Saturday, July 6, 2019

Cán bộ xã ở Đà Nẵng chôn heo bệnh ngay đầu nguồn nước uống của dân

Người dân tập trung ngăn cản chôn heo dịch đầu nguồn nước của xã Hòa Phước, huyện Hòa Vang, Đà Nẵng. (Hình: Thanh Niên)
ĐÀ NẴNG, Việt Nam (NV) – Người dân xã Hòa Phước, huyện Hòa Vang, hãi hùng khi chứng kiến cán bộ xã tiêu hủy, chôn heo chết vì bệnh dịch ngay đầu nguồn nước cung cấp cho dân.
Ngày 5 Tháng Bảy, 2019, ông Phạm Nam Sơn, chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân huyện Hòa Vang (Đà Nẵng), thừa nhận với báo Thanh Niên và cho biết “đã chỉ đạo Ủy Ban Nhân Dân xã Hòa Phước khắc phục ngay lập tức việc chôn heo dịch đầu nguồn nước khu dân cư.”
Trước đó, trưa 4 Tháng Bảy, người dân rất tức giận khi phát hiện Ủy Ban Nhân Dân xã Hòa Phước mang heo nhiễm dịch tả heo Châu Phi đi tiêu hủy ở khu vực đầu nguồn nước sinh hoạt cạnh khu dân cư Quá Giáng 2 (xã Hòa Phước).
Điều nguy hiểm hơn là địa điểm chôn lấp chỉ cách nhà dân 50 mét, trong khi đây là khu vực đang chờ giải tỏa giai đoạn 2 đường Hòa Phước-Hòa Khương nên còn rất nhiều gia đình dùng nguồn nước ngầm từ giếng bơm để ăn uống, sinh hoạt.
Bị dân phản ứng gay gắt, Ủy Ban Nhân Dân xã Hòa Phước đã buộc phải đưa heo dịch đi chôn ở xa khỏi khu dân cư. Trong khi đó huyện Hòa Vang là huyện duy nhất của thành phố Đà Nẵng cho đến thời điểm này bị dịch bệnh và tổng đàn heo chăn nuôi tại đây khá lớn.
Nhằm xoa dịu dư luận, ông Đặng Phú Hành, phó chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân huyện Hòa Vang, đã yêu cầu 9/11 xã có dịch tả heo Châu Phi ở huyện “rà soát toàn bộ địa điểm chôn lấp, tuyệt đối cấm tái diễn chôn heo dịch đầu nguồn nước, đồng thời chốt chặn các tuyến đường ngăn chặn chở heo dịch không bảo đảm an toàn.” (Tr.N)

Hà Nội trấn an dư luận về việc bị Mỹ đánh thuế thép hơn 400%

Kiểm tra thép nhập cảng. (Hình: VNExpress)
HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Lãnh đạo Bộ Công Thương CSVN khẳng định những sản phẩm thép “thuần Việt” vẫn được bán sang Hoa Kỳ, không bị ảnh hưởng vì biện pháp đánh thuế của Mỹ.
Động thái này được cho là nhằm xoa dịu công luận sau khi Bộ Thương Mại Mỹ (DOC) tuyên bố áp dụng thuế quan 456.23% trên các sản phẩm thép nhập cảng từ Việt Nam và sử dụng nguyên liệu từ Nam Hàn và Đài Loan
Sau 11 tháng điều tra, ngày 2 Tháng Bảy, 2019, DOC đã kết luận sản phẩm thép cán nguội và thép chống ăn mòn sử dụng thép cán nóng nhập cảng từ Nam Hàn, Đài Loan là “chuyển đổi không đáng kể,” giúp lẩn tránh thuế mà Mỹ đang áp dụng. Do đó, Hải Quan Mỹ được đề nghị thu thuế lên tới 456.23% với thép nhập cảng từ Việt Nam có sử dụng vật liệu từ hai nơi này.
Nói với báo VNExpress ngày 5 Tháng Bảy, ông Lê Triệu Dũng, cục trưởng Cục Phòng Vệ Thương Mại, Bộ Công Thương, cho biết: “Trường hợp thép cán nguội, thép chống ăn mòn được sản xuất từ nguyên liệu của Việt Nam (thuần Việt) không bị áp thuế theo quyết định này.”
Cũng theo ông Dũng, theo quy định trước đây của Mỹ, nếu doanh nghiệp nhập thép cán nóng sau đó sản xuất thành loại thép khác sẽ được coi là “chuyển đổi đáng kể,” nghĩa là không thay đổi nguồn gốc của sản phẩm đó, nên không bị coi là lẩn tránh thuế. Nhưng ba năm gần đây, Mỹ đã thay đổi quan điểm và yêu cầu thép phải được sản xuất trong nước mới được coi là không lẩn tránh thuế.
Ông cục trưởng khẳng định: “Trong quá trình điều tra đã phối hợp chặt chẽ với Hiệp Hội Thép, các doanh nghiệp liên quan để cung cấp thông tin về quá trình sản xuất tại Việt Nam cũng như mức độ giá trị gia tăng của sản phẩm.”
Bộ Công Thương cũng đã cảnh báo việc các cơ quan điều tra của các nước ngoại quốc nhập cảng “có thể thay đổi quyết định, đề ra những quy định khắt khe hơn để doanh nghiệp nghiên cứu phương án sản xuất kinh doanh phù hợp.”
Đại diện Hiệp Hội Thép Việt Nam (VSA) cũng không bất ngờ về phán quyết sơ bộ của DOC. Ông Nguyễn Văn Sưa, cựu phó chủ tịch VSA, cho rằng quyết định áp thuế của Mỹ với một số mặt hàng thép Việt Nam “không phải là tín hiệu đáng lo ngại với ngành thép trong nước.”
Năm 2017, Mỹ từng đánh thuế tương tự với thép Việt, và lúc đó ngành thép chỉ bị ảnh hưởng trong ngắn hạn bởi từ Tháng Sáu, 2017, Formosa Hà Tĩnh đã sản xuất được thép cán nóng, nguyên liệu để làm thép cán nguội và thép chống gỉ (thép mạ, thép phủ màu).
Nói về việc lẩn tránh thuế này với báo VNExpress, ông Trần Quốc Khánh, thứ trưởng Bộ Công Thương, cho hay phần lớn nằm ở một số doanh nghiệp FDI lấy nguyên liệu thép cán nóng nhập từ Hàn Quốc, Đài Loan… rồi gia công thành sản phẩm, rồi bán sang Mỹ. Doanh nghiệp thép Việt Nam đã “biết điều này nên có sự chuẩn bị từ năm ngoái.”
Theo ông Khánh, nếu doanh nghiệp sử dụng thép cán nóng trong nước, hoặc từ các quốc gia không bị Mỹ đánh thuế thì vẫn bán được sản phẩm sang Mỹ.
Sau kết luận sơ bộ, theo thông lệ Mỹ sẽ đưa ra kết luận chính thức trong ba, bốn  tháng tới.
“Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của doanh nghiệp, phù hợp với quy định pháp luật, quy định của WTO và ngăn chặn hành vi lẩn tránh thuế,” ông Dũng nói.
Tin cho biết, từ Tháng Mười Hai, 2015, đến Tháng Hai, 2016, Mỹ đã áp thuế lên các sản phẩm thép chống gỉ và thép cán nguội từ Nam Hàn và Đài Loan. Cũng theo phía Mỹ, từ đó đến Tháng Tư, 2019, xuất cảng thép chống gỉ và thép cán nguội từ Việt Nam sang Mỹ tăng mạnh so với trước.
Phán quyết của Bộ Thương Mại Mỹ được thực hiện dựa trên yêu cầu từ phía của một số doanh nghiệp Mỹ bao gồm ArcelorMittal, Nucor Corp, United States Steel Corp, Steel Dynamics Inc, California Steel Industries, và AK Steel Corp. (Tr.N)

CSVN lại giở trò chiêu dụ dân oan Thủ Thiêm ‘đối thoại’

Dân oan Thủ Thiêm quá ngao ngán với các buổi “đối thoại" nửa vời của chính quyền. (Hình: VNExpress)
SÀI GÒN, Việt Nam (NV) – Chính quyền CSVN ở Sài Gòn đang chiêu dụ những dân oan Thủ Thiêm đang khiếu kiện ở Hà Nội quay về thành phố dự cuộc “đối thoại” dự trù diễn ra vào cuối Tháng Bảy, 2019.
Báo VNExpress tường thuật: “Dù thành phố Sài Gòn tổ chức nhiều đợt tiếp xúc các hộ dân để trao đổi về hướng giải quyết các sai phạm từ thời kỳ trước, song khá đông người không đồng ý với quan điểm của Thanh Tra Chính Phủ, yêu cầu chính quyền thành phố khắc phục. Họ thường xuyên đến nhà riêng của các lãnh đạo đảng, nhà nước và trụ sở các cơ quan trung ương tại Hà Nội căng biểu ngữ, phát loa khiếu kiện, yêu cầu công khai bản quy hoạch và cho rằng việc xây dựng khu đô thị mới Thủ Thiêm không đúng ranh quy hoạch 770 hécta…”
“Ngoài ra, người dân cũng tố cáo một số lãnh đạo, cựu lãnh đạo Ủy Ban Nhân Dân thành phố ở Sài Gòn và Ủy Ban Nhân Dân quận 2 có nhiều sai phạm trong việc thực hiện dự án, đề nghị giải quyết sớm quyền lợi cho 115 hộ dân ra Hà Nội khiếu kiện từ trước đến nay để ổn định cuộc sống,” theo VNExpress.
Các báo nhà nước cho hay, hơn 100 hộ dân oan Thủ Thiêm đã ròng rã tiến hành cuộc khiếu nại từ Sài Gòn ra Hà Nội trong suốt 10 năm qua. Tuy vậy, kết quả của chiến dịch này tới đâu thì còn phải tiếp tục chờ đợi.
Dân oan Thủ Thiêm chỉ nhận được những lời hứa suông của lãnh đạo trong các buổi “đối thoại.” (Hình: VNExpress)
Hồi cuối Tháng Sáu, Thanh Tra Chính Phủ công bố một loạt sai phạm về kinh tế của chính quyền ở Sài Gòn trong vụ đất đai Thủ Thiêm, đồng thời yêu cầu thu hồi hàng chục ngàn tỉ đồng bị cho là “tạm ứng sai quy định,” “duyệt tổng mức đầu tư các dự án hạ tầng không đúng quy định”…
Thế nhưng tính tới thời điểm hiện tại, không hề có bất kỳ quan chức, cựu quan chức nào bị nêu danh tính hoặc quy trách nhiệm trong vụ cướp đất quy mô và có hệ thống này. Mỉa mai là nhân vật bị cáo buộc nhiều nhất, cựu Bí Thư Thành Ủy ở Sài Gòn Lê Thanh Hải, gần đây lại mạnh miệng đăng đàn về “chống tham nhũng, lợi ích nhóm.”
Đáng lưu ý, trong bối cảnh liên tiếp bị các báo nhà nước chụp mũ “là phản động, bị thế lực thù địch kích động,” những dân oan Thủ Thiêm đang khiếu kiện ở Hà Nội lại nhận được sự ủng hộ, giúp đỡ tiền bạc và nhu yếu phẩm từ phía các blogger, nhà hoạt động.
Hồi Tháng Năm, 2018, thời điểm vụ mất đất Thủ Thiêm bỗng dưng được khơi lại trên báo chí nhà nước, báo VNExpress cho biết tại phố Ngô Thì Nhậm, quận Hà Đông hình thành “làng Thủ Thiêm giữa lòng Hà Nội” với nhóm người “tá túc trong những phòng trọ chật hẹp, hàng ngày đến nhà lãnh đạo, cơ quan chính quyền khiếu kiện, mang theo băng rôn yêu cầu xử lý vụ khiếu kiện đất đai.”
Tờ báo dẫn lời bà Lê Thị The, một trong những dân oan Thủ Thiêm, cho biết: “Mỗi lần đoàn người dân ra Hà Nội từ một đến bốn tháng và hầu hết là người già, không có khả năng làm ra tiền.” (T.K.)

Đà Nẵng: Nghi con bị công an đánh bất tỉnh, người nhà ‘vây’ bệnh viện

Người nhà anh Hiền vây bệnh viện đòi làm rõ lý do con mình nhập viện. (Hình: Tuổi Trẻ)
ĐÀ NẴNG, Việt Nam (NV) – Khuya 4 Tháng Bảy, 2019, rất đông người nhà của anh Trần Văn Hiền (18 tuổi, ở phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu, Đà Nẵng) đã kéo đến bao vây Khoa Hồi Sức Tích Cực, Bệnh Viện Đà Nẵng, gây áp lực đòi bác sĩ giải thích rõ việc anh Hiền có phải nhập viện vì bị bệnh tiểu đường hay bị công an đánh trọng thương khi bị tạm giam do thấy trên ngực Hiền có vết bẩm.
Nhiều người quay phim, gây ồn ào ảnh hưởng đến việc điều trị chung tại đây nên công an đã huy động lực lượng “vãn hồi trật tự.”
Nói với báo Tuổi Trẻ ngày 5 Tháng Bảy, người nhà anh Hiền cho biết trước khi nhập viện, anh Hiền là bị can trong vụ án “cố ý gây thương tích và hủy hoại tài sản” bị giam tại Trại Tạm Giam Hòa Sơn.
Cách đây ba ngày, người thân có lên thăm con tại trại giam. Lúc đó, anh Hiền vẫn khỏe mạnh bình thường nhưng rồi bất ngờ người thân nhận được tin con em mình nhập viện “do biến chứng bệnh tiểu đường.”
Nói với báo Tuổi Trẻ, một bác sĩ Bệnh Viện Đà Nẵng cho hay trước đó anh Hiền có biểu hiện bất thường nên được đưa đến Bệnh Viện Quận Liên Chiểu cấp cứu. Lúc đưa đến nhập viện tại Bệnh Viện Đà Nẵng lúc 0 giờ 19 phút khuya ngày 4 Tháng Bảy, anh Hiền “có triệu chứng sốt cao, thở mệt, đại tiện phân lỏng nhiều. Theo chẩn đoán ban đầu, bệnh nhân bị sốt nhiễm khuẩn.”
Từ 0 giờ 30 phút đến 1 giờ sáng cùng ngày, bệnh nhân ngưng thở, ngưng tim nên các bác sĩ phải cấp cứu. Kết quả xét nghiệm thể hiện cơ thể anh Hiền cho thấy “có lượng kali trong máu cao, lượng đường trong máu là 70.76 mg/lít (cao gấp 10 lần bình thường).”
Ông Lê Đức Nhân, giám đốc Bệnh Viện Đà Nẵng, khẳng định: “Bệnh nhân Hiền bị tổn thương nội tạng, không có dấu vết tác động ngoại lực, đầu không chảy máu. Bệnh nhân đang được điều trị tại Khoa Hồi Sức Tích Cực Chống Độc Bệnh Viện Đà Nẵng.”
Tuy nhiên, Bệnh Viện Quận Liên Chiểu trước đó lại kết luận: “Bệnh nhân Hiền bị tiểu đường, viêm dạ dày cấp. Ngoài ra, bệnh nhân còn có các biến chứng như nhiễm toan xeton, suy đa phủ tạng… Sau đó, bệnh nhân bị hôn mê sâu, đồng tử giãn, suy hô hấp nên phải thở bằng máy.”
Báo Zing đã liên lạc với lãnh đạo Trại Tạm Giam Hòa Sơn để có thêm thông tin nhưng vẫn chưa nhận được hồi âm.
Trưa 5 Tháng Bảy, nói với báo Zing, Thiếu Tướng Vũ Xuân Viên, giám đốc Công An thành phố Đà Nẵng, cho biết: “Vết bầm trên ngực bệnh nhân là do các bác sĩ sử dụng biện pháp ép tim khi cấp cứu. Cơ quan hữu trách đang xác minh vụ việc để có câu trả lời thỏa đáng cho công luận và người nhà bệnh nhân.” (Tr.N)

Tàu cá nằm bờ, ngư dân khốn đốn, vì quy định ‘thước, tấc’ của CSVN

Con tàu của anh Nguyễn Văn Minh chỉ thiếu 10 cm nhưng không thể đánh bắt vùng khơi xa bờ. (Hình: Thanh Niên)
PHÚ YÊN, Việt Nam (NV) – Chỉ vì Bộ Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn tùy hứng ra quy định “thước, tấc” mà hàng ngàn tàu cá chuyên đánh bắt xa bờ ở Việt Nam bị cấm ra khơi, khiến ngư dân có nguy cơ phá sản.
Theo tờ Thanh Niên ngày 4 Tháng Bảy, 2019, cho biết hơn một tháng qua, hàng ngàn chủ tàu cá ở miền Trung không thể cho tàu ra khơi xa hành nghề do sợ quy định của Bộ Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn.
Trong hai văn bản phát ra hồi Tháng Hai, 2019, Bộ Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn quy định “tàu cá có chiều dài dưới 15 mét không được ra vùng biển xa bờ, mà chỉ được phép khai thác trong phạm vi 60 hải lý.”
Đồng thời, yêu cầu các địa phương “tạm dừng cấp văn bản chấp thuận cải hoán thay đổi kích thước tàu cá dưới 15 mét thành tàu cá từ 15 mét trở lên; thuê, mua tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15 mét trở lên đối với tất cả các nghề từ ngày 25 Tháng Ba, 2019 cho đến khi Bộ Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn có quyết định giao hạn ngạch giấy phép khai thác thủy sản. Tất cả các tàu hoạt động sai vùng, sai tuyến, sai nghề sẽ bị xử phạt hành chính.”
Ông Trần Ngọc Nhạn, chi cục trưởng Chi Cục Thủy Sản Phú Yên, cho biết tỉnh này hiện có 1,183 tàu trên 90 CV. Theo các quy định trước đây tàu công suất này được khai thác vùng khơi, đánh bắt xa bờ. Còn hiện nay, Phú Yên chỉ có 451 tàu cá “đủ thước” đánh bắt vùng khơi, còn lại 732 tàu cá “thiếu thước” phải từ vùng khơi trở về vùng lộng, ven bờ đánh bắt thủy sản.
Than với báo Thanh Niên, ông Trần Nam (thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên) cho biết tàu cá của mình có công suất trên 100 CV (mã lực) nhưng chiều dài đăng kiểm chỉ 13.8 mét nên không đủ tiêu chuẩn đánh bắt xa bờ.
“Lâu nay, tàu nhà tôi cùng 10 ngư dân đi bạn chỉ hành nghề đánh bắt cá ngừ đại dương và có lãi chia nhau. Nay nếu đánh bắt ven bờ, tàu chỉ cần 3-4 người, nguồn cá lại khan hiếm, nhiều anh em bạn sẽ bị thiếu việc, thiếu ăn. Nay tàu nhà tôi đang nằm bờ chờ tình hình triển khai quy định mới,” ông Nam nói.
Ông Phan Thuẫn, chủ tịch Nghiệp Đoàn Nghề Cá phường 6, thành phố Tuy Hòa (Phú Yên), cho biết lâu nay tất cả tàu cá trên 90 CV đều được đánh bắt vùng khơi xa, với ngư trường truyền thống Hoàng Sa, Trường Sa…
“Bà con đang rất hoang mang trước quy định “thước, tấc” này. Mỗi chiếc tàu trên 90 CV có vốn góp lớn, nuôi rất nhiều gia đình chủ tàu và đi bạn. Nay bà con lo thiếu đói nếu tàu chỉ đánh bắt quanh quẩn trong vùng lộng, cá tôm giá trị thấp lại khan hiếm. Đề nghị nhà nước cần có chính sách thấu đáo cho vấn đề này,” ông Thuẫn bất bình nói.
Tương tự, ngư dân Nguyễn Văn Chí (ở xã Phước Đồng, Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa), cho biết tàu của ông dài 14.4 mét, công suất 420 CV chuyên hành nghề đánh bắt cá ngừ đại dương. Theo quy định, tàu của ông hiện không được khai thác vùng khơi, gia đình ông hiện chưa biết phải xoay xở ra sao.
Ngư dân Nguyễn Văn Minh (46 tuổi, phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà, Đà Nẵng) chủ tàu ĐNa 90951, công suất 400 CV ngao ngán nói: “Trên giấy tờ, tàu cá của tôi dài 14.9 mét, tức thiếu 10 cm nữa là có thể đánh bắt ở vùng khơi. Nhưng giờ không thể cải hoán, cũng không bán mua gì được, tôi chẳng biết phải làm sao.”
Ông Cao Văn Minh, chủ tịch Nghiệp Đoàn Nghề Cá phường Nại Hiên Đông, cho biết hiện toàn phường có 72 tàu cá dài dưới 15 mét. Trong đó, 32 tàu đã “nằm bờ”, 40 tàu còn lại có nguy cơ không thể tiếp tục hoạt động do chính sách mới gây khó khăn cho ngư dân.
“Công suất các tàu từ đánh bắt xa bờ chuyển qua khai thác vùng lộng không đạt hiệu quả, đã gây khó khăn cho ngư dân. Chưa hết, việc khai thác ở vùng gần bờ vốn đã cạn kiệt nguồn hải sản, nếu để tàu dưới 15 mét vào khai thác thì sẽ dẫn đến việc hủy diệt tận gốc nguồn lợi hải sản,” ông Minh nói.
Ông Minh cho rằng, hai công văn trên không phù hợp với thực tế nghề cá. Bởi kết cấu tàu 14 mét đến tàu 15 mét thì độ dày “khung xương” và be tàu đều giống nhau, sức chịu đựng sóng gió, sự an toàn khi ra khơi cũng tương tự. Như vậy, cho phép tàu 15 mét được đánh bắt vùng khơi còn tàu dưới 15 mét chỉ được khai thác ở vùng lộng là không hợp lý…
Nặng nè hơn là tỉnh Bình Thuận. Hiện tổng số lượng tàu thuyền của tỉnh này là hơn 7,000 chiếc. Ông Bùi Thế Nhân, bí thư khiêm chủ tịch huyện đảo Phú Quý, cho rằng theo quy định mới gây “vướng” cho ngư dân đảo Phú Quý.
“Tàu của bà con Phú Quý trước giờ vươn khơi xa, không chỉ đánh bắt hải sản mà còn có nhiệm vụ canh giữ chủ quyền trên biển. Theo quy định mới này thì sẽ có hàng trăm tàu cá không được ra khơi, chỉ quanh quẩn ven bờ. Việc này tác động trực tiếp đến hoạt động đánh bắt của ngư dân do bị bó hẹp ngư trường,” ông Nhân nói.
Trong khi đó, ông Nguyễn Hoài Nam, chi cục trưởng Chi Cục Thủy Sản tỉnh Quảng Trị, cho biết hơn 100 con tàu tại tỉnh này đang “vướng” quy định mới nói trên. “Trước đây, quy định về tàu gần bờ, xa bờ tính theo công suất của tàu, tàu có công suất trên 90 CV là tàu xa bờ, đánh bắt ngoài khơi. Nhưng giờ quy định mới chỉ tính chiều dài của tàu cá mà không tính đến công suất nữa nên nảy sinh bất cập. Ví dụ có tàu công suất lớn nhưng chiều dài chưa đến 15 mét, có tàu dài trên 15 mét nhưng công suất rất nhỏ chỉ có thể khai thác thủy sản ở gần bờ,” ông Nam phân tích.
Theo ông Nam “đây là bất cập.” Nếu cứ chiếu theo nguyên tắc thì các tàu dài hơn 15 mét phải đánh bắt ở vùng khơi, sẽ hết sức nguy hiểm vì nhiều tàu công suất thấp, không bảo đảm an toàn để đi xa bờ.
Còn tại tỉnh Bình Định, hàng trăm chủ tàu cá rất bất an, lo ngại sẽ bị xử lý. Theo ông Phan Trọng Hổ, giám đốc Sở Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn tỉnh Bình Định, toàn tỉnh hiện có 6,115 tàu cá có chiều dài từ 6 mét trở lên được cấp hạn ngạch giấy phép khai thác thủy sản theo quy định. Tuy nhiên, việc cấp giấy phép khai thác thủy sản đối với tàu có công suất trên 90 CV nhưng chiều dài dưới 15 mét đang gây khó khăn, bất bình cho chủ tàu.
“Do các tàu này đang hoạt động các nghề ở vùng khơi như câu, vây, câu cá ngừ đại dương nếu chuyển vào hoạt động ở vùng lộng sẽ không phù hợp và không có hiệu quả và rất lãng phí. Ngoài ra, các tàu này muốn chuyển đổi nghề hoặc chuyển đổi vùng khai thác cũng gặp khó khăn do không có hạn ngạch giấy phép khai thác nên đã ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, gây bất bình cho ngư dân và ảnh hưởng đến sinh kế của hàng nghìn gia đình,” ông Hổ nói. (Tr.N)

Nhận hối lộ, trưởng công an thành phố Thanh Hóa bị khởi tố

THANH HÓA, Việt Nam (NV) – Khi giới hữu trách thực hiện lệnh bắt giam về tội “nhận hối lộ,” cựu trưởng Công An thành phố Thanh Hóa đã phải vào bệnh viện cấp cứu vì đột quỵ, khiến cơ quan điều tra tạm dừng và cho đến nay mới khởi tố.
Ngày 4 Tháng Bảy, 2019, Viện Kiểm Sát Nhân Dân Tối Cao cho biết cơ quan điều tra của viện này đã ra quyết định khởi tố, bắt tạm giam ông Nguyễn Chí Phương, đại tá cựu trưởng Công An thành phố Thanh Hóa, để điều tra về tội “Nhận hối lộ.”
Tờ Tuổi Trẻ dẫn tin từ Cơ Quan Điều Tra Viện Kiểm Sát Nhân Dân Tối Cao, cho hay trưởng công an thành phố Thanh Hóa đã bị tước danh hiệu “Công an nhân dân” từ ngày 25 Tháng Giêng, 2019, nhưng đến nay mới bị khởi tố. Nguyên nhân do khi giới hữu trách tiến hành thực hiện lệnh bắt, ông Phương đã đột quỵ phải nhập viện cấp cứu.
Tại Bệnh Viện Hợp Lực (thành phố Thanh Hóa) bác sĩ trực tiếp điều trị cho ông Phương nhận định ông này bị bệnh nặng nên cơ quan điều tra tạm dừng thi hành lệnh bắt giam.
Cơ quan điều tra Viện Kiểm Sát Nhân Dân Tối Cao, cho biết “đã thông báo đến Thường Trực Tỉnh Ủy Thanh Hóa, Thường Trực Thành Ủy thành phố Thanh Hóa và đảng Bộ Công An thành phố Thanh Hóa về quyết định khởi tố bị can, ra lệnh bắt tạm giam bị can là đảng viên, đồng thời tiến hành trưng cầu giám định sức khỏe đối với bị can Nguyễn Chí Phương.”
Liên quan đến bị can Nguyễn Chí Phương, cơ quan điều tra còn ra quyết định khởi tố vụ án hình sự về tội “Trộm cắp tài sản,” đồng thời ra quyết định chuyển vụ án tới Cơ Quan Cảnh Sát Điều Tra Công An tỉnh Thanh Hóa để điều tra theo thẩm quyền. Theo đó, ông Phương bị cấp dưới tố cáo nhận 260 triệu đồng ($11,172) để “chạy án.”
Quá trình điều tra xác định, ông Phương là thủ trưởng Cơ Quan Cảnh Sát Điều Tra Công An thành phố Thanh Hóa, người trực tiếp chỉ huy và tiến hành tố tụng đối với vụ việc ông Đỗ Đức Hiếu, cán bộ Đội Cảnh Sát Trật Tự Công An thành phố Thanh Hóa phạm tội “Trộm cắp tài sản” ngay tại cơ quan.
Trong quá trình thụ lý, giải quyết tố giác tin báo về tội phạm, ông Phương đã nhận của ông Hiếu 260 triệu đồng ($11,172) và hứa giúp đỡ “không xử lý hình sự” nhưng sau đó không thực hiện.
Tức giận, ông Hiếu đòi lại tiền nhưng ông Phương không trả. Vào ngày 28 Tháng Mười Một, 2018, trên mạng xã hội xuất hiện một đoạn ghi âm được cho là cuộc trò chuyện giữa nhiều người, trong đó có giọng nói của ông Phương, khi đó đang là trưởng Công An thành phố Thanh Hóa, và một người đàn ông từng công tác tại Công An thành phố Thanh Hóa.
Nội dung đoạn ghi âm cho thấy người đàn ông (ông Hiếu) nói chuyện với ông Phương về vụ phạm tội trộm cắp xe máy. Các bên thống nhất số tiền đưa cho ông Phương để nhờ “chạy án.”
Ông Phương thừa nhận giọng nói trong đoạn ghi âm trên là của ông và cuộc trò chuyện đó là có thật nhưng “bác” chuyện nhận tiền nong. Theo ông Phương, cuộc trò chuyện này diễn ra vào ngày 19 hoặc ngày 20 Tháng Bảy, 2018.
“Nếu nhận tiền chả việc gì phải tước danh hiệu công an, khi mà đã xử lý nghiêm thế này chả ai dại gì mà nhận cả, nó đưa ra thế này cố tình bôi nhọ tôi,” ông Phương biện minh với báo chí. (Tr.N)