Thursday, September 8, 2016

Cá chết nổi lềnh trên sông Sa Lung, Quảng Trị

Rất nhiều loại cá chết nổi trên mặt nước sông Sa Lung bốc mùi hôi thối. (Hình: báo điện tử Dân Trí)
Rất nhiều loại cá chết nổi trên mặt nước sông Sa Lung bốc mùi hôi thối. (Hình: báo điện tử Dân Trí)
QUẢNG TRỊ (NV) – Vài ngày qua, người dân đã vớt hàng tấn cá chết nổi trắng trên sông Sa Lung, huyện Vĩnh Linh, nhưng mùi hôi thối vẫn nồng nặc, trong khi cá vẫn tiếp tục chết nhiều.
Theo mô tả của phóng viên báo điện tử Dân Trí, ngày 7 tháng 9, dòng nước tại đoạn sông chảy qua thôn Gia Lâm, xã Vĩnh Long trở nên đỏ ngầu và vẫn còn rất nhiều loại cá bị chết, phơi bụng trên mặt nước, bốc mùi hôi nồng nặc, khiến người dân sống ven sông đành phải nín thở chịu trận.
Ông Nguyễn Hữu Hưng, ngụ xã Vĩnh Long cho hay, trước đây ít khi xảy ra tình trạng này, nhưng sáng ngày 6 tháng 9, do phía thượng nguồn xả nước thì ngay sau đó bắt đầu có cá chết và kéo dài đến nay. Người dân địa phương đã dùng thuyền, vợt và các dụng cụ khác ra sông để vớt cả cá còn sống lờ đờ lẫn cá chết mang đi nấu cho súc vật ăn hoặc làm phân bón.
Nhiều người dân sống gần sông cũng khẳng định, dòng nước ban đầu khi mới xả đập có mùi hôi, đen ngòm, có thể là nước thải của một số nhà máy chế biến cao su ở thượng nguồn xả ra.
Tuy nhiên, nói với phóng viên báo điện tử Dân Trí, ông Nguyễn Khắc Phú, chủ tịch xã Vĩnh Long cho rằng, địa phương có nhận được thông báo về việc xả đập định kỳ năm một lần ở thượng nguồn. Vì vậy, nguyên nhân ban đầu gây ra cá chết có thể là do nước trên đập là nước ngọt, dưới đập là nước mặn nên một số loại cá không thích ứng kịp và bị sặc chết.
“Việc người dân cho rằng cá chết là do độc hại môi trường từ một số nhà máy sản xuất thì chính quyền không đủ điều kiện, cơ sở để khẳng định mà phải nhờ cơ quan chức năng vào cuộc kiểm tra nguồn nước xem có độc hại hay không,” ông Phú nói.
Không chỉ ở xã Vĩnh Long, mà tại cầu Phúc Lâm, nơi giao nhau của 2 xã Vĩnh Thủy và Vĩnh Long, cũng có hiện tượng cá chết trôi về đoạn sông này và cũng đang bốc mùi hôi thối vì người dân vớt xác cá không xuể. (Tr.N)

Thêm nghi vấn cầu bê tông cốt xốp ở Hà Nội đầu tư 65 tỷ

 Cầu Zét ở Chương Mỹ (Hà Nội) được đầu tư gần 65 tỷ, đang hoàn thiện, nhưng bị người dân cung cấp bằng chứng nghi ngờ là cầu bê tông cốt xốp, bị ăn bớt vật tư.

Cầu Zét được xây dựng từ những năm 80 của thế kỷ trước, xuống cấp nghiêm trọng, nên từ tháng 10/2013, UBND TP Hà Nội đã ra Quyết định số 5917/QĐ-UBND, cấp phép đối với hoạt động liên quan đến đê điều cho Ban Quản lý dự án Giao thông 2 (Sở Giao thông Vận tải) xây dựng cầu Zét qua sông Bùi, thuộc địa bàn huyện Chương Mỹ.




Nghi vấn ăn bớt vật tư... là cầu bê tông cốt xốp
Mới đây, phản ánh tới đường dây nóng Báo điện tử Kiến Thức, một số người dân địa bàn huyện Chương Mỹ cho biết, cây cầu Zét được kỳ vọng đáp ứng nhu cầu lưu thông của các phương tiện, giảm tai nạn và ùn tắc giao thông tại đây - đang trong quá trình hoàn thiện, nhưng bị nghi ngờ tiếp tục là cầu bê tông cốt xốp ở Hà Nội khi trên bề mặt cầu xuất hiện nhiều chỗ lồi lõm cùng với đá sỏi rơi vãi lộn xộn và nhiều vết nứt chạy dài, lan rộng ra xung quanh. Điều đáng nói, bên trong tường của hai bên thành cầu có hàng chục miếng xốp dày khoảng 2-3cm, xếp thành hàng trước khi được phủ bê tông bên ngoài.

Them nghi van cau be tong cot xop o Ha Noi dau tu 65 ty - Anh 1
Những lớp xốp dày, xếp thành hàng bên trong lớp tường bê tông thành cầu Zét (xã Tốt Động, huyện Chương Mỹ, Hà Nội).

Nhằm làm rõ và đa chiều thông tin phản ánh, sáng 6/9, PV Kiến Thức đã tiếp cận hiện trường xây dựng và thi công cầu Zét, ghi nhận ban đầu: Hai bên thanh cầu thực tế có nhiều lỗ thủng, vết vỡ to. PV đã dùng tay cạy sâu vào bên trong thì phát hiện nhiều miếng xốp được xếp chồng lên nhau, trong khi lớp bê tông phủ xốp ở bên ngoài chỉ dày khoảng 1 - 2 cm. Chưa hết, một số chỗ, xốp được bao bọc bởi một lớp nilon mỏng trước khi được phủ bê tông.

Theo quan sát của PV, tại cầu Zét còn có nhiều vết nứt chạy dài ở các thành cầu và một số chỗ vẫn chưa kịp đổ bê tông khiến sắt được buộc ghép dở dang. Một số đường ống nước chạy ngầm cũng có dấu hiệu bị vỡ tung tóe, các khe nối cầu vẫn còn các tấm gỗ mục nát nhét đầy bên trong...

Them nghi van cau be tong cot xop o Ha Noi dau tu 65 ty - Anh 2

Them nghi van cau be tong cot xop o Ha Noi dau tu 65 ty - Anh 3
Cận cảnh những lớp xốp dày, xếp thành hàng trong thành cầu Zét.

Tại sao có chuyện tày đình thế này?
Người dân ở xã Tốt Động cho biết, quá trình thi công cây cầu, đơn vị thi công chủ yếu làm việc ban đêm nên người dân rất khó quan sát được họ đang xây dựng thế nào. Song, đại đa số đang rất bức xúc khi cây cầu nhiều kỳ vọng, xây dựng chưa xong, lại để lộ tình trạng chất lượng tệ hại đến vậy.

Them nghi van cau be tong cot xop o Ha Noi dau tu 65 ty - Anh 4
Một số chỗ xốp được bao bọc bởi một lớp nilon mỏng trước khi được phủ bê tông.

“Trước đây, khi cầu được thi công, chúng tôi mừng lắm! Nhưng gần đây, mỗi khi di chuyển ngang qua cầu, nhìn thấy xốp đầy bên trong thành cầu, chúng tôi đều bức xúc vì chỉ cần nhìn là biết cầu kém chất lượng. Chẳng biết đơn vị thi công có gian lận trong quá trình xây dựng hay không? Nhưng người dân chúng tôi có quyền đặt nghi vấn cầu bị “bớt xén vật liệu” và cứ như này thì chẳng mấy mà sập”, một người dân xã Tốt Động bức xúc nói.

Trao đổi với PV Kiến Thức về tình trạng nghi vấn cầu Zét bê tông cốt xốp, sáng 6/9, ông Nguyễn Trọng Trận, Chủ tịch UBND xã Tốt Động cho biết “không biết chuyện này” (!?) và cũng chưa nhận được bất kỳ thông tin nào từ phía người dân để thông báo lên cấp trên.

“Em cứ xuống dưới (ý nói xuống cầu Zét) là có người dưới đấy rồi mà (!?). Chủ đầu tư là Ban Quản lý dự án Giao thông 2 TP Hà Nội, còn đơn vị thi công thì tớ không rõ. Cái đấy thì em (ý nói PV) về huyện em hỏi được. Tớ không nhận được bất kỳ ý kiến nào từ phía người dân cả… Cây cầu đang tạm dừng thi công do vướng phải một số vấn đề giải phóng mặt bằng”, ông Trận cho biết.

Trước đó, dư luận cả nước cũng nóng hầm hập vì cầu vượt đường sắt Hà Nội bị nghi ngờ thi công kiểu "bê tông cốt xốp". Cụ thể: Hạng mục cầu vượt đường sắt tại Km0+938,29 thuộc dự án Đường trục phía Nam tỉnh Hà Tây (cũ) được phản ánh "bê tông làm bằng cát và xốp".

Sau đó, Sở GTVT Hà Nội đã tổ chức đoàn kiểm tra liên ngành gồm Sở KH-ĐT, Sở Xây dựng, UBND huyện Thanh Oai đi kiểm tra hiện trường, xác minh vụ việc.

Trong báo cáo gửi UBND TP Hà Nội, Sở GTVT Hà Nội khẳng định: "Một số hình ảnh báo chí đã đăng tải có lớp xốp dưới lớp gạch lát hè là tại các vị trí cạnh cột đèn chiếu sáng trên cầu (24 vị trí). Việc này không ảnh hưởng đến kết cấu mặt cầu và thực tế không có việc đổ bê tông bằng xốp".

Được biết, dự án Đường trục phía Nam nối từ quận Hà Đông đi qua các huyện phía Nam thành phố Hà Nội do Công ty Cổ phần Phát triển địa ốc Cienco 5 làm chủ đầu tư với tổng số vốn hơn 6.000 tỷ đồng. Dự án được thực hiện nhằm hình thành tuyến đường mới phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế ­ xã hội, giảm lưu lượng người tham gia giao thông cho các quốc lộ 21B, quốc lộ 1A cũ… Tuy nhiên, đã nhiều năm dự án vẫn chưa được hoàn thành.

Được biết, dù cầu Zét chưa hoàn thiện một số hạng mục, nhưng do nhu cầu đi lại, người dân hàng ngày vẫn di chuyển trên cầu.

Vị trí xây dựng cầu Zét tương ứng K8+350 đê tả Bùi, xã Tốt Động, huyện Chương Mỹ với quy mô dài 107,3m, rộng 10m gồm 3 nhịp dầm bằng bê tông cốt thép dự ứng lực.

Để phục vụ công tác thi công, chủ đầu tư xây dựng 1 cầu tạm cách cầu chính 600m về phía thượng lưu, tải trọng 2,5 tấn, dài 60,2m, rộng 3,5m với dầm, trụ bằng thép hình, mỗ bằng rọ đá hộc.

Kiến Thức sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc tới bạn đọc.

Hưng Bùi

Quan chức VN phủ nhận ra lệnh đóng fanpage của báo chí

Trên mạng xã hội, sau khi fanpage của 4 trang tin lớn biến mất, nhiều người phỏng đoán có thể nhà chức trách Việt Nam đã ra lệnh buộc các trang tin phải làm như vậy. (Ảnh minh hoạ)
Trên mạng xã hội, sau khi fanpage của 4 trang tin lớn biến mất, nhiều người phỏng đoán có thể nhà chức trách Việt Nam đã ra lệnh buộc các trang tin phải làm như vậy. (Ảnh minh hoạ)

An Tôn - VOA-08.09.2016 
Các fanpage trên mạng xã hội Facebook của 4 trang tin tức được nhiều người quan tâm ở Việt Nam là Zing News, VnExpress, Dân Trí và Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã không còn tồn tại kể từ chiều ngày 7/9.
Zing News, VnExpress và Dân Trí chưa đưa ra thông báo chính thức về việc fanpage của họ biến mất. Riêng Báo Giáo dục Việt Nam ngày 7/9 đăng trên trang web chính thức của mình thông báo nói họ “quyết định tạm dừng hoạt động trang Fanpage (duy nhất) trên mạng xã hội” từ sáng cùng ngày. Trong thông báo, họ nêu lý do phải quyết định như vậy vì “nguồn lực về con người và vật chất hạn chế để có thể kiểm soát tất cả các bình luận trên trang Fanpage của Báo”.
Báo Giáo dục Việt Nam cho biết thêm động thái của họ có mục đích vừa “để ngăn chặn những sự việc đáng tiếc có thể xảy ra” vừa để “chấp hành những cảnh báo của các cơ quan chức năng đối với các cơ quan báo chí trong việc vận hành các Fanpage trên mạng xã hội”.
Báo Giáo dục Việt Nam lâu nay được nhiều bạn đọc coi là một trang tin “mạnh miệng” khi nói về các vấn đề chính trị, xã hội, chủ quyền và quan hệ quốc tế của Việt Nam. Các bài báo hoặc bình luận của báo thường nhận được nhiều bình luận của độc giả với những lời lẽ táo bạo.
Trên mạng xã hội, sau khi fanpage của 4 trang tin lớn biến mất, nhiều người phỏng đoán có thể nhà chức trách Việt Nam đã ra lệnh buộc các trang tin phải làm như vậy.
Một số người còn cho rằng sự việc này liên quan đến quyết định trước đó vào ngày 6/9 của Bộ Thông tin-Truyền thông về thu hồi thẻ nhà báo, cảnh cáo hoặc giáng chức đối với 4 nhà báo tại các báo Infonet và Dân Trí. Các nguồn trên mạng xã hội nói các ông Lương Tân Hương, Phạm Phúc Hưng, và Nguyễn Đình Hưng bị kỷ luật vì đã để lọt những “bình luận khủng khiếp” trên fanpage của họ trong những bài nói về “chủ trương, chính sách của đảng và nhà nước”.
VOA đã liên lạc với ông Nguyễn Thái Thiên, Phó Cục trưởng Cục Báo chí, Bộ Thông tin-Truyền thông Việt Nam, để xác minh.
Ông Thiên nói:
“Bây giờ là tôi đang đi công tác. Cho đến thời điểm này là tôi không nhận được một cái sự chỉ đạo của cấp trên để yêu cầu các báo cho đóng các fanpage lại cả. Tôi chưa nhận được cái chỉ đạo nào như thế cả. Tôi nghĩ rằng việc đó là do các báo họ quyết định thôi, người ta quyết định thôi. Chứ còn không có sự chỉ đạo nào như thế cả”.
Hồi tháng 4 năm nay, phúc trình thường niên về tự do báo chí thế giới của Tổ chức Phóng Viên Không Biên Giới vẫn xếp hạng ở vị trí rất thấp là 175/180. Tổ chức này nói dù vẫn giữ nguyên vị trí song tình trạng tự do báo chí ở Việt Nam có phần tệ hơn năm ngoái nữa. Một đại diện của tổ chức nói rằng “thông tin độc lập cũng như thông tin tự do là những cái không thể có trong một xã hội nằm dưới sự kiểm soát của một đảng cộng sản như Việt Nam”.

Nếu Trịnh Xuân Thanh bỏ trốn, ai sẽ phải chịu trách nhiệm?

Chỉ ít ngày sai ngày quốc khánh 2/9 năm 2016, báo chí nhà nước bất ngờ tỉnh ngủ với thông tin ông Trịnh Xuân Thanh làm đơn ra đảng, còn mạng xã hội sôi trào với cả tin này lẫn tin ông Thanh có khả năng đã đào tẩu ra nước ngoài.
Trịnh Xuân Thanh và lý do ra khỏi đảng. (Hình: Dân Làm Báo)
Thông tin trên phát ra vào ngày 7/9. Nhưng trước đó 2 ngày, bất thần xuất hiện tin về ông Dương Chí Dũng – một phạm nhân đình đám về tham nhũng đang thụ án trong trại giam của Bộ Công an – đã bất ngờ “chết trong trại giam”.
Cần chú ý là tin tức về Trịnh Xuân Thanh ra đảng đã xuất hiện trên mạng xã hội trước, sau đó được nhiều tờ báo nhà nước xác nhận. Tuy nhiên, báo nhà nước không đăng tải một bản báo cáo của ông Trịnh Xuân Thanh gửi cho Ủy ban Kiểm tra đảng trung ương, trong lúc mạng xã hội lại nhận được một nguồn gửi nặc danh báo cáo này và cho đăng phát rộng rãi.
Bản báo cáo của ông Trịnh Xuân Thanh được phát trên mạng xã hội có 2 nội dung rất đáng chú ý: ông Thanh xin ra khỏi đảng là “vì không tin vào sự chỉ đạo của đồng chí Tổng bí thư”, tức ông Nguyễn Phú Trọng, và cho biết thêm rằng “để đảm bảo an toàn cho bản thân, tôi đã xin nghỉ phép để đi chữa bệnh ở nước ngoài”.
Trước khi xuất hiện báo cáo trên của ông Thanh, báo Thanh Niên tường thuật rằng ông Thanh đã gọi điện cho phóng viên báo này để bộc lộ phản ứng về một số vấn đề mà theo ông Thanh, các cơ quan kiểm tra đảng đã kết luận sai về ông. Tuy nhiên khi phóng viên hỏi ông Thanh đang ở đâu thì ông không cho biết, mà chỉ nói ông đang điều trị bệnh gout.
Hành động gọi điện cho phóng viên đã cho thấy ít nhất một điều: nếu ông Trịnh Xuân Thanh thực sự bị công an bộ bắt giữ hoặc bị câu lưu ở một nơi nào đó thì đã rất khó có thể gọi điện thoại thoải mái ra ngoài như thế. Biểu hiện này cũng dẫn đến một giả thiết được nhiều người tin là có thể ông Trịnh Xuân Thanh chưa bị bắt giữ hoặc bị câu lưu, mà đang “ngoài vòng pháp luật”.
Tuy chưa thể kết luận được bản báo cáo xin ra khỏi đảng ký tên Trịnh Xuân Thanh là xác thực hay không, người ta vẫn có thể liên hệ lại một báo cáo dài đến 12 trang ký tên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng gửi cho trang Ba Sàm chỉ vài tháng trước khi đại hội 12 của đảng cầm quyền diễn ra, trong đó giải trình 12 điểm. Báo cáo này đã gây sôi dộng dư luận và sau đó được nhiều nguồn tin xác nhận là báo cáo thực chứ không phải giả mạo. 
Nếu bản báo báo ký tên Trịnh Xuân Thanh được gửi cho một số trang mạng xã hội và đăng tải vào ngày 7/9/2016 là thực, điều này xác nhận rằng ông Thanh nhiều khả năng hiện ở một chỗ đủ an toàn để viết thư, gọi điện và phản ứng với Tổng bí thư Trọng – người muốn bắt ông. Nơi an toàn đó rất thường là phải ở nước ngoài.
Và nếu quả ông Trịnh Xuân Thanh đã trốn ra nước ngoài, một vụ Dương Chí Dũng đào tẩu có khả năng lặp lại. Cần nhớ rằng trước đây Dương Chí Dũng khai đã được một quan chức cao cấp lộ tin về “sắp bị bắt” nên đã có đủ thời gian trốn thoát. Còn với Trịnh Xuân Thanh, liệu kịch bản “bắn tin” có hay không và nếu có thì xảy ra như thế nào? 
Chỉ biết rằng, có nhiều khả năng Trịnh Xuân Thanh không còn nằm trong tay Nguyễn Phú Trọng, không còn là điểm nhấn mà ông Trọng có thể dùng để “nhân điển hình tiên tiến” cho công cuộc được coi là “chống tham nhũng” mà ông đang khởi sự, và do đó cũng đang tước đi một điểm hết sức quý giá mà Tổng bí thư Trọng muốn vớt vát lại uy tín của đảng trong “quần chúng và cán bộ đảng viên”.
Tiếp sau hàng loạt vụ bê bối trong đảng mà gần nhất là vụ quan chức bắn nhau (hoặc “cả ba bị bắn”) ở Yên Bái, đảng đang phải đối mặt với một scandal lớn trong nội bộ mang tên Trịnh Xuân Thanh. Nếu quả ông Thanh đã trốn ra nước ngoài, một chiến dịch điều tra cấp tốc và rộng lớn sẽ phải được đảng tiến hành để truy tìm ông Thanh, trong đó sẽ phải đặc biệt truy xét xem ai, những ai, cơ quan nào đã có thể tiết lộ tin cho ông Thanh bỏ trốn, hoặc thậm chí còn giúp cho ông Thanh bỏ trốn ra nước ngoài…
Chưa kể vụ đào tẩu trên liệu có mối liên đới nào với “cái chết bất ngờ trong trại giam” của phạm nhân Dương Chí Dũng…
Lê Dung / SBTN

Linh Mục Đặng Hữu Nam kêu gọi toàn dân hợp lực đưa Formosa ra tòa

Vào ngày 7/9/2016, trên Youtube xuất hiện một đoạn clip dài hơn 7 phút của Linh Mục Anton Đặng Hữu Nam, kêu gọi tất cả các đảng phái, tổ chức dân sự chung tay khởi kiện Formosa ra tòa.
Linh mục Anton Đặng Hữu Nam đã từng nói: "Đừng bao giờ tin Cộng sản". Ảnh: Internet

Linh mục Anton Đặng Hữu Nam là người không còn quá xa lạ đối với nhà cầm quyền CSVN. Giáo xứ Phú Yên (xã An Hòa, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An) nơi ông cai quản luôn đi đầu trong việc xuống đường biểu tình chống lại nhà cầm quyền CSVN sau thảm họa cá chết hàng loạt. Chính vì những hoạt động của mình, linh mục Nam đã nhiều lần bị mật vụ, công an CSVN đánh đập và bắt cóc. Những mưu hèn kế bẩn của nhà cầm quyền CSVN không những không làm cho linh mục Nam run sợ, mà ngược lại còn hun đúc thêm quyết tâm của ông. Mới đây, linh mục Nam đã cho đăng tải đoạn clip kêu gọi các tổ chức dân sự, người dân chung tay khởi kiện Formosa.
Trong đoạn clip, linh mục Anton Đặng Hữu Nam thẳng thừng nói Formosa đã gây ra "thảm họa kinh hoàng" khiến cho người dân hoang mang, lo lắng. Formosa đã khiến cho hàng trăm ngàn người dân tại 4 tỉnh duyên hải miền Trung Việt Nam, gồm: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế mất đi nguồn sống. Chẳng những vậy, niềm tin của họ vào con người, vào chính quyền cũng mất đi.
Trước những thảm trạng do Tập đoàn Gang thép Hưng Nghiệp Formosa gây ra cho dân chúng, nhưng nhà cầm quyền CSVN vẫn vô cảm, dàn xếp để Formosa tiếp tục hoạt động tại VIệt Nam. Thật tàn nhẫn, họ còn khuyến khích, chiêu dụ người dân ăn các loại hải sản ngay trong thời điểm bị nhiễm độc. Biết bao người vì đã nghe lời lãnh đạo CSVN phải vào bệnh viện và mang trong người những mầm độc do Formosa thải ra. Lãnh đạo chính quyền CSVN chỉ cố tìm cách giữ cho được chiếc ghế của mình, trong khi đảng cầm quyền loay hoay giữ đảng.
Đứng trước thảm cảnh của người dân ở miền Trung, rất nhiều đồng bào trong nước xuống đường để hiệp thông, chia sẻ những thống khổ mà người dân miền Trung đang gánh chịu. Chính quyền CSVN lại cho lực lượng công an, mật vụ bắt bớ, đánh đập người dân.
Chính quyền CSVN còn dùng các cơ quan truyền thông, sử dụng đài truyền hình quốc gia làm cái loa tuyên truyền để xuyên tạc sự thật, bôi nhọ, mạ lị Đức Cha Nguyễn Thái Hợp, Giám Mục Giáo Phận Vinh.
Bản thân linh mục Anton Đặng Hữu Nam đã rất nhiều lần dâng lễ, thắp nến cầu nguyện, xuống đường biểu tình để phản đối Tập đoàn Formosa cùng chính quyền CSVN bao che cho tội ác của Formosa.
Trong đoạn clip được đăng tải trên Internet, Linh mục Nam cho biết ông đang hoàn tất hồ sơ để khởi kiện Formosa. Đồng thời ông cũng yêu cầu 4 điều sau:
- Formosa phải đề bù thỏa đáng thiệt hại cho người dân.
- Formosa phải cải tạo, trả lại biển sạch cho nước Việt Nam.
- Formosa phải đóng cửa, ngưng mọi hoạt động ngay lập tức, rút khỏi Việt Nam
- Khởi tố Formosa và những cá nhân tập thể đã chung tay sát hại môi trường biển Việt Nam.
Chỉ gói gọn trong hơn 7 phút, nhưng những phát biểu của linh mục Anton Đặng Hữu Nam như là một bản cáo trạng đanh thép tố cáo tội ác của nhà cầm quyền CSVN và tập đoàn Formosa.
Ngọc Quân/SBTN

Mụ cộng này ác ghê!

Hạ Trắng (Danlambao) - Cuộc chiến đả muỗi diệt ruồi giữa các đồng chí trong nội bộ đảng ta diễn ra ngày càng khốc liệt. Một trong những chiến công lẫy lừng không thể không kể đến là vụ bắt giam đồng chí Châu Thị Thu Nga - nguyên ĐBQH khóa 13.

Đồng chí Châu Thị Thu Nga, sinh 1965. Nghề nghiệp và chức vụ của đồng chí gồm: Phó trưởng ban điều hành mạng các sàn giao dịch BĐS VN khu vực miền Bắc - Cục Quản lý nhà và thị trường Bất động sản - Bộ Xây dựng. Chủ tịch CLB vườn ươm doanh nhân - Hội LHTN thành phố Hà Nội, Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Công ty CP Tập đoàn đầu tư xây dựng nhà đất; Ủy viên Ban Thường trực nhóm nữ ĐBQH Việt Nam; Thành viên Tổ chuyên gia liên ngành - Ban chỉ đạo TƯ về chính sách nhà và thị trường Bất động sản; Ủy viên thường vụ BCH hiệp hội Bất động sản Việt Nam; Ủy viên tổ chức Nghị sỹ hữu nghị Việt Nam - Cộng hòa LB Đức; Phó Chủ tịch Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi TP Hà Nội; Ủy viên Uỷ ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội.

Đại biểu Quốc hội khóa XIII; Đại biểu Hội đồng Nhân dân: Đại biểu HĐND cấp quận (2004-2011); Đại biểu HĐND Tp Hà Nội (2011-2016)…

Sở dĩ phải để dấu ba chấm đằng sau khi liệt kê các loại nghề nghiệp chức vụ của đồng chí là vì nếu không nằm trong kế hoạch đả muỗi diệt ruồi thì cơ hội thăng tiến của đồng chí ấy còn bay cao, bay xa hơn nữa. Đùng một cái, ngày 7/1/2015, đồng chí Châu Thị Thu Nga bị bắt. Đồng chí bị tố lừa đảo hơn 100 tỉ đồng của 221 khách hàng. Tháng 6/2015, đồng chí bị bãi nhiệm tư cách ĐBQH với 461 phiếu đồng ý và 5 phiếu không đồng ý. Tức là các nghị gật đã thể hiện quyết tâm rất cao nhằm bảo vệ uy tín và sự trong sạch của đảng ta và Cuốc hội ta.

Thực ra thì cái việc lừa đảo chiếm đoạt tài sản đâu chỉ mình đồng chí Nga là có thành tích. Tất tần tật các đồng chí còn lại cũng rứa, (nếu không thì làm sao chen chân vào băng đảng mang tên “Quốc hội” được cơ chứ). Mỗi thành tích cá nhân gộp vào cũng trở nên thành tích vang dội của toàn đảng toàn quân ta trong sự nghiệp đục khoét cắt mạng nhân dân và dâng nước ta cho Tàu. Cái sự đáng bàn ở đây là đồng chí Nga đã không biết hy sinh cho đại cục, che chắn cho đảng ta và các đồng chí khác. Ngồi trong nhà đá mà đồng chí Nga lú lẫn đi khai với các đồng chí côn an rằng đã “chi 1,5 triệu USD lo thủ tục ứng cử ĐBQH khóa 13”. Thế này thì có chết không cơ chứ.

Để đối phó với nguy cơ bị xì, đồng chí Nguyễn Hạnh Phúc, Tổng thư ký Cuốc hội đã phủ đầu cánh báo chí rằng "Việc này chưa kiểm chứng, nhưng tôi nghĩ rằng đây có thể chỉ là cách để lý giải số tiền ấy đã đi đâu, họ tiêu cá nhân cái nọ cái kia rồi thì biết làm sao được. Cơ quan điều tra đang làm, chưa có thông tin". Đồng chí Hạnh Phúc nói như thế bên lề hội nghị ĐBQH chuyên trách sáng nay 8/9/2016. Đồng chí còn định hướng công tác điều tra rằng cựu đồng chí Châu Thị Thu Nga “tiêu cái nọ cái kia” chứ nhất định là không phải dùng 1,5 triệu USD cho việc mua ghế trong Cuốc hội.

Bên cạnh việc khẳng định đảng ta nhất mực trong sạch, đồng chí Hạnh Phúc cũng vô tình để lộ chút ít về quy trình chạy ghế vào cơ quan quyền lực cao nhất của nhà nước rằng “30 tỷ đồng là rất nhiều, rải đi đâu hết chỗ này, trong khi nếu chạy thì chỉ có mấy chỗ”.

Thưa đồng chí Tổng thư ký Cuốc hội, cái “chỉ có mấy chỗ” mà đồng chí băn khoăn, nó là những chỗ này: Đồng chí Tổng Bí Thư và bộ sậu; đồng chí Chủ tịch nước và bộ sậu; đồng chí Thủ tướng và bộ sậu, đồng chí Chủ tịch Cuốc hội và bộ sậu; một vài đồng chí bộ trưởng; một vài thành phần ban bệ liên quan đến công tác nhân sự khác của đảng.

Đấy, chỉ có mấy chỗ ấy thôi chứ có nhiều nhặn gì đâu. Nhưng toàn những cái thùng không đáy, nên càng nhiều tiền càng tốt, bao nhiêu cũng nhận và không có không được. Dù đồng chí Châu Thị Thu Nga hay những đồng chí mua ghế khác không trực tiếp đưa tiền tận tay cho các đồng chí vừa kể trên, thì vẫn phải tuân thủ đúng nguyên tắc trong trò chơi kinh doanh quyền lực thời đồ đều này đấy đồng chí Hạnh Phúc ạ. Và một trong những kẻ kiếm lợi nhuận không nhỏ trong các phi vụ tương tự, không thể không có tên đồng chí. Leo đến tận chức Tổng thư ký Cuốc hội cơ mà, đâu phải chuyện giỡn.

Mới ở khâu “lo thủ tục ứng cử” thôi mà đã chi 1,5 triệu USD, đến khi thành sự, chắc số tiền phải cao gấp mấy lần đấy chứ. Còn vì sao mà các đồng chí đảng ta lắm tiền nhiều của như thế, chắc khỏi phải nói toẹt ra đây thì thiên hạ cũng biết cả.

Rồi đồng chí Tổng thư ký Cuốc hội cũng quán triệt rằng phải làm tốt công tác thẩm tra, công tác hiệp thương, quản lý hồ sơ lý lịch của ĐBQH. Đồng chí cứ vẽ chuyện. Đâu có giống xứ tư bản giãy chết, người dân được quyền tự do ứng cử và bầu cử. Ở xứ ta, muốn lên thiên đường xã hội chủ nghĩa thì đảng ta đã tuân thủ đúng nguyên tắc đảng cử dân bị lùa đi bầu. Chính vì như thế mà từ ngày có đảng quang vinh muôn năm lãnh đạo, dù dân ta không hề phấn khởi hồ hởi nhưng kỳ nào cũng đạt chín mươi mấy thậm chí một trăm phần trăm cử tri cả nước đi bầu. Còn về lý lịch thì cứ đồng chí nào nhiều tiền, thêm thành tích trong quá khứ tố cha tố mẹ, tố vợ tố chồng như thời cải cách ruộng đất, hoặc càng hèn với giặc ác với dân là đủ tiêu chuẩn, có gì đâu mà phải bàn. 

Nghe đồng chí Hạnh Phúc khua môi múa mép mà phát ớn. Nhưng nói thật, bây giờ nghĩ đến số phận đồng chí Châu Thị Thu Nga trong nhà đá, ăn cơm cân mặc áo số mà lo. Chả biết đồng chí ấy còn phun ra những đồng chí nào đang nấp trong đống rơm nữa không. Nếu đồng chí ấy không biết điều mà nâng cái đại cục lên hàng đầu, thì đồng chí ấy đáng bị các đồng chí đồng rận bịt miệng vĩnh viễn lắm. Rồi cũng chả ai khóc thương, thậm chí còn bị chửi “Con cộng cái ác ghê, dám khai tụi tao. Cho đáng đời!”

8.9.2016

Tại sao đảng tốt mà dân bỏ đi?

Phạm Trần (Danlambao) - Bấy lâu nay, mỗi lần kỷ niệm cuộc “gọi là” Cách mạng mùa Thu 1945 (19/08/1945), Ban Tuyên giáo đảng lại nhắc nhở báo đài nhà nước đừng quên mài chữ, uốn lưỡi và tăng giờ lao động để bảo vệ cho bằng được món đặc sản “Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo Nhà nước và xã hội là sự lựa chọn tất yếu của lịch sử.”

Nhưng có ai biết tại sao cho đến bây giờ, sau 70 năm có Chính phủ đầu tiên do đảng kiểm soát (1946) và 86 năm đảng Cộng sản được ông Hồ Chí Minh thành lập (1930) mà các cơ quan tuyên truyền của nhà nước vẫn còn phải bươn chải khổ sở về chuyện tự cho mình chính danh, chính phận này không?

Thưa “rằng thì là”, vì chuyện lịch sử chọn đảng Cộng sản lãnh đạo đất nước chỉ là món hàng tự biên và tự diễn của đội ngũ của những cái đầu óc ít bùn nhiều của đảng Cộng sản Việt Nam.

Cuộc tranh cãi có thể sẽ kéo dài đến tận chân mây nếu có ai cắc cớ muốn hỏi người Cộng sản: ngày 18 tháng 9 năm 1945 là “ngày cách mạng” hay “ngày cướp chính quyền” từ tay Chính phủ Trần Trọng Kim?

Làm theo chỉ thị đảng, Dư luận viên Trần Văn Huyên viết trên báo Quân đội Nhân dân ngày 29/08/2016: "Những ngày gần đây, khi cả nước thực hiện các hoạt động kỷ niệm 71 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9 thì trên một số mạng xã hội, các phần tử cơ hội về chính trị lại tiếp tục tán phát những bài viết có nội dung tuyên truyền, nói xấu chế độ, phản đối chủ trương, đường lối của Đảng, đòi xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội. Chúng cho rằng: “Đảng Cộng sản Việt Nam là trở ngại duy nhất cho dân tộc và nền dân chủ chân chính của nhân dân” v.v... Tóm lại, họ muốn Đảng Cộng sản Việt Nam thôi giữ vai trò lãnh đạo Nhà nước và xã hội Việt Nam, nhường quyền lãnh đạo dân tộc cho một “lực lượng chính trị mới”.

Chắc nhóm “chuyên cãi lấy được” của Tổng cục chính trị Quân đội Nhân dân chỉ còn một con mắt nên không thấy đất nước đang đi về đâu sau 71 năm đảng nắm quyền cai trị độc tôn. Những người “bảo hoàng hơn vua” này cũng chưa hiểu được giá trị của dân chủ và tự do đã giúp các nước trong khu vực, kể cả hai nước Lào và Cao Miên từng bị Việt Nam coi thường, đã qua mặt Việt Nam trong nhiều lĩnh vực, nhất là về xây dựng và phát triển.

Về chính trị, Lào giống như Việt Nam, chỉ có một đảng cầm quyền là Đảng Nhân dân Cách mạng Lào. Chịu ảnh hưởng toàn diện, nhất là về chính trị và kinh tế của Trung Quốc. Nhưng Cao Miên có tới 15 đảng chính trị. Hai đảng có thế lực trong chính quyền hiện nay là Đảng Nhân dân Campuchia do Thủ tướng Hun Sen cầm đầu. Đảng này có 46/57 ghế tại Thượng viện và 68/123 ghế tại Hạ viện.

Đảng đối lập Cứu nguy dân tộc Campuchia do ông Sam Rainsy lãnh đạo chiếm 11/57 ghế Nghị sỹ và 55/123 ghế trong Hạ nghị viện.

Ông Hun Sen cũng lệ thuộc và chịu ơn Trung Quốc nặng nề nên đã ngả theo Bắc Kinh trong chuyện tranh chấp ở Biển Đông để tránh họa Việt Nam khiến cả khối các nước Đông Nam Á (khối ASEAN) và Việt Nam nổi điên. Tuy nhiên ông ta đã thức thời khi để cho 12 báo, phần lớn độc lập và tự do, phát triển khác với Việt Nam chỉ có báo đài của nhà nước độc quyền thông tin để kiểm soát dự luận quần chúng.

Vì vậy, người dân chả biết ai mà hỏi hay được phép chất vấn khi thấy Dư luận viên Trần Văn Huyên múa tiếp trên báo báo QĐND rằng: "Trước hết cần khẳng định rằng, Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo Nhà nước và xã hội là sự lựa chọn sáng suốt của lịch sử. Việc Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo cách mạng Việt Nam là sứ mệnh lịch sử mà dân tộc, giai cấp công nhân, nhân dân lao động trao cho Đảng."

Nhưng “lịch sử nào” và “của ai” nếu không phải là thứ đảng nói, đảng nghe và đảng làm để tự vinh danh mình, và tự đeo vòng Nguyệt quế vào cổ cho mình quyền cầm đầu nhân dân mà chả có ai “trao cho Đảng” bầu đảng lên lãnh đạo cả!

Điều rõ ràng nhất là từ xưa cho đến bây giờ, nhân dân chưa bao giờ trao quyền lãnh đạo đất nước cho đảng, nói chi đến chuyện tổ chức bầu cử cấp nhà nước.

Các cuộc gọi là bầu cử Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp từ mấy chục năm nay đều do đảng chọn người của đảng hay tổ chức do đảng lập ra cho dân bỏ phiếu chứ có tổ chức nhân dân nào, ngoài những người của đảng, được phép ra tranh cử đâu.

Bằng chứng như trong cuộc bầu cừ Quốc hội khóa XIV ngày 22/5/2016, đảng đã loại bỏ tất cả các ứng cử viên độc lập có máu mặt, điển hình như Tiến sỹ Nguyễn Quang A, Tiến sỹ Lê Văn Diện và nhiều Nghệ sỹ nổi tiếng khác như Ca sỹ Mai Khôi và Danh hài Vượng Râu.

Vì vậy, sự mạo nhận “đại diện cho dân” của 494 Đại biểu Quốc hội, thay vì 500 như dự kiến của đảng, chỉ là những “cán bộ lập pháp” của đảng mà thôi.

Do đó tư cách chính danh gọi là lãnh đạo cuộc “cách mạng” 19/8/1945 của đảng CSVN và của ông Hồ Chí Minh chẳng qua cũng chỉ mạo nhận trên danh nghĩa.

Hãy nghe Giáo sư Tiến sỹ ngành Xây dựng Nguyễn Đình Cống, một nhân sỹ nổi tiếng trong nước viết về ngày gọi là “cách mạng 19/08/1045".

Ông kể: "Đêm 9 tháng 3- 1945 Nhật đảo chính Pháp. Trên đất VN không còn một người Pháp cai trị. Ngày 11 -3 vua Bảo Đại tuyên bố Việt Nam độc lập, xóa bỏ mọi hiệp ước đã ký với Pháp. Tháng 4- 1945 giải tán Triều đình phong kiến với các Thượng thư, lập Chính phủ do Thủ tướng Trần Trọng Kim đứng đầu và các Bộ trưởng. Ngày 15 – 8 Nhật đầu hàng Đồng minh. Ngày 17 – 8 Chính quyền Hà nội tổ chức Mit tinh, treo Cờ Quẻ Ly để chào mừng nước Việt Nam độc lập. Cuộc mit tinh này đã bị người của VM cướp đoạt, hạ cờ Quẻ Ly xuống, giương Cờ đỏ sao vàng lên và kêu gọi đi theo VM."

Chuyện này, các nhà khoa học và lịch sử đã tốn nhiều giấy mực và sức khỏe tranh biện mà vẫn chưa xong. Hãy nghe tiếp những lời đanh thép của Giáo sư Nguyễn Đình Cống: "Một số người lập luận rằng nếu không có đảng CS lãnh đạo làm CM tháng 8 thì đất nước VN không có được như ngày nay. Đó là một kiểu ngụy biện. Và ngày nay của VN như thế nào, có đáng mơ ước và tự hào không. Nếu năm 1945 những người theo Đảng làm CM tháng 8 biết được tương lai của VN sau 70 năm sẽ như bây giờ, rất nhiều giá trị bị đảo ngược, nếu họ biết Tổng bí thư Đảng CSVN Nguyễn Văn Linh nói: "Biết đi với Trung quốc thì mất nước, nhưng mất nước còn hơn mất Đảng" thì liệu có bao nhiêu người hăng hái theo Đảng, hy sinh cho Đảng. Hà Sĩ Phu (Nguyễn Xuân Tụ, Tiến sỹ Sinh học) bình luận câu nói của ông Linh là rất dại, rất ngu, rất phản động. Thực ra rất đau xót và nhục nhã cho dân tộc vì con đường đi với Trung quốc đó đang được một số người có chức quyền ra sức thực hiện chỉ vì lợi ích nhóm của ĐCS, còn một số khá đông khác thuộc nhân dân thì vì sợ đủ mọi thứ mà chịu yên lặng, chịu hèn yếu chấp nhận sự hủy hoại, sự diệt chủng do Trung cộng gây ra cho dân Việt một cách từ thâm trầm đến ào ạt."

Tại sao ra đi?

Như vậy, những người làm công tác tuyên truyền cho đảng có thấy nước đã mất vào tay Trung Quốc từ thời Nguyễn Văn Linh (1986-1991), hay biết mà không dám hé răng để cam tâm hèn hạ cho dạ dầy được no? Và từ đó đến nay, qua các triều đại nối nghiệp Nguyễn Văn Linh gồm Đỗ Mười, Lê Khả Phiêu, Nông Đức Mạnh và bây giờ đến phiên Nguyễn Phú Trọng, nhân dân Việt Nam có biết đã bị đảnh đánh lừa đến mức độ nào không?

Những gì đang diễn ra ở Việt Nam cho thấy hàng ngũ lãnh đạo Việt Nam không dám bỏ Trung Quốc để chọn tương lai cho dân tộc mà chỉ biết dựa vào Bắc Kinh để củng cố quyến lực và danh vọng.

Đó là lý do tại sao người dân Việt Nam đã tìm mọi cách để ra đi.

Có rất nhiêu lý do không ai muốn sống ở Việt Nam, nhưng có thể thu ngắn lại mấy nguyên do sau đây:

- Không có tự do, dân chủ.

- An ninh cá nhân không được bảo vệ.

- Tình hình kinh tế bấp bênh và tồn tại tùy vào những kẻ có chức và có quyền.

- Tệ nạn tham nhũng đã hết thuốc chữa. Cá lớn bắt nạt cá bé. Tổng Bí thư đảng Nguyễn Phú Trọng từng nói bây giờ cái gì cũng tiền, không tiến không xong!

- Bất công, tội phạm xã hội, mức độ ô nhiễm không gian, nước uống và an toàn thực phẩm, có sự tiếp tay của con buôn Trung Quốc và sự bất cẩn, ích kỷ của người Việt, không còn kiểm soát được nữa.

Vì vậy, tại cuộc họp của Quốc hội ngày 01/04/2016, Đại biểu Luật sư Trương Trọng Nghĩa của Thành phố Hồ Chí Minh đã nói như đang khóc: "Tại sao trí thức giỏi không về nước làm việc, doanh nhân giỏi muốn bỏ nước ra đi? Tại sao cán bộ về hưu hay đương chức tìm cách cho mình hay con cháu mình ra định cư ở nước ngoài?".

"Không phải vì đất nước nghèo mà vì họ cảm thấy không vui, không an toàn về pháp lý, các quyền tự do dân chủ không được đầy đủ và lo sợ đất nước bị lệ thuộc. Điều này ai cũng thấy cũng biết!"

“Lệ thuộc” ở đây là lệ thuộc vào Trung Quốc. 

Tại sao, lời giả trình của Ông Nghĩa được báo Tuổi Trẻ online tường thuật lại: "Nói về nỏ thần, ông nhắc lại hai câu thơ của Tố Hữu trong bài thơ “Tâm sự”, được sáng tác năm 1967: "Nỏ thần vô ý trao tay giặc/Nên nỗi cơ đồ đắm biển sâu...". Nhưng ở hội trường Diên Hồng của Quốc hội, ông mạn phép được sửa lại cho phù hợp với tình hình đất nước, thành: "Nỏ thần chớ để sa tay giặc/Mất cả đất liền, cả biển sâu".

Rồi Ông đề nghị phải xác định đúng: ta, bạn, thù. Ông phân tích: "Ta là dân tộc Việt Nam đang sống ở Việt Nam và hải ngoại, ta là nhân dân ta. Bạn là những ai ủng hộ nước Việt Nam toàn vẹn lãnh thổ chủ quyền, giàu mạnh, dân chủ, công bằng văn minh".

"Thù là thế lực thù địch, cản trở đổi mới, cản trở phát triển, xâm hại lợi ích quốc gia dân tộc, làm cho nước ta suy yếu, lệ thuộc nước ngoài, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân, phá hoại an toàn và an ninh của đất nước."

Và để ngăn chặn làn sóng người bỏ nước ra đi, Luật sự Nghĩa nói với Quốc hội: "Phải bảo đảm cho người dân nếu chưa giàu thì cũng phải được tự do dân chủ, an toàn, an ninh và công lý, được xã hội quan tâm, sống với nhau có tình nghĩa, đạo đức tốt đẹp. Nhân dân tự hào về người Việt Nam, nước Việt Nam, cho dù chúng ta còn nghèo và chưa phát triển" (Báo Tuổi Trẻ online, 01/04/2016)

Đưa nhau ra nước ngoài

Bằng chứng cho chuyện đảng viên có tiền nhiều của bỏ nước sang Mỹ, cựu thù của CSVN, không có gì muối mặt cho đảng bằng bài viết mang tựa đề "Khu định cư mới của “việt cộng” ở Quận Cam USA” của Nhạc sỹ nổi tiếng Tuấn Khanh.

Bài viết phổ biến trên Internet bắt đầu: "Trên con đường dài dẫn ra biển Hungtington Beach, Quận Cam, có những khu nhà rất đẹp mà chủ hầu hết là người Việt. Họ là những người rất trẻ, hoặc đó là những gia đình bình thường nhưng sống khép kín. Bạn tôi, một người đã sống ở nơi này, gần bằng thời gian của thế hệ người Việt đầu tiên đặt chân đến Mỹ sau tháng 4/1975, nói rằng đó là những khu định cư mới của “Việt cộng”."

Những ngôi nhà đó được mua rất nhanh trong khoảng vài năm gần đây – mỗi căn từ 450.000 cho đến hơn 1 triệu USD, cho thấy có một nguồn ngoại tệ khổng lồ được chuyển ra khỏi nước Việt Nam, để xây dựng một ước mơ thầm kín và khác biệt bên ngoài tổ quốc của mình. 

Phần lớn những người này đều nói giọng miền Bắc, mới. Họ có một lối diễn đạt thời thượng thật dễ gây ấn tượng. Anh bạn tôi, một người làm real estate - môi giới mua bán bất động sản ở Mỹ - kể lại cuộc trò chuyện với một khách hàng như vậy, và được biết nhà được mua ngay bằng tiền mặt, mà người khách dằn giọng “tiền tươi!”."

Nhưng những “cán bộ chạy làng, bỏ đảng” không chỉ muốn đến quận Cam, nơi định cư của vài trăm nghìn người Việt ra đi từ năm 1975, mà nhiều nơi khác trên đất Mỹ.

Nhạc sỹ Tuấn Khanh viết tiếp: "Không chỉ ở nơi đó, nhiều năm gần đây, cộng đồng Việt Nam ở Texas cũng hay nói với nhau rằng khu Bellaire đang ngày càng nhiều những người chạy khỏi Việt Nam hợp pháp như vậy. Thậm chí, không chỉ xuỳ tiền nhanh để mua nhà – lớp người này rất nhiều tiền – họ mua luôn các cơ sở thương mại. Từ các tiệm nail với giá vài chục ngàn cho đến các siêu thị giá trên chục triệu USD, một thế hệ khác chính kiến, khác tư duy đang len lỏi vào các cộng đồng Việt Nam chống Cộng để mong an cư và sinh tồn. Nơi quần cư cho tiếng Việt, văn hóa Việt không chấp nhận chế độ cộng sản mà nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng từng gọi là “một Việt Nam bên ngoài Việt Nam”."

Chuyện ca sỹ Mỹ Lệ

Nhưng ra đi không chỉ là chạy thoát của riêng cán bộ, đảng viên để bảo vệ tài sản vơ vét được bằng mọi cách ở Việt Nam mà còn để bảo vệ tương lai cho bản thân và gia đình.

Câu chuyện gửi 2 con gái tuổi nhỏ sang Đức của gia đình Ca sỹ Mỹ Lệ được cô giải thích với Phóng viên Hoàng Nguyên Vũ của báo Trí Thức Trẻ trong số ra ngày 22/08/2016: "Là một người mẹ không ai muốn xa con, nhất là khi con mới hơn 10 tuổi. Nhưng, chỉ có cách đó, tôi mới bảo vệ được con mình, khi người dân đang đầu độc nhau như thế…"

Lý do Mỹ Lệ đưa ra vì ở Việt Nam bây giờ thực phẩm độc hại, con người bán thực phẩm độc cho nhau và các giá trị về đạo đức và nhân phẩm đã tụt hậu đến mức “phải bỏ chạy”.

Mỹ Lệ nói: "Bạn vào bếp chăm sóc cho gia đình cái ăn từng bữa, bạn sẽ hiểu việc ăn uống không phải là thứ có thể qua loa thế nào cũng được. Nhất là giờ đây, thị trường thực phẩm của Việt Nam đã không còn niềm tin. Gia đình bạn, con bạn sẽ bị đầu độc bất cứ lúc nào. Và đầu độc từ từ. Đó là lý do tôi phải đưa con qua nước ngoài học, để bảo vệ con mình. Chúng sống bên Việt Nam, ăn uống tội quá. Với tình hình thực phẩm kinh khủng như ở Việt Nam thì lũ trẻ sẽ có nguy cơ bị đầu độc từ từ."

Mỹ Lệ còn tiết lộ: "Tôi ít ăn đồ hải sản ở Sài Gòn vì tôi sợ khi chúng về đến Sài Gòn thường phải "ăn" phân đạm để giữ tươi lâu, nhất là mực. Còn những thứ nuôi được thì nỗi sợ dùng thuốc tăng trưởng. Một con heo ngày xưa nuôi 1 năm mới xuất chuồng, giờ chỉ mấy tháng. Các loại cá tôm cũng thế, thu hoạch nhanh chắc chắn sẽ dùng thuốc… Nhưng chứng kiến thực phẩm bẩn thì nhiều. Tôi thực sự thấy sợ. Ở Huế, có những lò bún làm cạnh chuồng heo. Rau để tươi lâu thì chất bừa trong nhà vệ sinh… Người ta làm mọi cách để có thể sinh lời mà không cần biết đồng loại sẽ ăn phải những thứ gì."

Nói về nhà nông, Ca sỹ Mỹ Lệ bảo: "Rất nhiều hộ nông dân trồng rau bán, cái ngạc nhiên là họ biết loại nào độc loại nào không, cái độc thì đem đi bán cho đồng loại.

Chung quy lại, đồng bào ăn phải thức ăn bẩn cũng là do những người đồng bào gần gũi mang lại. Lòng tham đã tạo ra cái ác, và hủy hoại rất nhiều thứ của con người."

Vậy chuyện người Việt ra nước ngoài thấy gì, Mỹ Lệ kể: "Tôi từng đi Nhật, Thái và nhiều nước. Nhật, Thái, tôi từng nhìn thấy những bảng tiếng Việt như: "Không được ăn cắp", "Không được lấy quá nhiều buffet, lấy nhiều phải ăn hết"…, nhìn thấy cảnh đó cũng nhục lắm."

Kể lại vài mẩu chuyện trên đây để ta thấy những lời cảnh giác của Đại biểu Quốc hội, Luật sư Trương Trọng Nghĩa về tình trạng dân bỏ nước ra đi, người đi học không về và thoi thóp sợ bị “lệ thuộc Tầu” của dân không phải là vô tình hay nói cho vui miệng.

Bởi vì ngày nay ai cũng đã thấy xã hội Việt Nam đang xuống cấp, luân thường đạo lý dân tộc bị bạc tiền hóa giải và chỉ có nhà nghèo trong tuyệt đại đa số 90 triệu người dân phải ăn thực phẩm độc hại, uống nước dơ, không được học hành.

Những kẻ lắm tiền nhiều của là thành phần cán bộ có chức có quyền đã tìm mọi cách đem gia đình chạy khỏi Việt Nam sau khi đã vơ vét đầy túi thì đó có phải là “thành tích” sau 30 năm đổi mới, hay cũng là “chọn lựa tất yếu của lịch sử” của đảng và cuộc “cách mạng Tháng Tám 1945”?

Ban Tuyên giáo, Tổng cục chính trị Quân đội và các Dư luận viên thử phản bác nghe coi. -/-

(09/016)

Ai đúng ai sai cả hai đều khổ

Vì Dân (Danlambao) - Mới đây, có tin bà Châu Thị Thu Nga khai đã bỏ ra hơn 33 tỷ để chạy vào ghế Đại Biểu Quốc hội khóa 13 nhà nước CHXHCN Việt Nam. Kỳ bầu cử mà đảng ta cho rằng minh bạch, khách quan và thắng lợi!

Ngay sau đó, đồng chí Nguyễn Hạnh Phúc, Tổng thư ký Quốc hội khóa 13, nhà nước CHXHCN Việt Nam đã thanh minh trước báo chí rằng: "Giờ mời làm đại biểu Quốc hội chuyên trách người ta còn không muốn tham gia, vậy một cá nhân muốn vào Quốc hội để làm gì, có lợi lộc gì không?”


Dựa vào lời khai của bà Nga, ta có thể nhận xét rằng giá ghế Quốc Hội dành cho những kẻ ngủ gật rõ ràng là khá cao. Với 33 tỷ nhân với 493 ghế đại biểu thì sẽ thu về hơn 16 nghìn tỷ, số tiền đó sẽ vào túi ai? Rõ ràng, với lời khai này thì Quốc Hội Việt Nam chẳng khác gì cái chợ.

Do đó, để chứng minh rằng kỳ bầu cử đã thắng lợi một cách trong sạch, hoàn toàn không có vụ 16 nghìn tỷ này thì ông Tổng thư ký lập tức phải đăng đàn. Thế nhưng phần hùng biện của ông này lại càng cho thấy Quốc Hội Việt Nam chỉ là một cái chợ đang bị cảnh sát cơ động dùng dùi cui để di dời. Vì Quốc Hội mà chẳng ai muốn làm đại biểu, mời họ cũng không làm thì còn gì để mô tả nữa?

Thậm chí, khi đọc đến câu: "Một cá nhân muốn vào Quốc Hội để làm gì" của ông Phúc thì tôi tự hỏi, phải chăng trong Quốc Hội Việt Nam toàn là những phe phái, vây cánh lớn, việc theo kiểu bầy đàn, cho nên nếu một cá nhân nào đó lọt vào cũng chẳng thể làm nên trò trống gì?

Hai thông tin hoàn toàn trái ngược theo kiểu ông nói gà bà nói vịt này, cho dù tin nào đúng cũng chứng tỏ cơ quan quyền lực cao nhất nước ta đang là cái chợ. Nên rất có thể một vị lãnh đạo nào đó trong Quốc Hội (chẳng hạn bà Ngân, bà Phóng) sẽ lại phải đưa ra lý giải khác cho hợp lòng dân. Vì vậy, chẳng những bà Hà, ông Phúc khổ, mà lỡ nói ra hai thông tin này thì đã làm khổ cả toàn bộ Quốc Hội Việt Nam. 

Quả thật phải công nhận Quốc Hội khóa 13 là khóa có nhiều phát ngôn lố bịch nhất từ trước đến nay (dù mới chỉ hoạt động hơn ba tháng).

8.9.2016