Thursday, April 2, 2020

Có hay không chủ trương “hỏa táng các bệnh nhân nặng nhiễn virus covit -19 có thể tử vong”


Tin tức mới nhất cho biết, tiếng kêu trong lò thiêu xác không phải là ma, mà là người chưa chết! (Ảnh chụp màn hinh)

ã một tuần trôi qua, tôi vẫn còn ám ảnh bởi văn bản có nội dung “hỏa táng các bệnh nhân nặng nhiễn virus covit -19 có thể tử vong”, mặc dù văn bản đã bị thu hồi.
Đó là văn bản số 2285/STNMT-CTR do Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM Nguyễn Thị Thanh Mỹ ký ngày 26/3/2020.
Ngay sau đó, văn bản này lan truyền trên mạng, gây xôn xao dư luận. Ý kiến chung trong dư luận có mấy luồng: cho là văn bản giả, cho là lỗi đánh máy và phản đối việc hỏa thiêu người bệnh chưa chết.
Văn bản 2285 (đã bị thu hồi) Hình Internet
Sau khi công văn bị thu hồi thì khả năng văn bản giả bị loại trừ, đó là văn bản thật.
Có mấy động thái vãn hồi dư luận xung quanh văn bản này như sau:
– Ngay hôm sau, 27/3, Sở TN&MT TP HCM ra văn bản thu hồi số 2319/STNMT-CTR do chính bà  Nguyễn Thị Thanh Mỹ ký. Văn bản chỉ có một nội dung “Nay Sở Tài nguyên và Môi trường thu hồi văn bản trên” mà không giải thích gì thêm.
– Nhận trách nhiệm tại cuộc họp báo chiều 28/3 tại Trung tâm báo chí TPHCM, ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở TN&MT TP HCM cũng chỉ cho rằng văn bản 2285 “có nội dung không phù hợp”“không rõ ràng”“gây ảnh hưởng đến người dân”.
– Tại văn bản số 2537/VP-TH của Văn phòng UBND Tp HCM ký ngày 29/3 cho rằng văn bản 2285 đã “gây ảnh hưởng đến công tác phòng chống dịch”, “tạo ra tâm lý hoang mang” trong nhân dân.
Như vậy, trong hai văn bản và một cuộc họp báo về công văn 2285, không có nội dung nào cho rằng công văn 2285 đã sai trái như thế nào, không thấy khẳng định không có chủ trương hỏa táng người chưa chết, hoặc Sở TN&MT TP HCM chủ trương như thế là sai trái.
Đây là sự việc hết sức nghiêm trọng, tuy nhiên, việc cải chính lại rất đơn giản nhẹ nhàng, không có gì gay gắt.
*
Vậy tại sao lại có công văn này? Hãy phân tích một số nguyên nhân đã đặt ra:
– Về đánh máy: Lỗi đánh máy chỉ có thể xảy ra khi gõ nhầm ký tự nọ sang ký tự kia, chứ không có chuyện nhầm từ “đã” (tử vong) sang từ “có thể”. Nhìn văn bản 2285 thì thấy không có lỗi đánh máy nào. Nếu soi kỹ thì văn bản có nhầm từ covid thành covit mà thôi, không liên quan đến nội dung hỏa thiêu. Như vậy, lỗi đánh máy bị loại trừ.
– Việc cho là văn bản 2285 “không rõ ràng” là không đúng. Văn bản không gây nên cách hiểu khác nhau. Đọc đúng văn phạm thì rõ ràng là mệnh đề  “đặc biệt với tình huống cần phải hỏa táng các bệnh nhân nặng nhiễn virus covit -19 có thể tử vong” không hề tối nghĩa và người đọc chỉ có một cách hiểu. Cho nên, nói văn bản không rõ ràng là không đúng.
– Cho rằng văn bản “có nội dung không phù hợp” là không phù hợp với cái gì? Không phù hợp với chủ trương? Không phù hợp với tình hình dịch bệnh? Không phù hợp với đạo lý truyền thống?
– Cuối cùng là văn bản ít nhất liên quan đến 3 người: người thảo, người ký nháy và người ký chính thức. Hẳn tất cả đều có trình độ đại học, có thể có cả thạc sĩ, tiến sĩ. Thế mà để xảy ra chuyện tày trời như thế là sao? Thật là vô cùng khó hiểu.
*
Điều rất nguy hiểm là công văn 2285 ra đời trong bối cảnh có những thông tin về việc thiêu người còn sống ở Vũ Hán, trong khi xưa nay có nhiều cách làm ở Việt Nam áp dụng kinh nghiệm của Trung Quốc, do mối quan hệ đặc biệt giữa hai nước khiến người dân lo sợ.
Trước nay, thường có những chủ trương hoặc thông tin bí mật mà người ta chỉ phổ biến đến một cấp nào đó chứ không viết thành văn bản. Rồi từ những cấp ấy, thông tin dần dần lộ ra. Nó nằm trong mớ “thông tin vỉa hè”, được đúc kết thành câu tục ngữ “dân đồn không chồn thì cáo”
Bản thân tôi từng được phổ biến nhiều thông tin hay chủ trương và cũng được nghe nói lại nhiều thông tin, chủ trương kiểu ấy. Và tôi đã kiểm nghiệm rất nhiều thông tin có cơ sở.
Tôi chỉ đưa ra một ví dụ mà ai cũng biết về đợt đổi tiền năm 1985. Trước tin đồn đổi tiền lan rộng trong nhân dân, nhà nước phải lên tiếng cải chính rằng không có chuyện đổi tiền. Thế nhưng vừa cải chính hôm trước thì hôm sau 14/9/1985, việc đổi tiền được tiến hành khắp cả nước. Ai cũng biết, đổi tiền là việc hết sức bí mật, chỉ rất ít người được biết, thế mà chỉ vài ngày đã lan ra toàn dân.
Đấy là tin đồn. Còn đây là văn bản có câu cú chữ nghĩa rõ ràng của Sở TN&MT TP HCM. Mặc dù văn bản đã thu hồi nhưng dư luận không thể không băn khoăn rằng liệu có chủ trương “hỏa táng các bệnh nhân nặng nhiễn virus covit -19 có thể tử vong” mà Sở TN&MT TP HCM vô tình tiết lộ?

Covid-19 tạm yên – Trung Quốc lại tiếp tục gây hấn trên Biển Đông

Đá Chữ Thập ở Trường Sa nhìn từ trên cao. Ảnh: People’s Daily.
Người viết: Anh Hoàng
Theo thông tin Tân Hoa Xã, Trung Quốc đã đưa vào hoạt động hai trạm nghiên cứu trên Đá Subi và Đá Chữ Thập ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Hai cơ sở nghiên cứu này, đặt dưới sự quản lý của Trung tâm Nghiên cứu Tổng hợp Đảo và Đá thuộc Viện hàn lâm Khoa học Trung Quốc (CAS), bao gồm nhiều phòng nghiên cứu về sinh thái học, địa chất học và môi trường.
Đá Vành Khăn, Đá Chữ Thập và Đá Subi là 3 trong 7 thực thể bị Trung Quốc chiếm đóng phi pháp ở Trường Sa của Việt Nam. Việc Trung Quốc lấy cớ xây hai trạm nghiên cứu tại quần đảo Trường Sa để phục vụ cho việc nghiên cứu sinh học, địa chất và môi trường là những lời nói dối trắng trợn nhất, bởi thực tế, trong nhiều năm qua Trung Quốc đã không ngừng bồi lấp, xây đảo nhân tạo tại hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Hành động dùng đá và cát để bồi đắp đảo nhân tạo đã giết chết những rạn san hô ở quanh các quần đảo này.
Rạn san hô là nơi trú ẩn và tìm kiếm thức ăn của rất nhiều loài thực động vật biển chẳng hạn như các loài cá bướm, cá thia, cá bướm đuôi gai. Ngoài ra, còn có nhiều loại sinh vật khác, trong đó có bọt biển, một số loài thích ti (san hô và sứa), giun, một số loài giáp xác (tôm, tôm rồng, và cua), động vật thân mềm (động vật chân đầu), động vật da gai (sao biển, nhím biển và hải quỳ), động vật có bao, rùa biển và rắn biển. Nếu các rạn san hô bị phá hủy, nhiều động thực vât trong chuỗi thức ăn cũng bị ảnh hưởng và đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng. Vì vậy, xây dựng trạm nghiên cứu môi trường mà lại có những hành động hủy hoại môi trường thật sự là điều lố bịch.
Ngoài hai trạm nghiên cứu Trung Quốc vừa triển khai trên quần đảo Trường Sa, theo tờ South China Morning Post (SCMP) hôm qua (21.3) dẫn thông báo từ quân đội Trung Quốc cho hay, máy bay quân sự nước này vừa tiến hành cuộc tập trận chống tàu ngầm ở Biển Đông.
Ảnh chụp vệ tinh của công ty ImageSat International (ISI, Israel) cho thấy máy bay vận tải quân sự Y-8 của Trung Quốc hạ cánh trái phép trên đá Chữ Thập trong quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam.
Ảnh chụp vệ tinh cho thấy máy bay vận tải quân sự Y-8 của Trung Quốc hạ cánh xuống đá Chữ Thập ngày 28.3
Theo đó, Trung Quốc đang chở hàng tiếp tế, vũ khí và trang thiết bị đến các đảo tại quần đảo Trường Sa mà Trung Quốc chiếm đóng trái phép. Điều này phản ánh Trung Quốc đang không ngừng quân sự hóa trên hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa của Việt Nam. Bởi thực tế hai quần đảo này đang đóng vai trò quan trọng trong việc kiểm soát Biển Đông và khu vực Đông Nam của Châu Á. Từ hai quần đảo này, Trung Quốc có thể điều quân dễ dàng đến các nước Đông Nam Á, tấn công bất ngờ đến Đài Loan hay các đảo tranh chấp với Hàn Quốc, Nhật Bản trên vùng biển Hoa Đông. Chính quyền Trung Quốc chưa bao giờ từ bỏ tham vọng giành lại Đài Loan cũng như biến các nước Đông Nam Á trở thành sân sau của Trung Quốc.
Ở chiều ngược lại, Việt Nam vẫn chỉ đang có những đáp trả thông qua những lời tuyên bố và phản đối yếu ớt từ người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam “Như đã nhiều lần khẳng định, Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nói trong buổi họp báo trực tuyến chiều 26/3.
“Theo đó, mọi hoạt động tại hai quần đảo này phải được sự cho phép của Việt Nam. Việt Nam yêu cầu Trung Quốc tôn trọng chủ quyền của Việt Nam, không có các hành động gia tăng căng thẳng, làm phức tạp tình hình và ảnh hưởng đến hòa bình, ổn định ở Biển Đông và khu vực. Nỗ lực cùng các nước trong tiến trình đàm phán Bộ Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông giữa Asean và Trung Quốc”, bà Hằng nhấn mạnh.
Nguồn tham khảo:

Corona: bình tĩnh sống


Ngân Bình – (VNTB) – Hãy bình tĩnh để sống sót và tồn tại, vì đời không có chữ nếu.

Trong bất kỳ một bộ phim kinh dị, hành động nào của Hollywood, nhân vật nào hoang mang sợ hãi, tỏ ra mất bình tĩnh sẽ là những người chết trước.
Thiên tai, dịch bệnh, chiến tranh là món quà mà con người hoặc thiên nhiên tự tạo ra để cân bằng dân số. Chết vì nghèo đói, và chết vì sự ngu muội của chính bản thân con người.

Dịch bệnh cướp hàng ngàn sinh mạng con người, gây tổn hại các nền kinh tế yếu ớt nhất lẫn hùng mạnh nhất trên thế giới, gieo rắc nỗi sợ hãi, hoang mang tột cùng cho con người xuất phát từ Vũ Hán – một thành phố bự của Trung Quốc. Tiền tài, của cải, vật chất trở thành hư vô trước virus.
Ai đó giả thuyết rằng nếu như Trung Quốc không giấu dịch thì có khi thế giới đã không bị lâm bệnh như hiện nay. Nhưng cuộc đời mà, không có chữ nếu, và do đó chúng ta phải tập cách đối diện với sự thật.
Thực ra đã có nhiều người chọn cách đối diện với sự thật đó, là bác sĩ Lý tại vùng tâm dịch Vũ Hán, người qua đời ít lâu vì dương tính với virus sau khi bị công an đe doạ vì ‘phao tin sai sự thật’. Cũng có thể là Tổng thống Mỹ Donald Trump, người đã chuyển từ coi nhẹ Corona dưới cả cúm mùa cho đến ban bố tình trạng y tế khẩn cấp. Đó cũng có thể là một cụ bà đã từ chối máy thở và dành phần đó cho người trẻ hơn,…
Đối diện sự thật nảy sinh trong mỗi hoàn cảnh khác nhau nhưng giống nhau là họ vượt qua được nỗi sợ hãi, họ bình tĩnh và lắng nghe lương tri nhiều hơn.
Có những người chết vì đối diện với lương tâm sự thật, nhưng cái chết đó đã làm sống thêm rất nhiều sinh mệnh đằng sau đó. Những cái chết làm nên sự sống, một nghịch lý muôn thủa trong góc cạnh vị nhân của lịch sử loài người.
Dịch bệnh tiếp tục luồn lách vào các khe hở của các hệ thống xã hội khác nhau, giờ đây trở thành cuộc chiến sinh tồn dựa trên lý trí và trách nhiệm. Dịch bệnh buộc con người phải sợ hãi và sau đó phải là đối diện để tìm thấy ý thức phòng bệnh, điều kỳ lạ là sau sợ hãi phải là ý thức phòng bệnh, và đi liền với ý thức lại là sự bình tĩnh đối đầu.
Sau cơn dịch bệnh, chỉ những người bình tĩnh, ý thức mới là những con người còn sống sót. Những cá nhân coi trọng sự sống của họ, gia đình và cộng đồng trở thành những tế bào khoẻ mạnh nhất sau đại dịch.
Vậy nên thôi đừng hoang mang và sợ hãi, hãy lý trí bằng biện pháp phòng chống và tuân thủ cách ly. Coi trọng mạng sống và sức khoẻ bằng ý thức cá nhân, tuân thủ kỷ luật. Chỉ có như thế chúng ta mới bảo tồn mạng sống, chuyển từ sợ hãi hoang mang sang từ tốn và đón nhận. Chỉ có như thế chúng ta mới trở về với chính chúng ta một cách khôn ngoan nhất, khi tính mạng của chúng ta được giữ gìn nguyên vẹn sau cơn bão tố dịch bệnh.
Hãy bình tĩnh để sống sót và tồn tại, vì đời không có chữ nếu.

Mùa dịch ở Việt Nam: Điều gì đang chờ đợi phía trước?

Chưa cần đến chỉ thị ngày 31/3 với thuật ngữ mơ hồ “cách ly xã hội” của Thủ tướng, rất nhiều hoạt động đã bị đình trệ từ nhiều ngày qua ở Việt Nam, và hứa hẹn sẽ còn kéo dài một thời gian khá lâu nữa.
Một cuộc khủng hoảng kinh tế quy mô lớn đang dần hiện ra trước mắt người dân Việt Nam, đi liền với đó là nỗi lo lắng đang dần thế chỗ niềm hân hoan “ngạo nghễ” với thành tích chống dịch của đất nước.
Như trong mọi cuộc khủng hoảng, những người nghèo và yếu thế luôn chịu ảnh hưởng lớn nhất. Dẫu chính phủ của ông Nguyễn Phúc Xuân vẫn thường trực khẩu hiệu “không ai bị bỏ lại phía sau”* và cũng đang chuẩn bị cho phương án hỗ trợ người nghèo, người bị mất việc (500 nghìn VND đến 1,8 triệu VND/người/tháng) song mức hỗ trợ quá thấp như thế này chưa thể đảm bảo cho người nghèo và yếu thế vượt qua được thử thách sinh tồn trong mùa dịch.
Cũng chính trong tình cảnh thế này, cảm nhận về khoảng cách giàu nghèo ở Việt Nam, đặc biệt là giữa tầng lớp quan chức cùng thân hữu siêu giàu với dân đen chạy ăn từng bữa, sẽ trở nên rõ ràng hơn bao giờ hết. Nhiều người dân sẽ phải từng ngày vật lộn tìm miếng ăn vào mồm, cạnh những biệt phủ xa hoa của quan chức.
Tình trạng này nếu kéo dài chắc chắn sẽ đưa Việt Nam đến bất ổn xã hội với một số đông người dân đòi hỏi chính quyền phải đảm bảo những nhu cầu thiết yếu cuộc sống cho họ nếu muốn kéo dài tình trạng đình trệ xã hội bất khả kháng.
Thất bại trong việc đáp ứng nhu cầu này với lý do thiếu nguồn lực, chính quyền sẽ còn phải vất vả hơn nhiều nếu người dân hiểu ra rằng nguyên nhân cạn kiệt nguồn lực quốc gia chính là bởi tình trạng tham nhũng đã ung nhọt hàng thập kỷ qua. Sẽ ra sao nếu đám đông cuồng nộ này chuyển sự chú ý của họ vào các quan chức đang sống trong các biệt phủ xa hoa – vốn nhan nhản từ thôn quê cho tới thành thị?
Nhà Quan
Nhà dân
Công cuộc đốt lò mà TBT Nguyễn Phú Trọng theo đuổi có thể sẽ có thêm một đồng minh là đám đông công chúng đang đòi hỏi lẽ công bằng trong tình cảnh khủng hoảng.
Chỉ có điều, đây là một đồng minh hoàn toàn không dễ kiểm soát và có thể lèo lái công cuộc chống tham nhũng theo một hướng mà chính những người khởi xướng còn không lường trước được.
* “Không ai bị bỏ lại phía sau” (No one left behind) là một trong các nguyên tắc của Các Mục tiêu Phát triển Bền vững (Sustainable Development Goals, viết tắt là SDGs) – một chương trình nghị sự toàn cầu được Liên Hiệp Quốc đề ra vào 2015 với tầm nhìn đến 2030.

Thành phố Hạ Long đổ đất, bịt đường để ‘cách ly xã hội’

QUẢNG NINH, Việt Nam (NV) – Thực hiện lệnh của thủ tướng CSVN về việc “cách ly xã hội,” nhà cầm quyền thành phố Hạ Long đã cho đổ đất, bịt lối đi ở các tuyến đường liên huyện để ngăn người dân đi lại.
Từ ngày 1 Tháng Tư, để thực hiện việc “cách ly xã hội,” chính quyền thành phố Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh) đã dùng các biện pháp kiểm soát người dân đi lại trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ…
Theo báo Thanh Niên, đáng chú ý nhất là tại một số tuyến đường liên huyện nối giữa thành phố Hạ Long với nhiều huyện thị khác đã bị Ủy Ban Nhân Dân thành phố Hạ Long cho đổ đất bịt đường ngăn không cho người, xe di chuyển.
Cụ thể, tại một số tuyến đường nối xã Bằng Cả (thành phố Hạ Long) với phường Vàng Danh (thành phố Uông Bí), hay đường nối xã Kỳ Thượng (thành phố Hạ Long) với xã Đạp Thanh (huyện Ba Chẽ) đã bị đổ đất thành lũy, ngăn xe cộ lưu thông.
Việc làm trên đã bị người dân phản ứng cho rằng đây là biện pháp cứng rắn không cần thiết. Song, lãnh đạo thành phố Hạ Long biện minh các tuyến đường trên nằm ở các xã vùng cao, mật độ xe cộ đi lại không nhiều và nhất là không đủ người kiểm soát nên tạm thời phải bịt lại.
Cảnh sát giao thông kiểm soát chặt xe cộ ra vào tại các cửa ngõ tỉnh Quảng Ninh khiến một số nơi xảy ra ùn tắc. (Hình: N.H/Thanh Niên)
Ông Vũ Văn Diện, bí thư Thành Ủy Hạ Long khẳng định việc tạm thời bịt lối đi tại các tuyến đường trên là “cần thiết, đúng theo nguyên tắc chỉ đạo của thủ tướng là gia đình cách ly với gia đình, thôn bản cách ly với thôn bản, xã phường cách ly với xã phường, huyện cách ly với huyện, tỉnh cách ly với tỉnh.”
“Các khu vực trên không phải là các tuyến đường độc đạo, việc lưu thông hàng hóa vẫn diễn ra bình thường,” ông Diện nói.
Tin cho biết, cũng từ ngày 1 Tháng Tư, 13 huyện, thị trong tỉnh Quảng Ninh đã đồng loạt thực hiện việc kiểm soát chặt xe cộ lưu thông. Theo đó, Quảng Ninh “tạm dừng tất cả các loại xe cơ giới ra vào địa bàn cũng như di chuyển nội tỉnh, trừ xe cứu thương; xe công vụ, xe đưa đón công nhân, chuyên gia của các doanh nghiệp; xe của các cơ quan ngoại giao, xe tải…
Tuy nhiên trong ngày đầu “cách ly xã hội,” tại các chốt kiểm soát ở Quảng Ninh đã xảy ra việc ùn tắc xe cộ kéo dài hàng cây số. Nguyên nhân là do người dân không biết các quy định của Ủy Ban Nhân Dân tỉnh nên không mang theo đủ giấy tờ tùy thân, dẫn đến việc phải tốn nhiều thời gian giải thích hoặc quay xe về.
Nói với báo Thanh Niên, một lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh cho rằng trong ngày đầu thực hiện cách ly, lực lượng hữu trách “còn lúng túng là điều khó tránh.”
Trước đó, tỉnh Quảng Ninh cũng gây bất ngờ khi yêu cầu tất cả những ai ra đường sau 10 giờ tối không có lý do chính đáng sẽ được đưa về điểm cách ly tại phường, xã. (Tr.N)

CSVN ‘cách ly toàn xã hội’ nhưng lại muốn cho người Trung Quốc, Nam Hàn nhập cảnh

HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Hôm 1 Tháng Tư, thời điểm Việt Nam bắt đầu “cách ly toàn xã hội” và dừng tiếp nhận mọi chuyến bay quốc tế, nhiều Facebooker bày tỏ sự hoang mang khi Bộ Lao Động, Thương Binh và Xã Hội CSVN lại đề xuất “ưu tiên cho 8,459 lao động nước ngoài nhập cảnh, trong đó chủ yếu là người Trung Quốc và Nam Hàn.”
Báo Tuổi Trẻ giải thích nguyên nhân là “nhiều doanh nghiệp, địa phương đang thiếu chuyên gia và lao động nước ngoài.”
Tờ báo cũng cho hay, khoảng 2,000 lao động trong số 8,459 người là thuộc một số dự án, “công trình trọng điểm quốc gia” như dự án đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông (khoảng 100 người), dự án Nhà Máy Nhiệt Điện Vĩnh Tân 1 (76 người); dự án LG Display tại Hải Phòng (200 người); Công Ty Samsung Display Việt Nam tại Bắc Ninh (700 người); Công Ty Samsung Samsung Electro-Mechanics Việt Nam và doanh nghiệp đối tác tại Thái Nguyên (150 người)…
Con số còn lại, 6,459 người thuộc quốc tịch gì và làm cho doanh nghiệp nào thì không được báo Tuổi Trẻ cho biết.
Liên quan đến vụ này, hồi đầu Tháng Ba, báo The Korea Herald của Nam Hàn tường thuật, ông Park Noh-wan, đại sứ Nam Hàn tại Việt Nam đã lên tiếng yêu cầu chính quyền Việt Nam miễn trừ cách ly đối với khoảng 1,000 kỹ sư Nam Hàn, gồm những người đang làm cho hãng Samsung và LG, khi họ qua Việt Nam trong thời điểm dịch bệnh COVID-19.
Thời điểm đó, để trấn an dư luận, ông Mai Tiến Dũng, chủ nhiệm Văn Phòng Chính Phủ CSVN xác nhận vụ việc với báo Tuổi Trẻ và nói thêm rằng số công nhân, kỹ sư Nam Hàn của Samsung mới qua làm việc tại hai nhà máy ở Bắc Ninh và Thái Nguyên “sẽ không phải cách ly tập trung nhưng vẫn phải tuân thủ quy định cách ly tại khách sạn, làm việc từ xa.”
Samsung Vietnam được nhà chức trách CSVN cho “ngoại lệ khỏi cách ly” đối với hàng trăm công nhân và kỹ sư từ Nam Hàn qua trong mùa dịch. (Hình: Tuổi Trẻ)
Việc CSVN mở cửa chào đón 8,459 lao động nước ngoài nhập cảnh, trong đó chủ yếu là người Trung Quốc, được ghi nhận tương thích với một trong những biện pháp “cách ly toàn xã hội” là tạm đóng cửa các cửa khẩu chính, cửa khẩu phụ từ hôm 1 Tháng Tư trên tuyến biên giới với Lào và Cambodia nhưng không đả động gì đến các cửa khẩu với Trung Quốc.
Linh Mục Antôn Nguyễn Thanh Tịnh bình luận trên trang cá nhân: “Trong khi dân trong nước được lệnh ở trong nhà 15 ngày, mọi hoạt động đông người đều bị đình chỉ thì cái bộ này [Bộ Lao Động, Thương Binh và Xã Hội CSVN] lại đề nghị tiếp nhận người nước ngoài từ hai ổ dịch tới! Hồi sáng xem qua tưởng tin giả!”
Cùng thời điểm, Facebooker Nguyễn Ngọc Chu, tiến sĩ Toán học viết trên trang cá nhân rằng những dự án như đường sắt Cát Linh-Hà Đông, Nhiệt Điện Vĩnh Tân… “đã muộn hơn 10 năm rồi, muộn thêm mấy tháng nữa cũng chẳng sao” và “cả nước còn phải tự cách ly thì không thể để người lao động nước ngoài nhập cảnh, mang thêm khó khăn và nguy cơ lây nhiễm virus Trung Quốc lúc này đến cho đất nước.”
Các báo nhà nước dẫn nguồn Bộ Lao Động, Thương Binh và Xã Hội CSVN cho biết, lượng lao động nước ngoài đang làm việc tại Việt Nam là gần 70,000 người, trong đó người Trung Quốc chiếm 22.4%, người Nam Hàn chiếm 34.4%. Hiện do ảnh hưởng của dịch bệnh virus COVID-19 và lệnh tạm dừng các chuyến bay quốc tế, lượng lao động nước ngoài chưa quay trở lại Việt Nam là hơn 25,000 người, trong đó người Trung Quốc chiếm đến 75%, người Nam Hàn 15% và 10% là người quốc tịch khác. (N.H.K)

CSVN nhận được $28.5 triệu sau nửa tháng kêu gọi dân góp tiền chống COVID-19

HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Tính đến hết ngày 31 Tháng Ba, “sau gần nửa tháng kêu gọi, đã có khoảng 670 tỉ đồng ($28.5 triệu) do người dân, doanh nghiệp đóng góp để chống dịch COVID-19 qua Ủy Ban Trung Ương Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam,” theo báo Zing hôm 1 Tháng Tư.
Ngoài hiện kim, “Ủy Ban” này còn tiếp nhận nhiều loại hiện vật gồm lương thực, thiết bị y tế cho bệnh viện Bạch Mai, khẩu trang… Tuy vậy, bài báo không cho biết khoản tiền nhận được đã được nhà chức trách chi cho những khoản nào.
“Ủy Ban Trung Ương Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam” là tổ chức duy nhất được nhà cầm quyền CSVN chỉ định độc quyền nhận tiền đóng góp, dù nơi này không công bố các khoản tiền sẽ được chi ra sao.
Trong khi đó, các tổ chức xã hội dân sự bị loại bỏ vai trò làm cầu nối giữa chính quyền và nhà hảo tâm trong việc chống dịch bệnh.
Từ hôm 17 Tháng Ba, Thủ Tướng CSVN Nguyễn Xuân Phúc phát động chiến dịch kêu dân “góp tiền” chống dịch COVID-19 theo kiểu “ai có tiền góp tiền, ai có hiện vật góp hiện vật, ai có sức góp sức, ai có ý tưởng góp ý tưởng.”
Lời kêu gọi góp tiền của ông Phúc được các nhà cung cấp dịch vụ điện thoại, Internet và Bộ Y Tế CSVN nhắc lại đều đặn mỗi ngày qua tin nhắn SMS gửi đến người dân. Cùng thời điểm, các báo nhà nước được lệnh tăng cường tin bài về những người nổi tiếng tham gia đóng góp làm hình mẫu để tuyên truyền.
Phát ngôn của ông Phúc khiến cư dân mạng dị nghị và cho rằng nhà cầm quyền bình thường phung phí tiền thuế của dân để xây tượng đài ngàn tỉ đồng khắp nơi, đến khi bệnh dịch thì lại kêu dân phải góp tiền để “biểu hiện lòng yêu nước.”
Mặt khác, nhiều Facebooker bất bình vì trong lúc báo đảng đưa lập luận “đất nước mình còn nghèo” để kêu gọi toàn dân góp tiền, nhà cầm quyền CSVN lại vung tay tài trợ trang thiết bị y tế cho Trung Quốc với trị giá $500,000, cho Lào và Cambodia với $100,000 mỗi nước. Đáng nói là trong số thiết bị gửi cho Trung Quốc có cả máy thở – thiết bị cần kíp cho bệnh nhân COVID-19 mà theo lời ông Nguyễn Đức Chung, chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân thành phố Hà Nội, được dẫn lại trên báo VNExpress hôm 29 Tháng Ba, cả thủ đô “hiện chỉ có 260 máy thở và đang dùng cho cả bệnh nhân nặng của nhiều loại bệnh.”
Nhà báo tự do Huỳnh Ngọc Chênh bình luận trên trang cá nhân: “Tại sao đất nước cứ mãi nghèo dù đã qua 45 năm phát triển trong hòa bình? Mà làm sao cứ nghèo mãi được nhỉ khi hàng năm nhận trên $15 tỉ kiều hối, nhận hàng tỉ đô la viện trợ ODA ($23 tỉ trong 10 năm từ 2003 đến 2012 của Ngân Hàng Thế Giới và gần chục tỉ đô khác từ Nhật, Nam Hàn và EU), hàng chục tỉ đô la đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI), chưa nói hàng chục tỉ đô la có được do bán than, bán dầu, bán tài nguyên và bán sức lao động của hàng chục triệu dân, với kim ngạch xuất khẩu mỗi năm trên $200 tỉ. Với tổng số tiền đó đổ vào Việt Nam mỗi năm thì đất nước phải giàu lên nhanh chóng chứ, tại sao cứ mãi nghèo để dân vẫn còn quá khổ?…” (N.H.K)

Hàng chục tỉnh ‘lo sốt vó’ với 9,000 người từng đến ‘ổ dịch Bạch Mai’

HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Các tỉnh Yên Bái, Nam Định, Hải Dương, Thái Bình, Ninh Bình… cho tới tận Đà Nẵng đang lo lắng sẽ trở thành ổ dịch mới khi có khoảng 9,000 người từng đến khám bệnh ở “ổ dịch Bạch Mai,” bệnh viện lớn nhất ở miền Bắc Việt Nam.
Báo VNExpress cho biết bắt đầu từ 0 giờ ngày 28 Tháng Ba, đã bị cách ly do có nhiều ca nhiễm COVID-19. Tính đến tối 31 Tháng Ba, trong 207 ca nhiễm COVID-19 ở Việt Nam có tới 34 người liên quan đến “ổ dịch Bạch Mai,” khiến các tỉnh, thành đang rà soát những người từng đến Bạch Mai do có nguy cơ bị lây nhiễm.
Theo danh sách từ Hà Nội chuyển về, lãnh đạo Sở Y Tế Yên Bái cho biết đã xác định 321 người từ bệnh viện Bạch Mai trở về từ ngày 10 đến 27 Tháng Ba. Trong đó mới có chín người đang cách ly và điều trị bệnh tại các cơ sở y tế của tỉnh, hai người đang cách ly tập trung.
Tại Vĩnh Phúc, ông Nguyễn Thanh Hải, giám đốc Sở Y Tế tỉnh cho biết đã rà soát được hơn 1,000 người đến bệnh viện Bạch Mai. “Do giáp với Hà Nội, chúng tôi đã yêu cầu các tổ công tác ở từng thôn, tổ dân phố rà soát cả lái xe taxi qua bệnh viện này,” ông Hải nói
Tương tự, các tỉnh Lạng Sơn đã rà soát được 236 người, Hà Giang 106 trường hợp, tỉnh Hòa Bình 441 người , Tuyên Quang 270 người là bệnh nhân, người nhà, y bác sĩ từng đến bệnh viện Bạch Mai trong các ngày 10 đến 27 Tháng Ba.
Cũng theo danh sách từ Hà Nội chuyển về, từ ngày 12 đến 27 Tháng Ba, tỉnh Nam Định có hơn 2,610 bệnh nhân đếnkhám chữa bệnh tại bệnh viện Bạch Mai, trong đó 308 trường hợp điều trị nội trú. Ngoài ra, thời gian qua Nam Định đã cử 31 cán bộ y tế đi học tại Bạch Mai và hiện còn 11 người đang học tại đây.
Bà Bùi Thị Minh Thu, giám đốc Sở Y Tế Nam Định, cho biết điều nguy hiểm là một số người không có ở theo địa chỉ ghi trên giấy tờ.
Bệnh viện Bạch Mai đã cách ly toàn bộ nhân viên y tế, bác sĩ, bệnh nhân và cấm ra vào ổ dịch này.(Hình: Đặng Tú/Tổ Quốc)
Không thua Nam Định, ông Phạm Mạnh Cường, giám đốc Sở Y Tế Hải Dương, cho biết tỉnh có gần 2,390 người dính đến“ổ dịch Bạch Mai,” trong đó 250 bệnh nhân điều trị nội trú và hiện mới sàng lọc được hơn 1,500 người.
Còn tại tỉnh Thái Bình đang giám sát gần 1,160 người đến khám tại Bạch Mai, trong đó có 125 người điều trị nội trú. Hiện chỉ mới có 35 người đã được cách ly tại các bệnh viện tuyến tỉnh, huyện.
Theo lãnh đạo Sở Y Tế Thái Bình, khó khăn hiện nay là số người từng đến bệnh viện Bạch Mai rất lớn, rải rác ở tất cả các huyện, thành phố và đến nay nhà chức trách chưa xác minh được hết.
Trong khi đó theo ông Vũ Mạnh Dương, giám đốc Sở Y Tế Ninh Bình cho biết qua thống kê, toàn tỉnh có 616 người từng đến khám, chữa bệnh tại bệnh viện Bạch Mai từ ngày 15 đến 26 Tháng Ba. Trung Tâm Kiểm Soát Bệnh Tật tỉnh đã lấy mẫu xét nghiệm 225 trường hợp, lập danh sách cách ly tập trung hơn 300 người khác.
Không chỉ có các tỉnh phía Bắc, theo Bác Sĩ Tôn Thất Thạnh, giám đốc Trung Tâm Kiểm Soát Bệnh Tật Đà Nẵng, thành phố có hơn 10 người từng ra Bạch Mai khám ngoại trú và một số y bác sĩ đi học, thực tập ở bệnh viện này.
“Chúng tôi đang chờ các quận, huyện thống kê cụ thể để tiếp tục lấy mẫu xét nghiệm, bảo đảm tất cả người đến Bạch Mai được kiểm soát,” ông Thạnh nói.
Trước đó các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Hải Phòng, Quảng Ninh đã theo dõi hơn 4,600 người từng đến “ổ dịch Bạch Mai.”
Cùng ngày, Thạc Sĩ Bác Sĩ Đào Thị Yến Phi, giảng viên trường Đại Học Y Khoa Phạm Ngọc Thạch, khuyến cáo trên trang Facebook cá nhân, Bộ Y Tế CSVN đã công bố bệnh nhân thứ 209, ca F3 đầu tiên dương tính COVID-19 là một bà 55 tuổi ở quận Long Biên, Hà Nội, nấu ăn tại công ty Xăng Dầu Khu Vực I. Từ ngày 18 đến ngày 24 Tháng Ba, bà tiếp xúc gần với bệnh nhân thứ 163 (F2) tại bếp ăn công ty (là cháu gái bệnh nhân thứ 161) bị nhiễm từ Khoa Thần Kinh bệnh viện Bạch Mai.
Như vậy ca F3 chuyển thành F0, tức là F4 thành F1, do vậy một loạt người có nguy cơ thấp chuyển thành nguy cơ cao trong chớp mắt. Dấu hiệu này chứng tỏ sự lây nhiễm COVID-19 trong cộng đồng ở Việt Nam đang tiến sang một bước mới “nghiêm trọng hơn.” Việc cách ly nếu không được tuân thủ tốt thì các ổ lây nhiễm sẽ ngày càng nhiều và ngày càng rộng. Như những vết dầu loang, chúng sẽ dính vào nhau và trở thành thảm hoạ thực sự.
Ngày 31 Tháng Ba, ông Nguyễn Đức Chung, chủ tịch Hà Nội đã yêu cầu công an thành phố này phối hợp với Sở Giao Thông Vận Tải lập chốt kiểm soát và Đội Phản Ứng Nhanh trực 24/24 tại các cửa ngõ chính vào Hà Nội để nhận thông tin, xét nghiệm nhanh. (Tr.N)