Thursday, April 21, 2016

'Những bài toán khó' cho tân Thống đốc

Theo BBC-6 giờ trước 

Image copyrightReuters
Các khách mời của Bàn tròn Thứ Năm 21/4 của BBC Tiếng Việt nhận định tân Thống đốc Lê Minh Hưng “phải đối mặt với những thách thức lớn để biến chuyển ngành tài chính - ngân hàng Việt Nam trong năm 2015”.
Ngày 9/4, với đa số phiếu thuận, ông Lê Minh Hưng đã được Quốc hội khóa 13 phê chuẩn giữ chức vụ Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Ông Hưng nhậm chức trong thực trạng Ngân hàng Nhà nước đang phải nỗ lực tái cơ cấu tại các ngân hàng yếu kém, và xử lý nhiều vấn đề liên quan đến nợ xấu ngân hàng...
Quý vị có thể theo dõi Bàn tròn Thứ Năm tại đây.

‘Bài toán khó’

Từ TP Hồ Chí Minh, chuyên gia tài chính ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu nói: “Bài toán lãi suất hiện rất khó cho tân thống đốc, Ngân hàng Nhà nước muốn kéo lãi suất xuống để trợ giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhưng có nhiều nguyên nhân. Một trong số đó là do trái phiếu của chính phủ phải cân đối ngân sách, trả nợ công, nên phải đưa lãi suất lên”.
Image captionChuyên gia Nguyễn Trí Hiếu nói "Dân chúng và giới đầu tư muốn thấy một hệ thống ngân hàng lành mạnh"
“Doanh nghiệp vừa và nhỏ mong Thống đốc Hưng dùng biện pháp mạnh đẩy lãi suất xuống trong thời gian tới, nhưng việc này rất khó, nhất là trong bối cảnh lạm phát có thể tăng lên từ 3-5% trong năm 2016”.
“Một thách thức khác là việc xử lý những ngân hàng yếu kém, nhất là ba ngân hàng mà Nhà nước đã mua lại với giá 0 đồng, người ta quan tâm là những ngân hàng đã phục hồi chưa? Dân chúng và giới đầu tư muốn thấy một hệ thống ngân hàng lành mạnh và được xếp hạng tín nhiệm cao hơn mức ‘không khuyến khích đầu tư’ như khuyến cáo hiện nay của các tổ chức nước ngoài”.
"Việt Nam được đánh giá tín dụng bởi nhiều công ty trong đó có ba công ty lớn là Standard and Poor’s Moody’s và Fitch Ratings. Ba công ty đó xếp hạng tín nhiệm Việt Nam là không khuyến khích đầu tư và mang tính đầu cơ. "Một quốc gia mà ở xếp hạng tín nhiệm như thế thì tất cả các ngân hàng của quốc gia đó không thể mang xếp hạng tín nhiệm cao hơn," ông Hiếu nói.
Nhận xét về Thống đốc Lê Minh Hưng, ông Hiếu cho hay: “Ông Hưng là người có tinh thần ngoại giao, cởi mở. Trường hợp của ông Hưng là con một cựu cán bộ công an cao cấp sẽ ảnh hưởng thế nào đến công việc thì tôi xin miễn bàn, vì tôi chưa nhìn thấy sự liên kết nào giữa gia thế và vai trò thống đốc trong hiện tại”.
Image captionChuyên gia Nguyễn Văn Phú kêu gọi sự 'độc lập giữa Ngân hàng Nhà nước và hệ thống chính trị’
Chuyên gia Nguyễn Văn Phú, từ thành phố Strasbourg, Pháp, cho hay:
“Sự điều tiết của Ngân hàng Nhà nước trong thời gian qua có phần kém linh hoạt nên chưa giúp doanh nghiệp tiếp cận vốn. Doanh nghiệp trông chờ tân Thống đốc Hưng sẽ cho thấy sự minh bạch thông tin về cho vay vốn hoặc ngoại tệ, giúp người kinh doanh chủ động về vốn, ký kết hợp đồng đầu tư...”.
“Về lâu dài, nên tiến tới sự độc lập tương đối của Ngân hàng Nhà nước và hệ thống chính trị. Điều đó sẽ giúp người ta tin tưởng vào chính sách vĩ mô, chính sách tiền tệ, và là đòn bẩy giúp phát triển kinh tế khu vực tư nhân”.

‘Nhìn thẳng vào sự thật’

Một chuyên gia kinh tế từ Hà Nội, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh đã trả lời phỏng vấn của BBC từ Hà Nội trước khi Bàn tròn diễn ra.
Ông nói: “Tôi hy vọng là tân Thống đốc Lê Minh Hưng sẽ nhìn thẳng vào sự thật và giải quyết nhiều vấn đề trước mắt, như tái cơ cấu những ngân hàng mà vẫn đảm bảo quyền gửi tiền của người dân”.
“Hệ thống ngân hàng, nhất là Ngân hàng Nhà nước đang phải gánh giúp cho hệ thống ngân sách, ví dụ vay của ngân hàng Vietcombank 1 tỷ đôla, thường xuyên bán trái phiếu chính phủ... Như vậy quan hệ giữa chính sách tiền tệ và tài khóa có rõ ràng hơn hay không để đảm bảo hệ thống tài chính và lạm phát được giữ ở mức thấp?”
“Một thách thức khác với thống đốc là các doanh nghiệp Việt Nam đang phải trả lãi suất 9, 10%, tức là cao hơn rất nhiều so với doanh nghiệp tại các nước trong khu vực. Do vậy chi phí đầu vào tiền vốn của doanh nghiệp rất cao”.
Về chuyện Vietcombank bị thanh tra gần đây, ông nhận định: “Tôi không nghĩ đây là việc bình thường, vì đã lâu rồi ngân hàng này không bị thanh tra”.
Đề cập về gia thế của ông Lê Minh Hưng, Tiến sĩ Doanh cho hay: “Chắc là ông Hưng được thừa hưởng truyền thống giáo dục và làm việc nguyên tắc của ông bố, cố Thượng tướng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an Lê Minh Hương”.

Giải mã sự tụt hậu của Việt Nam

PGS. TS. Phạm Quý Thọ Học viện Chính sách và Phát triển 20 tháng 4 2016

Việt NamImage copyrightGetty
Image captionLãnh đạo Việt Nam kỳ vọng nâng mức thu nhập trung bình lên trên 7.000 USD vào năm 2035 nếu đạt tỷ lệ tăng trưởng GDP tối thiểu 7% mỗi năm từ nay.
Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ 12 kết thúc với phát biểu cảm xúc của tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng ‘dân chủ đến thế là cùng’.
Kỳ họp cuối cùng của Quốc hội khóa 13 cũng đã kết thúc ngoài dự kiến khi miễn nhiệm dàn lãnh đạo cũ và bổ nhiệm mới để lấp khoảng trống quyền lực giữa đảng và chính phủ với tuyên bố thủ tục rằng ê kíp lãnh đạo mới này sẽ tiếp tục được giới thiệu ra Quốc hội 14 theo Hiến định.
Các nhà quan sát thế giới và trong nước đang theo dõi những quyết định nhân sự của đảng và động thái của tân chính phủ thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.
Những thách thức kinh tế kéo dài từ các chính phủ tiền nhiệm, như thâm hụt ngân sách nặng nề, chi thường xuyên lớn, hết dư địa cho đầu tư phát triển, nợ công cao và tăng nhanh, nợ xấu cao tạo rủi ro cho hệ thống tài chính ngân hàng, doanh nghiệp làm ăn khó khăn, giải thể nhiều… cộng thêm những bất lợi về thiên tai ảnh hưởng xấu đến sản xuất nông nghiệp, làm giảm thiểu tốc độ tăng của nền kinh tế.
Trên các phương tiện thông tin đại chúng xuất hiện những phóng sự ‘nặng ký’ về các dự án sai phạm đất đai ở Vườn Quốc gia Ba Vì Hà Nội, dự án nhiều nghìn tỷ ‘đắp chiếu’, như dự án TISCO – Công ty cổ phần gang thép Thái Nguyên (8.104 tỷ đồng), dự án sơ sợi Hải Phòng (7.000 tỷ đồng), nhà chờ xe buýt nhanh (1.000 tỷ đồng) ở Hà Nội, các dự án không hiệu quả như Bảo tàng Hà Nội...
Những bức xúc xã hội như dân oan, đặc biệt trong lĩnh vực đất đai, gia tăng phân hóa giàu nghèo, tệ nạn xã hội, mất vệ sinh an toàn thực phẩm, chạy quyền chạy chức, giảm sút chất lượng dịch vụ xã hội, tăng phí giao thông, phí y tế… tạo sức ép đối với cuộc sống người dân, làm mất lòng tin vào chế độ…
Các chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI và chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh PAPI ở Việt Nam 2015 mới vừa được công bố cho thấy sự yếu kém của bộ máy công quyền không được cải thiện, phí ‘bôi trơn’ tăng lên và tham nhũng là căn bệnh kinh niên.
Tăng trưởng GDP quý 1/2016 giảm sút còn 5,46% so với cùng kỳ năm 2015 là 6,12% (bỏ qua những nghi vấn về tính trung thực số liệu thống kê), con số 7,3 tỷ đô la các ngân hàng, tổ chức và cá nhân chuyển ra nước ngoài… tạo ra hiện tượng ‘bất bình thường’.
Kế hoạch tăng trưởng bình quân năm trong 5 năm 2016-2020 được Quốc hội khóa 13 thông qua là 6,5% -7%. GDP/đầu người ước đạt 3.200 USD.
Nhìn lại, chỉ tiêu này trong chiến lược phát triển kinh tế xã hội năm 2020 đưa Việt Nam trở thành nước công nghiệp hóa, GDP/ đầu người khoảng 5.000 USD, rõ ràng không thể đạt được.

Sa lầy trong tư duy

Image copyrightGetty
Image captionĐến năm 2038, Việt Nam mới có thể bắt kịp năng suất lao động của Philippines và đến năm 2069 mới có thể bắt kịp Thái Lan.
Sự tụt hậu kinh tế Việt Nam so với các nước trong khu vực ngày càng lớn.
Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới (WB), thu nhập bình quân đầu người năm 2014 của Việt Nam là 2.052 USD, trong khi khi Singapore là 56.287 USD, Malaysia là 10.830 USD, Thái Lan là 5.561 USD và Indonesia là 3.515 USD.
Như vậy, chỉ tiêu này của nước ta tụt hậu so với Hàn Quốc chừng 30 đến 35 năm, Malaysia khoảng 25 năm, Thái Lan chừng 20 năm, Indonesia và Philippines chừng từ 5 đến 7 năm. Đến năm 2038, Việt Nam mới có thể bắt kịp năng suất lao động của Philippines và đến năm 2069 mới có thể bắt kịp Thái Lan…
Báo cáo “Việt Nam 2035 – Hướng tới thịnh vượng, sáng tạo, công bằng và dân chủ”, do các chuyên gia World Bank và Việt Nam thực hiện – được nhận xét là quá lạc quan, khi cho rằng Việt Nam nếu duy trì mức tăng trưởng tối thiểu 7% mỗi năm để nâng mức thu nhập trung bình lên trên 7.000 USD vào năm 2035, tuy nhiên đã đề xuất nhiều khuyến nghị quan trọng, đặc biệt là cải cách thể chế.
Các chuyên gia nhận định: “Việt Nam đang có nguy cơ mắc kẹt trong bẫy thu nhập trung bình thấp và khó thoát ra khỏi tình trạng này nếu không có các giải pháp cải cách mạnh mẽ, quyết liệt”.
Liệu đây là lời cảnh báo cho ‘chiến lược’ phát triển mới của Việt Nam?
Tại sao Việt Nam lại là ‘đất nước không chịu phát triển’?
Có ba nhân tố cơ bản quyết định một quốc gia sẽ phát triển, giàu có: thể chế, vị trí địa lý và văn hóa. Nhân tố hàng đầu là thể chế. Nói chung, những nước phát triển có một thể tốt và những nước kém phát triển có một thể chế tồi.
Việt Nam ‘sa lầy’ trong tư duy giáo điều về chủ nghĩa Mác – Lê, chủ nghĩa xã hội trong thời gian dài, khiến cho cải cách thể chế không mang lại hiệu quả.
Đào tạo cho các lớp ‘cán bộ nguồn’, chương trình chính khóa về tư tưởng Mác – Lê Nin trong các trường đại học, cao đẳng, dạy nghề chiếm dung lượng lớn đã làm kéo dài thời gian đào tạo, gây nên những phản ứng từ học sinh và đối với vấn đề cải cách giáo dục, đào tạo.
Nay sinh viên học trường đều phải đóng học phí, họ cần được biết các tư tưởng, triết lý khác ngoài hệ quy chiếu này.

Mâu thuẫn hai hệ thống

Việt NamImage copyrightKham Getty Images
Image captionViệt Nam đang trong quá trình chuyển giao quyền lực lãnh đạo kể từ sau Đại hội 12 của Đảng Cộng sản.
Mâu thuẫn giữa hai hệ thống giá trị và lợi ích của chủ nghĩa xã hội và thị trường tạo ra những khoảng trống quyền lực không kiểm soát, lợi ích nhóm và tham nhũng… trở thành quốc nạn và đang cản trở đổi mới.
Tập trung cao quyền lực trung ương, thiếu vắng hoặc mang tính hình thức cơ chế giám sát, phản biện, giải trình, công khai minh bạch của chính quyền, không công nhận tổ chức xã hội dân sự, thiếu thực chất sự tham gia của người dân trong quản lý nhà nước… đang làm cho thể chế méo mó, xã hội xuống cấp và người dân mất niềm tin.
Cải cách kinh tế tất yếu dẫn đến thay đổi thể chế chính trị, không phụ thuộc vào ý chí chủ quan, bảo thủ. Vấn đề là thời gian.
Quan sát các nước gần đây trong khu vực, bài học kinh nghiệm từ Indonesia có ích cho Việt Nam để tiếp tục đổi mới.
Tính phức tạp xã hội, nhân khẩu học, kinh tế liên tưởng tới thực trạng kinh tế xã hội Việt Nam, nhưng với những cải cách mạnh mẽ gần đây khiến chất lượng thể chế của Indonesia ổn định, ngày càng được cải thiện và được thế giới đánh giá cao.
Những tiến bộ thể hiện ở việc quyền hạn của Quốc hội và tư pháp được củng cố, thể chế tam quyền phân lập được xác lập từng bước. Năm 1999, lần đầu tiên Indonesia thực hiện tổng tuyển cử, năm năm sau, lần đầu tiên dân chúng được trực tiếp bầu tổng thống.
Về thể chế kinh tế, ngân hàng nhà nước được độc lập, chiến lược, chính sách phát triển kinh tế dài hạn được hoạch định công phu, với nội dung có sức thuyết phục và các cơ chế, biện pháp thực hiện chi tiết và có tính khả thi cao.
Những bài học sâu sắc nêu trên được trình bày trong cuốn "Indonesia: Cường quốc kinh tế."
Nhân tố thứ hai làm cho đất nước tụt hậu là văn hóa – những thứ đã in sâu vào tâm trí, quan điểm, niềm tin và định hướng hành vi.
Cơ sở văn hóa lúa nước, trọng tình, nước đôi… ảnh hưởng của Nho giáo, Khổng giáo… đã không hỗ trợ kinh tế thị trường. Năm 2015 có khoảng 9000 lễ hội, trong đó nhiều hình thức biến tướng, buôn thần bán thánh, kích thích lòng tham tiền và quyền lực, hủ tục lạc hậu.

'Cho tôi một thể chế'

Image copyrightAP
Image captionV. I. Lê Nin, lãnh tụ cộng sản Nga đầu thế kỷ 20, từng nói ‘nếu cho tôi một thể chế tôi sẽ xoay chuyển nước Nga’, theo tác giả.
Cải cách văn hóa ở đây, một mặt phải kết hợp giữa niềm tin tôn giáo và sự tạo ra của cải nhiều hơn, mặt khác tạo cơ chế tự do cá nhân và dân chủ để con người tin tưởng mạnh mẽ vào khả năng để thay đổi số mệnh của họ thông qua việc nỗ lực và tài năng, chứ không phải thế lực siêu nhân, hay sự trông chờ vào đảng và nhà nước.
Vị trí địa lý là một nhân tố đặc biệt ảnh hưởng đến sự phát triển của Việt Nam.
Trái với những bài học ca ngợi tổ quốc thời niên thiếu rằng nước ta ‘mưa thuận, gió hòa, rừng vàng, biển bạc…’, Việt Nam, không thực giàu có về trữ lượng tài nguyên thiên nhiên, lại nằm ở vùng nhiệt đới khắc nghiệt chịu ảnh hưởng lớn từ biến đổi khí hậu, giông bão, hạn hán, ngập mặn do nước biển dâng, các dịch bệnh nhiệt đới đòi hỏi chi phí lớn để bảo vệ con người, súc vật và cây trồng…
Tuy nhiên trong bối cảnh hiện nay, yếu tố này trở thành ‘lời nguyền địa lý’ bởi sự chung biên giới và quan hệ truyền thống với Trung Quốc.
Lịch sử chống xâm lăng hàng nghìn năm, chung ý thức hệ tư tưởng, đồng dạng thể chế chính trị, kinh tế và sự tranh chấp ngày càng căng thẳng trên biển đông và sự quan sự hóa quần đảo Trường Sa của Trung Quốc hiện nay, khiến cho Việt Nam trở ngại trong lựa chọn đường hướng cải cách, tác động đến thể chế, làm cho chi phí quân sự, an ninh gia tăng…
Nếu các nhà lãnh đạo thấy khó khăn, hãy để mọi người dân được lựa chọn cách thức trong đó họ toàn quyền quyết định vận mệnh dân tộc và của chính họ.
Để phát triển bền vững và thịnh vượng, cần có một thể chế phù hợp với kinh tế thị trường hiện đại – kết tinh giá trị của sự phát triển nhân loại trong thời đại hiện nay, một thể chế cho phép Việt Nam khi đó không chỉ sẽ giảm thiểu khoảng cách tụt hậu kinh tế, mà còn hy vọng một tương lai tươi sáng.
V. I. Lê Nin, lãnh tụ giai cấp vô sản Nga đầu thế kỷ 20, đã từng nói, đại thể ‘nếu cho tôi một thể chế tôi sẽ xoay chuyển nước Nga’.
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, chuyên gia phân tích chính sách công, Học viện Chính sách và Phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam.

Làm gì để chữa căn bệnh nhiệm kỳ?

 Khắc Giang Gửi cho BBC từ Hà Nội 21 tháng 4 2016 

Image copyrightvietnamnet.vn
Image captionTác giả viết "Xoá sổ căn bệnh nhiệm kỳ, vì thế, có lẽ chỉ trông chờ vào năng lực tự thân của các lãnh đạo"
Nhà cách mạng Nga V.I. Lenin từng nói: “giành chính quyền đã khó, giữ chính quyền còn khó hơn”. Những đồng chí của ông ở Việt Nam có vẻ rất coi trọng tuyên ngôn đó, cho nên luôn xem “ổn định” là mục tiêu hàng đầu của hệ thống chính trị.
Muốn giữ được “ổn định”, như Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu, điều hiển nhiên là phải lựa chọn những người kế nhiệm phù hợp. Đại hội Đảng Cộng sản lần thứ 12 và những phiên họp cuối cùng của Quốc hội 13 Việt Nam vừa hoàn thành xong nhiệm vụ đó, đưa lên sân khấu những gương mặt sẽ là đại diện cho chính quyền trong ít nhất 5 năm tới.
Ở Việt Nam, dù hệ thống bị đánh giá là độc đoán (authoritarian) theo Chỉ số Dân chủ (Democracy Index) của tờ Economist, vẫn có nét tiến bộ hơn các đồng chí khác như Bắc Triều Tiên và Cuba, khi sử dụng “nhiệm kỳ” để tránh tình trạng độc quyền cá nhân.
Thế nhưng, quản lý bằng nhiệm kỳ không phải là hoàn hảo. Nó dễ tạo ra thêm một thứ hay được gọi là “tư duy nhiệm kỳ”, khi lãnh đạo cố gắng “đặt dấu ấn” của mình trong giới hạn thời gian được tại vị. Điều này đồng nghĩa với việc cứ đến một thế hệ cầm quyền mới sẽ có nhiều ý tưởng mới, từ cấp cao nhất là thủ tướng cho đến các thành viên nội các. Có thể lấy ví dụ từ nhiệm kỳ của ba thủ tướng gần đây: Võ Văn Kiệt, Phan Văn Khải và Nguyễn Tấn Dũng.
Nếu như ông Võ Văn Kiệt và ông Phan Văn Khải nhấn mạnh vào quá trình cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước, cố gắng đưa vòi bạch tuộc của nhà nước ra khỏi nền kinh tế, thì ông Nguyễn Tấn Dũng lại muốn nhóm các doanh nghiệp này lại thành những “quả đấm thép”.
Đi xuống cấp bộ trưởng, có thể thấy vấn đề này rõ ràng hơn.
Đơn cử như Bộ Giáo dục: đúng 10 năm trước, chúng ta có đề án “hai không”, nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục. Năm đầu tiên thực hiện, từ 94% học sinh đỗ tốt nghiệp THPT năm 2006, con số này giảm xuống còn 66% trong kỳ thi 2007 (tăng lên 80% sau kì kỳ thi “vớt”). Ba năm tiếp theo, không có năm nào vượt qua thành tích quen thuộc 90%.
Image copyrightHoang Dinh Nam AFP
Image captionÔng Nguyễn Tấn Dũng đã từ nhiệm trong lúc ông Nguyễn Phú Trọng vẫn tại vị sau Đại hội Đảng 12
Thế nhưng kể từ năm chuyển giao nhiệm kỳ (2010), tỷ lệ này vọt lên ngoạn mục đến 99% năm 2014, và chỉ chịu giảm xuống 93% vào năm ngoái.
Có một sự trùng hợp là sự tiến bộ trong thành tích tốt nghiệp này đi cùng với sự thay đổi về trọng tâm của ngành giáo dục. Nếu như nhiệm kỳ của Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh đến chống tiêu cực, thì từ khoá trong nhiệm kỳ của Bộ trưởng Phạm Vũ Luận là “trận đánh lớn” với liên tiếp những cuộc cải cách, từ tuyển sinh cho đến sách giáo khoa, gây nhiều tranh cãi. “Hai số không” không còn là ưu tiên số một nữa.
Người thay thế ông, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ quay về với quan điểm con người là trung tâm. Người ta đang nín thở chờ ý tưởng của ông sẽ được hiện thực hoá ra sao. Những câu chuyện tương tự không khó để tìm thấy ở các bộ, ngành khác.

Đâu là giới hạn cho “ý tưởng”?

Tất nhiên, lãnh đạo khác nhau thì sẽ có những ý tưởng khác nhau, đó là điều không thể tránh khỏi ở bất kỳ thể chế nào. Nhưng một chiến lược phát triển đúng đắn, dài hạn đôi khi cần nhiều hơn một nhiệm kỳ.
Nhìn vào một ví dụ về cải cách doanh nghiệp nhà nước như trên, điều gì sẽ xảy ra nếu người đứng đầu thực hiện chưa xong ý tưởng thì nhiệm kỳ kết thúc? Và thậm chí ý tưởng đó bị bẻ ngoặt, dù cho đang được thực hiện hiệu quả?
Kết quả dễ thấy nhất sẽ là nguồn lực bị phân tán liên tục cho những mục tiêu dang dở, dẫn đến chuyện “vừa mất phu nhân lại thiệt quân”. Bởi ý tưởng mới tất nhiên sẽ cần nguồn lực, là tiền bạc và con người, để thực hiện. Chưa tính đến vấn đề lợi ích nhóm (hay tham nhũng), khi ý tưởng không hiệu quả, căn bệnh nhiệm kỳ sẽ tạo ra một chuỗi các cuộc cách mạng nửa vời, hao tổn nguồn lực mà không đi đến đâu.
Chính vì thế, tạo ra các quy chế buộc lãnh đạo mới phải có trách nhiệm với chính sách của mình, bất kể nhiệm kỳ kết thúc lúc nào, là rất cần thiết. Quan trọng hơn, ý tưởng mới cần phải được mổ xẻ một cách kỹ lưỡng trước khi được thông qua. Trong các hệ thống nhà nước hiệu quả, quy chế đó gọi là “trách nhiệm giải trình” của lãnh đạo.
Image copyrightlaodong.com.vn
Image captionTác giả đề cập những cải cách trong lĩnh vực giáo dục gây nhiều tranh cãi do 'tư duy nhiệm kỳ'
Thời gian còn ở Anh, tôi có dịp được chứng kiến hoạt động rất thú vị của “shadow cabinet” (nội các đối lập), nhóm các nhà lãnh đạo của phe đối lập với từng “bộ trưởng đối lập” (shadow minister) theo dõi và phản biện các chính sách của bộ trưởng “xịn”. Họ tranh luận thường xuyên trên TV như một show truyền hình thực tế. Điều này khiến cho các nhà xây dựng chính sách phải hết sức cẩn trọng và có trách nhiệm với ý tưởng của mình, nếu như không muốn bị làm bẽ mặt, hay thậm chí là mất chức.
Tất nhiên, mỗi một quốc gia đều có những nét đặc thù, cái hay của nước này không dễ đem áp dụng một cách cơ học cho nước khác. Thế nhưng, hệ thống nào cũng cần những tiếng nói phản biện độc lập để đảm bảo góc nhìn chính sách không bị thiên lệch và nâng cao trách nhiệm giải trình của những người đứng đầu. Ở Trung Quốc, đã có một số trường hợp các ứng viên ngoài Đảng được cho phép giữ các chức vụ lãnh đạo cao cấp (bộ trưởng). Quá trình dân chủ hóa ở Đài Loan cũng bắt đầu với việc cho phép các ứng viên độc lập được vào Lập pháp viện (Quốc hội) từ những năm 1970.
Nhìn vào kết quả hiệp thương lần ba, tôi ước giá như các ứng viên tự ứng cử ở Việt Nam có được nhiều cơ hội hơn, thì có lẽ vai trò “giám sát” của Quốc hội sẽ được tăng lên rất nhiều. Điều đó đã không xảy ra. Xoá sổ căn bệnh nhiệm kỳ, vì thế, có lẽ chỉ trông chờ vào năng lực tự thân của các lãnh đạo, ít nhất là trong 5 năm tới.
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, một nhà báo tự do sống tại Hà Nội.

Tranh chấp Biển Đông thu hút sự chú ý của cả thế giới

Gia Minh, PGĐ Ban Việt ngữ RFA 2016-04-21  
phu-lam-622.jpg
Trung Quốc đưa thêm chiến đấu cơ tới đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa, hình ảnh vệ tinh của ImageSat International chụp được hôm mùng 7 tháng 4 và được các viên chức quốc phòng Hoa Kỳ chứng thực ngày hôm 12/4/2016. Screen capture
Biển Đông tiếp tục thu hút chú ý không chỉ của những quốc gia có tranh chấp chủ quyền trong khu vực mà có thể nói của cả thế giới. Một số động thái gần nhất trong khu vực và hàm ý của chúng được nhận định ra sao?

Trung - Mỹ “lời qua - tiếng lại”

Trung Quốc chính thức xác nhận vào ngày chủ nhật 17 tháng tư vừa qua về việc đưa máy bay quân sự ra đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa. Ngay lập tức sau đó, Hoa Kỳ lên tiếng.
Bắc Kinh cho rằng máy bay phản lực được đưa đến để làm nhiệm vụ nhân đạo cấp cứu đưa ba công nhân bị ốm về đảo Hải Nam. Tuy nhiên phát ngôn nhân Ngũ Giác Đài, đại úy Jeff Davis, trong văn bản trả lời hãng thông tấn CNN thắc mắc sao Trung Quốc lại sử dụng máy bay quân sự cho một dịch vụ dân sự như thế.
Ngay sau đó Bộ Quốc Phòng Trung Quốc lên tiếng phản bác cho rằng trong trường hợp có công dân cần cấp cứu trên đất Hoa Kỳ thì phía Mỹ có sử dụng máy bay quân sự không. Ngoài ra Bộ Quốc phòng Trung Quốc nhắc lại Bắc Kinh có chủ quyền không thể tranh cãi tại khu vực Biển Đông và Hoa Kỳ không được quyền bình luận gì về hoạt động xây dựng những công trình của Bắc Kinh tại đó.
Chuyện lời qua tiếng lại đối với việc Trung Quốc đưa máy bay chiến đấu ra đá Chữ Thập nơi có đường băng mới xây dựng diễn ra chẳng bao lâu sau khi bộ trưởng quốc phòng Hoa Kỳ Ash Carter công du Philippines nhân đợt diễn tập quân sự hỗn hợp thường niên giữa đôi bên, rồi lên thăm tàu sân bay USS John C Stennis vào lúc đang có mặt ở Biển Đông.
Tôi nghĩ chuyện Trung Quốc tìm mọi cách và mọi hoạt động để thực hiện cho được, bằng được chính sách chiến lược của họ là khống chế và độc chiến Biển Đông. Dùng Biển Đông để vươn lên trở thành một siêu cường quốc tế trong việc cạnh tranh với vị trí siêu cường của Hoa Kỳ.
-TS Trần Công Trục
Trong khoản cùng thời gian, phía Trung Quốc loan tin phó chủ tịch quân ủy trung ương Phạm Trường Long cũng có chuyến thăm đến khu vực Trường Sa; cũng như Bắc Kinh tiến hành thử nghiệm hỏa tiển đạn đạo tầm xa tại Biển Đông.
Giáo sư Ngô Vĩnh Long, Khoa Sử- Đại học Maine ở Hoa Kỳ có nhận định về những hoạt động liên tục lâu nay của Trung Quốc tại khu vực Biển Đông như sau:
“Đã từ lâu rồi Trung Quốc muốn quân sự hóa cả Biển Đông. Kể từ khi chiếm được đảo Phú Lâm thì họ cho rằng có thể chặn được Mỹ và các nước khác. Đó là yết hầu của Biển Đông; nhưng sau này khi tham vọng của họ ‘lớn lên’, họ đánh chiếm thêm các đảo ở Trường Sa nữa. Thế nhưng rồi họ thấy vẫn chưa đủ nên đánh thêm Scaborough. Họ chặn hết tất cả những đường từ phía nam lên phía bắc.”
Tiến sĩ Trần Công Trục, một nhà nghiên cứu Biển Đông tại Việt Nam cũng có ý kiến:
“Tôi nghĩ chuyện Trung Quốc tìm mọi cách và mọi hoạt động để thực hiện cho được, bằng được chính sách chiến lược của họ là khống chế và độc chiến Biển Đông. Dùng Biển Đông để vươn lên trở thành một siêu cường quốc tế trong việc cạnh tranh với vị trí siêu cường của Hoa Kỳ. Đó là điều không bao giờ thay đổi. Điều đó thể hiện qua những điều họ đã làm trong thực tế. Và cho đến bây giờ, mặc dù họ có những tiến bộ ngoại giao, những hoạt động ngoại giao; họ nói với thế giới họ rất ‘thiện chí, rất biết điều, làm này nọ …’; nhưng trong thực tế họ hoàn toàn ngược lại. Đó là điều mà không ai mà có thể nhầm tưởng nữa. Chính những động thái vừa rồi càng chứng tỏ Trung Quốc quyết tâm thực hiện, rút ngắn khoảng cách để họ có thể thực hiện tiến lên làm chủ Biển Đông theo chiến lược của họ.”

Thêm phương tiện, vũ khí

Ngoài những diễn tiến như vừa nêu, hai phía Mỹ - Trung còn có nhiều hoạt động khác như Hoa Kỳ thông báo cùng Philippines tuần tra chung thường xuyên hơn tại Biển Đông. Washington cung cấp cho Manila khinh khí cầu trinh sát có gắn radar giúp thu thập thông tin và phát hiện biến động ở Biển Đông.
000_Hkg9812263.jpg
Đảo nhân tạo do Trung Quốc xây dựng ở Biển Đông, ảnh minh họa chụp hôm 15/5/2014.
Truyền thông Bắc Kinh cho biết từ ngày 7 tháng tư vừa qua, Trung Quốc cũng tiến hành tập trận tại khu vực Biển Đông với phương pháp mới như thực tập trong môi trường điện tử.
Trên đảo Phú Lâm mà Trung Quốc gọi là Vĩnh Hưng thuộc Hoàng Sa, hình ảnh vệ tinh mới nhất được hãng Fox News công bố vào ngày 13 tháng tư thì một phi đội 16 chiến đấu cơ J-11 của Trung Quốc được đưa đến đảo này. Trên đảo còn có hệ thống radar và dàn phóng tên lửa đất đối không.
Nhận định của giáo sư Ngô Vĩnh Long về việc Trung Quốc tăng cường xây dựng căn cứ và đưa các loại vũ khí đến những nơi được cải tạo, xây dựng ở Biển Đông như sau:
“Một khi thấy có cớ là họ làm tới, làm tới bởi vì đứng về mặt lịch sử và luật pháp mà nói thì họ (Trung Quốc) không có gì có thể biện minh cho sự chiếm đóng của họ được hết. thành ra họ phải dùng sự có mặt về quân sự của họ. Tất nhiên họ phải đưa vũ khí, đưa máy bay quân sự đến (để) họ cho đó là một sự đã rồi. Thành ra khi ‘sự đã rồi’ thì thế giới phải đương đầu với họ mà họ nghĩ thế giới không dám! Đây có thể gọi là một ‘game of chicken’, một cách nói ‘tao ngang như vậy thì làm gì tao!’
Thế nhưng theo tôi nghĩ về lâu về dài, vấn đề này sẽ bất lợi cho Trung Quốc vì đến một lúc nào đó thế giới cũng phải nghĩ cách đương đầu với Trung Quốc như thế nào.”

Khả năng đụng độ

Chuyên gia Carlyle Thayer thuộc Học viện Quốc Phòng Úc, từ khi tình hình Biển Đông trở nên căng thẳng, từng đưa ra hình ảnh so sánh khu vực như một chiếc bồn tắm, những vũ khí thả xuống đó như đồ chơi thì thế nào chúng cũng đụng nhau.
Tôi nghĩ Trung Quốc có làm gì thì làm trước chứ không phải sau khi có phán quyết (của tòa). Nếu làm sau thì có vẻ thách đố luật pháp quốc tế quá; cho nên làm trước như là một sự đã rồi.
-GS Ngô Vĩnh Long
Một số ý chuyên gia đưa ra nhận định nếu trong thời gian tới khi Tòa Trọng tại Thường trực Liên Hiệp Quốc tại La Haye đưa ra phán quyết cho vụ kiện đường đứt khúc 9 đoạn và bất lợi nghiêng về phía Trung Quốc thì Bắc Kinh sẽ cho tuyên bố vùng nhận dạng phòng không tại khu vực Biển Đông.
Tuy nhiên theo người chuyên nghiên cứu vấn đề Biển Đông như giáo sư Ngô Vĩnh Long, thì Bắc Kinh chắc hẳn sẽ ra tay trước khi có phán quyết của tòa quốc tế:
“Tôi nghĩ Trung Quốc có làm gì thì làm trước chứ không phải sau khi có phán quyết (của tòa). Nếu làm sau thì có vẻ thách đố luật pháp quốc tế quá; cho nên làm trước như là một sự đã rồi. Cho nên từ đây đến khi có phán quyết, Trung Quốc sẽ gia tăng sự hiện diện của họ tại Trường Sa; cũng như đưa vũ khí thêm vào Hoàng Sa để đe dọa. Nhưng tôi nghĩ sau khi có phán quyết rồi thì thế cờ sẽ thay đổi.
Đặc biệt Việt Nam sau khi có phán quyết sẽ ủng hộ phán quyết và ủng hộ Philippines, rồi cùng Philippines lên tiếng mạnh thì Trung Quốc phải giữ gìn một chút chứ nếu Trung Quốc thách thức quá thì sẽ bất lợi cho Trung Quốc.”
Truyền thông Trung Quốc vào ngày 18 và 19 tháng tư vừa qua loan tin về chuyến thăm Nga của ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị. Hai quan chức đứng đầu ngành ngoại giao của chính quyền Mátxcơva và Bắc Kinh lặp lại kêu gọi không quốc tế hóa tranh chấp tại khu vực Biển Đông. Tờ South China Morning Post nói rõ là Bắc Kinh tìm kiếm sự ủng hộ của Nga trong việc chống lại phán quyết của tòa án quốc tế về vụ Philippines kiện đường đứt khúc 9 đoạn của Trung Quốc trên Biển Đông.
Trong cùng thời gian, quốc vụ khanh phụ trách vấn đề Đông Á của Bộ Ngoại giao Anh, ông Hugo Swire, lên tiếng cho rằng Trung Quốc cần phải tuân thủ phán quyết của tòa quốc tế trong vụ bị Philippines kiện. Theo ông này thì đây là cơ hội để Manila và Bắc Kinh tái tục đối thoại về tranh chấp tại khu vực Biển Đông.
Có thể nói không phải đến lúc này mà kể từ khi vẽ ra bản đồ đường đứt khúc 9 đoạn hối năm 1947 Trung Quốc thể hiện rõ mưu đồ chiếm Biển Đông. Những động thái ngày càng trở nên quyết đoán khi nền kinh tế của Hoa Lục vươn lên vị trí hạng nhì thế giới chỉ sau Hoa Kỳ. Mọi động thái liên tục của Bắc Kinh trong thời gian qua theo giới chuyên gia đang là nỗ lực muốn chứng tỏ khả năng quân sự mạnh như khả năng kinh tế mà Trung Quốc đã tạo ra được cho đến lúc này.