Monday, September 23, 2019

Thiếu hụt điện đe dọa tương lai kinh tế Việt Nam

Thợ điện lắp ráp trụ điện cao thế trong mạng lưới điện quốc gia tại Hà Tĩnh. (Hình: HOANG DINH NAM/AFP/Getty Images)
HÀ NỘI  (NV) – Guồng máy sản xuất hàng hóa để xuất cảng của Việt Nam hoạt động tối đa để tận dụng lợi thế từ thương chiến Mỹ-Trung, nhưng tình trạng thiếu hụt năng lượng đang đe dọa tương lai của nền kinh tế.
Những báo cáo gần đây nói tình trạng thiếu điện nghiêm trọng sẽ xảy đến có thể từ năm 2021 nên Hà Nội đốc thúc các viên chức các ngành liên quan phải tìm cách thúc đẩy nhanh các dự án xây dựng các nhà máy điện hiện có thể đang bị dở dang vì nhiều lý do khác nhau.
Hiển nhiên, các cơ sở sản xuất công nghệ đòi hỏi một lượng điện năng rất lớn. Nhiều nhà sản xuất lớn ở Trung Quốc tính chạy qua Việt Nam để tránh bị kẹt trong cuộc thương chiến Mỹ-Trung. Một số công ty nhỏ đã tràn tới rồi trong khi nhiều đại công ty quốc tế còn đang lưỡng lự, trong đó có vấn đề hạ tầng cơ sở yếu kém của Việt Nam mà điện là một.
Theo một bài phân tích trên báo tài chính Financial Times hôm Thứ Hai, Việt Nam đang đối diện với nguy cơ có thể xảy ra cùng một lúc hai cuộc khủng hoảng về năng lượng. Thứ nhất là sự thiếu hụt khả năng sản xuất điện từng là một căn bệnh kinh niên được báo động đã từ lâu, mà vì thiếu tiền nên không thể giải quyết nhanh.
Thứ hai, Việt Nam bị Trung Quốc ngáng cẳng, không để yên cho dò tìm và khai thác dầu khí trong vùng biển đặc quyền kinh tế 200 hải lý trên Biển Đông.
Với một cái xứ muốn đu dây chính trị và kinh tế giữa Hoa Thịnh Đốn và Bắc Kinh để tồn tại, Hà Nội đối diện với sự lựa chọn đoản kỳ về năng lượng được nhìn thấy sẽ có những hệ quả địa chính trị cho những năm trước mặt.
“Nguồn cung cấp tiềm năng từ dự trữ dầu khí nội địa của Việt Nam đang bị thử thách và chậm trễ. Hoặc là nó do khả năng tài chính giới hạn của công ty dầu khí nội địa không thể phát triển các mỏ, hoặc là các tranh chấp trên biển hay các căng thẳng chính trị,” lời ông Andrew Harwood, giám đốc nghiên cứu của nhóm dò tìm và phát triển dầu khí Wood Mackenzie ở Singapore. “Người ta quan tâm việc Việt Nam làm thế nào có thể thỏa mãn được nhu cầu năng lượng trong tương lai.”
Việt Nam hiện nay phần lớn tùy thuộc vào các nhà máy thủy điện, các nhà máy nhiệt điện chạy than và chạy dầu để sản xuất điện. Tuy nhiên, nhiều dự án điện bị đình trệ mấy năm gần đây. Lý do có thể từ thủ tục hành chính phức tạp, quan lại tham nhũng rút ruột, hoặc nhà đầu tư nước ngoài không được nhà nước bảo đảm cho những khoản tín dụng xây dựng nhà máy điện.
Năm 2016, Hà Nội đã đình hoãn vô thời hạn dự án nhà máy điện nguyên tử tại Ninh Thuận sau tai nạn thảm khốc xảy ra tại nước Nhật. Dĩ nhiên còn nhiều lý do khác nữa từ khả năng đầu tư tài chính đến chuyên viên nguyên tử năng không có bao nhiêu.
Mới một hai năm trở lại đây, người ta thấy nhà cầm quyền trung ương khuyến khích thực hiện các dự án điện mặt trời. Tuần trước, thấy có tin tức một cơ sở tiếp nhận khí hóa lỏng (LNG) sẽ được đầu tư xây dựng ở cảng Thị Vải, Vũng Tàu. Đồng thời Việt Nam cũng tính toán cả chuyện mua thêm điện từ Lào và Trung Quốc.
Dự án Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 4 tại Trung tâm nhiệt điện Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong, Bình Thuận. (Hình: Tuổi Trẻ)
Mới đầu Tháng Chín này, một nhà máy điện mặt trời với vốn đầu tư $391 triệu, bắt đầu phát điện tại tỉnh Tây Ninh. Viên chức Tập Ðoàn Điện Lực Việt Nam (EVN) cho hay tại Việt Nam có hơn 4,000 căn nhà đã lắp hệ thống điện mặt trời chỉ trong vòng 3 tháng qua với khả năng tạo ra 200MW. Khoảng 300MW nữa sẽ được những nhà khác lắp đặt trên mái nhà từ nay đến cuối năm.
“Sự gia tăng nhanh chóng việc đặt hệ thống sản xuất điện mặt trời trên mái nhà trong năm 2019 là dấu hiệu nhà cầm quyền muốn đa dạng hóa nguồn cung cấp điện, trong đó, sử dụng nguồn năng lượng tái tạo được khuyến khích nhiều hơn.” Gavin Smith, giam đốc phát triển năng lượng sạch tại công ty đầu tư Dragon Capital ở Sài Gòn phát biểu.
Tuy nhiên, ông nói thêm rằng: “Vấn đề là sự gia tăng nhanh chóng phát triển điện mặt trời từ năm 2018 đến nay có đủ để giải tỏa sự thiếu hụt năng lượng dẫn đến tình trạng bị cúp điện trong ba năm tới hay không.”
Nhu cầu điện năng tại Việt Nam gia tăng trung bình hàng năm khoảng 9% trong khi nền kinh tế tăng trưởng khoảng 7% năm ngoái.
Môt viên chức chính quyền không nêu tên nói với báo FT rằng “có một số nguy cơ về thiếu điện trong những hoàn cảnh bất thường và đặc biệt khẩn trương, hầu như xảy ra khi các đập chứa nước cho các nhà máy thủy điện sử dụng lại xuống quá thấp,” tức không đủ để chạy máy.
Một số viên chức cũng từng đề cập tới việc mua điện từ Trung Quốc nhưng đây là vấn đề nhạy cảm chính trị tại một đất nước có tinh thần quần chúng chống Trung Quốc rất cao, nhất là khi có các tin tức liên quan đến chủ quyền lãnh thổ, căng thẳng đối đầu với Bắc Kinh trên Biển Đông.
Một số công ty Mỹ cũng như một số quan chức nhà nước cổ võ sử dụng khí hóa lỏng (LNG) như giải pháp giải quyết nạn thiếu điện, lại giúp Việt Nam giảm thiểu thâm hụt thương mại cho Hoa Thịnh Đốn. Tuy nhiên, đây không phải là một giải pháp có thể giải quyết ngay tức thì nạn thiếu điện. Bởi vì Việt Nam cần phải xây dựng các cơ sở tiếp nhận LNG.
Khả năng phát triển các mỏ dầu khí trên thềm lục địa của Việt Nam hiện đang là cái nhức đầu của Hà Nội. Từ đầu Tháng Bảy đến nay, Bắc Kinh đưa một đoàn tàu lớn hộ tống tàu khảo sát địa chất Haiyang Dizhi 8 quấy rối tại bãi Tư Chính, nơi Việt Nam đang cho liên doanh Vietnam Petro-Rosnef khai thác mỏ Lan Tây-Lan Đỏ ở lô 6-1.
Những ngày gần đây, có tin Tập Ðoàn Exxon-Mobil muốn chạy khỏi Việt Nam mà nhà cầm quyền Hà Nội cho đó là tin đồn không căn cứ trong khi tập đoàn dầu khí Mỹ thì không bình luận.
Nguy cơ thiếu điện của Việt Nam lại dấy lên khi báo chí trong nước đưa tin sáng 21 Tháng Chín, 2019, Tập Ðoàn Điện Lực Việt Nam (EVN) khánh thành dự án nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 4 tại Trung Tâm Nhiệt Ðiện Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong, Bình Thuận.
Đây là loại nhà máy điện chạy than gây ô nhiễm môi trường từ không khí đến thải ra một lượng xỉ than khổng lồ. Dân chúng địa phương đã biểu tình phản đối rất nhiều lần nhưng tình trạng cũng không cải thiện được nhiều. (TN)

Chơi ma túy, buôn lậu ma túy vẫn nghiêm trọng tại Việt Nam

Quán bar Ozone lúc cảnh sát ập vào kiểm tra. (Hình: VNExpress)
SÀI GÒN (NV) – Người sử dụng các loại ma túy bị bắt vẫn nhiều trong khi các vụ bắt giữ những người buôn lậu ma túy với số lượng lớn cũng không mấy khi thiếu trên mặt báo chí tại Việt Nam.
Hôm Chủ Nhật, 22 Tháng Chín, 2019, một số tờ báo mạng tại Việt Nam cho hay cảnh sát đã ập vào quán bar, quán karaoke tại Biên Hòa, Bắc Giang, Quảng Nam, đã phát hiện tổng cộng hơn 200 người cả nam lần nữ trong độ tuổi thanh xuân có dấu hiệu “chơi ma túy” và “lắc lư trong tiếng nhạc chát chúa.”
Theo VNExpress, 150 người tại quán ba Ozone ở biên Hòa bị lùa về trụ sở công an “dương tính với ma túy” rạng sáng ngày 22 Tháng Chín. Tại huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang, 70 thanh niên thanh niên “có biểu hiện sử dụng ma túy bị cảnh sát phát hiện trong quán karaoke Royal KTV” cũng sáng sớm 22 Tháng Chín. Tại quán karaoke Paradise ở thành phố Tam Kỳ, Quảng Nam, gần 100 cảnh sát kiểm tra “4 phòng karaoke có hàng chục nam thanh nữ tú đang bay, lắc theo tiếng nhạc sôi động.” Họ thấy “có 28 khách gồm 17 nam, 11 nữ dương tính với chất ma túy. Ngoài ra, qua kiểm tra nhân viên của cơ sở có 4/10 nhân viên dương tính với chất ma túy.”
Chỉ tại 3 nơi bị kiểm tra ở 3 địa phương khác nhau, trong sáng sớm ngày Chủ Nhật, 22 Tháng Chín, người ta đã thấy 252 thanh niên nam nữ dương tính với ma túy. Bên cạnh những tin tức tai nạn giao thông nghiêm trọng chết nhiều người, cùng với các tin giết người, thảm kịch gia đình, không mấy khi thiếu các tin tức liên quan đến ma túy.
Con số thật sự có bao nhiêu con nghiện tại Việt Nam không ai biết đích xác. Theo báo Tuổi Trẻ tường thuật, ông Lê Minh Trí – viện trưởng “Viện Kiểm Sát Nhân Dân Tối Cao” nói trong một buổi tiếp xúc chiều 9 Tháng Năm, 2019, ở Sài Gòn rằng cả nước có “hơn 226,900 người nghiện có hồ sơ.” Ông ta còn cho biết thêm rằng, “Các nhóm tội phạm ma túy hiện đang chiếm tỉ trọng rất cao trong cơ cấu tội phạm của cả nước, với khoảng 24% các vụ án và 60% phạm nhân trong trại giam có liên quan đến ma túy.”
Đó là chuyện người nghiện ma túy. Có người mua thì phải có người cung cấp. Nhưng có lẽ những tay bán lẻ một vài tép heroin, vài viên thuốc lắc bị bắt nhiều quá, là chuyện “thường ngày ở huyện” nên báo chí trong nước không khai thác. Người ta chỉ thấy những tin bắt giữ những cá nhân hay nhóm người vận chuyển những số lượng lớn heron, “thuốc lắc” tức ma túy tổng hợp dưới dạng viên.
Nội trong Tháng Chín, ít nhất có 6 vụ bắt giữ các vụ vận chuyển hoặc sản xuất ma túy tổng hợp với số lượng rất lớn.
Tờ Người Lao Động hôm Thứ Hai, 23 Tháng Chín, 2019, đưa tin hai người quốc tịch Nigeria “vận chuyển gần 15 kg ma túy đá bị bắt giữ nằm trong đường dây tội phạm ma túy quốc tế, địa bàn hoạt động từ trung tâm tam giác vàng qua Thái Lan, Lào về Việt Nam và đi các nước khác tiêu thụ.” Họ bị bắt trên đường từ cửa khẩu biên giới với Lào trong tỉnh Quảng Trị.
Bên trong xưởng sản xuất ma túy của nhóm người Trung Quốc tại Kon Tum. (Hình: Tuổi Trẻ)
VNExpress cho hay: “Công an tỉnh Thừa Thiên Huế đã triệt phá đường dây vận chuyển ma túy tổng hợp bằng tàu hỏa, ngày 20 Tháng Chín.” Họ đã bắt giữ Nguyễn Văn Tiến (46 tuổi) và Nguyễn Thị Thu Huyền (28 tuổi, cùng cư ngụ tại thành phố Hải Phòng), thu giữ 30,000 viên ma túy tổng hợp.
Trên một bản tin khác,VNExpress nói: “Bà Thạch Thị Vân, 56 tuổi, mang thùng xốp chứa 80 bánh heroin từ tỉnh Điện Biên về Nam Định giao cho khách.” Bà là giáo viên nghỉ hưu, cùng với hai phụ nữ khác tên Đặng Thị Hoa, 58 tuổi, quê Nam Định, và Nguyễn Thị Lê Ánh, 38 tuổi, quê Hải Phòng, bị bắt giữ điều tra thêm về mua bán, vận chuyển ma túy.
Bà Ánh, người điều hành hãng xe khách đường Điện Biên-Thái Bình bị cáo buộc là “dưới vỏ bọc điều hành công ty vận tải hành khách, Nguyễn Thị Lệ Ánh lập đường dây vận chuyển ma tuý số lượng lớn xuyên quốc gia.”
Theo TTXVN ngày 17 Tháng Chín, 2019, công an đã “bắt quả tang Lê Hồng Phong (sinh năm 1963, trú tại huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La), thu giữ 60 bánh nghi heroin với trọng lượng khoảng 21kg.
Trên tờ Tuổi Trẻ ngày11 Tháng Chín, 2019: “Bộ Công An vừa thông tin về vụ phát hiện một công xưởng tập kết hóa chất tiền ma túy để sản xuất ma túy tại huyện Đăk Hà (Kon Tum) với khối lượng lên đến hơn 13 tấn của một nhóm người quốc tịch Trung Quốc. Họ còn đang “tiếp tục điều tra mở rộng sau khi phát hiện một công xưởng sản xuất ma túy, tiền chất ma túy tại kho công ty xuất nhập khẩu Đồng An Viên (thị trấn Đắk Hà, huyện Đắk Hà, tỉnh Kon Tum).”
Cũng với vụ bắt nhóm người Trung Quốc sản xuất ma túy tổng hợp ở Kontum, cùng ngày, công an Bình Định “phát hiện một khối lượng hóa chất cực lớn được cất giữ trong 286 thùng phuy, 300 bao bột và nhiều dụng cụ để tinh chế ra ma túy do một nhóm người Trung Quốc cầm đầu” tại “2 kho chứa hóa chất dùng để chế biến ma túy tại tổ 8, khu vực 7, phường Bùi Thị Xuân, TP Quy Nhơn.”
Từ đầu năm đến Tháng Năm vừa qua, một số vụ bắt giữ các đường dây vận chuyển ma túy tổng hợp và heroin cực lớn, lên hơn 4 tấn, trong đó có các vụ bị bắt ở Sài Gòn và Nghệ An do các nhóm người Trung Quốc cầm đầu khiến dư luận bàng hoàng không ít. Một số nguồn tin cho rằng một phần, Thái Lan quyết liệt đối phó với tệ trạng ma túy nên những nhóm buôn lậu ma túy đã chuyển địa điểm hoạt động sang Việt Nam.
Theo lời ông Lê Minh Trí cho biết như nêu trên, các cơ quan ước tính Việt Nam tiêu thụ khoảng 20% ma túy, còn 80% là trung chuyển sang nước khác. (TN)

Những thân xác Việt Cộng mang hồn Tàu Cộng

Phạm Đình Trọng (BauxitVN)
Cảnh sát bắt giữ 11 người, trong đó có tám người Trung Quốc, ba người Việt, thu giữ số lượng ma túy lên đến gần nửa tấn. (Hình: thuvienbinhphuoc.org.vn)
1. Ngày 20 Tháng Ba, 2019, lực lượng công an Việt Nam ra quân cắt đứt đường dây vận chuyển ma túy do người Trung Hoa cầm đầu, thu tại nhà kho ở quận Bình Tân, Sài Gòn 300 kg ma túy, bắt 11 người, có 8 người Trung Hoa.
Ngày 19 Tháng Tư, 2019, công an Khánh Hòa bắt 40 người Trung Hoa dùng công nghệ cao lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người dân Việt Nam.
Ngày 8 Tháng Bảy, 2019, công an Khánh Hòa bắt bốn người Trung Hoa giết chết một đồng bọn tàn bạo như xã hội đen thanh toán nhau ngay tại trung tâm thương mại Nha Trang trước rất đông khách bốn phương ở thành phố du lịch lớn nhất Việt Nam, gây khiếp đảm, bất an cho khách du lịch từ khắp thế giới tìm đến.
Ngày 27 Tháng Bảy, 2019, cơ quan bảo vệ pháp luật Việt Nam phải huy động lực lượng lớn công an bộ, công an thành phố Hải Phòng bố ráp khu đô thị Our City ở thành phố Hải Phòng, hốt sòng bạc lớn chiếm cả một khu đô thị do người Trung Hoa vừa là chủ sòng bạc vừa là con bạc, bắt 395 người đều mang hộ chiếu màu nâu của nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa.
Ngày 6 Tháng Tám, 2019 lực lượng công an của Cục Cảnh Sát Điều Tra Tội Phạm Ma Túy, Bộ Công An và công an Kon Tum đột nhập nơi người Trung Hoa thuê nhà xưởng lập xưởng sản xuất ma túy trong làng nghề ở thị trấn Đắk Hà, Kon Tum, thu 13 tấn nguyên liệu điều chế ma túy, 15 máy sản xuất ma túy. Trong 14 người bị bắt có 9 người Trung Hoa là chủ xưởng và người trực tiếp sản xuất ma túy.
Trong chuyên án triệt phá hệ thống xưởng sản xuất ma túy của người Trung Hoa trên đất Việt Nam, cùng ngày 6 Tháng Tám, 2019, một cơ sở sản xuất ma túy khác của người Trung Hoa tại thành phố Quy Nhơn, Bình Định, cũng bị lực lượng công an bộ và công an tỉnh Bình Định phanh phui. Trong kho của cơ sở này có tới 286 phuy, mỗi phuy 200 lít hóa chất; hơn 400 bao quá khổ, mỗi bao 200 kg bột nguyên liệu điều chế ma túy cùng nhiều máy móc, thiết bị, dụng cụ chế biến ma túy đá. Đây cũng là tổng kho nguyên liệu của nhiều cơ sở sản xuất ma túy của người Trung Hoa ở nhiều tỉnh thành Việt Nam.
Hàng trăm tấn trang thiết bị và nguyên liệu sản xuất ma túy đá đó đều được chở bằng ô tô tải lớn từ Trung Hoa lừng lững qua trót lọt cửa khẩu quốc gia, qua dễ dàng hàng chục trạm kiểm soát cố định và di động của cảnh sát giao thông, của quản lý thị trường, của thanh tra giao thông trên hơn ngàn cây số đường bộ Việt Nam. Với số lượng lớn nguyên liệu và dây chuyền công nghiệp, hàng tháng sẽ có hàng tấn sản phẩm ma túy đá tuồn vào xã hội Việt Nam, đầu độc con người Việt Nam, hủy hoại thế hệ trẻ Việt Nam.
Ngày 11 Tháng Tám, 2019 công an Sơn La bắt ba người Trung Hoa đang trên đường chạy trốn sang Lào sau khi giết chết tài xế taxi người Việt Nam và cướp xe.
2. Chỉ nêu những vụ việc nổi cộm ít ngày gần đây cũng thấy tội phạm người Trung Hoa ồ ạt tràn vào Việt Nam đông như trảy hội mùa xuân. Qui mô gây án rộng khắp. Mức độ tội phạm đánh phá cuộc sống bình yên, đánh phá nền kinh tế, đánh phá đạo đức xã hội Việt Nam, cướp đoạt tính mạng, tài sản người Việt Nam vô cùng tàn bạo, gây thiệt hại nặng nề nhiều mặt cho hiện tại và để lại họa đau đớn lâu dài cho xã hội và con người Việt Nam.
Tràn vào Việt Nam đông đảo như vậy, tạo ra những vụ án chấn động, gây nguy hại cho đất nước Việt Nam như vậy, và công an Việt Nam phải tập trung lực lượng lớn, mất nhiều thời gian, công sức, của cải mới bắt được một phần của đội quân tội phạm người Trung Hoa nhưng pháp luật Việt Nam không dám động đến đám tội phạm nhiều như nước lũ và nguy hiểm hơn dịch bệnh này. Gây án chấn động nhưng đám hung thần phá cuộc sống bình yên của đất nước Việt Nam, giết hại người dân Việt Nam lại được âm thầm và mau lẹ dẫn độ và bàn giao cho nhà nước đã cấp hộ chiếu cho họ đến Việt Nam gây tội ác.
Tân Hoa xã của nhà nước Cộng Sản Trung Hoa cho người dân của họ biết rằng Hiệp Ước Dẫn Độ giữa Trung Hoa với Việt Nam gồm 22 điều khoản được ký kết từ năm 2015 và năm 2019 đã được Ủy Ban Thường Vụ Quốc Hội nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa phê chuẩn. Nhưng đến nay nhà nước Cộng Sản Việt Nam vẫn giấu nhẹm người dân Việt Nam về Hiệp Ước Dẫn Độ đã ký với nhà nước Cộng Sản Trung Hoa từ năm 2015. Giấu việc ký kết hiệp ước dẫn độ với nhà nước Cộng Sản Trung Hoa nhưng họ không giấu được việc răm rắp, mau lẹ thực hiện dẫn độ đám tội phạm người Trung Hoa sang giao cho nhà nước Trung Hoa như cúc cung chấp hành một mệnh lệnh của bề trên.
Nhà nước Cộng Sản Việt Nam giấu nhẹm Hiệp Ước Dẫn Độ đã ký với nhà nước Cộng Sản Trung Hoa làm cho người dân lại phải liên tưởng đến sự bưng bít, giấu diếm về những thỏa thuận của lãnh đạo đảng Cộng Sản Việt Nam Nguyễn Văn Linh, Đỗ Mười với lãnh đạo đảng Cộng Sản Trung Hoa Giang Trạch Dân, Lý Bằng trong cuộc đi đêm Tháng Chín, 1990. Sự giấu diếm chỉ chứng tỏ Hiệp Ước Dẫn Độ giữa hai nhà nước Cộng Sản Việt Nam-Trung Hoa là không bình thường, không bình đẳng và ẩn chứa những nguy hại khó lường cho Việt Nam như việc ký kết lén lút không bình thường Nguyễn Văn Linh-Giang Trạch Dân ở Thành Đô 1990.
3. Một nguyên tắc quan trọng hàng đầu trong mọi bộ luật hình sự là tội phạm hình sự gây án ở đâu, thì xử ở đó. Vì vậy dẫn độ đúng đắn, tích cực phải là: Giữa những nước đã ký kết hiệp ước dẫn độ thì kẻ phạm tội hoặc người đã bị kết án hình sự dù chạy trốn đến nước nào khi bị bắt cũng bị dẫn giải về nước kẻ phạm tội gây án hoặc đã bị kết án để luật pháp nước đó xét xử.
Pháp luật phải bảo đảm công bằng và đúng đắn, đúng người, đúng tội. Do đó xét xử phải có tang chứng, vật chứng. Chỉ ở nơi kẻ phạm tội gây án mới có đầy đủ tang chứng, vật chứng xác đáng để buộc tội. Và cũng chỉ ở nơi phải gánh chịu hậu quả do tội phạm gây ra mới đủ tư cách, đủ nghiêm minh và đủ điều kiện xét xử công bằng để có mức án tương xứng với tội trạng.
Bộ Luật Hình Sự Việt Nam cũng xác định dù là người nước ngoài mà phạm tội trong phạm vi lãnh thổ Việt Nam và vi phạm pháp luật Việt Nam thì Việt Nam hoàn toàn có thẩm quyền xét xử. Luật pháp Việt Nam xét xử người nước ngoài gây án ở Việt Nam còn là khẳng định chủ quyền Việt Nam, còn là danh dự quốc gia của Việt Nam. Người nước ngoài vi phạm pháp luật Việt Nam, phạm tội hình sự trên lãnh thổ Việt Nam mà pháp luật Việt Nam không được quyền xét xử là nhà nước Việt Nam đã mất chủ quyền, mất quyền xử lý những vụ việc gây tổn hại lớn lao cho xã hội và con người Việt Nam, diễn ra ngay trên đất nước Việt Nam. Đó là một nỗi nhục quốc gia.
4. Hãy nhớ lại một thời gian dài chưa xa đội quân người Trung Hoa trong vai thương lái, trong vai nhà buôn âm thầm len lỏi khắp làng quê Việt Nam đặt mua móng trâu, mua rắn với giá cao ngất ngưởng. Người nông dân công khai giết trâu hoặc lén lút làm cho trâu gày ốm để có cớ giết trâu lấy móng. Ngày đó nông nghiệp nước ta còn sản xuất thô sơ, máy cày còn quá hiếm. Con trâu là đầu cơ nghiệp mà trâu bị xẻ thịt để bán móng. Sản xuất nông nghiệp mất đi nguồn lớn sức kéo. Rồi làng quê lại rầm rộ đổ xô đi bắt rắn bán cho thương lái Trung Hoa. Cánh đồng mênh mông không còn một con rắn. Chuột đồng mặc sức sinh sôi, kéo đàn kéo lũ tàn phá hoa màu. Nông nghiệp Việt Nam thất bát.
Được thương lái Trung Hoa đặt cọc khoản tiền nhỏ tượng trưng rồi ký hợp đồng mua khoai lang, mua chuối với giá trên trời. Người nông dân đồng bằng Nam Bộ mừng rỡ có cơ làm giầu liền phá lúa trồng khoai lang. Người dân đất đỏ Tây Nguyên hối hả phá vườn cây trái lâu năm trồng chuối, sung sướng nghĩ đến chỉ ít tháng nữa có khoản tiền lớn trong tay khi thu hoạch chuối. Đến vụ thu hoạch khoai, thu hoạch chuối, thương lái Trung Quốc mất tăm. Người trồng khoai sạt nghiệp, đã nghèo càng nghèo thêm. Người trồng chuối điêu đứng, cơ nghiệp tan tành.
Vì lợi ích cá nhân và là người kinh doanh đích thực, chẳng ai kinh doanh móng trâu, chẳng ai kinh doanh rắn. Kinh doanh thực sự, chẳng ai bỏ tiền đặt cọc trồng khoai, trồng chuối rồi chạy làng. Điều đó chỉ ra rằng những người Trung Hoa trong vai thương lái đi mua móng trâu, mua rắn, mua khoai lang, mua chuối không phải là sự kinh doanh tự phát cá nhân mà được tổ chức để thực hiện một chủ trương, một chính sách quốc gia, được nhà nước cấp kinh phí để làm nhiệm vụ chính trị: đánh phá nền kinh tế Việt Nam, dìm Việt Nam mãi mãi trong nghèo khó phải phụ thuộc vào Trung Hoa.
Mua móng trâu, mua rắn. Hợp đồng trồng khoai lang, trồng chuối. Dự án khai thác bô xít Tây Nguyên. Sản xuất thép Formosa Vũng Áng danh nghĩa là doanh nghiệp Đài Loan nhưng vốn liếng và con người là Trung Hoa đại lục. Xây dựng nhà máy điện than Vĩnh Tân, Bình Thuận. Thầu xây dựng nhà máy phân đạm Ninh Bình. Làm đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông. Làm đường cao tốc Bắc-Nam… Người Trung Hoa có mặt ở những nơi đó, người Trung Hoa không tiếc tiền ném ra hối lộ chủ thầu Việt Nam để trúng thầu những nơi đó chỉ với mục đích xuyên suốt: Đánh phá nền kinh tế Việt Nam. Đánh phá sự ổn định xã hội Việt Nam.
5. Một chính thể đã làm cả việc hèn mọn đưa người Trung Hoa vào Việt Nam đóng vai thương lái lừa đảo để đánh phá nền kinh tế Việt Nam thì chính thể đó chủ trương đưa tội phạm người Trung Hoa tràn vào Việt Nam gây án đánh phá sự ổn định, bình yên của xã hội Việt Nam cũng là điều quá bình thường.
Với điều khoản dẫn độ quái gở: Người Trung Hoa phạm tội ở Việt Nam được dẫn độ bàn giao cho nhà nước Trung Hoa, hiệp ước đẫn độ không bình thường đó được ký kết từ năm 2015. Từ đó số người Trung Hoa gây án ở Việt Nam ngày càng tăng cao. Đến năm 2019, năm Quốc Hội Trung Hoa Cộng Sản phê chuẩn hiệp ước dẫn độ giữa hai nhà nước Cộng Sản Việt Nam-Trung Hoa, số người Trung Hoa gây án ở Việt Nam đột ngột bùng nổ như dẫn chứng ở phần 1. Không thể không có liên quan giữa hiệp ước dẫn độ quái gở đó với sự bùng nổ số người Trung Hoa gây án ở Việt Nam. Không thể không có liên quan giữa hiệp ước dẫn độ quái gở đó với sự bất an ngày càng gia tăng của xã hội Việt Nam.
Lịch sử Việt Nam sẽ phải ghi nhận về một thời cộng sản đen tối lịch sử và đau đớn giống nòi: Kẻ ký thỏa thuận Thành Đô 1990. Kẻ ra lệnh cho người lính giữ đảo Gạc Ma không được nổ súng chống trả bọn lính Trung Hoa cướp đảo năm 1988. Kẻ ký Hiệp Định Biên Giới Việt-Trung dâng hơn phân nửa thác Bản Giốc, dâng điểm cao 1509, dâng cổng nước Lạng Sơn cho Trung Hoa năm 1999. Kẻ ký kết giao đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông cho nhà thầu Trung Hoa năm 2008. Kẻ ký kết hiệp ước dẫn độ quái gở với nhà nước Trung Hoa năm 2015,… đều là những phường bán nước, những thân xác Việt Cộng mang hồn Tàu Cộng!

Ai đứng đằng sau vụ Hoàng Yến kiện Nguyễn Tấn Dũng?

Phạm Chí Dũng/Người Việt
Ông Trương Tấn Sang, hình chụp 2015, khi đang là chủ tịch nước CSVN. (Hình: Getty Images)
Vụ kiện “hướng đến đại hội 13”
Dù Đặng Thị Hoàng Yến (chủ tịch Công Ty Năng Lượng Tân Tạo – TEC – và từng là “người đẹp một thời” của giới “nghị gật” Quốc Hội Cộng Sản Việt Nam) đã lấy tên là Maya Dangelas sau khi cày cục để được nhập quốc tịch “xứ tư bản giãy chết” Hoa Kỳ, nhưng việc bà Yến thình lình phát đơn kiện cựu Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng vào Tháng Chín, năm 2019, với lý do vì ông Dũng đã ra lệnh xóa dự án vi phạm trực tiếp thỏa thuận đầu tư giữa TEC và chính phủ Việt Nam khiến TEC thiệt hại lợi nhuận hơn $2.5 tỉ, vẫn được một số nhà quan sát xem là một động thái “chính trị nội bộ” và mang đặc thù riêng của giới đồng chí nhưng còn lâu mới đồng lòng trong đảng CSVN.
Vụ kiện trên do hãng truyền thông PR Newswire đưa tin theo nguồn tin từ Văn Phòng Luật Sư “Law Offices of Charles H. Camp, P.C.”
Vụ kiện trên lại xảy ra hầu như đồng thời với một loạt bài viết được tung lên mạng xã hội mang tựa đề “Màn kịch bẩn thỉu của Johnathan Hạnh Nguyễn, quan chức ACV và Út Trọc để chiếm đoạt sân bay quốc tế Cam Ranh,” “Con đường rửa tiền của cựu Chủ Tịch Nước Trương Tấn Sang và gia tộc”…, nhằm “đánh” Trương Tấn Sang – cựu chủ tịch nước, nhân vật duy nhất còn giữ tư thế “quyền lực của kẻ không quyền lực” trong chính trường Việt Nam.
Tác giả ẩn danh của loạt bài viết này được một số dư luận cho là người của phe “anh Ba X” (tức Nguyễn Tấn Dũng).
Ngay trước khi có loạt bài viết trên và vụ kiện của Đặng Thị Hoàng Yến đối với Nguyễn Tấn Dũng, đã xuất hiện loạt bài viết “Hướng đến Đại Hội 13” của cùng tác giả Hoàng Việt – rất có thể chỉ là một bút danh – trên mạng xã hội, với rất nhiều chi tiết ruột rà trong nội bộ đảng lẫn nội bộ ngành công an.
Những bài viết này chĩa mũi dùi vào một số quan chức Bộ Chính Trị còn muốn đi tiếp và “vươn lên một tầm cao mới” như Bộ Trưởng Công An Tô Lâm, Trưởng Ban Tổ Chức Trung Ương Phạm Minh Chính, Bí Thư Hà Nội Hoàng Trung Hải, Trưởng Ban Kinh Tế Trung Ương Nguyễn Văn Bình và những quan chức cấp “trung ủy” như Trần Cẩm Tú – Chủ nhiệm Ủy Ban Kiểm Tra Trung Ương, Nguyễn Hòa Bình – Chánh án Tòa Án Tối Cao…
Loạt bài viết trên thậm chí còn nêu rất cụ thể về một cuộc họp kín tại nhà riêng giữa một số quan chức cao cấp để chuẩn bị nhân sự và tài chính cho chiến dịch lobby tại Đại Hội 13, về một âm mưu hất đổ Nguyễn Phú Trọng, về việc đại gia ngân hàng Hà Văn Thắm đã “chi” cho những quan chức nào và bao nhiêu…
Dù có rất nhiều chi tiết không thể kiểm chứng được, nhưng loạt bài viết trên khiến người ta nhớ lại hình ảnh của trang mạng Chân Dung Quyền Lực, với rất nhiều thông tin nội bộ mà đã khiến chính trường sôi sục và dư luận Việt Nam sôi động vào khoảng thời gian cuối năm 2014, đầu năm 2015.
Hầu như không còn nghi ngờ gì nữa, loạt bài viết “Hướng đến đại Hội 13” của tác giả Hoàng Việt là tín hiệu báo trước cuộc chiến khó yên bề thỏa hiệp giữa các phe phái chính trị ngay từ lúc này cho đến khi đại hội 13 diễn ra – dự kiến vào đầu năm 2021.
Có thể dễ dàng nhận ra rằng tác giả của loạt bài viết “Hướng đến Đại Hội 13,” trong khi vạch trần và tố cáo khá nhiều quan chức trong Bộ Chính Trị, thì lại không một từ chỉ trích hay tố cáo một số quan chức khác cũng trong Bộ Chính Trị như Nguyễn Phú Trọng, Nguyễn Xuân Phúc, Trương Hòa Bình… Cũng bởi thế, một số dư luận cho rằng tác giả Hoàng Việt “không khách quan” và “thiên vị.”
Toàn cảnh gấu ó trên lại xảy ra trước một sự kiện rất quan trọng: Hội Nghị Trung Ương 11 sẽ diễn ra vào cuối năm 2019, với nhiệm vụ chốt danh sách sơ bộ các gương mặt ủy viên Bộ Chính Trị cho khóa 13. Nếu Hội Nghị Trung Ương 10 chỉ là cuộc đấu giữa những “cá bé,” thì Hội Nghị Trung Ương 11 mới thật sự là cuộc săn đớp moi ruột của “cá mập” với nhau.
Một chiến dịch chạy đua vào Bộ Chính Trị tương lai đã được khởi động từ năm 2017 và kéo dài cho đến nay. Không chỉ Trần Quốc Vượng và Nguyễn Xuân Phúc là hai ứng cử viên hàng đầu cho chức tổng bí thư, với điều kiện Nguyễn Phú Trọng chịu “về vườn,” mà còn cả một lô quan chức khác như Nguyễn Thị Kim Ngân, Phạm Minh Chính, Trương Hòa Bình, Vương Đình Huệ, Nguyễn Văn Bình, Tô Lâm, Võ Văn Thưởng, Nguyễn Thiện Nhân,… mà bất kỳ ai trong số đó cũng đều sẵn sàng trám vào vị trí của một kẻ bại trận bị văng ra trong cuộc chiến nảy lửa.
Nhưng một hiện tượng bất thường đã xảy đến là trong chiến dịch đua tranh trên là sự xuất hiện một gương mặt cũ, rất cũ: Trương Tấn Sang.
Vai diễn nào của cựu chủ tịch nước?
Thông thường, các ủy viên Bộ Chính Trị và kể cả những quan chức “tứ trụ” khi đã về hưu đều rời hẳn chính trường mà rất ít khi xuất hiện với vai trò tham chính. Nhưng sau Đại Hội 12, Trương Tấn Sang dù đã “nghỉ” các chức vụ nhưng vẫn hiện ra như một ngoại lệ. Trong thời gian gần đây, ông ta xuất hiện trở lại trên mặt báo khá dày đặc – đi thăm nhà máy Điện Gió Bạc Liêu, đi kiểm tra 9 cây cầu bê tông nông thôn đang thi công ở các xã ở Long An, khánh thành 12 cầu nông thôn ở Long An…
Rất đặc biệt, một chuyến đi của Trương Tấn Sang đến An Giang vào Tháng Tư, năm 2019 – chỉ ít ngày sau khi Nguyễn Phú Trọng bất thần bị cơn bạo bệnh tại xứ Kiên Giang “nhà ba Dũng,” đã được báo An Giang rút tít “Nguyên Chủ Tịch Nước Trương Tấn Sang hỗ trợ Tân Châu 15 tỷ đồng cất mới 10 cây cầu nông thôn.”
Có trời mới biết làm cách nào cựu Chủ Tịch Nước Trương Tấn Sang lại có được đến 15 tỷ đồng, và vì sao ông ta lại dùng cả số tiền khổng lồ ấy cho việc công quả.
Đáng chú ý không kém, những chuyến đi ấy của Sang đều được không ít lãnh đạo địa phương đón tiếp và tháp tùng chu đáo – như một thông điệp về việc Trương Tấn Sang không chỉ là cựu thần, không chỉ là “cố vấn đặc cách phía Nam” của Nguyễn Phú Trọng, mà cách nào đó vẫn giữ được một uy quyền vô hình trong hệ thống đảng cầm quyền.
Cùng với sự tái xuất của Trương Tấn Sang, có nhiều đồn đoán về việc ông ta đang “bảo kê” cho một lớp chính khách để lao vào trận mạc Đại Hội 13.
Đại Hội 13 lại khiến cho người ta buộc phải nhung nhớ trận chiến giữa hai phe “Trọng-Sang” và phe Nguyễn Tấn Dũng tại Hội Nghị Trung Ương 6 vào cuối năm 2012. Khi đó, Nguyễn Phú Trọng và Trương Tấn Sang đã tưởng đâu có thể kỷ luật được “đồng chí X,” nhưng không ngờ đến phút cuối cùng lại nảy sinh sự việc là có đến 3/4 Ban Chấp Hành Trung Ương không đồng ý kỷ luật Nguyễn Tấn Dũng.
Tại phiên bế mạc Hội Nghị Trung Ương 6, Nguyễn Phú Trọng đã phải rơi lệ. Người ta xem đó là cử chỉ tấm tức như một đứa trẻ của ông ta, một trạng thái bất lực chẳng thể làm gì được cái kẻ ngỗ ngược xem trời bằng vung và bị dân chửi là “thủ tướng phá chưa từng có” kia.
Năm 2012 cũng là năm hiện ra trang mạng Quan Làm Báo, chỉ trích và tố cáo phe nhóm Nguyễn Tấn Dũng kịch liệt. Đạo diễn của trang mạng này được một số dư luận cho là Đặng Thị Hoàng Yến – “người của Tư Sang,” dù chưa có xác nhận nào mang tính kiểm chứng về dư luận này.
Phải chăng vụ kiện của bà Yến đối với cựu Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng vào Tháng Chín, năm 2019 cho thấy phe Trương Tấn Sang rất có thể đã nhận thấy dấu hiệu “manh động” mà có thể dẫn tới hành vi “cướp ấn” của phe Nguyễn Tấn Dũng nên ra đòn đánh phủ đầu?
Nhưng vụ kiện trên cũng cho thấy Nguyễn Tấn Dũng vẫn chưa hẳn mấp mé “lò” của Nguyễn Phú Trọng, mà đang tìm cách phản công.
Hàng loạt đơn thư, bài viết tố cáo lẫn nhau trên mạng xã hội và cả một vụ kiện lớn xảy ra ngoài đời giữa những người đã từng là đồng chí của nhau, và ngay vào lúc này vẫn xưng hô đồng chí với nhau, đang phát đi tín hiệu về một cuộc chiến dữ dội, sắc máu, sống mái và tởm lợm giữa các phe phái trong những tháng còn lại của năm 2019.
Và tất nhiên leo sang cả năm 2020, khoảng thời gian cuối cùng để “toàn đảng, toàn quân lập thành tích chào mừng đại hội đảng lần thứ 13.” (Phạm Chí Dũng)

Đường sắt Cát Linh-Hà Đông bị tố ‘biết lỗ vẫn làm’

Tàu điện chạy thử trên tuyến đường sắt Cát Linh-Hà Đông nhưng không biết bao giờ chạy thật. (Hình: Tuổi Trẻ)
HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Dù đã biết ngay từ đầu là sẽ lỗ vốn nhưng quan chức cấp cao của Hà Nội vẫn cứ tiến hành kế hoạch làm dự án đường sắt trên cao Cát Linh-Hà Đông.
Hôm Thứ Bảy và Chủ Nhật, các báo lớn chính thống của chế độ theo nhau khai thác bản “kết quả kiểm toán hoạt động xây dựng và việc quản lý, sử dụng vốn đầu tư dự án đường sắt Cát Linh-Hà Đông” của Kiểm Toán Nhà Nước. Những điểm chính yếu được vạch ra, chứng minh quan chức cấp cao của chế độ, điển hình là những người đứng đầu Bộ Giao Thông Vận Tải (chủ đầu tư dự án) tiến hành dự án bất chấp các quy định của luật lệ, thủ tục.
Dự án đường sắt trên cao Cát Linh Hà Đông hình thành từ một thỏa thuận vay vốn lãi suất ưu đãi của Trung Quốc năm 2008. Điều kiện ràng buộc của khoản vay là phải do nhà thầu Trung Quốc thực hiện, mà theo đó, Bắc Kinh chỉ định “tổng thầu” cho “công ty hữu hạn Tập Ðoàn Cục 6 đường sắt Trung Quốc” thực hiện. Đồng thời, Bắc Kinh tổ chức đấu thầu “Tư vấn giám sát” rồi giao cho “Công ty TNHH Giám Sát Xây Dựng Viện Nghiên Cứu Thiết Kế Công Trình Ðường Sắt Bắc Kinh.”
Hệ quả của vụ vay nợ này là các điều kiện ràng buộc “bất lợi” cho phía Việt Nam nhưng những người cầm quyền vẫn nhắm mắt ký giấy. Không có các điều khoản trừng phạt nhà thầu nếu không thi hành đúng hợp đồng từ trừng phạt xây dựng trễ hạn đến đòi hỏi “trượt giá” quá đáng. Trong khi đó, “chủ đầu tư” tức Bộ Giao Thông Vận Tải, thì ngồi xổm lên cả luật lệ, quy định.
Bản kiểm toán được các báo trong nước dẫn thuật lại, như nêu ra trên tờ Tuổi Trẻ, nói “hàng loạt sai phạm trong quá trình lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh tăng vốn và ký kết hợp đồng dự án.” Vì có quá nhiều “lỗ hổng” mà dự án ỳ ạch thực hiện kiểu “sai rồi sửa” “sửa rồi vẫn sai” nên vốn đầu tư dự án từ khoảng $350 triệu gần 20 năm trước, đội lên thành gần $800 triệu khi cần phải điều chỉnh chi phí theo đòi hỏi của “tổng thầu” Trung Quốc để hoàn thành.
Điều đáng nói, bản kiểm toán cáo buộc “khi quyết định điều chỉnh tăng vốn dự án vào Tháng Hai, 2016, Bộ Giao Thông Vận Tải không báo cáo thủ tướng để trình Quốc Hội thông qua chủ trương điều chỉnh vốn là chưa thực hiện đúng nghị quyết 49 của Quốc Hội, trái với quy định của Luật đầu tư công.” Công ty tư vấn ước lượng “vống” hiệu quả kinh tế tốt đẹp của dự án, ngược lại ước tính không hiệu quả của chính chuyên viên của “Viện chiến lược Giao Thông Vận Tải.”
Từ những phù phép ban đầu dẫn đến đủ mọi thứ sai trái tiếp nối theo nhau giúp dự án kéo dài những lần cam kết hoàn thành. Chính thức khởi công ngày 10 Tháng Mười, 2011, dự trù hoàn tất Tháng Sáu, 2014, dự án Cát Linh – Hà Đông chính thức khai thác từ ngày 30 Tháng Sáu, 2015. Báo chí trong nước liệt kê ra đến 8 lần “lỗi hẹn” dù hiện chỉ còn 1% việc phải hoàn tất nhưng vẫn không biết đến bao giờ thì có thể “nghiệm thu” để tàu bắt đầu chạy.
Theo tờ Thanh Niên thuật lại bản kết luận kiểm toán, “chủ đầu tư” đã nhiều lần “vượt thẩm quyền” nên thúc giục chế độ Hà Nội “tổ chức kiểm điểm, xác định làm rõ trách nhiệm tập thể, cá nhân để xảy ra sai sót trong tổ chức thẩm định, phê duyệt dự án một số hạng mục xây lắp, vật tư, thiết bị còn nhiều sai sót; ký phụ lục hợp đồng số 11, thương thảo bổ sung $21.07 triệu chi phí xây dựng tăng thêm thiếu cơ sở pháp lý…”
Thêm nữa, Kiểm Toán Nhà nước cũng đòi “kiểm điểm trách nhiệm liên quan đến việc phê duyệt điều chỉnh dự án, điều chỉnh tổng mức đầu tư của dự án đường sắt Cát Linh-Hà Đông từ 8,769.97 tỷ đồng lên 18,001.59 tỷ đồng (vượt 10,000 tỷ đồng), tại Quyết định 513/QĐ-BGTVT ngày 23 Tháng Hai, 2016, khi chưa báo cáo thủ tướng xem xét và xin chủ trương của Quốc Hội về điều chỉnh dự án đầu tư.”
Những tội nợ nêu trong bản kiểm toán nói trên phần lớn chỉ vào ông Đinh La Thăng, một ủy viên Bộ Chính Trị, từng làm bộ trưởng Giao Thông Vận Tải giai đoạn 2011-2016 và người trực tiếp phụ trách dự án là ông Thứ Trưởng Giao Thông Vận Tải Nguyễn Hồng Trường.
Ông Trường thì đã nghỉ hưu từ năm 2017 trong khi ông Thăng đang nằm trong tù với bản án 30 năm do những sai trái trước khi ông làm bộ trưởng Giao Thông Vận Tải, tức khi còn đứng đầu Tập đoàn Dầu khí Việt Nam. (TN)

Blogger bị chính quyền câu lưu, ép xóa clip cảnh báo khói bụi ở Sài Gòn

Bụi dày đặc tại Sài Gòn hôm 22 Tháng Chín. (Hình: VnExpress)
SÀI GÒN, Việt Nam (NV) – Chiều 22 Tháng Chín, một số blogger trong giới xã hội dân sự đồng loạt loan tin blogger Trần Hoàng Hận “bị công an câu lưu” tại Quận 1 mà không rõ nguyên nhân.
Sau đó, cuối giờ chiều cùng ngày, ông Hận tường trình trên trang cá nhân rằng ông “chạy lòng vòng quay vài đoạn phim để làm clip cảnh báo mọi người hạn chế ra đường trong thời điểm Sài Gòn có bụi mù mịt.”
Tại phố đi bộ Nguyễn Huệ, ông Hận bị một số nhân viên an ninh thường phục chạy đến tấp đầu xe đưa thẻ công an, đòi kiểm tra máy quay, máy điện thoại để xem “quay phim với mục đích gì” và ép buộc ông về công an phường Bến Nghé “làm việc.”
Bụi dày đặc tại Sài Gòn hôm 22 Tháng Chín. (Hình: VnExpress)
Ông Hận viết trên Facebook Tran Hoang Han: “Kiểm tra lại máy quay và máy ghi âm lại chẳng có gì ‘nguy hại’ nhưng mấy anh công an cũng chẳng bằng lòng mà cứ hỏi tại sao lại đi quay và phỏng vấn người dân, rồi đi quay vậy có giấy tờ gì không. Mình cũng trả lời thật là mấy hôm nay thấy khói bụi nhiều nên đi quay để cảnh báo mọi người thôi. Sau một hồi có vẻ cuối cùng mấy anh cũng tin vào sự thật nhưng vẫn sợ bỏ sót gì đó nên bắt mình xoá hết video và file ghi âm. Hoàn cảnh trớ trêu nên đành xóa cho nhanh để được về. Xong mấy anh đòi mình xóa ảnh trong điện thoại nữa, mình đành thêm một lần ngậm ngùi…”
Vụ việc diễn ra trong bối cảnh nhiều người dân Sài Gòn lo âu xen lẫn hoang mang về tình trạng xuất hiện bụi mù dày đặc cho thấy không khí ô nhiễm nặng ở thành phố này nhưng các báo nhà nước chỉ đưa cầm chừng, thậm chí còn “thi vị hóa” khi viết “Sài Gòn có sương mù như Đà Lạt.” Trong khi đó, người dân không thấy đại diện Ủy Ban Nhân Dân thành phố ở Sài Gòn lên tiếng khuyến cáo hay trấn an về tình trạng ô nhiễm, cũng như công bố biện pháp xử lý.
Theo báo Zing hôm 22 Tháng Chín, chỉ số chất lượng không khí AQI tại Sài Gòn “liên tục ở mức trên 150, thuộc nhóm màu đỏ (thang 4 trong 6 thang bậc đo chất lượng không khí theo cách tính của Mỹ)”. Tờ báo dẫn lời bà Lê Thị Xuân Lan, chuyên gia thời tiết: “Khi hơi nước bám vào hạt nhân ngưng kết (khói, bụi) sẽ tạo ra sương mù, tập trung ở tầng thấp khiến người dân dễ hít phải. Sương mù này có hại cho sức khỏe. Ở thành phố mà xuất hiện sương mù nhiều có nghĩa là mức độ ô nhiễm cao. Đừng cho rằng nó đẹp, lãng mạn mà người dân phải cảnh giác, che chắn kỹ khi ra đường.”
Trong khi đó, báo VNExpress cho biết thêm: “Có thông tin lan truyền trên Internet cho rằng khói bụi ô nhiễm ‘là do cháy rừng ở Indonesia khuếch tán sang Việt Nam khiến không khí Sài Gòn và nhiều tỉnh Nam Bộ bị ô nhiễm như đã từng xảy ra vào năm 2015.’ Ông Lê Đình Quyết, phó phòng dự báo Đài Khí Tượng Thủy Văn khu vực Nam Bộ nói: ‘Chưa có căn cứ để xác định tin này. Bởi nếu nguyên nhân từ cháy rừng ở Indonesia thì phía Việt Nam phải quan trắc được hiện tượng sương mù khô. Tuy nhiên, tất cả các trạm quan trắc ở Phú Quốc, Thổ Chu, Côn Đảo trong những ngày qua đều không phát hiện hiện tượng này.’”
Tờ báo cũng đưa cảnh báo rằng chỉ số bụi mịn PM2.5 ở Sài Gòn “được ghi nhận đạt mức 102.7 µg/mét khối, cao gấp bốn lần quy chuẩn quốc gia (25 µg/mét khối) và gần 11 lần mức của Tổ Chức Y Tế Thế Giới (WHO). Theo dự báo của trang AirVisual, ngày 23 Tháng Chín, ô nhiễm không khí tại Sài Gòn “vẫn đang ở mức ô nhiễm (màu đỏ, cam).” (T.K.)

Sứ quán Mỹ nói Việt Nam ‘thành điểm đến hàng đầu buôn ngà voi’

Ngà voi và chế phẩm ngà voi bị tịch thu tại Việt Nam. (Hình: Facebook U.S. Embassy in Hanoi)
HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Hôm 22 Tháng Chín, một post trên fanpage Sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam (U.S. Embassy in Hanoi) gây tranh cãi với nội dung bằng tiếng Việt và tiếng Anh: “Quốc gia nào đang là điểm đến hàng đầu của các hoạt động buôn bán trái phép ngà voi, sừng tê giác và các bộ phận của loài hổ? Đáp án là Việt Nam. Trong thời gian gần đây, Việt Nam đã vượt qua Trung Quốc, trở thành điểm đến hàng đầu thế giới của hoạt động buôn bán ngà voi bất hợp pháp. Việt Nam cũng là điểm đến hàng đầu của sừng tê giác và các bộ phận của loài hổ, đồng thời là một trong số những thị trường tiêu thụ tê tê lớn nhất thế giới.”
Tuy post nêu trên không ghi nguồn, nhưng dựa vào các từ khóa trong bản tin này, người ta có thể tìm thấy một bản phúc trình bằng tiếng Anh trên trang web của Enviromental Investigation Agency (EIA, Tổ Chức Điều Tra Môi Trường): “Bản đồ về các vụ tịch thu ngà voi của chúng tôi, được cập nhật trước Hội Nghị các bên tham gia Công Ước Quốc Tế Về Buôn Bán Các Loài Có Nguy Cơ Tuyệt Chủng (CITES) cho thấy có 175 vụ thu giữ ngà voi quy mô lớn (500 kg trở lên) diễn ra từ năm 2000 đến Tháng Ba, 2019… Đáng lưu ý, chi tiết quan trọng từ bản đồ này là Việt Nam đã vượt qua Trung Quốc để trở thành điểm đến hàng đầu thế giới về buôn ngà voi bất hợp pháp, với 38 vụ thu giữ ngà voi quy mô lớn trong giai đoạn nêu trên. Trong số các vụ này, hồi Tháng Ba, 2019, hơn chín tấn ngà voi đã bị tịch thu tại Hải Phòng, là vụ thu giữ lượng ngà voi lớn nhất thế giới ở thời điểm đó. Các quốc gia, vùng lãnh thổ xếp sau Việt Nam về các vụ bắt giữ ngà voi quy mô lớn lần lượt là: Hồng Kông (17 vụ), Kenya (14 vụ), Trung Quốc đại lục (12) và Thái Lan (11)…”
Liên quan vụ này, báo điện tử Pháp Luật Việt Nam hôm 25 Tháng Tám tường thuật: “So với khối lượng hơn 53 tấn ngà voi bị thu giữ trong giai đoạn 2010 – 2018 và đang tiếp tục tăng thì số lượng vụ tiêu hủy ngà voi ở Việt Nam còn chưa tương xứng. Việc tiêu hủy ngà voi cần trở thành một thông lệ và được tiếp nối bằng các hành động quyết tâm tiếp theo để tránh dư luận cho rằng sự kiện này chỉ có ý nghĩa ‘phô diễn’ trước thềm một sự kiện quốc tế quan trọng. Trong bối cảnh Việt Nam bị cộng đồng quốc tế đánh giá vừa là thị trường tiêu thụ và địa bàn trung chuyển ngà voi đặc biệt quan trọng, việc xử lý nghiêm các đối tượng phạm tội và tuyên tiêu hủy ngà voi sẽ góp phần khẳng định quyết tâm triệt phá các đường dây tội phạm buôn bán ngà voi trái phép của Việt Nam.”
Bài viết trên trang U.S. Embassy in Hanoi. (Hình chụp qua màn hình)
Trong một diễn biến khác, hồi trung tuần Tháng Bảy, 2019, hãng tin Reuters của Anh Quốc cho hay: “Singapore thu giữ 8.8 tấn ngà voi đang trên đường vận chuyển tới Việt Nam từ Cộng Hòa Dân Chủ Congo. Ước tính số ngà voi này trị giá lên đến $12.9 triệu và có nguồn gốc từ 300 con voi Châu Phi. Ngoài ra, lô hàng còn bao gồm 11.9 tấn vảy tê tê, trị giá hơn $35.7 triệu. Tê tê là một trong những loài động vật có vú bị săn bắt nhiều nhất trên thế giới. Thịt của loài động vật này được xem là đặc sản ở Việt Nam và Trung Quốc, còn vảy thì được đem đi làm thuốc đông y, dù lợi ích của nó vẫn còn gây nhiều tranh cãi.” (T.K.)

Một gia đình suốt 44 năm sống trên nóc nhà vệ sinh giữa phố cổ Hà Nội

Túp lều 8 mét vuông trên nóc nhà vệ sinh công cộng của vợ chồng ông Hải. (Hình: VNExpress)
HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Khó có ai nghĩ rằng, giữa lòng phố cổ Hà Nội “sầm uất và náo nhiệt” lại có một gia đình phải sống trong túp lều chưa đầy 10 mét vuông được cất ngay trên nóc nhà vệ sinh tập thể của sáu căn hộ trong hẻm nhỏ.
Theo báo VNExpres ngày 21 Tháng Chín, 2019, chính xác diện tích “nhà” của ông Nguyễn Phùng Hải (80 tuổi) và vợ là bà Nguyễn Thị Xâm (70 tuổi) cùng cô con gái (26 tuổi) chỉ rộng có 8 mét vuông, được dựng trên nóc nhà vệ sinh công cộng chung của sáu căn hộ bên dưới trong một con hẻm nhỏ ở giữa phố Hàng Bạc, quận Hoàn Kiếm (Hà Nội).
Vách nhà là những tấm tôn, quây tạm bợ, chắp vá, lâu ngày hoen gỉ tạo thành những lỗ thủng nhỏ. Bên trong nhà tăm tối và xập xệ, tường bong tróc từng mảng, chất đầy đồ đạc cũ kỹ.
Trời nắng, những bữa cơm trưa thường bị cả nhà bỏ dỡ giữa chừng vì vừa bê bát cơm lên thì mùi xú uế từ dãy nhà vệ sinh bên dưới xộc thẳng vào mũi khiến mọi người không thể ăn tiếp.
Còn những hôm trời mưa, nước từ mái tôn dột chảy ồ ạt vào trong nhà, bà Xâm phải liên tục dùng chổi quét nước ra ngoài. “Không quét nhanh, nước lên có lần cao đến 20 cm. Nếu mưa cả đêm thì phải thức theo mưa mà quét nước,” bà Xâm nói.
“Giường” ngủ của bà Xâm và cô con gái là chiếc chiếu phủ lên trên một tấm gỗ ngang một mét, dài một mét rưỡi. Dưới tấm gỗ mục là lớp gạch ẩm ướt, cũng chính là mái của nhà vệ sinh.
Những bữa cơm trưa thường bị bỏ dở giữa chừng vì mùi xú uế từ dãy nhà vệ sinh bên dưới xộc thẳng lên mũi. (Hình: VNExpress)
Kể với báo VNExpress, ông Hải cho biết năm 1975, con hẻm này chỉ có gia đình ông sinh sống, sau có thêm mấy gia đình nữa. Do lúc đó còn độc thân không muốn làm phiền gia đình, thấy nóc nhà vệ sinh công cộng có thể tận dụng được để ở nên ông dọn lên.
“Hồi đó tôi chỉ ở khoảng 3 mét vuông, lợp mái tôn và vách là cót ép, giấy dầu. Năm 1989 lấy vợ, nhà có thêm người nên cơi nới ra bằng diện tích như bây giờ,” ông Hải nói.
Bà Xâm gốc nông dân ở vùng lân cận, lấy ông Hải lúc đã 39 tuổi. “Qua mai mối nên tôi cũng chẳng biết nhà cửa ông ấy ra sao. Đón dâu về, trèo lên nóc nhà vệ sinh, tôi hoảng hồn. Đời mình ra tóp rồi. Phòng cưới gì mà dột nát, tạm bợ, xung quanh dây dưa lê và cỏ mọc xanh rợp,” bà Xâm nhớ lại.
Đêm tân hôn, bà Xâm nhất quyết không ngủ với chồng mà đi ngủ nhờ. Hôm sau bà bỏ đi, nhưng nghĩ lại “giàu nghèo gì đó cũng là chồng mình” nên trở về với ông Hải. Và kể từ ngày đó, bà chẳng dám mời họ hàng lên chơi vì xấu hổ. Cả hai người con của ông bà sau này cũng chưa từng mời bạn bè về nhà chơi.
Ở trên nóc khu vệ sinh nên hầu như lúc nào nhà ông Hải cũng phảng phất mùi xú uế, nhất là khi trời nắng nóng. Ngày nào hai ông bà cũng thay nhau dội nước, quét nhà vệ sinh chung bên dưới để mong nhà mình ở trên bớt ô nhiễm, hôi hám.
Chưa hết, khổ nhất là mùa Hè với cái nắng nóng hầm hập ở Hà Nội, buộc ông Hải phải dành vài tiếng vào buổi chiều để hất nước lên tường nhà vệ sinh bên dưới cho mát.
Điều làm ông Hải an tâm là không lo bị ai kiện cáo và bị nhà nước giải tỏa. (Hình: VNExpress)
Nói với báo VNExpress, hai vợ chồng ông cũng ao ước có một căn nhà đàng hoàng hơn. Tuy nhiên, cuộc sống giờ phụ thuộc vào cậu con trai lớn đã ra ở riêng, trong khi đó ông Hải bơm vá xe ngoài phố chỉ kiếm được vài ngàn đồng mỗi ngày, bà Xâm từng bán bún riêu nhưng bốn năm nay nghỉ vì nhiều thứ bệnh nên ước mơ về ngôi nhà mới dường như là không tưởng.
“Thằng cả cũng có ý định gom góp mua chúng cư rồi đón bố mẹ về ở chung, nhưng chưa chắc chúng tôi đã chuyển đi. Vợ chồng tôi muốn được tự do hơn là làm phiền con cháu,” ông Hải tự an ủi.
Dù là “nhà” trên nóc nhà vệ sinh, nhưng ông Hải không lo bị ai tranh giành, kiện cáo hay bị nhà nước giải tỏa lấy đất như nhiều người dân ở Việt Nam đang bị: “Có ai đi kiện cái người ở trên nóc chuồng xí không?” ông Hải cười buồn nói.
Bà Hồ Thị Minh, hàng xóm của ông Hải cho hay gia đình ông Hải thuộc gia đình nghèo đã nhiều năm, đến tận năm ngoái mới thoát nghèo vì các con đã lớn và đi làm có thu nhập. “Đây là gia đình duy nhất trong tổ với gần 1,000 gia đình phải sống trên nóc nhà vệ sinh công cộng. Và có thể ở Hà Nội này không có trường hợp thứ hai,” bà Minh cho biết thêm. (Tr.N)