Wednesday, August 10, 2016

Những điều không thể hiểu nổi

 
VOA-Bùi Tín
10.08.2016
Dưới chế độ độc đảng toàn trị, người dân luôn sống trong trạng thái mờ mờ ảo ảo, không biết đâu là sự thật. Khi nói về chủ nghĩa xã hội, nguyên Bộ trưởng đầu tư Bùi Quang Vinh từng than thở: "Nó có tồn tại đâu mà mất công đi tìm?". Làm sao có thể "mở rộng dân chủ" dưới chế độ cộng sản độc đảng trong cuộc sống vì cộng sản đối lập với dân chủ như nước với lửa. Chế độ toàn trị che dấu mọi thứ, không có gì là chân thực, công khai, minh bạch cả. Có những chủ trương, chính sách phi lý, không giống ai, trái luận lý, phản khoa học, ngược với lẽ phải mà vẫn cứ nói bừa, làm ẩu, bất chấp lý sự và tình cảm thông thường. Đã vậy lại hay hứa hẹn suông, nói một đằng làm một nẻo.
Xin kể vài ví dụ. Năm 2013, Bộ Chính trị cho biết sẽ ra tay chống tham nhũng, nêu ra 7 vụ án tham ô nổi cộm nhất và phân công 7 nhân vật đứng đầu các cơ quan phụ trách phá án. Đến nay 3 năm đã trôi qua mà vẫn chưa thấy 7 vụ án này đã được giải quyết đến đâu.
Gần đây, khi 2 máy bay bị rớt một cách bí hiểm, 9 sỹ quan không quân Việt Nam chết, chính phủ Hoa Kỳ tuyên bố sẵn sàng giúp tìm kiếm, nhưng phía Việt Nam không đáp ứng mà cũng không có một lời cám ơn. Thật kỳ lạ! Hoa Kỳ có lực lượng do thám vệ tinh, có máy bay và tàu cứu hộ hiện đại nhất trong vùng, nghĩa là có lực lượng tìm kiếm hữu hiệu nhất thì Việt Nam lại không nhờ. Hãng Airbus ở châu Âu có nhiều kinh nghiệm điều tra về các tai nạn máy bay lớn nhỏ, cũng tỏ ý sẵn sàng giúp Việt Nam phân tích các dữ kiện trong các hộp đen của các máy bay lâm nạn, cũng bị lờ luôn một cách khó hiểu. Đã thế nhà cầm quyền Hà Nội lại đi nhờ Trung Quốc tìm kiếm giúp, trong khi trong nhân dân và quân đội có nghi vấn là có thể hai tai nạn máy bay này do chính ông láng giềng xấu tính gây ra bằng cách gây nhiễu điện tử, khi các lực lượng vũ trang của họ đang tập trận bắn đạn thật trong vùng. Tướng Nguyễn Chí Vịnh còn lên tiếng cám ơn các đồng chí Trung Quốc của ông ta về chuyện này. Thật chẳng ra làm sao cả!
Gần đây khi xảy ra vụ Môi trường do công ty Formosa gây nên, chính quyền Đài Loan do đảng Dân chủ Tiến bộ lãnh đạo cử đoàn do bà dân biểu Tô Trị Phân cầm đầu tự nguyện sang Việt Nam điều tra tại chỗ vụ án này, lẽ ra Quốc hội và chính quyền Việt Nam phải vui vẻ hoan nghênh, đón tiếp, cộng tác và hướng dẫn đoàn, thì trái lại, họ chỉ thị cho ngành công an, hải quan gây sự, giữ hộ chiếu, giữ đoàn tại sân bay 9 giờ liền, tuyên bố chỉ cho đoàn đến Hà Nội và Hạ Long, rồi gây trắc trở cho đoàn khi vào Hà Tĩnh, cản trở việc đoàn gặp các nhân chứng. Một thái độ cực kỳ khó hiểu, không thể giải thích nổi với nhân dân và quân đội.
Điều đáng mừng là chính các công dân Hà Tĩnh và anh chị em dấn thân cho dân chủ đã tự mình thay mặt nhân dân ta đón tiếp và tận lực giúp cho đoàn bạn làm tốt nhiệm vụ tuy bị rất hạn chế và quấy nhiễu một cách trơ trẽn của chính quyền cộng sản. Lần này họ lại lộ mặt hèn với giặc, ác với dân và vô lễ với bạn tốt của dân ta.
Lại một chuyện khó hiểu là ông Võ Kim Cự nguyên Bí thư tỉnh ủy, nguyên Chủ tịch Hà Tĩnh, người mặn mà nhanh nhẩu tiếp tay để cho công ty Formosa hoành hành như ông chủ một vùng 3.000 hecta, gây nên thảm họa chưa từng có, lẽ ra phải bị xem xét tư cách đại biểu quốc hội, còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự do hậu quả nặng nề của sai lầm, vậy mà vẫn được công nhận là đại biểu quốc hội khóa XIV, lại còn được cử vào Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, lại là một sự thách thức của đảng cộng sản đối với toàn dân nói chung, một sự xúc phạm nghiêm trọng riêng đối với nhân dân Hà Tĩnh và ngư dân ven biển miền Trung.
Trên đây là những vấn đề khó ai hiểu nổi được các cử tri khắp nơi chất vấn đảng và chính quyền, chưa hề được trả lời tại phiên họp quốc hội đang diễn ra. Các đại biểu quốc hội hãy yêu cầu nhà nước giải thích cho rõ ràng theo đúng phương châm "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra", lòng đảng thuận theo ý dân của chế độ luôn khoe khoang "do dân, bởi dân và vì dân".
* Blog của nhà báo Bùi Tín là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.

Xung quanh cuộc Đối thoại nhân quyền Việt - Úc 4/8/2016

Nguyễn Tường Thụy, viết từ Hà Nội 

Theo RFA-2016-08-10  

000_Hkg8090526.jpg

 Cảnh sát giải tán người biểu tình trong một cuộc biểu tình chống Trung Quốc ở Hà Nội vào ngày 9 tháng 12 năm 2012.  AFP photo

Ngay sau cuộc đối thoại về nhân quyền Việt - Úc lần thứ 13 giữa hai bên diễn ra tại Hà Nội, ngày 5 tháng 8, chúng tôi có cuộc gặp gỡ với một số quan chức sứ quán Úc và các nước Phương Tây. Cuộc đối thoại này không thấy báo chí chính thống ở Việt Nam nhắc tới.

Nội dung đối thoại

Với Úc, cuộc đối thoại song phương về nhân quyền không diễn ra ở nhiều nước mà chỉ với ba nước là Trung Quốc, Việt Nam và Lào. Những cuộc đối thoại này giúp cho chính phủ hai nước nói chuyện với nhau về vấn đề nhân quyền một cách thẳng thắn, trên nguyên tắc tôn trọng lẫn nhau.
Chính phủ Úc quan ngại về tình hình nhân quyền ở Việt Nam thông qua một ngày đối thoại. Úc đã nêu ra những vấn đề nhân quyền cơ bản như: tự do biểu đạt ý kiến, tự do báo chí, tự do hội họp... Tại buổi đối thoại, Úc đã nêu lên những trường hợp chính phủ Việt Nam không đảm bảo được về vấn đề nhân quyền. Phía Úc đã trao cho VN một danh sách mà họ quan tâm (danh sách này không đưa công khai ra công luận).
Trên nguyên tắc tôn trọng lẫn nhau, phía Úc không thể đưa ra phản hồi chính thức với phía Việt Nam mà họ hỗ trợ cho Việt nam về nhân quyền dưới chương trình tài trợ cho các dự án hướng tới các mục tiêu: Ngăn chặn hoặc chấm dứt hoàn toàn các vi phạm về nhân quyền; giám sát, tìm giải pháp về các vi phạm về nhân quyền; giáo dục, đào tạo các cán bộ làm về nhân quyền; thúc đẩy việc tuân thủ và thực hiện luật pháp quốc tế trong lĩnh vực nhân quyền; thúc đẩy và tăng cường hoạt động của các thể chế và cơ quan phụ trách về nhân quyền của quốc gia; hỗ trợ VN thành lập Viện quốc gia về nhân quyền.
Khi VN xin tài trợ của Úc thì Úc có chương trình giúp Việt Nam về nguồn lực, xóa đói giảm nghèo, nâng cao vai trò của phụ nữ, sử dụng nguồn nhân lực… để giúp Việt Nam hòa nhập tốt hơn. Nếu đặt vấn đề nhân quyền kèm theo sự giúp đỡ thì rất khó, Việt Nam sẽ không chấp nhận.
Úc cũng quan tâm đến vai trò truyền thông độc lập với vấn đề nhân quyền. Họ đưa ra một ví dụ có một báo cáo của một nhóm thanh niên miền Bắc Úc đưa lên truyền thông là thách thức đối với chính phủ. Thủ tướng Úc không hoàn toàn bác bỏ mà yêu cầu tuân thủ pháp luật cao nhất có thể. Thông điệp của Úc là đưa ra kinh nghiệm có thể chính phủ không xử lý ngay, nhưng về lâu dài sẽ giúp chính phủ ổn định xã hội.
Trước khi đối thoại nhân quyền diễn ra, Chính phủ Úc có mở một Hội nghị bàn tròn tham vấn ý kiến của các tổ chức xã hội dân sự, như hội nghị trước cuộc đối thoại này có tới 24 tổ chức XHDS tham gia.

Quan ngại tình trạng nhân quyền ở VN

Qua những cuộc đối thoại nhân quyền Việt – Úc cho thấy Việt Nam rất khó thay đổi quan điểm của họ về nhân quyền. Phía Úc tỏ ý lo ngại cho các nhà hoạt động nhân quyền ở Việt Nam. Họ cho rằng Việt Nam muốn có tiềm năng phát triển kinh tế thì phải thay đổi, phải có sự tiến bộ về nhân quyền.
Nhìn chung, Việt Nam không đồng ý với những quan ngại của Úc về vấn đề nhân quyền. Hai chính phủ có sự khác biệt nhau trong cách hiểu về nhân quyền. So với những lần đối thoại trước, phía Việt Nam không có gì thay đổi. Tuy cả hai đều thống nhất vấn đề về nhân quyền phải căn cứ vào luật pháp quốc tế nhưng cách tiếp cận khác nhau, lối giải thích khác nhau.
Chúng tôi đưa ra ví dụ việc thu hồi đất khiến nông dân không có đất canh tác trong khi không chuyển đổi được nghề nghiệp, đẩy nông dân vào cảnh cùng quẫn thì VN giải thích như thế nào? Họ cho biết Việt Nam giải thích rằng, thu hồi đất để xây dựng các công trình làm cho cuộc sống của nông dân tốt đẹp hơn!? Tất nhiên, không ai tin vào lối giải thích này.
Chúng tôi phân tích thêm tình trang vi phạm nhân quyền ở Việt Nam như đàn áp, đánh đập người biểu tình, ngăn cản quyền đi lại của những người hoạt động XHDS, tình trạng nghi phạm bị đánh chết trong khi tạm giam, vi phạm quyền tự do tín ngưỡng… và kết luận sự vi phạm nhân quyền ở Việt Nam là có hệ thống, chứ không chỉ là hiện tượng và cho rằng, đó là cách làm rất tiêu cực của cả hệ thống chính trị để bảo vệ chế độ.
Có thể hiểu, trong đối thoại nhân quyền với Việt Nam, Chính phủ Úc có cách tiếp cận riêng của họ. Tuy bức xúc, quan ngại về tình trạng vi phạm nhân quyền nhưng họ không ép Việt Nam, không đặt điều kiện để đổi lấy sự tài trợ. Nhưng thông qua chương trình tài trợ họ hướng tới các dự án có tác động tốt hơn đến nhân quyền.
Tuy nhiên, Tổ chức theo dõi nhân quyền (Human Rights Watch) có thái độ rất dứt khoát đối với Việt Nam. Trước cuộc đối thoại này, bà Elaine Pearson, Giám đốc Tổ chức Theo dõi Nhân quyền trụ sở tại Úc đã trả lời đài RFA. Bà yêu cầu Úc và VN phải minh bạch thông tin đối thoại. Bà cho rằng, Việt Nam đang đi ngược lại quyền con người và ngày càng tồi tệ.
Bà Elaine Pearson lo lắng Bộ luật hình sự của Việt Nam có một số điều khoản mà dễ dàng đưa người dân vào tù chỉ vì những hoạt động thông thường. Việt Nam đàn áp rất nặng tay các nhà hoạt động dân chủ. Bà đòi hỏi Việt Nam không thể chỉ nói suống, hứa hẹn đãi bôi mà cần phải có những hành động cụ thể. Bà cho rằng Chính phủ Úc cần thúc giục Việt Nam phải tuân thủ theo những gì họ cam kết.
Nguyễn Tường Thụy, Hà Nội 9/8/2016
*Nội dung bài viết không phản ảnh quan điềm của RFA.

Bi hài "thương hiệu" Bún Bò Huế

Nhóm phóng viên tường trình từ VN
Theo RFA- 2016-08-10  
bunbohue-620.jpg
 Bún bò Huế RFA photo
Một bát bún bò thơm phưng phức, có một chút sa tế ớt, sa tế sả hành nổi bên trên, màu nâu sậm rất Huế, vài cọng hành tươi chần qua nước lèo, một ít bún sợi to bên dưới, một cục giò heo hay một ít xương bò cộng với một ít chả viên, vài lát bò nạm hay gân bò… Nóng hổi và thơm phưng phức là tô bún bò Huế nằm bên cạnh dĩa rau sống với rau thơm Huế, hành ngò, cải mầm, lá tía tô, bắp chuối xắt… có vẻ đầy hấp dẫn với giá dao động từ hai mươi ngàn đồng đến ba mươi ngàn đồng tùy vào yêu cầu của khách. Và bát bún bò Huế trở nên ý vị hơn nhiều khi bắt gặp một gánh bún bò Huế giữa đất Sài Gòn với tấm bảng nhỏ, khiêm tốn, một người không quá già nhưng cũng không còn trẻ ngồi bên nồi nước nhưn, liên tục chan bún cho khách… Mọi thứ trở nên có ý nghĩa hơn trong mắt người xa nhà. Thế nhưng đây là câu chuyện bi hài sau khi chính quyền Thừa Thiên Huế nhúng tay vào bát bún bò!
Cái bi cúa bát bún bò Huế
Nhà thơ Vũ Trong Quang đã viết những câu thơ trên facebook phản ánh chuyện chính quyền Huế đăng ký thương hiệu Bún Bò Huế: Bún bò nước Huế âu lo/ Bún bò nước Việt về mô bây giờ/ O tôi nặng gánh bún bò/ Mần răng xin phép con bò được đây! Có thể nói rằng câu chuyện chính quyền Huế nhúng tay vào bát bún bò đã dấy lên nhiều nguồn dư luận khác nhau. Nhưng chung qui thì có vẻ như không có mấy người đồng tình với chuyện này.
Nhưng không lẽ nào bắt người ta đi đăng ký? Rồi một quán bán nhiều món của nhiều nơi lẽ nào đi khắp các tỉnh để xin phép à? Em thấy nó vô lý làm sao í!.
- Một chủ quán bún bò Huế ở Hà Nội
Một chủ quán bún bò ở Hà Nội, tên Linh, chia sẻ: “Em thấy thế cũng vô lý, bởi vì có rất nhiều quán cũng nhỏ mà thôi, người ta cũng bán bún bò Huế, buôn bán cũng nhỏ thôi. Nhưng không lẽ nào bắt người ta đi đăng ký? Rồi một quán bán nhiều món của nhiều nơi lẽ nào đi khắp các tỉnh để xin phép à? Em thấy nó vô lý làm sao í!”.
Chị Linh đặt ra câu hỏi rằng hiện tại, có rất nhiều thức quà mà các hàng quán tại Việt Nam đang bán đều mang đặc trưng, hồn vía của vùng miền như: bê thui Cầu Mống, mì Quảng, mì Phú Chiêm, cao lầu Hội An, phở Hà Nội, phở Bắc Hải, phở Bắc, phở Cồ Bá, bún chả cá Lã Vọng, bánh đa cua Hải Phòng, thắng cố Lào Cai, cơm lam Tây Bắc, bún chả cá Qui nHơn, bánh hỏi cháo lòng Bình Định, cháo don Quảng Ngãi, ram don Quảng Ngãi, lẩu mắm miền Tây, hủ tiếu Nam Vang, bún chả cá Đà Nẵng, bánh tráng cuốn thịt heo Trảng Bàng… Nói chung là có vô vàn các món ăn luôn đi kèm với địa danh sản sinh ra nó. Giả sử một cửa hàng bán chừng vài thức quà như vậy, lẽ nào phải chạy đến các tỉnh để xin giấy phép, xin công thức? Và liệu công thức chuẩn do nhà nước đa có phù hợp với khẩu vị của khách từng vùng, từng miền?
Chị Linh cũng đặt thêm câu hỏi là liệu khi nhà cầm quyền Huế nói rằng sẽ đưa ra công thức để đúng khẩu vị của bún bò Huế thì họ có nghiên cứu gì về ẩm thực chưa? Bởi theo chị, nấu ăn là một sự sáng tạo đầy tính giao thoa văn hóa. Ví dụ như bún bò Huế vào miền Nam thì phải ít cay hơn tại Huế và tăng độ ngọt, giảm hương liệu, ngược lại nếu ra Bắc thì phải giữ độ ngọt vừa, tăng hương liệu và trong nước phải có một ít củ su, củ đậu… Theo chị, đưa ra một công thức và yêu cầu món đó thì phải đúng hương vị đó là một sự bóp chết sáng tạo của người nấu ăn, quay trở lại thời mà mọi thứ đều dựa trên công thức và định nghĩa cứng nhắc.
Một chủ quán bún bò ở thành phố Đà Nẵng, tên Trung, tỏ ra bức xúc: “Nó vô lý, mỗi người có một công thức nấu theo gu ẩm thực vùng miền. Không phải cứ nói bún bò Huế là nấu chung một công thức, ngay ở Huế khác, ở Sài Gòn khác, Đà Nẵng cũng khác. Nói chung là đây chỉ là một cái tên ẩm thực vùng miền, không thể nhét cho nó một công thức rồi bắt người ta đi xin phép. Cách tư duy như vậy là tư duy bún bò chứ không có phải Huế khỉ gì hết!”.
400.jpg
Một quán Bún bò Huế ở Huế. RFA photo
Ông Trung cho rằng với đà này, hàng loạt tỉnh đứng ra đăng ký thương hiệu ẩm thực và đưa ra những yêu cầu về bảng hiệu, giấy phép, nguyên liệu khi nấu… thì sẽ dẫn đến tình trạng người bán sẽ tìm cách đổi tên quán, đổi tên món để tồn tại hoặc chạy nháo nhào đi xin giấy phép. Và cả hai trường hợp như vậy hoàn toàn không tốt. Bởi khi tên món phải bị đổi trớ đi để tránh tình trạng chạy xin giấy phép sẽ dần làm cho tên gốc của món bị lệch lạc, thậm chí bị xóa hẳn. Trường hợp người ta nháo nhào chạy đi xin giấy phép sẽ dẫn đến tình trạng cửa quyền chỉ vì cái tên một món ăn và giảm đi tính sáng tạo của người nấu, món ăn không còn phong phú.
Ông Trung đặc biệt nhấn mạnh đến những gánh bún bò Huế của những người mẹ Huế đang tha phương cầu thực bằng gánh bún mỗi sáng. Ông cho rằng những gánh bún này rất đặc biệt bởi không nơi nào giống nơi nào. Cũng là bún bò Huế nhưng mệ Hoa sẽ nấu khác với mệ Lan và mệ Lan không bao giờ nấu giống với mệ Phụng… Các mệ Hoa, Lan, Phụng bây giờ kiếm sống khắp Sài Gòn, Đà Nẵng, Cần Thơ, Tây Ninh, thậm chí tận bên trời Tây. Nếu phải đăng ký thì các mệ tính làm sao đây?
Cái hài của bát bún bò Huế
Một chủ quán bún bò Huế tại Sài Gòn, tên Hiệu, chia sẻ: “Cái đó là nó bị điên rồ thì trong này thành phố này ai đi đăng ký bao giờ?! Quán bún bò Huế cũng giống như phở, canh bún, hủ tiếu mì… Nó không thể là của riêng ai. Đó là danh từ chung không thể bắt người ta đăng ký được. Không lẽ anh nói giọng Huế mà anh ra Hà Nội rồi người ta bắt anh phải đăng ký mới được nói à? Tôi thì nhất định không đăng ký rồi, có cho công an bắt tôi cũng không đăng ký, vì nó vô lý và khôi hài!”.
Ông Hiệu cho rằng cách làm của chính quyền Thừa Thiên Huế không hợp lý, thậm chí có chút gì đó khôi hài, tế nhị khó nói.
Không lẽ anh nói giọng Huế mà anh ra Hà Nội rồi người ta bắt anh phải đăng ký mới được nói à? Tôi thì nhất định không đăng ký rồi, có cho công an bắt tôi cũng không đăng ký, vì nó vô lý và khôi hài!
- Một chủ quán bún bò Huế tại Sài Gòn
Chúng tôi liên lạc với Phó Chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh tỉnh Thừa Thiên Huế Phan Ngọc Thọ để tìm hiểu về vấn đăng ký thương hiệu. Bởi theo thông tin các báo thì ông Thọ là người ký quyết định để đăng ký thương hiệu Bún Bò Huế nhưng không gặp được ông.
Liên lạc với ông Phan Tiến Dũng, giám đốc sở văn hóa thể thao và du lịch Thừa Thiên Huế, bởi thương hiệu này được giao cho Hiệp hội Du lịch Thừa Thiên Huế quản lý. Ông này nói rằng: “Tui đang họp, cái này bên sở Công thương họ đăng ký nhãn hiệu này và họ tham mưu mà! Ờ… Tui đang họp, anh chịu khó hỏi bên sở Công thương, vì họ chịu trách nhiệm mà!”.
Nhưng khi chúng tôi liên lạc với phó giám đốc Sở Công Thương tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Duy Thành thì ông này nói rằng liên lạc với ông Dũng, bởi hiện ông đã chuyển sang quản lý thị trường.
Cuối cùng, bi hài của bát bún bò Huế có vẻ như đã đến cao trào khi các giới chức tỉnh này không ai chịu nhận trách nhiệm về việc đăng ký thương hiệu Bún Bò Huế. Bát bún bò Huế vô tình trở thành đứa con chưa kịp sinh mà cha nó đã bỏ trốn giữa đất thần kinh Nam Ai Nam Bình đậm đà da diết!

Luật gì thì luật, phải chừa tao ra

Phạm Thanh Nghiên (Danlambao) - Nhìn tấm hình đoàn xe sang trọng và siêu sang trọng rầm rộ, hoành tráng của ông Nguyễn Xuân Phúc ngang nhiên diễu hành trên phố cổ Hội An - nơi cấm xe cộ qua lại - khiến tôi liên tưởng đến đội ngũ diễu hành thời Cách mạng văn hóa long trời lở đất bên xứ Tàu được nhà văn Dư Hoa miêu tả.

Xin trích nguyên văn vài đoạn:

“Lúc này, đội ngũ diễu hành dài nhất chưa từng có trong lịch sử của thị trấn Lưu chúng tôi đã đi tới, kéo dài suốt từ đấu đến cuối phố, rừng cờ đỏ dày chi chít như lông trâu bay phấp phới, những lá cờ to tướng như ga trải giường, những lá cờ nhỏ to bằng khăn mùi sao, cán cờ nọ va vào cán cờ kia, cứ nghiêng nghiêng ngả ngả trong gió.

Đồng thợ rèn của thị trấn Lưu giơ cao búa sắt nói to: Phải làm một thợ rèn cách mạng dũng cảm vì việc nghĩa, đập cho bẹp, đập cho nát đầu chó, chân chó của kẻ thù giai cấp, đập bẹp như lưỡi liềm lưỡi cuốc, đập nát như những đồ đồng nát.

Thợ nhổ răng họ Dư của thị trấn Lưu chúng tôi giơ cao chiếc kìm nhổ răng, hô to: Phải làm thầy thuốc chữa răng cách mạng, yêu ghét phân minh, phải nhổ bỏ cái răng chắc của kẻ thù giai cấp, nhổ bỏ cái răng sâu của anh chị em giai cấp.

Thợ may Trương của thị trấn Lưu chúng tôi vắt lên cổ cái thước da nói to: Phải làm một thợ may cách mạng, tim trong mắt sáng, nhìn thấy anh chị em cùng giai cấp, phải may những bộ quần áo đẹp nhất thế giới, trông thấy kẻ thù giai cấp, phải may những chiếc áo thọ rách nhất thế giới, không! Sai rồi! Những vỏ bọc xác chết rách nhất nát nhất thế giới.

Ông Vương bán kem của thị trấn Lưu chúng tôi đeo thùng kem kêu to: Phải làm những que kem cách mạng không bao giờ tan, ông vừa hô khẩu hiệu, vừa rao bán kem, chỉ bán kem cho anh chị em cùng giai cấp. Ông Vương phất to, những que kem ông ta bán ra là một giấy chứng nhận cách mạng, ông hô mau mau đến mua, mua kem của tôi đều là anh chị em giai cấp, không mua kem của tôi đều là kẻ thù giai cấp.

Hai bố con họ Quan mài kéo của thị trấn Lưu chúng tôi giơ hai chiếc kéo lên hô to: Phải làm chiếc kéo cách mạng thật sắc bén, trông thấy kẻ thù giai cấp là phải cắt dái cắt cu của chúng.”

Đoàn xe diễu hành của thủ tướng Phúc cũng thuộc hạng “dài nhất chưa từng có trong lịch sử” Phố Cổ Hội An thật. Từ khi được Unesco công nhận định chế Di sản Văn hóa Thế giới (năm 1999), nhất là từ ngày có luật nghiêm cấm các phương tiện giao thông lưu hành trong phố cổ (2012) thì có hiện tượng này đâu. Không ai dám vi phạm, càng không ai nỡ xâm phạm đến vẻ đẹp cũng như giá trị của một di tích vốn chỉ để chiêm ngưỡng và bảo tồn. Mọi hành vi, cử chỉ đi ngược với tinh thần, ý thức gìn giữ, bảo tồn đều trở nên dị hợm và khác thường.

Đoàn xe của ông Phúc diễu hành trên phố đi bộ, không được cổ vũ, chào đón bằng “rừng cờ đỏ dày chi chít như lông trâu bay phấp phới”. Cũng không có đám đông cuồng điên tung hô vạn tuế. Thay vào đó là những ánh mắt khinh khỉnh của du khách ngoại quốc xen lẫn cái nhìn khó chịu tuy còn rụt rè của du khách Việt.

Những Đồng thợ rèn, Dư nhổ răng, Trương thợ may, Vương bán kem hay Quan mài kéo trong thành phần “giai cấp thống trị” đứng vỉa hè ngày nay chẳng cần giơ đồ nghề hay nắm đấm cách mạng lên hô hào chém giết, cũng khiến quần chúng nhân dân kinh hồn bạt vía. Công cụ của những Đồng, Dư, Trương, Vương hay Quan bây giờ là tiền, là quyền lực, nhà tù và luật pháp của đám giang hồ tung đòn nhả cước trên thân thể của những người dân thấp cổ bé miệng.

Ngày hôm nay, đoàn diễu hành “rừng cờ đỏ dày chi chít” được thay thế bằng đoàn diễu với xe đen kính đen, kéo dài cả bầy không khác gì đám xã hội đen Triad Hồng Kông. Những Đồng thợ rèn, Dư nhổ răng, Trương thợ may, Vương bán kem hay Quan mài kéo không còn đứng trên đường phố với cơn lên đồng cách mạng mà đã áo vét quần tây, ngồi khinh khỉnh trong những chiếc xe mang màu tang tóc nhìn ra ngoài giống như tay chơi xã hội đen ma-dzê-in Hồng Kông.

Và trong đoàn xe đó, có một ông “tướng mạo khác thường”, lướt qua tấm biển cấm xe chạy trên phố cổ, rồi đầu nghiêng nghiêng lẩm bẩm “mày phải chừa tao ra”.

10.08.2016

So sánh số tiền bồi thường giữa BP và Formosa

LS Nguyễn Văn Thân (Danlambao) - Ngư dân và doanh nghiệp của 4 tỉnh miền Trung có hai sự lựa chọn. Một là vượt qua sợ hãi và đứng lên kiện Formosa đòi bồi thường thích đáng. Còn hai là chấp nhận cho chính phủ và Đảng Cộng Sản Việt Nam bán đứng cũng như chấp nhận cho Đảng cắt xẻo khúc ruột miền Trung ra từng mảnh vì sau 70 năm khi dự án Formosa kết thúc thì miền Trung chỉ còn là một bãi rác khổng lồ. Rồi đây sẽ có nhiều ngư dân ở miền Trung có thể phải bỏ nghề đánh cá đồng nghĩa với việc Việt Nam không xác quyết hoặc hành xử chủ quyền hữu hiệu tại Biển Đông. Như vậy thì Trung Quốc sẽ bất chiến tự nhiên thành. Và Đảng sẽ hát bài "Thương về miền Trung" cho những người Việt Nam vẫn còn u mê mơ tưởng về thiên đường Cộng Sản.

*

Vào trung tuần tháng 7 vừa qua, công ty BP đã đưa ra con số sau cùng mà họ phải chi trả cho vụ tràn dầu trong vùng vịnh Mexico vào năm 2010 là 61.6 tỷ Mỹ kim. Con số này có thể chia ra thành 3 phần. Thứ nhất là tiền phạt hình sự trả cho Bộ Tư Pháp Hoa Kỳ tổng cộng lên tới 4.5 tỷ Mỹ kim. Thứ hai là tiền bồi thường thiệt hại kinh tế và phục hồi môi trường cùng với hình phạt dân sự dưới Đạo Luật Clean Water Act trả cho chính quyền liên bang Hoa Kỳ, 5 tiểu bang trong vùng vịnh Mexico và các chính quyền địa phương tổng cộng lên tới 20.8 tỷ Mỹ kim. Khoảng 36 tỷ Mỹ kim còn lại là phí tổn bồi thường cho các cá nhân, doanh nghiệp và các nhà đầu tư bị thiệt hại từ thảm họa tràn dầu. Có nghĩa là phải mất trên 6 năm thì BP mới có thể ấn định được mức độ thiệt hại và số tiền bồi thường cho nhà nước, cá nhân, doanh nghiệp và các nhà đầu tư với con số kỷ lục như vậy. BP buộc phải bán tài sản trị giá 45 tỷ để trả tiền phạt và tiền bồi thường.

Quỹ bồi thường

Vào ngày 20/4/2010, giàn khoan Deepwater Horizon của công ty BP hoạt động trong vịnh Mexico bị nổ làm cho 11 nhân viên bị chết. Chính phủ Hoa kỳ ước lượng là số dầu đổ ra biển lên tới 4.9 triệu thùng trong 87 ngày tạo ra một thảm họa môi trường khủng khiếp ảnh hưởng đến đời sống và kinh tế của hàng triệu cư dân trong 5 tiểu bang vùng vịnh Mexico gồm có Texas, Louisiana, Mississippi, Alabama và Florida.

Vào ngày 16/6/2016, Tổng Thống Obama triệu tập Chủ tịch và các thành viên lãnh đạo BP tới Nhà Trắng. Sau một phiên họp kéo dài hơn 4 tiếng đồng hồ, BP tuyên bố là sẽ tiến hành bỏ 20 tỷ Mỹ kim vào quỹ bồi thường cho cá nhân và doanh nghiệp bị thiệt hại. Obama nhấn mạnh 20 tỷ không phải là con số giới hạn trách nhiệm của BP. Mục đích của quỹ bồi thường là để BP lập tức dành riêng một số tiền thể hiện trách nhiệm và giúp cư dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng có thể xin bồi thường khẩn cấp. Số tiền này sẽ được trao cho một nhân viên độc lập là ông Kenneth Feinberg để điều hành. Feinberg là người đã từng điều hành quỹ bồi thường cho nạn nhân của vụ khủng bố 9/11 tại New York. Lãnh đạo BP cũng chính thức gửi lời xin lỗi đến chính phủ và nhân dân Hoa Kỳ.

Quỹ bồi thường bắt đầu hoạt động vào ngày 23/8/2010. Chỉ trong tuần lễ đầu tiên thì đã có tới 19,000 đơn nộp xin bồi thường. Tới tháng 7 năm 2011 thì quỹ đã trả 4.7 tỷ Mỹ kim cho hơn 198,000 nạn nhân. Feinberg cho biết là nếu có đầy đủ chứng từ, cư dân bị thiệt hại sẽ nhận tiền bồi thường trong vòng 48 tiếng đồng hồ và doanh nghiệp thì trong vòng một tuần. Những người khác nếu không muốn nộp đơn xin bồi thường với Quỹ thì vẫn có quyền tiến kiện riêng hoặc gia nhập vào các đơn kiện tập thể.

Vào ngày 8/3/2012, BP và một đội ngũ luật sư của các nguyên đơn trong một vụ kiện tập thể đồng ý tiến trình thỏa thuận bồi thường dưới sự giám sát của tòa và thủ tục này chấm dứt quyền điều hành của ông Feinberg. Tính tới ngày 30/6/2013, tổng cộng số tiền trả cho nạn nhân từ quỹ bồi thường đã lên tới 19.7 tỷ. Sau khi trả hết 300 triệu còn lại, BP phải bồi thường trực tiếp cho nạn nhân từ thu nhập của họ. Ngoài quỹ bồi thường 20 tỷ, BP cũng ước lượng là phải dành thêm 15 tỷ để bồi thường cho cư dân và doanh nghiệp bị thiệt hại.

Phạt hình sự

Vào tháng 12 năm 2010, Bộ Tư Pháp Hoa Kỳ tiến hành truy tố hình sự đối với BP vài đối tác liên hệ là Transocean và Halliburton về cái chết của 11 nhân viên. Ngoài ra, BP cũng bị truy tố là cố tình gian lận khi cho biết số dầu đổ ra biển rất thấp so với thực tế. Tới tháng 11 năm 2012 thì BP nhận tội ngộ sát và bị phạt 4 tỷ Mỹ kim cho Bộ Tư Pháp và 525 triệu trả cho Ủy Hội Chứng Khoán (Securities and Exchange Commission). Ngoài ra, BP phải bị các cơ quan chính quyền giám sát thường xuyên trong 4 năm cũng như tạm thời không được tham gia đấu thầu các dự án của chính quyền.

Về trách nhiệm cá nhân, Robert Kaluza và Donald Vidrine là hai nhân viên cao cấp có trách nhiệm quản lý giàn khoan Deepwater Horison cũng bị truy tố về tội ngộ sát. Hình phạt tối đa là 10 năm tù cho mỗi tội. Một nhân viên khác là David Rainey cũng bị tố về tội khai gian với nhà chức trách. BP thú nhận là Rainey cố tình đánh tráo số liệu để BP tuyên bố trước công chúng là chỉ có khoảng 5,000 thùng dầu bị đổ ra biển mỗi ngày. Trong khi đó con số thật sự lên tới 60,000 mỗi ngày. Nếu bị buộc tội thì Rainey có thể bị tuyên án tù tới 5 năm.

Bồi thường cho chính quyền liên bang, tiểu bang và địa phương

Vào tháng 10 năm 2015, sau một tiến trình thương lượng kéo dài hết mấy năm thì BP đồng ý bồi thường tổng cộng 20.8 tỷ cho chính quyền liên bang, 5 tiểu bang trong vịnh Mexico và hơn 400 chính quyền địa phương bị thiệt hại về sự tràn dầu. Trong số này gồm có 8.1 tỷ bồi thường cho thiệt hại môi trường và tài nguyên thiên nhiên, 5.9 tỷ cho thiệt hại về kinh tế của các tiểu bang và địa phương, 5.5 tỷ tiền phạt dân sự dưới Đạo Luật Nước Sạch (Clean Water Act), 600 triệu để hoàn trả chi phí dọn dẹp và 700 triệu cho những hậu quả chưa lường được.

Số tiền bồi thường 20.8 tỷ này đã được Thẩm Phán Carl Barbier của Tòa An Liên Bang chính thức phê chuẩn vào ngày 4/4/2016. Đây là số tiền bồi thường lớn nhất trong lịch sử. Nhưng cũng nhờ vào quyết định này của tòa mà BP có thể nhìn thấy ánh sáng cuối đường hầm. Cái giá phải trả là 61.6 tỷ để đóng lại một chương sử đau thương của một đại công ty được thành lập từ năm 1909.

Tóm lại sau 6 năm từ khi thảm họa tràn dầu thì tổng cộng có tới 384,000 đơn kiện của cá nhân và doanh nghiệp mà đại đa số đã được giải quyết bồi thường xong. Chỉ còn lại một số là vẫn còn tranh cãi về mức độ thiệt hại nhưng BP dự đoán là những vụ kiện cuối này sẽ không ảnh hưởng đáng kể tới tiến trình phục hồi uy tín và thế đứng của công ty.

BP và Formosa: 61.6 tỷ và 500 triệu

Vào ngày 30/6/2016, chính phủ Việt Nam tổ chức họp báo công bố nguyên cá chết tại 4 tỉnh miền Trung là do Formosa xả thải gây ra. Chính phủ cũng cho biết là Formosa đã cam kết 5 điểm trong đó Formosa hứa là sẽ "Bồi thường thiệt hại cho dân và hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp, bồi thường phục hồi môi trường biển với tổng số tiền là 11.500 tỉ đồng, tương đương 500 triệu USD." Điều 5 của bản cam kết cũng có nhắc tới là Formosa sẽ "Thực hiện đúng cam kết nêu trên, không tái diễn vi phạm, nếu vi phạm sẽ chịu chế tài theo quy định pháp luật VN."

Bản cam kết này đưa ra nhiều câu hỏi. Thứ nhất, như vậy có nghĩa là Formosa chỉ mất 500 triệu thôi sao? Trong số 500 triệu này thì phần nào là để bồi thường phục hồi môi trường và bao nhiêu là bồi thường thiệt hại cho dân? Như vậy là Formosa không bị truy tố về vi phạm hình sự và dân sự? Tại sao chỉ trong một khoảng thời gian ngắn như vậy mà chính phủ lại có thể định đoạt mức độ thiệt hại "chính xác" như vậy? Tại sao chính phủ không công bố nguyên nhân thủ phạm là Formosa rồi từ từ tính toán thiệt hại cũng như để người dân và doanh nghiệp nộp đơn xin bồi thường theo đúng mức độ thiệt hại của từng trường hợp một? Theo Điều 5 của cam kết thì có phải chính phủ đã tước quyền kiện đòi bồi thường dưới Luật Dân Sự đối với ngư dân và doanh nghiệp bị thiệt hại hay không? Tại sao một quyết định nghiêm trọng và bất hợp pháp như vậy lại được ban hành một cách vội vã và không minh bạch?

Đáng lẽ ra tương tự như vụ tràn dầu do BP gây ra, chính phủ Việt Nam có thể truy tố hình sự và dân sự vì Formosa vi phạm luật môi trường và bắt Formosa trả tiền phục hồi môi trường và bồi thường thiệt hại kinh tế. Nhưng chính phủ không thể tùy tiện ấn định số tiền bồi thường thiệt hại cho người dân và doanh nghiệp. Chỉ có chính họ mới có quyền thương lượng với Formosa và thỏa thuận số tiền bồi thường tho đúng mức độ thiệt hại từng trường hợp một.

Ngư dân và doanh nghiệp của 4 tỉnh miền Trung có hai sự lựa chọn. Một là vượt qua sợ hãi và đứng lên kiện Formosa đòi bồi thường thích đáng. Còn hai là chấp nhận cho chính phủ và Đảng Cộng Sản Việt Nam bán đứng cũng như chấp nhận cho Đảng cắt xẻo khúc ruột miền Trung ra từng mảnh vì sau 70 năm khi dự án Formosa kết thúc thì miền Trung chỉ còn là một bãi rác khổng lồ. Rồi đây sẽ có nhiều ngư dân ở miền Trung có thể phải bỏ nghề đánh cá đồng nghĩa với việc Việt Nam không xác quyết hoặc hành xử chủ quyền hữu hiệu tại Biển Đông. Như vậy thì Trung Quốc sẽ bất chiến tự nhiên thành.

Và Đảng sẽ hát bài "Thương về miền Trung" cho những người Việt Nam vẫn còn u mê mơ tưởng về thiên đường Cộng Sản.


Hà Nội lặng thinh về việc giải quyết vụ Formosa

Bà Su Chih-feng, nhà lập pháp của đảng Dân Chủ Cấp Tiến thuộc Đài Loan kêu gọi chính phủ VN nên công bố minh bạch các chi tiết về trường hợp của Công Ty Formosa Plastic Group 

Chen Wei-han * CTV Danlambao dịch - Dân Biểu Su Chih-Feng (蘇治芬) thuộc đảng Dân Chủ Cấp Tiến hôm qua nói rằng chính phủ Việt Nam không giải thích lời nào về một loạt khó khăn mà Bà gặp phải trong chuyến đi trong tuần qua.

Dân Biểu Su Chih-Feng thuộc đảng Dân Chủ Cấp Tiến giơ lên cuốn sách tiếng Việt Nam viết cho trẻ em tại một cuộc họp báo tại Quốc Hội Đài Loan ở Đài Bắc ngày hôm qua. Ảnh: Liao Chen-huei, Taipei Times

Bà Su và đoàn tùy tùng từ Việt Nam về ngày hôm qua sau một chuyến đi năm ngày để tìm hiểu thêm về một tình trạng ô nhiễm liên quan đến nhà máy thép của Formosa Plastics Group ở tỉnh Hà Tĩnh, và thăm viếng một trại trẻ mồ côi Công giáo ở Vinh cùng mua sách dạy tiếng Việt cho trẻ em để thúc đẩy việc dạy tiếng mẹ đẻ tại khu quản hạt Yunlin County.

Bà Su cho biết hộ chiếu của Bà đã tạm thời bị giữ lại tại Sân Bay Quốc Tế Nội Bài, Hà Nội. Nhóm của Bà đã bị cấm không được đến thăm trại trẻ mồ côi và họ bị theo dõi suốt chuyến đi thăm nhà máy thép.

Bà nói, "Chính phủ Việt Nam không hề tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp với chúng tôi. Tôi vẫn không hiểu được tại sao hộ chiếu của tôi bị nhân viên hãng hàng không giữ lại."

Hộ chiếu của Bà bị giữ lại không có lý do gì khi nhóm Bà muốn đáp máy bay đến Vinh.

Sau khi Ông Richard Shih (石瑞琦) đại diện Đài Loan ở Việt Nam làm việc với các quan chức Việt Nam, nhóm được thông báo rằng họ không được phép đến thăm trại trẻ mồ côi; vì vậy họ đã hủy bỏ chuyến thăm viếng đó và lên xe buýt để đi đến Hà Tĩnh.

Theo báo chí cho biết thì Bà Su đã bị cấm không được thăm nhà thờ bởi vì nhà thờ là một tổ chức "chống chính phủ." Bà Su cho biết là Bà hoàn toàn không biết gì về khuynh hướng chính trị của nhà thờ và họ chỉ đơn thuần muốn đến thăm trại trẻ mồ côi với mục đích từ thiện mà thôi.

"Tôi không biết gì cái gọi là người chống chính phủ hay là những người bất đồng chính kiến," Bà nói.

"Tôi vẫn không biết các lãnh đạo giáo hội là chống chính phủ hay không," bà nói thêm.

Bỏ qua việc suy đoán rằng hộ chiếu của Bà bị giữ lại vì nhóm của Bà tính đi đến thăm những nơi không được liệt kê trước trong đơn xin thị thực của mình, Bà Su cho biết nhóm Bà đến Việt Nam bằng visa du lịch và không ai đòi họ phải cung cấp một lộ trình thăm viếng, vì thế không thể có sự khác biệt giữa các lộ trình dự định đi thăm viếng và những nơi họ thực sự đi.

Không ai đòi họ giải thích mục đích của chuyến du lịch của họ, nhưng không có ai giải thích gì cho họ về trạng huống này. Bà Su nói thêm rằng nhóm Bà không bao giờ được gặp quan chức Việt Nam nào, trong dịp Ông Shih làm việc với các giới chức Việt Nam.

Tại Hà Tĩnh, nhóm bà đã bị cảnh sát mặc thường phục theo dõi và đi đâu họ cũng phải xin phép trước. Chính Cảnh sát sắp xếp cho họ tới một tiệm massage đầu và theo dõi họ trong suốt thời gian họ ở đó.

"Chẳng ai có thể thoải mái được khi mà biết mình bị theo dõi," bà nói.

Bà Su dẫn lời hóa học gia Ding Guo-Tsuen (丁 國 村), một thànhh viên của nhóm nói rằng nhà máy Formosa Hà Tĩnh Steel Corp là một cơ sở tân tiến hàng đầu thế giới, nhưng điều đó không thể ngăn chặn được lỗi sơ suất từ con người.

Cô nói rằng ngay cả sau chuyến thăm, đoàn cũng không hiểu thêm được bất cứ điều gì về việc nhà máy gây nên ô nhiễm ngoài những gì đã được báo chí trình bày, nhưng cô muốn cuộc điều tra của chính phủ Việt Nam phải được minh bạch.

Chính phủ Hà Nội cho biết nhà máy phải chịu trách nhiệm vì đã gây nên cá chết hàng loạt tại các khu vực của tỉnh và các khu hạ nguồn vào tháng Tư vừa rồi.

"Chúng tôi không thể có kết luận gì rõ ràng về sự việc gây ô nhiễm này", Bà Su nói. "Chính phủ Việt Nam nên công bố hết quả cuộc điều tra của mình."

Bà Su tái khẳng định bà ủng hộ chính sách "biên giới mới về phương nam" của chính phủ bà nhưng bà lo ngại rằng các vấn đề mà bà gặp phải trong chuyến đi này có thể là nguyên nhân khiến cho chính sách phải bị thất bại.

Sự hiện diện của các công ty Đài Loan ở Việt Nam rất lớn và dân Việt đang đầy hăng hái và rất thân thiện đối với người Đài Loan, Bà nói thêm.


Canh bạc 500 triệu đô và khoản miễn hoàn thuế hơn 10 ngàn tỷ đồng (448 triệu đô) dành cho Formosa

Tháng Chín (Danlambao) - Sau khi hoàn thành vai diễn xin lỗi trước công chúng qua màn hình do Bộ Tài Nguyên Môi Trường chủ trì, nhà máy thép Formosa đồng ý bồi thường khắc phục hậu quả sau thảm hoạ môi trường tại 4 tỉnh miền Trung với giá 500 triệu đô la (tương đương 11.500 ngàn tỷ Việt Nam đồng). Đây là con số do chính phủ Việt Nam công bố với báo giới. Bây giờ tin cho biết Formosa sẽ được nhà nước miễn không phải trả thuế tổng cộng khoảng 448,5 triệu đô la.

Như vậy liệu chuyện Formosa bồi thường thực sự là canh bạc thắng lợi như các quan chức Cộng sản tuyên bố hay không?

Thông tin trên báo Dân Trí cho hay: Công ty Formosa Hà Tĩnh được Tổng cục Thuế dự kiến miễn thuế và không truy thu thuế với số tiền hơn 10, 450 tỷ đồng (do bị thiệt hại từ sự cố biểu tình ngày 13/5/2014 lúc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 tại vùng biển và thềm lục địa của Việt Nam). Tính đến nay công an và các cơ quan chức năng vẫn chưa thể truy bắt được các đối tượng cầm đầu những cuộc biểu tình bạo động này dù trên mạng có rất nhiều hình ảnh và clip cho thấy nhóm cầm đầu là những người mang mũ cối, có bộ đàm và đeo cờ đỏ sao vàng trên người.

Từ tháng 4 năm 2014 đến nay, công ty Formosa đã được hoàn thuế với số tiền 10.173 tỷ đồng, trong đó 1.185 tỷ đồng là thuế giá trị gia tăng đã nộp khâu nhập khẩu thực hiện cơ chế ghi thu ghi chi.

Trước đó, Bộ Tài Chính đã miễn giảm, miễn phạt và hoàn lại số tiền thuế đã truy thu, phạt cho Formosa số tiền trị giá 71,6 tỷ đồng. Đây là số tiền miễn giảm và hoàn lại khoản thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường đã nộp đối với hoạt động hút cát san nền số tiền 71,6 tỷ đồng (trong đó thuế tài nguyên là 49,2 tỷ đồng, phí bảo vệ môi trường là 22,75 tỷ đồng) (1)

Theo số liệu từ các cơ quan chức năng thống kê cho thấy rõ ràng đến nay, lợi đơn thiệt kép là hậu quả từ nhà máy Formosa mà nhân dân đang phải gánh chịu.

Con số 10 ngàn tỷ được miễn thuế so với con số 11 ngàn tỷ mà Formosa hứa sẽ khắc phục hậu quả sau thảm hoạ môi trường chỉ ra rằng Formosa không hề thiệt thòiKết quả của canh bạc cá chết - bồi thường - miễn thuế nhà nước Việt Nam đem về một "lợi nhuận" là 51.5 triệu đô.

Như vậy trong cái gọi là 500 triệu đô để bồi thường cho nạn nhân thảm hoạ môi trường có đến 448,5 triệu thật ra không đến từ Formosa mà đến từ chính tiền thuế của người dân.

Với thâm niên đầu tư và bề dày tàn phá môi trường ở các nước, người đọc có thể tìm hiểu thêm để hiểu vì sao Formosa có thể chọn Việt Nam là bãi đáp an toàn như vậy sau nhiều tai tiếng từ nước bạn Campuchia.

Trả hơn 1 ngàn tỷ đồng sau sự cố thảm họa môi trường, cùng hàng loạt các ưu đãi khác như cho thuê đất dài hạn giá rẻ, được thành lập dạng đặc khu, Formosa đã bộc lộ rõ bản chất của một tay chơi sừng sỏ chứ không phải dạng thường.

Chấp thuận để Formosa và Việt Nam cùng nhiều ưu đãi, Bộ Tài Nguyên Môi Trường, Bộ Công Thương, Bộ Tài Chính… thật ra chỉ đang thể hiện quyết tâm hủy hoại môi trường sống của dân Việt với giá rẻ mạt thay Bộ Chính Trị mà thôi.


danlambaovn.blogspot.com

______________________________________

Đoàn xe tang trên đường phố Hội An

Trần Trung Đạo (Danlambao) - Ngày đó, 41 năm trước, những người này hay cha mẹ những người này ngồi trên những chiếc Molotova dơ dáy, phủ những nhánh cây rừng, đội nón tai bèo, tay cầm súng AK, khuôn mặt hầm hầm tiến vào thành phố. 

Ngày này, 41 năm sau, những người đó hay con cái những người đó ngồi trên những chiếc Limousine sạch sẽ, mới nhập màu đen lánh, ăn mặc sang trọng, tay cầm iPhone, khuôn mặt tươi cười, tiến vào thành phố.

Ngày đó, khá đông các thành phần tò mò, nằm vùng, ngây thơ chào đón họ. Chiếc bánh vẽ “độc lập, tự do, hạnh phúc” còn rực màu sơn nên không ít người tưởng thật. 

Ngày này, gần như không còn ai tò mò, không còn ai ngây thơ, không còn ai nằm vùng ra chào đón họ. Chiếc bánh vẽ được thay bằng chiếc bánh bao Tàu nhưng thịt có tẩm chất salbutamol siêu nạc. 

Đoàn xe màu đen như xe tang đi qua trên đường phố Hội An trong lặng lờ như đoàn xe Đức cũng màu đen trên đường phố Paris tháng Sáu 1940. Dăm bóng người ngơ ngác và không ai vẫy tay chào. 

Để giữ gìn các kiến trúc không thể thay thế, bảo vệ an toàn, kính trọng các giá trị lịch sử và nét đẹp tự nhiên, nhiều thành phố cổ trên thế giới nghiêm cấm xe chạy trong những khu lịch sử. Trung tâm thành phố Vienna ở Áo, Grand Place ở Bỉ, Nuremberg ở Đức, đảo Hydra ở Hy Lạp v.v.. nghiêm cấm xe cộ ra vào. 

Hội An giữ một vị trí quan trọng trong lịch sử của Đàng Trong vào cuối thế kỷ 16. Trong thế kỷ 17, thành phố là nơi thả neo của nhiều tàu buôn quốc tế, nơi nghiên cứu và ẩn dật của các nhân vật cách mạng, chính khách thế giới sa cơ. 

Hội An có những mái ngói cong, những cột gỗ liêm tròn chạm trổ công phu, những con đường lót sỏi chạy dọc theo bờ sông Thu Bồn thơ mộng chảy từ Trà My tuyệt vời ra Thái Bình Dương bát ngát. 

Thời gian trôi qua, các điều kiện địa lý và kinh tế chính trị thay đổi, trục giao thương chuyển ra Đà Nẵng nhưng các giá trị lịch sử của Hội An vẫn còn nguyên vẹn. 

Sau 1975, Phố Cổ vốn u trầm lại càng buồn hơn. Thành phố già nua trong thời chiến càng cằn cỗi hơn trong thời bình. Con người Hội An, giống như cả nước, sống trong sự an bài của định mệnh hơn là chọn lựa của đời mình. 

Nhưng từ khi được UNESCO công nhận định chế World Heritage Site năm 1999, Hội An ngủ quên suốt mấy trăm năm và may mắn sống sót trong cuộc chiến tranh dài đã thức dậy. Du khách nhiều nơi trên thế giới ồ ạt ghé thăm và thích thú được chiêm ngưỡng một Phố Cổ rêu phong nhưng gần như còn nguyên vẹn trong lòng một miền Nam Việt Nam điêu tàn và đổ nát. 

Những chiếc lồng đèn, những mái ngói cong, những cột gỗ liêm chạm trổ công phu, những tiệm cao lầu, những địa danh nghe rất lạ tai nhưng vô cùng thân thiết trong lòng người dân xứ Quảng như chùa Cầu, chùa Âm Bổn, chùa Ông từ quá khứ lãng quên bỗng hóa thành cơm gạo, bạc tiền giúp nuôi sống người dân của thành phố không có một công nghệ chính nào. 

Sự kiện đoàn xe nhiều chục chiếc của Nguyễn Xuân Phúc chạy trên đường Phố Cổ Hội An cấm chạy xe cho thấy bản chất vô văn hóa, thiếu tư cách của những người lãnh đạo Cộng Sản, sau 41 năm vẫn không thay đổi. 

Không có trường học nào dạy Chủ tịch Quốc hội cách cho cá ăn, một Chủ tịch Nước chọn lời ăn tiếng nói hay một Thủ tướng Chính phủ biết con đường nào nên tránh lái xe qua. Những điều đó thuộc về tư cách. 

Những việc như nhổ một cây đinh, nhặt dăm cộng rác, rải thức ăn xuống hồ cá, mở lời trước công chúng nước ngoài, chọn một lối đi, rất nhỏ nhoi và gần như phản xạ tự nhiên nhưng thường là thước đo trung thực nhất cho tư cách con người. 

Tư cách con người là kết quả của một quá trình sống, học hỏi, trải nghiệm lâu dài trong một môi trường giáo dục khoa học, nhân bản và khai phóng chứ không phải là một món hàng có được qua mua sắm bằng tiền nhất là tiền ăn cướp của kẻ khác. 

Khi ngồi trên xe, Nguyễn Xuân Phúc và đám quan quyền CS có để ý ánh mắt đầy giận dữ của người dân Hội An đứng nhìn đoàn xe nặng nề đang lăn bánh trên con đường mỏng manh sau mấy trăm năm chịu đựng lụt lội, nắng mưa? 

Khi ngồi trên xe, Nguyễn Xuân Phúc và đám quan quyền CS có để ý đôi mắt ngạc nhiên và khinh bỉ của các du khách ngoại quốc đứng bên đường nhìn lãnh đạo cao cấp của một quốc gia đang vi phạm luật lệ do chính các lãnh đạo đó ban hành? 

Dĩ nhiên Nguyễn Xuân Phúc và đám quan quyền CS không thấy, bởi vì, dù ngồi trên Molotova trước đây hay Limousine hôm nay, họ cũng chỉ là một loại người chưa khai hóa. 

10.08.2016