Wednesday, December 6, 2023

Giáo dục bất lực: nhà trường thành chiến trường

 Cảnh Chân  

(VNTB) – Nếu không gấp rút thay đổi cơ chế, không cải cách triệt để nền giáo dục hiện nay, thì cả một dân tộc sẽ trở nên tàn ác, bạo lực 

Trước nay, chuyện học sinh đánh nhau, hoặc giáo viên đánh, đuổi học sinh đã là chuyện thường ngày ở nền giáo dục Việt Nam. Còn bây giờ, học sinh lại đánh, đuổi ngược lại giáo viên. Nhà trường bỗng nhiên thành chiến trường, giáo viên và học sinh là kẻ thù, đánh nhau như giặc. 

Học sinh hành hung cô giáo ngất xỉu ngay trên lớp 

Dư luận Việt Nam đang phẫn nộ khi xuất hiện nhiều video cho thấy một cô giáo bị học sinh tấn công ngay trong lớp học. Cụ thể, cô giáo dạy môn Âm nhạc, trường THCS Văn Phú (Sơn Dương, Hà Giang) bị nhiều học sinh lớp 7C chốt cửa, nhốt trong lớp, rồi hành hung khiến cô này té xỉu tại chỗ. 

Trong camera toàn cảnh được lắp trong lớp học và video do học sinh quay lại, khi kết thúc tiết học, cô giáo đang dọn giáo cụ ra về thì các em học sinh bao vây, ném rác vào người. Cô này không phản ứng mà tiếp tục xách cặp ra về. Thế nhưng những học sinh này đã chốt cửa, không cho cô ra khỏi lớp. Rồi thi nhau ném dém vào đầu cô giáo, khiến cô bị xỉu ngay trong lớp. 

Khi tỉnh lại, quá phẫn uất cô giáo này đã cầm dép đuổi các em học sinh. Một học sinh thậm chí đã cầm ghế đánh lại cô giáo. Sau đó cô giáo này bị nhóm học sinh dồn vào góc tường, bao vây, hành hung. 

Một số học sinh chửi thề bằng những ngôn từ tục tĩu nhất mà chúng có thể nghĩ ra được. Một số ném dép, dùng cây, quạt, dí vào mặt doạ đánh cô giáo. Một học sinh khác thì cầm điện thoại quay lại cảnh tượng này trong tiếng cổ vũ của bạn bè. Cuối cùng, vì bất lực, cô giáo chỉ biết bấm điện thoại, và không phản kháng. 

Thế nhưng giải thích của phía nhà chức trách càng khiến dư luận dậy sóng. Chủ tịch xã Văn Phú, huyện Sơn Dương, trả lời báo chí rằng “giáo viên Âm nhạc này nhiều lần có phát ngôn ‘chợ búa’, không chuẩn mực khi giao tiếp với học sinh”. “Học sinh có thái độ không tôn trọng cô từ trước, hôm đó cô cũng có hành vi hay phát ngôn chưa phù hợp, dẫn đến các em có hành vi như vậy”, ông chủ tịch xã thông tin với báo chí. 

Toàn cảnh vụ việc đặt ra rất nhiều câu hỏi. Ai dạy học sinh lớp 7 chửi tục? Ai cho các em học sinh 12 tuổi sử dụng điện thoại trong lớp học? Tại sao cô giáo lại đuổi đánh học sinh? Tại sao học sinh lại dám khoá cửa nhốt, đe doạ hành hung, dí gậy vào mặt cô giáo? Ai sẽ bảo vệ những học sinh và cả cô giáo này? Những em học sinh lớp 7 này, mới 12 tuổi đã côn đồ như vậy, lớn lên sẽ ra sao? 

Nhà trường thành chiến trường:cô giáo và học sinh đều là nạn nhân của cơ chế 

Anh N.H.P., một phụ huynh bình luận trên Facebook: “Cho dù cô giáo có sai thì cái cách học sinh tấn công cô như vậy là không thể chấp nhận được. Cả lớp cùng hành hung, nhục mạ cô giáo mà chủ tịch xã và trưởng phòng giáo dục huyện còn dám bao biện thì hệ thống giáo dục thật sự quá tồi tệ”. 

Việc dạy học không phải là mua bán kiến thức, mà là đào tạo, xây dựng đạo đức con người. Nhà trường có thể kỷ luật giáo viên, học sinh, phụ huynh có quyền kiện cô giáo, nhưng việc dùng vũ lực, đấu tố, hành hung, lăng mạ thầy cô là điều cấm kỵ với học sinh, nhất là trẻ em. Bây giờ còn là học sinh thì không kính trọng thầy cô của mình, rồi khi trưởng thành, chúng sẽ làm người như thế nào?

 “Các thầy cô giáo bây giờ không dám to tiếng, đụng tay đụng chân tới học trò, sợ phụ huynh không hiểu bản chất vấn đề rồi đưa lên mạng xã hội đấu tố. Cô giáo chỉ cần cốc đầu nhẹ với học sinh, các em về kể với cha mẹ, là hôm sau hiệu trưởng buộc cô tới tận nhà để xin lỗi học sinh. Dư luận bị bẻ lái, làm lệch lạc câu chuyện, rồi phê phán tàn nhẫn. Nhà trường, cơ quan chức năng thì rất sợ dư luận, cứ có lùm xùm gì là đem giáo viên xử trước rồi mới tìm hiểu sau”. Cô L.P., một giáo viên cấp 2 nói về thực trạng giáo dục hiện nay với phóng viên Việt Nam Thời Báo.

 “Còn nếu nói như chủ tịch xã Văn Phú, giáo viên Âm nhạc này nhiều lần có phát ngôn chợ búa, thì cần phải coi lại quy trình đào tạo, tuyển dụng giáo viên của ngành giáo dục, coi lại trách nhiệm quản lý của nhà trường, cơ chế của nhà nước. Họ đã làm gì để trường học trở thành chợ búa như vậy. Mấy mươi năm nay cơ chế như thế nào để rồi trường học trở thành chiến trường, học sinh và giáo viên trở thành kẻ thù, đánh nhau như giặc vậy”. Cô L.P. nói tiếp.

 Không chỉ ở Hà Giang, tuần trước, mạng xã hội lan truyền video một nữ sinh viên đã đánh bạn và đuổi giảng viên khỏi trường. Cô gái 26 tuổi này đang là sinh viên năm nhất ngành thiết kế thời trang tại một trường đại học ở TPHCM, đã lao tới tát vào mặt hai người bạn mình ngay trên giảng đường. Sau đó nữ sinh này còn yêu cầu phòng đào tạo báo hiệu trưởng đuổi giảng viên ra khỏi trường. 

“Xã hội bây giờ mọi thứ được đong đếm bằng tiền. Học trò chạy điểm, cha mẹ chạy trường, thầy cô chạy biên chế. Truyền thống “tôn sư trọng đạo”, “tiên học lễ, hậu học văn”, chỉ còn trên khẩu hiệu, băng rôn. Có thể dễ hình dung một tương lai cho giới trẻ, rằng khi còn nhỏ, lớp 7 thì đánh cô, lớn lên, 26 tuổi, làm sinh viên thì đánh bạn, đuổi thầy. Nếu chúng ta không gấp rút thay đổi cơ chế, không cải cách triệt để nền giáo dục hiện nay, thì cả một dân tộc sẽ trở nên tàn ác, bạo lực”. Chị Q.N., một phụ huynh nêu quan điểm với phóng viên Việt Nam Thời Báo.

 https://vietnamthoibao.org https://vietnamthoibao.org/vntb-giao-duc-bat-luc-nha-truong-thanh-chien-truong/ .

No comments:

Post a Comment