Tuesday, February 19, 2019

Nhân viên phi trường Đà Nẵng bị tố ném hành lý của khách đi máy bay

Hai nhân viên của Công ty cổ phần phục vụ mặt đất Sài Gòn (SAGS) chi nhánh Đà Nẵng nhiều lần quăng hành lý của khách. (Hình: VNExpress cắt từ video clip)
ĐÀ NẴNG, Việt Nam (NV) – Trong lúc vận chuyển hành lý ký gửi từ máy bay xuống thùng hàng, hai nhân viên mặt đất nhiều lần quăng các thùng, gói hàng của hành khách  như đồ bỏ, khiến dư luận tức giận.
Ngày 19 Tháng Hai, 2019, ông Bùi Quốc Anh, giám đốc Công Ty Cổ Phần Phục Vụ Mặt Đất Sài Gòn (SAGS) chi nhánh Đà Nẵng, xác nhận sự việc với báo VNExpress và cho biết “đã kỷ luật cảnh cáo trước toàn công ty hai nhân viên không tuân thủ đúng quy trình phục vụ chuyến bay. Nhân viên vi phạm này cũng bị xếp loại lao động kém trong Tháng Hai. Nếu tái phạm chúng tôi sẽ buộc thôi việc,” ông Anh nói.
Trước đó, ngày 16 Tháng Hai, chuyến bay VJ645 đáp xuống phi trường quốc tế Đà Nẵng. Các nhân viên của SAGS đảm nhận việc vận chuyển hành lý ký gửi từ máy bay xuống thùng hàng để đưa vào xe nâng di chuyển đến băng chuyền để khách nhận.
Chiếc vali của anh Thể bị vỡ, hư không xài được nữa buộc phải bỏ quần áo vào bịch nylon để xach về nhà. (Hình: Pháp Luật TP.HCM)
Trong quá trình bốc xếp, hai nhân viên trên nhiều lần quăng các thùng, gói hàng lớn nhỏ của khách như đồ bỏ. Hành động trên bị khách hàng quay video clip lại, chia sẻ lên trang mạng xã hội  “Quản lý đô thị Đà Nẵng: Tiện nghi – Xanh – Sạch – Đẹp” kèm theo lời bày tỏ “Nhân viên bốc xếp quá coi thường hành lý và ký gửi của khách hàng không ra gì. Chỉ mạnh tay vứt mạnh và lia đi không sắp xếp gọn lại.”
Đoạn clip sau khi được đăng đã nhận hàng trăm bình luận của người dân, đa số chỉ trích thái độ làm việc thiếu trách nhiệm của nhân viên phi trường Đà Nẵng.
“Khi làm tường trình, hai nhân viên thừa nhận họ không làm đúng theo hướng dẫn của công ty,” ông Anh nói và cho rằng “Đây là lần đầu tiên xảy ra, hành vi của các nhân viên trên là bộc phát chứ không phải do áp lực công việc quá gấp gáp về thời gian.Hành khách trên chuyến bay và hãng hàng không cũng không có phản hồi về việc hành lý bị rách, vỡ.”
Theo Báo Pháp Luật TP.HCM, trước đó, khuya 30 Tháng Giêng, 2019,  anh Nguyễn Đại Thể (quê Quảng Nam) đi chuyến bay VJ1622 của Hãng Hàng Không VietJet từ Sài Gòn về Đà Nẵng để về quê ăn Tết. Khi nhận hành lý ký gửi, anh Thể bất ngờ thấy vali của mình bị vỡ nát, quần áo đồ dùng rơi ra ngoài, nhiều tài sản bị mất. Tức giận, anh Thể phản ánh sự việc với hãng bay thì được nhận đền bù 760,000 đồng (gần $33) để rồi phải bỏ quần áo, đồ dùng vào bịch nylon mang về nhà.
Sau khi báo chí loan tin, nhiều người bất bình lên tiếng, đề nghị hãng hàng không đuổi việc trực tiếp các nhân viên này, thái độ làm việc thiếu tinh thần trách nhiệm. Khách hàng đã than phiền nhiều về thái độ và phong cách làm việc cùa nhân viên phi trường  từ nhiều năm nay rồi chứ không phải chỉ một vài lần.
“Không phải lần đầu đâu, chỉ là lần đầu tiên bị quay video clip lại thôi!” bạn Hùng Nguyen nhận định trên Báo VNExpress.
“Bị quay clip nên kỷ luật cho có thôi, chứ quăng thùng thì mới bị bể, rách để có cớ đổ thừa khi hành khách nói mất hành..lý chớ,” bạn Võ Cầm bình luận.
Trong khi đó, bạn Trần Hoàng Nhân châm biếm: “Xin rút kinh nghiệm lần sau không để video clip như vầy lộ ra ngoài ạ!” (Tr.N)

Lãnh đạo UBND Quận 1 trần tình việc dời lư hương

"Cẩu" lư hương ở tượng Hưng Đạo, Bến Bạch Đằng. (Hình: Facebook Võ Văn Tạo)
SÀI GÒN, Việt Nam (NV)- Bí thư Quận ủy Quận 1 (TP. HCM) bà Trần Kim Yến hôm 18 Tháng Hai cho hay việc dời lư hương dưới chân tượng Đức Thánh Trần Hưng Đạo là “bình thường và hợp lý.”
Trả lời báo chí, bà nói thêm về quyết định chuyển việc dâng hương, dâng hoa dưới tượng Đức thánh Trần Hưng Đạo ở Bến Bạch Đằng về Đền thờ Đức thánh Trần Hưng Đạo (số 36 Võ Thị Sáu, P. Tân Định) nằm trong kế hoạch tu sửa Quận 1 sau Tết.
Theo bà, việc đặt lư hương giữa công viên để thờ phụng là không đúng với tâm linh của người dân.
Khu vực tượng đài chỉ là nơi tham quan, trong khuôn viên này mà đặt lư hương thì không phù hợp. Việc thờ phụng nên được đặt ở đình, đền, chùa sẽ đúng hơn. Đó là việc bình thường và hợp lý,” mạng báo Dân Trí dẫn lời bà Yến.
Bài viết trên báo Thanh Niên trích nguyên văn lời bà Kim Yến: “Tuy nhiên các địa điểm này cũng thường được một số đối tượng thường chọn. Ngày hôm qua (ngày 17.2 – PV) ở trước vị trí tượng Đức thánh Trần Hưng Đạo cũng được trang trí lại để trở thành một thắng cảnh cho người dân đến đây tham quan. Về việc thờ cúng, dâng hương, dâng hoa, chúng tôi thực hiện chủ trương đưa việc thờ cúng đó về Đền thờ Đức thánh Trần Hưng Đạo cũng ở địa bàn quận.
Bà Yến cho hay công việc di dời lư hương trước tượng Trần Hưng Đạo đã được hoàn thành vào ngày 17 Tháng Hai. Lời của bà Kim Yến trùng khớp với lời của một người dân làm nghề bánh thuốc lá dạo ở khu vực Bến Bạch Đằng, nơi đặt tượng Đức Thánh Trần Hưng Đạo nói với nhật báo Người Việt vào tối ngày 18 Tháng Hai. Theo lời của người phụ nữ này, lư hương dưới chân tượng Trần Hưng Đạo đã được cẩu đi từ mấy ngày trước. Tuy nhiên, không hiểu vì lý do gì đúng ngày 17 Tháng Hai, mạng xã hội đã xuất hiện tấm ảnh gây sự phẫn nộ rộng khắp dư luận.
Cho dù là vì lý do gì, hay thời gian nào, thì hành động lấy đi chiếc lư hương cũng bị mọi người phản ứng lên án mạnh mẽ và gọi đó là hành động bất nghĩa với tiền nhân.
Hiện tại có rất nhiều đề nghị được đưa lên mạng xã hội kêu gọi các lãnh đạo thành phố phải trả lư hương về đúng vị trí ban đầu, thậm chí có nhiều lời đề nghị đối chất với bà Trần Kim Yến. (K.L)

Nhập sai thiết bị Trung Quốc, nhà máy gang thép Thái Nguyên thành sắt vụn

Toàn cảnh dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 Công ty Gang thép Thái Nguyên. (Hình: NAM TRẦN/Tuổi Trẻ.)
THÁI NGUYÊN, Hà Nội (NV) – Thanh tra chính phủ hôm 18 Tháng Hai công bố kết luận thanh tra dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 Công ty Gang thép Thái Nguyên, gọi tắt là TISCO.
Một trong những sai phạm nghiêm trọng bị Thanh tra Chính phủ chỉ ra là nhiều loại thiết bị được nhập với trị giá hàng triệu USD nhưng sai chủng loại.
Hiện nay, tuy nhà thầu Trung Quốc đã rút người về sau khi nhận hơn 90% tiền của chủ đầu tư thanh toán nhưng nhà máy vẫn chỉ là đống sắt nằm im lìm.
Theo kết luận thanh tra, từ Tháng Mười, 2004, TISCO được đầu tư tổng số tiền hơn 4,500 tỉ đồng và tổng dư nợ gốc, lãi vay ngân hàng gần 3.900 tỉ. Hiện lãi vay của dự án này vẫn phải trả 40 tỉ/tháng.
Mặc dù được rót vào số tiền hơn 4,500 tỉ đồng nhưng hiện tại xung quanh nhà máy gang thép Thái Nguyên cỏ dại mọc um tùm, khắp nơi là ống thép, khung nhà, thiết bị dở dang. Từ nhiều năm nay nhà máy này trong tình trạng “đắp chiếu”, các thiết bị được đầu tư mua tiền tỉ về lắp đặt nay chịu cảnh gỉ sét.
Thêm vào đó, một trong những sai phạm đặc biệt nghiêm trọng nữa được Thanh tra Chính phủ chỉ ra là tổng mức đầu tư của dự án được điều chỉnh tăng thêm hơn 4.200 tỉ đồng thiếu cơ sở căn cứ pháp lý.
Cách đây khoảng hai năm, báo trong nước có loan tin về biệt phủ của ông Trần Văn Khâm vốn là lãnh đạo chủ chốt của Công ty CP Gang thép Thái Nguyên.
Căn biệt thự đồ sộ, cao năm tầng, được người dân xem là “to nhất vùng” ở thành phố Thái Nguyên của ông Trần Văn Khâm – bí thư Đảng ủy Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên xây từ năm 2013, bị yêu cầu dỡ bỏ phần sai phép nhưng đến nay vẫn sừng sững tồn tại mà không bị “sờ gáy.” (K.L)