Monday, September 21, 2020

Phải chăng họ ăn cháo đá bát?




Một số nhà trí thức phản biện, trong đó có tôi, bị một số DLV và bồi bút của tuyên giáo vu cho tội ăn cháo đá bát. Họ lập luận rằng, trong khi nhiều bạn bè đi chiến đấu, một số hy sinh hoặc bị thương thì chúng tôi được Đảng cho ăn học, ra nước ngoài làm nghiên cứu để trở thành tiến sĩ, giáo sư. Thế mà không biết công ơn, lại nói xấu, phê phán Đảng, chống lại Chủ nghĩa Mác Lê.

Xin kể câu chuyện giữa ba người bạn, vào năm 1988, đã đối thoại về vần đề vừa nêu.

Tôi, Nguyễn Trọng Thao và Văn Phó là bạn học cùng lớp thời Đại học Bách khoa (1956-1960), cùng đi làm nghiên cứu sinh và nhận bằng tiến sĩ ở Liên Xô, cùng đi làm chuyên gia ở châu Phi (1986-1989) tại một nơi, cùng là đảng viên, sinh hoạt trong cùng một chi bộ mà Văn Phó là bí thư. Một hôm họp chi bộ, Trọng Thao có ý kiến cho rằng Đảng có một số sai lầm trong lãnh đạo. Hằng ngày, giữa chốn bạn bè, Thao cũng hay bộc trực phê phán Mác Lênin và đường lối cộng sản. Sau cuộc họp, Văn Phó nói với Thao và tôi ở lại để trao đổi giữa các đồng chí, vừa là bạn bè.

Văn Phó nói rằng, đồng chí Thao đã có những nhận thức sai lầm. Liệu không có Đảng, không có cách mạng thì chúng ta suốt đời cầm cày đi sau con trâu chứ làm sao được như ngày nay, nghĩa là được học đại học, được có học vị tiến sĩ, được đi làm chuyên gia, thế mà đồng chí Thao đã không biết ơn, lại đi nói xấu Đảng và chủ nghĩa Mác Lê.

Văn Phó còn nói nhiều nữa với tư cách bí thư thuyết phục đảng viên. Để Văn Phó nói xong, Thao mới lên tiếng:

Thao nói chậm rãi nhưng chắc nịch, với một tự tin lớn: Phó ạ, điều Phó nói có thể đúng cho đồng chí và một số người khác chứ không đúng cho Thao này và có lẽ cũng không đúng cho cả Nguyễn Đình Cống ngồi đây và rất nhiều, rất nhiều bạn khác. Nhà Thao tuy không giàu có, chỉ thuộc loại trung nông, nhưng bố Thao biết con mình là đứa thông minh, có ý chí, nên đã khuyến khích và chịu nhiều vất vả để nuôi Thao học hành.

Đúng là ở đại học Thao được cấp học bổng từ nguồn ngân sách (chứ chẳng phải của đảng), và đó là trách nhiệm của Nhà nước trong việc đào tạo nguồn lực. Việc Thao học đại học trước hết là nhờ bản thân có năng lực, kế đến nhờ bố mẹ rồi sau mới nhờ Nhà nước tạo điều kiện. Nếu không có cách mạng thì người như Thao cũng không chịu sống kiếp ngựa trâu. Dưới thời đô hộ của Pháp nhiều người phải sống lầm than, bị bóc lột, chịu áp bức.

Vì sao vậy? Chủ yếu là họ kém trí tuệ và thiếu bản lĩnh. Thiếu tư liệu sản xuất chỉ là nguyên nhân phụ. Bên cạnh họ, có những người nhờ tài năng, nhờ nghị lực cá nhân mà trở thành nhà kinh doanh, nhà trí thức, được du học và trở thành nhà khoa học. Nếu nói nhờ cách mạng mới được học hành thành tài thì hỏi những người như Nguyễn Văn Huyên, Nguyễn Xiển, Tạ Quang Bửu, Trần Đại Nghĩa, Trần Hữu Tước, Tôn Thất Tùng, Hoàng Xuân Hãn, Trịnh Xuân Thuận và hàng ngàn, hang vạn trí thức người Việt ở khắp nơi trên thế giới không nhờ cách mạng, không nhờ cộng sản mà vẫn học hành thành tài, là vì sao.

Đúng là có một số con em bần cố nông nhờ có cách mạng nên mới được học. Nhưng họ có được thành tài không thì còn phải nhờ vào nhiều thứ khác quan trọng hơn, trước hết là trí tuệ và bản lĩnh của họ. Nếu nói nhờ cách mạng thì tầng lớp cầm quyền lợi dụng được nhiều nhất, trong nhân dân thì tầng lớp vô sản mang tiếng là được hưởng lợi hơn, nhưng thực chất vẫn nghèo đói. Trở nên giàu có lại là bọn liên kết với quyền lực để tham nhũng, để cướp đoạt.

Còn việc đi làm nghiên cứu ở Liên xô, đồng chí Phó có nhớ trước khi đi chúng ta được căn dặn thế nào không. Chúng ta được nghe giảng rằng, đi làm nghiên cứu là nhiệm vụ mà Nhà nước tin và giao cho chúng ta để đào tạo thành những người kiến thiết đất nước. Nếu mọi người đều đi đánh nhau cả thì khi đánh nhau xong ai sẽ làm công việc kiến thiết. Vì vậy đi học, làm nghiên cứu cũng là một nhiệm vụ quan trọng của cách mạng. Đó không phải là một ưu đãi đặc biệt gì cho cá nhân. Chúng ta được đào tạo và chúng ta đã làm việc chứ có phải ngồi chơi đâu.

Chúng ta làm việc và được trả lương chứ có phải được ưu đãi gì đâu. Phải chăng công sức của các trí thức trong việc xây dựng đất nước là không đáng kể. Còn việc đi làm chuyên gia như chúng ta hiện nay cũng là đi làm nghĩa vụ. Nước bạn trả cho chúng ta lương tháng từ 1200 đến 1500 đô la. Thế mà Bộ Tài chính cử người sang các Sứ quán thu lại phần lớn, chỉ cho chúng ta hưởng khoảng 300 đô la mỗi tháng. Nếu xem khoản chúng ta đóng góp cho Nhà nước là đóng thuế thì mỗi năm chúng ta đồng thuế khoảng trên 10 ngàn đô. Thế thì ai phải cám ơn ai?

Còn việc mà đồng chí cho là tôi nói xấu, phê phán Đảng, tôi chỉ phản biện những cái sai, chứ tôi không nói xấu. Mà lãnh đạo Đảng nhiều lần kêu gọi đảng viên và quần chúng chỉ ra cho thấy những thiếu sót, những sai lầm kia mà.

Văn Phó ngồi nghe, trong thâm tâm chắc biết Thao nói đúng nên không phản bác lại được câu nào, chi nói ấp úng: Điều đồng chí Thao nói là do suy nghĩ cá nhân, đúng sai đến đâu cần thảo luận. Chỉ cần nhắc rằng chúng ta là đảng viên, cần thực hành nghiêm kỷ luật đảng, đặc biệt là 19 điều cấm.

Biết rằng không thể tranh luận với Thao, bày ra việc này có lẽ Phó chỉ đề phòng khi bị cấp trên hỏi đến vai trò của bí thư khi trong chi bộ có người dám nói như Thao. Hồi còn học với nhau, Phó tự biết mình chỉ là một sinh viên bình thường, một đoàn viên biết nhất nhất vâng lời các đảng viên để tu dưỡng, để phấn đấu vào đảng, còn Thao là một trong số các sinh viên xuất sắc. Tự biết không giáo dục được Thao, Văn Phó quay sang tôi, mong tìm sự ủng hộ.

Phó hỏi tôi: Anh Cống thấy thế nào về ý kiến của tôi và của anh Thao. Đoán rằng Phó có hy vọng tôi sẽ có phần nào đó ủng hộ anh. Chẳng là tôi vừa mới được kết nạp, phải tỏ ra bênh vực bí thư chi bộ.

Văn Phó hoàn toàn không ngờ khi tôi nói: Tôi hoàn toàn nhất trí và ủng hộ ý kiến của anh Thao. Chúng ta là những trí thức, cần có suy nghĩ độc lập và tự do tư tưởng, cần dũng cảm bảo vệ điều mà mình cho là đúng, phản biện những điều mình cho là không phù hợp với quy luật.

***

Ngoài câu chuyện trên, tôi còn muốn đề cập đến ý kiến của một số người về lương hưu. Họ tưởng nhầm rằng lương hưu là của Đảng cho, là ân huệ của Đảng, phải ghi nhận công ơn ấy.

Đó là một nhận thức sai lầm nghiêm trọng. Chẳng có lương hưu nào của Đảng cả. Lương hưu là một phần trả công cho người lao động, được bảo hiểm xã hội thu giữ và chi dần. Đảng, Nhà nước chẳng có quyền hạn và trách nhiệm gì trong chuyện này (Riêng Nhà nước có thể ra luật về Bảo hiểm xã hội). Việc trả lương hưu thì tất cả các nước, mọi chế độ đều thực hiện. Không biết bọn người cho rằng lương hưu là ân huệ của Đảng, của Nhà nước có trí tuệ thấp kém đến bực nào./.

Chết mà không được chôn




Share on print 4 trong số 12 dự án "đắp chiếu" của Bộ Công Thương có khả năng mất vốn. Tổng nợ phải trả của 12 dự án nầy đã lên tới hơn 58.500 tỷ đồng. Trong ảnh là dự án Ethanol Dung Quất (Quảng Ngãi) đắp chiếu nhiều năm. Ảnh: VOV số ra ngày 9/5/2018

Phạm Nhật Bình – Việt Tân

Việt Nam khi nói đến các doanh nghiệp nhà nước, người ta liên tưởng tới ngay những đại công ty nắm giữ những ngành kinh doanh, sản xuất quan trọng nhất của nền kinh tế đất nước, bao trùm các lãnh vực công nghiệp, an ninh, quốc phòng. Nhưng đồng thời, doanh nghiệp nhà nước cũng đồng nghĩa với sự kinh doanh thua lỗ triền miên mà vẫn sống nhăn từ năm này qua năm khác.

Vấn đề này được một chuyên gia kinh tế trong nước, bà Phạm Chi Lan bình luận: “Doanh nghiệp nhà nước nhiều khi như mọi người vẫn gọi vui là ‘chết mà không chôn được’…” Đây là một câu nói thật ấn tượng, đã mô tả một cách chua chát hình ảnh chết dở sống dở của các doanh nghiệp nhà nước, tuy làm ăn thua lỗ nhưng vẫn được nhà nước duy trì, vì “quốc doanh là chủ đạo” để định hướng xã hội chủ nghĩa.

Điều này cho thấy tại sao nền kinh tế Việt Nam sau hơn 30 năm gọi là “Đổi Mới” nhưng vẫn ì ạch không ngóc đầu lên được, dù lãnh đạo đảng và nhà nước ra sức kêu gào hiện đại hóa, công nghiệp hóa. Đó là vì cỗ máy kinh tế có những xác chết chưa chôn, đến nay chúng vẫn còn sổ hộ khẩu, còn được nhà nước rót tiền nuôi sống một cách hợp pháp. Đó cũng chính là nơi để cán bộ đảng viên bám vào mà moi tiền bỏ túi riêng. Nói cách khác, tức là đảng và cán bộ đang cố bám vào những cái xác chết đã rữa nát để mà sống, vì nếu đem chôn thì lấy gì để tiếp tục… ăn.

Được biết năm 1986, thời gian sửa soạn bước vào thời kỳ đổi mới, Việt Nam có khoảng 14.000 doanh nghiệp quốc doanh. Năm 2000 sau những đợt sáp nhập, giải tư còn tồn tại 8.000 doanh nghiệp nhưng phần lớn kinh doanh không hiệu quả, lời giả lỗ thật.

Một trong những điển hình thất bại khi bung ra kinh doanh đa ngành là Tập đoàn Công Nghiệp Tàu Thủy Việt Nam (Vinashin), thành lập năm 2006 được đánh giá là “quả đấm thép” của nền kinh tế Việt Nam, có lúc tăng lên tới gần 250 đơn vị dưới quyền. Nhưng chỉ sau 4 năm kinh doanh, Vinashin sa lầy kéo theo sự thất thoát khổng lồ hơn 4 tỷ đô-la vào thời điểm 2014.

Theo sau Vinashin là Vinalines và một lô Vina khác, những công ty chuyên ném tiền qua cửa sổ, thành lập thời cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Đến năm 2015 còn lại 1.800 doanh nghiệp quốc doanh sau khi đã cơ cấu lại để thành lập các tập đoàn và tổng công ty mới.

Năm 2018 sau khi ông Trọng dựng lên kế hoạch đốt lò và một lần nữa sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước thì số doanh nghiệp quốc doanh còn lại gần 800. Nhưng trong số này có hàng chục doanh nghiệp không còn khả năng hoạt động vì nhiều lý do. Có doanh nghiệp báo lỗ liên tục trong thời gian đầu tiên đưa vào sản xuất, có doanh nghiệp đình trệ ngay trong thời gian thực hiện dự án xây dựng do sự chồng chéo của tổng thầu Trung Quốc.

Đến nay, Bộ Công Thương vẫn là cơ quan dẫn đầu với “12 đại dự án thua lỗ ngàn tỷ.” Theo báo Dân Trí trong nước, sau 4 năm loay hoay giải quyết, có 7 dự án vẫn thua lỗ hoặc giải quyết dở dang. Ngoài ra còn 5 dự án đang có tranh chấp với tổng thầu Trung Quốc chưa giải quyết được. Cả 12 dự án gây ra một số nợ khủng là gần 21.000 tỷ mà đa số không thể trả nợ đúng hạn; có công ty rao bán nhiều lần chẳng ai dám mua!

Tuy nhiên những công ty phần lớn đang nằm phơi mưa nắng này không thể nào khai tử để mang đi chôn. Nhà nước nêu ra nhiều lý do để biện minh chuyện chết mà không chôn được này, nhưng lý do quan trọng nhất vì lợi ích chằng chịt giữa các phe nhóm trong đảng và nhà nước còn dính vào quá nhiều.

Lý giải về “Đề án quản trị doanh nghiệp nhà nước” của Bộ Kế Hoạch và Đầu Tư đưa ra lấy ý kiến chung quanh vấn đề phá sản doanh nghiệp nhà nước, ông Nguyễn Quang A, nguyên Viện Trưởng Viện Nghiên Cứu Phát Triển (IDS) cho rằng “Có lẽ có nhiều lý do, một trong những lý do có lẽ do có sự trợ giúp của bộ máy nhà nước bằng nhiều cách… Một số doanh nghiệp nhà nước có thua lỗ nhưng khó phá sản vì họ kinh doanh những ngành nghề chủ lực.”  Đây là những lý do rất chuyên môn nhưng nằm ngoài những lý do mờ ám bên trong cung cách làm ăn bòn rút ngân sách nhà nước của các nhà quản lý kinh doanh trong đảng.

Bởi lẽ các công ty có đắp chiếu thì tiền của ngân sách nhà nước mới được rót xuống đều đều để họ tiếp tục kinh doanh và tiếp tục… thua lỗ. Hiện tượng cha chung không ai khóc là hiện tượng phổ biến trong dân gian cũng như trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Vậy bận tâm làm chi đến việc khai phá sản để rồi không có tiền vào túi. Và nếu đem chôn doanh nghiệp thua lỗ triền miên thì cán bộ biết làm gì để sống?

Đây là cái vòng luẩn quẩn của nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa mà đảng rất “tự hào.” Chừng nào đảng CSVN còn trụ vào kinh điển Mác-Lênin và quan điểm “quốc doanh là chủ đạo” thì kinh tế Việt Nam còn hoang tàn vì có quá nhiều những xác chết không chôn được.

Phạm Nhật Bình

Thiên tai trong mắt dân và quan

 


VietTuSaiGon|


MiềnTrung và miền Bắc Việt Nam là hai miền kinh niên thiên tai, theo định kỳ, hằng năm lại có thiên tai. Gần đây, miền Nam cũng bắt đầu chạm với thiên tai và nhân họa, đồng bằng Sông Cửu Long nhiễm hạn mặn và quả này nặng khó đỡ với người nông dân miệt sông nước vốn hiền hòa và trù phú này. Lẽ hiển nhiên, khi thiên tai, nhân họa kéo đến, con người nói chung ngán ngẫm, lo lắng, bất an và tuyệt vọng. Thế nhưng, có một bộ phận lại mong thiên tai đến, năm nào không có thiên tai, năm đó họ ăn không ngon, ngủ không yên. Cái khác giữa nhân dân và quan chức thời bây giờ là vậy. Vì sao?

Vì nhiều lẽ, nhưng trong đó, có ba lẽ căn cơ, chính yêu: Cái cớ đáo niên; Chỗ chấm mút và; Chỗ chối tội. Ở vấn đề thứ nhất là cái cớ đáo niên, dường như mọi cơ quan nhà nước đều trông chờ vào thiên tai, có thiên tai, dịch họa thì cơ may giảm được một khoản tiền đáng kể trong việc đóng ngân sách nhà nước, thậm chí những cơ quan đóng ở vùng bị thiên tại, dịch họa nặng có thể được miễn đóng khoản ngân sách định kỳ. Trong khi đó, chưa chắc đã có thiệt hại và nếu có thiệt hại cũng không đáng kể hoặc đã có những khoản viện trợ bù vào.

Nói về chuyện chấm mút trong giới quan chức địa phương sau thiên tai thì miễn bàn. Bởi chuyện này lộ liễu và ai cũng biết nhưng chẳng biết tính làm sao để khắc phục. Thường thì sau mỗi đợt mưa bão, trưởng thôn sẽ đi gõ cửa từng nhà, trình ra một cuốn sổ, trong đó gồm các hộ gia đình trong thôn. Ở mỗi gia đình ông trưởng thôn sẽ hỏi mức độ thiệt hại và khuyên người ta khai tăng mức độ lê gấp đôi, gấp ba so với thực tế. Thường thì kê khai xong, chủ nhà sẽ ký vào cột cuối của cuốn sổ, xem như có bằng chứng đầy đủ về người khai và mức thiệt hại là thật.

Các gia đình (hầu hết cũng chả thật thà gì, hoặc thụ động gian lận theo trưởng thôn) khai xong, ký xong thì chờ đợi, với hi vọng nếu như chính phủ hỗ trợ chừng 30% thiệt hại thì xem như mình nhận đúng mức thiệt hại thực sự. Nhưng, năm nào cũng giống năm nào, con số báo cáo lên trung ương là con số thiệt hại khủng, trung ương viện trở xuống cũng không nhỏ. Nhưng đến tay người dân thì thường là vài gói mì tôm và vài ký gạo, may mắn lắm mới có thêm vài chục ngàn đồng. Có nghĩa là từ cấp tỉnh đã chấm mút, xuống cấp huyện lại chấm mút, đến cấp phường, xã lại chấm mút, đến thôn lại chấm mút thêm một miếng nữa. Và ở cấp xã, phường và thôn là đáng sợ nhất, vì khả năng ăn bẩn rất là cao. Có nhiều trường hợp dân kéo đến nhà trưởng thôn, chửi mắng, thậm chí đòi đánh nhau bởi trưởng thôn đã ếm mất phần mì tôm và gạo của họ.

Trường hợp người thân, gia đình của cán bộ được ưu ái nhận quà cứu trợ mặc dù không bị thiệt hại và cũng không khó khăn, họ có thể nhận quà về để bán là chuyện thường ngày, không có gì để bàn. Có trường hợp gia đình cán bộ đến nhận quà đến hai, ba lần trong ngày, hết khoác áo mưa lại cởi áo mưa ra nhận quà, cởi áo mưa xong lại cởi áo gió, rồi cởi khẩu trang… Thay đổi nhân dạng để nhận. Đương nhiên người ta thừa biết rằng đối tượng này nhận về rồi chia lại cho cán bộ. Đó là phần thấy được, còn phần không thấy được, chấm mút qua giấy tờ thì miễn bàn.

Đó là chưa kể đến chuyện các đoàn từ thiện đến địa phương thì bị chặn từ ngay ủy ban, các thành viên ủy ban đưa ra một danh sách riêng gồm người thân, người quen biết của họ để hoặc là đoàn từ thiện phải trao trước các suất trong danh sách rồi mới đi đến từng nhà để tặng, hoặc là quay lui xe và không được vào địa phương tặng quà. Rồi thêm chuyện các thành viên ủy ban gửi danh sách đến các doanh nghiệp để xin viện trợ bằng tiền mặt. Nhưng khi phát quà lại vài gói mì tôm, vài ký gạo. Có một ngàn lẻ một kiểu ăn bẩn, chấm mút ở các cơ quan nhà nước mỗi khi có thiên tai, dịch họa.

Và, mỗi khi có thiên tai, dịch họa, đây là chỗ chối tội tốt nhất cho giới quan chức. Bởi hầu hết các khoản mờ ám trong năm, chỉ trông chờ vào thiên tai, khi có mưa bão quét qua, xem như máy móc hư hỏng, cơ sở hạ tầng cần khắc phục, giấy tờ trôi nổi… Có cả trăm lý do để báo cáo mất số liệu thống kê và nếu có khoản nào chi bất thường thì chuyển nó sang mục cứu trợ. Xem như mọi chuyện huề vốn.

Ngược với quan chức, mỗi lần thiên tai, dịch họa thì người dân méo mặt, vì thiệt hại, vì nhiều chuyện tế nhị không thể nói ra, vì người ta mượn thiệt hại của mình để ăn mập, vì hàng trăm cái vì. Nhưng cái vì nào cũng khiến cho người ta cảm nhận thêm xót xa của thân phận dân đen, không hơn không kém.

Đó là chưa kể tới chuyện thân phận người dân bị đẩy xuống tận đáy bởi cách hành xử đầy lộng quyền, hách dịch và tàn nhẫn của giới chức địa phương. Vừa được đoàn từ thiện phát cho suất quà và tiền, chưa kịp mừng thì bị cán bộ gọi lên ủy ban, bắt đem nộp toàn bộ quà để chia lại. Cách hành xử, đối đãi như vậy, không những đầy tính trẻ con mà quá sức rẻ rúng và khinh thị người dân. Coi người dân chẳng còn ký lô nào, muốn lấy thì lấy, muốn thu thì thu. Không có chữ nghĩa, sách vở nào để tả nỗi khốn nạn giữa con người với con người.

Và mọi thứ cứ đến hẹn lại lên, hễ có thiên tai thì cán bộ mừng râm rang, nhân dân buồn thúi ruột. Hễ bão đi qua, thiên tai tránh địa phương nào thì nhân dân địa phương đó mở cờ trong bụng, ăn mừng tạ ơn trời đất. Nhưng cán bộ lại đánh trống chiến trong bụng và có hàng loạt các vấn đề mờ ám chỉ có thể giải quyết được nhờ vào thiên tai, dịch họa.

Thế mới thấy, muốn cho đất nước này phát triển và lành mạnh, có lẽ phải có một trận bão quét sách các quan tham. Nhưng, quan tham lúc nhúc khắp thị thành, thôn quê, bão nào mà quét cho sạch được!

Ai sợ ai?

 


Đỗ Đăng Liêu – Việt Tân

Chuyện Đại Biểu Quốc Hội Phạm Phú Quốc mua quốc tịch Ciprus cho cả gia đình với giá 2,5 triệu đô Mỹ mỗi người bị lộ ra cùng lúc với thông tin là hiện tượng này chỉ là phần nổi nhỏ xíu của tảng băng chìm của những cán bộ gộc cộng sản Việt Nam, đã làm lộ ra, một lần nữa và rõ ràng hơn, một số sự thật mà CSVN luôn tìm đủ mọi cách để che giấu cho tới giờ phút này.

Những sự thật đó là:

– Lãnh đạo CSVN, từ cao nhất trở xuống, biết rất rõ, và rõ hơn chúng ta rất nhiều, là chế độ này chắc chắn sắp sụp đổ. Bao giờ sụp đổ thì còn tùy ở người dân Việt Nam, chúng ta, và cũng tùy ở chính họ nữa, nhưng chắc chắn sắp sụp. Bởi vì nếu họ không nghĩ và không biết là chế độ sắp sụp thì, với lòng tham cố hữu, họ còn ở lại để vơ vét thêm chứ chưa tháo chạy đâu.

– Lãnh đạo CSVN biết rất rõ là đất nước này, tàn tạ như hiện nay, hậu quả của xã hội chủ nghĩa mà họ áp dụng, sẽ ngày càng tàn tạ hơn nữa, vô phương cứu chữa, hoàn toàn không thích hợp cho con cháu họ, nên phải bỏ chạy tháo thân, cứu lấy thân mình họ, con cháu họ. Còn số phận khốn nạn của người dân Việt thì, dĩ nhiên, họ mặc thây.

– Lãnh đạo CSVN cũng biết rất rõ là việc gia tăng lực lượng công an, dự trù nâng lên tới 2 triệu người để tăng cường việc trấn áp người dân và phong trào dân chủ hầu kéo dài sự tồn tại; nhưng họ cũng biết rất rõ điều mà thi hào Nguyễn Trãi đã từng nói cách đây mấy trăm năm: “nước chở thuyền nhưng nước cũng có thể lật thuyền; lật thuyền mới biết sức dân mạnh như nước.” Nói cách khác, lãnh đạo CSVN dù có cố tạo hình ảnh độc tài sắt máu, để mong người dân phải rụt rè, lo sợ và không dám phản kháng; nhưng thực tế, đó chỉ là tạm thời, phù du, cho đến khi sức chịu đựng và cơn giận của người dân, trong đó có cả công an và quân đội, bùng vỡ. Khi đó, trước tiên là quân đội và tiếp theo là công an, sẽ không còn làm theo lệnh của những kẻ lãnh đạo vừa tàn ác, khiếp nhược, bán nước hại dân nữa, và cả chế độ sẽ vỡ tan như bong bóng xà phòng mà thôi.

Những sự thật ở trên nói lên một điều, cực kỳ quan trọng, một sự thật mà lãnh đạo CSVN cố che giấu, bằng cất cứ giá nào, kể cả bằng những hành động tàn bạo, tồi tệ, trơ trẽn, gian trá và ngu xuẩn như việc bắn chết Cụ Kình, cho chó tha xác, mổ bụng,… rồi dàn cảnh phiên xử tồi, lố bịch, kịch cỡm, vô pháp,… làm dậy lên cơn bão phẫn uất của người dân mọi miền đất nước và hải ngoại, để quyết tâm bịt miệng dân làng Đồng Tâm và dọa nạt người dân Việt.

Sự thật đó là lãnh đạo cộng sản rất sợ người dân, sợ đến độ cuống cuồng. Và khi sợ cuống cuồng như vậy thì họ phạm những lỗi lầm “chết họ” như Đồng Tâm và còn nhiều thứ nữa mà người dân sẽ thấy trong thời gian trước mặt.

Vấn đề của chúng ta là đa số người dân Việt Nam chưa nhìn ra sự thật đó vì CSVN khéo giấu diếm bằng mọi phương tiện, kể cả những phương tiện tàn bạo vô nhân nhất.

Nhưng qua Thủ Thiêm, Văn Giang, Dương Nội, Formosa,… và hôm nay Đồng Tâm, nhắc lại rõ mồn một bản chất của CSVN thời Cải Cách Ruộng Đất tới nay không hề thay đổi, người dân Việt bỗng giật mình tỉnh giấc, hết còn mơ màng.

Nhưng dù nhiều người chưa quan tâm, hay lãnh đạo CSVN cố tình che giấu, để tính đường tháo chạy hay ở lại thanh toán lẫn nhau… viễn cảnh Việt Nam trong vài năm tới không thể đi ra ngoài kịch bản “nước phải lật thuyền” để Việt Nam có một tương lai mới, tốt hơn trong tự do dân chủ và nhân bản.

Đỗ Đăng Liêu

Nguyễn Phú Trọng ‘đe nẹt’ công an ‘đừng vì tiền mà làm việc xấu’

HÀ NỘI, Việt Nam (NV) –  Ông Nguyễn Phú Trọng, lãnh đạo chóp bu đảng CSVN, đe nẹt công an “đừng vì chức, vì quyền, vì tiền mà làm việc xấu,” khi lực lượng này xưa nay nổi tiếng là ăn hối lộ tệ hại nhất.

Tổng bí thư đảng kiêm chủ tịch nước CSVN Nguyễn Phú Trọng hôm Thứ Hai 21 Tháng Chín cùng các ủy viên Bộ Chính Trị đến dự họp và chỉ thị cho “Ban Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương”. Cuộc họp nằm trong một loạt hoạt động dồn dập mà CSVN sửa soạn cho kỳ đại hội đảng dự trù diễn ra đầu năm 2021.

Công an lập chốt chặn đường ở Hà Nội. Lực lượng này nổi tiếng ăn hối lộ tệ hại nhất Việt Nam (Hình: AFP/Getty Images)

Phần lớn các báo tuyên truyền của chế độ Hà Nội đều đăng tải bản tin tường thuật cuộc họp kể trên dựa trên bản tin chính thức của Thông Tấn Xã Việt Nam (TTXVN). Theo đó, ông Trọng được thuật lời đưa ra các cảnh cáo cho các giới chức cầm đầu Bộ Công An “đừng vì chức, vì quyền, vì tiền mà làm việc xấu” dẫn đến “để mất uy tín, danh dự công an.”

Công an CSVN xưa nay thuộc loại nổi tiếng nhất Việt Nam về vòi vĩnh hối lộ. Những viên chức công an cấp nhỏ như cảnh sát giao thông đứng đường ăn từ vài chục ngàn tiền lẻ đến một vài triệu của các tài xế. Những quan công an lớn cấp tá cấp tướng thì ăn vài trăm triệu đến hàng tỉ đồng qua các vụ xử án tham nhũng. Năm 2018, ít nhất có 10 tướng công an bị “kỷ luật” gồm cả án tù vì bảo kê cờ bạc, ăn đất hay “làm lộ bí mật nhà nước”.

Tháng Giêng vừa qua, tổ chức Hướng Tới Minh Bạch (towardstransparency.vn), cơ quan đầu mối quốc gia của tổ chức Minh bạch Quốc tế -TI- tại Việt Nam, trụ sở ở Hà Nội, công bố bản khảo sát ngày 7 Tháng Giêng 2020 nói rằng 5 nhóm viên chức, cán bộ CSVN tham nhũng nhất xếp theo thứ tự cảnh sát giao thông, công an, cán bộ thuế, lãnh đạo doanh nghiệp và cán bộ, công chức nhà nước.

Dân chống cưỡng chế đất bị Công an bắt lôi đi. (Hình: Internet)

Cho tới nay, chế độ Hà Nội vẫn giấu kín về tổng số người trong hệ thống công an, an ninh chìm nổi trên cả nước là bao nhiêu. Trên mặt chính thức, CSVN chỉ công nhận lực lượng công an với “biên chế,” tức ăn lương nhà nước, là 650,000 người.

Ngày 11 Tháng Chín mới đây, Bộ Công An đòi hợp thức hóa các thành phần bán quân sự, an ninh địa phương từ nhóm bảo vệ dân phố, dân phòng và “công an xã bán chuyên trách” với tổng số hơn 800,000 người nữa, nâng tổng số lên cỡ 1.5 triệu người. Một ông đại biểu quốc hội kêu rằng “lấy tiền đâu mà nuôi”.

Ba năm trước, từng có một ước tính mà một chuyên viên người Úc về các vấn đề Việt Nam nói rằng tổng số công an CSVN gồm từ chính thức đến bán chính thức cũng phải cỡ 6.7 triệu người. Thời gian đó, theo con số này, thì cứ 15 người dân Việt Nam thì có một công an, an ninh chìm nổi “canh chừng.” (TN) [kn]

Mỹ lên án tàu dân quân Trung Quốc hung hăng, bắt nạt trên Biển Đông

WASHINGTON, DC (NV) – Mỹ lên án Trung Quốc ngoài chuyện đánh cá lậu quy mô nhất thế giới, còn có đoàn tàu dân quân biển hung hăng, tham gia bắt nạt trên Biển Đông.

Giữa tuần qua, Lực Lượng Tuần Duyên Mỹ công bố bản báo cáo tình hình đánh cá lậu trên thế giới đã lên án đoàn tàu đánh cá hàng chục ngàn chiếc của Trung Quốc không những đánh cá lậu lớn nhất thế giới mà còn cả những tàu “dân quân biển” ngụy trang, phục vụ tham vọng bành trướng của Bắc Kinh.

Tàu cá Trung Quốc túa ra biển sau khi lệnh ngừng đánh cá hàng năm hết hiệu lực. (Hình: SCMP)

 Theo Tuần Duyên Mỹ ước lượng, khoảng 12,000 tàu cá cỡ lớn của Trung Quốc không hoạt động tại các vùng biển của nước này mà đi hoạt động tại các vùng biển khác, trong đó, ít nhất có 3,000 tàu “dân quân biển” ngụy trang trong cái vỏ bọc tàu khai thác thủy sản.

Nhiều nhà phân tích thời sự đã báo động những tàu này làm nhiệm vụ tình báo cho Hải quân Trung Quốc và trong rất nhiều trường hợp đã từng thấy xảy ra rất nhiều lần trên Biển Đông thời gian vừa qua, hợp sức cùng với các tàu hải cảnh “bắt nạt” tàu đánh cá các nước khác và hung hăng cả với tàu cảnh sát biển các nước khác.

Hồi Tháng Tư năm ngoái, Ðô Ðốc John Richardson, tư lệnh Hải quan Mỹ đã cảnh cáo tư lệnh Hải Quân Trung Quốc Shen Jinlong (Thẩm Kim Long) khi ông này đến Hoa Kỳ là lực lượng Hải Quân Mỹ sẽ đối xử với đám “dân quân biển” và tàu đánh cá Trung Quốc y như đối phó với lực lượng Hải Quân Trung Quốc.

Ông Richardson cho hay thấy cần phải ngăn chặn các trò khiêu khích, chèn ép của chúng trên Biển Đông.

“Tôi nói rất rõ (với ông ta) là Hải Quân Mỹ sẽ không thể bị ức hiếp và vẫn tiếp tục hoạt động bình thường, hợp pháp, trên các vùng biển quốc tế khắp thế giới nhằm bảo vệ các quyền hải hành, tự do đi lại và sử dụng hợp pháp các vùng biển cũng như không lưu mà tất cả mọi nước được quyền sử dụng,” Đô Ðốc Richardson được báo Financial Times thuật lời ngày 28 Tháng Tư, 2019.

Cuối tháng trước, báo chí tại Việt Nam cho hay, chưa đầy một tuần lễ, bốn tàu đánh cá của Trung Quốc đã xâm phạm sâu vào lãnh hải Việt Nam thuộc tỉnh Quảng Trị, rất gần với đảo Cồn Cỏ. Chúng chẳng có vẻ gì là khai thác thủy sản lậu trên vùng biển Việt Nam tại tọa độ cách đảo Cồn Cỏ khoảng từ 9 hải lý đến 13 hải lý về hướng Tây Bắc.

Một nhóm tàu “dân quân biển” Trung Quốc biểu diễn sức mạnh tập thể, đe dọa thiên hạ. (Hình: Internet)

Ngày 14 Tháng Bảy, 2020, lực lượng Kiểm ngư CSVN báo cáo trong nửa đầu năm nay đã “xua đuổi” 222 tàu cá nước ngoài vi phạm vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam. Người ta hiểu ngầm là hầu hết những tàu đó là tàu Trung Quốc.

Mấy năm trước, ngày 26 Tháng Sáu, 2013, tờ Tiền Phong đưa tin hàng đoàn tàu đánh cá Trung Quốc xâm nhập rất sâu vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam mà nhà cầm quyền Hà Nội không dám có biện pháp mạnh để đối phó.

“Trong vòng nửa năm qua, lực lượng BĐBP Đà Nẵng phát hiện và đẩy đuổi trên 480 lượt tàu cá nước ngoài, trong đó chủ yếu tàu thuyền Trung Quốc xâm phạm lãnh hải, khai thác trái phép trên khu vực đông bắc Đà Nẵng, chỉ cách bờ khoảng 20-45 hải lý; tăng gần 300 trường hợp so với cùng kỳ năm 2012,” báo Tiền Phong tường thuật những vụ “đẩy đuổi” tàu cá Trung Quốc.

Trung Quốc đã bắt giữ hoặc đâm chìm nhiều tàu đánh cá của người dân Việt Nam tại khu vực biển quần đảo Hoàng Sa mà Việt Nam vẫn tuyên bố chủ quyền. (TN) [kn]

Phái Đoàn Liên Minh Châu Âu ‘bày tỏ thái độ’ về vụ Đồng Tâm

 HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Hôm 20 Tháng Chín, các cư dân mạng chú ý đến một bình luận được đưa lên trang Facebook “European Union in Vietnam” (Phái Đoàn Liên Minh Châu Âu) đăng tải: “Chúng tôi tôn trọng mọi ý kiến của các bạn. Tuy nhiên, chúng tôi đề nghị các bạn hãy có ý kiến và thái độ văn hóa và văn minh trên trang fanpage của Phái Đoàn. Trân trọng!”

Comment này được post bên dưới bài đăng thông cáo của Phái Đoàn Liên Minh Châu Âu bình luận về phán quyết phiên tòa vụ Đồng Tâm hôm 14 Tháng Chín.

Trang “European Union in Vietnam” đang bị nhiều dân mạng Việt Nam tấn công vì “bày tỏ quan ngại sâu sắc về tính minh bạch và công bằng của phiên tòa Đồng Tâm.” (Hình chụp qua màn hình)

Theo đó, văn bản của tổ chức này ghi rõ: “Các báo cáo về những điều kiện và thủ tục tố tụng của phiên tòa làm dấy lên quan ngại sâu sắc về tính minh bạch và công bằng của phiên tòa này. EU và các nước thành viên ủng hộ mạnh mẽ sự tôn trọng pháp quyền và được hưởng đầy đủ quyền được xét xử công bằng, như quy định tại Điều 14 của Công Ước Quốc Tế Về Các Quyền Dân Sự và Chính Trị mà Việt Nam là một bên ký kết.”

Tính đến thời điểm hiện tại, đây là phản ứng duy nhất của một tổ chức quốc tế đóng ở Việt Nam về phiên tòa liên quan vụ tấn công võ trang của nhà cầm quyền CSVN tại Đồng Tâm xảy ra hôm 9 Tháng Giêng.

Thông cáo của EU được công bố trong bối cảnh các Sứ Quán Mỹ, Anh Quốc, Đức… ở Việt Nam đều giữ im lặng về phiên tòa này.

Bài đăng của fanpage European Union in Vietnam nhận được 2,100 lượt like và 2,400 lượt comment, trong đó hầu hết đã bị admin ẩn hoặc xóa. Đáng lưu ý, có khoảng 1,000 lượt nhấn icon Angry (giận dữ) dưới bài đăng.

Trong số các bình luận được giữ lại, facebooker Khuc Thi Mai Anh viết: “Tòa án Việt Nam đã vì phạm nghiêm trọng luận tố tụng hình sự? Dùng tang chứng điện tử ép cung để buộc tội kết án, không xét nguyên nhân vụ án, không trưng cầu dân ý, công vụ [kế hoạch] 419A tấn công người dân trong đêm tối trái pháp luật? Thả ngay thả vô điều kiện 29 nạn nhân trong vụ án Đồng Tâm!”

Một số facebooker khác đã để lại bình luận cảm ơn Phái Đoàn Liên Minh Châu Âu “đã lên tiếng ủng hộ cho nhân dân Việt Nam.”

Sự việc trang Facebook “European Union in Vietnam” bị dân mạng Việt Nam tấn công diễn ra tương tự vụ trang Facebook tòa Đại Sứ Quán Mỹ tại Hà Nội mới đây bị chỉ trích sau khi đột nhiên thay hình bản đồ Việt Nam không còn hiển thị đảo Hoàng Sa và Trường Sa như trước.

Phiên tòa xử vụ Đồng Tâm kết thúc với hai bản án tử cho hai con trai ông Lê Đình Kình và một án chung thân dành cho cháu nội ông. (Hình: Trang web Đài Truyền Hình Việt Nam)

Tuy vậy, khác với phản ứng của trang “European Union in Vietnam,” trang “U.S. Embassy in Hanoi” hoàn toàn im lặng, không hề đưa ra giải thích gì về vụ thay ảnh bản đồ gây tranh cãi. (N.H.K) [kn]

Vụ nổ đồn công an ở Sài Gòn: 20 người sắp bị kết tội ‘khủng bố’

 SÀI GÒN, Việt Nam (NV) – Tòa án thành phố Sài Gòn hôm 21 Tháng Chín dự trù mở phiên xử ông Nguyễn Khanh, 56 tuổi và 19 người khác với cáo buộc “Khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân” và “Chế tạo, tàng trữ, mua bán trái phép vật liệu nổ.”

Vụ án liên quan vụ nổ xảy ra ở trụ sở công an phường 12, quận Tân Bình, Sài Gòn, hôm 20 Tháng Sáu, 2018. Theo các báo nhà nước, vụ nổ làm hai công an bị thương, một số xe gắn máy bị hư hỏng. Ngoài ra, phần trước trụ sở và hai nhà dân xung quanh bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Ba trong số 20 bị cáo: Các ông Nguyễn Tấn Thành, Nguyễn Khanh, Dương Bá Giang (từ trái qua). (Hình: Zing)

Phiên tòa dự trù diễn ra trong hai ngày. Tám luật sư tham gia bào chữa cho 20 bị cáo.

Theo luật Việt Nam, các bị cáo sẽ phải đối mặt với bản án từ 12 năm đến 20 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình.

Tờ Pháp Luật TP.HCM dẫn cáo trạng nói ông Khanh gia nhập tổ chức Triều Đại Việt, “có nhiệm vụ tuyển người và mua vật liệu nổ, chế tạo trái nổ để gây nổ tại trụ sở công an, cơ quan nhà nước.” Ông Khanh bị cáo buộc “mua 12 kilogram thuốc nổ, 45 kíp nổ để chế tạo 10 quả nổ” và nhóm của ông “chọn trụ sở công an phường 12 làm mục tiêu khủng bố.”

Báo Zing cho biết thêm, người lôi kép ông Khanh vào tổ chức nêu trên là ông Ngô Văn Hoàng Hùng, 68 tuổi, cư trú ở Canada. Theo báo này, ông Hùng gửi về hơn 315 triệu đồng ($13,590), 1,600 đô la Canada, và $100 nhóm của ông Khanh “làm chi phí chiêu dụ thành viên.”

Báo VietNamNet nhấn mạnh rằng, cơ quan công an xác định tổ chức Triều Đại Việt “thường xuyên đăng tải các video có nội dung vu cáo nhà nước Việt Nam, kêu gọi người dân thực hiện các vụ bạo động vũ trang, mua vật liệu nổ, chế tạo trái nổ ném vào các trụ sở cơ quan nhà nước, trụ sở công an…”

Việc nhà cầm quyền CSVN cần đến hơn hai năm để đưa vụ án ra xét xử khiến công luận thắc mắc nhưng báo đảng không hề giải thích về chuyện này.

Hồi Tháng Bảy, 2018, Luật Sư Hà Huy Sơn dẫn một link bài về vụ án trên trang cá nhân kèm bình luận: “Các nghi can chưa phải là người thi hành án hình sự, tại sao lại cho mặc quần áo của phạm nhân? Pháp luật cần nghiêm minh từ việc nhỏ đến việc lớn.”

Trong một vụ án tương tự, hồi trung tuần Tháng Tư, ông Trương Dương, 40 tuổi, một tài xế, bị Tòa Án Nhân Dân tỉnh Bình Dương tuyên phạt 11 năm tù và buộc đền bù 800 triệu đồng ($34,515) với cùng cáo buộc  “Khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân.”

Ông Dương bị tòa cáo buộc nhận 1.2 kilogram thuốc nổ để thực hiện vụ khủng bố nhắm vào văn phòng Cục Thuế tỉnh Bình Dương vào hôm 30 Tháng Chín, 2019. Vụ nổ được ghi nhận gây sập tường Cục Thuế tỉnh Bình Dương.

Hiện trường vụ nổ ở trụ sở công an phường 12, quận Tân Bình, Sài Gòn, hôm 20 Tháng Sáu, 2018. (Hình: Lê Trai/Zing)

Theo tường thuật của các báo nhà nước, nhà cầm quyền CSVN cáo buộc “chủ mưu vụ án này là bà Lisa Phạm hiện đang sinh sống tại Mỹ, là thành viên tổ chức Chính Phủ Quốc Gia Việt Nam Lâm Thời.” (N.H.K) [kn]

Tham nhũng tại Việt Nam ‘được kiềm chế sao còn phức tạp, tinh vi?’

 HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – “Tham nhũng được kiềm chế sao còn diễn biến phức tạp, tinh vi?” Tờ báo Văn Hóa Nghệ An hôm Thứ Bảy 19 Tháng Chín đặt câu hỏi như thế về tệ trạng tham nhũng tại Việt Nam.

Tổng Thanh Tra Chính Phủ CSVN Lê Minh Khái “trình xin ý kiến Ủy Ban Thường Vụ Quốc Hội ngày 14 Tháng Chín” khi ông nộp “Báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2020” giữa tuần qua.

Nguyễn Đức Chung, chủ tịch thành phố Hà Nội đến điều đình với dân xã Đồng Tâm ngày 22 Tháng Tư, 2017 để cứu mấy chục con tin là Cảnh sát Cơ động. Ông Chung bị bắt hôm 28 Tháng Tám, 2020 với cáo buộc “chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước” liên quan đến điều tra tham nhũng. (Hình: STR/AFP/Getty Images)

Tờ Văn Hóa Nghệ An dẫn lại bản tin của tờ Tuổi Trẻ nói trong bản báo cáo vừa kể, ông Khái khoe là “Tham nhũng được kiềm chế, từng bước ngăn chặn và có chiều hướng thuyên giảm.” Liệt kê thành tích hoạt động chống tham nhũng của chế độ thấy nêu ra “Trong năm đã tổ chức lớp cho 4,348,352 lượt cán bộ, nhân dân (tăng 53,8% so với năm 2019); xuất bản 615,681 đầu sách, tài liệu tuyên truyền pháp luật về phòng chống tham nhũng.”

Với “Công tác đấu tranh với loại tội phạm về chức vụ cũng rất kiên quyết” nhiều ông quan cỡ gộc cũng đã bị cho vào “lò” như Nguyễn Hữu Chung, chủ tịch thành phố Hà Nội, Trần Vĩnh Tuyến, phó chủ tịch thành phố Sài Gòn.

Sau khi khoe như thế, ông Lê Minh Khái lại nói tham nhũng “vẫn còn phức tạp, xảy ra trên nhiều lĩnh vực và tinh vi hơn, nhất là tình trạng tham nhũng vặt, nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc để vụ lợi.” Rồi ông ta cả quyết “dự báo trong thời gian tới, công tác phòng chống tham nhũng sẽ tiếp tục đạt được kết quả toàn diện, tích cực, đậm nét; tham nhũng bước đầu được ngăn chặn và đẩy lùi.”

Tờ Văn Hóa nghệ An dẫn lại kẻ tiền nhiệm của Lê Minh Khái là ông Huỳnh Phong Tranh, tám năm trước, đã từng cả quyết gần y hệt như vậy về trò chống tham nhũng tại Việt Nam.

“Tám năm trước, ngày 22 Tháng Mười, 2012, Tổng Thanh tra Chính Phủ Huỳnh Phong Tranh báo cáo trước Quốc Hội về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2012, cũng đã khẳng định “công tác phòng, chống tham nhũng đã có những chuyển biến tích cực cả về nhận thức và hành động. Trên một số lĩnh vực, tham nhũng đã từng bước được kiềm chế,” tờ báo điện tử Văn Hóa Nghệ An viết.

“Từ đó đến nay, cụm từ ‘tham nhũng được kiềm chế, từng bước ngăn chặn’ cứ xuất hiện đều đặn trong các báo cáo hàng năm về công tác phòng, chống tham nhũng. Thế nhưng hàng loạt vụ án tham nhũng bị phanh phui trong những năm qua đang chứng minh ngược lại điều đó. Các vụ đại án đều diễn ra trong giai đoạn khoảng 10 năm lại nay, từ khi công tác phòng, chống tham nhũng được Thanh Tra Chính Phủ đánh giá là “đã có những chuyển biến tích cực” và tham nhũng “từng bước được kiềm chế.”

Nói khác, những ông “Thanh tra chính phủ” báo cáo để thiên hạ nhìn thấy các ông tuyên truyền bịp bợm qua những nhóm từ như “từng bước được đẩy lùi,” “có những chuyển biến tích cực,” “được kiềm chế, thuyên giảm,” từ năm này qua năm khác mà chẳng bao giờ hết suốt nhiều chục năm qua, gồm cả chiến dịch “đốt lò” của ông tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Những kẻ bị ném vào “lò” chỉ là “những đồng chí bị lộ,” phần nổi của băng sơn tham nhũng tại Việt Nam. Phần còn lại là tất cả các “đồng chí chưa bị lộ” vẫn cứ tiếp tục ăn bẩn, ăn bất cứ thứ gì. Cho nên tờ Văn Hóa Nghệ An là một tờ báo hiếm hoi dám đặt câu hỏi “Tham nhũng được kiềm chế sao còn diễn biến phức tạp, tinh vi?”

Tổng Thanh Tra Chính Phủ CSVN Lê Minh Khái khoe tham nhũng “được kiềm chế” mà mãi vẫn không hết. (Hình: Quốc hội CSVN)

Ngày 22 Tháng Bảy, 2020, tờ Tuổi Trẻ thuật lại: “Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm của ngành thanh tra” thuật lời Phó Tổng Thanh Tra Chính Phủ CSVN Trần Ngọc Liêm cho biết “trong 6 tháng đầu năm, …TTCP kiến nghị xử lý hành chính 805 tập thể và nhiều cá nhân; chuyển cơ quan điều tra tiếp tục xem xét, xử lý 41 vụ, 46 đối tượng; chấn chỉnh quản lý, hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật trên nhiều lĩnh vực.”

Tháng Giêng vừa qua, Tổ Chức Minh Bạch Quốc Tế (TI) công bố bản “Cảm nhận tham nhũng” trên thế giới, xếp Việt Nam thứ hạng 96 trên 180 nước được khảo sát

Chỉ số Cảm nhận Tham Nhũng 2019 của Tổ Chức Minh Bạch Quốc Tế (TI) công bố hôm nay 23 Tháng Giêng, 2019, Việt Nam đứng thứ 96/180 trên bảng xếp hạng mà họ nói tình trạng tham nhũng ở nước này còn rất nghiêm trọng. (TN) [kn]

Cột điện ở Đà Nẵng đổ trong bão Noul ‘không thấy lõi sắt thép’

 THỪA THIÊN-HUẾ, Việt Nam (NV) – Trong lúc cơn bão Noul đang hoành hành ở miền Trung, điều khiến công luận bàn tán nhiều nhất là một hình ảnh lan truyền qua mạng xã hội cho thấy một cây cột điện bị gãy ngang trên đường Tôn Đản, quận Cẩm Lệ, thành phố Đà Nẵng, không thấy lõi sắt thép bên trong.

Trả lời báo Dân Việt hôm 18 Tháng Chín trước sự nghi ngờ của dư luận về việc ăn bớt sắt thép khi dựng cột điện, ông Võ Hòa, phó giám đốc công ty Điện Lực Đà Nẵng, nói: “Cột điện trước số nhà 102 đường Tôn Đản là cột điện bê tông ly tâm 8.4 m thuộc đường dây hạ áp. Đây là cột dự ứng lực được sản xuất theo tiêu chuẩn TCVN 5847:2016 và TCVN 6284-1997, có các sợi thép chịu lực được kéo giãn khi gia công đúc cột tại nhà máy. Khi có lực tác động lớn làm gãy cột, các sợi thép này có xu hướng tụt vào bên trong thân cột (khoảng 1 cm, do trước đó đã được kéo giãn). Nguyên nhân chính của việc gãy cột điện là do ảnh hưởng của bão số 5 [Noul] làm cây to ngã đè vào đường dây, tác động lực quá lớn kéo gãy cột.”

Người dân cạnh một cột điện đổ không có dấu vết của cốt thép tại thành phố Đà Nẵng. (Hình: tinhte.vn)

Báo này không làm rõ việc các cột điện ở Đà Nẵng có được kiểm định cường độ của thép và bê tông, cũng như việc thiết kế, thi công cột điện có tính đến tác động của gió bão thông thường hay không.

Cùng thời điểm, Facebooker Phạm Ngọc Hưng giải thích trên trang cá nhân: “Cột điện bị gãy tất nhiên là do không chịu nổi lực uốn của bão, tuy nhiên không phải do cột bị ăn bớt thép. Cột điện mới đều là cột ly tâm dự ứng lực, trong đó các lõi thép lớn được thay thế bằng các sợi thép nhỏ kéo căng ra, đúc trên trục ly tâm rỗng để đuổi hết không khí ra ngoài. Một khi cột gãy, các sợi thép vốn bị kéo căng sẽ tụt lại vào bê tông chứ không lộ ra ngoài, nên không nhìn thấy như rọ thép bình thường.”

Tuy vậy, nhiều blogger bày tỏ sự không đồng tình với giải thích này.

Facebooker Thuan Huu, tự nhận từng tham gia dự án công trình điện trung thế các năm 1987-1999, để lại bình luận: “Hồi đó vật tư xi măng, thép còn khó khăn, nhưng khi đi đúc gia công trụ điện ly tâm tại xí nghiệp Bê Tông Ly Tâm ở Thủ Đức, Sài Gòn, bản vẽ thiết kế trụ đưa ra cho phép chống bão cấp 12, tôi thấy đuợc bố trí rất nhiều thép các loại. Trụ điện khi chở đi thi công, lăn từ trên xe xuống, oằn lên oằn xuống nhưng không nứt nẻ. Sau hơn 30 năm, các trụ điện hiện vẫn xài tốt, không một trụ nào bị hư hỏng, thậm chí nứt nẻ, tuy rằng vùng mình làm công trình thường xuyên có gió rất lớn. Hồi đó nghiêm lắm, ai xớ rớ ăn bớt chút vật tư, công an vịn liền.”

Cột điện ở đường Tôn Đản (Đà Nẵng) sau khi được người dân đục kiểm tra. (Hình: Lam Hàn/Dân Việt)

Trước vụ cột điện đổ “không thấy lõi sắt thép”, hồi năm 2018, dân mạng từng bàn tán sôi nổi về những hình ảnh cho thấy cột điện bê tông “cốt thép nhưng mọc ra lá tre” và châm biếm đây là “sản phẩm tiêu biểu của chủ nghĩa xã hội.” (N.H.K) [qd]

Bão đi qua, Quảng Nam sạt lở từ bờ biển đến ruộng, đường vùng núi

 QUẢNG NAM, Việt Nam (NV) – Tuy không nằm trong tâm bão, chỉ bị ảnh hưởng của bão Noul nhưng tỉnh Quảng Nam có mưa to, gió lớn kèm theo sóng biển, lũ quét gây sạt lở từ bờ biển đến đường sá vùng cao.

Ngày 18 Tháng Chín, bão Noul (bão số 5) tiến vào đất liền và quét qua một số tỉnh miền Trung. Tại tỉnh Quảng Nam, từ chiều tối 17 đã xuất hiện mưa to kéo dài không ngớt.

Lũ quét gây ngập sâu ở xã A Tiêng, huyện Tây Giang. (Hình: Pơ Loong A Trạch/Tuổi Trẻ)

Theo báo Thanh Niên, tại một số vùng biển ở huyện Duy Xuyên, và thành phố Hội An có mưa to, gió lớn kèm theo sóng biển cuồn cuộn dâng cao liên tục, uy hiếp tuyến bờ kè, đê biển.

Chỉ trong một ngày đêm, từng đợt sóng cao vài mét hất vào bờ gây sạt lở khoảng 200 mét bờ biển Cửa Đại ở phường Cẩm An, thành phố Hội An. Nước biển xâm thực vào đất liền ở độ sâu trung bình từ 3 đến 5 mét. Nhiều cây dừa bật gốc; một số đoạn kè đá, bao tải chứa cát bị cuốn trôi ra biển.

Ngoài khu vực thuộc phường Cẩm An, nhiều đoạn bờ biển ở phường Cửa Đại cũng bị sóng biển tàn phá. Nước biển tràn qua “bức tường thành” được dựng lên từ hàng trăm bao cát loại lớn, khoét sâu vào bờ và đánh sập bậc thềm bằng gạch dẫn xuống biển. Nhiều chủ nhà hàng, khách sạn dọc bãi bờ biển đã dùng bao tải chứa cát chống sạt lở tạm thời.

Không chỉ có biển Cửa Đại, tại một số vùng biển ở xã Duy Hải, huyện Duy Xuyên, sóng đánh khiến nhiều nhà hàng dọc bờ biển thuộc xã bị sạt lở nghiêm trọng. Nhiều tường rào nhà dân bị cuốn trôi ra biển.

Ông Võ Văn Điềm, giám đốc Ban Quản Lý Dự Án Đầu Tư Xây Dựng Các Công Trình Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn Quảng Nam, cho biết bờ biển Cửa Đại dài 7.5 cây số, và cứ sau mỗi đợt mưa bão thì bị nước biển xâm thực. Từ năm 2000 đến nay, bờ biển càng bị xói lở nghiêm trọng. Hàng trăm tỷ đồng ngân sách và tiền của từ doanh nghiệp bỏ ra chống sạt lở, nhưng không hiệu quả cao.

“Ban Quản Lý đang thực hiện dự án đê ngầm 220 mét với vốn đầu tư 40 tỷ đồng ($1.72 triệu), cơ bản đã xong. Nhưng để thực hiện tổng thể bờ biển Cửa Đại, phải cần đến số vốn khoảng 2,000 tỷ đồng ($86.29 triệu),” ông Điềm cho biết.

Trong khi đó theo báo Tuổi Trẻ ngày 19 Tháng Chín, do ảnh hưởng của bão số 5, miền núi tỉnh Quảng Nam cũng xảy ra lũ lụt nặng nề, nhiều tuyến đường vùng cao bị sạt lở gây tê liệt giao thông.

Tại huyện Tây Giang, có khoảng 130 điểm sạt lở lớn ở hầu hết các tuyến đường thuộc huyện, nhiều cầu treo bị lũ cuốn trôi.

Ông Lê Hoàng Linh, phó chủ tịch huyện Tây Giang, cho biết đây là đợt thiệt hại do lũ lụt nặng nhất xảy ra ở huyện. Hiện nay, do quá nhiều điểm sạt lở nên các tuyến đường lên vùng cao vẫn chưa khai thông.

Ngoài đường sá bị hư hại, gần 50 căn nhà của người dân bị ngập lụt, hơn 100 hécta diện tích lúa Hè Thu bị ngập úng, hàng chục trâu, bò và 10 ao cá bị lũ cuốn trôi… Rất may đợt lũ này không có thiệt hại về người.

Sóng đánh khiến nhiều đoạn bờ biển dọc xã Duy Hải, huyện Duy Xuyên bị sạt lở nặng. (Hình: Mạnh Cường/Thanh Niên)

“Chúng tôi tiếp tục sơ tán dân tại các nơi có nguy cơ sạt lở và các vùng trũng thấp đến nơi an toàn. Huy động lực lượng giúp dân sửa chữa nhà nhà cửa, trường học bị ngập lụt, sạt lở,” ông Linh nói.

Tại thị xã Điện Bàn, bão Noul đã làm hai người bị thương khi chằng chống nhà cửa và đang được điều trị tại bệnh viện. Nhiều diện tích rau xanh bị dập nát do mưa lớn, 35 hécta bắp trái vụ gãy đổ…(Tr.N) [qd]