Wednesday, November 18, 2020

Kêu gọi lãnh đạo gương mẫu: vẫn là lý thuyết và không tưởng!

 Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.- Courtesy chinhphu.vn


Muốn người dân tin tưởng, đồng lòng, cán bộ lãnh đạo các cấp phải gương mẫu, đặt lợi ích của nhân dân lên hàng đầu.”

Đó là lời kêu gọi của ông Nguyễn Văn Nên, Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) đưa ra khi tham dự buổi họp mặt kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam - Ngày truyền thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam 18/11/1930-18/11/2020.

Một cán bộ về hưu ở Sài Gòn, ông Lê Văn Triết, nguyên Bộ trưởng Thương Mại, khi trao đổi với Đài Á Châu Tự Do hôm 18 tháng 11 năm 2020, nhận định:

“Theo tôi bình luận, cái câu đó của ông Nên là đúng, dân mà thấy cán bộ thật lòng thì dân mới tin tưởng, dân thấy cán bộ gương mẫu thì dân mới tin tưởng, cái đó ý ông Nên nói đúng. Còn ý thứ hai, từ xưa đến nay dân có tin tưởng hay không? Tôi cho rằng dân không tin tưởng, lý do vì sao? Vì cán bộ không thật lòng với dân, nói vì dân vì nước nhưng lại vì cái lợi ích riêng tư, hay là vì lợi ích nên chỉ đạo thế này thì anh nói thế này, chỉ đạo thế kia thì nói thế kia, chứ không nói theo sự thật. Cho nên đúng là nuốn cho dân tin tưởng thì cán bộ phải gương mẫu, mà gương mẫu thì phải nói theo cái nguyện vọng chính đáng của người dân, chứ còn nguyện vọng của dân như thế này mà anh nói thế kia... thì làm sao người ta tin tưởng được.”

Từ xưa đến nay dân có tin tưởng hay không? Tôi cho rằng dân không tin tưởng, lý do vì sao? Vì cán bộ không thật lòng với dân, nói vì dân vì nước nhưng lại vì cái lợi ích riêng tư.
-Lê Văn Triết

Vào năm 2019, có hơn 300 cán bộ, công chức tại TP.HCM bị kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo, cách chức, thôi việc vì thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý trong công tác. Trước đó hàng loạt cán bộ TPHCM cũng bị đề nghị truy tố như nguyên phó chủ tịch Nguyễn Hữu Tín, Đào Anh Kiệt, Lê Văn Thanh….

Vào đầu năm 2020, Cựu Chủ tịch TPHCM Lê Hoàng Quân bị Bộ Công an Việt Nam kiến nghị “kỷ luật hành chính nghiêm khắc” trong giai đoạn cựu phó chủ tịch Nguyễn Thành Tài có hành vi sai phạm trong vụ giao khu đất vàng tại số 8-12 Lê Duẩn, Quận 1. Ông Tài trước đó cũng đã bị Bộ Công an đề nghị Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao truy tố về sai phạm này.

Ba cán bộ khác cùng bị truy tố cùng với ông Tài, bao gồm: ông Đào Anh Kiệt, cựu Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường; Nguyễn Hoài Nam, nguyên Bí thư quận 2; Trương Văn Út, nguyên Phó phòng Quản lý đất.

Anh Đệ, một người dân tại thành phố Hồ Chí Minh khi trao đổi với Đài Á Châu Tự Do hôm 18 tháng 11 năm 2020, cho biết ý kiến của mình:

“Lãnh đạo luôn luôn nêu gương mẫu, đó chỉ là một khẩu hiệu thôi, còn vấn đề thực hiện điều đó là rất khó. Tại vì không có gì để mà ràng buộc được họ để họ gương mẫu, bằng chứng như sai phạm của cán bộ không chỉ ở Thủ Thiêm, đều rất khó xử lý vì vướng chỉ thị 15 của đảng, muốn kỷ luật đảng viên thì phải khai trừ ra khỏi đảng, nên công an không thể nhảy vào điều tra. Do đó họ không có gì phải sợ để mà gương mẫu, có gương mẫu hay không thì cũng chẳng sao. Nếu như họ thật sự gương mẫu thì họ đã xử lý vấn đề Thủ Thiêm suôn sẻ rồi. Điển hình như ông Lê Thanh Hải với 15 năm nắm TPHCM, thì tay chân, nhân viên của ông Hải rất nhiều, nên TPHCM không xử lý được, đó là gương mẫu đó.”

Theo Anh Đệ, nói chung gương mẫu chỉ là một khẩu hiệu đơn giản... anh cho biết mong muốn của anh với tân bí thư thành ủy Nguyễn Văn Nên:

“Tôi mong rằng bí thư thành ủy Nguyễn Văn Nên, cố gắng làm cho tốt chứ đừng hứa nữa, nếu ông tiếp tục hứa thì ông sẽ thất hứa... vì cán bộ có gương mẫu đâu, nói họ có nghe đâu, trên bảo dưới không nghe, Thủ Thiêm là một bằng chứng.”

Ông Nguyễn Văn Nên, Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) tại buổi họp mặt kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam - Ngày truyền thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam 18/11/1930-18/11/2020.
Ông Nguyễn Văn Nên, Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) tại buổi họp mặt kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam - Ngày truyền thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam 18/11/1930-18/11/2020. Courtesy hcmcpv.org.vn

Không chỉ tại TP.HCM, thời gian gần đây, các trường hợp cán bộ, đảng viên bị kỷ luật ngày càng nhiều. Đơn cử như trường hợp ông Nguyễn Văn Sơn, chủ tịch tỉnh Hà Giang bị khiển trách; ông Trần Đức Quý, phó chủ tịch tỉnh Hà Giang bị cảnh cáo vì sai phạm trong kỳ thi trung học phổ thông năm 2018.

Hay trường hợp nguyên phó chủ nhiệm văn phòng Chính phủ là ông Nguyễn Hữu Vũ bị kỷ luật và ông Văn Trọng Lý bị cảnh cáo vì những sai phạm ở dự án gang thép Thái Nguyên.

Mới nhất là vào tháng 4 năm 2020, Ủy ban Kiểm tra trung ương đã xem xét kỷ luật hai ông Lê Viết Chữ, Bí thư tỉnh Quảng Ngãi và ông Trần Ngọc Căng, Phó bí thư vì đã có nhiều vi phạm trong quản lý, sử dụng đất đai...

Luật sư Trần Quốc Thuận, đảng viên đảng cộng sản Việt Nam, người có gần 50 năm tuổi đảng, nguyên Chánh văn phòng Quốc hội Việt Nam, khi trả lời Đài Á Châu Tự Do nhận định:

“Cái này người ta thường nói là “Thượng bất chính, hạ tắc loạn”. Đất nước này nó hư đốn do có nhiều nguyên nhân. Nếu những người đứng đầu đất nước này mà làm gương không tham nhũng, không làm sai thì tự nhiên trật tự nó ổn định trở lại. Cho nên một trong những nguyên nhân sai trái là người lãnh đạo không gương mẫu, trong đời sống riêng tư, trong sinh hoạt, và nhất là thâm lạm tiền của nhân dân đất nước.”

Hay việc lâu nay từng xảy ra nhiều vụ cán bộ dùng tiền nhà nước, dùng xe công bảng số xanh đi chùa, đền thờ… Báo chí cũng đưa tin, nhưng xử lý không nghiêm. Dư luận cho rằng, muốn xử lý thì nhà nước phải xử lý dứt khoát, cho dù là ‘con ông, cháu cha’. Chứ không phải, cứ nếu là dân thường thì còng tay, còn cán bộ thì chỉ xin lỗi, như vậy thì làm sao có thể làm người dân tin tưởng được.

Lãnh đạo luôn luôn nêu gương mẫu, đó chỉ là một khẩu hiệu thôi, còn vấn đề thực hiện điều đó là rất khó. Tại vì không có gì để mà ràng buộc được họ để họ gương mẫu.
-Anh Đệ

Nhà văn Phạm Đình Trọng, nguyên đại tá quân đội đã từ bỏ đảng, khi trao đổi với Đài Á Châu Tự Do cho rằng:

“Nêu gương chỉ là một việc làm luẩn quẩn thôi, cái quan trọng nhất của một quốc gia là pháp luật. Cứ làm theo pháp luật thì không cần nêu gương gì cả và cán bộ nhà nước thì lại càng phải làm theo pháp luật. Chứ còn nêu gương chỉ là vấn đề đạo đức của một cá nhân thôi. Vận động nêu gương chỉ là do không biết làm gì trong tình hình sa sút hiện nay của đội ngũ cán bộ đảng viên, họ làm một cách bế tắc chứ không giải quyết được gì cả.”

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Dũng, một nhà ngôn ngữ học ở Sài Gòn, khi trả lời Đài Á Châu Tự Do cho rằng, không nên chỉ nhìn ở góc độ đạo đức. Vì nếu nhìn góc độ đạo đức thì sẽ lạc đề... đạo đức theo ông là câu chuyện của từng cá nhân, quan chức ở đâu cũng có người tốt người xấu, nhưng số người tốt và toàn tâm toàn ý với công việc, vì chuyện chung thì quá ít. Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Dũng, với cách tổ chức xã hội như ở Việt Nam hiện nay, thì số phận của một quan chức trong rất nhiều trường hợp là do trên quyết định, chứ không phải do dân quyết định. Người dân không có nghĩa lý gì dù họ luôn luôn nói ‘của dân, do dân, vì dân’. Ông nói tiếp:

“Vấn đề ở đây là do thể chế. Một cái thể chế xa rời người dân, một cái thể thực chất do trên quyết định chứ không do dân quyết định nhất định sẽ đẻ ra một tầng lớp quan chức không coi dân ra gì. Thể chế đó cũng đẻ ra chuyện sống hai mặt. Một mặt là nói những lời rất tốt đẹp; một mặt là tìm mọi cách vơ vét cho mình.”

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Dũng, chừng nào mà chưa giải quyết được vấn đề trong nguyên lý tổ chức của thể chế này, thì chừng đó mọi chuyện nêu gương đều tầm phào, không có ý nghĩa, có hô hào cũng vậy thôi, vì càng hô hào nêu gương thì càng dấn sâu vào giả dối.

Ý kiến về đá vỉa hè có độ bền 70 năm vừa lát đã hỏng

RFA 2020-11-18

 Ảnh minh họa. Người dân tập thể dục buổi sáng quanh khu vực Hồ Hoàn Kiếm. Hình chụp tháng 11/2000.

Ảnh minh họa. Người dân tập thể dục buổi sáng quanh khu vực Hồ Hoàn Kiếm. Hình chụp tháng 11/2000.-AP

Trách nhiệm thuộc về ai?

Truyền thông Nhà nước Việt Nam, vào ngày 17/11, dẫn lời của Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam, kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm cho biết chủ trương hoàn thiện để tạo nên sự bền vững của các vỉa hè là yêu cầu nhiều đô thị quan tâm, trong đó có thủ đô Hà Nội.

Tuy nhiên, kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm nhấn mạnh rằng thành phố Hà Nội trong những năm qua thay đổi rất nhiều vật liệu để lát vỉa hè, từ vật liệu gạch thiên nhiên cho đến các gạch lục giác, gạch con thoi, gạch xây chèn… nhưng đều không đảm bảo về tuổi thọ.

VTC News ghi nhận sau 4 năm Chính quyền thành phố Hà Nội thực hiện chủ trương cải tạo hè phố và vỉa hè, nhiều tuyến đường trong phạm vi 12 quận nội thành được thay thế từ gạch truyền thống sang đá tự nhiên và chỉ 1-2 năm sau sử dụng thì nhiều đoạn bị nứt vỡ, lởm chởm, lồi lõm…Mặc dù Chính quyền thành phố Hà Nội loan báo rằng đá mới dùng để lát vỉa hè có độ bền đến 70 năm.

Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam, kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm cho rằng các công ty vật liệu xây dựng phải chịu trách nhiệm về chất lượng đá và cần phải xem xét trách nhiệm của cơ quan quản lý, cụ thể là Sở Xây dựng Hà Nội liên quan việc giám sát và thi công lát đá vỉa hè. Song song đó, chính quyền các cấp phường, quận, huyện cũng phải có trách nhiệm trong việc tổ chức giám sát và có thể do không tổ chức giám sát quá trình thi công nên mới dẫn đến tình trạng như hiện tại.

Về quản lý đô thị và các vấn đề cụ thể của công trình đô thị thì cách đây mấy chục năm rồi đã nhiều phản ánh từ báo chí về chất lượng của xây dựng, đặc biệt kể từ sau năm 1990 là thời kỳ Việt Nam đổi mới và xây dựng trên toàn quốc. Tuy nhiên từ thời gian đó đên nay đã tốn bao nhiêu tiền của ngân sách nhà nước, mà thực chất là tiền đóng thuế của người dân, đã bị phung phí và bị lãng phí trong các công trình rất quan trọng. Những công trình nho nhỏ như công trình trồng cây xanh, công trình làm vườn hoa, công trình vỉa hè thì chuyện lãng phí còn khủng khiếp hơn nữa. Tuy rằng rất nhỏ, nhưng theo thời gian thì khối lượng ngân sách tiêu tốn rất nhiều
-Blogger Nguyễn Lân Thắng

Một cư dân Hà Nội, nhà hoạt động xã hội Nguyễn Lân Thắng, vào tối ngày 18/11, nói với RFA rằng ông có đồng quan điểm với kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm:

“Tôi đồng thuận với ý kiến của ông Đào Ngọc Nghiêm. Ông Đào Ngọc Nghiêm trước đây từng giữ chức kiến trúc sư trưởng của thành phố Hà Nội. Là người với trọng trách đó thì ông ấy hiểu rất rõ quy trình từ khâu thiết kế cho đến khâu lựa chọn vật liệu và thi công công trình. Cho nên ý kiến của ông ấy rất xác đáng.”

Một cư dân Hà Nội khác là kỹ sư xây dựng, lên tiếng với RFA rằng sẽ rất khó khăn để quy trách nhiệm thuộc về ai, bởi vì không chỉ việc lát đá vỉa hè ở Hà Nội mà hầu hết các dự án xây dựng ở Việt Nam đều không mang tính chất thực chất.

Vị kỹ sư xây dựng, không muốn nêu tên, khẳng định rằng các đơn vị thi công vẫn có thể đảm bảo chất lượng tốt cho công trình. Thế nhưng, trong quy trình thi công, bởi do các yếu tố về lợi nhuận và chia chác, chung chi…nên chất lượng của công trình không thể bảo đảm chất lượng như mong muốn.

Về việc lát đá vỉa hè sau khi sử dụng một vài năm bị hư hỏng, vị kỹ sư xây dựng ẩn danh cho rằng có nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra hậu quả.

“Bây giờ đơn giản là làm vỉa hè cho người đi bộ thì một người đi trên vỉa hè rất nhẹ. Thế nhưng xe máy chạy trên vỉa hè thì làm sao mà không hỏng? Làm đường cho người đi bộ và làm đường cho xe cơ giới, mà trong lĩnh vực xây dựng thì tính chất khác nhau. Do đó, làm đường vỉa hè mà xe máy chạy trên đó thì làm sao đảm bảo được?”

Đá lát vỉa hè Hà Nội bị hư hỏng sau 1-2 năm sử dụng.
Đá lát vỉa hè Hà Nội bị hư hỏng sau 1-2 năm sử dụng. Courtesy: vtc.vn
Vai trò giám sát của người dân

Theo quan điểm của kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm thì vai trò giám sát của người dân cần phải được đẩy mạnh thông qua các ban công tác khi thi công, nghiệm thu và quản lý vỉa hè.

Ông Lê Hoàng, một cư dân Hà Nội, chia sẻ ý kiến của ông về vai trò giám sát của người dân trong việc thay đá vỉa hè:

“Nếu người dân được giám sát thì nói thẳng ra là có thể được chuẩn mực hơn nhiều. Nhưng mà họ đâu có cho làm như thế đâu. Sau khi cho đấu thầu xong thì họ có một ban bệ để đánh giá chất lượng…Thực ra, người dân có ý kiến nhưng họ đâu có lắng nghe đâu.”

Nhà hoạt động xã hội Nguyễn Lân Thắng cho rằng người dân cũng thờ ơ về vai trò giám sát của họ:

“Về quy trình xây dựng theo Luật Xây dựng thì chắc chắn phải có việc công bố thông tin cũng như lấy ý kiến của người dân từ khâu quy hoạch cho đến các công trình phục vụ dân sinh. Thế nhưng từ trước đến nay thì thứ nhất là các chủ đầu tư, thường là thành phố hay quận cũng không chú trọng trong việc công bố thông tin đó; thứ hai thì người dân cũng không có tinh thần trong việc giám sát công việc của nhà nước, không chỉ trong việc xây dựng mà còn nhiều vấn đề khác. Bởi do cũng có người này người kia đóng góp ý kiến cho các vấn đề của nhà nước rồi, nhưng thông thường ý kiến của người dân không được coi trọng.”

Nếu người dân được giám sát thì nói thẳng ra là có thể được chuẩn mực hơn nhiều. Nhưng mà họ đâu có cho làm như thế đâu. Sau khi cho đấu thầu xong thì họ có một ban bệ để đánh giá chất lượng…Thực ra, người dân có ý kiến nhưng họ đâu có lắng nghe đâu
-Ông Lê Hoàng

Ông Nguyễn Lân Thắng nói thêm về nhận xét của mình liên quan việc lãng phí trong xây dựng kể từ khi Việt Nam thực hiện chính sách “Đổi mới” cho đến nay.

“Về quản lý đô thị và các vấn đề cụ thể của công trình đô thị thì cách đây mấy chục năm rồi đã nhiều phản ánh từ báo chí về chất lượng của xây dựng, đặc biệt kể từ sau năm 1990 là thời kỳ Việt Nam đổi mới và xây dựng trên toàn quốc. Tuy nhiên từ thời gian đó đên nay đã tốn bao nhiêu tiền của ngân sách nhà nước, mà thực chất là tiền đóng thuế của người dân, đã bị phung phí và bị lãng phí trong các công trình rất quan trọng. Những công trình nho nhỏ như công trình trồng cây xanh, công trình làm vườn hoa, công trình vỉa hè thì chuyện lãng phí còn khủng khiếp hơn nữa. Tuy rằng rất nhỏ, nhưng theo thời gian thì khối lượng ngân sách tiêu tốn rất nhiều.”

Còn vị kỹ sư xây dựng ẩn danh quả quyết rằng dù người dân có giám sát, dù truyền thông có phản ánh thì cũng không có thay đổi nào, bởi vì quy trình xây dựng ở Việt Nam theo cách được gọi là “ai nói thì cứ nói và ai làm thì cứ làm”.

Blogger Nguyễn Lân Thắng khẳng định rằng “Nếu như không có sự thay đổi trong hệ thống chính trị thì tôi cho là việc quản lý đô thị và xây dựng các công trình công cộng như vậy chắc chắn sẽ còn rất tồi tệ.”

Mơ ước của một giáo viên vùng cao: trường có nhà vệ sinh!

RFA 2020-11-17

 Ảnh minh họa. Học sinh vượt sống trong túi ny-lông đến trường.

Ảnh minh họa. Học sinh vượt sống trong túi ny-lông đến trường.-Courtesy: vov.vn


Thuộc trong số 63 giáo viên tiêu biểu được tiếp xúc với Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, vào sáng ngày 16/11, cô giáo người dân tộc Raglai, dạy ở trường Mầm non Bum Tở, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu bày tỏ rằng "Nếu có điều ước, tôi ước trường lớp được trang bị cơ sở vật chất đầy đủ, có nhà vệ sinh bởi không có nhà vệ sinh, các cháu, các cô cũng rất vất vả".

Bên cạnh đó, 63 giáo viên còn đưa ra các kiến nghị như có điện, nước sạch, có trang thiết bị dạy và học, đặc biệt là dạy tiếng dân tộc cho học sinh các dân tộc thiểu số.

Hứa hẹn của Chính phủ Việt Nam

Trong buổi gặp mặt 63 giáo viên tiêu biểu hôm 16/11, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết các cấp, các ngành sẽ cùng nhau phối hợp thực hiện 5 vấn đề dành cho giáo viên và học sinh dân tộc thiểu số ở vùng xa.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trình bày cụ thể 5 vấn đề bao gồm tùy điều kiện để xây nhà vệ sinh cho học sinh; các trường hiện chưa có điện lưới quốc gia thì được triển khai điện mặt trời để sử dụng; tất cả các trường có sóng điện thoại trực tiếp hay gián tiếp; hỗ trợ bằng mọi cách để học sinh ở xa đến trường có bữa ăn trưa; hỗ trợ sách vở, đồ dùng dạy học tiếng dân tộc cho học sinh.

Ông bộ trưởng không kiên quyết. Ông thủ tướng chưa bao giờ chỉ đạo ngành công an để dẹp tệ nạn này. Thế là tình trạng lạm thu cứ tồn tại mãi những năm qua thôi. Chẳng có quốc gia nào cứ mãi tuyên bố tự hào về ngành giáo dục mà lại thu tiền học sinh trái phép gấp hàng chục, hàng trăm lần mức học phí theo Nhà nước quy định. Ở Việt Nam, nếu không có chế tài nghiêm khắc việc lạm thu này thì nó trở thành một thói quen thôi. Giá như chuyện lạm thu được chấm dứt ở mầm non, tiểu học và các cấp thì điều này sẽ rất tốt
-Thầy giáo Đỗ Việt Khoa

Trước đó, tại phiên giải trình và trả lời chất vấn của Quốc hội, diễn ra vào ngày 10/11, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nói rằng “không khỏi xót xa khi nhìn thấy trẻ em đến trường phải đu dây qua những dòng sông dữ ở nhiều tỉnh miền núi hay phải chèo xuồng đến trường ở nhiều tỉnh đồng bằng Sông Cửu Long”.

Người đứng đầu Chính phủ Việt Nam tuyên bố rằng “Mỗi trẻ em là tài nguyên quý giá của dân tộc, do đó chúng ta phải có trách nhiệm rất lớn đối với thế hệ tương lai của đất nước”.

Tiến sĩ Phạm Quỳnh Hương, vào tối ngày 17/11, lên tiếng với RFA về ghi nhận của bà qua lời phát biểu vừa nêu của hai vị lãnh đạo Chính Phủ Việt Nam:

“Thực ra thì họ vẫn đang làm và có những cải thiện chứ không phải là không đâu. Tuy nhiên, hoàn cảnh của Việt Nam thì các vùng sâu vùng xa thật sự rất nghèo cho nên chưa làm xuể thôi. Có những dự án được nước ngoài tài trợ tiền nên họ làm được rất nhiều. Nếu không có những dự án đấy thì tình hình còn khổ hơn. Hoàn cảnh trước đây còn tồi tệ hơn nhiều lắm. Bây giờ đã khá hơn nhiều rồi. Thế thì, những điều ông Thủ tướng và ông Phó Thủ tướng nói thì đúng vì thật sự có những chính sách, những chương trình được quan tâm và đầu tư đúng.”

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam gặp gỡ các giáo viên tiêu biểu ngày 16/11/2020.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam gặp gỡ các giáo viên tiêu biểu ngày 16/11/2020. Courtesy: VGP News

Phải xử lý vấn nạn tham nhũng trong ngành giáo dục

Mặc dù vậy, thầy giáo Đỗ Việt Khoa cho rằng ngành giáo dục trong năm học 2020-2021 nổi lên những vấn đề gây bức xúc trong cộng đồng như các bộ sách giáo khoa lớp 1 bị dư luận chỉ trích hay tình trạng học sinh đến trường hết sức khó khăn ở các khu vực miền Trung bị lũ lụt nghiêm trọng…

Đặc biệt, vấn nạn lạm thu trong trường học được thầy giáo chống tiêu cực, Đỗ Việt Khoa cho là nghiêm trọng nhất:

“Đó là vấn đề lạm thu trong các trường học. Tình trạng này cực kỳ nghiêm trọng. Tôi có thể nói trong năm học này là hết sức nghiêm trọng và cực kỳ tinh vi. Rất nhiều trường hiện nay vẽ ra các khoản thu trái phép mà không có lãnh đạo của các cấp, các ngành nào xử lý và họ còn bao che cho nhau. Rất ít trường bị lôi ra ánh sáng.”

Thầy giáo Đỗ Việt Khoa nhấn mạnh bản chất của tình trạng lạm thu, được nói theo đúng từ ngữ là ‘tham nhũng trong trường học’ và cụ thể thì hiệu trưởng các trường học chịu trách nhiệm. Họ vẽ ra vô vàn các khoản thu và được sự bảo kê của các cấp lãnh đạo địa phương nên họ không bị xử lý.

“Ông bộ trưởng không kiên quyết. Ông Thủ tướng chưa bao giờ chỉ đạo ngành công an để dẹp tệ nạn này. Thế là tình trạng lạm thu cứ tồn tại mãi mấy mươi năm nay thôi. Chẳng có quốc gia nào cứ mãi tuyên bố tự hào về ngành giáo dục mà lại thu tiền học sinh trái phép gấp hàng chục, hàng trăm lần mức học phí theo Nhà nước quy định. Ở Việt Nam, nếu không có chế tài nghiêm khắc việc lạm thu này thì nó trở thành một thói quen thôi. Giá như chuyện lạm thu được chấm dứt ở mầm non, tiểu học và các cấp thì điều này sẽ rất tốt.”

Tôi cũng mong nền giáo dục của Việt Nam được cởi mở hơn và tiếp cận được nhiều hơn với chuẩn mực quốc tế. Bởi vì chuẩn mực giáo dục của Việt Nam đang đi sau quốc tế rất xa, không chỉ về chương trình giảng dạy, quan điểm về giảng dạy mà còn về quản lý nữa. 
-Tiến sĩ Phạm Quỳnh Hương

Nhân ngày 20/11/2020, thầy giáo Đỗ Việt Khoa mong muốn vấn nạn tham nhũng được Bộ Giáo dục và Chính phủ Việt Nam quyết liệt diệt trừ thì môi trường giáo dục mới được trong sạch và là một nơi chốn đào tạo được những thế hệ tương lai có tinh thần trách nhiệm và cống hiến.

Tiến sĩ Phạm Quỳnh Hương chia sẻ về hy vọng của bà đối với nền giáo dục của Việt Nam:

“Tôi cũng mong nền giáo dục của Việt Nam được cởi mở hơn và tiếp cận được nhiều hơn với chuẩn mực quốc tế. Bởi vì chuẩn mực giáo dục của Việt Nam đang đi sau quốc tế rất xa, không chỉ về chương trình giảng dạy, quan điểm về giảng dạy mà còn về quản lý nữa. Do đó, khi cách thức quản lý được thay đổi thì sẽ tiếp cận được nhiều hơn về mặt chương trình và triết lý giáo dục gắn với phát triển của thế giới. Tôi nghĩ khi đấy thì cơ hội cho chất lượng giáo dục ở Việt Nam được tiến bộ hơn.”

Đài RFA ghi nhận, qua bài diễn văn đọc trước Quốc hội của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, không ít những giáo viên và giới chuyên gia giáo dục, như tiến sĩ Mạc Văn Trang đánh giá cao quyết tâm của Chính phủ Việt Nam đối với nền giáo dục nước nhà. Tuy nhiên, họ mong muốn được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chia sẻ thông tin đến bao giờ học sinh phổ thông được miễn học phí.

Đây là một mơ ước lớn của nhiều tầng lớp trong xã hội và để biến mong ước này thành hiện thực cần có nhiều điều kiện và quyết tâm. Tuy vậy, mơ ước của cô giáo dân tộc Raglai được nêu ra trong phần đầu bài hẳn không khó thực hiện.

Lỗ hổng kiến thức về thủy điện và rừng của ngài phó thủ tướng!


Ngàn Hương (Danlambao) - Tại phiên họp thường kỳ tháng 10 về tình hình phát triển kinh tế - xã hội, sáng 30/10/2020, khi nói đến nguyên nhân lũ cao, gây sạt lở đất tại các tỉnh miền Trung, ông Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nói đại ý như sau: Lũ cao là do mưa lớn kéo dài, không phải do thủy điện xả lũ. Thủy điện có tác dụng tích nước, không có thủy điện là rất nguy hiểm.


Về vấn đề sạt lở đất là do mưa lâu ngày, đất chứa nhiều nước làm cho tính kết dính rất kém (chứ không phải do phá rừng như dư luận và báo chí nói).

Nói về rừng ở Việt Nam, ông Dũng cho biết hiện nay Việt Nam phủ kín trên 40% tổng diện tích từ nhiên. “Như vậy công tác trồng rừng ở nước ta rất tốt. có những vùng như Trung bộ, Đông bắc... bây giờ rừng phủ kín”(1).
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng
Xin trao đổi với ông Phó Thủ tướng 2 vấn đề sau đây:

1. Về thủy điện: Ông chỉ mới hiểu một nửa của vấn đề. Vẫn biết thủy điện khi mưa thì tích nước. Nhưng khi mưa to, khi hạ lưu đang chìm ngập trong lũ, thì để bảo đảm độ an toàn cho nên thủy điện phải xả. Vậy là gây ra tình trạng “Lũ chồng lũ”.

Còn về mùa khô hạn, khi hạ lưu cần nước để tưới tiêu cho cây trồng, thì thủy điện lại tích nước để phát điện. Như vậy là hạn chồng hạn.

Chẳng lẽ ông không biết việc này sao, hay là để bảo vệ cho thủy điện tiếp tục gây hại cho người dân, tuy ông biết nhưng nói bừa?

2. Về rừng và nguyên nhân gây sạt lở đất: Theo định nghĩa: Rừng là một hệ sinh thái. Trong một khu rừng có cây tầng cao, cây tầng giữa và cây bụi. Rừng cung cấp oxy cho con người và động vật, giúp điều hòa khí hậu. Là môi trường sinh sống và trú ẩn của nhiều loài động thực vật. Ngoài ra rừng chống xói mòn đất, cản sức gió và ngăn cản tốc độ chảy của dòng nước. Giúp điều tiết lượng nước, phòng chống thiên tai lũ lụt, xói mòn và sạt lở đất.

Vậy hậu quả của việc cạo nhẵn lớp mặt rừng nguyên sinh để làm thủy điện, bằng khai thác rừng lấy gỗ, và đốt rừng để trồng cây mới là nguyên nhân tạo nên tính kết dính kém đây ông ạ...

Khi cây rừng bị cưa sạch, lớp đệm giữ nước của rừng bị bóc, thay vào đó là những cánh rừng mới trồng xanh um, tươi tốt, nhưng kỳ thực lớp mặt đất núi đã bị tổn thương, liên kết núi bị bẻ gãy và chỉ cần một trận mưa lớn, núi trở thành cái túi đất ngậm nước, đến khi ngậm không nổi nữa thì vỡ ra, gây sạt lở, chuồi đất, lũ quét, lũ ống…

Để thi công công trình thủy điện, ngoài việc phá rừng, người ta đã xẻ núi, cắt xẻ taluy cao, dốc để mở đường và làm công trình. Việc làm đường giao thông và lấy mặt bằng xây dựng nhà ở và làm công trình phụ trợ, đã làm mất cân bằng sườn dốc, phá vỡ kết cấu bền vững đã tồn tại hàng triệu năm nay. Trong khi, một quả núi phải mất hàng triệu năm mới hình thành thế cân bằng, thì sự can thiệp của con người sẽ làm mất đi xu thế này.

Bình quân các nhà máy thủy điện cóc 1MW tiêu ngốn khoảng 10 ha rừng đầu nguồn. Vậy mỗi dự án thủy điện “nuốt chửng” hàng mấy trăm ha rừng ông có biết không?

Hãy nghe các nhà khoa học lên tiếng:

Nói về rừng trồng, PGS.TS Bảo Huy, trưởng bộ môn quản lý tài nguyên rừng và môi trường thuộc khoa nông - lâm nghiệp Đại học Tây nguyên khẳng định: Rừng trồng không có chức năng phong hộ. Do kết cấu rừng đã được thiết kế phù hợp với lưu vực và điều kiện khí hậu, địa chất của từng vùng. Vì vậy, những khu rừng nguyên sinh, rừng nhiệt đới nhiều tuổi, có nhiều tầng tán, nhiều loại cây, tạo ra nhiều tầng lớp phòng hộ rất hiệu quả.

Ông Trịnh Xuân Hòa, Phó viện trưởng Khoa học Địa chất và Khoáng sản (Bộ Tài nguyên và Môi trường), khi trả lời báo chí, cho rằng: Mất rừng tự nhiên là một trong nguyên nhân sạt lở đất. Để làm đường, làm công trình thì phải bạt núi, xẻ taluy, mất thảm thực vật dẫn tới nguy cơ sạt lở. Khả năng giữa nước của rừng tái sinh rất hạn chế so với rừng tự nhiên.

GS. TSKH Đặng Huy Huỳnh, nguyên Viện trưởng Viện Sinh thái và tài nguyên sinh vật (Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam), nói: “Người ta chỉ nhớ đến rừng khi xảy ra lũ lụt”Theo đó: “Một nguyên nhân không thể bỏ qua là tác động tiêu cực của con người lên tài nguyên rừng. Ngưỡng chịu đựng của hệ sinh thái là có giới hạn. Những can thiệp thô bạo của con người lên thiên nhiên, trong đó có khai thác rừng quá mức là nguyên nhân gây ra lũ lụt.

Theo báo cáo số liệu năm 2005 của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc (FAO), Việt Nam là nước có tỉ lệ phá rừng nguyên sinh đứng thứ 2 trên thế giới, chỉ sau Nigeria.. Nguyên nhân mất rừng do sự yếu kém và tham nhũng trong công tác bảo vệ rừng, sự thông đồng, cấu kết, tiếp tay, chia chác của các giới chức hữu quan cũng như lực lượng kiểm lâm đã tiếp tay cho lâm lặc chặt phá rừng.

Vẫn biết rằng, việc các nguồn lợi khổng lồ từ việc phá rừng nguyên sinh làm thủ điện nhỏ, thêm vào là việc trồng rừng, sau đó là việc bán điện. Cũng như lợi ích từ việc phá “rừng nghèo” để bán gỗ và trồng cao su, thì các nhóm lợi ích không thể ăn riêng họ, mà phải biết “cúng bái” thì mới tồn tại được. Nhưng bảo kê kiểu đó thì hơi lỗ liễu quá.

Tất cả các nguyên nhân đó gây ra lũ chồng lũ, gây ra tai ương và tang thương, mất mát cho dân. Tất cả các nguyên nhân của thảm họa đó, ông trời chỉ góp một nửa, một nửa quyết định là do bàn tay của con người.

Khi có thiên tai xảy ra, chẳng thấy những kẻ cầm đầu phá rừng làm thủy điện hay các ông trình khác ló mặt ra cứu trợ dân. Mà địa phương lại gõ cửa từng nhà để ép buộc từ cụ già đến em nhỏ, từ khố rách áo ôm đến xe ôm thợ hồ hỗ trợ, đóng góp để cứu trợ, nhưng không biết những đồng tiền ấy có đến được những người bị hoạn nạn hay không.

Vậy có phải ông bắt báo chí của ông phải “bẻ cong ngòi bút” để nói rằng, phá rừng nguyên sinh làm thủy điện cóc không phải nguyên nhân gây lũ lụt và sạt lở đất. Rằng tại Việt Nam rừng còn nhiều, nên nạn phá rừng chưa có gì đáng lo ngại?

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc từng nói: Rừng là vàng, chặt 1 cây gỗ cũng phải thắp hương lạy cây!

Có một nhà thơ từng viết:

“Hồn Tổ quốc ngự giữa rừng sâu thẳm
Rừng điêu tàn là Tổ quốc suy vong”. 

Chắc là ngài Phó Thủ tướng cũng không muốn nhìn cảnh “Tổ quốc suy vong” đâu nhỉ?

Xem ra kiến thức về thủy điện và rừng của ngài Phó Thủ tướng đang có vấn đề đấy, ông ạ.

Chú thích:


Lũ lụt cuốn trôi dân chết đói, nghĩ về đảng trị vì

 


Nguyễn Dân (Damlambao) Trong những ngày cuối tháng 10, bao cơn mưa lũ đổ ập về các tỉnh miền Trung: Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên, Quảng Ngam, Quảng Ngãi, Bình Định… Những vùng, miền mà hầu như không năm nào là không khấn chịu tan thương vì lũ lụt.


Năm nay thì nặng nhất, chết và đói ngập tràn. Thảm cảnh lại kéo dài, do thiên tai lẫn cả nhân tai. Vậy mà, chỉ một số người dân (với lòng hảo tâm thương xót) từ bốn phương góp phần gởi về để cứu giúp, lẻ loi và thiếu thốn phương tiện.

Nhà cầm quyền họ đã làm gì?

Trung ương đầu não thì các ông chú tâm lo cho kỳ đại hội đảng, và đang giành nhau chức vị. Ông chủ tịch tản lờ, và thủ tướng thì “xính vính” chiếu lệ trong sự bất lực, bất tài. Địa phuơng thì đang chờ… chỉ thị.

Con vật chăm lo chải chuốt bộ lông, một đảng chỉ biết có quyền lợi đảng.

Dân đói, dân chết, cửa nhà tan tác tả tơi giữa cơn sóng dữ thì cứ mặc dân. Hầu như không thấy một phương cách cấp cứu khẩn cấp. Con số chết và mất tích, chỉ mấy ngày đầu đã lên đến hàng trăm.

Một số “cơ sở” dân sự tự phát, cấp tốc lo đi cứu giúp đồng bào thì “nhà nước” không chấp thuận: mọi thứ hãy đưa về, giao cho (đảng) - Mặt Trận Tổ Quốc, Chữ Thập Đỏ - lo (theo cái Nghị Quyết “lỗi thời”, quan trần dân trệ).

Trước tình cảnh “bức xúc” – thương tâm, đau lòng - Một số phần tử “phản động” liều lĩnh để cấp cứu, tạm gọi là kịp thời, đã cứu và giúp được một số đông thoát đói và thoát chết.

Và rồi bao lời ra tiếng vào. Bao nhiêu là lệnh truyền độc đoán, tư duy kém cõi, đầu óc tham tàn để ra sức bao biện, bao che, trấn áp trong vai trò nhẫn tâm đốn mạt của bao kẻ thế quyền. Một nhà nước do đảng lãnh đạo: do dân, vì dân, phục vụ dân… ngày hôm nay đã thể hiện, chứng minh cho sự lừa bịp, gian manh là rõ nhất.

Một vài sự việc, vấn đề xin được nêu lên:

1- Kẻ đầy tớ, người ông chủ: ai cùng khổ hơn ai?

Một lừa bịp khốn nạn nhất là chiêu trò phỉnh phờ qua câu nói: “Dân là chủ, và cán bộ đảng viên phải là đầy tớ trung thành với nhân dân”. Từ khi kêu gọi toàn dân đấu tranh, hy sinh vì đảng: máu xương tuông đổ, hy sinh mọi thứ, mạng người ngã gục khắp non sông, để đến bây giờ những “đầy tớ” là cán bộ quyền uy mọi cấp không ngừng hút máu người chủ nhân dân để vinh sang sung sưóng, ngôi cao chễm chệ với tột đỉnh vinh sang, nhà cao cửa rộng, vật chất đủ đầy, thì “chủ” là đại đa số người dân trở nên khổ nghèo cơ cực. Khốn nạn chưa?

2- Vì sao cứu trợ, người ta không dám giao cho tổ chức cầm quyền các cấp?

Tham lam, cướp đoạt đến tận cùng, bè lũ đảng viên đâu đâu cũng như là bầy kên kên chực chờ moi rỉa xác. Thực tại đã chứng minh, xác nhận: Qua bao lần thiên tai, lũ lụt từng vùng, từng miền và cả nước. Thực phẩm, thuốc men, tiền bạc đi cứu trợ nạn nhân một khi trao vào tay cán bô địa phương thì luôn bị ăn chận, cướp đoạt chẳng thương tình. Ăn tận cùng, cướp khắp chổ, khắp nơi, thì làm sao phẩm vật cứu trợ được giao cho? Bây giờ, trong cơn lũ lụt chết người này, thì đã không giúp dân kịp thời mà còn giở trò (theo Nghị Định 64?) hòng quyết tâm chận chẹt.

Tham lam không thấy xấu hổ, cướp đoạt chẳng biết ngại ngùng, thì người dân ai lại dám tin?

3- Kêu gọi đồng bào xa xứ gởi tiền về cứu trợ, ông TBT/CTN muốn gì?

Đồng bào, chủng tộc, một khi nạn tai, đói khổ, chết chóc thì ai lại không xót dạ đau lòng - chỉ trừ loại sói lang rừng rú, bọn thảo khấu mới chẳng biết thương người. Xin thử hỏi: Người dân cả nước (lẫn hải ngoại) so với đám nhũng lạm thế quyền hiện hữu, ai là kẻ giàu có nhiều tiền? Vậy mà (lũ, bọn này) họ nhởn nhơ không chút nào xốn xang xao động, chỉ trông chờ người khác thương xót, đoái hoài. Mặc tình mà vui hưởng trong những tháp ngà, từng biệt thự dát vàng, từng biệt phủ vinh sang đồ sộ, vun vít ăn chơi không ngừng nghỉ. Có bao giờ (chúng nó) bỏ ra “một đồng” để cứu giúp người dân? Lại rộng họng, to mồm cầu xin cứu giúp, để rồi cùng nhau chia chát lợi lộc của tiền. Chực chờ để rút rĩa tận hưởng. Đúng không?

62 ngàn tỷ giúp dân trong dịch bệnh (như đã rùm beng hứa hẹn) Đã giúp hết chưa? Đồng đều chưa? Hay là kỳ thị phân chia phe phái?

Nhiều nước ngoài hảo tâm: Mỹ, Nhật, Hàn quốc, Đài Loan, EU… đã giúp cho bao nhiêu là triệu đô - tiền cứu trợ lũ lụt VN đó - Bầy kên kên CHXHCHVN sẽ phải làm gì?

Riêng ông TBT/CTN. Ông đang và đã làm gì? Chỉ biết chú tâm vào đảng của ông chăng? Vấn đề “nhân sự” - một đảng từ 90 năm phĩnh lừa, độc hại toàn dân – hôm nay vẫn lại củng cố và tiếp tục. Ông đốt lò, diệt trừ tham nhũng, đem về bao nhiêu nghìn tỷ (của cướp đoạt từ dân). Cất đâu? Và để làm gì?

Bây giờ lại kêu gọi cứu giúp từ “bọn phản động” lưu vong hải ngoại – khúc ruột ngàn dặm - tiền bạc gởi về. Để chi? Và ai dám chắc rằng của tiền cứu trợ được một đảng tham ô độc quyền chi dùng đúng chổ?

Lời cuối: Đất nước, dân tộc này không phải thuộc riêng về một đảng – CSVN.

Đất nước VN đã được tạo dựng trên 4.000 năm bằng công lao, máu xương của cả dân tộc qua bao đời, bao trăm ngàn thế hệ. Hy sinh mạng sống để tạo dựng, giữ gìn. Đảng CSVN là một đảng cướp - cướp chính quyền từ 1945, và cướp cả dân tộc từ 1975 - để nắm giữ độc quyền thống trị. Đó là sự cướp công của toàn thể cả một dân tộc. Lên nắm trọn quyền từ trên 45 năm, đảng CSVN đã làm được gì?

Thay vì gìn giữ và xây dựng, đảng lại tàn hại, cướp phá, để đến bây giờ, một đất nước tan tác, phát triển chẳng bằng ai. Thậm chí đi lùi hằng mấy mươi năm? Một dân tộc khổ nghèo cùng cực. Chỉ có đảng là phú quí vinh sang? Để vinh vào đó mà khoác lác cao ngạo tự hào? “Đất nước TA chưa bao giờ có được như hôm nay”. Đốn mạt chưa?

Trước giặc Tàu lấn chiếm, đảng các ông nhân nhượng, cúi lòn. Trước bọn giặc giết hại dân tình, đảng các ông lo đi “hữu nghị” và “đú đởn” với kẻ thù, vui say hưởng thụ. Rước giặc vào nhà để tàn hại non sông. Và giờ đây trước khủng khiếp nạn tai, các ông không có kịp thời một kế hoạch cứu giúp, chỉ việc trông chờ - trông chờ vào lòng thương hại từ xa.

Từ mấy mươi năm, cho đến ngày nay, một đảng không là lợi ích dân tộc , mà trái lại càng làm cho dân tộc thảm thương , cùng khổ, đói nghèo, và chết chóc. Một đảng chỉ biết lo cho lợi quyền riêng đảng…

Đã đến lúc một ĐẢNG cầm quyền bất lực, bất tài, tham lam vô độ, CẦN PHẢI RA ĐI.

Đã đến lúc dân tộc này phải vùng lên đánh đổ.

29/10/2020 

“Ai cũng hiểu chỉ một người không hiểu”!

 


Ngàn Hương (Danlambao) - Những người chăn nuôi, đặc biệt là nuôi heo, ai cũng biết tác dụng của chất xơ có trong rau, củ quả đối với con heo là quan trọng như thế nào. Vì vậy trong chăn nuôi heo, người ta khuyến khích cho heo ăn thêm chất xơ có rất nhiều trong rau, củ quả, đặc biệt là cây chuối.


Vì xơ là thành phần quan trọng của một số ít thực vật trong thực liệu làm thức ăn nuôi heo. Xơ đề kháng với sự tiêu hóa do enzyme sinh ra ở ruột non, do đó cung cấp lượng lớn đến xoang ruột và trở thành chất nền chính cho sự lên men của vi khuẩn, đặc biệt ở ruột già, làm cho heo hấp thụ thức ăn tốt hơn.

Tác dụng của chất xơ quan trọng như thế tưởng chừng ai cũng biết. Thế nhưng điều trớ trêu là lại có một người lẽ ra phải hiểu biết rõ ràng hơn những người khác, thì lại không hiểu. Người ấy là một Tiến sĩ Nông nghiệp, đương kim Bộ trưởng bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường.

Theo Thông tư số 02/2020-TT-BNN&PTNT ngày 28/2/2020 của Bộ NN&PTNT, về việc “Ban hành danh mục sản phẩm thức ăn chăn nuôi theo tập quán và nguyên liệu đơn được phép lưu hành tại Việt Nam”. Tuy nhiên, trong danh sách được phép lưu hành này lại không có các loại thức ăn truyền thống lâu nay như bèo, thân chuối...

Thông tư này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân kinh doanh, sử dụng thức ăn chăn nuôi gia súc, gia cầm trên toàn lãnh thổ Việt Nam.

Trong danh mục không có các sản phẩm thức ăn chăn nuôi truyền thống, được sử dụng từ xưa đến nay như rau củ, bèo, thân chuối... Phải chăng những sản phẩm ngoài danh mục là cấm được lưu hành?

“Sáng kiến vĩ đại” này của Bộ NN&PTNT của ngài Tiến sĩ Nông nghiệp Nguyễn Xuân Cường đã bị dư luận xã hội lên án dữ dội. Họ cho rằng những loại thức ăn truyền thống lâu đời trong chăn nuôi như bèo, thân chuối đã được cha ông ta áp dụng hàng ngàn năm nay, tại sao bỗng dưng nay bị cấm?

Phải chăng là những đầu óc “đỉnh cao trí tuệ” của thời đại 4.0 này muốn bảo vệ “lợi quyền” bằng cách khuyến khích người chăn nuôi bỏ những thức ăn truyền thống để tăng cường nhập khẩu các chất cấm do “Anh Bạn Vàng Tốt” tuồn sang, để họ cho heo ăn vì lợi ích trước mắt là tăng trọng, nhưng mục đích lâu dài là đầu độc cả dân tộc này? Vì ai cũng biết rằng chất tăng trọng là hết sức độc hại và rất có hại cho sức khỏe con người.

Như trước đây họ đã tham mưu việc trồng cây bạch đàn và bán giống cho VN trồng ào ạt tại nước ta. Để rồi sau đó khi phát hiện ra âm mưu thâm độc này thì hàng trăm ngàn ha bạch đàn đã tốn công tốn sức tốn tiền trồng, nay lại tốn công sức chặt phá.Vì loài cây này ăn hại đất, làm cạn kiệt nguồn nước và không cây con gì có thể sinh sống được với chúng.Tóm lại là loại cây cực độc và tàn phá môi trường.

Cũng may mà vẫn còn những người còn tỉnh táo phát hiện ra điều phi lý này, và đã loại bỏ thẳng tay cái Thông tư chết tiệt này của ngài Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường.

Theo đó: Tại buổi làm việc với các bộ, cơ quan ngang bộ về các quy định gây khó khăn, vướng mắc đối với sản xuất, kinh doanh lĩnh vực nông nghiệp, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Chính phủ Mai Tiến Dũng yêu cầu Bộ NN&PTNT bỏ quy định lợn không được ăn cây chuối, thỏ không được ăn cà rốt. Vì việc nuôi heo và cho ăn các chất xơ có trong cây chuối là kinh nghiệm bao đời nay của cha ông ta, không thể vì lợi ích của nhóm người nào đó nay tự dưng muốn cấm là cấm được (1).

Vẫn biết việc bãi bỏ quy định này sẽ làm “đau lòng” một số người vì mất nguồn thu từ việc bảo kê cho việc nhập lậu tràn lan các chất cấm vào VN. Nhưng “một tay không thể che trời”. Nhân dân VN không phải ai cũng tham và dốt như họ nghĩ đâu.

Cũng với ông Tiến sĩ Nguyễn Xuân Cường này đã phát hiện ra việc hàng triệu ha rừng tại VN bị mất là do đế quốc Mỹ đã rải hàng triệu lít hóa chất độc hại xuống VN hồi chiến tranh, làm cho rừng đến nay chưa khôi phục được.

Không chỉ Nguyễn Xuân Cường, mà còn nhiều vị Tiến sĩ cũng đã có những phát ngôn “để đời” tại nghị trường vừa qua. Như Bộ trưởng TN&MT Trần Hồng Hà nói rằng rừng VN bị tàn phá là do người dân phá rừng làm đồ gia dụng. Như Bộ trưởng 4T Nguyễn Mạnh Hùng tưởng tượng ra con số và nói rằng, hiện tại các mạng xã hội của VN đã có 96 triệu người dùng, tương đương số tài khoản người VN trên hai mạng xã hội lớn của nước ngoài là Facebook và YouTube v.v...

Thế mới biết tấm bằng TS hiện nay của các vị ấy là “vi diệu, long lanh, huyền ảo” biết chừng nào.

Rất là... ngạo nghễ.

Chú thích:


Ngàn Hương