Tuesday, April 18, 2017

Vụ Đồng Tâm: Chính quyền tham nhũng nhưng vẫn muốn giữ thể diện

Cảnh sát cơ động – một trong những lực lượng đang vây chặt xã Đồng Tâm và có nhiều khả năng sẽ được “triển khai để ổn định tình hình an ninh, trật tự” ở xã này. (Hình: Internet)
HÀ NỘI (NV) – Theo một thông báo do Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội phát hành ngày 18 tháng 4, giới hữu trách sẽ “triển khai các biện pháp ổn định tình hình an ninh, trật tự” ở xã này.
Không có tham nhũng và trấn áp, chỉ “buông lỏng quản lý về đất đai”
Trong thông báo vừa kể, lần đầu tiên, giới hữu trách ở thành phố Hà Nội chính thức thừa nhận, vụ nổi loạn ở xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, thành phố Hà Nội (bắt giữ cảnh sát cơ động, công an và viên chức địa phương, rào làng, đòi phóng thích những người bị bắt giữ trái phép), kéo dài suốt từ ngày 15 tháng 4 đến nay là do các viên chức chính quyền địa phương “buông lỏng quản lý về đất đai”.
Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội cho biết vì sai phạm đó, hệ thống Đảng đã khai trừ 8, cách chức 1, cảnh cáo 5, khiển trách 5 đảng viên. Trong số này có Bí thư, Chủ tịch, Phó Chủ tịch, Trưởng Công an xã. Hệ thống bảo vệ pháp luật cũng đã khởi tố ba bị can rồi tạm giam hai là cựu Chủ tịch xã, cựu cán bộ Địa chính xã. Riêng cựu Bí thư xã thì đang được tại ngoại vì lý do sức khỏe.
Đáng lưu ý là thông cáo của Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội không đề cập đến lý do khiến Bí thư xã, Chủ tịch xã và cán bộ Địa chính xã bị khởi tố. Tố cáo của dân chúng xã Đồng Tâm cho thấy đó là tham nhũng và vụ tham nhũng này được cả hệ thống bao che.
Hôm 17 tháng 4, người sử dụng Internet tại Việt Nam đã chuyển cho nhau một video clip, ghi lại cuộc trao đổi giữa một cụ ông với nhiều viên chức, sĩ quan quân đội và phóng viên, giải thích tại sao dân chúng xã Đồng Tâm lại chống việc “cưỡng chế, thu hồi đất quốc phòng”.
Trong video clip dài 16 phút được cho biết là đã thực hiện hồi cuối năm 2016 này, cụ ông vừa kể cho biết, dân xã Đồng Tâm chịu nhiều thiệt thòi vì liên tiếp bị thu hồi đất với diện tích rất lớn mà không hề được bồi thường: Thập niên 1960, xã Đồng Tâm mất 300 héc ta đất vì chính quyền Việt Nam muốn xây dựng một trường bắn (trường bắn Miếu Môn). Thập niên 1980, xã Đồng Tâm mất thêm khoảng 54 héc ta đất nữa vì chính quyền Việt Nam muốn xây thêm một phi trường quân sự tại đó (phi trường Miếu Môn). Tuy nhiên kế hoạch xây dựng phi trường quân sự bất thành. Do thiếu đất canh tác, dân chúng xã Đồng Tâm đã thỏa thuận với Lữ đoàn 28 thuộc Quân chủng Phòng không – Không quân (phía được giao quản lý 54 héc đất bị thu hồi) xin thuê đất để trồng trọt. Lữ đoàn 28 “phát canh, thu tô” ổn định suốt từ đó đến nay.
Cụ ông khẳng định, dân chúng xã Đồng Tâm chưa bao giờ chiếm dụng “đất quốc phòng” dù xét về nguồn gốc, “đất quốc phòng” chính là đất của họ và thu hồi xong, chính quyền để hoang, không thực hiện bất kỳ “dự án an ninh, quốc phòng” nào, thậm chí còn “phát canh, thu tô”.
Đáng lưu ý là năm 2007, Lữ đoàn 28 đã hoàn tất thủ tục giao lại 6.78 héc ta trong số 54 héc ta từng bị trưng dụng cho chính quyền huyện Mỹ Đức. Lữ đoàn 28 chỉ giữ lại 47.3 héc ta đất đã trưng dụng của xã Đồng Tâm. Cụ ông khẳng định, dân chúng xã Đồng Tâm không hề đòi hay đụng đến 47.3 héc ta đang nằm dưới quyền kiểm soát. Họ chỉ khiếu nại, đòi công bằng đối với việc sử dụng 6.78 héc ta đã được Lữ đoàn 28 giao lại.
Mảnh đất diện tích 6,78 héc ta đó đã được chính quyền xã, huyện “hoàn trả” một cách bất minh cho hàng loạt người được cụ ông hài tên một cách rành rọt. Nhiều người trong số này vốn chỉ bị trưng dụng một vài trăm mét vuông đã được hoàn trả tới… vài chục ngàn mét vuông. Mảnh đất diện tích 6,78 héc ta đã được phân lô bán cho nhiều người. Người mua có đầy đủ giấy tờ chứng minh họ đã thực hiện các nghĩa vụ về thuế, phí…
Năm 2016, sau khi thanh tra theo “khiếu nại, tố cáo” của dân chúng xã Đồng Tâm, chính quyền thành phố Hà Nội thông báo “thu hồi” 6.78 héc ta với lý do đó là “đất quốc phòng” để giao cho Viettel – một tập đoàn viễn thông của Bộ Quốc phòng Việt Nam.
Trong video clip, cụ ông nêu ra hàng loạt thắc mắc. Tại sao lại xác định 6.78 héc ta ấy là “đất quốc phòng” khi Lữ đoàn 28 đã tổ chức giao lại từ năm 2007? Nếu 6.78 héc ta đất này là “đất quốc phòng”, tại sao Bộ Quốc phòng không giao trực tiếp cho Viettel mà phải nhờ chính quyền thành phố Hà Nội tổ chức “cưỡng chế, thu hồi”? “Cưỡng chế, thu hồi” xong thì trách nhiệm của những viên chức từ xã, huyện đến thành phố đã tham gia phân chia mảnh đất này một cách bất minh sẽ được thực hiện ra sao?…
Cũng theo lời cụ ông, chính quyền thành phố Hà Nội đã từng tổ chức “cưỡng chế, thu hòi” 6,78 héc ta “đất quốc phòng” hôm 14 tháng 10 năm 2016. Tuy nhiên 600 thành viên của lực lượng vũ trang, bao gồm cả công an, bộ đội, không hoàn thành nhiệm vụ vì dân chúng xã Đồng Tâm phản ứng quyết liệt.
Ngày 16 tháng 4, chính quyền thành phố Hà Nội mời cụ ông đã từng đứng ra tố cáo như vừa kể và một số người khác đến chứng kiến việc “phân ranh, cắm mốc” xác định lại diện tích “đất quốc phòng”. Tất cả những người được mời đều đã bị bắt, bị khởi tố vì “gây rối trật tự công cộng” và đó là giọt nước làm tràn ly: Dân Đồng Tâm nổi loạn…
Dường như nội dung thông cáo mà Ban Tuyên gíao Thành ủy Hà Nội phát hành ngày 18 tháng 4 chỉ đề cập đến việc xử lý kỷ luật các viên chức cấp xã “buông lỏng quản lý về đất đai” là nhằm khẳng định, việc cưỡng chế, thu hồi đất vẫn đúng bởi đó là “đất quốc phòng”.
Thông cáo này xác định, tố cáo của dân chúng xã Đồng Tâm đề cập đến “48 nội dung liên quan đến các cá nhân và chính quyền các cấp”. Trong đó chỉ “25 nội dung có cơ sở, 23 nội dung không có cơ sở”. Chính quyền huyện Mỹ Đức đã “giải quyết khẩn trương, nghiêm túc, có trách nhiệm” nhưng còn nhiều nội dung chưa được dân chúng đồng tình nên chính quyền thành phố Hà Nội đã giải quyết “15 nội dung công dân còn chưa đồng thuận”.
Cũng theo thông báo thì ngày 31 tháng 10 năm ngoái, chính quyền thành phố Hà Nội đã kết luận “15 nội dung công dân còn chưa đồng thuận” đều “không có cơ sở để giải quyết” và họ đã giao cho chính quyền huyện Mỹ Đức “tuyên truyền, giải thích để công dân rõ và chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật”.
Thông báo liệt kê hàng loạt các cuộc phản kháng từ đó đến nay và tiết lộ thêm, không chỉ có công an khởi tố vụ án “gây rối trật tự công cộng” mà Cục Điều tra hình sự của Bộ Quốc phòng cũng đã khởi tố hai vụ án “chống người thi hành công vụ” và “vi phạm các quy định về sử dụng đất đai” xảy ra ở xã Đồng Tâm!
Chỉ muốn giữ thể diện, không ngại đổ máu
Tại cuộc họp báo do Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội tổ chức, ông Bạch Thành Định, Phó Giám đốc Công an thành phố Hà Nội, thông báo với báo chí rằng đã có 15 cảnh sát cơ động được dân xã Đồng Tâm phóng thích. Lần đầu tiên, phía Công an thành phố Hà Nội công bố số con tin bị dân xã Đồng Tâm bắt giữ là 38 người.
Theo ông Định thì ngoài 15 cảnh sát cơ động được phóng thích, có 3 “tự giải cứu”, số con tin hiện chỉ còn 20 và giới hữu trách đang vận động để “nhân dân sớm trao trả những người này”.
Tuy việc trả tự do cho bốn người dân xã Đồng Tâm bị bắt giữ hôm 15 tháng 4, diễn ra song song với việc dân chúng xã Đồng Tâm phóng thích 15 cảnh sát cơ động song Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội và Công an thành phố Hà Nội cùng nhấn mạnh, đó không phải “trao đổi” mà chỉ là “thay đổi biện pháp ngăn chặn” (cho tại ngoại) vì cả bốn “đã nhận thức được hành vi sai trái của mình”.
Trong ngày 18 tháng 4 còn một điểm đáng chú ý khác là luật sư Trần Vũ Hải tự xóa thông tin ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch thành phố Hà Nội hứa sẽ đến Đồng Tâm đối thoại với những người nổi loạn trên trang facebook của luật sư Hải.
Luật sư Hải cho biết, ông Chung yêu cầu ông xóa thông tin ấy vì ông Chung không hứa như vậy. Luật sư Hải nhấn mạnh, ông xóa thông tin đó vì “tôn trọng ông Chung”, dù luật sư Lê Văn Luân (người nói chuyện với ông Chung qua điện thoại) và nhiều người dân cùng nghe rất rõ những gì hai bên trao đổi qua điện thoại đã được mở speaker phone.
Trong thông báo phát hành ngày 18 tháng 4, Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội xác định, việc chống cưỡng chế thu hồi đất và nổi loạn tại Đồng Tâm “là những hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng, cần phải xử lý nghiêm minh, không để ảnh hưởng đến tư tưởng trong cán bộ và nhân dân huyện Mỹ Đức nói riêng, thành phố Hà Nội nói chung, gây xáo trộn, hoang mang tư tưởng, chia rẽ nội bộ nhân dân”.(G.Đ)

Phi trường Đà Nẵng thăng chức cho đội trưởng ‘chôm’ tiền của khách

Cảng Hàng Không Quốc Tế Đà Nẵng. (Hình: toancauthinh.com)
ĐÀ NẴNG, Việt Nam (NV) – Ông đội trưởng Đội An Ninh Soi Chiếu phi trường Đà Nẵng dù bị kỷ luật do lấy tài sản của hành khách vẫn được đề bạt lên phó giám đốc Trung Tâm Huấn Luyện Đào Tạo thuộc Cảng Hàng Không Quốc Tế Đà Nẵng.
Nói với báo Pháp Luật TP.HCM chiều 17 Tháng Tư, ông Đoàn Thanh Phương, phó giám đốc Cảng Hàng Không Quốc Tế Đà Nẵng, cho biết Tổng Công Ty Cảng Hàng Không Việt Nam (ACV) vừa quyết định kỷ luật ông Nguyễn Tiến Thắng, phó giám đốc Trung Tâm Huấn Luyện Đào Tạo, vì đầu năm 2016, có hành khách nữ bỏ quên tài sản với số tiền khoảng 10 triệu đồng và mấy trăm đô la. Sau đó, một người nhặt được đem giao nộp cho an ninh phi trường.
Theo quy trình, số tài sản trên phải giao nộp cho bộ phận xử lý của phi trường, nhưng ông Thắng lúc đó là đội trưởng Đội An Ninh Soi Chiếu lại ém giữ luôn số tài sản này. Sau khi có khiếu nại từ hành khách, cảng Đà Nẵng kiểm tra và ông thừa nhận sự việc, đồng thời giao lại tài sản cho công an giải quyết theo quy định.
Sau vụ việc, hội đồng kỷ luật ACV quyết định kỷ luật ông Thắng “cảnh cáo về mặt đảng, khiển trách về mặt chính quyền.” Thế nhưng, sau khi bị kỷ luật ông này lại được đề bạt lên làm phó giám đốc Trung Tâm Huấn Luyện Đào Tạo thuộc cảng này.
Trả lời việc bổ nhiệm này, ông Phương cho rằng, việc bổ nhiệm ông Thắng đã tiến hành vào Tháng Giêng, 2016. Trong khi đó, sai phạm của ông này đến Tháng Tám, 2016, mới phát hiện ra.
“Ông Thắng có bản chất rất tốt, không có gì cả, còn quá trình xử lý nhiệm vụ sai thì bị kỷ luật. Còn việc lên chức, thấy nhu cầu lúc đó cần, mà ông Thắng đang là giáo viên ở đó, rất giỏi, quá trình phấn đấu tốt thì tập thể bầu lên vị trí đó. Điều kiện cần và đủ thì ông Thắng đều đáp ứng chứ không phải chuyện ba lăng nhăng để lên chức,” ông nói thêm.
Nói về các quy định liên quan sai phạm của ông, ông Lê Cao, Đoàn Luật Sư Đà Nẵng, cho rằng việc xử phạt kỷ luật ông Thắng như vậy là quá nhẹ, không đủ sức răn đe. “Theo tôi hành vi của ông Thắng khi giữ lại tài sản thất lạc của khách đã có dấu hiệu cấu thành tội tham ô tài sản,” ông nói. (Tr.N)

Đồng Tâm: Thả 15 cảnh sát đổi lấy 4 người dân ‘tại ngoại’

Cảnh công an tháo chạy sau khi dàn lực lượng đàn áp nhưng bị người dân dùng gạch đá phản công. (Hình: cắt từ clip trên Facebook)
HÀ NỘI (NV) – Người dân xã Đồng Tâm chấp thuận đề nghị của nhà cầm quyền thành phố Hà Nội là thả 4 người dân xã này bị bắt để đổi lấy 18 nhân viên công lực, trong đó có 15 cảnh sát cơ động, bị dân địa phương bắt giữ làm con tin, và thảo luận tiếp để thả 20 người còn lại.
Nhiều báo chí chính thống của nhà cầm quyền CSVN loan tin hôm Thứ Ba, 18 Tháng Tư 2017 là sau các cuộc điều đình nhằm chấm dứt sự đối đầu của dân chúng xã Đồng Tâm huyện Mỹ Đức, nhà cầm quyền đã nhượng bộ bằng cách cho tại ngoại 4 người bị chính quyền bắt giam 4 ngày trước đó để dân địa phương thả 15 Cảnh sát Cơ động và 3 viên chức khác.
Không thấy nói rõ rệt về 3 người vừa kể, nhiều phần là cấp chỉ huy công an thành phố và huyện Mỹ Đức như tin tức “lề trái” mấy bữa trước có đề cập. Đồng thời với việc trao đổi ‘tù binh,’ nhà cầm quyền cũng loan báo việc trừng phạt đối với một số viên chức và công an xã Đồng Tâm liên quan đến các khiếu kiện và chống đối.
Ngày 15 Tháng Tư 2017, nhà cầm quyền huyện Mỹ Đức đưa lực lượng tới bắt 4 người dân xã Đồng Tâm, cáo buộc những người này “gây rối trật tự công cộng” bắt nguồn từ sự chống đối cưỡng chế đất ở đây vốn đã kéo dài từ lâu. Phản ứng lại, dân chúng đã bắt giữ 38 người, phần lớn là Cảnh Sát Cơ động, số còn lại là Công an thành phố và viên chức của huyện Mỹ Đức.
Hiện nhà cầm quyền thành phố Hà Nội đang điều đình để dân xã Đồng Tâm thả 20 người còn đang bị dân giam giữ làm con tin, vẫn chưa có tin tức. Trên báo đài chính thống tại Việt Nam, người ta vẫn thấy những cả quyết là người dân “giam giữ trái phép” cảnh sát cơ động, công an.
Cơ quan tuyên truyền của thành phố vẫn rao rằng “hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng, cần xử lý nghiêm, không để ảnh hưởng đến tư tưởng trong cán bộ và nhân dân huyện Mỹ Đức nói riêng, thành phố Hà Nội nói chung, gây xáo trộn, hoang mang, chia rẽ nội bộ nhân dân”. (TN)

Giả hồ sơ hỗ trợ ngư dân Bình Định để chiếm đoạt hàng trăm tỷ đồng

Không đánh bắt xa bờ nhưng nhiều tàu cá ở Bình Định vẫn “bùa” hồ sơ để chiếm đoạt tiền hỗ trợ nhiên liệu từ ngân sách. (Hình: Báo Người Lao Động)
BÌNH ĐỊNH, Việt Nam (NV) – Chính quyền tỉnh Bình Định đang điều tra vụ lợi dụng chính sách hỗ trợ hoạt động khai thác thủy sản của ngư dân để chiếm đoạt hàng trăm tỷ đồng từ ngân sách nhà nước.
Ngày 17 Tháng Tư, nói với báo Người Lao Động, ông Trần Văn Sang, viện trưởng Viện Kiểm Sát tỉnh Bình Định, cho biết cơ quan này vừa khởi tố vụ án đối với nhiều người, chủ yếu là “cò” hồ sơ giấy tờ và chủ tàu cá ở huyện Hoài Nhơn và thành phố Quy Nhơn “có hành vi giả mạo giấy tờ của cơ quan nhà nước để chiếm đoạt tiền hỗ trợ nhiên liệu tàu cá đánh bắt xa bờ.”
“Về cơ bản, tính chất những vụ án này giống nhau, các đối tượng cùng có thủ đoạn làm giả hồ sơ để chiếm đoạt tiền nhà nước. Tuy nhiên, do đối tượng khác nhau nên phải tách riêng từng vụ án để xử lý,” ông nói.
Theo cơ quan chức năng, lợi dụng chính sách khuyến khích, hỗ trợ khai thác, nuôi trồng hải sản và dịch vụ khai thác hải sản trên các vùng biển xa, nhiều đối tượng ở tỉnh Bình Định lập hồ sơ giả mạo để nhận hàng trăm tỷ đồng từ ngân sách nhà nước trong việc hỗ trợ tiền dầu. Cụ thể, các đối tượng đã thực hiện những thủ tục xác nhận xuất, nhập bến của tàu cá đi khai thác xa bờ không đúng với thực tế và quy định.
Điển hình như vụ ông N.V.T., ở thành phố Quy Nhơn, làm giả hồ sơ đi biển từ ngày 23 Tháng Ba đến 7 Tháng Tư, 2015, để lấy 55 triệu đồng tiền dầu. Cùng thời điểm này, ông T.V.C., ở Quy Nhơn, làm giả hồ sơ chuyến biển để nhận hỗ trợ 75 triệu đồng. Khoản kinh phí hỗ trợ hai trường hợp này đã được ủy ban tỉnh phê duyệt. Tuy nhiên, qua xác minh của công an thì hai tàu này trong thời điểm trên không đi biển do tàu hư.
“Hiện chúng tôi đang tiếp tục điều tra, xác minh nhiều trường hợp làm giả hồ sơ khác. Các trường hợp sai phạm không chỉ ở huyện Hoài Nhơn, thành phố Quy Nhơn, mà còn ở nhiều địa phương ven biển khác trong tỉnh, với số tiền chiếm đoạt lên đến hàng trăm tỷ đồng,” theo tin báo Người Lao Động dẫn lại của Cơ Quan An Ninh Điều Tra Công An tỉnh Bình Định. (Tr.N)

Cảnh sát cơ động bị lợi dụng như thế nào?


Trong một status trên facebook của một cảnh sát cơ động có dòng “sẵn sàng rồi, đạn, hơi cay đủ hết…” với giọng điệu hí hửng, như thể gà chuẩn bị vào sới đá với đầy đủ độ hăng của nó.  Nhưng đây là status viết trước khi đến Mỹ Đức của một cảnh sát cơ động, điều này gây nên bão phẫn nộ. Và đương nhiên nhiều lời nguyền rủa ném lên chủ nhân của status này. Riêng tôi, tôi xin nói lời cảm thông và kêu gọi bà con nhân dân hãy cảm thông, hãy thương lấy con em mình để cùng tìm ra căn để của sự việc. Bởi lẽ, những cảnh sát cơ động (113) đều là nạn nhân thảm hại của chế độ. Và nếu có sự thông cảm giữa nhân dân với họ, cũng như có sự phản tỉnh của các cảnh sát cơ động, tôi tin là cục diện sẽ thay đổi hoàn toàn!
Vì sao tôi dám tin rằng cảnh sát cơ động có thể thay đổi? Vì hai lý do: Cảnh sát cơ động chỉ là con gà chọi để nhà cầm quyền mang đi đá độ và trong một số tình huống, họ bị đối xử tệ hơn cả chó nghiệp vụ; Vì họ mắc kẹt trong thế tiến thoái lưỡng nan, cần có người giúp đỡ.
Ở khía cạnh thứ nhất, cảnh sát cơ động bị lợi dụng, bị xem như gà chọi hay thậm chí bị đối xử tệ hơn cả chó nghiệp vụ, điều này rất dễ thấy. Bởi ai cũng biết, lính 113, hay còn gọi là cảnh sát cơ động không có ai thuộc biên chế nhà nước cả. Họ cũng chỉ là một anh bộ đội đi làm nghĩa vụ quân sự và bị thuyên chuyển sang ngành cảnh sát cơ động. Nghĩa là họ chưa qua trường lớp an ninh, họ chỉ đến tuổi đi nghĩa vụ quân sự và được tuyển chọn thêm lần 2 ở quân trường, quá trình tuyển chọn này có 2 yêu cầu chính là lý lịch không dính đến chế độ Việt Nam Cộng Hòa và học lực từ lớp 12 trở lên, gọi là đã xóa mù chữ. Chấm hết, không còn tiêu chuẩn nào khác.
Khi qua ngành cơ động, họ cũng chỉ là những anh lính, được trả thù lao bằng với thù lao đi bộ đội và không có lương bổng gì cả. Nhưng lại chịu áp lực và kỉ luật sắt của quân đội, nghĩa là sai đánh đó, nếu cãi lệnh thì chịu mọi kỉ luật “quân pháp”. Chỉ khác chăng là lính 113 có thêm niềm hi vọng sau khi mãn hạn nghĩa vụ quân sự, họ có thể được đưa đi học trường an ninh để trở thành một công an viên. Trường hợp nếu không được đi học trường an ninh thì sau khi mãn hạn nghĩa vụ quân sự, lại về nhà đi học nghề hoặc tiếp tục thi vào một trường nào đó để học. Nhìn chung, nếu có quyền lợi hơn so với bộ đội thì lính cảnh sát cơ động chỉ có được cái quyền hi vọng vừa nói. Nhưng cái khổ thì họ khổ hơn nhiều bởi rất có thể, họ phải nghe lệnh cấp trên để tấn công vào ngay trong làng của họ.
Và tất cả lính cảnh sát cơ động đều không thuộc biên chế quân đội hay biên chế công an. Nhưng ra trận thì họ phải đưa thân ra trước, chịu đòn trước, mọi thứ đều trước, chỉ có nhận thù lao thì sau cùng và kém nhất. Và chắc chắn một điều là cảnh sát cơ động không được quyền chọn hay không chọn làm lính loại này. Bởi đây là hình thức đi nghĩa vụ, cấp trên phân bổ đâu thì đi đó. Và họ cũng bị nhồi sọ, cũng bị dùng thuốc kích thích (thường khi vào quân đội, ở tuần đầu ra quân trường, mỗi người lính bị tiêm một mũi thuốc để “chịu nắng chịu mưa và ăn tốt”, sau đó họ rất hăng máu, và chuyện này không ngoại trừ bất kỳ người lính nào, cảnh sát cơ động cũng vậy, họ cũng bị tiêm thuốc). Và nói cho cùng thì họ bị biến thành một loại gà đá của chế độ, thậm chí bị đối xử còn tệ hơn chó nghiệp vụ. Bởi chó nghiệp vụ được hưởng lương, có chức vụ, quân hàm và được chăm sóc theo chế độ sĩ quan, còn những người lính cảnh sát cơ động thì tiêu chuẩn chẳng có gì, cùng lắm thì tiền thù lao cả tuần của họ chỉ bằng một bữa ăn sang của chó nghiệp vụ! Đó là sự thật!
Hiện tại, chỉ có các sĩ quan cảnh sát cơ động là thuộc biên chế nhà nước. Nói chính xác hơn là có chừng chưa tới 20% cảnh sát cơ động được hưởng chế độ lương bổng, được đặc quyền đặc lợi, 80% còn lại là lính lác sai đâu đánh đó, khổ hơn cả bộ đội nhưng được “cái oai” là thường xuyên ra đường để phô trương lực lượng và vẻ men của họ, cộng thêm chút nữa là hi vọng cấp chỉ huy chiếu cố để mãn hạn nghĩa vụ quân sự được cho vào trường an ninh để học. Nhưng họ quên mất là hiện nay, lực lượng công an đã dư thừa, vấn đề đầu ra ở các trường an ninh đang là vấn đề nhức nhối của chính phủ. Sự thất nghiệp của các sinh viên tốt nghiệp an ninh sau này bị xem là ung nhột lớn nhất cho xã hội nếu họ chọn hướng rẽ xã hội đen.
Chính vì những nỗi khổ của một người trẻ bị chế độ lợi dụng, vắt kiệt sức của các cảnh sát cơ động (mà họ không còn lựa chọn nào khác là nhắm mắt nhắm mũi mà vụt dùi cui, tôi lại nghĩ đến status khoe vũ khí của một cảnh sát cơ động. Cũng nên xem lại đây có phải là hành vi hí hứng, khát máu hay là cách bắn tiếng về cơ số vũ khí sắp dùng để bà con nắm tình hình…?!). Và hơn ai hết, những người lính cảnh sát cơ động cần sự chia sẻ, thông cảm của chúng ta. Để cho họ cơ hội quay đầu. Rất có thể, sẽ còn nhiều comment “khát máu” hơn nữa trong những cuộc đàn áp sau này để người dân còn biết mà lo liệu…
Và tôi nhớ không lầm thì các video tôi theo dõi, số người đến bắt các cảnh sát cơ động không nhiều, nhưng họ chỉ cố thủ và phản ứng yếu ớt, thậm chí ngồi im đưa khiên ra đỡ trong khi các loại vũ khí và dùi cui của họ có thể giúp họ mở đường máu để tháo chạy. Điều này khiến tôi nghĩ đến vấn đề phản tĩnh của rất nhiều bạn trẻ đang trong thời gian làm nghĩa vụ quân sự. Họ chấp nhận như một cổ máy của chế độ và nếu có cơ hội, họ sẵn sàng chọn giải pháp đầu hàng trước nhân dân (?). Bởi họ đang rtong thế tiền thoái lưỡng nan!
Nếu thực sự họ như vậy, và nếu thực sự có sự cảm thông, tạo ra mối tương cảm giữa những cảnh sát cơ động từng bị tiêm thuốc kích thích, từng bị biến thành chó nghiệp vụ cấp thấp của chế độ và từng đôi lần phản tĩnh mà không thể nói ra đươc… Không chừng, cục diện lịch sử, chính trị sẽ khác đi rất nhiều! Hi vọng là vậy!

Về sự gia tăng đàn áp gần đây


       Trong thời gian gần nửa năm qua, nhà cầm quyền Việt nam đã gia tăng một cách đột biến sự đàn áp đối với những người hoạt động dân sự và phong trào dân chủ. Biểu hiện rõ nhất cho việc gia tăng sự đàn áp là một loạt các vụ bắt bớ những người hoạt động, đấu tranh trong gần nửa năm qua. Danh sách người bị bắt chúng ta biết được gồm có: anh Nguyễn Danh Dũng, Thanh Hóa, bắt ngày 14/12/2016; anh Nguyễn Xuân Long và một người bị bắt ở Lâm Đồng, ngày 15/12/2016; bạn Nuyễn Văn Hóa, sinh năm 1995, ở Kỳ Anh, Hà Tĩnh bắt ngày 08/01/2017; Nguyễn Văn Oai, Nghệ An bắt ngày 19/01/2107; Trần Thị Nga, Hà Nam, bắt ngày 21/01/2017; Vũ Quang Thuận và Nguyễn Văn Điển, Hà Nội, bắt ngày 02/3/2017; Bùi Hiếu Võ, Sài Gòn bắt ngày 17/3/2017; Phan Kim Khánh, Phú Thọ bắt ngày 21/3/2017. Vừa qua, đã có quyết định khởi tố vụ án ở thị xã Kỳ Anh, người dân mang lưới chặn quốc lộ 1A, khởi tố vụ nhân dân bao vây trụ sở huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh, điều đó có nghĩa là sẽ có thêm một số người nữa bị bắt bổ sung vào danh sách. Như vậy, chưa đầy nửa năm, đã có 10 người bị bắt. Không chỉ bắt người, nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam còn liên tục sử dụng biện pháp đánh đập người đấu tranh, người hoạt động xã hội và người dân. Đó là việc mục sư Nguyễn Trung Tôn và người bạn bị bắt cóc ở Quảng Bình, bị đánh đập vô cùng dã man, phải vào bệnh viện chữa trị nhiều ngày. Vụ hai bạn trẻ Trần Hoàng Phúc và Huỳnh Tấn Phát cũng bị bắt cóc và đánh đập dã man ở Quảng Bình. Không những vậy, vụ việc nghiêm trọng nhất là ngày 14/02/2017, một số giáo dân giáo xứ Song Ngọc, Nghệ An đi nộp đơn kiện Formosa đã bị cảnh sát cơ động kiếm cớ đánh đập vô cùng dã man, thậm chí linh mục Nguyễn Đình Thục, linh mục quản xứ đưa giáo dân đi kiện, cũng bị đánh đập. Tất cả những vụ biểu tình bị dập tắt, người biểu tình bị bắt, bị đánh đập. Những người đấu tranh bị canh giữ tại nhà, không cho đi tham gia các cuộc biểu tình, xuống đường  phản đối Formosa và đòi hỏi môi trường sạch, và như vậy họ bị tước đoạt quyền tự do đi lại.
       Một động thái nữa tuy không phải đàn áp nhưng cũng nằm trong chiến lược đối phó, trấn áp phong trào dân chủ. Nhà cầm quyền Việt Nam đã cho dư luận lên tiếng và phê phán những hoạt động thiếu văn hóa, những ảnh hưởng tiêu cực, không tốt của mạng truyền thông xã hội facebooks và mạng Youtube, nơi đăng tải các video clip trên toàn thế giới. Những ý kiến chủ yếu tập trung vào những hoạt động, hành vi thiếu văn hóa của một số người sử dụng các phương tiện này. Tuy nhiên, mục đích chính của nhà cầm quyền Việt Nam lại là nhắm vào các hoạt động của giới đấu tranh và phong trào dân chủ. Chủ trương của nhà cầm quyền là ngăn chặn hoặc giảm bớt những tiếng nói trung thực, những hoạt động lên án, tố cáo sự dối trá, bịp bợm và những hành vi vi phạm pháp luật, sai trái và đàn áp dân chúng và giới tranh đấu. Tuy nhiên, để làm được điều này cũng không phải là dễ dàng vì sự đan xen lợi ích giữa các tập đoàn viễn thông, các công ty và những người kinh doanh thông qua mạng xã hội. Đồng thời, luật về tự do thông tin, tự do Internet cũng là những chế tài quốc tế rất khó vượt qua.
       Tại sao chỉ trong một thời gian ngắn, nhà cầm quyền lại đột ngột gia tăng đàn áp giới đấu tranh và phong trào dân chủ như vậy? Có thể có hai nguyên nhân.
       Nguyên nhân đầu tiên là yếu tố quốc tế, sự thay đổi lãnh đạo của Hoa Kỳ cũng trùng khớp với những diễn biến thời gian qua. Tổng thống mới đắc cử, Donal. Trump của Hoa Kỳ là người có chính sách hướng nội, mong muốn tìm lại sự vinh quang của nước Mỹ bằng việc nâng cao nội lực giảm bớt ảnh hưởng đối với bên ngoài.. Ông là người ít quan tâm tới vấn đề nhân quyền quốc tế, chú trọng nhiều tới thương mại. Cộng với thói quen thăm dò phản ứng các đời tổng thống mới đắc cử trước đây, nhà cầm quyền Việt Nam đã gia tăng sự đàn áp, nhưng những phản ứng từ phía Mỹ đã thúc đẩy thêm sự đàn áp của nhà cầm quyền Việt Nam - đây chính là lý do quốc tế quan trọng. Cũng phải nói rằng, đạo luật Magnitsky không hề làm nhà cầm quyền Việt Nam chùn tay trong việc đàn áp giới bất đồng chính kiến.
       Nguyên nhân nội tại quan trong hơn rất nhiều. Sự cố ô nhiễm môi trường biển miền trung do công ty Formosa đã tàn phá môi trường khủng khiếp cho một vùng rộng lớn. Nó ảnh hưởng tiêu cực tới tất cả các mặt trong cuộc sống của nhân dân trong vùng. Việc bao che, bênh vực cho Formosa bất chấp tất cả nguyện vọng người dân miền trung, cộng với việc đền bù không thỏa đáng, nhiêu khê, bất công đã làm bùng phát sự phẩn nộ người dân cả nước. Ban đầu là những sự lên tiếng của giới hoạt động môi trường, của giới đấu tranh dân chủ ở hai đầu đất nước, Hà Nội và Sài Gòn. Sự tham gia của người dân vào cuộc biểu tình ngày 01/5/2016 đã làm sững sờ nhà cầm quyền khi con số ở mỗi nơi là vài ba nghìn người. Nhưng nhà cầm quyền chỉ gặp thách thức thực sự khi người dân miền trung, những người chịu ảnh hưởng trực tiếp của sự cố ô nhiễm môi trường biển vào cuộc. Vấn đề càng trầm trọng hơn khi người dân ở miền trung chịu thiệt hại về nghề nghiêp, thu nhập và cuộc sống có một phần không nhỏ là giáo dân Công giáo. Cuộc sống của giáo dân được những vị chủ chăn quan tâm và họ đã đồng lòng lên tiếng cùng với người dân, giáo dân. Có thể nói, giới hạn yêu sách và đấu tranh của người dân chỉ là việc xử lý ô nhiễm môi trường, đền bù thỏa đáng nhưng đây lại là điều bất khả thi của nhà cầm quyền Việt nam vì nhiều lý do. Chính vì vậy, mà họ đã quyết định quay lưng lại với nguyện vọng của người dân, với nhân dân. Người dân khiếu kiện đúng luật và ôn hòa nhưng bản chất của nhà cầm quyền cộng sản chưa bao giờ quan tâm tới quyền lợi của người dân, chưa bao giờ nhượng bộ, thỏa hiệp với người dân vẫn ứng xử theo kiểu trịch thượng, bề trên nên đã ra tay đàn áp. Sự nhẫn nhịn là bản chất của người dân Việt, lại được các vị chủ chăn, giáo phẩm thận trọng, ôn hòa nên chưa/không xảy ra điều gì nghiêm trọng, đáng tiếc. Nhưng quyền lợi của người dân, giáo dân thì vẫn không thể bỏ, và trên thực tế, người dân cũng bị dồn vào đường cùng, không vùng lên cũng không thể nào sống nổi nên họ vẫn tiếp tục đấu tranh. Nhà cầm quyền lại tiếp tục đàn áp, dùng mọi thủ đoạn để ngăn chặn...cứ thế lòng căm phẫn tích tụ dần dần, từng bước và “đúng quy trình”. Nồi áp suất liên tục được tăng thêm hơi.
       Bản thân người dân miền trung, do sự mở rộng của Internet và mạng xã hội cũng hiểu rằng, muốn cuộc đấu tranh của họ có thể đi đến thắng lợi, cần có sự hậu thuẫn của nhân dân cả nước, của phong trào dân chủ, của quốc tế. Ngược lại, giới đấu tranh, phong trào dân chủ cũng thấy rằng, cơ hội để giúp đỡ người dân, đòi hỏi những quyền lợi chính đáng cho người dân cũng là cơ sở, là con đường đòi hỏi những điều lớn lao hơn về quyền con người, quyền sống. Chính vì vậy, sự liên hệ mật thiết giữa người dân miền trung và phong trào dân chủ đã được thiết lập. Sự cổ súy, động viên và thông tin kịp thời về diễn biến cuộc đấu tranh thông qua Internet, mạng xã hội diễn ra rất sôi động. Nhà cầm quyền đã tấn công vào mối liên hệ này và phương tiện để người dân và giới đấu tranh sử dụng. Đó chính là nguyên nhân nội tại quan trọng lý giải cho sự gia tăng đột biến quá trình đàn áp thời gian vừa qua./.
Hà Nội, ngày 17/4/2017
N.V.B

Nhà báo, các bạn đang bảo vệ ai?

04/17/2017 - 05:40 — truongduynhat
Trên facebook của bạn Dương Phong có đưa tin "Diễn đàn nhà báo và chính sách" vừa đưa ra một thông điệp với bà con Mỹ Đức rằng: "Chúng tôi kêu gọi người dân Mỹ Đức đảm bảo an toàn cho các nhà báo tác nghiệp".
Tôi không rõ diễn đàn là diễn đàn nào (không thấy nguồn dẫn?).
Trước khi đòi hỏi người dân đảm bảo an toàn "tác nghiệp" cho mình, hãy nhìn lại xem các nhà báo và thông tin báo chí đã bảo vệ được gì cho người dân, nếu không muốn nói là ngược lại.
Nếu có thật đây là sự lên tiếng đòi hỏi chính thức của các nhà báo, của một "diễn đàn báo chí" nào đó, thì đó là điều đáng để khinh miệt!
Dân Đồng Tâm (Mỹ Đức) đã làm gì ảnh hưởng đến "an toàn tác nghiệp" của các bạn? Dân, hay ai, lũ khốn kiếp nào đã từng vả cho các bạn hộc máu mồm, vỡ đầu dập mặt nhưng các bạn đâu dám “ẳng” lên một tiếng? 
Không chỉ riêng vụ này. Ngược lại những Tiên Lãng, Dương Nội, Văn Giang, Vụ Bản... và những sự kiện quanh đại án Formosa, các bạn đã "tác nghiệp" thế nào, ở đâu? Các bạn đã bảo vệ được ai, đang bảo vệ ai khi nhân danh nhà báo?

Một chiến dịch tẩy chay lớn, tại sao không?


Tại sao các bạn không cùng tôi, tạo một chiến dịch tẩy chay lớn, rộng khắp trên toàn quốc:
- Không mua báo.
- Không bay Vietnam Airlines.
- Không đi xe Mai Linh.
- Không hoà mạng Viettel.
- Không dùng sản phẩm Hoa Sen, Tân Hiệp Phát, Masan, Formosa.

Hà Nội: Cái khó trong vụ Đồng Tâm

J.B Nguyễn Hữu Vinh 2017-04-17  
Các cảnh sát cơ động bị người dân Đồng Tâm cầm giữ hôm 15/4/2017.
Các cảnh sát cơ động bị người dân Đồng Tâm cầm giữ hôm 15/4/2017. Citizen photo
Vài ngày nay, thông tin qua mạng xã hội nóng lên bởi sự việc tại xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Tp Hà Nội. Những người nông dân giữ đất đã đồng tâm bắt hàng chục chiến sĩ cảnh sát cơ động nhốt lại, đòi nhà cầm quyền thả những người và đáp ứng các yêu sách của mình.
Có lẽ trong lịch sử cầm quyền của Cộng sản tại Việt Nam, trừ thời gian chiến tranh, còn lại khi đã cướp được chính quyền và thâu tóm được quyền lực về tay mình đến nay thì đây là lần đầu tiên, người Cộng sản Việt Nam gặp phải trường hợp một đoàn công an đông đúc với đủ loại trang thiết bị bị bắt giữ bởi người dân như vụ này.
Đã gần 3 ngày trôi qua, những thông tin ít ỏi về vụ việc vẫn tạo sự nóng bỏng trên mạng xã hội. Hơn thế, việc báo chí im thin thít rồi chờ đợi để copy lại vài dòng tin từ Công an một cách sợ hãi, dè dặt... đủ nói lên sự lúng túng và sợ hãi từ nhà cầm quyền.
Tức nước vỡ bờ
Điều cần nói, là vụ việc ở xã Đồng Tâm, thuộc huyện Mỹ Đức là vụ việc vốn tồn tại cả chục năm nay và vẫn cứ im lìm chìm đi giữa muôn vụ việc khác khắp nơi trên đất nước. Chẳng mấy ai và ngay cả hệ thống mạng xã hội chú ý đến vụ việc này.
Vì trên đất nước "bình an, hạnh phúc, ổn định và đáng sống" này vẫn hàng ngày hàng giờ bị nạn cướp đất đai, tài sản của người dân hoành hành bằng công an, cưỡng chế... Cái phương châm "đất đai sở hữu toàn dân, do nhà nước thống nhất quản lý" có lẽ là một phát minh có tính lịch sử của những người cộng sản. Bởi đó là cái bùa hộ mệnh cho những hành động cướp bóc của người dân bất chấp đạo lý, bất chấp lương tâm và đơn giản là nghĩa đồng bào. Tất cả đất đai, ruộng vườn đều có thể bị cướp, dù đó là đất do chính họ hoặc cha ông họ khai khẩn từ đời nào thì cũng vậy, miễn là nhà nước nhảy vào "Quản lý", thế là xong.
Vụ việc ở Đồng Tâm, nếu ai quan tâm chỉ cần vào Google với từ "Xã Đồng Tâm, Mỹ Đức" thì sẽ rõ. Ngay từ cách đây nhiều năm, báo chí đã nêu rõ việc chiếm cướp đất đai trắng trợn của người dân nơi đây của hệ thống Bí thư, cán bộ xã. Báo chí nhà nước kêu gào rồi cũng đành im vì chẳng ai làm gì được.
Ở Mỹ Đức, một chiêu bài được dùng để hù dọa và bịp người dân khá thành công là "Quốc phòng, an ninh".
Trong vụ Đồng Chiêm, nửa đêm nhà cầm quyền nổi hứng kéo gần ngàn quân đang đêm vào đập phá cây Thánh Giá trên Núi Thờ ở Giáo xứ Đồng Chiêm. Để lấp liếm tội ác này, nhà cầm quyền Hà Nội cho rằng cây Thánh Giá này "ảnh hưởng đến Quốc phòng, an ninh". Một lý do rất... hài hước.
Nhưng, ở đây, sự lập lờ "Quốc phòng, an ninh" đã bị người dân bóc mẽ, họ đã không chấp nhận sự mập mờ đó. Nhưng mọi con đường kiện tụng, khiếu nại hết cửa nọ, đến cửa kia vẫn cứ quay về điểm xuất phát mới có... 10 năm.
Và người dân cứ vậy mà chấp nhận sự hà hiếp, đè nén và cướp đoạt của đám "đầy tớ nhân dân" bằng bao nhiêu trò thi thố nơi đây.
Thế rồi, bỗng dưng những thông tin và hình ảnh dồn dập làm nóng mạng xã hội về việc người dân Đồng Tâm đã tổ chức chống trả lại lực lượng đến cướp đất của họ và nhất loạt đồng lòng bảo vệ đất đai, tài sản của mình.
Thế rồi khi nhà cầm quyền giở con bài quen thuộc là dùng bạo lực để cướp đất đai, thì họ đã bắt giữ luôn cả một xe công an và cán bộ nhốt lại đòi nhà cầm quyền phải thả những người bị bắt.
Điều này làm cả xã hội sửng sốt.
Bởi điều đơn giản là ai đã từng sống trong chế độ cộng sản, thì mới hiểu được ý nghĩa của việc này như thế nào.
Với một nhà cầm quyền, mà "chính quyền sinh ra trên họng súng", lấy bạo lực làm đầu thì đây là một việc "động trời" và ngang với những "tội tầy đình".
Xưa nay, ở Việt Nam dưới thời Cộng sản, chỉ có việc nhà cầm quyền, công an, cán bộ muốn bắt ai là bắt, giữ ai là giữ, đánh đập ai là đánh đập, bỏ tù ai là bỏ tù chứ làm gì có ai dám bắt giữ cán bộ, công an bao giờ.
Xưa nay, nhà nước "của dân, do dân và vì dân" vốn "bình đẳng trước pháp luật" nhưng chỉ có cán bộ được bắt giữ, trấn áp người dân bằng mọi cách mà không bao giờ hề hấn gì, hoặc cùng lắm thì "cảnh cáo", chết người thì vài ba năm tù... thế là xong. Còn người dân, những "ông chủ" nếu động vào đầy tớ của mình thì lập tức cả hệ thống vào cuộc và những tội lỗi tầy trời đã được dành sẵn, nhẹ nhất là "gây rối trật tự công cộng", "chống người thi hành công vụ" còn nặng hơn thì "lật đổ chính quyền nhân dân"...
Tất cả đều có thể. Bởi chưng cả hệ thống từ lập pháp, tư pháp và hành pháp đều dưới một cây gậy của đảng "lãnh đạo tuyệt đối". Và mọi hành vi đe dọa đến quyền lực của đảng, đều là "Chống lại Tổ quốc, chống lại dân tộc, và chống lại nhân dân" chứ không hề là chống đảng - Điều kỳ diệu của ngôn ngữ Việt thời đại Cộng sản là vậy.
Vậy điều gì đã thúc đẩy những người nông dân tay không nơi đây có những hành vi "động trời" "vuốt râu chó sói" này?
Có lẽ câu trả lời chỉ có thể là: Nhà cầm quyền đã đẩy họ đến cuối đường hầm bằng sự lộng hành và tàn bạo, đã mưu đồ tước đoạt nốt chút tư liệu sản xuất cuối cùng của họ, nghĩa là đẩy họ và con cháu, giống nòi họ vào chỗ chết.
Và đúng theo nguyên lý của Chủ nghĩa Mác - Lenin, thì "ở đâu có áp bức, ở đó có đấu tranh". Hẳn nhiên, những người nông dân ở đây đã đấu tranh cả chục năm nay bằng nhiều hình thức khác nhau, đã nói lên sự áp bức ở đây dai dẳng như thế nào.
Rồi cũng đúng theo nguyên lý của Mác - Lenin, thì sức "nén càng mạnh, thì sức bật càng cao". Chỉ có điều này mới có thể giải thích được hành động hôm nay của người nông dân xã Đồng Tâm, Mỹ Đức, Hà Nội.
Cái khó
Nếu như ở những vụ việc khác, nhà cầm quyền Hà Nội sẽ giải quyết đơn giản hơn.
Thông thường là sự trấn áp bằng bạo lực một cách tàn bạo nhất có thể để đảm bảo chắc chắn phần thắng về nhà cầm quyền. Để làm được điều đó, hệ thống truyền thông được huy động vào cuộc. Bầy kền kền này được giao nhiệm vụ rỉa rói con mồi bằng mọi cách, kể cả bịa đặt, dựng chuyện, vu cáo và bóp méo... trước con mắt người dân nhằm chuẩn bị dư luận.
Và rồi một đêm đẹp trời hoặc một ngày mà tất cả mọi nẻo đường bị chặn, máy phá sóng và mọi sự liên lạc bị cắt đứt... là lúc bạo lực lên tiếng.
Hẳn nhiên, người dân tay không làm sao có thể trụ được với hệ thống lực lượng chuyên nghiệp được trang bị tận răng và nuôi nấng bằng tiền của chính những người dân này.
Và kết quả là máu, là bắt bớ, tù tội.
Thế nhưng, cũng có những lúc khi con bài bạo lực không tiện thi thố, thì con bài hòa hoãn được sử dụng. Phương cách "rút củi đáy nồi' để hạ nhiệt đám quần chúng vốn thiếu sự hướng dẫn, lãnh đạo và nhất là thiếu đoàn kết, sau đó thì trở mặt khởi tố, đàn áp...
Nhiều vụ việc, người dân cứ tưởng những lời vàng ngọc từ những cán bộ chức cao, vọng trọng và uy thế thì sẽ được thực hiện như đinh đóng cột. Nhưng, chỉ cần người dân tin vậy rồi hạ nhiệt, rồi chia rẽ... là lúc các cán bộ lau mép, trở mặt và hệ thống nhà tù, công an, tòa án được khởi động theo lệnh của đảng.
Có lẽ, một trong những cách được sử dụng nhiều nhất, là việc đổ riệt cho một thế lực nào đó nếu có thể gán ghép được, hoặc là tôn giáo, hoặc là thế lực thù địch nước ngoài, hoặc là kẻ xấu lợi dụng... Để rồi sử dụng những biện pháp trấn áp dù bất nhân mấy thì vẫn "có lý" trước dư luận người dân.
Hay ít nhất, thì cũng như trường hợp em Nguyễn Văn Hóa ở Kỳ Anh, Hà Tĩnh vừa qua. Một thanh niên 22 tuổi được nhà nước tặng cho những "thành tích" đáng nể. Đó là đã vận động được hàng ngàn người tham gia biểu tình chống Formosa, và đó là những người dân "nhẹ dạ, cả tin"... đại khái là dốt nát không chịu tin vào đảng sáng suốt.
Thế nhưng, ở đây thì hơi khó cho nhà cầm quyền.
Bởi người dân ở đây thuần nông, họ chân chất xưa nay vốn tin lời và nghe theo đảng, đã vi đảng mà hy sinh từ tính mạng cho đến tài sản. Không hề có yếu tố tôn giáo, "thế lực thù địch" hoặc "đối tượng xấu" ở đây.
Duy nhất để kích động họ, đó là hệ thống quan chức cộng sản tham nhũng và cướp bóc của họ thành một hệ thống từ trên xuống dưới bao che nhau.
Ở đó, theo báo chí cộng sản, thì đất vàng được các quan xã ẵm hết, người dân không ruộng cày.
Ở đó, một tên bí thư Huyện ủy có thể huy động cả họ hàng hang hốc được kéo nhau ra làm quan nhằm vơ vét tài nguyên và mồ hôi nước mắt người dân. Vì thế chúng liên kết hết sức hữu cơ và rất "có hệ thống, đúng quy trình".
Vì vậy, cái cớ để vu cáo nhằm lấy cớ đàn áp là không nhiều.
Trong khi đó, vấn đề lại là ở chỗ chính sách đất đai, đường lối cướp bóc của dân lành là nguyên nhân, thì nhà cầm quyền lại không thể gỡ được. Bởi gỡ ra lấy gì để tồn tại?
Tạm kết
Có thể rồi nhà cầm quyền Hà Nội sẽ chọn một trong mấy cách trên đây, vốn đã thành "cẩm nang" chống lại nhân dân trong những trường hợp này.
Hẳn nhiên là họ sẽ "thắng lợi" khi dập tắt được sự phản kháng tức thời của người dân. Rồi lại bài cũ với một số người không ngoan ngoãn vâng lời để chịu cướp đất là đắc tội chống lại nhà nước...
Nhưng, hậu quả thì sẽ không như ý muốn của họ, đó là điều dễ nhìn thấy.
Bởi thời nay đã khác xưa cả điều kiện lẫn nhận thức của người dân.
Khi người dân đã thể hiện sự không sợ hãi, thì đừng nên đẩy họ vào chỗ cuối đường hầm.
Thế nhưng, mấy ai đã hiểu và làm được điều đó?
Và tôi chợt thấy văng vẳng bên tai, bài ca những người Cộng sản luôn gào thét:
"Vùng lên hỡi các nô lệ ở thế gian! 
Vùng lên hỡi ai cực khổ bần hàn! 
Sục sôi nhiệt huyết trong tim đầy chứa rồi. 
Quyết phen này sống chết mà thôi. 
Chế độ xưa ta mau phá sạch tan tành..."
(Quốc tế ca)
Hà Nội, ngày 17/4/2017
*Nội dung bài viết không phản ảnh quan điểm của RFA.

Sài Gòn đang lún sụt dần với tốc độ đáng báo động

Sài Gòn đang lún sụt dần với tốc độ đáng báo động
Ảnh: Zing News
Hiện tượng nền đất lún dần của thành phố Sài Gòn đang diễn ra với tốc độ đáng báo động.
Báo Standard Business của Ấn Độ trích dẫn một báo cáo nghiên cứu cho hay hôm Thứ Ba 18/04. Theo cuộc nghiên của Trường Đại Học Công Nghệ Sài Gòn thực hiện chung với Bộ Tài Nguyên Và Môi Trường, nhiều khu vực trong 8 quận của thành phố đang lún từ 5 đến 10 mm một năm. Sau khi so sánh các số liệu thống kê trong suốt 25 năm qua, phó giáo sư Lê Văn Trung cho biết thành phố Sài Gòn đã lún xuống tới khoảng 0.4 mét. Ông cảnh cáo rằng nếu vấn đề lún sụt nền đất không được quan tâm đầy đủ, nhiều khu vực lún sụt có thể nằm dưới mặt nước biển.
Các lý do chính của sự lún sụt nền đất ở Sài Gòn được cho là bao gồm việc khai thác quá mức nguồn nước ngầm, tiến trình đô thị hóa nhanh chóng và hoạt động giao thông náo nhiệt. Trong những vùng trũng thấp, sự lún sụt cùng với mực nước biển dâng cao khoảng 3 mm một năm do biến đổi khí hậu, sẽ mở rộng thêm những vùng bị ngập lụt và tạo ra thêm những vùng ngập lụt mới. Tại những vùng bờ biển, việc khai thác quá mức nguồn nước ngầm gây ra hiện tượng xâm mặn ảnh hưởng tai hại đến việc trồng hoa màu và cây cối nói riêng và sự phát triển nông nghiệp bền vững nói chung.
Theo Bộ Tài Nguyên Và Môi Trường, nhiều khu vực của vùng đồng bằng sông Cửu Long cũng đang lún sụt.
Huy Lam / SBTN

Chủ tịch ủy ban thành phố Hà Nội chối không hứa đến Đồng Tâm thương lượng với dân

Chủ tịch ủy ban thành phố Hà Nội chối không hứa đến Đồng Tâm thương lượng với dân
(Ảnh: Pháp Luật Online)
Mặc dù đang trong thế đối đầu căng thẳng với chính quyền, nhưng sau lời hứa của Chủ tịch Ủy ban thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung, người dân ở xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội đã tỏ thiện chí bằng cách thả 18 trong số 38 viên chức cảnh sát cơ động bị họ bắt. Tuy nhiên, ông Nguyễn Đức Chung đã không đến thương lượng với người dân hôm 18 tháng 4 như đã hứa.
Ông Chung mới đây còn yêu cầu Luật sư Trần Vũ Hải phải lên tiếng đính chính, rằng ông không hề hứa hẹn việc này. Trên Facebook cá nhân của mình hôm nay, Luật sư Hải thông báo điều này, và cho biết đã rút bỏ đoạn thông báo trước đó trên Facebook vì “tôn trọng ông Chung”. Tuy nhiên qua BBC, Luật sư Hải cũng nói nhiều người, trong đó có cả ông, đã nghe rõ câu chuyện trao đổi qua điện thoại giữa ông Nguyễn Đức Chung và một vài người dân ở xã Đồng Tâm.
BBC trong cùng ngày dẫn lời một người giấu tên đang điều hành trang mạng xã hội mang tên Mỹ Đức, cho biết người này đang ở trong xã Đồng Tâm và thấy người dân dù rất căng thẳng và mệt mỏi, vẫn đang chờ lãnh đạo thành phố đến thương lượng như đã hứa mà chưa thấy tăm hơi. Người này cũng cho biết nhà cầm quyền cộng sản đã ngắt hết sóng điện thoại và đường truyền Internet vào xã Đồng Tâm.
Một luật sư khác từ Hà Nội là ông Hà Huy Sơn đưa ra lời cảnh tỉnh rằng, trong các vụ tranh chấp đất đai từ trước tới nay, nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam chưa bao bao giờ nhận sai về phía mình. Trong vụ này, Luật sư Sơn đoán rằng, cuối cùng thì đất vẫn sẽ bị thu hồi và một số người dân sẽ phải đi tù.
Người dân xã Đồng Tâm, hôm Thứ Ba 18/04 đã thả 18 cảnh sát cơ động bị bắt làm con tin trong một vụ tranh chấp đất đai, 20 người khác còn đang bị bắt giữ. Trong khi có tin tức nói rằng bốn dân làng bị bắt đã được thả ra hôm Thứ Hai 17/04, thì thành ủy Hà Nội vào hôm Thứ Ba công bố một tài liệu tuyên bố người dân xã Đồng Tâm đã phạm luật và phải bị khởi tố về tội gây rối trật tự công cộng.
Do đảng CSVN đương quyền không công nhận quyền tư hữu đất, những vụ tranh chấp đất đai ở Việt Nam xảy ra ngày càng nhiều, khi các viên chức chính quyền lợi dụng chức vụ để cưỡng đoạt đất đai bao đời của nông dân.
Truyền thông quốc tế chú ý đến vụ bắt giữ ông Lê Đình Kình, 83 tuổi, người được xem như một nhà lãnh đạo cộng đồng. Một người dân làng cho biết nhà cầm quyền đã tạo ra những đoạn video gọi ông Kình là người xấu, nhưng ngay cả con nít trong làng cũng biết ông là người tốt.
Theo Luật sư Nguyễn Văn Luân, người đang đại diện cho dân làng, ông Kình hiện đang ở trong bệnh viện vì bị gãy ống chân. Thương tích trầm trọng này xảy ra trong lúc cảnh sát cơ động bắt giữ ông hôm Thứ Bảy tuần trước.
Huy Lam / SBTN

Bộ thông tin truyền thông CSVN khoe gỡ bỏ hơn 1,000 clip ‘xuyên tạc đảng và nhà nước’ trên Youtube

Bộ thông tin truyền thông CSVN khoe gỡ bỏ hơn 1,000 clip ‘xuyên tạc đảng và nhà nước’ trên Youtube
Sắp tới đây, các video trên mạng YouTube chỉ trích chế độ cộng sản Việt Nam sẽ chủ yếu là những tài liệu chân thực, không xuyên tạc và khó phủ nhận. Điều đó sẽ xảy ra sau khi nhà cầm quyền cộng sản yêu cầu công ty Google gỡ bỏ hết các clip bị cho là “nói xấu, xuyên tạc đảng và nhà nước”.
Truyền thông trong nước hôm Thứ Ba 18/04 dẫn lời Bộ trưởng thông tin và truyền thông CSVN Trương Minh Tuấn khoe rằng đã yêu cầu công ty Google gỡ bỏ 1,299 đoạn video “xấu độc” trên YouTube. Đây là số đoạn video bị gỡ bỏ cho đến ngày 12 tháng 4.
Trước đó, nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam yêu cầu Google gỡ bỏ tới 2,200 đoạn video. Ông Tuấn nói rằng trước đây, việc yêu cầu các công ty như Google và Facebook gỡ bỏ thông tin xấu độc rất khó khăn, nhất là liên quan đến những sự việc có yếu tố chính trị. Ông này cho là sau khi ban hành thông tư 38, nhà cầm quyền cộng sản tự xem như có căn bản pháp lý để yêu cầu các công ty phải tuân thủ “pháp luật” Việt Nam.
Cho đến nay, cả hai công ty Google và Facebook đều xác định họ dành toàn quyền đánh giá nội dung nào cần phải gỡ bỏ. Ông Trương Minh Tuấn cũng khoe rằng, bộ của ông đã tiếp tục cảnh cáo các công ty Việt Nam về việc Google gắn quảng cáo của các công ty này với các video phản động trên YouTube, khiến hàng loạt công ty buộc phải rút quảng cáo vì sợ bị phạt.
Giới chuyên gia đánh giá đây là hành động lấn sân của ngành thông tin và truyền thông. Vì hành động không khác gì tự cấm vận và tương đương với chiến tranh thương mại này, lẽ ra nên để cho Bộ Công Thương tiến hành.
Huy Lam / SBTN

Tháng tư: Gọi tên cuộc chiến

Trần Trung Đạo (Danlambao) - Ngày 23 tháng 3, 2017, Giáo sư Drew Gilpin Faust, Viện trưởng Viện Đại Học Harvard viếng thăm Đại học Fulbright Việt Nam. Nhân dịp này bà đọc một diễn văn tại Đại học Khoa Học Xã Hội và Nhân Văn. Phần khá dài của diễn văn, bà dành để nói về Chiến tranh Việt Nam, nội chiến Hoa Kỳ và hòa giải Nam Bắc Mỹ.

Trong suốt diễn văn bà Drew Faust không hề nhắc đến sự chịu đựng của người dân miền Nam Việt Nam hay nhắc đến Việt Nam Cộng Hòa (VNCH), chính phủ đại diện cho hơn một nửa dân số Việt Nam ngày đó. 

Người viết không nghĩ bà dè dặt hay không muốn làm buồn lòng quốc gia chủ nhà. Nhưng giống như một số khá đông các trí thức Mỹ trước đây, sau 44 năm từ khi các đơn vị trực tiếp chiến đấu Mỹ rút khỏi Việt Nam vào tháng Ba năm 1973, bà vẫn chưa nhìn sâu được vào bản chất của cuộc Chiến tranh Việt Nam. 

Việt Nam trong diễn văn của bà Drew Faust là Cộng Sản Việt Nam. 

Bà Drew Faust không hiểu được trên con đường Việt Nam đầy máu nhuộm chạy dài suốt 158 năm, từ khi viên đại bác của Rigault de Genouilly bắn vào Sơn Chà, Đà Nẵng sáng ngày 1 tháng 9, 1859 cho tới hôm nay, nhiều triệu người Việt đã hy sinh vì độc lập tự do dân tộc. Đảng CS là một nhóm rất nhỏ, và chỉ ra đời vào tháng 3, 1930. Cộng Sản thắng chỉ vì họ có mục đích thống trị rõ ràng, dứt khoát, kiên trì và bất chấp mọi phương tiện để hoàn thành mục tiêu đã vạch ra. 

Bà Drew Faust là người học nhiều, hiểu rộng. Chắc chắn điều đó đúng. Nhưng nghe một câu chuyện và cảm thông với những nạn nhân trong câu chuyện là một chuyện khác. Ngôn ngữ không diễn tả được hết nỗi đau và đôi mắt thường không thấy được những vỡ nát bên trong một vết thương.

Là một sử gia, bà biết lịch sử được viết bởi kẻ cưỡng đoạt không phải là chính sử. Chính sử vẫn còn sống, vẫn chảy nhưng chỉ được hiểu bằng nhận thức khách quan, tinh tế, chia sẻ với những tầng lớp người đang chịu đựng thay vì đứng về phía giới cầm quyền cai trị. 

Một ví dụ về chính sử. Năm 1949 tại Trung Cộng, trong cuộc bỏ phiếu bầu chức vụ Chủ tịch Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa, Mao tin tưởng tuyệt đối 547 đại biểu sẽ bỏ phiếu cho ông ta. Không, chỉ có 546 người bỏ phiếu thuận, nhà nghiên cứu triết học Zhang Dongsun bỏ phiếu chống lại Mao. Zhang Dongsun bị đày đọa và chết trong tù nhưng lịch sử Trung Hoa ngày sau sẽ nhớ đến ông như một người viết chính sử Trung Hoa. 

Việt Nam cũng thế. Chính sử vẫn đang được viết không phải từ những người đang đón tiếp bà mà bằng những người đang ngồi trong tù, đang bị hành hạ, đày ải, trấn áp dưới nhiều hình thức. Khát vọng độc lập, tự do, từ những ngày đầu tháng 9, 1859 ở Cẩm Lệ, Quảng Nam, nơi máu của Đô Thống Lê Đình Lý chảy xuống để bảo vệ thành Đà Nẵng cho đến hôm nay, vẫn cùng một dòng và chưa hề gián đoạn. 

Nhân dịp tháng Tư năm 2017, người viết xin phân tích một số định nghĩa về nội dung của cuộc Chiến tranh Việt Nam. Bài này tổng hợp một số bài ngắn của người viết đã phổ biến trên Facebook trước đây.

Chiến tranh Việt Nam là Chiến tranh Ủy nhiệm (Proxy War)?

Chiến tranh ủy nhiệm (Proxy War) là cuộc chiến tranh mà các quốc gia bên ngoài, thường là cường quốc, không tham gia trực tiếp cuộc chiến nhưng qua hình thức cung cấp võ khí, tài chánh cho các phe cánh, lực lượng trong quốc gia đó đánh nhau vì quyền lợi riêng của các phe nhóm này nhưng cũng tương hợp với quyền lợi của nước bên ngoài. 

Chiến tranh đang diễn ra tại Syria thường được báo chí gọi là chiến tranh ủy nhiệm. Mỹ, Nga, Iran, Thổ, Anh, Pháp, Saudi Arabia và Qatar góp phần tàn phá Syria khi yểm trợ cho các phe nhóm, nhiều khi bất cần hành vi khủng bố của các phe nhóm này, để tranh giành ảnh hưởng và tài nguyên của vùng Trung Đông. 

Không ít báo chí quốc tế và nhà nghiên cứu Chiến tranh Lạnh gọi chiến tranh Việt Nam trước khi Mỹ đổ bộ vào tháng Năm, 1965, là chiến tranh ủy nhiệm, trong đó Trung Cộng, Liên Xô một bên, Mỹ và đồng minh một bên. 

Định nghĩa chiến tranh Việt Nam là chiến tranh ủy nhiệm chỉ đúng khi nhìn cuộc chiến từ quan điểm đế quốc dù là Mỹ, Liên Xô hay Trung Cộng chứ không phải từ vết thương, từ vị trí của nạn nhân buộc phải chiến đấu để sống còn như dân và quân miền Nam Việt Nam. 

Như có lần người viết dẫn chứng, một người lính nghĩa quân gác chiếc cầu ở đầu làng để mấy anh du kích khỏi về giựt sập cũng là một biểu hiện hùng hồn của lý tưởng tự do và chủ quyền. Chiếc cầu là huyết mạch kinh tế của làng, là trục giao thông chính của làng, là vẻ đẹp của làng, và bảo vệ chiếc cầu là nhiệm vụ sống còn mà người lính nghĩa quân phải làm cho bằng được. 

Không ai “ủy nhiệm” anh lính Nghĩa Quân cả. Anh không bảo vệ chiếc cầu giùm cho Mỹ mà cho chính anh và bà con trong thôn xóm của anh. Lý tưởng tự do của một dân tộc dù thiêng liêng to lớn bao nhiêu cũng bắt nguồn từ những hình ảnh nhỏ nhoi nhưng đầy ý nghĩa đó.

Trong phần lớn chiều dài của cuộc chiến, quyền lợi của Mỹ ở Đông Nam Á và quyền lợi của VNCH tương hợp. VNCH đã nhận hầu hết viện trợ quân sự của Mỹ kể cả nhân lực nhưng không đánh thuê cho Mỹ như CS tuyên truyền. 

Sau Thông Cáo Chung Thượng Hải năm 1972 và Hiệp Định Paris năm 1973, chính sách của Mỹ tại Đông Nam Á thay đổi, quyền lợi VNCH và Mỹ do đó không còn tương hợp nữa. Mỹ rút quân và cắt giảm viện trợ quân sự quá chênh lệch so với nguồn viện trợ quân sự CSVN nhận từ Liên Xô, Trung Cộng và phong trào CS Quốc Tế. 

Cho dù cạn kiệt nguồn cung cấp, quân và dân VNCH vẫn chiến đấu và hy sinh cho tự do của họ, không phải chỉ sau Hiệp định Paris 1973, không phải đến ngày 30-4-1975 mà cả sau 30-4-1975, hôm nay và cho đến khi chế độ CS còn hiện diện tại Việt Nam.

Chiến tranh Việt Nam là Nội chiến (Civil War)?

Nhiều người chỉ nhìn vào mái tóc, màu da, khuôn mặt, chủng tộc, dòng máu và kết luận chiến tranh Việt Nam là nội chiến. Thật ra, mái tóc, màu da, khuôn mặt, dòng máu chỉ là hình thức.

Thế nào là nội chiến? 

Theo các định nghĩa chính trị học, Nội chiến (Civil War) là cuộc chiến tranh giữa hai thành phần có tổ chức trong cùng một quốc gia vốn trước đó thống nhất, mục đích của một bên là chiếm đoạt bên kia để hoàn thành ý định chinh phục lãnh thổ hay thay đổi chính sách nhưng không thay đổi thể chế. 

Theo định nghĩa này, chiến tranh Nam-Bắc Mỹ là nội chiến, hoặc xung đột võ trang giữa chính phủ da trắng và Nghị Hội Toàn Quốc Nam Phi (African National Congress) gọi tắt là ANC chống chính sách Phân biệt Chủng tộc tại Nam Phi là nội chiến.

Bắc Mỹ dưới sự lãnh đạo của TT Abraham Lincoln thắng cuộc nội chiến Mỹ nhưng chỉ thay đổi chính sách nô lệ, trong lúc cơ chế chính trị và chính phủ cấp tiểu bang gần như không thay đổi nhiều.

Tại Nam Phi cũng vậy. Sau cuộc đấu tranh dài dưới nhiều hình thức, cuối cùng ANC đã thắng nhưng cũng chỉ hủy bỏ chính sách Phân Biệt Chủng Tộc (Apartheid) tại Nam Phi nhưng không xóa bỏ chế độ Cộng Hòa hay nền kinh tế thị trường. Không chỉ cựu Tổng thống de Klerk trở thành cố vấn của TT Nelson Madela mà nhiều viên chức trong chính phủ của de Klerk, các tư lịnh quân binh chủng, lực lượng cảnh sát quốc gia đều tiếp tục nhiệm vụ của họ. 

Sau Hiệp định Geneva 1954, Việt Nam Cộng Hòa không có ý định chiếm đoạt lãnh thổ miền Bắc hay lật đổ cơ chế CS miền Bắc. Chính phủ và nhân dân VNCH hoàn toàn không muốn chiến tranh. Sau một trăm năm chịu đựng không biết bao nhiêu đau khổ dưới ách thực dân, mục đích trước mắt của nhân dân miền Nam là có được cơm no, áo ấm, có được cuộc sống tự do và xây dựng miền Nam thành một nước cộng hòa hiện đại. 

Giấc mơ tươi đẹp của nhân dân miền Nam đã bị ý thức hệ CS với vũ khí của Liên Xô, Trung Cộng tàn phá vào buổi sáng 30-4-1975. 

Sau khi VNCH bị cưỡng chiếm, đảng CSVN không phải chỉ thay đổi về chính sách như trường hợp Mỹ hay Nam Phi mà thay đổi toàn bộ cơ chế. Nói theo lý luận CS đó là sự thay đổi tận gốc rễ từ thượng tầng kiến trúc chính trị đến hạ tầng cơ sở kinh tế bằng các phương pháp dã man không thua kém Mao, Stalin. 

Do đó, gọi chiến tranh Việt Nam là nội chiến chỉ đúng về hình thức, nội dung vẫn là chiến tranh của các chính phủ và nhân dân miền Nam chống ý thức hệ CS xâm lược.

Chiến tranh Việt Nam là "Chiến tranh chống Mỹ Cứu Nước"?

Stalin, trong buổi họp với Mao và Hồ Chí Minh tại Moscow giữa tháng Hai, 1950 đã phó thác sinh mạng CSVN vào tay Trung Cộng. Theo William J. Duiker trong Ho Chi Minh: A Life, Stalin nói với Hồ Chí Minh tại Moscow "Từ bây giờ về sau, các đồng chí có thể tin tưởng vào sự giúp đỡ của Liên Xô, đặc biệt hiện nay sau thời kỳ chiến tranh, thặng dư của chúng tôi còn rất nhiều, và chúng tôi sẽ chuyển đến các đồng chí qua ngả Trung Quốc. Tuy nhiên vì điều kiện thiên nhiên, chính yếu vẫn là Trung Quốc sẽ giúp đỡ các đồng chí. Những gì Trung Quốc thiếu chúng tôi sẽ cung cấp." Sau đó tới phiên Mao, y cũng lần nữa xác định với Hồ "Bất cứ những gì Trung Quốc có mà Việt Nam cần, chúng tôi sẽ cung cấp."

Theo Trương Quảng Hoa trong Hồi ký của những người trong cuộc, Hồ Chí Minh thưa với Mao trên xe lửa từ Liên Xô về Trung Cộng "Mao Chủ tịch, Stalin không chuẩn bị viện trợ trực tiếp cho chúng tôi, cũng không ký hiệp ước với chúng tôi, cuộc chiến tranh chống Pháp từ nay về sau chỉ có thể dựa vào viện trợ của Trung Quốc."

CSVN hoàn toàn lệ thuộc vào Trung Cộng, không chỉ phương tiện chiến tranh, kinh tế, quốc phòng, hệ ý thức, cơ sở lý luận mà cả cách nói, cách ăn mặc, cách chào hỏi. Mao gần như đơn phương quyết định mọi hoạt động quân sự của Việt Minh kể cả việc chọn ngày, chọn tháng cần phải chiếm Điện Biên Phủ. 

Sau xung đột Eo Biển Đài Loan, và trầm trọng hơn, sau chiến tranh Triều Tiên với gần 400 ngàn quân Trung Cộng bị giết, trong số đó có Mao Ngạn Anh (Mao Anying), con trai trưởng và gần gũi nhất của Mao, từ đó kẻ thù lớn nhất của Mao Trạch Đông là Mỹ. Mao chỉ thị toàn bộ bộ máy tuyên truyền tại Trung Cộng phải chống Mỹ bằng mọi giá. Chống Mỹ từ xa, chống Mỹ ở gần, chống Mỹ trong lý luận, chống Mỹ trong thực tế, chống Mỹ khi có mặt Mỹ và chống Mỹ khi không có mặt Mỹ. 

Tuân lệnh Mao, trong Hội nghị Lần thứ Sáu của Trung ương Đảng CSVN từ ngày 15 đến 17 tháng 7 năm 1954, Hồ Chí Minh và Bộ chính trị đảng CSVN đã nghĩ đến chuyện đánh Mỹ: “Hiện nay đế quốc Mỹ là kẻ thù chính của nhân dân thế giới và nó đang trở thành kẻ thù chính và trực tiếp của nhân dân Đông Dương, cho nên mọi việc của ta đều nhằm chống đế quốc Mỹ.” 

Khẩu hiệu “Chống Mỹ cứu nước” được thai nghén từ quan điểm và thời điểm này.

Nhưng “nước” trong khẩu hiệu “Chống Mỹ cứu nước” phải hiểu là nước Tàu chứ không phải nước Việt, lý do trong thời điểm này chưa có một người lính hay một cố vấn Mỹ nào ở Việt Nam. Hôm đó, ngay cả Hiệp định Geneva 1954 cũng còn chưa ký. 

Với chỉ thị của Mao và kiên trì với mục đích CS hóa Việt Nam đề ra từ 1930, vào tháng 5, 1959, Ban Chấp hành Trung ương đảng Lao Động sau khi biết rằng việc chiếm miền Nam bằng phương tiện chính trị không thành, đã quyết định đánh chiếm miền Nam bằng võ lực dù phải “đốt cháy cả dãy Trường Sơn” như Hồ Chí Minh đã nói. Gần hết đồng bào miền Bắc bị đảng lừa vào cuộc chiến “giải phóng dân tộc” và hàng triệu người đã uống phải viên thuốc độc bọc đường “chống Mỹ cứu nước” nên bỏ thây trên khắp hai miền. 

Lý luận chính phủ VNCH không thực thi “thống nhất đất nước” theo tinh thần Hiệp định Geneva chỉ là cái cớ tuyên truyền. 

Thực tế chính trị thế giới của giai đoạn sau Thế Chiến thứ Hai là thực tế phân cực và sự chọn lựa của thời đại là chọn lựa giữa ý thức hệ Quốc gia và Cộng sản. Không chỉ các quốc gia bị phân chia như Nam Hàn, Tây Đức mà cả các quốc gia không bị phân chia như Hy Lạp, Thổ Nhĩ Kỳ v.v… cũng chọn thế đứng dân chủ Tây Phương để làm bàn đạp phát triển đất nước.

Giả sử, nếu có bầu cử để “thống nhất đất nước” và đảng CS thua, liệu họ sẽ giải nhiệm các cấp chính trị viên và sáp nhập vào quân đội quốc gia, giải tán bộ máy công an chìm nổi, đóng cửa các cơ quan tuyên truyền, từ chức khỏi tất cả chức vụ điều hành đất nước? Trừ phi mặt trời mọc ở hướng tây và lặn ở hướng đông điều đó không bao giờ xảy ra. 

“Trên trời có đám mây xanh, 
Ở giữa mây trắng chung quanh mây vàng…” 

Câu ca dao quen thuộc mà ai cũng biết. Đó là chưa kể đến mây xám, mây đen, mây hồng, mây tím trong thơ và nhạc. Nhưng mây màu gì? Mây thực sự chỉ là màu trắng. Màu mây thay đổi do ánh nắng mặt trời tùy theo mỗi khoảnh khắc trong ngày. 

Cuộc chiến Việt Nam cũng vậy. Tên gọi của cuộc chiến khác nhau tùy theo quan điểm, góc nhìn, quyền lợi và mục đích, nhưng với nhân dân miền Nam Việt Nam, đó chỉ là cuộc chiến tự vệ của những người Việt yêu tự do dân chủ chống lại ý thức hệ CS độc tài toàn trị xâm lược. 

Không thấy rõ bản chất xâm lược của ý thức hệ CS sẽ khó có thể chọn con đường đúng để phục hưng Việt Nam. 

18/4/2017