Tuesday, November 13, 2018

Còn độc đảng, Công đoàn không thể độc lập!


Ngô Đồng – Web Việt Tân

Công đoàn độc lập là đề tài nhạy cảm tại Việt Nam. Nhiều năm qua, nhà cầm quyền CSVN luôn trấn áp, bắt bớ những tổ chức, cá nhân cổ súy cho việc hình thành tổ chức như vậy. Tuy nhiên, trước cơn khủng hoảng kinh tế, để cứu chế độ, nhà cầm quyền CSVN buộc phải giao thương và tìm cách qua mặt quốc tế trong việc cho phép thành lập công đoàn độc lập.
Mỹ đã rút khỏi Hiệp Định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) nên 11 quốc gia còn lại tiếp tục hợp tác nhưng lại đổi tên thành Hiệp Định Đối tác Toàn diện và Tiến Bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
Hiệp định CPTPP vẫn được đánh giá là hiệp định có chất lượng cao nhất mà Việt Nam từng tham gia. Hiệp định này không chỉ góp phần tăng GDP, mà còn giúp doanh nghiệp Việt tham gia sâu hơn vào các chuỗi giá trị sản xuất hàng hóa và phát triển thương hiệu… Tuy nhiên, Hiệp định này có một điều khoản “khó nuốt” cho chế độ độc tài cộng sản Việt Nam, đó là buộc các nước ký kết phải chấp nhận cho người lao động được tự do thành lập công đoàn độc lập.

Công đoàn độc lập đe dọa vị trí độc tôn quyền lực đảng trị

Hôm Thứ Hai, ngày 5/11 vừa qua, Quốc Hội CSVN công khai họp bàn cách “đối phó” với quy định phải cho phép người lao động tự do thành lập công đoàn trong Hiệp định CPTPP.
Thông Tấn Xã Việt Nam tường thuật ý kiến của ông Bùi Sỹ Lợi, đại biểu Quốc Hội tỉnh Thanh Hóa, nói rằng trong dự thảo Luật Công đoàn, chính phủ cũng đang dự kiến cho thành lập tổ chức đại diện người lao động cạnh tổ chức công đoàn, nhưng đây cũng chỉ là “hình thức phái sinh” của công đoàn nhà nước. Ông Lợi còn nhấn mạnh: “Đây là một tổ chức không mang màu sắc chính trị, chủ yếu bảo vệ quyền lợi hợp pháp về quan hệ lao động và không có các hành động khác liên quan đến chính trị”.
Bên cạnh đó, theo cổng thông tin Công Đoàn Việt Nam, nhà cầm quyền CSVN sẽ không để các tổ chức khác ra đời “vì động cơ chính trị, chống phá đất nước” mà lãnh đạo cộng sản gọi là “công đoàn vàng”.
Rõ ràng, CSVN hết sức lo sợ tương lai Công đoàn độc lập ở Việt Nam sẽ “Diễn biến hòa bình”, hoặc lập ra một đảng đối lập nhằm cạnh tranh với chính quyền hiện tại. Đảng Cộng sản luôn sống chết bảo vệ vị trí độc tôn quyền lực, nên một công đoàn độc lập được cấp phép sẽ là điều vô cùng khó. Thực tế, tại Việt Nam đã có một tổ chức độc lập đại diện cho tiếng nói của công nhân là Lao Động Việt. Nhưng nhiều năm qua luôn bị chính quyền đàn áp, thậm chí các thành viên nòng cốt bị kết án nhiều năm tù như: Đoàn Huy Chương, Đỗ Thị Minh Hạnh, Nguyễn Hoàng Quốc Hùng, Trương Minh Đức, Hoàng Bình…
Việt Nam hiện chỉ có tổ chức công đoàn duy nhất là Tổng Liên Đoàn Lao Động. Tổ chức này do đảng Cộng sản lập ra và phục vụ nhu cầu chính trị của đảng. Nếu được thành lập tổ chức công đoàn khác bằng những khung pháp lý rõ ràng hơn, thì lúc đó sự kiểm soát của đảng Cộng sản sẽ suy yếu. Cho nên, để đối phó với điều khoản trong Hiệp định CPTPP, dù cho tổ chức công đoàn nào đó khác với Tổng Liên Đoàn Lao Động được ra đời, thì cũng chỉ là “cánh tay nối dài” của nhà cầm quyền và sẽ luôn nằm trong sự toan tính, lèo lái của đảng.

Công đoàn độc lập sẽ tạo ra thách thức cạnh tranh với công đoàn quốc doanh

Chiếu theo những quy định trong CPTPP, công nhân Việt Nam sẽ được thành lập công đoàn tự do không chỉ giới hạn ở từng khu vực mà còn trên cả nước, và các công đoàn này còn được quyền kết nối với nhau. Tổng Liên Đoàn Lao Động khi đó không còn là tổ chức duy nhất đại diện cho người lao động, nên việc cạnh tranh là điều tất yếu sẽ xảy ra.
Truyền thông trong nước dẫn lời ông Ngọ Duy Hiểu, Phó chủ tịch Tổng Liên Đoàn Lao Động Việt Nam, thừa nhận sự ra đời của tổ chức đại diện người lao động bên cạnh tổ chức công đoàn khiến công đoàn Việt Nam sẽ phải đối mặt với những “thách thức lớn, chưa có tiền lệ.” Bởi vì theo ông Hiểu, Tổng Liên Đoàn Lao Động sẽ phải cạnh tranh với Công đoàn độc lập về thu hút, tập hợp, kết nạp thành viên, xây dựng cơ sở và chia sẻ nguồn lực về tài chính…
Thực tế, mô hình tổ chức công đoàn Việt Nam dưới sự lãnh đạo của đảng Cộng sản ngày càng bộc lộ nhiều bất cập. Trong nhiều năm qua, vai trò lớn nhất của nó là thu các loại phí bảo hiểm, hoạt động nặng về hiếu, hỉ, tư tưởng nặng bao cấp, hành chính hóa, làm phong trào, chậm thích ứng với tình hình mới và không bảo vệ quyền lợi của công nhân.
Theo kết quả một cuộc khảo sát do Trường Đại học Khoa Học Huế và viện Rosa Luxemburg Stiftung của Cộng Hoà Liên bang Đức, công đoàn ở Việt Nam chỉ là tổ chức bù nhìn. Công nhân Việt Nam từ lâu đã bị bóc lột thậm tệ, làm việc vất vả với đồng lương rẻ mạt, trong môi trường không bảo đảm vệ sinh, an toàn. Trong khi đó, vai trò của công đoàn hầu như không được nhắc đến trong các xung đột giữa chủ doanh nghiệp và công nhân. Và trong tất cả các cuộc đình công của công nhân, chưa có cuộc đình công nào do công đoàn lãnh đạo.
Nói tóm lại, cán bộ công đoàn ở Việt Nam bênh vực chủ, chứ không bảo vệ quyền lợi hợp pháp của công nhân. Vì vậy, nếu cho phép tự do thành lập các tổ chức đại diện cho công nhân sẽ dẫn đến nguy cơ làm suy yếu công đoàn, vì khi đó người lao động không còn nhu cầu gia nhập công đoàn nhà nước nữa, họ sẽ đứng về phía công đoàn độc lập, nơi đại diện một cách thực chất cho quyền lợi của họ.

Công đoàn độc lập sẽ tạo áp lực lên chính sách của chính quyền

Tại các quốc gia dân chủ, công đoàn của người lao động được xem là lực lượng dân sự mạnh nhất trong đời sống xã hội. Tổ chức này có quyền tập hợp người lao động và dùng sức mạnh tập thể đó thương lượng, đàm phán với chủ doanh nghiệp lẫn chính phủ một cách bình đẳng, nhằm xác lập các yêu sách, điều kiện lao động, hoặc đại diện trong xử lý tranh chấp lao động; trong tố tụng lao động…
Bên cạnh đó, vai trò của công đoàn khi đó là bảo đảm cho lợi ích xã hội được phân bổ công bằng. Vì vậy, họ còn buộc chính phủ phải công khai minh bạch tất cả những chính sách tài chính. Hoặc giải trình về các vấn đề liên quan đến quyền lợi của người lao động một cách thuyết phục rõ ràng. Khi đó, để đảm bảo hài hòa lợi ích của các bên, không còn cách nào khác, Chính phủ cần phải luôn nâng cao năng lực quản trị và chấp nhận những nguyên tắc chuẩn mực cao để đáp ứng với đòi hỏi của xã hội.
Đó là viễn cảnh sẽ diễn ra trong tương lai nếu Việt Nam có một công đoàn độc lập thật sự. Tuy nhiên, tại Việt Nam, đảng Cộng sản sau nhiều năm độc chiếm quyền lãnh đạo cho thấy sự già nua và lạc hậu trong quản trị quốc gia. Nếu có một công đoàn độc lập, sự trì trệ, tham nhũng trong vận hành bộ máy nhà nước sẽ bị phơi bày trước công chúng. Đến lúc đó, mong muốn thay đổi sang thể chế dân chủ hơn sẽ là nhu cầu tự nhiên của công chúng, đây chính là hồi kết cho một chế độ độc tài toàn trị. Và tất nhiên, đảng Cộng sản sẽ nỗ lực ngăn chặn viễn cảnh đó.
Tóm lại, với bản chất lưu manh, lọc lõi, tuy cam kết tuân thủ các điều khoản trong Hiệp định CPTPP, nhưng chắc chắn nhà cầm quyền CSVN sẽ tìm đủ mọi cách để ngăn chặn việc hình thành công đoàn độc lập. Có thể khi ban hành luật, họ sẽ vẽ ra những điều kiện ngặt nghèo để tiếp tục tạo ảnh hưởng đối với các công đoàn ấy, như quy định người đứng ra lập công đoàn phải bao nhiêu tuổi, trình độ ra sao, làm việc trong doanh nghiệp bao nhiêu năm, được bao nhiêu phần trăm tín nhiệm của công nhân… Với những thủ đoạn như vậy, dù tổ chức sắp được hình thành có tên là gì, hoạt động ra sao cũng nằm trong sự toan tính, sắp xếp của nhà cầm quyền CSVN mà thôi.
Ngô Đồng

‘Nhớ giết tao hãy giết cho chết!’


Nhà báo Thu Le
Hải Nguyễn (VNTB)ột câu đáp trả không một chút e dè hay sợ sệt của cô Thu Le dành cho người đối diện với chị, mà ông ta tự xưng là ông bụt khi đóng vai hiền, còn khi đóng vai dữ theo bản năng thì đến ma quỷ cũng phải sợ. Ông ta là ai , mà phải đóng hai vai để tiếp cận cô Thu Le một cách bất nhã, để sau đó là một chuỗi hành động thô bạo xâm phạm trực tiếp đến nữ nhà báo này?.
Ông ta chính là Trần Anh Tuấn – Đội phó an ninh- CA Đồng Nai (tự xưng là  PA67 – Phòng chống phản động), đây là lời chia sẻ của cô Thu Le sau khi được thả ra vào tối muộn 9/11/2018.
Màn dạo đầu có vẻ nực cười khi hắn nói: “Luật Sư tham gia bảo vệ cho 15 người biểu tình ở Biên Hòa chỉ là đánh bóng tên tuổi, lợi dụng, tại tòa đi sai hướng, không đúng luật…”. Trong khi ông ta mới là người phạm luật khi muốn bắt người là bắt và không cần lý do rõ ràng nào cả. Hành động ném mạnh hai cái điện thoại (6plug 64G và Samsung Grandmax) của Thu Le trúng vào vùng bụng của chị, rồi nắm tóc bóp cổ, cùng với lời hăm dọa hãy nhìn mặt tao cho kĩ này. Khi nghe lời nói và hành động thô bạo này, cứ tưởng là của tay anh chị giang hồ có máu mặt nào đó trong xã hội, chứ không ai cho rằng đó là lời nói của Đội phó an ninh Trần Tuấn Anh, nhưng đó là sự thật qua lời kể của nạn nhân nhà báo Thu Lê.
Sự thật của ngày hôm nay, một sự thật vô pháp của những người mang danh đại diện và bảo vệ luật pháp, nhưng lại ngang nhiên chà đạp Hiến Pháp 2013 qua Điều 20 mục 1 và 2 đã ghi ra một cách rõ ràng bằng ngôn ngữ tiếng Việt mà ai cũng có thể đọc và hiểu được.
Điều 20 Hiến Pháp 2013.
1. Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khoẻ, danh dự và nhân phẩm; không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm.
2. Không ai bị bắt nếu không có quyết định của Toà án nhân dân, quyết định hoặc phê chuẩn của Viện kiểm sát nhân dân, trừ trường hợp phạm tội quả tang. Việc bắt, giam, giữ người do luật định.
Càng dẫn ra những điều luật 20, 25 của HP 2013 , càng thấy sự phỉ báng vào mặt người dân của một chính quyền đương đại là có thật.
Nạn nhân, công dân nhà báo Thu Le bị bắt vào một buổi sáng mùa Đông 9/11/2018, không phải là lần đầu để có thể nói lên sự phỉ báng của nhà cầm quyền đã dành cho người dân. Mà mùa Hạ của nỗi đau tột cùng, của những người bị bắt và bị tra tấn tại công viên Tao Đàn ngày 17/6/2018 mới lộ rõ bản chất của sự tàn bạo phi nhân tính mà nhà cầm quyền đã hành xử, để đối phó với người dân của mình qua việc tỏ bày chính kiến theo điều 25 của HP.
Côn an Trần Anh Tuấn
Ký ức về một cành hoa, được gắn lên trên hàng rào kẽm gai ngày đó, cùng với lời cầu nguyện qua làn nước mắt chảy dài của cô sinh viên ngành luật Trương Thị Hà, xin ơn trên tha thứ cho những lỗi lầm mà những người đã bức hại chính mình và gần 200 người khác nữa, mới thấy được sự cao thượng trong nhân cách làm người của cô quả thật đáng để ngưỡng mộ.
Thế nhưng, lòng nhân bản của cô sv luật Trương Thị Hà ngày nào, dường như vẫn không đủ để thức tỉnh tư duy từ nhà cầm quyền. Phải chăng, men say thích hành hạ người dân bằng luật rừng của mình như một sự khát máu mà thường chỉ thấy ở những loài thú hoang dã ?.
Chiến tích bắt 67 người biểu tình ở Biên Hòa năm 2014, qua lời tự đắc của ông Trần Anh Tuấn, có phải là động lực để nuôi dưỡng men say thích dùng luật rừng để đưa người dân vào đồn một cách tùy tiện, rồi dùng bạo lực để điều tra mà Thu Le là một nạn nhân của men say hiện tại?.
Trong men say của hiện tại và quá khứ, bao nhiêu sinh mạng đã ra đi từ những bàn tay đã nhuốm máu?. 260 người đã chết tại đồn công an trong vòng 3 năm trước đây được nhiều trang tin chính thống đăng tải, với nhiều kiểu chết kỳ bí mà khiến người nghe phải nực cười rồi để đặt câu hỏi: tại sao người dân lại thích chết ở đồn công an?.
Và phải chăng, sự tích tụ uất ức của Thu Lê ngày hôm nay là do nhìn thấy lòng bao dung của Trương Thị Hà đã bị chìm nghỉm trong men say của bạo lực, và trong nỗi tuyệt vọng của mình, lời nói tựa như gang và thép của Thu Le không biết có đủ sức để chống lại sự phơi nhiễm của men say?.

Thư ngỏ từ chối lời “mời” của các chú Công an nhân dân



huyện là thế này, hôm kia công an phường Long Thạnh Mỹ quận 9 có cầm giấy mời xuống nhà, nơi tôi tạm trú và mời tôi đúng 8:30 thứ hai ngày 12/11/2018 tức là ngày mai lên công an phường làm việc với lý do: “làm rõ một số vấn đề liên quan đến an ninh trật tự”.
Trước hết tôi xin có lời cảm ơn đã “mời” tôi, tôi xin nói thẳng vào vấn đề: về vấn đề an ninh trật tự địa phương đã có công an phường – xã – quận (huyện) lo, không mắc mớ chi đi mời một phụ nữ như tôi, vì hằng năm tôi đã có đóng tiền an ninh trật tự rồi. Tôi cũng chưa từng vi phạm hành chánh, chưa từng có biên bản hay giấy phạt nào về các hành vi vi phạm hành chánh như gây rối trật tự hay quậy phá gì, tóm lại: tôi chưa hề có tiền án, tiền sự; Đối với xóm giềng, bà con lối xóm tôi luôn ôn hòa, và là người hay quan tâm thăm hỏi tối lửa tắt đèn khi có chuyện không hay với bà con chòm xóm, việc này bà con lối xóm nơi tôi sống có thể làm chứng cho tôi nếu các chú cần xác minh.
Về bản thân và gia đình: tôi là mẹ góa con côi, phải lo làm việc vất vả kiếm tiền để nuôi dạy con tôi ăn học thành người tử tế, có ích cho gia đình và xã hội, và phải trả tiền thuê nhà hàng tháng nữa, tôi không có thời gian cho những việc không liên quan đến tôi. Tuy là một người nội trợ tự bươn chải, đầu tắt mặt tối lo kiếm tiền nuôi gia đình và góp phần thuế nhỏ bé nuôi bộ máy công quyền, nhưng tôi cũng không vì thiếu thời gian mà không tìm hiểu rõ các quy định quyền về nhân thân để tự bảo vệ mình và gia đình.
Tôi được biết, hiện chưa có bất cứ văn bản pháp luật nào quy định người dân khi nhận được giấy mời của công an là bắt buộc phải đến theo yêu cầu. Giấy mời không tạo ra nghĩa vụ buộc công dân phải đến (có thể đến có thể không). Do tôi không phải là “người tham gia tố tụng” trong bất kỳ một vụ án hình sự cụ thể nào, nên ngay cả hình thức văn bản được pháp luật quy định rõ là “giấy triệu tập” cũng sẽ không liên quan tới tôi, bởi pháp luật nhà nước quy định: nếu không phải là “người tham gia tố tụng” trong một vụ án hình sự cụ thể, công dân không thể bị triệu tập – tôi nhấn mạnh chữ “công dân không thể bị triệu tập”.
Tôi nói ít mong các chú hiểu nhiều, nếu cần việc gì xét thấy có liên quan đến tôi thì mời các chú công an cứ việc đến nhà trực tiếp bàn luận với tôi, cửa nhà tôi luôn rộng mở tiếp các chú… Nói thêm: Vì tôi làm nghề thợ may nên cuối năm tôi rất bận. Tôi chỉ có vài lời nhắn nhủ các đến các chú thế thôi.
Cảm ơn mọi người đã đọc stt, rất mong sự quan tâm, chia sẻ và đồng hành của tất cả mọi người. Xin chân thành cảm ơn!
P/s: tôi đính kèm đây link bài báo đăng trên báo Tuổi Trẻ, về quyền và nghĩa vụ công dân khi nhận được cái gọi là “giấy mời” của công an để bạn bè cùng tham khảo xem tôi có đúng trong trường hợp này không.
____
LS Nguyễn Văn Miếng bình luận: “Cộng hòa Chủ nghĩa Việt Nam” là nước nào?
Tại sao một chính thể lạ lại mời một cô thợ may đơn thân đến công an phường để bàn về an ninh trật tự của đường kim mũi chỉ?
Đề nghị Chính phủ ngăn chặn ngay tình trạng “loạn chính thể” này.
Để bảo toàn tính mạng, yêu cầu cô Bùi Thị Diễm Hằng không được làm theo Giấy mời lạ này.

60 tỉ Đô La, My God !


Fb. Từ Thức

Làm thế nào để đánh thức 60 tỉ dollars tiền và vàng đang nằm trong tay dân ? Thủ tướng, bộ trưởng, dân biểu kêu gào khản cổ, vẫn chưa thấy dân đụng đậy.
Tại sao ? Bởi vì dân vẫn chưa hiểu vàng, tiền thu được để làm gì. Xây nhà ở ? Hầu hết các đầy tớ đều đã có lều trú mưa, tránh nắng. Xây trường học ? Con cái đầy tớ đã hy sinh đi học trường nước ngoài, nhường lại cho con cái chủ nhân một nền giáo dục chưa bao giờ tốt đẹp như ngày nay. Xây nhà thương ? Bà bộ trưởng nói ngày nay dân đã sung sướng trong các bệnh viện…
Làm bổn phận một khúc ruột ngàn dặm, xin đề nghị vài giải pháp cụ thể, để dân chúng hiểu rõ chính sách nhà nước, và từ đó, sẽ hăng say tự nguyện đóng góp:
1.Tặng hình bác Hồ cho những người tự động hiến vàng. Ai hiến nhiều, tặng thêm hình bác Trọng, bác Phúc, bác Ngân, bác Nhạ, bác Lâm, bác Kim Tiến
2.Ban chức anh hùng vàng, chiến sĩ dollars cho những người đóng góp hăng say nhất
3. Ra luật coi giữ vàng, dollars trong nhà là phản động, âm mưu gây ngân quỹ để lật đổ chính quyền của nhân dân
4. Mở ngân hàng, nhận gởi vàng, dollars miễn phí, sau đó đóng cửa ngân hàng vì phá sản. Cũng chẳng cần đóng cửa, ngân hàng tự nó sẽ phá sản
5. In vàng mã, bắt buộc dân đem vàng thực tới đổi, nhưng long trọng hứa sẽ đổi lại, thêm 50% tiền lời, khi đất nước phú cường
6. Tặng vé hát giao hưởng cho những người tham dự tích cực các tuần lễ vàng. Tặng toàn bộ tác phẩm về dân chủ của bác Trọng cho những người hiến ít nhất 20 kí vàng.
7. Giải thích cho dân biết là tiền, vàng sẽ dùng để đúc tượng các bộ trưởng Công An, để dân có nơi tới chiêm ngưỡng, khấn vái.
9. Vẽ lại bản đồ những khu vườn, quốc hữu hóa các gầm giường tình nghi có chôn, giấu vàng, dollars
10. Ra chỉ thị cho Cảnh Sát Giao Thông, Công an, không nhận quà của dân bằng tiền cụ Hồ, chỉ nhận vàng, dollars
11. Ân xá cho học sinh đã bán dâm quá 4 lần, được trở lại học trường bác Nhạ, nếu tỏ thiện chí đóng góp vàng, dollars để cứu nước
12. Cam kết với dân chỉ bỏ túi một nửa, phần còn lại một phần sẽ dùng vào việc đưa cán bộ đi tu nghiệp, nghiên cứu tại chỗ những tệ hại của nước ngoài để tránh cho VN, phần khác tổ chức những hội nghị đủ loại nhằm thắt chặt hữu nghị Hoa Việt./.

Quỹ BHXH – Miếng mồi vô chủ

Fb. Đỗ Ngà

Nếu lương hưu được nhận tối đa là 75% lương chính thức thì chỉ cần khoản tiền gấp 130 lần lương tháng và lãi suất 7% mỗi năm là đủ để dùng tiền lãi của nó trả lương hưu. Như vậy câu hỏi đặt ra là, với phí BHXH bằng 32% lương tháng thì bao lâu người lao động đóng cho quỹ BHXH số tiền bằng 130 lần lương tháng của họ?
Xin trả lời là chỉ cần 18 năm tính theo nguyên tắc lãi kép, nghĩa là tiền lãi sẽ được nhập vào vốn và tính lãi tiếp cho năm sau. Như vậy, với chỉ 18 năm lao động, bạn trích 32% lương tháng để gởi ngân hàng, thì sau 18 năm bạn có cả vốn lẫn lãi, thế nhưng khi đóng BHXH thì bạn chỉ nhận lại số tiền lãi, còn số tiền gốc của 18 năm lao động sẽ bị quỹ BHXH bỏ túi.
Thêm một câu hỏi, rằng nếu một người bắt đầu lao động lúc 25 tuổi và nghỉ hưu lúc 65 tuổi vậy số tiền BHXH trong 40 năm lao động của họ đi về đâu? Trả lời, với 40 năm lao động ấy thì 22 năm lao động đầu tiên quỹ BHXH lấy của người lao động cả vốn lẫn lãi. Còn 18 năm sau thì quỹ BHXH lấy tiền vốn và người lao động chỉ nhận tiền lãi.
Như ta biết, Việt Nam là nước có dân số trẻ, tuổi thọ trung bình thuộc loại thấp so với nhiều nước phát triển. Nguyên nhân thì có nhiều, ví dụ như ung thư, tai nạn, y tế kém vv..nên dân số chết trẻ khá đông. Chính vì thế số người đã đóng BHXH mà vượt qua tuổi 65 là không nhiều. Nghĩa là có rất nhiều người đã đóng BHXH rồi nhưng họ không hề hưởng 1 đồng nào từ số tiền họ đã đóng. Vậy số tiền dư thừa rất lớn của quỹ BHXH đó đi về đâu?
Lẽ ra, nếu trong nhà nước dân chủ, số tiền dư thừa này sẽ có quốc hội giám sát và yêu cầu chính phủ trình dự án đầu tư phúc lợi cho nhân dân. Nhưng ở đất nước này, số tiền béo bở này đã bị bọn chính quyền tìm cách chia nhau. Chính phủ phát hành trái phiếu hốt một mớ. Tôi nói chính phủ phát hành trái phiếu là cướp không số tiền này, vì sao? Vì như ta biết, trái phiếu chính phủ khi đáo hạn sẽ là tờ giấy lộn vì lạm phát hằng năm cao hơn lãi suất trái phiếu rất nhiều. Do vậy giống như người dân mua công trái trước đây, bán nhà để mua nhưng đến lúc nhà nước thanh toán thì dùng tiền đó ăn vài bát phở.
Chưa hết, bọn quản lý quỹ đã không cầm được lòng tham, chúng hốt một mớ thật đậm rồi cho công ty quản lý quỹ này phá sản là xong. Quỹ BHXH, miếng mồi vô chủ nên sẽ bị xà xẻo dài dài./.

Điếu xì gà làm lớn chuyện

Phạm Nhật Bình – Web Việt Tân

Trong tuần qua, hình ảnh một quan cán bộ đeo đồng hồ Rolex, tay cầm điếu xì gà đứng tiếp dân oan Thủ Thiêm lan truyền trên mạng xã hội gây nhiều bàn tán xôn xao. Quan ấy được xác định là Nguyễn Hồng Điệp, Trưởng ban Tiếp công dân Trung ương của Thanh Tra Chính phủ, một loại quan lớn của chế độ.
Sự khó chịu của người dân bùng lên thành những lời dè bỉu, chê trách nặng nề. Vì lẽ với chức vụ Trưởng ban cấp trung ương, hình ảnh của anh Điệp cho thấy một thái độ bất xứng của một cán bộ cao cấp của đảng trong khi thi hành nhiệm vụ của mình.

Trong nhiều năm gần đây, cán bộ nhà nước thay vì là tấm gương “đạo đức liêm khiết” như đảng thường tự hào, lại gắn liền với hình ảnh xa hoa của những biệt phủ toà ngang dãy dọc, không kém của ông hoàng bà chúa. Quả thật họ không ngần ngại phô trương sự giàu có của mình bằng đủ mọi cách giữa cảnh khốn cùng của dân nghèo.

Thật ra, nếu như anh Nguyễn Hồng Điệp cầm điếu xì gà gặp dân oan ở vườn hoa Mai Xuân Thưởng (Hà Nội) hay ở công viên Hoàng Văn Thụ (Sài Gòn) chắc không mấy ai để ý. Và dù anh có được báo chí chiếu cố tung hình anh lên trong lúc phì phèo điếu xì gà cũng không làm ai quan tâm. Vả chăng anh cũng có quyền chè chén, hưởng thụ nơi trà đình tửu điếm như bao nhiêu cán bộ đảng khác sau một ngày mệt mỏi “vì dân phục vụ”. Người dân đã quá quen và chịu đựng được từ năm này qua năm khác cảnh phè phỡn lên đời của giai cấp “đày tớ dân” này.
Bất quá người ta chỉ phê phán một câu nhẹ nhàng, coi như đó là phong cách của giới “quý tộc đỏ” thời kinh tế thị trường. Thế nhưng lần này, trong lúc vụ khiếu kiện đất đai Thủ Thiêm đi vào ngõ cụt và sự phẫn nộ của người dân đang dâng cao, anh Điệp đứng ra tiếp dân với thái độ quan liêu như thế nên bị dư luận mắng mỏ tới nơi tới chốn là đúng.
Cho đến nay qua 20 năm bị cướp đất một cách trắng trợn, dân oan Thủ Thiêm cảm thấy họ tiếp tục bị lừa gạt qua ít nhất 3 lần tiếp xúc của UBND Thành Hồ. Hình ảnh anh Điệp Trưởng ban Tiếp công dân rơi vào giữa cơn bão phẫn nộ của mọi người và điếu xì gà sang trọng giá bạc triệu của anh chính là mồi lửa gây ra đám cháy bất ngờ. Dân oan Thủ Thiêm đã nhìn thấy tất cả sự thật về thói khinh bạc, bất nhân của những kẻ mới ngoi lên từ mảnh đất cướp được của họ.
Thật ra người dân cũng chẳng ganh ghét gì sự giàu sang của cán bộ cho dù tài sản cán bộ được vun bồi một cách đáng nghi ngờ. Làm sao kiểm tra nguồn gốc tài sản ấy khi chính Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã từng đánh tiếng rằng “vấn đề kê khai tài sản cán bộ là vấn đề rất khó, nhạy cảm bởi nó liên quan đến quyền đời tư, quyền bí mật cá nhân.” Nói cách khác, không được đụng đến…nó.

Vấn đề tiếp dân, thật ra trong não trạng của cán bộ cộng sản, họ luôn tự cho mình thuộc tầng lớp có đặc quyền cai trị “do lịch sử giao phó”. Vì thế, họ nghĩ rằng việc “tiếp công dân” để giải quyết những oan khiên của dân là sự ban bố ơn huệ cho dân, chứ không phải là nhiệm vụ của người công bộc phải làm. Đã từ lâu nhóm chữ “đày tớ dân” đã trở thành một thứ trò hề bị người dân đem ra bêu riếu khi có dịp, vì cán bộ cộng sản đã thực sự hành xử như “cha mẹ dân”.
Như một dân oan Thủ Thiêm đã phát biểu, vụ cướp đất tiếp theo là khiếu kiện đã xảy ra hơn 20 năm, hay chính xác là 23 năm. 23 năm trên con đường đau khổ từ Nam chí Bắc, đã diễn ra trong máu và nước mắt biết bao vụ kiện, những lần tập họp van xin từ người dân. Nhưng cái tổ chức công quyền của thành phố HCM gọi là UBND ấy và ngay cả chính quyền trung ương cũng không hề quan tâm và chưa bao giờ đặt vấn đề giải quyết khiếu tố của dân. Ngược lại cái chính quyền “vì dân” này còn sử dụng công cụ bạo lực công an, dân phòng để đàn áp, cưỡng chế, đập phá chùa chiền nhà cửa của dân không nương tay.
Chuyện khôi hài hơn nữa là mới đây, Tất Thành Cang, Phó bí thư Thành uỷ HCM được giao thêm nhiệm vụ làm Trưởng ban chỉ đạo “về đổi mới, tăng cường hoà giải, đối thoại trong giải quyết các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính tại toà án hai cấp”. Tất Thành Cang là nhân vật bị dư luận lên án là đã đóng vai trò đen tối trong vụ cướp đất Thủ Thiêm của phe cánh Lê Thanh Hải, Nguyễn Văn Đua và Nguyễn Thị Quyết Tâm. Cho tới nay bọn thủ ác này chưa ai bị sờ gáy.
Cang cũng chính là người có trách nhiệm lớn nhất trong vụ bán khu đất công 32,5 ha ở Nhà Bè cho công ty Quốc Cường Gia Lai với “giá bèo”. Sau vụ lùm xùm này Cang bị “đề xuất” kỷ luật nhưng cho tới nay “đề xuất” vẫn nằm im trên bàn giấy, còn Cang thì được ban thêm chức vụ mới Trưởng ban Ban Chỉ đạo. Phen này dân oan Thủ Thiêm còn hy vọng gì vào Ban chỉ đạo này?
Chuyện cán bộ nhà nước phải tổ chức tiếp dân chẳng qua vì nằm trong thời gian ông Trọng tung ra vụ đốt lò, nên bắt buộc họ phải làm một cách miễn cưỡng. Chính yếu tố miễn cưỡng này mới xảy ra cảnh anh Nguyễn Hồng Điệp cầm xì gà trong tay khi “tiếp công dân.” Rõ ràng là quan Trưởng ban Tiếp dân Nguyễn Hồng Điệp coi đám dân oan Thủ Thiêm vây chung quanh không ra gì và rồi mọi khiếu nại sẽ hoàn toàn thả nổi như lâu nay.
Qua câu chuyện tiếp dân của Nguyễn Hồng Điệp, dân oan Thủ Thiêm nên cùng nhau bàn lại biện pháp đối phó với một chính quyền mang bản chất lường gạt là chính. Không thể tiếp tục van xin bồi thường hay cầu khẩn, kiến nghị chính quyền cộng sản giải quyết khiếu tố trên sự công bằng, hợp pháp.
Và nhất là không thể để cho bọn cán bộ tham ô tiếp tục câu giờ để từng bước chúng cho chìm xuồng các vụ án oan.

Chiếc lò vĩ đại của Tổng bí thư có thật vĩ đại?

BBC News Tiếng Việt/12-11-2018
Hình portrait minh họa Nguyễn Phú Trọng
Lò đã nóng lên rồi thì củi tươi cũng phải cháy
Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch nước Việt Nam
Trong suốt hai năm qua, truyền thông trong nước đã không ngừng đưa tin về các vụ đại án tham nhũng và cố ý làm trái gây chấn động như vụ Ngân hàng Đại dương Oceanbank, Vụ Tập đoàn Dầu khí PVC-PVN, vụ đường đánh bạc công nghệ cao Rikvip v.v…
Kéo theo đó là những tên tuổi của hàng loạt các quan chức cấp cao, xử lý cả một thành viên trong Bộ Chính trị - một nhóm hội đồng tưởng chừng như ‘không để đụng đến’.
Đây là những vụ đại án, những khúc củi to nhất trong chiến dịch đốt lò của Tổng Bí thư và nay Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng.
Kể từ khi khởi động vào sau Đại hội Đảng thứ 12 vào cuối 2016, với sự ra đi của đối thủ chính trị Nguyễn Tấn Dũng, có thể nói ông Trọng đã đạt được thế thiên thời địa lợi nhân hòa để tiến hành một trong những chiến dịch chống tham nhũng quy mô nhất trong lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam.
Chiến dịch ‘đốt lò’ này được các nhà quan sát cho là một nỗ lực của Đảng trong việc giành lại quyền lực và uy thế cũng như củng cố lòng tin của người dân vào chính quyền và sự dẫn dắt sáng suốt của Đảng.
Truyền thông trong nước không ngừng ca ngợi về quy mô về sự thành công của chiến dịch chống tham nhũng vẫn đang tiếp diễn một cách mạnh mẽ.
Nhưng liệu chiến dịch này đã thực sự thành công trong việc giải quyết vấn nạn tham nhũng, cũng như thực sự phục hồi được tính chính danh của Đảng Cộng sản trong mắt cộng đồng quốc tế cũng như niềm tin của người dân?
Dựa trên một số số liệu thu thập được qua truyền thông Việt Nam, BBC đã tổng hợp lại một số vụ đại án chính trị lớn nhất trong vòng hai năm trở lại đây để xem xét quy mô vi phạm cũng như mức độ xử lý các cá nhân tổ chức vi phạm để đánh giá chiến dịch chống tham nhũng một cách tổng quan nhất.
Tổ chức Đảng và Đảng viên bị kỷ luật vì vi phạm từ 2013-2018. 2013 (Không có số liệu tổ chức Đảng bị kỷ luật, và dựa trên báo cáo hôm 21/8), 1.580 thành viên Đảng viên bị kỷ luật vì tham nhũng, cố ý làm trái, 19.542 thành viên Tổ chức Đảng. Giai đoạn 2014-2016 (Theo báo cáo công bố hôm 25/6/2018), 1.420 thành viên Đảng viên bị kỷ luật vì tham nhũng, cố ý làm trái, 23.120 thành viên Tổ chức Đảng, 350 tổ chức Đảng viên. Giai đoạn 2016-2018 (Theo báo cáo công bố hôm 25/6 và 21/8,2018), 1.300 thành viên Đảng viên bị kỷ luật vì tham nhũng, cố ý làm trái, 35.000 thành viên Tổ chức Đảng, 490 tổ chức Đảng viên.
Hai dữ liệu gần đây nhất được thu thập dựa trên hai báo cáo vào tháng Sáu và tháng Tám, 2018 do chính Trưởng ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc công bố.
Từ giai đoạn 2014-2016 đến giai đoạn 2016-giữa 2018, có thể thấy số lượng Đảng viên bị kỷ luật đã tăng lên đáng kể, gần 7000 Đảng viên, tổ chức Đảng bị kỷ luật cũng tăng lên 140 tổ chức.
Số Đảng viên bị kỷ luật vì tham nhũng, cố ý làm trái chênh lệch không quá nhiều.
Tuy nhiên để nói đây là chiến dịch chống tham nhũng trong hai năm qua là lớn nhất về quy mô và số lượng Đảng viên bị kỷ luật thì có lẽ không chính xác.
Nếu xét với số liệu năm 2013 (trừ ra từ số liệu 2013-2018 và 2014-2018), thì thực tế số lượng Đảng viên bị kỷ luật, nhất là vì tham nhũng, cố ý làm trái vào hai giai đoạn sau đều không bằng.
Chỉ riêng 2013, đã có tới 19.542 Đảng viên bị kỷ luật, trong đó có 1.580 người bị kỷ luật vì tham nhũng, cố ý làm trái.
Cũng vẫn theo Trưởng Ban Nội chính TW Phan Đình Trạc, tổng số Đảng viên bị kỷ luật trong 5 năm qua là 77.662 trên tổng số khoảng 4,9 triệu Đảng viên, tức chỉ chiếm 1,6%. Trong đó có 4.300 bị kỷ luật vì tham nhũng, cố ý làm trái, tức chỉ 0,09%.

Con số này có thực sự phản ánh thực tế? Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp thuộc Viện Nghiên cứu Đông Nam Á ISEAS thì “thiên về quan điểm cho rằng đó chỉ là một phần nhỏ của tảng băng chìm”.
Có một thực tế phải là tất cả số liệu trên do phía chính quyền công bố mà không có bất kỳ một tổ chức nào có thể đứng ra kiểm chứng một cách độc lập, hầu hết chỉ mang tính chất tham khảo.
Trong những năm qua, các số liệu về chiến dịch chống tham nhũng được công bố một cách rời rạc, không nhất.
“Với một hệ thống tương đối là đóng và không có trách nhiệm giải trình, không minh bạch về con số báo cáo, con số hệ thống, thì rất khó để định giá xem là liệu con số Đảng viên bị kỷ luật là lớn hay nhỏ,” Nguyễn Khắc Giang, nghiên cứu viên của Viện nghiên cứu kinh tế và chính sách VERP nói.
Tuy nhiên cần phải chỉ ra rằng nhiều Đảng viên không nắm giữ vị trí lãnh đạo, tức ít cơ hội cũng như điều kiện để tham nhũng, cố ý làm trái.
Các vụ án tham nhũng, cố ý làm trái và một số đối tượng nổi bật
*Nhiều vụ án vẫn đang tiếp tục xét xử, như vụ việc Vũ Nhôm, Rikvip, Mobifone-AVG … khiến hình thức xử lý, kỷ luật các cán bộ Đảng viên dựa trên thông tin có được vào thời điểm bài viết được đăng. BBC sẽ tiếp tục cập nhật thông tin các vụ việc.

Sai phạm lớn, xử lý nhỏ?

Nhìn trên biểu đồ trên, không phải bong bóng lớn nào cũng nằm trong hạng mục tù giam hay hạng mục tử hình. Nói lên một điều rằng không phải sai phạm lớn, hình thức xử lý, kỷ luật cũng tương đương.
Cụ thể các vụ sai phạm trong vụ Mobifone-AVG, gây thiệt hại khoảng 8000 tỷ đồng, gấp 4 lần vụ Oceanbank, tuy nhiên chưa một quan chức, cán bộ nào chịu hình phạt xử lý hình sự.
Trong khi đó, cựu ủy viên Bộ Chính trị Đinh La Thăng đã chịu tổng cộng 31 năm tù giam cho hai vụ án tham nhũng cố ý làm trái liên quan đến PVN.
Cựu chủ tịch Oceanbank Hà Văn Thắm chịu bản án chung thân còn Nguyễn Xuân Sơn thì chịu hình phạt cao nhất là tử hình, với vai trò của ông là Tổng giám đốc Oceanbank trong vụ Oceanbank.

Một mũi tên trúng hai đích?

Không ít trong các vụ đại án tham nhũng trên liên quan đến những cái tên “được cho là tay chân thân cận” của cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.
Theo nhà nghiên cứu Lê Hồng Hiệp, trong 10 năm cầm quyền, ông Dũng cũng có những đóng góp nhất định cho nền kinh tế Việt Nam nhưng trong đó, ông cũng đã để lại nhiều di sản không tốt cho đất nước.
Như ngoài các gánh nặng nợ nần, các doanh nghiệp kém hiệu quả, một vấn đề khác là tình trạng tham nhũng nảy nở lan rộng từ 2006-2016, diễn ra tình trạng sự liên kết giữa các chính trị gia và doanh nghiệp để bòn rút các tài sản công của nhà nước, hay là các công ty sân sau của các lãnh đạo, qua đó nhiều quan chức sa ngã vào các hoạt động phạm pháp.
“Trong chiến dịch, vừa rồi có nhiều quan chức có thể được xếp là có quan hệ gần gũi với ông Dũng đã ‘ngã ngựa’, trở thành nạn nhân của chiến dịch này.
Chân dung của Lê Hồng Hiệp
Đập chuột là chống tham nhũng, không vỡ bình là để không làm sao ảnh hưởng đến sự cầm quyền của ĐCS VN. Chống tham nhũng quyết liệt quá thì bộ máy sẽ sứt mẻ, dẫn đến sự mất đoàn kết, gây ra chống đối làm ảnh hưởng đến sức mạnh của nhà cầm quyền.
Lê Hồng Hiệp, Nhà nghiên cứu đến từ Viện nghiên cứu Đông Nam Á ISEAS
“Tiêu biểu là ông Đinh La Thăng, ủy viên Bộ Chính trị, giờ đã lĩnh án tù tương đối dài.
Thứ hai là các vụ việc ở tập đoàn Mobifone với AVG cũng có những quan chức được coi là thân thiết với cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng như ông Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn…,” ông Hiệp nói.
Nhưng theo ông Hiệp, cũng nên thận trọng không nên kết luận rằng chiến dịch chỉ nhắm vào tay chân đồng minh thân tín của ông Dũng mà các vụ án còn có các đối tượng bị truy tố, xét xử đa dạng như quan chức chính phủ, doanh nhân, tướng lĩnh quân đội công an đến các quan chức ở các cấp độ ở trung ương đến địa phương...
“Có bằng chứng xác lập rằng những người này đã có các vi phạm tham nhũng thực sự.
“Tôi nhận định đây là một cuộc chiến có động cơ chủ yếu giảm mức độ tham nhũng trong bộ máy… Đương nhiên, trong quá trình có mục tiêu thứ yếu hơn là tìm cách để thanh lọc loại bỏ các đối thủ chính trị và củng cố quyền lực cho ông Trọng và đồng minh.”
“Một mũi tên trúng hai đích, đích quan trọng nhất vẫn là giảm tình trạng chống tham nhũng trong Đảng,” ông Hiệp đánh giá.

Liệu có đã khắc phục được lòng tin?

Các nhà quan sát nhận định nhìn chung chiến dịch chống tham nhũng của ông Nguyễn Phú Trọng có đạt được một số thành công đáng kể, đặc biệt là lần đầu tiên trong lịch sử một ủy viên Bộ Chính trị bị xử lý.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Khắc Giang nói phần lớn mức kỷ luật cộm cán chủ yếu ở cấp Trung ương, cấp tỉnh.
“Một vấn đề cũng khá quan trọng đó là việc xử lý kỷ luật cán bộ cấp sở, cấp xã cấp huyện, đây là những người trực tiếp tác động đến người dân.
“Có thể quy mô tham nhũng ở cấp dưới không lớn như cấp cao, tuy nhiên trực tiếp tác động lâu dài và mang tính tiêu cực đến cảm nghĩ của người dân về Đảng.”
“Trong thời gian xử lý các cán bộ cấp cao thì nên minh bạch, đẩy mạnh xử lý các lãnh đạo cấp cơ sở, kết hợp cả hai để tránh tình trạng trên nóng dưới lạnh.”

Có thực sự giải quyết được vấn nạn tham nhũng?

Các nhà quan sát đều cho rằng chiến dịch tham nhũng tuy quy mô, đạt một số thành công nhưng vẫn chưa thể thực sự khiến hệ thống minh bạch hơn.
“Theo quan điểm tôi thì chiến dịch chống tham nhũng tạo ra một bàn đạp rất là lớn, từ đó các cấp lãnh đạo đưa ra đề xuất, cải cách, giải pháp cho hệ thống, đảm bảo cái tính minh bạch,” Nguyễn Khắc Giang nói.
Chân dung của Zachary Abuza
Trung Quốc và Việt Nam không thực sự cam kết muốn loại trừ tham nhũng, vì tham nhũng chính là nhiên liệu giúp vận hành hệ thống chính trị của họ.
Zachary Abuza, nhà nghiên cứu Đông Nam Á từ National War College, Hoa Kỳ
“Chiến dịch này chỉ thành công dài hạn nếu nó đảm bảo rằng thể chế sẽ tự chạy hệ thống chống tham nhũng sẽ tự chạy, và nó cần có sự giám sát của người dân, của các hội, các cơ quan kiểm tra độc lập và với cơ chế đóng hiện tại thì rõ ràng không thể thực hiện được.”
“Nếu nhìn vào thảo luận của Quốc hội thì Quốc hội cũng đang hướng tới điều này, tức là tăng cường nhiều mạnh hơn việc các bên thứ ba, qua tổ chức xã hội và qua người dân. Nếu chỉ chống bằng con đường từ trên xuống, bằng bàn tay thép thì tôi nghĩ là không hiệu quả lâu dài.”
Trong khi đó, chuyên gia Abuza Zachary, National War College thì nói rằng ông “không thấy chiến dịch chống tham nhũng này thành công trong việc biến đổi nền kinh tế Việt Nam và giải quyết tình trạng tham nhũng.”
“Trung Quốc và Việt Nam không thực sự cam kết muốn loại trừ tham nhũng, vì tham nhũng chính là nhiên liệu giúp vận hành hệ thống chính trị của họ.”
“Chừng nào nhà nước còn có quá nhiều sự kiểm soát đối với nền kinh tế, đối với tài sản công, khả năng tiếp cận vốn, với đất đai... chừng nào mọi quyết định về kinh tế vẫn còn tùy thuộc vào sự ảnh hưởng của đảng thì, anh vẫn sẽ có tham nhũng.
“Chừng nào anh không cho phép một nền báo chí tự do điều tra các vụ việc tham nhũng và kiểm duyệt mạng xã hội, chừng nào cái chế độ luật lệ hà khắc đối với việc phản đối ôn hòa nơi công cộng thì anh sẽ vẫn còn tham nhũng.
“Đó là lý do tại sao tôi rất hoài nghi rằng bất cứ điều gì ông Trọng đang làm là thực sự để làm sạch tình trạng tham nhũng trong nền kinh tế chính trị của Việt Nam.”

Cuộc chiến chống tham nhũng sẽ tiếp tục

Vào 23/10/2018, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chính thức nhậm chức Chủ tịch nước Việt Nam, sau khi đạt được tỷ lệ phiếu bầu 99,79% từ các đại biểu Quốc hội.
Điều này có thể thay đổi hoàn toàn thế cục của cuộc chiến chống tham nhũng với trong khi mọi tham vọng quyền lực đang hướng về Đại hội Đảng lần thứ 13.
“Sau khi được bầu giữ chức chủ tịch nước, ông Trọng càng có nhiều quyền lực hơn và cấu trúc quyền lực dưới sự lãnh đạo của ông cũng mang tính tập trung hơn,” Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp nói.
“Điều này ở một mức độ nhất định có thể có lợi cho cuộc chiến chống tham nhũng, nhất là khi người lãnh đạo cuộc chiến đó lại chính là ông Trọng,”
Cụ thể hơn là theo ông Nguyễn Khắc Giang, giờ đây với tư cách chủ tịch nước, ông Trọng sẽ phần nào nắm bắt được hoạt động của bên hành pháp và lập pháp.
Chân dung của Nguyễn Khắc Giang
Chưa thể đánh giá được quy mô và mức độ xử lý, nhưng các sự việc trong hai năm qua cho thấy ông Trọng giữ lời hứa trong việc nói ‘không có vùng cấm’ trong chống tham nhũng.
Nguyễn Khắc Giang, nghiên cứu viên của Viện nghiên cứu kinh tế và chính sách VERP
Quyền lực hiến định của Chủ tịch nước - cùng với chức danh Tổng Bí thư - cũng cho phép ông Trọng củng cố ảnh hưởng trong quân đội và công an.
Trong khi đó Abuza Zachary cho rằng cuộc chiến chống tham nhũng chắc chắn sẽ được tiếp tục nhưng là để củng cố quyền lực của Đảng, cụ thể là của phe ông Trọng.
“Ông Trọng và các đồng minh của ông ta đang sử dụng nó cực kỳ hiệu quả để loại bỏ các đối thủ trong Ủy ban Trung ương.
“Ông Trọng đang ở một vị trí không thể đánh bại trong bối cảnh hướng tới Đại hội đảng lần thứ 13, và ông ta sẽ muốn đảm bảo rằng người học trò của mình, Trần Quốc Vượng, tiếp nối mình.”
“Tôi chắc chắn Trọng đã không thúc đẩy cho việc sáp nhập hai vị trí nếu ông ta không tự tin về điều này.”
Có lẽ mức độ thành công của chiến dịch này tới đâu thì cần phải xem xét thêm, nhưng không thể phủ nhận Nguyễn Phú Trọng đã tạo ra một hình ảnh, có hành động rất cụ thể để diệt trừ tham nhũng trong bộ máy, những bản án được đưa ra cho thấy một chiến dịch thực chất chứ không chỉ là khẩu hiệu sáo rỗng.
Nhưng có xây dựng được một cơ chế mà nó sẽ thành công, sẽ tiếp tục với một vị lãnh đạo khác hay không, có lẽ tất cả vẫn sẽ vẫn phải chờ xem.