Sunday, May 29, 2016

“Đánh tư sản” ở miền Nam sau 1975

Sài Gòn trước 1975
Sài Gòn trước 1975

“Đánh tư sản” ở miền Nam sau 1975

I. ĐÁNH TƯ SẢN
ĐÁNH TƯ SẢN cũng là một sự kiện chấn động lịch sử Việt Nam ngang hàng sự kiện THUYỀN NHÂN VIỆT NAM và chỉ xảy ra sau ngày 30 tháng Tư năm 1975.
Sự kiện ĐÁNH TƯ SẢN do Hà Nội thực hiện đối với người dân miền Nam Việt Nam theo Quyết Định mang số 111/CP vào ngày tháng 4 năm 1977 do Phạm Hùng ký chỉ đặc biệt nhằm vào việc tịch thu nhà cửa đất đai của nhân dân miền Nam 
Các đợt ĐÁNH TƯ SẢN đối với người dân miền Nam được Hà Nội cho ký số X1, X2 và X3.
Đợt  X1 được bắt đầu vào sáng ngày 11 tháng Chín năm 1975 xảy ra khắp 17 tỉnh thành miền Nam và thành phố Sài Gòn. Đợt này chủ yếu nhắm vào nhà của các cư dân thành thị, tịch thu nhà và cưỡng bức toàn bộ những nạn nhân phải đi về vùng Kinh Tế Mới sống. Đợt X1 này tập trung vào những người dân Việt gốc Hoa vốn đã di dân vào miền Nam Việt Nam từ cuối triều Minh, đầu triều nhà Thanh, sanh sống thanh công tại miền Nam ngót nghét hơn 200 năm.
Đợt X2 được Hà Nội tiến hành từ tháng Ba năm 1978 và được kéo dài cho đến sau Đổi Mới, tức là khoảng năm 1990 thì mới chấm dứt. Đợt này chủ yếu nhắm vào tư thuơng, tiểu tư sản, các thành phần sản xuất nhỏ vốn rất đa dạng và phồn thịnh trong nền kinh tế tự do do chính phủ Việt Nam Cộng Hòa khuyến khích hậu thuẫn cho quốc dân từ bấy lâu.
Nền công nghiệp nhẹ, sản xuất đồ sài gia dụng trong nhà của Việt Nam đã hoàn toàn chính thức bị phá hũy. Người dân Việt Nam sẽ không còn thấy các sản phẫm tự hào của dân tộc như nồi nhôm hiệu Ba Cây Dừa , xà-bông (savon) hiệu cô Ba, xe hơi hiệu La Đalat, hiệu đèn trang trí Nguyễn Văn Mạnh, …etc…. Không những thế, các nhà máy nhỏ sản xuất nhu yếu phẫm như đường, bột giặt, giấy, …etc cũng bị tê liệt vì chủ nhân bị quốc hữu hóa.
Riêng tại Sài Gòn, thì báo Tuổi Trẻ đã phải thừa nhận là đã có trên 10000 tiệm bán bị đóng chỉ qua một đêm, khiến một viên thuốc trụ sinh cũng không có mà mua, mà dùng. Nhà sách Khai Trí lừng lẫy, biểu tượng của cả Sài Gòn cũng bị báo đài tại Sài Gòn lúc bấy giờ rêu rao là tư bản và cần phải tịch thu. Nhà sách Khai Trí vốn đã từ tâm giúp đỡ biết bao văn nghệ sĩ của miền Nam, âm thầm thực hiện đường lối khai dân trí của cụ Phan Chu Trinh cho dân tộc
Riêng về chỉ thị 43 của Bộ Chính Trị  vào tháng Năm năm 1978 đã quốc hữu hóa toàn bộ đát đai của nông dân miền Nam vào tay nhà nước thông qua hình thức “Tập Đoàn Sản Xuất” dẫn đến nạn đói năm 1979 ngay liền sau đó vì lúa gạo và các sản phẩm nông nghiệp bị sút giảm toàn diện tại miền Nam.
Tình trạng ở nông thôn miền Nam càng kinh khiếp và dữ dội hơn ở Sài Gòn dù không ồn ào bằng.
Tổng số lúa mà nông dân miền Nam bị chở ra ngoài Bắc không thông qua quy chế thu mua được loan truyền là khoảng 4 triệu tấn gạo vào đầu năm 1978 trên đài phát thanh Hà Nội khi ca ngợi thành tích ĐÁNH TƯ SẢN của các đảng bộ địa phương miền Nam. Đương nhiên, con số chính thức được các nông dân kêu ca là lớn hơn nhiều.
Sang đến năm 1979, Võ Văn Kiệt đã phải loan báo thu mua lúa từ nông dân với giá cao gấp cả ngàn lần giá quy định của Nhà Nước (!) để cứu vãn tình thế bất mãn không còn dằn được nữa từ nông dân miền Nam trước những đợt thu lúa từ năm 1977 trở đi.
Song song với chiến dịch X2 là chiến dịch X3 đặc biệt tập trung tại Sài Gòn. Sau chiến dịch X3, hàng ngàn gia đình cán bộ miền Bắc đã vào Sài gòn sinh sống trong những ngôi nhà bị tịch thu. Theo thừa nhận ngắn ngủi từ báo SGGP và báo Công An khi bàn đến vấn đề trả lại nhà cho những “đối tượng” bị đánh tư sản oan ức vào tháng 9 năm 1989, ước tính lên đến khoảng 150 ngàn người thuộc gia đình cán bộ gốc miền Bắc vào Sài Gòn sinh sống trong những ngôi nhà bị tịch thu.
Đỗ Mười, sau này là Tổng Bí Thư Đảng, lúc bấy giờ thay thế ông Nguyễn Văn Linh làm trưởng ban cải tạo TW Vào ngày 16 tháng Hai năm 1976 là người chỉ huy trực tiếp đợt thực hiện này.
Trong chiến dịch này, số lượng người Sài Gòn phải bị mất hết tài sản và bị cưỡng bức đi KINH TẾ MỚI là khoảng SÁU TRĂM NGÀN NGƯỜI, tạo ra một sự hoảng sợ hoang man chưa từng có trong lịch sử phát triển Sài Gòn qua các triều đại. Cuối đợt X3 , ghi nhận của Hà Nội là có khoảng 950 ngàn người Sài Gòn bị cưỡng bức đi KINH TẾ MỚI, không hoàn thành chỉ tiêu đề ra là một triệu hai người!
Sức mạnh kinh tế Sài Gòn tự nhiên bị phá hoại đi đến kiết quệ hoàn toàn sau chiến dịch X3 do Đổ Mười trực tiếp chỉ huy. Hơn 14 NGÀN cơ sở tiểu thủ công nghiệp tại Sài Gòn rất cần cho nền kinh tế quốc dân, với khoảng 270 ngàn nhân công hoàn toàn bị trắng tay, đóng cửa với tổng số thiệt hại tài sản trước mắt lên đế gần chín đến hai mươi mốt tỷ Mỹ kim và tiến trình phát triển công nghệ của đất nước trong tự cường hoàn toàn KHÔNG CÒN HY VỌNG để phục hồi.
Riêng về tổng số vàng, nữ trang tịch tư từ tư bản ở miền Nam được các báo đài của Đảng thừa nhận lên đến 4000 lượng vàng- nhưng đây chỉ là con số tượng trưng tính riêng ở Sài Gòn từ tháng Năm năm 1977 qua tháng Hai năm 1978 mà thôi. Cả thảy trên dưới gần 35 ngàn lượng vàng, tính luôn cả nữ trang và kim cương thu trong những đợt ĐÁNH TƯ SẢN ở miền Nam.
Xin được ghi chú thêm là chỉ nội vụ Hà Nội tiến hành cho phép người Việt gốc Hoa ra đi bán chính thức nếu đóng khoảng 120 lượng vàng đã góp vào gần 10 ngàn lượng vàng tổng cộng.
Trung bình , mổi người dân miền Nam nằm trong đối tượng bị ĐÁNH TƯ SẢN mất trắng khoảng 9 lượng vàng không tính đất đai, nhà cửa, phụ tùng thiết bị , đồ cổ, và các tài sản khác. Trữ lượng vàng của toàn bộ người dân miền Nam có thể lên đến 250 ngàn lượng vàng tính đến năm 1975 nhưng đồng bào khôn khéo giấu đi và phản kháng cũng như đem theo khi di tản.
II. KINH TẾ MỚI:
Tất cả những ai tại Sài Gòn bị Sản Hà Nội tịch thu nhà , tài sản điều phải đi về vùng KINH TẾ MỚI, là những nơi mà cơ sở hạ tầng cho sinh hoạt chưa được xây dựng, trong đó có cả điện nước, trường học và bệnh xá. HƠN SÁU TRĂM NGÀN nạn nhân bị cưỡng bức qua đêm phải rời Sài Gòn để về những vùng KINH TẾ MỚI và bỏ lại hết toàn bộ tài sản của mình từ nhà ở, của cải, đồ đạc cho Đảng quản lý.
Những người bị cướp bóc, tịch thu nhà và sau đó dồn lên vùng kinh tế mới
Những người bị tịch thu nhà và sau đó dồn lên vùng kinh tế mới
Chỉ tiêu đề ra là phải đưa cưỡng bức khoảng gần một triệu người Sài Gòn ra các Vùng KINH TẾ MỚI và buộc họ phải bỏ hết tài sản nhà cửa lại cho Hà Nội quản lý. Tổng kết từ các báo cáo thành tích cải tạo XHCN của Đảng, số người bị cưỡng bức đi Kinh Tế Mới từ Sài Gòn qua mười năm Quá Độ- ĐÁNH TƯ SẢN như sau:
THỜI KỲ
CHỈ TIÊU
KẾT QUẢ THỰC HIỆN
GHI CHÚ
1976- 1979
4 triệu người
1,5 triệu người
95% là từ Sài Gòn
1979-1984
1 triệu người
1,3 triệu người
50% là từ Sài Gòn
Khi đến vùng KINH TẾ MỚI để sống tham gia các tập đoàn sản xuất hay còn gọi tắt là Hợp Tác Xã, “thành quả lao động” của các nạn nhân này được phân phối chia ra như sau:
– 30% trả thuế
– 25% góp cho chính phủ theo giá thu mua của nhà nước;
– 15% trả lương cho cán bộ quản lý ;
– 30% còn lại chia cho các thành viên tính theo số điểm thuế lao động
Như vậy là sản phẩm nông nghiệp từ các nông trường vùng Kinh tế Mới đã bị Đảng tịch thu hết 70 % và chỉ còn 30% là chia lại cho các thành viên, vốn là các nạn nhân bị tịch thu nhà cửa sống trong vùng Kinh Tế Mới.
Thế là cả triệu người dân Sài Gòn đột nhiên lâm vào cảnh đói kém trầm trọng như là đòn trả thù hữu hiệu của chế độ Hà Nội đối với những bị liệt vào thành phần không phải “Cách Mạng”, ngụy quân ngụy quyền và tiểu tư sản.
Ước tính có khoảng 300 ngàn trẻ em bị thất học vì sống ở các vùng Kinh Tế Mới này. Nhân dân miền Nam- cả triệu người đang sống sung túc bổng lao vào chịu đói kém khổ sở chưa từng có. Nạn đói kém lan tràn khắp mọi nơi, mọi nhà trước thảm cảnh.
Hàng vạn người dân Sài Gòn đã phải bỏ trốn khỏi các vùng Kinh Tế Mới, đi ăn xin trên đường Về Sài Gòn, đói rách khổ sở. Đây là thời kỳ khốn khổ bi đát nhất trong lịch sử phát triển Sài Gòn.
III. Quyết Định 111/CP của Hà Nội về việc “Đánh tư sản ” ở miền Nam Việt Nam
Quyết định 111/CP của Hà Nội là một tài liệu chứng quan trọng. Quyết định này là nguồn gốc của mọi khổ đau, nghèo khó của người dân miền Nam Việt Nam sau ngày 30 tháng Tư năm 1975 và là lý do Việt Nam bị tụt hậu về mọi mặt, đứng hàng thứ ba nghèo nhất thế giới theo tuyên bố của Liên Hiệp Quốc vào năm 1985.
Trích : 
IV. ĐỐI VỚI NHÀ, ĐẤT CỦA CÁC TỔ CHỨC VÀ CÁ NHÂN THUỘC BỘ MÁY CAI TRỊ CỦA NGUỴ QUÂN NGUỴ QUYỀN VÀ ĐẢNG PHÁI PHẢN ĐỘNG
1. Mọi loại nhà cửa, đất đai trước ngày Giải phóng do chính quyền Mỹ nguỵ quản lý hoặc dành cho những tổ chức hay cá nhân, thuộc nguỵ quân nguỵ quyền và các tổ chức đảng phái phản động sử dụng, nay đều là tài sản công cộng, do Nhà nước trực tiếp quản lý.
2. Nhà cửa, đất đai của những người sau đây đều do Nhà nước trực tiếp quản lý:
– Sĩ quan nguỵ quân cấp từ thiếu tá trở lên.
– Sĩ quan cảnh sát từ cấp trung uý trở lên.
– Cán bộ thuộc bộ máy cai trị của nguỵ quyền đã giữ chức vụ, từ Chủ sự phòng cơ quan Trung ương, Ty phó, Quận phó trở lên.
– Các phần tử ác ôn, mật vụ, tình báo, chiêu hồi cố tình phản cách mạng.
Điều IV của QĐ 111/CP đã cho thấy rõ gia đình thân nhân của quân lực Việt Nam Cộng Hòa phải chịu mất nhà mất cửa rất thê thảm. Mọi quy chụp là phản động hay Ngụy quyền thì coi như là bị tịch thu nhà cửa.
Dòng chữ cuối cùng của khoản 2 điều IV của QĐ 111/CP có ghi rõ là nhà cửa đất đai của các thành phần sau đây bị tịch thu: “Các phần tử ác ôn, mật vụ, tình báo, chiêu hồi cố tình phản cách mạng.” Bởi không có định nghĩa rõ ràng thế nào là thành phần ác ôn nên các viên chức cán bộ Cộng Sản tha hồ kết tội thuờng dân vô tôi vạ là thành phần ác ôn của “Ngụy quyền” để tư lợi cướp bóc nhà cửa cho riêng mình, không cần tòa án nào xét xử cả. Ai ai cũng có thể là điệp viên CIA, hay là có lý lịch ba đời liên quan đến Ngụy quân, và điều có tư tưởng phản động và cần phải tịch thu nhà cửa dựa trên điều khoản này của Q Đ 111/CP.
Không khí hoảng sợ , đau thuơng oán hận lan tràn khắp cả miền Nam.
IV. Hậu quả ĐÁNH TƯ SẢN của Hà Nội:
Theo các chuyên gia của Liên Hiệp Quốc về kinh tế, Việt Nam tụt hậu hơn 50 năm về kinh tế vì các chính sách đánh tư sản này của Cộng Sản Hà Nội lên đầu người dân miền Nam. Việt Nam là quốc gia nghèo đứng hàng thứ ba trên thế giới vào năm 1985.
Cho đến giờ phút này, người dân Việt Nam vẫn chưa thực sự có quyền TƯ HỮU mà chỉ có quyền SỬ DỤNG, nghĩa là thảm họa bị ĐÁNH TƯ SẢN trong quá khứ vẫn treo lơ lửng trên đầu người dân Việt Nam bất cứ lúc nào cũng có thể xảy ra chiếu theo luật pháp hiện hành của Hà Nội.
Kinh tế của Việt Nam mãi đến năm 1997 mới thực sự khắc phục được một phần hâu quả của 10 năm Quá Độ, ĐÁNH TƯ SẢN do Hà Nội tiến hành từ năm 1976 đến năm 1987.
Từ năm 1987 đến năm 1997, Hoa Kỳ đã nhắm mắt làm ngơ cho những người Việt di tản hay Vượt Biên định cư tại Mỹ gởi tiền hàng ồ ạt về cứu đói thân nhân mình và vực dậy sự sinh động về kinh tế vốn có ngày nào của miền Nam.Tổng số ngoại tệ gởi về lên đến 8 đến 15 tỷ Mỹ kim mỗi năm trong suốt 10 năm đó.
Sang đến năm 1989, báo SGGP từ Sài Gòn chịu 90 % ngân sách của cả nước và bắt đầu tiến hành trả lại nhà cho một số nạn nhân bao năm trời khổ ải, cũng như bắt đầu bàn tới vấn đề cho phép các sĩ quan quân lực Việt Nam Cộng Hòa được bán nhà vốn hầu hết đã bị tịch thu nếu ra đi theo chương trình HO-Special Release Reeducation Center Detainee Resettlement Program (Chương trình tái định cư phóng thích đặc biệt tù nhân trung tâm cải tạo)
Chỉ số nghèo đói của Việt Nam đứng hàng thứ ba trên thế giới và chỉ mới có những tiến bộ cải thiện khi World Bank và USAID tăng tốc trợ giúp.
Mọi tài liệu, hình ảnh ca ngợi ĐÁNH TƯ SẢN từ các báo chí đài phát thanh của Đảng cũng bị dẹp dần đi.
Hà Nội tới ngày nay vẫn chưa chính thức xin lỗi hai mươi mốt triệu người dân miền Nam về hành động này.
29-05-2016
Tú Hoa
(nguồn : nghiencuulichsu.com)

Nước Mỹ luôn là chỗ dựa vững chắc nhất…

Mai Tú Ân-29-05-2016
Nhân bàn về chuyến đi thăm Việt Nam của Tổng Thống Mỹ Obama thì có một số quan niệm rất được nhiều người nói đến, rằng ta phải tự cứu chính ta chứ đừng trông chờ vào bên ngoài. Rằng không ai giúp được ta nếu ta không tự giúp mình. Và rằng tổng thống Mỹ chỉ giúp cái cần câu chứ không giúp ta câu con cá. Ngoài ra nước Mỹ chỉ cần biết quyền lợi của họ là trên hết…



Những luận điệu trên thì không sai, xét trên những yếu tố tích cực của vấn đề. Vì đó là những điều thuộc về nguyên tắc của đấu tranh dân chủ rồi. Không có cuộc đấu tranh dân chủ nào lại thành công khi người đấu tranh cứ ngửa cổ chờ trông bên ngoài cả. Phải tự cứu mình trước khi Trời cứu . Đó là điều không có gì phải bàn cả.

Nhưng những điều trên thì cũng chỉ đúng về mặt lý thuyết thôi chứ không phải là đúng về tất cả. 

Đấu tranh dân chủ, đòi hỏi các quyền dân sinh là một cuộc đấu tranh lâu dài với những thế lực độc tài toàn trị. Đó là một cuộc đấu tranh mà những người đấu tranh luôn ở điểm yếu, thua thiệt so với nhà cầm quyền. Dù không có chính nghĩa nhưng nhà cầm quyền luôn có sức mạnh hiển nhiên là CA, QĐ, AN…cùng những sức mạnh khác bảo vệ, trong khi người đấu tranh dân chủ, dù có chính nghĩa nhưng lại không có những sức mạnh nói trên, nên họ luôn bị đè bẹp, bắt bớ bất cứ lúc nào.

Nên những người đấu tranh dân chủ luôn phải tìm kiếm bất cứ điều gì, bất cứ ai có thể giúp họ trong cuộc đấu tranh không cân sức này. Và nước Mỹ đã là sự tin tưởng tuyệt đối mà họ đã giao phó niềm tin, giống như những bông hoa hướng dương luôn quay mặt về phía Mặt Trời...

Nước Mỹ là một quốc gia hùng mạnh với nền dân chủ bậc nhất thế giới và quan trọng hơn cả là nó luôn đồng cảm với mọi người đấu tranh dân chủ, chống áp bức ở bất cứ quốc gia nào. Nước Mỹ đã trở nên vĩ đại bởi chính nó đã gánh vác một phần khó khăn của thế giới này, và sẽ còn vĩ đại hơn nữa bởi nó luôn bênh các quốc gia nhỏ bị quốc gia lớn bắt nạt, luôn bênh vực cho những con người bị bạo quyền bất công.

Đấu tranh dân chủ ở Việt Nam thì phải trông dựa vào nước Mỹ là một điều đương nhiên. Bởi ở quốc gia đó từ người dân thường cho đến tổng thống đều có chung những giá trị tự do dân chủ cùng với chúng ta. Bởi ở đó có những phẩm chất dân chủ tốt nhất để học hỏi, ở đó có sức mạnh kinh tế và quân sự tốt nhất đủ khiến cho không ai dám coi thường nước Mỹ, cũng như đủ để khắc chế được sự đàn áp chống loài người của bất cứ ai nếu cần. Bởi ở đó có một cộng đồng người Việt Nam đông đảo luôn trông về tổ quốc, và luôn hòa nhịp đấu tranh với đồng bào quốc nội. Và không thể không nói rằng, nước Mỹ cũng có một phần lịch sử của Việt Nam, nước Mỹ cũng có một phần trách nhiệm với dân tộc Việt Nam và nước Mỹ luôn ủng hộ Việt Nam trên con đường hội nhập vào thế giới văn minh không cộng sản.

Vậy thì không trông vào nước Mỹ thì trông vào ai đây ? Dĩ nhiên là chúng ta không trông chờ Mỹ đem quân đội sang, cũng như không phải cứ ai bị bắt thì kêu gào tới nước Mỹ. Chúng ta chỉ cần hiểu rằng, nước Mỹ với những phẩm chất đã nêu là một chỗ dựa tốt nhất. Có thể có lúc thăng, có lúc giáng nhưng nước Mỹ ở bên cạnh ta, sau lưng ta luôn là một chỗ dựa vững chắc nhất cho mọi phong trào đấu tranh hòa bình bất bạo động.

Chẳng có gì phải xấu hổ cả, nếu không muốn nói thật may mắn khi chúng ta coi nước Mỹ như một người bạn lớn chân thành, và họ cũng coi chúng ta như vậy. Đừng đem những điều tào lao rằng nước Mỹ chỉ biết quyền lợi riêng của họ ra mà phán lung tung. Hãy nhìn vào lịch sử thế giới, nhìn vào các cuộc chiến tranh Thế Giới lần thứ 1,2 rồi gần đây như Cô oét, Nam Tư, Iraq…để thấy rằng, nếu cần thiết thì người Mỹ cũng biết hy sinh, cũng chấp nhận hy sinh để đem những giá trị dân chủ lan tỏa ra khắp thế giới, và cho tất cả các dân tộc trên thế giới này được chung sống hòa bình, hạnh phúc…

TT Philippines vừa đắc cử đòi Bắc Kinh tôn trọng phán quyết Biển Đông

Thu Hằng 
Theo RFI-29-05-2016 16:04 
media
Tổng thống đắc cử Philippines Rodrigo Duterte tại Davao ngày 16/05/2016. REUTERS/Stringer 
Trung Quốc phải tuân theo phán quyết của Tòa Án Trọng Tài Thường Trực Liên Hiệp Quốc ở La Haye về việc Philippines kiện những yêu sách chủ quyền quá đáng của Bắc Kinh trong vùng Biển Đông. Theo báo chí Philippines, ông Rodrigo Duterte, người vừa được chính thức tuyên bố đắc cử tổng thống Philippines, đã xác định như trên vào hôm qua 28/05/2016.
Theo website của hãng truyền thông Philippines ABS-CBN, người sẽ nhậm chức tổng thống Philippines vào tháng Sáu tới đây, đã cho rằng Trung Quốc phải tôn trọng quyết định của Tòa Trọng Tài ngay cả khi Manila đã cầu viện Bắc Kinh trong việc xây dựng nhiều dự án cơ sở hạ tầng vô cùng cần thiết tại Philippines.
Ông Rodrigo Duterte đã khẳng định trước các phóng viên như sau : « Nếu Tòa Trọng Tài ra phán quyết, chúng ta hy vọng là Trung Quốc sẽ tuân theo... Chứ không phải là chỉ vì anh giúp tôi xây dựng đường sắt, mà tôi phải bỏ bãi cạn Scarborough ».
Tổng thống tương lai của Philippines muốn ám chỉ tới sự kiện là vào năm 2012, Trung Quốc đã chiếm bãi cạn Scarborough mà Bắc Kinh cho là của họ dù nằm sâu bên trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Philippines và được Manila tuyên bố chủ quyền.
Philippines đã kiện các yêu sách quá đáng của Trung Quốc tại Biển Đông ra trước Tòa Án Trọng Tài Thường Trực La Haye, và tòa án trọng tài dự kiến sắp đưa ra phán quyết.
Liên quan đến các đảo mà Trung Quốc đang chiếm giữ tại vùng Trường Sa, ông Duterte từng tuyên bố rằng bất chấp tính mạng có thể bị đe dọa, ông sẽ đi xe trượt nước (jet ski) đến cắm quốc kỳ Philippines trên các thực thể thuộc chủ quyền của Manila.
Hôm qua, ông nhắc nhở Trung Quốc : « Tôi đã bảo quý vị rằng đó là của chúng tôi. Quys vị không có quyền ở đó ».
Trung Quốc đòi hỏi chủ quyền trên hầu hết vùng Biển Đông được cho là có trữ lượng dầu mỏ và khí đốt khổng lồ, đồng thời là tuyến đường hàng hải chính. Ngoài Philippines và Trung Quốc, Việt Nam, Malaysia, Brunei và Đài Loan cũng tuyên bố chủ quyền trong khu vực.

Lực lượng đặc biệt Mỹ sẵn sàng hợp tác với Việt Nam

WASHINGTON (NV) - Đó là điều mà Phó Đô Đốc Colin Kilrain, chỉ huy trưởng Bộ Chỉ Huy các chiến dịch đặc biệt tại Thái Bình Dương (SOCPAC) của quân đội Hoa Kỳ, vừa tiết lộ với Reuters.
Tập luyện chung giữa lực lượng đặc biệt của Hoa Kỳ và Philippines. (Hình: AFP) 

Phó Đô Đốc Kilrain cho biết, hôm 25 tháng 5, ông đã thảo luận với một trong những sĩ quan chỉ huy lực lượng đặc công của Việt Nam tại Florida và cả hai cùng mong muốn quan hệ giữa các lực lượng tinh nhuệ của quân đội hai bên sớm chặt chẽ hơn. Vấn đề chỉ còn là bao giờ thì chính phủ Hoa Kỳ và Việt Nam quyết định để họ thực hiện mong muốn ấy.

Theo Phó Đô Đốc Kilrain thì đặc điểm của các đơn vị thuộc lực lượng đặc biệt (nhỏ, linh hoạt, dễ điều động) có thể hữu dụng cho việc thiết lập và củng cố quan hệ giữa quân đội hai bên.

Mỗi quân chủng của quân đội Hoa Kỳ đều có lực lượng đặc biệt, chẳng hạn bộ binh có biệt kích (Green Beret, Ranger,...). Hải quân có hải kích (Navy Seal) và lực lượng đột kích của thủy quân lục chiến (Marine Raider)... Không quân có tiền sát không yểm (Combat Controller), giải cứu mặt đất (Pararescue),...

Bên cạnh Bộ Chỉ Huy lực lượng đặc biệt của các quân chủng còn có Bộ Chỉ Huy phối hợp cho các chiến dịch đặc biệt (JSOC) với những đơn vị tinh nhuệ nhất của lực lượng đặc biệt thuộc các quân chủng, chẳng hạn Delta Force (một đơn vị Green Beret của bộ binh), Seal Team 6 (một đơn vị Navy Seal của hải quân),... và Bộ Chỉ Huy các chiến dịch đặc biệt cho từng khu vực, trong đó có SOCPAC.

Cũng vì vậy, khi Phó Đô Đốc Kilrain đề cập đến sự hợp tác giữa lực lượng đặc biệt Hoa Kỳ với đặc công Việt Nam thì triển vọng hợp tác sẽ ở nhiều góc độ của chiến tranh đặc biệt bao gồm cả tình báo, tuần thám,...
Thông tin mà Phó Đô Đốc Kilrain tiết lộ, xuất hiện gần như cùng lúc với nhận định của Trung Tướng Stephen Lanza, Tư Lệnh Quân Đoàn 1 của bộ binh Hoa Kỳ - quân đoàn mà phạm vi trách nhiệm bao gồm toàn bộ khu vực Thái Bình Dương: Bộ binh Hoa Kỳ và Việt Nam có thể luyện tập chung bất kỳ lúc nào mà giới lãnh đạo cao cấp của hai bên thấy có thể.

Tất cả những thông tin, nhận định vừa kể được loan báo ngay sau khi tổng thống Hoa Kỳ đến thăm Việt Nam. Quyết định hủy lệnh cấm bán vũ khí cho Việt Nam dường như là bước khởi đầu cho những bước khác để quan hệ an ninh - quốc phòng giữa hai bên sớm chặt chẽ hơn.

Mức độ tiến triển của quan hệ An Ninh-Quốc Phòng giữa Hoa Kỳ và Việt Nam nay phụ thuộc vào chính quyền Việt Nam.

Do sức ép cả từ Trung Quốc lẫn dân chúng Việt Nam càng ngày càng lớn, trong vài năm gần đây, chính quyền Việt Nam đã gia tăng sự hợp tác về An Ninh-Quốc Phòng với nhiều quốc gia nhưng mặt khác vẫn khăng khăng khẳng định, sẽ tiếp tục duy trì “chính sách ba không”: Không liên minh quân sự, không cho bất kỳ quốc gia nào đặt căn cứ quân sự tại Việt Nam, không sử dụng quan hệ song phương nhắm vào một quốc gia khác.

Đối với Hoa Kỳ, Việt Nam đã mở quân cảng Cam Ranh, chấp nhận cho các chiến hạm của Hoa Kỳ cùng với các chiến hạm của Nhật, Nga ghé vào bảo trì, nhận tiếp liệu,...

Theo giới quan sát thời sự thì lối hành xử của chính quyền Việt Nam cho thấy, họ chưa vượt qua được sự ngán ngại Trung Quốc.

Sự phối hợp giữa quân đội Việt Nam với quân đội Hoa Kỳ được chính quyền Việt Nam kiềm giữ ở mức: Xin viện trợ, nhờ đào tạo, tổ chức giao lưu thường niên riêng trong lực lượng hải quân.

Các đợt giao lưu thường niên giữa hải quân Hoa Kỳ với hải quân Việt Nam chỉ xoay quanh những hoạt động phi tác chiến và nâng cao những kỹ năng liên quan đến quân y, tìm kiếm - cứu nạn, an ninh hàng hải, bên cạnh các hoạt động phục vụ cộng đồng, giao lưu thể thao. Mãi tới gần đây mới có thêm các hoạt động nhằm nâng cao kỹ năng điều khiển chiến hạm, kiểm soát thiệt hại trên tàu, giải cứu tàu ngầm.

Đối với những cuộc tập trận đa quốc gia do Hoa Kỳ tổ chức, Việt Nam chỉ gửi “quan sát viên.”

Liệu chính quyền Việt Nam đã sẵn sàng để nhảy một bước dài nhằm thoát ra khỏi sự ngán ngại Trung Quốc? 

Tuy chưa ai dám khẳng định rằng có hay không nhưng tín hiệu mới nhất, đáng chú ý nhất là Việt Nam đang thảo luận với Hoa Kỳ về kế hoạch xây dựng hệ thống kho tiếp liệu tại Đà Nẵng.

Đại Tướng Dennis L. Via, tư lệnh Bộ Chỉ Huy Tiếp Vận của bộ binh Hoa Kỳ từng giới thiệu kế hoạch này, theo đó, hệ thống kho tiếp liệu, dự trữ quân cụ, quân nhu tại Việt Nam nhằm giúp quân đội Hoa Kỳ triển khai nhanh nhờ các nguồn tiếp liệu đã sẵn sàng.

Tuy Tướng Via nhấn mạnh, quân nhu và quân cụ dự trữ chỉ nhằm hỗ trợ thực hiện các chiến dịch nhân đạo, ứng cứu và giúp giải quyết hậu quả thiên tai nhưng rõ ràng tính chất hệ thống kho tiếp liệu của quân đội khác rất xa với hệ thống kho dự trữ của các tổ chức cứu trợ nhân đạo. (G.Đ)

29-05-2016 4:24:20 PM 

Trả nợ công: Lại 'nhìn trộm' túi quần dân chúng

Theo Người Việt-29-05-2016 5:41:57 PM 
Phạm Chí Dũng
Việt Nam vào Tháng Năm, 2016. Vừa lộ thêm một dấu hiệu rất “minh bạch” về ngân sách kiệt quệ: Xuất phát từ “gợi ý” của Hiệp Hội Kinh Doanh Vàng Việt Nam để chỉ cần Ngân Hàng Nhà Nước “gật,” một cơ chế huy động khoảng 500 tấn vàng - trị giá hàng chục tỷ đô la - sẽ được tung ra.

Lại “lấy mỡ nó rán nó”

Sau năm năm, một lần nữa trong khá nhiều lần, phương châm “lấy mỡ nó rán nó,” hoặc có thể hiểu một cách thô kệch hơn là “lấy dân rán dân,” từ thời Thống Ðốc Ngân Hàng Nhà Nước Nguyễn Văn Bình được lăm le bổn cũ soạn lại. Chỉ có điều, tác nhân vào lần này lại là Bộ Tài Chính chứ không phải thống đốc mới Lê Minh Hưng - con trai của cố Bộ Trưởng Công An Lê Minh Hương.

Bộ Tài Chính, cơ quan tỏ đặc biệt nóng ruột trước tình trạng “không biết lấy tiền đâu để chi” trong khoảng một năm qua, cũng phải nói tuột ra: Nhu cầu vốn cho phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam những năm tới rất lớn, nhưng dự kiến đến Tháng Bảy, 2017 có thể không còn được vay vốn ODA mà phải chuyển sang sử dụng nguồn vay ưu đãi và tiến tới vay theo điều kiện thị trường với lãi suất cao. Bởi vậy, việc nghiên cứu giải pháp huy động có hiệu quả nguồn lực vàng trong dân cho phát triển kinh tế là rất cấp bách trong điều kiện hiện nay. Ngân Hàng Nhà Nước cần nghiên cứu sớm thành lập Sở Giao Dịch Vàng Quốc Gia để huy động vàng trong dân.

Có thể hình dung tình hình nợ công và ngân sách đang thực sự bi đát. Báo cáo mới nhất của chính phủ Việt Nam dù vẫn “thu xếp” mức nợ công chỉ khoảng 62.2% GDP, tức còn thấp hơn ngưỡng nguy hiểm 65%, nhưng đã phải thừa nhận rằng không những nợ công tăng khá nhanh trong giai đoạn năm năm qua mà nghĩa vụ trả nợ công cũng đang tăng lên nhanh chóng. Nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của chính phủ tăng từ 185,800 tỷ đồng năm 2013 lên 296,200 tỷ đồng năm 2015. Còn nếu tính cả nợ bảo lãnh chính phủ, nợ chính quyền địa phương, con số nghĩa vụ nợ còn lớn hơn rất nhiều, dự kiến năm 2015 là 418,400 tỷ đồng.

Như vậy, số nợ công mà Việt Nam phải trả năm 2015 là khoảng $20 tỷ. Ðây là một con số quá lớn, chiếm đến 10% GDP hàng năm, nhưng lại trong tình trạng ngân sách rỗng ruột và có thể sụp đổ.

Chết đến nơi mới chịu kêu cứu. Vào năm 2015, những con số do một số cơ quan nhà nước công bố đã cho thấy Việt Nam chỉ có “trách nhiệm” trả nợ công khoảng $7 tỷ. Con số này là quá thấp so với con số $20 tỷ mà chính quyền Việt Nam vừa buộc phải thừa nhận.

“Việt Nam không bao giờ vỡ nợ công?”

“Việt Nam không bao giờ vỡ nợ công” được coi là một tuyên bố vô trách nhiệm nhất của giới quan chức vào năm 2015. Thế nhưng vào Tháng Tám, 2015, chính báo giới nhà nước đã đồng loạt phát tin “Việt Nam là quốc gia có rủi ro nợ công lớn nhất khu vực Ðông Nam Á” và “được” ngân hàng Bank of America (Mỹ) xếp hạng rủi ro thứ 12 trên thế giới.

Thứ hạng 12 trên lại khá tương đồng với vị trí từ dưới đếm lên của Việt Nam trong bảng xếp hạng về độ minh bạch của Tổ Chức Minh Bạch Quốc Tế (TI).

Tỷ lệ thực về nợ công/GDP do những chuyên gia phân tích độc lập đưa ra lại khác xa số liệu bít bùng của chính phủ. Từ cuối năm 2013, nợ công/GDP đã được một chuyên gia nhà nước thừa nhận là tăng đến 98%, tức làm ra 100 đồng thì phải dành đến 98 đồng để trả nợ.

Thậm chí những chuyên gia độc lập khác đã nêu ra tỷ lệ nợ công/GDP lớn hơn: 106%, nếu tính đầy đủ nợ của các tập đoàn kinh tế nhà nước theo tiêu chí hướng dẫn cách tính nợ công của Liên hiệp quốc.

Còn gần đây, cùng với thông tin mới nhất về tỷ lệ nợ công của Trung Quốc đã lên đến 250%/GDP, một chuyên gia kinh tế là Tiến Sĩ Lê Ðăng Doanh cho rằng nếu tính đủ các khoản nợ từ cấp xã đến nợ xây dựng cơ bản của các bộ ngành, địa phương, nợ của doanh nghiệp nhà nước& thì nợ công của Việt Nam có lẽ lên đến 110-120% GDP, khoảng trên 4.5 triệu tỷ đồng, tương đương khoảng $220 tỷ. Ðáng chú ý, nhận định của ông Doanh phát ra trong một cuộc hội thảo khoa học nhận diện về nợ công diễn ra mới đây - ngày 18 Tháng Năm - tại Hà Nội.
Thậm chí có những đánh giá không chính thức cho rằng tỷ lệ nợ công của Việt Nam đang vào khoảng 150%/GDP, tức lên đến khoảng $300 tỷ, hoàn toàn có thể làm cho nền kinh tế Việt Nam lao vào vùng phá sản trong ít năm tới - không khác mấy trường hợp Argentina năm 2001.

“Lòng tin chiến lược” sụp đổ

Quả thực, tình hình ngân sách Việt Nam ngày càng “minh bạch.” Nếu vào những năm dưới thời Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng, tình trạng ngân sách mặc dù khá xấu nhưng vẫn bị ém nhẹm, thì đến lúc này chính Bộ Tài Chính đã phải thừa nhận về tương lai gần như bế tắc trong vay vốn ưu đãi ODA.

Nhìn lại quá khứ gần, có thể thấy rõ “lòng tin chiến lược” của quốc tế vào chính thể đầy rẫy tham nhũng và lãng phí ở Việt Nam đã thực sự sụp đổ từ năm 2014.

Không quá ngạc nhiên khi vào Tháng Mười Hai, 2015, đại diện của Ngân Hàng Thế Giới (WB) tuyên bố: WB ngưng các khoản vay ưu đãi đối với Việt Nam.

Tới Tháng Ba, bà Christine Lagarde, tổng giám đốc Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế (IMF), đến làm việc tại Việt Nam. Cũng tương tự như kết quả chuyến làm việc tại Việt Nam của ông Jim Yong Kim, chủ tịch WA, vào Tháng Hai, tổ chức này không hứa hẹn cung cấp bất cứ một khoản cho vay mới nào đối với giới lãnh đạo Hà Nội, dù cả chủ tịch WB tổng giám đốc IMF đều được những nhân vật cao nhất Việt Nam như Nguyễn Phú Trọng và Nguyễn Tấn Dũng tha thiết đón tiếp.

Sau hai cú sốc mang tên WB và IMF, giới lãnh đạo Việt Nam còn bị giáng thêm một đòn nữa, cũng vào Tháng Ba, khi Ngân Hàng Phát Triển Á Châu (ADB) cũng tuyên bố chấm dứt cho vay ưu đãi.

Chẳng còn kiểu cười tươi rói như địa chủ được mùa. Mà bi kịch tiếp nối bi kịch.

Vào năm 2015, một con số ước tính của Bộ Kế Hoạch và Ðầu Tư cho rằng trong năm 2016, Việt Nam phải trả khoảng 360,000 tỷ đồng nợ công, tương đương khoảng $15 tỷ. Nhưng nếu căn cứ vào con số nợ công khoảng $20 tỷ Việt Nam phải trả trong năm 2015, chắc chắn số nợ công phải trả trong năm 2016 còn cao hơn $20 tỷ.

Lại “nhìn trộm” túi quần dân chúng

Tình trạng ngân sách Việt Nam đã đến thời điểm Minsky nợ và có thể vỡ nợ. Hai mươi tỷ đô la năm 2015 phải bị “hồi tố,” chưa kể năm 2016 và những năm tới...

Một lần nữa trong cơn bỉ cực, chính quyền lại “nhìn trộm” túi quần dân chúng. “Huy động vàng trong dân” là một chiêu sách có tính tình thế nhất. Từ năm 2011 đến nay, đã ít nhất ba lần chính quyền rất muốn “hốt vàng” như thế.

Hai lần trước, cuối năm 2011 và đầu năm 2015, chính phủ và Ngân Hàng Nhà Nước đã tung ra chính sách “sẽ huy động vàng” trong dân, theo phương châm “lấy mỡ nó rán nó.”

Thế nhưng, lần nào cũng vậy, dư luận người dân tích trữ vàng lại lo lắng về “quyết tâm thu hồi vàng trong dân” của Ngân Hàng Nhà Nước, vì trong thực tế chính quyền hoàn toàn chẳng có nổi một giải pháp đủ thuyết phục để bảo đảm vàng của dân không bị bốc hơi từ két sắt ngân hàng, dù đã có rất nhiều ý kiến của giới chuyên gia và người dân yêu cầu Ngân Hàng Nhà Nước phải có những biện pháp thật sự an toàn cho người gửi vàng.

Hàng loạt vụ đổ bể ở nhiều ngân hàng như Agribank, ACB, Vietinbank,... cùng các vụ thụt két và siêu lừa như Huỳnh Thị Huyền Như,... chưa kể hàng loạt ngân hàng có lãnh đạo bị tống giam từ năm 2014 đến nay như Ngân Hàng Xây Dựng, Ðại Dương, GP, hoặc hiện tượng “tiền tiết kiệm bốc hơi,” khiến cho dân chúng mất đi đáng kể niềm tin vào giới ngân hàng. Trong tình thế đó, nhiều người dân thà chôn giấu vàng dưới gầm giường, thay vì gửi vào ngân hàng mà không thể chắc chắn là vàng của mình sẽ “không cánh mà bay.”

“Chứng chỉ vàng” hay “trái phiếu vàng” mà Bộ Tài Chính lấp ló muốn trưng ra đã trở nên quá thô kệch và còn có thể là lừa lọc. Vào lần này, “sáng kiến” huy động vàng nhiều khả năng sẽ tiếp tục thất bại, và sẽ chẳng có 500 tấn vàng nào từ túi quần dân tuồn sang ngân quỹ của giới ngân hàng chỉ biết thủ lợi bất kể nhiều triệu dân không biết sẽ tồn tại ra sao trong những tháng năm tới.

Con số ‘cử nhân, thạc sĩ’ thất nghiệp không chính xác

HÀ NỘI (NV) - Tuy nói rằng số “cử nhân, thạc sĩ” thất nghiệp nhiều hơn tại Việt Nam, nhưng đối chiếu với những bản tin cũ mấy tháng trước cho thấy sự dối trá của các con số thông kê thấy đưa ra.

Các cử nhân đến tìm việc tại Trung tâm xúc tiến việc làm Hà Nội. (Hình: Lao Động)

Hôm Thứ Bảy, 28 tháng 5, 2016, tờ Lao Động điện tử đưa tin “Viện Khoa Học Lao Động và Xã Hội vừa công bố, Quý 1, 2016, cả nước có hơn 1 triệu người trong độ tuổi lao động thất nghiệp, đặc biệt, trong đó vẫn ‘tồn dư’ gần 200,000 lao động có trình độ đại học trở lên chưa có việc làm, tăng hơn 35,000 người so với thời điểm cuối năm 2015.”

Một số báo điện tử khác như Doanh Nghiệp Việt Nam, Một Thế Giới, SG Times, CAND, cũng dựa vào báo cáo của Bộ Lao Động viết với nội dung tương tự.

Tờ Sài Gòn Times viết rằng “Chỉ riêng trong Quý 1, 2016 đã có thêm 35,400 lao động có trình độ đại học trở lên thất nghiệp, nâng tổng số cử nhân, kỹ sư, thạc sĩ, tiến sĩ thất nghiệp lên con số 190,900 người, tăng 22.8% so với Quý 4, 2015.”

Còn VTV thì nói “Gần 200,000 cử nhân, thạc sĩ bước ra từ các ngành đào tạo rất hot, như: Quản trị kinh doanh, marketing, tin học, chứng khoán, ngân hàng, điện lực... đã dành 4 năm để học đại học, 2 năm để học lên cao học. Họ đã tốt nghiệp với vô số bằng cấp khá, giỏi. Nhưng tất cả đều đang thất nghiệp.”

Trang mạng điện tử của VTV còn nêu ra một số lý do, viết rằng “cứ 10 sinh viên tốt nghiệp ra trường, có tới 6 người thiếu kỹ năng và tiếng Anh; trong 10 cử nhân, có tới 4 người thiếu kiến thức chuyên môn.”

Nếu số người tốt nghiệp đại học lại “tăng hơn 35,000 người so với thời điểm cuối năm 2015” như các báo trong nước đưa tin hôm Thứ Sáu, 27 tháng 5, 2016, nó có vẻ là những con số thụt lùi, không phải gia tăng.

Theo một bài viết trên tờ Thời Báo Kinh Tế Việt Nam (TBKTVN) ngày 24 tháng 12, 2015, Tổng Cục Thống Kê dựa vào dữ liệu thị trường lao động trong Quý 3, 2015 của Bộ Lao Động nói rằng “Tỉ lệ thất nghiệp của nhóm người có trình độ cao đẳng và đại học trở lên vẫn có xu hướng tăng.”

Theo các nguồn tin này dựa vào bản tin thị trường lao động, họ đã ghi nhận “Quý 3, 2015, cả nước có hơn 1 triệu 128 ngàn người trong độ tuổi lao động thất nghiệp, giảm 15,900 người so với Quý 2, 2015. Trong tổng số người thất nghiệp, khu vực thành thị có 521,300 - người chiếm 46.2%, nhóm thanh niên từ 15-24 tuổi có 666,500 người - chiếm 59%.”

Đặc biệt “Tỉ lệ thất nghiệp ở cao đẳng và đại học, đại học trở lên vẫn tăng, trong khi số cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp cả nước là 225,500 người, tăng thêm 26,100 người so với Quý 2, 2015.” Tức là con số “cử nhân, thạc sĩ” thất nghiệp ở thời điểm này cao hơn con số hơn 190,000 được nêu trong cái báo cáo mới nhất của Bộ Lao Động Hà Nội.

Gần cuối tháng 12 năm ngoái, báo chí tại Việt Nam dựa vào thống kê Quý 3, 2014 đã báo động rằng “cử nhân thất nghiệp đã đến mức báo động” khi nêu ra con số 174,000 người. Trước đó, người ta đã thấy có những lời bàn luận về nguyên nhân của vấn đề. Có những lời đả kích chủ trương, chính sách giáo dục không phù hợp với thị trường lao động ở trong nước.


Bên cạnh đó, tấm bằng đại học mà các thanh niên nam nữ nhận từ các trường đại học và cao đẳng của Việt Nam lại không được đánh giá cao nên đóng góp không nhỏ vào nạn thất nghiệp của giới này ngày càng tăng. (TN)

29-05-2016 5:53:03 PM 

Bầu cử tại Việt Nam không thành công như tuyên truyền

HÀ NỘI (NV) - Một tuần sau ngày bầu cử toàn quốc (Chủ Nhật, 22 tháng 5), thông tin rải rác trên nhiều tờ báo tại Việt Nam cho thấy kết quả rõ ràng là không như nhà cầm quyền mong muốn.

Một điểm bầu cử tại Hà Nội trong ngày bầu cử toàn quốc. (Hình: Getty Images)

Hôm 23 tháng 5, 2016, qua hệ thống truyền thông Việt Nam, chính quyền 63 tỉnh và thành phố tại Việt Nam khẳng định, tỉ lệ cử tri tại địa phương của họ đi bầu đại biểu Quốc Hội và đại biểu Hội Đồng Nhân Dân các cấp trong ngày bầu cử toàn quốc đã đạt 100% hoặc xấp xỉ 100%, thế nhưng sau đó, cũng theo hệ thống truyền thông Việt Nam thì cuộc bầu cử vừa kể không suôn sẻ cả về diễn biến lẫn kết quả.

Chẳng hạn theo tờ Tuổi Trẻ, tuy chính quyền tỉnh Quảng Nam loan báo tại tỉnh này có 99.97% cử tri đi bầu nhưng trên thực tế, ít nhất cũng đã có trường hợp thôn Thuận An, xã Tam Hải, huyện Núi Thành: Chỉ thu về được 700 phiếu bầu trong khi danh sách cử tri của thôn này có tới 1,000 người. Cũng theo tờ Tuổi Trẻ thì có tới 300/700 phiếu bầu ở thôn Thuận An bị cử tri gạch bỏ toàn bộ ứng cử viên hoặc chỉ chừa lại một người.

Sự kiện vừa kể khiến người ta phải tự hỏi, con số 99.97% cử tri ở Quảng Nam đi bầu có đáng tin và có thật là dân chúng Việt Nam “hồ hởi, phấn khởi, nô nức thực hiện quyền công dân” như tuyên truyền?

Đến cuối tuần này, báo chí Việt Nam cho biết thêm, Hội Đồng Bầu Cử Quốc Gia vừa cho phép thành phố Cần Thơ tổ chức bầu thêm hai người đại diện cho dân chúng thành phố này tại Quốc Hội Việt Nam vì kết quả của đợt bầu cử vừa qua chỉ cho phép chọn được năm trong số bảy đại biểu Quốc Hội.

Dường như những lời kêu gọi tẩy chay cuộc bầu cử toàn quốc, gạch bỏ tất cả những nhân vật bất xứng đã có tác dụng cho dù để đối phó với những lời kêu gọi này, thậm chí để phòng ngừa việc xảy ra biểu tình trong ngày bầu cử toàn quốc, chính quyền Việt Nam đã từng phải tổ chức chặn Internet, chặn mạng điện thoại di động, không cho người sử dụng gởi những tin nhắn mà nội dung có từ “bau”!

Cả Hội Đồng Bầu Cử Quốc Gia, Ủy Ban Bầu Cử thành phố Cần Thơ lẫn báo chí Việt Nam đều không cho biết lý do tại sao thành phố Cần Thơ lại thiếu hai đại biểu Quốc Hội. Những ứng cử viên nào được “cơ cấu” để đại diện cho thành phố Cần Thơ tại Quốc Hội Việt Nam nhưng không được dân chúng thành phố Cần Thơ chọn.

Cần lưu ý là trước đó theo thông báo, tỉ lệ cử tri thành phố Cần Thơ đi bầu cũng xấp xỉ... 100% như tất cả các tỉnh, thành phố khác!

Tình trạng cử tri “hồ hởi, phấn khởi, nô nức thực hiện quyền công dân,” tỉ lệ cử tri đi bầu đạt 100% hoặc xấp xỉ 100% nhưng kết quả bầu cử không cung cấp cho các tỉnh, thành phố đủ số đại biểu tại Quốc Hội Việt Nam, không chỉ xảy ra riêng tại thành phố Cần Thơ. Ông Trần Văn Túy, ủy viên Hội Đồng Bầu Cử Quốc Gia kiêm Trưởng Ban Công Tác đại biểu, vừa thú nhận với báo chí, điều đó còn xảy ra ở một số tỉnh khác như: Sơn La, Đồng Nai, Sóc Trăng,... nhưng vì những tỉnh này chỉ thiếu một đại biểu so với dự kiến thành ra Hội Đồng Bầu Cử Quốc Gia không cho “bầu bổ sung.”

Ông Túy nói thêm, bởi diễn biến như vừa kể nên số đại biểu Quốc Hội của khóa 14 sẽ không đạt mức 500 như dự kiến và vì phải chờ kết quả “bầu bổ sung” hai đại biểu cho thành phố Cần Thơ tại Quốc Hội Việt Nam nên Hội Đồng Bầu Cử Quốc Gia chưa thể công bố danh sách đại biểu Quốc Hội Khóa 14 như dự kiến.

Đề cập đến kết quả bầu cử Đại Biểu Quốc Hội qua cuộc bầu cử toàn quốc hồi cuối tuần trước, tờ Tuổi Trẻ tiết lộ: “Khoảng 15 hay 16 cá nhân được trung ương giới thiệu về các địa phương làm ứng cử viên đại biểu Quốc Hội không trúng cử,” và nhận định: “Điều này sẽ ảnh hưởng nhất định đến công tác tổ chức bộ máy nhà nước, đặc biệt là khi những ứng cử viên được quy hoạch làm đại biểu Quốc Hội chuyên trách không trúng cử thì có thể nảy sinh tình huống thiếu hụt nhân sự trong các cơ quan của Quốc Hội.”


Kết quả cuộc bầu cử toàn quốc ở Việt Nam cũng đã làm xáo trộn “công tác tổ chức” của nhiều địa phương. Chẳng hạn ở Bến Tre, ông Nguyễn Hữu Châu, ủy viên Ban Thường Vụ Tỉnh Ủy, phó chủ tịch thường trực Hội Đồng Nhân Dân tỉnh Bến Tre, vốn được dự kiến làm chủ tịch kiêm Chủ Tịch Hội Đồng Nhân Dân tỉnh đã thất cử. (G.Đ)

29-05-2016 3:40:08 PM