Monday, December 3, 2018

Việt Nam lún sâu hơn trong thâm thủng mậu dịch với Trung Quốc

Việt Nam có 24 cửa khẩu quốc tế với các nước láng giềng, hàng nhập cảng lậu đi công khai.(Hình: DTnews)
HÀ NỘI (NV) – Việt Nam tiếp tục thâm thủng mậu dịch với Trung Quốc nặng hơn nữa, theo các con số thống kê về tình hình xuất nhập cảng giữa Việt Nam với Trung Quốc của 11 tháng trong năm 2018.
Theo các con số của Tổng Cục Thống Kê của Bộ Công Thương CSVN, trong 11 tháng của năm 2018, Việt Nam đã xuất cảng sang Trung Quốc một số lượng hàng hóa trị giá khoảng $38.1 tỷ, tăng 23.2% so với cùng kỳ năm ngoái. và nhập cảng $59.7 tỷ, tăng 13% so với cùng kỳ năm 2017. So ra Việt Nam bị thâm thủng mậu dịch với Trung Quốc $21.6 tỷ.
Gần đây, bản thống kê của Tổng Cục Hải Quan CSVN cho thấy, trong 10 tháng đầu năm 2018, Việt Nam xuất cảng sang Trung Quốc một số lượng hàng hóa các loại trị giá $33.48 tỷ, tăng 26.8% so với cùng thời gian năm ngoái và chiếm 16.6% trong tồng số hàng hóa xuất cảng đi khắp nơi. Trong khi đó, Việt Nam nhập cảng từ Trung Quốc một số lượng hàng hóa trị giá $53.39 tỷ, chiếm tỷ lệ 27.4% trong tống số trị giá hàng hóa nhập cảng và gia tăng 13.4% so với cùng thời kỳ của năm ngoái. Như vậy, thâm thủng mậu dịch của Việt Nam với Trung Quốc là 18.81 tỷ trong 10 tháng vừa qua.
Theo tài liệu của Tổng Cục Thống Kê nói trên, Mỹ vẫn là thị trường xuất cảng lớn nhất của Việt Nam với với số lượng hàng hóa các loại trị giá $43.7 tỷ, tăng 15% so với cùng kỳ năm trước, đáng nói nhất lại là đồ điện tử giá trị cao như điện thoại di động của Samsung đầu tư sản xuất tại Việt Nam. Thống kê cho thấy, xuất cảng mặt hàng điện thoại và linh kiện có mức tăng trưởng cao nhất, lên đến gần 50%.
Tháng trước, Tổng Cục Hải Quan CSVN cho hay trong 9 tháng đầu của năm 2018, xuất cảng hàng hóa của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc đạt $28.8 tỷ, tăng 29.9% và nhập cảng hàng hóa của Việt Nam có xuất xứ từ Trung Quốc đạt 47.25 tỷ, tăng 12.8%. Như vậy, thâm thủng mậu dịch của Việt Nam với Trung Quốc trong 9 tháng đầu của năm 2018 là $18.45 tỷ.
Con số thâm thủng mậu dịch của Việt Nam với Trung Quốc mỗi ngày một phình to hơn theo từng tháng chứ không hề giảm.
Đầu Tháng Mười Một, khi sang Thượng Hải tham dự “Hội chợ Nhập khẩu Quốc tế Trung Quốc 2018 và Diễn đàn Kinh tế Thương mại Quốc tế Hồng Kiều,” ông Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc đã gặp Chủ Tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Dịp này, theo TTXVN, ông Phúc “đề nghị Trung Quốc mở cửa, tạo điều kiện cho hàng hoá Việt Nam vào Trung Quốc; có chính sách và biện pháp thiết thực để giảm mức nhập siêu lớn hiện nay của Việt Nam, hướng tới thương mại song phương tăng trưởng ổn định, bền vững.”
TTXVN cũng thuật lời ông Tập Cận Bình “nhấn mạnh, Trung Quốc không theo đuổi xuất siêu với Việt Nam và sẽ tăng cường nhập khẩu hàng hoá từ Việt Nam để thương mại hai nước phát triển theo hướng cân bằng, bền vững.”
Không phải lần đầu tiên Hà Nội thúc giục Bắc Kinh mở cửa rộng hơn để gia tăng nhập cảng hàng hóa từ Việt Nam. Các quan chức hàng đầu của Hà Nội lập đi lập lại điều này mỗi khi gặp đối tác Bắc Kinh suốt nhiều năm qua.
Hồi giữa Tháng Năm 2018, Bộ Tài Chính Hà Nội kêu rằng Việt Nam “chi hơn $250 tỷ để nhập khẩu hàng từ Trung Quốc nhưng ở chiều ngược lại Việt Nam chỉ xuất khẩu được trị giá hơn $100 tỷ, điều này dẫn đến thâm hụt thương mại nặng nề gần $150 tỷ giữa Việt Nam với Trung Quốc trong thời gian gần 6 năm qua” mà “lượng nhập khẩu vẫn gia tăng hàng năm.”
Thời gian nổ ra vụ kình chống giữa Việt Nam với Trung Quốc khi Bắc Kinh đưa giàn khoan khổng lồ HD981 tới phía Nam quần đảo Hoàng Sa dò tìm dầu khí hồi năm 2014 làm quan hệ giữa hai nước Cộng Sản anh em chùng xuống thật thấp, có nhiều lời kêu gọi “thoát Trung” ở trong nước. Nhưng những con số thống kê vẫn cho thấy thực tế khác hẳn.
Nếu kinh tế của Việt Nam vẫn càng ngày càng lún sâu vào vòng lệ thuộc Trung Quốc, người ta cũng từng thấy có những lời cảnh báo Trung Quốc có thể dùng thương mại như một võ khí khi tranh chấp chủ quyền lãnh thổ, biển đảo giữa Việt Nam với Trung Quốc trở nên nghiêm trọng hơn.
Hà Nội nhập cảng phần lớn nguyên phụ liệu để sản xuất hàng dệt may, các chế phẩm tiêu dùng, máy móc trong khi xuất cảng sang Trung Quốc phần lớn là nông sản và quặng mỏ thô. Xuất cảng sang Trung Quốc đồ điện tử, công nghệ cao lại từ các công ty ngoại quốc đầu tư sản xuất tại Việt Nam.
Thống kê đưa ra các con số thâm thủng mậu dịch giữa Việt Nam với Trung Quốc không kể đến một lượng hàng hóa khổng lồ nhập lậu từ Trung Quốc vào Việt Nam từ đường biển đến các cửa khẩu trên đất liền có dịch vụ “biên mậu.” Người ta từng thấy có những tranh cãi về thống kê xuất nhập cảng giữa hai nước “vênh nhau” tới $20 tỷ.
Hồi Tháng Tư, người ta thấy nêu ra tại “Hội thảo nâng cao hiệu quả phối hợp giữa doanh nghiệp và lực lượng thực thi trong công tác chống hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ” do “Cục Quản Lý Thị Trường (Bộ Công Thương CSVN) tổ chức là hàng lậu, hàng giả vẫn tràn lan trên thị trường. (TN)

Dân Việt Nam vẫn tiếp tục làm ‘miệt mài’ để nuôi cán bộ

Hàng ngàn người chen chúc nộp đơn xin làm cán bộ sổ Thuế tại Hà Nội. Sở Thuế được coi là một trong những cơ quan ăn hối lộ hàng đầu tại Việt Nam. (Hình: VNEconomy)
HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Càng “tinh giản” nhân sự thì guồng máy cai trị của nhà cầm quyền Việt Nam càng phình ra to hơn, dù hàng năm đều có các cuộc họp thúc đẩy cải cách hành chính để vừa tăng hiệu năng vừa tiết giảm ngân sách.
Hôm Thứ Bảy, 1 Tháng Mười Hai 2018, tờ Đất Việt dẫn nhận định của ông Mạc Văn Tiến, Viện Nghiên Cứu Khoa Học Dạy Nghề, Bộ Lao Động Thương Binh Xã Hội (LĐ-TB-XH) cho biết “sau 3 năm thực hiện Nghị Quyết 39, tổng biên chế cả nước không giảm còn tăng lên hơn 11,000 người.”
Nguyên nhân càng hô hào “tinh giản biên chế” thì guồng máy cai trị của chế độ lại càng tăng, theo ông Trang vì “chưa chú trọng cơ cấu lại đội ngũ công chức, viên chức theo đề án vị trí việc làm” mà chỉ thấy “chủ yếu áp dụng đối với đối tượng nghỉ hưu trước tuổi (chiếm 86.25%).”
Ba năm trước, Bộ Chính Trị đảng CSVN ra nghị quyết đòi hỏi guồng máy cầm quyền phải giảm bớt 10% số người ăn lương nhà nước kể từ thời gian đó cho đến năm 2021. Một ban chỉ đạo trung ương do ông bộ trưởng bộ nội vụ cầm đầu và có các ban chỉ đạo cấp dưới ở các bộ ngành và các tỉnh thị địa phương.
Hơn chục năm trước, Ngân Hàng Thế Giới cũng như các tổ chức quốc tế cấp viện cho Việt Nam nhiều lần thúc hối chế độ cải tổ guồng máy thư lại cồng kềnh và ít hiệu năng, hầu phục vụ tốt hơn lại vừa giảm bớt gánh nặng cho ngân sách. Nhà cầm quyền CSVN đã từng hô hào “tinh giản biên chế” từ thời ông Phan Văn Khải còn làm thủ tướng cho đến nay chứ không phải chuyện mới có từ khi có “Nghị Quyết 39.”
Theo ông Tiến được tờ Đất Việt thuật lại “đặt chỉ tiêu cho các đơn vị phải tinh giản biên chế 10% một năm là một cách cơ học, máy móc, chưa chú ý cơ cấu lại đội ngũ công chức, viên chức, tinh giản chỉ nhằm giảm gánh nặng ngân sách chứ chưa cân nhắc cẩn trọng vị trí, vai trò và tầm quan trọng của mỗi loại hình tổ chức trong hệ thống chính trị.”
Bốn cách thức để chui vào guồng máy nhà nước CSVN, biếm họa của tờ Đất Việt. (Hình: Đất Việt)
Ông nhấn mạnh “tinh giảm biên chế phải gắn với vị trí việc làm,” tức là loại bỏ những kẻ dôi dư, xưa nay bị gọi là “ăn bám” hay ngồi đó đợi cơ hội để ăn hối lộ. Vì “cách đặt vấn đề, đặt mục tiêu tinh giảm chưa phù hợp nên giảm không đúng người, càng giảm càng tăng,” nguồn tin thuật lời ông Tiến.
Tuy bị thúc giục phải cắt bớt người dôi dư, từ trung ương tới địa phương, không nơi nào “mặn mà” thi hành.
Năm ngoái, tờ Người Lao Động ngày 10 Tháng Ba. 2017. thuật lời ông Bộ Trưởng Nội Vụ Lê Vĩnh Tân viện dẫn những tròng tréo trong thủ tục, kêu trong một cuộc họp ở Sài Gòn là “không tìm ra người để tinh giản biên chế.”
Hồi cuối Tháng Tám vừa qua, báo chí trong nước nêu số thống kê của Bộ Nội Vụ CSVN cập nhật đến Tháng Ba, 2018 cho biết: “Số lượng người hưởng lương, phụ cấp từ ngân sách ước tính là 11 triệu người, trong đó ở cấp khóm, xóm, tổ dân phố, xã, phường là 1.3 triệu người.”
Nếu dân số Việt Nam khoảng 94 triệu người, như thế, cứ 9 người dân phải gồng mình nuôi một người của nhà cầm quyền.
Khi còn là phó thủ tướng, ông Nguyễn Xuân Phúc được tờ VNExpress ngày 13 Tháng Năm, 2015, thuật lời ông kêu ca theo “dư luận” là có đến 30% cán bộ nhà nước “sáng cắp ô đi, tối cắp về” tức có đến 800,000 ông bà ăn bám nội trong guồng máy hành chính.
Bây giờ, ông Phúc đang làm thủ tướng, không thấy ai đả động gì đến cái đám “cắp ô” đó cả. Các cuộc họp “tinh giản” ở các cấp vẫn diễn ra và guồng máy cứ thế tiếp tục phình ra. (TN)