Tuesday, March 31, 2020

Người dân khắp các tỉnh thành Việt Nam đổ xô đi mua xăng dự trữ

Người dân xã Cư Đrăm, huyện Krông Bông đổ xô đi mua xăng khiến nhiều cửa hàng hết xăng. (Hình: NT./Người Lao Động)
HÀ TĨNH, Việt Nam (NV) – Nhiều người dân ở khắp các tỉnh thành từ Bắc vô Nam ùn ùn xách can mua xăng tích trữ vì giá xăng giảm cộng với tin đồn các cây xăng sẽ đóng cửa để phòng ngừa COVID-19.
Chiều 29 Tháng Ba, giá xăng E5 RON92 và RON 95 tại Việt Nam hạ xuống lần lượt còn 11,956 ($50 cent) và 12,560 đồng ($53 cent) một lít, mức giảm thấp nhất trong 11 năm qua.
“Hiếm khi xăng rẻ, thấy nhiều người đi mua nên tôi cũng mua một can về tích trữ vì sợ xăng tăng giá trở lại,” một người dân đang mua xăng ở cây xăng thị trấn Mường Xén, huyện Kỳ Sơn (tỉnh Hà Tĩnh) nói với báo VNExpress.
Tại cây xăng xã Tri Lễ, huyện Quế Phong (tỉnh Hà Tĩnh), tình trạng người dân đổ xô mua xăng tích trữ diễn ra từ đêm 29 Tháng Ba.
“Có một người kéo cả mấy thùng phi tới mua để đưa về bản bán lẻ. Chưa bao giờ thấy người dân chen lấn nhau mua xăng như vậy,” một nhân viên bán xăng nói.
Người dân Cần Thơ, Hậu Giang mua xăng tích trữ. (Hình: Đình Tuyển/Thanh Niên)
Nói với báo Người Lao Động sáng 31 Tháng Ba, ông Lê Văn Long, chủ tịch huyện Krông Bông (tỉnh Đắk Lắk), cho biết: “Đêm 30 Tháng Ba, các cửa hàng tiếp tục chở tới hai xe và sáng nay người dân vẫn đang tụ tập mua rất đông.”
Theo ông Long, bắt đầu khoảng 5 giờ sáng ngày 30 Tháng Ba, người dân tụ tập tới cây xăng Hóa Linh (xã Cư Đrăm, huyện Krông Bông) để mua xăng. Đến 8 giờ cùng ngày, cửa hàng này hết xăng nên người dân tiếp tục chạy dần ra các cây xăng phía ngoài để mua. Đến khoảng 8 giờ tối cùng ngày, 3 trong 4 cây xăng ở các xã phía Đông huyện Krông Bông hết xăng. Tính riêng hai xã Cư Pui và Cư Đrăm đã bán hơn 30,000 lít xăng dầu.
“Lý do người dân đổ xô tới mua xăng là do xăng rẻ và có tin đồn sắp tới các cây xăng sẽ đóng cửa vì COVID-19. Ủy Ban huyện cũng đã chỉ đạo công an huyện nắm bắt thông tin để xử lý các đối tượng xấu, tuyên truyền không đúng sự thật,” ông Long cho biết.
Một người mua xăng tại thị trấn Mường Xén sáng 31 Tháng Ba. (Hình: Thiên Ngân/VNExpress)
Tương tự các tỉnh thành trên, chiều 31 Tháng Ba, ông Nguyễn Minh Toại, giám đốc Sở Công Thương thành phố Cần Thơ, cho biết mấy ngày qua tại một số điểm bán xăng ở huyện Phong Điền, người dân ùn ùn xách can tới mua xăng dự trữ để sử dụng dần.
“Qua tìm hiểu thì người dân nói ban đầu thấy xăng rẻ quá tranh thủ đi mua. Một số người đồn đoán sắp tới sẽ đóng cửa cây xăng để phòng ngừa dịch COVID-19, giống như việc ngưng bán vé số. Vậy là người người hùa nhau đi mua xăng. Chỉ tính riêng một điểm bán xăng ở huyện Phong Điền, ngày bình thường chỉ bán khoảng 3,000 lít thì trong ngày 30 Tháng Ba, đã bán tới 18,000 lít bởi lượng người kéo nhau đi mua xăng tích trữ quá nhiều,” ông Toại nói với báo Thanh Niên.
Theo phản ánh của một số công ty kinh doanh xăng dầu có trụ sở tại Cần Thơ, tin đồn các cây xăng đóng cửa không chỉ “rộ” ở Cần Thơ mà còn xảy ra ở nhiều nơi như ở huyện Vị Thủy, thị xã Long Mỹ, thị trấn Ngã Sáu của huyện Châu Thành (tỉnh Hậu Giang). Thậm chí lan đến huyện Vĩnh Thuận (tỉnh Kiên Giang). Các cây xăng có người dân đến mua xăng tích trữ đều tăng lượng bán từ 5-10 lần so với ngày thường, có cây xăng phải nhờ công an địa phương tới để giữ trật tự.
Sáng sớm 31 Tháng Ba, người dân xã Sốp Cộp vẫn tiếp tục xếp hàng để mua xăng với lượng lớn.(Hình: H.Q/Zing)
Ngay cả tỉnh Sơn La ở tận phía Bắc tình trạng cũng diễn ra tương tự, hàng trăm người dân xã Sốp Cộp, huyện Sốp Cộp (tỉnh Sơn La), tập trung tại các cửa hàng xăng dầu để mua xăng dự trữ.
Nói với báo Zing chiều 31 Tháng Ba, ông Đào Đình Thi, chủ tịch huyện Sốp Cộp (tỉnh Sơn La), cho biết đã có văn bản chỉ đạo công an huyện ngăn chặn, xử lý các trường hợp lợi dụng dịch bệnh để đầu cơ, tích trữ xăng dầu.
Trước việc người dân tập trung mua xăng dầu tích trữ, Bộ Công Thương chỉ ra thông báo: “Việc mua tích trữ xăng dầu sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn phòng cháy chữa cháy, đe dọa tính mạng, tài sản của chính người tích trữ và cộng đồng dân cư. Bên cạnh đó, việc tập trung đông người để mua xăng dầu có thể dẫn đến nguy cơ nhiễm, lây lan dịch bệnh và không tuân thủ chỉ đạo của thủ tướng chính phủ về phòng chống dịch bệnh COVID-19.” (Tr.N)

Quan chức xây tư dinh bằng gỗ quý, tàn phá rừng Tây Nguyên

GIA LAI, Việt Nam (NV) – Cả trăm ngàn hécta rừng ở Tây Nguyên bị tàn phá, hàng chục cán bộ ở Gia Lai, Đắk Lắk bị kỷ luật do “phá rừng,” để rồi sau đó nhà của những quan chức này được dựng lên toàn bằng gỗ quý.
Theo báo Tiền Phong, những ngày gần đây người dân thành phố Pleiku xôn xao việc ông Hồ Phước Thành, giám đốc Sở Kế Hoạch Đầu Tư tỉnh Gia Lai có khối tài sản kếch xù. Cụ thể như miếng đất vừa mua ở phường Thắng Lợi (thành phố Pleiku) rộng hàng ngàn mét vuông được xây nhà mà từ phần cổng đến nội thất bên trong toàn bằng gỗ tự nhiên, kể cả cầu gỗ ngoài trời bắc qua hồ cá…
Trả lời với báo Tiền Phong về ngôi nhà này, ông Thành giải thích: “Đây là nhà của bố tôi từ năm 1975 đến giờ, không phải mới có bữa nay đâu. Ông có tám đứa con, đứa nào cũng thành đạt. Một người làm xây dựng nên nó xây hàng rào, làm nhà gỗ đó có gì lạ đâu. Cũng có người làm công ty điện mặt trời cho người ta ở Gia Lai. Còn cái nhà này xây dựng cao lắm cỡ 200-300 triệu đồng cũng không nhiều.”
Nhà gỗ của ông Nguyễn Văn Quyến, nguyên phó giám đốc công ty Lâm Nghiệp Cư M’lan. (Hình: Tiền Phong)
Nói về căn nhà gỗ ở đường Sư Vạn Hạnh (thành phố Pleiku) với hai cánh cổng bên ngoài bằng gỗ được chạm trổ, mà bên dưới căn nhà hai tầng này là một ngôi nhà rường bằng gỗ tự nhiên, bên trong được trưng bày nhiều tượng gỗ quý, ông Thành cho biết: “Nhà đây lâu rồi. Đúng là có nhà gỗ nhưng là gỗ tạp thôi chứ không phải nhà rường đâu. Cách đây mười mấy năm, tôi đã có vậy rồi chứ không có gì mới. Đây là nhà vườn hồi tôi còn làm rẫy trong Đức Cơ (tỉnh Gia Lai) đem về rồi làm sạch sẽ lại thôi. Gỗ dầu ấy mà, chứ không phải gỗ nhóm quý…”
Về các tượng gỗ bài trí trong nhà, ông Thành phân trần: “Nội thất bên trong cũng không có gì, lâu lâu mình chọn cái gì mới mình để lên.”
Chưa hết, quán cà phê ở đường Cách Mạng Tháng Tám (thành phố Pleiku) được làm đa phần cũng bằng gỗ tự nhiên, chỉ phần mái bằng ngói. Khách hàng đến đây thường để chiêm ngưỡng những bộ bàn ghế, nội thất tinh xảo, đẹp mắt…
Quán cà phê đa phần bằng gỗ tự nhiên ở đường Cách Mạng Tháng Tám, thành phố Pleiku, Gia Lai, được cho là của một quan chức ở Gia Lai. (Hình: Tiền Phong)
Không chỉ nhà quan chức, ngay bên trong trụ sở Tỉnh Ủy Gia Lai cũng có một căn nhà gỗ “tiền tỷ” mà theo lãnh đạo tỉnh cho biết do một đơn vị “xây tặng.”
Ngoài những “kiệt tác” bằng gỗ kếch xù trên của ông Thành, căn nhà gỗ của ông Trần Ngọc Quang, nguyên chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân huyện Ea Súp (tỉnh Đắk Lắk) cũng bề thế không thua kém.
Theo quyết định thi hành kỷ luật của Ủy Ban Kiểm Tra Tỉnh ủy Đắk Lắk, ông Trần Ngọc Quang đã sử dụng gần 85 khối gỗ thành phẩm (quy ra gỗ tròn gần 136 khối)  không có hồ sơ chứng minh nguồn gốc gỗ hợp pháp để xây dựng lúc còn đương chức.
Nhà gỗ bên trong trụ sở Tỉnh Ủy Gia Lai. (Hình: Tiền Phong)
Tương tự, hai căn nhà gỗ của ông Nguyễn Văn Quyến, nguyên phó giám đốc công ty Trách Nhiệm Hữu Hạn Một Thành Viên Lâm Nghiệp Cư M’lan, nay là phó tổng giám đốc công ty Chế Biến Thực Phẩm, Lâm Nghiệp Đắk Lắk ở thị trấn Ea Súp (huyện Ea Súp) cũng rất nổi tiếng ở tỉnh Đắk Lắk.
Điều đáng nói là ông Quyến cũng từng bị kỷ luật “Cảnh cáo” do những sai phạm liên quan đến công tác quản lý bảo vệ rừng, để mất hơn 10,500 hécta rừng và đất rừng trong lâm phần được giao cho mình quản lý và bảo vệ. (Tr.N)

Gia Lai: Một phụ nữ chết vì nghi nhiễm COVID-19, giới chức nói ‘viêm phổi nặng’

GIA LAI, Việt Nam (NV) – Một phụ nữ 42 tuổi ở xã Ia Rong, huyện Chư Pưh, bị nghi nhiễm COVID-19 chết tại bệnh viện Đa Khoa tỉnh Gia Lai, nhưng giới hữu trách bác bỏ cho rằng chết do “viêm phổi nặng.”
Ngày 31 Tháng Ba, Sở Y Tế tỉnh Gia Lai thông báo kết quả xét nghiệm mẫu bệnh phẩm của bệnh nhân Trần Thị Yến (42 tuổi, ở xã Ia Rong, huyện Chư Pưh, tỉnh Gia Lai), chết tại bệnh viện Đa Khoa tỉnh này “âm tính với virus COVID-19.”
“Kết quả xét nghiệm mẫu bệnh phẩm âm tính với COVID-19. Bệnh nhân tử vong do bệnh nặng và có nhiều bệnh lý, tuy nhiên xung quanh ca tử vong này có nhiều đồn đoán thất thiệt, vô căn cứ làm hoang mang dư luận,” báo Pháp Luật TP.HCM dẫn thông báo từ bệnh viện Đa Khoa tỉnh Gia Lai.
Theo báo VietNam Plus, Sở Y Tế Gia Lai cũng bác bỏ thông tin người nhà bệnh nhân gây áp lực với bệnh viện sau khi bà Yến bị chết.
Tin cho biết ngày 28 Tháng Ba, bà Yến được người thân đưa vào bệnh viện Đại Học Y Dược Hoàng Anh Gia Lai thăm khám với biểu hiện ho, khó thở và được chẩn đoán “viêm phổi nặng, giãn phế quản, hở van hai lá, bệnh tim thiếu máu cục bộ, xử lý thở oxy.” Ngay sau đó, bệnh nhân được chuyển sang Khoa Hồi Sức Tích Cực Chống Độc bệnh viện Đa Khoa tỉnh Gia Lai điều trị.
Đến khoảng 10 giờ ngày 29 Tháng Ba, tình trạng bệnh nhân “diễn biến xấu, trụy tim, trụy mạch.” Sau đó rơi vào trạng thái hôn mê sâu và chết. Ngay sau khi bà Yến qua đời, người dân địa phương lo sợ vì nghi ngờ bà này chết do bị nhiễm dịch bệnh.
Bệnh nhân mắc COVID-19 nặng đang được điều trị tại bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới Trung Ương ở Hà Nội. (Hình: Hải Phong/Người Lao Động)
Tuy nhiên, Sở Y Tế Gia Lai cho rằng do bệnh nhân “có yếu tố viêm phổi nặng” và Trung Tâm Kiểm Soát Bệnh Tật tỉnh đã lấy mẫu bệnh phẩm gửi Viện Vệ Sinh Dịch Tễ Tây Nguyên xét nghiệm với kết quả “Âm tính với virus COVID-19.”
Trước đó theo báo Tuổi Trẻ, khoảng 9 giờ sáng 27 Tháng Ba, cụ bà Triệu Ánh T. (81 tuổi, ở quận Đống Đa, Hà Nội) khi đang cùng với 239 công dân Việt Nam từ Úc về bị cách ly tập trung tại Trường Quân Sự tỉnh Tiền Giang thì được phát hiện đã chết trên sàn nhà vệ sinh.
Công luận nghi ngờ cụ bà chết do bị nhiễm COVID-19, nhưng bệnh viện Đa Khoa Trung Tâm Tiền Giang cho rằng cụ T. đã chết với chẩn đoán “do nhồi máu cơ tim cấp, tăng huyết áp, tiền căn hen phế quản.”
Lúc 12 giờ cùng ngày, Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Tiền Giang đã tổ chức họp với giới hữu trách “lấy mẫu xét nghiệm gửi Viện Pasteur Sài Gòn” và rồi nơi này thông báo kết quả xét nghiệm “âm tính với virus COVID-19.”
Tính đến 6 giờ chiều ngày 31 Tháng Ba, Bộ Y Tế CSVN công bố Việt Nam chỉ có 207 bệnh nhân COVID-19 nhưng vẫn chưa có người nào chết do nhiễm bệnh.
Bộ này nói, 4 bệnh nhân nặng đang điều trị tại bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới Trung Ương Hà Nội “có tiến triển tốt hơn.” Cụ thể, bệnh nhân thứ 26 đã bỏ máy thở, rút nội khí quản. Ba người còn lại “tình trạng ổn định.” (Tr.N)

Sài gòn “phong toả”, có khi chết đói trước khi chết dịch …

Diễm My (VNTB)|Vậy là Sài Gòn đã chính thức phong toả một phần kể từ ngày 28/3. Nhưng mà trước đó phố phường đã vắng hoe do người ta ở trong nhà trốn dịch. Chính phủ hi vọng sẽ dập được dịch trong vòng 2 tuần nữa và hạn chế số người nhiễm ở mức 1.000 người.
Người dân cũng được khuyến cáo không ra khỏi nhà để tránh lây lan dịch bệnh. Những mảnh đời nhỏ vụn trong xóm tưởng chừng như càng lúc càng xám xịt.
Cái xóm nhỏ toàn dân lao động nghèo. Ba chục nhà thì hết 25 nhà bán đồ ăn, nhà bán bánh mỳ, nhà bán xôi, nhà thì bánh bao, bún, mỳ. Sáng sớm là nghe tiếng người ta đẩy xe ra phía bên kia đường bán cho học trò. Còn khu hẻm trước đình cũng có tới 4 – 5 quán vừa mỳ, vừa bún bán ăn sáng hay ăn xế. Mấy người bán cho học trò là đã ế luôn từ tết tới giờ.
Hai vợ chồng ông Xình ở sát vách đình. Hai ông bà cũng hơn 60 tuổi rồi. Ban ngày bà vợ bán bánh mỳ, ông chồng phụ vợ chạy ra chạy vô. Giờ không bán được nữa vì học trò nghỉ học cả mấy tháng này. Hai vợ chồng cùng thất nghiệp vì hẻm đình có người bán bánh mỳ xưa giờ, không chen ngang vô được.
Ngày còn bán được, chiều tối chuẩn bị xong đồ ngày mai bán thì bà ngủ bên trong, ông kê cái ghế bố nằm ngoài hẻm. Cái nhà nhỏ có đúng một cái cửa ra vô. Gọi là nhà cho nó sang, chớ thiệt ra hai ông bà ở trong một cái chái trải vừa đủ một cái chiếu 1,2m. Sát hết ba bức vách là thùng, hộp chồng chất lên nhau. Cái xe bánh mỳ để ngoài sân có xích sắt móc vô của sổ.
Giờ phải ở trong nhà, nóng nực như thiêu, thu nhập không có. “ Chắc chết thôi cô ơi, dịch lâu vợ chồng tui ăn thâm hết vô vốn. Mà cô coi cái nhà tui có chừng này, hai vợ chồng ngồi ngó nhau vầy chịu sao thấu? Đi ra ngoài thì sợ dịch, lây bịnh thì khổ lắm.”
Hai vợ chồng ôn Xình còn đỡ hơn mấy nhà có con nít. Xóm lao động nghèo mà con nít đông. Tụi nhỏ nghỉ học từ tết tới giờ. Thêm cái lệnh phong toả, phải ở trong nhà. Cả xóm lúc nào cũng nghe tiếng cha mẹ la con, rồi tiếng con nít đánh nhau, la khóc vì nóng, ngộp.
Nhà trong hẻm nhỏ đi vừa lọt cái xe ba gác. Giờ bắt cách nhau 2m thì chỗ đâu mà cách?
Cái quán nhậu đầu hẻm cũng không khá hơn. Chủ mới sang quán trước Noel năm rồi. Bỏ vô một mớ tiền xây dựng, mua sắm để làm quán nhậu vỉa hè. Mới mở ra được tuần lễ thì dính vô trận “thổi đo nồng độ cồn”. Khách vắng hoe, chỉ cầu cho ngày có chừng hai ba bàn để cho đủ tiền sở hụi. Hai vợ chồng phải gởi con về quê, thay phiên nhau vừa làm bếp vừa chạy bàn, dọn dẹp lấy công làm lời.
Rồi đùng cái có dịch corona. Khách đã vắng lại càng vắng hơn. Hôm cầm cái giấy phường yêu cầu đóng cửa mà hai vợ chồng muốn khóc nhưng nghĩ thời buổi này làm gì mà có tới 30 khách một lần vô quán đâu. Thôi kệ thì cứ liều bán thêm ít bữa gỡ lại chút vốn mấy món đồ tươi đã lỡ mua vô.
Tối hôm kia, chị vợ hớt hải báo tin: “ Quán em bị bên liên ngành lập biên bản rồi chị ơi. Họ nói quy mô quán em có trên 30 chỗ ngồi nên không được mở cửa. Nhưng mà em cũng liều mở cửa bán tới cuối tháng coi sao, chớ giờ vốn liếng em nằm trong mớ đồ ăn tươi này nè.”
Chiều nay đi ngang qua, thấy cô vợ đang lúi hụi dọn dẹp. “ Chị ơi tụi em đóng cửa về quê liền đây. Hồi sáng em ráng mở cửa bán môt chút mà mấy ông trên phường ào tới lập biên bản bắt em đóng cửa liền không thì phải nộp phạt.” Ông chồng thì trệu trạo, “ Tiền thuê chỗ bà chủ giảm cho tụi em được một phần, mà đóng cửa không buôn bán gì được tiền đâu mà trả tiền nhà giờ. Nếu sang tháng mà vẫn căng vầy thì tụi em chết. Tiền vay mượn mở quán chớ em đâu có nhiều đâu.

Vậy là sắp tới đây mấy ông quan sẽ nghèo lắm đây…

Lynn Huỳnh

(VNTB) – Lệnh cấm bán vé số mà triều đình ban ra khiến thần dân nghèo khó khóc ròng vì hết còn được rảo khắp đường phố. Lệnh cấm này, dù chỉ mười lăm ngày thôi, cũng khiến các quan ông than vắn, thở dài vì sớm nghèo mất thôi (!?)

Chắc còn nhớ hồi mấy năm trước, tại buổi Họp báo kinh tế xã hội và định hướng phát triển của tỉnh Tiền Giang, ông Hồ Kinh Kha – Giám đốc Sở Tài chính tỉnh này cho biết có người bán vé số dạo thu nhập 100 triệu đồng/tháng.
“Nhiều thạc sĩ, tiến sĩ khi gặp tôi kể lại, họ từng xuất thân nhà nghèo, nhờ bán vé số mà có thể tiếp tục học lên cao, giúp ích xã hội. Ở Tiền Giang, nhiều trẻ em đi học một buổi, bán vé số một buổi cũng được 100 – 200 tờ. Cứ mỗi tờ lời 1.100 đồng thì các em kiếm từ 100.000 – 200.000 đồng/buổi”. Ông Kha nói.
Kinh hoàng, rất kinh hoàng bởi với thu nhập 100 triệu đồng/ tháng, tức là khoảng 1,2 tỷ bạc/ năm thì có lẽ chỉ có thua người buôn hàng cấm. Mà nghề này có hai cái hay là thứ nhất, không phải bỏ vốn, cũng chả phải đầu tư gì. Thứ hai, không sợ ế. Bán được bao nhiêu, thanh toán tiền bấy nhiêu, thừa trả lại.
Thu nhập 1,2 tỷ, tiêu pha 200 triệu – tức trung bình khoảng gần 600 ngàn/ngày, mỗi năm bỏ rẻ cũng có 1 tỷ rủng rỉnh. Nếu 10 năm chịu khó tích góp, sẽ có lưng vốn gần nửa 10 tỷ đồng. Quá sướng!
Như kể trên thì mắc gì đến mấy ông quan phải than vắn, thở dài?
Ai chẳng biết để có vé số mang đi bán dạo, thì phải có công ty chuyên nghề cờ bạc kinh doanh các con số. Tất cả các ‘ông bà lớn’ in tờ vé số ra để hốt bạc về, toàn là doanh nghiệp nhà nước cả. Khi mà thần dân rạc cẳng đi hang cùng ngõ hẻm bán tờ vé số để kiếm đến cả tỷ bạc tiền lời mỗi năm (!?), thì ắt hẳn các ‘quan ông – quan bà’ của mấy công ty xổ số kiến thiết còn thu về gấp cả trăm lần so người nghèo khó.
Quan mà đã mếu máo thì chắc hẳn thần dân cũng sớm ra đi theo cái con vi rút đến từ xứ Tàu lân bang.
__________________
Chú thích:

Nha Trang: tắm biển hay tắm cúm tàu?


Bãi tắm Nha Trang đông nghịt người, chiều 30/3. Ảnh: Xuân Ngọc.
Bãi tắm Nha Trang đông nghịt người, chiều 30/3. Ảnh: Xuân Ngọc.

Trong khi Việt Nam rất thành công trong việc chống lại đại dịch Corona bằng những biện pháp nhanh chóng nhất thì gần đây hiện tượng “bất hợp tác” với chình quyền đã dấy lên lo ngại dịch cúm tàu sẽ bùng phát tại Hà Nội đang làm chính phủ lo lắng và trong ngày hôm nay chính phủ có thể ban hành biện pháp lockdown đối với hệ thống chuyên chở công cộng vốn là đôi chân của người dân cả nước sau khi lệnh giới nghiêm đang được xem xét thì người dân được khuyên nên ở nhà không nên ra ngoài ngoại trừ khi rất cần thiết.
Các nước trên thế giới đã ban hành luật lockdown từ nhiều ngày trước và luật pháp của nhiều nơi rất nghiêm khắc trước các hành vi không tuân thủ của người dân. Riêng Việt Nam, luật chưa ra những biện pháp chế tài nhưng đa số người dân tại các thành phố lớn đều tự thấy sức khỏe của mình và gia đình là nghiêm trọng nên hầu hết đều ở trong nhà và tránh không ra đường. Lần đầu tiên trong lịch sử Sài Gòn vắng vẻ một cách lạ thường vì người dân không sinh hoạt như trước. Quán xá đóng cửa, hàng rong vắng bóng, café vỉa hè không còn tồn tại, các hoạt động nhộn nhịp trước đây gần như không còn nữa và người dân vui vẻ thực hiện những điều mà chính phủ ban hành.
Tuy nhiên hình ảnh mới nhất tại Nha Trnag vừa qua khiến cả nước xôn xao lo lắng khi hàng ngàn người Nha Trang vô tư tập trung tắm biển và được nhiều tờ báo loan tải. Nó giống như một sự phản bội công khai nỗ lực của chính phủ và người dân cả nước. Nó giống như thách thức, mỉa mai sự công phá của con virus Vũ Hán và gần như nói lên não trạng của một bộ phận rất lớn trong dân chúng trước hiện tượng coi thường sự lây lan trong cộng đồng.
Và nó nói lên dân trí thấp kém của những người ăn vận rất văn minh nhưng hành động không khác thời ăn lông ở lỗ. Lỗi tại ai trong hành vi này?
Thứ nhất dĩ nhiên là chính bản thân người tắm, thứ hai là do hệ thống tuyên truyền chưa “thông não” được những con người không bao giờ theo dõi tin tức có liên quan đến gia đình và xã hội. Thứ ba, quan trọng nhất là cách đối phó của chính quyền địa phương trong công tác phòng chống dịch mà chính phủ đưa ra.
Chính quyền địa phương tuy biết hàng ngàn người tập trung tắm tại bờ biển do mình quản lý nhưng hầu như bất động trong nhiều tiếng đồng hồ. Không ai đưa ra biện pháp ngăn chặn, cách ly hay ít nhất là kiểm soát danh tính của người tham gia để có biện pháp về sau. Những con người đó có thể mang mầm bệnh mà chưa biết và sự phát tán của chính bản thân họ trong cộng đồng là điều mà cả nước đang lo lắng.
Vụ việc tại bệnh viện Bách Mai đang làm chính phủ phải cất công điều tra danh tính của hơn 40 ngàn người được cho là có khả năng lây nhiễm còn đang khiến cả nước run sợ thì Nha Trang sẽ là điều tồi tệ hơn vì hàng ngàn người tắm biển có thể khiến Việt Nam không hề thua kém Ý hay Tây Ban Nha.
Những kẻ thiếu trách nhiệm này cần cách ly đặc biệt cho dù họ có mang mầm bệnh hay không và mọi chi phí họ phải chịu chi trả. Đây là biện pháp răn đe hữu hiệu nhất cho những địa phương khác nếu có người nào vẫn xem thường con virus cúm tàu.
Nha Trang trước đây đã nổi tiếng nhiều về các vụ đưa rước người Trung Quốc vào du lịch nay thành phố này không rước người mà rước cúm cũng là cách tôn vinh hữu nghị chăng?
Đừng để hậu quả xảy ra khi một nhóm người thiếu ý thức không bị trừng phạt.

Khi Chủ tịch Hà Nội phải xin phép công bố bệnh COVID-19

Diễm Thi, RFA-2020-03-30 
Một người đàn ông mang khẩu trang đi ngang qua một tấm áp phích mô tả trái đất mang khẩu trang, ở lối vào của một chung cư ở Hà Nội vào ngày 30 tháng 3 năm 2020.
Một người đàn ông mang khẩu trang đi ngang qua một tấm áp phích mô tả trái đất mang khẩu trang, ở lối vào của một chung cư ở Hà Nội vào ngày 30 tháng 3 năm 2020.AFP
Chỉ có Bộ Y tế mới được khẳng định dương tính
Sáng 29 tháng 3, Thủ tướng chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp trực tuyến về công tác phòng chống dịch COVID-19 tại 5 thành phố trực thuộc Trung ương: Hà Nội, TP HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng và Cần Thơ. Tại cuộc họp, Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung xin phép cho Hà Nội được công bố ca bệnh COVID-19 khi có kết quả xét nghiệm để xử trí kịp thời.
Ông Nguyễn Đức Chung nêu một sự việc xảy ra trước đó, hôm 19 tháng 3, khi nắm được thông tin 2 y tá tại Bệnh viện Bạch Mai dương tính, ông đã kiến nghị xem xét phong tỏa một số khoa trong Bệnh viện Bạch Mai và "đóng băng" bệnh nhân đang điều trị trong bệnh viện này. Tuy nhiên, kiến nghị của ông đã không được chấp thuận. Bộ Y Tế và lãnh đạo Bệnh viện Bạch Mai thống nhất quan điểm chỉ đóng băng một số tầng và khoa có bệnh nhân dương tính.
Vì sao ông Nguyễn Đức Chung, vị đứng đầu thành phố lại không thể công bố kết quả những ca xét nghiệm dương tính với COVID-19 mà phải đề xuất cho phép công bố?
Truyền thông trong nước trích lời Phó giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, ông Dương Đức Hùng rằng, chỉ có Bộ y tế mới được khẳng định dương tính hay không. Tất cả các cơ sở y tế không được phép khẳng định là dương tính. Đó là quy định.
Ông Trần Bang, một nhà đấu tranh ở Hà Nội lập tức đưa ra một loạt câu hỏi trên mạng xã hội như Bộ y tế độc quyền công bố thông tin để phục vụ mục đích gì? Để che giấu sự thật về bệnh dịch, điều đó làm tăng lây nhiễm bệnh và chết dân, nhưng có lợi cho phe Đảng nào? Để lây lan dịch bệnh càng rộng thì Bộ y tế càng được chi nhiều tiền chống dịch sao? Hay Bộ y tế muốn nhân dịch bệnh để giảm dân số VN xuống để tăng thành tích, tăng số gường bệnh trên 1000 dân vào năm sau?
Ông Trần Bang kết luận rằng, “Che đậy tin, làm chậm tin, làm sai tin về dịch bệnh lây lan là tội ác! Giải tán Bộ y tế ngay cho dân nhờ!”
Ông Trần Bang nói thêm với RFA:
“Theo tôi thì ông Chung phải đấu tranh chứ không phải đề xuất vì công bố một sự thật thì việc gì các ông ấy phải sợ?
Khi cần thì một ông bác sĩ có thẩm quyền ký xác nhận vào kết quả xét nghiệm là âm tính hay dương tính đã có quyền công bố chứ không cần đến bộ hay tỉnh. Công bố ra báo chí và báo cáo theo ngành dọc để tổng kết nhưng đồng thời cũng phải thông tin ngay cho địa phương”
Theo quy định hiện nay, dù Bộ y tế đã cho phép 22 phòng xét nghiệm được xét nghiệm khẳng định COVID-19, nhưng địa phương không có thẩm quyền công bố ca dương tính mới mà phải đợi quyết định của Bộ Y tế cho phép mới được công bố.
Ông Nguyễn Đức Chung vì dân?
Chủ tịch Thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung
Chủ tịch Thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung AFP
Nhiều người dân cho rằng, với bản tính dấu giếm xưa nay của người cộng sản thì việc ông Nguyễn Đức Chung đề xuất được công khai dịch bệnh là tín hiệu tích cực.
Bác sĩ quân đội Đinh Đức Long nhận định rằng, đề xuất của ông Chung có lợi cho dân và cho uy tín của chính ông Chung. Nếu để xảy ra thảm họa thì ông sẽ phải chịu trách nhiệm là người đứng đầu thành phố, nên ông Chung buộc phải đề xuất như vậy.
Ông Đinh Đức Long nói thêm:
“Theo ý kiến cá nhân tôi thì ấy đề xuất của ông Nguyễn Đức Chung thứ nhất là rất trách nhiệm, thứ hai là kịp thời, đúng lúc, có tầm nhìn xa.
Ông Chung tiên lượng rằng tình hình sẽ rất phức tạp, chưa thể dự đoán khi nào kết thúc. Ông Chung từng chủ động đề ra nhiều cái rất hay mà sau đó xảy ra đúng như thế. Ví dụ ông Chung đề nghị phải kiểm soát ổ dịch bệnh viện Bạch Mai. Rồi trước đó vụ bệnh nhân số 21, bệnh nhân Nguyễn Quang Thuấn. Những điều ông Chung nói ra rất nhạy cảm và chính xác mà chưa thấy quan chức nào nói, nếu nói thì nói theo hướng nhẹ đi. Thực tế là xảy ra theo hướng ông Chung đã dự đoán.”
Nhiều người Việt Nam mà RFA trò chuyện đều khẳng định chính phủ Việt Nam đang làm tốt việc phòng chống dịch. Tuy vậy họ vẫn không tin những con số từ chính quyền đưa ra. Khi thế giới có đến hơn 36 ngàn người chết mà Việt Nam không có một ca nào. Ngay cả cái chết của một cụ bà 81 tuổi trong khu cách ly tại Trường Quân sự tỉnh Tiền Giang cũng được báo chí loan rằng âm tính với COVID-19.
Theo thừa nhận của nhà báo tự do Sương Quỳnh, cả ông Vũ Đức Đam và ông Nguyễn Đức Chung đều nỗ lực ngăn chặn dịch. Họ làm tất cả những gì có thể nhưng chuyện công bố hay không đều do bộ chính trị, do bên tuyên giáo quyết định. Ông Chung sợ sau này bị ‘thí chốt’ nên phải đưa đề xuất để sau này không bị đổ trách nhiệm. Nhà báo Sương Quỳnh nói thêm:
“Có người khen ông Chung phá rào, nhưng nếu can đảm thì ông ta phá rào lâu rồi.
Bây giờ các nhân vật lãnh đạo tuyên bố gì mình cũng phải nghi ngờ. Ông Chung nói thì có vẻ đứng về phía nhân dân, nhưng cũng có thể đó là cái chiêu trò của họ. Tất cả những chiêu trò đấy đều có sự tính toán của bộ chính trị, của ban tuyên giáo hết. Không bao giờ có người nào được phép làm điều đấy cả. Tôi chắc chắn luôn!”
Ông Trần Bang nêu một nguyên tắc của đảng cộng sản mà ông cho là nguyên tắc tập trung dân chủ. Do đó với vai trò là ủy viên trung ương trong khi Hội đồng chống dịch lại là của cấp nhà nước nên ông Chung không dám vượt mặt. Ông phân tích:
“Nguyên tắc “tập trung dân chủ” của đảng cộng sản đầy mâu thuẫn, nó dẫn đến độc tài mang danh dân chủ. Mất quyền tự do ngôn luận, mất nhân quyền. Quy định đó là quy định ngăn chặn tự do ngôn luận - một quy định sai. Ngay đảng viên cao cấp như ủy viên trung ương cũng không được tự do ngôn luận. Đấy là cái bậy, cái ngu ngốc của đảng cộng sản.”
Tại cuộc họp về phòng chống dịch diễn ra ngày 30 tháng 3, Chủ tịch thành phố Hà Nội nhận định thành phố này đang bước vào giai đoạn nguy hiểm của dịch COVID-19. Cùng ngày, Bộ Y Tế thông báo có thêm 9 ca bệnh mới, nâng tổng số trường hợp nhiễm COVID-19 cả nước lên 203 ca, trong đó Hà Nội có 71 ca.
Cũng theo Bộ Y Tế thì số ca nhiễm được chữa khỏi ở Việt Nam là 55 trường hợp, trong khi thế giới cho rằng hiện vẫn chưa có thuốc chữa nên họ chỉ dùng từ “hồi phục” thay cho “được chữa khỏi”.
Phát biểu kết luận tại phiên họp Thường trực chính phủ chiều 30 tháng 3 về biện pháp phòng, chống dịch COVID-19, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đồng ý công bố dịch trên toàn quốc.

Câu từ của cơ quan công quyền, lãnh đạo khiến dân lo sợ, bất mãn!

RFA-2020-03-30 

Hai công văn do Sở Tài nguyên-Môi trường TP.HCM ban hành trong ngày 26 và 27/03/2020.

Hai công văn do Sở Tài nguyên-Môi trường TP.HCM ban hành trong ngày 26 và 27/03/2020.RFA edited

Công văn về hỏa táng “bệnh nhân có thể tử vong”

Công văn số 2285 do Phó Giám đốc Sở Tài nguyên-Môi trường TP.HCM, bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ ký và ban hành ngày 26/3 gây phẫn nộ gay gắt trong dư luận.
Nội dung của công văn này chú trọng vào công tác phòng chống dịch COVID-19 trong phạm vi của thành phố. Trong đó đã ghi “để ứng phó với các tình huống khẩn cấp có thể xảy ra trong tình hình dịch bệnh, đặc biệt với tình huống cần phải hỏa táng các bệnh nhân nặng nhiễm virut Covit-19 có thể tử vong”.
Nhà báo Võ Văn Tạo, từ Nha Trang lên tiếng với RFA vì sao công văn 2285 bị chỉ trích dữ dội:
“Thông thường không nghĩ gì khác thêm, sâu thêm và căn cứ vào câu chữ thì công chúng đều có quyền nghĩ rằng là trường hợp nhiều và khẩn cấp quá sẽ cho thiêu luôn những người sắp chết do cúm. Điều đấy rất là dở và trên mạng xã hội đã phát hiện ra, phản đối dữ dội thì theo như tôi nhớ là khoảng hơn nửa ngày hay một ngày gì đó Sở Tài nguyên-Môi trường TP.HCM đã rút lại công văn đó.”
Nhà ngôn ngữ học-Tiến sĩ Hoàng Dũng, giảng viên Đại học Sư Phạm TP.HCM tiếp lời với RFA:
“Xin lưu ý rằng người ký văn bản mà dư luận phản đối đến nỗi UBND TP.HCM phải yêu cầu kiểm điểm là một cô phó giáo sư-tiến sĩ ngành môi trường; nghĩa là người có học. Có thể cô không viết văn bản đó mà do cấp dưới viết, nhưng cô ký vào văn bản đó cho thấy rằng cô đọc mà cô không thông hiểu, không nhìn thấy về mặt tiếng Việt trong văn bản đó kỳ lạ và khiến cho người ta hiểu lầm. Tôi nghĩ đây chỉ phản ánh về trình độ diễn đạt tiếng Việt thôi, chứ không ai mà lại đem đi hỏa táng những người chưa chết. Nguyên văn trong công văn ghi ‘có thể tử vong’, tức là còn sống thì không ai hỏa táng cả. Thế nhưng ký vào văn bản như thế mà không gợn lên trong đầu điều gì cả thì có vấn đề về trình độ.”
Xin lưu ý rằng người ký văn bản mà dư luận phản đối đến nỗi UBND TP.HCM phải yêu cầu kiểm điểm là một cô phó giáo sư-tiến sĩ ngành môi trường; nghĩa là người có học. Có thể cô không viết văn bản đó mà do cấp dưới viết, nhưng cô ký vào văn bản đó cho thấy rằng cô đọc mà cô không thông hiểu, không nhìn thấy về mặt tiếng Việt trong văn bản đó kỳ lạ và khiến cho người ta hiểu lầm. Tôi nghĩ đây chỉ phản ánh về trình độ diễn đạt tiếng Việt thôi, chứ không ai mà lại đem đi hỏa táng những người chưa chết. Nguyên văn trong công văn ghi ‘có thể tử vong’, tức là còn sống thì không ai hỏa táng cả. Thế nhưng ký vào văn bản như thế mà không gợn lên trong đầu điều gì cả thì có vấn đề về trình độ
-Tiến sĩ Hoàng Dũng
Sở Tài nguyên-Môi trường TP.HCM vào ngày 27/3, qua công văn số 2319 thông báo thu hồi công văn số 2285, mà không có lý do giải thích vì sao.
Giám đốc Sở Tài nguyên-Môi trường, ông Nguyễn Tòan Thắng, tại cuộc họp báo vào chiều ngày 28/3, đã nhận trách nhiệm về việc ban hành văn bản số 2285 có nội dung hướng dẫn không rõ ràng.

Thông tin truyền thông gây hiểu lầm

Trong khi dư luận chưa kịp lắng dịu liên quan công văn vừa nêu, dân chúng lại tiếp tục đón nhận thông tin gây hoang mang từ báo chí trong lúc Chính phủ Việt Nam đang ra sức tuyên truyền ngăn chặn số ca nhiễm không tăng cao trong vòng 14 ngày tới. Điển hình, Báo mạng Tiền Phong, vào ngày 29/3 đăng tải bản tin có tựa đề “60 ca mắc COVID-1 ở Việt Nam đã âm tính, 1 ca rất nặng được rút ống thở’. Trong bản tin ghi rõ “Ba bệnh nhân rất nặng thì 1 bệnh nhân đã rút ống thở trong đêm 28/3”.
Nhà báo Võ Văn Tạo giải thích về nội dung bản tin đăng trên báo mạng Tiền Phong hôm 29/3:
“Đúng là khi nghe truyền thông nói là một số ca nặng đã có ca rút ống thở. Cụm từ ‘được rút ống thở’ trong xã hội Việt Nam thì thông thường được hiểu là rút ống thở cho chết.”
Theo ghi nhận cá nhân, Nhà báo Võ Văn Tạo cho rằng từ trước đến nay tình trạng nội dung không rõ ràng, từ ngữ sử dụng không chuẩn mực trong những văn bản của các cơ quan nhà nước vốn đã như thế và bây giờ do tình hình dịch bệnh nguy cấp nên được dư luận chú ý nhiều hơn và phản ánh mạnh mẽ hơn. Nhà báo Võ Văn Tạo nhấn mạnh:
“Qua hai hiện tượng này, tôi không nghĩ là do tại vì tình hình dịch cúm COVID-19 đâu, mà thực chất là do trình độ cán bộ trong bộ máy quản lý nhà nước, cũng như là các phóng viên, biên tập viên trong các tờ báo chất lượng xuống lắm. Đọc các thông tư, nghị định…thì còn thấy dấu chấm, dấu phẩy chưa đúng chứ đừng nói điều gì khác. Chuyện này không có gì là ngạc nhiên vì năng lực cán bộ là như thế.”
Nội dung bản tin đăng trên Báo mạng Tiền Phong ngày 29/03/2020.
Nội dung bản tin đăng trên Báo mạng Tiền Phong ngày 29/03/2020. Courtesy: Ảnh chụp màn hình tienphong.vn
Đồng quan điểm với Nhà báo Võ Văn Tạo, Tiến sĩ Hoàng Dũng khẳng định cán bộ yếu kém ở khắp các cơ quan trong hệ thống công quyền:
“Tôi nghĩ rằng việc bổ nhiệm người có trách nhiệm là có vấn đề. Nhìn ở đâu cũng thấy như vậy cả. Rất nhiều người không xứng đáng ngồi ở vị trí có quyền quyết định. Họ đọc một văn bản mà họ không hiểu. Họ viết một câu sai mà họ không thấy. Tôi nói một cách khách quan chứ chưa nói đến họ cố ý thì phần họ gây thiệt hại lớn hơn phần họ đóng góp.”
Đài RFA ghi nhận người dân Việt Nam cũng đang rất hoang mang trước thông tin bị phạt nếu ra đường không đeo khẩu trang để phòng chống dịch COVID-19; trong khi Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, hồi tháng 2, tuyên bố trong một cuộc họp báo rằng không nhất thiết phải đeo khẩu trang y tế phòng virus corona.

Lỗi do cơ chế

Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Chu, trong một bài viết đăng trên trang facebook cá nhân vào ngày 28/3, cho rằng các ông bộ trưởng của Việt Nam bị con virus Trung Quốc “xé áo cho người xem lưng”.
Trong bài viết, Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Chu nêu rõ Bộ Y tế Việt Nam bị con virus làm đau đầu. Bên cạnh đó, Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Chu còn chỉ đích danh 4 ông Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp-Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ Thông tin-Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng và Bộ trưởng Bộ Giáo dục-Đào tạo Phùng Xuân Nhạ trong khi đối phó với dịch COVID-19 đã cho thấy họ hoàn toàn dựa vào cấp dưới, trình gì đọc đó mà không có năng lực của một người lãnh đạo cấp bộ trưởng.
Tiến sĩ Hoàng Dũng cho rằng Nhà nước Việt Nam cần phải xem xét lại quy trình bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, nhất là qua kinh nghiệm trong đối phó với dịch bệnh COVID-19 này.
Tuy nhiên, Nhà báo Võ Văn Tạo bày tỏ ông không nhìn thấy dấu hiệu lạc quan nào trong tương lai gần:
Qua hai hiện tượng này, tôi không nghĩ là do tại vì tình hình dịch cúm COVID-19 đâu, mà thực chất là do trình độ cán bộ trong bộ máy quản lý nhà nước, cũng như là các phóng viên, biên tập viên trong các tờ báo chất lượng xuống lắm. Đọc các thông tư, nghị định…thì còn thấy dấu chấm, dấu phẩy chưa đúng chứ đừng nói điều gì khác. Chuyện này không có gì là ngạc nhiên vì năng lực cán bộ là như thế
-Nhà báo Võ Văn Tạo
“Tôi nghĩ không hy vọng gì qua đó họ rút được kinh nghiệm về chất lượng cán bộ và để cơ cấu vào trong bộ máy nhà nước cho tương lại, tại Đại hội Đảng XIII sắp tới. Bởi vì không thể nào rút được kinh nghiệm, tìm được ở đâu ra (cán bộ giỏi) khi quy hoạch từ cấp dưới lên trên, chẳng hạn như cán bộ cấp huyện được cử đi học ở các trường chính trị để trở thành cán bộ nguồn thì họ cũng lựa những người không giỏi quá, chỉ vừa vừa thôi nhưng chủ yếu là phải ‘biết điều’; nghĩa là không cãi cự ai, không làm mất lòng ai, quà cáp thường xuyên, gặp lãnh đạo cấp trên thì khúm núm và nịnh bợ…Thế cho nên không thể đào đâu ra được cán bộ có năng lực để thay thế cho bộ máy mà tôi cho rằng không có năng lực hiện nay.”
Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Chu, qua bài viết của ông đã quả quyết rằng “Chừng nào còn tồn tại luật bất thành văn, rằng cứ Ủy viên Trung ương Đảng là đương nhiên làm bộ trưởng hay đứng đầu các tỉnh thành, thì chừng đó Việt Nam mãi còn tụt hậu”.
Mới đây nhất, tại cuộc họp trực tuyến với 5 thành phố lớn vào sáng ngày 29/3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kêu gọi vận dụng tinh thần trong thời chiến là “Tranh thủ từng giờ, từng phút, xốc tới mặt trận, giải phóng miền Nam. Quyết chiến và toàn thắng!" vào công cuộc phòng chống dịch COVID-19 của đất nước trong hiện tại.
Lời kêu gọi này vấp phải sự ta thán của không ít người Việt, vì cho rằng sự ví von của ông Thủ tướng hoàn toàn không phù hợp trong thời điểm dân tộc Việt tưởng niệm 45 năm ngày chiến tranh Việt Nam kết thúc.

VN tăng cường chống dịch: cách ly xã hội trên toàn quốc 15 ngày

Theo VOA-01/04/2020 
Một nhân viên khử trùng máy bay ở Việt Nam, tháng 3/2020. Screenshot of Thanh Nien (Official publication)
Một nhân viên khử trùng máy bay ở Việt Nam, tháng 3/2020. Screenshot of Thanh Nien (Official publication)
Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc hôm 31/3 ban hành chỉ thị thực hiện cách ly xã hội trên toàn quốc trong 15 ngày để kiềm hãm đà lây lan của dịch COVID-19.
Theo báo chí trong nước, Thủ tướng Phúc hôm nay ban hành Chỉ thị 16 thực hiện cách ly xã hội trên toàn quốc trong 15 ngày - khởi sự từ ngày 1 tháng Tư, hạn chế người dân rời khỏi nhà và cấm tụ họp hơn hai người ở nơi công cộng, đồng thời đòi hỏi mọi người nếu có lý do dể rời khỏi nhà thì phải giữ khoảng cách ít nhất là 2m với người khác.
Chợ Bến Thành.
Nhưng báo Tuổi Trẻ dẫn lời Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, khẳng định rằng cách ly xã hội “không phải là phong tỏa hay là lệnh cấm”, mà là biện pháp để đảm bảo ứng phó trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh hồi gần đây.
Tuổi Trẻ dẫn lời Bộ trưởng Mai Tiến Dũng giải thích:
“Không có chuyện phong tỏa, cũng chưa phải là lệnh cấm hoàn toàn người dân ra đường. Chỉ thị đưa ra biện pháp mạnh để hạn chế tiếp xúc đông người, tránh lây nhiễm, hạn chế đi lại.”
Các trường hợp ngoại lệ được miễn là các công xưởng, doanh nghiệp, dịch vụ sản xuất hay cung cấp hàng hóa thiết yếu cho sinh hoạt bình thường của người dân.
Tuy nhiên các cơ sở được phép mở cửa phải bảo đảm nhân viên phải tuân theo các hướng dẫn nghiêm ngặt về sức khỏe, đồng thời phải bảo vệ người lao động.
Với hơn 75.000 người đang bị cách ly, vào chiều thứ Ba 31/3, Việt Nam báo cáo 204 trường hợp nhiễm COVID-19, vẫn không có trường hợp tử vong nào, và 55 người đã được chữa khỏi bệnh vào chiều thứ ba 31//3.
Trước đó vào ngày 29/3, Thủ tướng Nguyễn Xuân PHúc loan báo tạm ngưng tất cả các chuyến bay tới Việt Nam trong hai tuần tới, trong nỗ lực nhằm kiềm chế dịch COVID-19.

Tuyên giáo ‘bác tin’ phó chủ tịch Sài Gòn nói ‘có 43,000 ca nhiễm COVID-19’

SÀI GÒN, Việt Nam (NV) – “Sáng nay tới nay đến bây giờ đã có tổng cộng 43,000 ca nhiễm [COVID-19] rồi, hơn 100 ca tử vong, nâng số tử vong lên 1,000 ca,” ông Lê Thanh Liêm, phó chủ tịch thường trực thành phố Sài Gòn được nhìn thấy nói như vậy trong video clip được tung lên mạng và đang nhận được hàng vạn lượt người xem trên YouTube.
Đoạn clip không cho thấy dấu hiệu bị chỉnh sửa hay lắp ghép.
Tuy vậy, báo Tuổi Trẻ hôm 30 Tháng Ba dẫn nguồn Ban Tuyên Giáo Thành Ủy Sài Gòn nói video clip dẫn lời ông Lê Thanh Liêm “bị cắt ghép với dụng ý xấu, xuyên tạc từ clip phỏng vấn của báo Tuổi Trẻ trong dịp ông Liêm đi thực địa kiểm tra [bệnh viện dã chiến và là nơi cách ly tập trung người về từ vùng dịch] tại Củ Chi ngày 11 Tháng Hai.”
Báo này cũng viết thêm rằng nhà chức trách “đang điều tra người nào lan truyền clip này để xử lý nghiêm”.
Trước đó, báo Tuổi Trẻ bị cho là đã đăng clip này và mau chóng xóa đi sau đó.
Dường như cách Ban Tuyên Giáo Thành Ủy Sài Gòn vội vã bác bỏ tin liên quan đến clip ghi lại phát ngôn của ông Liêm không thuyết phục được cộng đồng mạng. Nhiều ý kiến trên Facebook nói rằng cách hiệu quả nhất là giới chức Sở Thông Tin Truyền Thông ở Sài Gòn trưng bằng chứng, đưa ra video gốc để mọi người khắp nơi mổ xẻ.
Facebooker Đoàn Dũng bình luận trên trang cá nhân: “Nếu ông Lê Thanh Liêm phát biểu sai thì phải có lời xin lỗi hoặc đính chính rõ ràng, không thể xóa là xong. Lời nói của ông đăng trên hai trang web [của báo Tuổi Trẻ và Ủy Ban Nhân Dân thành phố Sài Gòn] đã gây hoang mang dân chúng từ ngày 11 Tháng Hai đến nay, hơn một tháng rưỡi. Nếu dân chúng hiểu sai ý biểu đạt của ông Liêm thì lỗi cũng không ai khác ngoài ông Liêm, do chính ông phát biểu mập mờ, không nói những ca bệnh đó xảy ra ở đâu? Khi dân đưa thông tin sai, các ông phạt, còn các ông phát biểu sai thì không thể xóa dấu vết để chạy tội được. Nếu các ông vẫn tiếp tục hành xử như thế thì sau này đừng bao giờ hỏi tại sao dân không còn tin chính quyền nữa!”
Ông Lê Thanh Liêm, phó chủ tịch thường trực thành phố ở Sài Gòn. (Hình: VnExpress)
Vài ngày trước, công luận xôn xao vụ Sở Tài Nguyên – Môi Trường Sài Gòn đưa ra công văn hỏi các lò thiêu xác tại thành phố “có thể nâng công suất tối đa, hoạt động 24/7 để thiêu các bệnh nhân nặng nhiễm virus COVID-19 có thể tử vong”. Văn bản này do bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ, phó giám đốc Sở, ký.
Sau đó, truyền thông nhà nước dẫn lời ông Nguyễn Toàn Thắng, giám đốc Sở Tài Nguyên – Môi Trường ở Sài Gòn, “nhận trách nhiệm của người đứng đầu trong việc phát hành văn bản hướng dẫn có nội dung không rõ ràng”.
Báo Thanh Niên hôm 28 Tháng Ba cho hay, thường trực Ủy Ban Nhân Dân thành phố Sài Gòn “đã chỉ đạo yêu cầu [Sở Tài Nguyên – Môi Trường] xử lý nghiêm khắc và cung cấp thông tin đầy đủ về quan điểm chỉ đạo của thành phố đối với công tác phòng chống dịch COVID-19”. Tuy vậy, đến nay, không thấy báo đảng cập nhật tin về việc bà Mỹ hoặc giới chức nào khác của Sở Tài Nguyên có bị kỷ luật hay chưa.
Trong lúc dịch bệnh COVID-19 vẫn đang diễn biến theo chiều hướng xấu, nhà cầm quyền CSVN tỏ ra rất “nhạy cảm” với các thông tin trên mạng xã hội về ca nhiễm và ca tử vong COVID-19.
Hai trường hợp gần nhất là Facebooker Nguyễn Sin ở Sài Gòn và Facebooker Đặng Như Quỳnh ở Hà Nội vừa bị “mời làm việc” vì các post Facebook về COVID-19.
Cùng thời điểm, báo đảng cũng cho hay thầy giáo Đ.Q.T., 42 tuổi, ở Hà Tĩnh, bị phòng An Ninh Chính Trị Nội Bộ (PA03) công an Hà Tĩnh xử phạt 10 triệu đồng ($421) vì một post Facebook của ông này bị cáo buộc “cung cấp nội dung thông tin sai sự thật”.
Post của ông Đ.Q.T. đưa bình luận: “Búa thì trực tiếp đập răng. Liềm giống lưỡi hái đã quăng vào mồm. Củng tại cái chị Cô vi…, nên các bác sợ cái gì đằng sau. Đeo vào chỉ một hồi lâu. Sau vứt sọt rác ai đâu nói gì… hê hê”.
Kèm theo post là hình ảnh hàng chục đại biểu đeo khẩu trang màu đỏ có hình búa liềm dự đại hội Đảng Bộ xã Phúc Sơn ở tỉnh Nghệ An.
Sau khi mạng xã hội bàn tán rôm rả về khẩu trang màu đỏ có hình búa liềm, báo Nghệ An đã lập tức xóa các ảnh khỏi bản tin. (N.H.K)

Dịch bệnh làm CSVN lao đao vì thất thu ngân sách

HÀ NỘI, Việt Nam (NV) .- Dịch bệnh kéo dài từ đầu năm đến nay làm hoạt động sản xuất trong nước chững lại, chế độ Hà Nội thất thu thuế khắp nơi, đang đối diện với nguy cơ khủng hoảng ngân sách.
Hôm Thứ Hai 30/3, tờ Tiền Phong thuật lời ông Nguyễn Việt Sơn, Vụ trưởng Vụ Dầu khí và Than cho hay, Tập đoàn Dầu khí quốc doanh (PVN) báo cáo tại cuộc họp “Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID -19 của Bộ Công Thương” trong tuần qua nói “nếu giá dầu xuống 30 USD/thùng kéo dài, doanh thu từ bán dầu thô của PVN chỉ còn 2.36 tỷ USD. Nộp ngân sách Nhà nước cũng tương ứng sẽ giảm từ 1.594 tỷ USD xuống còn 806 triệu USD”.
Nói khác, ngân sách nhà nước CSVN sẽ hụt thu mất một nửa từ phần tiền đóng góp của ngành dầu khí quốc doanh. Ba ngày trước đó, báo mạng VNExpress hôm 27/3 thuật lời báo cáo của ông Nguyễn Thành Phong, chủ tịch UBND thành phố Sài Gòn cho biết “nhiều chỉ tiêu kinh tế, xã hội quý I sụt giảm”. Trong đó “Covid-19 kéo dài ảnh hưởng lớn đến kinh tế, mỗi ngày thành phố thu ngân sách 899 tỷ đồng – giảm 33% so với cùng kỳ năm ngoái và 55% kế hoạch đề ra”.
Nền kinh tế của thành phố Sài Gòn là con bò sữa nuôi guồng máy đảng và nhà nước CSVN, có số thuế thu cho ngân sách nhà nước “cao gấp 1.1 lần tổng dự toán thu ngân sách của 4 thành phố trực thuộc trung ương còn lại là Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng và Cần Thơ”. Khi cái đầu tàu này kêu rên như vừa kể, chế độ Hà Nội sẽ vất vả nhiều khi thấy quan chức của chế độ tại Sài Gòn báo cáo “hơn 1,350 doanh nghiệp giải thể – tăng 37.6% so với cùng kỳ”.
Nhìn trên bình diện cả nước, báo Đấu thầu – Cơ quan của Bộ Kế hoạch và Đầu tư CSVN – ngày 20/3/2020 dựa trên báo cáo của Tổng cục Thuế, viết rằng “dịch Covid-19 và quy định về hạn chế tác hại của rượu, bia có thể khiến ngân sách nhà nước hụt thu (thuế) khoảng 30,000 tỷ đồng”. Đồng thời, “Tổng cục Hải quan cho biết, nếu 2 tháng đầu năm 2019 bình quân mỗi ngày thu 1,458 tỷ đồng, thì 2 tháng đầu năm nay chỉ thu được khoảng 1,308 tỷ đồng/ngày.”
Khách hàng xem xe Toyota triển làm mẫu xe nhỏ. Công ty Toyota vừa loan báo đóng cửa hãng sản xuất tại Việt Nam vì tình hình dịch bệnh COVID-19. (Hình: HOANG DINH NAM/AFP/GettyImages)
“Nhiều địa phương trên cả nước cho biết đang gặp khó khăn về thu ngân sách nhà nước (NSNN) do tác động của dịch Covid-19. Nguyên nhân giảm thu NSNN chủ yếu do doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, hoạt động xuất nhập khẩu chững lại và một phần chịu tác động từ giá dầu sụt giảm”, báo Đầu thầu viết.
Báo Đầu thầu phỏng vấn ông Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế – Tài chính thuộc Học viện Tài chính được thấy ông ta cho rằng, dù chưa có số liệu đầy đủ để đánh giá về mức tác động của dịch Covid-19 đến thu ngân sách nhà nước năm 2020 nhưng có thể thấy rõ là sẽ rất khó khăn.
“Hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhiều doanh nghiệp đang vô cùng chật vật nên nguồn thu từ các doanh nghiệp chắc chắn èo uột. Đồng thời, chính sách gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất (đang được lấy ý kiến) cũng sẽ làm nguồn tiền về ngân sách chậm hơn”, ông Độ nói.
Bà Sian Fenner, Cố vấn kinh tế của ICAEW và Trưởng nhóm nghiên cứu kinh tế châu Á – Oxford Economics – cho rằng với tình hình dịch bệnh như hiện nay ảnh hưởng trên cả mọi mặt xã hội, tăng trưởng của Việt Nam chỉ được khoảng 5.2%, theo cuộc phỏng vấn của tờ Trí Thức Trẻ. Quốc hội CSVN trong phiên họp cuối năm ngoái đặt chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế cho năm 2020 tới 6.8%.
Bộ Tài Chính CSVN ngày 16/12/2019 công bố “Dự toán ngân sách nhà nước năm 2020” liệt kê ra tổng thu ngân sách dự trù là 1,512,300 ngàn tỉ đồng trong khi dự chi lên tới 1,747,100 ngàn tỉ đồng, tức là bội chi 234,800 ngàn tỉ đồng (3.44%). Nay với “khó khăn thu ngân sách” khắp nơi, mọi ngành, người ta chưa biết chế độ Hà Nội làm thế nào đối phó với mức thâm thủng ngày càng trầm trọng.(TN)