Sunday, March 17, 2019

Nguyễn Tấn Dũng ‘bị khui’ trong vụ PVN đầu tư ngàn tỷ ở Venezuela

Nguyễn Tấn Dũng, tại thời điểm năm 2012. (Hình: Getty Images)
HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Cựu tổng thư ký toà soạn báo Thanh Niên, nhà báo Hoàng Hải Vân nêu đích danh nguyên Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng trong vụ Tập Đoàn Dầu Khí Việt Nam (PVN) đầu tư dầu khí ở Venezuela.
Trong lúc các báo nhà nước đồng loạt đưa tin về cuộc điều tra về dự án tỷ đô sa lầy của PVN ở Venezuela, nhà báo Hoàng Hải Vân, cựu tổng thư ký tòa soạn báo Thanh Niên, bất ngờ viết trên trang cá nhân về mối liên quan của cựu Thủ Tướng CSVN Nguyễn Tấn Dũng với vụ này.
Ông Hoàng Hải Vân viết trên Facebook: “Năm 2007, chính phủ do ông Nguyễn Tấn Dũng làm thủ tướng cho phép PVN do ông Đinh La Thăng đứng đầu, đầu tư vào một công ty khai thác dầu khí tại Venezuela. Một liên doanh sau đó được ra đời giữa PVN và Công Ty Dầu Khí Quốc Gia Venezuela, gọi là ‘Dự án khai thác và nâng cấp dầu nặng lô Junin 2,’ với tổng vốn đầu tư $12.4 tỷ, liên doanh vay 60%, tương ứng $5.8 tỷ; 40% còn lại do các bên đóng góp, tương ứng $3.1 tỷ. Phía Việt Nam tham gia 40% với sô vốn góp là $1.24 tỷ. Cộng với một khoản chi kỳ quái gọi là ‘phí tham gia hợp đồng’ (bonus) $584 triệu, tổng vốn của phía Việt Nam phải bỏ ra là $1.82 tỷ…”
Một câu hỏi được ông Hoàng Hải Vân đặt ra trong bài viết: “Cuộc ‘đánh bạc’ ở Venezuela đang được điều tra. Ông Thăng chắc sẽ phải thêm một lần nữa hầu tòa. Một loạt cựu quan chức dầu khí sẽ tiếp tục vào lò, một loạt quan chức các bộ, ngành có liên quan chắc chắn sẽ bị liên đới. Vấn đề là, PVN không thể tự mình vượt qua thẩm quyền của quốc hội để mang hàng trăm triệu, hàng tỉ đô la ra phung phí. Ông Nguyễn Tấn Dũng chẳng lẽ vô can?”
Cựu tổng thư ký tòa soạn báo Thanh Niên cũng đưa bình luận trên mạng xã hội: “Một dự án đầu tư lớn như trên mà không thông qua Quốc Hội thì dù vì lý do gì cũng là chà đạp luật pháp. Tôi cũng nghe nói người mang phiếu đến xin ý kiến từng ủy viên Bộ Chính Trị [CSVN] là ông Thăng, người sai ông Thăng làm việc đó chỉ có thể là ông Dũng. Dùng ý kiến đa số Bộ Chính Trị thay cho sự phê chuẩn của Quốc Hội, ông Dũng đã ngồi xổm lên Hiến Pháp.”
Đáng lưu ý, ông Hải Vân mạnh miệng chỉ đích danh ông Nguyễn Tấn Dũng trong lúc tất cả các báo nhà nước khi đề cập vụ này chỉ viết thoáng qua và chung chung là “thủ tướng đã chỉ đạo tạm dừng đầu tư dự án” mà không nêu danh tính người đứng đầu chính phủ thời điểm đó.
Chưa dừng lại ở đó, ông Hoàng Hải Vân còn nêu ra cả ông Nông Đức Mạnh, người đứng đầu Bộ Chính Trị Đảng CSVN lúc đó.
“Và người đứng đầu Bộ Chính Trị lúc đó là ông Nông Đức Mạnh chẳng lẽ không biết, nếu biết thì sao không ngăn cản, nếu không biết không ngăn cản thì ông làm những việc gì?” Ông Hoàng Hải Vân viết.
Khi cuộc điều tra vụ đầu tư dầu khí “mất trắng hàng trăm triệu đô” tại Venezuela hồi đầu thập niên 2010 đang diễn ra thì ông Nguyễn Vũ Trường Sơn, tổng giám đốc PVN bất ngờ từ chức. Điều này làm dấy lên những bàn tán về việc các “sếp” trong ngành dầu khí sẽ bị xử lý như thế nào.
Trong bài báo “Sếp lớn PVN thời ông Đinh La Thăng: Cả loạt từ chức, vướng lao lý” đăng hôm 15 Tháng Ba, báo VietNamNet hai lần nhắc tên ông Nguyễn Tấn Dũng là người “ký quyết định để ông Sơn (Nguyễn Xuân Sơn) thôi chức chủ tịch PVN vào Tháng Bảy, 2015” và “ký quyết định bổ nhiệm ông Nguyễn Quốc Khánh giữ chức vụ chủ tịch Hội Đồng Thành Viên PVN hồi Tháng Giêng 2016.” Ông Sơn bị tuyên án tử hình về tội “Tham ô tài sản” hồi năm 2017 trong lúc ông Khánh bị tuyên án 7 năm tù hồi năm 2018. (T.K.)

Sự thật về vụ tàu cá Việt Nam bị tàu Trung Quốc ‘đâm chìm’ và ‘cứu vớt’

5 ngư dân Quảng Ngãi bị tàu Trung Quốc tấn công được đưa về bờ an toàn. (Hình: Tuổi Trẻ)
QUẢNG NGÃI, Việt Nam (NV) – Tàu đánh cá của ngư dân Việt Nam bị tàu Hải cảnh Trung Quốc xịt vòi rồng, ép va vào đá ngầm làm tàu chìm, các ngư dân may mắn thoát chết.
Đây là những chi tiết mới được ông Nguyễn Minh Hùng, thuyền trưởng chiếc tàu đánh cá QNg 90819 thuộc xã Bình Châu, huyện Bình Sơn tỉnh Quảng Ngãi, kể lại vụ việc chiếc tàu của ông gặp nạn thế nào, khác với những tin tức ban đầu cách đây gần hai tuần lễ nói tàu của ông bị tàu tuần Trung Quốc đâm chìm tại vùng biển Hoàng Sa.
Theo lời kể của ông Hùng, khi chiếc tàu của ông với năm ngư dân đang neo cách đảo Đá Lồi thuộc quần đảo Hoàng Sa mà Việt Nam vẫn tuyên bố chủ quyền khoảng 5 hải lý về hướng Tây Bắc, tàu của ông bị tàu hải cảnh Trung Quốc số hiệu 44101 truy đuổi, phun vòi rồng buổi sáng ngày 6 Tháng Ba, 2019.
Một tàu cá Việt Nam bị tàu Trung Quốc đâm chìm ngày 2 Tháng Sáu, 2014. (Hình: AFP)
“Tàu Trung Quốc đuổi, ép, xịt vòi rồng rồi ép tàu tôi vô trong đá ngầm. Tôi dùng bộ đàm gọi, anh Lựu (ngư dân đánh bắt gần đó) bắt được tín hiệu rồi điện về trung tâm cứu nạn. Sau đó tàu QNg 90620 bắt được tín hiệu di chuyển đến tiếp cứu.” Lời ông Hùng được dẫn lại trên tờ Tuổi Trẻ hôm Chủ Nhật 17 Tháng Ba, 2019.
Ông cho biết, sau 4 giờ đồng hồ đu bám trên mũi tàu, đến hơn 1 giờ chiều ngày 6 Tháng Ba, tất cả 5 ngư dân bị nạn đã được tàu cá QNg 90620 đến cứu. Vụ việc chìm tàu cá khiến ông Hùng bị thiệt hại hơn 3 tỷ đồng, tổn hại sức khỏe, tinh thần nghiêm trọng.
Khi báo chí quốc tế đưa tin vụ đâm tàu cá của Việt Nam, phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Trung Quốc phủ nhận hải cảnh Trung Quốc đâm chìm mà chỉ nói họ đã cứu ngư dân Việt. Điều này khác với lời tường thuật của các nạn nhân.
Khoảng 1 giờ sáng 17 Tháng Ba, 2019 các ngư dân trên tàu cá bị nạn của ông Hùng đã được tàu cá QNg 90620 do ông Trịnh Văn Hiền (xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi) làm chủ đưa về đến cảng Sa Kỳ, tỉnh Quảng Ngãi.
Theo Tuổi Trẻ, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn là địa phương có số lượng tàu cá lớn nhất trong các xã thuộc tỉnh Quảng Ngãi. Cả xã có trên 400 tàu cá, với khoảng 1,700 lao động trực tiếp bám biển. Số tàu cá và ngư dân khai thác ở ngư trường Hoàng Sa và Trường Sa chiếm 80% trên tổng số phương tiện và lao động của địa phương. Đặc biệt tại thôn Châu Thuận Biển là nơi tập trung hàng trăm tàu chuyên nghề lặn trên vùng biển Hoàng Sa.
Tàu đánh cá của ngư dân Quảng Ngãi đã bị tàu tuần Trung Quốc cướp phá, đâm chìm rất nhiều trong những năm qua tại vùng biển quần đảo Hoàng Sa mà Việt Nam vẫn tuyên bố chủ quyền chứ không riêng gì đầu năm nay.
Hồi Tháng Năm 2018, tướng Lê Chiêm, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng CSVN cho hay trong một cuộc họp ở Quốc hội rằng, “Dưới sự hỗ trợ của lực lượng chuyên trách, ngư dân Trung Quốc đánh bắt sâu trong vùng biển của Việt Nam, cách đảo Lý Sơn chỉ 40-50 hải lý. Ngang ngược hơn, có những lúc vài chục tàu của ngư dân dưới sự hỗ trợ của lực lượng thực thi pháp luật của Trung Quốc, xua đuổi ngư dân Việt Nam ngay trên vùng biển chủ quyền của Việt Nam. Trong tháng 4 có 3 vụ, có vụ cao điểm lên tới vài ba chục tàu.Nhiều lúc lúc tàu ngư dân Trung Quốc vào đến vùng biển cách bờ biển Đà Nẵng chỉ 30 hải lý để đánh bắt hải sản.
“Đây là thủ đoạn tuyên truyền, đồng thời xâm lấn, tuyên bố chủ quyền trên biển, tuyên bố thực thi đường lưỡi bò. Bộ Quốc Phòng đã tổ chức kiên quyết xua đuổi các tàu, thuyền này ra khỏi khu vực,” Lời ông Chiêm được dẫn lại trên báo mạng Zing ngày 22 Tháng Năm, 2018.
Không hề thấy có báo cáo nào nói các đoàn tàu đánh cá Trung Quốc bị các “cơ quan chức năng” của Việt Nam bắt giữ hay phạt cái gì, hoàn toàn khác với cách đối xử tàn độc của Hải cảnh Trung Quốc. (TN)

Ngư dân bị Malaysia bắt, quan chức đảng ‘chờ kêu cứu mới can thiệp’

Tàu cá và ngư dân Việt Nam liên tục bị Trung Quốc đâm chìm, Malaysia và Thái Lan bắt giữ. (Hình: Người Đưa Tin)
CÀ MAU, Việt Nam (NV) – Chỉ trong thời gian ngắn, nhiều tàu cá và ngư dân ở Cà Mau đã bị hải quân Malaysia bắt giữ, trong khi giới hữu trách tỉnh Cà Mau chờ có đơn kêu cứu của người dân rồi mới can thiệp.
Ngày 15 Tháng Ba, 2019, Chi Cục Thủy Sản Tỉnh Cà Mau xác nhận với báo Thanh Niên có hai tàu cá và 10 ngư dân ở Cà Mau đã bị Malaysia bắt giữ.
Hai tàu cá Cà Mau do bà Lê Thị Hồng (ngụ thị trấn Rạch Gốc, huyện Ngọc Hiển) làm chủ đang thu mua hải sản trên biển thì bị Malaysia bắt giữ.
Trong đó, tàu cá do ông Trần Ngọc Triệu (45 tuổi, ngụ thị trấn Rạch Gốc) làm thuyền trưởng có năm ngư dân, xuất bến qua cửa biển Rạch Gốc vào ngày 14 Tháng Hai, 2019.
Tàu cá còn lại cũng có năm ngư dân, do ông Trần Dũng Em (43 tuổi, thị trấn Rạch Gốc) làm thuyền trưởng, xuất bến qua cửa biển Vàm Lũng, xã Tân Ân, huyện Ngọc Hiển ngày 18 Tháng Hai.
Đến ngày 21 Tháng Hai, qua tin báo từ các tàu cá khác đang đánh bắt trên biển, bà Hồng mới biết được hai tàu cá của mình đã bị Hải Quân Malaysia bắt giữ. Từ đó đến nay, bà Hồng mất liên lạc với hai thuyền trưởng và các ngư dân trên hai tàu cá.
Trước đó, hôm 6 Tháng Ba, ông Nguyễn Đồng Khởi, phó giám đốc Sở Ngoại Vụ tỉnh Cà Mau, đã ký văn bản gửi Tòa Đại Sứ Việt Nam tại Malaysia và Cục Lãnh Sự – Bộ Ngoại Giao đề nghị xác minh thông tin sáu ngư dân trên tàu cá KG-90172 đã bị Malaysia bắt giữ theo đơn yêu cầu của bà Trương Kim Liễu (61 tuổi), mẹ ruột của ông Phạm Minh Vương (35 tuổi) và bà Trần Thị Vui (53 tuổi) vợ của ông Hà Văn Kệ (52 tuổi, cả hai đều ngụ thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời).
Cũng theo báo Thanh Niên, ngoài ông Kệ và ông Vương, trên chiếc tàu cá do bà Nguyễn Hương (ngụ tỉnh Kiên Giang), làm chủ còn có bốn người khác đi cùng. Ngày 25 Tháng Mười, 2018, tàu cá này đang hoạt động trên biển thì bị lực lượng Malaysia tuần tra, bắt giữ.
Trong văn bản, Sở Ngoại Vụ tỉnh Cà Mau chỉ đề nghị “xác minh thông tin về địa điểm giam giữ, mức án chấp hành phạt tù, thời gian được thả, chi phí bảo lãnh của các ngư dân để phối hợp, thực hiện công tác bảo hộ công dân.” (Tr.N)

‘Vòi tiền’ bệnh nhân, bác sĩ bị chém ngay trong bệnh viện

Bệnh Viện Truyền Máu Huyết Học Sài Gòn, nơi xảy ra vụ bác sĩ bị chém vì "vòi" tiền bệnh nhân. (Hình: Phụ Nữ)
SÀI GÒN, Việt Nam (NV) – Một bác sĩ ở Bệnh Viện Truyền Máu Huyết Học Sài Gòn chuyên “vòi tiền” của nhiều người bị bệnh hiểm nghèo. Sự việc bại lộ khi ông này bị người nhà của một bệnh nhân cầm dao rượt chém ngay trong bệnh viện.
Chiều 16 Tháng Ba, 2019, ông Phù Chí Dũng, giám đốc Bệnh Viện Truyền Máu Huyết Học Sài Gòn, cho biết đã tạm đình chỉ công tác Bác Sĩ NLMTr, đang hợp tác khám, chữa bệnh tại Khu Điều Trị Tổng Hợp, Khoa Hồi Sức Cấp Cứu, Bệnh Viện Truyền Máu Huyết Học Sài Gòn, để xác minh hành vi “vòi” tiền của người bệnh.
Đồng thời, bệnh viện cũng đã chuyển sự việc sang trường Đại Học Y Khoa Phạm Ngọc Thạch, nơi ông Tr. làm việc để “họp hội đồng kỷ luật xem xét.”
Sự việc chỉ bị vỡ lở vào ngày 14 Tháng Ba, khi Bác Sĩ Tr. bị một người nhà bệnh nhân cầm dao rượt chém ngay trong bệnh viện.
Ngay sau khi xảy ra vụ chém, ban giám đốc Bệnh Viện Truyền Máu Huyết Học Sài Gòn yêu cầu ông Tr. viết kiểm điểm tường trình. Ông Tr. thừa nhận có nhận tiền của bệnh nhân NHD (được chẩn đoán bị bạch cầu cấp dòng tủy) hai lần với tổng số tiền là 9 triệu đồng ($387) để “điều trị giảm nhẹ.”
Ngoài ra, ông Tr. còn thừa nhận “có đề nghị và nhận tiền của hai trường hợp bệnh nhân khác với tổng số tiền là 20 triệu đồng ($862).”
Vợ chồng ông X. là một trong những nạn nhân bị ông Tr. “vòi” khoảng 27 triệu đồng ($1,163) ngay tại bệnh viện này mặc dù được bảo hiểm y tế 100%, kể lại: “Mới đây, bác sĩ nói tình trạng sức khỏe đứa con 5 tuổi như thế thì cần kê thuốc kích thích ăn ngon với giá 5 triệu đồng ($215). Cũng là loại thuốc này, vài ngày sau bác sĩ này lại đòi thêm 2.5 triệu đồng ($107).”
Trong lần con anh X. xuất viện gần đây, ông Tr. yêu cầu đóng 3 triệu đồng ($129) để khám tổng quát. Và còn nhiều lần trước đó nữa, không nhớ rõ chi phí từng khoản.
Theo ông X., khi thấy một người nhà bệnh nhân cầm dao rượt chém ông Tr. thì ông mới biết mình bị lừa.
Nói với báo Tuổi Trẻ, cùng ngày, Bác Sĩ NLMTr xác nhận sự việc. Trước câu hỏi có nhiều bệnh nhân tố ông nhận tiền của họ, ông Tr. nói: “Hiện tại theo yêu cầu của bệnh viện thì bệnh viện sẽ trực tiếp trao đổi với báo chí. Ở vị trí tôi lúc này không thể cung cấp thông tin gì được cả.”
Ông Phù Chí Dũng cho biết “qua xác minh, ông Tr. không chỉ nhận tiền từ một trường hợp mà nhiều trường hợp.”
Hiện bệnh viện vẫn đang điều tra nên chưa biết tổng số tiền mà ông Tr. đã nhận của người bệnh. (Tr.N)

Lộng hành, bị dân tố, bí thư xã mất hết chức vụ

Ông Nguyễn Thanh Nam lấn chiếm, mua bán đất trái phép tại xã Vạn Thạnh. (Hình: Pháp Luật TP.HCM)
KHÁNH HÒA, Việt Nam (NV) – Bí thư kiêm chủ tịch xã Vạn Thạnh, huyện Vạn Ninh, bị cách tất cả các chức vụ trong đảng ở xã do “lộng hành” chiếm đất công, trục lợi khi có tin sẽ thành lập đặc khu tại xã nhà.
Sáng 16 Tháng Ba, 2019, xác nhận với báo Pháp Luật TP.HCM, một lãnh đạo Ủy Ban Kiểm Tra Tỉnh Ủy Khánh Hòa cho biết cơ quan này đã công bố quyết định kỷ luật, cách tất cả các chức vụ trong đảng đối với ông Nguyễn Thanh Nam, huyện ủy viên, bí thư đảng ủy kiêm chủ tịch xã Vạn Thạnh, vì ông Nam có nhiều “vi phạm nghiêm trọng trong quản lý đất đai, kê khai tài sản.”
Trước đó, hồi Tháng Tư, 2018, nhiều người dân ở xã Vạn Thạnh tố cáo ông Nam trực tiếp đi gom đất rồi “thổi” giá cao lên khi có tin sẽ thành lập đặc khu tại huyện Vạn Ninh.
Người dân cũng tố cáo chính quyền xã Vạn Thạnh cố tình làm ngơ để nhiều người từ nơi khác đến các đảo ở địa phương này phát dọn cây cối, chiếm đất, bán đất trái phép.
Qua kiểm tra thực tế, đoàn kiểm tra ghi nhận tổng diện tích đất đã bị lấn chiếm xâm hại ở xã Vạn Thạnh là hơn 39 hécta, đặc biệt là khu vực vịnh Vân Phong, vùng đang quy hoạch Đặc Khu Hành Chính-Kinh Tế Bắc Vân Phong.
Cá nhân ông Nam đã mua một thửa đất tại xã Vạn Thọ, huyện Vạn Ninh, chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Ngoài ra, ông Nam để vợ nhận một tỷ đồng từ hai người khi giao dịch nhận chuyển nhượng Khu Nghỉ Dưỡng Bãi Ông Hào ở xã Vạn Thạnh.
Ông Nam cũng vi phạm quy định về đất đai, nhà ở. Cụ thể là cho thuê đất ở Điệp Sơn đối với hai doanh nghiệp không đúng quy định; huy động tiền đóng góp của nhân dân để xây dựng cơ sở hạ tầng sái phép và để xảy ra sai sót trong việc duyệt hỗ trợ đối với 88 trường hợp nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại do bão gây ra.
Đồng thời, ông Nam còn để xảy ra tình trạng một số hộ lấn chiếm đất san ủi làm ao đìa nuôi trồng thủy sản, xây dựng nhà ở, trồng cây trái phép, cho thuê đất không đúng thẩm quyền… (Tr.N)

Cưỡng dâm bé gái 9 tuổi đến rạn xương, công an vẫn cho tại ngoại

Cháu VNQ bị rạn xương tay phải vì bị nghi can Nguyễn Trọng Trình cưỡng dâm. (Hình: Người Lao Động)
HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Dù đã bị khởi tố để điều tra về tội “xâm hại tình dục” bé gái 9 tuổi đến rạn xương tay, gãy răng hàm nhưng nghi can 31 tuổi, ở huyện Chương Mỹ, vẫn được công an cho tại ngoại sau tám ngày tạm giam khiến dư luận phẫn nộ.
Ngày 16 Tháng Ba, 2019, nói với báo Người Lao Động, ông Tống Quang Hiếu, đội trưởng Đội Cảnh Sát Hình Sự Công An huyện Chương Mỹ, Hà Nội, cho biết đã ra quyết định khởi tố Nguyễn Trọng Trình (31 tuổi, trú tại xã Hòa Chính, huyện Chương Mỹ, Hà Nội) về tội “dâm ô” đối với cháu VNQ (9 tuổi, xã Hợp Đồng, huyện Chương Mỹ).
Theo điều tra, khoảng 11 giờ 30 sáng 24 Tháng Hai, sau khi đi bán thịt heo trên đường trở về nhà, đến khu vực nghĩa trang xã Hợp Đồng (huyện Chương Mỹ), nghi can nhìn thấy cháu VNQ đang đi học về thì nảy sinh ý định tà dâm.
Sau khi chạy xe gắn máy qua cháu Q. một đoạn, nghi can quay xe lại và dụ dỗ cháu Q. lên xe, rồi chở thẳng tới một vườn chuối ở xã Lam Điền (huyện Chương Mỹ), cách đó khoảng 5 cây số. Tại đây, nghi can cưỡng dâm cháu Q., khiến nạn nhân bị xây xước, chảy nhiều máu từ vùng kín, rạn xương tay phải, gãy răng hàm dưới.
Trưa cùng ngày, bà Nguyễn Thị H. (37 tuổi, mẹ cháu Q.) nhận được điện thoại của chồng bảo bà đi đón con gái đang đi lạc ở ngoài đường.
Khi gặp được con gái, bà H. phát hiện trên mặt và quần áo của con dính nhiều vết máu và liên tục gào khóc. Trở về nhà, bà H. vội đưa cháu Q. đi tắm rửa thì phát hiện trên cổ con gái có vết hằn hình bàn tay.
Xem xét toàn bộ cơ thể cháu Q., bà H. thấy tay phải con bị gãy, trên người có nhiều vết xước, một chiếc răng hàm dưới cũng bị gãy và bộ phận sinh dục chảy máu không ngừng.
Nghi con gái mình bị xâm hại tình dục, bà H. đã làm đơn trình báo sự vụ cho công an.
Bằng chứng từ camera nhà người dân ghi lại cảnh tay Trình chở cháu VNQ (áo hồng) trên đường đi đến vườn chuối để cưỡng dâm. (Hình: Dân Trí)
Nhận được đơn tố cáo từ gia đình nạn nhân, Công An huyện Chương Mỹ đã huy động hơn một nửa lực lượng của đơn vị “rà soát toàn bộ hai thị trấn và 30 xã thuộc huyện” mới tìm ra kẻ hãm hiếp trẻ em.
Tại cơ quan điều tra, ban đầu nghi can Trình vòng vo phủ nhận nhưng sau đó đã thừa nhận toàn bộ tội của mình và “ôm hai cán bộ công an khóc nức nở, xin được đầu thú.”
Thế nhưng, điều bất ngờ là sau tám ngày tạm giam, “con quỷ râu xanh” này đã được Công An huyện Chương Mỹ cho tại ngoại, khiến gia đình nạn nhân và dư luận bất bình, lo lắng việc tay này có thể gây nguy hiểm cho xã hội.
Lý giải về vấn đề này với báo Dân Trí, ông Tống Quang Hiếu cho biết: “Đây là hành vi phạm tội ít nghiêm trọng, được tại ngoại và dùng biện pháp ngăn chặn cấm khỏi đi nơi cư trú.”
Tin cho biết, trước thời điểm gây án, nghi can Nguyễn Trọng Trình đã có tiền án về tội “cướp giật tài sản” ở thị xã Dĩ An (tỉnh Bình Dương) vào năm 2007 và bị kết án 5 năm tù. Nghi can cũng bị quản lý, theo dõi của Công An huyện Chương Mỹ.
Để giảm áp lực phẫn nộ từ dư luận, ông Hiếu biện minh thêm: “Quá trình điều tra vẫn chưa dừng lại, đơn vị đang phối hợp với Viện Khoa Học Hình Sự, Bộ Công An, chờ kết quả giám định tổn thương để tiếp tục làm rõ sự việc.” (Tr.N)

Quan chức đảng ‘nuốt tiền’ không trôi, trả lại cho mẹ ‘liệt sĩ’

Bà Lê Thị Tích và hóa đơn gửi khô cá ngựa. (Hình: Facebook Trương Châu Hữu Danh)
HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Ông Hoàng Đức Cần, cán bộ Thanh Tra Chính Phủ, vừa trả lại toàn bộ 400 triệu đồng ($17,285) mà ông này đã nhận từ một mẹ “liệt sĩ” trong vụ kêu cứu bị “đại gia” cướp đất ở tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.
Theo báo Dân Trí, bà Lê Thị Tích, 91 tuổi, “từng viết giấy cho một người hàng xóm mượn khoảnh đất 1.4 hécta để trồng lúa và khoai.” Tuy nhiên sau đó mảnh đất bị người này bán cho người khác nên bà Tích đòi lại.
Năm 1998, thời điểm mảnh đất đang có tranh chấp, Ủy Ban Nhân Dân huyện Xuyên Mộc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người khác, trong khi gia đình bà Tích vẫn đang canh tác, cất nhà ở trên mảnh đất này.
Bà Tích làm đơn khiếu kiện khắp nơi và được giới thiệu đến gặp ông Hoàng Đức Cần, nhân viên Phòng Hành Chính Quản Trị, trụ sở Thanh Tra Chính Phủ giúp đỡ. Đầu năm 2016, ông Cần nhận giúp với điều kiện bà Tích phải “lót tay” cho ông 400 triệu đồng. Tháng Mười Hai, 2017, Tòa Án Nhân Dân huyện Xuyên Mộc ra phán quyết buộc bà Tích giao đất cho người đã được cấp sổ đỏ, trong lúc ông Cần tránh né nghe các cuộc gọi cầu cứu của gia đình bà Tích.
Nay theo báo Dân Trí, tuy ông Cần đã trả lại tiền cho người bị hại nhưng Thanh Tra Chính Phủ “đang tiếp tục xác minh, làm rõ sự việc liên quan.”
Theo báo Thanh Niên hôm 15 Tháng Ba, trong mỗi lần gặp ông Cần ở trụ sở Thanh Tra Chính Phủ để đưa tiền, cháu ngoại của bà Tích đều quay phim và ghi âm làm bằng chứng. Tờ báo cũng viết thêm rằng việc ông Cần bị tố nhận tiền của người khiếu nại là vấn đề nghiêm trọng nên phải làm rõ.
Trước đó, nhà báo Trương Châu Hữu Danh của báo Làng Mới tiết lộ trên trang cá nhân rằng trong vụ này, ông Cần không chỉ vòi tiền bà Tích mà còn đòi gia đình bà “phải chạy mua cho được nửa ký khô cá ngựa, chưa kể 15 kg tiêu sọ gửi ra trụ sở cho ông Cần…” (T.K.)