Saturday, August 1, 2015

'Ma cô' chào hàng

Theo Người Việt-08-01- 2015 1:36:59 PM
Bùi Bảo Trúc
“Ma cô” không phải là một danh từ Việt ngữ. Lý do có thể là vì người Việt (trước đây) không có ai làm cái thứ công việc xấu xa, tồi tệ và khốn nạn đó. Thế nên Việt ngữ không có tiếng để gọi người dẫn khách cho những phụ nữ tội nghiệp và bất hạnh, những người phải đem chính ngay thân thể thể của mình ra bán để kiếm sống. Thời Nguyễn Du, tiếng Việt không có danh từ để gọi những người này nên nhà thơ họ Nguyễn phải dùng ngay tên của Mã Giám Sinh để gọi người đàn ông chuyên đi kiếm những phụ nữ khốn khổ mang về bán cho các ổ mại dâm.

Mãi đến khi tiếng Pháp du nhập vào Việt Nam, người Việt mới quơ đại danh từ “maquereau” và giản lược nó đi thành “ma cô,” thì tiếng Việt mới có chữ mà nhà làm tự điển Đào Duy Anh phải định nghĩa là “người dẫn mối cho đĩ” cho dễ hiểu. Từ đó tiếng Việt mới có danh từ “ma cô” để khỏi phải dài dòng khi gọi những người sống nhờ cái vốn Trời cho có sẵn của những người phụ nữ khốn khổ trong những địa ngục kinh hoàng nhất trên trái đất này.

Trong khi các nghề nghiệp khác đều có những thay đổi thì nghề “ma cô” gần như không có những đổi thay nào đáng kể. “Ma cô” vẫn dùng một giọng điệu cũ xưa để quảng cáo cho món hàng mà họ muốn bán, vẫn lọc lừa thủ đoạn dối gạt cốt sao để kiếm ăn.

Đọc những tiểu thuyết của Nguyễn Thụy Long là thấy đầy những cảnh như thế. Tác giả Kinh Nước Đen viết về những “ma cô” tí hon chạy theo xe của những người đàn ông đi tìm hoa ở những xóm mại dâm, chào hàng bằng những câu nói không thường thấy ở những cái miệng mà tuổi tác chỉ mới lên chín, lên mười. Nào là có em là nữ sinh, nào là em vừa cắt chỉ, nào là em còn mới, không có bệnh tật gì...

Lối chào hàng như thế của “ma cô” thì vẫn còn nguyên như từ bao nhiêu năm nay. Khung cảnh có thể khác, nhưng mục đích thì vẫn còn y nguyên, để quảng cáo cho món hàng mà họ muốn bán.

Một “ma cô ma cạo” mới đây đã có lần sang tận nước Mỹ để làm công việc đó. Ông này nói là để quảng cáo cho việc đầu tư ở Việt Nam. Nhưng điều ông nói ra thì cũng chẳng khác gì lời lẽ của những “ma cô” chào hàng, kiếm khách cho những phụ nữ sống bằng nghề bán trôn nuôi miệng. Thay vì nói rằng Việt Nam là một môi trường rất thuận lợi cho các nhà đầu tư vì kỹ năng của công nhân Việt Nam rất cao, lương hướng hợp lý, lại không có nghiệp đoàn để gây khó dễ cho chủ, Việt Nam có thể cạnh tranh dễ dàng với Trung Quốc, hơn hẳn Philippines, Indonesia, Thái Lan v.v... Thay vào những chi tiết dùng để chào hàng, để hấp dẫn, lôi cuốn khách đầu tư đến Việt Nam thì miệng lưỡi của “ma cô” nói rằng hãy đến Việt Nam, vì “con gái Việt Nam đẹp lắm.”

Tình hình đầu tư thuận tiện ở Việt Nam được tô vẽ cho hấp dẫn bằng nét đẹp của phụ nữ Việt Nam. Những phụ nữ này không được làm cho hấp dẫn các nhà đầu tư bằng những khả năng của những tấm bằng MBA, của tài khéo trong các sinh hoạt thương trường, tại thị trường chứng khoán... “Ma cô” này nói tới chi tiết không dính dáng gì tới chuyện đầu tư mà chỉ nêu ra nét đẹp của phụ nữ Việt Nam.

Không nói ra, nhưng chắc chắn ông muốn nói về những “vành ngoài, vành trong,” những “bẩy chữ,” những “tám nghề” như những bài học mà người đàn bà “lờn lợt mầu da,” “to lớn đẫy đà” đã hết mình dậy cho người con gái họ Vương để làm việc cho bà.

Chi tiết về câu chào hàng khốn nạn đó được ghi lại đầy đủ trong một bài phỏng vấn mà ông dành cho một tờ báo nhà nước. “Ma cô” ấy tên là Nguyễn Minh Triết. Cuộc phỏng vấn được thực hiện ngay trong dinh chủ tịch sau chuyến đi Mỹ của ông. Cuộc phỏng vấn được thu hình và thu thanh đầy đủ và được lưu trữ trong kho tài liệu của đảng. Chính những lời rao hàng ô nhục đó đã khuyến khích và mở đường cho hàng ngàn phụ nữ Việt đem “hàng trắng” đi bán khắp nơi. Dịch vụ nở rộ đến độ mới đây, Singapore đã phải từ chối cho nhập cảnh một số phụ nữ Việt Nam khi những người này tìm cách đến Singapore để cho những người dân Singapore...  đầu tư mà không cần phải mất công lặn lội đến tận Việt Nam cho tốn kém.

Đau và nhục nhã cho người Việt Nam biết là bao nhiêu vì những “ma cô” khốn kiếp đó.

Trung Quốc cảnh báo chiến tranh biên giới trong ngày thành lập PLA

BẮC KINH, Trung Quốc (NV) - Trung Quốc hôm Thứ Bảy cảnh báo rằng ngày càng có nhiều khả năng có chiến tranh biên giới, bao gồm cả trong khu vực tranh chấp chủ quyền ở biển Hoa Đông và Biển Đông, theo một bản tin của hãng thông tấn Reuters.


(Hình minh họa: Lam Yik Fei/Getty Images)

Cảnh báo này được đưa ra vào ngày kỷ niệm thành lập quân đội nhân dân Trung Quốc (PLA).

PLA, được coi là đông nhất thế giới, đang thực hiện nhiều chương trình hiện đại hóa trong mấy năm qua, theo Reuters.

Sự hiện đại hóa này, cùng với việc gia tăng ngân sách quốc phòng, làm cho nhiều quốc gia trong khu vực lo ngại.

Bắc Kinh cũng nói rằng, những hiện đại hóa này không đe dọa ai, nhưng là bước cần thiết để Trung Quốc có thể bảo vệ bờ cõi của một quốc gia có nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới.

Trong một bài xã luận đăng trên trang nhất của mình, nhật báo Quân Đội Nhân Dân, cơ quan ngôn luận của PLA, nói rằng thế giới đang đối diện với những đổi thay chưa từng có trước đây.

“Tình hình xung quanh chúng ta nói chung là ổn định, thế nhưng, vẫn có thể có những thách thức vô cùng nghiêm trọng, và có thể có tình trạng hỗn loạn và chiến tranh xảy ra ngay trước mặt chúng ta,” Reuters trích bài báo trên tờ Quân Đội Nhân Dân cho biết như vậy.

Bài báo cho biết thêm, “Môi trường an ninh biển còn phức tạp hơn nữa, vì những 'dòng chảy ngầm' ở biển Hoa Đông và Biển Đông bắt đầu trỗi dậy.”

Trung Quốc hiện đang có tranh chấp chủ quyền với Nhật về quần đảo Senkaku, mà Bắc Kinh gọi là Điếu Ngư.

Ngoài ra, Trung Quốc cũng có tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông với một số quốc gia khác, cụ thể là quần đảo Trường Sa, mà Bắc Kinh đang ra sức bồi đắp thêm một số đảo nhân tạo với mục đích bành trướng kiểm soát huyết mạch hàng hải này, và có thể lập ra Vùng Nhận Diện Phòng Không (ADIZ), bắt buộc máy bay của nước khác phải báo cáo trước khi bay vào vùng trời này.

Trung Quốc, Đài Loan, Việt Nam, Malaysia, Philippines, và Brunei là các quốc gia tuyên bố có chủ quyền trên quần đảo Trường Sa.

Vẫn theo Reuters, Trung Quốc cũng lo ngại thành phần quá khích tại các quốc gia như Afghanistan, khả năng có chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên, tình hình bất ổn tại vùng biên giới giữa Miến Điện và Ấn Độ, và sự nhức nhối về quy chế của đảo quốc Đài Loan, mà lâu nay Bắc Kinh vẫn coi là một tỉnh ly khai của mình.

“Nhiệm vụ bảo vệ sự thống nhất quốc gia, vẹn toàn lãnh thổ, và các lợi ích phát triển là khó khăn và gian nan,” theo tờ báo của PLA.

Trong một bài khác, tờ báo trích lời ông Thường Vạn Toàn, bộ trường Quốc Phòng Trung Quốc, nói rằng Trung Quốc cam kết là một lực lượng vì hòa bình, nhưng sẽ không nhượng bộ trong các vấn đề cốt lõi như Đài Loan.

“Chúng tôi sẽ giữ vững nguyên tắc là người dân hai phía của eo biển Đài Loan là một gia đình, và tiếp tục con đường phát triển trong quan hệ giữa hai phía, nhưng dứt khoát phản đối âm mưu độc lập của những người ly khai ở Đài Loan,” PLA trích lời ông Thường nói.

Sau khi bị thua các lực lượng của Mao Trạch Đông ở Trung Quốc năm 1949, các lượng Quốc Dân Đảng chạy ra Đài Loan và lập quốc từ đó đến nay. (Đ.D.)
08-01-2015 1:21:13 PM

Ễnh ương nhiều bất thường, dân Tây Ninh sợ động đất

TÂY NINH (NV) - Dân chúng Tây Ninh lo âu khi hàng trăm ngàn con ễnh ương đột nhiên xuất hiện quanh nông trường Biên Hòa, tọa lạc ở xã Thành Long, huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh. 


Trung tâm Sài Gòn sẽ chìm dưới hai mét nước nếu đập chắn nước ở hồ Dầu Tiếng vỡ. (Hình: VnExpress)

Theo tờ Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn thì trong các ngày từ 28 đến 30 tháng 7, 2015, ễnh ương đột nhiên đổ về khu vực vừa kể đông tới mức nghẹt đường. Ông Nguyễn Trọng Hòa, một người dân cư ngụ tại xã Thành Long kể với phóng viên của tờ Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn rằng, bởi có hàng trăm ngàn con ễnh ương di chuyển trên đường nên ông phải xuống xe dẫn bộ để tránh cán phải ễnh ương.

Bởi từng biết rằng, ếch thường rời khỏi nơi cư trú trước khi có động đất nên dân chúng Tây Ninh đang hết sức hoang mang.

Để làm rõ thực hư, tờ Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn đã hỏi ông Nguyễn Hồng Phương, phó giám đốc Trung Tâm Báo Tin Động Đất và Cảnh Báo Sóng Thần của Viện Vật lý Địa Cầu, ông Phương thừa nhận, đúng là có một số loại động vật như ếch thường di tản ồ ạt khỏi khu vực chúng cư trú trước khi động đất xảy ra ở khu vực đó.

Năm 2009, tờ Telegraph ở Anh từng tường thuật về khám phá của bà Rachel Grant, một nhà sinh vật học Rachel Grant. Bà Grant đã theo dõi loài ếch sống ở một số hồ nước tại L'Aquila - Italia và phát giác trong ba ngày liên tiếp, có 96 con ếch đã rời khỏi hồ nước. Vài ngày sau đó, khu vực này đã xảy ra một trận động đất.

Tuy nhiên ông Phương cũng nói thêm rằng, so với nhiều tỉnh, thành phố khác ở Việt Nam thì địa chất ở khu vực Tây Ninh khá ổn định cho nên Trung Tâm Báo Tin Động Đất và Cảnh Báo Sóng Thần sẽ sẽ theo dõi xem có dư chấn bất thường nào tại đó hay không.

Dẫu chưa rõ hiện tượng vừa kể có liên quan đến động đất tại Tây Ninh hay không nhưng nếu Tây Ninh có động đất, Sài Gòn và Bình Dương sẽ gặp thảm họa khó lường.

Tây Ninh có hồ Dầu Tiếng, tọa lạc ở huyện Dương Minh Châu, được xây dựng từ năm 1981. Nếu mực nước của hồ này ở mức trung bình (24.4 mét) thì lượng nước vào khoảng 1.58 tỷ khối. Trong trường hợp nước dâng cao (26.3 mét) thì lượng nước lên tới 2 tỷ khối. Do đập chính của hồ Dầu Tiếng được đắp bằng đất (cao 28 mét, rộng 8 mét, dài 1,100 mét) nên thỉnh thoảng, giới khoa học lại cảnh báo về nguy cơ đập chính của hồ Dầu Tiếng bị vỡ.

Dẫu theo thiết kế, hồ Dầu Tiếng có thể xả nước với lưu lượng 2,800 khối/giây nhưng trong thực tế, năm 2008, khi hồ Dầu Tiếng xả nước với lưu lượng 600 khối/giây trong hai tiếng, Sài Gòn đã ngập nặng, chính quyền thành phố Sài Gòn phải yêu cầu Bộ Nông Nghiệp-Phát Triển Nông Thôn can thiệp. Tình trạng đó cũng từng xảy ra với huyện Dầu Tiếng tỉnh Bình Dương năm 2012 khi hồ Dầu Tiếng xả nước với lưu lượng chỉ 200 khối/giây.

Trước đây, tổng cục Thủy Lợi của Bộ Nông Nghiệp-Phát Triển Nông Thôn Việt Nam từng công bố một nghiên cứu, theo đó, nếu hồ Dầu Tiếng xả nước với lưu lượng khoảng 500 khối/giây thì mực nước sông Sài Gòn tại Thủ Dầu Một-tỉnh Bình Dương và Phú An-Sài Gòn sẽ vượt qua mức báo động cấp 3. Nếu hồ Dầu Tiếng xả nước với lưu lượng 2,800 khối/giây thì có khoảng 26,000 héc ta thuộc 111 xã, phường ở Bình Dương và Sài Gòn bị ngập. Trong trường hợp đập chắn nước của hồ Dầu Tiếng bị vỡ, khoảng 34,000 héc ta của 125 xã, phường sẽ chìm trong biển nước.

Ban Chỉ Huy Phòng Chống Lụt Bão-Tìm Kiếm Cứu Nạn của Sài Gòn cũng đã công bố một nghiên cứu khác. Theo đó, nếu lũ quá lớn, bộ phận vận hành hồ Dầu Tiếng phải xả tràn ở mức cực đại là 2,800 khối/giây thì trong vòng chín tiếng sau đó, huyện Củ Chi sẽ chìm dưới mực nước là 5.2 mét. Sau đó nước sẽ tiếp tục chảy sâu vào nội thành và trung tâm Sài Gòn sẽ chìm dưới hai mét nước.

Trong trường hợp có lũ cực hạn ở thượng nguồn, hồ Dầu Tiếng phải xả tối đa với lưu lượng 3,600 khối/giây thì huyện Củ Chi sẽ chìm dưới mực nước là 5.7 mét. Trung tâm Sài Gòn sẽ chìm dưới mực nước là 2.1 mét.

Còn nếu đập chắn nước của hồ Dầu Tiếng bị vỡ thì dòng nước thoát ra có lưu lượng khoảng 25,500 khối/giây. Chỉ ba giờ sau, huyện Củ Chi sẽ chìm dưới mực nước là 10.25 mét và sau 24 giờ, trung tâm Sài Gòn sẽ ngập 2.15 mét. (G.Đ)
07-31-2015 3:40:54 PM

11,000 người bị rắc rối vì liên quan đến 'tín dụng đen'

HÀ NỘI (NV) - Tội phạm liên quan đến “tín dụng đen” ở Việt Nam xảy ra liên tiếp nhiều năm qua, từ thành thị đến nông thôn, thậm chí cả những vùng quê hẻo lánh, khiến nhiều gia đình tan nát.


Với giấy nhận nợ đơn sơ này, nhiều người vẫn giao tiền cho người huy động vốn do lãi suất quá hấp dẫn. (Hình: Người Lao Động)

Đó là đánh giá được đưa ra tại hội thảo “Thực trạng và giải pháp phòng chống tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động 'tín dụng đen'” do Bộ Công An tổ chức ngày 30 Tháng Bảy tại Hà Nội.

Người Lao Động dẫn phúc trình tại hội thảo, mặc dù thống kê chưa đầy đủ nhưng từ năm 2010 đến 2014, Việt Nam liên tiếp xảy ra hàng trăm vụ vỡ nợ lớn với thiệt hại lên đến hàng ngàn tỷ đồng, làm ảnh hưởng đến nhiều cá nhân, gia đình, tổ chức.

Tin cho hay, có 10,885 bị can liên quan đến “tín dụng đen.” Cụ thể, vụ án liên quan đến “tín dụng đen” là 6,367 vụ, trong đó có 41 vụ giết người; 318 vụ cố ý gây thương tích; 588 vụ cướp tài sản; 1,089 vụ cưỡng đoạt tài sản; 1,707 vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản; 2,496 vụ lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản; 104 vụ hủy hoại tài sản.

Ngoài ra, “tín dụng đen” còn mang lại những hệ lụy khác như bắt giữ người trái pháp luật, hủy hoại tài sản, gây rối trật tự công cộng, làm nhục người khác, các vi phạm pháp luật về cầm cố, thế chấp tài sản.

Tại hội thảo, ông Lê Quý Vương, thứ trưởng Bộ Công An, cho biết, theo đánh giá, các loại tội phạm, vi phạm pháp luật có liên quan đến “tín dụng đen” xảy ra liên tiếp ở nhiều nơi tại Việt Nam, từ thành thị đến nông thôn, thậm chí cả những vùng quê hẻo lánh, miền núi làm cho nhân dân hoang mang, bất bình, giảm niềm tin vào các tổ chức tín dụng, các cơ quan quản lý nhà nước trong các lĩnh vực có liên quan.

Trong khi đó, hoạt động phòng ngừa còn gặp nhiều khó khăn vướng mắc vì những kẽ hở pháp luật trong quy định đối với loại tội phạm này. (Tr.N)

07-31-2015 3:22:05 PM

Chuyên gia Mỹ : Trung Quốc có rất nhiều "tiền án" xâm chiếm Biển Đông

Theo RFI-ngày 01-08-2015 17:10
media
Trụ sở Quốc Hội Mỹ tại Washington D.C.Reuters

Ngày 23 tháng 7 vừa qua, tiểu ban Châu Á-Thái Bình Dương của Hạ viện Mỹ đã mở một phiên điều trần để hiểu rõ hơn về « Vai trò an ninh của Hoa Kỳ tại Biển Đông ». Tham gia cuộc điều trần có 4 chuyên gia có uy tín từ các trung tâm nghiên cứu khác nhau. Không hẹn mà gặp, toàn bộ bốn chuyên gia đều nêu bật thái độ quan ngại trước các hành vi hung hăng, quyết đoán hiện nay của Trung Quốc tại Biển Đông, đặt ra những thách thức to lớn cho Hoa Kỳ, nước có vai trò truyền thống trong việc duy trì an ninh và ổn định cho khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Những học giả tham gia điều trần gồm : Tiến sĩ Patrick M. Cronin, Chủ nhiệm Chương trình An ninh Châu Á-Thái Bình Dương tại Trung tâm về một nền An ninh Mới của Mỹ (Center for a New American Security), Giáo sư Andrew S. Erickson, Viện Nghiên cứu Hàng hải Trung Quốc thuộc Trường Hải chiến Mỹ (U.S. Naval War College), Tiến sĩ Mira Rapp Hooper, Chủ nhiệm Chương trình Sáng kiến Minh bạch Hàng hải Châu Á, Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế CSIS, Tiến sĩ Michael D. Swaine, chuyên gia Chương trình Châu Á thuộc Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế.

Một trong những tham luận đáng chú ý là phân tích của giáo sư Andrew Erikson về lịch sử xâm chiếm Biển Đông của Trung Quốc, một nhân tố cho phép hiểu rõ hơn mưu đồ hiện nay của Bắc Kinh.

Yêu sách rộng khắp nhưng mập mờ

Trong bản điều trần của mình, Erickson đã nêu bật vấn đề là Trung Quốc từ lâu đã có nhiều tham vọng đối với khu vực, cho dù luôn luôn mập mờ về quy mô vùng biển mà họ muốn đặt dưới quyền kiểm soát của mình. Bản điều trần ghi rõ :

« Câu chuyện xuyên suốt về Trung Quốc và Biển Đông là vấn đề (các nước khác) tự kềm chế mà không được (Bắc Kinh) đáp ứng. Thế nhưng giới lãnh đạo Trung Quốc rõ ràng là đã có một tầm nhìn đầy tham vọng có phần dài hạn, được nuôi dưỡng bằng những nỗ lực tiến hành trong nhiều năm trường, dựa trên những yêu sách chủ quyền đã có từ lâu gói gọn trong một "đường chín đoạn" mơ hồ bao trùm hầu như toàn bộ vùng Biển Đông.

Lập trường của Bắc Kinh về vấn đề chủ quyền trên Biển Đông rất dứt khoát và kiên quyết. Trong một bản tuyên cáo lập trường bác bỏ thẳng thừng thủ tục trọng tài quốc tế do Philippines khởi động liên quan đến tranh chấp song phương giữa hai nước, Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố : « Trung Quốc có chủ quyền không thể tranh cãi đối với các quần đảo ở Biển Đông (Đông Sa [Pratas],Tây Sa [Hoàng Sa], Trung Sa [bao gồm Macclesfield và bãi cạn Scarborough] và Nam Sa [Trường Sa]) và các vùng biển lân cận.

(...) Trung Quốc đã nhiều lần từ chối tiết lộ các cơ sở chính xác, bản chất chính xác, thậm chí các thông số địa lý chính xác, của các đòi hỏi chủ quyền của họ tại Biển Đông. Như Cơ quan Tình báo Hải quân đã ghi nhận, Trung Quốc "chưa bao giờ công bố tọa độ" của đường chín đoạn mà họ đã vẽ xung quanh hầu như toàn bộ Biển Đông – gần một cách nguy hiểm bờ biển của các nước láng giềng, vốn đều có tranh chấp chủ quyền với Bắc Kinh.

Họ không hề "tuyên bố quyền họ muốn được hưởng ở vùng đó là gì", cũng vẫn chưa xác định là có coi Biển Đông thuộc diện "lợi ích cốt lõi" hay không. Tuy nhiên, với phát biểu và hành động cho đến nay của Trung Quốc, có lý do để lo ngại rằng họ sẽ kiên quyết duy trì các yêu sách chủ quyền rộng khắp dựa trên "đường chín đoạn" ».

Lịch sử xâm chiếm Biển Đông

Giáo sư Erikson đã lưu ý rằng Trung Quốc có một lịch sử chuyên đi chiếm đất trong khu vực mà không phải đối mặt với phản ứng đáng kể nào từ phần còn lại của thế giới.

« Các lực lượng quân sự và bán quân sự của Trung Quốc có lịch sử hơn một nửa thế kỷ đi xâm chiếm các hòn đảo và các tính năng khác, đa số ở Biển Đông. Có vẻ như là từ lâu Trung Quốc đã nuôi tham vọng đánh chiếm một số lượng đáng kể các đảo đá tại Biển Đông, và trong thực tế, đã xâm chiếm nhiều hòn đảo của Việt Nam vào năm 1974 và 1988 cho dù lúc đó [Trung Quốc còn] bị nhiều hạn chế về sức mạnh quân sự trên không và trên biển. Các chiến dịch xâm chiếm đó đã không được chú ý và phân tích đúng mức.

Trên một số mặt, hành động của Trung Quốc còn phức tạp hơn so với những đánh giá trước đây ở ngoài Trung Quốc. Ví dụ, các lực lượng dân quân biển dường như đã được sử dụng vào năm 1974 trong xung đột Hoàng Sa, trong sự cố tàu Impeccable năm 2009, trong cuộc đối đầu (với Philippines) ở bãi cạn Scarborough Shoal, và trong cuộc đọ sức (với Việt Nam) liên quan đến giàn khoan Hải Dương 981 năm 2014.

Điều quan trọng cần lưu ý là Hoa Kỳ không hề can thiệp để ngăn chặn các hành động của Trung Quốc trong những trường hợp đó, hoặc trong những vụ Trung Quốc cắt cáp tàu khảo sát dầu khí của Việt Nam, đe dọa lực lượng Philippines ở Bãi Cỏ Mây.. »

Quân sự hóa Biển Đông

Hành động của Trung Quốc ngày xưa đã như vậy, và ngày nay, theo Giáo sư Erickson, còn đáng ngại hơn vì Trung Quốc đang bồi đắp các đảo (nhân tạo) ở Biển Đông, trong các vùng có tranh chấp như quần đảo Trường Sa và quần đảo Hoàng Sa. Và những hòn đảo mới đang được xây dựng, một phần có chức năng quân sự và bán quân sự.

« Bản thân Bắc Kinh đã tuyên bố chính thức rằng các đảo mới họ bồi đắp trên biển sẽ được sử dụng vào mục tiêu quân sự. Ngày 09 tháng Ba năm 2015, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh nói rằng « công trình bảo trì và xây dựng » đồn bót ở Trường Sa cũng nhằm mục tiêu « bảo vệ tốt hơn chủ quyền lãnh thổ, cũng như quyền và lợi ích hàng hải » của Trung Quốc.

Bên cạnh đó, Giáo sư Erickson cũng ghi nhận rằng Trung Quốc đang sử dụng các chuyên gia pháp lý quốc tế của mình để cố gắng lái các luật lệ hàng hải theo chiều hướng có lợi cho mình.

« Tôi có thể xác nhận từ kinh nghiệm cá nhân quy mô to lớn của việc Trung Quốc đã xây dựng một thế hệ mới của các chuyên gia pháp lý hàng hải sắc bén và kiên trì, đang hoạt động trong các đấu trường quốc tế... Tôi tin rằng các nỗ lực có phối hợp của họ về lâu về dài có thể tạo ra thay đổi, một sự thay đổi theo chiều hướng làm suy yếu quyền cai quản những vùng biển chung, gây thiệt hại cho tập thể chúng ta ».

Để đối phó với Trung Quốc, Giáo sư Erickson đề xuất nhiều hành động mà Hoa Kỳ có thể làm để giảm thiểu tác hại của các vấn đề đang nổi lên trong khu vực.

Trong những biện pháp đó, có việc Hoa Kỳ phải phê chuẩn Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển, duy trì một cơ cấu quân sự đủ năng lực và toàn diện trong khu vực, với một lực lượng tên lửa đủ sức răn đe để chống lại kho vũ khí ngày càng tăng của Trung Quốc, qua đó ngăn chặn bất kỳ hành động sử dụng võ lực hoặc đe dọa nào để giải quyết tranh chấp biển đảo.

Nội bộ Mỹ vẫn tranh cãi về đối sách chống Trung Quốc ở Biển Đông

Theo RFI-Trọng Nghĩa
Ngày 01-08-2015 17:12
media
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry (T); Thượng nghị sĩ John McCain (đứng phía sau) tại Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ, ngày 29/07/2015.Reuters

Trong thời gian gần đây, phản ứng của chính quyền Mỹ đối với các hành động bồi đắp đảo nhân tạo của Trung Quốc tại Biển Đông đã cứng rắn hơn một cách rõ rệt. Tuy vậy, theo một số nhà quan sát, trong nội bộ chính quyền Mỹ, vẫn tồn tại những bất đồng quan điểm giữa giới tướng lãnh, muốn phản ứng mạnh hơn để răn đe Trung Quốc, và giới lãnh đạo chính trị và ngoại giao, không muốn gây sứt mẻ trong quan hệ với Bắc Kinh.

Trong một bài phân tích được công bố trên mạng vào hôm qua, 31/07/2015 tờ báo Mỹ chuyên về chính trị Politico đã nêu bật quan điểm chung của Washington hiện nay là Hải quân Mỹ cho tầu thuyền hoặc phi cơ tiến vào vùng biển chung quanh hay không phận bên trên các đảo nhân tạo mà Bắc Kinh vừa bồi đắp tại vùng Trường Sa.

Vấn đề tuy nhiên lại là, dù quan điểm chung là như vậy, nhưng trong hành động thực tế, tình hình có khác, và hiện nay một số chỉ huy cao cấp của Hải quân Mỹ trên hiện trường có mâu thuẫn với giới lãnh đạo tại Washington về nên hay không nên cho tàu Hải quân tiến hẳn vào bên trong những khu vực tranh chấp ở Biển Đông

Môt số lãnh đạo quân đội Mỹ cho rằng cần phải chứng tỏ băng hành động cụ thể quyền tự do lưu thông trên không và trên biển, trong lúc các quan chức chính phủ, hay các lãnh đạo ngoại giao thì lại dè dặt hơn, vì muốn xử lý tốt một giai đoạn khá tế nhị trong quan hệ Mỹ-Trung,

Đối với các chỉ huy quân sự, cũng như một số nghị sĩ được liệt vào diện « diều hâu », Hoa Kỳ phải cho thấy rõ thái độ không chấp nhận các yêu sách lãnh thổ của Bắc Kinh bằng việc cho chiến hạm Mỹ tiến sâu vào bên trong vùng lãnh hải 12 hải lý chung quanh các đảo vừa bồi đắp của Trung Quốc.

Theo những người ủng hộ quan điểm cứng rắn này, nếu không làm vậy, Hoa Kỳ đã mặc nhiên chấp nhận các động thái gây bất ổn của Trung Quốc, đang khiến cho các đồng minh hay đối tác của Mỹ trong khu vực là Nhật Bản, Philippines và Việt Nam hết sức lo ngại.

Trả lời báo Politico, Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa John McCain, Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ, đã không ngần ngại tố cáo thái độ dè dặt của chính quyền : « Chúng ta tiếp tục giới hạn hoạt động của Hải quân Mỹ ở bên ngoài vùng 12 hải lý quanh các đảo đá đã được Trung Quốc cải tạo. Đây là một sai lầm nguy hiểm vì là một sự mặc nhiên công nhận các yêu sách chủ quyền nhân tạo của Trung Quốc ».

Quan điểm cứng rắn của Thượng nghị sĩ McCain cũng là lập trường của Đô đốc Harry Harris, Chỉ huy trưởng Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ. Ông là người ủng hộ tích cực việc phái tàu chiến tiến vào bên trong vùng 12 hải lý của các đảo nhân tạo Trung Quốc.

Theo báo Politico, các nguồn tin từ quân đội và từ chính quyền Mỹ đã thừa nhận, trong hậu trường, rằng các bất đồng quan điểm nói trên thực sự tồn tại, và tranh luận đã nổi lên trong bối cảnh Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và đồng nhiệm Trung Quốc Vương Nghị sẽ có dịp gặp nhau vào tuần tới trong khuôn khổ các hội nghị của khối ASEAN tại Kuala Lumpur, và nhất là trong bối cảnh Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ công du Hoa Kỳ trong tháng Chín.

Câu hỏi đặt ra là cho đến nay, Hải quân Mỹ đã từng thách thức Trung Quốc tại khu vực Trường Sa hay chưa ? Vào tháng Năm vừa qua, Hải quân Hoa Kỳ đã xác nhận một vụ « gặp gỡ » gần vùng Trường Sa giữa chiến hạm tối tân nhất của Mỹ là chiếc USS Fort Worth, và tàu Trung Quốc. Nhưng Hải quân Mỹ vẫn giữ kín về địa điểm cụ thể nơi xẩy ra vụ chạm trán.

Thái độ cố tình mập mờ kể trên được cho là bắt nguồn từ tình hình tranh cãi vẫn chưa ngã ngũ giữa giới lãnh đạo dân sự và giới chỉ huy quân sự Mỹ, về việc có nên phản ứng mạnh trước các hành động quyết đoán của Trung Quốc tại Biển Đông hay không.

Trung Quốc tố Mỹ 'quân sự hóa' Biển Đông

Theo BBC-31 tháng 7 2015

Quân đội Mỹ và Phillipines tập trận chung trên tàu tấn công đổ bộ tại Biển Đông
Bộ Quốc phòng Trung Quốc cáo buộc Hoa Kỳ “thúc đẩy quân sự hóa" Biển Đông bằng sự hiện diện quân sự và tổ chức tập trận chung trong khu vực.
Tại cuộc họp báo hôm 30/7, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Dương Vũ Quân nói một số quan chức chính phủ và quân sự Mỹ mới đây đã phát biểu “vô trách nhiệm về vấn đề Nam Hải”.
Trung Quốc đã nhiều lần thúc giục Washington không đứng về bên nào trong các tranh chấp hàng hải leo thang trong khu vực.
Thời gian qua, Trung Quốc đã tăng cường cơi nới đảo nhân tạo, khiến các nước láng giềng và Hoa Kỳ quan ngại.
Mỹ đã yêu cầu Trung Quốc ngừng xây dựng cơ sở hạ tầng tại khu vực tranh chấp và theo đuổi một giải pháp hòa bình theo luật pháp quốc tế.
Trung Quốc đã tức giận khi Hải quân Hoa Kỳ và lực lượng không quân đi vào vùng biển mà họ tuyên bố là của mình, nhất là trong tháng này, khi Đô đốc Hải quân Hoa Kỳ Scott Swift cho biết ông tham gia chuyến bay trinh sát “thường kỳ” trên Biển Đông.
Hoa Kỳ cũng đã tăng cường liên lạc quân sự, bao gồm các cuộc tập trận chung với đồng minh trong khu vực như Philippines, nước có tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông.

‘Vô cùng quan ngại’

Hoa Kỳ đã thổi phồng lên "hiểm họa Trung Quốc" và gieo mối bất hòa giữa Trung Quốc và các quốc gia đòi chủ quyền ở Biển Đông khác, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Dương Vũ Quân nói trong cuộc họp báo ngày 30/7.
"Trung Quốc vô cùng quan ngại việc Hoa Kỳ thúc đẩy quân sự hóa Nam Hải", ông Dương nói.
"Những gì họ đang làm không thể không khiến người ta tự hỏi liệu họ có muốn sự hỗn loạn xảy ra ở khu vực này"
Trong một thời gian dài, Hoa Kỳ cử tàu chiến và máy bay áp sát Trung Quốc để tiến hành hoạt động trinh sát dồn dập tại Biển Đông, ông này nói thêm.
“Mới đây Mỹ lại tăng cường hơn nữa đồng minh quân sự và sự hiện diện cũng như tổ chức tập trận quân sự một cách dồn dập.”
Ông Dương tuyên bố nếu quan chức Mỹ có ý muốn dùng chuyến bay dân sự trên vùng Biển Đông để "thưởng thức vẻ đẹp", Trung Quốc sẽ cảm thấy thoải mái.
Về các cuộc tập trận của Trung Quốc ở Biển Đông, ông Dương nói đây chỉ là tập trận thông thường và không nhắm vào bất kỳ bên thứ ba.
Hôm 30/7, tướng Hernando Iriberri, người đứng đầu quân đội Philippines, cho biết Manila đang điều tra tin tức nói Trung Quốc đã cải tạo thêm ba bãi đá ở Biển Đông cũng như tiến hành các hoạt động ở bãi cạn Scarborough.
Biển Đông được dự báo là chủ đề nổi bật tại hội nghị an ninh tuần tới tại Malaysia với sự tham dự của các quốc gia Đông Nam Á cùng bộ trưởng ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị và Ngoại trưởng Mỹ John Kerry.
Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền hầu hết Biển Đông, nhưng Việt Nam, Malaysia, Philippines và vài nước khác cũng có đòi hỏi chủ quyền ở khu vực này.

Lũ lụt 'xả chất độc hại ra Vịnh Hạ Long'

Theo BBC-1 tháng 8 2015


Mưa lớn gây lũ lụt, làm hư hại gần 3 ngàn ngôi nhà, mỏ than, các nhà máy nhiệt điện ở Quảng Ninh, giới chức nói
Mưa bão dữ dội ở miền bắc đến nay đã cướp đi sinh mạng của 17 người và nhấn chìm nhiều mỏ than lớn, gây quan ngại về nguy cơ ô nhiễm môi trường nghiêm trọng cho các cộng đồng địa phương và cho cả Vịnh Hạ Long.
Sáu ngày mưa lớn tại Quảng Ninh khiến hàng ngàn người phải đi sơ tán. Nhà cửa, đường sá bị ngập chìm trong nước khiến các nhóm bảo vệ môi trường lo sợ về nguy cơ ô nhiễm bụi mỏ, hãng tin Reuters nói.
Vịnh Hạ Long, nơi có các làng chài nổi, các hang động lớn và các tảng núi đá vôi, là địa điểm Di sản Thế giới UNESCO được hàng triệu du khách tới thăm mỗi năm.
Vịnh nằm ngay ở khu vực khai thác mỏ lớn, và trận bão lũ mới nhất đã quét hàng ngàn tấn than theo dòng nước, theo thông tin do Tập đoàn công nghiệp Than và Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) đưa ra.
Thiệt hại cho đến nay ước tính lên tới 2 nghìn tỷ đồng (khoảng gần 92 triệu đô la Mỹ), trong đó chừng phân nửa là thiệt hại của Vinacomin, theo trang web chính thức của Chính phủ.
Tuy nhiên, cả trang tin Chính phủ lẫn tuyên bố của lãnh đạo Vinacomin đều chưa đề cập tới mối đe dọa về ô nhiễm môi trường.
Mưa lớn có thể sẽ còn tiếp tục cho tới thứ Hai, trên diện rộng ở nhiều tỉnh miền bắc, theo trung tâm dự báo khí tượng quốc gia.

Chất thải độc hại

Các hình ảnh đăng trên trang VnExpress cho thấy người dân ở Cẩm Phả phải lội ngập trong bùn xỉ than tới đầu gối, do dòng nước đổ ra từ các mỏ lân cận vốn đã bị sạt lở thân đập chắn từ đầu tuần.
Nước lụt đổ ra từ các vỉa than và ba nhà máy nhiệt điện, những nơi không có hồ chứa, thoát nước phù hợp.
Trong một tuyên bố, tổ chức quốc tế bảo vệ môi trường, chuyên về các nguồn nước sạch Waterkeeper Alliance nói nước tràn ra từ các điểm trên chứa đầy chất bùn than độc hại, trong đó có cả các chất kim loại nặng arsenic, boron, barium, cadmium, chromium, chì, manganese, selenium và thallium.
Tổ chức này nói tình trạng lũ lụt nghiêm trọng ở khu vực cảng Làng Khánh và sông Diễn Vọng đang cuốn theo lượng nước ô nhiễm từ nhà máy nhiệt điện Quảng Ninh đổ ra Vịnh Hạ Long.
Nhóm bảo vệ môi trường Waterkeeper Alliance lo ngại về việc chất độc hại đổ vào Vịnh Hạ Long do mưa lũ
Được biết có chừng 1.500 du khách đã được cứu trong trận mưa lũ, và quân đội đang tham gia các nỗ lực cứu hộ.
Chủ tịch Waterkeeper Alliance, Robert F Kennedy Jr hoan nghênh việc triển khai hoạt động của nhóm đối phó với tình trạng thiên tai của chính phủ.
"Tuy nhiên, chúng tôi vô cùng quan ngại về diễn biến của thảm họa chưa được nhìn thấy hết này," ông được hãng thông tấn ABC của Úc trích lời.
"Chúng tôi thúc giục Chính phủ [Việt Nam] và kêu gọi UNESCO cùng cộng đồng quốc tế hãy tham gia bảo vệ Vịnh Hạ Long khỏi tình trạng bị ô nhiễm thêm nữa do các mỏ than và các nhà máy nhiệt điện" ông Kennedy nói.
"Chúng ta cần tất cả các bên hành động quyết đoán nhằm bảo vệ các cộng đồng cư dân địa phương và địa điểm Di sản Thế giới này, nơi đang phải đối diện với mối đe dọa rõ ràng, hiện hữu," trang tin Ecowatch chuyên về môi trường dẫn lời ông Kennedy.
Trong một tuyên bố đưa ra hôm thứ Bảy, cựu lãnh đạo Đảng Xanh ở Úc, Bob Brown nói rằng việc nước thải từ các mỏ tràn ra là "một thảm họa môi trường nữa về than mỏ", ABC tường thuật. "Đây là một thảm kịch của con người diễn ra dưới sự tác động của một thảm họa sinh thái."
Tại các nơi khác ở miền bắc, dự báo thời tiết sẽ tiếp tục có mưa vừa và mưa to trên diện rộng trong những hôm tới.
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, nhiều nguy cơ sẽ xảy ra lũ quét và sạt lở đất ở tất cả các khu vực miền núi phía bắc.

Đồng bằng Nam Bộ đang lâm nguy?


17 triệu người tại Việt Nam sống tại khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long.
Theo dự báo đến năm 2030 khoảng 45% diện tích của Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đối mặt với nguy cơ nhiễm mặn.
Ngăn xâm nhập mặn ĐBSCL, gìn giữ an toàn lương thực của một khu vực hàng năm đã đóng góp 27% GDP, 90% số lượng gạo xuất khẩu và gần 60% kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam và ổn định cuộc sống và an sinh cho trên 17 triệu người là việc làm bắt buộc vào lúc này mặc dù đã quá trễ.

Mặn đã đến chân

Không còn là kịch bản dự đoán nữa, biến đổi khí hậu đã hiện diện thực tế. ĐBSCL đang bị nước mặn xâm nhập, đất đai bị mặn hóa. Thảm họa này ngày càng gia tăng bởi tác động kép của biến đổi khí hậu do nước biển dâng cao và do việc tích nước hàng loạt tại các đập thủy lợi, thủy điện của các quốc gia lân cận ở thượng nguồn, làm giảm cao độ mực nước hệ thống sông Cửu Long vào mùa khô.
Hệ thống kênh vùng tứ giác Long Xuyên được xây dựng thời vua Nguyễn với mục đích thoát lũ, ngọt hóa, lưu thông, chinh phục được những vùng đất nhiễm phèn, nhiễm mặn biến thành những miệt vườn trù phú. Hệ thống kênh Phụng Hiệp, kênh xáng Cà No được xây dựng từ thời Pháp thuộc với chức năng ngọt hóa, khẩn hoang vùng đất nhiễm mặn của Bán đảo Cà Mau thành vùng đất màu mỡ cả trăm năm qua. Giờ đây thì ngược lại, hệ thống kênh rạch này bị nước biển xâm nhập đang lan tỏa xâm nhập mặn hầu hết khắp khu vực, đang biến đất đai tại đây thành đất bị thấm mặn.
Các dòng sông Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long đang bị xâm nhập mặn vào nội địa trên 70 km, và có chiều hướng tăng nhanh. Hiện một số địa phuơng trong vùng ĐBSCL đã xuất hiện tình trạng thiếu nước ngọt trầm trọng.
Những tháng gần đây tại ĐBSCL, việc nước mặn tấn công “Chưa từng thấy” làm “Đảo lộn cuộc sống”, không phải là bất ngờ mà là tất yếu theo dự đoán. Người dân các tỉnh Cần Thơ, Hậu Giang, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang đang phải “Chạy mặn” từng ngày.
Các tiểu vùng nước ngọt quanh năm bị đảo lộn, bị mặn xâm nhập, đã đe dọa cả trăm ngàn hecta đất nông nghiệp, nhiều vườn cây ăn trái nằm trên nguy cơ xóa sổ, thủy sản nước ngọt bị tổn thất lớn. Tất cả nguy hại đang đổ trên đầu người dân nơi đây.
Một bất ngờ khác là sự vô cảm bao trùm. Cộng đồng mạng không sục sôi như với những sự kiện khác bị kết luận một cách mơ hồ, võ đoán là có nguy cơ ảnh hưởng môi trường. Trong khi đó, một sự thật hiển nhiên đang đe dọa cư dân ĐBSCL là vấn đề nhiễm mặn đang hủy diệt môi trường sống, lại chỉ nhận được sự thờ ơ của nhiều tầng lớp xã hội, của truyền thông báo chí, không thấy sự lên tiếng đòi hỏi chính phủ về trách nhiệm, kế hoạch và phương pháp hữu hiệu để giải quyết “thảm họa”, về giá trị đầu tư phù hợp và hiệu quả cho giải pháp chống xâm nhập mặn - đang là mối đe dọa hiện hữu đến kinh tế, đến an toàn lương thực và dân sinh khu vực, thậm chí đe dọa đến số mệnh của cả quốc gia.

Đầu tư và hiệu quả của việc ứng phó

Nỗ lực của Chính phủ cùng với sự hỗ trợ quốc tế trong ứng phó với biến đổi khí hậu ở Việt Nam trong những năm qua, bằng nhiều nguồn vốn viện trợ không hoàn lại từ nhiều quốc gia trên thế giới, cũng đã đạt được một ít thành công. Ước tính trong 5 năm trở lại đây Việt Nam đã nhận được khoảng trên 1,3 tỷ USD cho ứng phó với biến đổi khí hậu.
Quyết định số 1397/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Quy hoạch thủy lợi đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2012 - 2050 trong điều kiện biến đổi khí hậu, với tổng kinh phí dự kiến thực hiện khoảng 171.700 tỷ đồng, chỉ gần bằng 1/3 tổng mức xây dựng Sân bay Long Thành - Đồng Nai.
Chính phủ đã có thể có quan điểm, mục tiêu rõ ràng, nhưng giải pháp qui hoạch tổng thể không đồng bộ, cụ thể, không có chiến lược rõ ràng, thực tế, triển khai hành động manh mún, nhiều bất cập. Kinh phí dành cho sứ mệnh thì không đủ đáp ứng, chủ yếu trông chờ vào nguồn vốn ODA và các nguồn vốn viện trợ của nước ngoài, không thể đem lại kết quả chống xâm nhập mặn triệt để cho ĐBSCL.
Thực tế “mặn nạn” nhãn tiền đó là do các nguyên nhân trên. Nhìn lại vài dự án được đầu tư, sứ mệnh ngăn mặn của các công trình thủy lợi bỗng dưng biến thành “thủy hại”: như cống đập Ba Lai và Âu thuyền Tắc Thủ Cà Mau đem lại kết quả “ngoài mặn và sâu bên trong cũng mặn”. Bởi hai con đập đâu ngăn được các khúc sông rồng thông với nhau và đã nhiễm mặn cả trăm cây số vào nội địa.
Thực trạng thảm họa tràn mặn, thấm mặn trên diện rộng đang diễn ra ở ĐBSCL cho thấy hiệu quả của giải pháp chống xâm nhập mặn của những năm gần đây hầu như thất bại, giống như sự bế tắc của công cuộc chống ngập ở Thành phố Hồ Chí Minh.

'Thức tỉnh'


Lãnh đạo khu vực hàng năm nhóm họp để có những cam kết hỗ trợ cho khu vực sông Mekong.
Việc nâng cao độ mực nước an toàn tối thiểu để ngăn xâm nhập mặn cả về nước mặt và thấm mặn toàn vùng, trữ được lượng nước ngọt lớn, sử dụng được phần lớn lượng nước ngọt do thượng nguồn đổ về, tạo dòng chảy một chiều của các cửa sông hệ thống sông Cửu Long đồng loạt, biến ĐBSCL thành đồng bằng vùng nước ngọt ở phía trên và vùng mặn ở phía dưới gần biển. Đó là biện pháp giải quyết phù hợp và triệt để vấn đề xâm nhập mặn đồng thời cải thiện rất tốt việc thoát lũ cho mùa lũ.
Các chuyên gia trong và ngoài nước có nhiều tâm huyết đã đề cập đến giải pháp kiểu đập ngầm (underwater sill) như trên sông Mississippi của Hoa Kỳ. Đó là một công trình ngăn mặn hữu hiệu và có tính địa lý tương đồng với hệ thống sông Cửu Long. Phải chăng chính phủ cần lắng nghe để tìm một hướng đi, một giải pháp đúng, có hiệu quả triệt để, phù hợp và đã muộn trước thảm họa gần kề?
Phải tỉnh táo, sáng suốt, dành nhiều trí lực, nguồn tài chính cho công cuộc chống biến đổi khí hậu. Đừng trông chờ sự cứu rỗi tình trạng xâm nhập mặn khu vực ĐBSCL vào lượng mưa thượng nguồn sông Mê Kông. Đừng để bức tranh sự sống trù phú của ĐBSCL đã bị hủy diệt một ngày nào đó sẽ được trưng bày giữa Bảo tàng Lịch sử Quốc gia có giá đầu tư lên đến 11.277 tỷ VND, như là mặc niệm cho chính sự thờ ơ và chủ quan của chúng ta!
Hãy dành nguồn vốn đang hạn hẹp bởi nợ công chồng chất để chống chọi nguy cơ hủy diệt đất nước hơn là đầu tư những dự án có những hiệu quả mơ mộng hay ý tưởng viển vông. Làm được sứ mệnh cứu Đồng bằng Nam Bộ không những không hổ thẹn với tiền nhân mà tránh được lỗi lớn với con cháu ngày sau.

Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm của tác giả.

Lời cảnh tỉnh những thuyền nhân VN đang đến Úc xin tị nạn?

Xuân Nguyên, thông tín viên RFA
2015-08-01  
000_APH2001102365704-622.jpg
Một chiếc tàu chở thuyền nhân các nước tìm đường đến Úc xin tị nạn, ảnh minh họa chụp trước đây.AFP
Chính phủ Úc dùng rất nhiều biện pháp mạnh và cứng rắn để ngăn chặn làn sóng di cư của thuyền nhân, nhưng vẫn có một số người Việt vẫn tiếp tục đi tàu tìm đến nước Úc xin tị nạn. Những người Việt Nam bị chính phủ Úc trả về, hoặc phải tự nguyện hồi hương, nói gì về chuyến đi đầy gian nan và cuộc sống hiện tại của họ sau khi trở về? Nhiều người tại các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh đã bất chấp tất cả tìm đường đến Úc để mong tìm được qui chế tị nạn rồi ở lại làm việc, được định cư tại đất nước tự do. Tuy nhiên, số người được may mắn công nhận là người tỵ nạn rất hiếm, trong khi số người bị trục xuất hoặc sau một thời giam phãi tự xin trở về quê hương lại rất nhiều.

Chi phi cho một chuyến đi rất đắt đỏ

Đa số những người đi xin tị nạn ở Úc bằng đường biển đều là những người dân nghèo, họ phải vay mượn khắp nơi, thậm chí cầm cố bìa đất (sổ đỏ) cho ngân hàng để có chi phí cho cuộc vượt biển. Số tiền chi phí cho một lượt đi trung bình từ 7.000 – 22.000 USD tùy từng trường hợp.
Người ta sẽ không nói gì cả, người ta nói đi bằng tàu, thì tôi nghĩ rằng tàu sẽ là tàu du lịch, là tàu lớn, nhưng không ngờ cái thuyền quá nhỏ, thực sự nguy hiểm. Những cái mình dự đoán đi trên biển cả tuần thì chắc chắn là cái nguy hiểm, cái tính mạng chấp nhận đổi, nhưng không ngờ là nó lại còn nguy hiểm hơn.
-Anh Đoàn
Anh Đoàn quê ở huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh, anh rời khỏi Việt Nam để đến Úc bằng đường biển vào khoảng tháng 6, năm 2012, anh chia sẻ:
“Lúc đó mình đi khoảng 7.000 – 8.000 USD, nhưng cũng có những trường hợp cũng cao lắm, khoảng 20.000 – 22.000 USD.”
Anh Trần Đình Khuê quê ở huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh – Việt Nam, một thuyền nhân bị chính phủ Úc trục xuất sau khi Thủ tướng Australia Tony Abbott lên cầm quyền, nói về số chi phí phải bỏ ra:
“Tầm 11.000 USD, tức là khoảng 250 triệu VND.”

Không được cảnh báo về những nguy hiểm

Khi quyết định đi xin tị nạn tại Úc bằng đường biển, những thuyền nhân này không hề có chút hiểu biết gì về chính sách nhập cư của nước Úc, họ cũng không được những người dẫn đi cảnh báo về những nguy hiểm có thể gặp phải trên đường đi, hoặc họ có thể bị chính phủ Úc trục xuất về nước bất cứ lúc nào. Anh Đoàn nhớ lại:
“Người ta sẽ không nói gì cả, người ta nói đi bằng tàu, thì tôi nghĩ rằng tàu sẽ là tàu du lịch, là tàu lớn, nhưng không ngờ cái thuyền quá nhỏ, thực sự nguy hiểm. Những cái mình dự đoán đi trên biển cả tuần thì chắc chắn là cái nguy hiểm, cái tính mạng chấp nhận đổi, nhưng không ngờ là nó lại còn nguy hiểm hơn là đến khi đi, công tác chuẩn bị của họ nó kém, đặc biệt là vấn đề thuyền là rất nguy hiểm. Mình không ngờ nguy hiểm như vậy.”
thuyen-nhan1-305.jpg
Các thuyền nhân Việt Nam tại trại Yongah Hill, Úc hôm 5/9/2013. Hình do thuyền nhân trại Yongah Hill cung cấp.
Anh Trần Đình Khuê chia sẻ về những gì người dẫn anh ấy đi vượt biển và về tầm trạng của anh khi thuyền cập bến đến nước Úc:
“Họ chủ yếu nói: Khi sang được bến bãi thì họ sẽ cho mình mượn số điện thoại để điện về nhà, riêng mình sang bên đó mới biết mạng sống của mình nhỏ nhen quá. Cảm thấy ân hận rồi đó!”
Ông Thảo, quê ở Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An – Việt Nam, ông có con trai đi Úc để xin tị nạn bằng đường biển mà nay đã bị trục xuất về Việt Nam, khi được hỏi về việc, gia đình ông có biết trước những khó khăn có thể gặp phải khi đi xin tị nạn tại Úc bằng đường biển hay không? Ông buồn bã trả lời:
“Không, ở đây không biết như thế nào cả, đứa em (con) không biết như thế nào cả.”

Nợ nần chồng chất sau chuyến đi

Mặc dù được tổ chức di dân Quốc tế IOM hỗ trợ với số tiền khoảng 3.000 USD để những thuyền nhân được tái hòa nhập cuộc sống khi về nước, nhưng số tiền này thật ít ỏi so với số tiền từ 7.000 - 22.000 USD cho 1 chuyến đi vượt biển. Nhưng cuối cùng họ lại bị trục xuất về nước, họ trở về quê với những gánh nặng nợ nần.
Anh Trần Đình Khuê giải bày:
Khi về thì tổ chức IOM (Tổ chức Di dân Quốc Tế) họ hỗ trợ sáu mươi mấy triệu. Nhưng làm sao mà đủ được, đó là anh em tự giúp nhau, thành ra chỉ mang nợ anh em, bạn bè thôi.
-Anh Trần Đình Khuê
“Khi về thì tổ chức IOM (Tổ chức Di dân Quốc Tế) họ hỗ trợ sáu mươi mấy triệu. Nhưng làm sao mà đủ được, đó là anh em tự giúp nhau, thành ra chỉ mang nợ anh em, bạn bè thôi.”
Ông Thảo cũng xác nhận thêm:
“Số tiền người ta trợ cấp khi mình về nước, khoảng hơn 50 triệu VND gì đấy.”
Số tiền cho một chuyến đi là quá lớn đối với những người nghèo, bởi họ đã phải vay mượn, cầm cố bìa đỏ cho ngân hàng để vay mượn tiền cho chuyến đi. Trong khi đó, những loại công việc lao động phổ thông lại chẳng kiếm được là bao, số tiền lãi suất khi vay lại càng ngày càng nhiều nên họ phải bươn chải khắp nơi để kiếm tiền trả nợ.
Anh Đoàn chia sẻ thêm về số tiền mà anh và gia đình phải gánh vác sau khi bị trục xuất về Việt Nam, anh chia sẻ:
“Số tiền đó cũng chẳng phải là nhỏ, có thể là phải làm, nếu không cả đời thì cũng cũng phải mất một phần ba hoặc nửa đời người thì mới có được số tiền như vậy.
Với cái mức lương bèo bọt thì chắc chắn số tiền đó nó cực lớn với bản thân tôi, thời điểm đó quá mất mát cho tôi và cũng như gia đình.”
Những thuyền nhân này trở về nước, họ không nhận được sự hỗ trợ nào từ chính quyền địa phương mặc dù họ bị trả về nước từ những năm 2013. Anh Trần Đình Khuê bị trục xuất về nước vào tháng 9 năm 2013, anh khẳng định chắc chắn:
“Hiện tại chưa thấy hỗ trợ gì hết.”

Lời cảnh tỉnh

Với muôn vàn khó khăn khi tìm đường sang Úc theo đường biển, và lại bị trục xuất trở về nước với gánh nặng nợ nần, những thuyền nhân này muốn cảnh tỉnh những người đang có ý định đi xin tị nạn ở Úc bằng đường biển. Họ không muốn nhìn thấy cảnh những người khác bị rơi vào tình trạng như họ hiện nay.
Anh Trần Đình Khuê chia sẻ về việc làm của mình nếu gặp phải ai đó đang có ý định đi xin tị nạn ở Úc:
“Nếu có người nào đi mà em biết được em sẽ khuyên họ không nên đi nữa, vì mạng sống của ta khi tạo hóa dựng nên con người thì mình cũng nên quý trọng.”
Anh Đoàn bổ sung ý cho anh Khuê về những khó khăn khi thuyền nhân của Việt Nam sẽ gặp phải những khó khăn khi đi từ hải phận quốc tế đến hải phận của Úc, cảnh sát biển của Úc sẽ chặn các thuyền nhân này lại và gửi trả về nước nếu cần thiết, anh nói thêm:
“Cái chính sách bây giờ là chính phủ Úc làm nghiêm ngặt, là họ không cho mình tiếp nhận được vào hải phận của Úc, mà người ta sẽ kéo mình lại điểm xuất phát, điều đó có nghĩa là cơ hội của mình sẽ không còn, sự mong muốn của mình đến với Úc thì nó không còn đi được bằng đường biển.”
Ngày 22/7/2015 vừa qua, Úc tạm giữ 1 tàu chở hàng chục người Việt Nam đang vượt biển để đến Úc xin tị nạn. Tin sau đó cho biết số này đã bị trục xuất về lại nơi họ xuất phát là tỉnh Bình Thuận, Việt Nam. Số phận của những người mới bị trả về chắc hẳn sẽ giống với những người chúng tôi phỏng vấn ở trên: Trở về nước với gánh nặng nợ nần trên đôi vai.

Yếu tố Trung Quốc trong “Khát vọng đoàn tụ”

RFA-2015-08-01  
hscongaitrongbien-622.jpg
Hình ảnh minh họa-Courtesy Huỳnh Ngọc Chênh Blog
Có lẽ trong các bài thơ viết về thương binh liệt sĩ chưa có bài thơ nào lạ và đầy nước mắt căm hờn như bài thơ “Cái nhìn của các em tôi” được nhà thơ Hoàng Hưng sáng tác vào chính ngày Thương binh liệt sĩ. Trong những cái nhìn ấy tác giả bơm máu tươi vào cơ thể người đọc, những ai đã hay đang lạnh dần với thói quen vô cảm, ngay cả vô cảm với tổ quốc, vô cảm với sinh mệnh của chính quốc gia mình.
Bài thơ như một tiếng búa đập dữ dội trong tòa án lương tâm, tiếng phán quyết của quan tòa đất nước trước các âm mưu, phân xé, chia phần của bọn con buôn chính trị lấy đất đai tổ tiên làm quà tặng, lấy xương máu chiến sĩ làm bậc thang cho ngai vàng và trên hết cùng nhau im lặng hưởng thụ bổng lộc trên những đôi mắt chỉ biết nhìn trừng trừng vào chúng.

Cái nhìn của các em tôi

Theo tôi cái mảng viết về Trường Sa thì nhiều lắm, chúng như những cái cột mốc cắm cho chủ quyền của biển đảo chúng ta. Hiện nay ở cột mốc xác định chủ quyền Trường Sa thì ngoài bản đồ có giá trị lịch sử không thể bác bỏ được của cha ông chúng ta được người Pháp in cách đây đã mấy trăm năm rồi.
-Nhà thơ Trần Đăng Khoa
Hoàng Hưng
Tôi có ba đứa em
Em ruột Lạng bị gọi đi “đánh Mỹ”
Mấy năm sau nhận tin báo tử
Không ngày tháng chết, không một mảnh di hài
Một chiếc ba lô mới tinh đem đến nhà giả làm “di vật”
Đến hôm nay manh mối vẫn không ra!
Em vợ Bình ngã xuống ngay trận đầu biên giới Tây Nam
Em vợ Bính phát điên mà chết vì đạn pháo quân thù chốt địa đầu phía Bắc
Một nhà góp ba mạng trai cho “Độc lập, Thống nhất”
Đã đủ hay chưa?
Những câu thơ ngày ấy:
“Các anh bảo chúng tôi
Đi chiến đấu cho ngày mai tươi đẹp
Chúng tôi đi
Vì không sợ chết
Chúng tôi chết
Vì sợ sống hèn
Nhưng sẽ ra sao cái Ngày Mai ấy?”
đã đưa người viết vào ngục tù
khi “cái Ngày Mai ấy” trở thành hiện thực!
“Cái Ngày Mai ấy” là chính Hôm Nay
Khi biên cương phía Bắc, phía Nam và biển Đông lại đen ngòm súng giặc.
Những chàng trai của mọi nhà lại chờ lệnh ra đi
Cho một Ngày Mai chưa biết sẽ ra sao
Khi mỗi người dân gánh trên đầu khoản nợ không biết đời nào trả hết
Để các anh xây biệt thự khắp năm châu
Khi những người viết lên những dấu hỏi những dấu than lại chuẩn bị vào tù
Để các anh yên tâm trên ngai rồng đỏ son vàng chóe!
“Chúng tôi đấy
Đều ngoan ngoãn cả
Anh vừa lòng chứ ạ?
Vâng.
Chúng tôi cứ khoanh tay nhắm mắt ngồi nhìn
Sự nặng nề ngu độn của các anh
Cứ chầm chậm dìm con tàu xuống biển!”
Những câu thơ năm ấy
Giờ đây đã sai rồi
Chúng tôi không còn ngoan ngoãn
Không còn khoanh tay
Để các anh mặc sức đánh chìm con tàu Tổ quốc
Những đứa em tôi không thể chết vô nghĩa thế!
Dưới ba thước đất, mắt các em vẫn mở trừng trừng
Nhìn các anh
Nhìn chúng tôi
Nhìn tất cả chúng ta
Không ai thoát được cái nhìn của các em tôi
Đừng hòng thoát!
Ngày “thương binh liệt sĩ” 27/7/2015
Bài thơ của Hoàng Hưng sáng tác vào đúng ngày Thương binh liệt sĩ 27 tháng 7 như một lời nguyền, như một câu hỏi dành cho các thế lực phản động cần phải trả lời. “Cái nhìn của các em tôi” vẽ lại hình ảnh tang thương của những cuộc chiến mà dân tộc Việt Nam trải qua trên suốt chiều dài chống Mỹ và chống Trung Quốc.
viettrung-400.jpg
Bộ đội Việt Nam trong chiến tranh biên giới phía bắc với Trung Quốc hồi năm 1979. Courtesy photo.
Cuộc chiến với người Mỹ đã qua hơn 40 năm nhưng với Trung Quốc, cuộc chiến dai dẳng kéo dài từ Biên giới phía Bắc cho tới Hoàng Sa, Trường Sa chưa hề chấm dứt, kể cả ngay vào lúc này, lúc mà người ta rầm rộ kỷ niệm ngày thương binh liệt sĩ với cuộc họp mặt hoành tráng dưới cái tên “Khát vọng đoàn tụ” ngay tại hội trường Bộ quốc phòng Việt Nam trước sự chứng kiến của nhiều ủy viên Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam và khoảng 500 đại biểu thuộc giới lãnh đạo Đảng và Nhà nước Việt Nam.
Hình như để trả lời câu hỏi của nhà thơ Hoàng Hưng, những người em của tác giả dù có nhìn trừng trừng vào sân khấu chờ nghe những lời ca tiếng hát tuyên dương sự hy sinh của mình cũng không thể tưởng tượng ra rằng Bộ quốc phòng lại đem một bài hát của Trung Quốc từng được xem là bài quốc ca thứ hai của Bắc Kinh để hát tặng những người bị Trung Quốc giết hại trong những cuộc chiến tranh ngắn ngủi vừa qua.
Thật không gì chua chát hơn thế.
Bài “Ca Ngợi tổ quốc” rất nổi tiếng của Trung Quốc sao lại nằm trong chương trình này thì chỉ có Bộ quốc phòng mới biết. Tuy thế không hẳn là không ai biết, kẻ đặt bài hát vào máy phát của chương trình “Khát vọng đoàn tụ” không ai khác hơn là những kẻ đã mọc đuôi sam trên đầu, những kẻ ước ao được đoàn tụ với người anh em phương bắc của chúng.
Thế nhưng tại một nơi khác được tổ chức trong thân tình ngày kỷ niệm Thương binh liệt sĩ năm nay chỉ có vài nhà báo và một vị tướng nổi tiếng của Quân đội Nhân dân Việt Nam, nhà thơ Đỗ Trung Quân đã đọc bài thơ có tên “Nếu trên đầu mình đã mọc đuôi sam” cho mọi người nghe như một liều thuốc giảm đau cho hội chứng Trung Quốc.

Nếu trên đầu mình đã mọc đuôi sam

Tháng này Sài Gòn mưa ngâu
Nhưng thôi, miễn bàn vể thơ thẩn
Tôi nói thẳng
Cho mau
Đồng bào tôi ngoài biển vẫn bị nó cướp tàu
Đồng bào tôi ngoài biển vẫn bị nó túm đầu
Cướp cơm chim
Bên cạnh những cái đó còn có cột mốc đặc biệt đó là cột mốc bằng văn học nghệ thuật. Đó là những bài thơ, những bài hát, những trường ca, những tác phẩm nghệ thuật trong đó gần đây xuất hiện cả các cuốn tiểu thuyết.
-Nhà thơ Trần Đăng Khoa
Tôi nói thẳng
Thôi đi mấy cha, mấy anh cà vạt phòng lạnh cách xa biển Đông ngàn dặm
Nhà anh chả ai cướp
Con anh chả ai đánh [đánh sao được, nó ở nước ngoài ráo cả]
Vợ anh chả ai hiếp [hiếp sao được, nhà anh có công an bồng súng đố thằng nào…]
Chỉ tủi thân cho đồng bào
Tàu thuyền rách nát.
Kiếm sống ở khu vực nhà mình vẫn bị ăn tát
Ăn bạt tai – đá đít
Ăn đạn AK
Bọn hải tặc đuôi sam làm cha
Thậm chí làm ông nội.
Thơ không được chửi bậy
nhưng thôi đành
Tiên sư bố chúng mày bọn lưu manh!
Bạn bè gì ngữ ấy.
Thơ không được chửi bậy
Xin tha thứ cho thằng làm thơ này. Đọc tin đồng bào bị cướp trên biển thì mắt nó cay cay …
Cứ đàn áp đi…
Cứ bóp cổ đi…
Cứ kung-fu đi…
Cứ triệu tập đi…
Cứ lo hữu nghị đi…
Hỡi những người anh em máu đỏ da vàng
Hãy thử sờ lên đầu mình.Xem…
Đã mọc đuôi sam ?…
Đỗ Trung Quân
Câu chuyện về bài “Ca ngợi tổ quốc” của Trung Quốc, kẻ giết hại và làm hằng chục ngàn bộ đội Việt Nam trở thành thương binh liệt sĩ vẫn âm ỉ cháy trong lòng người biết chuyện. Nhà nước im lặng, cơ quan thu hình trực tiếp “Khát vọng đoàn tụ” là đài truyền hình VTV lẳng lặng rút bỏ bài hát xuống nhưng trong thế giới thông tin như hiện nay làm sao xóa bỏ dấu vết của một hành động công khai được hàng trăm ngàn người chứng kiến?
Nhiều năm qua cách này cách khác, văn nghệ sĩ Việt Nam tuy không được cổ vũ sáng tác trong đề tài chống Trung Quốc một cách đồng bộ và công khai nhưng theo nhà thơ Trần Đăng Khoa, hiện giữ chức Phó chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam cho rằng thơ văn và những sản phẩm chống Trung Quốc trong văn học Việt Nam vẫn đang lớn mạnh. Ông đưa ra những tên sách, bài thơ, bài hát được xem là tiêu biểu chứng minh hiện trạng mà ông ví von như những cột mốc cắm trên quần đảo Trường Sa, nơi mà bộ đội hải quân Việt Nam nhiều lần đổ máu:
“Cách đây mấy năm thì VietnamNet kết hợp cùng với Hội nhà văn đã tổ chức cuộc thi sáng tác về đề tài Biển Đông và đã có hàng vạn bài thơ, rất nhiều ca khúc khá hay viết về Biển Đông trong đó có bài hát Mộ gió của Vũ Thiết. Hồi gần đây tôi cũng đã ra tuyển tập Trường Sa bao gồm cả thơ và văn xuôi. Một loạt nhà thơ khác nữa như anh Hữu Thỉnh có Trường ca biển, nhà thơ Nguyễn Việt Chiến có bài Tổ quốc nhìn từ biển. Ngay như chị Nguyễn Phan Quế Mai là một nhà thơ sống ở nước ngoài cũng có bài thơ Tổ quốc gọi tên mình và bài này được phổ nhạc và hiện nay rất nổi tiếng trong nước.
Theo tôi cái mảng viết về Trường Sa thì nhiều lắm, chúng như những cái cột mốc cắm cho chủ quyền của biển đảo chúng ta. Hiện nay ở cột mốc xác định chủ quyền Trường Sa thì ngoài bản đồ có giá trị lịch sử không thể bác bỏ được của cha ông chúng ta được người Pháp in cách đây đã mấy trăm năm rồi thì chúng ta còn có cột mốc thực sự, đấy là những tấm bia chủ quyền bằng cement, bằng cốt thép và còn cả những tấm bia khác nữa. Đó chính là sự hy sinh xương máu của cha ông từ rất nhiều đời trong đó có cả các chiến sĩ mới nhất gần đây trên đảo Gạc Ma. Bên cạnh những cái đó còn có cột mốc đặc biệt đó là cột mốc bằng văn học nghệ thuật. Đó là những bài thơ, những bài hát, những trường ca, những tác phẩm nghệ thuật trong đó gần đây xuất hiện cả các cuốn tiểu thuyết. Ngoài cuốn “Đảo chìm” của tôi còn có cuốn của Nguyễn Xuân Thủy hay gần đây là cuốn tiểu thuyết viết về Trường Sa của Nguyễn Quang Vinh. Tôi cho rằng đây chính là cột mốc chủ quyền cắm trên quần đảo linh thiêng của chúng ta.
Nếu như những tác phẩm ấy nó có giá trị đích thực thì giá trị cột mốc đó nó còn bền vững muôn đời!”
Muốn hay không người đọc Việt nam cũng nhận ra một điều rất rõ có hai dòng chảy song song với nhau trên cùng một đề tài Trung Quốc. Trên dòng chính, thơ văn hay nhạc phẩm viết về Trung Quốc dù cách nào đi nữa vẫn phải theo nguyên tắc kềm chế, giữ lại lòng uất ức, tâm trạng bị dày xéo, chà đạp.
Còn dòng chảy bên kia, ít hơn rất nhiều, nhưng lại chứa không biết bao nhiêu là nước mắt, sự phẫn nộ, máu sôi sục và nhất là mạnh mẽ thét to vào tai vào óc kẻ thù, kể cả kẻ thù đã mọc những chiếc đuôi sam vô hình trên cái đầu lạnh lùng chứa đầy bổng lộc.
Qua sự cố “Khát vọng đoàn tụ” nhà nước đang nỗ lực chữa cháy bằng các lời giải thích không chính thức cho dư luận. Không chính thức bởi vì không ai trách nhiệm cho sự cố tồi tệ này. Một sự cố đi liền với các nỗi lo về con dao Trung Quốc luôn túc trực đâm vào các nỗ lực tìm kiếm một thế lực để cân đối và nhất là để nép vào đó mà tránh các đòn bẫy vừa mạnh bạo vừa thấp kém của một đất nước có nền văn hóa đáng tự hào.
Bài hát “Ca ngợi tổ quốc” của Bắc Kinh nổi lên giữa lòng Hà Nội vào chính lúc Chủ tịch nước phát biểu trong một chương trình được tổ chức công phu và rầm rộ đã làm dấy lên các lời đồn đoán vốn đang phân hóa các phe phái trong đảng, trong chính phủ và ngay cả trong tập thể đảng viên. Ai đã âm thầm bấm nút bài hát này thì có lẽ cũng chính là người được lệnh phát động một cuộc chiến mới, cuộc chiến không phải đối với kẻ thù bên ngoài mà ngay trong mái nhà xã hội chủ nghĩa.
Cuộc chiến mà người chết sẽ không bao giờ được gắn huân chương hy sinh vì tổ quốc, và vì vậy tên tuổi của họ vĩnh viễn nằm bên ngoài danh sách thương binh liệt sĩ sau này.