Thursday, December 31, 2020

Hoài nghi Thủ Đức ‘sẽ là một đống bầy nhầy như Thủ Thiêm’

 SÀI GÒN, Việt Nam (NV) – Tại Sài Gòn, trong khi Thành Ủy công bố sự ra đời của thành phố Thủ Đức “là thời khắc lịch sử đối với nhân dân” thì giới quan sát hoài nghi về những hứa hẹn của lãnh đạo CSVN về Thủ Đức.

Hôm 31 Tháng Mười Hai, đồng loạt các báo nhà nước đưa tin lần đầu tiên Việt Nam có “một thành phố trong thành phố,” trên diện tích hơn 21,000 hécta và dân số gần 2 triệu người, được tập hợp từ ba quận: 2, 9 và Thủ Đức.

Khu Đô Thị Mới Thủ Thiêm sẽ là trung tâm tài chính của thành phố Thủ Đức. (Hình: Quỳnh Danh/Zing)

Truyền thông nhà nước cho hay, bộ máy của thành phố Thủ Đức dự trù đi vào hoạt động từ ngày 7 Tháng Hai, 2021.

Theo tường thuật của báo Zing, tại buổi lễ, ông Nguyễn Văn Nên, bí thư Thành Ủy, hứa hẹn: “Thành phố Thủ Đức sẽ là không gian thống nhất, kết nối các thành phần tất yếu của đô thị sáng tạo tương tác cao, có đủ tiềm lực để đáp ứng nhu cầu sáng tạo, khởi nghiệp.”

Báo này cũng dẫn nhận định của ông Nguyễn Thiện Nhân, người tiền nhiệm của ông Nên: “Với hệ thống hạ tầng đồng bộ, hiện đại, quản lý thông minh, thành phố Thủ Đức sẽ có quy mô kinh tế lớn thứ ba cả nước trong 10 năm tới, chỉ đứng sau Sài Gòn và Hà Nội.”

Tuy vậy, không thấy ông Nhân cũng như tờ báo giải thích quy mô kinh tế của Thủ Đức được tính riêng hay gộp vào Sài Gòn trong lúc đây là mô hình “thành phố trong thành phố.”

Ông Huỳnh Thế Du, giảng viên trường Chính Sách Công và Quản Lý, Đại Học Fulbright Việt Nam, bình luận trên trang cá nhân: “Trong hai thập niên qua, Sài Gòn có hai siêu dự án là Nam Sài Gòn và Thủ Thiêm. Hai dự án này hoàn toàn nằm trong tầm tay của thành phố và có các yếu tố cơ bản cho thành công. Nếu có được một phần thành công như Gangnam của Seoul và Phố Đông của Thượng Hải thì thành phố hiện nay đã rất khác. Rất đáng tiếc là các cơ hội đã bị bỏ lỡ. Nam Sài Gòn chỉ được một phần rất nhỏ và những gì xảy ra với IPC gần đây quả là buồn. Đáng thất vọng hơn là Thủ Thiêm.”

Ông Nguyễn Văn Nên, bí thư Thành Ủy ở Sài Gòn. (Hình: Zing)

Theo ông Du, “bài học nhãn tiền đang còn đó” và giới chức lãnh đạo Thủ Đức “cần phải có cách nghĩ và cách làm khác, với quyết tâm của cả trung ương và Sài Gòn.”

“Nếu không, khả năng rơi vào vết xe đổ của các mô hình không thành công là rất cao. Cái quán tính này đang rất lớn và đáng sợ,” ông Du cảnh báo.

Cùng thời điểm, bình luận bên dưới bài đăng về công bố sự ra đời của thành phố Thủ Đức trên trang cá nhân của cựu tổng biên tập báo Phụ Nữ TP.HCM, nhà báo Đoàn Khắc Xuyên bình luận: “20 năm trước, Thủ Thiêm cũng tràn trề hy vọng như vậy, cũng mơ thành Phố Đông như của Thượng Hải. Và kết cục là một đống bầy nhầy. Giờ chả biết nói sao.” (N.H.K) [qd]

Báo chí Việt Nam răm rắp nghe đảng, nên bị giảm số lượng lẫn doanh thu

 HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Tính trong năm 2020, Việt Nam giảm 71 tòa soạn, nhiều báo giảm doanh thu đến 70%, nhất là ở các báo in và báo điện tử, tất cả là “nhờ” Ban Tuyên Giáo Trung Ương, cơ quan chuyên “nắm thóp” hệ thống truyền thông nhà nước, phạt vạ những tòa soạn về việc đưa tin “trái ý” đảng.

Ban Tuyên Giáo Trung Ương cũng là nơi áp đặt đợt quy hoạch báo chí, gom nhiều tờ báo cùng lĩnh vực làm một, khiến các tổng biên tập “ngậm đắng nuốt cay” nhưng không dám phản đối.

Nhiều người dân Việt Nam đã bỏ thói quen mua báo giấy mỗi sáng. (Hình: Hoang Dinh Nam/AFP via Getty Images)

Tuy nhiên, nói về việc giảm số lượng lẫn doanh thu, báo Tuổi Trẻ hôm 31 Tháng Mười Hai dẫn phát ngôn của ông Lê Mạnh Hùng, phó Ban Tuyên Giáo Trung Ương, giải thích là vì hệ lụy của đại dịch COVID-19.

Báo Tuổi Trẻ cũng cho hay, trong năm qua, đã có 18 tòa soạn bị Bộ Thông Tin Truyền Thông CSVN xử phạt, với tổng số tiền gần 430 triệu đồng ($18,650), 13 trang thông tin điện tử bị phạt với tổng số tiền trên 600 triệu đồng ($26,023), hai tòa soạn bị tước quyền sử dụng giấy phép hoạt động báo chí, hai nhà báo bị thu hồi thẻ nhà báo do “có sai phạm nghiêm trọng.”

Trong một diễn biến khác, công luận bàn tán về việc các báo nhà nước một ngày trước đều đăng bản tin giống nhau về việc sắp ghế “tứ trụ” tại Đại Hội 13 bị dán nhãn “tuyệt mật.”

Facebooker Hoàng Dũng bình luận trên trang cá nhân: “…Mặc dù quyết định này được [Thủ Tướng CSVN Nguyễn Xuân] Phúc ký từ gần hai tháng qua nhưng cho đến 29 Tháng Mười Hai, Tuyên Giáo mới suỵt cho các báo đảng đồng loạt đăng về điều này. Các báo đảng đều giật tít liên quan đến việc phương án nhân sự là tuyệt mật. Đọc các bài báo này, nội dung đều na ná nhau, tức là nó thuộc dạng báo suỵt, Tuyên Giáo suỵt cho các báo phải đăng nội dung như thế.”

Ông Lê Mạnh Hùng, phó Ban Tuyên Giáo Trung Ương, cơ quan “nắm thóp” hệ thống truyền thông nhà nước. (Hình: Đức Anh/Tuổi Trẻ)

Facebooker này suy đoán về hệ lụy của việc báo đảng phải răm rắp đăng mọi chỉ thị của nhà cầm quyền CSVN: “Từ nay đảng Cộng Sản tha hồ bán nước. Đảng này tha hồ cắt đất, cắt biển đảo dâng cho Tàu Cộng mà không lo phải đối phó với việc công khai nó bởi đó là thông tin tuyệt mật, ai nhắc đến sẽ bị đối diện với tội hình sự. Tức là việc đảng Cộng Sản có quyền bán nước dấm dúi đã nâng lên thành văn bản chính thức do chính phủ ban hành. Người ký quyết định này là Nguyễn Xuân Phúc. Phúc sẽ không thể thoái thác trách nhiệm lịch sử về quyết định này.” (N.H.K) [qd]

Vụ vỡ kênh thủy lợi xây hơn $186 triệu: Do ‘nền địa chất phức tạp’

 THANH HÓA, Việt Nam (NV) – Theo thông cáo của Bộ Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn, tuyến kênh thủy lợi Bắc sông Chu-Nam sông Mã, đoạn qua xã Phùng Minh, huyện Ngọc Lặc, bị vỡ là do “nền địa chất,” chứ không phải do xây dựng.

Báo VNExpress dẫn thông cáo của Bộ Nông Nghiệp đưa ra hôm 30 Tháng Mười Hai, giải thích về việc vỡ tuyến kênh chính thuộc hệ thống kênh thủy lợi Bắc sông Chu-Nam sông Mã.

Đoạn kênh chính qua xã Phùng Minh, thuộc hạng mục cầu máng sông Âm bị vỡ sáng 27 Tháng Mười Hai. (Hình: Lê Hoàng/VNExpress)

Theo bộ này, đoạn kênh bị vỡ dài 70 mét, đưa vào khai thác từ năm 2013, và trong hơn sáu năm đã “hoạt động tốt.” Tuy nhiên, “do đoạn kênh này đắp nổi, chiều cao lên tới 6 đến 7 mét, lại nằm trên lớp đá phong hóa và có cung trượt phức tạp nên khiến ‘trượt khối đất dưới đáy kênh, dẫn đến vỡ kênh’ hôm 27 Tháng Mười Hai.”

Thế nhưng, thông cáo của Bộ Nông Nghiệp không đề cập đến phẩm chất công trình, hay nghi vấn về việc dùng các nguyên vật liệu, xây có đúng với thiết kế, khảo sát… trong lúc thi công.

Báo VNExpress tả hiện trường hôm 29 Tháng Mười Hai, sau hai ngày xảy ra sự việc, nhiều mảng bê tông dưới lòng kênh bị bẻ gãy, vỡ vụn; nhiều sợi thép làm nền kênh bị bẻ cong, không còn kết dính với lớp vữa; một số đoạn bờ kè bằng đá hộc cũng bị nước cuốn phăng…

“Với sự việc như thế này, một là đã bị rò rỉ nước từ trước hoặc trong lúc vận hành, đơn vị quản lý xả nước rồi đóng cửa lại, nước không chảy được nên tạo ra áp lực gây vỡ kênh,” ông Lê Đức Giang, phó chủ tịch tỉnh Thanh Hóa, nhận định hôm 29 Tháng Mười Hai, khi đi kiểm tra hiện trường.

Để giảm áp lực công luận, Bộ Nông Nghiệp đang giao Ban Quản Lý Bắc sông Chu-Nam sông Mã “khẩn trương khắc phục sự việc, nhanh chóng phối hợp với chính quyền địa phương rà soát, đánh giá, đền bù thiệt hại cho người dân bị ảnh hưởng.”

Theo báo VietNamNet, kênh bị vỡ được phát hiện khoảng 9 giờ 45 phút sáng 27 Tháng Mười Hai, trong lúc vận hành bơm nước, khiến công trình bị xói trôi hơn 20,000 khối đất, hơn 40 tấm bê tông lát mái, đáy và khoảng 400 khối đá xây gia cố bờ kênh bị xói lở, xô lệch.

Ngoài ra theo thống kê sơ bộ ban đầu, có khoảng 3 hécta ruộng, 0.5 hécta ao của người dân bị vùi lấp, cá bị thất thoát. Đoạn kênh sụt lún cũng khiến hoạt động cấp nước cho vùng hạ lưu bị ngưng trệ, hơn 31,000 hécta cây trồng ở xã Phùng Minh, huyện Ngọc Lặc, bị ảnh hưởng.

Những mảng bê tông vỡ vụn, những sợi thép làm nền kênh bị bẻ cong không kết dính với lớp vữa. (Hình: Lê Hoàng/VNExpress)

Tin cho biết, tuyến chính kênh Bắc sông Chu-Nam sông Mã dài hơn 370 cây số, tổng vốn đầu tư hơn 4,300 tỷ đồng ($186.45 triệu) được khởi công vào năm 2011, đưa vào sử dụng mới hai năm nay. Công trình có chức năng dẫn nước từ hồ Cửa Đạt và hồ Dốc Cáy (huyện Thường Xuân) cung cấp nước tưới cho đất nông nghiệp, cấp nước sinh hoạt cho nhiều huyện ở tỉnh Thanh Hóa như Thọ Xuân, Yên Định, Thiệu Hóa, Ngọc Lặc, Thường Xuân…

Trước đó hồi năm 2015, trong lúc thi công dự án, nhà thầu khảo sát xây dựng và thiết kế là tổng công ty Tư Vấn Xây Dựng Thủy Lợi Việt Nam (CTCP) đã phá đá nổ mìn gây hư hỏng 350 căn nhà của người dân ở xã Nguyệt Ấn, huyện Ngọc Lặc, dẫn đến khiếu kiện kéo dài. (Tr.N) [qd]

Một ông ở Hà Tĩnh bị phạt vì bình luận ‘công an chống lưng cho giang hồ’

 HÀ TĨNH, Việt Nam (NV) – Ông Nguyễn Hữu Chung, 32 tuổi, ở huyện Cẩm Xuyên, bị công an triệu tập và xử phạt 7.5 triệu đồng ($325) với cáo buộc “Sử dụng Facebook cá nhân bình luận nội dung sai sự thật, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của tổ chức.”

Báo Hà Tĩnh hôm 30 Tháng Mười Hai cho biết, Facebook Nguyễn Chung được cho là của ông Chung hôm 28 Tháng Mười Hai viết: “Giờ công an và giang hồ cùng lợi ích nhóm các bạn ak. Giang hồ bảo kê cho công an khi người dân bật lại công an. Công an chống lưng cho giang hồ làm loạn…”

Ông Nguyễn Hữu Chung. (Hình: Báo Hà Tĩnh)

Bình luận của ông Chung xoay quanh vụ một tài xế hành hung khách đón xe buýt tại khu vực trung tâm Hà Tĩnh được thuật lại trên diễn đàn Cẩm Xuyên Quê Tôi.

Cũng theo báo Hà Tĩnh, ông Chung thừa nhận nội dung bình luận “là sai sự thật” và cam kết gỡ comment, đăng tải bài viết đính chính lên trang cá nhân, không tái phạm và chấp hành lệnh phạt.

Hành vi của ông Chung bị công an cho là “sai sự thật, xuyên tạc, xúc phạm danh dự, nhân phẩm tổ chức” theo một nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử.

Đáng lưu ý là trước ông Chung, báo Hà Tĩnh từng đăng các bản tin tương tự về việc công an huyện được tự ý xử phạt người dân về hành vi trên mạng xã hội mà không có bất kỳ sự hiện diện của luật sư.

Tất cả các bản tin đều có chung chi tiết là tại buổi làm việc với công an, những Facebooker bị triệu tập đều “thừa nhận thông tin do mình đăng tải là sai sự thật” và “xin chấp nhận hình phạt.”

Đến nay, gần như chỉ có một trường hợp bị công an địa phương cáo buộc hành vi “đưa tin sai sự thật trên mạng xã hội” nhưng thoát án phạt là ca sĩ Phương Thanh.

Bình luận trên mạng xã hội khiến ông Nguyễn Hữu Chung bị công an huyện Cẩm Xuyên triệu tập và xử phạt. (Hình: Báo Hà Tĩnh)

Phương Thanh là một trong những ca sĩ nổi tiếng hàng đầu ở Việt Nam hồi thập niên 1990, được biết đến qua các ca khúc “Một Thời Đã Xa,” “Giã Từ Dĩ Vãng,” “Ta Chẳng Còn Ai”…

Một post đăng trên trang cá nhân của nữ ca sĩ hồi cuối Tháng Mười ghi rằng nhóm cứu trợ của cô bị người dân Quảng Ngãi tưởng lầm là đoàn của ca sĩ Thủy Tiên đến cho 10 triệu đồng ($431). Cô cũng chỉ trích người dân địa phương “không bị lũ lụt cũng canh me tiền, vô tình tính tham của con người trỗi dậy…”

Tờ Người Lao Động hôm 11 Tháng Mười Một tường thuật rằng trong buổi họp với giới chức tỉnh Quảng Ngãi, cô Phương Thanh chỉ nói “vòng vo” việc đi làm MV và khẳng định có tới Quảng Ngãi nhưng lại không cung cấp được địa chỉ cụ thể nơi đến làm từ thiện. Lúc nữ ca sĩ nói Quảng Nam, lúc nói Đà Nẵng.

Sau đó, vụ việc khép lại khi nữ ca sĩ lên tiếng xin lỗi người dân Quảng Ngãi trên trang cá nhân mà không bị xử phạt. (N.H.K) [qd]

Cổng trường học ở Đắk Nông đổ sập đè chết nam sinh lớp 4

 ĐẮK NÔNG, Việt Nam (NV) – Trong lúc tan trường chờ cha mẹ đón về, nhóm ba học sinh rủ nhau chơi đu lên cánh cổng của trường được xây bằng gạch, chẳng may một cánh cổng đổ sập đè chết một em.

Tối 30 Tháng Mười Hai, ông Nguyễn Xuân Vinh, hiệu trưởng trường tiểu học Lê Hữu Trác ở xã Đắk Sin, huyện Đắk R’Lấp, tỉnh Đắk Nông, xác nhận với báo Tuổi Trẻ học sinh bị tai nạn trong vụ sập cổng trường xảy ra lúc chiều cùng ngày đã tử vong.

Hiện trường nơi xảy ra vụ tai nạn. (Hình: Đ.C/Tuổi Trẻ)

Theo ông Vinh, nạn nhân là em Trần Quang P. (10 tuổi, trú xã Đắk Sin, huyện Đắk R’Lấp), học sinh lớp 4 của trường. Giờ tan học buổi chiều trong lúc chờ phụ huynh đến đón, một nhóm ba học sinh rủ nhau chơi trò đu lên một cánh cổng của trường học. Chơi đến lượt đu thứ 3 thì cổng đổ sập đè chết một em.

Phát giác sự việc, những người có mặt đã đưa nạn nhân đến Trung Tâm Y Tế huyện Đắk R’Lấp cấp cứu nhưng em không qua khỏi. Theo một số nhân chứng, cổng trường xây hoàn toàn bằng gạch không có bê tông cốt thép bên trong.

Lãnh đạo Phòng Giáo và Dục Đào Tạo huyện Đắk R’Lấp cho biết đã nhận được tin báo từ nhà trường, và đã chỉ đạo các đơn vị liên quan cùng gia đình tổ chức hậu sự.

Theo vị này, trường tiểu học Lê Hữu Trác có từ rất lâu, nhiều hạng mục trường được xây dựng từ thời mới thành lập xã. Hiện Công An huyện Đắk R’lấp “đang kiểm tra hiện trường, làm rõ sự việc.”

Đây là vụ thứ hai cổng trường bị sập do xây không có trụ cốt thép.

Trước đó các báo nhà nước đưa tin chiều 7 Tháng Chín, cổng trường tiểu học Khánh Yên Thượng, phân hiệu Bản Phung, huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai, mới xây được bốn năm và “không có cốt thép” đã đổ sập đè chết ba học sinh gồm Giàng Thị D. (5 tuổi), Vàng Thị Hồng Trang (6 tuổi), Ma Thị X. (6 tuổi) tử vong tại chỗ. Ba em Giàng Thị Hoa Sinh (5 tuổi), Giàng A Vi (4 tuổi) và Ma Thị Chi (6 tuổi) bị thương được đưa vào bệnh viện Đa Khoa huyện Văn Bàn cấp cứu.

Tại hiện trường cho thấy “một trụ bê tông đã bị sập đổ, gãy làm đôi để lộ ra phần lõi trụ chỉ được xây bằng gạch vữa, không có cốt thép.”

Nói với báo Tiền Phong, ông Vũ Kim Phúc, hiệu trưởng trường tiểu học Khánh Yên Thượng, cho rằng: “Nguyên nhân ban đầu là do một số học sinh trèo lên cánh cổng đu đưa khiến trụ cổng bị đổ sập. Về phía nhà trường, chúng tôi xin nhận trách nhiệm khi để xảy ra sự việc đau lòng trên.”

Trụ cổng trường tiểu học Lê Hữu Trác ở xã Đắk Sin, huyện Đắk R’Lấp, đổ sập lộ rõ bên trong không có cốt thép. (Hình: Dương Phong/Dân Trí)

Cổng trường gồm hai trụ bê tông và hai cánh cửa, mỗi cánh cửa nặng 80 kg, được xây dựng từ năm 2016 do Ủy Ban Nhân Dân xã Khánh Yên Thượng, huyện Văn Bàn, làm chủ đầu tư. “Nhìn bề ngoài, cột cổng trường to, chắc chắn, không ai nghĩ lại xảy ra sự việc như vậy,” ông Phúc biện minh.

Nhằm xoa dịu công luận, thủ tướng CSVN chỉ đạo Công An tỉnh Lào Cai phối hợp với Bộ Công An “khẩn trương điều tra vụ tai nạn để phúc trình thủ tướng trước ngày 15 Tháng Chín.” Tuy nhiên, đến nay sau hơn ba tháng điều tra, sự việc không nghe nhắc đến. (Tr.N) [qd]