Thursday, February 14, 2019

Dư luận ‘khinh bỉ’ tướng công an xin tòa án tù treo

Bị cáo Bùi Văn Thành tại phiên tòa sơ thẩm. (Hình: VNExpress)
HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Trung Tướng Bùi Văn Thành, nguyên thứ trưởng Bộ Công An đã làm đơn kháng cáo đề nghị tòa phúc thẩm “xem xét tính chất, mức độ hành vi phạm tội” xin được hưởng án treo.
Theo báo VNExpress, ngày 14 Tháng Hai, 2019, Tòa Án Nhân Dân Hà Nội đã nhận được kháng cáo của ông Bùi Văn Thành (60 tuổi), trung tướng, nguyên thứ trưởng Bộ Công An.
Ông Thành là một trong bốn bị cáo bị đưa ra xét xử tại Tòa Án Nhân Dân Hà Nội cùng với ông Phan Văn Anh Vũ, tức Vũ “Nhôm”( 44 tuổi, ở quận Hải Châu, Đà Nẵng), nguyên thượng tá công an, sĩ quan cao cấp tình báo Việt Nam, cựu chủ tịch Hội Đồng Quản Trị Công Ty Xây Dựng Bắc Nam 79, Công Ty Nova Bắc Nam 79).
Ông Thành đã bị tòa tuyên phạt 2 năm rưỡi tù về tội “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.”
Tại phiên sơ thẩm, ông Thành thừa nhận phạm tội, nhận trách nhiệm về những việc mình đã làm “không phát hiện được những sai phạm nghiêm trọng của Vũ ‘Nhôm’ để báo cáo cấp có thẩm quyền kịp thời ngăn chặn, gây thiệt hại cho nhà nước là hơn 3.5 tỷ đồng ($150,860).”
Cụ thể, ông Thành là người ký công văn đề nghị Sở Tài Nguyên và Môi Trường, Sở Tài Chính Sài Gòn, trình Hội Ðồng Thẩm Ðịnh Giá Nhà Ðất và Ủy Ban Nhân Dân phê duyệt giá bán bất động sản tại số 129 Pasteur, quận 3, Sài Gòn(1 trong 7 dự án nêu trên) hơn 301 tỷ đồng ($12 triệu 974 ngàn). Việc làm này là “không đúng chức năng và thẩm quyền theo quy định.”
Sau đó, mặc dù Tổng Cục IV, Bộ Công An có văn bản phúc trình gửi cho ông Thành về việc giá trị nhà, đất trên chỉ còn hơn 294 tỷ đồng ($12 triệu 672 ngàn), nhưng ông Thành “đã không làm hết trách nhiệm,” không chỉ đạo Tổng Cục IV làm rõ lý do giảm giá nhà, đất này và cũng không chỉ đạo Tổng Cục IV có văn bản thông báo để Tổng Cục V biết, quản lý, theo dõi cơ sở nhà, đất, phục vụ mục đích an ninh.
Trong đơn kháng cáo, ông Thành đề nghị tòa phúc thẩm Tòa Án Nhân Dân Cấp Cao tại Hà Nội “xem xét tính chất, mức độ hành vi phạm tội cũng như nguyên nhân, bối cảnh xảy ra vụ án và cân nhắc cho bị cáo được hưởng án treo.”
Sau khi báo chí loan tin ông Thành kháng cáo đòi án treo, nhiều người dân đã bày tỏ sự tức giận, khinh bỉ.
Bạn Huy Tran bực tức bày tỏ: “Đến giờ vẫn nghĩ là mình vô tội thì bảo sao lúc đương chức cứ vô tư… phạm tội như vậy.”
“Bị phạt 30 tháng tù là quá nhẹ so với tội gây ra. Ấy vậy còn kháng cáo để hưởng án treo. Thế mà bảo ăn năn, hối cải,” bạn Tiến Đạt Nguyễn viết.
Bạn Thuận Nguyễn khinh bỉ: “Ông thì xin đi nước ngoài thăm vợ con, ông thì xin hưởng án treo, tui chả hiểu được mấy ông đang nghĩ gì. Là con người cũng nên có lòng tự trọng.”
Trong khi đó, nhiều người bày tỏ rằng, lợi dụng chức vụ và quyền hạn tiếp tay cho tội phạm để ăn hối lộ, tham nhũng, đề nghị cấp giám đốc cần phải tăng nặng mức phạt ông Thành, kẻ hiểu biết pháp luật mà vẫn vi phạm cho nghiêm minh… (Tr.N)

Nước biển Đà Nẵng lại đen ngòm bốc mùi hôi bất thường

Rác thải cộng tình trạng nước biển đen ngòm đang gây ô nhiễm nặng. (Hình: Người Lao Động)
ĐÀ NẴNG, Việt Nam (NV) – Vệt nước biển kéo dài hơn 4 cây số chạy dọc bãi biễn tại vịnh Đà Nẵng có màu đen, nổi bọt và có mùi tanh bất thường khiến người dân lo lắng.
Trước tình trạng nước bẩn kéo dài gần 4 cây số tại vịnh Đà Nẵng, ông Tô Văn Hùng, giám đốc Sở Tài Nguyên Và Môi Trường Đà Nẵng, chỉ cho biết “đơn vị đang chờ kết quả lấy mẫu.”
Theo báo Người Lao Động, sáng 14 Tháng Hai, 2019, ông Mai Mã, giám đốc Công Ty Thoát Nước Và Xử Lý Nước Thải thành phố Đà Nẵng, cho biết người dân phản ảnh tình trạng nước biển tại khu vực này chuyển thành màu đen và bốc mùi hôi bất thường xảy ra từ chiều ngày 10 Tháng Hai kéo dài đến tận hôm nay.
“Công ty đã tiến hành lấy mẫu tại 3 vị trí bờ biển kéo dài 4 cây số đi qua địa bàn quận Thanh Khê và Liên Chiểu. Kết quả sớm nhất cũng phải 2-3 ngày tới sau khi một đơn vị tiến hành xét nghiệm các mẫu nước để tìm ra nguyên nhân,” ông Mã nói.
Nước ở cửa sông Phú Lộc đen ngòm. (Hình: Người Lao Động)
Giải thích về tình trạng trên với báo chí, ông Mã cho rằng, nước biển đen ngòm có thể là do một lượng lớn nước thải chưa qua xử lý từ các khu vực như: bãi rác Khánh Sơn, kênh Khe Cạn, Đa Cô, khu phố chợ Hòa Khánh…được gom ra sông Phú Lộc và chảy thẳng ra cửa xả Phú Lộc rồi ra biển gây ô nhiễm.”
“Vì do chưa được thu gom, xử lý nên tình trạng nước thải chảy thẳng ra biển vẫn đang tiếp diễn và chưa có số liệu thống kê. Riêng đối với Trạm Xử Lý Nước Thải Phú Lộc, mỗi ngày xử lý được hơn 40,000 khối, trước khi cho xả ra sông Phú Lộc theo quy định,” ông Mã thừa nhận.
Trước đó, hồi Tháng Ba, 2018, tình trạng nước biển ô nhiễm tương tự cũng đã xảy ra ở ngay khu vực này. Thế nhưng, trả lời báo chí Việt Nam, cơ quan hữu trách ở Đà Nẵng khẳng định “hiện tượng nước biển đổi màu là do tự nhiên. Kết quả kiểm tra các cống xả thải ven tuyến đường biển Nguyễn Tất Thành cho thấy đây không phải là nguyên nhân gây ra hiện tượng trên.” (Tr.N)

Tín ngưỡng dân gian cúng sao giải hạn: Ngôi sao nào xấu nhất trong năm 2019?


Nguyễn Văn Đài – RFA

Tôi là một người Cơ Đốc nên tôi không tin vào câu chuyện những ngôi sao tốt, xấu chiếu mệnh con người mỗi năm.
Tôi viết bài này trên quan điểm chính trị của một người hoạt động dân chủ.Trong văn hóa dân gian của người Việt Nam, thì vào đầu tháng Giêng âm lịch, những người có tín ngưỡng dân gian thường cúng sao giải hạn cho cả năm.

Là con người thì ai cũng luôn cầu mong những điều may mắn và tốt lành đến với mình. Và tránh xa những điều xấu, không may mắn. Bởi vậy, con người luôn lo lắng, bất an cho bản thân mình khi biết rằng năm nay có một ngôi sao xấu chiếu mệnh mình. Và tất nhiên là họ tìm cách cúng lễ để giải hạn ngôi sao đó.
9 ngôi sao chiếu mệnh còn gọi là cửu diệu, cứ 9 năm luân phiên trở lại một lần. Trong đó có 3 sao tốt, 3 sao xấu và 3 sao trung tính, cụ thể:Theo văn hóa dân gian thì con người được chiếu mệnh bởi 9 ngôi sao. Hàng năm mỗi người sẽ có một ngôi sao chiếu mệnh, tùy vào năm tuổi mà có sao chiếu mệnh tốt, sao chiếu mệnh xấu.
– 3 sao tốt bao gồm: Thái Dương, Thái Âm, Mộc Đức
– 3 sao xấu bao gồm: La Hầu, Kế Đô, Thái Bạch
– 3 sao trung tính bao gồm: Vân Hán, Thổ Tú, Thủy Diệu
Nếu người nam bị sao La Hầu chiếu, người nữ bị sao Kế Đô chiếu thì năm đó được coi là xấu nhất, nặng nhất.
Trong nhiều thập kỷ đã qua, cả dân tộc Việt Nam không biết rằng có một ngôi sao cực kỳ xấu, nó xấu hơn tất cả các ngôi sao xấu trên bầu trời cộng lại. Ngôi sao đã chiếu trên đất nước và dân tộc Việt Nam gần một thế kỷ đã qua. Nó không chỉ mang điều xấu tới cho mỗi cá nhân, mỗi gia đình mà nó còn mang sự bất hạnh và không may mắn cho biết bao thế hệ người Việt Nam. Và cho đến hôm nay nó vẫn còn tiếp tục mang lại bất hạnh cho đất nước và dân tộc Việt Nam.
Đó là ngôi sao vàng năm cánh trên nền cờ đỏ mà đảng cộng sản Việt Nam đã chọn nó làm lá cờ cho Tổ quốc Việt Nam trên nửa thế kỷ đã qua.

Ngôi sao vàng năm cánh là đại diện cho chế độ độc đảng chuyên chính. Chế độ độc đảng cộng sản là một chế độ phản cách mạng khi nó phản bội lại mục tiêu của Nhân dân trong cuộc cách mạng giải phóng dân tộc là đem lại độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội. Khi giành được độc lập, đảng cộng sản đã áp đặt sự cai trị độc đoán chuyên quyền của nó lên cả dân tộc, tước đoạt quyền dân chủ, quyền quyết định về thể chế chính trị, quyền lựa chọn và quyết định đảng cầm quyền, người lãnh đạo đất nước thông qua các cuộc bầu cử tự do và công bằng.
Chế độ độc đảng cộng sản là một chế độ phản dân chủ khi nó tước đoạt tất cả các quyền tự do chính trị của Nhân dân như quyền tự do bài tỏ các quan điểm chính trị khác nhau, quyền tự do làm báo, quyền tự do thành lập và tham gia các đảng phái chính trị,…
Chế độ độc đảng cộng sản là một chế độ phản động bởi nó đi ngược lại và chống lại trào lưu dân chủ trên toàn cầu. Nó đàn áp, bắt cầm tù những người hoạt động thúc đẩy và bảo vệ các quyền con người, thúc đẩy một tiến trình dân chủ cho Việt Nam.
Nếu như quí vị tin rằng có những ngôi sao xấu như La Hầu, Kế Đô, Thái Bạch cứ 9 năm trở lại một lần để chiếu trên quí vị và có thể đem lại những điều không may mắn cho quí vị trong năm đó. Thì quí vị cũng nên tin rằng và chắc chắn rằng ngôi sao vàng năm cánh trên nền lá cờ đỏ đã và đang chiếu hàng ngày hàng giờ trên mỗi người, mỗi gia đình và cả đất nước, dân tộc Việt Nam. Và nó mang đến nỗi bất hạnh cho cả dân tộc.
Nếu quí vị tin rằng khi cúng sao giải hạn thì quí vị sẽ không còn gặp điều xui xẻo trong năm. Vậy quí vị cũng nên tin rằng nếu tất cả quí cùng nhau cúng lễ để giải hạn cho cả đất nước, dân tộc bằng cách cúng cho ngôi sao vàng năm cánh trên lá cờ đỏ nhanh chóng lụi tàn để cả đất nước, dân tộc Việt Nam thoát  khỏi xiềng xích, gông cùm của chế độ cộng sản phản động. Mang lai tự do dân chủ cho chúng ta ngày hôm nay và muôn đời con cháu chúng ta sau này.
Nếu quí vị có các ngôi sao tốt như Thái Dương, Thái Âm, Mộc Đức chiếu mệnh, nhưng ngôi sao vàng năm cách xấu xa vẫn còn chiếu mệnh quí vị thì không chỉ quí vị và cả dân tộc Việt Nam vẫn phải nhận các điều xấu như tôi liệt kê ở trên.
Nếu mỗi người dân Việt Nam đều hiểu và có ý thức trách nhiệm với quê hương đất nước của mình thì chúng ta, con cháu của chúng ta sẽ không bao giờ phải chịu những điều xấu kể trên và không thua kém các nước trong khu vực cũng như trên thế giới.

Vụ Trịnh Xuân Thanh: Không có gì là quá muộn


Phạm Chí Dũng – VOA

hông có gì là quá muộn để người Đức quên lãng vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh khi phía Việt Nam vẫn cho rằng còn quá sớm để trao trả nhân vật này cho Berlin.
Chưa có gì gọi là ‘đóng hồ sơ’
Tròn một năm rưỡi sau vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã một lần nữa đề cập đến vụ này trong cuộc hội đàm với Thủ tướng Slovakia Peter Pellegrini, khi bà Merkel đến thăm và tham dự cuộc họp của nguyên thủ quốc gia của 4 nước Đông Âu là Hungary, Slovakia, Cộng hòa Séc và Ba Lan tại Bratislava – thủ đô Slovakia – vào tháng 1 năm 2019.
Nếu trong cuộc gặp với Thủ tướng Đức Angela Merkel tại Berlin vào tháng 5 năm 2018, Thủ tướng Peter Pellegrini còn cười rất ngoại giao mà đã không trả lời thẳng câu hỏi của bà Merkel về dấu hỏi ‘Chính phủ Slovakia đã đóng vai trò gì trong vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh từ Berlin đưa về nước hồi mùa hè năm ngoái?’, đồng thời mạnh miệng khẳng định với đám đông các nhà báo vây quanh là Chính phủ Slovakia không dính dáng gì đến vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh, thì từ sau đó đến nay Peter Pellegrini đã không còn lảng tránh trách nhiệm của người đứng đầu một nội các mà có thể bị tan vỡ bởi cơn địa chấn bắt cóc đang quốc tế hóa với tốc độ tên lửa này.Thêm một dấu hiệu chẳng tốt lành gì, nếu không muốn nói là ‘rông nguyên năm’, cho Nguyễn Phú Trọng và bộ sậu Bộ Chính trị của ông ta.
Không chỉ Thủ tướng Peter Pellegrini mà cả Tổng thống Slovakia Andrej Kiska đã phải xuất hiện vào tháng 8 năm 2018 để làm dịu sóng phun trào của ngọn núi lửa mang tên ‘bắt cóc Trịnh Xuân Thanh’ chỉ chực chờ bùng tóe cả bầu trời xanh sẫm của đất nước Slovakia tươi đẹp, đặc biệt sau phản ứng quyết liệt từ các đảng đối lập ở Slovakia. Cáo buộc về sự dính líu của chính phủ Slovakia đã gây căng thẳng trong liên minh cầm quyền gồm ba đảng của nước này. Một đối tác phụ trong liên minh là Đảng Most-Hid thậm chí còn tuyên bố rằng họ sẽ không thể ở lại trong liên minh nếu tin tức mà báo chí loan tải được xác nhận là có thật.
Không phải ngẫu nhiên mà cả hai tờ báo Frankfurter Allgemeine Zeitung của Đức và báo Dennik N của Slovakia cùng ‘song kiếm hợp bích’ vào thời điểm tháng 8 năm 2018. Frankfurter Allgemeine Zeitung là tờ báo đã theo dõi và viết khá nhiều bài về vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh từ nửa cuối năm 2017 đến nay, và vào năm 2018 đã tiết lộ thông tin Nhà nước Việt Nam sẽ trả lại Trịnh Xuân Thanh cho Đức để làm dịu khủng hoảng ngoại giao và cũng nhằm đạt được Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – châu Âu (EVFTA) được Nghị viện châu Âu thông qua sớm.
Khủng hoảng Slovakia – Việt đã chính thức bắt đầu vào năm 2018 và còn vượt trên khủng hoảng Đức – Việt một bậc: trong khủng hoảng Đức – Việt, các cơ quan tư pháp Đức chỉ làm rõ chứng cứ vụ bắt cóc đến Nguyễn Hải Long và một quan chức công an bậc trung là Đường Minh Hưng trong bối cảnh chuyến đi Đức của tướng Hưng là lén lút chứ không công khai và càng không chính thức, thì chuyến đi của Bộ trưởng công an Tô Lâm đến Slovakia ngay sau khi xảy ra vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh ở Đức, cùng cuộc gặp chính thức của Tô Lâm với bộ trưởng nội vụ Slovakia khi đó là Robert Kaliňák đã xác nhận rằng Tô Lâm là một đại diện chính thức của Chính phủ Việt Nam, là tiền đề kéo theo mức độ xung đột ngoại giao giữa Slovakia và Việt Nam là xung đột cấp nhà nước.
‘Những người châu Á’ là ai?
Thưa bà Thủ tướng! Trong năm gần đây, người ta biết rằng một doanh nhân người Việt Nam bị bắt cóc tại Berlin. Sau đó cũng có sự tham gia của cơ quan chính phủ Slovakia vào vụ bắt cóc này. Bà nhận thấy như thế nào, liệu lòng tin và sự hợp tác giữa hai nước có bị ảnh hưởng hay không và bà đánh giá cuộc điều tra của Slovakia đã tiến triển làm sáng tỏ đầy đủ chưa?”– phóng viên tờ Frankfurter Allgemeine Zeitung (FAZ), đặt câu hỏi.
Vâng, chúng tôi đã bàn thảo ngắn về vấn đề này, vì tất nhiên chúng tôi quan tâm đến việc làm sáng tỏ vụ việc. Nhưng tôi không nghi ngờ gì về việc Slovakia đang làm tất cả những điều cần thiết để làm rõ vụ bắt cóc” – Thủ tướng Đức Merkel trả lời trong cuộc họp báo sau hội đàm giữa 2 nước Đức và Slovakia vào tháng 1 năm 2019.
Ngay sau khi báo chí Đức và Slovakia đăng tải loại bài điều tra về vụ ‘vận chuyển Trịnh Xuân Thanh’ ở sân bay Bratislava và bị đưa ra khỏi khu vực Schengen bằng chuyên cơ của chính phủ Slovakia Chính phủ Slovakia đã chính thức mở cuộc điều tra về vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh từ ngày 3/8/2018.
Theo Thoibao.de, hiện nay Tòa án Liên bang Đức vẫn đang thụ lý hồ sơ kháng nghị phúc thẩm của bị cáo Nguyễn Hải Long đã tiếp tay cho vụ bắt cóc. Dự kiến Tòa án Liên bang sẽ ra phán quyết cuối cùng trong ít tuần tới.
Điểm cần lưu ý là cuộc điều tra của Tổng Công tố Liên bang Đức cho đến nay vẫn chưa kết thúc, hiện nay vẫn đang tiếp tục tiến hành điều tra vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh.
Về phía Slovakia cũng vậy, vẫn tiếp tục điều tra vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh. Công tố viên Sona Juřičková nói rằng, các thanh tra viên sẽ chỉ tập trung vào việc điều tra “những người châu Á – mà có nhiều khả năng nhất là các công dân của nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam”, tức những người đã đưa Trịnh Xuân Thanh ra khỏi Berlin.
Những diễn biến liên đới
Không phải ngẫu nhiên mà Thủ tướng Đức Angela Merkel lại nhắc lại một cách công khai với báo chí về vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh trong một hội nghị quốc tế hoàn toàn không liên quan gì đến vụ này.
Thông điệp tối thiểu mà bà Merkel muốn gửi đến chính quyền Việt Nam là người Đức vẫn kiên định nguyên tắc nhà nước pháp quyền và những đòi hỏi Việt Nam phải tôn trọng pháp luật Đức và trả Trịnh Xuân Thanh cho Đức dù Thanh rất có thể là một quan chức tham nhũng, phải xin lỗi và cam kết không tái phạm, bất chấp phía Việt Nam đã tìm cách ‘câu giờ’ hoặc đánh bài lờ trong suốt một năm rưỡi qua.
Một thông điệp khác của bà Merkel mà có thể ngầm được hiểu là chiến dịch phối hợp giữa các cơ quan cảnh sát và công tố của Đức và Slovakia để điều tra vụ Trịnh Xuân Thanh bị bắt cóc có thể đang đến hồi kết thúc, với những bằng chứng xác thực và đủ tính thuyết phục, để nếu Bộ Chính trị Việt Nam vẫn không chịu đáp ứng những đòi hỏi của Đức và Slovakia thì rất có thể sẽ là một cuộc họp báo liên quốc gia Đức – Slovakia để công bố những bằng chứng ấy cho toàn thế giới biết.
Cho tới nay, vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh vẫn hầu như chưa được phía Việt Nam giải quyết với Đức, khiến cho mối quan hệ Đức – Việt vẫn đóng băng, quan hệ đối tác chiến lược giữa Đức và Việt Nam vẫn bị tạm ngừng, các chương trình viện trợ của Đức cho Việt Nam bị tạm hoãn và kéo theo rất nhiều khó khăn cho giới doanh nhân Việt Nam sang Đức làm ăn và với giới Việt kiều sinh sống tại Đức.
Trong khi đó, tương lai của những tháng tiếp tới trong quan hệ Slovakia – Việt Nam là cực kỳ khó đoán định. Sẽ không loại trừ khả năng do phải chịu áp lực từ dư luận đủ lớn tại Slovakia, từ Chính phủ Đức và từ giới báo chí quốc tế, phản ứng tối thiểu của Chính phủ Slovakia đối với Việt Nam sẽ là hạ cấp mối quan hệ ngoại giao và thương mại mà được xem là ‘tốt đẹp’ trước đây.
Trong một diễn biến khác, Bộ trưởng công an Việt Nam là Tô Lâm – nhân vật bị Đức và Slovakia nghi ngờ là đã dẫn đầu ‘đoàn đại biểu Việt Nam’ quá cảnh ở sân bay Bratislava để ‘vận chuyển’ Trịnh Xuân Thanh về Việt Nam – đã được đích thân ‘Tổng chủ’ Nguyễn Phú Trọng thăng cấp hàm đại tướng vào tháng Giêng năm 2019.
Cũng vào tháng Giêng năm 2019 lại nổ ra một vụ việc mà đang được dư luận đánh giá là có thể phát triển thành vụ ‘Trịnh Xuân Thanh thứ hai’: một blogger được xem là bất đồng chính kiến – ông Trương Duy Nhất – khi đang làm thủ tục tị nạn chính trị tại Cao ủy Tị nạn Liên hiệp quốc tại Bangkok, đã bị mất tích. Ngay sau đó đã bùng nổ nhiều đồn đoán về khả năng blogger này đã bị một cơ quan an ninh (công an hoặc quân đội) của Việt Nam tổ chức bắt cóc ngay trên đất Thái. Đồng thời, có tin cho biết Nhà nước Đức rất quan tâm đến vụ Trương Duy Nhất vì vụ này có nhiều chi tiết giống với vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh.

Trả đất lại cho dân và trả rừng lại cho đất nước!



Từ khi thoát khỏi thời kỳ hái lượm, con người cần có đất để trồng trọt và chăn nuôi, một bộ phận thoát ly nông nghiệp nhưng cũng làm sản phẩm công nghiệp và dịch vụ để trao đổi với những người có đất mà cùng sinh sống. Ở nước ta, khi 70% dân số vẫn là nông dân thì sở hữu đất đai là quyền thiêng liêng của người dân mà bất kỳ chinh quyền nào cũng phải tôn trọng. Yêu nước trước hết là yêu mảnh đất mà mình đang sinh sống, đánh giặc ngoại xâm trước hết là để bảo vệ mảnh đất mà tổ tiên để lại cho mình.
Vì đạo lý đó mà Đảng Cộng sản Việt Nam ngay từ khi ra đời, đã phải giương cao khẩu hiệu “Người cày có ruộng”, coi đó là nền tảng phát huy chủ nghĩa yêu nước để chống ngoại xâm. Chính quyền ông Ngô Đình Diệm và chính quyền ông Nguyễn Văn Thiệu cũng phải giương cao khẩu hiệu đó. Không được nông dân ủng hộ thì không một chính quyền nào có thể tồn tại trên đất nước này.
Sau một thời gian dài sai lầm áp đặt chủ nghĩa giáo điều, trong đó có “tập thể hóa đất đai”, đất nước rơi vào khủng hoảng. Từ hơn 30 năm trước, công cuộc đổi mới bất đầu từ việc trả dần lại đất cho nông dân, từng bước từ khoán 10, khoán 100 đến công nhận quyền sử dụng đất lâu dài cho cá nhân và hộ gia đình. Đất nước đã hồi sinh từ điều căn bản đó. Dù chưa công nhận quyền tư hữu về ruộng đất, nhưng với 5 quyền của người sử dụng đất thì thực chất nông dân cũng đã có quyền sở hữu trên thực tế rồi. Đa số nông dân chỉ quan tâm đến thực chất, ít người để ý đến chữ nghĩa.
Theo đạo lý nghìn đời nay, đất canh tác và đất ở là tài sản của từng cá nhân và gia đình của người dân, và theo lẽ phải thời hiện đại thì doanh nghiệp muốn tích tụ ruộng đất để kinh doanh phải mua lại của nông dân một cách sòng phẳng theo giá thị trường. Người dân cũng được góp vốn vào doanh nghiệp bằng đất. Còn đất rừng, đất thắng cảnh và đất phục vụ cho các công trình công cộng là đất công do nhà nước quản lý. Nhà nước có thể cho tư nhân đấu thầu sử dụng phần đất công chưa sử dụng vào mục đích công cộng để kinh doanh, nhưng tuyệt đối không động đến rừng, đến các thắng cảnh. Tuy nhiên, do việc quy hoạch và việc ban hành luật bị các nhóm lợi ích thao túng, nên đất rừng và đất thắng cảnh lần lượt bị các đại gia buôn đất thâu tóm.Nhưng luật pháp về đất đai vốn là thành tựu của đổi mới, đã bị các nhóm lợi ích kéo lùi để trục lợi, khiến cho quyền sử dụng đất của nông dân bị đe dọa. Với việc tùy tiện cho phép chính quyền thu hồi đất của nông dân giao cho các doanh nghiệp làm dự án kinh tế và “đền bù” với giá rẻ mạt quy định tại Điều 62 Luật Đất đai và các điều khoản liên quan đến giá đất của luật này, hàng chục vạn ha đất của nông dân đã bị chính quyền tước đoạt để giao cho các đại gia buôn đất. Hiện nay bất kỳ nông dân nào cũng có nguy cơ bị thu hồi đất theo cái gọi là quy hoạch và lòng tham của các đại gia buôn đất câu kết với một bộ phận quan chức. Hiến pháp không bảo vệ được tài sản là đất đai của nông dân, đơn giản là chúng ta không có tòa bảo hiến. Quy định cho phép chính quyền thu hồi đất của dân giao cho các doanh nghiệp làm dự án rõ ràng là vi hiến, nhưng do không có tòa bảo hiến nên các cơ quan nhà nước chẳng coi Hiến pháp là cái đinh gì.
Bán đảo Sơn Trà, núi Bà Nà ở Đà Nẵng bị tư nhân xé nát làm dự án. Một loạt các thắng cảnh và sông suối tự nhiên ở phía Bắc được tư nhân hóa vô tội vạ, biến thành các cụm chùa chiền “du lịch tâm linh”. Rừng phòng hộ Hoàng Liên Sơn cũng bị các đại gia buôn đất xẻ thịt. Một loạt các thắng cảnh thắng tích ở nhiều nơi trên đất nước này đã, đang và sắp bị tư nhân chiếm hữu. Nước ta kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, nói là để bảo vệ người yếu thế, để phát triển công bằng bền vững mà làm những chuyện thương luân bại lý gây tổn hại đến hồn thiêng sông núi ngay cả các nước tư bản toàn tòng cũng không dám làm.
Giờ thì người nông dân đang sống trên những mảnh đất không chắc là của mình. Giờ thì bờ biển cũng lần lượt do tư nhân quản lý, dân muốn xuống tắm biển không còn dễ dàng như trước, nhiều nơi phải mua vé. Rừng nguyên sinh không còn nữa, những câu chuyện đường rừng đang lùi dần vào cổ tích. Thắng cảnh thắng tích của đất nước vốn là nơi để dân đến hành hương hòa mình với hồn thiêng sông núi, nay đã và sẽ không còn là của mình nữa. Người Việt chúng ta đang ở đậu trên mảnh đất của mình, đang trở thành khách trên đất nước mình.
Tôi không nói đây là bản chất của chế độ. Đây là sự lầm lạc có thể sửa chữa được, dù đã quá muộn. Việc sửa chữa bắt đầu từ Luật Đất đai, nó phải được sửa theo đạo lý của dân tộc và lẽ phải của thời đại./.

Kẻ nào mất ăn khi ‘bỏ quy định cấp phép ca khúc trước 1975’?


Quyền cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn Nguyễn Quang Vinh

Thường Sơn (VNTB) | 

Vào ngày đầu tiên sau tết nguyên đán 2019, báo chí nhà nước đưa tin “Chính phủ đã đồng ý với một số đề xuất xây dựng dự thảo nghị định mới thay thế nghị định 79, như bỏ quy định cấp phép ca khúc trước 1975, chỉ đưa ra quy định những bài hát có nội dung xuyên tạc lịch sử, bôi nhọ cá nhân hay bôi nhọ tổ chức, đi ngược lại lợi ích quần chúng thì sẽ bị cấm”.
“Bỏ cấp phép cho ca khúc nghĩa là ca khúc sáng tác ở thời gian, không gian nào cũng bình đẳng như nhau, không có khoanh vùng đặc biệt để cấp phép. Trước hay sau 1975 đều như nhau” – Quyền cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn Nguyễn Quang Vinh giải thích.
Lần đầu tiên kể từ năm ‘giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước’, đảng CSVN bỏ quy định cấp phép ca khúc trước 1975, đồng nghĩa với cơ chế mặc nhiên chấp nhận nhiều ca khúc mà trước đó bị xem là ‘nhạc vàng’, ‘nhạc ngụy’ và ‘ca khúc phản động’, cũng đồng nghĩa với tương lai Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) mất mát một giấy phép con chủ chốt và do đó ‘mất ăn’.
LIỆU CHỦ TRƯƠNG NÀY CÓ ĐƯỢC CỤC NGHỆ THUẬT BIỂU DIỄN THỰC HIỆN NGHIÊM, HAY CƠ QUAN NÀY VẪN TIẾP TỤC TRÒ ‘HÀNH LÀ CHÍNH’ VÀ ‘LÀM TIỀN’ ĐỐI VỚI CÁC CÔNG TY PHÁT HÀNH BĂNG ĐĨA? 
Vào đầu năm 2017, Cục Nghệ thuật biểu diễn đã gây ra một scandal thuộc loại rất vớ vẩn và tạp nham khi ra thông báo tạm thời dừng lưu hành 5 bài hát sáng tác trước 1975 “để xem xét, xác minh, thẩm định trên cơ sở đối chiếu về ca từ với bản nhạc gốc”. Đó là các ca khúc: Cánh thiệp đầu xuân của tác giả Lê Dinh – Minh Kỳ, Rừng xưa và Chuyện buồn ngày xuân của tác giả Lam Phương, Đừng gọi anh bằng chú của tác giả Diên An, và Con đường xưa em đi của tác giả Châu Kỳ – Hồ Đình Phương.Trong lịch sử tồn tại của mình, Cục Nghệ thuật biểu diễn đã nhiều lần ‘quản không được thì cấm’ và ‘vẽ’ ra nhiều thủ tục bắt các doanh nghiệp phát hành ca khúc trước 1975 phải xin phép cục này. Quá nhiều dư luận đã phát sinh đầy bức bối về cách ‘làm tiền’ lộ liễu và trơ trẽn của cơ quan này nhân danh công cuộc bảo vệ ý thức hệ cộng sản và ‘bài trừ tàn dư văn hóa Mỹ – ngụy’.
Từ California, nhạc sĩ Lam Phương, tác giả của hai bài hát vừa bị chính quyền Việt Nam đình chỉ lưu hành cho đài VOA biết: “Họ cấm là chuyện dĩ nhiên rồi! Đó là hai bài tôi viết trong chế độ đó. Chuyện gì họ cũng cấm hết. Không sao, tôi còn cả mấy trăm bài, cấm có hai bài đâu có ăn thua gì. Chuyện này mình biết trước rồi. Tôi biết thế nào họ cũng cấm nhiều bài nữa. Mình viết tân nhạc mà trái với đường lối thì họ cấm. Chuyện dĩ nhiên mà. Hổng có chuyện gì buồn hết. Nghịch với đường lối của họ thì họ làm. Còn tình cảm sáng tác thì mình vẫn giữ thôi. Họ để thì để, họ không để thì cấm thôi. Đường của mình thì mình đi, đường của họ thì họ đi.”
Nhạc sĩ Vinh Sử ở Sài Gòn cho biết nhận xét của ông về lệnh hoãn lưu hành 5 ca khúc được sáng tác trước 1975: “Vấn đề này là cái tào lao của bên Sở Văn Hóa. Nếu mà trong bài mà mình chỉnh “lính” thành lại “bộ đội” thì không cho phép, bởi vì khi ca lên sửa cái lời dù liên quan đến bộ đội nhưng người ta vẫn hiểu là Việt Nam Cộng Hòa rồi. Cái này không cho là đúng. Các sáng tác cá nhân, nếu đứa con của mình không hoàn hảo thì có thể sửa cho hoàn hảo đứa con này, đó là quyền của tác giả.”
Trong khi những nhạc sĩ hải ngoại gần như không còn cảm thấy bất ngờ vì lối cấm cản ca khúc trước 1975 của chính quyền Việt Nam, thì tình thế với các công ty phát hành băng đĩa trong nước lại khác hoàn toàn. Việc các ca khúc bị hoãn lưu hành đã gây thiệt hại cho các công ty này và ảnh hưởng đến công chúng yêu nhạc trước năm 1975. Khi đó, một số tờ báo nhà nước đã đưa ra kiến nghị: “Thay vì cấp giấy phép phổ biến lẻ tẻ cho từng ca khúc xưa, Cục Nghệ thuật Biểu diễn có thể ra một văn bản nêu rõ những ca khúc loại nào không được phép phổ biến”, và “Về mặt quản lý nhà nước, cần đơn giản hóa những thủ tục hành chính, loại bỏ triệt để các loại giấy phép con mà những quyết định cho phép phổ biến các sáng tác trước năm 1975 tại miền Nam hay sáng tác của người Việt Nam sinh sống và định cư ở nước ngoài là một loại giấy phép con cần bỏ.”
Nhưng phải đến hai năm sau đó, Cục Nghệ thuật biểu diễn mới chịu ‘tiếp thu’ những đề xuất trên.
Tuy nhiên, kế hoạch ‘bỏ quy định cấp phép ca khúc trước 1975’ của chính quyền Việt Nam lại đang gây ra mối nghi ngờ lớn về tính thành thật của nó. Liệu đây chỉ là động tác ‘đơn giản hóa thủ tục hành chính’ nằm trong chủ trương tiết giảm giấy phép con của chính phủ ‘kiến tạo và hành động’ của Thủ tướng Phúc, hay còn nhắm đến một ý đồ nào khác? Liệu chủ trương này có được Cục Nghệ thuật biểu diễn thực hiện nghiêm, hay cơ quan này vẫn tiếp tục dựa vào quy định “những bài hát có nội dung xuyên tạc lịch sử, bôi nhọ cá nhân hay bôi nhọ tổ chức” sẽ bị cấm để tiếp tục trò ‘hành là chính’ và ‘làm tiền’ đối với các công ty phát hành băng đĩa?

Một xã hội tâm linh mê muội



Trân Văn – VOA

hững ngày đầu tiên của một năm mới âm lịch đã qua, mùa lễ hội đã bắt đầu và theo sau đó lại là đủ cảnh chướng tai, gai mắt, đủ chuyện đáng ngẫm nghĩ. Chẳng riêng mạng xã hội, một số cơ quan truyền thông trong hệ thống truyền thông chính thức, bắt đầu nhắc đi, nhắc lại hai chữ “mê muội” với tần suất càng ngày càng cao, nhằm cảnh báo về một vấn nạn xã hội càng ngày càng trầm trọng, tín hiệu của mạt kỳ càng lúc càng rõ ràng (1).
Trước Tết âm lịch, nhiều người bày tỏ sự buồn phiền khi phóng sinh mà như tận diệt cả động vật lẫn môi trường. Cúng kiếng càng lúc càng nhố nhăng, người sống đốt cả… đồ lót gửi sang thế giới bên kia cho những thân nhân đã khuất. Rồi để thỏa khát vọng giàu sang, người ta mua – bày cả cà độc dược có thể gây chết người trên bàn thờ gia tiên chỉ vì có nơi gọi loại trái ấy… là “dư” (2).
Dịp đầu năm tại Việt Nam đã trở thành thời điểm nhang khói mù mịt ở các đình, đền, chùa, miễu. Cảnh thiên hạ vây kín một số cơ sở thờ tự, chen lấn, xô đẩy, thậm chí giẫm đạp lên nhau để cầu may, cầu phúc, cầu an đã trở thành bình thường. May mắn, ân phúc, an lành vốn trừu tượng, song hàng ngàn vỏ chai được dùng thay bát hương trong quá trình thiên hạ van vái gì đó, khi xin xỏ xong thì ngổn ngang cùng với đủ loại rác lại rất thực (3). Thực tới mức không còn thấy bóng văn hóa, văn minh.
- Quảng Cáo -
Năm ngoái, thông qua báo giới, Thượng tọa Thích Nhật Từ, Phó Ban Phật giáo Quốc tế của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, nhắn với Phật tử: Cúng sao, giải hạn là mê tín, dị đoan (4). Năm nay, nhiều đại tự như chùa Phước Khánh (phường Thịnh Quang, quận Đống Đa, Hà Nội) vẫn tổ chức cho Phật tử ghi danh với giá “cúng sao – giải hạn: 150.000 đồng”, “cầu an: 200.000 đồng” và dịch vụ này vẫn nườm nượp khách (5).
Chùa Hương (huyện Mỹ Đức, Hà Nội) đã khai hội. Tuy đề cao “kỷ cương, văn minh du lịch” (6) nhưng chen lấn, xô đẩy nên người ta vẫn thi nhau xỉu. Khách vẫn bị gạt khi lên đò. Khắp nơi vẫn ngập rác và người ngồi cáp treo vẫn rải tiền lẻ để mua phước (7)… Cũng đề cao “kỷ cương, văn minh”, Ban Tổ chức lẽ hội Đền Sóc (huyện Sóc Sơn, Hà Nội) đổi tre (theo tập tục) thành vầu vì tre nay trở thành hàng hiếm. Lễ xong, “lộc” hoa vầu và “lộc” trầu cau được dồn hết vào bao để phòng ngừa cướp “lộc” (8).
Có thể vì năm nay là năm con… heo. Hệ thống truyền thông chính thức hoan hỉ giới thiệu Lễ hội “Ông Cầu” ở xã Hà Thạch, thị xã Phú Thọ, tỉnh Phú Thọ. Con heo được chọn – rước về nuôi từ trung tuần tháng Chạp âm lịch, được cho ăn chay một tuần trước Tết và trở thành “Ông Cầu”. Đến mùng 5 tháng Giêng âm lịch thì được rước quanh lành và người ta xúm vào vuốt ve, nhổ lông lấy… may. Tới tối thì “ông” bị mổ làm mồi (9).
Cứ thế, từ tháng Giêng đến tháng hai, thậm chí tháng ba âm lịch, lễ hội nở rộ khắp nơi, đặc biệt là tại miền Bắc Việt Nam. Lễ hội trở thành mùa cúng vái, xô đẩy, giành, giật tài, lộc, mùa mà máu động vật (heo, trâu,…) kể cả máu người dự lễ cầu phước, cầu an vương vãi khắp nơi. Năm mới khởi đầu như thế nên trong năm, một con cá dị dạng, một cặp rắn cuộn vào nhau,… lập tức trở thành “thần”, thiên hạ đổ đến chiêm bái, khấn vái.
***
Có tương quan nào giữa hiện tượng các viên chức đủ cấp tham gia “phát ấn”, biểu diễn “phóng sinh”, lâm râm khấn khứa, công khai xì sụp vái lạy, với càng ngày càng nhiều ngôi chùa rất to, nhiều bức tượng rất lớn, qui mô không còn ngừng ở mức “đại tự”, “lạc cảnh” mà nở ra thành các khu du lịch tâm linh, hết cơ quan truyền thông này tán tụng tới cơ quan truyền thông kia giới thiệu để chủ đầu tư nhận đất, xây dựng chư đâu vào đâu đã thu hút khách thập phương lũ lượt tới viếng, dâng cúng tiền bạc?

Cuối năm ngoái, Sở Kế hoạch – Đầu tư thành phố Hà Nội hoan hỉ thông báo, ông Nguyễn Văn Trường, chủ Công ty Xây dựng Xuân Trường, vừa đề nghị chi 15.000 tỉ đồng để xây dựng “Tổ hợp Du lịch – Tâm linh chùa Hương”, diện tích 1.000 héc ta, trong đó có 400 héc ta vốn thuộc ba dự án khác đã triển khai (10). Có tương quan nào giữa sự gia tăng mức độ mê muội của đám đông với các khu du lịch tâm linh đã và đang nuốt cả trăm ngàn héc ta rừng, núi, sông, hồ, đảo?
Năm 2006, ông Trường bắt đầu đầu tư vào Khu Du lịch Tâm linh Tràng An – chùa Bái Đính ở Ninh Bình. Tự thân Tràng An vốn đã là thắng cảnh vì những con sông uốn quanh các dãy núi đá vôi với rất nhiều hang động, xen kẽ với các cánh rừng… Do từng là một trong những cố đô của Việt Nam, Tràng An còn có nhiều di tích văn hóa. Ông Trường là người xây Bái Đính Tân Tự (chùa Bái Đính) mới với chín cái nhất không… châu Á thì cũng… Đông Nam Á hoặc Việt Nam (11).
Từ dự án Khu Du lịch Tâm linh Tràng An – chùa Bái Đính, ông Trường đề nghị đầu tư Khu Du lịch Tâm linh Tam Chúc – Ba Sao ở Hà Nam. Diện tích khu vực này khoảng 4.000 héc ta, trong đó có hồ Tam Chúc (diện tích 545 héc ta). Công ty Xây dựng Xuân Trường nhận phục dựng đình Tam Chúc, xây mới chùa Tam Chúc, bên cạnh nhà nghỉ, sân golf…
Năm 2015, ông Trường đề nghị Hải Phòng giao đảo Cái Tráp để đầu tư một khu du lịch tâm linh nữa, diện tích 88 héc ta, có tượng Phật Thích Ca cao 150 m, bên cạnh khách sạn 5 sao, sân golf và… casino. Năm 2016, ông Trường được giao 18.940 héc ta, trong đó có thắng cảnh hồ Núi Cốc ở tỉnh Thái Nguyên để dựng một ngôi chùa có “Tháp Phật giáo lớn nhất thế giới”, bên cạnh khách sạn 5 sao, bến cho du thuyền, sân golf 36 lỗ,… (12).
Điểm đầu tiên cần chú ý là Chùa Bái Đính chưa xong nhưng với chín cái nhất được hệ thống truyền thông quảng bá liên tục, rồi với xá lợi Phật được rước từ Ấn Độ về, hết đại lễ này tới đại lễ khác được tổ chức tại đó… Tràng An trở thành một điểm hành hương và tham quan nổi tiếng, khách du lịch tăng theo mức triệu/năm.
Năm 2014, tờ Nhân Dân có một bài, đặt vấn đề rằng, cần phân định rõ trách nhiệm quản lý Khu Du lịch Tâm linh Tràng An – chùa Bái Đính. Theo đó, vốn đầu tư vào Khu Du lịch Tràng An, đặc biệt là hạ tầng, không phải của Công ty Xây dựng Xuân Trường, nhiều hạng mục trong dự án này là công quỹ (đâu cỡ 3.000 tỉ) nhưng tổ chức khai thác thì vẫn do Công ty Xây dựng Xuân Trường đảm nhận. Bởi có sự “đan xen chằng chịt giữa công và tư” nên chưa xác định được tỷ lệ đầu tư/tỷ lệ phân chia lợi nhuận. Tạm thời, Công ty xây dựng Xuân Trường hưởng… 90% doanh thu (13).
Không phải ngẫu nhiên mà hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam từ trung ương đến địa phương hết sức tâm huyết với việc phát triển các khu du lịch tâm linh. Thời toàn đảng khuyến khích toàn quân, toàn dân phỉ nhổ tâm linh đã qua. Giờ đụng tới tâm linh, ai cũng ngại lạm bàn vì đây là lĩnh vực mà mức độ đồng thuận giữa đảng và dân càng ngày càng cao. Kế hoạch thực hiện “tuyến du lịch tâm linh” từ Hà Nội đến Ninh Bình đã được phê duyệt.
Khu Du lịch Tâm linh Tràng An – Chùa Bái Đính, điểm cuối của “tuyến du lịch tâm linh” được chọn làm nơi khởi đầu. Ngôi chùa với chín cái nhất dọn dường cho Khu Du lịch Tâm linh Tam Chúc – Ba Sao. Điểm cuối sẽ là “Tổ hợp Du lịch – Tâm linh chùa Hương”. Tất cả đều do Công ty Xây dựng Xuân Trường đầu tư. Xét kỹ thì “đầu tư” chỉ gồm các công trình tâm linh gắn với một cái… nhất gì đó. Hạ tầng – tốn kém nhất – sẽ dùng công quỹ. Hoàn tất thì Công ty Xây dựng Xuân Trường tổ chức khai thác.
***
Để cho sòng phẳng, cần phải nói thêm, không phải cứ dính tới “tâm linh” là được hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam hỗ trợ tận tình. Thực tế cho thấy, muốn được nâng đỡ, “tâm linh” phải gắn với du lịch do một đại gia có máu mặt nào đó đầu tư hoặc do một “cao tăng” được hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tin cậy trụ trì, có thể dạy Phật tử những điều đại loại như: Trung Quốc là anh, Việt Nam là em. Theo đạo lý, em phải kính trọng anh. Lý Thường Kiệt đánh Trung Quốc là… hỗn (14)! Tu hành mà “chỉ lạy Phật, không lạy cộng sản” thì đừng mơ xây chùa, ngay cả chỗ trú thân cũng sẽ bị san thành bình địa (15).
Hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam khuyến khích đám đông hướng tới tâm linh là hướng vào khát vọng thăng quan, phát tài để có thể ăn trên, ngồi trước, ăn sung, mặc sướng. Luân thường, đạo lý của người Việt không có chỗ trong định hướng mới về tâm linh nên xô đẩy, chen lấn, tranh giành, cướp, giựt “phúc”, “lộc”, hối lộ thần thánh bằng tiền lẻ, lễ vật,… trở thành tất nhiên và bình thường. Định hướng mới về tâm linh không có chỗ cho tiến bộ cá nhân, tôn trọng nhân vị, xã hội an lành. Đó cũng là lý do “Đạo Dương Văn Minh” – một nhánh của Tin Lành trong cộng đồng H’Mong ở phía Bắc Việt Nam do Dương Văn Minh truyền giảng bị đàn áp thẳng tay.
Hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam giải thích “Đạo Dương Văn Minh” là… “tà đạo” cho dù “tà đạo” này vận động người H’mong ngưng treo xác chết trong nhà rồi bày tiệc ra ăn uống với người chết suốt bảy ngày, sau đó đem xác đi chôn không tẩn liệm. “Tà đạo” khuyến khích người H’mong xây dựng nhà tang lễ, làm quan tài để đặt người chết vào đó. Chuyện thăm viếng chỉ trong 24 tiếng rồi đem chôn (16). Tuy hướng người H’mong tới hành xử văn minh y hệt người Kinh nhưng “Đạo Dương Văn Minh” vẫn bị xác định là “tà đạo” bởi nằm ngoài định hướng về tâm linh. Cộng đồng H’mong văn minh hơn có thể là một nguy cơ cho “ổn định chính trị”, đe dọa quyền lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối của đảng, nên nhà tang lễ bị giựt sập, những người H’mong nhiệt thành với đạo mới bị tống giam, phạt tù.
Ông Nguyễn Quốc Tuấn – Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương (Cơ quan chuyên trách nghiên cứu, tư vấn cho Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương đảng CSVN về lý luận chính trị), Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Tôn giáo của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam – từng nhấn mạnh, ông không đồng tình với hai từ “tà đạo” đối với những nhóm tôn giáo mới. Trong bối cảnh hiện nay phải tôn trọng niềm tin tôn giáo. Dùng chữ “tà” là một dạng kỳ thị. Nếu được dùng chính thức thì là sự vi phạm các quyền căn bản của con người (18).
Cho dù viên chức các cấp hướng tới, nói về tâm linh nhiều hơn nhưng tâm linh không đơn thuần là tâm linh. Chẳng ở đâu, mê muội giúp trộn chính với tà nhuyễn hơn Việt Nam.
Chú thích
(14) https://www.facebook.com/nqshvietnam/videos/trung-quốc-là-anh-việt-nam-là-em-lý-thường-kiệt-đem-quân-đánh-trung-quốc-là-hỗn/249786542463208/

Ông Phạm Hồng Tung bị cho là ‘ăn lương Tàu’ khi nói về quan điểm chiến tranh biên giới 1979

Ông Phạm Hồng Tung. (Hình: VietnamNet)
HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Trong bối cảnh báo nhà nước năm nay được lệnh nói tương đối thoáng về cuộc chiến biên giới năm 1979 với Trung Quốc, một số blogger bày tỏ bực tức trước phát ngôn của Giáo Sư Sử Học Phạm Hồng Tung, chủ biên sách giáo khoa lịch sử trong chương trình “Giáo Dục Phổ Thông Tổng Thể”, trên báo VietnamNet.
Tờ báo thuộc Bộ Thông Tin Truyền Thông hôm 13 Tháng Hai trích dẫn quan điểm ông Tung: “Tôi nghĩ cuộc chiến tranh năm 1979 đã lùi xa 40 năm. Bây giờ chính là lúc giới sử học của hai nước nên ngồi lại, thảo luận những nguyên tắc cơ bản để dạy về những vấn đề liên quan đến lịch sử hai nước. Nhiều quốc gia cựu thù đã thành công trên con đường hòa giải lịch sử, cho nên người Việt Nam và người Trung Quốc hà cớ gì lại không thể. Nếu chúng ta cùng có trách nhiệm với tương lai của thế hệ trẻ hai nước, với tiền đồ của hai quốc gia, dân tộc.”
“Chỉ có thể bằng con đường hòa giải lịch sử thì chúng ta mới góp phần ‘giải độc lịch sử’, bắc thêm một nhịp cầu chắc chắn cho hai quốc gia, dân tộc vượt qua hận thù, định kiến của quá khứ, tiến đến bến bờ hòa bình, hữu nghị, hợp tác,” theo VietnamNet.
Trong bài phỏng vấn, Giáo Sư Tung cũng thừa nhận việc đưa cuộc chiến biên giới Việt-Trung năm 1979 vào sách giáo khoa “là một vấn đề nhạy cảm trong giáo dục lịch sử” và “nếu làm không cẩn thận, những chuyện xung đột, hận thù trong quá khứ sẽ bị đánh thức và sẽ làm sống dậy, châm ngòi cho những hận thù trong tương lai” (!?)
Phát ngôn của ông Tung lập tức bị ông Nguyễn Như Phong, đại tá công an, cựu tổng biên tập báo Petrotimes chỉ trích trên trang cá nhân: “Điều khiến tôi kinh hoàng là ông này lại có quan điểm là ‘các nhà sử học Việt Nam và Trung Quốc nên ngồi lại với nhau bàn bạc thống nhất quan điểm, nội dung rồi hãy đưa vào trường dạy…’ [Ông này] coi đó là việc làm ‘hòa giải’ giữa hai dân tộc! Quả là một luận điệu bậy bạ hết sức, và ông này có lẽ được ăn lương Tàu thì phải!”
“Cuộc chiến tranh bảo vệ tổ quốc Tháng Hai, 1979 ở biên giới phía Bắc là cuộc chiến chống lại sự xâm lược của Trung Quốc, mặc dù Đặng Tiểu Bình luôn rêu rao là ‘cuộc chiến hạn chế’ nhằm ‘dạy cho Việt Nam một bài học’. Ấy vậy mà giờ đây ông ‘thầy giáo’ này lại muốn ‘bàn bạc thống nhất với giới sử học Trung Quốc’. Đây đích thị là một thằng phản động. Tôi rất mong sinh viên Trường Đại Học Khoa Học Xã Hội và Nhân Văn Hà Nội [nơi ông Tung đang làm giảng viên] có thái độ với ông này. Còn ông Nhạ [Bộ Trưởng Giáo Dục-Đào Tạo Phùng Xuân Nhạ] nếu không bị ‘câm điếc’ thì cũng mong phải có chính kiến đối với ông Tung,” ông Phong viết.
Cùng thời điểm, phóng viên tự do Ngô Nguyệt Hữu bình luận trên trang cá nhân: “Tôi thật không biết bằng cách nào với tư duy nô lệ, khiếp đảm ngoại bang, nhu nhược đớn hèn, sẵn sàng dùng uyển ngữ làm nhẹ máu xương anh linh của các anh hùng liệt sĩ để đổi lại mấy chữ viễn vông ‘hoà giải không kích động hận thù’, [ông Tung] lại có thể là một giáo sư sử học được? Làm sao ông lại có thể nghĩ ra âm mưu dạy lịch sử vệ quốc cho hậu bối bằng cách đợi kẻ thù xâm lược trong giai đoạn đó đồng ý cho chép gì, nhắc gì được? Ông không biết xấu hổ hay sao mà thốt ra những lời xằng bậy ấy? Ông không thể dẫn dụ người khác theo lối nô lệ tư duy như vậy được!”
Từ nhiều năm qua, việc sách giáo khoa lịch sử tại Việt Nam “lảng tránh” đề cập đến cuộc chiến biên giới Việt-Trung năm 1979 và không nhắc tên Trung Quốc là “quân giặc” khiến nhiều thế hệ phụ huynh bức xúc.
Trong dịp 17 Tháng Hai năm nay, tuy báo chí nhà nước đã được phép của Ban Tuyên Giáo CSVN đăng bài có góc nhìn khá thẳng thắn về sự kiện này, nhưng công luận vẫn bức xúc về chuyện sau 40 năm, chương trình học sử của học sinh từ lớp 1 đến lớp 11 vẫn chưa có dòng nào đề cập cuộc chiến tranh biên giới năm 1979, ngoại trừ sách lịch sử lớp 12 chỉ có đúng 11 dòng. (T.K.)

Nguyễn Xuân Phúc hứa suông ‘bảo đảm môi trường không bị ô nhiễm’

Nhà máy Nhiệt Điện Thái Bình 1. (Hình: Dân Trí)
THÁI BÌNH, Việt Nam (NV) – Tin cho hay trong buổi lễ khánh thành nhà máy Nhiệt Điện Thái Bình 1 hôm 14 Tháng Hai, Thủ Tướng CSVN Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo “ứng dụng công nghệ hiện đại, bảo đảm vận hành an toàn tin cậy, hiệu quả, tuyệt đối không để xảy ra ô nhiễm môi trường.”
Theo báo Zing, ông Phúc “đề nghị tăng cường sự giám sát của chính quyền và nhân dân địa phương về an toàn môi trường tại nhà máy Nhiệt Điện Thái Bình 1” nhưng không nhắc đến vai trò của các tổ chức kiểm định môi trường độc lập.
Nhà máy này được các báo nhà nước tuyên truyền “là niềm vinh dự to lớn của ngành điện, là kết quả vượt bậc của sự nỗ lực của tổng thầu và các đơn vị đến từ Nhật Bản, Mỹ, Việt Nam”.
Nhiệt Điện Thái Bình 1 do Tập Đoàn Điện Lực Việt Nam (EVN) đầu tư, khởi công từ Tháng Hai, 2014 với tổng mức đầu tư khoảng 26,500 tỉ đồng (hơn $1.1 tỉ), trong đó vốn vay ODA của Cơ Quan Hợp Tác Quốc Tế Nhật Bản (JICA) là 85%, còn lại 15% vốn đối ứng của EVN.
Nhà máy gồm hai tổ máy với tổng công suất 600 MW (2×300 MW). Nhà máy được kỳ vọng cung cấp cho hệ thống điện quốc gia sản lượng điện là hơn 3.2 tỉ kWh/năm.
Kênh mương thoát nước thải trong nhà máy Nhiệt Điện Thái Bình 1. (Hình: Dân Trí)
Từ nhiều tháng trước khi nhà máy Nhiệt Điện Thái Bình 1 khánh thành, dường như các báo nhà nước nhận được chỉ thị “đăng tin tốt” nhằm để trấn an người dân địa phương về nguy cơ gây ô nhiễm môi trường khi thải ra hàng trăm ngàn tấn tro xỉ trong lúc nhà máy hoạt động.
Báo điện tử Dân Trí hồi Tháng Bảy, 2018 mô tả: “Nhiệt Điện Thái Bình 1 là nhà máy có rất nhiều màu xanh. Những đường băng chuyền tải than dài hàng trăm mét nối từ kho đến lò đốt của nhà máy hoàn toàn được đóng kín, đảm bảo không vương vãi một hạt than, bụi than ra ngoài môi trường.
Trên các con đường nội bộ bên trong nhà máy, nhiều hàng cây cũng đã kết tán, cỏ mọc xanh um ở ven đường khiến người ta có cảm giác đây là một nhà máy rất thân thiện. Có thể bắt gặp những đàn bò thủng thẳng gặm có trong khuôn viên nhà máy, cá bơi trong mương thoát nước…”
“Tất cả lượng tro bay, xỉ đáy lò và thạch cao đều được xử lý, cấp chứng nhận đạt chuẩn theo quu chuẩn Việt Nam hiện hành. Tro bay của nhà máy được phân tích đặc tính, phù hợp với phối trộn bê tông, vữa xây dựng và xi măng,” tờ báo viết.
Tuy vậy, một bài trên Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn cùng thời điểm lại cho hay: “Bình quân một nhà máy nhiệt điện than với công suất 500MW [tức là dưới mức công bố của Nhiệt Điện Thái Bình 1] sẽ sinh ra hơn 100kg thạch tín mỗi năm. Những người uống nước có 50 phần tỉ là thạch tín có nguy cơ phát triển bệnh ung thư cao hơn. Than cũng chứa một lượng nhỏ các chất phóng xạ như uranium và thorium trong tro bay. Các nhà nghiên cứu ước tính nồng độ chất phóng xạ tăng từ 0.03% lên mức 0.12% mỗi năm ở lớp đất bề mặt dày 30cm ở khu vực đất nằm xung quanh bán kính 20km của một nhà máy nhiệt điện than.”
Báo chí nhà nước tại Việt Nam đang bị kiểm soát triệt để và việc đưa tin về nguy cơ gây hại cho môi trường được cho là “vấn đề nhạy cảm”, nhất là các thông tin về khu Nhiệt Điện Vĩnh Tân vốn là nguyên do khiến các cuộc biểu tình bùng phát hồi năm ngoái.
Hiện tại, thông tin về mức độ ô nhiễm của các nhà máy nhiệt điện được cho là do Trung Quốc đứng sau gần như chỉ có thể đọc được trên trang cá nhân của các blogger, nhà báo độc lập.
Hồi năm ngoái, phóng viên độc lập Mai Quốc Ấn từng lên tiếng trên trang cá nhân: “Xỉ nhiệt điện được đem san lấp làm đường nông thôn mới tại Hà Tĩnh–quê hương của ông Trần Hồng Hà, bộ trưởng Tài Nguyên và Môi Trường. Tôi coi đây là hành vi đem nhân dân ra làm… chuột bạch để thí nghiệm việc xử lý chất thải nguy hại một cách trái pháp luật. Tro xỉ của nhà máy nhiệt điện, nhà máy thép được quy định rõ là chất thải nguy hại theo quy chuẩn Việt Nam năm 2012 và thông tư năm 2015 của Bộ Tài Nguyên và Môi Trường. Với tôi, Bộ Trưởng Hà chỉ là một chính khách khéo nói, không hơn. Và những phát ngôn “yên tâm, yên tâm, yên tâm” của ông chưa bao giờ là cơ sở để môi trường, dân sinh an toàn. Nếu không muốn nói là ngược lại!” (T.K.)

40 năm sau cuộc chiến, báo Việt Nam ‘được’ viết Trung Quốc là ‘quân xâm lược’

Bảng gỗ khắc ghi tội ác ở bản Tổng Chúp (xã Hưng Đạo) (Hình: Vietnamnet)
SÀI GÒN, Việt Nam (NV) – Truyền thông trong nước những ngày qua đăng khá nhiều bài viết về cuộc chiến tranh biên giới 17 Tháng Hai, 1979 và thẳng thắn gọi Trung Quốc là “quân xâm lược.”
Còn khoảng 3 ngày nữa là đánh dấu cột mốc 40 năm chiến tranh biên giới phía Bắc, 17 Tháng Hai, 1979. Hai ngày qua, nhiều báo lớn trong nước đăng tải những bài viết chi tiết về cuộc chiến. Điều đáng nói, và dư luận mạng xã hội cũng nhận thấy là có vẻ như những bài viết này “được phép” sử dụng những câu chữ chỉ đích danh quốc gia đối chọi với quân đội Việt Nam lúc đó, là Trung Quốc.
Ngày 1 Tháng Hai, 2019, ông Phạm Viết Đào, một nhà báo từng bị đi tù 15 tháng vì bị cáo buộc “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ” đả kích chế độ, viết trên trang Facebook cá nhân rằng “Theo nguồn tin vỉa hè, năm nay Việt Nam chủ trương công khai kỷ niệm 40 năm cuộc chiến chống Trung Quốc xâm lược các tỉnh biên giới phía Bắc. Các hoạt động đang được chuẩn bị, chắc sẽ được tổ chức sau dịp Tết Nguyên Đán…”
Báo mạng Vietnamnet hôm 12 Tháng Hai, 2019 phỏng vấn một nhân chứng của cuộc chiến là bà Nguyễn Thị Đào (SN 1957). Hồi ấy, bà Đào mới bước sang tuổi 22, đảm nhận vị trí kho quỹ của trại nuôi lợn Đức Chính.
Bài viết có tên “Chiến tranh biên giới: Ám ảnh từ đáy giếng chôn 43 xác” tường thuật lời bà Đào khi nói về ký ức lúc đó:
“Trước khi quân xâm lược tràn sang, chị em chúng tôi suốt ngày cười đùa rồi tâm sự những câu chuyện về tình yêu, gia đình khi cùng lao động ở trại chăn nuôi lợn. Nhưng rồi một ngày, tôi phải lượm từng thi thể, rồi đưa họ đoạn đường cuối cùng để về với thế giới bên kia.”
Những từ như giặc, xâm lược, kẻ thù, và đặc biệt “Trung Quốc” được nêu rất nhiều lần trong bài viết.
Quân đội Việt Nam trong cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc 1979. (Hình: Corbis)
Cũng tờ Vietnamnet, trong một bài viết khác nằm trong loạt bài về chiến tranh biên giới Tháng Hai, 1979 có đoạn được viết:
“Cách đây 40 năm, cũng vào ngày này, Trung Quốc đã xua quân tấn công 6 tỉnh biên giới phía Bắc của Việt Nam. Tiếng súng đã vang trên bầu trời biên giới, gọi toàn dân ta vào trận chiến đấu mới. Quân xâm lược bành trướng Bắc kinh, đã dày xéo mảnh đất tiền phương. Lửa đã cháy và máu đã đổ, trên khắp nẻo quê hương.”
Bài viết này còn ghi thêm: “Cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc Tháng Hai, 1979 này tuy chỉ kéo dài 16 ngày, nhưng sự căng thẳng giữa Việt Nam với Trung Quốc sau cuộc chiến còn kéo dài cho đến đầu thập kỷ 90 của thế kỷ 20. Và hệ lụy của cuộc chiến còn dai dẳng cho đến tận bây giờ.”
Vietnamnet còn dành hẳn một bài phỏng vấn nghiên cứu sinh môn Lịch sử Vũ Minh Hoàng, Đại Học Cornell (Hoa Kỳ) về một góc cuộc chiến. Bài phỏng vấn này được độc giả nhận định rằng có đưa ra một số tài liệu giải mật từ phía Mỹ.
Thanh Niên Online thì có bài “40 năm cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc: Không thể quên!” của tác giả Mai Thanh Hải viết chi tiết những diễn biến ở biên giới vào sáng sớm ngày 17 Tháng Hai, 1979.
Quân đội Việt Nam. (Hình: Spunik)
“Sáng sớm 17 Tháng Hai, 1979, Trung Quốc đưa hơn 600.000 quân cùng hàng ngàn xe tăng, xe cơ giới ồ ạt tràn qua biên giới, tấn công 6 tỉnh phía bắc nước ta, tàn sát dân lành vô tội. Trên từng tấc đất, vạt rừng Tổ quốc, những người lính, người dân Việt đã kiên cường đánh trả quân xâm lược. Rất nhiều người đã ngã xuống, dựng nên trang sử hào hùng của dân tộc mà mỗi chúng ta mãi mãi không thể quên, không được phép lãng quên.”
Ngay cả VOV, tờ báo điện tử của Đài Tiếng Nói Việt Nam hôm 13 Tháng Hai cũng được đăng bài “Tính chính nghĩa của Việt Nam trong chiến tranh biên giới phía Bắc.”
Trong bài này, VOV đưa ra những bình luận khá “mạnh tay” về sự hiện diện của Trung Quốc trong cuộc chiến.
Điển hình như: “Cuộc chiến tranh Trung Quốc xâm lược 17 Tháng Hai, 1979 nằm trong mục tiêu phục vụ mộng bá quyền nước lớn, bắt Việt Nam phải lệ thuộc, phụ thuộc… là phi nghĩa. Cuộc chiến tranh chống quân Trung Quốc xâm lược Tháng Hai, 1979 của nhân dân Việt Nam là chính nghĩa. Bởi, phía Việt Nam là chống lại sự áp đặt, sự lệ thuộc, phụ thuộc vào Trung Quốc, bảo vệ hòa bình, độc lập, tự do, toàn vẹn lãnh thổ, đi lên chủ nghĩa xã hội, phù hợp với xu thế thời đại hiện nay.”
Trong khi các báo lớn như Thanh Niên, Vietnamnet, VNExpress, Tuổi Trẻ đều tung ra loạt bài về chiến tranh biên giới phía Bắc 1979, thì tờ Quân Đội Nhân Dân hoàn toàn không (chưa) nói đến.
Hàng năm, khi người dân vào ngày 17 Tháng Hai, đến tượng đài Lý Thái Tổ ở Hà Nội đặt vòng hoa tưởng niệm những quân dân chết trong cuộc chiến biên giới với Trung Quốc thường bị cản trở, có người còn bị bắt hay đánh đập.
Cũng xin nhắc lại, là cuối tháng này, tại Hà Nội sẽ diễn ra cuộc họp Thượng đỉnh Mỹ-Triều lần hai giữa Tổng Thống Hoa Kỳ Donald Trump và Chủ Tịch Bắc Hàn Kim Jong Un. Cũng có nguồn tin chưa chính thức nói rằng trong dịp này, ông Trump sẽ gặp Chủ Tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ở Hà Nội. (K.L)