Sunday, February 7, 2016

Quan hệ báo chí và tuyên giáo: Một động thái cựa mình của báo chí để được là chính mình

Theo VNTB -8.2.16
Phùng Hoài Ngọc (VNTB) Tuy nhiên ủy viên trung ương thượng tướng Võ Tiến Trung không bị kỷ luật như quận ủy viên Nam Từ Liêm. Tại sao vậy ?

Giữa đại hội 12, lộ lọt tin nhân sự, Ban tuyên giáo vỡ trận hay là chiến thuật?

Ủy ban KT Trung ương, trước đại hội, lo xa chống lộ lọt, bằng cách thông báo “trảm” một ủy viên thường vụ quận Nam Từ Liêm lộ tin bầu cử quận ủy.

Báo Tuổi Trẻ đưa tin (12/01/2016 15:47): Hà Nội kỷ luật huyện ủy viên làm “lộ” thông tin nhân sự.


Thông tin được lãnh đạo Thành ủy Hà Nội nêu tại hội nghị tổng kết công tác kiểm tra, giám sát năm 2015 và triển khai nhiệm vụ 2016 của Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội ngày 12-1.

Nhưng vào ĐH12, chính ủy viên Trung ương lại lộ lọt tin tức. Cố tình lộ lọt hay giả vờ lộ lọt, hay là… mất kiểm soát, hay là… một tiểu xảo trong bầu bán. Nghĩ sao cũng thấy có lý.

Nhiều báo lề đảng và lề dân đưa tin đại ý như sau:

“Chiều 23-1, trả lời báo chí bên hành lang Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng (Đại hội XII) …Thượng tướng Võ Tiến Trung cho biết trong Đại hội cũng có nhiều người giới thiệu phương án là Trung ương để lại một đồng chí làm Tổng Bí thư.  Tuy nhiên, theo ông Trung, trong Ban chấp hành Trung ương khóa XI có giới thiệu 4 người ở lại với cương vị này với đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư khóa XI, là 5 người. Ông Nguyễn Phú Trọng là người được Bộ Chính trị thống nhất giới thiệu ra Trung ương”.

Tuy nhiên ủy viên trung ương thượng tướng Võ Tiến Trung không bị kỷ luật như quận ủy viên Nam Từ Liêm. Tại sao vậy ?

Báo chí lề đảng xả xú páp khi đưa tin “thủ tướng Dũng rút lui”.

Báo Tuổi Trẻ (25/01/2016 20:03): ​Đại hội XII: Thủ tướng không có tên trong danh sách bầu cử 

TTO -  Thông tin cập nhật về kết quả bỏ phiếu cho biết đa số đại biểu của Đại hội XII đã đồng ý cho 29 ứng cử viên (23 chính thức và 6 dự khuyết) rút khỏi danh sách bầu cử. 

BÁO MỚI. COM đưa tin cùng ngày:
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng không có tên trong danh sách bầu cử BCH T.Ư khóa XII

Báo Soha News đưa tin: Đại hội XII: Thủ tướng không có tên trong danh sách bầu cử
Và còn nhiều báo nhà nước và báo tự do cũng giật tít tương tự về thủ tướng Dũng.

Xin bình luận đôi lời về tựa đề các bài báo trên.

Các nhà báo và biên tập viên khi tác nghiệp rất coi trọng việc đặt tựa đề, nhiều khi lao tâm khổ tứ hơn cả viết bài. Đành rằng nội dung bài báo là chủ yếu, song một cái tựa thích hợp làm nổi bật nội dung, hoặc có khi một cái tựa hay hơn nội dung. Đó là trường hợp tin tức thủ tướng Dũng không được tái cử ở Đại hội 12.

Vì sao 29 ứng viên bị buộc rút mà nhà báo chỉ nhấn mạnh “thủ tướng bị rút” ? Tựa đề bài báo như một tiếng kêu sững sờ và thất vọng “Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng không có tên trong danh sách bầu cử BCH T.Ư khóa XII” ?  Nhà báo vừa là chính mình, vừa đại diện tâm tư tình cảm của một bộ phận bạn đọc (càng lớn càng tốt) là đông đảo dân chúng. Tựa đề bài báo như một thông tin thất vọng, bất ngờ, không ngờ trong tâm tư nhà báo và dân chúng.Tựa đề bài báo như một tin “sét đánh giữa trời quang”, như một tin về thiên tai địch họa ! Xét về mặt ngữ văn thì đúng là như thế.

Ban tuyên giáo, có lẽ, vỡ trận trong việc kiểm soát đưa tin Đại hội, kìm không nổi rồi.

Là người thích đọc báo, chúng tôi nhận thấy dù ĐH12 được coi al2 thắng lợi hay thất bại thì sự cựa mình của báo chí quốc doanh cho thấy một cánh cửa rộng hơn mới mở ra cho nhà báo (nhà báo tự mở, không chờ lệnh ai).

Hội nhập TPP: Thách thức về sở hữu trí tuệ với Việt Nam

 Theo Khám Phá -07/02/2016 11:00
Khi Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình dương (TPP) có hiệu lực, các doanh nghiệp Việt Nam có thể đối mặt với những rào cản về chỉ dẫn địa lý.
Sản phẩm nông nghiệp gặp bất lợi
Việt Nam đã kết thúc vòng đàm phán Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình dương (TPP) vào cuối năm 2015 và đến tháng 2/2016 sẽ ký kết hiệp định này và thực hiện các thủ tục pháp lý trình Quốc hội phê chuẩn để Hiệp định có hiệu lực.
Theo PGS, TS Trần Văn Hải, Chủ nhiệm môn Sở hữu trí tuệ, Trường Đại học xã hội và nhân văn, khi TPP có hiệu lực, các doanh nghiệp Việt Nam có thể đối mặt với những rào cản về chỉ dẫn địa lý.
Hội nhập TPP: Thách thức về sở hữu trí tuệ với Việt Nam
Sản phẩm nông nghiệp Việt sẽ gặp bất lợi khi tham gia TPP. Ảnh minh họa
Việt Nam đang bước vào một thời kỳ phát triển mới, trên nền tảng và những kết quả tích cực đã đạt được của 30 năm đổi mới, giờ đây chúng ta bước vào quá trình hội nhập, sự hội nhập sâu rộng của cả nền kinh tế, trong đó có lĩnh vực nông nghiệp.
Bối cảnh đó đòi hỏi chúng ta cần có sự chuẩn bị, thích ứng đầy đủ và phù hợp nhằm phát huy những lợi thế, hạn chế những khó khăn, chủ động tham gia tích cực và hiệu quả vào thị trường, xây dựng sự bền vững trong sản xuất và thương mại nông sản.
Tuy nhiên ông Hải dẫn thực tế là một quốc gia nông nghiệp, song Việt Nam không có sản phẩm nào được Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới nhắc đến trong danh mục các nông sản nổi tiếng thế giới. Theo đó danh mục này có trà Darjeeling, phomat Parmigiano, rượu vang Bordeaux, thịt bò Kobe, rượu Tequila Mexico...
Sau 15 năm kể từ ngày chỉ dẫn địa lý đầu tiên của Việt Nam được bảo hộ, đến nay chúng ta đã có 46 chỉ dẫn địa lý, trong đó có 42 chỉ dẫn địa lý của Việt Nam, song việc bảo hộ này trong thương mại quốc tế chỉ ở mức khiêm tốn.
Theo ông Hải, hiện Cục SHTT của Thái Lan đã cấp giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý "Buôn Ma Thuột" cho sản phẩm cà phê của Việt Nam, trước đó là chỉ dẫn "Phú Quốc" cho sản phẩm nước mắm được bảo hộ ở Liên minh Châu Âu. Trong khi Việt Nam bảo hộ rượu Pisco của Peru thì ngược lại, Peru không bảo hộ bất kỳ một chỉ dẫn địa lý nào cho sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam.
Đây chính là những điểm bất lợi của các DN Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp. Họ sẽ buộc phải để các quốc gia còn lại dẫn dắt cuộc chơi trong giao lưu thương mại liên quan đến nông sản, ít nhất là trong nội bộ các quốc gia thành viên TPP” – TS Hải nhấn mạnh.
Theo Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ Trần Việt Thanh, hiện nhiều địa phương đã xác định chỉ dẫn địa lý là một trong những hướng đi nhằm xây dựng thương hiệu địa phương, phát triển sản xuất và thị trường cho sản phẩm nông sản.
Tuy nhiên, hiện nay chúng ta còn gặp nhiều khó khăn cả về thể chế chính sách và thực tiễn khai thác. Các mô hình quản lý chỉ dẫn địa lý còn gặp nhiều khó khăn, sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý tham gia vào thị trường còn chưa nhiều, chỉ dẫn địa lý chưa hình thành một dấu hiệu nhận diện, sự nhận biết và tin tưởng của người tiêu dùng trên thị trường.
Sẽ hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ
Theo Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân, Việt Nam đã hội nhập một cách toàn diện và sâu rộng vào nền kinh tế thế giới đặc biệt là đối với các nước Châu Á Thái Bình Dương. Chính vì thế DN cần thể hiện được ý chí của mình, còn các cơ quan quản lý nhà nước cũng thấy rõ trách nhiệm trong việc hỗ trợ các DN về đổi mới công nghệ để có thể hội nhập một cách thành công vào nền kinh tế thế giới.
Vấn đề đổi mới công nghệ được xem là vấn đề sống còn của DN Việt Nam. Trong giai đoạn sắp tới, chúng ta không thể cạnh tranh được với thế giới nếu như không đổi mới một cách toàn diện” – Bộ trưởng Nguyễn Quân nói.
Theo đó, Bộ trưởng cho biết, Bộ KH&CN đã trình Thủ tướng Chính phủ hàng loạt các Chương trình quốc gia về KH&CN trong đó tập trung vào DN. Bộ KH&CN trong những năm qua đã xác định DN là trung tâm của quá trình đổi mới công nghệ và là địa chỉ để chuyển giao công nghệ, là nguồn cầu quan trọng của thị trường công nghệ và thậm chí cũng đóng 1 vai trò là nguồn cung công nghệ.
Trong quá trình đổi mới công nghệ của các DN, Bộ KH&CN đã thể hiện sự hỗ trợ của mình thông qua các chương trình đổi mới công nghệ quốc gia. Thủ tướng cũng đã cho phép thành lập Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia chủ yếu là để tài trợ, hỗ trợ cho DN đổi mới công nghệ.
Chúng tôi sẽ đầu tư cho các DN chủ lực, các DN mũi nhọn để có thể đổi mới công nghệ. Bên cạnh các chương trình quốc gia dành cho DN, còn có các chương trình khác được Chính phủ phê duyệt các chương trình khác như chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao trong đó có 1 phần hỗ trợ cho các DN công nghệ cao, chương trình phát triển sản phẩm quốc gia cũng sẽ có hợp phần hỗ trợ các DN tham gia vào việc nghiên cứu, ứng dụng và phát triển những sản phẩm mang thương hiệu của Việt Nam như lúa gạo, vacxin…” - Bộ trưởng Nguyễn Quân khẳng định.
Ngoài ra, Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ cũng triển khai Dự án Hỗ trợ phát triển chỉ dẫn địa lý ở Việt Nam trong đó mục tiêu là hỗ trợ Việt Nam cải thiện về hệ thống đăng ký và quản lý chỉ dẫn địa lý thông qua xây dựng một phương pháp tiếp cận mới, trên cơ sở bài học kinh nghiệm của Châu Âu, đặc biệt là Pháp, đồng thời cũng tiến gần đến sự hội nhập trong đăng ký và quản lý chỉ dẫn địa lý với các nước trong khu vực và trên thế giới.
Hải Lâm

Mùa hoa tết thật buồn

Trưa 29 tháng chạp, nhà vườn hoa kiểng ở các tỉnh về Sài Gòn bán đã chịu lỗ nặng, đã vậy còn bị người mua nặng nhẹ. Chưa có mùa tết nào như vậy.

Một mùa hoa kiểng bán tết thật buồn.

Ghi nhận tại bến Bình Đông. Anh Minh, ghe vườn Chợ Lách từ Bến Tre lên Sài Gòn, buồn rầu: “Công cán bao cả năm trời, lấy ngắn nuôi dài nhưng giờ chẳng còn gì để sống. Có cây 2 triệu mà giờ bán 100,000 đồng người ta còn trả giá xuống”. Trước nhiều lời chê mai bung nụ nở hết rồi, mai bị gãy cành, anh Minh quả quyết: “Bây giờ chị lấy em để giá chót 1.5 triệu, hết giá rồi, không được bứng liền gốc mang lên ghe đi về. Chị có lòng thì mua chứ em bán chỉ để tiền dầu ghe về thôi, lời gì nổi nữa. Mấy cây này toàn trên 4 tới 5 năm, phải có thời gian để uốn cái dáng mới đẹp vậy mà chị trả nữa em thua”.
Ghi nhận tại khu bán bông kiểng trước chợ Bến Thành. Ông Thành, quê ở Tiền Giang mua bông từ Hà Nội vào lên Sài Gòn bán giờ lỗ trắng, chấp nhận nhìn cảnh hàng chục cây đào đã nở bông bị chất lên xe rác, nghiền nát. Ông Thành nói như khóc: “Bây giờ không cho ai hết, ai có lòng mua thì 100,000 đồng/cây, bán chứ không cho, không thì chất hết lên xe rác. Mấy cây lên xe rác cỡ 500-600,000 đồng/cây. Những cây gốc to vầy là cả mấy triệu cũng đành bỏ chứ tiền không còn mà mướn xe chở về. Năm nay coi như chấp nhận lỗ mấy chục triệu, nhưng giờ tôi không cho. Thà rằng liệng lên xe rác chứ không để người ta đến hốt mang về”.
Ông Lê Văn Phố quê tận Hải Dương ngồi bệt xuống đường, gương mặt khắc khổ giữa cái nắng chói của Sài Gòn ngày cuối năm mếu máo: “Cây đào này chăm bón 7 năm, bán 7 triệu có người mua rồi đặt cọc 2 triệu nhưng giờ không mua nữa nhờ tôi bán hộ. Tiền chậu 500,000 đồng mà giờ bán còn 150,000 đồng. Người ta đi xe hơi còn kỳ kèo giá cả. Ông xe ôm chở đi lấy tiền có khi mắc hơn cây đào nữa”. Gom đồ về nhà, ngoảnh lại nhìn số đào mình tự tay trồng, ông Phố cười trừ: “Giờ đi tắm ở nhà vệ sinh công cộng rồi ra ga về quê. Coi như năm nay không có tết, một cây đào ở nhà mình còn không có, ở đây thì phải đổ đi. Mình cho mà có người còn bảo đem về lấy củi nấu bánh chưng hay chi chi đó. Đau lắm!”.
Một mùa hoa kiểng bán tết thật buồn.
 02/07/2016 - 08:40
Vũ Minh Ngọc / SBTN

Việt Nam có thả tù chính trị năm 2016?

Đầu năm 2016, Tổ chức Freedom House có trụ sở tại Washington DC, Hoa Kỳ, lại lên tiếng chỉ trích chính phủ Việt Nam vẫn tiếp tục đàn áp tự do báo chí và hoạt động của các tổ chức xã hội dân sự, cũng như hạn chế việc truy cập internet để tìm kiếm thông tin.
Việt Nam được xếp vào 1 trong số 50 nước bị coi là hoàn toàn không có tự do trong bản báo cáo về tự do toàn cầu 2016 được Freedom House công bố vào ngày 27 tháng 1. Hình RFA
Với điểm số trung bình là 20 trong thang điểm từ 1 đến 100, Việt Nam bị xếp vào 1 trong số 50 nước bị coi là hoàn toàn không có tự do trong bản báo cáo về tự do toàn cầu 2016. Quốc gia này cũng còn giam giữ ít nhất 130 tù chính trị.
Con số 130 tù chính trị mà Freedom House nêu ra có thể chỉ mang tính tương đối. Theo một số tổ chức xã hội dân sự độc lập trong nước theo dõi về tù nhân chính trị, số tù nhân lương tâm mà chính quyền còn giam giữ có thể lên đến 150 – 200 người, thậm chí cao hơn.
Tình trạng bưng bít thông tin về tù chính trị của chính quyền trong rất nhiều năm đã khiến việc thống kê tù nhân lương tâm trở nên rất khó khăn. Thỉnh thoảng và một cách tình cờ, dư luận được biết đến một tù nhân chính trị có “thâm niên” nằm trong nhà tù. Trường hợp “người tù thế kỷ” Nguyễn Hữu Cầu là một điển hình. Ông Cầu nguyên là đại úy Quân lựcViệt Nam Cộng hòa, đã bị giam suốt 37 năm trời qua hai thế kỷ XX và XXI. Chỉ nhờ một bức thư kêu cứu của cháu gái ông, dư luận trong nước và đặc biệt các tổ chức nhân quyền quốc tế mới được đánh động. Sau đó, nhờ vào tác động quốc tế, ông Nguyễn Hữu Cầu mới được trả tự do vào đầu năm 2014.
Trong hai năm 2011 và 2012, số người bất đồng chính kiến bị bắt ở Việt Nam tăng cao kỷ lục, bình quân khoảng 45 người/năm. Về sau này, chính quyền còn bắt thêm nhiều dân oan đất đai. Những người này cũng có thể được xem là tù nhân lương tâm.
Chỉ đến năm 2014, do áp lực liên tục của Hoa Kỳ, Tây Âu và cộng đồng người Việt hải ngoại, một đợt thả tù chính trị lớn nhất từ năm 1975 mới hình thành. Có những cái tên nổi bật như Cù Huy Hà Vũ, Nguyễn Tiến Trung, Đỗ Thị Minh Hạnh, Điếu Cày Nguyễn Văn Hải.
Tuy nhiên đến năm 2015, bất chấp việc người đứng đầu đảng cộng sản Nguyễn Phú Trọng được tiếp đón linh đình ở Tòa Bạch ốc bởi Tổng thống Obama, chính quyền Việt Nam hầu như đóng chặt cửa thả tù chính trị. Không những thế, công an Việt Nam còn tiến hành bắt thêm một số người bất đồng như các ông Trần Anh Kim, Lê Thanh Tùng. Người cuối cùng bị bắt trong năm 2015 là luật sư nhân quyền Nguyễn Văn Đài – một nhà đấu tranh nổi bật.
Bước vào năm 2016, kết quả bầu bán nhân sự của đại hội 12 của đảng cầm quyền đã cho thấy dàn nhân sự mới mang tính bảo thủ khá cao, và do vậy vẫn chưa có nhiều hy vọng là chính quyền Việt Nam sẽ thả nhiều hơn tù nhân chính trị trong năm này.
Tuy nhiên, 2016 lại là năm mà Hiệp định TPP có thể được các quốc hội, đặc biệt là Quốc hội Hoa Kỳ, phê duyệt. Vào tháng 5/2016, dự kiến sẽ có chuyến công du của Tổng thống Obama đến Hà Nội. Đây là hai yếu tố có thể khiến chính quyền Việt Nam, trong thế cực kỳ khó khăn về nội lực kinh tế và thâm thủng ngân sách trầm trọng, phải “mở lòng” hé ra cánh cửa trại giam hoen gỉ.
 02/06/2016 - 19:36
Lê Dung / SBT

8 ngư dân Việt Nam được Philippines trả về trước tết sau 3 năm giam giữ

Sau 3 năm bị giam giữ ở Philippines, 8 ngư dân Việt Nam đã được trao trả trở về Việt Nam.
Lãnh sự quán CSVN tại Philippines tối ngày 5 tháng 2 phối hợp cùng Cục Nhập cư Philippines đưa nhóm 8 ngư dân quê Quảng Ngãi, Ninh Thuận và Khánh Hòa về Sài Gòn trên chuyến bay của hãng hàng không Cebu Pacific. Đây là nhóm ngư dân bị bắt và giam giữ tại Jolo, tỉnh Sulu, Philippines, từ tháng 4 năm 2012, và được trả tự do để tiến hành các thủ tục hồi hương vào tháng 11 năm 2015. Trong các cuộc gặp và làm việc với Cục Nhập cư Philippines từ đầu năm nay, Đại sứ CSVN tại Philippines Trương Triều Dương nói muốn giải quyết dứt điểm tình trạng ngư dân, hy vọng nhận được sự phối hợp, giúp đỡ từ Manila. Lãnh sự quán đang phối hợp để giải quyết một số trường hợp gặp vướng mắc về giấy tờ và chuẩn bị cho một nhóm 12 ngư dân Quảng Ngãi về nước vào ngày 9 tháng 2.
Cách đây 3 tháng, 7 ngư dân Việt cũng đã về nước an toàn sau hơn 1 năm bị Philippines giam giữ vì tội đánh cá trái phép. Số lượng tàu đánh cá và ngư dân Việt Nam bị bắt giữ càng ngày càng nhiều, song chưa bao giờ Việt Nam công bố các số liệu chính thức về vấn đề này.
02/06/2016 - 16:16
Thanh Lan / SBTN

Cambodia tiếp tục ủng hộ tham vọng của Trung Quốc ở Biển Đông

PHNOM PENH (NV) - Ông Hun Sen, thủ tướng Cambodia, vừa tái khẳng định lập trường của Cambodia: Không can dự vào tranh chấp chủ quyền tại biển Đông và các bên cần giải quyết bất đồng thông qua đối thoại song phương.

Ông Hun Sen, nhân vật được Việt Nam hậu thuẫn để trở thành thủ tướng Cambodia, nay là tác nhân cản trở ASEAN tìm kiếm sự đồng thuận để đối phó với tham vọng của Trung Quốc. (Hình: Tuổi Trẻ)

Lập trường của Cambodia vốn là quan điểm của Trung Quốc. Trước nay, Trung Quốc một mực đòi hỏi cộng đồng quốc tế phải để Trung Quốc và các quốc gia đang có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc tại biển Đông tự giải quyết bất đồng bằng những cuộc đối thoại song phương.

Tự giải quyết bất đồng về chủ quyền ở biển Đông bằng đối thoại song phương đồng nghĩa với việc gạt bỏ sự can thiệp của cộng đồng quốc tế, giúp Trung Quốc có lợi thế khi “đối thoại” và nhiều chuyên gia an ninh, quốc phòng khẳng định, đó là con đường dễ nhất để Trung Quốc đạt được tham vọng độc chiếm biển Đông.

Qua tuyên bố vừa kể, có lẽ Cambodia là thành viên duy nhất của ASEAN công khai ủng hộ Trung Quốc - quốc gia dẫn đầu về viện trợ cho Cambodia, đồng thời cũng là quốc gia dẫn đầu về đầu tư vào Cambodia.
Hy vọng về một ASEAN đạt được sự đồng thuận trong việc tìm kiếm giải pháp nhằm ngăn chặn Trung Quốc độc chiếm biển Đông vừa lóe lên đã vụt tắt.

Cuối tháng trước, ông Thongsing Thammavong, thủ tướng Lào khẳng định, Lào sẽ tham gia phản đối yêu sách chủ quyền của Trung Quốc tại biển Đông. Trong vai trò chủ tịch luân phiên của ASEAN, Lào tuyên bố quốc gia này mong mỏi có một ASEAN đoàn kết, bảo vệ quyền tự do lưu thông trên biển Đông, cùng nhau thực hiện các giải pháp cần thiết để ngăn chặn quân sự hóa và xung đột.

Trước đó, tuy không công khai ủng hộ Trung Quốc như Cambodia song “thái độ trung lập” của Lào khiến việc tạo ra “tiếng nói chung” của ASEAN trở thành bất khả.

Mãi đến cuối tháng vừa qua, Lào mới công khai bày tỏ quan điểm của mình trước lập trường của Trung Quốc về chủ quyền tại biển Đông.

Với việc thay đổi thái độ của Lào, người ta hy vọng, cuộc họp thượng đỉnh giữa tổng thống Hoa Kỳ với các nguyên thủ ASEAN vào ngày 15 và 16 tháng 2 tại California sẽ giúp thắt chặt quan hệ giữa Hoa Kỳ với tất cả các thành viên ASEAN để giảm tối đa tác động của Trung Quốc trong khu vực này.

Nay, thủ tướng Cambodia tiếp tục là tác nhân gây khó khăn cho việc đạt đến điều đó.

Trong tuyên bố mới nhất về quan điểm đối với vấn đề biển Đông, ông Hun sen nhấn mạnh là hãy để Việt Nam và Philippines “đối thoại song phương” với Trung Quốc vì đó là cách tốt nhất để giải quyết bất đồng về chủ quyền. Cambodia cũng đã từng làm y hệt như vậy với Việt Nam, Thái Lan, Lào để giải quyết bất đồng giữa Cambodia với ba quốc gia này về biên giới trên đất liền.

Ông Hun Sen bác bỏ chỉ trích Cambodia hậu thuẫn cho Trung Quốc “gây rối nội bộ.” Ông ta bảo rằng, Cambodia “hoàn toàn độc lập” trong chính sách đối ngoại.

Thủ tướng Cambodia xác nhận ông ta sẽ đến Hoa Kỳ tham dự hội nghị thượng đỉnh giữa Hoa Kỳ và ASEAN vào giữa tháng này nhưng nhấn mạnh, ông ta sẽ “khuyến khích các quốc gia có liên quan đàm phán với nhau vì ASEAN không có thẩm quyền giải quyết tranh chấp lãnh thổ.” (G.Đ)
02-06-2016 4:53:14 PM 

Để chứng minh ‘dân chủ đến thế là cùng’

Phan Văn Song

 Gửi cho BBC từ Australia 4 giờ trước 

Image copyrightAFP
Image captionTổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam nói với truyền thông và báo giới dự Đại hội 12 rằng Đại hội đã làm việc và bầu bán nhân sự 'dân chủ đến thế là cùng'.
Ý tưởng của tiến sĩ Nguyễn Quang A “Hãy ứng cử để biến quyền hão dần dần thành quyền thực và giúp ông Trọng chứng minh ‘dân chủ đến thế là cùng’” đã gợi cho người viết nảy ra vài ý sau đây.
Trước hết, đây là ý tưởng dính dáng tới chế độ bầu cử ở Việt Nam nên xin bàn một chút về chuyện bầu bán ở Đại hội 12 của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Khi bàn tới việc bầu bán ở Đại hội 12 (ĐH12) này, có nhiều ý kiến phê phán quyết định 244 của BCHTW khoá 11 và cho đó là quyết định không dân chủ, được soạn thảo nhằm cố ý loại từ đầu các đối thủ của ‘phe ông Trọng’ (nếu có một phe như vậy).
Tuy nhiên, nếu xém xét cặn kẽ quyết định này cũng như những nguyên tắc dân chủ ta lại thấy nó không hoàn toàn như vậy (dù có thể có thâm ý của người soạn thảo như tôi sẽ bàn sau.)
Thứ nhất, ngay điều 1 của quyết định này có nêu rõ là:
”Quy chế này được áp dụng đối với việc bầu cử trong Đảng từ chi bộ đến Ban Chấp hành Trung ương. Việc bầu cử ở Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng do Đại hội quy định…”
Điều này có nghĩa quyết định này không hề chi phối việc bầu bán ở ĐH12 trừ khi đa số đai biểu đồng ý vận dụng nó vào việc bầu cử ở Đại hội.

Thâm ý của 244

Thật ra, người soạn văn bản đã rất kín kẽ khi đưa ra điều này bởi vì theo Điều lệ của họ (luật lệ gốc ủa Đảng) thì Đại hội đại biểu toàn quốc mới là cơ quan quyền lực cao nhất còn BCHTW, đúng như tên gọi, chỉ là cơ quan chấp hành giữa 2 kì Đại hội nên không thể vượt quyền ra lệnh cho Đại hội (cấp mà mình thừa hành) phải làm gì.
Thứ hai, dù điều 13 của quyết định này có quy định:
”Ở các hội nghị của Ban Chấp hành Trung ương, các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư không được đề cử nhân sự ngoài danh sách do Bộ Chính trị đề cử; không được ứng cử và nhận đề cử nếu không có tên trong danh sách đề cử của Bộ Chính trị,” nhưng do điều 1, Đại hội vẫn có quyền không áp dụng quy định này.
Đại hội 12Image copyrightKham Getty
Image captionĐai hội 12 đã tái bầu ông Nguyễn Phú Trọng làm Tổng Bí thư và 3 ủy viên Bộ chính trị được giới thiệu vào ba trong bốn ghế 'tứ trụ' đầy quyền lực của nhà nước và chính quyền.
Ngay cả khi Đại hội đồng ý áp dụng thì điều này cũng không phải là vi phạm nguyên tắc dân chủ nói chung. Vì khi đó các cá nhân có liên quan dù đang là đại biểu của Đại hội, tức là đại diên cho các đảng viên ở đơn vi mình làm đại biểu, vẫn còn thành viên của BCHTW/BCT/BBT cũ nên vẫn phải chấp hành nghị quyết của các tổ chức đó và hơn nữa nghị quyết đó không trái với quyết định của ĐH (do ĐH đã chấp nhận áp dụng QĐ 244 như đã giả định).
Lưu ý rằng ở đa số nền dân chủ, đối với những vấn đề đảng chính trị không có chủ trương hoặc những vấn đề mà trong đảng chưa có ý kiến thống nhất thì khi biểu quyết đảng viên có thể được tự do (conscience vote: bỏ phiếu theo nhận thức/lương tâm) còn nói chung vẫn phải theo chủ trương của tổ chức. Tức là vẫn theo các nguyên tắc như thiểu số phục tùng đa số, cấp dưới phục tùng cấp trên, cá nhân phục tùng tổ chức… chứ không phải như một số người giải thích đây chỉ là những nguyên tắc riêng của kiểu dân chủ tập trung.
Những thông tin có được cho tới bây giờ cho thấy rõ ràng việc bầu cử ở Đại hội 12 diễn ra theo đúng các quy định khác trong Quyết định 244, còn việc họ xử trí với điều 1 như thế nào thì chúng ta không được biết.
Ngay cả những nhà bình luận bên ngoài hình như vẫn lướt qua điều 1 này nên tôi nghĩ rằng đa số các đại biểu ĐH (với tâm thế quen phục tùng cấp trên, quan tâm tới chức quyền hơn là các quy dịnh trong Điều lệ hay các văn bản pháp quy của ĐCS, không có dũng khí để thách thức ‘cấp trên’…) có lẽ cũng chẳng ai để ý tới điều 1 này và ĐH mặc nhiên áp dụng QĐ 244 cho việc bầu cử ở ĐH không qua bàn thảo.
Đó có thể cũng là thâm ý của người soạn thảo quyết định (viết ra cho kín kẽ khi bị chất vấn nhưng thừa biết ít có người am hiểu và dám đòi áp dụng). Như vậy về mặt văn bản, có lẽ không có gì phàn nàn về tính dân chủ của QĐ 244.

Bàn về 'tứ trụ'

Bây giờ xin được bàn qua về việc bầu ‘tứ trụ’. Như phân tích trên việc bầu ‘trụ’ Tổng Bí thư thì chẳng có gì đáng phàn nàn, đó là chuyện riêng của ĐCSVN và họ cũng làm đúng theo quy trình ‘dân chủ’chọn ra được ông Nguyễn Phú Trọng làm TBT.
Công dân ngoài đảng chúng ta trên thực tế hoàn toàn không có vai trò gì trong việc chọn ‘trụ TBT’ này. Còn 3 ‘trụ’ còn lại (CTN, TT và CTQH) thì theo bài bản, họ cũng đưa ra được 3 người (Trần Đại Quang, Nguyễn Xuân Phúc, Nguyễn Thị Kim Ngân) để giới thiệu cho QH bầu vào 3 vị trí này.
TS. Nguyễn Quang A
Image captionTS Nguyễn Quang A kêu gọi người dân hãy ứng cử để biến ''quyền hão dần dần thành quyền thực' và giúp ông Nguyễn Phú Trọng chứng minh ‘dân chủ đến thế là cùng’.
Dĩ nhiên, trên thực tế công dân ngoài đảng chúng ta cũng chẳng có vai trò gì trong việc giới thiệu này. Tuy nhiên, khác với ‘trụ TBT’, theo quy định hiện hành chúng ta có thể có một vai trò nào đó trong việc quyết định ai sẽ vào vị trí ‘3 trụ đó’ tuỳ theo nỗ lực của chúng ta trong việc vận dụng những quy định của hệ thống.
Theo quy định của Hiến pháp 2013, ‘3 trụ’ này trước hết phải là thành viên của QH. Với kiểu cách bầu cử hiện nay, chắc chắc bộ ba đã nêu sẽ được giới thiệu ra ứng cử đại biểu QH, chắc chắc họ sẽ trở thành ứng cử viên và chắc chắn sẽ được đắc cử với tỉ lệ cao. Và cũng theo kiểu cách bầu ‘3 trụ’ hiện nay, dù có thể có người khác trong QH ra tranh cử các vị trí này với họ (xác suất rất thấp) nhưng phần chắc là đa số đại biểu QH sẽ là đảng viên CS, nên chắc chắn là họ sẽ bầu cho 3 vị này theo chủ trương của ĐH 12 (trừ khi họ coi thường kỉ luật đảng mà bầu theo lương tâm– chuyện này khó xảy ra) nên chắc chắc là cả ba sẽ vào vị trí đúng như ĐCS dự kiến.
Rõ ràng cũng theo kiểu cách bầu cử hiện hành, chúng ta hoàn toàn có thể làm cho mình một vai trò nào đó trong việc quyết định ai sẽ nắm ‘3 trụ’ còn lại bằng cách biến những cái chắc chắc, cái hiếm xảy ra trong đoạn văn trên dần dần thành những cái bấp bênh, cái phổ biến… theo ý tưởng của TS Nguyễn Quang A.
Thứ nhất, cố gắng để có những người ngoài đảng có uy tín như TS Nguyễn Quang A đứng ra tranh cử ở cùng đơn vị với họ, vận động dân chúng dồn phiếu cho mình và do đó cơ hội họ đắc cử sẽ giảm đi hoặc triệt tiêu.
Thứ hai, vận động có thêm nhiều người ngoài đảng tranh cử ở các đơn vị khác và nếu họ đắc cử sẽ làm giảm tỉ lệ đảng viên CS trong QH và do đó tỉ lệ 3 người này (nếu họ vẫn đắc cử đại biểu QH) được bầu vào ‘3 trụ’ sẽ giảm xuống.
Thứ ba, vận động các đại biểu QH đắc cử là đảng viên bỏ phiếu theo lương tâm và do đó tỉ lệ họ đắc cử vào ‘3 trụ’ sẽ giảm xuống (nếu họ vẫn đắc cử đại biểu QH).
Dĩ nhiên, ở đây người viết không có ý tấn công vào cá nhân ba vị được ĐCSVN giới thiệu vào vị trí ‘3 trụ’ mà chủ yếu nhắm vào mục tiêu lớn hơn là tìm cách sớm đưa chế độ toàn trị hiện nay thành một chế độ dân chủ dựa trên những việc hoàn toàn có thể làm trong một cuộc tranh cử dân chủ bình đẳng (dù chúng ta đang bị đối xử bất công: họ được cả một hệ thống ủng hộ, thậm chí dùng cả tiền thuế do chúng ta đóng góp… trong khi chúng ta bị chèn ép với nhiều thủ tục nhiêu khê, tranh cử với sức lực của chính mình, chưa kể có thể bị cản trở trong tranh cử, gian lận trong kiểm phiếu…) trong khuôn khổ chế độ hiện tại.

Không thể vỗ ngực

Qua các việc này, dù chúng ta có thể chưa thành công (tình hình hiện tại có lẽ chưa cho phép) nhưng với kết quả chúng ta đạt được, dù còn khiêm tốn thì Đảng Cộng sản chắc chắc phải xem lại mình, không còn có thể mạnh dạn vỗ ngực xưng tên rằng ‘đã được nhân dân chọn lựa’...
Việt NamImage copyrightvietnamplus.vn
Image captionTháng 5 tới đây, Việt Nam sẽ tổ chức kỳ bầu cử Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp trên toàn quốc với ông Nguyễn Sinh Hùng đã được cử làm Chủ tịch Hội đồng Bầu cử Quốc gia.
Cũng qua các việc này nhân dân nói chung sẽ dần dần ý thức rõ hơn về quyền của mình và mạnh dạn hơn trong việc biến các quyền hão đó thành quyền thực, một tập dượt cần thiết trên con đường đi tới một nền dân chủ thật sự.
Dĩ nhiên, nếu vận động khéo léo và biết tập trung vào đối tượng yếu nhất, theo tôi khả năng chúng ta có thể loại được đối tượng đó khỏi vị trí đại biểu QH (tức bị thất cử và do đó không còn cơ hội trở thành ứng viên ‘3 trụ’) không phải là không có.
Nếu được như thế thì quả đó là một thắng lợi to lớn cho nền dân chủ và Đảng Cộng sản buộc phải thay đổi và do đó con đường đi tới dân chủ có thể được rút ngắn hơn.
Dĩ nhiên để đạt điều này phải tốn rất nhiều công sức, trí tuệ và thậm chí có thể phải chịu đàn áp, bắt bớ... dù chúng ta vẫn tuân thủ trong khuôn khổ của chế độ, không thể lạc quan một cách đơn giản.
Bài viết thể hiện văn phong và phản ánh quan điểm riêng của tác giả, nguyên quyền Hiệu trưởng Trường Trung học Phổ thông chuyên Bến Tre, hiện đang sinh sống ở Australia.

Công đoàn VN 'con đường chưa khai phá'

Nguyễn Quang Duy 

Gửi cho BBC từ Úc 7 giờ trước 

Ký kết TPPImage copyrightAP
Image captionCác bộ trưởng thương mại 12 quốc gia thành viên TPP đã ký kết chính thức Hiệp định này tại New Zealand ngày 04/2/2016.
Ngày 4/2/2016 tại Auckland, New Zealand, Việt Nam và 11 quốc gia đã chính thức ký biên bản thỏa thuận gia nhập Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Ngoài đường phố chung quanh khu trung tâm Auckland nơi các quốc gia đang ký kết hàng ngàn người đã biểu tình chống lại với lý do Hiệp định chỉ có lợi cho các doanh nghiệp lớn hơn là cho người lao động.
Tại Việt Nam qua Diễn đàn BBC, nhà hoạt động công đoàn Đỗ Thị Minh Hạnh diễn tả “Nghiệp đoàn độc lập vẫn mờ mịt sau TPP”.
Phải chăng đến lúc chúng ta cần nhìn lại để có thể có được một hướng đi mới cho công đoàn tại Việt Nam.

Bảo thủ và cấp tiến

Có khái niệm cho rằng đảng Cộng sản đang phân thành hai khuynh hướng bảo thủ và “cấp tiến”, phe “cấp tiến” muốn cải cách chính trị để có thể thích ứng với kinh tế thị trường khi Việt Nam tham gia TPP.
Khái niệm trên không chính xác. Cạnh tranh thị trường tự do là chấp nhận mạnh được yếu thua.
Nói cách khác kinh tế thị trường chỉ mang lại lợi ích cho thành phần mạnh đang nắm quyền lực (kinh tế và chính trị), nhưng sẽ tiếp tục bỏ rơi những người yếu thế.
Dân oan tiếp tục mất đất. Công nhân nông dân tiếp tục làm không đủ ăn.
Doanh nhân nhỏ tiếp tục cạnh tranh bất bình đẳng với các đại công ty liên quốc.
Giáo dục, y tế, và các công ích xã hội khác chỉ dành cho người có tiền.
Vì thế những người cổ vũ kinh tế thị trường vẫn chỉ là những người bảo thủ về mặt kinh tế.
Gia nhập TPP, Việt Nam cần có một chính sách xã hội toàn diện, nếu không Việt Nam trở thành một xã hội tư bản man dại cá lớn nuốt cá bé, và lại tiếp tục “ổn định chính trị” bằng hệ thống công an.
Nhà hoạt động Đỗ Thị Minh Hạnh
Image captionTác giả đặt dấu hỏi về nhận định của nhà hoạt động Đỗ Thị Minh Hạnh (trong ảnh) cho rằng con đường của công đoàn độc lập VN hậu ký TPP vẫn là 'mù mịt'.
Khuynh hướng cấp tiến nếu có nên dành cho những người hoạt động công đoàn như cô Đỗ Thị Minh Hạnh.
Điều cần bàn là phong trào công đoàn đã bắt đầu từ 10 năm về trước nhưng đến nay như cô trình bày con đường cô đang đi vẫn là 'con đường mù mịt'.

Xây dựng thế nào?

Được biết tổ chức công đoàn độc lập còn nhỏ và yếu. Số thành viên hoạt động rất ít, bị cô lập và có người còn bị tù. Khi đã bị cô lập người hoạt động công đoàn không thể sinh hoạt sát với công nhân là những người họ muốn đại diện.
Thậm chí vì tâm lý còn sợ giới chủ và sợ nhà cầm quyền, vì thế công nhân dễ từ chối sự hỗ trợ của những người hoạt động công đoàn.
Theo Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, năm 2012, cả nước xảy ra 539 cuộc đình công, năm 2013 có 351 cuộc, năm 2014 có 269 cuộc và năm 2015 xảy ra 245.
Tháng 4 năm 2015 nhiều cuộc đình công liên tục diễn ra tại khu công nghiệp Sài Gòn, Bình Dương, Tiền Giang, Tây Ninh, Long An với hàng trăm ngàn người tham dự đòi sửa đổi Luật Bảo hiểm Xã hội buộc Quốc Hội phải hủy Luật mới này. Từ đó không đến nỗi phải bi quan vì chắc chắn rằng mọi cuộc đình công từ nhỏ đến lớn đều phải có người đứng ra kêu gọi và tổ chức.
Theo Hiệp Định TPP, Việt Nam sẽ phải ban hành luật cho thành lập những công đoàn độc lập với nhà nước cộng sản, những người đang âm thầm hoạt động chính là những hạt nhân xây dựng công đoàn cơ sở.
Như vậy việc hỗ trợ để đào tạo một tầng lớp lãnh đạo công đoàn trong số những người hiện đang hoạt động công đoàn cơ sở là nhu cầu thực sự cần thiết. Họ cần sự trợ giúp của truyền thông báo chí, của tầng lớp trí thức và nhất là của các luật sư sẵn sàng đứng ra cố vấn hay bảo vệ cho họ và bảo vệ cho công nhân.
Một cách cơ bản các công đoàn phải thực sự phát xuất từ công nhân, phải do công nhân lập ra, được công nhân nuôi dưỡng và phải đấu tranh cho quyền lợi công nhân. Những người lãnh đạo công đoàn phải là người được công nhân thương yêu, tin tưởng và bầu lên qua những cuộc bầu cử dân chủ.
Những người này phải có khả năng đại diện công nhân thương lượng với cả chủ nhân lẫn nhà nước. Các công đoàn lớn, người lãnh đạo cần có khả năng làm việc với các công đoàn khác, với nhà nước, với các tổ chức chính trị, các tổ chức quốc tế.
Khi các công đoàn đã đủ mạnh, họ sẽ liên kết với nhau thành một Hội Đồng với tiếng nói ngang nhau hay một Tổng Công Đoàn do chính các công đoàn cơ sở bầu lên. Có như thế mới thực sự dân chủ, mới có chính danh và từ đó sức mạnh của Công Đoàn mới thực sự có được.

Luật và nghị trường

Image captionHiện chưa rõ chính quyền Việt Nam sẽ công nhận ra sao các tổ chức công đoàn thực sự độc lập với nhà nước và giới chủ.
Ngày 14-5-2014 nhân bà Trần Ngọc Minh mẹ của cô Đỗ Thị Minh Hạnh sang Úc, chúng tôi đã tổ chức một cuộc Hội Thảo về quyền lao động, quyền dân sự và nhân quyền tại Quốc Hội Liên Bang Úc với sự tham dự của 14 dân biểu và nghị sĩ.
Mọi người tham dự đều đồng ý nếu muốn tham gia TPP, Việt Nam cần phải có những đạo luật rõ ràng, như Luật Nghiệp đoàn, Luật Tổ chức dân sự v.v...
Dân biểu Chris Haynes thực tế hơn cho biết đã nghiên cứu và hiểu rõ việc thi hành luật pháp tại Việt Nam.
Điều ông quan tâm không phải là việc có luật hay không có luật, vì nhiều đạo luật đã có nhưng vẫn không được thi hành.
Việt Nam đã ký biên bản thỏa thuận gia nhập TPP theo đó Việt Nam sẽ phải ban hành lại các luật về lao động, về thương mại v.v...
Những người hoạt động công đoàn cần đưa ra một chiến lược buộc nhà cầm quyền Việt Nam phải thực thi các đạo luật do họ ban hành.
Hiện nay Việt Nam vẫn là một quốc gia độc đảng chưa có cạnh tranh chính trị.
Muốn có một chính sách xã hội toàn diện, thì việc đấu tranh để có những đạo luật hay chính sách là đấu tranh nghị trường, đấu tranh giữa các khuynh hướng chính trị với nhau.
Khi Việt Nam có dân chủ, có đa đảng, vì công đoàn chỉ là một tổ chức dân sự, các nhà đấu tranh công đoàn cần ủng hộ và đồng hành với các đảng chính trị có khuynh hướng xã hội cấp tiến.
Tại Việt Nam mặc dầu đã xuất hiện một số đảng không cộng sản, nhưng chưa có đảng nào đưa ra một đường lối đấu tranh xã hội cấp tiến nhằm phục vụ cho quyền lợi của người công nhân.

Cuộc đấu tranh lâu dài

Nói tóm lại, Việt Nam có trên 5 triệu công nhân, con số sẽ càng ngày càng tăng nhưng vẫn chưa có được tiếng nói chính thức vì thế đời sống cả vật chất lẫn tinh thần công nhân của càng ngày càng suy giảm.
Đấu tranh cho quyền lợi của công nhân là một cuộc đấu tranh lâu dài, đòi hỏi những người hoạt động công đoàn phải bám rễ vào công nhân đấu tranh mang lại quyền lợi cho người công nhân.
Lịch sử các công đoàn thế giới đều phát triển từ dưới lên trên.
Ông Nguyễn Quang DuyImage copyrightfvpoc.org
Image captionViệt Nam đã xuất hiện một số đảng không cộng sản, nhưng chưa có đảng nào đưa ra đường lối đấu tranh xã hội 'cấp tiến' nhằm đấu tranh cho quyền lợi công nhân, theo tác giả.
Có thế mới tạo được sức mạnh vừa đấu tranh với chủ nhân, vừa ảnh hưởng chính giới đưa ra những chính sách có lợi cho công nhân.
Ở Việt Nam, công đoàn được nhà nước lập ra với mục đích là “ổn định chính trị”, ngày nay muốn hội nhập thế giới, muốn tham gia TPP, công đoàn nhà nước sẽ phải cạnh tranh với các công đoàn thực sự do công nhân lập ra.
Nhìn thẳng vào thực tế những người hoạt động công đoàn cần đánh giá lại hoạt động, đưa ra chiến lược, chiến thuật có khả năng thuyết phục được công nhân và được những người hỗ trợ công đoàn.
Làm được như thế công đoàn độc lập không phải là con đường mù mịt mà là một con đường mới đầy sức sống nhưng chưa được khai phá.
Bài viết thể hiện văn phong và phản ánh quan điểm riêng của tác giả, quý vị có thể tham khảo thêm các bài viết có liên quan của tác giả tại đây và tại đây.