Sunday, April 19, 2020

Một ông ở Quảng Nam ‘té chết’ khi bị công an còng tay đưa ra khỏi nhà

QUẢNG NAM, Việt Nam (NV) – Mạng xã hội xuất hiện một video clip dài gần 45 phút ghi lại cảnh người dân trong đêm đưa một thi thể nằm trên giường đến trụ sở Ủy Ban Nhân Dân xã Bình Giang, huyện Thăng Bình. Trong clip này có nhiều lời nói cáo buộc rằng Công An xã Bình Giang “đánh chết người.”
Hôm 18 Tháng Tư, tường thuật lại sự việc, báo Thanh Niên cho biết sau cái chết “có nhiều nghi vấn” của ông Võ Văn Tư, 46 tuổi, người nhà đã đưa thi thể ông đến trụ sở ủy ban xã “để yêu cầu làm rõ nguyên nhân.”
Tờ báo dẫn lời ông Trần Văn Xuân, trưởng Công An huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam, rằng hôm 15 Tháng Tư, ba Công An xã Bình Giang đến nhà ông Tư sau khi người nhà ông này gọi điện thoại báo ông “thường xuyên uống rượu, gây sự rồi đánh vợ con.” Thời điểm công an xuất hiện, ông Tư được cho là “có hơi men trong người và có nửa chai rượu đang uống dở.”
“Vì không cho ông Tư uống nên công an đã cầm nửa chai rượu định vứt đi thì ông Tư ngăn cản lại. Công an khống chế và còng tay trái ông Tư để áp giải đưa về xã. Khi ra đến sân nhà, ông Tư dùng dằng rồi bị trượt chân rồi ngã xuống sân nhà,” ông Xuân được báo Thanh Niên trích lời.
Ông Tư sau đó chết trong lúc được đưa đi cấp cứu tại bệnh viện Đa Khoa Đà Nẵng hôm 16 Tháng Tư.
Báo Thanh Niên viết thêm rằng sau khi được công an tỉnh, công an huyện và các ban ngành “vận động, giải thích” thì người nhà ông Tư đã mang thi thể ông này về nhà.
Người dân tại trụ sở xã Bình Giang. (Hình: Tuổi Trẻ)
Bên dưới bài báo, một bạn đọc có nick hotam20312 bình luận: “Lại trượt chân ngã, không biết trước thềm có bôi mỡ heo không nhỉ. Tại sao chỉ có còng một tay thế còn tay kia để làm gì? Té ra sao mà sao không nói rõ vì té phía trước không sao cả. Bị giật ngược nên té ngã ngửa ra sau chết là cái chắc, chấn thương hộp sọ.”
Báo Tuổi Trẻ hôm 18 Tháng Tư dẫn lời ông Nguyễn Đức Dũng, giám đốc Công An tỉnh Quảng Nam, nói: “Nạn nhân [ông Võ Văn Tư] được xác định chết do chấn thương sọ não. Công an chia sẻ với mất mát của gia đình, đồng thời các cơ quan chức năng sẽ tiếp tục điều tra, xác định rõ nguyên nhân cái chết của người này.”
Đáng lưu ý, các bài báo này không hề dẫn ý kiến của người nhà ông Tư hoặc nhân chứng.
Đến nay chưa có thống kê chính thức nào của CSVN về việc đã có bao nhiêu nạn nhân chết trong đồn công an tại các địa phương. Các vụ “chết bất minh” tại đồn công an thường được báo nhà nước đưa tin dè dặt theo hướng nạn nhân “tự sát, treo cổ trong phòng giam…” Dù công luận tỏ ra bất bình mỗi khi xảy ra một cái chết của người dân liên quan đến công an, kết quả giám định pháp y và điều tra các vụ này thường không được công khai. (N.H.K) [qd]

Hà Nội ăn tiền mua máy xét nghiệm COVID-19

HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Trung Tâm Kiểm Soát Bệnh Tật Hà Nội “thổi” giá mua máy xét nghiệm COVID-19 cả trăm ngàn đô la để hưởng lợi.
Hôm 18 Tháng Tư, liên quan đến vụ bê bối kê giá mua máy xét nghiệm COVID-19 tại Trung Tâm Kiểm Soát Bệnh Tật Hà Nội, báo Tuổi Trẻ cho hay loại máy nơi này đã mua là hệ thống bao gồm đầy đủ các máy kèm theo như máy tách chiết mẫu, máy phân tích mẫu (realtime PCR) với giá khoảng 7 tỷ đồng ($299,979).
Tuy nhiên, phóng viên báo này đi khảo giá và được “một nhà cung cấp thiết bị xét nghiệm vào loại lớn trên thị trường” cho biết giá một hệ thống xét nghiệm tương tự có giá không quá 4 tỷ đồng ($171,417).
Báo Tuổi Trẻ dẫn lời một doanh nhân ẩn danh trong ngành cung ứng thiết bị y tế: “Chúng tôi đang bán máy realtime PCR khoảng 1.3 tỷ đồng ($55,710), máy tách chiết mẫu có loại tự động và loại tách bằng tay, loại tự động có 96 giếng – nhiều giếng nhất, khoảng 2.4 tỷ đồng ($102,850), số còn lại dành cho tủ an toàn sinh học có giá 180 đến 300 triệu đồng ($7,713 – $12,856). Mức giá này đã bao gồm lợi nhuận của nhà cung cấp và chi phí bảo hành, bảo trì về sau.”
Một ngày trước, truyền thông trong nước cho hay “một số” cán bộ Trung Tâm Kiểm Soát Bệnh Tật Hà Nội bị Cục Cảnh Sát Điều Tra Tội Phạm Về Tham Nhũng, Kinh Tế, Buôn Lậu (C03) Bộ Công An CSVN triệu tập vì “liên quan đến việc mua sắm máy xét nghiệm COVID-19.” Số lượng và danh tính các vị cán bộ bị “mời làm việc” hiện chưa được công khai.
Trung Tâm Kiểm Soát Bệnh Tật Hà Nội. (Hình: VTV)
Tin này được loan báo ngay sau phát ngôn của ông Nguyễn Đức Chung, chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân thành phố Hà Nội, cảnh cáo thuộc cấp “có biểu hiện, việc làm, móc ngoặc, nâng giá lên, tham ô tham nhũng, thì không những mang tiếng ở địa bàn thành phố, mang tiếng với cả nước mà mang tiếng với cộng đồng quốc tế.”
Liên quan vụ này, tờ Tuổi Trẻ cũng trích lời ông Nguyễn Khắc Hiền, giám đốc Sở Y Tế thành phố Hà Nội, rằng đoàn kiểm tra của sở “chưa phát hiện sai sót mà mới thấy một số chi tiết nhỏ có thể ‘nhầm’ như ngày ký hợp đồng, ngày lấy máy…” Ông Hiền cho biết “đang đợi nhà chức trách xem xét cụ thể sai ở đâu, bộ phận nào [phạm] sai sót [thì] sẽ phải chịu trách nhiệm.”
Tuy vụ bê bối mua máy xét nghiệm COVID-19 ở Hà Nội chưa ngã ngũ, công luận có thể thấy là việc xà xẻo, thổi giá, ăn chênh lệch tiền dự án đã trở thành “tập quán” đối với quan chức. Và các vụ này diễn ra không có ngoại lệ, dù là dự án mua sắm thiết bị chống dịch COVID-19 hay cứu trợ nạn nhân lũ lụt.
Đáng lưu ý, các khoản mua sắm vật tư y tế chống dịch bệnh COVID-19 được phân bổ từ quỹ từ thiện do chính phủ CSVN huy động người dân và các doanh nghiệp đóng góp qua Ủy Ban Trung Ương Mặt Trận Tổ Quốc. (N.H.K) [qd]

Muốn nhận gạo miễn phí, người nghèo Hà Nội phải bị ‘nhận diện khuôn mặt’

HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Khác với các “ATM gạo” ở Sài Gòn để người đến nhận tự tay hứng gạo tại máy, thì Hà Nội dùng công nghệ “nhận diện khuôn mặt” để lưu danh tính người nhận trước khi cho họ lấy bao gạo 3 kg.
Thế nhưng, hôm 17 Tháng Tư, nhiều báo nhà nước đăng bài khen công nghệ “nhận diện khuôn mặt” do Trường Đại Học Kinh Tế Quốc Dân Hà Nội phát gạo cho người nghèo tại địa chỉ 207 Giải Phóng, quận Hai Bà Trưng.
Dự trù 15 tấn gạo được phát tại địa điểm nêu trên từ nay đến ngày 30 Tháng Tư.
Truyền thông ghi nhận, mỗi người đến nhận gạo đều phải đứng trước camera vài phút để khai báo họ tên, địa chỉ và số điện thoại của họ.
Báo Tiền Phong tường thuật: “Nếu phát hiện trường hợp đã nhận trong ngày, hệ thống sẽ báo và chương trình sẽ từ chối phát gạo.”
Còn theo báo Thanh Niên, công nghệ “nhận diện khuôn mặt” được ứng dụng trong chuyện phát gạo là “để tránh phát tràn lan và rút kinh nghiệm từ các cây ‘ATM gạo.’”
Vài ngày trước, theo Tuổi Trẻ, một trạm “ATM gạo” ở Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy, đã phải tạm dừng hoạt động sau bốn ngày vì xảy ra tình trạng những người nghèo chen lấn, giành nhau chỗ xếp hàng trước vì sợ hết gạo.
Những người đến nhận gạo xếp thành hàng dài trên vỉa hè. (Hình: Tiền Phong)
Trái với phần tường thuật của báo nhà nước, cư dân mạng có vẻ không đồng tình với “sáng kiến” dùng công nghệ “nhận diện khuôn mặt” để kiểm soát những người đến nhận gạo miễn phí như vậy.
Một số ý kiến cho rằng những người phát gạo đã không quan tâm đến liêm sỉ và tinh sĩ diện của người nghèo khi họ phải khai báo danh tánh trước một cái camera vô hồn. Trong vụ này, việc tận dụng công nghệ để đề phòng người tham lam có thể đem lại tiện ích đối với người cho, nhưng nhiều khả năng lại làm tổn thương người nhận.
Bác Sĩ Võ Xuân Sơn, người khởi xướng chương trình “Dĩa Cơm Trên Tường” (trao cơm miễn phí cho bệnh nhân) ở Sài Gòn, bình luận trên trang cá nhân: “Tạo ra một cái ‘ATM gạo’ là một sáng kiến đầy tình người. Nhưng bây giờ, khi mang nó ra khỏi nơi nó được sinh ra [Sài Gòn], nó lại phải gắn thêm một công nghệ khác, sử dụng trí tuệ nhân tạo, nhân danh sự nhân bản, để chống lại sự ích kỷ, sự chụp giựt của chính con người.
Còn đâu cái tinh thần ‘Nếu khó khăn cứ lấy một phần, nếu bạn ổn xin nhường cho người khác’ đầy chất Sài Gòn?”
Để việc cho gạo đúng với người cần nó, Bác Sĩ Sơn gợi ý rằng những người tổ chức cần tìm được những “đồng minh” là đối tác tại địa phương để giúp họ, cùng với việc thiết lập hệ thống giám sát.

“Tại sao không áp dụng hình thức phát hành một loại coin hoặc phiếu, rồi các tình nguyện viên, cùng với những người có thể tin tưởng được ở các địa phương, hoặc doanh nghiệp có nhiều người phải nghỉ việc, phát cho những gia đình thực sự khó khăn? Hay là tại địa phương đó không còn ai để chúng ta có thể tin được, để có thể phát những đồng coin, hay phiếu ấy, đúng đến tay người khó khăn?” theo Facebook Xuân Sơn Võ. (N.H.K) [qd]