đó, bởi lẽ, người đứng đầu Đảng dù xuất phát từ một văn sĩ thuộc trường đại học bậc nhất miền Bắc, nhưng ông ta lại tỏ ra ‘đố kỵ’ trước trí thức bởi sự đam mê quyền lực và mộng tưởng giữ trọn quyền lực trong đảng.
Và khi ông Nguyễn Xuân Phúc thao thao bất tuyệt về cuộc cách mạng 4.0, hay những cải cách thể chế, hóa rồng hay cô gái đẹp bừng tỉnh sau giấc mộng dài,… thì hiện thực là không gì cả, khi ve áo ông vẫn còn chiếc huy hiệu Đảng, và đằng sau ông là sự chỉ đạo toàn diện – tuyệt đối của cụ Nguyễn Phú Trọng – Tổng Bí thư, Chủ tịch nước CHXHCNVN.
Giấc mộng ‘hóa rồng’ vững chắc từ cải cách thể chế, mở rộng dân chủ là giấc mộng còn xa vời, không chỉ đối với di sản của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, mà còn là nhiều người nhân sĩ trí thức huyết lòng và thực tâm với dân tộc khác…

Tôi thách Đảng Cộng sản Việt Nam tôn trọng pháp luật!

Nguyễn Tường Thụy – VNTB – Sau 5 ngày, chốt canh chặn cuối cùng của lực lượng khẩu trang đã rút vào trưa ngày hôm qua 2/3, khi Kim Jong Un kết thúc chuyến thăm “hữu nghị” Việt Nam, rời HN về nước. Đó là chốt đặt ở trước nhà chị Dương Thị Tân, số 57/31 Phạm Ngọc Thạch, phường 6 quận 3, Hồ thành. Có điều rất trái khoáy là khi các chốt ở Hà Nội đã được dỡ bỏ giữa buổi chiều ngày 28 tháng 2, vào lúc tổng thống Mỹ chủ động kết thúc đàm phán bỏ về nước thì những người hoạt động XHDS (xã hội dân sự độc lập) ở Hồ thành tiếp tục bị canh giữ thêm 2 ngày nữa.
Như vậy chính quyền Hà Nội lo giới XHDS độc lập đi chào đón Donald J. Trump chứ không lo họ xuống đường phản đối Kim Jong Un, còn với chính quyền Hồ thành thì lo cả hai, trong khi địa điểm diễn ra 2 sự kiện lớn vừa qua lại ở Hà Nội, cách Hồ thành hơn 1700 km.
Chuyện mỗi khi có sự kiện chính trị nào đó, công an rải quân đi canh nhà giới XHDS không còn gì lạ, có điều đợt canh chặn này qui mô hơn cả trên một diện rộng. Sự quen thuộc đến mức từ công an cho đến nhân dân cho việc này là hết sức tự nhiên, như là nhiệm vụ, nằm trong chức năng của ngành công an. Ít ai trong ngành thấy đây là việc làm trái pháp luật cần đắn đo cân nhắc hoặc thấy xấu hổ khi ngồi rình rập trước cửa mỗi nhà suốt 24/24h. Thậm chí, có những tên còn tỏ ra hung hãn, có tên còn tự hào vì thấy mình có quyền với người khác. Những tên không sắc phục, không phân biệt được công an hay du côn, đến các gia đình ra lệnh mấy ngày tới ông/bà không được đi đâu. Dọa không được thì chúng cho 4, 5 tên đến một tiểu đội thậm chí cả trung đội canh vòng trong vòng ngoài.
Chúng kê bàn sát cửa ra vào, pha trà uống nước, vứt mẩu thuốc lung tung trước cửa. Chưa yên tâm, chúng lấy dây thép buộc cửa, lấy những tảng bê tông phải 2 người khiêng chèn cửa, chặn cửa bằng xe máy, xe ba gác… Bà Lê Hiền Đức có lần đến nhà tôi, đếm được 7 tên sát canh cửa trước, 2 tên canh phía sau, nơi cỏ mọc um tùm và rãnh nước bốc lên mùi không mấy dễ chịu. Đó là vòng trong, còn vòng ngoài chưa tính. Qui mô đại đội thì chưa ghi nhận.
Nhiều lần, chúng huy động cả những nữ quái sồn sồn tuổi đã ngũ lục tuần, không biết moi ở đâu ra. Đám giặc cái này sẵn sàng gây sự với chủ nhà, la lối, xông vào cướp giật điện thoại làm náo loạn cả một đoạn phố. Bài này, công an huyện Thanh Trì thường áp dụng, không biết sáng kiến ô nhục này của đứa nào. Tất cả từ công an đến du côn, từ du côn nam đến du côn nữ đều đeo khẩu trang che đến tận mắt, tận mang tai, nếu có chụp được ảnh thì khi gặp lại cũng khó biết chúng đã từng làm những điều bẩn thỉu với mình.Sau tết năm ngoái, anh ruột vợ tôi ở Lâm Đồng ra thăm em. Lúc ấy, tôi còn ở xã Vĩnh Quỳnh, huyện Thanh Trì, chưa chuyển đến quận Thanh Xuân. Nhân tiện, tôi mời một số anh em quen biết đến nhà ăn cơm. Mới sáng sớm, công an và du côn đã nhung nhúc ngoài cửa không cho bất cứ ai vào nhà tôi, kể cả anh chúng tôi. Sau hàng xóm kể lại chúng có khoảng 40, 50 tên, lớp ngoài cùng còn được trang bị gậy gộc sẵn sàng đánh banh xác những ai muốn kháng cự. Chúng la hét, nhổ nước bọt, hắt nước bẩn vào nhà đe dọa. Quang cảnh thật là rùng rợn, “đầu trâu mặt ngựa ào ào như sôi”.
Đấy là nói về chuyện canh chặn, không cho đi lại và mới chỉ nói qua làm ví dụ. Giới hoạt động XHDS còn bị hại bằng nhiều cách khác ảnh hưởng đến cuộc sống như ép công ty đuổi việc, cấm chủ nhà cho trọ. Chuyện bố trí đón đường đánh cho nhừ tử không còn là chuyện hiếm, nhiều người bị đánh đến tàn phế như nhà báo Phạm Đoan Trang, Mục sư Nguyễn Trung Tôn, người bất đồng chính kiến Đinh Văn Hải…
Kinh hoàng nhất là vụ mục sư Nguyễn Trung Tôn, bị bắt cóc lên xe tại Cồn Sẻ. Chúng nhào đến đánh đập ông ngay khi bắt được, đánh suốt thời gian chở ông  đến một khu rừng ở Hà Tĩnh. Ông bị đánh lê lết, bị lột hết tài sản kể cả quần áo rồi vứt đấy. Không chỉ đánh ngoài đường, chúng còn đánh những người hoạt động ngay trong đồn công an, cùm chân, đập vỡ đầu, máu me bê bết rồi vứt ra ngoài cổng, sống chết ra sao không cần biết. Không bút mực nào tả hết tội ác của chúng.
Điều oái oăm là công an là lực lượng giữ gìn trật tự an ninh cho xã hội lại là lực lượng gây mất trật tự an ninh nhiều nhất. Là ngành trước hết bảo vệ pháp luật nhưng lại vi phạm pháp luật nhiều nhất. Sự lộng hành của ngành công an không phải những người đứng đầu đảng và nhà nước không biết. Họ biết cả nhưng làm ngơ cho công an lộng hành, thậm chí chỉ đạo cho công an vi phạm pháp luật. Trong khi có lúc, thủ tướng phải chỉ đạo đến vụ việc con con cụ thể thì không một trường hợp vi phạm pháp luật nào của công an về hành vi bạo ngược đối với XHDS được xử lý, mọi đơn từ tố cáo đều rơi vào im lặng.
Sự vi phạm pháp luật của nhà cầm quyền đã nhờn tới mức, họ và kể cả nhiều người dân coi đó là chuyện cần thiết phải làm. Nó quen tới mức như lái xe đường dài, cứ đến trạm cảnh sát giao thông là lập tức đưa tiền, bất kể có chở quá tải hay có thiếu giấy tờ hoặc vi phạm gì không. Còn về phía người dân, nhiều người phải lùi sâu trong giới hạn pháp luật mong an toàn. Ví dụ, nhiều người không dám thực hiện quyền biểu tình vì lo bị vu cho tội gây rối trật tự công cộng, không dám biểu đạt chính kiến sợ bị vu cho tuyên truyền chống nhà nước. Tuy vậy, nếu nhà cầm quyền muốn, họ vẫn bị bắt tù như thường. Bằng chứng là hàng trăm người vô tội đã bị kết án do bị cáo buộc theo điều khoản liên quan đến chính trị.
Một chế độ cũng ban hành pháp luật như ai nhưng nhà chức tranh lại vi phạm tới mức, bà Ngô Bá Thành phải lêu lên, ở Việt Nam có một rừng luật nhưng khi xét xử lại theo luật rừng.
Pháp luật Việt Nam do nhà cầm quyền sinh ra. Vì vậy, lẽ ra họ phải tôn trọng pháp luật trước hết nhưng họ lại vi phạm pháp luật có hệ thống. Trong khi quyền con người bị vi phạm nghiêm trọng thì họ vẫn rêu rao ở VN, quyền con người được đảm bảo, VN dân chủ gấp vạn lần tư bản. Đừng có nói XHDS ở VN yếu, chỉ có một dúm người. Họ có “một dúm người” là vì bị đàn áp không thể phát triển được. Chỉ cần nhà cầm quyền tôn trọng một số quyền cơ bản thôi như quyền biểu tình, quyền tự do lập hội, tự do báo chí, tự do biểu đạt, tự do đi lại thì tình thế sẽ vô cùng khác. Hàng triệu người sẽ xuống đường.
Nếu đảng cộng sản VN tự tin, việc gì phải vi phạm luật pháp do chính mình đặt ra? Một đất nước quen cai trị bằng bạo lực, lực lượng bảo vệ pháp luật liên minh với lưu manh côn đồ thì đất nước sẽ đi về đâu.
Nếu đảng CSVN tự tin, có uy tín, nhân dân tuyệt đối tin cậy thì tôi thách họ tôn trọng pháp luật. Các ông/bà có dám không? Nào?

Tranh ăn

Nguyễn Việt Nam|

Bên nhà cầm quyền và ngân hàng đang kết hợp với nhau để tấn công tín dụng đen. Chúng ta thừa hiểu bên nhà cầm quyền và bên tín dụng đen ăn phanh với nhau để kiếm chác tiền của dân. Nhất là đội cán bộ địa phương đều được các cơ sở tín dụng đen cung phụng thuế đểu đặn và ăn chơi phè phỡn. Nhưng do người dân bị tín dụng đen làm khổ nhiều quá, dân phản ánh lên mạng xã hội nhiều và bên nhà cầm quyền cũng muốn ăn tất làm cả cái bánh này nên ra tay cướp của chính anh em mình. Nên con bài ngân hàng đã được tung ra.
Dù vay ở đâu, tín dụng đen hay ngân hàng đi nữa, dù lãi suất ở hai nơi có như nhau đi chăng nữa thì người dân vẫn phải đi vay. Bài toán đưa ngân hàng ra đáp ứng nhu cầu vay lẻ, vay nóng, vay dễ là con bài của bọn lưu manh, làm tiền chứ không phải giải thoát dân khỏi tín dụng đen hay nợ nần. Nếu một chính phủ tốt, vì dân thì phải hướng đến mục tiêu làm sao để nâng cao thu nhập cho người dân, phấn đấu làm sao để người dân nâng cao tích trữ để đáp ứng cuộc sống chứ không phải cứ kìm hãm thu nhập rồi đưa tiền ra cho vay rồi giả trò nhân nghĩa.
Khổ nhất là tầng lớp công nhân, nông dân và tiểu thương. Họ có nhu cầu tài chính ngắn ngày, nhanh, nhỏ lẻ. Cũng chính bởi vì thu nhập không đủ để chi tiêu, xoay vòng kinh doanh nên họ buộc phải tìm đến vay mượn. Nhất là công nhân. Chưa hết tháng đã hết lương. Nợ gối nợ, vay xoay vòng nợ. Trong khi đó giá cả cứ tăng vọt, lạm phát cứ tăng đều khiến cho gánh nặng chi tiêu càng ngày càng nặng đến mức họ đã thắt chặt chi tiêu mà không đủ sống. Vậy mà nhà cầm quyền lại còn bày ra cái trò cướp của dân, đẩy dân vào vòng nợ nần luẩn quẩn thay bì giải thoát họ khỏi nó. Thật dã man./.

Bộ Công thương – Formosa: ‘Quan sát trực quan’ hay báo cáo láo?



Báo chí đưa tin, với phương pháp kiểm tra “quan sát bằng trực quan” từ các vị trí an toàn theo quy định của Formosa Hà Tĩnh, Bộ Công Thương cho biết, 4/5 hạng mục công trình được thi công theo thiết kế và các thiết kế điều chỉnh đã được chủ đầu tư chấp thuận/phê duyệt.
“Kết quả kiểm tra hiện trường bằng phương pháp quan sát trực quan, Đoàn kiểm tra đánh giá chất lượng của các hạng mục công trình đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật của chủ đầu tư đã phê duyệt, công trình ở trạng thái ổn định, chưa phát hiện các dấu hiệu bất thường cũng như không đảm bảo an toàn”. Báo Dân Trí tường thuật về buổi kiểm tra Formosa Hà Tĩnh của Bộ Công thương.
Bà Phạm Thúy Loan, tiến sĩ Hóa, chuyên ngành xử lý làm nguội lò phản ứng hạt nhân, đã trao đổi với người viết quanh câu hỏi liệu bằng “quan sát trực quan” có thể dùng đó để làm kết luận cho một biên bản nghiệm thu?
Bà Phạm Thúy Loan: Quan sát trực quan là một quan sát cảm tính. Kết quả của quan sát này ra sao còn tùy thuộc vào trình độ nhìn và hiểu biết đến đâu của người quan sát. Tôi không được tiếp cận các dữ liệu, nhưng chỉ nhìn bằng mắt thường những cột khói xả thải ở Formosa Hà Tĩnh, tôi nghĩ rằng ô nhiễm nơi đây vẫn còn nghiêm trọng.* Đã là đoàn kiểm tra, chắc chắn các vị trong đoàn phải có học vị, học hàm chuyên môn và họ phải có cái lý gì đó khi đưa ra kết luận từ quan sát trực quan. Ý kiến bà thế nào?
Đến lúc này tôi chỉ có thể chắc chắn một điều là với công nghệ xử lý làm nguội cốc ướt của Formosa Hà Tĩnh, tất yếu dẫn đến ô nhiễm như vụ thảm họa môi trường biển vừa qua. Làm nguội bằng phương pháp cốc ướt đã được thế giới thay thế bằng phương pháp cốc khô.
Tôi có đọc báo mô tả việc kiểm tra này, là phía Bộ Công Thương đã ra yêu cầu Formosa Hà Tĩnh chịu trách nhiệm về tính chính xác, hợp lý, hợp lệ của các văn bản, tài liệu trong hồ sơ hoàn thành công trình đã cung cấp cho đoàn kiểm tra. Tôi nghĩ rằng yêu cầu đó với Formosa Hà Tĩnh là cần xem xét lại. Ngay lúc ban đầu phía Formosa đã tự tiện thay đổi công nghệ luyện cốc, gây hậu quả quá nghiêm trọng khi họ hủy diệt môi sinh biển. Đó là chưa kể phần khí thải. Không thể tin họ được, nhất là với công nghệ cốc ướt hiện tại của Formosa Hà Tĩnh.
Là nhà khoa học, cần luôn có đôi mắt ngờ vực, phải đòi hỏi bằng thực chứng chứ không phải chỉ là cảm nhận. Bởi cảm nhận của một học hàm tiến sĩ không trải nghiệm bằng kinh nghiệm thực tế, mà chỉ là tháp ngà, họ sẽ quên mất rằng Formosa còn giỏi dùng đồng tiền để mua cả quan chức cấp cao để nhằm phục vụ lợi nhuận làm ăn của họ.
Bà nghĩ sao về yếu tố đồng bộ công nghệ khi phía Việt Nam chỉ yêu cầu Formosa thay đổi việc xử lý làm nguội cốc? Vấn đề ô nhiễm ở cốc khô như thế nào?
Bà Phạm Thúy Loan: Tôi nghĩ câu hỏi của nhà báo đã được nhiều nhà khoa học cảnh báo với chính phủ Việt Nam rồi. Tôi xin được nhắc lại, nhìn vào cột khói xả thải vào ban đêm ở nhà máy Formosa Hà Tĩnh, cá nhân tôi tin chắc rằng ô nhiễm không khí ở địa phương Hà Tĩnh đang ở mức báo động.
Trong khí thì có SO, CO, NO, dyoxit, toàn chất nếu để ra môi trường đều có hại cả.
Kể cả cốc khô người ta cũng phải có một bộ phận hóa cốc, tức là các chất hóa học đó, người ta phải làm ra những sản phẩm hóa, phải có một nhà máy đi kèm với nhà máy cốc để xử lý. Dĩ nhiên việc có một nhà máy hóa cốc là rất tốn kém, nên tôi ngờ rằng phía Formosa Hà Tĩnh đã cắt bỏ công đoạn quan trọng này đi. Lúc đó ô nhiễm không khí còn nghiêm trọng hơn, tuy không gây hậu quả ngay lập tức. Cũng không thể trách họ, trong làm ăn, nhà đầu tư nào chẳng muốn thu lãi nhiều nhất.
Tính đồng bộ mà nhà báo đặt ra, xin trả lời nhanh là phương án luyện khô chất thải chảy ra phần lớn là dạng bụi, tan vào không khí. Nếu không xử lý tốt, không ứng dụng lò đốt đứng cao, chắt hơi nước khói bụi, thu lại dạng thô cứng, mà cho tản đi, kết tủa rơi xuống thì cũng không kém phần nguy hại. Các thông tin này tôi không thấy báo chí mô tả ra sao ở bản tin về đoàn kiểm tra của Bộ Công thương như nói ở trên.
Bằng ‘trực quan’, bà có tin vào những gì mà Formosa đã hứa hẹn với chính phủ Việt Nam?
Bà Phạm Thúy Loan: Tôi không tin. Khi lập dự án ban đầu trình các cơ quan chức năng của Việt Nam, tôi nghĩ sự gian lận đã có chủ đích và họ hiểu cần bôi trơn ra sao. Phía quản lý Việt Nam ký duyệt, có lẽ họ không được đào tạo chuyên môn trong lãnh vực luyện thép, nên họ không thực sự để tâm vào công nghệ.
Khi xảy ra hậu quả từ xả thải bằng đường ống chôn ngầm dưới đáy biển của Formosa, lẽ ra cần xử lý bằng các tội danh hình sự, đàng này phía Việt Nam chỉ xé biên lai phạt hành chánh, và sau đó đẩy chuyện công nghệ cốc ướt làm chủ đề chính cho đòi hỏi gói tiền đền bù 500 triệu đô la.
Formosa đã có thể mua sự yên ổn làm ăn tại Việt Nam bằng tiền. Họ sẽ tìm mọi cách để kiếm lại khoản tiền đã chi đó. Tôi nói ngay như luyện cốc khô không có công nghệ hiện đại cũng ô nhiễm lắm, ra khói bụi, đối tượng là con người, mà con người Việt Nam vốn sức chịu đựng chất độc rất giỏi, nên cần thời gian lâu dài mới phát bệnh. Khi ấy, xem ra Formosa Hà Tĩnh đã quá lời và giấy phép đầu tư của họ ở Việt Nam cũng kết thúc./.

HRW thúc giục Liên Âu áp lực CSVN về nhân quyền

25 tù nhân lương tâm tại Việt Nam đã bị chế độ xử những mức bản án nặng nề. (Hình: HRW)
BRUSSELS 4-3 (NV) .- Tổ Chức Theo Dõi Nhân Quyền (Human Rights Watch viết tắc là HRW) thúc giục các nước thành viên trong Liên Hiệp Âu Châu (EU) áp lực với nhà cầm quyền CSVN về nhân quyền trong cuộc đối thoại.
Cuộc Đối Thoại Nhân Quyền EU-Việt Nam lần thứ tám dự trù diễn ra ngày 4 tháng Ba năm 2019 tại Brussels, chỉ hai ngày sau khi nhà cầm quyền CSVN loan báo bắt ông Nguyễn Văn Công Em ở Bến Tre, vu cho ông tội “làm, tàng trữ, phát tán, tuyên truyền chống phá nhà nước”. Ông là một trong số 8 nạn nhân đã bị chế độ Hà Nội bắt giam từ đầu năm 2019 đến nay, chỉ vì họ dùng mạng xã hội phát biểu các ý kiến “ngoài luồng”.
HRW thúc giục EU áp lực để chế độ Hà nội trả tự do cho các tù nhân và những người bị tạm giam vì lý do chính trị. Đồng thời buộc CSVN chấm dứt đàn áp các quyền tự do ngôn luận, lập hội, nhóm họp và đi lại; cho phép tự do thông tin; ngừng can thiệp vào các công việc tôn giáo và có các biện pháp cụ thể để ngăn chặn nạn công an bạo hành.
“Trong hai năm gần đây, Việt Nam đã tăng cường trấn áp các nhà hoạt động muốn vận động cho các quyền chính trị và dân sự cơ bản, và trừng phạt họ bằng các bản án tù nặng nề,” ông Phil Robertson, Phó Giám đốc Ban Á châu của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền nói. “EU cần nhắc Việt Nam rằng mình đang trông đợi các bước cải thiện nhân quyền có ý nghĩa để có thể đẩy mạnh các mối quan hệ song phương về kinh tế và chính trị.”
Tổ chức HRW nhắc nhở rằng các quan hệ song phương giữa EU và Việt Nam được điều chỉnh căn cứ trên Hiệp định khung về Đối Tác Và Hợp Tác Toàn Diện 2012, trong đó nêu rõ là “tôn trọng các nguyên tắc dân chủ và nhân quyền” là một “thành tố thiết yếu” của hiệp định. Việt Nam cũng được hưởng lợi từ Hệ Thống Ưu Đãi Thuế Quan Chung của EU, cho phép giảm thuế nhập cảng từ các nước đã thông qua và tuân thủ các công ước quốc tế cơ bản về nhân quyền và lao động.
Hồi tháng Chín năm 2018, 32 nghị viên của Nghị viện Châu Âu ký thư ngỏ nêu các quan ngại nghiêm trọng về tình trạng đàn áp nhân quyền đang tiếp diễn ở Việt Nam và kêu gọi Hà Nội cải thiện nhân quyền trước khi hiệp định tự do thương mại được đưa ra bỏ phiếu. Những mối quan ngại đó cũng được nêu ra với thứ trưởng thương mại Việt Nam vào tháng Mười, trong một cuộc tranh luận ở Nghị Viện Châu Âu, và một lần nữa vào tháng Mười một trong bản nghị quyết khẩn cấp. Vào tháng Hai, EU ra tuyên bố hoãn bỏ phiếu về hiệp định thương mại.
Theo HRW, trong năm 2018, CSVN đã kết án và bỏ tù ít nhất là 42 blogger và nhà hoạt động nhân quyền theo nhiều điều luật hà khắc, gần gấp ba tổng số các bản án trong năm 2017, trong đó có Lê Đình Lượng (20 năm tù), Lưu Văn Vịnh (15 năm tù), Hoàng Đức Bình (14 năm tù), Nguyễn Quốc Hoàn (13 năm tù), Nguyễn Văn Túc (13 năm tù), Nguyễn Trung Trực (12 năm tù), Nguyễn Trung Tôn (12 năm tù), Trương Minh Đức (12 năm tù), Vương Văn Thả (12 năm tù), Nguyễn Bắc Truyển (11 năm tù), Nguyễn Văn Đức Độ (11 năm tù), Từ Công Nghĩa (10 năm tù) và Trần Thị Xuân (9 năm tù).
HRW cáo buộc “Nhà cầm quyền áp dụng một cách có hệ thống các điều khoản hà khắc trong bộ luật hình sự Việt Nam để trấn áp những người bất đồng chính kiến ôn hòa. Bộ luật tố tụng hình sự Việt Nam cho phép chính quyền giam, giữ những người bị tình nghi phạm “các tội về an ninh quốc gia” tại cơ quan công an mà không được tiếp xúc với luật sư trong thời hạn tùy ý chính quyền.”
Tổ chức HRW cho hay, Nguyễn Danh Dũng, một blogger, đã biến mất sau khi anh bị bắt hồi tháng Mười hai năm 2016. Cựu tù nhân chính trị, blogger nổi tiếng Trương Duy Nhất chạy trốn sang Băng Cốc để xin tị nạn vào giữa tháng Giêng năm 2019 đã biến mất một cách kỳ bí ở Thái Lan vào ngày 26 tháng Giêng và cho đến nay vẫn chưa liên lạc được. Việc ông đột ngột biến mất gợi đến vụ một cựu quan chức ngành dầu khí xin tị nạn, Trịnh Xuân Thanh, bị các nhân viên công quyền của Việt Nam bắt cóc ở Đức và cưỡng ép đưa về Việt Nam hồi tháng Bảy năm 2017.
Những người lạ mặt hành hung các nhà hoạt động và blogger nhân quyền mà không bị truy cứu. Tháng Tám năm 2018, các nhà hoạt động Phạm Đoan Trang, Nguyễn Tín và Nguyễn Cao Đăng Đại bị đánh đập dã man sau khi công an bố ráp một buổi biểu diễn ca nhạc ở Thành phố Hồ Chí Minh. Tháng Chín, những kẻ côn đồ lạ mặt tấn công và đánh gẫy tay một cựu tù nhân chính trị, ông Trương Văn Kim, ở tỉnh Lâm Đồng.
Tổ chức HRW lên án Hà Nội ngày càng gia tăng đàn áp các người sử dụng mạng xã hội để phát biểu dù hiến pháp chế độ công nhận các quyền tự do căn bản của người dân nhưng lại dùng các điều luật hình sự để siết lại và bắt giam. Từ đầu Tháng giêng 2019 từ khi “Luật an ninh mạng” có hiệu lực thì các vụ bắt dân lại gia tăng hơn nữa.
“Đối thoại nhân quyền là một công cụ quan trọng để EU thể hiện với Việt Nam về mức độ nghiêm túc của mình với trách nhiệm thúc đẩy nhân quyền, nhưng đó không phải là cơ hội một lần duy nhất rồi xong” ông Robertson nói. “Nhân quyền cần là một phần hữu cơ của mọi cuộc trao đổi và thương lượng giữa EU và các quốc gia thành viên của EU với Việt Nam.”
Đầu Tháng Hai vừa qua, HRW tố cáo chế độ Hà Nội đã gian dối khi phủ nhận các hành động vi phạm nhân quyền nghiêm trọng tại Việt Nam trong cuộc kiểm định nhân quyền tại Liên Hiệp Quốc. (TN)

CSVN bị tố ‘hành xử với văn hóa như thời Nhân Văn-Giai Phẩm’

Nhà văn Nguyên Ngọc (bìa trái), trưởng Ban Vận Động Văn Đoàn Độc Lập cùng một số bạn văn. (Hình: Facebook Kim Cúc Ngô Thị)
HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Hôm 3 Tháng Ba, Ban Vận Động Văn Đoàn Độc Lập phát đi thông cáo cho biết họ phải hủy bỏ buổi kỷ niệm 5 năm thành lập tổ chức và lễ trao giải Văn Việt lần thứ tư “vì lý do an ninh.”
Thay vào đó, họ gửi lời mời các thân hữu tới “gặp mặt mừng xuân” tại một quán cà phê ở quận 3, Sài Gòn, vào sáng 4 Tháng Ba.
“Cơ quan chức năng có trách nhiệm đã cho biết cuộc gặp mặt của chúng ta, những cây bút độc lập và tự trọng, sẽ được tôn trọng,” thông cáo viết.
Thành lập vào Tháng Ba, 2014, Ban Vận Động Văn Đoàn Độc Lập tập hợp 61 cây bút thuộc các lĩnh vực văn học, thi ca, nghiên cứu, phê bình, kịch tác gia, dịch giả… là người Việt Nam ở trong và ngoài nước.
Được biết bên cạnh chuyện lập giải Văn Việt (đến nay đã bước qua năm thứ tư) và xuất bản sách, Ban Vận Động Văn Đoàn Độc Lập còn cùng các nhân sĩ, trí thức lên tiếng về những vấn đề liên quan đến chủ quyền đất nước, dân chủ, nhân quyền, văn hóa, môi trường, dân oan, như: phản đối Giàn khoan Tàu Cộng xâm nhập lãnh hải, phản đối Formosa đầu độc biển miền Trung, phản đối Luật Đặc Khu và Luật An Ninh Mạng…
Tổ chức này cũng lên tiếng bênh vực các nhà văn bị tước đoạt quyền tự do đi lại, tự do thân thể và tự do xuất bản.
Cũng nhân kỷ niệm 5 năm hoạt động của Ban Vận Động Văn Đoàn Độc Lập, một số thành viên chủ chốt của tổ chức xã hội dân sự này đã lên tiếng về những thử thách mà họ gặp phải trên bước đường gầy dựng một diễn đàn văn học không chịu sự chi phối và quản lý của nhà cầm quyền CSVN.
Viết trên trang web VanViet.info hôm 3 Tháng Ba, nhà thơ Hoàng Hưng, thành viên của tổ chức nêu trên, cho biết: “(Ban Vận Động Văn Đoàn Độc Lập) chưa thành lập được một tổ chức văn đoàn chính thức. Nguyên nhân của mọi nguyên nhân, ai cũng biết rõ, đó là chúng ta bị sự ngăn trở thật vô lý của thể chế hiện hành. Ngoài việc dựng tường lửa để chặn mạng Văn Việt, không cho phép xuất bản sách in, cản phá thô bạo những cuộc trao giải Văn Việt hằng năm, chắc không ai có thể hình dung các biện pháp ngăn chặn ảnh hưởng của Văn Việt triệt để và bất cần luật lệ đến mức những bạn trẻ, thậm chí những người không còn trẻ nhưng vẫn ở tuổi đang phải ‘làm ăn,’ chỉ cần tham dự sâu với Văn Việt là ‘được’ theo dõi, cảnh cáo, phá phách đến nơi đến chốn mọi công việc sinh sống.”
“Cách hành xử kiểu như thế đối với văn hoá văn nghệ chỉ từng thấy vào 50 năm trước, thời Nhân Văn-Giai Phẩm. Thật là đáng cười ra nước mắt! Và cũng như đối với vụ Nhân Văn-Giai Phẩm, mai đây, lịch sử văn hóa Việt Nam chắc chắn sẽ không quên hiện tượng đáng hổ thẹn này,” ông Hoàng Hưng viết. (T.K.)

Hà Nội đổ thêm $34.4 triệu vào bảo tàng ‘vắng như chùa bà Đanh’

Bảo Tàng Hà Nội có kiến trúc hình kim tự tháp ngược. (Hình: Dân Việt)
HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Hôm 3 Tháng Ba, báo Lao Động cho hay, Ủy Ban Nhân Dân thành phố Hà Nội vừa ban hành quyết định về việc điều chỉnh, bổ sung thiết kế tổng thể nội dung trưng bày của Bảo Tàng Hà Nội.
Theo đó, bên cạnh một số chủ đề về lịch sử Thăng Long-Hà Nội, bảo tàng này còn có không gian trưng bày về cuộc chiến chống Pháp (1873–1954), chống Mỹ (1954–1975); Xây dựng CNXH; Cuộc sống thời bao cấp…
Theo báo Lao Động, tòa nhà Bảo Tàng Hà Nội đã hoàn thành năm 2010 với trị giá đầu tư 1,600 tỷ đồng (gần $69 triệu).
Bảo tàng được khởi công hồi năm 2008, được xây dựng trên tổng diện tích khoảng 54,000 mét vuông, cao 30.7 mét, gồm bốn tầng nổi và hai tầng hầm.
Bảo Tàng Hà Nội. (Hình: Lao Động)
Đáng lưu ý, từ sau khi khánh thành, dường như bảo tàng có kiến trúc hình kim tự tháp ngược này mau chóng rơi vào tình cảnh ế khách.
“Báo chí phản ánh về tình trạng bảo tàng ngàn tỷ đồng này luôn trong tình trạng vắng khách như chùa bà Đanh,” tờ báo viết.
Tuy vậy, Ủy Ban Nhân Dân thành phố Hà Nội vẫn cho Bảo Tàng Hà Nội tiếp tục thực hiện công đoạn đầu tư trưng bày hiện vật, với kinh phí dự trù khoảng 800 tỷ đồng (khoảng $34.4 triệu) từ ngân sách nhà nước.
Lẽ ra công đoạn này đã hoàn tất vào năm 2015 nhưng nay do được điều chỉnh nên kéo dài đến 2019.
Ông Trương Minh Tiến, cựu phó giám đốc Sở Văn Hóa-Thể Thao Hà Nội, người từng có nhiều năm gắn bó với quá trình hình thành và phát triển của Bảo Tàng Hà Nội, được báo Lao Động hồi Tháng Mười, 2018 dẫn lời: “Hiện Bảo Tàng Hà Nộ vẫn đang trong giai đoạn trưng bày tạm thời, mà đã là tạm thời thì chưa thể hấp dẫn được nên việc khách tham quan vắng cũng là điều dễ hiểu. Một công trình chưa hoàn thiện thì không thể đánh giá là lãng phí hay hiệu quả. Tuy vậy, nếu đẩy nhanh được quá trình hoàn thiện phần trưng bày hiện vật thì sẽ phát huy được giá trị của Bảo Tàng Hà Nội nhiều hơn.”
Bình luận về tình trạng vắng khách của các bảo tàng ngàn tỷ đồng ở Việt Nam, báo Sài Gòn Giải Phóng hôm 3 Tháng Ba giải thích: “Sự thờ ơ của người dân cũng từ những yếu kém của bảo tàng: Hoạt động trưng bày vẫn cũ kỹ, thiếu khoa học, chưa đa dạng, chưa đem lại sự hấp dẫn và hứng thú cho thế hệ trẻ. Sự đầu tư hiện nay cho công nghệ, trưng bày, ánh sáng, nghe nhìn chưa tương xứng, chưa hiện đại theo kịp đà phát triển của thời kỹ thuật số. Góp vào tình trạng ‘đìu hiu’ của các bảo tàng, cũng phải kể đến cơ chế xây dựng bảo tàng. Sai lầm lớn nhất là cơ chế xây dựng bảo tàng được giao cho ngành xây dựng chủ trì. Do không am hiểu về văn hóa bảo tàng, kết cục khi bên xây dựng giao nhà thì không phù hợp với chức năng khoa học của bảo tàng hiện đại. Không gian kiến trúc nhiều khi thiếu sự kết nối, khiến bảo tàng khó có thể sắp đặt hiện vật một cách logic, theo chủ đề câu chuyện trải dài theo bề dày lịch sử.”
“Hầu hết các bảo tàng tập trung chủ yếu vào tính chính trị, lịch sử dân tộc qua các thời kỳ, mà vắng bóng các loại bảo tàng chuyên ngành để khai thác các tư liệu, hiện vật còn nằm rải rác trong dân. Hoặc những loại bảo tàng khoa học đời sống giúp nâng tầm kiến thức văn hóa cho người dân,” cơ quan ngôn luận của Đảng Bộ thành phố ở Sài Gòn viết.
Trong khi đó, cũng theo báo Sài Gòn Giải Phóng, dự án Bảo Tàng Lịch Sử Quốc Gia Việt Nam với mức đầu tư dự trù ban đầu lên đến 11,277 tỷ đồng ($485.8 triệu) đang được Bộ Xây Dựng CSVN hoãn tới năm 2021 mới tiến hành xây dựng “do chưa bố trí được kinh phí”. (T.K.)

CSVN rón rén nhích lại gần Mỹ hơn

Dân chúng bị chặn đường đi lại ở Hà Nội khi tổng thống Mỹ Donal Trump và chủ tịch Bắc Hàn đến đây họp thượng đỉnh. (Hình: Carl Court/Getty Images)
WASHINGTON, DC (NV) – Có những dấu hiệu cho thấy CSVN nhích lại gần Mỹ hơn nhưng rất nhẹ nhàng để không làm Bắc Kinh tức giận, theo sự nhận xét của một số nhà phân tích được báo Washingtion Examiner phỏng vấn.
Khi Tổng thống Donald Trump đến Hà Nội họp thượng đỉnh với lãnh tụ Bắc Hàn Kim Jong Un với hy vọng giải trừ võ khí nguyên tử ở bán đảo Triều Tiên, ông cũng đã gặp với Tổng bí thư đảng kiêm Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và ông Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.
Ông Trump đã có những lời cảm ơn nước chủ nhà đã nhận đứng ra phối hợp tổ chức cuộc họp Thượng Ðỉnh Trump-Kim cũng như ca ngợi nước chủ nhà nhiều điều. Ông cũng đã từng bắn tiếng khuyên Bắc Hàn nên theo mô hình mở cửa của Việt Nam, cởi trói cho dân hầu có thể phát triển kinh tế nhanh chóng.
Việt Nam đã ký “Thỏa hiệp đối tác toàn diện” với Hoa Kỳ từ năm 2013 khi ông chủ tịch nước Trương Tấn Sang đến Hoa Thịnh Đốn. Những từ “đối tác chiến lược” không được dùng vì nhạy cảm đối với Bắc Kinh trong khi Hà Nội vẫn là “đồng chí anh em núi liền núi sông liền sông” với cộng sản Trung Quốc.
Đến cuối Tháng Năm, 2016, Tổng Thống Barack Obama đến Hà Nội tuyên bố nước Mỹ chính thức loại bỏ hoàn toàn lệnh cấm bán võ khí sát thương cho Việt Nam. Tháng Mười Một, 2017, Tổng Thống Donald Trump đến Hà Nội kêu gọi Việt Nam mua sắm các loại võ khí tốn tân của Mỹ mà ông ca tụng tối tân nhất thế giới.
Nhiều đại công ty sản xuất võ khí của Mỹ cũng đã đến Việt Nam chào hàng. Nhiều phái đoàn quân sự cấp cao của hai bên đã đến thăm viếng, làm việc rất nhiều lần những năm gần đây. Nhưng số lượng võ khí mà Việt Nam mua hoặc được Mỹ viện trợ thì còn rất giới hạn. Năm ngoái, tin tức truyền thông quốc tế cho hay trong năm qua, Việt Nam nhận từ Mỹ một số lượng võ khí chưa tới 100 triệu đô la gồm một ít tàu tuần duyên nhỏ, máy bay trinh sát không người lái cỡ nhỏ, tàu cảnh sát biển.
Gần đây, tư lệnh lực lượng Mỹ tại Thái Bình Dương khi điều trần ở Quốc Hội tiết lộ rằng Việt Nam mua của Mỹ một số máy bay huấn luyện phi công chiến đấu và sắp được cung cấp thêm một tàu cảnh sát biển nữa. Điều này khiến người ta suy luận rất có thể Việt Nam mua của Mỹ một số máy bay khu trục F-16 đang cho nghỉ hưu, phơi nắng tại sa mạc Arizona.
Một phụ nữ Hà Nội cầm bảng “Chào mừng Tổng Thống Donald Trump đến Việt Nam” hôm 27 Tháng Hai, 2019. (Hình: Getty Images)
“Theo tôi, quan điểm của chính phủ Hoa Thịnh Đốn là Việt nam và Mỹ có cùng những lợi ích an ninh mà trên đỉnh điểm của nó là những âu lo về các hành động của Trung Quốc trên Biển Đông.” Ông Zack Cooper, một nhà phân tích tại Viện nghiên cứu American Enterprise Institute, chuyên quan tâm về các vấn đề đồng minh Mỹ tại Á Châu, nói với báo Washingtion Examiner.
Theo nhận xét của ông thì “Việt Nam đã kháng cự lại một cách mạnh mẽ một số hành động của Trung Quốc trên Biển Đông nên đã gây được sự chú ý ở Hoa Thịnh Đốn. Do vậy, chính phủ (Mỹ) muốn có những đối tác cùng hợp sức chống lại vì lợi ích chung.”
Khi ông Trump đến Hà Nội hồi tuần qua, ông đã chứng kiến cuộc ký kết của hai hãng máy bay dân dụng của Việt Nam mua 110 máy bay Boeing 737 trị giá hơn $21 tỷ và sẽ tạo ra 83,000 việc làm ở Mỹ. Các cuộc thảo luận song phương giữa hai phái đoàn tập trung vào các vấn đề từ thương mại, phi nguyên tử hóa bán đảo Triều Tiên đến gia tăng hợp tác mọi mặt từ kinh tế xã hội đến an ninh quốc phòng, theo lời phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc Sarah Sanders nói với báo chí.
“Hà Nội rất muốn có mối quan hệ phát triển sâu rộng hơn với Hoa Thịnh Đốn và muốn có một hiệp định tự do thương mại với chính phủ Trump để họ tự đảm bảo là không hoàn toàn phụ thuộc vào thị trường và người tiêu thụ Trung Quốc.” Lời ông Harry Kazianis, phân tích gia tại trung tâm nghiên cứu Center for National Interest.
Theo ông Kazianis “Việt Nam cũng rất muốn mua một số lượng lớn võ khí tối tân của Mỹ và tôi còn nghe thấy nhiều nhà ngoại giao ở Hà Nội đề cập tới một thứ liên minh Mỹ-Việt Nam chống lại Trung Quốc trong tương lai.”
Những lý do vừa kể nhiều phần đã thúc đẩy cả Mỹ và Việt Nam vận động chọn Hà Nội là nơi họp thượng đỉnh cho tổng thống Trump với chủ tịch Bắc Hàn.
“Nó chứng tỏ cho thế giới biết Hoa Thịnh Đốn tin tưởng Hà Nội đến đâu khi để cho họ làm đầu cầu cho một cuộc họp thượng đỉnh tế nhị, mà cả hai đều nhận thấy mối quan hệ song phương là thiết yếu,” ông Kazianis nói.
Thật ra, cả Mỹ cũng như Việt Nam đều hiểu sức mạnh kinh tế và quân sự của Trung Quốc. Việt Nam tranh chấp chủ quyền biển đảo với Trung Quốc trong khi Mỹ đang có chiến tranh thương mại với Bắc Kinh, hiện đang đàm phán để có một thỏa hiệp. Để chống lại ảnh hưởng cũng như áp lực Trung Quốc, Việt Nam cần đối tác chiến lược.
“Có những âu lo gia tăng ngày một nhiều hơn ngay trong chính phủ ông Trump về những thách đố mà nước Mỹ phải đối diện về một nước Trung Quốc ngày càng phát triển kinh tế cho dù hai bên có đạt được một thỏa hiệp để chấm dứt cuộc chiến kinh tế. Điều này còn kéo dài cho đến những thập niên về sau,” ông Kazianis nói, “Vì như vậy, một số viên chức chính phủ từng nói thẳng ra với tôi rằng họ coi Việt Nam là một trong nhiều đối tác ở khu vực có thể hợp tác chống lại khuynh hướng hà hiếp và bá quyền của Trung Quốc ở Biển Đông cũng như cả vùng Á Châu Ấn Độ Dương.”
Theo ông Cooper, Việt Nam thận trọng không muốn nghiêng về bên nào giữa hai cực Hoa Thịnh Đốn và Bắc Kinh dù trong quá khứ từng có những xung đột đẫm máu. Tuy vậy “Những gì người ta nhìn thấy từ Việt Nam thì họ đang nghiêng về phía Mỹ hơn nhưng trong cách không làm Bắc Kinh nổi giận.” (TN)