Friday, November 3, 2023

Hãng xe đò Thành Bưởi bị ‘treo giò’ 3 tháng

 SÀI GÒN, Việt Nam (NV) – Sở Giao Thông-Vận Tải Sài Gòn vừa áp đặt lệnh tước giấy phép kinh doanh vận tải trong ba tháng và phạt hành chính 91 triệu đồng ($3,704) đối với hãng xe đò Thành Bưởi.

Hãng xe đò Thành Bưởi chạy hai tuyến chính là Sài Gòn-Đà Lạt và Đà Lạt-Cần Thơ.

Công An Thành Phố Sài Gòn, Đà Lạt liên tục bố ráp văn phòng và bãi xe của hãng Thành Bưởi trong thời gian qua. (Hình: Duy Khánh/Thanh Niên)

Theo báo Thanh Niên hôm 3 Tháng Mười Một, biện pháp xử phạt được đưa ra sau khi hãng xe này bị quy kết tám lỗi vi phạm về hoạt động vận tải và điều kiện kinh doanh.

Đợt thanh tra và bố ráp dài ngày đối với hãng xe đò Thành Bưởi diễn ra sau vụ tông xe của hãng này khiến năm người thiệt mạng vào sáng 30 Tháng Chín tại tỉnh Đồng Nai.

Vài ngày trước vụ bị tước giấy phép, hãng xe đò Thành Bưởi đã đơn phương thông báo ngừng hoạt động, ngầm ám chỉ họ bị công an “bóp chết” bằng cách tịch thu máy chủ (server), khiến toàn bộ dữ liệu về hành khách tê liệt.

Trong vụ này, công luận đặt câu hỏi vì sao nhà chức trách thành phố Sài Gòn và Đà Lạt quyết xử mạnh tay đối với hãng xe đò Thành Bưởi nhưng lại ngó lơ hãng xe đò Phương Trang, đối thủ chính của Thành Bưởi.

Facebooker Truong Huy San, tức nhà báo Huy Đức, tác giả cuốn “Bên Thắng Cuộc” bình luận trên trang cá nhân: “…Nhờ Thành Bưởi mà người dân đã được phục vụ tốt hơn. Nếu một người dân ở quận 5 [Sài Gòn] đi Đà Lạt có mang theo vài cái vali thì chỉ riêng tiền taxi đi tới bến xe Miền Đông đã bằng tiền vé lên Đà Lạt. [Nhà chức trách] nên cá thể hóa các sai phạm [của các cá nhân trong Thành Bưởi] để xử lý theo đúng pháp luật thay vì nhắm vào doanh nghiệp.”

Hãng xe đò Thành Bưởi chạy hai tuyến chính là Sài Gòn-Đà Lạt và Đà Lạt-Cần Thơ. (Hình: Tin Tức)

Ông Huy Đức nhấn mạnh: “Dựng một doanh nghiệp rất khó. Đừng để một doanh nghiệp có thể sống sót qua sóng gió thương trường nhưng lại chết tức tưởi trước sự lạnh lùng của một tờ [giấy] A4.”

Cùng thời điểm, trên mạng xã hội xuất hiện ý kiến của ông Võ Quốc Bình, cựu tổng giám đốc hãng xe đò Phương Trang: “…Từ [vụ] Thành Bưởi, ta thấy rõ sự yếu kém của quản lý nhà nước trong ngành giao thông vận tải: Anh làm bến xe mà chất lượng quản lý thấp quá, thấp hơn tiêu chuẩn doanh nghiệp, thấp đến nổi người ta ra bến xe của anh người ta sợ tạp nham, mất hình ảnh… thì anh nên nghỉ cho rồi, làm mà vậy thì nên né sang một bên, nghỉ phẻ!” (N.H.K)

Ba tổ chức quốc tế kêu gọi chính quyền chấm dứt đàn áp báo chí trước kiểm điểm nhân quyền

 RFA-2023.11.03

Ba tổ chức quốc tế kêu gọi chính quyền chấm dứt đàn áp báo chí trước kiểm điểm nhân quyềnBáo chí dưới sự quản lý của nhà nước ở Việt Nam-RFA edited

Ba tổ chức nhân quyền gồm Uỷ ban Bảo vệ Ký giả (CPJ), Freedom House, và Quỹ Nhân quyền Robert F. Kennedy (RFK) kêu gọi Chính phủ Việt Nam chấm dứt đàn áp báo chí, bảo đảm các nhà báo không bị cầm tù hoặc bị sách nhiễu hay không được hoạt động báo chí.

Báo cáo chung về tự do báo chí gửi Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp quốc (LHQ) được công bố đúng vào ngày 2/11, Ngày Quốc tế chấm dứt quyền miễn trừ đối với tội ác chống lại các nhà báo, và trước Kiểm điểm định kỳ phổ quát về nhân quyền của Việt Nam lần thứ tư (UPR4) tổ chức ở Geneva, Thuỵ Sĩ vào tháng 5/2024.

Báo chí là độc quyền của Đảng

Theo luật sư Nguyễn Văn Đài, một nhà hoạt động nhân quyền và là nhà báo tự do, Việt Nam hoàn toàn không có tự do báo chí trong suốt gần 80 năm qua dưới sự cai trị của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Ông nói với Đài Á Châu Tự Do (RFA) trong ngày 03/11:

Mặc dù Hiến pháđã quy định là công dân Việt Nam có quyền tự do ngôn luận tự do báo chí nhưng mà trên thực tế người dân Việt Nam hoàn toàn không có quyền chọn báo chí.

Một trong biểu hiện rõ nét nhất là Việt Nam có hơn 700 tờ báo nhưng đều thuộc các cơ quan của Đảng hoặc cơ quan nhà nước còn người dân Việt Nam không được quyền thành lập bất kỳ cơ quan báo chí tư nhân nào.”

Người đồng sáng lập tổ chức xã hội dân sự Hội Anh em Dân chủ hiện đang bị buộc sống lưu vong ở Đức, nói:

Bất kỳ một cái công dân Việt Nam nào khi mà sử dụng quyền tự do báo chí của họ theo hiến pháđều bị trừng phạt, từ nhẹ là phạt hành chính cho đến nặng là ngồi tù.

Nhiều nhà báo bị đối xử tàn tệ trong tù

Trong báo cáo của mình, ba tổ chức nhân quyền nêu lên tình trạng nhiều nhà báo chết hoặc bị đối xử vô nhân đạo trong khi thi hành án tù. Trong năm năm qua, từ năm 2018 đến 2023, có ít nhất một nhà báo, ông Đỗ Công Đương, người thường có những bình luận chính trị trên mạng xã hội, bị chết vì bệnh trong tù cho dù nhiều lần yêu cầu được chữa trị.

Có ít nhất bảy người khác bị đánh đập bởi quản giáo hoặc bị từ chối chữa trị bệnh hiểm nghèo.

Báo cáo nêu lên trường hợp nhà báo Nguyễn Văn Hoá của Đài Á Châu Tự Do (RFA) bị đánh đập nhiều lần trong lao tù, và bị biệt giam nhiều lần bên cạnh việc bị từ chối chữa trị khối u và không được liên lạc với gia đình. 

Nhiều nhà báo bị án tù dài hạn

Báo cáo chung nhắc lại việc nhiều nhà báo đã bị kết án với những bản án nặng nề, tới 15 năm tù như trường hợp của ông Phạm Chí Dũng- đồng sáng lập và là chủ tịch của Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam.

Nhiều nhà báo khác cũng bị kết án về tội danh “tuyên truyền chống nhà nước” theo Điều 117 của Bộ luật Hình sự với án tù từ 8 năm đến 11 năm vì các bài viết của họ trên các mạng xã hội.

Báo cáo nói các tổ chức nhân quyền đều nhận định rằng các nhà báo trên không cổ suý bạo lực, thù hận hoặc có nội dung có thể bị khép vào tội hình sự.

Nhà thơ kiêm nhà báo Trần Đức Thạch bị kết án 12 năm tù về tội danh “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền” chỉ vì nhiều bài viết trên mạng xã hội trong khi nhà báo Phạm Đoan Trang bị kết án 9 năm tù chỉ vì hoạt động nhân quyền và viết về chính trị. Bà Trang từng được Giải thưởng Tự do Báo chí Quốc tế của CPJ năm 2022.

Báo cáo nói những trường hợp trên phản ánh xu hướng đàn áp giới báo chí khi họ viết về các vấn đề chính trị.

Bắt cóc nhà báo

Trường hợp Youtuber Đường Văn Thái cũng được nhắc đến trong báo cáo. Ông là một nhà báo tự do bị bắt cóc khi đang tị nạn ở Thái Lan và đã được Văn phòng Cao uỷ LHQ về người tị nạn cấp quy chế.

Báo cáo nói việc Việt Nam bắt cóc và đe doạ bắt cóc nhà báo cho thấy chính quyền độc đảng ở Việt Nam không dung thứ bất đồng đối với những người thực hiện quyền tự do ngôn luận và tự do báo chí.

Báo cáo nói có ít nhất hai trường hợp xét xử kín nhà báo và không tuân theo tiêu chuẩn về xét xử công bằng, trong đó có Phạm Đoan Trang. Trong phiên toà xử bà, quyền được bào chữa của bà bị vi phạm khi luật sư của bà bị từ chối khi đề nghị đối chứng. Trước đó, họ chỉ được chuẩn bị bản bào chữa trong thời gian vài tuần.

Nhiều nhà báo bị giam giữ cách biệt với thế giới bên ngoài, số khác bị giam lỏng ở tư gia hoặc bị cấm xuất cảnh.

Nhà báo Lê Anh Hùng, blogger của Đài Tiếng nói Hoa Kỳ (VOA) còn bị giam giữ trong bệnh viện và chữa trị tâm thần bắt buộc trong thời gian hơn ba năm.

Báo cáo cho biết trong nửa đầu của năm 2023, có ít nhất 20 nhà báo, người hoạt động và người bảo vệ nhân quyền bị bắt giữ trong khi nhiều nhà báo khác là đối tượng bị quản chế tại gia trong các dịp lễ hay có khách quốc tế viếng thăm Việt Nam.

Ít nhất năm nhà báo bị bỏ tù về tội danh “lợi dụng quyền tự do dân chủ” theo Điều 331 của Bộ luật Hình sự.

Hạn chế quyền tiếp cận thông tin

Trong nhiều năm gần đây, chính quyền Việt Nam đã sử dụng nhiều luật và nghị định, như Luật An ninh mạng và dự thảo Nghị định 72 để kiểm soát và hạn chế thông tin trực tuyến, buộc các công ty như Google, YouTube, Facebook and TikTok gỡ các video, bài viết, tài khoản có nội dung “bôi xấu đảng và chính phủ.”

Nhiều nhà báo, Facebookers bị bỏ tù hoặc bị phạt tiền chỉ vì đăng tải thông tin bị nhà nước cho là tin xấu hoặc “chưa kiểm chứng.”

Ba tổ chức nói những hành động trên của Chính phủ Việt Nam vi phạm các công ước quốc tế về nhân quyền mà Việt Nam đã phê chuẩn như Tuyên ngôn Nhân quyền phổ quát hay Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị, cũng như Công ước chống tra tấn.

Báo cáo chỉ ra rằng sau kỳ Kiểm điểm định định kỳ phổ quát về nhân quyền lần thứ ba (UPR3) năm 2019, Chính phủ Việt Nam chấp nhận nhiều khuyến nghị về tự do báo chí, tuy nhiên trên thực tế lại không thực hiện các khuyến nghị này.

Trong phần khuyến nghị, ba tổ chức kêu gọi Việt Nam chấm dứt sử dụng các biện pháp bạo lực, đánh đập, biệt giam trong thời gian dài đối với nhà báo và người bảo vệ nhân quyền,

Hà Nội cần đào tạo viên chức về nghĩa vụ của họ theo luật quốc tế, và đưa những kẻ đàn áp nhà báo và người bảo vệ nhân quyền ra chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Ngoài ra, cũng cần phóng thích các nhà báo và người bảo vệ nhân quyền, chấm dứt việc bắt cóc, bắt giữ tuỳ tiện và giam cầm những người thực thi quyền tự do biểu đạt.

Bảo đảm quyền được xét xử công bằng cho các nhà báo cũng như chấm dứt việc giam lỏng hay cấm xuất cảnh đối với họ. 

Việt Nam cũng được khuyến nghị là cần sửa đổi hoặc huỷ bỏ các điều khoản 117 và 331 của Bộ luật Hình sự để bảo đảm quyền tự do ngôn luận và tự do báo chí.

CPJ là tổ chức đấu tranh cho tự do báo chí và tự do thông tin còn Freedom House là tổ chức cổ suý cho dân chủ và quyền con người trong khi RFK là tổ chức phi chính phủ hợp tác với các nhà lãnh đạo xã hội dân sự trên toàn cầu để bảo vệ không gian dân sự cho một thế giới công bằng và hòa bình hơn. Cả ba tổ chức phi chính phủ này đều có trụ sở ở Hoa Kỳ.

Xe đạp cho trẻ con và... ‘tinh thần cảnh giác cách mạng’!

 Thiên Hạ Luận-03/11/2023

Những chiếc xe đạp cho trẻ em Hà Tĩnh. (Hình: Facebook của Rebike for Kids)

Những chiếc xe đạp cho trẻ em Hà Tĩnh. (Hình: Facebook của Rebike for Kids)

Ông Thắng cho biết thêm, đợt này, “R4K” không chỉ tặng xe cho những đứa trẻ nghèo khổ ở Nghệ An mà còn làm như thế tại Quảng Bình và không gặp bất kỳ khó khăn nào như vừa mới đối diện tại Nghệ An.

Trân Văn


Nghệ An đã “cho” 54 đứa trẻ ở hai huyện Anh Sơn và Con Cuông được... “nhận”... xe đạp do “Rebike for kids” hỗ trợ nhưng không thể xem như thế là xong!

***

Rebike for kids” hay “R4K” (1) là sáng kiến của ông Trần Quyết Thắng: Xin xe đạp cũ của mọi người để sửa chữa rồi trao chúng cho những đứa trẻ đang phải cuốc bộ đi học hàng ngày. Với sự hỗ trợ bằng tài lực, sức lực của nhiều người, “R4K” đã giúp hàng ngàn đứa trẻ ở những khu vực nghèo khổ nhất tại Việt Nam có phương tiện đến trường.

Cách nay vài ngày, ông Thắng tâm sự trên trang Facebook của ông về việc thường xuyên gặp khó khăn vì bị... “các cơ quan chức năng” cản trở. Cho dù điều này xảy ra từ lâu nhưng ông và các thân hữu vẫn ráng vượt qua song những diễn biến mới nhất tại Nghệ An khiến ông không thể chịu đựng thêm...

Sau những chuyện như đại diện... “các cơ quan chức năng” yêu cầu chỉ lẳng lặng trao xe đạp, không được tổ chức bàn giao, phát biểu và ông Thắng cũng như các thân hữu mau mắn chấp nhận vì họ “không rảnh để làm những việc vô ích ấy”,... giờ tới chuyện trường học bị gây sức ép đến mức từ chối không nhận xe mà “R4K” muốn hỗ trợ cho học sinh của trường nữa. Không chỉ có thành viên trong nhóm “R4K” bị công an mời đến... “làm việc” mà thành viên Ban Giám hiệu, giáo viên của những trường có trẻ được “R4K” tặng xe cũng bị công an mời đến... “làm việc”. Thậm chí công an còn... “làm việc” với những viên chức giáo dục, giáo viên cứng đầu, không chịu tránh xa “R4K”!

Ông Thắng kể thêm rằng ông nghe nói đã có công văn gửi đến các nơi cấm nhận xe đạp hỗ trợ học sinh nghèo khổ có phương tiện đi học.

Theo ông Thắng: Nếu các cơ quan chính quyền thấy đây là một việc sai trái thì hãy cho tôi lý do và ra quyết định đình chỉ hoạt động của chúng tôi, tôi sẽ ngừng lại ngay lập tức. Còn nếu không, những sự ngăn trở này chỉ chứng tỏ động cơ hẹp hòi và lối hành xử coi thường pháp luật, đồng thời lấy đi cơ hội của những học sinh nghèo khó, phá hủy những nỗ lực nhân ái vốn đang rất cần trong xã hộiTuy nhiên, tôi nghĩ, không một chính quyền nào lại làm những việc vô lý và bất nhẫn đến như vậy. Tôi hi vọng đây chỉ là hành xử của những cá nhân hay chính quyền sở tại với động cơ riêng khó hiểu của họChúng tôi đang chờ một câu trả lời từ phía chính quyền và công an Nghệ An (2).

***

Tâm sự của ông Thắng về việc “R4K” hết sức chật vật trong việc tìm ra cửa để đến với những đứa trẻ nghèo khổ tại Nghệ An nhanh chóng trở thành vết dầu loang trên mạng xã hội. Tuy “chính quyền và công an Nghệ An” cùng... “ngậm tăm” nhưng tin mới nhất từ ông Thắng cho biết, “R4K” đã phát được xe đạp!

Chỉ có điều tất cả các nhãn “R4K” trên thân những xe đạp này đã bị lột sạch! Ông Thắng nhấn mạnh: Một logo đã được nhà nước cấp đăng ký sở hữu trí tuệ, mang một thông điệp nhân ái và trong sáng đến thế, hà cớ gì lại bị xé bỏ? Ai cho phép các vị làm như thế? Hay các vị không muốn tương thân, tương ái và ý thức trách nhiệm sẽ được lan tỏa trong cộng đồng? Nói rằng giáo dục học sinh về những giá trị nhân văn tốt đẹp mà lại đi hành xử như thế, thử hỏi các vị có đang nói đi đôi với làm? Tôi thật sự bất bình và lấy làm xấu hổ với lối hành xử thô lỗ, thiếu văn hóa và coi thường pháp luật của những người đã làm ra việc xấu xí này (3).

Ông Thắng cho biết thêm, đợt này, “R4K” không chỉ tặng xe cho những đứa trẻ nghèo khổ ở Nghệ An mà còn làm như thế tại Quảng Bình và không gặp bất kỳ khó khăn nào như vừa mới đối diện tại Nghệ An. Đó cũng là lý do Phan Châu Thành buột miệng than: Người tốt đã ít, còn bị ngăn trở thì không hiểu chuyện gì nữa. Cùng một chương trình, trong khi Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị... không có vấn đề thì mình Nghệ An một kiểu - gây sức ép, cản trở (4). Hoang Cat – bạn của Thành – cũng than: Lại Nghệ. Quê ngoại tui mà sao kỳ cục thế. Chả hiểu mấy cái đầu đó nghĩ gì mà lại làm thế nhỉ. Còn Vũ Sự bỡn cợt: Bởi xứ Nghệ thường có... “Nghệ nhân.

Trong số bạn bè của Phan Châu Thành cũng có những người như Hoàng Phụng đem chuyện Ủy ban MTTQ các cấp vừa ôm hơn 100 tỉ mà bá tánh từng đóng góp để hỗ trợ các nạn nhân vụ hỏa hoạn hồi tháng 9 vừa qua tại Hà Nội khiến 56 người thiệt mạng, 37 người bị thương, vừa biện giải rằng chưa chi vì... “chưa quá hạn theo qui định” - ra so và “chất vấn” những người có liên quan đến “R4K”: Sao không giao cho MTTQ phân phối? Chắc chắn các cháu sẽ được nhận xe trước... 2026Hoặc nghĩ như Huy Nguyen: Đó là kết quả khi lãnh đạo muốn chứng tỏ họ không ngu nên họ mới thắc mắc - không thể tự nhiên mà cho, cho như thế hẳn phải có âm mưu gì đó...

***

Có một Võ Diễm Thúy xem “sự cố” mà “R4K” gặp tại Nghệ An là thành tựu của một hệ thống nhận thức: Làm điều khó không dễ nên làm không được thì đi làm khó cho dễ (5). Một Nguyễn Như Hoa nhận định hết sức chua chát: Phàm kẻ chuyên làm điều khuất tất thì sợ hãi đến cả cái bóng của chính họ (6). Khả năng “sợ hãi đến cả cái bóng không phải là thấp. Khả năng này đã được rèn luyện từ lâu từ khi những người CSVN đề cao “tinh thần cảnh giác cách mạng”. Đã đến lúc “cách mạng” muốn sửa chưa?

Chú thích

(1) https://www.facebook.com/HOISINHXEDAP

(2) https://www.facebook.com/quyetthang84/posts/pfbid02MAzd4Nxvf33K71emKt2Ygaj5SqTE1brMvoYcfhi2Z8Be2CADWGpKrkDBfneA2dZxl

(3) https://www.facebook.com/quyetthang84/posts/pfbid0axrMvt6rq2DYv4UnnK5b74Z5ZYHb5XRFMMs8j7EFWBY2sJnA7DfVMCwzu84SE2uNl

(4) https://www.facebook.com/chau.t.phan/posts/pfbid02R72W6VQkTH8jUzxCtLiSYxYQqHYD4qWjYp9JhENWMfqQdYNs2hXvkCiMYwMbJ8TUl

(5) https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=pfbid02MzW7kiUPhNX1yH1CLpAHWYqFxAsUA3zR4UiDKUJxsXKmwZeR8TVxWtk2kXja2Nuql&id=100006168249043

(6) https://www.facebook.com/hoanguyennhu/posts/pfbid02oDouPVoim4YGaoApZYE7cj2ZziwMJb8b5VEcP1fZxryki6pAuZsENKzp4HWAafxHl

Tp Hồ Chí Minh sẽ thưởng tiền cho người tố cáo tham nhũng

 VOA Tiếng Việt/03/11/2023Người dân đến trụ sở tiếp dân tố cáo những sai phạm và tham nhũng trong dự án phát triển khu đô thị mới Thủ Thiêm

Người dân đến trụ sở tiếp dân tố cáo những sai phạm và tham nhũng trong dự án phát triển khu đô thị mới Thủ ThiêmMỗi tin báo tố cáo tham nhũng đã hoặc có thể sắp xảy ra sẽ được chính quyền thành phố Hồ Chí Minh thưởng lên đến 10 triệu đồng, chính quyền sở tại vừa thông báo trong nỗ lực đẩy mạnh công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Theo đó, đối với những thông tin có giá trị ‘đặc biệt quan trọng’, người tố giác sẽ được đích thân Bí thư Thành ủy khen thưởng.

Ngoài ra, nếu tin báo giúp ngăn ngừa thiệt hại tài sản cho Nhà nước hoặc giúp Nhà nước thu hồi được tiền, tài sản thì người báo tin ‘sẽ được khen thưởng phù hợp’, theo trang mạng VnExpress.

Những người tố giác sẽ được đảm bảo bí mật danh tính và sẽ được bảo vệ, ông Trần Quốc Trung, Phó trưởng Ban An ninh-Nội chính Thành ủy, được tờ Tiền Phong dẫn lời cho biết tại buổi họp báo vào chiều ngày 2/11 về tình hình dịch bệnh và phục hồi kinh tế trên địa bàn thành phố.

Việc thưởng tiền này được Thành ủy cho là cách để khuyến khích người dân tố giác tham nhũng, theo Quy định 1629 được cơ quan này công bố hôm 31/10.

Tại buổi họp báo trên, ông Trung cũng trấn an lo ngại về việc lợi dụng việc tố giác để vu khống, hãm hại người khác. Ông được Tiền phong dẫn lời nói rõ rằng người tố giác ‘phải cung cấp rõ họ tên, số căn cước công dân, số điện thoại, địa chỉ liên lạc và giữ mối liên hệ với người tiếp nhận thông tin’. Ông cho biết thành phố không chấp nhận tố cáo nặc danh.

Trong trường hợp tố sai, người tố cáo ‘sẽ phải chịu trách nhiệm’ và ‘phải bồi thường thiệt hại’, cũng theo lời vị quan chức này được dẫn lại tại buổi họp báo nói trên.

Ông Trung nói biện pháp này nhằm để ‘nâng cao hiệu quả hoạt động’ của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở thành phố lớn nhất nước và cho biết việc tiếp nhận, xử lý thông tin ‘được quy định rất chặt chẽ’.

Theo lời ông thì việc thưởng tiền sẽ được thực hiện theo chế độ mật và ‘chỉ những người có thẩm quyền mới được phép tiếp cận tin báo’ để đảm bảo không lộ danh tính người tố cáo dẫn đến việc họ bị trù dập hay trả thù.

Khi ra quy định này, Thành ủy nói họ tin rằng người dân sẽ không lợi dụng ‘để kiếm tiền’ mà ‘sẽ vì mục tiêu lớn là đấu tranh, cùng xây dựng thành phố’, cũng theo Tiền Phong.

Theo Quy định 1629 thì người tố giác ‘phải là tổ chức, cá nhân đang sinh sống, làm việc và hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam’, do đó người Việt ở hải ngoại không thể tố cáo tham nhũng ở trong nước.

Người tố giác có thể đến báo tin trực tiếp tại trụ sở Ban Tiếp công dân thành phố ở số 15 Nguyễn Gia Thiều, phường Võ Thị Sáu, quận 3, hoặc trụ sở Ban Nội chính Thành ủy ở địa chỉ 137 Trương Định, phường Võ Thị Sáu, quận 3.

Ngoài ra, người tố giác cũng có thể gửi thư, hình ảnh, ghi âm, video.. qua đường bưu điện đến các địa chỉ trên hay gửi thư điện tử đến hộp thư pctntc.thanhuy@tphcm.gov.vn