Thursday, May 2, 2024

Một người chống Trung Cộng mất tích sau nhiều ngày bị công an thẩm vấn

 Hạ Trắng/SGN

Ông Nguyễn Văn Dũng (sinh năm 1977), người được biết đến với nickname Dũng Aduku, đã mất tích từ sáng ngày 27 Tháng Tư năm 2024.

Trước đó, vào tối ngày 22 Tháng Tư, ông Dũng nhận được điện thoại từ người bạn cũ, cũng là một người từng tham gia các hoạt động tranh đấu cho nhân quyền vài năm trước, mời ông đi ăn. Khoảng 23 giờ cùng ngày, một nhóm tự xưng là công an Phú Thọ đã ập vào quán và “lôi ông Dũng đi”- một nhân chứng cho hay.

Ông Dũng bị đưa từ Hà Nội về Phú Thọ ngay trong đêm 22 và chỉ được trả tự do tối  thứ sáu ngày 26 Tháng Tư, sau bốn ngày đêm bị thẩm vấn tại trụ sở Cơ quan An ninh Điều tra – công an tỉnh Phú Thọ.

Sáng ngày 27 Tháng Tư, ông Dũng mượn xe gắn máy của mẹ ruột và đi khỏi nhà. Đến thời điểm bản tin này loan đi, gia đình và bạn bè vẫn chưa liên lạc được với ông Nguyễn Văn Dũng. Một nguồn tin giấu tên nói với Sài Gòn Nhỏ rằng, trước khi đi, ông Dũng để lại một lá thư viết tay, nội dung “Mẹ ơi con xin lỗi mẹ. Con ơi bố xin lỗi con”. Khi đi, ông Dũng không mang theo giấy tờ tùy thân, không mang theo tiền bạc. Hiện gia đình và bạn bè rất lo lắng cho ông.

Ông Dũng (trái) cùng luật sư Lê Quốc Quân (ảnh: FB)
Ông Nguyễn Văn Dũng là một trong những thành viên đầu tiên của No-U Hà Nội (Nói “Không” với đường lưỡi bò của Tàu cộng”). Ông từng tham gia nhiều hoạt động đường phố, hay các chiến dịch cổ súy cho nhân quyền như biểu tình chống Tàu xâm lược, Tuyên bố 258, các hoạt động tưởng niệm…
Dũng nhiều lần bị công an bắt bớ, câu lưu và bị đánh đập. Tháng Tám năm 2013, ông bị bắt cóc sau đó bị tuyên 3 năm tù giam trong một vụ án hình sự mà công luận tin rằng do công an giăng bẫy để trả thù.
Ông Dũng trong một lần bị công an tra tấn vào năm 2016 (Ảnh FB)
Ra tù, Nguyễn Văn Dũng vẫn tiếp tục các hoạt động xã hội trong hoàn cảnh khó khăn vì bị đàn áp. Tháng Mười Hai năm 2016, khi đang trên đường từ Phú Thọ đến Nghệ An, Nguyễn Văn Dũng bị một nhóm côn đồ đi trên một chiếc xe hơi 7 chỗ và 05 chiếc xe gắn máy xông vào hành hung. Nhóm người này sau đó đã lột quần áo, trùm kín đầu và đẩy Dũng xuống ao. Sau đó chúng cướp xe gắn máy, điện thoại, máy tính xách tay và toàn bộ số tiền là 12 triệu đồng của ông.
Sau khi lập gia đình, Dũng tuyên bố rút khỏi mọi hoạt động xã hội nhưng vẫn luôn bị công an giám sát, sách nhiễu.
Năm 2023, nhà cầm quyền mở chiến dịch nhằm vào những người bị cho là admin của Nhật Ký Yêu Nước. Sau khi Phan Tất Thành bị bắt vào Tháng Bảy năm 2023, Nguyễn Văn Dũng bắt đầu cuộc sống nay đây mai đó để trốn tránh sự truy lùng của công an. Cả ông Dũng và ông Thành đều được cho là cựu quản trị viên của Nhật Ký Yêu Nước, một fanpage chuyên đưa tin về các vụ vi phạm nhân quyền, chỉ trích giới cầm quyền và thường đưa ra các lời kêu gọi biểu tình ôn hòa chống Tàu cộng xâm lược hoặc bảo vệ môi trường.
Trong một diễn biến khác, phiên tòa xét xử ông Phan Tất Thành dự kiến sẽ được mở vào sáng ngày 8 Tháng Năm năm 2023 tại Sài Gòn.

Hà Nội được kêu gọi ngừng cổ súy tư duy thù địch với miền Nam VNCH

 Văn Nam/SGN

Tổ chức nhồi sọ trẻ con về cái gọi là “giải phóng”, luôn được tổ chức rộng rãi vào các dịp 30 Tháng Tư hàng năm (Ảnh: Văn Bu BI Phan)

Một lá thư ngỏ ký tên nhiều tổ chức Xã hội Dân Sự cùng các trí thức hàng đầu của Việt Nam, tung ra trong ngày 30 Tháng Tư, kêu gọi nhà cầm quyền hãy ngừng các chiến dịch và hành động thù địch với một phần của đất nước, sau 49 năm không còn chiến tranh.

Thư có tên “49 năm sau 30 Tháng Tư – Con đường nào cho Việt Nam.”

Lá thư có chữ ký của tám tổ chức trong nước như Lập Quyền Dân, CLB Lê Hiếu Đằng, Ban Vận Động Văn Đoàn Độc Lập, Diễn Đàn Dân Sự… cùng các ông Mạc Văn Trang, Huỳnh Sơn Phước, André Mendras, Nguyễn Huệ Chi… kêu gọi Đảng CSVN hãy hành động thực tâm vì đất nước, vì nếu không lịch sử sẽ soi rọi tất cả, và “trách nhiệm (nếu không muốn nói tội lỗi) chủ yếu phải quy về cho những người cầm quyền.

Đây là một trong những hành động bất đồng chính kiến tập thể mới nhất, được đưa ra và thời điểm nhà cầm quyền CSVN hướng dẫn cho hàng loạt các trang mạng và nhóm dư luận viên đồng loạt ca ngợi việc miền Bắc đã “giải phóng”, đã đánh thắng các thế lực “thù địch như Việt Nam Cộng Hòa và Đế Quốc Mỹ”.

Sau ngày 30-4-1975, một số chính sách do nhà cầm quyền đưa ra gọi là hòa giải hòa hợp dân tộc nhưng trên thực tế vẫn là nói suông, chưa được thực thi một cách chân thành, đầy đủ, và do vậy, đó cũng là điều không mấy khó hiểu. Sự mất mát đau thương của cả dân tộc cùng với mối chia rẽ hận thù trong nội bộ người Việt vì vậy đến tận hôm nay vẫn còn là câu chuyện dài nhức nhối chưa được giải quyết thỏa đáng dứt khoát, dù thời gian đã trải qua chỉ một năm nữa là tròn nửa thế kỷ!”, lá thư ngỏ viết.

Hàng năm, trở thành thông lệ, Hà Nội luôn đẩy mạnh các chiến dịch bẻ cong sự tồn tại hợp pháp của Miền Nam Việt Nam Cộng Hòa (VNCH), tuyên truyền thần thánh hóa cuộc xâm lược miền Nam. Điều này, khiến mỗi 30 Tháng Tư, người ta nhìn thấy những cuộc xung đột ngôn từ không bao giờ dứt giữa hai phe. Dĩ nhiên, thế mạnh thuộc về giới dư luận viên vì việc tấn công vào những người thương tiếc chế độ VNCH và sự mất mát của miền Nam, luôn có công an mạng và các điều luật như 117 hay 331 sẵn sàng ập để tận nhà để ghép những án tù.

Lá thư ngỏ này, được coi như sự phản ứng vì đã quá sức chịu đựng của các thành phần trí thức, kể cả những người từng có chân trong chính quyền CSVN.

Cho đến nay, tình trạng nhân tâm ly tán, sự chia rẽ hận thù còn nặng nề trong nội bộ dân tộc cần được coi là một trong những nguyên nhân quan trọng của tình trạng lạc hậu, khi mà chính quyền cho đến nay vẫn coi ai ở trong nước hay nước ngoài nói trái ý mình đều thuộc “các thế lực thù địch”, trái hẳn với câu nói cửa miệng của các quan chức cộng sản theo nghị quyết, “Cộng đồng người Việt ở nước ngoài là một bộ phận quan trọng không thể thiếu đối với dân tộc Việt Nam, cần phải được coi trọng…”

“Trong suốt 49 năm, tất cả mọi sự thật phải trái đã được phơi bày, ai ai có chút kiến thức và lương tri cũng đều trông thấy rõ. Xét trên kinh nghiệm lịch sử ngàn năm của mọi quốc gia thì sự tồn tại của một triều đại luôn luôn hữu hạn. Vấn đề cốt lõi bất khả tranh luận là phải dám phủ định những bước đi sai đường để chuyển hướng, bằng việc cải cách kinh tế đi đôi và tương ứng với cải cách căn bản về chính trị, xây dựng nhà nước pháp quyền một cách thực chất theo mô hình phát triển của đa số các nước dân chủ văn minh tiến bộ trên thế giới,” thư ngỏ viết.

Thư ngỏ đưa ra 6 điều cần cải cách để đất nước đi lên, nhưng tập trung nhấn mạnh vào vấn đề chấm dứt cấy sâu hận thù, đẩy mạnh hòa giải dân tộc. “Hòa giải hòa hợp dân tộc là sự đòi hỏi bức bách thiêng liêng của mọi người dân Việt, bất kể ở trong hay ngoài nước, không phân biệt màu cờ sắc áo thành phần lý lịch thuộc cũ hay mới, nhưng không có nghĩa là sự ban ơn bằng nghị quyết này nọ của kẻ thắng đối với người thua (như Nghị quyết 36-NQ/TW năm 2004), mà phải được coi là mệnh lệnh tối thượng tất yếu của lịch sử. Để cho tình trạng chia rẽ nghi kỵ lẫn nhau kéo dài cho đến tận hôm nay qua thực tế lời nói không đi đôi với việc làm, thì trách nhiệm (nếu không muốn nói tội lỗi) chủ yếu phải quy về cho những người cầm quyền.”

Cuối thư, những người đồng ký tên nhấn mạnh “Chúng ta hy vọng năm tới, sau nửa thế kỷ, vào ngày 30 tháng 4 năm 2025, toàn thể người Việt Nam đoàn kết thống nhất, bỏ lại sau lưng mọi sự nghi kỵ và tỵ hiềm, để đất nước có thể bước vào một kỷ nguyên mới , kỷ nguyên của đoàn kết, phát triển phồn vinh.Chưa nghe Ban tuyên giáo hay cơ quan tuyên truyền của Hà Nội lên tiếng gì về lá thư ngỏ này.

Việt Nam vẫn bị xếp vào danh sách những nước thiếu tự do tôn giáo

 WASHINGTON, DC (NV) – Ủy Hội Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế của Hoa Kỳ (USCIRF) vẫn xếp Việt Nam vào danh sách những nước cần “quan tâm đặc biệt” về tự do tôn giáo.

Ngày 1 Tháng Năm, USCIRF công bố bản phúc trình thường niên về tự do tôn giáo trên thế giới và đồng thời đưa ra các khuyến nghị với chính phủ Mỹ.

Phái đoàn Ủy Hội Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế của Hoa Kỳ (USCIRF) gặp phái đoàn Hội Đồng Liên Tôn Việt Nam tại Sài Gòn giữa Tháng Năm, 2023. (Hình: PTK-HDLTVN)

Trong đó, dựa theo các nguồn tin thu thập độc lập, USCIRF vẫn xếp Việt Nam trong danh sách những quốc gia không hoàn toàn có tự do tôn giáo. Chính phủ Mỹ coi vấn đề tự do tôn giáo là một trong những vấn đề quan trọng trong chính sách đối ngoại.

“Hai mươi lăm năm sau khi Quốc Hội thông qua Đạo Luật Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế (IRFA) rất nhiều cá nhân và cộng đồng dân chúng trên thế giới vẫn không thể thực hành niềm tin tôn giáo hay tín ngưỡng của họ. USCIRF rất thất vọng trước tình trạng tồi tệ hơn tại nhiều quốc gia như được nhấn mạnh trong bản phúc trình thường niên năm nay,” bản phúc trình của ông Abraham Cooper, chủ tịch USCIRF, viết.

Được thành lập theo một đạo luật và các thành viên của Ủy Hội do cả Quốc Hội và chính phủ mời tham gia, USCIRF hằng năm phúc trình cho cả chính phủ và Quốc Hội về tự do tôn giáo thế giới theo sự quan sát và ghi nhận của họ. Là một cơ quan độc lập, Ủy Hội đưa ra các khuyến nghị cho chính phủ, ảnh hưởng chính sách đối ngoại.

Trong bản phúc trình năm nay, USCIRF khuyến nghị Bộ Ngoại Giao Mỹ đưa 17 nước vào danh sách “Các quốc gia cần quan tâm đặc biệt” (Countries of Particular Concern – viết tắt là CPC) dựa trên các hành vi cấm cản hay đàn áp tôn giáo hoặc tự do tín ngưỡng.

Trong số đó, có 12 nước từng bị xếp trong danh sách CPC của năm 2023 là Miến Điện, Trung Quốc, Cuba, Eritrea, Iran, Nicaragua, Bắc Hàn, Pakistan, Nga, Saudi Arabia, Tajikistan và Turkmenistan. Đồng thời thêm tên năm nước khác là Việt Nam, Afghanistan, Azerbaijan, Ấn Độ, và Nigeria.

Trong một bản phúc trình về tự do tôn giáo thế giới hồi Tháng Mười Hai, 2023, Bộ Ngoại Giao Mỹ đưa Việt Nam vào danh sách “cần theo dõi đặc biệt” (Special Watch List – viết tắt là SWL) tức một mức độ nhẹ hơn, USCIRF cho rằng các hành vi đàn áp tôn giáo tại nước này trầm trọng hơn nên cần đưa vào danh sách “Quan tâm đặc biệt” (CPC) tức ở mức nặng hơn.

Người Thượng biểu tình chống đàn áp tôn giáo ở khu vực Tây Nguyên. (Hình: Người Thượng Vì Công Lý)

Tin tức phổ biến trên mạng xã hội cho thấy nhà cầm quyền Việt Nam vẫn không hề thay đổi chính sách kìm kẹp tôn giáo tín ngưỡng. Người Thượng và người Hmong theo các hệ phái Tin Lành độc lập vẫn bị đàn áp, thậm chí bỏ tù. Người Phật tử Khmer Krom vẫn bị khống chế, một số nhà hoạt động bị bắt giam với cáo buộc “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ, xâm phạm lợi ích nhà nước…” theo Bộ Luật Hình Sự Việt Nam.

Trước những lời cáo buộc tiếp tục chính sách đàn áp tôn giáo, Hà Nội luôn luôn chống chế là các bản tường trình của USCIRF hoặc chính phủ Mỹ, hay ngay cả Ủy Ban Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc là “không khách quan,” dù người ta dẫn chứng cụ thể.

Ngày 22 Tháng Tư mới đây, Bộ Ngoại Giao Mỹ công bố bản phúc trình hằng năm về hình hình nhân quyền thế giới, chỉ trích Việt Nam vẫn không tôn trọng nhân quyền. Phúc trình này nói cho đến cuối năm 2023, nhà cầm quyền Việt Nam vẫn còn cầm tù ít nhất 187 các người đấu tranh vận động cho nhân quyền, tự do dân chủ và tự do tôn giáo tại Việt Nam.

Hàng loạt cơ quan tuyên truyền của Việt Nam nhất loạt thuật lời phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao kêu bảo phúc trình đó “sai lệch” hoặc “không khách quan” dù Bộ Ngoại Giao Mỹ dẫn chứng các vụ việc cụ thể. (NT) [qd]

Vắng Chủ tịch nước nên tháng tư năm nay không có ‘đặc xá’?

 Tử Long

VNTB – Vắng Chủ tịch nước nên tháng tư năm nay không có ‘đặc xá’?

(VNTB) – Nguyên do không có “đặc xá” là vì “lợi ích của Nhà nước” và “yêu cầu đối nội, đối ngoại”; hay từ lý do tế nhị hơn: Việt Nam đang khuyết người ở vị trí chính thức Chủ tịch nước…

“Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương triển khai công tác xét đề nghị giảm thời hạn cho phạm nhân, trại viên, học sinh đợt 30/4 theo đúng quy định của pháp luật” – trích Phụ lục II, “Nhiệm vụ cụ thể giao các bộ, cơ quan, địa phương trong tháng 4, quý II năm 2024 và thời gian tới” (Kèm theo Nghị quyết số 44/NQ-CP ngày 05-4-2024 của Chính phủ).

Tại khoản 1 Điều 3 Luật Đặc xá 2018 thì đặc xá được giải thích là sự khoan hồng đặc biệt của Nhà nước do Chủ tịch nước quyết định tha tù trước thời hạn cho người bị kết án phạt tù có thời hạn, tù chung thân nhân sự kiện trọng đại, ngày lễ lớn của đất nước hoặc trong trường hợp đặc biệt.

Căn cứ theo Điều 5 Luật Đặc xá 2018 quy định về thời điểm đặc xá như sau:

Thời điểm đặc xá:

1. Chủ tịch nước xem xét, quyết định về đặc xá nhân sự kiện trọng đại, ngày lễ lớn của đất nước.

2. Chủ tịch nước xem xét, quyết định đặc xá trong trường hợp đặc biệt để đáp ứng yêu cầu đối nội, đối ngoại của Nhà nước mà không phụ thuộc vào thời điểm quy định tại khoản 1 Điều này.

Bên cạnh đó, căn cứ theo quy định tại Điều 4 Nghị định 145/2013/NĐ-CP, các ngày lễ lớn trong nước gồm có 8 ngày cụ thể như sau: Ngày Tết Nguyên đán (01 tháng Giêng Âm lịch); Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (03-02-1930); Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương (10-3 Âm lịch); Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975); Ngày Chiến thắng Điện Biên Phủ (07-5-1954); Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19-5-1890); Ngày Cách mạng Tháng Tám (19-8-1945); và Ngày Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (02-9-1945).

Theo đó trong tháng 4 và 5 của năm nay có 3 lễ lớn: Ngày Chiến thắng 30 tháng 4 năm 2024; Ngày Chiến thắng Điện Biên Phủ; Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, việc xét đặc xá vào ngày lễ này còn phụ thuộc vào quyết định đặc xá của Chủ tịch nước.

Dịp 7-5-2024 tới đây trong khuôn khổ kỷ niệm, thì ngoài chương trình Lễ diễu binh, diễu hành của hai lực lượng Công an và Quân đội, người ta không thấy nhắc đến vấn đề đặc xá vốn được gọi là “sự khoan hồng đặc biệt của Nhà nước do Chủ tịch nước quyết định tha tù trước thời hạn cho người bị kết án phạt tù có thời hạn, tù chung thân nhân sự kiện trọng đại, ngày lễ lớn của đất nước hoặc trong trường hợp đặc biệt”, được nêu tại Điều 3.1 của Luật Đặc xá 2018.

Điều 4 của Luật Đặc xá cho biết nguyên tắc thực hiện đặc xá là “1. Tuân thủ Hiến pháp, pháp luật; bảo đảm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. 2. Bảo đảm dân chủ, công bằng, khách quan, công khai, minh bạch. 3. Bảo đảm yêu cầu về đối nội, đối ngoại, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội”.

Như vậy trong 3 ngày lễ lớn theo quy định ở tháng 4 và 5-2024, nguyên do không có “đặc xá” là vì “lợi ích của Nhà nước” và “yêu cầu đối nội, đối ngoại”; hay từ lý do tế nhị hơn: Việt Nam đang khuyết người ở vị trí chính thức Chủ tịch nước, vì vào ngày 23-3-2024 xảy ra chuyện Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng từ chức, và đến nay thì Chủ tịch Quốc hội đương nhiệm cũng từ chức, nên vẫn chưa thể tiến hành bầu chọn một Chủ tịch nước thay thế?

Lưu ý, theo con số thống kê của tổ chức Human Rights Watch, tính đến đầu năm nay, ở Việt Nam có hơn 160 tù nhân chính trị bị giam giữ chỉ vì đã thực thi các quyền cơ bản của mình một cách ôn hòa.

Hồ Sông Mây cạn đáy, cá chết nổi trắng

 Hùng – Sơn

VNTB – Hồ Sông Mây cạn đáy, cá chết nổi trắng

(VNTB) – Thời gian vừa qua, hồ Sông Mây đã xả nước phục vụ tưới tiêu cho khoảng 800 ha đất của người dân, cùng với việc nạo vét hồ kéo dài dẫn đến hồ cạn nước, cá chết nổi trắng.

Hồ Sông Mây (xã Bắc Sơn, huyện Trảng Bom) diện tích hơn 300 hecta, là hồ chứa nước tưới tiêu cho khu vực huyện Trảng Bom và huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai. Năm 1993, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh được giao quyền nuôi trồng thủy sản trên toàn diện tích mặt nước.

Tháng 1-2024, tỉnh Đồng Nai thực hiện dự án cải tạo đập thủy lợi và nạo vét hồ Sông Mây. Chủ đầu tư là Công ty TNHH một thành viên khai thác công trình thủy lợi Đồng Nai. Dự án được Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đồng Nai phê duyệt tại Quyết định số 137/QĐ-SKHĐT, với mục tiêu cải tạo, sửa chữa hồ Sông Mây, huyện Trảng Bom sau hoàn thành nhằm đảm bảo công trình hoạt động an toàn và đáp ứng các nhiệm vụ đề ra là cung cấp nước cho diện tích 950 ha lúa Đông Xuân, 700 ha lúa Hè Thu và 600 ha lúa vụ mùa và cung cấp nước sinh hoạt, kết hợp nuôi trồng thủy sản.

Trong thời gian thi công, đại diện Tổ nuôi trồng thủy sản có kiến nghị với đơn vị thi công cần duy trì khoảng 1 triệu mét khối nước để duy trì lượng cá chưa kịp khai thác trong hồ.

Tuy nhiên, những ngày qua do tình hình hạn hán kéo dài, phía công ty đã xả nước về hạ nguồn để cứu cây trồng và ruộng lúa của người dân. Điều này khiến khiến mực nước hồ chạm đáy, mật độ cá nuôi còn dày đặc nên cá thiếu oxy dẫn đến chết hàng loạt.

Cá chết trắng, người nuôi cá lãnh đủ. Ảnh: Dân Trí

Theo ước tính, số lượng cá chết của Đội nuôi trồng thủy sản hồ Sông Mây thuộc Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Đồng Nai trong nhiều ngày qua lên đến khoảng 200 tấn. Cá chết đột ngột, không kịp xử lý, nổi trắng hồ đang cạn đáy.

Hồ Sông Mây cạn trơ đáy, diện tích mặt nước giảm từ 196 ha hiện chỉ còn khoảng 2 ha. Độ sâu mực nước thấp với nơi sâu nhất khoảng 1m nước, số lượng cá trong hồ chết gần hết.

Theo ghi nhận từ Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế – ma túy Công an huyện Trảng Bom, hiện tượng cá chết tại hồ Sông Mây đã diễn ra khoảng 1 tuần nay. Nhưng bắt đầu từ ngày 28-4, cá chết hàng loạt vì lượng nước trong hồ xuống thấp. Trước khi triển khai công trình có thời gian thực hiện dự kiến từ năm 2024-2025, Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Đồng Nai đã có văn bản gửi các địa phương và Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh khuyến cáo về việc nuôi trồng thủy sản trong thời gian đơn vị thi công dự án. Đồng thời khuyến cáo người dân trên địa bàn xuống giống vụ sản xuất hè thu năm 2024 và có kế hoạch nuôi trồng thủy sản phù hợp với tình hình nguồn nước của hồ.

Thượng úy Lê Minh Tấn, Đội trưởng Đội nuôi trồng thủy sản hồ Sông Mây, cho hay đây không phải là cá mới thả nuôi trong năm nay, mà là lượng cá tồn từ cuối năm 2023, gồm các loại cá như mè, trôi, trắm, cá da trơn… Đa số kích thước còn tương đối nhỏ, chỉ 1 đến 2 lạng một con và không đủ chuẩn để xuất bán.

Xác cá chết trong lòng sông khô cạn, nứt nẻ. Ảnh: Dân Trí

Đội Nuôi trồng thủy sản hồ Sông Mây đã đề nghị đơn vị thi công tạm ngưng mở cống để kịp thu xác cá chết, không để xác cá và nước thối chảy về phía suối của các hộ dân. Đến nay, số cá chết được xử lý theo hướng gom vào các bể bê tông để ủ làm phân bón, sau đó sẽ rải vôi bột để xử lý mùi hôi.

Lực lượng cảnh sát kinh tế môi trường Công an huyện Trảng Bom đang có mặt tại hồ Sông Mây, đồng thời khảo sát khu vực nạo vét dự án cải tạo đập thủy lợi và nạo vét hồ Sông Mây để phục vụ xác minh, làm rõ nguyên nhân.

Sài Gòn nóng như chảo lửa, người dân khốn khổ

VOA Tiếng Việt

Các tài xế xe ôm tìm nơi có bóng râm để nghỉ trưa ở Quận 7 giữa trời nắng nóng (Ảnh chụp màn hình Pháp luật Online)

Các tài xế xe ôm tìm nơi có bóng râm để nghỉ trưa ở Quận 7 giữa trời nắng nóng (Ảnh chụp màn hình Pháp luật Online)

Thành phố Hồ Chí Minh, và cả nước Việt Nam nói chung, đang trải qua đợt nắng nóng gay gắt và kéo dài chưa từng thấy, khiến người dân rất vất vả trong sinh hoạt và mưu sinh, theo tìm hiểu của VOA.

Từ đầu năm đến cuối tháng Tư, thành phố lớn nhất nước này đã ghi nhận 74 ngày có nhiệt độ trên 35 độ C, trong đó có một chuỗi 28 ngày liên tiếp, theo số liệu thống kê của VnExpress.

Mức nhiệt độ cao nhất được ghi nhận là 39 độ C, cũng theo trang mạng này, tức là chỉ thấp hơn một chút so với ngưỡng nóng lịch sử từng được ghi nhận vào năm 1998 là 39,6 độ C. Tuy nhiên, đây là mức nhiệt được đo trong bóng râm, còn nhiệt độ thực sự ở ngoài trời cao hơn nhiều.

Tờ Washington Post cho biết khu vực đông nam Á đang trải qua đợt nắng nóng khốc liệt, xô đổ mọi kỷ lục, khiến trường học bị đóng cửa, kéo căng lưới điện và dẫn đến nhiều trường hợp đổ bệnh thậm chí tử vong.

Theo tờ báo này thì nhiệt độ trên khắp vùng, từ Ấn Độ qua Myanmar, Campuchia, Thái Lan, Việt Nam cho đến Philippines, nhiệt độ được ghi nhận ở mức từ 100 cho đến 120 độ F, tức tương đường từ 38 đến 49 độ C.

Tờ báo này dẫn lời nhà lịch sử khí hậu Maximiliano Herrera viết trên X rằng đợt nắng nóng ở đông nam Á năm nay là ‘khắc nghiệt nhất trong lịch sử khí hậu thế giới’.

Cũng theo Washington Post, Việt Nam ghi nhận mức nhiệt cao nhất là 44 độ C hôm 30/4 ở huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An.

Theo ghi nhận của VOA, trên khắp mạng xã hội, người dân ở Sài Gòn ai cũng than nóng. Nhiều người dùng những từ ngữ cực đoan để mô tả cái nóng như; nóng cháy da, nóng bể đầu, nóng dã man, nóng khủng khiếp, nóng chảy mở, nóng như điên, nóng le lưỡi, nóng thở không nổi, nóng hầm hập, nóng bừng bừng, nóng như thiêu đốt, nóng như lò hấp, nóng như Hỏa Diệm Sơn, nóng như đổ lửa, nóng muốn ngu người, nóng như trong phòng xông hơi, mồ hôi tuôn như tắm và mong mưa còn hơn mong trúng số…

Thậm chí có người còn cho biết họ thử bước chân trần ra ngoài đường và đã bị phỏng hai bàn chân, có người còn thử chiên trứng ngoài trời nắng không cần bếp.

Nắng nóng còn khiến hàng trăm ngàn con cá chết phủ kín khắp mặt hồ Sông Mây ở tỉnh Đồng Nai có diện tích rộng 300 hectare, hãng tin AFP cho biết. Số lượng cá chết tương đương 200 tấn, cũng theo hãng tin này.

‘Sài Gòn rực lửa’

Trên Facebook, ông Cù Mai Công, cựu nhà báo của báo Tuổi Trẻ viết: “Dân Sài Gòn tơi tả trong nắng hạn liên tục hơn một tháng nay, ngày nào cũng từ 36 độ trở lên. Suốt 5 ngày lễ dịp 30/4 và 1/5 cho tới nay, nhiệt độ luôn là 38-39 độ C. Đến 1, 2 giờ sáng, trời vẫn oi hầm 30-31 độ C. Cả Sài Gòn rực lửa hạ.”

Nhà báo này cho biết ông đã thử đặt nhiệt kế ngoài trời trên đường Tôn Đức Thắng ở trung tâm thành phố vào giữa trưa ngày 2/5 và đo được mức nhiệt là 51-53 độ C. “Cả con đường phừng phực nắng,” ông cho biết.

Nhà thơ Đỗ Trung Quân nói với VOA rằng trời nóng quá, ông bị khó thở và ‘phải thở ôxy’.

Bà Nguyễn Thị Bạch Huệ, người đứng bán quán bánh canh cua ở góc đường Lãnh Binh Thăng-Ngọc Hân Công Chúa, Quận 11, nói với VOA rằng năm nay ‘nóng nhiều hơn những năm trước’.

“Nóng rát da lắm. Nó khiến con người mình mệt mỏi, bực bội, dễ quạu,” bà nói và cho biết do bà bán sát đường nên vào buổi trưa nhựa đường hắt nóng lên ‘chịu không nổi’. Trời nắng chói chang khiến bà ‘không dám nhìn ra ngoài vì nhìn sẽ bị lóa nắng, không thấy đường’.

Còn vào buổi chiểu thì trời ‘rất hanh’, hơi đất bốc lên hừng hực khiến cho sàn nhà ‘lau đi lau lại bao nhiêu lần cũng vẫn nóng’, cũng theo lời người tiểu thương này.

Bà cho biết thời điểm này, từ lúc bà mở bán vào lúc 11h trưa thì hầu như không có khách, vì ‘người Sài Gòn không ai ra đường vào buổi trưa’, và phải đến sau 4h chiều thì bà mới bán được. “Lượng khách tới quán giảm 20%,” bà nói.

Những lúc phải đứng gần lò nấu nướng trong nhà để chuẩn bị mở hàng, bà Huệ mô tả là ‘nóng không chịu nổi’. “Mở quạt thì hơi nóng còn bị quay vòng vòng trong nhà nữa, nên tôi tranh thủ nấu một hơi cho xong rồi tắt lò liền,” bà kể.

Cũng ở trong nhà, ngồi tựa vách tường thì sẽ cảm thấy hơi nóng ‘hừng hực từ vách tường tỏa ra’, cũng theo lời bà.

Bà cho biết con gái bà hiện học đại học năm cuối mỗi ngày phải chạy xe đi học ở Bình Chánh. Trời nóng quá khiến con gái bà ‘la làng luôn’.

Một ngày gia đình bà ‘tắm không biết bao nhiêu lần’ và ‘tắm xong vẫn thấy nóng’, bà than thở.

Không chỉ có thành phố lớn nhất nước chịu đựng nắng nóng gay gắt mà cả nước Việt Nam trong giai đoạn cuối tháng 4 đầu tháng 5 cũng trải qua đợt nóng khốc liệt, theo trang mạng VnExpress.

Trang mạng này dẫn số liệu từ Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia cho biết tại Bắc Bộ, bắc và trung Trung Bộ, nhiệt độ trung bình cao hơn từ 2 đến 4 độ, có biệt có nơi cao hơn 4 độ C so với cùng kỳ nhiều năm trước. Nền nhiệt phổ biến từ 39 đến 42 độ C. Nhiệt độ nóng nhất được ghi nhận là 44 độ C ở Tương Dương, Nghệ An, vào ngày 30/4 và ở Đông Hà, Quảng Trị, vào ngày 28/4.

Các nước xung quanh

Tại Philippines, hàng triệu học sinh trên khắp cả nước đã được cho nghỉ ở nhà hôm 29/4 do nắng nóng. Bộ Giáo dục đã yêu cầu học sinh của hơn 47.000 trường công lập chuyển sang học trực tuyến, Đài Al Jazeera cho biết.

Chính quyền khuyến cáo người dân tránh hoạt động ngoài trời và uống nhiều nước, trong khi trẻ em và người già được khuyên phải đặc biệt cẩn thận.

Đông đảo người dân đã đổ đến các trung tâm mua sắm ở thủ đô Manila để ‘xài ké’ máy lạnh. Nhiệt độ ở Manila đã tăng lên 38,8 độ C hôm 27/4, vượt qua kỷ lục được thiết lập nhiều thập kỷ trước, theo các quan chức khí tượng nước này, cũng theo Al Jazeera.

Cơ quan khí tượng nước này cho biết chỉ số nhiệt - nhiệt độ thực tế mà cơ thể cảm nhận được - dự kiến sẽ duy trì ở mức kỷ lục là 45 độ C, mức nhiệt mà cơ quan này xếp vào diện ‘nguy hiểm’ vì nó có thể khiến người ta bị sốc nhiệt nếu ở ngoài trời lâu.

Còn ở miền bắc Thái Lan, nhiệt độ đã lên tới 44 độ C ở một số nơi, trong khi thủ đô Bangkok đã ghi nhận nhiệt độ trên 40 độ C. Dự báo từ Cục Khí tượng Thái Lan cho biết mùa hè năm nay nhiện độ dự kiến sẽ nóng hơn năm ngoái từ 1-2 độ C.

Al Jazeera dẫn thông tin từ Cục Kiểm soát Dịch bệnh Thái Lan hồi tuần trước cho biết ít nhất 30 người đã chết vì say nắng trong năm nay.

Thể chế chính trị quái dị của Việt Nam


Ngày 30/4, trang Facebook cá nhân của học giả Trương Nhân Tuấn từ Pháp, có bài bình luận về thể chế chính trị Việt Nam, với tựa đề “Tại sao phải “Tứ trụ” mà không là “nhứt trụ” ?”

Thoibao.de giới thiệu bài viết này đến quý khán thính giả, nội dung như sau:

Chỉ duy nhứt Việt Nam mới có cái mô hình chính trị quái dị, không giống ai, gọi là “Tứ trụ”. Một nước luôn chỉ có một ông vua. Bởi vì “chủ quyền quốc gia” là duy nhứt, là tối thượng, là “bất khả phân chia”. Khi chủ quyền bị phân chia làm bốn, hay do bốn người giữ, thì chủ quyền không còn là chủ quyền nữa. Đất nước vì vậy luôn bất ổn.

Theo tôi, ông Trọng hay ông Tô, ông nào cũng được. Việt Nam chỉ cần “một ông” lãnh đạo là đủ.

Ý kiến của tôi nào giờ là vậy. Nào giờ, tôi luôn hô hào “pháp trị hóa nhà nước”. “Quốc gia pháp trị” là vậy. “Pháp trị – the Rule of Law” cũng vậy. Chỉ có “một” trụ mà thôi.

Tôi thấy học giả, chuyên gia tầm quốc tế, hay chuyên gia Việt Nam, luôn lầm lẫn rằng, cái gọi là “nhà nước pháp quyền” của Việt Nam hiện tại, với mô hình xây dựng quốc gia của Pháp (của EU và phần lớn các quốc gia khác trên thế giới), đồng nghĩa với [quốc gia pháp trị], một mô hình “quốc gia xây dựng trên nền tảng luật lệ”.

Ở các quốc gia “bình thường”, ta thấy có 2 mô hình phân chia quyền lực. Thứ nhứt “chế độ đại nghị” và hai là “tổng thống chế”. Cả 2 thể chế chỉ có “một” nhân vật đứng đầu, được nhân dân trao nắm quyền lực tối thượng của quốc gia, tức “chủ quyền”. Chế độ đại nghị, chủ quyền quốc gia thuộc về quốc hội, nhưng người đứng đầu nhánh hành pháp nắm quyền lực. “Một” người khác đứng đầu “quốc gia”, gọi là “chủ tịch nước”, người này chỉ có tư cách đại diện quốc gia mà không nắm quyền lực. Mô hình “tổng thống chế”, tổng thống vừa đại diện quốc gia, vừa nắm luôn quyền lực tối thượng.

Còn Việt Nam, với cái gọi là “nhà nước pháp quyền”. Theo tôi, đến nay chưa mấy ai hiểu rõ ý nghĩa “pháp quyền” là gì ?

Pháp quyền, hôm trước tôi có bài viết nói là từ này, đến từ học giả Đài loan. Ông gọi “tư sản pháp quyền” là “quyền luật định, hay quyền hiến định, của giới tư sản”.

Tức, “pháp quyền là quyền đã được chuẩn nhận do hiến pháp”. Điều 4 Hiến pháp Việt Nam đã xác định, “Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng lãnh đạo nhà nước và xã hội”.

“Quốc gia pháp trị”, là quốc gia được xây dựng trên nền tảng luật lệ.

Khác nhau giữa “quốc gia pháp trị” với “nhà nước pháp quyền” rất là lớn.

Trong chế độ “pháp quyền”, quyền lực quốc gia thuộc về đảng và thẩm quyền phân chia quyền lực cũng thuộc về đảng.

Nhiều người lẫn lộn “nội qui” của đảng với “pháp qui”. Tức lẫn lộn giữa “điều lệ nội bộ của một đảng” với những qui định của luật pháp quốc gia. Nhiều người không phân biệt, và không hiểu được “nhà nước pháp quyền”, vì vậy lẫn lộn với mô hình “quốc gia pháp quyền”. Thật là tai hại.

Vì vậy, họ mới có những phê bình sai, kiểu Việt Nam mất ổn định chính trị. “Tứ trụ còn 2 trụ”, rồi còn một trụ mới là điều “thuận”. Củng cố chế độ “Tứ trụ” mới là tầm bậy.

*******

Trên thực tế, ngoài “Tứ trụ”, thể chế chính trị Việt Nam còn nhiều điều quái dị không giống ai khác nữa. Ví dụ như, Hiến pháp quy định “Quốc hội là cơ quan quyền lực nhất”, tuy nhiên, cả cơ quan Quốc hội hay vị Chủ tịch Quốc hội đều là bù nhìn của Đảng. Hay Chủ tịch nước – một vị trí mang tính lễ nghi, tương tự chế độ đại nghị của phương Tây, nhưng lại cũng do Quốc hội bầu trên hình thức, mà thực tế thì cũng chỉ là một con rối của Đảng. Trong “Tứ trụ”, thì có đến 2 con rối, và Thủ tướng thì cũng không thoát khỏi cái vòng kim cô “đường lối của Đảng”. Rồi cả hệ thống tư pháp cũng đều chịu sự chi phối của Đảng.

Tất cả những điều quái dị này đã dẫn đến thực trạng bết bát hiện nay của đất nước Việt Nam.


Ý Nhi – thoibao.de

Bộ Công an có bảo kê cho VinGroup?


Ngày 30/4, RFA Tiếng Việt đăng bình luận của blogger Đồng Phụng Việt, với tựa đề “VinGroup và công an chỉ “cột dây giày trong ruộng dưa”?”

Tác giả nhẫn bài lược thuật của ông Lê Minh Nguyên trên Facebook, về tai nạn xảy ra hôm 24/4, tại Mỹ.

Theo đó, một gia đình 4 người đã chết hết vì đi xe VinFast, đụng vào cây sồi bốc cháy, vào khoảng 9 giờ tối thứ Tư 24/4 ở Pleasanton, Bắc California.

Một nhân chứng là ông Larry Lai, sống gần đó cho biết, ông đang ở bên ngoài thì nghe thấy tiếng nổ vào thời điểm xảy ra tai nạn. Ông nói: “Cứ 5 đến 10 giây lại có một tiếng nổ lớn, có thể khoảng 5 đến 8 lần”.

Điều tệ hại, theo ông Lê Minh Nguyên, là VinFast từ chối sự tiếp xúc của hãng tin NBC Bay Area. Cho tới thời điểm này, VinFast vẫn còn làm thinh về tai nạn.

Ông Nguyên cho rằng, VinFast không thể và không nên ứng xử thờ ơ trước một tai nạn kinh khủng như vậy ở Mỹ, không nên đem cung cách ứng xử với người tiêu dùng ở Việt Nam để áp dụng ở Mỹ, vì sẽ thất bại ê chề! VinFast bán xe nhưng nên hiểu là, mạng người không rẻ rúng.

Tác giả Đồng Phụng Việt cho hay, có rất nhiều người trích dịch tin tức về vụ tai nạn trên, từ các cơ quan truyền thông ở Mỹ, nhưng tác giả chọn giới thiệu bài lược thuật của ông Lê Minh Nguyên, vì lý do: ông Nguyên cũng là người Việt, nhưng chắc chắn không cần phải… đào tẩu, và… xin tị nạn như… Sonnie Chan, vì ông ở bên ngoài Việt Nam!

Tác giả đề cập đến trường hợp của Sonnie Trần, tên thật là Trần Mai Sơn, 38 tuổi, nổi tiếng vì chuyên chắt lọc, tổng hợp thông tin từ các cáo bạch của VinGroup, đối chiếu với những tài liệu của các doanh nghiệp ngoại quốc, như Tata, LongChuan,… để phân tích, nhận định về VinGroup và VinFast. Ông Sơn cũng là người Việt như ông Lê Minh Nguyên, nhưng sống ở Việt Nam.

Và việc “bóc phốt” Vin đã khiến Sonnie Tran gặp rắc rối, liên tục bị Công an Việt Nam triệu tập, vì cho là có dấu hiệu “lợi dụng các quyền tự do, dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”.

Theo tác giả, việc Sonnie Tran bị sách nhiễu đã khiến một số cơ quan truyền thông quốc tế ngạc nhiên, và nêu ra như một hiện tượng vừa kỳ dị, vừa đáng ngại ở Việt Nam.

Tin Sonnie Tran đào tẩu xuất hiện gần như cùng lúc với tin về vụ tai nạn thảm khốc ở Pleasanton.

Tác giả nhận xét, thiên hạ ở cả trong lẫn ngoài Việt Nam, đã từng và có lẽ sẽ còn tiếp tục bàn tán rất nhiều về việc, tại sao hệ thống truyền thông chính thức ở Việt Nam lại chọn phương thức hành xử theo kiểu “mũ ni che tai”, trước những thông tin, sự kiện mà về mặt nghề nghiệp vốn dĩ không thể bỏ qua, chỉ vì nó không có lợi cho sự nghiệp của VinGroup. Thiên hạ cũng không thể lý giải tại sao, Công an Việt Nam lại quan tâm và bảo vệ VinGroup tận tình như vậy?

Tác giả nêu vấn đề: Ông Tô Lâm có biết hiện tượng hết sức bất thường này không? Đặc biệt là, khi hiện tượng hết sức bất thường này đã trở thành “sự kiện và vấn đề” trên truyền thông quốc tế, gây tổn hại cho nỗ lực vận động thiên hạ công nhận Việt Nam là quốc gia có nền kinh tế thị trường hoàn chỉnh – vấn đề có tính chất sống còn đối với sự ổn định và phát triển của kinh tế, xã hội Việt Nam – chẳng lẽ, hiện tượng hết sức bất thường đó nằm ngoài phạm trù an ninh kinh tế?

Tác giả cho rằng, chưa có bằng chứng nào về việc Bộ Công an bảo kê cho VinGroup. Cũng chưa có bằng chứng nào về việc VinGroup dùng Bộ Công an, song chẳng lẽ, tất cả đều là ngẫu nhiên?

Ngạn ngữ có câu “trong ruộng dưa đừng cột dây giày, dưới gốc mận đừng sửa mũ”, hàm ý, người tử tế nên tránh gây ngộ nhận. Cả VinGroup lẫn Bộ Công an dưới quyền điều hành của ông Tô Lâm chưa chú ý để tránh ngộ nhận, và trong tương lai có muốn tránh chăng?

 

Xuân Hưng – thoibao.de

Vì sao 5 lãnh đạo cấp cao của Đảng lại “tự nguyện xin từ chức”?


Ngày 30/4, RFA Tiếng Việt có bài bình luận “Những con lợn bình đẳng hơn” của blogger Nguyễn Nhơn.

Tác giả mỉa mai, 2 năm nay, chẳng hiểu phong thủy nước Nam ta bất ổn thế nào, mà trước sau liên tiếp đến 5 vị lãnh đạo cao cấp nhất của Nhà nước có nguyện vọng trả chức về vườn. Mà kỳ bí hơn cả là, trước đó, các vị chẳng hề có dấu hiệu băn khoăn nào về hoạn lộ, không có biểu hiện mệt mỏi hay chán chường gì với cái gánh nặng chức vụ. Nhưng cứ đánh uỳnh một phát, một đêm ngủ dậy, toàn dân bỗng thấy các “đồng chí” được cho thôi giữ tất cả các chức theo nguyện vọng, vậy thôi.

Tuy thế, tác giả châm biếm, nói thì nói, dân Việt Nam vốn là dân tộc giỏi giang chữ nghĩa, nên từ trong câu chữ ngắn gọn của các bản thông báo, người ta nhận ngay ra sự bất thường.

Thì ra là các “đồng chí” có phốt. Mà phốt nặng nha, gây ảnh hưởng đến cả uy tín của Đảng và Nhà nước cơ mà. Uy tín của cá nhân lãnh đạo thì có thể châm chước; ai cũng là con người, có ái ố sân si cả. Nhưng Đảng và Nhà nước thì phải tuyệt đối trong sạch vững mạnh. Nên đụng tới Đảng và Nhà nước tức đã đụng tới bàn thờ rồi, không thể tha thứ.

Nhưng, theo tác giả, đây lại chính là điều khiến người ta ấm ức.

Trung ương kết luận ông Vương Đình Huệ vi phạm những điều đảng viên không được làm, nhưng lại không nói rõ vi phạm điều gì, mức độ ra sao. Thành thử, tác giả phải tự tìm. Nhưng càng tìm càng hoang mang. Bởi trong số 19 điều đảng viên không được làm, ông Huệ đã có hành vi nào trong số những hành vi kể trên?

Tác giả tiếp tục châm chọc, các bác Trung ương sơ hở lắm! Nếu các bác không nêu cụ thể, thì bọn phản động tha hồ thêu dệt, nào là trồng bầu ở nhà ca sĩ nọ được 2 trái, nào nuôi được anh Trợ lý nhận tiền (từ doanh nghiệp) giùm… Mà chẳng ai phản bác (để bảo vệ lãnh đạo) được, vì các bác có thèm cho biết cái gì để làm cơ sở phản bác đâu!

Tác giả dẫn thông báo của Trung ương Đảng, cho hay ông Huệ đã vi phạm quy định về “trách nhiệm nêu gương của cán bộ đảng viên và trách nhiệm người đứng đầu”.

Quy định này được Ban Chấp hành Trung ương Đảng ban hành ngày 15/10/2018, nêu rõ những hành vi, tư tưởng, việc làm được xem là thuộc “trách nhiệm nêu gương của cán bộ đảng viên”, trước hết là các chức vụ chủ chốt.

Thế thì tương tự, tác giả thắc mắc, ông Huệ có thể đã vi phạm hành vi nào trong số những hành vi dưới đây?

  • Tuyệt đối trung thành với tổ quốc, với nhân dân, với Đảng Cộng sản Việt Nam (khoản 1 điều 2).
  • Độc đoán, chuyên quyền, quan liêu, xa dân, thờ ơ, vô cảm trước những khó khăn, bức xúc của nhân dân (khoản 2 điều 3).
  • Tham nhũng, hối lộ dưới mọi hình thức, tặng quà, nhận quà vì vụ lợi (khoản 5 điều 3).
  • Vân vân…

Theo tác giả, bây giờ là thời đại thông tin. Bất cứ ai cũng có thể tìm kiếm các quy định nói trên trên mạng internet, và tự đối chiếu nó với nội dung thông báo của Trung ương Đảng, và suy luận giống như tác giả vừa thử đặt vấn đề. Nếu suy luận thế là oan cho ông Huệ, thì trách Trung ương ấy, ai bảo không nói rõ?

Tác giả chế giễu, cái máy photo của Trung ương thật tốt, qua hết 5 vị lãnh đạo to mà nó sao y bản chánh không sai một chữ nào. Vỏn vẹn trong vòng hơn 1 năm, đã có 2 phó thủ tướng, 2 chủ tịch nước, 1 chủ tịch quốc hội, đều “tự nguyện thôi giữ các chức vụ theo nguyện vọng cá nhân” vì… có vi phạm nghiêm trọng, và “chịu trách nhiệm người đứng đầu”.

Tác giả nhận xét, cứ cho là sứt mẻ danh dự uy tín đi, nhưng trên dư luận công khai, họ đều là chủ động từ chức, chứ không bị kỷ luật cách chức. Xem như trọn vẹn khí tiết người đảng viên Cộng sản.

Trong khi đó, vô số cấp dưới của họ lần lượt vào lò, thân tù tội, tài sản bị tịch thu, hoàn toàn thân bại danh liệt.

Hành xử của Ban chấp hành Trung ương Đảng trong 5 vụ việc cụ thể liên quan đến 5 cá nhân lãnh đạo cao cấp trên, nói theo phong cách Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng thì, vừa trái pháp luật, vừa thiếu tình người.

Tác giả dẫn câu nổi tiếng trong tác phẩm Trại súc vật của nhà văn Orwell, rằng “Mọi con vật đều bình đẳng, nhưng một số con vật bình đẳng hơn các con khác”

Nhưng xem ra, sự “bình đẳng hơn” này, giống như kẻ hầu hạ bị căn bệnh trào ngược, cổ họng ợ đầy nước chua nóng rát, nhưng vẫn phải nhoẻn cười và gập người nói “Cảm ơn các đồng chí”.

 

Thu Phương – thoibao.de