Wednesday, October 2, 2019

Bị phạt vì đưa thông tin về CSGT lên Facebook

RFA-2019-10-02
Biểu tượng của mạng xã hội Facebook
 Biểu tượng của mạng xã hội Facebook-AFP
Một tài xế đăng hình ảnh, clip về cảnh sát giao thông (CSGT) lên Facebook bị cho là xúc phạm CSGT nên bị phạt hành chính 7,5 triệu đồng, người chia sẻ thông tin cũng bị phạt mức tiền trên. Báo trong nước đưa tin.
Theo Pháp Luật thành phố Hồ Chí Minh, ngày 1/10, công an thị xã Hoàng Mai (Nghệ An) đã xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Lê Công Nam và ông Nguyễn Tiến Sỹ mỗi người 7,5 triệu đồng, yêu cầu gỡ thông tin. Theo công an, ông Sỹ và ông Nam đã có hành vi xúc phạm danh dự, uy tín của lực lượng CSGT, vi phạm điểm g khoản 3 Điều 66 Nghị định 174/2013/NĐ-CP.
Ông Nam là người đăng thông tin và ông Sỹ là người chia sẻ.
Theo truyền thông trong nước, ông Nam đã dung điện thoại di động ghi hình khi bị Đội Cảnh sát Giao thông Công an thị xã Hoàng Mai (Nghệ  An) kiểm tra, lập biên bản vi phạm lỗi “lắp bánh không đúng kích cỡ”. Ông Nam cũng bị cáo buộc là đã dung lời lẽ xúc phạm danh dự và nhân phẩm lực lượng CSGT.
Trước đó, hôm 27/9, anh Nguyễn Hữu Đức ở tỉnh Bình Phước cũng bị yêu cầu nộp phạt 7,5 triệu đồng khi đưa thông tin bị công an phạt lên mạng xã hội mà công an cho rằng xúc phạm danh dự, uy tín của họ. Ông Đức cũng phải gỡ thông tin đã đăng tải.
Trước đây (hôm 4/9/2019), ông Trần Đình Sang một facebooker nổi tiếng với tài khoản “Trần Đình Sang và những người bạn” chuyên đưa các tin, hình ảnh, video clip về giao thông cũng đã bị công an tỉnh Yên Bái xét nhà và bắt tạm giam với cáo buộc “Chống người thi hành công vụ”.
Vào tháng 1/2018, ông Sang cũng đã từng bị công an thành phố Hòa Bình xử lý do hành vi gây rối tại trụ sở công an. Báo Công An hôm 28/1/2018 cũng có bài viết cho rằng những việc làm của ông Trần Đình Sang gây ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín và hình ảnh của lực lượng Công an tỉnh Hòa Bình qua những video và hình ảnh họ tán phát trên mạng xã hội. Báo này kết luận những hành vi của ông Sang nhằm mục đích chống Đảng, chống Nhà nước và lực lượng Công an nhân dân.

Những giọt nước mắt tại các phiên tòa ở Việt Nam

RFA-2019-10-01 

Ông Nguyễn Minh Hùng tại một phiên tòa vào năm 2019 ở TP Hồ Chí Minh

Ông Nguyễn Minh Hùng tại một phiên tòa vào năm 2019 ở TP Hồ Chí Minh

Các bản án không nghiêm minh

Không ít người quan tâm đến vụ án buôn bán thuốc trị ung thư giả của Công ty cổ phần VN Pharma bày tỏ sự bất bình khi cho rằng các bản án mà Tòa án Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh vừa tuyên cho 12 bị cáo vào ngày 1/10/19 với mức án cao nhất 20 năm tù là không nghiêm minh.
Nhiều người cho rằng hành vi buôn bán thuốc giả cho những bệnh nhân bị bệnh ung thư, là những người không may mắc bệnh hiểm nghèo phải từng ngày, từng giờ vật vã với sự sống còn, mà còn bị mua phải thuốc giả với giá cao, thì đó là một tội ác đối với đồng bào, không thể nào dung thứ được.
Đài RFA ghi nhận một số ý kiến của những người theo dõi vụ án này còn phản đối và cho rằng các bản án được tuyên cho 12 bị cáo chủ chốt trong vụ án còn quá nhẹ. Lý ra, tòa phải tuyên đến mức án tử hình nhằm răn đe các hành vi phạm tội tương tự có thể xảy ra trong xã hội về sau.

Giọt nước mắt ăn năn?

Không những bức xúc vì bản án nhẹ đối với các bị cáo trong vụ án này, mà hình ảnh bị cáo Nguyễn Minh Hùng (cựu Chủ tịch, Tổng Giám đốc VN Pharma) khóc nức nở tại tòa được lan truyền trên mạng xã hội mấy ngày qua cũng khiến nhiều người ái ngại. Mặc dù bị cáo Nguyễn Minh Hùng thừa nhận trước tòa rằng ăn năn về những sai sót đã gây ra và khóc xin tòa cho tại ngoại sau hai năm tạm giam để lo cho mẹ già và người vợ đang có mang; thế nhưng giọt nước mắt của bị cáo Nguyễn Minh Hùng không được dự luận đồng cảm.
Những giọt nước mắt như của Nguyễn Mạnh Hùng, Trịnh Xuân Thanh…cho tới mở rộng ra hơn là những cái chết của Nguyễn Bá Thanh, Trần Đại Quang, hay mới đây là Lê Đức Anh thì những giọt nước mắt của họ chỉ là sự tiếc nuối khi phải rời bỏ cõi trần gian này. Họ bỏ đi những cuộc sống sung sướng, nhung lụa, sống trên máu và nước mắt cũng như là sự đau khổ của người dân. Tôi tin là không ai tin rằng những giọt nước mắt của họ có chứa trong đó sự ân hận, dù chỉ một chút thôi nên tôi gọi đó là ‘giọt nước mắt liêu trai chí dị'
-Blogger Nguyễn Ngọc Già
Tiến sĩ Mạc Văn Trang, vào ngày 26 tháng 9 đăng tải trên trang Facebook cá nhân ý kiến của ông về những giọt nước mắt của bị cáo Nguyễn Minh Hùng qua dòng trạng thái:
“Tổng giám đốc VN Pharma Nguyễn Minh Hùng ra Tòa đã khóc nức nở. Có người bảo thằng hèn, dám làm, dám chịu chứ! Nhưng khổ nỗi, nếu đúng người, đúng tội sẽ chả mấy ai khóc đâu. Đây là khóc vì uất hận, uất ức trong lòng mà không được nói ra. Mình è cổ ra làm cho bao nhiêu đứa nó hưởng, nó toàn ăn miếng to, miếng ngon mà chẳng làm sao... Mình đầu chày đít thớt mà chịu tội, thật bất công, uất hận, đắng cay ... Cũng như Trẻ con, mắng đúng tội, nó không cãi, không khóc đâu; nhưng bị oan ức, nó khóc ghê lắm...”
Không chỉ là giọt nước mắt của mỗi bị cáo Nguyễn Minh Hùng, mà hình ảnh của các bị cáo khác trong những vụ đại án (được xử trước đây) khóc lóc tại những phiên tòa ở Việt Nam cũng được nhắc tới như bị cáo Hòang Thị Hồng Tứ (cựu Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty BSC Việt Nam), trong vụ đại án Oceanbank hay như bị cáo Trịnh Xuân Thanh (cựu quan chức lãnh đạo của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, trong vụ đại án tham nhũng bị đem ra xét xử cùng với bị cáo Đinh La Thăng, một cựu ủy viên Bộ Chính trị…Các cư dân mạng lúc bấy giờ gọi đó là “những giọt nước mắt cá sấu”.
Tử tù nông dân Đặng Văn Hiến ôm con thơ trong nước mắt.
Tử tù nông dân Đặng Văn Hiến ôm con thơ trong nước mắt. Courtesy: Facebook Quốc Ấn Mai
Từ Sài Gòn, Blogger Nguyễn Ngọc Già vào tối ngày 1 tháng 10 lên tiếng với RFA:
“Những giọt nước mắt như của Nguyễn Mạnh Hùng, Trịnh Xuân Thanh…cho tới mở rộng ra hơn là những cái chết của Nguyễn Bá Thanh, Trần Đại Quang, hay mới đây là Lê Đức Anh thì những giọt nước mắt của họ chỉ là sự tiếc nuối khi phải rời bỏ cõi trần gian này. Họ bỏ đi những cuộc sống sung sướng, nhung lụa, sống trên máu và nước mắt cũng như là sự đau khổ của người dân. Tôi tin là không ai tin rằng những giọt nước mắt của họ có chứa trong đó sự ân hận, dù chỉ một chút thôi nên tôi gọi đó là ‘giọt nước mắt liêu trai chí dị’.
Trong khi đó, chúng ta cũng thấy những giọt nước mắt như của tử tù Đặng Văn Hiến thì giọt nước mắt đó nhận được sự đồng cảm, thương cảm và kể cả phẫn nộ đối với nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam đã lừa đảo một người dân chơn chất chỉ vì bảo vệ mảnh đất của mình mà phải nhận lãnh cái án tử hình. Do đó, có thể dẫn đến một hình ảnh có thể nói là xung đột rất lớn giữa hai loại nước mắt như vậy. Và giọt nước mắt của Đặng Văn Hiến thì tôi cho rằng đó mới là giọt nước mắt của con người.”

Giọt nước mắt hạnh phúc thầm lặng

Cộng đồng cư dân mạng còn mang hình ảnh tương phản tại các phiên tòa giữa những người có chức, có quyền và những người dùng tiền tài để thao túng đạo đức và xã hội khóc “ăn năn”, xin giảm án đối chọi với những gương mặt ngẩng cao, cùng lời tuyên bố đanh thép rằng “chúng tôi vô tội” khi bị tòa án tuyên những bản án nặng nề với các tội danh “lật đổ chính quyền” và “tuyên truyền chống nhà nước”.
Theo số liệu của các tổ chức nhân quyền quốc tế, Việt Nam hiện đang cầm tù hơn 100 tù nhân lương tâm, tù nhân chính trị, tù nhân tôn giáo. Họ là những người luôn hiên ngang trước tòa, chưa bao giờ nao núng hay hối hận về lý tưởng và con đường mà họ theo đuổi vì một xã hội Việt Nam được công bằng và dân chủ. Nhưng, các tù nhân đó cũng từng rơi những giọt nước mắt lặng lẽ chốn lao tù. Tù nhân nhân quyền Nguyễn Ngọc Già chia sẻ:
“Những người bất đồng chính kiến có người này người khác, những điểm chung của chúng tôi mà đó là điểm căn bản nhất là chúng tôi đều thương yêu gia đình. Vì nếu không thương yêu gia đình thì chắc chắn không thương yêu ai được. Vì vậy, không thể nào tránh khỏi những phút xao lòng, những lúc buồn tủi và kể cả có những giọt nước mắt nhớ vợ, thương con. Đó là điều rất bình thường và đó cũng là những giọt nước mắt con người.”
Lúc về nhà tối thui và trong nhà thì tĩnh mịch, không có ai ở nhà. Cứ đi tới, đi lui rồi nhìn quần áo của Phúc, nhìn giường của Phúc, nhìn phòng của Phúc, nhìn hình của Phúc thì lúc đó mới khóc. Với lại thật sự ra, hôm nào đi thăm Phúc hoặc Phúc gọi điện thoại về nhà mà có một sự kiện nào mà Phúc nói làm mình lo lắng cho Phúc thì lúc đó mới khóc thôi
-Bà Huỳnh Thị Út
Còn thân nhân gia đình của họ, hầu hết đều nghị lực không để rơi giọt nước mắt nào tại các phiên tòa. Tuy nhiên, những dòng lệ âm thầm cũng đã chảy theo tháng ngày mòn mỏi ngóng trông người thân ở trại giam. Cô giáo Huỳnh Thị Út, thân mẫu của tù nhân sinh viên Trần Hoàng Phúc nhớ lại thời khắc sau hai phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm của con trai:
“Lúc về nhà tối thui và trong nhà thì tĩnh mịch, không có ai ở nhà. Cứ đi tới, đi lui rồi nhìn quần áo của Phúc, nhìn giường của Phúc, nhìn phòng của Phúc, nhìn hình của Phúc thì lúc đó mới khóc. Với lại thật sự ra, hôm nào đi thăm Phúc hoặc Phúc gọi điện thoại về nhà mà có một sự kiện nào mà Phúc nói làm mình lo lắng cho Phúc thì lúc đó mới khóc thôi.”
Cô giáo Huỳnh Thị Út nói rằng bà không bao giờ khóc với con trai yêu yêu dấu của mình vì bà phải là chỗ dựa tinh thần vững vàng của con trai. Bà cũng khẳng định giọt nước mắt của bà là “Giọt nước mắt hạnh phúc”, vì những giọt nước mắt đó minh chứng cho sự đồng hành trong hành trình chông gai mà con trai Trần Hoàng Phúc cùng rất nhiều các tù nhân lương tâm khác đang dấn thân với mong cầu một ngày không xa nữa, hơn 90 triệu người dân Việt Nam sẽ không còn nhìn thấy những giọt nước mắt như của bị cáo Nguyễn Mạnh Hùng, Trịnh Xuân Thanh và hơn hết là những giọt nước mắt đau lòng của tử tù Đặng Văn Hiến.

Việt Nam nguy cấp!

Theo RFA-Nguyễn Ngọc Già-2019-10-01 
Hình minh họa. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gặp Chủ tịch Tập Cận Bình ở Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh hôm 25/4/2019
Hình minh họa. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gặp Chủ tịch Tập Cận Bình ở Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh hôm 25/4/2019-AFP
Tình trạng Việt Nam hiện rất nguy nan, đặt trong bối cảnh phức tạp của thế giới, đặc biệt cuộc thương chiến Mỹ - Hoa, cho đến nay đủ căn cứ để khẳng định: Không có một thỏa thuận tốt đẹp nào diễn ra cả. Nhất là tình hình Hong Kong đang "mất dần và mất hẳn" "tài sản Tự Do" vốn dĩ họ thụ hưởng cả trăm năm qua, cho thấy rất cao với sự quyết liệt của nhà cầm quyền Bắc Kinh.
Những "đám mây mù" vẫn bao quanh lịch sử mối bang giao Việt Nam - Trung Quốc
Công Hàm 1958 do ông Phạm Văn Đồng ký công nhận Hoàng Sa - Trường Sa thuộc về Trung Quốc cũng như Hội nghị Thành Đô "thành công" vào năm 1990 do ông Nguyễn Văn Linh đứng đầu phái đoàn Việt Nam cho đến nay vẫn chưa tỏ tường.
Những khoản gọi là "viện trợ" của Trung Quốc dành cho Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa để cưỡng chiếm miền Nam trước 1975 cũng như những khoản tiền khác mà người dân Việt Nam không tài nào hay biết, khi đôi bên "cho và nhận" có kèm theo những điều kiện gì.
Theo BBC [1] "1964 - 1975: Trung Quốc 'viện trợ Hà Nội nhưng không thể chỉ huy", bài báo cho hay, số viện trợ của Trung Quốc dành cho Bắc Việt đạt đỉnh cao năm 1965, 1967, 1972, và 1974.
Bài báo nhận định viện trợ của Trung Quốc chỉ nhằm phục vụ lợi ích riêng của nước này.  Đồng thời, cho biết số liệu chính thức của Trung Quốc thống kê từ thập niên 1950 cho đến 1975, Trung Quốc đã viện trợ cho Bắc Việt tổng cộng hơn 20 tỉ nhân dân tệ. Trong đó, 1,4 tỉ là cho vay không lãi suất.
Về "tình hữu nghị Việt - Trung", ông Dương Danh Dy nói [2]: "Chúng ta có một số điều hứa. Tôi biết rất rõ những điều hứa này của ta. Ta có những điều hứa trong vấn đề Biển Đông. Cái hứa của chúng ta lúc đó thì có những nguyên nhân là do chúng ta bênh Trung Quốc, có những nguyên nhân do chúng ta dốt, chúng ta không hiểu gì cả..."
Hình minh họa. Khách du lịch Trung Quốc đi bè ở thác Bản  Giốc ở biên giới phía bắc tỉnh Cao Bằng hôm 16/1/2009
Hình minh họa. Khách du lịch Trung Quốc đi bè ở thác Bản Giốc ở biên giới phía bắc tỉnh Cao Bằng hôm 16/1/2009 AFP
Trong khi ông Nguyễn Trọng Vĩnh từng cho hay [3]: "Trong đàm phán biên giới trên bộ, Trung Quốc gian xảo lấn của ta một nửa thác Bản Giốc, 100m từ ải Nam Quan xuống đến Tân Thanh vốn là điểm nối đường ray trước đây để tàu Trung Q uốc đưa hàng hóa vào đất ta, cộng với lấn chiếm những nơi khác, họ lấn của ta một diện tích bằng tỉnh Thái Bình".
Tuy vậy, ông Nguyễn Trọng Vĩnh cho biết thêm [3]: "Dù sao, sự nhường cơm xẻ áo của nhân dân Trung Quốc giúp chúng ta khá lớn trong hai cuộc kháng chiến, nhân dân ta, Nhà nước ta rất biết ơn, coi như mắc một món nợ. Nhưng tháng giêng năm 1974, nhà cầm quyền Trung Quốc đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam đương thuộc sự quản lý của Việt Nam Cộng hòa; năm 1975, trang bị cho lực lượng vũ trang Pôn-pốt đánh phá phía Tây nam nước ta; tháng 2/1979, Đặng Tiểu Bình huy động 60 vạn quân xâm lăng, tàn phá triệt để các tỉnh biên giới nước ta, giết hại đồng bào ta thì tự họ đã xóa hết nợ nần, ơn nghĩa trước đây. Ngược lại họ lại mắc nợ máu với nhân dân biên giới nước ta".
Cả thế giới không còn xa lạ với bản chất của người CSVN. Vì vậy, năm xưa Đặng Tiểu Bình "dạy cho Việt Nam một bài học" để gây ra 2 cuộc chiến thảm khốc tại biên giới phía Bắc và Tây Nam, không đáng ngạc nhiên đối với quốc tế.
Vào ngày 14/12/2012, đài BBC đưa tin ông Trương Tấn Sang trong tư cách Chủ tịch Nước khẳng định [4]: "Đảng, Nhà nước ta không bao giờ bán nước cho các thế lực bên ngoài như những kẻ xấu vu cáo. Hành động bán nước hay những việc làm tương tự sẽ chịu sự nguyền rủa, oán hận của các thế hệ sau này, cũng như chúng ta đã từng phê phán nghiêm khắc những nhân vật và những chế độ như thế trong lịch sử".
Đường Lưỡi Bò - vì đâu nên nỗi?!
Đường Lưỡi Bò do nhà nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa đơn phương tuyên bố chủ quyền vào năm 1953, nhưng chưa bao giờ họ đưa ra giải thích đảm bảo tính khoa học về nó.
Năm 1953 cũng là năm khởi sự chính thức "chiến dịch Điện Biên Phủ" sau nhiều năm chuẩn bị để dẫn đến:
Chín năm làm một Điện Biên
Nên vành hoa đỏ nên thiên sử vàng
(Hoan hô chiến sĩ Điện Biên - Tố Hữu)
Đến nay thật tỏ tường, Điện Biên Phủ không thể "lẫy lừng chiến thắng" nếu không có viện trợ từ Trung Quốc. Và phải chăng "thời điểm 1953" là cột mốc cho thấy, nhà cầm quyền Bắc Kinh đã tận dụng quá tốt cơ hội để đưa ra "Đường Chín Đoạn", lúc mà nhà cầm quyền Hà Nội không cần phải quan tâm, vì buộc phải tập trung mọi nguồn lực, đặc biệt rất cần "viện trợ quân sự" để đối phó với người Pháp?!
Bản vẽ đường lưỡi bò của Trung Quốc ở Biển Đông
Bản vẽ đường lưỡi bò của Trung Quốc ở Biển Đông AFP
Khi con bạc đang khát dữ dội cho "mộng ước" làm nên "trang sử oai hùng và chói lọi", quả thật quá dễ để cho nhà cầm quyền Hà Nội nhanh chóng nhận lấy tất cả những gì mà phía Trung Quốc trao cho. Bẫy đã được đặt xong! Từ rất lâu như thế!
Bên cạnh đó, nhà cầm quyền Bắc Kinh luôn nhắc đến thuật ngữ "quyền lịch sử" - để khẳng định gần hết Biển Đông là của họ - dù vô cùng mơ hồ đối với thế giới nhưng họ thật tự tin mà không cần phải lý giải! Tại sao như vậy?
Chính Bắc Kinh biết quá rõ, những "món viện trợ" cho Hà Nội "thật bất nhân và vô cùng bất nghĩa" đối với người mà họ luôn "trìu mến" gọi là "đồng chí". Ngược lại, Hà Nội cũng thật rành tâm địa của Bắc Kinh, nhưng lại không muốn "bánh ít trao đi bánh quy trao lại".
"Tình hữu nghị thắm thiết" của đôi bên được tụng ca thật "lãng mạn" và "nghĩa tình" vào ngay năm 1956, khi "men say chiến thắng Điện Biên" vẫn còn... "nồng nặc":
Bên ni biên giới là mình.
Bên kia biên giới cũng tình quê hương
(Đường sang nước bạn - Tố Hữu)
Bãi Tư Chính và vấn đề kiện
Báo Thanh Niên ra ngày 18/8/2019, có bài [5] "Trung Quốc xâm phạm vùng biển Việt Nam: Hiểm họa cho toàn khu vực".
Khi người CSVN, đứng đầu là Hồ Chí Minh, phát hành Công hàm 1958 do Phạm Văn Đồng ký, đã công nhận Hoàng Sa - Trường Sa là của Trung Quốc, lúc bấy giờ - người CSVN có hiểu - đó cũng là bước khởi đầu gây đại thảm họa cho toàn khu vực ngày nay không (?).
Nhà cầm quyền Hà Nội kêu gọi quốc tế ủng hộ về tình hình "Bãi Tư Chính", trong khi người dân trong nước không còn mấy ai tin tưởng vào "hành động thực tế" của họ.
"Kiện" - chữ được bắt gặp rất nhiều, từ khi Bãi Tư Chính bị xâm phạm.
Các nhà chuyên môn về Biển Đông cùng các nhà báo có nhiều đồng thuận về việc "kiện" với bằng chứng "chắc chắn thắng" thông qua thành công của Philippines năm 2016 và nhiều căn cứ pháp luật quốc tế khác, không thể chối bỏ.
Philippines kiện "Đường Lưỡi Bò" mà Trung Quốc khẳng định "tài sản riêng" của họ, trong khi Bãi Tư Chính nằm trong vùng EEZ của Việt Nam. Nói cách khác, Philippines kiện "cái chung", còn Việt Nam kiện "cái riêng" - Một phạm trù của Triết Học, rất đáng để cho người CSVN bóp trán suy ngẫm. Chính vì vậy, nhà cầm quyền Hà Nội rất cần ủng hộ của toàn dân, khối Asean và quốc tế. Cho đến nay "chiến lược này" hoàn toàn thất bại, bởi ngay cả ông Phạm Bình Minh trong phát biểu ngày 28/9/2019 tại Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc, dù mất tới mười lăm phút đồng hồ, nhưng không dám nhắc tên "khách thể - Trung Quốc". Điều này có nghĩa, không thể tiến hành khởi kiện "một quốc gia vô danh".  Đó là khác biệt thứ nhất.
Chính phủ Philippines, cho tới nay, chưa hề cho thấy có bất kỳ "ân oán tình thù" nào kèm với những "món nợ bất minh và bất chính"  đối với Bắc Kinh. Đó là khác biệt thứ nhì.
Philippines là quốc gia đa đảng. Đó là khác biệt thứ ba.
Ông Lê Mã Lương và ông Trương Giang Long - 2 người Công Sản cấp cao - đã chỉ ra nhiều nhân vật cao cấp khác trong ĐCSVN luôn luôn "toàn tâm toàn ý" với nhà cầm quyền Bắc Kinh. Đó là khác biệt thứ tư.
Kết luận
Một nguyên tắc đối ngoại của thế giới, cho đến nay vẫn sừng sững, không thể chối bỏ: Không một quốc gia nào can thiệp vào một quốc gia khác, một khi quốc gia cần giúp đỡ không lên tiếng.
Chính sách "vừa hợp tác vừa đấu tranh" biến tướng từ chính sách "đi dây" hàng chục năm qua của nhà cầm quyền Hà Nội - Nó cần phải được loại bỏ bởi tính phản khoa học trong tình hình Việt Nam nguy cấp hiện nay.
_______________________
Nguyễn Ngọc Già
* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do

Thủ tướng, vịt quay Lạng Sơn và hồ Sài Gòn


Mặc Lâm|

Nhắc đến Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc người dân Việt Nam ngay tức khắc nhớ trước tiên là những lời phát biểu của ông, nhiều và “lệch chuẩn” đến nỗi có người tỉ mỉ ngồi hệ thống lại những gì ông phát biểu từ khi làm Thủ tướng vào năm 2016, tuy chỉ mới ba năm nhưng đã hoàn chỉnh một danh sách “lời vàng ý ngọc” với nội dung “đầu tàu” và “thủ phủ”.
Tới khi không còn tỉnh nào nữa để gán ghép cho trọn bộ những gì mà Thủ tướng mong muốn, ông đã chuyển chủ đề không còn dùng khái niệm “đầu tàu” nữa mà sang những vật thể gần gũi với đời sống người dân hơn, lần này ông chọn con vịt quay Lạng Sơn để chiêu dụ giới đầu tư vào tỉnh này.
Sáng 30 tháng 9, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong lúc dự Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Lạng Sơn, đã nhấn mạnh đến văn hóa ẩm thực của Lạng Sơn khi cho rằng ẩm thực của Lạng Sơn rất phong phú. “Làm sao mỗi người khách du lịch đến Lạng Sơn phải mua 1 con vịt quay mang về. Nếu mỗi ngày ở đây thu hút hàng trăm nghìn du khách thì có biết bao nhiêu vịt quay, lợn quay được tiêu thụ”.
Thực ra nếu chỉ nói tới vịt quay Lạng Sơn không thì oan cho ông, bởi trước khi kết thúc hội nghị ông đã khẳng định Chính phủ sẽ tiếp tục giữ gìn môi trường hòa bình, môi trường vĩ mô thuận lợi nhất để tỉnh Lạng Sơn, nhà đầu tư thành công. Môi trường hòa bình mà ông nói là Trung Quốc, nước bạn kế bên Lạng Sơn lúc nào cũng hăm he nam tiến, và đích thân Thủ tướng đã hứa sẽ giữ gìn môi trường hòa bình thì ai cũng có thể hiểu một cách cặn kẽ là nó sẽ như thế nào.
Điều quan trọng ở đây không phải là con vịt mà điều người dân muốn nói tới là tư duy của người lấy con vịt quay ra để so sánh, đối chiếu, rồi kết luận nó là sản phẩm có thể khiến cho Lạng Sơn phát triển thì thật là ngây thơ đến độ khó hiểu. Là một Thủ tướng, người dân kỳ vọng ở ông tầm nhìn chiến lược, thấy những gì lớn lao hơn con vịt và cái tầm nhìn ấy phải làm cho đất nước vững mạnh và chí ít cũng không thể tụt hậu nếu so với “bạn bè” quốc tế mà hệ thống tuyên truyền của nhà nước luôn lớn tiếng hô hào.
Trong khi ông bay ra Lạng Sơn để nói về con vịt quay thì tại Sài Gòn người dân đang ngụp lặn trong một bể nước mênh mông bao trùm mọi con đường, mọi ngóc ngách trong nội ô và không một ai đại diện cho Chính phủ mà ông Nguyễn Xuân Phúc đứng đầu có một chỉ đạo nào cụ thể làm dịu nỗi khổ của người dân.
Theo tường thuật của báo Thanh Niên thì “trong ngày 29 tháng 9, mực nước tại trạm Phú An (quận 2) dự cao khoảng 1,68 m; trạm Nhà Bè đạt khoảng 1,69 m, vượt báo động 3 gần 20 cm. Đến chiều 30.9, triều cường dự kiến đạt đỉnh 1,7 m ở trạm Nhà Bè rồi thấp dần vào các ngày sau đó. Đây là mức cao nhất từ đầu năm đến nay. Triều cường dâng cao đã khiến nhiều tuyến đường như đường Song Hành, Xa lộ Hà Nội (đoạn qua phường An Phú, quận 2), đường Hoàng Diệu (quận 4)… ngập sâu. Tuy vào cuối tuần, lượng phương tiện lưu thông vào giờ tan tầm không nhiều nhưng mực nước dâng cao cũng khiến xe cộ đi lại khó khăn, gây ùn ứ tại một số khu vực. Ngập nặng nhất là tại khu vực phường An Phú. Nước dâng cao tới khoảng 30 cm, kéo dài từ nút giao cầu Sài Gòn tới gần cầu vượt khiến loạt phương tiện chết máy, giao thông hỗn loạn.”
Báo chí đưa lên những hình ảnh của người dân ngập ngụa trong nước, chống chọi một cách vô vọng khi phương tiện giao thông chính của gia đình là những chiếc xe máy nhỏ bé bị nước làm cho vô dụng. Khung cảnh “chạy ngập” tràn trên mặt các tờ báo cho thấy người dân co ro trên những chiếc ghế trong nhà nhìn cảnh tàn phá của nước với đôi mắt ráo hoảnh đầy tuyệt vọng.
Theo dự báo, triều cường tiếp tục lên cao và đạt đỉnh ngày 30/9 với mức 1,7 m. Sau đó, mực nước vùng hạ lưu sông Sài Gòn – Đồng Nai duy trì trên mức báo động 2 đến hết ngày 2/10.
Giá mà Thủ tướng Phúc có mặt ở TP HCM để chứng kiến cái bì bõm của người dân thì hay hơn ông hô hào du khách mua vịt quay Lạng Sơn. Không thể nói là ông thiếu cập nhật thông tin khi mà Sài Gòn vẫn luôn luôn là con vịt quay béo bở để cung phụng cho hệ thống. Sài Gòn bây giờ không còn là viên ngọc nữa mà nó đã lấm lem bùn đất như khi người tứ xứ về đây từ ba trăm năm trước để xây dụng nó.
Là một Thủ tướng lẽ ra ông phải có chỉ đạo mạnh mẽ cho thành phố trong việc quy hoạch chống ngập. Đó chính là phần việc của ông, người cao nhất của Chính Phủ. Ông có trách nhiệm đối với mọi sai lầm hay thành công của chính sách, ông không thể đẩy trách nhiệm này cho ai khi vẫn còn được người dân cung kính xưng hô là Thủ tướng và vì vậy ông không thể mang một con vịt vào lời nói của mình khi bàn về một chính sách, kể cả nói đùa hay nói lấy có.
Có thể ông không biết chi tiết về chống ngập mà TP HCM đã thực hiện trong những năm trước khi ông làm Thủ tướng nhưng không ai cấm ông xem xét cách làm ấy qua ban tư vấn của mình rồi ra một quyết sách cho những gì mà TP HCM phải thực hiện để hệ thống chống ngập của nó đạt được hiệu quả. Thiếu kinh phí thì ông phải điều tiết từ ngân sách, thiếu chuyên gia thì ông phải ra sức chiêu dụ, thiếu đồng bộ thì ông phải kỷ luật những kẻ vì lợi ích cá nhân mà trì hoãn những dự án mà Thành phố đã đưa ra.
Nếu thích ví von thì ông có thể nói về những kế hoạch mà ông và chính phủ cùng bắt tay vào việc chống ngập cho thành phố. Ông không thể làm ngơ trước những hình ảnh khổ sở của người dân, những người đóng thuế trực tiếp cho Thành phố nhưng nhận lại sự lạnh lẽo, nhơ bẩn của nước cống ngập bốn bề cùng với những lạnh nhạt, vô cảm của chính quyền các cấp.
Không ai tin một con vịt quay có thể bơi nhưng sau câu nói của Thủ tướng người dân cay đắng nhận ra từ ngày 30 tháng 8 con vịt quay Lạng Sơn đang tung tăng trong cái hồ nước lênh láng mang tên Sài Gòn./.

Diễu binh trên mảnh đất vẫn còn đẫm máu


Luân Lê|

Chính quyền cộng sản Trung Quốc, một chính quyền côn đồ và tội phạm, kể từ khi thành lập năm 1949 cho tới ngay tại lúc này, chúng chưa khi nào thiếu các phương tiện bạo lực và man rợ nhất để đè nát những người hay chủng tộc khác.
Chính quyền cộng sản Bắc Kinh luôn tôn cao hoà bình và các giá trị về an ninh xã hội, nhưng chúng luôn thực hiện mọi phương cách bạo lực và dã man nhất để đạt mục đích của mình.
Lịch sử cho thấy, Cộng sản Trung Hoa là một chính quyền tàn bạo và thâm độc hơn cả chế độ phát xít về độ rộng của tội phạm. Chúng không cần thống kê số người bị tàn sát, mà chúng chẳng cần bận tâm tới những sự huỷ diệt đó, trong khi Hitler lại cho lập danh sách tất cả những người Do Thái bị cho vào các căn phòng hơi ngạt.
Trong tất thảy 70 năm thiết lập chế độ cộng sản toàn trị, chưa một khi nào chúng ta có thể thống kê đầy đủ và gần nhất con số trăm triệu người bị thủ tiêu, truy bức, đàn áp hoặc mất tích dưới chế độ cộng sản chuyên chính bạo lực Trung Quốc. Mà nó vẫn còn đang tiếp diễn trên rất nhiều triệu người vào thời điểm hiện tại.
Nếu thế giới không ngăn được một tổ chức tội phạm toàn trị man rợ bậc nhất này lại, chúng sẽ nghiền nát trái đất cho đến khi chẳng còn cái gì cả. Chỉ cần chính quyền cộng sản toàn trị Trung Quốc từ bỏ chế độ phi nhân này, họ sẽ trở thành dân tộc hùng mạnh và văn minh, nhận được sự tôn trọng và chung sống hoà bình của nhân loại. Bằng không, với nhận thức thù nghịch thường trực, họ sẽ phải trả giá khi một mình chống lại cả thế giới.
Có lẽ, 70 năm là quá đủ cho một chính quyền tội phạm được phép tồn tại. Nhân dân họ cần được thụ hưởng nền chính trị dân chủ và tự do, nơi các quyền con người được đảm bảo và nhân dân là chủ thể tối cao của quyền lực chứ không phải là một tổ chức Đảng, tổ chức luôn tự đặt mình lên trên hết mọi thứ.
Nói về sức mạnh và điều tốt đẹp, ngay trên nền của một đêm trường tội ác cách đây 30 năm trước đối với hàng loạt đồng bào của dân tộc này, Đảng cộng sản Trung Quốc đã tố cáo rằng chúng chẳng có lấy một chút tính người nào trong tâm trí mình./.

Mỹ điều tàu sân bay đến Biển Đông dịp Quốc khánh Trung Quốc


Hàng không mẫu hạm USS Ronald Reagan. Ảnh: US Navy/Nathan Burke
FB Việt Tân
Hải quân Mỹ đã điều tàu sân bay USS Ronald Reagan tiến vào Biển Đông và tuần tra gần các đảo nhân tạo Trung Quốc bồi đắp trái phép. Đây là một động thái mà nhiều chuyên gia nhận định là “chọc giận” Trung Quốc, nhất là trong bối cảnh nước này đang chuẩn bị Quốc khánh.

Chỉ vài ngày nữa là Trung Quốc sẽ tiến hành lễ mừng Quốc khánh 70 năm (01/10/2019 – 01/10/2019). Đây là sự quan trọng được Bắc Kinh lên kế hoạch bài bản. Theo dự kiến, nhiều vũ khí tối tân sẽ được Trung Quốc phô trương để thể hiện sự hùng mạnh của quân đội. Tuy nhiên, sự hiện diện của USS Ronald Reagan xem như một gáo nước lạnh dội vào lễ kỷ niệm này.

Báo The Japan Times hôm 29 tháng Chín, 2019, đưa tin tàu sân bay USS Ronald Reagan cùng với một số chiến hạm của Mỹ đang di chuyển trong khu vực Biển Đông, gần các đảo nhân tạo mà Trung Quốc bồi đắp thuộc phía đông bắc của quần đảo Trường Sa.

Khi được hỏi về vị trí của USS Ronald Reagan, và thông điệp nếu có tới Trung Quốc, phát ngôn viên Hạm đội 7 Mỹ từ chối xác nhận vị trí tàu, nhưng cho biết nó hiện đang “thực hiện các hoạt động thường xuyên”.

Trong khi đó, Bộ Quốc Phòng Trung Quốc hôm 26 tháng Chín, 2019, cho rằng tàu sân bay Mỹ và nhóm tấn công đã đến Biển Đông để “hoạt động co duỗi và leo thang quân sự hóa khu vực”. Phát ngôn viên của Bộ Trưởng Quốc Phòng Trung Quốc lớn tiếng phản đối và ngang nhiên tuyên bố “sẽ bảo vệ vững chắc chủ quyền và an ninh quốc gia”.

Trung Quốc những năm gần đây liên tục bồi đắp các đảo nhân tạo tại Hoàng Sa và Trường Sa thành các căn cứ quân sự, đồng thời ngang ngược dùng vũ lực đe dọa các quốc gia láng giềng. Mỹ thường xuyên phản đối và thách thức những yêu sách chủ quyền này thông qua việc đưa các chiến hạm đi tuần tra trên Biển Đông và nhiều lần đi vào trên trong phạm vi 12 hải lý quanh các căn cứ quân sự của Bắc Kinh.

Liên quan đến tranh chấp trên Biển Đông, cập nhật về cuộc đối đầu giữa Việt Nam với Trung Quốc ở khu vực bãi Tư Chính, trang Dự Án Đại Ký Sự Biển Đông cho biết chiếc tàu khảo sát Hải Dương 8 đang di chuyển ngược lên hướng Bắc, ở một địa điểm nằm dóng ngang, hơi chếch về phía trên song song với vùng biển Nha Trang của Việt Nam.
Trong khi đó, hôm 28 tháng Chín, 2019, Bộ Trưởng Bộ Ngoại Giao Phạm Bình Minh phát biểu tại diễn đàn Đại Hội Ðồng Liên Hiệp Quốc, New York, đã không dám nêu đích danh Trung Quốc là kẻ vi phạm chủ quyền của Việt Nam ở Biển Đông, mới nhất là khu vực Bãi Tư Chính.

70 năm một thể chế tai họa

Nguyen Ngoc Chu|

Nhân dân Trung quốc là một dân tộc lớn, tài năng. Nhân dân Trung quốc sẽ xây dựng được một nước Trung quốc giàu có hùng mạnh. Đó là điều không bàn cãi.

Nhưng 70 năm từ khi thể chế của Mao Trạch Đông lên cầm quyền, đất nước Trung hoa đã trải qua những biến động lớn, mà nhân dân Trung quốc gặp tai họa nhiều hơn hạnh phúc.
Nói về thành tựu kinh tế, hiển nhiên sau 70 năm nước Cộng hòa Nhân dân Trung hoa đã có được những thành quả nhất định.
Từ một nước có thu nhập bình quân đầu người khoảng 700 USD vào năm 1949 đứng dưới mức trung bình thế giới, thì năm 2018 đạt mức khoảng 10.000 USD, đứng thứ 75 trên thế giới. Nhờ vào lượng dân số đông nhất thế giới lên đến 1.350 triệu người, mà tổng GDP của Trung quốc vượt qua Nhật Bản chiếm vị trí thứ hai thế giới sau Mỹ.
Về khoa học kỹ thuật và quân sự, Trung quốc cũng có những bước tiến đáng kể. Năm 1964 Trung quốc thử thành công bom hạt nhân lọt vào các quốc gia sở hữu vũ khí nhiệt hạch sau Mỹ, Liên xô, Anh, Pháp. Năm 2003 Trung quốc phóng được tàu Thần Châu 5 – lần đầu tiên đưa được người lên vũ trụ.
Các thành quả trên có được là do nhiều nhân tố. Nhưng có hai nhân tố quyết định là do tiến bộ xã hội và tài năng của người dân Trung quốc. Song hành với các thành quả là những điều bất hạnh to lớn mà người dân Trung quốc phải hứng chịu.
Thành tựu kinh tế, khoa học kỹ thuật của Trung quốc không vượt được các cường quốc Nhật, Đức, Anh, Pháp. Nhưng dân số đông nhất thế giới là nhân tố quyết định để nhà cầm quyền Trung quốc nuôi ảo vọng thống trị thế giới, toan vượt mặt cả Nga, Mỹ.
Chính ảo vọng thống trị thế giới của Trung quốc đã đẩy Trung quốc vào một trạng thái dốc sức. Dốc sức cho trang bị quân đội. Dốc sức cho bành trướng ra ngoài. Bành trướng về kinh tế. Bành trướng về quân sự. Bành trướng về lãnh thổ.
Ảo vọng thống trị thế giới của các nhà cầm quyền Trung quốc có từ ngàn xưa. Nhưng đến thời cộng sản của Mao Trạch Đông thì trở thành ngông cuồng chưa từng có trong lịch sử.
Muốn nhanh chóng thống trị thế giới, Mao Trạch Đông nuôi giấc mộng “đại nhảy vọt” làm xơ xác đời sống người dân Trung quốc. Muốn thâu tóm quyền lực, Mao Trạch Đông tiến hành cải cách ruộng đất và cách mạng văn hóa – đến mức thủ tiêu cả hàng chục triệu sinh mạng, đẩy năm trăm triệu nhân dân Trung quốc vào hoàn cảnh khổ cực, bị đấu tố điêu đứng. Muốn thống trị thế giới, Mao Trạch Đông từ bỏ Liên Xô để thành lập liên minh do Trung quốc cầm đầu. Muốn thống trị thế giới phải bành trướng lãnh thổ, trước hết là các nước láng giềng, đến mức gây chiến chiếm đất với Ấn Độ, Liên xô và Việt Nam.
Tư tưởng Đại Hán đã choán hết lục phủ ngũ tạng, bốc lên đầu các nhà cầm quyền Trung quốc Cộng sản, đến mức muốn hủy diệt các dân tộc khác. Bởi thế mà có nạn diệt chủng gần 3 triệu người dân Campuchia. Bởi thế mà cả triệu người Duy Ngô Nhĩ đang bị giam cầm và bị bí mật thủ tiêu. Bởi thế mà nhân dân Tây Tạng đang bị truy sát. Bởi thế mà có cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam tháng 2/1979.
Không chỉ các dân tộc khác Hoa, mà chính người Hoa cũng là nạn nhân đau đớn của thể chế Mao Trạch Đông. Thủ tiêu không chỉ người dân, thủ tiêu cả “đồng chí thân cận”. Thảm họa Thiên An Môn, biểu tình ở Hong Kong. Tất cả đã phản ánh sự không sống cùng trời với thể chế Mao.
Sau nhân dân Trung quốc, ảo vọng thống trị thế giới của nhà cầm quyền Trung quốc mang đến nhiều tai họa cho nhân loại. Trước hết là tai họa trực tiếp cho nhân dân các quốc gia có biên giới chung với Trung quốc. Mà trong số đó Việt Nam là một nạn nhân đau đớn.
Sự ra đời của nhà nước Cộng hòa Nhân dân Trung hoa ngày 01/10/1949, sau 70 năm nhìn lại – là tai họa to lớn cho nhân dân Việt Nam.
Giá mà không có nhà nước Cộng hòa Nhân dân Trung hoa!
Đây không chỉ là mong ước của người Việt mà là của người Hoa đại lục, người Hoa Hong Kong, người Hoa Đài Loan, người Duy Ngô Nhĩ, người Tây Tạng… Đây là mong ước của tất cả các dân tộc khát khao tự do dân chủ.
Ai mà đoán biết được vĩ đại hùng cường như Liên Xô lại tan biến trong phút chốc? Nhân dân Trung quốc đã mong muốn thì tất sẽ thành hiện thực. Ngày mà thể chế Mao Trạch Đông dựng lên bị sụp đổ sẽ không còn xa nữa.
Độc tài toàn trị và tham vọng thống trị thế giới là hai lưỡi của một chiếc kéo cắt cổ thể chế Cộng hòa Nhân dân Trung hoa./.

Đại họa đi tắt đón đầu

Đỗ Ngà|

Trong hệ thống giáo dục XHCN, chính quyền CSVN luôn dạy rằng, xã hội loài người phát triển qua 6 giai đoạn để đến thiên thường Cộng Sản. Con người khi vừa thoát khỏi kiếp khỉ vượn thì họ bước vài hình thái xã hội đầu tiên là Cộng Sản Nguyên Thủy. Và sau đó xã hội loài người tiến thêm bước nữa sang xã hội Chiếm Hữu Nô Lệ, rồi Phong Kiến, Tư Bản Chủ Nghĩa, Xã Hội Chủ Nghĩa, và cuối cùng là thiên đường Cộng Sản làm theo khả năng hưởng theo nhu cầu.
Đấy là những gì mà học sinh được nhồi. Và họ cũng dạy rằng, với Việt Nam, ĐCS quyết định đi tắt đón đầu, nghĩa là ĐCS sẽ đưa đất nước tiến lên Xã Hội Chủ Nghĩa mà không qua giai đoạn Tư Bản Chủ Nghĩa. Hiện nay thì ai cũng thấy khả năng con người là hữu hạn, nhu cầu con người là vô hạn nên cái gọi là Chủ Nghĩa Cộng Sản của ông Marx kia là thứ vứt sọt rác. Tất nhiên, thiên đường Cộng Sản là xạo thì giai đoạn quá độ lên Cộng Sản là XHCN cũng xạo nốt. Cái mà đi tắt đoán đầu ấy giờ lòi ra mà một thứ xã hội phong kiến trá hình. Chính nó đã ghìm xã hội Việt Nam trong đói nghèo và lạc hậu.
Kẻ trí tuệ nhìn ra phần chất của vấn đề bằng cách thận trọng kiểm chứng, kẻ dốt nát thì nhìn thấy phần vỏ đã tin và lấy những lời của kẻ ba hoa làm chuẩn mực mà không biết nghi ngờ. Đó là lý do tại sao chủ thuyết Cộng Sản chỉ phát triển ở những nơi dân trí thấp, còn Tinh Thần Pháp Luật của Montesquieu thì nảy mầm ở những nơi dân trí cao hơn.
Những ông cộng sản đời đầu của Việt Nam cũng tự hào rằng chính mình đã đặt nền móng cho một “thế giới đại đồng” của chủ nghĩa Cộng Sản. Nhưng hỡi ơi, càng áp dụng triệt để chủ thuyết Cộng Sản thì xã hội càng đói nghèo và đất nước càng lạc hậu. Và cuối cùng, vì quá tụt hậu so với TBCN (TBCN là cách gọi của Marx) nên đám XHCN ấy lớp thì ngã nhào, lớp thì phải thay đổi bằng cách cóp nhặt KTTT của TBCN để làm cứu cánh. Còn lại 4 nước đi tắt đón đầu lên XHCN ấy hầu hết là cố chống đỡ với nguy cơ nội loàn để kéo dài tồn tại. Như ta biết, trong lòng nước Tàu, dân Hồng Kông kinh hãi một xã hội man rợ do nhóm đi tắt đón đầu Bắc Kinh tạo ta. Và hiện nay, trong lòng nước Tàu luôn tiềm ẩn nguy cơ nội loạn rất lớn. Rồi sẽ đến một thời điểm nào đó, thế giới sẽ khai tử hoàn toàn nhóm CS tham vọng nhưng không biết lượng sức này.
Chuyện kể rằng, một lần nhà vua Ptolemy hỏi nhà toán học Euclid rằng “liệu có con đường ngắn nào để để hiểu hết quyển “elements” của ngươi mà không phải học không?”. Và Euclid đã trả lời rằng “ Tâu bệ hạ! Trong Hình Học, không có con đường dành riêng cho vua chúa”. Vâng! Đây là câu chuyện ngụ ngôn truyền miệng hàng ngàn năm, nó như một lời răn dạy rằng, trong khoa học không bao giờ có chuyện đi tắt đón đầu cả. Nếu thế gian có chuyện đi tắt đón đầu thì xã hội loài người không cần phải mất đến 12 năm mới học được những kiến thức cơ bản để làm người.
Thực ra sự phát triển của các nước văn minh tiến bộ hàng đầu thế giới hiện nay là một đường thẳng. Mà với đường thẳng thì không có lối tắt nào ngắn hơn. Nếu ai muốn rẽ lối khác thì ắt nó sẽ là lối đi xa hơn. ĐCSVN tự cho mình là “đi tắt đón đầu” khi tiến thẳng lên XHCN không qua TBCN, thì hiện nay thực tế đã chứng minh rằng, con đường dài nhất mà đi đến TBCN là rẽ qua con đường XHCN. Vâng! Chính xác là vậy, vì cái gọi là XHCN mà ĐCS đang theo đuổi, nó chính là một hình thức xã hội phong kiến trá hình. Một mô hình man rợ hơn, lạc hậu hơn TBCN mà các nước dân chủ đang có. Nếu không loại bỏ ĐCS, Việt Nam sẽ bị ghìm lại rất xa các nước TBCN top đầu.
Sự đi tắt đón đầu của ĐCS từ những năm 1945 đến nay làm đất nước tụt hậu hàng trăm năm so với không đi tắt như Hàn Quốc, Singapore, Đài Loan vv.. Rồi cũng tập thể đó, cũng những cái đầu đặc sệt Mác Lê đang ghìm đất nước trong đói nghèo lạc hậu ấy lại xuất chiêu “đi tắt đón đầu” 1 lần nữa. Được biết, hôm ngày 29/09/2019 trên báo Vietnamnet đó đăng bài “Bộ Chính Trị ra Nghị quyết về cách mạng công nghiệp lần thứ tư”. Hiện nay, nhiều chuyên gia đã đánh giá nền công nghiệp Việt Nam đang ở giai đoạn quá độ từ 1.0 đến 2.0, tức chưa đạt 2.0. Thế mà những cái đầu Mác Lê đã không đưa nổi đất nước lên tới thời công nghiệp 2.0 ấy nay lại ra nghị quyết đưa đất nước lên thẳng 4.0 để “sánh vai cùng cường quốc 5 châu”. Ghê chưa?
Có thể nói không ngoa rằng, ĐCS là một tập thể bị Mác Lê gông cùm trí tuệ của họ trong hũ dốt nát. Thế nhưng cái đáng sợ nhất của ĐCS là họ không biết cái dốt của họ nên lúc nào cũng quyết vượt những đỉnh cao nhất mà nhân loại đang có. Chính những việc làm hoang tưởng này mà đất nước phải gánh chịu hậu quả nặng nề. Khi sự dốt nát mà đòi vượt đỉnh trí tuệ thế giới thì đó là lúc đất nước sẽ chờ đón thời kỳ đen tối nhất mà thôi./.

Bộ máy địa phương và những con bọ chét


VietTuSaiGon’s blog|

Một  cơ thể sinh vật lành mạnh không thể chấp nhận những cá thể ký sinh. Một hệ thống nhà nước tốt đẹp không thể tồn tại những cán bộ ăn bám, ấy là luật chơi thời đại. Và, không thể nào nói rằng Việt Nam là đất nước lành mạnh được khi mà trên lưng nó đeo bám quá nhiều ký sinh. Hội đồng nhân dân các cấp, cán bộ chuyên trách địa phương, trưởng thôn, trưởng khối phố là những con ký sinh trùng không hơn không kém.
Vấn đề hội đồng nhân dân các cấp, ở một bài viết mới đây trên RFA đã nêu. Và vấn đề cán bộ chuyên trách địa phương, thậm chí cấp thành phố, cấp tỉnh đang làm nổi trội tính năng ăn bám của họ trong một cái chỉ thị ban hành về vấn đề cấp phép hành nghề cho họa sĩ. Và độc đáo hơn là họ không hiểu gì về nhiều lĩnh vực nghệ thuật, văn hóa khác nhưng họ luôn chiếm vị trí chễm chệ ở ghế Hội đồng xét duyệt, Hội đồng nghệ thuật, họ thậm chí ra lệnh cho những người có chuyên môn phải bẻ méo tác phẩm theo ý họ. Đơn giản chỉ vì họ muốn vậy chứ họ không biết cái muốn của họ cho ra thứ gì.
Nhiều vị đạo diễn, nhất là đạo diễn sân khấu và điện ảnh hay than phiền về việc các cán bộ văn hóa từ cấp phường, xã đến cấp quận, huyện, rồi thành phố, tỉnh hạch họe, đòi họ phải bỏ chỗ này, thêm chỗ kia vào kịch bản vì họ thấy làm như vậy “sẽ hay hơn”. Cứ đụng đến họ là bị hạch họe. Và đương nhiên là họ không giải thích được hoặc giải thích một cách ỡm ờ, lẩm ca lẩm cẩm về cái sự thêm bớt của họ. Điều này gây ảnh hưởng không nhỏ đến nghệ thuật, văn hóa. Và đáng sợ hơn là nó ảnh hưởng đến ngân sách quốc gia vì họ sẵn sàng xơi tái bất kì khoản nào nếu có cơ hội.
Trường hợp các cán bộ “chuyên trách” về kinh tế, văn hóa cấp xã ở các huyện thuộc tỉnh Thanh Hóa nhiều đến mấy ngàn người chỉ đợi ngày mùa là xuống đồng, chặn thu lúa của bà con nông dân để duy trì hoạt động trong vài năm trở lại đây là một điển hình. Không hiểu các cán bộ ấy làm được gì trong cơ quan mà đời sống của người dân chẳng hề có tác động nào từ phía họ, thậm chí thêm khốn khổ vì họ. Trong khi đó, khoản ngân sách dành cho họ không hề nhỏ, và đa phần là công việc của họ hình như là đàn đúm, nhậu nhẹt, hát hò, cà phê. Vì 9h sáng, đi bất kì nơi nào trên đất nước này, vào quán cà phê, hoặc vào các nhà trọ, thấy một nhóm người ngồi cà phê hoặc một cặp bịt khẩu trang, kẻ trước người sau vào nhà trọ, khách sạn thì hỏi ra, cách gì cũng lòi thân phận “cán bộ chuyên trách” của họ. Vì quá rảnh, vì không biết làm gì, vì có giao việc cũng không làm được gì, vì nếu làm được một việc gì đó thì cả vài chục người cùng làm một việc thì đâm ra rỗi hơi… Hệ quả là đã thấy!
Mới vài ngày nay, các địa phương ở Việt Nam tổ chức bầu cử chức danh Trưởng thôn đồng loạt từ Nam chí Bắc. Nói xin lỗi, lại một kiểu rỗi hơi và ăn tàn phá hoại. Vì bầu cử, chí ít cũng phải có danh sách ứng cử viên. Đằng này cũng một ông Trưởng thôn cũ, đang làm việc bình thường, tự dưng phát thẻ cử tri mời bầu cử Trưởng thôn. Khi người ta đi bầu thì hỡi ôi vì danh sách ứng cử viên chỉ có 1 người duy nhất là ông Trưởng thôn cũ (chuyện này đi khắp mọi nơi đều thế). Vậy thì thủ tục của cử tri chỉ là bỏ hiếu trở lại cho chính cái ông đang làm Trưởng thôn. Rõ ràng là một trong hai trường hợp xảy ra: Trung ương đảng Cộng sản đã ra lệnh làm vậy; hoặc rửa ngân sách.
Ở trường hợp thứ nhất, Trung ương đảng ra lệnh. Vì sao? Vì hầu hết các chức danh Trưởng thôn trước đây không có trong ngành hành chính sự nghiệp, và bây giờ cũng vậy. Nhưng mức hỗ trợ trước đây rất thấp, mỗi tháng vai ba trăm ngàn đồng tùy vùng, hiện tại, mức lương hỗ trợ đã tương đương với lương chính ngạch. Và rất có thể, không bao lâu nữa, chức Trưởng thôn cũng nằm trong cơ cấu hành chính giống như cán bộ xã, phường trước đây (không có biên chế, đến năm 2000 thì chính thức vào ngạch biên chế nhà nước). Chính vì những lý do tế nhị này, để hợp thức hóa, buộc phải có một cuộc bầu chọn. Nhưng bầu chọn nhằm hợp thức hóa nên bầu lại chính người cũ và cũng không có các ứng viên nào khác để cạnh tranh. Cái này gọi là muối mặt để được việc, để thấy “hợp lệ” vì đã được bầu cử hẳn hoi.
Ở trường hợp thứ hai, rửa tiền ngân sách. Nếu trường hợp này xảy ra thì cán bộ địa phương đã qua mặt các cấp quá ngọt. Họ chơi trò tung hứng, bỏ ra một khoản ngân sách rất lớn để tổ chức bầu cử trưởng thôn, trưởng khối phố nhưng lại không hề kêu gọi nhân dân tham gia ứng cử, cũng không đề cử ai ngoài chính con người đang làm chức ấy. Như vậy, tốn hàng chục triệu đồng bầu cử mỗi thôn và sau bầu cử, lại tổ chức liên hoan, rồi tiền bồi dưỡng cho tổ bầu cử. Chắc chắn một điều sau cuộc bầu cử thôn, tốn ít nhất cũng 20 triệu đồng gồm cả tiền ăn mừng sau bầu cử và cơm trưa… Nhưng giá trị và ý nghĩa của việc này thì không có gì ngoài sự vô nghĩa, đáng xấu hổ và biểu lộ tính bịp bợm, vô học, coi thường nhân dân.
Và thử làm một phép tính nhỏ, trong một hoạt động nhỏ nhất của cấp thôn gần đây, Việt Nam có 64 tỉnh thành, trung bình có 12 huyện, quận trên mỗi tỉnh, thành, mỗi quận, huyện có trung bình 12 thôn. Lấy 12 x 12 x 64 x 20,000,000 đồng. Đáp số sẽ là 184,320,000,000. Bằng chữ là một trăm tám mươi tư tỉ ba trăm hai mươi triệu đồng. Một con số khổng lồ ngân sách toàn dân chi cho một việc vô bổ trong một ngày vô bỏ. Đó là chưa nhắc đến việc người dân phải nghỉ việc một ngày hoặc một buổi sáng để đi bầu, con số này không tính được nhưng chắc chắn không nhỏ hơn con số trên.
Thêm nữa, Trưởng thôn, rồi công an thôn trực thuộc hệ thống thôn đã làm được gì? Trưởng thôn thì hình như làm đúng ba việc, tổ chức thu tiền rác cho cả thôn mỗi năm, ký các giấy tờ liên quan đến việc xác minh ông A, B từng ở trong thôn và từng có nhà cửa ở thôn, cập nhật những hộ gia đình nghèo, đói và lên danh sách tìm mộ liệt sĩ. Và có một việc không thường xuyên nữa là lên danh sách, nhận và phát quà cứu trợ. Việc thứ nhất, chỉ cần công an xã làm là đủ, nếu thêm chuyện đất đai thì đã có tư pháp xã. Việc thứ hai, cập nhật các hộ nghèo, ban lao động thương binh và xã hội của xã cả chục người ngồi chơi xơi nước, ngáp dài ngáp ngắn, chỉ cần yêu cầu họ làm đúng chức năng và hướng dẫn cho họ cách làm thì trong vòng chưa đây nửa tháng đã xong công việc của cả năm. Công việc thứ ba tìm mộ liệt sĩ, cũng đã có ban lao động, thương binh và xã hội trong xã, hãy tập cho họ thói quen làm việc, đừng chây ì và đừng đàn đúm trong giờ hành chính thì mọi việc sẽ nhanh chóng hoàn tất. Việc nữa là lên danh sách, nhận và phát quà cứu trợ, việc này “nhiều thầy thối ma”, thêm một ông thì có thêm một kẻ chấm mút. Bấy lâu nay, các vụ lùm xùm về quà cứu trợ cũng do các ông cán bộ địa phương và cán bộ thôn mà ra.
Vậy, cuối cùng thì cán bộ địa phương, từ hội đồng nhân dân, cán bộ chuyên trách đến cán bộ thôn làm được gì? Xin thưa, họ không làm được gì, bởi họ phải chia lại những công việc, chức năng vốn rất ít ỏi từ cấp trên của họ và tạo ra khoản quá rảnh cho cấp trên đàn đúm. Và, nói cho cùng thì sự tồn tại của hệ thống này không lành mạnh, biến cơ thể đất nước trở nên bệnh hoạn, bởi các nhóm này bâu bám vào cơ thể quốc gia như những ký sinh trùng gây bệnh và ngứa ngáy. Loại bỏ nó càng sớm càng tốt nếu muốn cơ thể quốc gia được lành mạnh!

Dân chúng biểu tình, học sinh bãi khóa, phản đối cảnh sát Hồng Kông bắn bừa bãi

Người biểu tình tụ tập tại một công viên ở Hồng Kông đưa cao biểu ngữ đòi cảnh sát không được bắn trẻ nhỏ. (Hình: Anthony Kwan/Getty Images)
HỒNG KÔNG (AP) — Người dân Hồng Kông cũng như các bạn học của một học sinh trung học bị cảnh sát bắn vào ngực, hôm Thứ Tư, 2 Tháng Mười, đã biểu tình, bãi khóa, cầm các biểu ngữ kêu gọi “đừng bắn trẻ nhỏ” nhằm lên án hành động của cảnh sát Hồng Kông và đòi các giới chức có trách nhiệm phải bị trừng phạt.
Người biểu tình tụ tập trước tòa West Kowloon Court ở Hồng Kông bày tỏ ủng hộ những người bị đưa ra tòa. (Hình: Nicolas Asfouri/AFP/Getty Images)

Vụ nổ súng hôm Thứ Ba, trong khi có các cuộc biểu tình chống chính phủ khắp thành phố Hồng Kông nhân ngày lễ quốc khánh Trung Quốc, là một hành động leo thang bạo động khiến dư luận lo ngại.
Học sinh 18 tuổi này là nạn nhân đầu tiên trong một vụ nổ súng của cảnh sát kể từ khi có các cuộc xuống đường phản kháng hồi Tháng Sáu.
Nạn nhân đang còn được điều trị tại bệnh viện và chính quyền Hồng Kông nói tình trạng sức khỏe của học sinh này đã ổn định.
Bạn học của học sinh bị bắn tham dự cuộc bãi khóa phản đối cảnh sát. (Hình: Chris McGrath/Getty Images)
Người cảnh sát nổ súng sau khi bị học sinh Tsang Chi-kin dùng gậy sắt đánh vào cánh tay. Việc cảnh sát dùng võ khí gây chết người khiến sự giận dữ của công chúng về các hành vi đàn áp quá mức nhắm vào người biểu tình lại tăng cao hơn nữa.
Một dân biểu Hồng Kông ở phía ủng hộ dân chủ, bà Claudia Mo, nói rằng “cảnh sát Hồng Kông nay trở nên điên cuồng, nổ súng bừa bãi.”
Bà Mo nói bà xem đi xem lại nhiều lần đoạn video về vụ nổ súng và thấy rằng cảnh sát “đáng lẽ ra phải có các biện pháp khác như dùng dùi cui, hơi cay…vì đây không là hoàn cảnh sống chết”.
Các nữ sinh trung học Hồng Kông biểu tình phản đối cảnh sát. (Hình: Mohd Rasfan/AFP/Getty Images)
Hơn 2,000 người tụ tập gần trường của học sinh Tsang ở quân Tsuen Wan, nằm về phía Bắc Hồng Kông, vào tối ngày Thứ Tư. Họ cầm theo biểu ngữ nói “Đừng bắn trẻ nhỏ” và đưa tay lên ngực, ngay dưới vai trái, nơi trò Tsang bị trúng đạn.
Người dân Hồng Kông biểu tình tại Chater Garden ở Hong Kong hôm Thứ Tư. Họ đưa năm ngón tay để biểu hiệu 5 đòi hỏi với chính quyền. (hình: Mohd Rasfan/AFP/Getty Images)
Một số cuộc biểu tình ôn hòa khác cũng diễn ra trong thành phố. Người biểu tình nói họ sẽ không từ bỏ cuộc tranh đấu đòi tự do, dân chủ. Khi biểu tình, người tranh đấu cũng đưa năm ngón tay lên để biểu hiệu cho năm đòi hỏi của họ với chính quyền Hồng Kông, gồm cả điều tra bạo hành của cảnh sát.
Sau khi cuộc biểu tình chấm dứt, cũng có một số người kéo đi đập phá hai trạm xe điện ngầm ở phía Bắc Hồng Kông, phá hủy máy móc dụng cụ nơi này.
Vào sáng ngày Thứ Tư, hàng trăm người, gồm cả các học sinh, đã kéo đến ngồi trước cổng trường của trò Tsang, hô khẩu hiệu phản đối cảnh sát.
Nhiều học sinh cho rằng việc cảnh sát bắn ngay ngực trò Tsang, gần tim, là điều cố ý giết người. Cảnh sát nói Tsang nay bị bắt, dù rằng còn đang điều trị, và giới hữu trách sẽ quyết định xem có truy tố hay không. (V.Giang)