Saturday, December 1, 2018

Xúc phạm quốc kỳ

Đỗ Thành Nhân (Danlambao) - Trên mạng đưa tin Huỳnh Thục Vy bị kết án 33 tháng tù giam vì tội “xúc phạm Quốc kỳ” theo điều 351, Bộ Luật hình sự số 100/2015/QH13:

“Điều 351. Tội xúc phạm Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca

Người nào cố ý xúc phạm Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.”

Quốc kỳ theo Hiến pháp 2013: Điều 13, Khoản 1 “Quốc kỳ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hình chữ nhật, chiều rộng bằng hai phần ba chiều dài, nền đỏ, ở giữa có ngôi sao vàng năm cánh.”

Định nghĩa “xúc phạm: (là động từ) động chạm đến, làm tổn thương đến cái cao quý, thiêng liêng cần phải giữ gìn”

Trên cơ sở Hiến pháp, Luật và ngôn ngữ, xin phân tích việc Huỳnh Thục Vy bị kết án 33 tháng tù giam dưới góc độ nhận thức chung của xã hội.

*

I. Hiến pháp chỉ mô tả Quốc kỳ, hoàn toàn không có một chữ nào nói Quốc kỳ là “cái cao quý, thiêng liêng cần phải giữ gìn”.

Cho nên định tội “xúc phạm Quốc kỳ” là hoàn toàn mơ hồ, cảm tính của những người nắm quyền lực. 

Khi Quốc kỳ không phải là cái “cao quý, thiêng liêng” mà chỉ mang tính biểu tượng; thì người ta thể hiện tình cảm như thế nào với cái biểu tượng đó là quyền con người được Hiến pháp công nhận.

Thực tế đại đa số Quốc kỳ được làm bằng vải. 

Vậy thì xin hỏi tất cả mọi người mảnh vải đó đến khi cũ rách thì người ta sẽ làm gì?

Người giàu vứt vào giỏ rác chung với những thứ bẩn thỉu nhất trong gia đình, ở nông thôn vứt vào bếp. Người nghèo tái sử dụng: lau nhà, lau bàn ghế, thậm chí làm tả lót cho các cháu bé mới sinh. Tất cả những người này đều có đầy đủ nhận thức hành vi, cho nên tất cả những người này đều phạm tội “cố ý xúc phạm Quốc kỳ”. Tôi cũng xin tự thú đã từng phạm tội này.

Nếu Huỳnh Thục Vy xịt sơn vào lá cờ, có nghĩa là miếng vải này không còn là “Quốc kỳ” nữa (chưa biết kích thước có phù hợp với quy chuẩn Quốc kỳ hay không); thì không thể nói là Huỳnh Thục Vy “xúc phạm Quốc kỳ” được.

Hồi nhỏ, Mẹ tôi thường lấy cờ cũ may quần xà lỏn cho anh em chúng tôi mặc; nếu có xúc phạm thì phải gọi là “xúc phạm quần xà lỏn” (hoặc cái trong quần xà lỏn) mới phù hợp.

Các quan tòa hoàn toàn suy diễn để buộc tội:

1. Hành vi cắt lá cờ (may xà lỏn của Mẹ tôi), phun sơn lên lá cờ (Huỳnh Thục Vy), … không thể xác nhận là hành vi “xúc phạm” (dù vô tình hay cố ý);

2. Một miếng vải khi đã không phù hợp quy chuẩn theo Hiến pháp (như: không còn là hình chữ nhật, tỷ lệ dài = 1,5 rộng; không còn nền đỏ hay sao vàng 5 cánh) thì không thể gọi là “Quốc kỳ” được.

Cho thấy chính các quan tòa đã cố tình chà đạp lên Hiến pháp.

II. Chỉ ra tội “xúc phạm Quốc kỳ”

Xét trên 3 yếu tố Hiến pháp, Luật và ngôn ngữ ở trên; tôi chỉ ra tội “xúc phạm Quốc kỳ” và đề nghị Nhà nước pháp quyền Xã hội chủ nghĩa thực thi công lý:

1. Sau những trận bóng đá, nếu đội tuyển Việt Nam thắng thì còn đỡ, đội tuyển thua thì những lá cờ được đối xử chẳng khác gì tác nhân gây ra thất bại; hình ảnh phản cảm rất nhiều đề nghị cộng đồng mạng cung cấp hình ảnh để cơ quan chức năng xử phạt tội “xúc phạm Quốc kỳ”.

Tôi chỉ đưa ra một hình ảnh mà ngay cả phạm trù đạo đức cũng không chấp nhận (hình 1)

 
(hình 1)

2. Để cấu thành tội “xúc phạm” thì Quốc kỳ phải là cái “cao quý, thiêng liêng”. 

Tuy nhiên, trong nhiều sự kiện trọng đại của quốc gia, địa phương bên cạnh Quốc kỳ là tấm vải cùng màu và kích thước, nhưng có hình búa liềm (tạm gọi là cờ đỏ búa liềm) (hình 2).

Hiến pháp thừa nhận và tôn vinh Quốc kỳ, nhưng không có dòng nào nói về “cờ đỏ búa liềm”.

Rõ ràng đặt một vật “cao quý, thiêng liêng” ngang hàng với một vật khác không được định danh; chẳng khác gì đưa một người không tên tuổi, tiếp đón nguyên thủ quốc gia trong ngoại giao. Chính điều đó mới là sự xúc phạm: quốc kỳ và quốc thể.

Lịch sử ghi nhận trong những giờ phút trọng đại nhất, như: trên lễ đài ngày ông Hồ Chí Minh đọc tuyên ngôn độc lập, hay hình ảnh các đoàn quân đánh chiếm Việt Nam cộng hòa, hoàn toàn vắng bóng “cờ đỏ búa liềm” (hình 3,4); nhưng đến khi hòa bình thì “cờ đỏ búa liềm” lại sánh ngang với Quốc kỳ: đó là một sự xúc phạm.

(Ghi chú: búa liềm và quốc tế ca dành cho các nghi thức của những người cộng sản; còn Quốc kỳ và Quốc ca của nhân dân)

 
(hình 2)

 
(hình 3)

 
(hình 4)

3. Sự kiện ngoại giao tổ chức ở Việt Nam "Đối ngoại Quốc hội trong thời kỳ hội nhập quốc tế sâu rộng" được đưa lên chương trình thời sự VTV1 lúc 19 giờ ngày 16/8/2018: Hoàn toàn không có Quốc kỳ (hay biểu tượng của Quốc kỳ). 

Là người từng sống ở miền Nam trước 1975, tôi thấy phông nền phía sau diễn đàn được cách điệu rất đẹp (hình 5, 6). 

Tuy nhiên hình ảnh này có thể vẫn bị suy diễn là… “xúc phạm”, nặng hơn là “phản động”.

 
(hình 5)

 
(hình 6)

*

Cảm thán !

Rõ ràng kết án Huỳnh Thục Vy xịt sơn lá cờ, tịch thu áo nền vàng 3 sọc đỏ (hình 5,6) với 33 tháng tù giam là bản án của rừng rú hoang dã của loài thú ăn thịt; hoặc là “một bản án bất công và là một vụ án có nhiều động cơ chính trị" theo luật sư Đặng Đình Mạnh (BBC)

Với hệ thống tư pháp này thì mọi người dân đều có khả năng bị kết án tù với tội danh “xúc phạm Quốc kỳ” như phân tích ở phần I, cũng như tội danh “bôi nhọ lãnh đạo” !.

Mong được an toàn, từ nhiều năm nay tôi không mua cờ để cắm nữa; đơn giản là vì sau một năm cờ cũ rách không biết làm gì để khỏi phạm tội. Đến khi bầu cử là gạch tên tất cả để xác nhận không có lãnh đạo tránh phải phạm tội “bôi nhọ”.

Đỗ Thành Nhân
danlambaovn.blogspot.com

Việt Nam: Vận động trưởng thôn làm Đảng viên

Theo BBC-01-12-2018

Việt Nam, Đảng Cộng sảnBản quyền hình ảnhLINH PHAM
Nhiều tỉnh thành khắp Việt Nam đang có phong trào vận động trưởng phó thôn làm Đảng viên Cộng sản, theo truyền thông trong nước.
Riêng tại Thủ đô Hà Nội, hiện còn hơn 3.000 người không phải là đảng viên, trong tổng số 7.970 trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố, theo Dân Trí.
Chính quyền Hà Nội do đó vừa có chỉ đạo cho các cấp xã, phường, thị trấn "đánh giá vai trò của những trưởng thôn, tổ trưởng dân phố không phải là đảng viên này".
Sau đánh giá, nếu đủ điều kiện, các trưởng thôn, tổ trưởng dân phố đó sẽ được kết nạp làm thành viên Đảng Cộng sản Việt Nam.
Ngoài ra, các Đảng viên Cộng sản có uy tín, năng lực, sức khỏe sẽ được "bố trí, giới thiệu" để "ứng cử" chức trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố.
Ông Vũ Hồng Khanh, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ Quốc thành phố Hà Nội được dẫn lời trên Dân Trí hôm 30/11 rằng thành phố "phải có chính sách tuyên truyền vận động" để trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố vào Đảng Cộng sản.

Phong trào cả nước?

Việt Nam, Đảng Cộng sảnBản quyền hình ảnhHOANG DINH NAM
Không chỉ Hà Nội, nhiều địa phương khác trên toàn Việt Nam cũng đang có những cuộc vận động để "khắc phục tình trạng trưởng thôn không phải Đảng viên".
Tại Quảng Ngãi, toàn tỉnh hiện có hơn 1.000 trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố, thì tới gần 500 người không phải Đảng viên.
Nhiều huyện, số trưởng thôn không phải Đảng viên chiếm đa số. Như ở huyện Sơn Tịnh, có tới 40 trong số 61 trưởng thôn không phải là Đảng viên.
Hay như ở Yên Lạc, Vĩnh Phúc, có tới 60 tổ trưởng dân phố, trưởng thôn không phải Đảng viên trong tổng số 142.
Hoặc ở Quy Nhơn, hiện có 151 thôn, khu phố, trong đó có 86 trưởng thôn, trưởng khu phố thì có tới 64 người chưa phải Đảng viên, theo Báo Bình Định.
Lý do được cho là suốt một thời gian dài, công tác cán bộ ở thôn, tổ dân phố chưa được quan tâm.
Ngoài ra, còn có lý do là khi địa phương giới thiệu Đảng viên ra ứng cử chức trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố thì những người này lại còn trẻ, chưa nhiều kinh nghiệm nên chưa có uy tín, bài báo trên tờ Quảng Ngãi cho hay.
Cách khắc phục được địa phương đưa ra là "phân loại, nắm chắc chất lượng trưởng thôn". Trường hợp đủ điều kiện thì kết nạp Đảng, nếu không thì sẽ "từng bước thay thế".
Ngoài ra còn có các biện pháp khác như "tuyên truyền, giác ngộ" cho đội ngũ trưởng thôn.
"Hiện nay, các cấp ủy trong tỉnh đang tập trung khắc phục tình trạng này, tiến tới thực hiện linh hoạt mô hình bí thư, phó bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố hoặc trưởng ban công tác mặt trận," báo Quảng Ngãi cho hay.
Trong khi đó, chính quyền tỉnh Bắc Giang thậm chí đã có đề án "nâng tỷ lệ đảng viên trong đội ngũ trưởng, phó thôn, bản, khu phố" từ năm 2011 - 2015.
Chính quyền thành phố Quy Nhơn cũng cho hay đang phấn đấu và lập kế hoạch để "sang năm 2019, 100% tổ trưởng dân phố là Đảng viên".
Cả nước hiện có tới 41,1% trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố chưa là đảng viên. Việc này gây khó khăn trong truyền đạt các chủ trương, nghị quyết của chi bộ tới người dân, theo Tạp chí Xây dựng Đảng năm 2017.
Bộ Nội Vụ từ năm 2012 đã có thông tư chỉ đạo các cấp xã, phường, thị trấn phải "rà soát" và sắp xếp lại cho phù hợp để "kiện toàn các tổ chức trogn hệ thống chính trị".

Mạng xã hội nói gì?

Thông tin trên truyền thông chính thông của Việt Nam về cuộc vận động trưởng thôn, tổ trưởng dân phố làm Đảng viên được đăng tải rộng rãi chỉ ít lâu sau các vụ việc Đảng Cộng sản công khai tuyên bố xóa tên một số trí thức như GS Chu Hảo, tiếp đó là Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Sơn Trà Huỳnh Tấn Vinh.
Mới đây nhất, là vụ báo Thanh Niên cho thôi chức 13 cán bộ, phóng viên không phải Đảng viên Cộng sản.
Cùng với đó là làn sóng bỏ Đảng trong giới trí thức, với các nhân vật có tên tuổi như nhà văn Nguyên Ngọc, PGS TSKH Mặc Văn Trang, v.v...
Mạng xã hội ngay lập tức có các bình luận quanh vấn đề này:
Facebooker Phùng Chí Kiên: "Định dùng bọn này lấp vào chỗ Chu Hảo, Nguyên Ngọc, Mạc Văn Trang... ư? Vậy là đủ hiểu cái đảng Cộng sản Việt Nam nó thế nào. Đúng là "cẩu vĩ tục điêu"!
Facebooker Thanh Ton: Không lẽ đảng, đảng viên giờ đã xuống cấp thê thảm dữ vậy sao?
"Vận động tổ trưởng, trưởng thôn vào đảng"... mà lỡ họ không thèm vào; họ còn bảo giờ mấy người tốt, tài đức, lý lịch bà đời và từng là cán bộ cấp cao, thứ trưởng, tổng biên tập báo này báo nọ như mấy ông Chu Hảo, Nguyên Ngọc... còn công khai bỏ đảng ra dân hết, thì đảng lôi mấy tổ trưởng, trưởng thôn tình độ, tài năng, đạo đức, uy tín... chẳng đâu vào đâu vô đảng để làm cái gì.
"Hay là thấy đảng viên đã ăn sạch hết, phá nát hết... tài nguyên, ngân khố; lòng tin trong nhân dân cũng cạn kiệt hết rồi nên giờ tình lôi mấy tổ trưởng, trưởng thôn vô cho đông để thế mạng?"
Facebooker Phạm Đăng Quỳnh: "Ngoài tổ trưởng dân phố, trưởng thôn, Đảng cần kết nạp hết các chú dân phòng, dân quân tự vệ. Bảo đảm trung thành và sai đâu đánh đó."

Thêm 9 người biểu tình chống luật Đặc khu bị kết án tù

 VOA Tiếng Việt/01/12/2018 
Dương Văn Ngoan (giữa, bị còng tay) là một trong 9 người bị xét xử tại phiên tòa hôm 29/11 vì tội "gây rối trật tự công cộng" do tham gia biểu tình chống dự luật đặc khu. (Ảnh chụp màn hình VNExpress)
Dương Văn Ngoan (giữa, bị còng tay) là một trong 9 người bị xét xử tại phiên tòa hôm 29/11 vì tội "gây rối trật tự công cộng" do tham gia biểu tình chống dự luật đặc khu. (Ảnh chụp màn hình VNExpress)
Một tòa án ở Bình Thuận vừa kết án thêm 9 người từng tham gia biểu tình phản đối dự luật Đặc khu hồi tháng 6, theo truyền thông trong nước.
Chín người này, cùng ngụ tại huyện Tuy Phong, bị tòa án huyện Bắc Bình kết án hôm 29/11 vì tội “gây rối trật tự công cộng.”
Đây là phiên tòa thứ ba liên quan đến việc gây rối ở khu vực Phan Rí. Trước đó, 25 người đã nhận án tù cùng tội danh trên.
Theo cáo trạng, vào sáng ngày 11/6, nhiều người dân lấy cớ phản đối dự thảo Luật Đặc khu đã tập trung trên Quốc lộ 1 qua xã Phan Rí Thành, huyện Bắc Bình, gây ùn tắc giao thông nghiêm trọng.
Bản tin của VNExpress và ZingNews trích dẫn cáo trạng cho biết “lực lượng cảnh sát cơ động và chính quyền đã triển khai bảo vệ an ninh trật tự, kêu gọi đám đông giải tán, tránh ùn tắc giao thông. Tuy nhiên, các bị cáo cùng một số người quá khích đã dùng gậy, gạch đá, bom xăng tấn công lực lượng làm nhiệm vụ.” Họ bị kết tội “dùng bom xăng đốt xe chuyên dụng của cảnh sát phòng cháy chữa cháy, đập phá làm hư hỏng nhiều tài sản” của trụ sở đội cảnh sát PCCC của công an tỉnh Bình Thuận đóng tại xã Phan Rí Thành.
Tuy nhiên, vẫn theo cáo trạng, các bị cáo do “chưa có tiền án, tiền sự, thành khẩn khai báo nên được áp dụng tình tiết giảm nhẹ.”
Bị cáo Dương Văn Ngoan, 40 tuổi, nhận mức án cao nhất với 5 năm tù và những người còn lại, tuổi từ 18 đến 46, bị kết án tù từ 3 năm cho đến 3 năm 6 tháng tù với cùng tội danh “gây rối trật tự công cộng.”
Hồi cuối tháng 9, cũng tòa án huyện Bình Thuận tuyên phạt mức án 50 năm tù đối với 15 người với cáo buộc tương tự vì tham gia biểu tình hồi tháng 6.
Trước đó hai tháng, mười người khác cũng đã bị tuyên án tù vì tham gia bạo động tại thị trấn Phan Rí Cửa.
Tổ chức Theo dõi Nhân quyền Quốc tế (Human Rights Watch) hôm 15/6 kêu gọi Việt Nam chấm dứt các vụ bắt giữ không hợp pháp và sử dụng vũ lực chống lại những người biểu tình trong các vụ biểu tình trên toàn quốc nhằm phản đối việc cho thuê đất dài hạn trong các đặc khu kinh tế.
Hàng ngàn người đã tham gia các cuộc biểu tình tại thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Nha Trang, tỉnh Bình Thuận và một số khu vực khác. Kể từ khi cuộc biểu tình đầu tiên bắt đầu vào ngày 9/6/2018, cảnh sát đã đánh đập và bắt giữ hàng trăm người biểu tình.

Chỉ vì thành tích là ‘hết sức quan trọng’

Theo VOA-Trân Văn/30/11/2018 
Bộ Trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ.
Bộ Trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ.
Mười ngày sau khi xảy ra chuyện một giáo viên ở Quảng Bình buộc các học sinh của mình tát đồng môn, ông Phùng Xuân Nhạ - Bộ trưởng Giáo dục – Đào tạo, chính thức khẳng định, hành động đó phản giáo dục, vi phạm pháp luật và cam kết sẽ xử lý nghiêm minh.
Chuyện ở Quảng Bình không phải là scandal đầu tiên liên quan tới giáo dục – đào tạo. Trước nay, gần như tất cả những scandal liên quan tới giáo dục – đào tạo đều xuất phát từ áp lực về thành tích đối với cả cá nhân (giáo viên, viên chức giáo dục – đào tạo) lẫn tập thể (trường, các cơ quan quản lý giáo dục từ địa phương tới trung ương) và xa hơn nữa.
Giống như các ngành khác, giáo dục – đào tạo cũng bị thành tích chi phối từ trên xuống dưới, từ trong ra ngoài. Tuy nhiên thành tích dù trở thành chứng bệnh trầm kha vẫn không phải là lõi. Chỉ trích, lên án “bệnh thành tích” là thấy cây mà không thấy rừng vì chỉ trị chứng mà không triệt căn.
Khi thành tích trở thành chỉ tiêu, yếu tố quyết định sự thành – bại, thậm chí sống còn trong sự nghiệp của một cá nhân, ví dụ như giáo viên, học sinh tất nhiên trở thành công cụ để giáo viên sử dụng sao cho có lợi nhất đối với mình. Chuyện buộc học sinh tát bạn cùng lớp, chẳng phải chỉ xảy ra ở Quảng Bình.
Xét cho đến cùng những quyết định, lối hành xử kiểu đó là vì lợi ích của chính giáo viên dưới áp lực phân loại – xếp hạng dựa trên thành tích của tập thể mà giáo viên phải chịu trách nhiệm. Tương tự, một hiệu trưởng xin đừng làm lớn chuyện không phải vì lợi ích toàn trường dưới góc độ sư phạm mà vì quản lý – điều hành, nâng một trường từ bình thường thành trường đạt “chuẩn quốc gia” sẽ mở ra nhiều con đường khác cho chính hiệu trưởng bước tới.
Thực trạng giáo dục – đào tạo như hiện nay là vì học sinh, giáo viên, ngay cả viên chức giáo dục – đào tạo cũng là công cụ để tạo ra các thành tích từ thấp đến cao cho những viên chức cấp cao hơn. Công trạng cá nhân quyết định thành tích tập thể, thành tích tập thể đồng nghĩa với công trạng cá nhân lãnh đạo và cứ thế hướng lên tới đỉnh. Chẳng riêng giáo dục – đào tạo, tất cả các lĩnh vực khác đều được quản lý - điều hành theo kiểu như thế.
Ví dụ về kinh tế. Bất kể các chuyên gia cả trong lẫn ngoài Việt Nam nhiều lần khuyến cáo, tăng trưởng chỉ có ý nghĩa khi sự phát triển của một quốc gia thật sự bền vững, dân chúng có thể dựa vào các thành tựu kinh tế để mưu cầu hạnh phúc cho mình, cũng vì vậy đừng chạy theo tăng trưởng GDP (tổng sản phẩm nội địa – diễn đạt ngắn gọn là toàn bộ chi tiêu của một quốc gia trong một khoảng thời gian nhất định). Có chuyên gia như Lorenzo Fioramonti - Giáo sư về Kinh tế Chính trị ở Nam Phi, đưa ra hàng loạt ví dụ nhằm giúp loại bỏ những ngộ nhận về tăng trưởng GDP, chẳng hạn: Nếu mọi người khỏe mạnh thì số liệu tăng trưởng kinh tế không thay đổi, song nếu tất cả đổ bệnh thì GDP sẽ tăng nhờ chi tiêu cho thuốc men, bệnh viện. Nếu đốn toàn bộ cây cối để bán thì GDP sẽ tăng vọt nhưng giữ - chăm sóc cây cối thì không...
Tuy nhiên hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam vẫn đặt ra chỉ tiêu tăng trưởng GDP hàng năm, vẫn đổ tiền vào những công trình vô bổ như quảng trường, tượng đài để tăng trưởng GDP đạt mục tiêu đã định. Thậm chí hồi đầu năm nay, ông Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Việt Nam còn tuyên bố: Nếu tăng trưởng GDP thấp thì đó là một cái tát vào mặt chính phủ! Để giữ thể diện cho cả chính phủ lẫn mình, ông Phúc chỉ đạo Tổng cục Thống kê đưa các dữ liệu liên quan đến hoạt động kinh tế ngầm, hoạt động kinh tế phi pháp vào việc tính toán GDP, cho dù lối tính toán đó vô giá trị và dễ làm Việt Nam lạc hướng.
Tại sao tại Việt Nam, chỉ tiêu, thành tích, trở thành hết sức quan trọng?
Chỉ có một lý do, thành tích bất kể thật – giả là tiêu chí duy nhất để xem xét, lựa chọn, cất nhắc, kể cả khoan thứ một cá nhân, cho nên Trịnh Xuân Thanh mới thăng tiến như diều gặp gió sau khi được công nhận là Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới hồi 2011, lúc làm Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tổng Công ty Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC). Đinh Ngọc Hệ (Út “Trọc”) chỉ bị phạt 12 năm tù nhờ có Huân chương Lao động, Huân chương Chiến sĩ vẻ vang. Tuy là phạm nhân, Phan Văn Vĩnh vẫn được hệ thống bảo vệ pháp luật biệt đãi nhờ là Anh hùng Lực lượng vũ trang,…
Cuối cùng, khối thành tích của các cá nhân như thế, các tập thể như thế từ thấp đến cao và sự trung thành, vâng phục tuyệt đối của những cá nhân, tập thể này với đảng CSVN trở thành bằng chứng chứng minh sự tài tình, sáng suốt của tổ chức này vẫn còn đủ để tiếp tục lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối.
Đó là lý do, dẫu ai cũng thấy lĩnh vực giáo dục Việt Nam đã cũng như đang thế nào, công chúng thất vọng ra sao nhưng ngày 3 tháng 11 vừa qua, tại buổi gặp đại diện ngành giáo dục – đào tạo và những học sinh, sinh viên có thành tích xuất sắc trong học tập, nghiên cứu, rèn luyện của niên khóa trước, ông Nguyễn Phú Trọng vẫn thản nhiên tuyên bố: Chưa bao giờ chúng ta có được sự nghiệp giáo dục như ngày hôm nay!
***
Dưới lá cờ vẻ vang của đảng CSVN, con người chỉ là công cụ, phẩm giá là thứ xa xỉ, không cần thiết nên trẻ con không cần phải có cả ý thức tự trọng lẫn sự tôn trọng phẩm giá của người khác thành ra dễ dàng chấp nhận chuyện bị người khác lăng mạ và không bận tâm khi được lệnh thi nhau làm nhục đồng loại.
Scandal 231 cái tát ở Quảng Bình làm nhiều người phẫn nộ như đã từng phẫn nộ nhưng có bao nhiêu người phẫn nộ khi chứng kiến người khác bị hành hung giữa thanh thiên, bạch nhật, công an không can thiệp, không muốn tiếp nhận vì ảnh hưởng đến thành tích bảo vệ trật tự, trị an? Bao nhiêu người đòi nghiêm trị - chấm dứt tình trạng công an đối xử với công dân như súc vật, thậm chí không cho những cô gái mại dâm mặc quần áo để chụp ảnh – khoe thành tích? Bao nhiêu người dị ứng khi hệ thống chính trị, hệ thống công quyền vẫn xem nhân phẩm như đồ vật, có thể dùng các biện pháp phi nhân để…. “phục hồi”?
Một quốc gia mà phẩm giá không được tôn trọng, các quyền căn bản – vốn được xem như tất nhiên của một con người vẫn là thứ hệ thống chính trị, hệ thống công quyền cho bao nhiêu hưởng bấy nhiêu thì chắc chắn ở quốc gia đó không có gì quý.

Tất Thành Cang sẽ thành Nguyễn Xuân Anh hay Đinh La Thăng?

 Theo VOA-Phạm Chí Dũng/30/11/2018 
Liệu số mệnh Tất Thành Cang sẽ như Đinh La Thăng hay Nguyễn Xuân Anh?. Photo: VietnamNet
Liệu số mệnh Tất Thành Cang sẽ như Đinh La Thăng hay Nguyễn Xuân Anh?. Photo: VietnamNet
Một năm sau vụ kỷ luật và loại khỏi ban chấp hành trung ương đối với Bí thư thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh, giờ đây dư luận xã hội và người dân, đặc biệt là khối dân oan đất đai lên đến hàng trăm ngàn người Việt Nam - đang nhìn vào quan điểm và thái độ xử lý Tất Thành Cang - Ủy viên trung ương, Phó bí thư thường trực thành ủy TP.HCM - của Nguyễn Phú Trọng cùng Bộ chính trị của ông ta như một phép thử quan trọng về thực chất của tuyên ngôn ‘chống tham nhũng không có vùng cấm’ hay chỉ là ‘chống tham nhũng một bên’.
Vì sao Nguyễn Phú Trọng không đả động Thủ Thiêm?
Cho đến nay, rất tương đồng thời gian khiếu nại tố cáo vụ ‘ăn đất’ của giới quan chức TP.HCM ở Thủ Thiêm đã kéo dài vượt quá mọi giới hạn, vụ xử lý Tất Thành Cang và phía sau đó là ‘phe cánh chính trị’ Lê Thanh Hải đã nhùng nhằng, ‘nâng lên hạ xuống’ quá lâu, hoặc nói trắng ra là đã liên tiếp xảy đến những hành vi chạy chọt và thỏa hiệp giữa những đối tương tham nhũng với các ‘cơ quan chức năng’ và ngay trước mắt người vừa ngồi vào ghế chủ tịch nước của kẻ đã ‘chẳng may qua đời dù được tận tình cứu chữa’.
Tháng Năm năm 2018 đã có một bằng chứng hết sức hùng hồn để tố cáo âm mưu của một thế lực chính trị nào đó muốn dùng vụ Thủ Thiêm, bắt đầu từ vụ mất tích tấm bản đồ quy hoạch gốc Thủ Thiêm, nhằm ‘tống tiền’ nhóm lợi ích Lê Thanh Hải theo cách phải ‘ói ra’. Trong suốt một tuần lễ, báo chí nhà nước được đăng bài thả ga, báo có tâm cũng như báo đánh hôi và báo lợi dụng đã như thể lên đồng trong một cơn rên rỉ sướt mướt. Song sang tuần sau đó, báo chí chợt câm bặt như vừa bị một bàn tay bóp nghẹt miệng. Từ đó đến nay, tham nhũng Thủ Thiêm vẫn nguyên trạng một mớ hổ lốn, còn dân oan vẫn nguyên trạng những kẻ chỉ thiếu điều cạp đất mà ăn.
Cũng cho tới nay, hiện tượng hết sức lạ lùng là dư luận và người dân vẫn tuyệt đối không nghe Nguyễn Phú Trọng đả động đến vụ Thủ Thiêm dù chỉ một từ, tuy trong các cuộc tiếp xúc cử tri của ông ta tại Hà Nội luôn có những câu hỏi của giới tướng lĩnh về hưu và cựu thần trung thành về câu chuyện kinh thiên động địa này. Chứng kiến thái độ im lặng đầy kiên định và như thể cố ý như thế, rất nhiều người dân đã và đang cho rằng ‘Tổng Chủ’ Nguyễn Phú Trọng, nếu không dính dáng đến vụ ‘ăn đất’ Thủ Thiêm, thì cũng cố gắng ‘bảo kê’ cho những quan chức tham nhũng trong vụ này.
Chỉ ‘kỷ luật đồng chí Tất Thành Cang’?
Quá nhiều bằng chứng chỉ trong thời gian ngắn gần đây đã cho thấy bất kỳ lúc nào vụ Thủ Thiêm cũng có thể bị một thế lực chính trị - lợi ích nhóm trong nội bộ đảng cầm quyền nhấn cho chìm xuồng, nếu không luôn có sự hiện diện một phong trào đấu tranh của mạng xã hội, các tổ chức xã hội dân sự và người dân không cho chìm xuồng một cách dễ dàng như thế.
Từ tháng Năm năm 2018 khi tấm bản đồ gốc quy hoạch Thủ Thiêm ‘vô tình’ bị báo chí nhà nước phát hiện đã bị biến mất, cho đến nay cái điều nghịch lý kinh khủng ấy vẫn còn là một bí mật khổng lồ mà không có bất kỳ cơ quan hay cá nhân quan chức nào phải chịu trách nhiệm.
Cũng cho tới nay, những bản kết luận kiểm tra và thanh tra của cơ quan Thanh tra chính phủ đã không hề làm rõ được việc ít nhất 160 ha đất dành cho tái định cư ở Thủ Thiêm ‘biến’ đi đâu hoặc biến vào túi ai. Trong khi đó, những đối tượng bị xem là ‘ăn đất’ bẫm nhất như Lê Thanh Hải, Tất Thành Cang, Nguyễn Văn Đua… vẫn ung dung phè phỡn trên nước mắt và xương máu của hàng chục ngàn dân oan Thủ Thiêm, còn những tờ báo nhà nước muốn mở miệng về vụ này thì lại bị cơ quan Tuyên giáo trung ương kềm nén theo phương châm ‘cho sủa mới được sủa’.
Chỉ đến tháng Mười Một năm 2018, mới xuất hiện một ít tin tức về khả năng (chỉ là khả năng) ‘sẽ kỷ luật Tất Thành Cang’, sau khi có kết luận của Ủy ban Kiểm tra trung ương về mức độ sai phạm của Cang trong hai vụ ‘ăn đất’ ở Nhà Bè và Thủ Thiêm là ‘rất nghiêm trọng’.
Đến cuối tháng Mười Một, ngay cả nhân vật nổi tiếng bởi thói quen ‘tự bó miệng’ là Nguyễn Thiện Nhân - thân là bí thư thành ủy TP.HCM nhưng lại chưa hề làm được bất cứ điều gì giúp cho dân oan Thủ Thiêm ngoài những hứa hẹn có cánh và ý đồ chỉ muốn đẩy dân oan vào khu tái định cư để khỏi đi khiếu kiện tố cáo - cũng phải lần đầu tiên thẽ thọt về ‘Bộ Chính trị sẽ quyết định mức kỷ luật đồng chí Tất Thành Cang vào tháng Mười Hai năm 2018’.
Vì sao phải là tháng Mười Hai? Và tháng Mười Hai có gì đặc biệt?
Theo lịch trình đã được xác định ngay sau Hội nghị trung ương 8 vào tháng Mười năm 2018, sẽ có thêm một hội nghị trung ương nữa - Hội nghị 9 - được tổ chức vào tháng Mười Hai cùng năm. Hội nghị này nhắm tới mục tiêu sẽ lấy phiếu tín nhiệm các thành viên bộ chính trị và ủy viên trung ương - tương tự Hội nghị trung ương 10 vào tháng Giêng năm 2015.
Cũng tại Hội nghị trung ương 9, khả năng nhiều là vụ ủy viên trung ương Tất Thành Cang sẽ được lôi ra, tuy chưa biết Nguyễn Phú Trọng sẽ dành cho Cang tư thế gì - ‘cẩu đầu trảm’ hay một thứ gì đó đỡ nhục hơn.
Giờ đây, hy vọng còn lại của Tất Thành Cang lại là… Nguyễn Xuân Anh.
Nguyễn Xuân Anh hay Đinh La Thăng?
Vào tháng Mười năm 2017, trong bối cảnh cuộc đấu đá dữ dội của ‘hai hổ không thể cùng rừng’ ở ‘thành phố đáng sống nhất Việt Nam’ là Đà Nẵng, quan chức bí thư Nguyễn Xuân Anh - nhân vật được đồn đoán ‘thân’ với chủ tịch nước khi đó là Trần Đại Quang - đã bị đo ván trước Huỳnh Đức Thơ - chủ tịch Đà Nẵng và được đồn đoán là ‘người nhà’ của thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Kết quả, Nguyễn Xuân Anh bị cách chức và bị loại khỏi Ban chấp hành trung ương tại Hội nghị trung ương 6.
Tuy thế, thân phận của Nguyễn Xuân Anh là có thể chấp nhận được trong bối cảnh ‘lò’ của Nguyễn Phú Trọng rừng rực cháy và có vẻ sẵn sàng thiêu đốt những quan chức nhúng chàm, đặc biệt là quan chức thuộc ‘phe địch’ chứ không phải ‘phe ta’.
Không bị vướng vòng lao lý, Nguyễn Xuân Anh đã yên bình cho tới nay và có lẽ đang tính kế vui thú điền viên khi tuổi về hưu còn lâu mới tới.
Nhưng Tất Thành Cang lại không hề muốn số phận ông ta phải kết thúc như người đã từng kè vai bá cổ với Cang: Đinh La Thăng.
Bởi số phận của Đinh La Thăng là quá tệ…
Vào cuối tháng Tư năm 2017, Đinh La Thăng đã bị một cú trời giáng: trong khi Thăng vẫn chứng nào tật đó khi tiếp tục chuỗi ba hoa bán trời không văn tự trên mặt báo chí, cùng lúc xuất hiện tin hàng lang ‘anh Thăng đã ‘thu xếp’ được với Hà Nội, không sao đâu’, thì Ủy ban Kiểm tra trung ương của Trần Quốc Vượng bất ngờ quy mức ‘sai phạm rất nghiêm trọng’ cho Thăng vào thời ông ta còn là chủ tịch hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí Việt Nam. Chỉ hai tuần sau đó, Hội nghị trung ương 5 diễn ra, Đinh La Thăng bị loại khỏi Bộ Chính trị và mất luôn cái ghế bí thư TP.HCM đầy quyền lực và đầy cơ hội khoe mẽ, dù vẫn giữ được chức ủy viên trung ương và được đưa về Ban Kinh tế trung ương để ‘nhốt quyền lực vào lồng’.
Tuy nhiên cái ghế ủy viên trung ương cho có ấy thật chẳng là gì. Chỉ ăn không ngồi rồi ở ghế Phó trưởng ban kinh tế trung ương được bảy tháng, Đinh La Thăng đã bị khởi tố và tống giam vào tháng Mười Hai năm 2017, để tròn ba tháng sau ông ta phải rền rĩ một triết lý chấn động’tâm thức cộng sản’: ‘Hãy đối xử với bị cáo như một con người!’ khi phải nhận hai mức án tổng cộng đến 31 năm tù giam.
Còn giờ đây, ngay trước mắt của Tất Thành Cang cũng là một hội nghị trung ương…
Tất Thành Cang sẽ biến thành Nguyễn Xuân Anh hay Đinh La Thăng?
Nhưng lại có một khác biệt khá lớn giữa Nguyễn Xuân Anh với Tất Thành Cang: tuy cùng là cấp ủy viên trung ương, nhưng khi bị phát hiện ‘sai phạm rất nghiêm trọng’, tài sản nổi của Nguyễn Xuân Anh chỉ mới bị phát hiện có một căn nhà phố do Phan Văn Anh Vũ ‘tặng’, chứ không phải là gần một chục ngôi biệt thự rải rác khắp Sài Gòn của Tất Thành Cang - theo một số nguồn tin trên mạng xã hội đăng tin kèm cả hình ảnh dẫn chứng rất chi tiết.
Nếu luật về truy thu tài sản có nguồn gốc bất minh sẽ được Quốc hội Việt Nam thông qua năm 2019 chứ không bị thất bại vì chỉ có 1/3 ủng hộ như vào tháng Mười Một năm 2018, hẳn số biệt thự trên của Tất Thành Cang - ước tính giá trị hàng chục triệu USD - sẽ tràn trề cơ hội được cống hiến cho ngân sách đảng thông qua chủ trương ‘thu hồi tài sản tham nhũng’ của ‘Tổng Chủ’ Nguyễn Phú Trọng.

Trần Bắc Hà và chuyện ở xứ thần tiên

Theo VOA-30/11/2018 
Thiên Hạ Luận
Trần Bắc Hà thời còn làm chủ tịch BIVD. (Hìn: Screenshot từ VietnamFinance.vn)
 Trần Bắc Hà thời còn làm chủ tịch BIVD. (Hìn: Screenshot từ VietnamFinance.vn)
Một ngày sau khi nhiều người sử dụng mạng xã hội tại Việt Nam chuyển cho nhau thông tin ông Trần Bắc Hà, 61 tuổi, cựu Chủ tịch Hội đồng Quản trị Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), bị bắt tại Lào, hệ thống truyền thông chính thức của Việt Nam đồng loạt loan báo, ông Hà cùng với ba thuộc cấp đã bị khởi tố và tạm giam vì có dấu hiệu “vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng” (1).
Cách nay năm tháng, hồi tháng 6, tuy Ủy ban Kiểm tra (UBKT) của Ban Chấp hành Trung ương đảng CSVN (BCH TƯ đảng CSVN) từng đề nghị khai trừ ông Hà vì vi phạm quy trình, thủ tục, thẩm quyền, quy định về tín dụng trong phê duyệt chủ trương, quyết định đối với một số khoản cho vay, bảo lãnh, đầu tư, quản lý nợ, trong đó có phê duyệt chủ trương cho 12 công ty liên quan tới Ngân hàng Xây dựng (VNCB) vay 4.700 tỉ đồng… nhưng không ai dám chắc ông Hà sẽ xộ khám!..
***
Dẫu chỉ là Chủ tịch Hội đồng Quản trị một… ngân hàng thương mại cầm giữ chủ yếu là vốn nhà nước nhưng tại Việt Nam, ông Hà tạo ra rất nhiều… huyền thoại và sự kiện ông Hà bị bắt là dịp để nhiều facebooker ôn lại những… huyền thoại ấy.
Ngoài những facebooker dẫn lại nhận định kiểu như của Trương Huy San về một Trần Bắc Hà “chỉ dưới Ba Dũng – Nguyễn Tấn Dũng, cựu Thủ tướng Việt Nam – và hách dịch với phần còn lại”, có những facebooker như Quang Tran, ôn lại chuyện ông Hà tát một nữ tiếp viên hàng không, buộc cô phải quì xuống xin lỗi, vì làm ông phật ý, chuyện ông Hà đuổi một nữ nhân viên của BIDV vì chậm chào ông khi bước vào thang máy, chuyện ông chửi mắng – dọa đánh diễn viên của Đoàn Nghệ thuật tỉnh Gia Lai, chuyện ông tát một Phó Chủ tịch tỉnh Bình Định giữa cuộc họp, đuổi một bộ trưởng ra khỏi phòng làm việc của Thủ tướng vì Thủ tướng sắp đi cùng ông, chuyện máy bay chở Thống đốc Ngân hàng Nhà nước hoãn cất cánh vì ông Hà – Chủ tịch BIDV – chưa đến,…(2)
Cũng đã có những facebooker như Lan Anh Nguyen thuật lại một số chuyện liên quan đến ông Hà với tư cách nhân chứng. Đó là lần Lan Anh trò chuyện với ông Hà về Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai rồi vì đó là thời điểm lạm phạm lên tới 20%, câu chuyện chuyển sang xử lý lạm phát bằng siết tín dụng, nâng lãi suất khiến hàng loạt doanh nghiệp phá sản. Khi ông Hà khẳng định đầy tự hào rằng, chính ông là người tư vấn phương thức kiềm chế lạm phát, Lan Anh đã hỏi với hàm ý châm biếm: Trước nữa, anh có tư vấn tạo ra lạm phát bằng việc vung tiền ra không? - ông Hà nổi giận, quát qua điện thoại: Cô là loại phóng viên có tư tưởng chống đối chính phủ! Tôi sẽ cho công an theo dõi cô!.. Lan Anh kể cô không ngạc nhiên vì ông Hà thuộc típ “coi trời bằng vung”, sắc sảo hơn người nhưng tàn bạo kiểu “mục hạ vô nhân”… Lan Anh còn kể thêm, tại một cuộc họp báo ở trụ sở Chi nhánh TP.HCM của Ngân hàng Nhà nước về việc hợp nhất ba ngân hàng bị cho là “yếu kém” thành Ngân hàng Thương mại Sài Sài Gòn mà người đứng sau là bà Trương Mỹ Lan, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, ông Hà ngồi tại bàn chủ tọa đã mạt sát Phó Tổng biên tập một tờ báo lớn: Anh lãnh đạo một tờ báo mà sao hỏi ngu vậy?.. Rồi ông Hà đùng đùng rời khỏi phòng họp, thuộc cấp khúm núm chạy theo phía sau, không ai dám vượt lên đi ngang hàng (3)...
Trong thế giới thực, nơi “công bằng – dân chủ - văn minh” hiện hữu, không có những nhân vật được bao bọc bằng các huyền thoại kiểu như ông Hà. Trong thế giới thực, những huyền thoại kiểu đó là… chuyện thần tiên! Xét theo hướng này, Việt Nam là một… xứ thần tiên vì có quá nhiều… chuyện thần tiên. Bởi là… xứ thần tiên nên ông Hà, dẫu chỉ là một viên chức đứng đầu một ngân hàng cầm giữ vốn nhà nước nhưng hẳn là có… đũa thần nên giàu có thuộc loại “nứt đố, đổ vách”. Vợ, con trai, con gái ông Hà là chủ những bất động sản trị giá tính bằng hàng ngàn tỉ. Chỉ tính riêng Tổ hợp Khách sạn - Thương mại - Căn hộ cao cấp Thiên Hưng tại Quy Nhơn do gia đình ông Hà đầu tư, giá trị đã xấp xỉ 3.000 tỉ đồng. Chưa kể hàng chục ngàn tỉ đồng rót sang Lào, đầu tư vào 60.000 héc ta đất trồng các loại trái cây để xuất cảng sang Trung Quốc.
Bởi là… xứ thần tiên nên càn rỡ thế nào, dấu hiệu giàu có bất minh rõ ràng tới cỡ nào đi nữa, ông Hà vẫn như một thứ thần thánh, luật pháp của phàm nhân không thể xúc phạm hay xâm hại. Tháng 2 năm 2013, tin ông Hà bị bắt đột nhiên loang như dầu, thị trường chứng khoán lập tức trở thành hỗn loạn, chỉ sau một phiên giao dịch, 1,6 tỉ Mỹ kim vốn trên thị trường chứng khoán bốc hơi. Tổng cục An ninh lập tức tổ chức săn lùng và đến tháng 7 năm 2013, loan báo đã bắt ba kẻ tung tin đồn nhảm. Tháng 8 năm ngoái lại có tin ông Hà bị bắt, giá cổ phiếu các ngân hàng trên thị trường chứng khoán rớt xuống đáy, hai tỉ Mỹ kim bốc hơi (5).
Tháng giêng năm nay, khi đưa ông Phạm Công Danh (Chủ tịch Hội đồng Quản trị VNCB, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Thiên Thanh) và các đồng phạm bị cáo buộc “cố ý làm trái quy định về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, tuy đại diện Viện Kiểm sát đề nghị triệu tập ông Hà ba lần với tư cách “người có quyền và nghĩa vụ liên quan” nhưng ông Hà cáo bệnh, không đến. Cho đến thời điểm đó, Kết luận Điều tra đợt hai vụ án “cố ý làm trái quy định về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại VNCB (đợt đầu ông Danh đã bị hạt 30 năm tù) vẫn xác định ông Hà không có gì sai. Nếu Tòa án không trả hồ sơ yêu cầu điều tra lại, ông Hà vẫn là… thần tiên!
***
Giống như nhiều… thần tiên khác tại Việt Nam bị… đọa, tin ông Hà bị bắt tạo ra một sự hưng phấn khác thường trên mạng xã hội. Có những facebooker như Nguyễn Quang Lập lý giải, đó là vì ông Hà và “đại ca” của ông phạm cả bốn đại kỵ: Quyền bất tận thi - Có quyền đừng áp chế người khác thái quá. Ngôn bất tận xuất - Nói năng đừng huênh hoang quá. Lực bất tận dụng - Làm đúng năng lực, đừng leo cao quá. Lộc bất tận hưởng - Đừng có vơ vét cho mình nhiều quá (6). Thêm một lần nữa, công chúng công khai bày tỏ hy vọng “đại ca” của ông Hà đền tội. Tuy nhiên khác với thuở ông Đinh La Thăng xộ khám, Trịnh Xuân Thanh đầu thú, niềm tin vào yếu tố “thiết diện vô tư” của “người đốt lò vĩ đại” đã giảm đáng kể.
Hình như là thế!
Nếu công minh như thế giới thực, làm gì có chuyện tháng 9 năm 2012, ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư đảng CSVN – người đứng đầu hệ thống chính trị lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối tại Việt Nam, nghẹn ngào khi thông báo kết quả Hội nghị lần thứ sáu của BCH TƯ đảng CSVN Khóa 11, theo đó, BCH TƯ đảng CSVN dứt khoát không tán thành đề nghị của Bộ Chính trị kỷ luật một đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị (7). Nếu công minh như thế giới thực, làm gì có chuyện sau đó, ông Trương Tấn Sang, thời điểm ấy là Chủ tịch Nhà nước, từ chối cho cử tri biết “đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị” mà Bộ Chính trị bất lực, không thể kỷ luật là ai. Chỉ có… xứ thần tiên mới có… chuyện thần tiên, Chủ tịch Nhà nước cũng chỉ dám ỡm ờ, gọi kẻ phạm nhiều sai lầm nghiêm trọng là… “đồng chí X”!
Chú thích

Việt Nam bước vào giai đoạn già hóa dân số

Diễm Thi, RFA-2018-11-30 
Giao thông ở thành phố Đà Nẵng hôm 11/11/2017.
Giao thông ở thành phố Đà Nẵng hôm 11/11/2017.AFP
Theo số liệu của Liên Hiệp Quốc vào ngày 29/11/2018 thì dân số Việt Nam đạt đến con số 96.880.388 người, đưa Việt Nam thành nước đông dân thứ 14 trên toàn cầu. Trước đây vào năm 2012, ước tính đưa ra thì dân số Việt Nam vào năm 2018 là khoảng 91.500.000 người.
Trang danso.org thống kê chỉ sau 48 năm, độ tuổi trung bình của người dân Việt Nam tăng đáng kể, từ 18 tuổi vào năm 1970 lên 31 tuổi vào năm 2018 với tuổi thọ trung bình hiện nay là 76,6 tuổi.
Điều đó cho thấy dân số Việt Nam đang già đi nhanh chóng và dĩ nhiên việc chăm sóc phúc lợi cho người già là một vấn đề khó khăn khi mà Việt Nam vẫn còn trong nhóm những nước đang phát triển.
Dân số già nhanh
Một trong những nguyên nhân khiến tỷ lệ người già tăng vọt như vậy là do tuổi thọ trung bình của người Việt đã tăng từ 60 tuổi năm 1970 lên 76,6 tuổi hiện nay. Bên cạnh đó là tỷ lệ sinh giảm do chính sách hai con được thực hiện tại Việt Nam lần đầu năm 1960 ở miền Bắc là lần hai vào năm 1990 trên cả nước.
Tiến sĩ xã hội học Trịnh Hòa Bình nhận định Việt Nam không tận dụng được kỷ nguyên dân số vàng vì chuyển rất nhanh từ dân số trẻ sang dân số già, và người già Việt Nam hiện vẫn tự bươn chải kiếm sống:
“Người ta thường nói người già là kho trí thức của nhân loại, trí khôn của xã hội, nhưng thực tế hiện nay thì cũng chả tận dụng được mấy đâu. Người già ở Việt Nam, những người có trí thức, có kỹ năng lao động thì hầu hết họ tự bươn chải. Lương chính thức của xã hội Việt Nam thấp nên người già đến tuổi nghỉ hưu họ vẫn làm."
Theo ông thì không phải ngẫu nhiên mà thời gian gần đây hệ thống truyền thông cũng như chủ trương chính sách tầm vĩ mô đang nói rất nhiều đến chuyện nới rộng độ tuổi lao động cũng như tìm cách sử dụng sức lao động của người già.
“Ở đây người ta đang nhắm đến một bài toán giải được rất nhiều việc: Nhà nước bớt được gánh nặng trong khi người già thì đằng nào họ cũng tổ chức sản xuất, lao động với kinh nghiệm của họ. Thứ ba nữa là tính chung trong nỗ lực giảm thiểu lực lượng nằm trong biên chế cứng của nhà nước thì đây là quyết sách hay để trên thực tế đóng góp một phần quan trọng trong an sinh xã hội nói chung.”
Trợ cấp cho người già
Hôm 8/11/2018, tuần báo The Economist có bài viết dịch ra tiếng Việt là  “Việt Nam đang già trước khi giàu.” Bài viết nhận định xu hướng phát triển dân số của một số các quốc gia châu Á cũng diễn ra tương tự, chỉ khác là Việt Nam không phải là quốc gia có thu nhập bình quân cao tương tự.
Một người già ở miền Bắc Việt Nam.
Một người già ở miền Bắc Việt Nam. AP
Bài báo nêu ví dụ khi tỷ lệ dân số trong độ tuổi lao động tăng lên mức cao nhất ở Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc thì GDP bình quân đầu người của các quốc gia này lần lượt là 32.585 USD, 31.718 USD và 9.526 USD. Còn Việt Nam khi đạt tới đỉnh tương tự vào năm 2013 thì GDP chỉ có 5.024 USD. Vậy chính quyền có thể lo liệu cho hàng triệu người già hay không, Tiến sĩ Trịnh Hòa Bình nhận xét:
“Thực ra ở Việt Nam chưa có mô hình Nhà nước phúc lợi mà cái này vẫn nằm chung với an sinh xã hội có tính chất truyền thống lịch sử, tức là cộng đồng cùng lo.
Nội lực của Việt Nam thì cũng chẳng dồi dào nên việc trợ cấp, trợ giúp của nhà nước đối với người già không phải không có nhưng rất khiêm tốn, ít ỏi như đến 80 tuổi thì hàng tháng được một khoản tiền hai, ba trăm nghìn.
Có nghĩa là những khoản trợ giúp có nhưng không đáng kể và không mấy ý nghĩa. Trên thực tế ở Việt Nam sử dụng hình thức kêu gọi sự trợ giúp của cộng đồng nhiều hơn là với tính chất chính thống của chế độ.”
Điều này cũng từng được Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nhận định với RFA rằng mạng lưới an sinh xã hội của Việt Nam với khả năng tài chính hiện nay thì không có cách nào có thể bù đắp được.
“Nếu nhìn thực trạng chung thì vấn đề an sinh xã hội của Việt Nam hiện nay là một gánh nặng hay một món nợ lớn mà cả nhà nước và nền kinh tế đang phải gánh chịu.”
“Trên thực tế, nhu cầu của xã hội đối với vấn đề an sinh xã hội luôn lớn hơn khả năng thực tế mà nhà nước có thể đáp ứng. Nhưng nhà nước cũng đã chấp nhận cung cấp bảo hiểm cho các người nghèo để đảm bảo cho họ khi đau ốm thì cũng có thể đến bệnh viện để chữa trị.”
Hiện nay, chỉ có những người rất nghèo và người từ 80 tuổi được nhà nước trợ cấp một khoản tiền nhỏ mỗi tháng. Bên cạnh đó họ cũng có một khoản bảo hiểm y tế. Cô Tuyết hiện ở Sài Gòn có bà mẹ già trên 80 tuổi cho chúng tôi biết mẹ cô không có một khoản tiết kiệm nào, con cái lo mọi chi phí, tiền nhà nước cấp hàng tháng không đủ để ăn sáng:
“Em không mua bảo hiểm gì cho má hết mà được nhà nước cấp cho những người lớn tuổi từ 80 tuổi trở lên mỗi tháng được 270 ngàn. 270 ngàn thì không thể đủ sống vì mỗi sáng ăn tiết kiệm lắm cũng hết 15 ngàn, tức một tháng hết 450 ngàn rồi, chưa tính ba bữa cơm trong ngày. Tết thì họ “lì xì” thêm một tháng. Và khi có bịnh hoạn hay nằm bệnh viện thì nhà nước chi trả 80%, mình chịu 20%.”
Tương lai sẽ ra sao?
Theo The Economist thì ở Việt Nam hiện nay, lớp người trên 60 tuổi đang chiếm tỷ lệ khoảng 12% dân số, và tỷ lệ này được dự báo sẽ tăng lên mức 21% vào năm 2040, một trong những tỷ lệ tăng nhanh nhất trên thế giới.
Một người già chạy xe ôm kiếm sống. Ảnh chụp tại Hà Nội hôm 16/5/2018.
Một người già chạy xe ôm kiếm sống. Ảnh chụp tại Hà Nội hôm 16/5/2018. AFP
Với cái nhìn có phần lạc quan, bà Thúy Quỳnh, Giám đốc bộ phận chăm sóc khách hàng của công ty Bảo hiểm nhân thọ Generali Việt Nam cho rằng giới trẻ Việt Nam lâu nay đã biết tích lũy bằng cách mua các sản phẩm bảo hiểm đóng phí từ lúc còn trẻ, đến khi về hưu lấy ra sử dụng, và số khách đó hiện nay rất nhiều.
"Hiện tại ở Việt Nam có 18 công ty bảo hiểm, đa số những người còn trẻ và làm ăn tốt đều mua bảo hiểm để tích lũy để về già họ có khoản tiền đó họ chi tiêu.
Bây giờ nếu mình làm nhà nước hay nước ngoài thì đều có bảo hiểm xã hội. Đó là tiền hưu trí, của nhà nước. Nếu họ muốn lãnh số tiền cao hơn thì họ mua bảo hiểm. Bây giờ người dân họ ý thức được chuyện đó nên số người mua bảo hiểm khá cao."
Bà nói thêm rằng với những người già ở độ tuổi 70, 80 hiện nay thì họ chỉ có những khoản tích lũy riêng chứ không có tiền hưu và bảo hiểm xã hội nếu trước đây họ không làm cho nhà nước, vì mấy chục năm trước đây họ không tích lũy bằng bảo hiểm nhân thọ như sau này. Còn sau này thì người già sẽ có cuộc sống khác bây giờ. Bà nói thêm:
"Còn từ thế hệ 7x trở về sau thì đã tốt hơn vì họ có tiền bảo hiểm xã hội, có hợp đồng bảo hiểm nên em nghĩ không đến 20 năm nữa đâu mà chỉ chừng 5, 10 năm nữa thì tiền khi họ về hưu đảm bảo cho cuộc sống của họ tốt hơn bây giờ nhiều."
Tiến sĩ Trịnh Hòa Bình cho rằng hiện nay rất khó để biết người già có hài lòng với cuộc sống hay không thì thực tế nhà nước cũng không có một số liệu hay nghiên cứu nào gần đây để chỉ ra chỉ số hạnh phúc của người già, nhưng ông nhận định rằng người Việt Nam là một dân tộc lạc quan nên nếu có những nghiên cứu đó mà hời hợt thì chỉ số lạc quan hạnh phúc cũng không hề thấp.
Ông nói rằng nếu mà nhìn thẳng vào bức tranh xã hội Việt Nam thì xã hội vẫn đang trong sự chuyển đổi và đối diện rất nhiều thách thức cho người già Việt Nam. Nếu tính thu nhập bình quân thì nói chung bức tranh không sáng sủa, lạc quan nhưng cũng không đến nỗi khó khăn lắm.